Hồi ký - danh nhân

Lý Gia Thành: “Ông Chủ Của Những Ông Chủ”

lý gia thành ebook free tải miễn phí epub prc pdf1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Anthony B. Chan

Download sách Lý Gia Thành Ông Chủ Của Những Ông Chủ ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : DANH NHÂN

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Định dạng ebook          

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời tựa

Có một câu nói đã trở nên quen thuộc với người dân Hồng Kông là: “Cứ mỗi một đô-la bạn tiêu thì có năm xu chảy vào túi của Lý Gia Thành”. Tầm ảnh hưởng của vị doanh nhân tỷ phú đối với nền kinh tế – xã hội của mảnh đất thuộc địa rộng lớn này được thể hiện rõ nhất trong giai đoạn 1986-1987, khi tôi còn làm việc tại Đài truyền hình TVB – Hồng Kông với tư cách là một phóng viên, điều phối viên kiêm nhà sản xuất chương trình truyền hình. Thật vậy, gần như không có cuộc thảo luận nào về thương mại và công nghiệp tại Hồng Kông kết thúc nếu không đề cập tới Lý Gia Thành hay các công ty thương mại do ông làm chủ. Đối với tôi, cuộc đời của con người phi thường này là cả một câu chuyện thú vị. Nhưng thật không may, công việc hàng ngày ở Đài truyền hình lại buộc tôi tìm hiểu về cuộc đời của quá nhiều người và vì vậy, cơ hội để thuật lại chuyện đời của Lý Gia Thành ngày càng trở nên xa vời.

Dù biết khá rõ về những thành công trong kinh doanh của ông Lý nhưng dường như tôi đã quên mất ảnh hưởng của ông đối với cuộc sống hàng ngày của mình. Ví dụ, tôi thường lướt qua giá để tạp chí trong các cửa hàng thuốc Watson’s; thứ Bảy, tôi hay mua đồ ở hiệu Park‘N Shop gần nhà; để bắt được ba kênh truyền hình, tôi đã mua chiếc tivi đa hệ của Fortress, hãng sản xuất đồ điện tử lớn nhất Hồng Kông; một người tôi từng phỏng vấn trong chương trình của đài TVB là Michael Sandberg, Giám đốc điều hành Liên doanh Ngân hàng Hồng Kông-Thượng Hải (HSBC); tôi cũng đã có dịp phỏng vấn chủ tịch một công ty vận tải hàng hải lớn của Mỹ khi ông này đứng trên boong tàu, quay lưng lại Sân bay Quốc tế Hồng Kông,… Chuỗi cửa hàng Watson, Park’N Shop, hãng sản xuất đồ điện tử Fortress, Sân bay Quốc tế Hồng Kông – tất cả đều là công ty của Lý Gia Thành, còn Michael Sandberg của Ngân hàng Hồng Kông chính là nhân tố xúc tác giúp Lý nổi tiếng trên trường quốc tế với việc mua Tập đoàn Hòa Ký Hoàng Phố vào năm 1979. Tôi nhận ra Lý Gia Thành thật sự là một phần rất quan trọng trong cuộc sống của mình và những người xung quanh. Một lần nữa, tôi nhận thấy cần phải kể về cuộc đời ông.

Năm 1987, khi giảng dạy tại trường Đại học California, Hayward, tôi đã đọc được bài viết về những thành công kinh doanh của Lý Gia Thành tại hai tỉnh của Canada là British Columbia và Alberta. Khi Lý quyết định chuyển hướng đầu tư sang phương Tây, tôi tin rằng ẩn sau quyết định ấy hẳn là một câu chuyện thú vị. Năm 1991, tôi rời California về nhận công tác tại Đại học Washington, Seattle. Tại đây tôi chính thức bắt đầu nghiên cứu về cuộc đời của Lý Gia Thành.

Tôi bắt đầu tích lũy mọi thông tin về ông trùm tư bản này, và những điều đã đọc đều khiến tôi tò mò. Khi Hồng Kông tiến gần đến ngày 1 tháng 7 năm 1997 định mệnh, tôi bắt đầu xem câu chuyện về ông Lý như một “phong vũ biểu” đối với những thay đổi sắp xảy ra trên mảnh đất thuộc địa Hồng Kông, Trung Quốc và toàn thế giới. Tôi chưa thể kể câu chuyện về ông ngay được vì phải mất khá nhiều thời gian. Và khi tôi vẫn chưa có dịp tiếp xúc với ông thì những cuộc phỏng vấn với nhà tư bản này đã được đăng tải trên tạp chí Far Eastern Economic Review (Toàn cảnh nền kinh tế Viễn Đông) và Fortune (Di sản).

Cuốn sách này là câu chuyện về một ông vua kinh doanh tầm cỡ quốc tế mà đế chế của ông đã đặt nền móng cho ngành thương mại Hồng Kông; một người đàn ông mà sự hiện diện đã làm thay đổi thái độ và nhận thức của toàn bộ vùng thuộc địa; một người có tầm ảnh hưởng to lớn, giúp Hồng Kông hội nhập với thế giới.

Thời gian viết cuốn sách này kéo dài trong bốn năm nhưng tôi không hề đơn độc. Bạn bè và đồng nghiệp ở Hồng Kông đã giúp đỡ tôi trong giai đoạn nghiên cứu đầu tiên. Họ cũng là những người động viên, khích lệ tôi trong giai đoạn cuối cùng để hoàn thành bản thảo. Xin gửi những lời chúc tốt đẹp nhất và lời cảm ơn tận đáy lòng đến Giáo sư Dora Choi thuộc Đại học Trung Hoa – Hồng Kông, K. K. Chan của Nhà xuất bản Culturecom, Louis Liu của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Truyền hình châu Á, Giáo sư Chow Pak-kiu của Viện học Mở, Giáo sư Daniel Kwan – cựu giảng viên trường Đại học Hồng Kông Baptist, nay là giảng viên Đại học Fraser Valley.

Tôi xin chân thành cảm ơn họ hàng và bạn bè ở Canada và Mỹ vì đã gửi cho tôi những bài báo về Lý Gia Thành và các công ty của ông. Xin gửi lời cảm ơn đến cha tôi, Steven Chan, Andrienne Chan của Đại học Douglas, David Lam – từng làm việc tại Tập đoàn Truyền thông Canada, nay công tác tại Đại học Tây Bắc Ấn Độ, Giáo sư John Campbell – từng làm việc tại Đài TVB, nay là giảng viên Đại học Bắc Arizona. Tôi cũng muốn cảm ơn Kenvin Kawamoto, trợ lý của tôi tại Đại học Washington. Nhờ sự chăm chỉ của anh mà chúng tôi có được những thông tin quý giá làm nền tảng vững chắc cho cuốn sách này. Và cuối cùng xin dành lời cảm ơn cho người phụ tá nghiên cứu của tôi, Thái Trắc Nghiên, vì đã giúp tôi có được những thông tin vô cùng hữu ích.

Tôi còn mang ơn người bạn đời của mình, Giáo sư Wei Djao, trường Đại học Cộng đồng Bắc Seattle. Những kiến thức của cô đã giúp tôi hiểu hơn về bức tranh lịch sử – xã hội đầy màu sắc của Hồng Kông và Trung Quốc để tôi có thể viết những chương đầu tiên trong cuốn sách này. Sự hài hước và những bữa tối thịnh soạn mà cô dành cho bố con tôi đã khích lệ tôi rất nhiều. Cô con gái nhỏ của tôi Lian Djao Chan cứ thắc mắc mãi không biết lúc nào bố mới rời máy tính. Chính nụ cười vô tư và niềm yêu đời của con đã giúp tôi có thêm sức mạnh để hoàn thành cuốn sách này.

Cuối cùng, tôi xin cảm ơn các bạn đồng nghiệp của tôi tại Macmillan Canada – chủ bút Karen O’Reilly, trưởng ban biên tập Kirsten Hanson, biên tập bản thảo Christian Allard và biên tập bản in Liba Berry đã hỗ trợ tôi xuất bản cuốn sách này.

ĐỌC THỬ

Mở đầu

“Mr. Money” đến Bắc Kinh

Bất chấp những bất đồng trong quan điểm chính trị của Trung Quốc, thậm chí trong nội bộ Đảng Cộng sản, một sự kiện chưa từng có từ trước đến nay đã diễn ra. Đó là ngày 28 tháng 4 năm 1992, trong buổi lễ tốt nghiệp của Đại học Bắc Kinh, khi những sinh viên cuối cùng nhận bằng tốt nghiệp, chỉ còn duy nhất một tấm bằng kinh tế chưa được trao – bằng tiến sĩ danh dự dành cho Lý Gia Thành. Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc lúc bấy giờ, ông Giang Trạch Dân, là người chủ trì buổi lễ và cũng là người sẽ trao tấm bằng tượng trưng này để công khai thừa nhận rằng Bắc Kinh cũng có thiện cảm với nhà tư bản được sùng bái số một ở Hồng Kông này.

Lý Gia Thành, nhân vật được mệnh danh là siêu nhân kiếm tiền của mảnh đất giao thoa Đông – Tây đang chờ đợi màn vinh danh của người đứng đầu Đảng Cộng sản. Lý Gia Thành – con trai một nhà giáo nghèo, giờ là một trong mười người giàu nhất thế giới; một người con của quê hương Triều Châu – thành phố nằm cách Hồng Kông khoảng 300 km về phía đông bắc và là ông chủ giàu có bậc nhất trên mảnh đất thuộc địa Anh. Ông là người Trung Quốc đầu tiên phá vỡ vòng kiềm tỏa gắt gao lên các tập đoàn thương mại Hồng Kông của thực dân Anh, đồng thời cũng là người giữ vị trí quan trọng trong ngành thương mại vận tải đường biển. Bạn bè, đồng nghiệp gọi ông là Gia Thành. Báo chí gọi ông là “Mr. Money” (tạm dịch là “Ông lắm tiền”), “Siêu nhân”. Đôi khi gặp Lý trên một con đường náo nhiệt ở Hồng Kông, người ta còn cúi đầu chào theo kiểu hành lễ dành cho bậc vương quyền: “Chào ngài, Lý đại gia”. Ở Hồng Kông, những gia đình tham vọng nhất cũng chỉ cầu mong con em mình tiếp bước theo con đường vinh quang của Lý Gia Thành.

Trong nhiều cuộc đua tranh trên đất Hồng Kông, dường như không chướng ngại nào có thể ngăn trở Lý Gia Thành. Ông đã vượt qua nghèo đói và điều đó khiến ông trở thành bậc thầy phi thường cho những thương nhân rơi vào cảnh bần cùng trên con đường kiếm tìm ngọn đuốc soi sáng đến vương quốc giàu sang. Họ mơ ước được trở thành thành viên trong những cuộc họp cấp cao tổ chức tại tầng trên cùng của Cao ốc Trung Hoa với mái ốp gỗ, hàng rào là nhân viên bảo vệ và hệ thống cửa trượt tự động như Lý Gia Thành. Họ biết rất nhiều chuyện về ông: nỗ lực vượt qua đói nghèo, vận may đầu tiên trong ngành sản xuất đồ nhựa, sự vươn lên trở thành ông trùm địa ốc, chuyện về tập đoàn thương mại hay chuyện về mối quan hệ của ông với trùm tư bản Rupert Murdoch. Đó là còn chưa kể đến việc kinh doanh của ông ở phương Tây. Mỗi câu chuyện lại góp phần tôn thêm hào khí quyền năng vô hạn của ông. Họ phân tích từng động thái, nghe ngóng từng dấu hiệu về một hợp đồng sắp ký bởi họ tin rằng hợp đồng ấy không chỉ đem lại lợi nhuận cho chính tập đoàn của ông mà còn cho cả những doanh nghiệp nhỏ và những người chơi cổ phiếu sống dựa vào ngoại vi thương trường Hồng Kông.

Những người ngưỡng mộ coi ông là một người khổng lồ dù ông chỉ cao 1m70. Lý Gia Thành tuổi Thìn, tức là rồng, biểu tượng cho sức sống và sự phát triển. Người Trung Quốc tin rằng rồng đem lại năm điều may mắn là thuận hòa, đức hạnh, thịnh vượng, hạnh phúc và trường tồn. Là một con rồng, ông Lý có những phẩm chất như dũng cảm, trung thực, tinh tế và khả năng tạo niềm tin ở người khác – đó cũng là điều mà ông thường bóng gió thừa nhận là nền tảng cho thành công của mình.

Ngay cả giới báo chí (Trung Quốc và nước ngoài) cũng dành thiện cảm cho ông, ngợi ca ông là con người thận trọng và giản dị, như ông chỉ thu của mỗi giám đốc dưới quyền 650 đô-la Hồng Kông lệ phí một năm trong khi những trùm tư bản khác luôn tìm cách bòn rút của nhân viên; ông tự thanh toán 90% chi phí đi lại và giải trí của mình; ông thích một cuộc sống giản dị, không ồn ào. Ông được miêu tả với nhiều dáng vẻ khác nhau: “một quý ông lịch lãm” trong “bộ vét tối màu với cà-vạt thanh nhã trên nền áo sơ mi trắng”, giống “một bác thợ may hơn một nhà tài phiệt”, giống “một nhân viên ngân hàng hòa nhã, thông minh hơn một thương gia sắc sảo” hoặc giống “một thầy hiệu trưởng nhân từ với ánh nhìn có vẻ dè dặt nhưng không xa cách ẩn sau cặp kính dày, gọng tối màu”. Chỉ vẻ thanh đạm của con người ấy thôi cũng đủ để cho người ta kể mãi những câu chuyện về ông. Có lần, ông mời khách ăn một bữa trưa đơn giản tại nhà hàng, họ gọi một chai rượu đắt tiền. Ông liền rời ngay khỏi nhà hàng sau khi thanh toán hóa đơn 3.500 đô-la Mỹ. Và trong khi nhiều doanh nhân giàu có phô trương bằng chiếc đồng hồ Rolex nạm kim cương thì Lý Gia Thành chuyển sang dùng đồng hồ của hãng Citizen. Ông cũng không bao giờ ngại nói về tính tiết kiệm của mình. Trong cuộc phỏng vấn với phóng viên tạp chí Fortune, ông đã mở đầu bằng chủ đề về đồng hồ: “Đồng hồ của anh thật sang trọng, cái của tôi phải rẻ hơn của anh đến 50 đô-la. Đây là chiếc đồng hồ của công việc chứ không phải tôi không thể mua một chiếc đắt tiền hơn”.

Đối với những thương nhân luôn muốn tiếp cận ông, Lý Gia Thành là đối tượng để họ xu nịnh. Còn đối với Giang Trạch Dân và chính phủ, Lý Gia Thành không chỉ là một biểu tượng, mà còn là nhân vật trung gian không thể thiếu trong việc tăng cường sự ủng hộ của những thương nhân hàng đầu Hồng Kông khi họ muốn lấy lại mảnh đất thuộc địa vào năm 1997. Bởi vì nếu Lý tin rằng nền kinh tế Hồng Kông sẽ ổn định sau cuộc trao trả, những người khác nhất định cũng tin như vậy. Bản thân Giang Trạch Dân đã cam đoan với các quan sát viên tại buổi lễ ở Đại học Bắc Kinh hôm đó: “Chính sách một đất nước với hai chế độ sẽ là chính sách lâu dài.”

Lý không chỉ là “phong vũ biểu” cho những ai còn đang xem xét nên đi hay ở lại Hồng Kông mà còn là tiêu chuẩn để đánh giá viễn cảnh nền kinh tế Trung Quốc cho 55 triệu nhà đầu tư Hoa kiều trên thế giới. Năm 1979, ba năm sau ngày mất của Chủ tịch Mao Trạch Đông, cuộc cải cách kinh tế đầy táo bạo do Đặng Tiểu Bình phát động – trong đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân phát triển, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp – đã gây chấn động với khẩu hiệu “Làm giàu là vinh quang”. Sự kiện này đã có tác dụng lấy lòng những Hoa kiều giàu có. Chỉ tính riêng trong giai đoạn 1979 1991, Hoa kiều đã đóng góp gần 75% trong tổng đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc. Lượng ngoại tệ đổ vào quốc gia này tăng nhanh chóng, từ 2,9 tỷ đô-la Mỹ năm 1984 lên 81,4 tỷ đô-la Mỹ năm 1994, trong đó, riêng đầu tư từ Hồng Kông và Ma Cao chiếm 60%.

Như vậy, Hoa kiều có thể được coi là nguồn cung vốn vô cùng dồi dào với gần 2 nghìn tỷ đô-la Mỹ. Nếu 51 triệu Hoa kiều ở châu Á lập thành một quốc gia thì quốc gia ấy có tổng sản phẩm quốc dân trong năm 1990 là xấp xỉ 450 tỷ đô-la Mỹ, chỉ thấp hơn tổng sản phẩm quốc dân của Tây Ban Nha 20% và điều quan trọng là tỷ lệ này cao hơn của Trung Quốc đến 25%.

Điều đáng ngạc nhiên là mặc cho những chính sách mời gọi của chính phủ, nhiều Hoa kiều vẫn phản đối đầu tư hay thông thương với đất nước. Họ bất chấp câu ngạn ngữ: “Ở đâu có cơ hội kiếm tiền, ở đó có Hoa kiều”. Họ là những người tha hương đã mất người thân trong vụ tra tấn và khai trừ thương nhân tự do hậu 1949 dưới thời Mao Trạch Đông. Giờ đây, Chính phủ Đặng Tiểu Bình lại sẵn sàng giúp đỡ, tạo điều kiện cho Hoa kiều, như bãi miễn cho họ một số điều luật. Chính phủ đã miễn cho một số công ty nhập khẩu với vốn đầu tư của Hoa kiều tại Thượng Hải không cần giấy phép nhập khẩu trang thiết bị sản xuất và nhà xưởng. Ngay cả trong lĩnh vực địa ốc, Chính phủ Trung Quốc cũng có nhiều nhượng bộ không chỉ đối với Hoa kiều mà cả người thân của họ ở trong nước về giấy chứng nhận đăng ký nhà ở đô thị – một việc tưởng chừng như không thể xảy ra.

Mặc dù tư tưởng của Hoa kiều ở Hồng Kông và nhiều nơi khác đã thay đổi tích cực sau năm 1984 với lời hứa hẹn của Bắc Kinh – sẽ để Hồng Kông có quyền tự chủ khi được trao trả cho Trung Quốc 13 năm sau đó, nhưng những sự kiện xảy ra trong năm 1989 đã khiến họ khó có thể tin vào chính phủ. Tuy vậy, cũng không thể phủ nhận những nỗ lực duy trì cải cách kinh tế của Đặng Tiểu Bình và quảng bá cho các nhà đầu tư về “Chương trình tư bản – tiền – dân chủ” đã giúp kinh tế Trung Quốc tăng trưởng rõ rệt. Song, đất nước này vẫn cần sự ủng hộ bền vững của quần chúng. Vì vậy, mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn nếu một người tầm cỡ như Lý Gia Thành đồng tình với chính phủ đang gặp nhiều khó khăn thông qua việc nhận tấm bằng tiến sĩ danh dự và bày tỏ quan điểm ủng hộ.

Lý Gia Thành có lý do chính đáng cho lòng trung thành của mình. Ngay từ năm 1977, Bắc Kinh đã chính thức gây thiện cảm với ông bằng lời mời tham dự buổi lễ kỷ niệm ngày Quốc khánh tổ chức tại thủ đô. Nhưng sau đó, Đặng Tiểu Bình mới biết Lý Gia Thành là một vị khách mời kiệt xuất trong giới kinh doanh Hồng Kông và cũng là nhân vật có ảnh hưởng đối với nền chính trị của mảnh đất thuộc địa. Việc Lý nắm đa số cổ phần trong Tập đoàn Hòa Ký Hoàng Phố của phương Tây hai năm sau đó đã khiến cho các nhà lãnh đạo Bắc Kinh hài lòng, điều đó chứng minh rằng trực giác của họ đúng. Với sự ủng hộ của Lý Gia Thành, Trung Quốc ít nhất đã nắm trong tay một phần chiến thắng. Trên thực tế, các nhà lãnh đạo Bắc Kinh vui mừng đến nỗi quyết định bổ nhiệm Lý cùng với hai doanh nhân tầm cỡ khác của Hồng Kông là Fok Ying-tung và Wang Foon-shing vào Cơ quan Đầu tư Tín dụng Quốc tế và Công ty Trung Hoa (CITIC), một cơ quan chính phủ mới thành lập với chức năng chính là khuyến khích đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc. Đối với Lý, việc trở thành đối tác đầu tư hàng đầu của Bắc Kinh là một niềm vinh dự: “Bất cứ lúc nào các vị lãnh đạo muốn nghe ý kiến của tôi khi họ từ Bắc Kinh đến thăm đều liên lạc với tôi. Và tôi luôn nói rõ quan điểm của mình. Tôi hạnh phúc với cương vị giám đốc của CITIC”. Lý cũng khuyên phía Bắc Kinh nên mua những cổ phiếu then chốt của một vài hãng lớn tại Hồng Kông, như vụ mua 12,5% cổ phần hãng Hàng không Cathay Pacific với giá 1,94 tỷ đô-la Hồng Kông vào năm 1987 và mua 0,1% cổ phần Tập đoàn Telecom với giá 68,5 triệu đô-la Hồng Kông vào năm 1988. Sau này, chính sự liên kết giữa Lý với CITIC đã tạo động lực cho ông chuyển hướng đầu tư vào ngành công nghiệp truyền thông và sự phát triển của hãng truyền hình Star TV.

Lý Gia Thành luôn phủ nhận ý kiến cho rằng ông tham gia vào ban giám đốc của CITIC với tư cách là người đại diện cho Đảng Cộng sản Trung Quốc; ông chỉ đơn giản nhận ra sự ưu việt của Trung Quốc đối với cuộc sống của mình và Hồng Kông. Là một người thực tế, Lý biết rằng mối kết giao tốt đẹp của mình với những nhà môi giới đầy quyền lực của Trung Quốc là nguyên nhân mà Ngân hàng Hồng Kông bán cho ông cổ phần của họ trong tập đoàn Hòa Ký Hoàng Phố. Với ảnh hưởng thương mại rộng lớn ở Hồng Kông và mối quan hệ chính trị bền chắc với các nhà lãnh đạo Bắc Kinh, quyền lực của ông luôn gia tăng.

Bên cạnh những lý do về kinh tế, việc Lý Gia Thành ủng hộ Chính phủ Trung Quốc còn xuất phát từ tấm lòng yêu nước của ông. Mỗi khi có dịp, ông lại dành tiền bạc hoặc thời gian làm từ thiện. Năm 1989, ông đã giúp xây dựng 278 căn nhà mới cho những người dân vô gia cư tại Triều Dương, phía bắc Trung Quốc. Ông cũng thể hiện tình cảm gắn bó đặc biệt của mình với nơi chôn rau cắt rốn bằng việc thành lập một quỹ từ thiện với số tiền ban đầu là 10 triệu đô-la Hồng Kông. Tổ chức này đã tiếp tục quyên góp được thêm 50 triệu đô-la Hồng Kông từ những người dân Triều Châu và Sán Đầu để phát triển ngành công nghiệp năng lượng địa phương. Một chủ quản lý khách sạn tại Sán Đầu nói: “Mọi người ở đây đều quý trọng ông Lý và luôn coi ông như vị lãnh đạo của cả vùng. Chúng tôi luôn trải thảm đỏ để chào mừng mỗi lần ông về thăm thị trấn.”

Nhưng trên tất cả, món quà ý nghĩa nhất mà ông đem lại cho quê hương chính là một trường đại học xây dựng năm 1980. Trường đại học này đặt tại Sán Đầu, gần Triều Châu, có thể cung cấp chỗ ở cho 5 nghìn sinh viên. Với công trình này, Lý muốn tôn vinh việc học cao biết rộng. Bản thân ông đã không có cơ hội được học lên cao từ sau khi cha qua đời. Ông vẫn thường nói: “Bạn có thể xây dựng một con người, một gia đình và cả tương lai chỉ bằng con đường giáo dục.” Ông đã đóng góp 85 triệu đô-la Hồng Kông vào việc xây dựng và nếu ông muốn, ngôi trường sẽ mang tên ông. Nhưng ông đã từ chối vinh dự ấy. Vì vậy, hội đồng quản trị trường Đại học Sán Đầu đã quyết định đặt cho một tòa nhà cái tên “Tòa nhà chưa được đặt tên” với hy vọng một ngày nào đó Lý sẽ bằng lòng đặt cho nó cái tên của mình. Vào giai đoạn cuối cùng của dự án, khoảng cuối thập niên 1980, người ta đã xây dựng cả một bệnh viện thực hành trong trường với 600 giường bệnh; Lý đã bỏ ra cả tiền xây dựng và chi phí vận hành là 305 triệu đô-la Hồng Kông. Mặc dù vậy, theo Victor Lý – người con cả của Lý Gia Thành thì “Thời gian mà cha bỏ ra cho ngôi trường đại học này còn quý giá hơn cả số tiền quyên tặng.”

Nhiều người không khỏi thắc mắc tại sao Lý quá đỗi hào phóng đến vậy. Ông trả lời: “Tôi tin rằng mọi người cần sự giúp đỡ không phải chỉ để tồn tại mà còn vì lý do tinh thần. Và những ai có đức tin ở Chúa Trời sẽ thấy cuộc sống ý nghĩa hơn khi về già. Nếu ai tin rằng cuộc sống kiếp sau sẽ tốt đẹp hơn thì phép màu sẽ đến với họ.” Tony Phùng – con trai một người bạn thân của Lý Gia Thành – đã nói về tính hào hiệp của ông: “Bạn thắc mắc tại sao một người lại làm như vậy ư? Đơn giản thôi, đó là cách để người đó nói cảm ơn với Chúa nếu anh ta có đức tin; còn nếu không, đó là cách để cảm ơn xã hội.”

Và bây giờ, Chính phủ Trung Quốc đang dành thiện cảm đặc biệt cho người đàn ông này. Một lần nữa họ lại chọn ông vì lòng trung thành vô hạn của ông đối với tổ quốc. Còn đối với Lý Gia Thành, ông cũng không có ý định để họ thất vọng. Với những khán giả quan tâm đến mình trong buổi lễ tại Đại học Bắc Kinh, ông đã nói về một điều hiển nhiên: Trung Quốc và Hồng Kông. Lý đã không bỏ lỡ cơ hội để nói thật lòng mình. Ông tin rằng Trung Quốc sẽ phải tiếp tục con đường cải cách bên cạnh việc duy trì chính sách mở cửa. Đó là con đường duy nhất giúp nhân dân Trung Quốc có được ấm no, hạnh phúc. Lý cũng phát biểu ngắn gọn điều mà các vị lãnh đạo của Bắc Kinh đã mong đợi từ lâu: “Tôi tin tưởng tuyệt đối vào Hồng Kông và đất mẹ Trung Quốc.” Đối với chính phủ thì đó là những lời ủng hộ, còn đối với bản thân Lý thì điều này không chỉ có ý nghĩa là lời chứng thực của một ông trùm tư bản. Đó là cách ông thể hiện quyết tâm giữ trọn lời hứa với người cha trước lúc lâm chung gần nửa thế kỷ trước – dù có làm gì, ông cũng sẽ không bao giờ quên gốc rễ. Và năm 1992 là thời điểm mà ông hướng về nguồn cội hơn bao giờ hết.

1. Mọi ngả đường đều dẫn đến Hồng Kông

Triều Châu có một truyền thuyết kể về một người đàn ông Triều Châu đầu tiên đến lập nghiệp ở đất Hồng Kông. Chuyện kể rằng, đầu thế kỷ XIX, tại một ngôi làng nhỏ vùng ngoại ô Triều Châu, một gia đình học giả nghèo nhưng học rộng tên là Trần đã đón một cậu bé chào đời. Trần không có tiền làm một bữa cơm thịnh soạn để ăn mừng nên họ hàng, làng xóm đã đề nghị mỗi người sẽ góp chút ít. Để khỏi mất mặt, Trần quyết định vay tiền tổ chức buổi tiệc.

Ngày vui đã đến. Nhưng thật không may, thức ăn được bày lên chiếc bàn để ngoài sân và trong khi mọi người không để ý con lợn nhà hàng xóm xổng chuồng đã húc đổ hàng rào, lao thẳng vào bàn thức ăn, tạo nên một đống hỗn độn và phá hỏng bữa tiệc.

Trần vô cùng chán nản và xấu hổ. Ông vốn không có tiền cũng chẳng hào hứng gì, thế mà… Trong khi mọi người bận bịu đuổi bắt con lợn phá phách, do không muốn đối mặt với vợ con, làng xóm và họ hàng nên Trần đã bỏ làng ra đi về phía Nam. Ông đi rất lâu và cuối cùng dừng chân tại một hoang đảo, đó chính là lãnh thổ Hồng Kông sau này.

Sau đó, Trần mở một trường tiểu học ở phía tây bắc đảo. Trong thời gian đó, các du khách Triều Châu du thuyền từ Thiên Tân tới vùng biển phía Nam đều giao cho Trần lo chuyện ăn ở. Vì ông là dân Triều Châu bản xứ nên họ rất tin tưởng. Sau đó, do lượng du khách Triều Châu ngày một tăng, nhu cầu lương thực và nhà trọ cũng tăng theo nên Trần tận dụng cơ hội này xây một khách sạn nho nhỏ. Về sau, Trần đón vợ và các con đến ở cùng.

Mặc dù câu chuyện “đổi đời” của Trần không phải là phổ biến nhưng có rất nhiều người Trung Quốc ra đi lập nghiệp, nhất là những người Triều Châu theo chân Trần thoát khỏi nghèo đói và áp bức, đến tìm chốn nương thân ở đất Hồng Kông. Một ví dụ điển hình chính là câu chuyện về Lý Gia Thành.

Lý Gia Thành là con trai của thầy giáo Lý Vân Kinh. Ông sinh ra vào “giờ xấu”, theo như lịch của người Trung Quốc xưa, đó là ngày 29 tháng 7 (tức ngày 23 tháng 6 Dương lịch) năm 1928, trong một ngôi nhà nằm trên đường Cổng Bắc, ngõ Mì Sợi tại Triều Châu. Chỉ vài tuần trước đấy, tức vào ngày mùng 4 tháng 6, lính Nhật đã bí mật đánh bom chiếc xe chở “cựu Nguyên soái” Trung Quốc, ông Trương Tác Lâm. Sự kiện này đã đánh dấu việc Nhật Bản chính thức xâm lược đất nước Trung Hoa.

Cuộc xâm lược này là một “cơn ác mộng” kéo dài mười bảy năm trời, đến tận khi Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc. Và cũng chính nó đã khiến cuộc đời Lý rẽ sang hướng khác: ông phải bất đắc dĩ di cư sang Hồng Kông và nếm trải cảm giác ở thuộc địa trong thời kỳ sơ khai với hai bàn tay trắng.

Tổ tiên của Lý nhiều thế kỷ trước cũng buộc phải trốn chạy khỏi cảnh áp bức, bóc lột như vậy. Xuất phát từ các đồng bằng khu trung tâm, sau đó họ tới tỉnh Phú Giang và thành phố của Phổ Điền. Cuối đời Minh, năm 1644, tổ tiên của Lý lại một lần nữa trốn chạy khỏi cuộc chiến đẫm máu giữa quân đội triều đình với dân tộc Mãn Châu ở phía bắc Trung Quốc.

Mười thế hệ trước khi Lý ra đời – năm 331 sau Công nguyên, ông cha Lý đã tìm đến định cư ở vùng đất Lý ra đời – Triều Châu, có nghĩa là “thủy triều lên xuống luân phiên”, một thành phố ven bờ sông Hán. Tổ tiên của Lý ở Triều Châu rất có tiếng, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục. Trên thực tế, mặc dù trong nhiều thế kỷ, hầu hết các thương gia tài giỏi đều là người Quảng Đông và Thượng Hải nhưng dưới triều Minh (1368 1644), hai thành phố Sán Đầu và Triều Châu ở phía đông tỉnh Quảng Đông lại là “cái nôi” sản sinh ra những thương gia kiệt xuất trong lĩnh vực kinh tế.

Đến năm 1911, sự rối ren, đảo lộn trong chính trị và kinh tế làm cho triều Thanh hoàn toàn sụp đổ. Đến tháng 10 năm đó, các các phe phái liên tỉnh nhóm họp ở Vũ Xương khởi xướng một cuộc cách mạng và kết thúc trong năm sau bằng sự ra đời của chính quyền cộng hòa do chủ tịch nước đứng đầu.

Trong khi sự hoành hành, náo loạn của Chiến tranh Thuốc phiện và sự bất lực của triều Thanh buộc nhiều nông dân, công nhân Trung Quốc phải đi mưu sinh khắp nơi thì sự ra đời của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa năm 1912 đã mở ra một thời đại mới. Một nền cộng hòa báo hiệu sự ra đời của luật pháp mới, nghị viện mới không theo khuynh hướng dân chủ phương Tây. Bất cứ người nào có chứng chỉ giáo dục cũ do triều Thanh cấp sẽ không đủ tư cách trở thành một quan chức “hiện đại” mà hệ thống quản lý hiện giờ đang cần. Các học giả Nho giáo của triều đình cũ trở nên thừa thãi, vô dụng và là tâm điểm của các trò đùa.

Trong một tác phẩm châm biếm nổi tiếng về các học giả của triều đình cũ, Lỗ Tấn, nhà văn hiện đại đầu tiên của Trung Quốc đã viết về một học giả tên Khổng như thế này:

Khổng là vị khách duy nhất mặc quan phục đến quán uống rượu. Đó là một người đàn ông to lớn, xanh xao đến lạ với những vết sẹo xen giữa các nếp nhăn trên khuôn mặt. Ông ta có có một bộ râu bù xù, rậm rạp điểm vài sợi trắng… Ông ta ưa sử dụng cổ văn trong giao tiếp nên khó mà hiểu được phân nửa những gì ông ta nói… Bất cứ khi nào ông ta đến cửa hàng, mọi người đều quan sát rất chăm chú và cười khúc khích. Và ai đó sẽ gọi tướng lên: “Ơi ông Khổng! Có mấy vết sẹo mới trên mặt ông đấy! Ông chắc chắn lại vừa đi ăn trộm về!” “Tại sao lại kết luận một người tốt vô căn cứ như vậy?”, Khổng sẽ hỏi như vậy, mắt mở to… “Lấy một quyển sách không thể coi là ăn trộm được… Lấy một quyển sách, việc một học giả làm không thể coi là ăn trộm!” Ông ta sẽ nói, theo như trích dẫn trong bản viết cổ thì “Giấy rách phải giữ lấy lề” và giải thích rắc rối cổ xưa, là việc mình mình làm, ai cười mặc ai.

Một nước Trung Quốc mới ra đời, đó không phải đất nước Trung Quốc mà cha của Lý Gia Thành có thể dự đoán được. Trên thực tế, ông chính là loại người mà Lỗ Tấn châm biếm, một kẻ coi trọng bằng cấp trong hệ thống thi cử truyền thống mà ở đó giáo dục được dành riêng cho các học giả để trở thành quan lại trong triều. Tuy vậy, ông vẫn kiên trì và với nỗ lực học hành, ông đã xây dựng truyền thống hiếu học cho cả gia đình. Cha và bác của Lý Gia Thành đã thấm nhuần lý tưởng học tập là một truyền thống cao đẹp. Trong khi một ông bác giảng dạy tại ngôi trường ở Triều Châu sau một thời gian làm thanh tra chính phủ tại Sán Đầu thì một người bác khác học về thương mại và người bác thứ ba giảng dạy cho một ngôi trường về nông nghiệp.

Sau khi tốt nghiệp trung học năm 1912 với vị trí đứng đầu lớp, Lý Vân Kinh đã giảng dạy cho một ngôi trường ở Triều Châu một thời gian. Vì các quốc gia phương Tây luôn kiểm soát nền kinh tế Trung Quốc nên người dân cảm thấy cuộc sống không được đảm bảo. Tình hình hỗn loạn, bất ổn nơi quê nhà đã thôi thúc Lý Vân Kinh tới Giava làm thư ký cho một công ty để mưu sinh. Nỗi nhớ gia đình cộng với sự nhìn nhận tình hình đất nước Trung Quốc sẽ sáng sủa hơn, ông đã quay về Triều Châu và làm thủ quỹ cho một nhà băng. Khi nhà băng này phá sản năm 1928, ông quay trở lại trường học làm hiệu trưởng.

Vào thập niên 1920, Nhật Bản bắt đầu xâm chiếm Trung Quốc, đầu tiên là Đông Bắc và sau là dọc đường bờ biển từ Đại Liên tới Thượng Hải và Quảng Châu. Một trong những lý do quan trọng giúp Nhật Bản giành được thắng lợi đầu tiên ở Trung Quốc là sau Chiến tranh Thế giới thứ nhất, lực lượng phương Tây đã rệu rã và không còn ý định cản trở tham vọng bá chủ toàn cầu của Nhật Bản nữa. Nhật Bản rảnh tay thôn tính Trung Quốc khiến người dân Trung Quốc phải sống trong cảnh lầm than. Trên thực tế, có một khẩu hiệu Nhật Bản luôn quán triệt khi thôn tính Trung Quốc và đã tàn sát hơn 20 triệu người dân Trung Quốc là “Giết tất cả, đốt tất cả, phá tất cả”.

“Thời kỳ đáng buồn” này là giai đoạn Lý Gia Thành lớn lên ở Trung Quốc. Dù tuổi thơ tương đối phẳng lặng thì chiến tranh vẫn in một vết hằn trong tâm trí ông. Có lẽ cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi Lý rất hạn chế quan hệ với người Nhật trong suốt sự nghiệp kinh doanh của mình. Từ những năm tháng sống dưới ách thống trị Nhật, Lý vẫn còn lưu lại ký ức sống động về nỗi gian khổ của cha. Trong suốt quãng thời gian trưởng thành ở Trung Quốc, Lý Gia Thành được cha là Lý Vân Kinh nuôi dưỡng lòng căm thù sâu sắc đối với quân Nhật cướp nước. Cha cũng là người định hình cho ông những suy nghĩ về nghệ thuật kịch và thơ. Đây là một bài thơ hô hào nhân dân kháng chiến chống Nhật của Lý Vân Kinh:

Nhật là kẻ thù lớn

Đã ức hiếp chúng ta suốt mấy thập niên

Chúng chiếm đóng Đài Loan, tiêu diệt Triều Tiên

Chúng cướp các tỉnh miền Đông Bắc nước ta

Quân Nhật đã gây bao tội lỗi

Nhưng chúng không thể nào giết hết chúng ta

Hãy ủng hộ sức của, hãy đóng góp sức người

Chung lưng chống đế quốc Nhật.

Là một người ái quốc với tình yêu nước nồng nàn, Lý Vân Kinh cũng phải đối mặt với thực tế mà những thế hệ đi trước mình từng gặp phải, đó là tự do thoát khỏi áp bức và hoàn cảnh kinh tế chỉ cho một con đường duy nhất để sống và tồn tại. Quân Nhật với lực lượng hùng mạnh đã đánh chớp nhoáng vào những địa điểm nhỏ nhưng không kém phần quan trọng, những thành phố biển như Triều Châu. Sự tàn phá khủng khiếp của cuộc chiến tranh đã buộc trường học của Lý Vân Kinh phải đóng cửa và ông trở thành thất nghiệp. Năm 1939, ông đưa gia đình về vùng nông thôn sống với mấy người dì và chẳng bao lâu sau đã gặp phải cơn bĩ cực của cuộc đời. Khi mẹ sắp lâm chung, Lý Vân Kinh ngồi bên giường nói: “Con vừa mới mất việc và chưa biết phải làm gì để kiếm kế sinh nhai. Nếu gia đình đau ốm, con cũng không có tiền thuốc thang. Con là một kẻ tị nạn trong ngôi nhà của họ hàng. Cuộc đời thật buồn.”

Dù yêu quê hương, dù cậu con mười một tuổi Lý Gia Thành sắp vào trung học, Lý Vân Kinh vẫn xác định phải đưa gia đình tới nơi ở an toàn. Sau khi đưa cho cậu em tờ bạc một đô-la để trang trải phần nào hậu sự cho mẹ, Lý Vân Kinh quyết định chọn Hồng Kông làm nơi cư trú tốt nhất cho gia đình. Mùa đông năm 1940, thời gian diễn ra chiến dịch thảm sát tận gốc của quân Nhật, Lý Vân Kinh cùng gia đình lên thuyền tới Hồng Kông. Sau một quãng đường biển dài, họ phải vất vả đi bộ nốt hành trình tới thuộc địa của Anh với tư cách là những người di cư nghèo nhưng đầy hy vọng.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button