Kỹ năng mềm

100 Bí Quyết Để Có Được Mọi Điều Bạn Muốn

Lời giới thiệu

Họ có một công việc thuận lợi, tình yêu thăng hoa, gia đình hạnh phúc, của cải dư thừa, hay đơn giản, họ có mọi thứ theo cách họ muốn, bất kỳ lúc nào…

Là do họ may mắn? Thực ra may mắn chỉ chiếm một phần nhỏ. Tất nhiên, có những người có được xuất phát điểm thuận lợi hơn người khác, nhưng chúng ta đều biết những người gây dựng được một cuộc sống thành công và hạnh phúc đến từ mọi tầng lớp, hoàn cảnh, thậm chí bắt đầu với hai bàn tay trắng.

Trong cuốn sách này, tác giả nổi tiếng Richard Templar đưa ra những quy tắc thực tiễn và dễ áp dụng, lồng ghép với các tình huống cụ thể cả trong công việc lẫn đời sống cá nhân. Đọc cuốn sách, bạn sẽ biết cách có được mọi thứ mình muốn mà không cần hỏi xin bất kỳ ai.

Bạn sẽ khám phá ra bí mật của những người luôn có được điều mình muốn, và cách để người khác dễ dàng đồng ý với bạn. Kể cả những lúc bạn phải hỏi xin, bạn cũng sẽ biết nên nói gì và nói ra sao, để không bao giờ phải hỏi xin lại thêm lần nào nữa.

Ebook

NguồnChọn định dạng
SachvuiEPUB
TVEEPUB, MOBI, PDF
Link dự phòngChưa cập nhật

Đọc sách

Phiên bản đọc thử giúp đọc giả tham khảo trước khi mua sách giấy.

Dường như những người luôn có được điều mình muốn đều là nhờ may mắn. Nhưng thực ra may mắn chỉ chiếm một phần nhỏ. Tất nhiên, có những người có được xuất phát điểm thuận lợi hơn người khác, nhưng chúng ta đều biết những người gây dựng được một cuộc sống thành công và hạnh phúc đến từ mọi tầng lớp, hoàn cảnh, thậm chí bắt đầu với hai bàn tay trắng.

Vậy đâu là điểm khác biệt giữa những người luôn thành công và những người luôn gặp khó khăn, trở ngại? Nếu bạn quan sát mọi người (như tôi thường làm) thì bạn sẽ thấy có những người biết cách đạt được thứ mình muốn, còn những người khác thì không. Vợ tôi, người có xuất thân khá thuận lợi nhưng còn xa mới đến được vị trí hiện tại của cô ấy nếu không tập trung vào mục tiêu. Đôi khi mọi người vẫn nói rằng cô ấy thật may mắn vì có được lối sống như vậy, với nghề nghiệp hoàn toàn phù hợp với đám trẻ, và cô trả lời (lịch sự nhưng kiên quyết): “May mắn ư? Chả liên quan gì đến may mắn cả. Tôi đã trù liệu như vậy đấy.”

Mà đúng là như vậy. Cô ấy luôn biết rằng mình muốn sống trong một căn nhà cũ ở vùng quê với những chú chó mèo, con cái và một công việc sao cho phù hợp với tất cả. Để tôi kể cho bạn thêm một điều nữa. Trước khi chúng tôi gặp nhau – tám năm trước khi đứa con đầu lòng của chúng tôi ra đời – cô ấy đã có cơ hội được làm nghề tự do. Cô biết rằng sau này mình sẽ muốn có con và nghĩ: “Đây là công việc mà một ngày nào đó mình sẽ cần khi có em bé,” vì vậy cô đã đón nhận cơ hội này. Hẳn bạn đã hiểu tại sao cô ấy không muốn được người khác cho là “may mắn” khi có được một công việc mà cô có thể làm khi ở bên con cái.

Cách tiếp cận của vợ tôi không có gì đặc biệt. Ai cũng làm được. Bạn cũng làm được. Hãy quên vận may đi – nếu nó quyết định ở bên bạn trong một thời gian thì rất tốt, nhưng không có nó bạn vẫn có thể sống được. Điều quan trọng là biết rõ mình muốn gì, sau đó là biết cách đoạt được nó. Đó chính là nội dung của cuốn sách này.

Chúng ta thường hiểu nhầm rằng chỉ những người cực kỳ tự tin, to gan và bạo dạn mới có thể có được những gì mình muốn. Có lẽ đó là vì những người kiểu này rất thoải mái khi chỉ huy người khác hoặc thẳng thắn đòi hỏi những gì họ muốn. Nhưng đó không phải là tất cả. Tất nhiên nếu bạn không thực sự tự tin hoặc quyết đoán thì có lẽ bạn không muốn đòi hỏi. Tôi hoàn toàn hiểu được cảm giác của bạn. Bạn không muốn gây khó dễ cho người khác, hoặc không muốn bị từ chối. Có thể đơn giản là bạn cảm thấy khó khăn khi bộc lộ cảm xúc của mình trước người khác khi bàn bạc về những gì thực sự quan trọng đối với bạn. Không sao cả, chúng ta sẽ có cách.

Bạn sẽ thấy rằng nếu làm đúng cách thì thường bạn sẽ không phải thẳng thừng hỏi xin những gì bạn muốn. Phần lớn kỹ năng nằm ở những gì bạn tự mình làm – suy nghĩ và lên kế hoạch. Nếu làm đúng thì coi như bạn đã hoàn thành được phân nửa công việc rồi.

Hơn nữa, bạn phải khiến mọi người coi bạn là một người mà họ muốn giúp đỡ và ủng hộ. Nếu bạn thể hiện mình là một người lạc quan, dễ mến thì sẽ chẳng có ai muốn từ chối bạn, trừ khi họ có lý do chính đáng. Còn nếu họ thực sự có lý do chính đáng để từ chối thì cũng sẽ có cách giải quyết. Cách để khiến họ đồng ý.

Nếu bạn không quen có được những gì mình muốn thì hãy kiên nhẫn thay đổi. Có thể bạn sẽ mất một thời gian để phát triển được tất cả các kỹ năng này, nhưng chúng hoàn toàn có thể thực hiện được và bạn có thể bắt đầu ngay bây giờ. Vậy còn chờ gì nữa? Nếu đây là điều bạn muốn thì hãy cùng bắt tay vào thực hiện đi thôi.

***

Phần 1: Để luôn có được những gì mình muốn

Hãy nhìn xung quanh. Bạn có thấy cảnh “người ăn không hết, kẻ lần chẳng ra”? Tất nhiên là có. Có những người dường như luôn có được mọi thứ, trong khi những người khác dù rất cố gắng nhưng không có được thứ họ muốn. Ai cũng có lúc hên xui, vậy tại sao có những người thường xuyên đạt được những gì mình muốn, còn những người khác dường như lúc nào cũng gặp vận hạn?

Mọi thứ đều nằm ở chính bạn. Nếu bạn có được nền tảng vững chắc thì sẽ có nhiều khả năng đạt được những gì mình muốn hơn. Vì vậy, trước khi đi vào những cách mà bạn có thể sử dụng, hãy bắt đầu bằng việc tìm hiểu cách tối đa hóa các cơ hội của bạn.

Biết mình muốn gì

Khá rõ ràng nhỉ. Nhưng khoan đã, bạn có biết chắc mình đang cố gắng đạt được điều gì không? Thăng chức? Hay tăng lương? Bạn đang nóng lòng muốn được nhận vào một công ty nào đó? Hay bạn muốn thuyết phục người yêu dành nhiều thời gian cho bạn hơn? Hoặc lập gia đình?

Hãy lấy ví dụ là bạn muốn được thăng chức. Đó chính là mục tiêu. Vậy vấn đề của bạn là gì? Nếu bạn làm việc chăm chỉ thì cuối cùng bạn sẽ có được điều bạn muốn. Hầu hết chúng ta đều phải dần dần leo lên từng bước. Nhưng bạn không muốn cuối cùng sẽ đạt được nó mà muốn đạt được ngay bây giờ phải không? Sao bạn không nói vậy từ đầu?

Nhân tiện khi đang nói về chủ đề này, chính xác thì bạn muốn được thăng lên chức gì? Với mức lương là bao nhiêu?

Bạn thấy đấy, bạn càng xác định chính xác những gì mình muốn thì càng nhắm mục tiêu được dễ dàng hơn. Nếu không, có khi bạn còn không biết là mình đã đạt được mục tiêu. Giả sử bạn muốn người yêu làm việc ít đi và dành nhiều thời gian hơn cho bạn. Nếu anh ta về nhà sớm hơn mỗi tuần một đêm thì bạn có hài lòng không? Bạn đã đạt được điều mình muốn chưa? Có lẽ là đủ rồi. Hoặc bạn có thể muốn anh ta về nhà đúng giờ ba ngày mỗi tuần, hoặc hàng ngày, hoặc chỉ cần một ngày nhưng sau đó phải đưa bạn đi chơi tối.

Hãy tự hỏi: “Làm thế nào để biết rằng mình đã đạt được mong muốn?” Điểm khác biệt là gì? Sẽ có những thay đổi gì? Cuộc đời bạn sẽ thành ra thế nào?

Bước đầu tiên để đạt được những gì bạn muốn là xác định chính xác điều bạn muốn là gì.

Biết vì sao mình muốn điều đó

Giờ chúng ta hãy quay trở lại với ví dụ về thăng chức. Mục đích của việc này là gì? Bạn muốn được công ty công nhận? Hay muốn tăng cường cơ hội nghề nghiệp khi bạn thôi việc? Để làm bố mẹ tự hào? Hay vì bạn muốn đạt được mức lương đi kèm với chức vụ mới đó? Hay đơn giản là bạn không muốn tay đồng nghiệp đáng ghét có được nó?

Chắc chắn phải có lý do để bạn cân nhắc điều này. Có khi cái mà bạn nghĩ là bạn cần lại không hề là thứ bạn cần. Giả sử bạn được cất nhắc lên một chức vụ ấn tượng hơn nhưng không được tăng lương hay tăng trách nhiệm đáng kể, nếu vậy thì bạn có đạt được điều mình muốn không? Điều này cũng còn tùy phải không? Nếu điều bạn thực sự muốn là được sếp công nhận thì việc thăng chức chính là câu trả lời cho mong ước đó. Nhưng nếu bạn muốn được cất nhắc vì cần lương cao hơn thì rõ ràng bạn chưa đạt được mục tiêu. Trên thực tế, được tăng lương mà không được thăng chức có lẽ còn gần với mục tiêu của bạn hơn.

Giả sử bạn muốn một mối quan hệ tốt hơn. Vì sao vậy? Bạn thấy câu trả lời cho câu hỏi này đã quá rõ ràng. Bạn có thể đúng; đôi khi câu trả lời rất rõ ràng. Nhưng đôi khi chúng ta không nhận ra được chính xác điều mình muốn cho đến khi ta đã xác định được vì sao mình muốn nó. Những người luôn có được những gì mình muốn sẽ không bỏ qua câu hỏi “vì sao” này mà sẽ suy nghĩ rất kỹ về nó.

Biết mình cần điều đó đến mức nào

Chúng ta muốn rất nhiều thứ. Tôi biết là tôi muốn rất nhiều thứ.  Tôi cho là bạn cũng vậy. Vì thế, điều quan trọng là biết được điều bạn thực sự muốn. Đôi khi ta phải đánh đổi thứ này để có được thứ khác. Đây là công việc rất khó khăn, trừ khi bạn biết được ưu tiên của mình là gì.

Có những người dường như luôn có được mọi điều họ muốn… Nhưng thực ra không phải vậy. Họ thường hy sinh những mục tiêu nhỏ hơn nhằm phục vụ cho mục đích lớn hơn. Họ bỏ qua cơ hội được thăng chức vì thăng chức nghĩa là phải ở lại làm việc muộn hơn, mà với họ thì thời gian dành cho gia đình mới là quan trọng – đó là điều họ thực sự muốn. Họ thông minh ở chỗ nhận ra được mức độ mong muốn đối với mỗi thứ và sắp xếp mức độ ưu tiên cho chúng.

Ví dụ, bạn muốn lập gia đình đến mức nào? Đủ để chi tiêu tiết kiệm thay vì chuyển nhà tới một khu vực đắt đỏ hơn? Đủ để ngừng đi du lịch trong tương lai gần? Đủ để tạm gác sự nghiệp sang một bên trong vài năm?

Không ai có được tất cả mọi thứ. Vì vậy, hãy xác định xem bạn muốn đạt được một mục tiêu đến mức nào, nhất là khi so với tất cả những thứ khác mà bạn đang mong muốn có được.

Hài lòng với thứ mà mình đạt được

Một người bạn của tôi từng đi phỏng vấn xin việc. Thực ra cô ấy chỉ làm vậy vì quá tuyệt vọng – chỉ cần thoát khỏi thật nhanh chóng công việc địa ngục mà cô đang làm khi đó. Cô không được tuyển nên hoàn toàn thất vọng. Tuy nhiên, sau khi gặp người bạn này của tôi, người phỏng vấn quyết định dự thảo kế hoạch thiết lập một công việc hoàn toàn mới (cũng như lấp chỗ trống hiện tại) để cô ấy được nhận vào làm.

Mười năm sau cô vẫn làm công việc ấy; nó là công việc tuyệt vời đến vậy đấy, và đã đưa cô vào một hướng đi mới mà trước đây cô chưa từng mường tượng đến nhưng lại hoàn toàn lý tưởng đối với cô.

Một người bạn khác của tôi cũng gặp được cô gái mà anh yêu quý như một người bạn, nhưng ban đầu đã không cho rằng trong tương lai cô này có thể sẽ là bạn gái của mình, bởi cô không giống những người yêu cũ của anh, và anh cũng không thấy chộn rộn hay hồi hộp chút nào khi gặp cô. Giờ đây hai người đã là vợ chồng và cùng nhau xây dựng tổ ấm. Anh cho rằng mình là người đàn ông may mắn nhất khi có được một mối quan hệ tuyệt vời đến vậy.

Đôi khi bạn không biết mình muốn gì cho đến khi đã có được nó. Bạn không thể lúc nào cũng dự đoán được điều gì sẽ đến với mình. Nhưng nếu bạn sẵn sàng đón nhận các khả năng và thử sức với mọi thứ xem chúng sẽ đưa bạn đến đâu thì có thể chúng sẽ giúp bạn đến được một nơi mà bạn chưa từng hình dung đến nhưng lại là hoàn hảo cho bạn. Có thể bạn sẽ có được thứ mà ban đầu không hẳn là những gì bạn đã hình dung, nhưng bạn có thể quyết định là muốn nó sau khi đã có được nó.

Chỉ có bạn mới thực sự biết được bạn có đạt được điều mình muốn hay không. Tôi không chủ trương là nên hài lòng với điều tốt thứ nhì. Vấn đề không phải ở chỗ thỏa hiệp mà là ở quan điểm. Nếu mục đích – tìm ra công việc mà bạn yêu thích, hay có được một mối quan hệ tuyệt vời – đã được hoàn thành thì vấn đề chỉ còn nằm ở cách nhìn.

Đừng dao động

Nếu bạn muốn có được điều gì thì phải nỗ lực đạt được nó. Bạn không cần phải hy sinh tất cả mọi thứ (đôi khi thì có) nhưng bạn phải đưa ra một quyết định vững vàng để hành động. Bạn tuyên bố sẽ bỏ thuốc lá nhưng sẽ chẳng có tác dụng gì nếu bạn vẫn tiếp tục hút rồi ngồi đó mà nghĩ rằng nếu mình bỏ được thì tốt biết mấy. Hãy bắt tay vào làm gì đó.

Tôi biết một người thậm chí còn không thể quyết định được nên uống trà hay cà phê trong vòng năm phút. Anh ta thường mất vài năm để chuyển nhà hoặc gửi đơn xin thôi việc. Cũng không có gì lạ là anh ta thường không đạt được điều mình muốn.

Bạn phải kiên quyết với bản thân. Sau khi đã xác định được điều mình muốn – và lý do cũng như mức độ bạn mong muốn có được nó – bạn cần quyết định xem mình sẽ phải làm gì. Quyết tâm chính là thứ mà bạn cần. Xét cho cùng, nếu đây chính là điều bạn muốn thì bạn còn chờ gì nữa?

Những người luôn đạt được những gì mình muốn thường là những người quyết đoán. Nếu bạn muốn đạt được mục tiêu mà không cần nhờ vả thì bạn phải cực kỳ kiên quyết với bản thân. Không phải ai cũng tự nhiên mà hành động quyết đoán được, nhưng ta có thể học. Hãy cứ dấn thân vào làm, rồi dần dần mọi thứ sẽ càng trở nên dễ dàng hơn.

Biết mình phải làm gì

Vậy bạn định sẽ làm gì để đạt được mục tiêu? Nó không thể tự nhiên xảy ra được. Bạn cần lập một danh sách (có thể dài hoặc ngắn) những điều cần làm để đạt được mục tiêu. Xét cho cùng, nếu bạn không biết chúng là gì thì làm sao bạn có thể đảm bảo rằng chúng sẽ được thực hiện?

Bạn cần xác định được việc làm cụ thể – vay tiền để mua xe mới hoặc tổ chức một đám cưới sang trọng, hẹn gặp giám đốc công ty mà bạn muốn xin vào làm, hoặc tìm người trông trẻ mỗi tuần một lần để bạn có thể ra ngoài làm bất kỳ điều gì bạn muốn. Hoặc có thể bạn cần gây ảnh hưởng tới hành động của ai đó, khuyến khích họ thay đổi quan điểm. Trong trường hợp này, bạn cần làm gì để thay đổi suy nghĩ của người đó? Dù là gì đi nữa thì bạn cũng phải tìm ra nó. Nếu không thì làm thế nào bạn có thể thực hiện nó được?

Bạn phải đầu tư thì mới có kết quả. Phần lớn công việc có khi chỉ nằm ở chỗ tư duy, nếu không bạn sẽ phải mất hàng tháng trời làm việc vất vả. Dù nhìn từ bên ngoài vào là như thế nào thì những điều tốt đẹp cũng không tự nhiên mà rơi xuống đầu ai. Ít nhất là không thường xuyên. Nếu bạn muốn có được điều gì thì bạn phải tìm ra cách đạt được nó, và đây chính là giai đoạn đầu tiên của quá trình này.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button