Kinh doanh - đầu tư

Rơi Tự Do

roi-tu-do1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Joseph E. Stiglitz

Download sách Rơi Tự Do ebook PDF/PRC/EPUB/MOBI. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : SÁCH KINH DOANH

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                     

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

LỜI NÓI ĐẦU

2008, hàng triệu người ở Mỹ và trên khắp thế giới đã bị mất nhà cửa và việc làm. Số người lo lắng và sợ hãi tình cảnh này còn cao hơn, và hầu như bất cứ ai dành dụm tiền để nghỉ hưu hoặc lo việc học hành cho con em họ đều thấy rằng giá trị của những khoản đầu tư đó đang teo tóp lại. Một cuộc khủng hoảng khởi đầu tại Hoa Kỳ đã sớm lan ra toàn cầu, khi hàng chục triệu người mất việc làm trên toàn thế giới – riêng tại Trung Quốc đã là 20 triệu người – và hàng chục triệu người khác rơi vào cảnh đói nghèo.[1]

Đó không phải là điều được mong đợi. Kinh tế học hiện đại, với niềm tin vào thị trường tự do và toàn cầu hóa, đã hứa hẹn sự thịnh vượng cho tất cả mọi người. Nền Kinh tế Mới vốn được ca tụng rất nhiều – những cải tiến đáng kinh ngạc ghi lại dấu ấn trong nửa sau của thế kỷ XX, trong đó có cả việc bãi bỏ các quy định và những kỹ thuật tài chính – là thứ mà người ta cho rằng sẽ giúp việc quản lý rủi ro có hiệu quả cao hơn, đồng thời chấm dứt ảnh hưởng của chu kỳ kinh doanh. Nếu sự kết hợp của nền kinh tế mới và kinh tế học hiện đại không loại trừ được những biến động kinh tế, thì ít nhất nó cũng chế ngự được chúng. Đại loại chúng ta đã nghe nói thế.

Cuộc suy thoái quy mô lớn – rõ ràng là đợt suy thoái tồi tệ nhất kể từ Đại Suy thoái cách đây 75 năm – đã làm tan vỡ những ảo tưởng. Nó buộc chúng ta phải xem lại những quan điểm trong dài hạn. Trong một phần tư thế kỷ, một số học thuyết về thị trường tự do đã thắng thế: thị trường tự do và không bị khống chế là có hiệu quả; nếu các thị trường này có khuyết tật, chúng sẽ nhanh chóng tự chỉnh sửa. Chính phủ tốt nhất là một chính phủ quy mô nhỏ, và các quy định chỉ cản trở sự đổi mới mà thôi. Ngân hàng trung ương phải được độc lập và chỉ tập trung vào việc kìm chế lạm phát ở mức thấp. Bây giờ thì ngay cả “Đức cha” cấp cao của ý thức hệ này, ông Alan Greenspan – Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED: Federal Reserve System) trong giai đoạn mà các quan điểm trên còn đang thắng thế, cũng đã thừa nhận rằng có thiếu sót trong mặt lý luận, nhưng lời thú tội của ông quá muộn màng khiến cho nhiều người đã phải gánh chịu hậu quả.

Cuốn sách này viết về một trận chiến giữa các luồng tư tưởng, các ý tưởng đã dẫn tới các chính sách sai lầm khiến cho cuộc khủng hoảng sớm diễn ra và về những bài học mà chúng ta thu được. Theo thời gian, cuộc khủng hoảng nào rồi cũng chấm dứt. Nhưng không có khủng hoảng nào, nhất là ở mức độ nghiêm trọng, đi qua mà không để lại sau nó các “di sản”. Các di sản của năm 2008 sẽ bao gồm những viễn cảnh mới cho cuộc xung đột lâu dài về loại hệ thống kinh tế có nhiều khả năng đem lại những lợi ích lớn nhất. Trận chiến giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản có lẽ đã tàn, nhưng những biến thể của nền kinh tế thị trường và các cuộc thi tài giữa chúng vẫn đang diễn ra một cách quyết liệt.

Tôi tin rằng thị trường chính là vấn đề trọng tâm của mọi nền kinh tế thành công, nhưng bản thân thị trường không thể tự nó vận hành hiệu quả. Xét từ góc độ này, tôi là tín đồ của nhà kinh tế học nổi tiếng người Anh John Maynard Keynes, những ảnh hưởng của ông là vượt trội trong việc nghiên cứu về kinh tế học hiện đại. Chính phủ cần phải có một vai trò cụ thể, chứ không chỉ là giải cứu nền kinh tế khi thị trường sa sút và điều tiết thị trường để ngăn chặn các loại hình thất bại mà chúng ta đã có kinh nghiệm. Nền kinh tế cần phải có sự cân bằng giữa vai trò của các thị trường và vai trò của chính phủ, với sự đóng góp quan trọng của các tổ chức phi thị trường (non– market) và phi chính phủ. Trong vòng 25 năm qua, Hoa Kỳ đã để mất sự cân bằng này; và nó đã đẩy quan điểm lệch lạc của mình sang các quốc gia khác trên thế giới.

Cuốn sách này giải thích cách thức khi những quan điểm sai lầm đã dẫn đến khủng hoảng, chúng đã làm cho những người ra quyết định trong các khu vực kinh tế tư nhân then chốt và những người hoạch định chính sách trong khu vực kinh tế công phải vất vả như thế nào khi nhìn nhận các vấn đề ung nhọt, và chúng góp phần vào sự thất bại của việc hoạch định chính sách để xử lý hiệu quả “các khói bụi sau vụ nổ” ra sao. Chiều dài của cuộc khủng hoảng sẽ phụ thuộc vào các chính sách được theo đuổi. Thật vậy, những sai lầm đã mắc phải sẽ gây ra hậu quả sâu rộng hơn trong thời kỳ suy thoái, nếu so với các giai đoạn khác. Tuy nhiên, việc quản lý khủng hoảng chỉ là mối quan tâm ban đầu của tôi. Tôi còn quan tâm đến cục diện thế giới sau khủng hoảng. Chúng ta sẽ không thể và không được phép quay trở lại với cục diện thế giới như nó đã từng có trước đây.

Trước khi có cuộc khủng hoảng này, Hoa Kỳ và thế giới nói chung đều phải đối mặt với nhiều vấn đề, chứ không phải chỉ là việc thích nghi với biến đổi khí hậu. Tốc độ toàn cầu hóa đã buộc phải có các thay đổi nhanh trong cơ cấu kinh tế, kéo dãn năng lực đối phó của nhiều nền kinh tế. Những thách thức này sẽ vẫn còn sau khủng hoảng, dưới hình thức được khuếch đại lớn hơn; trong khi các nguồn lực mà chúng ta có để xử lý chúng sẽ bị giảm đi đáng kể.

Tôi hy vọng cuộc khủng hoảng sẽ dẫn đến những thay đổi trong chính sách và trong tư tưởng. Nếu chúng ta có các quyết định đúng đắn, không chỉ đơn thuần là phù hợp xét về khía cạnh chính trị hay xã hội, thì chúng ta không những giảm thiểu được nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng khác, mà có lẽ còn làm tăng tốc các cải tiến thực sự để nâng cao đời sống của người dân trên thế giới. Nếu quyết định sai lầm, chúng ta sẽ có một xã hội bị chia cắt nhiều hơn và một nền kinh tế dễ bị tổn thương hơn trước các cuộc khủng hoảng cũng như được trang bị kém hơn để đối phó với các thách thức của thế kỷ 21. Một trong những mục đích của cuốn sách này là giúp chúng ta hiểu rõ hơn điều cuối cùng sẽ đến: đó là cục diện toàn cầu sau khủng hoảng, và cách chúng ta ứng phó như thế nào để cục diện đó sẽ tốt đẹp hơn, hoặc tồi tệ hơn.

Người ta có thể cho rằng với cuộc khủng hoảng năm 2008 thì các cuộc tranh luận về chủ thuyết tuyệt đối tin tưởng vào thị trường (market fundamentalism) – khái niệm cho rằng bản thân thị trường tự do cũng có thể đảm bảo sự thịnh vượng và tăng trưởng kinh tế – đã kết thúc. Mọi người nghĩ rằng chẳng còn ai dám – hoặc ít nhất là cho đến khi những ký ức về cuộc khủng hoảng này đã lùi xa vào quá khứ – một lần nữa lập luận rằng: các thị trường có thể tự điều chỉnh và rằng chúng ta có thể dựa vào các hành vi tư lợi của các bên tham gia thị trường để đảm bảo rằng tất cả mọi thứ đều “chạy tốt”.

Những ai đã hoàn toàn tôn thờ chủ thuyết thị trường hoàn hảo nói trên lại có cách lý giải khác. Những người này nói rằng nền kinh tế của chúng ta chỉ “bị tai nạn”, mà tai nạn thì có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Chẳng có ai khuyên rằng đừng lái xe nữa chỉ vì việc va chạm ngoài đường là thường xuyên. Những người có quan niệm này muốn chúng ta quay trở về với thế giới của giai đoạn trước năm 2008, càng nhanh càng tốt. Họ nói rằng: các ngân hàng đã chẳng làm gì sai cả[2]. Bơm tiền cho các ngân hàng theo yêu cầu của họ, chỉnh sửa các quy định một chút, đưa ra một vài bài giảng nghiêm khắc với các cơ quan điều tiết sao cho không để cho những hạng người như Bemie Madoff có thể bày trò gian lận một lần nữa, thêm một vài khóa học về đạo đức trong các trường kinh doanh, rồi thì chúng ta sẽ ổn thôi.

Cuốn sách này lại cho rằng: vẫn còn nhiều vấn đề sâu xa hơn nữa. Trong hơn 25 năm qua, bộ máy được cho là tự điều chỉnh, hệ thống tài chính của chúng ta, đã nhiều lần được chính phủ giải cứu. Từ việc hệ thống còn “sống sót”, chúng ta đã rút ra những bài học sai lầm – rằng nó đã tự vận hành. Thật ra, hệ thống kinh tế của chúng ta đã không hiệu quả đối với hầu hết người Mỹ từ trước khi có cuộc khủng hoảng. Một số người đã hưởng lợi, nhưng đó không phải là một người Mỹ điển hình.

Một nhà kinh tế học tìm hiểu một cuộc khủng hoảng với cách thức giống như một bác sĩ tiếp cận môn bệnh lý học: cả hai đều tìm hiểu rất nhiều về việc những điều bình thường vận hành như thế nào, bằng cách nhìn thấy những gì sẽ xảy ra khi có các bất thường. Khi tôi tiếp cận với cuộc khủng hoảng năm 2008, tôi cảm thấy mình đã có một lợi thế rất khác so với các quan sát viên khác. Xét theo một góc độ nhất định thì tôi là một “cựu chiến binh” sống qua các cuộc khủng hoảng, một nhà phân tích khủng hoảng (crisologist). Đây không phải là cuộc khủng hoảng lớn đầu tiên trong những năm gần đây. Khủng hoảng ở các nước đang phát triển đã xảy ra với một tần số đáng báo động – một tính toán cho thấy đã có tới 124 cuộc khủng hoảng từ năm 1970 đến 2007.[3] Tôi đã từng là nhà hoạch định chiến lược kinh tế tại Ngân hàng Thế giới vào thời điểm diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu gần đây nhất, giai đoạn 1997 – 1998. Tôi đã chứng kiến một cuộc khủng hoảng phát xuất từ Thái Lan rồi lây lan sang các nước khác trong khu vực Đông Á, sau đó đến khu vực Mỹ Latinh và Nga. Đó là một ví dụ kinh điển của việc lây lan – sự trục trặc trong một phần của hệ thống kinh tế toàn cầu đã lan rộng sang các phần khác. Cần phải mất nhiều năm sau đó mới có thể nhìn nhận được đầy đủ những hậu quả của một cuộc khủng hoảng kinh tế. Trong trường hợp của Argentina, cuộc khủng hoảng bắt đầu từ năm 1995 như một phần của “khói bụi” đến từ cuộc khủng hoảng của Mexico, và đã trở nên trầm trọng hơn bởi cuộc khủng hoảng tại Đông Á năm 1997 và cuộc khủng hoảng của Brazil năm 1998, nhưng mãi đến cuối năm 2001 thì sự sụp đổ hoàn toàn mới diễn ra.

Các nhà kinh tế học có thể cảm thấy tự hào về những tiến bộ trong khoa học kinh tế sau bảy thập kỷ kể từ cuộc Đại khủng hoảng, nhưng điều đó không có nghĩa là đã có được sự đồng thuận về cách thức xử lý khủng hoảng. Trở lại năm 1997, tôi đã khiếp đảm khi chứng kiến Bộ Tài chính Hoa Kỳ và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) phản ứng lại với cuộc khủng hoảng tại Đông Á khi họ đề ra một loạt các chính sách gợi nhớ lại các chính sách sai lầm liên quan đến Tổng thống Herbert Hoover trong thời Đại khủng hoảng và đã phải gánh chịu thất bại.

Sau đó, tôi có cảm giác ngờ ngợ khi nhìn thấy thế giới một lần nữa trượt dài vào cuộc khủng hoảng năm 2007. Các nét tương đồng giữa những gì tôi thấy sau đó và những gì diễn ra một thập kỷ trước đây thật kỳ lạ. Chẳng hạn, người ta ban đầu cũng công khai phủ nhận cuộc khủng hoảng: như 10 năm trước đây, Bộ Tài chính Hoa Kỳ và IMF lúc đầu cũng đã không thừa nhận rằng có một cuộc suy thoái/suy sụp ở Đông Á. Larry Summers, khi đó là Thứ trưởng Bộ Tài chính và bây giờ là Cố vấn kinh tế cao cấp nhất cho Tổng thống Obama, đã vô cùng giận dữ khi Jean–Michel Severino, lúc đó là Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Thế giới phụ trách châu Á, đã sử dụng chữ R (recession: suy giảm) và chữ D (depression: suy thoái) để mô tả những gì đã xảy ra. Nhưng người ta còn có thể dùng cách mô tả nào khác để nói về một thoái trào mà trong đó tỷ lệ thất nghiệp tại Java, hòn đảo chính của Indonesia, là 40%?

Tương tự như vậy, cũng trong năm 2008, chính quyền Bush lúc đầu cũng không thừa nhận có bất cứ vấn đề gì nghiêm trọng. Tổng thống chỉ cho rằng chúng ta đã xây dựng hơi nhiều nhà cửa[4]. Trong những tháng đầu của cuộc khủng hoảng, Bộ Tài chính và Cục Dự trữ Liên bang đảo điên đổi hướng như người lái xe say rượu, giải cứu một số ngân hàng trong khi để cho một số khác sụp đổ. Không thể hiểu được các nguyên tắc đằng sau mỗi quyết định của họ. Các quan chức trong chính quyền Bush lập luận rằng họ đang thực dụng, và công bằng mà nói, họ đang đi trong một vùng lãnh thổ chưa từng xuất hiện trên bản đồ.

Khi những đám mây suy thoái bắt đầu lờ mờ xuất hiện trên bầu trời kinh tế Hoa Kỳ trong năm 2007 và đầu năm 2008, các nhà kinh tế học đã thường xuyên được hỏi rằng: liệu có thể có hay không một cuộc suy thoái khác, hoặc thậm chí là suy thoái trên diện rộng? Hầu hết các nhà kinh tế học đều trả lời theo bản năng, KHÔNG! Những tiến bộ trong khoa học kinh tế – trong đó có cả kiến thức về quản lý nền kinh tế toàn cầu – mang ý nghĩa rằng một thảm họa dường như là quá xa lạ đối với nhiều chuyên gia. Nhưng, 10 năm trước đây, khi cuộc khủng hoảng Đông Á xảy ra, chúng ta đã thất bại – một thất bại thảm hại.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi các lý thuyết kinh tế sai lầm đã dẫn đến các chính sách sai lầm, nhưng rõ ràng là những người ủng hộ theo các lý thuyết này đã nghĩ rằng chúng sẽ mang lại hiệu quả tốt. Họ đã nhầm. Các chính sách sai lầm không chỉ mang lại cuộc khủng hoảng Đông Á cách đây một thập kỷ, mà còn gia tăng chiều sâu và thời lượng của nó, để lại một “di sản” là nền kinh tế suy yếu và những khoản nợ chất chồng như núi.

Thất bại của mười năm trước cũng một phần là sự thất bại của nền chính trị toàn cầu. Khủng hoảng diễn ra ở các nước đang phát triển, đôi khi vẫn được gọi là “vùng ngoại biên” của hệ thống kinh tế thế giới. Những người điều hành hoạt động của hệ thống kinh tế toàn cầu không quá bận tâm đến việc bảo vệ cuộc sống và sinh kế của những ai đang sống trong các quốc gia bị ảnh hưởng, vì các quốc gia này đã được các ngân hàng phương Tây hỗ trợ và cho vay tiền. Ngày nay, khi Mỹ và phần còn lại của thế giới cùng đấu tranh để khôi phục lại nền kinh tế thế giới, nhằm phát triển mạnh mẽ, một lần nữa lại có các sai lầm trong chính sách và chính trị.

ĐỌC THỬ

RƠI TỰ DO

 

Khi nền kinh tế thế giới rơi tự do trong năm 2008, niềm tin của chúng ta cũng rơi theo. Các quan điểm đã có từ lâu về kinh tế, về nước Mỹ, và về những người hùng của chúng ta cũng đã rơi tự do. Trong giai đoạn sau cuộc khủng hoảng tài chính lớn gần đây nhất, tạp chí Times số ra ngày 15 tháng 2 năm 1999 đã cho đăng hình ảnh của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Alan Greenspan và Bộ trưởng Tài chính Robert Rubin trên trang bìa, những người đã từ lâu được ghi công vì những phát triển vượt bậc trong thập niên 1990, cùng với người được họ bảo trợ là Larry Summers. Những vị này được gắn lên cái nhãn là “Ủy ban Giải cứu Thế giới”, và trong nhận thức phổ biến thì họ là những Chúa trời Siêu đẳng (supergods). Năm 2000, nhà báo chuyên về phóng sự điều tra được độc giả yêu thích nhất, Bob Woodward đã viết tiểu sử cho “thánh” Greenspan như một nhạc trưởng bậc thầy (maestro)[5].

 

Được trực tiếp chứng kiến việc xử lý cuộc khủng hoảng Đông Á, tôi đã không có nhiều ấn tượng đối với tạp chí Times hay Bob Woodward. Đối với tôi và phần lớn những người ở Đông Á, các chính sách mà IMF và Bộ Tài chính Hoa Kỳ áp đặt lên họ, phát xuất từ “Ủy ban Giải cứu Thế Giới”, đã làm cho cuộc khủng hoảng tồi tệ hơn nhiều so với mức độ vốn dĩ nó gây ra. Các chính sách cho thấy sự thiếu hiểu biết về các nguyên tắc cơ bản của kinh tế vĩ mô hiện đại, vốn đòi hỏi các chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng (nới lỏng) khi đối mặt với sự đi xuống của nền kinh tế[6].

 

Dưới góc độ xã hội, giờ đây chúng ta đã mất đi sự tôn trọng mà lâu nay vẫn dành cho các bậc thầy thông thái về kinh tế học. Trong những năm gần đây, chúng ta đã hoàn toàn trông chờ vào phố Wall – chứ không chỉ là các bậc á thánh như Rubin và Greenspan – để được tư vấn về cách thức vận hành các hệ thống phức tạp: đó là nền kinh tế của chúng ta. Bây giờ thì còn ai ở đó để chúng ta cầu xin giúp đỡ? Nói chung, các nhà kinh tế học đã không còn hữu ích nữa. Nhiều người trong số họ đã cung cấp thứ áo giáp trí tuệ mà những người hoạch định chính sách muốn có trong phong trào bãi bỏ các quy định (deregulation).

 

Đáng tiếc là sự quan tâm chú ý thường dịch chuyển từ trận chiến giữa các ý tưởng sang vai trò của các cá nhân: những thủ phạm đã tạo ra khủng hoảng, và những người hùng đã giải cứu chúng ta. Những người khác sẽ viết sách (và trong thực tế đã viết) công kích những người xây dựng chính sách, những nhà điều hành quản lý tài chính hay ai ai khác nữa, nói chung là những kẻ nào đã đưa chúng ta vào cuộc khủng hoảng hiện nay. Cuốn sách này lại có mục tiêu khác. Quan điểm của nó cho rằng: xét về bản chất thì tất cả các chính sách quan trọng, chẳng hạn như những chính sách liên quan tới việc gỡ bỏ các quy định, là hệ quả của các “lực lượng” chính trị và kinh tế – các lợi ích, ý tưởng, và ý thức hệ – vượt xa hơn bất kỳ một cá nhân cụ thể nào.

 

Khi Ronald Reagan bổ nhiệm Greenspan vào ghế Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang năm 1987, Tổng thống khi đó đang tìm kiếm một người có thể cam kết bãi bỏ các quy định. Paul Volcker, trước kia từng là Chủ tịch của FED đã ghi được số điểm cao trong vai trò là một quan chức ngân hàng nhà nước giúp cho tỷ lệ lạm phát của Mỹ giảm từ 11,3% trong năm 1979 xuống còn 3,6% trong năm I987[7]. Thông thường, một thành tựu như vậy sẽ tự động đi kèm với việc tái bổ nhiệm. Nhưng Volcker hiểu rõ tầm quan trọng của các quy định, còn Reagan thì lại muốn có một người để tháo dỡ chúng đi. Nếu khi đó Greenspan không thể làm công việc này, thì đã có rất nhiều người khác có khả năng và sẵn sàng cho việc gỡ bỏ bớt các quy định. Vấn đề không phải mang tính cá nhân Greenspan, mà nhiều hơn là vì một ý thức hệ về việc bãi bỏ quy định đã được hình thành.

 

Cuốn sách này chủ yếu viết về các niềm tin trong kinh tế và cách thức chúng ảnh hưởng đến các chính sách, khi nhận diện được mối liên kết giữa các cuộc khủng hoảng và những niềm tin nói trên thì người ta sẽ khám phá ra được những gì đã xảy ra. Cuốn sách này không phải viết theo kiểu “truy tìm thủ phạm”, nhưng có những yếu tố quan trọng của câu chuyện gần giống như một điều bí ẩn ly kỳ: nền kinh tế lớn nhất thế giới đã rơi tự do như thế nào? Những chính sách và các sự kiện nào đã kích hoạt cho đợt suy thoái lớn trong năm 2008? Nếu chúng ta không thể thống nhất được câu trả lời cho những vấn đề này, chúng ta sẽ không thể có sự đồng thuận về những việc cần làm tiếp theo, để thoát khỏi cuộc khủng hoảng hoặc để phòng ngừa các cuộc khủng hoảng kế tiếp. Phân tích được vai trò có liên quan đến các hành vi xấu của giới ngân hàng, thất bại của các cơ quan điều tiết, hoặc chính sách tiền tệ lỏng lẻo của FED là điều không dễ dàng, nhưng tôi sẽ giải thích tại sao tôi lại quy trách nhiệm cho các thị trường tài chính và các định chế tài chính.

 

Tìm ra căn nguyên, gốc rễ vấn đề cũng như bóc vỏ một củ hành. Mỗi lời giải thích cho một vấn đề lại gợi ra các câu hỏi tiếp theo ở mức độ sâu hơn: các chế độ lương thưởng quá cao có thể đã khuyến khích các hành vi thiển cận và nguy hiểm của các quan chức ngân hàng, nhưng tại sao họ lại có được sự đãi ngộ thái quá như vậy? Câu trả lời đã sẵn có: đó là những vấn đề trong quản trị doanh nghiệp, với cách thức theo đó chế độ lương thưởng được ấn định. Nhưng tại sao thị trường lại không “xử lý kỷ luật” những hành vi quản trị doanh nghiệp xấu và các cấu trúc lương thưởng không phù hợp? Người ta vẫn cho rằng sự chọn lọc tự nhiên sẽ duy trì sự sống còn của những thực thể phù hợp nhất; những công ty với cấu trúc quản trị và chế độ đãi ngộ tốt nhất được thiết kế cho hoạt động dài hạn sẽ phát triển. Lý thuyết này cũng là một tổn thất nữa sau cuộc khủng hoảng. Khi cho rằng những vấn đề của cuộc khủng hoảng được hé lộ từ lĩnh vực tài chính, thì rõ ràng là các vấn đề này cũng chỉ mang tính khái quát chung chung và còn có những vấn đề tương tự diễn ra trong các lĩnh vực khác.

 

Điều đáng chú ý nữa là khi xem xét vấn đề sâu hơn bề mặt của chúng, vượt ra ngoài các sản phẩm tài chính mới, các khoản thế chấp dưới chuẩn (subprime mortgage) và các công cụ cho nghĩa vụ nợ có đảm bảo, chúng ta sẽ thấy cuộc khủng hoảng này xuất hiện cũng tương tự như nhiều cuộc khủng hoảng đã xảy ra trước kia, tại Hoa Kỳ và các quốc gia khác. Xuất hiện một bong bóng, rồi bong bóng vỡ tung và gây ra sự tàn phá theo sau nó. Bong bóng này được thổi căng hơn với việc cho vay yếu kém của ngân hàng, khi sử dụng tài sản thế chấp có giá trị đã được thổi phồng do bong bóng trước kia. Các sáng kiến mới đã cho phép các ngân hàng che giấu nhiều khoản nợ xấu, bỏ ra ngoài bảng cân đối kế toán của họ, tăng thêm hiệu quả của đòn bẩy tài chính – làm cho bong bóng lớn hơn, và sức công phá mạnh hơn khi nó vỡ tung khiến cho sự việc tồi tệ hơn. Những công cụ mới (như CDS: hoán đổi rủi ro tín dụng – credit default swap) được khẳng định là để quản lý rủi ro, nhưng trên thực tế lại được thiết kế ra để qua mặt những cơ quan điều tiết, làm mọi thứ phức tạp và khuếch đại rủi ro. Câu hỏi lớn, trọng tâm mà cuốn sách này đặt ra, là: làm thế nào và tại sao mà chúng ta lại cho phép điều này xảy ra một lần nữa, trên quy mô như vậy?

 

Trong khi tìm ra cách lý giải ở mức độ sâu sắc hơn là điều khó khăn, một số lời giải thích giản đơn khác có thể dễ dàng bị bác bỏ. Như tôi đã đề cập, cá nhân những người làm việc tại phố Wall đều muốn tin rằng họ đã chẳng làm gì sai, và họ muốn tin rằng bản thân hệ thống đã đúng về cơ bản. Họ tin rằng họ chỉ là các nạn nhân bất hạnh của một cơn bão “nghìn năm có một”. Nhưng cuộc khủng hoảng không chỉ xảy ra đối với thị trường tài chính; nó là sản phẩm của con người – là thứ mà Phố Wall đã tự gây ra cho bản thân và luôn cả phần còn lại của xã hội chúng ta.

 

Đối với những người không ủng hộ quan điểm “đó là chuyện đã rồi”, phố Wall lại có các nhóm biện hộ khác: chính phủ đã yêu cầu chúng tôi làm điều đó, thông qua sự khuyến khích việc sở hữu nhà ở và cho người nghèo vay tiền. Hoặc, lẽ ra chính phủ đã phải ngăn chúng tôi lại, nó là lỗi của các cơ quan điều tiết. Điều đặc biệt khó chấp nhận trong các nỗ lực của hệ thống tài chính Hoa Kỳ là sự đổ lỗi trong cuộc khủng hoảng này, mà trong các chương sách sau đây tôi sẽ giải thích lý do tại sao các luận điểm trên là không thuyết phục.

 

Các “tín đồ” của hệ thống này cũng phô trương một “phòng tuyến thứ ba”, thứ đã từng được sử dụng một vài năm trước đó vào thời kỳ phát sinh vụ bê bối của Enron và WorldCom. Hệ thống nào cũng có “những quá táo thối” trong đó, và theo cách nào đó thì “hệ thống” của chúng ta – bao gồm cả các cơ quan điều tiết và các nhà đầu tư – đơn giản là đã không làm đủ tốt công việc của mình để tự vệ hay chống lại chúng. Từ Ken Lays (Tổng Giám đốc của Enron) và Bemie Ebbers (Tổng Giám đốc của WorldCom) trong những năm đầu của thập kỷ này đến nay, chúng ta có thêm Bemie Madoff và một loạt các nhân vật khác (như Allen Stanford và Raj Rajaratnam), họ đang phải đối mặt với các cáo buộc. Nhưng những sai lầm – trong quá khứ và hiện tại – không chỉ liên quan đến một vài người. Những người biện hộ cho ngành tài chính đã không nhận ra rằng chính cái thùng đựng táo của họ bị thối[8].

 

Bất cứ khi nào nhìn thấy những rắc rối là liên tục và lan tràn như những gì đã lây lan trong hệ thống tài chính Hoa Kỳ, người ta đều có thể có kết luận: các vấn đề là có tính hệ thống. Phần thưởng lớn và sự chuyên tâm vào việc kiếm tiền của phố Wall có thể khiến giới này có lắm kẻ không trung thực (nguyên văn là “the ethically challenged”, một uyển ngữ chỉ những người gian dối, mất đạo đức – ND), nhưng tính phổ quát của vấn đề cho thấy hệ thống có những thiếu sót căn bản.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button