Kỹ năng mềm

Bên Rặng Tuyết Sơn

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Swami Amar Jyoti

Download sách Bên Rặng Tuyết Sơn ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : Sách kỹ năng sống

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

LỜI NÓI ĐẦU

Cuốn sách này không phải là hồi ký, vì các nhân vật đều không có thực. Tuy nhiên, đây cũng không phải một tiểu thuyết hư cấu vì nó tiêu biểu cho những giai đoạn đi tìm đạo vẫn thường xảy ra tại Ấn Độ suốt mấy ngàn năm nay. Đối với người Ấn, việc tầm sư học đạo là một trong những giai đoạn quan trọng của cuộc sống mà mỗi người đều phải trải qua.

Đối với người Âu, cuộc sống bắt đầu khi sinh ra và kết thúc khi chết đi; song đối với người Ấn, cuộc sống kéo dài qua nhiều kiếp, trong đó mỗi kiếp sống chỉ là một giai đoạn để trải nghiệm và học hỏi, bởi cuộc sống thực giúp chúng ta biết được mình là ai, chứ không phải là lý thuyết hay chuỗi thời gian tồn tại vô ích. Sự tự biết mình giúp ta ý thức rõ hơn về cuộc sống, đưa ta trở về với nguồn gốc thiêng liêng cao cả vốn luôn hiện hữu bên trong mỗi con người.

Tôi hy vọng cuốn sách nhỏ này sẽ giúp độc giả nhận thức được ý nghĩa của cuộc sống, thấy rõ con đường mà mỗi người đang đi, để tìm về nguồn gốc thiêng liêng cao quý mà chúng ta đã vô tình quên mất từ lâu. Tuy câu chuyện được xây dựng dựa trên truyền thống và phong tục Ấn Độ, nhưng không phải vì thế mà tôi muốn đề cao một con đường tu tập hay một tôn giáo nào ở đất nước này. Các bạn hãy mở lòng mình mà đọc, vì câu chuyện này có thể xảy ra tại bất cứ nơi nào, hoàn cảnh nào, thời đại nào, và với bất cứ tín ngưỡng nào – vì chân lý bao giờ cũng hiển hiện một cách màu nhiệm, không phân biệt không gian và thời gian.

– Swami Amar Jyoti Pune, India 1988

CHƯƠNG 1

Mặt trời nhô lên khỏi đỉnh Tuyết Sơn, muôn ngàn tia sáng chói chang tỏa lan khắp thung lũng Saraswati. Đó đây, chim chóc cất tiếng báo hiệu một ngày vừa bắt đầu.

Một vị đạo sư già bước ra khỏi hang đá. Ông khoan thai đi dọc theo những bụi cây xanh mát còn ướt đẫm sương mai. Một làn gió nhẹ thổi qua làm lay động chòm râu bạc như cước. Ông ung dung bước xuống bờ suối gần đó, vươn tay vốc chút nước đưa lên miệng. Nước suối lạnh như băng, nhưng ông không lấy thế làm phiền. Uống xong ngụm nước, ông thong thả bước xuống dòng suối cho đến lúc nước ngập đến cổ, rồi ông dừng lại đọc một bài chú dài, thân hình trang nghiêm, bất động. Có vẻ dòng nước mãnh liệt kia không thể khiến ông chao đảo. Dường như đôi chân mảnh khảnh của ông đã bám rễ vào lòng suối.

Ông ung dung hoàn tất nghi thức cần thiết rồi bước lên một tảng đá phẳng gần đó, ngồi bắt chéo hai chân theo tư thế liên hoa. Chỉ thoáng giây sau, một làn khói mỏng từ cơ thể tỏa ra xung quanh. Những giọt nước bám trên thân thể ông bốc thành hơi vì thân nhiệt đang lưu chuyển mạnh. Hiển nhiên phải như thế, vì ông là một đạo sư đã luyện thành pháp tu “Tam Muội Hỏa” (phương pháp điều chuyển nhiệt trong mình). Dù thời tiết lạnh đến đâu, ông vẫn có thể mình trần ngồi trên tuyết lạnh. Ông sẽ ngồi như vậy cho đến khi mặt trời gần đứng bóng mới xả thiền, bước vào trong hang đá ăn chút trái cây rừng hái được từ hôm qua. Ăn xong, ông sẽ xuống thung lũng phía dưới hái trái cây để dành cho bữa ngày mai, rồi tiếp tục thiền định cho đến xế chiều mới bước vào trong động nghỉ ngơi.

Có tiếng chân người nhẹ bước trên lá khô. Con chim đang rỉa lông trên cành giật mình kêu lớn. Một thanh niên quần áo rách rưới, lưng đeo hành lý ở đâu bước đến. Anh đứng sững nhìn vị đạo sư ngồi yên trên tảng đá, rồi kêu lên một tiếng vui mừng, đặt hành lý xuống đất, bước đến quỳ mọp trước mặt ông. Vị đạo sư khẽ mở mắt nhìn chàng trai, đôi mắt hiền từ dưới vầng trán cao ánh lên vẻ hài lòng. Anh ngẩng đầu lên, ánh mắt bừng sáng. Bao vẻ mệt nhọc của chuyến hành trình dài dường như tan biến. Anh cung kính chắp tay chờ đợi. Chòm râu bạc của vị đạo sư khẽ rung trong làn gió nhẹ.

Ông thong thả nói:

– Satyakam, rốt cuộc rồi con cũng đến!

Chàng trai ngạc nhiên:

– Nhưng… nhưng sao ngài lại biết tên con?

Ông yên lặng không đáp, trên môi chỉ điểm một nụ cười thân ái.

– Thưa ngài, hình như… ngài biết trước rằng con sẽ đến đây?

Vị đạo sư vẫn im lặng. Hồ như ông biết câu trả lời không còn cần thiết nữa. Ông lặng lẽ ngắm nhìn chàng trai đang quỳ trước mặt, rồi chỉ xuống dòng suối:

– Con đi đường xa hẳn đã mệt rồi. Hãy xuống suối tắm rửa, rồi nghỉ ngơi trước đã. Ngày mai, chúng ta sẽ bắt đầu.

– Nhưng… nhưng con chưa nói cho ngài biết mục đích chuyến đi này của con. Thưa ngài, con đã đi tìm ngài suốt bao năm. Con đã trèo đèo lội suối, trải qua bao khó nhọc mới đến được đây. Xin ngài thu nhận con làm đệ tử…

Vị đạo sư ngắt lời:

– Ta biết rồi.

Ông ngừng một chút, nhìn chàng trai đang ngơ ngác, rồi mỉm cười:

– Này Satyakam, thầy trò ta đã có duyên với nhau từ bao kiếp rồi chứ đâu phải bây giờ mới gặp nhau! Con không nhớ sao?

– Thì… thì ra thế! Thì ra ngài đã là sư phụ của con từ nhiều kiếp trước.

Có lẽ vì quá xúc động, anh không nói thêm được câu nào nữa. Một dòng nước mắt chảy dài trên khuôn mặt bám đầy bụi đường. Anh run run úp mặt vào đôi bàn chân trần của vị đạo sư với vẻ thành kính. Ông đưa tay khẽ vuốt tóc anh, đoạn thong thả đứng dậy đi vào.

***

Mặt trời lên cao, tỏa muôn ngàn tia nắng ấm xuống thung lũng Saraswati. Một con chim lớn từ trên cao sà xuống suối rồi lại vỗ cánh bay lên. Những giọt nước long lanh bắn tung lên, trông như những hạt ngọc.

Vị đạo sư ngồi xếp bằng trên tảng đá cạnh dòng suối. Ông vừa thực hành nghi thức buổi sáng – trầm mình trong làn nước lạnh và đọc bài thần chú như thường lệ. Trong lúc ấy, vì chưa quen với khí hậu của rặng Tuyết Sơn, chàng trai phải khoác lên mình tấm áo choàng dày mà vẫn chưa hết rét. Anh ngồi trước sư phụ, chắp tay cung kính chờ đợi.

– Này Satyakam, bây giờ chúng ta hãy bắt đầu với những công phu mà con chưa hoàn tất trong kiếp trước.

– Nhưng thưa sư phụ, con không nhớ rõ con đã làm gì!

– Rồi con sẽ biết thôi. Ta không cần nói cho con biết về quá trình tu tập của con cũng như con đã tiến bộ đến đâu. Con phải biết rõ về mình chứ đừng trông chờ ta hay ai đó sẽ nói cho con biết về chính con. Qua công phu tu tập nội quán cũng như các nỗ lực của con trong thời gian tới, con sẽ nhận ra mình. Ta biết con có đầy đủ những đức tính cần thiết của một người đi trên đường đạo, đó là tính thành thật, chuyên cần, tinh tấn và dũng mãnh.

Ông ngưng một lát như để cho anh có thời gian suy ngẫm, rồi thong thả tiếp:

– Bài học đầu tiên của con là bắt đầu từ nay, con hãy chấm dứt việc tính toán, phân tích thời gian, giờ khắc, hay ngày tháng. Hãy để cho mọi việc tuần tự trôi đi. Hãy sống trọn vẹn từng phút giây. Hãy để cho ngày là ngày và đêm là đêm với đúng ý nghĩa của nó. Hãy để mọi việc xảy đến là kinh nghiệm về một điều mới lạ, một sự tỉnh thức, một chuyện ngạc nhiên. Đừng để sự sống trôi dạt vào quá khứ hay tương lai, mà hãy ý thức nó từng giây từng phút trong sự tỉnh thức hoàn toàn. Muốn như thế, con cần phải làm chủ thân, khẩu và ý, bởi cuộc sống thực không phải là một sự cố gắng, phấn đấu để đạt được cái này hay cái khác, mà là sự thoải mái, giải thoát tuyệt đối.

ĐỌC THỬ

Chàng trai rụt rè:

– Thưa sư phụ, vậy con cần phải tu tập trong bao lâu nữa mới đạt đến trạng thái trên?

Đạo sư mỉm cười lắc đầu:

– Này Satyakam, con lại nghĩ đến thời gian rồi! Chỉ khi nào thôi tính toán, con mới có thể hoàn toàn được giải thoát. Đây là một thói quen mà con cần phải trừ bỏ.

– Nhưng… nhưng thưa sư phụ, con cũng cần một thời gian để trừ bỏ những thói xấu này chứ?

– Dĩ nhiên là thế, nhưng đâu nhất thiết phải có một thời gian nhất định để làm việc này? Ai đặt cho con thời hạn đó? Tại sao con không ý thức rằng mình đang sống và sự sống thật sự không lệ thuộc vào thời gian hay không gian, mà là hoàn toàn thoải mái, hoàn toàn giải thoát? Con có ý thức giải thoát là gì không? Phải chăng con vẫn nghĩ rằng con có một số thói xấu nên cố gắng loại bỏ, thay đổi nó đi và khoảng cách giữa hai mốc điểm đó là thời gian? Tại sao con không làm cả hai việc đó cùng lúc – học hỏi thêm một số điều mới lạ, đồng thời bỏ bớt đi một số thói quen, thành kiến đã có từ trước? Sự sống thật sự không thể bị ràng buộc trong giới hạn thời gian, mà luôn sống động, không ngừng tuôn chảy. Đừng chia cắt nó ra thành những phần nhỏ. Đừng phân tích nó thành những mảnh vụn rời rạc. Đừng để thời gian trở thành một khuôn mẫu mà con phải sống theo. Nếu con tiếp tục suy nghĩ trong cái khuôn khổ giới hạn của thời gian, con sẽ tiếp tục huân tập cho một thói quen, và một thói quen được huân tập như vậy sẽ không dễ gì thay đổi được.

– Nhưng… nhưng cách suy nghĩ này hiện nay vẫn xoay vần trong đầu óc con, chi phối tư duy con. Làm sao… làm sao con có thể chinh phục hay loại bỏ được nó đây?

Vị đạo sư già mỉm cười nhìn anh với vẻ ưu ái, độ lượng. Ánh mắt hiền từ của ngài làm anh cảm thấy yên lòng. Anh định cất lời, nhưng vị đạo sư đã lên tiếng trước:

– Con hãy tập theo dõi những dòng tư tưởng đang nổi lên cuồn cuộn trong tâm mình. Chỉ theo dõi, không đè nén nó xuống, cũng không khơi động nó lên. Hãy quán sát một cách kiên nhẫn từng tư tưởng dấy lên rồi lại chìm xuống, và đợi cho đến khi nó nhẹ nhàng đến và đi một cách âm thầm, con sẽ thấy sự vi tế của nó. Mặc dù tâm con hết sức tĩnh lặng, nhưng sự vi tế của các tư tưởng thầm kín vẫn đến và đi như dòng nước đang tuôn chảy kia. Hãy quán sát tâm mình thật kỹ, rồi con sẽ hiểu được điều ta nói. Con có thể coi đó là một phương pháp, một kỹ thuật hay một điều chỉ dẫn của ta cũng được.

Ông ngừng lại, nhìn vẻ chăm chú của chàng trai, rồi mỉm cười:

– Đó là bài học vỡ lòng của con.

Anh thành kính quỳ xuống đất, hai tay ôm lấy đôi chân thầy. Anh định thốt lên mấy lời biết ơn, nhưng không cất nên câu. Vị đạo sư đặt nhẹ đôi tay lên đầu anh, một cảm giác ấm áp lạ lùng bỗng truyền đi khắp người anh. Vị đạo sư thong thả đứng dậy đi về phía động đá. Ông bước đi dáng vẻ ung dung, từng bước, từng bước vững chãi, thảnh thơi. Anh không còn cảm thấy lạnh nữa. Dường như trong lòng anh đang có một điều gì kỳ lạ, một niềm hoan lạc nhẹ nhàng khiến anh thấy nhẹ nhõm khác thường.

Bất chợt, anh ý thức rõ rệt từng hơi thở, từng nhịp đập của trái tim, sự rung động của từng thớ thịt. Đâu đây vang lên tiếng chim líu lo, tiếng gió thổi lay động lá cây, tiếng côn trùng ngân nga điệu nhạc tuyệt vời của vũ trụ. Anh bàng hoàng tự hỏi tại sao chỉ mới phút trước, anh còn quẩn quanh với bao ý niệm mà bây giờ chúng đã biến mất. Phải chăng đó là kết quả của buổi nói chuyện với vị đạo sư hay còn điều gì khác nữa?

Anh hít một hơi thật sâu. Một luồng hơi nóng trỗi lên, toàn thân anh ấm áp lạ lùng. Anh hơi ngạc nhiên nên hít thêm lần thứ hai. Luồng hơi nóng từ đan điền bốc lên nóng ran, chân tay tê tê một cảm giác kỳ lạ. Thế nhưng, đầu óc anh lại nhẹ hẫng, khác thường. Anh hít tiếp một hơi nữa và chợt ý thức luồng hơi nóng đang chạy khắp cơ thể. Cảm giác này quen thuộc làm sao! Hồ như anh đã từng làm việc này rồi! Nhìn vị đạo sư đang chậm bước đằng xa, anh muốn nói một lời gì đó, nhưng lại thôi. Đôi bàn tay anh lấm tấm những giọt mồ hôi. Anh hít thêm một hơi nữa để luồng hơi nóng lưu chuyển khắp thân thể. Tự nhiên, anh chợt hiểu và bật cười sung sướng. Chỉ trong thoáng giây, khắp mình anh đã toát đầy mồ hôi. Phải chăng anh đã phục hồi được khả năng trước kia? Anh bước về phía túp lều – mái lá đơn sơ anh vừa dựng hôm qua để làm chỗ nghỉ ngơi. Đôi chân nhẹ như bay, chỉ chớp mắt, anh đã bước vào trong lều. Anh sung sướng quỳ xuống, bật thốt lên một câu ngắn: Cảm ơn. Cảm ơn sư phụ!

Ngày tháng trôi.

Mỗi buổi sáng, Satyakam đều theo sư phụ trầm mình xuống dòng suối lạnh và đọc các bài chú. Anh cũng chăm chỉ tọa thiền trên một phiến đá bằng phẳng, không xa chỗ tọa thiền của sư phụ bao nhiêu. Thời tiết ở rặng Tuyết Sơn không còn ảnh hưởng đến anh nữa. Anh có thể cởi trần ngủ qua đêm trong túp lều đơn sơ lợp bằng lá cây mà không hề thấy lạnh. Vị đạo sư có vẻ hài lòng.

Cuộc sống của vị đạo sư vẫn như xưa. Thỉnh thoảng, sau buổi thiền định, ông trao đổi vài câu với học trò, phần lớn là để trả lời thắc mắc hơn là chỉ dẫn điều mới lạ. Ông kiệm lời, chủ yếu là im lặng. Ông cứ để anh trình bày những điều còn nghi hoặc, song ông không giải đáp, khiến anh đâm ra bối rối. Khi bối rối, người ta thường cố gắng tìm hiểu thêm. Anh cũng vậy. Thế nhưng, vị đạo sư già vẫn ngồi yên, kiên nhẫn nghe học trò tiếp tục trình bày ý kiến. Chỉ đến khi anh không còn gì để nói nữa, ông mới nhẹ nhàng lên tiếng. Cũng có nhiều lúc, ngay khi vừa đặt câu hỏi, Satyakam thấy câu trả lời đã hiển hiện từ lúc nào rồi. Dường như nó đến cùng lúc với câu hỏi, và lúc đó, anh chỉ biết ngạc nhiên nhìn sư phụ, không biết nói gì nữa.

Đối với Satyakam, các công phu tu hành như việc ngâm mình trong dòng nước lạnh để thực hành nghi thức buổi sáng không phải là điều khó. Ngay cả việc ngồi thiền từ sáng đến trưa hoặc từ lúc chạng vạng cho đến nửa đêm cũng đã trở thành việc bình thường. Tuy nhiên, việc xả bỏ ý niệm về thời gian là một vấn đề hết sức nan giải. Các ý niệm, kỷ niệm, thói quen trong quá khứ ngày càng nổi lên ám ảnh tâm trí anh. Lúc nào trong tâm cũng có một cuộc đối thoại không ngừng giữa anh và chính anh. Lúc đầu, các cảm giác này còn mạnh và anh phải dùng hơi thở để trấn áp chúng, nhưng về sau, anh thấy rõ các cảm giác vi tế dâng lên cuồn cuộn, liên hồi trong tâm với muôn ngàn thắc mắc mà anh không kiểm soát nổi. Tuy biết là mình phải quán sát nó như một nhân chứng, nhưng anh vẫn thấy rõ mình có những yếu tố chủ quan và hay đồng hóa mình với những ý tưởng đó.

Sau một thời gian tu tập không thành, anh giãi bày với sư phụ và được ông chỉ dẫn rành rọt về việc theo dõi tư tưởng. Bất kỳ thắc mắc nào của anh cũng được trả lời một cách giản dị và thấu đáo. Chỉ khi đó, anh mới ý thức rằng mình không thể đi xa trên con đường này nếu không có một vị chân sư hướng dẫn. Khi anh biết khiêm tốn trước sự cao minh của sư phụ, thì công phu của anh bắt đầu tiến bộ hơn xưa.

Dần dần, anh thấy rõ các câu trả lời vốn có sẵn trong tâm mình, và vị đạo sư chỉ là người hướng dẫn, khơi gợi các yếu tố vi tế ẩn bên trong đó mà thôi. Satyakam thấy tự tin hơn trước. Đó không phải là lòng tự hào của bản ngã, mà là một niềm tin sắt đá, không lay chuyển rằng con người chỉ có thể tìm được câu trả lời khi họ biết hướng vào bên trong.

Thỉnh thoảng, hai thầy trò cũng xuống núi khất thực ở các làng mạc lân cận. Sonar là ngôi làng gần nhất, nằm chơ vơ trên đỉnh một ngọn đồi trọc. Muốn đến làng phải đi qua một chiếc cầu bện bằng dây thừng vắt ngang sông Saraswati. Qua khỏi cầu là hai cột đá với nhiều tảng lớn nhỏ xếp chồng lên nhau, nơi đánh dấu địa phận ngôi làng. Từ đây phải đi dọc theo một con đường đất quanh co nữa mới vào đến trong làng. Phần lớn nhà cửa tại đây đều cất bằng gỗ và đá, mái nhà lợp bằng nhánh cây khô.

Khi thấy hai thầy trò đi khất thực, dân làng đều chắp tay chào cung kính. Vài người vội lấy thực phẩm khô bỏ vào chiếc túi đẫy mà Satyakam mang bên mình. Mỗi lần được cúng dường như thế, chàng trai lại gật đầu đón nhận và nói khẽ: “Xin Thượng đế phù hộ cho con người hảo tâm này”. Thỉnh thoảng, cũng có vài người, vì chưa thông hiểu, thay vì cúng dường thực phẩm khô, lại đưa cho anh thức ăn đã nấu chín. Và Satyakam chắp tay lễ phép từ chối: “Xin cảm ơn lòng hảo tâm, nhưng chúng tôi chỉ ăn thực phẩm được nấu theo các cách nhất định mà thôi”. Đôi khi, cũng có người đưa anh ít vải để may quần áo hoặc một cái chăn cũ, và anh vui vẻ đón nhận. Khi bao đựng đã đầy, Satyakam trở về lối cũ. Nếu lúc đó có ai cúng dường, anh chắp tay cung kính nói: “Xin hẹn lần sau. Hôm nay chúng tôi đã có đủ dùng rồi”.

Dân làng Sonar hầu như ai cũng biết hai thầy trò nên trẻ con thường vây quanh và bắt chước các cử chỉ của họ. Có lúc, vị đạo sư bảo Satyakam đi đến một làng khác xa hơn. Có những ngôi làng vui vẻ tiếp đón vị đạo sĩ trẻ, nhưng cũng có nơi quát tháo, mắng chửi, đuổi đi. Dù hoàn cảnh nào, Satyakam cũng luôn giữ thái độ khiêm cung, không phân biệt. Thỉnh thoảng, đôi ba cô thôn nữ bạo dạn còn bước đến gần, tò mò nhìn ngắm vị đạo sĩ trẻ tuổi có thân thể cường tráng. Các cô cười khúc khích trêu chọc: “Anh kia, anh tên gì vậy?” hoặc “Này, anh kia đi đâu mà sao vội vàng vậy?”. Nghe những lời đó, Satyakam chỉ cúi đầu giữ cho bước đi được ung dung, có khi đọc thầm một vài câu thần chú để nhiếp tâm. Anh nhớ lời thầy dạy: “Không nên phản ứng trước nghịch cảnh. Đừng vui, cũng đừng buồn. Hãy giữ cho tâm không động. Một phản ứng, dù chỉ là phản ứng tự nhiên trước một nụ cười đẹp, cũng đủ để tạo ra vọng động rồi”. Phải chăng Satyakam ngã lòng trước những lời mời gọi đó? Phải chăng tâm anh còn xao xuyến? Satyakam biết mình hơn ai hết. Anh thản nhiên theo dõi phản ứng của tâm thức, không đè nén nó xuống và cũng không khơi động nó lên. Anh chỉ chú tâm quán sát tư tưởng, dù là những tư tưởng thật vi tế, xem chúng đã trỗi lên như thế nào, phát xuất từ đâu và từ từ chìm xuống ra sao. Anh biết một khi đã quán sát nó bằng cái tâm tĩnh lặng thì bất kỳ một tư tưởng nào cũng lặn lắng ngay, và rồi anh sẽ không quan tâm đến nó nữa. Anh biết rõ điều anh cần thực hành là cắt đứt ngay mọi suy tưởng về thời gian: không có quá khứ vì quá khứ đã qua; không có tương lai vì tương lai chưa đến; chỉ có hiện tại, và hiện tại là quan trọng hơn cả. Anh coi mỗi lần đi khất thực là dịp thực hành việc quán sát tư tưởng mình, và đó là một bài học giá trị, linh hoạt hơn những khi anh sống êm đềm bên cạnh thầy.

Thấm thoắt đã mấy mùa Đông qua. Nhưng Satyakam không còn để ý gì đến thời gian, chỉ chú tâm theo dõi tư tưởng như lời sư phụ dạy.

Vào một đêm trăng tròn, ánh trăng phản chiếu trên lớp tuyết bao phủ quanh đỉnh Tuyết Sơn phát ra những tia sáng chói lọi. Satyakam đang ngồi ngắm trăng trước lều thì đạo sư đi đến. Ông nhìn học trò một lúc rồi thong thả lên tiếng:

– Này Satyakam, tuy con đã tiến bộ nhiều so với trước, nhưng con chớ quên rằng con vẫn còn nhiều nấc thang cao hơn phải vượt qua. Sự tiến bộ trên đường đạo đòi hỏi sự cảnh giác không ngừng, do đó con đừng quên mục đích chính của đường đạo nhiệm màu này. Con phải coi con đường này như một nguồn cảm hứng thiêng liêng, sống động, nhờ thế con mới có thể vượt qua bao cám dỗ của các tư tưởng ích kỷ vẫn còn tiềm ẩn trong tâm. Mặc dù hiện nay, niềm an lạc tuyệt vời của sự hợp nhất với Thượng đế chưa đến với con, nhưng con nên nhớ con vẫn là Một với đấng cao cả. Con đã phát nguyện sẽ là người đem ánh sáng của ngài gieo rắc cho thế gian, do đó trước hết con phải là một tấm gương sáng để phản chiếu ánh sáng của ngài đi khắp nơi, tựa như đỉnh Tuyết Sơn đang phản chiếu ánh trăng xuống thung lũng Saraswati này vậy.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button