Kinh doanh - đầu tư

Thị Trường Ngoại Hối

Thi truong ngoai hoi1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Ed Ponsi

Download sách Thị Trường Ngoại Hối ebook PDF/PRC/EPUB/MOBI. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : SÁCH KINH DOANH – ĐẦU TƯ

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Phần lớn các cuốn sách nói về kinh doanh thường chỉ đưa ra các khái niệm chung chung mà không nói về những khía cạnh cụ thể. Có rất nhiều sách nói về xuất xứ và các vấn đề lịch sử của thị trường kinh doanh tiền tệ nhưng rất ít trong số đó cung cấp được các thông tin kinh doanh mang tính thực tiễn và hữu ích. Tuy nhiên cuốn sách bạn đang cầm trên tay sẽ đưa đến cho bạn cảm nhận rõ nét về những cơ chế cụ thể của thị trường kinh doanh ngoại hối (thị trường Forex), những chiến lược giao dịch trên thị trường thật có thể gợi ý cho người học thời điểm tham gia và thời điểm rút khỏi thị trường, cũngnhư cách thức quản lý các giao dịch của họ.

Cuốn sách này cung cấp cho các nhà kinh doanh các phương pháp giao dịch theo từng bước gắn với các xu thế của thị trường thực tế. Những chiến lược kinh doanh trongc uốn sách này được trình bày rõ ràng và cực kỳ chi tiết, đủ cho bất cứ ai mongmuốn đều có thể hiểu được cách thức giao dịch một cách chuyên nghiệp. Cuốn sáchđược viết cho cả những nhà kinh doanh mới lẫn những nhà kinh doanh đã có kinh nghiệm khi họ cần đến các thông tin chi tiết, bổ ích để giao dịch trên thị trường ngoại hối.

Thị truờng ngoại hối được bắt đầu bằng một tua khám phá nhanh về cuộc sống ở một sở giao dịch tại thị trường Phố Wall, đưa bạn đọc vào thế giới sôi động của thị trường giao dịch chuyên nghiệp. Tác giả lý giải về “sân chơi” của thị trường ngoại hối thông qua việc sử dụng các phép ẩn dụ đầy ý nghĩa, liên kết các kịch bản giao dịch khác nhau với các hoàn cảnh khác nhau trong cuộc sống thường ngày. Cuốn Thị truờng ngoại hối hàm chứa những thông tin bổ ích của một nhà kinh doanh chuyên nghiệp Phố Wall, nhưng được viết ra dưới giọng văn bình dị, dễ hấp thụ do đó nó cũng rất dễ hiểu với gần như tất cả mọi người.

ĐỌC THỬ

Phần ITHỊ TRƯỜNG KINH DOANH NĂNG ĐỘNG NHẤT THẾ GIỚI

Kinh doanh trên thị trường ngoại hối là một trong những việc hấp dẫn với tiềm năng lợi nhuận cao nhất mà ta có thể thực hiện. Phạm vi kinh doanh là toàn cầu với “hàng hóa” chính là các nền kinh tế của Thế giới. Thị trường ngoại hối rất rộng lớn, lớn hơn nhiều lần bất cứ một thị trường chứng khoán hay thị rường giao sau nào. Trên trái đất này không có một thị trường nào tương tự như thế.

Độ cược của thị trường cũng rất cao: cả một gia tài có thể thắng hoặc thua trong chốc lát. Để thắng trong lĩnh vực này, trước hết chúng ta buộc phải học để hiểu nó.

Chương IKHỞI ĐẦU TRONG THỊ TRƯỜNG NGOẠI HỐI

Bạn có thể đã là một nhà kinh doanh kinh nghiệm, hoặc có thể bạn vừa mới bắt đầu. Dù là ai, có một điều bạn cần nhớ: Tất cả mọi người đều bắt đầu từ một điểm xuất phát giống nhau. Tất cả mọi nhà kinh doanh, những người làm ra đồng tiền ở bất cứ thị trường nào cũng đều bắt đầu từ một tay mơ. Không ai sinh ra là đã có được sự hiểu biết sâu rộng và bẩm sinh về thị trường.

Có thể bạn cho rằng để thành công trong kinh doanh thì cần phải có trí thông minh siêu việt. Tuy nhiên, trong khi thừa nhận sự sáng dạ là không thừa, chằng có gì đảm bảo nó sẽ đưa đến thành công. Nhiều khi những nhà kinh doanh quá thông minh lại phân tích các tình huống thị trường quá mức cần thiết.

Cũng có thể bạn cho rằng bạn cần phải đọc tất cả những cuốn sách dạy kinh doanh. Tôi cũng đã từng đọc hàng chục cuốn sách như vậy và nhận ra rằng phần lớn trong số đó không đáng để bạn phí thời gian. Phần lớn những cuốn sách tôi đã đọc thường chỉ chứa một phần nhỏ những thông tin bổ ích, được chôn chặt dưới một núi những thông tin vô thưởng vô phạt khác. Tôi đã đi đến quyết định rằng nếu được yêu cầu viết một cuốn sách về kinh doanh, thì nó sẽ phải khác hẳn so với những cuốn tôi đã đọc. Thay vì trình bày dưới dạng “phức tạp hóa vấn đề”, tôi sẽ trình bày một lượng lớn thông tin có ích theo cách mà phần lớn mọi người đều có thể hiểu và đánh giá được.

Tôi cho rằng mọi thông tin sẽ vô dụng trừ khi chúng được giải thích kỹ càng, và cách tốt nhất để hoàn thành mục đích của tôi trong việc giúp bạn thành công đó là gắn kết những khái niệm mà bạn sẽ nghiên cứu dưới đây với cuộc sống thường ngày. Đây là phần chủ đạo trong kỹ thuật giảng dạy của tôi, và bạn sẽ thấy nó được lặp lại nhiều lần trong những trang sách tới.

Có lẽ giờ thì bạn đang tự hỏi: “Ta phải bắt đầu từ đâu?”

TỪ CHỨNG KHOÁN ĐẾN NGOẠI HỐI

Giống như phần lớn những nhà kinh doanh ở nước Mỹ, những kinh nghiệm đầu tiên của tôi gắn liền với kinh doanh chứng khoán. Giao dịch đầu tiên của tôi, 100 cổ phần của một công ty kỹ thuật sinh học niêm yết trên sàn NASDAQ, đã đưa đến một khoản lỗ nho nhỏ.

Tôi may mắn bắt đầu kinh doanh trong thời kỳ giữa những năm 1990, một trong những thời gian thị trường tăng trưởng mạnh nhất trong lịch sử. Trong môi trường đó, một nhà kinh doanh đi theo xu hướng của thị trường thường không quá khó khăn để có lợi nhuận. Thị trường thời đó quá dễ dãi ngay cả với những nhà kinh doanh không giỏi. Bí quyết lúc đó chỉ là sự phân biệt giữa sự giỏi và sự may mắn. Nhiều nhà kinh doanh tôi tin là tài giỏi đã bắt đầu nao núng khi các điều kiện kinh doanh trở nên khó khăn hơn. Tôi nhận ra rằng, cũng như họ tôi đã gặp may, và sự may mắn đó chỉ là tạm thời và ngắn ngủi. Tôi đã không muốn mình gặp may; tôi chỉ muốn mình trở thành một nhà kinh doanh giỏi, một nhà kinh doanh có thể làm ra tiền trong mọi hoàn cảnh thị trường. Tôi đã mong muốn được làm việc tại Phố Wall.

THÂM NHẬP PHỐ WALL

Sau khi đã gửi hàng chục đơn xin việc, cuối cùng tôi cũng được phỏng vấn và nhận vào làm việc tại một công ty ở Phố Wall với tư cách là một nhân viên kinh doanh. Vào thời đó, việc không cư trú ở New York không thành vấn đề: tôi thường thức dậy lúc 4 giờ sáng để bắt đầu con đường đến công sở.

Tôi thường xuống tàu ngay dưới dưới tầng ngầm của Trung tâm Thương mại Thế giới1, gặp gỡ và cà phê với một vài đồng nghiệp, nghiến ngấu tờ Wall Street Journal và tờ Investor Business Daily. Khi đã ở trong công sở, chúng tôi phải xem qua hàng chục biểu đồ, tranh luận về các xu hướng hiện tại của thị trường, nghiên cứu các chỉ báo kinh tế… Nói tóm lại, chúng tôi phải làm tất cả những gì có thể để chuẩn bị cho một cuộc chiến tổng lực bắt đầu từ 9h30 mỗi ngày.

1 Trung tâm Thương mại Thế giới (World Trade Center) ở Khu Manhattan, New York đã bị tấn công khủng bố đánh sập ngày 11/09/2001 (N.D.)

Việc sử dụng thời gian trong môi trường Phố Wall là một trải nghiệm vô giá và không gì thay thế được. Ở đó có biết bao là thông tin, biết bao những con người cuốn theo công việc, cùng với biết bao năng lượng sáng tạo mà bạn có thể cảm nhận được từ trong bầu không khí như thể trong một môi trường tĩnh điện. Chúng tôi đã sống và hít thở bầu không khí kinh doanh 24 giờ mỗi ngày, và học được các khái niệm làm thay đổi cách chúng tôi đã nghĩ trước đó về thị trường, về kinh doanh, cũng như về thế giới nói chung. Phần lớn những gì tôi đã học được trong môi trường này đã được chuyển hóa rất thành công sang các thị trường kinh doanh khác, như thị trường ngoại hối chẳng hạn, và trở thành cơ sở cho phần lớn kiến thức trong cuốn sách này.

Cuối cùng thì tôi cũng bị quyến rũ bởi một hãng khác và bắt đầu làm việc ở một trụ sở kinh doanh khác ở khu Manhattan. Tôi chuyển về sống ở thành phố New York, rút ngắn quãng đường đi về hàng ngày từ 2 tiếng mỗi chiều thành khoảng cách của hai dãy phố.

Phòng kinh doanh mới khá rộng, với hàng trăm điểm đặt và gom lệnh. Việc có rất nhiều nhà kinh doanh cùng làm việc mà không có tường hay bất cứ vật gì ngăn cách giữa họ đã tạo điều kiện cho sự trao đổi kiến thức và thông tin.

Tôi đã chọn cho mình những nhà kinh doanh giỏi nhất và luôn học hỏi họ không ngưng nghỉ, thu nạp và áp dụng các thông tin theo cách nhanh nhất có thể. Tôi cũng được họ dạy cho những khái niệm vượt xa bất cứ điều gì đã có trước đó, và dần dà những miếng ghép đã bắt đầu vào vị trí của mình. Tôi bắt đầu tạo ra cho mình một mức ổn định trong kinh doanh, khác với những phiên giao dịch tuy có lãi nhưng thất thường trước đó.

CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI MÊ CUNG

Tôi cũng học được một số nhược điểm của kinh doanh trong môi trường này, đó là có quá nhiều người làm việc trong cùng một phòng và cùng lúc đưa ra quá nhiều ý tưởng và chính kiến.Về cơ bản, họ là những con người ưu tú, tham vọng và luôn cạnh tranh. Một vài người trong số họ đôi khi không kiểm soát được bản thân mình, họ hét to những gì nảy sinh trong đầu của họ. Một số khác thì đơn thuần chỉ để bộc lộ sự giận dữ hoặc nỗi thất vọng của mình. Âm thanh đặc trưng của những tiếng gõ mạnh vào bàn phím máy tính, cùng với tiếng đánh máy đều đều luôn ngập tràn trong không gian, tất cả khắc đậm trong trí nhớ của tôi.

Thói ganh ghét cũng lộ diện khi mà những người kinh doanh thua lỗ tìm cách phân tâm và gây rối những người kinh doanh có lãi. Một trong số những người như vậy đã luôn thích thú khi làm cho tôi mất tập trung, chỉ vì anh ta cho rằng thành công của tôi đã làm cho anh ta bị xem là kẻ bất tài. Giá mà anh ta bỏ thời gian để cải thiện hiệu quả kinh doanh của mình thay vì gây rối cho tôi, có lẽ anh ta đã không đến nỗi thất bại. Về sau thì anh ta cũng rời khỏi hãng và nhận làm một chân bán hàng.

Cuối cùng thị trường cũng đi đến thời điểm khi mà những đồng tiền dễ đã được thu nhặt hết. Những người kinh doanh không hiệu quả lần lượt theo nhau bỏ cuộc. Môi trường kinh doanh thay đổi kéo theo sự thay đổi của các nhà kinh doanh nếu họ không muốn đối mặt với thất bại.

BÓNG ĐÁ VÀ KINH DOANH NGOẠI HỐI

Một trong số rất nhiều lợi ích khi bạn sống và làm việc ở New York đó là được tiếp xúc nhiều người và nhiều nền văn hóa đến từ khắp nơi trên Thế giới. Một trong các khái niệm mới (ít nhất là đối với tôi lúc bấy giờ) mà tôi được tiếp xúc là thị trường ngoại tệ.

Tôi đã thật sự bị sốc khi biết rằng kinh doanh ngoại hối, hay còn gọi là Forex, là mảng kinh doanh sôi động vô cùng trên phần còn lại của Thế giới, và đã diễn ra nhiều năm trước đó. Đối với phần lớn các nơi trên Thế giới, Forex mới là thị trường đáng để kinh doanh, chứ không phải thị trường chứng khoán. Ta có thể so sánh forex với bóng đá, một môn thể thao được khắp nơi ưa chuộng nhất, trừ nước Mỹ, nơi bóng đá ít được chú ý và còn được gọi bằng một tên khác là “soccer”. Đó là một thời tồn tại một thị trường kinh doanh rất được các nước khác ưa chuộng nhưng lại nằm “ngoài tầm phủ sóng” của nước Mỹ.

Một người bạn kinh doanh đã cho tôi biết rằng anh ta quyết định rời bỏ kinh doanh chứng khoán để chuyển sang lĩnh vực ngoại hối, và rằng phong cách kinh doanh của tôi rất phù hợp với lĩnh vực mới này. Lúc đó tôi đã cười lớn mà không biết rằng không lâu sau chính tôi cũng làm một cuộc thay đổi tương tự. Vậy vì can cớ gì mà tôi lại muốn từ bỏ kinh doanh chứng khoán?

Những nỗi đau đầu trên thị trường chứng khoán

Trên đời này có một vài điều nhất định nào đó không lấy gì làm thú vị nhưng ta buộc phải học cách sống chung với chúng. Chúng ta phải đến trường, phải trả các hóa đơn, phải chú ý đến sức khỏe, vân vân… Chúng ta chấp nhận những điều đó với suy nghĩ “đành vậy” hoặc “đời là thế”. Sau một thời gian, chúng ta không còn xem chúng là những gánh nặng, thậm chí chúng còn trở thành các chuẩn mực cuộc sống.

Đối với những người kinh doanh cổ phiếu, có rất nhiều điều khó chịu mà họ coi là bình thường, là “một phần của cuộc chơi”. Họ không phân vân gì về những điều khó chịu đó vì chúng đã trở thành một phần tất yếu trong đời sống thường ngày.

Lệnh nhập một phần (Partial Fill)

“Partial fill” là một hiện tượng bình thường trong kinh doanh chứng khoán. Điều này xuất hiện khi một nhà kinh doanh đặt một lệnh mua một số lượng nhất định cố phiếu nào đó, ví dụ 2.000 cổ phiếu A chẳng hạn, nhưng chỉ nhập lệnh được một phần của số cổ phiếu định mua, ví dụ chỉ mua được 300 cổ phiếu A. Điều này luôn xảy ra và cách giải thích logic nhất là do chỉ có 300 cổ phiếu A được bán ở giá mà nhà kinh doanh đặt mua.

Trong thuật ngữ kinh doanh, chúng tôi nói rằng thị trường quá “mỏng” để có thể hấp thụ hết toàn bộ lệnh đặt mua, có nghĩa là không có đủ số cổ phiếu A để bán ở mức giá được đặt. Điều này có thể gây thất vọng lớn cho các nhà kinh doanh, đặc biệt khi họ muốn đặt các lệnh lớn. Tuy nhiên, các nhà kinh doanh chứng khoán chấp nhận khiếm khuyết này và coi đó chỉ là một trong nhiều chướng ngại vật bình thường phải vượt qua trên con đường đi đến thành công.

Ngược lại, thị trường Forex có độ thanh khoản rất cao, hay nói cách khác là thị trường Forex rất “dày”. Hiện tượng “Partial fill” hiếm khi xảy ra với đa số các nhà kinh doanh, trừ những nhà kinh doanh lớn nhất.

Trượt giá đặt lệnh (Slippage)

Hiện tượng trượt giá đặt lệnh là một vấn đề khác mà các nhà kinh doanh chứng khoán hoặc kinh doanh trên thị trường giao sau buộc phải đối mặt mỗi ngày. Hiện tượng này được định nghĩa là “sự khác biệt giữa giá dự kiến và giá thực trả”.

Ví dụ, giả sử bạn đã mua 1.000 cổ phiếu A ở mức giá $50 mỗi cổ phiếu. Để bảo vệ mình phòng khi giá xuống, bạn đặt lệnh cắt lỗ (tức là lệnh bán) số cổ phiếu trên ở mức giá $49/cổ phiếu. Như vậy, với kịch bản xấu nhất khi giá cổ phiếu đi xuống, bạn sẽ lỗ $1/cổ phiếu, tức là tổng cộng khoản lỗ tối đa của bạn sẽ là $1.000. Đúng vậy khôngSai! Vì nếu giá đi xuống dưới $49/cổ phiếu nhưng không có lúc nào chạm chính xác mức giá $49/cổ phiếu (nên nhớ là thị trường chứng khoán “mỏng” hơn rất nhiều thị trường Forex) thì có hai trường hợp xảy ra: hoặc là lệnh cắt lỗ của bạn không được thực hiện, hoặc là lệnh được thực hiện chỉ ở vùng giá lân cận $49/cổ phiếu. Điều đáng ngạc nhiên là giá khớp lệnh cắt lỗ trong những trường hợp này gần như luôn luôn thấp hơn giá mà bạn đã đặt! Hiện tượng “Slippage” ăn vào lợi nhuận của bạn và là nỗi đau đầu của các nhà kinh doanh thị trường chứng khoán và thị trường giao sau.

“Slippage” rất hiếm khi xảy ra trên thị trường ngoại hối. Rất nhiều nhà điều hành thị trường áp dụng chính sách “không có trượt giá”, đưa đến cho các nhà kinh doanh ngoại hối độ ăn chắc trong định giá cao hơn.

Chuyên gia (the specialist)

Một trở ngại khác ngăn bạn thành công trong kinh doanh chứng khoán chuyên nghiệp chính là các chuyên gia. Chuyên gia là người kiểm soát theo nghĩa đen toàn bộ các hoạt động mua bán các cổ phiếu niêm yết. Trong thời gian đầu sự nghiệp kinh doanh của tôi tại Phố Wall, tôi đã từng có một trải nghiệm không thể quên liên quan đến chuyên gia của một loại cổ phiếu “đỉnh” vào thời kỳ đó mặc dù hiện nay nó đã bị loại bỏ vì bất tín và tai tiếng.

Hôm đó, trong lúc đang mua bán các cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán New York, tôi “đánh lên” 4.000 cổ phiếu nhưng ngay sau đó giá cổ phiếu này đi xuống theo hướng giá cắt lỗ mà tôi đã đặt. Theo lẽ thường, khi giá giảm xuống chạm đến mức giá cắt lỗ, tôi sẽ chịu lỗ một khoản mà tôi đã định trước cho 4.000 cổ phiếu này. Đấy là tôi nghĩ vậy…

Bạn hãy tưởng tượng nỗi ngạc nhiên của tôi khi nhìn vào màn hình thấy giá vẫn tiếp tục đi xuống phía dưới mức cắt lỗ của tôi trong khi tôi vẫn còn là chủ nhân bất hạnh của 3.900 cổ phiếu chưa bán cắt lỗ hết. Đó là ngày mà tôi đã ngộ ra rằng chuyên gia môi giới đã tự ý tạo ra một “Partial Fill” trên lệnh cắt lỗ. Có thể vị chuyên gia này nhận định xu hướng giá tiếp tục đi xuống nên ông/bà ta chỉ nhập lệnh cho một phần cổ phiếu của tôi (chỉ 100 cổ phiếu).

Trên thị trường Forex không có các chuyên gia.

Mức chênh giá mua và bán (Spread)

Trong thị trường chứng khoán, các chuyên gia còn kiểm soát cả mức chênh lệch giữa giá mua vào và giá bán ra và điều chỉnh mức chênh lệch này theo ý muốn. Vì lý do các chuyên gia là những người kinh doanh chống lại bạn, họ có thể khiến cho cuộc đời bạn trở nên khốn khổ bằng việc nới rộng chênh lệch giữa giá mua và giá bán đúng khi bạn muốn thoát ra và tất toán một lệnh đang có lãi.

Trên thị trường Forex, chênh lệch giữa giá mua và giá bán thường cố định, tạo tính ổn định cao hơn cho nhà kinh doanh.

Luật “đánh lên” (the “uptick rule”)

Một cản trở lớn khác trên con đường thành công của các nhà kinh doanh chứng khoán đó là luật “đánh lên”. Các nhà kinh doanh có thể đánh lên (tức là vào một lệnh với hy vọng sẽ có lãi nếu giá cổ phiếu giao dịch tăng) bất cứ lúc nào họ muốn. Tuy nhiên, nếu họ muốn đánh xuống (tức là vào lệnh chỉ có lãi nếu giá của cổ phiếu giao dịch đi xuống) thì lại phải tuân theo một số quy định vừa gây phí tổn, vừa gây bực mình.

Luật này quy định rằng tất cả các lệnh giao dịch bán xuống chỉ được nhập ở mức giá ít nhất bằng, hoặc cao hơn mức giá của giao dịch trước đó. Luật “đánh lên” ngăn không cho các nhà kinh doanh chuyển hướng theo xu thế xuống giá trên thị trường của một loại cổ phiếu nào đó. Luật này gây ra hậu quả là nhà kinh doanh để vuột mất cơ hội bán xuống chỉ vì giá đảo chiều vào lúc lệnh bán xuống không được công nhận là hợp lệ.

Để vượt qua quy định này, nhiều nhà kinh doanh chứng khoán sử dụng các biện pháp kết hợp khác nhau. Những công cụ này có thể giúp thực hiện được mục đích bán xuống khi cần của nhà kinh doanh. Tuy nhiên không phải lúc nào cũng có thể sử dụng được các công cụ này, đồng thời chúng không phải là các công cụ miễn phí. Luôn có một mức chi phí nhất định kèm theo từng loại công cụ, góp phần làm giảm lợi nhuận của các nhà kinh doanh.

Trên thị trường Forex không có luật “đánh lên”. Bạn có thể mua hay bán tùy ý thích mà không phải chi phí cho bất cứ loại công cụ hỗ trợ nào.

CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI THỊ TRƯỜNG FOREX

Cho dù những trở ngại nói trên có làm cho việc kinh doanh chứng khoán trở nên khó khăn hơn chúng ta mong muốn, một số nhà kinh doanh chứng khoán vẫn có khả năng vượt qua và thực tế cũng đã vượt qua những khó khăn này. Tuy vậy tôi thường xuyên nghe họ ca thán về cách các chuyên gia làm hỏng việc kinh doanh của họ (bằng một thứ ngôn ngữ có thể làm chối tai người nghe), về lý do làm cách nào mà họ lại bị “trượt” khỏi lợi nhuận, hoặc họ đã vào một lệnh tuyệt vời nhưng lại hỏng ăn chỉ vì lệnh nhập một phần, hay hoặc họ đã bỏ lỡ cơ hội bán xuống ra sao chỉ vì luật “đánh lên”.

Điều gì sẽ xảy ra nếu các trở ngoại kể trên không tồn tại? nếu chúng được dỡ bỏ khỏi sân chơi để các nhà kinh doanh thoải mái không phải lo lắng, thay vào đó chỉ tập trung cho việc giao dịch kinh doanh? Điều gì sẽ xảy ra nếu các nhà kinh doanh chỉ việc kinh doanh? điều gì?

Tôi sắp đưa ra câu trả lời cho các bạn. Một lần sau giờ đóng cửa, tôi nán lại nhâm nhi với một người bạn kinh doanh đã bỏ thị trường chứng khoán để chỉ tập trung vào thị trường Forex. Cuộc đối thoại giữa chúng tôi đại loại như sau:

….

Nó có tên là Forex, tên gọi tắt của Thị trường ngoại hối. Tôi đã vào được xu hướng và bám nó suốt đến nay.

Có phải cái tôi đã thấy trên TV? Đại loại những mũi tên xanh và đỏ?

Đừng “quê” như thế chứ! Lần gần nhất anh thấy một người kinh doanh trên sàn nhìn các mũi tên xanh, đỏ là vào lúc nào vậy?

Thôi được, thế thì Forex là cái gì?

Này Ed, Anh cần phải thử thị trường này! Nó cực lớn, thanh khoản cực cao và nó mở cửa 24 giờ trong ngày.Chắc chắn Anh chưa bao giờ thấy một thị trường nào tương tự.

Đó đúng là điều tôi đang áy náy. Tôi đang làm khá trôi chảy với chứng khoán vậy cớ gì phải chuyển sang Forex?

Vì tính thanh khoản cao! tôi luôn có thể vào lệnh, tôi luôn có thể thoát lệnh và tôi không bao giờ bị “nhập lệnh một phần”.

Anh không bao giờ bị “nhập lệnh một phần” à? Có thực vậy không?

Chưa bao giờ xảy ra. Tôi cũng chưa bao giờ bị “trượt giá lệnh đặt”, lệnh của tôi luôn được thực hiện chính xác tại mức giá tôi đã đặt.

Anh nói đùa đấy chứ! Vậy thì Anh kinh doanh ở Disneyland à?

Anh khó mà giải thích được mức độ thanh khoản của Forex. Nó gần như không có khoảng cách giá!

Thôi được, vậy phải chơi nó như thế nào? Cứ vào bất kỳ hay phải theo xu hướng?

Ấy, đây chính là cái hay nhất đấy! các xu hướng liên tục được hình thành.

Đại loại là chúng cũng ở dạng như Anh chứ gì?

Kỳ cục thật! nếu Anh không tin tôi thì hãy mở một tài khoản chơi thử và tự Anh sẽ thấy.

Anh đang nói về cái gì vậy?

Người ta cho phép anh chơi thử trên các tài khoản này. Anh có thể kinh doanh trên thời giá thật của thị trường được người ta cung cấp mà không phải lo lắng gì về rủi ro. Đây là cách hay để Anh cảm nhận được thị trường này. Nó miễn phí.

Vậy là tôi sẽ phải đến trụ sở của họ, kinh doanh trên tài khoản thử trong khi họ sẽ bán cho tôi đủ thứ, đúng không? Nghe mà khiếp!

Không phải thế đâu nhà thiên tài ạ! Anh sẽ chơi trên tài khoản thử tại nhà của Anh. Anh tải cái đó vào máy tính của Anh.

Ái chà! Sẽ không còn ỏm tỏi, không còn vứt ghế, xô bàn, không còn tiếng máy chữ inh tai nhức óc trong khi tôi đang phải nghĩ cách nâng mức dừng lỗ đây! Có lẽ tôi sẽ thử một lần cho biết!

MỘT KHỞI ĐẦU MỚI

Và như vậy, cuộc chơi bắt đầu. Vì tôi đã quen với niềm vui trong kinh doanh chứng khoán, không thiếu những vấp váp ban đầu tôi phải đối mặt. Cần một thời gian để tôi quen với cảm nhận về Forex vì kinh doanh trên thị trường này rất khác với kinh doanh trên thị trường chứng khoán. Ban đầu, tôi giao dịch theo đúng cách đã làm với thị trường chứng khoán và trong vòng một vài tháng tôi đều bị lỗ. Sau khi có những điều chỉnh phù hợp những tốc độ khác nhau của Forex, cuối cùng mọi việc cũng dần dần được giải quyết ổn thỏa. Như bạn thấy, các cổ phiếu đơn lẻ trên thị trường cũng giống như những con thỏ vậy, có những khi chúng đứng yên, lại có khi chúng lại ngược xuôi nhảy múa.

Thị trường Forex rất rộng lớn so với thị trường chứng khoán, do đó nó thường chuyển động trong một thời gian dài hơn. Một khi có cặp ngoại tệ nào đó bắt đầu chuyển động, nó có thể tiếp tục hướng chuyển động đó trong một thời gian khá dài.

Có một điểm thuận lợi là phần lớn những gì tôi đã biết về chứng khoán đều có thể chuyển sang sử dụng cho thị trường ngoại hối: biểu đồ vẫn vậy và xu hướng vẫn như xưa. Những khái niệm quan trọng của quản trị rủi ro mà tôi đã học được trong thời gian làm việc trên ghế giao dịch chứng khoán ở New York vẫn áp dụng được cho thị trường Forex.

Thoạt đầu, việc kinh doanh Forex cho ta cảm giác như đang du ngoạn ở nước ngoài. Bản thân tôi thì lo lắng như thể tôi đã du hành đến một hành tinh xa xôi nào đó. Sự khác biệt trong cách mà hai thị trường phản ứng lại các tin tức kinh tế là rất đáng kinh ngạc. Những nhà kinh doanh ở môi trường trường mà tôi đã tham gia trước đó gần như chỉ có tích tắc thời gian để phản ứng lại các tin tức kinh tế. Khi bạn tham gia thị trường kinh doanh chứng khoán trong thời điểm công bố các bản tin, nếu bạn không vào lệnh ngay thì bạn sẽ không kịp nữa.

Trong thị trường Forex, ban đầu tôi có cảm giác như thể có quá nhiều thời gian để phản ứng lại với các tin tức và sự kiện. Thực tế là tôi đã có thời gian để nghiền ngẫm rằng cái gì đã xảy ra và phân tích các số liệu. Bù lại, các phản ứng của thị trường Forex đối với các bản tin sự kiện thường rất có ý nghĩa. Với tư cách một người được mệnh danh là “nghiện tin tức”, những tưởng tôi đã tìm ra cho mình một cách thức để kinh doanh.

Vậy nhưng điều đó quá hoàn hảo để có thể trở thành hiện thực. Forex là một thị trường mới và lạ lẫm, cho dù một vài điều xung quanh nó xem ra có vẻ rất quen…

Chương IITOÀN CẢNH THỊ TRƯỜNG FOREX

Nếu bạn đã từng đi du lịch ra ngoài đất nước của mình thì đấy chính là dịp tốt để bạn thực hiện một vụ giao dịch ngoại hối. Trong phần lớn trường hợp, du khách cần phải đổi đồng tiền “bản địa” để lấy đồng tiền của đất nước mà họ viếng thăm. Cần lưu ý rằng ở đây có hai loại tiền tệ tham gia vào giao dịch, nhưng chỉ có một tỷ giá hối đoái mà thôi.

Ví dụ, khi một du khách người Mỹ vượt qua biên giới để đến Canada, người này phải đổi đồng đôla Mỹ để lấy đồng đôla Canada. Về bản chất, người này đã bán đồng đôla Mỹ và mua đồng đôla Canada.

ĐỒNG ĐÔLA CANADA VÀ ĐỒNG ĐÔLA MỸ

Vào năm 2002, du khách nói trên có thể nhận được khoảng 1,6 đôla Canada cho mỗi đồng đôla Mỹ. Ta có thể nói rằng tỷ giá hối đoái tại thời điểm đó của đôla Mỹ/đôla Canada là khoảng 1,6 đôla Canada trên một đôla Mỹ. Nếu muốn chính xác hơn, chúng ta có thể thêm vào vài số thập phân và thể hiện tỷ giá bằng con số 1,6000.

Trong những năm tiếp theo, tỷ giá trên đã thay đổi một cách mạnh mẽ và giảm xuống còn 1,10 vào năm 2006. Điều này có nghĩa là du khách từ Mỹ sang Canada trong năm 2006 sẽ chỉ nhận được 1,1 đôla Canada cho mỗi đôla Mỹ mà họ chuyển đổi.

Nếu muốn đo những thay đổi nhỏ hơn trong tỷ giá hối đoái, chúng ta có thể thể hiện tỷ giá hối đoái này bằng con số 1,1000. Chúng ta có thể nói chắc rằng đồng đôla Mỹ đã bị hạ giá mạnh so với đồng đôla Canada trong những năm đầu của Thế kỷ 21 (xem Biểu đồ 2.1).

Điều này ảnh hưởng như thế nào đến nhà du lịch của chúng ta? Khi mà tỷ giá đôla Mỹ/đôla Canada giảm thì đồng đô Mỹ sẽ mua được ít hơn hàng hóa và dịch vụ ở Canada so với trước.

Một công dân Mỹ khi hạ cánh xuống Toronto trước đó thường thích nhận một cọc tiền mặt lớn ở quầy thu đổi ngoại tệ tại sân bay. Họ có thể chi tiêu thoải mái vì hàng hóa và dịch vụ ở đây được xem là rẻ hơn khi so sánh với giá cả ở nhà của họ.

1

Biểu đồ 2.1 Tỷ giá đôla Mỹ/đôla Canada giảm trong giai đoạn 2002 – 2006

Nhưng khi đồng đôla Canada mạnh lên so với đồng đôla Mỹ, tất cả những điều trên đã thay đổi. Cuối cùng thì đồng đôla Canada đã đạt đến sự cân bằng so với đồng đôla Mỹ.

Trong khi điều này có tác động tiêu cực đến những du khách đến từ Mỹ thì ở chiều ngược lại, những du khách đến Mỹ từ Canada vui mừng nhận thấy hàng hóa và dịch vụ ở Mỹ bây giờ đã tương đối rẻ hơn. Khi đồng đôla Mỹ yếu đi, sức mua so sánh của đồng đôla Canada tăng lên.

Du khách Mỹ giờ đây sẽ ít đi du lịch đến Canada hơn. Nếu có đi, họ sẽ chi tiêu ít hơn so với trước đó khi mà tỷ giá hối đoái còn thuận lợi. Du khách Canada thì ngược lại, sẽ đi du lịch Mỹ nhiều hơn vì đồng đôla Canada có thể mua được nhiều hơn hàng hóa và dịch vụ Mỹ so với trước.

ĐỒNG EURO VÀ ĐỒNG ĐÔLA MỸ

Sự mạnh lên của đồng Euro cũng đã tạo nên một hoàn cảnh tương tự. Đồng Euro đã tăng mạnh so với đồng đôla Mỹ trong các năm 2002, 2003 và 2004 từ US$0,85 cents lên đến US$1,35 (xem Biểu đồ 2.2).

2

Biểu đồ 2.2 tỷ giá Euro/US đôla tăng từ năm 2002 đến năm 2005

Do có sự thay đổi này trong tỷ giá hối đoái, du khách Mỹ thấy rằng kỳ nghỉ ở Châu Âu trở nên đắt đỏ hơn, trong khi những người từ Châu Âu đến Mỹ nhận thấy sức mua của họ đã tăng lên đáng kể.

Điều này đã tạo nên một làn sóng lớn của những người mua sắm từ Châu Âu tràn sang Mỹ, đặc biệt vào dịp kỳ nghỉ lễ Noel. Một nhà kinh doanh Châu Âu giải thích với tôi rằng đối với ông ta việc bay sang New York, ở khách sạn, mua sắm và trở về nhà tính ra còn rẻ hơn là ở nhà để mua sắm.

Bên cạnh sự thật hiển nhiên về việc của cải được và mất trong những sự chuyển động lớn lao kể trên, chúng ta sẽ còn thấy ngay cả những thay đổi nhỏ trong tỷ giá hối đoái cũng có cách tạo ra những được, mất đáng kể. Đấy chính là cách mà các nhà kinh doanh Forex kiếm tiền.

THUẬT NGỮ KINH DOANH FOREX

Các nhà kinh doanh có ngôn ngữ riêng của họ. Họ sử dụng những từ có thể làm cho người ngoài cuộc hoặc người mới nhập cuộc bối rối. Ngôn ngữ kinh doanh gần như là một cái bắt tay ngầm cho phép những nhà kinh doanh khác nhận ra bạn là một thành viên trong cộng đồng của họ.

Đó là phương pháp dành cho sự điên đầu của thuật ngữ kinh doanh. Rất nhiều thuật ngữ cho phép một nhà kinh doanh thể hiện chính xác suy nghĩ của mình thông qua một hai từ nhanh gọn. Trong bất cứ cuộc tranh luận nào về kinh doanh, bạn sẽ thường được nghe những khái niệm như long, short và flat. Trong thực tế, mọi nhà kinh doanh đều luôn ở trạng thái long, short hoặc flat. Vậy những thuật ngữ này có nghĩa là gì?

Đánh lên (going long): Khi một nhà kinh doanh nói rằng anh ta đang đánh lên, đó là lúc anh ta vào một lệnh giao dịch mà lệnh đó sẽ chỉ có lãi nếu tỷ giá hối đoái tăng lên.

Đánh xuống (going short): Khi một nhà kinh doanh nói rằng anh ta đang bán xuống, đó là lúc anh ta vào một lệnh giao dịch mà lệnh đó chỉ có lãi nếu tỷ giá hối đoái giảm xuống.

Chờ (flat): Khi một nhà kinh doanh nói rằng anh ta đang chờ, đó là lúc anh ta không đánh lên, cũng không đánh xuống. Tại thời điểm đó nhà kinh doanh này không ở trong trạng thái của một lệnh giao dịch nào trên thị trường.

Vậy tại sao các nhà kinh doanh sử dụng các thuật ngữ này? Tại sao họ không dùng từ mua thay từ đánh lên, hoặc dùng từ bán thay từ đánh xuống?

Câu trả lời sẽ rất đơn giản khi ta biết rằng các nhà kinh doanh Forex có thể kiếm tiền kể cả khi tỷ giá lên hoặc xuống. Ví dụ, giả sử bạn bước vào phòng làm việc của tôi và hỏi tôi sẽ kinh doanh như thế nào trong ngày hôm nay và câu trả lời của tôi là “hôm nay tôi sẽ bán”. Có đúng là từ “bán” có thể có hai nghĩa không? Có thể tôi sẽ bán cặp ngoại tệ mà tôi đã mua tuần trước nhằm thu một ít lợi nhuận; hoặc cũng có thể tôi sẽ vào một lệnh bán một cặp ngoại tệ mới trong ngày hôm nay với kỳ vọng sẽ có lãi do tỷ giá hối đoái của chúng sẽ đi xuống.

Tuy nhiên, nếu bạn hỏi tôi cùng một câu như trên và câu trả lời của tôi là “tôi sẽ đánh xuống” thì sẽ không có sự nhầm lẫn nào như đã nói ở trên. Nếu tôi “đánh xuống”, có nghĩa chắc chắn là tôi sẽ có lãi nếu tỷ giá đi xuống và chắc chắn tôi sẽ lỗ nếu tỷ giá đi lên. Sẽ không có sự nhầm lẫn nào hết.

Giả sử bạn hỏi tôi rằng tôi định làm gì trong ngày hôm nay và câu trả lời của tôi dành cho bạn là tôi định “mua” thì từ “mua” ở đây cũng hàm chứa hai nghĩa. Có thể tôi sẽ mua vì tôi ngĩ rằng tỷ giá sẽ đi lên; cũng có thể tôi đã từng vào một lệnh bán vào tuần trước và tỷ giá từ đó đến nay đã đi xuống. Để thu lợi nhuận và đóng lệnh mua cũ, tôi cần mua trả lại cặp ngoại tệ tôi đã bán tuần trước. Giao dịch này được gọi là “hoàn lệnh đánh xuống”.

Nếu tôi hoàn một lệnh nào đó và không còn lệnh mở nào trên thị trường, thì tức là tôi đang ở trạng thái “chờ”.

Nếu tôi trả lời bạn là “tôi sẽ đánh lên trong ngày hôm nay” thì câu này chỉ có một nghĩa duy nhất. Nó có nghĩa là nếu tỷ giá hối đoái đi lên, tôi sẽ có lãi; nếu trỷ giá hối đoái đi xuống, tôi sẽ bị lỗ. Việc sử dụng các thuật ngữ này sẽ loại bỏ sự không rõ ràng nhờ chúng mô tả chính xác hoạt động kinh doanh.

PIP là gì?

PIP là mức thay đổi giá nhỏ nhất trên thị trường Forex. Đây là từ viết tắt của cụm từ “điểm phần trăm” (percentage in point). Bạn có thể trở lại ví dụ trước: tỷ giá hối đoái giữa cặp ngoại tệ US đôla/Canada đôla là 1,10 và chúng ta đã thêm các số thập phân thành 1,1000 là để nhằm tính toán chính xác hơn.

Lý do làm cho tỷ giá chính xác hơn ở chỗ nó cho phép chúng ta thể hiện sự thay đổi nhỏ nhất có thể trong tỷ giá hối đoái. Ví dụ, giả sử tỷ giá tăng từ 1,1000 lên 1,1001. Chúng ta nói rằng tỷ giá đã tăng lên 1 pip, là mức tăng nhỏ nhất có thể.

Những loại ngoai tệ chủ yếu

Dưới đây là danh mục một số loại ngoai tệ được kinh doanh sôi động nhất kèm theo các chữ viết tắt (code) của mỗi loại ngoai tệ đó. Lưu ý rằng đây chỉ là một phần của bảng danh mục vì ngày nay trên thị trường thế giới có rất nhiều loại ngoai tệ được đưa vào kinh doanh.

EUR = Euro

GBP = Bảng Anh

USD = Đôla Mỹ

JPY = Yên Nhật

CHF = Frăng Thụy Sỹ

CAD = Đôla Canada

AUD = Đôla Úc

NZD = Đôla New Zealand

Những tên lóng

Nhiều loại ngoại hối mang những tên long khác nhau. Các nhà kinh doanh thích dùng tiếng lóng, do vậy bạn cần biết những tên lóng này để hiểu họ muốn nói gì. Sau đây là một số ví dụ.

Đôla Mỹ: “Greenback” hoặc “Buck”

Bảng Anh: “Cable” hoặc “Sterling”

Euro: “Single Currency”

Frăng Thụy Sỹ: “Swissy”

Đôla Canada: “Loonie”

Đôla Úc: “Aussie”

Đôla New Zealand: “Kiwi”

Nguồn gốc của những tên lóng này cũng là chủ đề tranh luận thú vị. Ví dụ, Euro được gọi là “Single currency” vì nó là loại một tiền được nhiều nước sử dụng. Còn “Kiwi” là loài chim ăn đêm, không bay được, và là biểu tượng quốc gia của New Zealand.

Trước đây đã lâu đồng Bảng Anh từng được xem là đồng tiền chủ chốt và nó được chuyển qua lại liên tục giữa Châu Âu và Bắc Mỹ thông qua điện tín (cable). Nhiều năm sau, cái tên lóng “cable” vẫn tồn tại. Xét về nguồn gốc, đồng Bảng vốn ngang giá với một pound2 Bạc nguyên chất (sterling silver), do đó nó được gọi là “Pound Sterling” hoặc đơn giản là “Sterling”.

2 Một Pound = 0,45359 Kg (N.D.)

“Loonie” là tên gọi không chính thức nhưng rất thông dụng đồng xu 1 đôla màu vàng, có khảm bạc của Canada. Tên lóng xuất phát từ bức hình con chim lặn gavia (Loon), là một loài chim hiếm, trên một mặt của đồng xu.

Các ngân hành trung ương

Mọi nước (trong trường hợp Châu Âu là một nhóm nước) đều có một mức lãi suất tín dụng tương ứng và mức lãi suất này được ngân hàng trung ương (Central Bank) xác định. Những người kinh doanh Forex theo dõi rất cẩn thận các mức lãi suất này vì chúng có tác động rất lớn đến tỷ suất hối đoái. Sau đây là một số ngân hàng trung ương của một số nước và nhóm nước:

Liên minh Châu Âu : European Central Bank (ECB)

Vương quốc Anh : Bank of England (BoE)

Mỹ : Federal Reserve (Fed)

Nhật : Bank of Japan (BoJ)

Thụy Sỹ : National Bank (SNB)

Canada : Bank of Canada (BoC)

Úc : Reserve Bank of Australia (RBA)

New Zealand : Reserve Bank of New Zealand (RBNZ)

Những ngân hàng trung ương này thường nâng mức lãi suất để chống lạm phát, hạ mức lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hoạt động của chúng tạo ra các biến động trong tỷ giá hối đoái và đó là những công cụ hỗ trợ cho nhiều chiến lược kinh doanh Forex khác nhau.

Những cặp ngoại tệ thông dụng

Sau đây là những cặp ngoại tệ thông dụng nhất:

EUR/USD Euro- đôla Mỹ

USD/JPY Đôla Mỹ – Yên Nhật

GBP/USD Bảng Anh – đôla Mỹ

USD/CHF Đôla Mỹ – Frăng Thụy sỹ

AUD/USD Đôla Úc – đôla Mỹ

USD/CAD Đôla Mỹ – đôla Canada

NZD/USD Đôla New Zealand – đôla Mỹ

EUR/JPY Euro – Yên Nhật

EUR/GBP Euro – Bảng Anh

GBP/CHF Bảng Anh – Frăng Thụy sỹ

EUR/AUD Euro – đôla Úc

Loại ngoại tệ đứng đầu trong một cặp ngoại tệ được gọi là ngoại tệ cơ sở, ngoại tệ đứng sau trong cặp ngoại tệ được gọi là ngoại tệ đối ứng hoặc ngoại tệ đặt giá. Ví dụ trong trường hợp cặp ngoại tệ Euro/đôla Mỹ (Eur/USD), đồng euro được gọi là đồng tiền cơ sở của cặp ngoại tệ này, còn đồng đôla Mỹ được gọi là đồng tiền đối ứng.

Vậy ai là người quy định loại ngoại tệ nào là đồng tiền cơ sở và loại ngoại tệ nào là đồng tiền đối ứng hoặc đồng tiền đặt giá? Nhiệm vụ này là của Tổ chức Định chuẩn Quốc tế (International Organization for Standardization –ISO). ISO là người xác định các cụm từ viết tắt tên các ngoại tệ và thứ tự của các loại ngoại tệ trong từng cặp ngoại tệ.

Bất cứ khi nào một cặp ngoại tệ trong biểu đồ biến động tăng, điều đó có nghĩa là đồng ngoại tệ cơ sở mạnh lên so với đồng ngoại tệ đối ứng. Điều này đúng với tất cả các cặp ngoại tệ (xem Biểu đồ 2.3).

3

Biểu đồ 2.3 Đồng ngoại tệ cơ sở mạnh lên so với đồng ngoại tệ đối ứng

Điều này cũng đúng với hướng ngược lại: nếu đồng ngoại tệ cơ sở có mức tăng trưởng yếu hơn so với đồng ngoại tệ đối ứng, biểu đồ sẽ cho thấy tỷ giá hối đoái của cặp ngoại tệ đó đi xuống (xem Biểu đồ 2.4).

Lot là gì?

Trong thị trường chứng khoán, các nhà kinh doanh mua và bán các cổ phiếu. Trong thị trường tương lai (thị trường giao sau) các nhà kinh doanh mua và bán các hợp đồng. Còn trong thị trường Forex, các nhà kinh doanh mua và bán các lot. Một lot là khối lượng giao dịch nhỏ nhất để các nhà kinh doanh có thể vào lệnh giao dịch.

Mỗi một lot bao gồm 100.000 đơn vị ngoại tệ. Nếu bạn đánh lên một lot của cặp Eur/USD tức là trên thực tế bạn đã đánh lên 100.000 đơn vị ngoại tệ cơ sở và đồng thời đánh xuống 100.000 đơn vị ngoại tệ đối ứng. Như vậy, một nhà kinh doanh đánh lên một lot của cặp Eur/USD thì cũng có nghĩa là anh ta đánh lên 10.000 Euro, đồng thời anh ta cũng đánh xuống một số lượng tương ứng đôla Mỹ.

Vào lệnh (Entry)

Vào lệnh hoặc điểm vào lệnh là thời điểm lệnh đánh lên hoặc đánh xuống được mở. Đây là lúc giao dịch bắt đầu.

4

Biểu đồ 2.4 Đồng ngoại tệ cơ sở yếu đi so với đồng ngoại tệ đối ứng

Lệnh dừng hoặc lệnh dừng lỗ (Stop hoặc Protective Stop)

Một lệnh dừng là lệnh được đặt để thoát ra khỏi giao dịch khi tỷ giá hối đoái biến động theo hướng bất lợi cho nhà kinh doanh. Lệnh này được đặt nhằm kiểm soát lỗ ở mức tối thiểu và có thể kiểm soát được.

Mục tiêu (Target)

Mục tiêu được đặt nhằm thoát ra khỏi giao dịch trong trường hợp tỷ giá đang biến đổi theo hướng có lợi cho nhà kinh doanh. Lệnh mục tiêu còn được gọi là lệnh thu lợi (take-profit order).

Thị trường giao ngay hoặc thị trường tiền mặt (Spot Market hoặc Cash Market)

Giá giao ngay là giá trị của một vật, hay một mặt hàng ngay tại thời điểm hiện tại. Giá này khác với hợp đồng tương lai, khi giá trị của một vật hay mặt hàng được tính trong tương lai.

Giả dụ bạn muốn mua một chai nước. Bạn đang khát và bạn muốn có ngay chai nước. Người bán hàng tính 1 đôla cho chai nước bạn mua. Như vậy, 1 đôla là giá giao ngay của chai nước tại cửa hiệu đó; nói cách khác đó là giá được trả ngay tại thời điểm đó.

Ở một khía cạnh khác, giả sử bạn muốn trả giá chai nước mà bạn muốn trong tương lai. Bạn thỏa thuận với chủ hiệu, có tính đến lạm phát, quan hệ cung cầu và yếu tố bất định của tương lai. Bạn đồng ý mua chai nước với giá 1,05 đôla. Như thế, bạn đã thỏa thuận một hợp đồng tương lai cho chai nước.

Khi bạn thấy nhắc đến thị trường “spot” hoặc thị trường “cash” thì đấy là để phân biệt giữa thị trường giao ngay và thị trường giao sau.

Thanh khoản (liquid)

Một thị trường có tính thanh khoản, hay một thị trường “dày” là thị trường mà trong đó mọi hoạt động mua và bán đều diễn ra dễ dàng. Thị trường Forex có được điều này vì ở đó có nhiều hơn người mua và nhiều hơn người bán. Một thị trường ít người mua và bán được gọi là thị trường kém thanh khoản (Illiquid market).

Đòn bẩy (Leverage)

Đòn bẩy là khả năng kiểm soát một lượng vốn kinh doanh lớn bởi một lượng vốn đầu tư ban đầu tương đối nhỏ.

Ví dụ, một lot của một cặp ngoại tệ có giá trị 100.000 đơn vị tiền tệ, tức là 100.000 euro hoặc 100.000 đôla Mỹ chẳng hạn. Vậy liệu bạn có cần phải có số vốn đặt trong tài khoản ít nhất là 100.000 euro hoặc 100.000 đôla Mỹ để có thể giao dịch 1 lot của cặp ngoại tệ EUR/USD không?

Không cần, bạn có thể kiểm soát một lot với một số vốn trong tài khoản thậm chí chỉ bằng 1/200 giá trị của lot giao dịch. Ta nói rằng nhà kinh doanh giao dịch 1 lot theo cách trên đang sử dụng đòn bẩy 1 ăn 200. Số lần của đòn bẩy được các nhà kinh doanh sử dụng dựa trên nhu cầu cá nhân của họ, cũng như “vùng an toàn” do họ xác định.

Hỗ trợ (Support)

Hỗ trợ là một vùng ở trên biểu đồ giá nơi mà xu hướng giảm giá ngừng lại. Điểm hỗ trợ không không phải là một điểm giá chính xác nào, mà nó là một vùng. Hãy nghĩ rằng điểm hỗ trợ là sàn nhà dưới chân bạn (xem Biểu đồ 2.5).

5

Biểu đồ 2.5 Tỷ giá cặp ngoại tệ EUR/USD được hỗ trợ liên tục ở mức 1.2700

Kháng cự (Resistance)

Kháng cự là một vùng ở trên biểu đồ giá nơi mà xu hướng tăng giá dừng lại. Giống như điểm hỗ trợ, điểm kháng cự là một vùng giá chứ không phải là một mức giá chính xác nào đó. Hãy nghĩ rằng điểm kháng cự như là trần nhà trên đầu bạn (xem Biểu đồ 2.6).

Phá xu thế (Breakout)

Phá xu thế xuất hiện khi giá của cặp ngoại tệ vượt xuống dưới điểm hỗ trợ hoặc vượt lên trên điểm kháng cự (xem Biểu đồ 2.7).

Xu hướng (Trend)

Một xu hướng xuất hiện khi tỷ giá hối đoái giao động cố định theo một hướng, hoặc thấp dần, hoặc cao dần (xem Biểu đồ 2.8).

6

Biểu đồ 2.6 Tỷ giá cặp ngoại tệ USD/JPY gặp điểm kháng cự tại 119.00

7

Biểu đồ 2.7 Phá xu thế ở cặp ngoại tệ USD/CAD

8

Biều đồ 2.8 Một xu thế được hình thành ở cặp ngoại tệ AUD/USD

Dải giá (Range)

Dải giá xuất hiện khi tỷ giá hối đoái không có một hướng rõ ràng nào, đồng thời được giới hạn trong một khoảng hỗ trợ và kháng cự tương đối rõ ràng nào đó (xem Biểu đồ 2.9).

Tích lũy (Consolidation)

Hiện tương tích lũy xảy ra khi tỷ giá hối đoái bị giới hạn giữa mức hỗ trợ và kháng cự hẹp dần. Hiện tượng tích lũy thường dẫn đến hiện tượng phá xu thế (Breakout) (xem Biểu đồ 2.10).

Tính biến động (Volatility)

Tính biến động là mức độ giao động tỷ giá kỳ vọng của một cặp ngoại tệ trong một khoảng thời gian định trước. Một cặp ngoại tệ có tính biến động cao có xu hướng tạo những thay đổi nhanh và mạnh, trong khi một cặp ngoại tệ có tính biến động thấp thường được giao dịch trong một khoảng giá dễ dự đoán hơn.

Cách để hiểu về tỷ giá hối đoái một cách dễ dàng hơn

Tỷ giá sẽ dễ hiểu hơn nếu bạn cho rằng đồng ngoại tệ cơ sở là ứng với số “một”. Giả dụ tỷ giá hối đoái của cặp EUR/USD là 1,2904. Đồng ngoại tệ cơ bản là đồng Euro vì nó nằm ở vị trí đầu tiên của cặp ngoại tệ. Hãy xem đồng Euro ứng với số 1 theo cách nghĩ “một Euro bằng 1,2904 đôla Mỹ”. Điều này có nghĩa là 1 Euro có giá trị bằng 1,2904 đôla Mỹ.

9

Biểu đồ 2.9 Cặp USD/JPY giao động giữa mức hỗ trợ và kháng cự

10

Biểu đồ 2.10 Cặp ngoại tệ GBP/USD tích lũy trước khi phá xu thế

Hãy thử cách này với bất cứ cặp ngoại tệ nào. Nếu cặp GBP/USD có tỷ giá là 1,9012 thì ta có thể nói rằng một Bảng Anh bằng 1,9012 đôla Mỹ. Nếu cặp USD/JPY có tỷ giá là 115,00 thì ta có thể nói một đôla Mỹ bằng đúng 115 Yên Nhật.

Vậy làm thế nào để chuyển tải những giao động tỷ giá này thành kiến thức cơ bản của nhà kinh doanh Forex?

Khi giao dịch cặp EUR/USD, nhà kinh doanh ở Mỹ sẽ lưu ý rằng cặp này có một mức giá cố định là 10 đôla cho mỗi pip. Trên thực tế, điều này đúng với tất cả các cặp ngoại tệ mà trong đó đồng đôla Mỹ giữ vai trò đồng ngoại tệ đối ứng. GBP/USD, AUD/USD và NZD/USD cũng đều có mức giá cố định là 10 đôla Mỹ trên 1 pip. Do đó, trong bất cứ cặp ngoại tệ nào có đôla Mỹ với tư cách là đồng đối ứng, nếu tỷ giá chuyển động cứ 10 pip theo hướng có lợi thì có nghĩa là 100 đôla đã được tạo ra, ngược lại nếu tỷ giá chuyển động cứ 10 pip theo hướng bất lợi thì có nghĩa là nó tạo ra một khoản lỗ 100 đôla Mỹ. Do cặp EUR/USD dao động trung bình khoảng 100 pip mỗi ngày, việc lỗ hoặc lãi 10 pip có thể dễ dàng xảy ra.

Nếu kịch bản này tạo nên mức rủi ro lớn hơn mong muốn của một nhà kinh doanh Forex, anh ta có thể mở một tài khoản “mini”. Trong một tài khoản mini, cặp EUR/USD có giá trị pip cố định là 1 đôla Mỹ. Trong trường hợp này, một sự chuyển động 10 pip theo hướng có lợi sẽ tạo ra lợi nhuận 10 đôla Mỹ, một sự chuyển động 10 pip theo hướng bất lợi sẽ tạo khoản lỗ 10 đôla Mỹ.

Đến đây thì bạn đã học được kha khá về Forex, Tuy nhiên, có lẽ bạn sẽ có một vài câu hỏi….


 

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button