Kinh doanh - đầu tư

Làn Sóng Thứ Ba

Lan song thu ba - Alvin Toffler1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Alvin Toffler

Download sách Làn Sóng Thứ Ba ebook PDF/PRC/EPUB/MOBI. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : SÁCH KINH DOANH – ĐẦU TƯ

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

LỜI NÓI ĐẦU

Các tên khủng bố chơi trò chơi chết người : con tin, những tin đồn đại về một cuộc chiến tranh thế giới thứ III, các sứ quán bị đốt cháy và những nhóm quân thiện chiến có mặt ở nhiều nơi – thật là ghê rợn khi nhìn vào những dòng đầu tờ báo. Giá vàng – máy dự báo nhạy cảm về sự sợ hãi – phá tất cả các kỷ lục. Các nhà băng run sợ. Lạm phát hoành hành thoát ra khỏi sự kiểm soát. Các chính phủ trên thế giới bị tê liệt hoặc hành động khờ dại.
Đối diện với tất cả những điều này, một nhóm hợp xướng ở Cassandras gào lên bản nhạc ngày tận thế. Những người hay ví von cách ngôn thì nói thế giới “trở thành điên loạn”, còn các chuyên gia lại nói về những khuynh hướng đưa đến thảm họa.
Cuốn sách này trình bày một quan điểm hoàn toàn khác. Nó cho rằng thế giới không trở thành điên loạn và dưới những biến cố dường như vô nghĩa, đã xuất hiện mô hình đầy hy vọng và rất kỳ lạ.
“Làn sóng thứ ba” dành cho những người nghĩ về chuyện con người chỉ vừa mới bắt đầu, còn lâu mới kết thúc.
Một làn sóng mãnh liệt đang dâng lên trong thế giới ngày nay, đang tạo ra một môi trường mới và kỳ lạ để làm việc, chơi, cưới hỏi, nuôi con cái hoặc về hưu. Trong bối cảnh đầy hoang mang này, các nhà kinh doanh chống đỡ những luồng kinh tế bất ổn định ; các nhà chính trị thấy uy tín của họ lên xuống thất thường, các trường đại học, bệnh viện và các cơ quan khác đang chống chọi với lạm phát một cách tuyệt vọng. Các hệ thống giá trị vỡ ra từng mảng và tan rã, trong khi những giá trị về gia đình, nhà thờ và nhà nước hầu như bị đảo lộn.
Nếu nhìn vào những thay đổi dữ dội này, chúng ta có thể xem chúng như những bằng chứng biệt lập về sự không ổn định, sự tan vỡ và thảm họa. Thế nhưng nếu chúng ta nhìn sâu hơn, một số sự việc trở thành rõ ràng.
Nhiều sự thay đổi ngày nay không độc lập với nhau, chúng cũng không phải là ngẫu nhiên. Ví dụ, hạt nhân gia đình bị phá vỡ, khủng hoảng năng lượng thế giới, sự phát triển các loại giáo phái và ti vi cáp, sự nổi lên về thời gian nhàn rỗi và về chương trìinh phúc lợi phụ, sự xuất hiện các phong trào ly khai từ Québec đến Corsica, tất cả dường như là những biến cố biệt lập. Thế nhưng chính sự ngược lại mới là đúng. Những việc này cũng như nhiều biến cố và khuynh hướng khác dường như không liên quan với nhau, song lại chính là liên quan với nhau. Thực vậy, chúng là các bộ phận của một hiện tượng lớn hơn nhiều : sự diệt vong của hệ thống công nghiệp qui mô lớn để xuất hiện của một nền văn minh mới.
Chừng nào mà chúng ta nghĩ về chúng như là những biến cố biệt lập và không nắm được ý nghĩa lớn này thì chúng ta không thể thiết kế được cách đối phó có hiệu quả. Sai lầm đó dẫn đến : đối với cá nhân, những quyết định cá nhân của chúng ta vẫn còn là thiếu mục đích hoặc tự hủy diệt ; đối với Nhà nước, chúng ta sẽ bị rơi vào những cuộc khủng hoảng và mất phương hướng.
Thiếu những chuẩn mực có hệ thống để có thể hiểu được sự xung đột của các lực lượng trong thế giới ngày nay, chúng ta giống như những thuyền viên trên một con tàu bị kẹt trong một cơn bão và cố gắng lái thuyền giữa những núi đá ngầm nguy hiểm mà không có la bàn hoặc bản đồ. Trong một nền văn hóa chìm trong các số liệu chi tiết và phân tích tinh vi, sự tổng hợp không chỉ là có ích mà còn là cốt yếu.
Do đó, Làn sóng thứ ba là một cuốn sách về sự tổng hợp quy mô lớn. Nó miêu tả nền văn minh cũ mà chúng ta đã lớn lên và phác họa hình ảnh một nền văn minh mới mà chúng ta sống.
Nền văn minh mới này rất cách mạng, nó thách đố tất cả những gì chúng ta cho là đúng trong quá khứ, những cách suy nghĩ cũ, những công thức cũ, giáo điều, ý thức hệ, v.v… Thế giới đang nhanh chóng thay đổi từ sự va chạm của những giá trị và công nghiệp mới, những mối quan hệ địa chính trị mới, những lối sống và cách thông tin mới ; đang đòi hỏi những tư tưởng và sự tương tự mới, những cách phân loại và những khái niệm mới. Chúng ta không thể đưa thế giới phôi thai của ngày mai vào thế giới truyền thống của ngày qua.
Như thế, khi sự miêu tả nền văn minh mới kỳ lạ này mở ra trên các trang sách sắp đến, chúng ta sẽ thấy lý do thách đố sự bi quan đang thắng thế hiện nay. Nỗi thất vọng đã thống trị nền văn hóa trong hơn một thập kỷ. Làn sóng thứ ba kết luận rằng sự thất vọng không chỉ là tội ác mà còn là không có lý do xác đáng.
Ngày nay không cần thiết phải nói tỉ mỉ về những mối nguy hiểm thật sự đang đe dọa chúng ta, từ sự hủy diệt nguyên tử và tai họa sinh thái đến sự cuồng tín chủng tộc hoặc bạo động khu vực. Chiến tranh, thất bại kinh tế, thảm họa công nghiệp qui mô lớn – tất cả đều có thể làm thay đổi lịch sử một cách thê thảm.
Tuy nhiên, khi phát hiện nhiều mối quan hệ mới đang nảy sinh, từ việc thay đổi các dạng năng lượng và các hình thức mới về cuộc sống gia đình, đến các phương pháp sản xuất tiên tiến và phong trào tự cứu giúp nhau, chúng ta đột nhiên thấy rằng chính những điều kiện gây ra các mối nguy hiểm to lớn lại đang mở ra những tiềm lực mới kỳ diệu.
Làn sóng thứ ba chỉ cho chúng ta thấy những tiềm lực mới này. Nó cho rằng chính trong sự tàn phá và suy tàn, chúng ta có thể tìm thấy những bằng chứng rõ ràng về sự hồi sinh và sức sống. Và còn cho thấy với sự thông minh và một ít may mắn thì nền văn minh mới xuất hiện có thể là lành mạnh, hợp lý, hợp với khuôn phép và dân chủ hơn bất kỳ nền văn minh nào mà chúng ta đã biết. Nếu những lý luận của cuốn sách này là chính xác thì có những lý do xác đáng để lạc quan, ngay cả nếu những năm quá độ sắp đến dường như sẽ là đầy giông tố và khủng hoảng.
Trong những năm vừa qua, khi tôi viết cuốn  Làn sóng thứ ba nhiều độc giả hỏi tôi cuốn sách này khác với cuốn trước Cú sốc tương lai những gì ? Tôi có thể trả lời các bạn Làn sóng thứ ba cơ bản khác với Cú sốc tương lai cả về hình thức và trọng tâm. Nó nói về khoảng thời gian rộng hơn cả quá khứ cũng như là tương lai. Nó có cấu trúc khác. Trong khi  Cú sốc tương lai đề nghị một số thay đổi phải được thực hiện, và nhấn mạnh cái giá thay đổi về cá nhân và xã hội thì Làn sóng thứ ba nói về những khó khăn về thích nghi và nhấn mạnh đến cái giá phải trả vì đã không nhanh chóng thay đổi.
Hơn thế nữa, trong cuốn sách trước, khi tôi viết về Sự đến sớm của tương lai, tôi đã không phác họa xã hội mới của ngày mai theo cách có hệ thống hoặc dễ hiểu. Trọng tâm của cuốn sách đó là quá trình thay đổi chứ không phải hướng thay đổi. Trong cuốn sách này, lăng kính bị đảo ngược. Tôi tập trung ít hơn về sự gia tốc, nhưng nhiều hơn về nơi mà thay đổi sẽ đưa chúng ta đến. Do đó, hai cuốn sách này bổ sung cho nhau. Hai cuốn khác nhau nhưng lại làm rõ cho nhau.
Trong cố gắng tổng hợp qui mô lớn, rất cần thiết phải đơn giản hóa, tổng quát hóa và cô đọng. Do đó cuốn sách này chia văn minh làm 3 phần, Làn sóng thứ nhất với giai đoạn nông nghiệp, Làn sóng thứ hai với giai đoạn công nghiệp, Làn sóng thứ ba vừa mới bắt đầu.
Văn minh nông nghiệp gồm nhiều nền văn hóa hơi khác nhau, và hệ thống công nghiệp qui mô lớn đi qua nhiều giai đoạn phát triển liên tiếp nhau. Người ta có thể chia quá khứ (và tương lai) thành 12 hoặc 38 hoặc 157 phần. Nhưng nếu làm thế, chúng ta không thể nhìn thấy sự phân chia chủ yếu trong cái nhóm lộn xộn những phân chia thứ yếu. Đôi khi trong cuốn sách tôi nói nền văn minh Làn sóng thứ nhất hoặc Làn sóng thứ hai đã làm này làm nọ. Dĩ nhiên, tôi biết và độc giả biết rằng các nền văn minh không làm gì cả, chính con người làm. Nhưng gán cho văn minh làm này làm nọ sẽ đỡ tốn lời giải thích và thời gian.
Tương tự như thế, các độc giả thông minh chẳng có ai biết hoặc có thể biết tương lai. Khi tôi nói việc gì đó sẽ xảy ra, tôi giả thiết là độc giả hiểu được điều cần nói. Nếu không thì tôi làm cuốn sách nặng nề thêm vì những lời rào đón. Các nhà dự báo xã hội luôn luôn bị ràng buộc về giá trị và khoa học, dù họ có dùng nhiều số liệu máy tính như thế nào đi nữa. Làn sóng thứ ba không phải là sự dự báo khách quan, và nó không có kỳ vọng được chứng minh bằng khoa học. Tuy nhiên, nói điều này không có nghĩa là những tư tưởng trong cuốn sách này là kỳ quái hoặc không hệ thống. Công việc này được dựa trên nhiều bằng chứng và trên cái có thể được gọi là mô hình bán hệ thống của nền văn minh và mối quan hệ của chúng ta với nó.
Làn sóng thứ ba miêu tả nền văn minh công nghiệp đang chết theo nghĩa của “lĩnh vực công nghiệp”, “lĩnh vực xã hội”, “lĩnh vực tin tức” và “lĩnh vực quyền lực”, và sau đó được sắp xếp để chỉ cho thấy làm thế nào mỗi phạm vi đó đang chịu sự thay đổi cách mạng trong thế giới ngày nay. Nó cố gắng chỉ cho biết những mối quan hệ giữa những phạm vi trên với nhau, cũng như là với “phạm vi sinh học” và “phạm vi tâm lý”, cấu trúc của những mối quan hệ tâm lý và cá nhân, mà thông qua đó những thay đổi trong thế giới bên ngoài ảnh hưởng tới cuộc sống riêng tư nhất của chúng ta.
Làn sóng thứ ba cho rằng một nền văn minh cũng sử dụng một số qui trình và nguyên tắc nhất định, và nó phát triển khái niệm “siêu ý thức hệ” để giải thích thực tế. Một khi chúng ta hiểu được làm thế nào những phần này, quy trình này và nguyên tắc này có liên quan lẫn nhau, và làm thế nào chúng biến đổi lẫn nhau, phác họa ra những luồng thay đổi mạnh mẽ, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn về làn sóng thay đổi khổng lồ đang ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta ngày nay.
Phép ẩn dụ lớn nhất của cuốn sách này là các làn sóng thay đổi đang va chạm. Hình ảnh này không phải là mới. Do đó, không phải phép ẩn dụ làn sóng là mới mà là sự áp dụng của nó cho việc dịch chuyển văn minh ngày nay. Sự áp dụng này cho thấy rất có ích. Khái niệm làn sóng không chỉ là một công cụ cho việc tổ chức khối tin tức khác nhau khổng lồ, mà nó còn giúp chúng ta thấy được thực chất của sự thay đổi trên bề mặt. Khi chúng ta áp dụng phép ẩn dụ sóng, những gì lẫn lộn mơ hồ trở thành rõ ràng. Một khi tôi bắt đầu nghĩ về các làn sóng thay đổi, va chạm và chồng lên nhau, gây ra xung đột và căng thẳng xung quanh chúng ta, thì điều đó tự nó cũng làm thay đổi nhận thức của tôi về sự thay đổi. Trong bất kỳ lĩnh vực nào, từ giáo dục và sức khỏe đến công nghiệp, từ cuộc sống cá nhân đến chính trị, có thể phân biệt những đổi mới chỉ là hàng mỹ phẩm hoặc sự nới rộng của quá khứ công nghiệp với những đổi mới thật sự cách mạng.
Tuy nhiên ngay cả phép ẩn dụ mạnh nhất cũng chỉ có thể cho được một phần sự thật. Không có phép ẩn dụ nào có thể nói được toàn bộ các mặt, và do đó chỉ riêng tương lai không thì không nói lên được vấn đề gì nếu không có hiện tại. Khi tôi còn là môn đồ mácxít trước năm 20 tuổi, nghĩa là cách đây chỉ hơn 1/4 thế kỷ, cũng như nhiều thanh niên khác tôi nghĩ rằng tôi có tất cả các câu trả lời. Sau đó tôi nhận thấy ngay rằng những câu trả lời của tôi chỉ là một phần, một mặt và lỗi thời. Hơn thế nữa, tôi đã rất cảm kích về việc biết được rằng câu hỏi đúng là quan trọng hơn câu trả lời đúng cho câu hỏi sai.
Tôi hy vọng rằng Làn sóng thứ ba cùng một lúc cung cấp những câu trả lời và sẽ hỏi những câu hỏi mới.
Sự thừa nhận rằng không có nhận thức nào là hoàn hảo cả, không có phép ẩn dụ nào là toàn vẹn cả, tự nó là nhân đạo hóa. Nó chống lại sự cuồng tín. Ngay cả nó thừa nhận đối phương có phần đúng và tự nó có phần sai. Khả năng này đặc biệt hiện diện trong sự tổng hợp qui mô lớn. Dù chúng ta có biết hay không, hầu hết chúng ta ngày nay đã tham gia vào việc chống hoặc tạo ra nền văn minh mới. Tôi hy vọng Làn sóng thứ ba sẽ giúp mỗi người chúng ta chọn lựa.

ĐỌC THỬ

SỰ VA CHẠM CỦA CÁC LÀN SÓNGChương một: SIÊU ĐẤU TRANH
Một nền văn minh mới đang nổi lên trong cuộc sống của chúng ta, và những người mù quáng khắp nơi đang cố gắng ngăn cản nó. Nền văn minh mới này mang theo kiểu gia đình mới, những thay đổi trong cách làm việc, yêu thương và sống, một nền kinh tế mới, những xung đột chính trị mới và những nhận thức mới. Một phần của nền văn minh mới, giờ đây đã thể hiện. Hàng triệu người đã điều chỉnh cuộc sống của họ theo những nhịp điệu mới. Một số người thì khiếp sợ tương lai, đã thực hiện chuyến đi vô ích và tuyệt vọng trở lại quá khứ và đang cố gắng tìm lại thế giới đang chết đã sinh ra họ.
Ánh bình minh của nền văn minh mới là sự kiện bùng nổ có tầm quan trọng nhất. Đó là biến cố trung tâm, là chìa khóa để hiểu được những năm sắp đến. Đó là biến cố sâu sắc như của Làn sóng thứ nhất về thay đổi 10.000 năm trước khi có phát minh về nông nghiệp, hoặc như của Làn sóng thứ hai đang đánh dấu bởi cuộc cách mạng công nghiệp. Chúng ta là con cái của sự biến đổi sắp đến – Làn sóng thứ ba.
Chúng ta đã cố gắng tìm từ ngữ để diễn tả đầy đủ sức mạnh và tầm vóc của sự thay đổi phi thường này. Một số đã nói về Thời đại vũ trụ, Thời đại tin tức, Kỷ nguyên Điện Tử, Làng toàn cầu, Thời đại công nghiệp điện tử, Xã hội hậu công nghiệp, Cách mạng khoa học công nghiệp. Còn tôi đã viết nhiều về “Xã hội siêu công nghiệp”. Thế nhưng tất cả các từ ngữ trên, kể cả của tôi, đều không đủ để diễn tả sự thay đổi.
Nhân loại đang đứng trước một bước nhảy kỳ diệu, với sự biến đổi xã hội sâu sắc nhất và với sự cấu trúc lại rất sáng tạo của mọi thời đại. Chúng ta đã bận rộn xây dựng một nền văn minh mới từ thấp lên trên mà không biết rõ chúng ta đang làm việc đó. Đấy là ý nghĩa của Làn sóng thứ ba.
Cho đến bây giờ nhân loại đã trải qua hai làn sóng thay đổi vĩ đại, mỗi làn sóng đã xóa sạch hầu hết các nền văn hóa hoặc văn minh trước đó để thay chúng bằng nền văn minh mới mà những người trước đó không thể nào nhận thức nổi. Làn sóng thứ nhất – cuộc cách mạng nông nghiệp, cần hàng nghìn năm mới hình thành. Làn sóng thứ hai – cuộc Cách mạng công nghiệp, chỉ cần 300 năm. Ngày nay lịch sử còn nhanh hơn, dường như Làn sóng thứ ba sẽ tràn qua lịch sử và diễn ra trong vòng vài thập kỷ. Do đó, trong quãng đời của mình, chúng ta sẽ được chứng kiến tác dụng đầy đủ của Làn sóng thứ ba.
Xé tan gia đình của chúng ta ra từng mảnh, làm rung chuyển nền kinh tế, làm tê liệt hệ thống chính trị, làm đảo lộn những giá trị – Làn sóng thứ ba ảnh hưởng đến tất cả mọi người. Nó thách đố mọi quan hệ quyền lực cũ, những ưu tiên và đặc quyền của các nhóm thượng lưu ngày nay, và tạo ra cái nền cho những cuộc đấu tranh quyền lực then chốt của ngày mai. Nền văn minh mới này phủ nhận hầu hết văn minh công nghiệp truyền thống. Đồng thời cùng một lúc, nó vừa là công nghiệp cao, vừa chống lại công nghiệp quy mô lớn.
Làn sóng thứ ba mang theo một kiểu sống mới dựa trên những nguồn năng lượng tái sinh đa dạng, trên những phương thức sản xuất sẽ làm cho những dây chuyền sản xuất trở thành lỗi thời, trên những gia đình mới không có hạt nhân, trên những thể chế mới có thể gọi là “nhà tranh điện tử”, và trên những trường học, công ty bị thay đổi cơ bản của tương lai. Nền văn minh mới đem lại cho chúng ta một bộ luật mới về cách xử thế và đưa chúng ta vượt qua sự tiêu chuẩn hóa, sự đơn hiệu hóa, tập quyền hóa, và vượt qua sự tập trung về năng lượng, tiền bạc và quyền lực. Nền văn minh mới này sẽ gạt bỏ hệ thống quan liêu, hạ bớt vai trò quốc gia – Nhà nước và làm tăng những nền kinh tế bán tự trị trong một thế giới hậu đế quốc. Nó đòi hỏi các chính phủ đơn giản hơn, hiệu quả hơn, dân chủ hơn bất kỳ chính phủ nào chúng ta biết từ trước đến nay. Đó là một nền văn minh với quan điểm thế giới rõ ràng riêng biệt, với những cách riêng, nó đối phó với thời gian, không gian, lôgíc và nguyên nhân. Nền văn minh Làn sóng thứ ba bắt đầu hàn gắn mối bất hòa giữa người sản xuất và người tiêu thụ, làm nổi lên nền kinh tế “sản-tiêu” của ngày mai. Đây có thể là nền văn minh nhân đạo thật sự đầu tiên của lịch sử.

TIỀN ĐỀ CÁCH MẠNG

Hai hình ảnh dường như tương phản nhau về tương lai đang thu hút sự chú ý của mọi người. Hầu hết họ cho rằng thế giới mà họ biết sẽ kéo dài vô tận. Họ thấy khó mà tưởng tượng một cách sống khác. Dĩ nhiên họ thừa nhận mọi việc đang thay đổi. Nhưng họ cho rằng những thay đổi ngày nay, bằng cách nào đấy sẽ bỏ qua họ và chẳng có gì lay chuyển nổi nền tảng kinh tế gia đình và cấu trúc chính trị. Họ hy vọng một cách đáng tin cậy rằng, tương lai sẽ tiếp tục theo hiện đại.
Những biến cố gần đây đã tác động mạnh đến hình ảnh tin cậy này của tương lai, đó là khi những tin về khủng hoảng tiếp theo khủng hoảng xuất hiện trên các dòng đầu tờ báo, khi Mao bị hạ bệ, khi giá dầu tăng vọt và lạm phát hoành hành, khi khủng bố lan tràn và các chính phủ dường như bất lực không thể ngăn chặn được nó, một viễn cảnh ảm đạm trở thành phổ biến ngày càng tăng. Một số lớn người được cung cấp đều đặn những tin tức xấu, phim ảnh thảm họa, các câu chuyện tận thế của kinh thánh và các bối cảnh ác mộng do các nhà tư tưởng có uy tín phát ra, thì họ kết luận rằng xã hội ngày nay không thể tiến vào tương lai vì không có tương lai. Trái đất đang tiến về nạn đại hồng thủy cuối cùng.
Bề ngoài thì hai viễn cảnh về tương lai này dường như rất khác nhau. Thế nhưng cả hai đều tạo ra những hậu quả tâm lý và chính trị tương tự. Vì cả hai đưa đến sự tê liệt về trí tưởng tượng và ý chí. Cuốn sách này dựa trên cái mà tôi gọi là “tiền đề cách mạng”. Nó cho rằng mặc dù những thập kỷ sắp đến đầy biến động, rối loạn, bạo động lan tràn, song chúng ta sẽ không tự hủy diệt mình. Cuốn sách còn cho thấy những thay đổi đang xuất hiện là không lộn xộn hoặc ngẫu nhiên, chúng tạo thành một mô hình có thể được nhận thức rõ ràng. Đồng thời nó giả thiết rằng những thay đổi này là tích lũy, nghĩa là cộng thêm vào sự biến đổi khổng lồ trong cuộc sống, làm việc, chơi, suy nghĩ, và rằng một tương lai lành mạnh mà chúng ta mong muốn là có thể đến. Tóm lại, những gì theo sau tiền đề này là một cách mạng tổng thể, một bước nhảy lượng tử trong lịch sử.
Nói cách khác, cuốn sách này cho rằng chúng ta là thế hệ cuối cùng của một nền văn minh cũ và là thế hệ đầu tiên của một nền văn minh mới, và rằng hầu hết sự nhầm lẫn, sự khổ não, và sự mất phương hướng cá nhân của chúng ta đều xuất phát từ chính những mâu thuẫn trong bản thân chúng ta và trong thể chế chính trị của chúng ta, giữa văn minh Làn sóng thứ hai đang chết và văn minh Làn sóng thứ ba đang nổi lên.

ĐẦU NGỌN SÓNG

Một cách tiếp cận vấn đề mới có thể được gọi là phân tích “mặt sóng” xã hội. Nó nhìn lịch sử như là sự nối tiếp nhau các cuộn sóng của sự thay đổi, và đặt câu hỏi : mỗi ngọn sóng đang mang chúng ta đi đâu ? Nó hướng sự chú ý của chúng ta vào những gián đoạn của lịch sử, những sáng kiến và điểm ngắt nhiều hơn là vào những liên tục của lịch sử ; nó phát hiện những thay đổi then chốt khi chúng xuất hiện, để chúng ta có thể tác động đến chúng.
Bắt đầu với tư tưởng rất đơn giản rằng sự đi lên của nông nghiệp là bước ngoặt đầu tiên trong phát triển xã hội nhân loại, và rằng cuộc cách mạng công nghiệp là sự chọc thủng vĩ đại thứ hai, nó nhìn mỗi sự việc trên không phải là một biến cố riêng rẽ và một lần, mà là một làn sóng thay đổi di chuyển theo một tốc độ nào đó.
Trước Làn sóng thứ nhất về thay đổi, hầu hết nhân loại sống trong các nhóm nhỏ du mục và sống bằng câu cá, săn bắn, hoặc chăn giữ súc vật. Vào một thời điểm nào đấy chừng 10.000 năm trước đây, cuộc cách mạng nông nghiệp bắt đầu, và dần dần nó ảnh hưởng cả hành tinh, đi qua làng mạc, nơi định cư, đất canh tác và đem theo một cách sống mới.
Làn sóng thứ nhất chưa bị kiệt lực vào cuối thế kỷ XVII, khi đó cuộc cách mạng công nghiệp bùng nổ ở châu Âu và mở ra một làn sóng vĩ đại thứ hai về thay đổi của hành tinh. Qui trình mới này – công nghiệp hóa – bắt đầu di chuyển nhanh hơn đi qua các quốc gia và lục địa. Như thế hai quy định thay đổi rõ ràng và riêng biệt đã cuộn qua trái đất cùng một lúc với những tốc độ khác nhau.
Ngày nay Làn sóng thứ nhất hầu như đã lắng xuống. Chỉ còn một số bộ lạc nhỏ ở Nam Mỹ, Papua Tân Guinea v.v… vẫn còn sống bằng nông nghiệp. Nhưng sức mạnh của Làn sóng thứ nhất về cơ bản đã tiêu tan. Chỉ trong vòng một hai thế kỷ, Làn sóng thứ hai đã cách mạng hóa cuộc sống ở châu Âu, Bắc Mỹ và một số nơi khác trên trái đất. Và hiện nay vẫn đang tiếp tục phát triển ở những nước nông nghiệp có nền công nghiệp lạc hậu. Động lượng của công nghiệp hóa vẫn còn mạnh. Làn sóng thứ hai chưa sử dụng hết năng lượng của nó.
Nhưng ngay cả qui trình trên đang diễn ra, một qui trình khác quan trọng hơn đã bắt đầu. Vì khi chiều hướng hệ thống công nghiệp qui mô lớn đạt đến đỉnh cao trong những thập kỷ sau Thế chiến II. Làn sóng thứ ba chưa được biết nhiều đã bắt đầu nổi lên và biến đổi mọi thứ nó đụng đến. Do đó, nhiều nước cảm thấy bị cùng tác động bởi 2 hoặc 3 làn sóng thay đổi khác nhau và với sức mạnh đằng sau chúng khác nhau.
Vì mục đích của cuốn sách này, chúng ta chia kỷ nguyên Làn sóng thứ nhất từ khoảng năm 8.000 trước CN và thống trị không có đối thủ đến năm 1650 – 1750 sau CN. Từ đây Làn sóng thứ nhất mất động lượng khi Làn sóng thứ hai dấy lên. Văn minh công nghiệp, sản phẩm của Làn sóng thứ hai, đã thống trị hành tinh cho đến khi nó đạt đến đỉnh của nó. Bước ngoặt lịch sử sau cùng này xảy ra ở Mỹ trong thập kỷ bắt đầu từ năm 1955, thập kỷ lần đầu tiên số lượng người làm việc văn phòng và người làm dịch vụ vượt hơn số lượng công nhân. Cũng thập kỷ này đã thấy việc đưa vào sử dụng rộng rãi máy tính, máy bay vận tải phản lực, thuốc ngừa thai, và nhiều phát minh có tác động cao. Từ đấy Làn sóng thứ ba đã đến các nước công nghiệp khác như Anh, Pháp, Thụy Điển, Đức, Nhật với thời gian khác nhau.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button