Kinh doanh - đầu tư

Những Nguyên Tắc Vàng Của Napoleon Hill


nhung-nguyen-tac-vang-cua-napoleon-hill1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Napoleon Hill

Download sách Những Nguyên Tắc Vàng Của Napoleon Hill ebook PDF/PRC/EPUB/MOBI. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : SÁCH KINH DOANH – ĐẦU TƯ

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời giới thiệu

Như hàng triệu độc giả trên thế giới, có lẽ bạn cũng đã từng đọc qua những tác phẩm của Napoleon Hill và đã thu được những bài học bổ ích. Dù bạn là người tôn sùng những trang viết của ông hay đây là lần đầu tiên bạn đọc tác phẩm của Napoleon Hill, chắc chắn bạn sẽ luôn tìm thấy lợi ích thiết thực từ những trang sách ông viết về tiềm năng của con người chúng ta.

Cuốn sách bạn đang cầm trên tay là tập hợp các bài viết trong những tạp chí đã được Hill xuất bản hơn 80 năm về trước. Hill’s Golden Rule Magazine (Tạp chí Những nguyên tắc vàng của Hill) cùng Hill’s Magazine (Tạp chí Hill) đã được xuất bản một vài năm trước khi cuốn sách đầu tiên của Hill xuất hiện. Những lời khuyên của Hill nằm trong một loạt các bài viết về tiềm năng của con người.

Những ngọn núi hẻo lánh của vùng Wise County, Virginia, nơi Hill được sinh ra vào năm 1883, đã không tạo nhiều cơ hội cho một cậu trai sinh trưởng trong nghèo khó. Mẹ của Hill mất năm ông lên 10, cha ông tái hôn vài năm sau đó. Nhưng mẹ kế của Hill – bà Martha – đã chở che và mang lại phúc lành cho cuộc đời cậu thiếu niên sớm chịu nhiều bất hạnh. Bà là một góa phụ trẻ sinh trưởng trong một gia đình có học thức, cha bà là bác sĩ; và bà cảm thấy yêu mến đứa con trai riêng hiếu động, tinh nghịch của chồng. Thành viên mới này của gia đình Hill đã trở thành nguồn động viên cho cả cuộc đời ông sau này. Về sau, Hill đã tin cậy người mẹ kế của mình không khác gì Abraham Lincoln – Tổng thống thứ 16 của Mỹ – đã tin cậy người mẹ kế của ông. Hill đã từng tuyên bố rằng: “Dù tôi có trở thành người như bây giờ hay như tôi từng khao khát, thì tôi vẫn luôn mang ơn người phụ nữ đáng kính này”. Năm lên 13 tuổi, với sự giúp đỡ của mẹ kế, Hill đã có bước đi đầu tiên trong sự nghiệp của mình khi trở thành một nhân viên đánh máy. Sau đó một loạt các bài báo của ông được đăng, sự kiện này đã thôi thúc ông theo đuổi nghề viết sách chuyên nghiệp.

Sau hai năm học trung học, Hill ghi danh vào một trường kinh doanh. Học xong, ông làm việc cho Ngài Rufus Ayres – Tổng chưởng lý(1) bang Virginia, cũng là thành viên của chính quyền liên bang và đã từng lọt vào danh sách ứng cử viên Thượng viện. Ngài Ayres là người giàu có và quyền lực, thích đầu tư vào ngành ngân hàng, khai thác gỗ, khai thác than. Nhưng rồi Hill đột nhiên chuyển hướng sang ngành Luật, ông thuyết phục em trai là Vivian cùng ông nộp đơn vào trường Luật Georgetown và viết sách để trả tiền học phí cho hai anh em. Vivian đã theo đuổi và tốt nghiệp trường Luật Georgetown trong khi Napoleon lại bỏ đi theo hướng khác. Ông tìm được một công việc ở tạp chí Bob Taylor thuộc quyền sở hữu của Robert Taylor – Thượng nghị sĩ của tiểu bang Tennessee khi đó. Ở đây Hill được giao nhiệm vụ viết về những câu chuyện thành công, trong đó có câu chuyện về sự phát triển của thành phố Mobile thuộc tiểu bang Alabama, được biết đến như là một thành phố cảng nổi tiếng. Khi Hill được cử đến gặp Andrew Carnegie(2) ở căn biệt thự 45 phòng của ông, cuộc phỏng vấn nhẽ ra chỉ tiến hành trong thời gian ngắn đã kéo dài tới 3 ngày. Cuộc phỏng vấn của Hill với Carnegie nói về sự thành công và việc phát triển những triết lý về thành công, những điều mà về sau Hill đã truyền lại cho hàng triệu độc giả qua các cuốn sách của mình. Cuộc sống của Hill từ đó thay đổi mạnh mẽ, và chuyến phiêu lưu của cuộc đời ông gắn liền với cuộc phỏng vấn những người thành công. Những cuộc trò chuyện đó giúp ông hiểu được nguyên nhân tại sao một vài người đạt được thành công trong khi những người khác lại không.

Qua sự giới thiệu của Carnegie, Hill đã được gặp gỡ Henry Ford, Thomas Edison, George Eastman, John D. Rockefeller và những nhân vật nổi tiếng khác của thời đại. Trước khi Hill viết cuốn sách đầu tiên, cuộc hành trình trải nghiệm và thu thập kiến thức của Hill về những nguyên tắc dẫn đến thành công đã kéo dài suốt 20 năm với hơn 500 lần phỏng vấn.

Hill sống đến năm 87 tuổi, và suốt cuộc đời ông đã phát triển những triết lý về các nguyên tắc đạt được thành công mà giá trị thực tiễn của chúng đến nay vẫn được đánh giá cao. Tác phẩm đầu tiên của Hill thực ra là tập hợp 8 băng ghi âm mà ông đặt tên là The Law of success (Quy luật của sự thành công), xuất bản vào năm 1928. Ông nhận được nhuận bút từ 2.000 đến 3.000 đô-la một tháng, đó là một khoản tiền khổng lồ vào lúc ấy và Hill đã mua một chiếc Rolls-Royce để đi thăm lại con sông Guest River ở vùng núi Wise County, Virgina – miền đất gắn bó với tuổi thơ ông.

Hill đã viết một tập sách nhỏ có tên The Magic Ladder to Success (Những nấc thang kỳ diệu dẫn đến thành công), và khi cuốn sách này được xuất bản dưới dạng tóm gọn của cuốn The Law of Success, nó còn được bổ sung thêm một chương Forty Unique Ideas (Bốn mươi sáng kiến độc đáo) bàn về việc làm thế nào để kiếm tiền. Trong số những sáng kiến đó của Hill thì có sáng kiến về trạm đổ xăng tự động để những tay lái mô-tô có thể tự đổ xăng cho xe của mình bất kể ngày hay đêm; hoặc những ổ khóa không có chìa để chống trộm; nước giải khát làm từ rau củ tươi không dùng chất bảo quản. Hãy nhớ rằng, lúc này chỉ đang là năm 1930, và những sáng kiến này đã cho thấy tầm nhìn xa trông rộng của Hill.

Một bằng chứng khác về năng lực trác tuyệt của Hill được thể hiện ở một thực tế rằng rất nhiều những cuốn sách dạy kỹ năng sống được xuất bản ngày nay đều là sự kế thừa và tiếp nối những gì mà Hill đã chiêm nghiệm và đúc rút từ hơn 80 năm về trước.

Ngày nay, có một số cuốn sách viết về quy luật thu hút sự thành công, như thể đó là những nguyên tắc mới được phát hiện. Thực ra, Hill đã viết về những nguyên tắc được gọi là “mới” này trên tạp chí Hill’s Golden Rule Magazine từ tháng 3 năm 1919, nay được tập hợp lại làm Bài học thứ 4 trong sách: Quy luật tương tác.

Ngày càng có nhiều những cuốn sách lấy tư liệu tham khảo từ các tác phẩm của Hill. Những luận điểm của Hill thường xuyên được các tác giả khác trích dẫn – nguyên văn hoặc có khi bị thay đổi đôi chút.

Năm 1937, Hill viết cuốn sách nổi tiếng nhất của ông Think and Grow Rich(3). Cuốn sách được tái bản ba lần trong năm đó với giá 2,5 đô-la một cuốn (lúc này đang là thời kỳ Đại khủng hoảng(4)), mà không cần phải quảng cáo rầm rộ như ngày nay. Cho đến nay, cuốn sách này đã bán được hơn 60 triệu bản trên toàn thế giới và vẫn duy trì mức bán ra với con số khoảng 1 triệu bản mỗi năm. Ngày nay, một cuốn sách được xem là bán chạy nhất chỉ ở khoảng 100 ngàn bản. Tất cả các cuốn sách của Hill đều bán được hơn số này, và hầu hết chúng đều vượt quá con số một triệu bản. Các nhà xuất bản ước lượng rằng những cuốn sách được xem là được ưa chuộng ngày nay có tuổi thọ từ một đến hai năm. Trong khi đó, cuốn sách The Law of Success của Hill đã được xuất bản liên tục kể từ năm 1928, cuốn Think and Grow Rich là từ năm 1937, cuốn Master Key to Riches từ năm 1945, cuốn Success Through a Positive Mental Attitude(5) từ năm 1960, cuốn Grow Rich with Peace of Mind từ năm 1967 và cuốn You Can Work Your Own Miracles là từ năm 1971. Nói cách khác, những cuốn sách của Hill ngày càng được bán ra với số lượng lớn, vượt gấp nhiều lần so với lần đầu tiên xuất bản.

– Don M. Green

Giám đốc điều hành Quỹ Napoleon Hill

ĐỌC THỬ

1. Di truyền xã hội và di truyền thể chất

Cha mẹ tạo ra bạn về mặt thể chất, nhưng về mặt tinh thần, chính BẠN mới là người quyết định mức độ trưởng thành của mình.

Như bất cứ ai khác, bạn là sự tổng hợp của hai yếu tố: di truyền và môi trường sống.

Dù ít hay nhiều, bạn sẽ thừa hưởng từ cha mẹ, hoặc từ ông bà của mình một vài đặc điểm về hình dạng như vóc dáng, màu tóc, màu mắt, làn da… và một số đặc điểm khác về tính cách. Những đặc tính này được truyền lại thông qua sự di truyền thể chất, cho nên phần nhiều đặc điểm cơ thể của bạn là kết quả từ những căn nguyên mà bạn không có khả năng kiểm soát hoặc thay đổi.

Những đặc tính di truyền từ xã hội do bạn thu nhận từ môi trường sống thì lại khác. Bạn có thể thay đổi chúng theo ý muốn của mình. Dĩ nhiên, những đặc tính di truyền từ xã hội được hình thành trước tuổi lên 10 sẽ khó thay đổi hơn dù bạn có vận dụng đến sức mạnh của ý chí, bởi vì chúng đã được định hình sâu đậm trong bạn.

Ngay từ khi chào đời, bạn đã tiếp xúc với thế giới và hình thành những ấn tượng xã hội thông qua năm giác quan. Những bài hát bạn yêu thích, những bài thơ làm bạn xúc động, những cuốn sách bạn say mê, những bài giảng khiến bạn hào hứng, những cảnh vật bạn nhìn ngắm mải mê… tất cả những ấn tượng ấy đều góp phần cấu thành cái gọi là di truyền xã hội trong bạn.

Khi bạn tin tưởng vào một điều gì đó và làm theo thì hành động ấy chính là kết quả của những ấn tượng giác quan xảy đến khi tâm hồn bạn tiếp xúc với thế giới. Niềm tin của bạn đúng hoặc sai là tùy thuộc vào tính đúng hay sai, hợp lý hay vô lý của những ấn tượng giác quan này.

Nếu như trong quá trình học tập ở trường, bạn được các thầy cô dạy cách suy nghĩ đúng đắn, cách để vượt qua những định kiến về chủng tộc, tín ngưỡng, chính trị và sở thích hay cách để thấy được rằng chẳng có gì ngoài sự thật mới có thể trường tồn trong tâm trí bạn hoặc cách để thoát khỏi những ấn tượng giác quan sai lầm, thì bạn đã rất may mắn vì được sống trong một môi trường có đầy đủ điều kiện thuận lợi để phát triển nhân cách.

Nếu như đặc tính di truyền về mặt thể chất không thể thay đổi được thì ngược lại, những đặc tính di truyền từ xã hội lại có thể thay đổi. Nói cách khác, những tư tưởng mới có thể được tạo ra để thay thế cho những suy nghĩ đã cũ, hay sự thật có thể thay thế cho những sai lầm.

Một trí tuệ vĩ đại có thể trú ngụ trong một cơ thể ốm yếu, bé nhỏ nếu ta biết định hướng cho trí tuệ đó một cách đúng đắn thông qua những đặc tính di truyền từ xã hội. Ngược lại, một cơ thể khỏe mạnh lại có thể là nơi trú ngụ của một tâm hồn yếu ớt, nhu nhược cũng thông qua những di truyền xã hội. Tâm trí là sự tổng hợp của tất cả những ấn tượng giác quan mà bộ não ta tiếp nhận; vì vậy, sẽ rất nguy hiểm nếu xuất hiện những ấn tượng giác quan sai lầm, và càng nguy hiểm hơn nếu đó là những ấn tượng sai lầm chứa đựng những định kiến, thù hận, hay những sai lầm tương tự. Ta cần phải tránh xa những điều đó.

Có thể ví von tâm trí bạn giống như một cánh đồng màu mỡ. Chúng ta sẽ có được những vụ mùa bội thu nhờ vào những hạt giống tốt và những tác động tích cực lên nó.

Có thể kể đến những nguồn gốc có ảnh hưởng nhiều nhất đến khuynh hướng cấu thành tính cách của bạn: đầu tiên là cách giáo dục mà bạn nhận được từ gia đình, bố mẹ; thứ hai là những ý kiến từ bạn bè và những người cố vấn; thứ ba là những bài giảng từ trường học; và cuối cùng là những tờ báo ra hàng ngày, các tạp chí hàng tháng và tất cả những phương tiện truyền thông khác bạn được tiếp xúc.

Thông qua bốn kênh dẫn này, bất cứ tư tưởng, suy nghĩ hay quan điểm nào, dù tốt hay xấu, cũng đều có thể để lại những dấu ấn vĩnh viễn trong tâm trí trẻ em; thậm chí có khi còn dẫn đến nhiều hậu quả tồi tệ mà khi lớn lên, dẫu muốn ta cũng không thể xóa bỏ hay thay đổi được.

Tuy nhiên, nếu như kiểm soát được bốn nguồn gốc này thì tư tưởng của một con người hay của cả một dân tộc hoàn toàn có thể thay đổi, đến một thế hệ nào đó, tư tưởng cũ sẽ phải “nhường ngôi” cho một tư tưởng mới phù hợp hơn.

Tóm lại, ta thấy rằng rất cần thiết để nhắc lại hai điểm chính sau đây:

Điểm thứ nhất – Bất cứ tư tưởng hay thói quen nào nếu muốn được in dấu mãi mãi trong tâm trí của một con người thì cần phải được in dấu từ thời thơ ấu, thông qua những đặc tính di truyền từ xã hội. Nếu một tư tưởng được nuôi dưỡng tốt thì nó sẽ trở thành một phần vĩnh cửu ở lại trong tâm trí con người suốt đời, trừ phi có những ảnh hưởng lớn mạnh hơn khiến người đó hình thành một tư tưởng khác có khuynh hướng chống lại thậm chí đánh bại tư tưởng cũ, nhưng điều này rất hiếm khi xảy ra. Ta gọi nguyên tắc này là sự di truyền xã hội, bởi vì nó tạo ra một môi trường mà ở đó những phẩm chất nổi trội của một người sẽ được nuôi dưỡng và phát triển thông qua năm giác quan; và chúng khác biệt với những đặc tính thể chất mà người đó được thừa hưởng từ cha mẹ.

Điểm thứ hai – Một trong những nguyên tắc cơ bản và quan trọng nhất trong hoạt động tâm trí của một người là tâm trí con người thường có khuynh hướng muốn đạt được những điều bị kiềm chế, bị cấm đoán hoặc là khó đạt được. Khi bạn lấy một vật ra khỏi tầm với của một người nghĩa là bạn đã thiết lập nên tâm trí người đó một ước vọng là phải lấy lại vật đó cho bằng được. Khi bạn cấm một người làm điều gì đó, người ta lại càng tha thiết muốn làm hơn nữa. Con người thường trở nên phẫn nộ khi bị ép buộc. Vì vậy, để nuôi dưỡng một tư tưởng trong tâm trí của một người và để tư tưởng đó có thể in đậm mãi mãi, thì ta cần tìm cách để người đó thích thú chào đón và sẵn sàng chấp nhận nó. Tất cả những người bán hàng chuyên nghiệp đều rất quen thuộc với nguyên tắc này, họ đã cố ý thể hiện tất cả những ưu thế trong dịch vụ, hàng hóa của mình khiến những khách hàng tiềm năng không thể nhận ra rằng tâm lý muốn mua món hàng đó không phải bắt nguồn từ tâm trí họ, mà chính là do những người bán hàng định hình trong họ.

Đây là hai nguyên tắc thực sự đáng giá đã được những nhà lãnh đạo tài năng vận dụng để đạt được thành công. Bất kể bạn đang làm công việc bán hàng, y học, luật gia, thương thuyết, viết sách, dạy học, quản lý thương nghiệp hay công nghệ, nếu học tập và ứng dụng hai nguyên tắc này, thành quả của bạn sẽ tăng lên rất nhiều, có khi khiến bạn bất ngờ về chính khả năng của mình.

Bạn là sự tổng hợp của hai yếu tố, di truyền và môi trường sống. Bạn không thể quyết định những đặc điểm di truyền của mình, nhưng bạn có thể tự mình xây dựng những ưu điểm nổi bật về tính cách, cũng như tự vượt qua những điểm yếu còn tồn tại của bản thân. Và chắc chắn bạn hoàn toàn CÓ THỂ thay đổi môi trường, suy nghĩ, mục đích và mục tiêu sống của mình. Điều này tùy thuộc vào BẠN, do bạn có MUỐN hay không mà thôi.

2. Tự ám thị

Nói một cách đơn giản, tự ám thị là những đề nghị mà một người tự đưa ra cho chính mình.

Trong quyển sách thành công xuất sắc “As a Man Thinketh”, James Allen đã mang đến cho nhân loại một bài học quý giá về sự tự ám thị bằng việc chỉ ra rằng một người có thể thay đổi thực sự bản thân mình thông qua quá trình tự ám thị.

Bài học này, như James Allen nói, được xem như một phương tiện để khuyến khích mọi người khám phá và nhận thức ra chân lý rằng “bản thân mỗi người là tác phẩm của chính họ”, thông qua những suy nghĩ họ đã tự lựa chọn và phát triển. Tâm trí lúc này đóng vai trò như một người thợ dệt xuất sắc đã dệt nên lớp vỏ bọc của cả tính cách bên trong lẫn hình thức bên ngoài. Đặc biệt, nếu từ xưa đến nay việc dệt vá phải tiến hành trong hoàn cảnh u tối, đau khổ và đầy căm giận, thì ở đây người thợ dệt lại làm việc trong niềm vui của sự khai sáng và hạnh phúc.

Bài học này không phải là một bài thuyết giáo, cũng không phải là một chuyên luận về đạo đức. Nó là một luận thuyết mang tính khoa học mà qua đó người tiếp nhận có thể hiểu được lý do tại sao nấc thang đầu tiên trong chiếc thang thần kỳ dẫn đến thành công lại nằm ở chính luận thuyết này, và làm thế nào để có thể khiến các nguyên tắc phía sau nấc thang đó trở thành một công cụ hữu hiệu giúp họ giải quyết những vấn đề kinh tế quan trọng nhất của cuộc sống.

Bài học này dựa trên những thực tế sau:

 

  1. Mỗi một chuyển động của cơ thể con người đều được kiểm soát và định hướng bởi suy nghĩ, đây là nơi mà tâm trí chiếm vị trí trung tâm bằng cách gửi ra những mệnh lệnh từ bộ não.
  2. Tâm trí được chia thành hai bộ phận, một bộ phận được gọi là ý thức (làm công việc định hướng những hoạt động của cơ thể khi ta tỉnh) và một bộ phận gọi là tiềm thức (điều khiển những hoạt động của cơ thể khi ta ngủ).
  3. Sự hiện diện của bất kỳ ý nghĩ hoặc tư tưởng nào trong một tâm trí ý thức (hoặc tâm trí tiềm thức) đều nhằm mang đến cái gọi là “cảm giác kết nối” và thúc đẩy sự chuyển động cơ thể của con người bằng cách chuyển đổi từ suy nghĩ thành hành động. Ví dụ, một người có thể phát triển sự can đảm và tự tin bằng cách tuyên bố một cách lạc quan hoặc luôn giữ vững lời tuyên bố này trong tâm trí: “Mình tin vào bản thân. Mình rất can đảm. Mình có thể hoàn thành bất cứ nhiệm vụ nào”. Chúng ta gọi đó là tự ám thị.

Ngay bây giờ chúng tôi sẽ chỉ ra cho bạn những phương pháp hợp lý có thể giúp bạn bước những bước chân đầu tiên lên chiếc thang thần kỳ tiến đến thành công. Để bắt đầu, hãy cân nhắc và kiên nhẫn cho đến khi tìm được cái gì là công việc mà bạn thực sự muốn gắn bó và cống hiến cả đời, đồng thời hãy suy xét một cách thận trọng rằng sự lựa chọn của bạn sẽ ảnh hưởng ra sao tới những người liên quan. Sau khi quyết định công việc của mình là gì, bạn hãy viết ra một bản tuyên bố rõ ràng về nó và cam kết sẽ ghi nhớ nó.

Mỗi ngày một vài lần, đặc biệt là buổi tối trước khi đi ngủ, hãy lặp lại những lời bạn đã viết trong bản mô tả công việc của mình, hãy quả quyết với bản thân rằng cho dù thế nào bạn nhất định sẽ vẫn gắn chặt đời mình với những ràng buộc cần thiết để đạt được mục tiêu đó cũng như tất cả những mục tiêu đã xác định trong đời.

Hãy nhớ rằng trí não của bạn thực sự là một cái nam châm, nó sẽ hút về phía bạn những ai có cùng suy nghĩ và tư tưởng với bạn, để rồi tâm trí bạn sẽ tiếp thu và gắn kết mạnh mẽ với những suy nghĩ và tư tưởng ấy.

Chúng ta ai cũng biết có một định luật được gọi là định luật hấp dẫn, nguyên tắc mà theo đó nước thường chảy về chỗ trũng và mọi thứ trong vũ trụ đều có đặc tính riêng. Cũng giống như ý nghĩa của định luật về trọng trường đã giữ các hành tinh ở đúng vị trí, thử hình dung nếu không có định luật hấp dẫn, các phân tử cấu tạo thành cây sồi có thể bay lung tung, trộn lẫn với các phân tử của cây dương để tạo thành loài cây nửa sồi nửa dương. Nhưng hiện tượng kỳ lạ như vậy chưa bao giờ xảy ra.

Dựa theo định luật này để áp dụng xa hơn chút nữa, có thể nhận thấy điều gì ở quy luật hấp dẫn giữa đàn ông và phụ nữ? Chúng ta biết rằng những người đàn ông thành công, giàu có thì thường kết bạn với những phụ nữ cùng tầng lớp với mình, trong khi những người sa cơ lỡ vận cũng thường tìm đến với những phụ nữ có cùng cảnh ngộ. Điều đó diễn ra một cách tự nhiên như hiện tượng nước luôn chảy về chỗ trũng.

Người xưa có câu “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”, đó là một thực tế không thể tranh cãi.

Vì vậy, nếu đúng là con người luôn luôn tìm đến những người bạn đồng hành có cùng lý tưởng và suy nghĩ với họ, thì bạn có thể thấy được tầm quan trọng của việc kiểm soát, định hướng cho suy nghĩ và tư tưởng của chính mình, để từ đó bạn có thể phát triển một cách chính xác loại “nam châm” mong muốn trong trí não để thu hút người khác về phía bạn.

Hoặc nếu đúng là sự hiện hữu của bất cứ suy nghĩ nào trong tâm trí ý thức của bạn đều có xu hướng thúc đẩy hành động, thì bạn có thể thấy được lợi ích của việc chọn lựa một cách có cân nhắc những suy nghĩ mà bạn cho phép tâm trí của mình chú trọng vào nó.

Hãy dành thời gian đọc và suy nghĩ cặn kẽ ý nghĩa của những thông điệp này và sau đó hệ thống lại những luận điểm chính cần ghi nhớ, bởi vì đây là nền tảng từ những thực tế mang tính khoa học giúp con người đạt được tất cả những thành quả quan trọng nhất của đời mình. Chúng ta chỉ đang mới bắt đầu xây dựng lòng đường mà trên đó bạn sẽ du hành cùng với sự nghi ngờ, chút nản lòng, chút ngập ngừng, cả những thất bại, và chúng tôi muốn bạn có được sự hiểu biết thật đầy đủ về chính mình cũng như nắm rõ từng ngóc ngách nhỏ nhất của con đường đó.

Không ai định nghĩa được chính xác suy nghĩ là gì, nhưng các nhà tâm lý và nhà khoa học, những người đã từng nghiên cứu về nó đều nhất trí với giải thích rằng suy nghĩ là một dạng năng lượng mạnh làm nhiệm vụ dẫn đường cho các hoạt động của cơ thể con người, mỗi ý nghĩ trong tâm trí thông qua những suy nghĩ được mở rộng và tập trung sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động cơ thể một cách tự nhiên, dù là ý thức hay tiềm thức.

Tự ám thị, không gì khác hơn chính là một ý nghĩ được giữ trong tâm trí thông qua suy nghĩ, là phương pháp duy nhất được biết đến để một người có thể thay đổi bản thân thành một hình mẫu mà họ đã lựa chọn để vươn tới.

Làm thế nào để phát triển tính cách thông qua sự tự ám thị?

Đây là phần thích hợp để người viết cuốn sách này có thể giải thích cùng bạn về những phương pháp mà nhờ đó tác giả đã thật sự thay đổi được bản thân mình trong khoảng thời gian 5 năm.

Trước khi đi vào chi tiết, bạn hãy cùng chúng tôi nhớ về một khuynh hướng thường gặp của con người, đó là con người chúng ta thường hay nghi ngờ những điều mình không hiểu và tất cả những gì không thể chứng minh được, dù bằng trải nghiệm của bản thân hay từ sự quan sát thực tế.

Chúng tôi cũng xin nhắc cùng bạn rằng ngày nay không phải là kỷ nguyên dành cho một “Thomas đa nghi”(1). Tác giả của bạn là một người đàn ông tương đối trẻ vào thời gian này, tuy nhiên ông đã chứng kiến sự ra đời của những phát minh và phát kiến vĩ đại nhất của con người, một số trong đó còn được gọi là “những bí mật” của tự nhiên. Ông ta hoàn toàn có lý khi nhắc bạn rằng suốt 60 năm qua, khoa học đã thực sự vén bức màn ngăn cách chúng ta với ánh sáng của chân lý, mang đến nhiều công cụ văn hóa, tiến bộ và phát triển hơn hết thảy những gì đã từng được phát minh trước đó trong lịch sử loài người.

Trong những năm trước đây, chúng ta đã chứng kiến sự ra đời của bóng điện, máy sắp chữ, máy in, tia X-quang, điện thoại, ô-tô, máy bay, tàu ngầm, điện báo vô tuyến cùng vô số những công cụ khác phục vụ đắc lực cho cuộc sống con người với khuynh hướng giúp chúng ta loại bỏ dần các bản năng của loài thú mà con người từng sở hữu trong thời kỳ mông muội xưa kia.

Khi những dòng chữ này được viết ra, chúng tôi được thông báo rằng Thomas A. Edison đang nghiên cứu về một thiết bị sáng chế mới mà ông tin rằng nó sẽ giúp những linh hồn đã chết có thể giao tiếp được với những người còn sống. Giả sử ngày mai ở East Orange, New Jersey người ta thông báo rằng Edison đã hoàn thành cỗ máy này và đã liên lạc được với những linh hồn ở nơi xa xôi, thì tác giả của cuốn sách này sẽ không chế giễu lời tuyên bố đó. Nếu không tin ngay vào lời nói này cho đến khi nó được chứng minh, thì ít nhất chúng tôi cũng sẽ khoan nhận xét về tính đúng sai của vấn đề, bởi vì trong vòng 30 năm qua chúng tôi đã chứng kiến rất nhiều những điều không thể được biến thành có thể, đến nỗi chúng tôi tin tưởng rằng: trên đời này có rất ít thứ là không thể làm được một khi con người đã đặt tâm trí vào công việc với một quyết tâm sắt đá không gì lay chuyển được, và không biết đến thất bại là gì.

Theo chúng tôi được biết trong lịch sử hiện đại của Mỹ, thì những người lái tàu hỏa lão luyện nhất nước đã chế giễu ý tưởng của Westinghouse khi ông cho rằng có thể dùng áp suất của không khí để hãm phanh của một đoàn tàu hỏa. Nhưng chính những người này đã phải chứng kiến việc cơ quan lập pháp New York thông qua một bộ luật bắt buộc các công ty đường sắt phải áp dụng “sáng chế ngớ ngẩn” này. Và chính bộ luật này đã khiến ngành đường sắt đạt được tốc độ cao và độ an toàn tin cậy như ngày nay.

Chúng tôi cũng phải nhắc lại rằng, nếu Napoleon Bonaparte lừng danh không cười nhạo yêu cầu của Robert Fulton trong một cuộc phỏng vấn, thì có lẽ thủ đô nước Pháp bây giờ đang nằm trên lãnh địa nước Anh ngày nay, và nước Pháp đã có thể thống lĩnh toàn bộ đế chế Anh. Fulton đã gửi lời tới Napoleon rằng ông đã sáng chế ra một cỗ máy hơi nước có thể khiến các con tàu đi ngược gió, nhưng do Napoleon chưa từng thấy bao giờ một phát minh kỳ lạ như vậy, nên đã trả lời rằng ông không có thời gian cho các trò đùa ngớ ngẩn, và các con tàu thì không thể đi ngược gió bởi vì chúng chưa bao giờ đi được như vậy.

Tác giả nhớ rất rõ rằng, có một dự luật đã từng được đưa ra bàn luận trong Quốc hội nhằm xin ngân sách để thí nghiệm chiếc máy bay do Samuel Pierpont Langley thiết kế. Nhưng việc này đã bị từ chối ngay lập tức, và giáo sư Langley đã bị cười nhạo là kẻ mơ mộng hão huyền hay ba hoa. Chưa ai từng thấy một người điều khiển một cỗ máy trong không trung, và chẳng ai tin rằng điều đó có thể thực hiện được.

Tuy nhiên, càng ngày chúng ta càng trở nên cởi mở hơn trong cách nhìn nhận về các thế lực mà chúng ta chưa thể hiểu được; ít nhất là đối với những người không muốn trở thành trò cười cho các thế hệ mai sau.

Trước khi đưa bạn đến với câu chuyện những nguyên tắc nhất định, chúng tôi cần nhắc bạn nhớ về “những điều đã từng được cho là không thể” trong quá khứ đã trở thành những điều thực tiễn sau đó. Vì chúng tôi có lý do để tin rằng những ai chưa từng trải nghiệm sẽ khó mà chấp nhận nếu không có dịp kiểm chứng những nội dung chúng tôi đã trình bày.

Bây giờ chúng tôi sẽ kể bạn nghe những trải nghiệm lạ lùng nhất nhưng cũng có thể nói là kỳ diệu nhất trong quá khứ của mình. Những trải nghiệm này thực sự liên quan đến lợi ích của những ai đang nghiêm túc tìm kiếm các cách thức và phương tiện giúp tự phát triển bản thân, phát huy những tiềm năng nhằm xây dựng một tính cách nổi bật.

Cách đây vài năm, khi chúng tôi lần đầu tiên hiểu được nguyên tắc tự ám thị, chúng tôi đã vạch ra kế hoạch áp dụng nguyên tắc này để phát triển những phẩm chất mà mình đã từng ngưỡng mộ từ những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử. Kế hoạch như sau:

Mỗi tối trước khi đi ngủ, chúng tôi tập cho mình thói quen nhắm mắt lại và tưởng tượng ra ở trước mặt mình là một chiếc bàn tư vấn lớn.

Sau đó chúng tôi tưởng tượng ra hình ảnh những người đang ngồi quanh chiếc bàn đó, họ là những người có cuộc sống và những phẩm chất mà chúng tôi mong ước có được, thông qua nguyên tắc tự ám thị.

Ví dụ, chúng tôi chọn một số tấm gương tiêu biểu như là Lincoln, Emerson, Socrates, Aristotle, Napoleon, Jefferson, Elbert Hubbard, Henry Ward Beecher và những nhà hùng biện nổi tiếng người Anh khác.

Mục đích của chúng tôi là để in dấu vào tiềm thức của mình, thông qua sự tự ám thị, lối suy nghĩ rằng chúng tôi đang phát triển những phẩm chất nổi bật nhất mà chúng tôi ngưỡng mộ ở các nhân vật vĩ đại này.

Cứ mỗi đêm như vậy, trong khoảng một hoặc hơn một giờ đồng hồ, chúng tôi đều trải qua cuộc gặp gỡ tưởng tượng ở cái bàn tư vấn ấy. Sự thật là, cho tới tận bây giờ chúng tôi vẫn tiếp tục bài thực hành này, và mỗi ngày lại nhận thêm vào bản thân những phẩm chất mới ở những người mới mà chúng tôi muốn học hỏi ở họ, thông qua việc thi đua với chính họ.

Chúng tôi muốn có được những phẩm chất đáng chú ý nhất ở Lincoln, đó là luôn có mục đích nghiêm túc, luôn đối xử công bằng với tất cả mọi người dù là bạn bè hay kẻ thù, luôn theo đuổi lý tưởng là sẽ nâng đỡ quần chúng nhân dân và những người bình thường, khơi dậy ở họ một dũng khí để phá vỡ các tiền lệ và thiết lập những nề nếp mới khi xã hội đòi hỏi phải như vậy. Tất cả những phẩm chất mà chúng tôi rất ngưỡng mộ ở Lincoln, chúng tôi đã sắp xếp theo thứ tự ưu tiên sau đó yêu cầu tâm trí tiềm thức sử dụng hệ thống những hình ảnh tưởng tượng này như một kế hoạch để xây dựng tính cách cho mình.

Chúng tôi mong ước được học từ Napoleon phẩm chất kiên định; khả năng chuyển biến những tình huống bất lợi trở thành có lợi; sự tự tin, khả năng truyền cảm hứng và lãnh đạo mọi người; năng lực sắp xếp công việc của bản thân và những người thân cận, bởi vì chúng tôi biết rằng những sức mạnh thật sự chỉ có thể đến thông qua cách tổ chức thông minh cùng những nỗ lực có định hướng đúng đắn.

Emerson được người ta biết đến là một người có tầm nhìn sáng suốt và nhạy bén đối với tương lai, và chúng tôi muốn học theo điều đó. Chúng tôi muốn có khả năng hiểu được ngôn ngữ của thiên nhiên như chính nó hiển thị ở dòng suối chảy róc rách, trong tiếng chim hót líu lo, trong tiếng trẻ em nô đùa hồn nhiên, trên bầu trời xanh cao vút, hay ở những ngân hà tinh tú, nơi thảm cỏ xanh mượt và cả những bông hoa xinh đẹp. Chúng tôi còn muốn có được khả năng phân tích cảm xúc của loài người, khả năng hiểu được mối quan hệ nhân quả như ông.

Chúng tôi muốn học ở Elbert Hubbard quyền năng sử dụng từ ngữ tài tình cùng với khả năng lý giải về xu hướng của thời đại; khả năng kết hợp ngôn từ để có thể chuyển tải một cách chính xác và mạch lạc các suy nghĩ của mình, đồng thời có thể viết ra những câu chữ có vần có điệu thuyết phục người đọc cả về ý nghĩa ngôn từ lẫn tính chân thật của nó.

Chúng tôi muốn học ở Beecher năng lực mạnh mẽ để chiếm được cảm tình của công chúng, khả năng phát biểu với uy lực và sức thuyết phục tuyệt vời khiến người nghe có thể cảm nhận và chia sẻ cùng ông những niềm vui, nỗi buồn, hay những chìm nổi bấp bênh.

Khi tôi hình dung những người đàn ông này ngồi trước mặt tôi quanh chiếc bàn tư vấn, tôi có thể hướng sự chú ý của mình đến mỗi người trong một vài phút, và tự bảo với bản thân rằng mình đang được thừa hưởng và phát triển các phẩm chất nổi bật từ những nhân vật ngồi trước mặt.

Nếu bạn muốn khóc thương cho tôi vì sự ngu dốt khi tạo ra các nhân vật trong trí tưởng tượng để tự xây dựng tính cách riêng cho mình, hãy cứ khóc. Nếu bạn có những lời muốn chỉ trích về việc thực hành của tôi, cứ chỉ trích. Nếu bạn có cảm giác muốn dè bỉu tôi nhưng lại phải cố gắng diễn đạt cho tự nhiên để che giấu một khuôn mặt cau có, xin cứ tự nhiên, bởi vì tôi sắp sửa đưa ra cho bạn những bằng chứng chắc chắn sẽ khiến bạn phải chấm dứt những hành động như thế, để nhìn lại và ngẫm nghĩ.

Trước khi bắt đầu những buổi gặp gỡ tưởng tượng ở bàn tư vấn, tôi đã nỗ lực rất nhiều trong việc diễn thuyết nơi công cộng, nhưng đều gặp phải những thất bại thảm hại. Tuy nhiên, trong bài diễn văn đầu tiên mà tôi cố gắng truyền tải sau một tuần thực hành những cuộc gặp gỡ này, tôi đã gây ấn tượng cho thính giả đến mức tôi được mời quay lại vào một buổi khác để nói về chủ đề này một lần nữa, và từ ngày đó cho tới khi viết những dòng chữ này, tôi vẫn không ngừng tiến bộ.

Năm ngoái, công việc diễn thuyết của tôi thành công và có ảnh hưởng đến nỗi tôi đã được mời đến nhiều vùng lớn hơn ở nước Mỹ để diễn thuyết trước những câu lạc bộ, các tổ chức, trường học hàng đầu và những buổi gặp gỡ đó được chuẩn bị rất chu đáo.

Ở thành phố Pittsburgh(2), suốt tháng 5 năm 1920, tôi đã giảng về cuốn “Những nấc thang kỳ diệu dẫn đến thành công” (The Magic Ladder to Success) trước tổ chức Advertising Club. Trong số thính giả của tôi có một vài doanh nhân dẫn đầu ở nước Mỹ, những viên chức từ côngty thép Carnegie, công ty H. J. Heinz Pickle, Joseph Horne Department Store và nhiều công ty lớn khác của thành phố. Họ đều là những người có đầu óc phân tích nhạy bén. Nhiều người trong số họ đã tốt nghiệp cao đẳng và đại học. Đó là những người có thể nhận biết được điều gì đó có lý hay không trong những thông tin họ nhận được. Ở cuối buổi nói chuyện, họ đã bảo với tôi rằng tôi là người diễn thuyết tuyệt vời nhất mà tổ chức này từng mời tới. Không lâu sau khi rời khỏi Pittsburgh, tôi nhận được một huân chương từ Liên hiệp Advertising Clubs thế giới, để ghi nhớ đến sự kiện vừa rồi, trên huy chương ghi rằng: “Đa tạ ngài Napoleon Hill vì đã đến với chúng tôi, ngày 20/05/1920”.

Xin bạn đừng xem những điều tôi nói trên đây như là sự bộc phát của tính tự cao tự đại. Tôi đang đưa cho bạn những sự thật, những cái tên, ngày tháng và nơi chốn cụ thể. Và tôi làm như vậy chỉ với mục đích cho bạn thấy rằng tôi đã thực sự phát triển được trong tôi phẩm chất mà tôi vô cùng ngưỡng mộ ở Henry Ward Beecher, tất cả là nhờ vào chiếc bàn tư vấn tưởng tượng.

Phương pháp tôi dùng để phát triển khả năng đó chính là tự ám thị. Tôi đã lấp đầy tâm trí mình bằng những suy nghĩ rằng tôi sẽ sánh kịp, thậm chí vượt trội Beecher trước khi tôi kết thúc bài tập này và kiên quyết đây phải là kết quả duy nhất, sẽ không còn kết quả nào khác.

Nhưng đây cũng chưa phải đã kết thúc câu chuyện của tôi – câu chuyện mà hàng trăm ngàn người sống khắp nơi gần như là ở mỗi thành phố, thị trấn và thôn xóm trên khắp nước Mỹ đã từng quen biết tôi đều có thể chứng thực! Ngay lập tức, tôi đã bắt đầu thay thế hành động không tha thứ bằng hành động tha thứ, tôi đã bắt đầu tranh đua với lãnh tụ Lincoln bất diệt ở những phẩm chất tuyệt vời về sự công bằng đối với tất cả mọi người. Những năng lực mới bắt đầu đến, không chỉ ở khả năng nói trước đám đông của tôi, mà còn ở khả năng viết lách, và tôi thấy việc phát triển vững chắc các khả năng để thể hiện bản thân với sức mạnh và tính thuyết phục trong những trang viết mà tôi từng ngưỡng mộ ở Elbert Hubbard(3) cũng hiển nhiên như việc tôi có thể nhìn thấy mặt trời trong một ngày quang đãng.

Nói thêm về sự tiến bộ ở khả năng viết lách của tôi, cách đây không lâu, Myers, một nhân viên của Công ty Packing Morris ở Chicago, đã nhận xét rằng các bài xã luận của tôi trên Hill’s Golden Rules Magazine đã nhắc ông ta nhớ đến Elbert Hubbard quá cố. Ông còn nói thêm rằng ông vừa tuyên bố với các cộng sự của mình một vài ngày trước đó là tôi không những viết tốt như Elbert Hubbard, mà thậm chí là còn tốt hơn.

Một lần nữa, tôi nhắc bạn rằng đừng vội bỏ qua những điều tôi vừa kể trên, cũng như đừng vội đánh giá tôi là một kẻ ba hoa. Nếu khả năng sử dụng ngôn ngữ của tôi cũng tốt như Hubbard, đó là bởi vì tôi đã có mong muốn làm được như vậy, tôi đã nghiêm túc áp dụng sự tự ám thị để hình thành trong tâm trí mục tiêu là mình không những phải đuổi kịp Hubbard, mà thậm chí mình còn phải vượt trội hơn bậc tiền bối nếu có thể.

Tôi không phải không lưu tâm đến thực tế rằng việc thể hiện tính tự cao tự đại chẳng qua là một sự yếu kém không thể tha thứ, dù là với một người diễn thuyết hay một tác giả. Hơn nữa, chẳng ai khác mà chính là vị tác giả của bạn đây sẽ vô cùng khinh thường những người như vậy. Tuy nhiên, tôi cũng phải nhắc bạn rằng khi một tác giả nhắc đến những trải nghiệm của bản thân mình với mục đích đem đến cho độc giả của ông ta những tư liệu xác thực về một chủ đề được đưa ra, thì không phải lúc nào cũng xuất phát từ tính tự cao tự đại, mà có khi phải can đảm lắm mới làm được như vậy. Trong trường hợp đặc biệt này, tôi sẽ cố gắng không sử dụng tự do đại từ nhân xưng “tôi” mà tôi đang dùng khá nhiều ở các dòng trên. Không phải tôi sợ là làm như vậy mọi người sẽ không đánh giá cao những nỗ lực của tôi. Chỉ đơn giản là tôi đang kể lại những trải nghiệm của bản thân chỉ bởi vì tôi biết chúng đích thực và đáng tin cậy. Vậy nên tôi cho rằng liều lĩnh chấp nhận khả năng mình bị gán cho cái tính tự cao tự đại thì sẽ vẫn tốt hơn nhiều so với việc sử dụng những minh họa mang tính giả thuyết về phương pháp tự ám thị, hay là viết về một người thứ ba nào đó.

Giá trị của việc lập ra mục tiêu rõ ràng trong cuộc sống

Tác giả của bạn quan tâm và chú ý đến việc lập ra những mục tiêu rõ ràng trong cuộc sống không khác gì quan tâm đến kế hoạch của tòa nhà chọc trời nếu ông nghĩ đến việc xây một công trình như vậy. Những thành tựu của bạn trong cuộc sống sẽ không thể nào rõ ràng hơn là những kế hoạch mà nhờ vào đó bạn đạt được những mục tiêu của mình.

Khoảng hơn một năm rưỡi trước khi viết những dòng này, tôi đã kiểm tra lại câu tuyên bố về mục tiêu được vạch ra cho cuộc sống của mình, và tôi thay đổi lời tuyên bố về “Thu nhập” như sau:

Mình sẽ kiếm được 100 ngàn đô-la mỗi năm bởi vì mình cần khoản tiền này để theo đuổi chương trình giáo dục tại Trường Kinh tế Thương mại.

Trong vòng chưa tới 6 tháng kể từ ngày tôi đổi nội dung trong bản tuyên bố về mục tiêu rõ ràng của cuộc sống, tôi được một lãnh đạo tập đoàn đặt vấn đề hợp tác kinh doanh với mức lương 105.200 đô-la một năm, trong đó 5.200 đô-la là để trả cho chi phí đi lại từ nơi này đến nơi khác để làm việc, vì nơi đó cách xa Chicago, nếu như trừ đi khoản này thì số tiền thỏa thuận còn lại bằng chính xác số tiền mà tôi đã đặt ra trong bản tuyên bố về mục tiêu của mình.

Tôi chấp nhận lời đề nghị trên, và trong vòng chưa tới 5 tháng, tôi đã kiếm được cho công ty tôi đang làm việc một giá trị tài sản ước tính trên 20 triệu đô-la. Tôi phải kiềm chế để không nêu tên ai cả chỉ bởi vì tôi buộc lòng phải nói rằng người chủ của tôi đã tìm thấy một kẽ hở để khỏi phải trả tôi số tiền lương 100 ngàn đô-la đã được thỏa thuận.

Có hai thực tế đáng chú ý ở đây mà tôi muốn bạn lưu tâm đến, đó là:

Đầu tiên, tôi được đề nghị đúng số tiền mà tôi đã đặt ra trong bản mục tiêu, là số tiền mà tôi dự định phải kiếm được trong năm kế tiếp.

Thứ hai, tôi thực sự đã đạt được số tiền đó (và thực tế là nhiều lúc còn cao hơn số đó) mặc dù tôi không nhận được số tiền của mình.

Bây giờ, hãy quay trở lại với lời tuyên bố của tôi rằng tôi sẽ “kiếm được 100 ngàn đô-la một năm” và tự hỏi bản thân bạn rằng “Sẽ khác biệt thế nào nếu lời tuyên bố là “Tôi sẽ kiếm được và sẽ NHẬN được 100 ngàn đô-la một năm”?

Thẳng thắn mà nói, tôi không biết là có khác biệt gì không giữa hai lời tuyên bố trên nếu chỉ chú trọng về mặt câu từ. Nhưng xét từ một phương diện nào đó, chắc chắn sẽ có một sự khác biệt rất lớn.

Liệu ai có đủ thông thái để khẳng định hoặc phủ định cái định luật của sự cuốn hút mà dựa vào đó chúng ta đạt được những gì chúng ta tin tưởng và nhận được những gì chúng ta cần, với điều kiện là những điều chúng ta cần đó có thể đạt được và nó được đặt trên sự công bằng, tính công lý và một kế hoạch cụ thể?

Tôi tin rằng không ai có thể đánh bại được mục tiêu của những người luôn biết lên kế hoạch cho các nỗ lực của mình. Chính nhờ sức mạnh diệu kỳ từ việc lên kế hoạch này mà tác giả của bạn đã đạt được chỗ đứng trong xã hội như là ông mong ước với một tốc độ đáng kinh ngạc, và ông biết rằng ai cũng có thể làm được như vậy.

Phục vụ và hy sinh là chìa khóa để đến với những thành công vĩ đại nhất.

Trong những bài diễn văn của tôi suốt 12 tháng qua, ít nhất là cả ngàn lần, tôi đã tuyên bố quan điểm chủ đạo của mình rằng khi một người bỏ thời gian để xây dựng một kế hoạch cụ thể, khả thi, hợp lý và có lợi cho những người liên quan, sau đó củng cố niềm tin và không bao giờ chịu khuất phục để hoàn thành nó, thì anh ta không thể nào thất bại.

Tôi chưa bao giờ bị cho là quá cả tin hay mê tín. Tôi cũng chưa bao giờ ấn tượng bởi những thứ gọi là sự kỳ diệu, nhưng tôi buộc phải thừa nhận rằng nhờ vào việc áp dụng những nguyên tắc tự ám thị mà tôi đã làm được nhiều điều diệu kỳ, thể hiện qua sự tiến bộ vượt bậc của bản thân trong suốt 20 năm qua. Tôi đã theo dõi sự phát triển và nảy nở của tâm trí mình, và dù rằng tôi chẳng mấy khi ấn tượng với “sự kỳ diệu” – đơn giản vì đó là những điều mà tôi không cắt nghĩa được, nhưng tôi cũng phải công nhận rằng “sự kỳ diệu” thật sự đã nhiều lần tìm đến tâm trí tôi mà tôi chẳng thể nào tìm ra nguyên nhân.

Mặc dù chưa hiểu hết trọn vẹn nhưng tôi cũng biết được rằng hành động thể hiện ra bên ngoài luôn luôn hài hòa và phù hợp với những suy nghĩ đã chi phối tâm trí tôi, đó là những suy nghĩ mà tôi tự hình thành nên trong tâm trí, hoặc là những suy nghĩ mà tôi định sẵn cho tâm trí rằng chúng sẽ phải chi phối đến các hoạt động của cơ thể mình.

Những trải nghiệm riêng của tôi đã chứng minh một cách thuyết phục rằng phẩm chất không bao giờ có được một cách tình cờ! Phẩm chất được tạo nên theo chỉ dẫn như là một ngôi nhà được xây dựng phù hợp với bản vẽ trước đó. Những trải nghiệm của tôi cũng chứng minh được rằng một người có thể tái xây dựng phẩm chất của mình trong một thời gian ngắn đáng kinh ngạc, có thể từ một vài tuần cho đến một vài năm, tùy thuộc vào sự quyết đoán và ước vọng khi anh ta đặt ra cho mình nhiệm vụ phải xây dựng phẩm chất đó.

Một vài tháng trước khi bắt đầu những bài giảng về tâm lý học ứng dụng, tôi đã có một trải nghiệm thu hút đông đảo sự chú ý của các nhóm có quan tâm tại thành phố Chicago. Vốn là khi tôi đang bước ra khỏi thang máy trong tòa nhà thương mại của A.C McClurg & Company (công ty chuyên về văn phòng phẩm và là hiệu sách lớn nhất tại Chicago), nhân viên thang máy đã để tuột cánh cửa khiến tôi bị mắc kẹt giữa cánh cửa và tường của thang máy. Ngoài việc làm cho tôi bị đau, sau vụ tai nạn ấy tay áo tôi bị rách tươm và trông như chẳng thể nào vá lại được nữa.

Tôi phản hồi vụ tai nạn cho ông Ryan là quản lý của cửa hàng, và ông ấy đã nhã nhặn báo với tôi rằng tôi sẽ được bồi hoàn thiệt hại. Một lúc sau, công ty bảo hiểm cử nhân viên đến, xem xét chiếc áo của tôi và trả tôi 40 đô-la tiền bồi thường cho cánh tay áo bị rách. Khi cuộc hòa giải kết thúc và những người liên quan đều hài lòng, tôi mang chiếc áo đến cho thợ may, và chiếc áo được sửa khéo đến nỗi không ai nhận ra là đã từng có một vết rách. Tiền sửa áo chỉ hết 2 đô-la.

Vậy là tôi còn dư đến 38 đô-la, nhưng công ty bảo hiểm đã tỏ ra hài lòng, và tôi nghĩ họ hài lòng cũng phải bởi vì số tiền 40 đô-la bồi thường đó còn chẳng đủ để mua nửa cái áo kia. Về phía A.C McClurg & Company thì dĩ nhiên hài lòng vì thiệt hại của tôi đã được công ty bảo hiểm giải quyết, còn họ chẳng mất gì trong vụ này cả.

Nhưng tôi lại không hài lòng!

Tôi có thể sử dụng 38 đô-la kia. Về mặt luật pháp, nó thuộc về tôi, tôi được phép sở hữu nó, và chẳng ai dám đặt nghi vấn về quyền lợi của tôi hay cách mà tôi có được số tiền này.

Nếu công ty bảo hiểm biết rằng cái áo có thể sửa lại như mới, thì có thể họ đã không trả cho tôi 40 đô-la, nhưng tất nhiên họ đâu biết rằng sửa áo chỉ tốn của tôi có 2 đô-la?

Tôi đã tự dằn vặt lương tâm của mình về số tiền 38 đô-la, và lương tâm đã không cho phép tôi giữ số tiền này, vì vậy cuối cùng tôi đã đưa ra quyết định là phải trả lại một nửa, giữ lại một nửa. Tôi lấy lý do là tôi đã tốn thời gian mang đi sửa, đồng thời chỗ rách sau này có thể lại bị lộ ra ngoài. Đắn đo suy nghĩ khá lâu, đong đếm kỹ lưỡng những thiệt hơn của mình, cuối cùng tôi cũng tìm được những lý do chính đáng cho việc giữ lại một nửa số tiền.

Khi tôi mang trả nửa số tiền, đại diện của McClurg & Company đề nghị tôi cứ giữ nó và quên việc này đi, nhưng tôi đã đáp lại như sau: “Vấn đề là như thế này. Tôi có thể giữ lại số tiền ấy. Nhưng tôi không sao quên được nó!”.

Có một lý do chính đáng để tôi hoàn lại số tiền 20 đô- la. Không phải là vì đạo đức hay vì lòng trung thực. Cũng không phải vì lợi ích của McClurg & Company hay của công ty bảo hiểm. Khi quyết định hoàn lại tiền, tôi không bao giờ xem xét cho McClurg hay công ty bảo hiểm. Họ hoàn toàn ở ngoài cuộc bởi vì họ đã hài lòng rồi. Điều tôi thật sự suy xét đến lúc đó chính là phẩm chất của chính bản thân tôi, vì tôi biết rằng mỗi hành động tôi làm đều có ảnh hưởng đến đạo đức của tôi, và rằng phẩm chất này không thể khác hơn là sẽ hình thành thói quen và hành vi đạo đức của tôi. Tôi biết không nên giữ lại 20 đô-la nếu như tôi không xứng đáng được nhận nó. Điều này chẳng khác gì mấy so với việc một người bán táo đặt một quả táo hỏng vào trong một thùng táo ngon trước khi cất giữ chúng cho mùa đông.

Tôi trả lại 20 đô-la bởi vì tôi muốn thuyết phục bản thân mình rằng không có thứ vật chất nào có thể làm ảnh hưởng đến phẩm chất của tôi, trừ khi tôi biết là nó tích cực. Tôi trả lại số tiền cũng chính là đã cho tôi một cơ hội lý tưởng để thử thách chính mình, kiểm tra xem liệu tính trung thực của tôi đã bắt nguồn từ lợi ích của bản thân hay xuất phát từ một cái gì đó có giá trị lớn lao hơn khiến một người có thể trở nên trưởng thành thực sự và có thể làm gương cho người khác.

Tôi tin rằng khi một người lập một kế hoạch dựa trên những nguyên tắc hợp lý, nếu kế hoạch đó đúng đắn và công bằng với những người liên quan, và nếu bản thân người đó có trong mình một phẩm chất giàu tiềm năng và luôn tự tin từ những hành động nhỏ nhất làm thỏa mãn tiềm thức người đó, thì người đó sẽ đạt được thành công. Thành công ấy xảy đến kỳ diệu như đã nhận được sự giúp đỡ của một nguồn lực mạnh mẽ nào đó mà không gì trên trái đất này có thể lay chuyển được, một nguồn lực mà ít ai có thể hiểu đúng về nó.

Sức mạnh là những tri thức đúng đắn được kiểm soát và định hướng dựa vào sự công bằng đối với những người liên quan. Có hai loại sức mạnh tồn tại trong mỗi con người. Loại đầu tiên đạt được thông qua việc tổ chức các khả năng của bản thân, và loại còn lại đạt được thông qua việc tổ chức và kết hợp khả năng của nhiều cá nhân khác nhau để cùng đi đến những mục đích chung. Tuy nhiên, nếu không được tổ chức hợp lý và có định hướng, con người ta sẽ chẳng có một sức mạnh nào.

Bạn không thể tổ chức các khả năng của bản thân nếu không sử dụng nguyên tắc tự ám thị, bởi đơn giản bạn không thể nào tiếp thêm sức mạnh cho các khả năng, cảm xúc, trí tuệ, lý luận, hay là các chức năng cơ thể mà không kết hợp chúng lại và biến chúng thành kế hoạch hành động.

Cũng sẽ chẳng có kế hoạch nào dù lớn hay nhỏ có thể phát triển trong tâm trí bạn nếu bạn không sử dụng nguyên tắc tự ám thị.

Tâm trí cũng giống như một khu vườn màu mỡ, tại đó các hoạt động của cơ thể sẽ được điều khiển tương ứng với những suy nghĩ chi phối đến tâm trí, dù những suy nghĩ này được đưa ra một cách thận trọng và được lưu giữ cho tới khi chúng ăn sâu và bén rễ trong đầu bạn, hay đơn giản đó chỉ là một ý nghĩ thoảng qua chốc lát như những kẻ lang thang không mời mà tới.

Sẽ chẳng có cách nào để thoát khỏi ảnh hưởng của những suy nghĩ thống trị. Sẽ không thể nào vừa miên man nghĩ về sự thất bại, cuộc sống nghèo khổ, tâm trạng thất chí lại vừa có cảm giác tận hưởng thành công, sự giàu sang và nghị lực. Bạn có thể chọn những gì tâm trí bạn chú ý, nhờ đó, bạn có thể kiểm soát được sự phát triển nhân cách của mình, và hơn thế, bạn cũng có thể giúp định hình nhân cách của những người mà bạn muốn lôi cuốn. Tâm trí của bạn có ẩn chứa một sức hút kỳ lạ sẽ hút về phía bạn những người mà bạn gần gũi nhất, hay một ngôi vị bạn muốn đạt được trong đời. Vì thế, chính bạn sẽ tạo cho mình quyền được kiểm soát tâm trí một khi dám suy nghĩ rằng nhất định bạn sẽ thu hút về phía mình những người bạn muốn giao du và những thứ bạn muốn giành được trong cuộc sống.

Tự ám thị là nền tảng để xây dựng một tính cách cuốn hút, bởi vì tính cách này sẽ được phát triển để tương xứng với những suy nghĩ thống trị có lợi cho tâm trí, và chính những suy nghĩ này cũng sẽ kiểm soát hoạt động của cơ thể.

Áp dụng nguyên tắc tự ám thị, cũng giống như bạn đang vẽ một sơ đồ hay lên một kế hoạch làm việc cho tâm trí tiềm thức của mình. Sau khi học được cách tập trung tuyệt đối hoặc dồn hết sự chú ý của mình vào việc xây dựng kế hoạch, thì ngay lập tức bạn có thể kiểm soát được tâm trí tiềm thức của mình, và nó sẽ nói cho bạn biết bạn phải bắt tay từ đâu và thực hiện kế hoạch của mình như thế nào.

Khi mới bắt đầu, chúng ta cần phải lặp đi lặp lại những gì được phác thảo ra trong bản kế hoạch để tâm trí tiềm thức có thể nắm rõ kế hoạch và chuyển nó thành hành động. Bởi vậy, đừng nên nản lòng nếu bạn chưa đạt được kết quả ngay. Chỉ những người “bậc thầy” mới có thể ngay lập tức kiểm soát được tâm trí tiềm thức của mình.

Để khép lại bài học này, tôi muốn nhắc lại rằng ẩn sau nguyên tắc tự ám thị còn có một điều quan trọng mà bạn không được bỏ qua, là yêu cầu về một khát vọng mạnh mẽ và sâu sắc. Đó chính là sự khởi đầu của việc tổ chức các suy nghĩ, vì bạn có thể tạo ra trong thế giới thực tại này bất kỳ điều gì nếu như bạn mong muốn được có nó một cách mãnh liệt.

Mong muốn mãnh liệt là khởi đầu tốt đẹp nhất cho mọi thành công. Sự tự ám thị đơn giản chỉ là một nguyên tắc dùng để nối liền mong muốn với tiềm thức của bạn. Có thể qua chính những trải nghiệm của bản thân mình, bạn cũng có thể tự chứng minh được rằng một người có thể dễ dàng đạt được những gì mà người đó thực sự mong muốn.

Ở chương sau, chúng ta sẽ đến với bài học “ám thị” và cách để sử dụng những cá tính cuốn hút của bạn sau khi bạn đã phát triển chúng thông qua sự tự ám thị. Có thể bạn chưa biết, sự ám thị chính là nền tảng cốt lõi dẫn đến thành công trong kinh doanh.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button