Review

Nhạn

Thể loại Văn học nước ngoài
Tác giả Mori Ogai
NXB NXB Hội Nhà Văn
Công ty phát hành Phương Nam
Số trang 180
Ngày xuất bản 11-2016
Giá bánXem giá bán

Giới thiệu sách

Nhạn, cuốn tiểu thuyết gồm 24 chương ngắn của Mori Ogai – gương mặt thủ lĩnh của văn đàn Nhật Bản thời Minh Trị. Tác phẩm xoay quanh câu chuyện tình của ba nhân vật chính là Suezo, Okada và Otama. Giọng văn thong dong, điềm đạm, tác phẩm như một bộ phim quay chậm, trong đó những toan tính, dằn vặt, mâu thuẫn gia đình, bản chất con người dần dần hiện lên rõ ràng minh bạch. Qua Nhạn, Mori Ogai đã mang đến cho chúng ta thêm một phối cảnh của vở kịch đời với sắc màu riêng biệt độc đáo Nhật Bản. Qua biến thiên dâu bể hàng trăm năm, tác phẩm vẫn ngời sáng lung linh một ngọn lửa tinh thần bất diệt.

[taq_review]

Trích dẫn

Sáng hôm sau, khi Otama đến thăm nhà cha mình ở xóm Bờ Ao thì vừa lúc cha mình mới ăn sáng xong. Tuy nàng nghĩ rằng mình chưa kịp trang điểm, vội vàng đến như vậy không biết là sớm quá chăng nhưng ông già đã dậy từ trước, quét dọn nhà cửa sạch sẽ, tưới nước cho cây, rửa ráy chân tay rồi bước lên chiếc chiếu mới, dùng bữa sáng trong cô độc.

Cách đó khoảng hai, ba căn, mấy căn nhà dành cho geisha cũng được xây dựng và cứ tối đến thì chắc sẽ ồn ào náo nhiệt đây nhưng hai căn nhà hai bên thì lại khép kín cửa giống nhà cha nàng nên nơi này vào buổi sáng vô cùng yên tĩnh.

Từ cánh cửa sổ thấp nhìn ra qua đám cây tùng, thấy tơ liễu run nhẹ trong làn gió buổi sáng trong lành, lá sen phủ kín bờ ao. Trong đám màu xanh ấy, có một đóa hoa vừa nở sáng nay điểm một màu hồng nhạt. Người ta nói căn nhà hướng bắc thì lạnh nhưng là nơi đáng sống nhất vào mùa hè.

Otama từ sau khi có chút hiểu biết thì hay suy nghĩ rằng nếu như mình được hạnh phúc thì sẽ làm điều này điều kia cho người cha thương yêu, nhưng hôm nay thấy tận mắt cha mình được sống trong căn nhà như thế này, như thể ước nguyện cả đời đã được thành tựu nên nàng vui mừng không sao tả xiết. Nhưng trong niềm vui đó vẫn có lẫn một giọt đắng cay. Nếu như không có điều đó thì cuộc gặp gỡ sáng nay giữa hai cha con sẽ vui biết bao nhiêu. Nàng vùng vằng giận dỗi mà cho rằng đúng là cuộc đời không thể như mình nghĩ được.

Người cha vừa mới gác đũa và nhấp một ngụm trà nóng thì nghe thấy tiếng cửa mở mà từ khi dọn đến giờ chưa có có ai đến thăm cả mới ngạc nhiên đặt chén trà xuống mà đưa mắt nhìn ra ngoài. Trong khi dáng người còn khuất sau tấm bình phong Yoshizu thì đã nghe thấy tiếng gọi “Cha ơi” của Otama khiến ông cứ ngồi yên dằn lòng tâm trạng muốn nhỏm ngay người dậy mà đón con mình. Rồi trong tâm tư thì vội vàng suy nghĩ xem phải nói gì với con bé đây. Đầu tiên ông định nói là “Vẫn còn nhớ đến cha cơ à?” nhưng khi nhìn thấy con bé vội vàng đi vào, ngồi bên mình với vẻ nhớ nhung thì lời nói đó không sao thốt ra khỏi miệng được nữa. Thấy bất mãn với chính mình, ông ngồi lặng yên nhìn vào mặt con gái.

Chà, thật là một đứa con gái xinh đẹp. Chuyển từ tâm trạng nhu nhược sang tự hào, sống trong cảnh nghèo hèn mà nó không làm gì thất lễ, lại còn nết na xinh đẹp nữa, trong khoảng mười ngày không gặp mà quả thật nó như thể được tái sinh. Cho dù cuộc sống bận rộn thế nào đi nữa, thì theo bản tính ta đâu để cho nó phải chân lấm tay bùn. Cứ nhìn so sánh với Otama hôm nay, hôm qua như đã mài giũa thân hình, thì với hình bóng trong ký ức ngày trước quả thật chỉ là viên ngọc chưa được mài giũa. Người cha nhìn con hay người già nhìn người trẻ đều thấy sao mà đẹp đẽ thanh tân. Và người cha, người già cả đều không thể không khuất phục dưới uy lực của cái đẹp xoa dịu hồn người đó.

Người cha cố tình im lặng, làm ra vẻ mặt khó chịu nhưng sự miễn cưỡng của ông đã làm bầu không khí dịu đi. Còn Otama cũng vừa được gửi thân vào cảnh ngộ mới, vô cùng nóng lòng gặp lại người cha từ nhỏ đến giờ chưa từng xa cách một ngày nào vậy mà đã mười ngày xa cách nên những chuyện nàng muốn nói bỗng chốc không thể thốt ra thành lời, nên cũng chỉ nhìn mặt người cha với vẻ vui mừng.

“Ngài đã dùng xong bữa chưa ạ?”, người hầu gái từ nhà bếp đi vào nói vọng lên từ phía sau. Vì không quen nên Otama không nghe được cô ta nói gì. Dưới cái đầu nhỏ với mái tóc được quấn bằng lược là một khuôn mặt mập mạp thật mất cân đối. Với lại khuôn mặt ấy cứ nhìn chằm chằm vào Otama ra chiều kinh ngạc lắm, chẳng biết khách khí là gì.
“Dọn dẹp nhanh rồi pha ấm trà mới. Lấy loại trà xanh trên kệ kia kìa.”
Người cha nói vậy rồi đẩy mâm cơm về phía trước. Người hầu dọn mâm cơm mang vào nhà bếp.
“Thôi, không cần phải dùng trà ngon làm gì đâu.”
“Nói bậy nào. Ta còn chuẩn bị cả bánh nữa đấy.”
Người cha đứng dậy, lấy từ ngăn tủ một cái hộp thiếc, rồi chất đầy bánh senbei trứng lên cái dĩa đựng bánh kẹo.
“Đây là bánh do tiệm Bảo Đơn phía sau nhà làm đấy. Vùng này thật là tiện lợi, dãy phố kế bên còn mua được món cá Như Yến nữa.”
“À, hồi con đi xem kịch với cha ở rạp Yanagihara, khi nói đến chuyện ăn uống gì đó Joen Như Yến có nói rằng món đó ngon như món cá ở tiệm của ông vậy làm mọi người cười nghiêng ngả. Thật là một ông già phúc hậu. Bước lên sân khấu là vừa đi vừa ngoáy mông rồi mới ngồi xuống. Con cứ buồn cười mãi. Giá cha mà mập mạp được như ông ta thì hay quá.”
“Mập mạp như Joen à?”, người cha nói rồi đặt đĩa bánh xuống trước mặt con gái.
Trong khi đó, trà đã được mang đến, cha con bắt đầu nói chuyện với nhau liên tu bất tận như thể mới hôm qua hôm kia còn ở cùng nhau. Người cha bất chợt hỏi một câu với vẻ như đây là chuyện khó nói lắm.
“Sao rồi? Chồng con vẫn thỉnh thoảng ghé qua chứ?”
“Vâng ạ”, Otama trả lời với vẻ hơi bối rối. Suezo đâu phải thỉnh thoảng mới đến. Mà là đến hàng đêm. Vì đây là chuyện về làm dâu nên nếu được hỏi là quan hệ hai người có tốt không thì có lẽ nàng sẽ trả lời trôi chảy là tốt lắm ạ, xin cha hãy yên tâm. Còn giờ nhìn vào thân phận mình như vậy nàng thấy ngại, khó có thể trả lời là phu quân đến hàng đêm. Suy nghĩ một lúc lâu sau nàng mới trả lời: “Vâng, hình như cũng hòa hợp ạ nên cha đừng lo gì nhé”.

“Nếu được vậy thì tốt”, người cha tuy nói vậy nhưng vẫn cảm thấy trong câu trả lời của con gái có cái gì đó chưa ổn. Cả người hỏi và người đáp đều vô tình dùng sự mơ hồ mà đối đáp với nhau. Hai cha con cho đến bây giờ chuyện gì cũng có thể nói rõ với nhau, chưa từng giấu giếm nhau một bí mật nào giờ lại phải chào hỏi khách sáo lễ nghĩa, như kiểu ai cũng có một bí mật gì đó. Trước đây tuy bị lừa gạt mà gả cho một thằng rể mất nết, khiến xấu hổ không dám chường mặt ra với bà con lối xóm nhưng cả hai cha con đều cho rằng lỗi là nơi chàng rể kia nên khi nói chuyện với nhau cũng chẳng giữ kẽ khách sáo gì. Bây giờ khác với lúc trước, hai cha con đều quyết tâm làm những chuyện cần làm, đều có một cuộc sống thoải mái rồi thì trong câu chuyện thân tình hai cha con lại phủ một cái bóng đen u ám, một hương vị buồn đau. Một lúc lâu sau người cha muốn nghe con gái mình trả lời cụ thể hơn nên đã hỏi từ một góc cạnh khác.

“Thế chồng con là người như thế nào?”
“À, thì…”, Otama nói vậy rồi nghiêng đầu, nói như độc thoại.“Hình như không phải là người xấu đâu. Tuy là chưa lâu nhưng con thấy anh ấy chưa nói lời nào thô lỗ cả.”
“Hừm”, người cha làm ra vẻ khó hiểu. “Chắc chắn không phải là người xấu chứ?”
Otama ngước mặt nhìn cha, đột nhiên cảm thấy bất an. Nàng nghĩ rằng nếu giờ mà nói những chuyện đó ra thì cũng được thôi nhưng điều đó sẽ gây ra một nỗi thống khổ mới cho người cha mà nàng muốn làm cho ông sống vui vẻ và an tâm. Nghĩ vậy cho nên nàng cam chịu sự ngăn cách lớn dần giữa mình với cha. Trong góc bí mật kín đáo, nàng cũng sẽ không mở nắp cái bí mật đang giữ mà nàng mang tới đây và sẽ mang về nguyên vẹn nên nàng quyết tâm lái câu chuyện sang hướng khác.
“Chà, con nghe nói anh ấy làm nhiều chuyện để kiếm tiền sinh nhai, cũng chẳng biết tính cách anh ấy thế nào nữa nên cũng có lo lắng. Đúng là vậy. Phải nói sao đây nhỉ. Nói chung người ra vẻ nam nhi lắm. Tự thâm tâm thì con thấy là người như thế nhưng vì cũng chưa hiểu lắm nên con căn cứ theo lời nói và hành động thì thấy có vẻ như anh ấy thường dụng tâm cho người khác thấy là thế. Mà cha à, thường dụng tâm như vậy là tốt chứ sao?”
Nàng nói vậy rồi ngước mắt lên nhìn cha. Đàn bà dù cho ngoan hiền đến đâu đi nữa nhưng khi phải che giấu điều gì trong tâm tư mà nói chuyện ngoài rìa thì cũng không có vẻ vất vả như đàn ông. Và trong trường hợp như thế này thì việc nói nhiều như vậy có lẽ chứng tỏ nàng là cô gái khá ngoan.
“À, có lẽ là thế. Nhưng mà con nói như thể là không tin tưởng chồng mình vậy.”
Otama mỉm cười. “Con dần dần trở nên ghê gớm đấy. Từ giờ trở đi con không để cho người ta khinh thường con được đâu. Thấy con mạnh mẽ chưa?”
Người cha cảm thấy như đứa con gái ngoan hiền chĩa mũi công kích về phía mình nên có vẻ bất an. Ông nhìn con gái.
“Ừ, cha sống qua cuộc đời này mà cứ bị người ta lừa gạt hết lần này đến lần khác. Nhưng mà bị người ta lừa thì nhẹ người hơn là đi lừa gạt người khác. Cho dù buôn bán kinh doanh gì cũng phải coi trọng người có ân nghĩa với ta và không làm những điều phi nghĩa với người con ạ.”
“Không sao đâu ạ. Cha lúc nào cũng bảo phải đàng hoàng chính trực. Con đàng hoàng lắm mà. Tuy nhiên gần đây con cứ nghĩ mãi. Con không muốn bị người ta lừa gạt đâu. Thay cho việc nói dối và lừa gạt người thì con sẽ cố để cho không bị người ta gạt mình nữa.”
“Vì thế mà con không tin tưởng những gì chồng con nói?”
“Đúng vậy ạ. Người ấy cứ nghĩ rằng con chỉ là một đứa trẻ con thôi. Vì anh ấy là người rất đỗi thông minh nên điều đó chắc không phải là vô lý, tuy vậy con cũng không phải là đứa trẻ như người ấy nghĩ đâu.”

Bạn đọc cảm nhận

MÊ MỘNG

Tôi đến với Nhạn bằng một tâm trạng trống trải như cái cách Nhạn bay đi và để lại bầu trời vẻ trong xanh nguyên vẹn của nó. Thật là một tiểu thuyết hay để bắt đầu một năm mới, nhẹ nhàng, thanh thản , không quá cầu kì. Nếu đặt Nhạn vào thời đại nó được viết ra thì bỗng nhiên ta gắn cho câu chuyện sự xa lạ của một cố nhân, một kẻ ngoại quốc. Tuy nhiên, với một độc giả tìm đến cuốn truyện một cách hồn nhiên như tôi thì cuốn sách dường như chẳng để lại gì, tôi chỉ biết rằng mình đã không lãng phí một khoảng thời gian đẹp đẽ.

Câu chuyện kể về mối tình của Okada và Otama, một mối quan hệ dưới góc nhìn của nhân vật tôi – cũng có thể cho rằng là tác giả của quyển truyện – trong tương quan những gì chứng kiến và được nghe kể từ hai nhân vật chính một cách riêng rẽ và sau một khoảng lùi thời gian của sự kiện. Nói đây là một mối tình thì có lẽ chưa đúng vì sự gắn kết giữa hai nhân vật chính ở đây mờ nhạt như không, cả nhân vật tôi cũng nhường chỗ lại cho chính câu chuyện mà mình kể. Đến cả Suezo, một nhân vật phụ, người mà Otama phải làm thiếp vì muốn báo hiếu cha, có lẽ xuất hiện trong truyện còn nhiều hơn cả Okada và người kể. Ba người, một mối tình, một duyên nợ mà chưa được trả. Con dốc Vô duyên, nơi mà Otama ở khi làm thiếp của Suezo, nơi mà nàng có cơ hội được ngắm nhìn Okada từ chiếc cửa sổ, nơi mà nút thắt đã buộc chặt lại trong cái tình huống hai người tưởng chừng như đã đến được với nhau cũng chính là cái kết của câu chuyện này. Tôi bâng khuâng không hiểu tại sao tiểu thuyết lại được đặt tên là Nhạn, cũng không hiểu câu chuyện đã đi tới đâu, đôi mắt tôi như trượt trên con dốc từ ngữ vô tình. Nhưng lỗi đâu tại con dốc, lỗi có lẽ tại chú ngỗng kia, chú ngỗng đã được tác giả Mori thi vị hóa thành cánh nhạn, mà hai người không có cuộc trò chuyện đầu tiên.

Nói truyện kết thúc lửng cũng chẳng phải, nói truyện kết thúc mở cũng không xong. Có lẽ những gì nằm ngoài phạm vi câu chuyện mà Mori Ogai đề cập đến lại làm ta tò mò hơn cả. Nhưng đúng thế, câu chuyện đã ngưng đọng như thế, đứng tại vị trí mà dịch giả đề nơi và ngày tháng mà mình đã hoàn thành quá trình chuyển ngữ. Cũng chính là tròn một trăm năm sau khi tác phẩm được hoàn thành. Sự trống vắng vẫn còn đó, mối tình chưa kịp chớm nở đã dừng lại, câu chuyện đặt hồi kết của nó trong cái sự bức bách của nhu cầu được diễn giải. Giá như chưa có chú ngỗng kia, một chú ngỗng xui xẻo không kém Otama thì chuyện tình này có lẽ sẽ ra dáng dấp của một chuyện tình hơn, sẽ kéo dài hơn được mấy trang nữa khi hai nhân vật chính có cuộc trò chuyện thực sự, và như thế câu chuyện sẽ trở nên bi đát hơn cả, có chút phần lâm li.

rồi thì “sự hối tiếc” đã bị hàm răng của “thời gian” hôm qua hôm nay bào mòn góc cạnh rồi được rửa đi bằng nước “cam chịu” nên đã phai màu giờ lại hiện lên trong tâm tư nàng đầy đủ góc cạnh và màu sắc tươi mới.

Giọng kể Mori Ogai cứ trôi vô tình như dòng thời gian mà chỉ có lặng im và lắng đọng mới hiểu thấu. Khoảng cách thời gian và không gian là một lỗ hổng lớn cần được bù đắp khi đọc Nhạn, nhưng câu chuyện không chút nặng nề này thực sự xóa tan đi điều ấy. Những nhân vật cứ xoay nhẹ nhàng quanh cốt truyện vốn chỉ là một ánh sáng nhỏ nhoi từ ngọn nến bên trong chiếc lồng đèn kéo quân mà dịch giả Hoàng Long đã so sánh, nhẹ nhàng hiện lên bức màn vô tình của cuộc sống lặng lẽ mà mỗi người giữ lại cho mình một chút, một chút, một chút một.

Đến đây tôi cũng muốn tự mình diễn giải những điều mình vừa nói, như cách đóng vai tác giả của tác phẩm mà mình vừa đọc. Tôi không muốn cho rằng Nhạn là một truyện ngôn tình hay mang một chút gì dáng dấp như thế. Có lẽ tác giả muốn gửi gắm nhiều hơn nữa nhưng cái phong cách của thời đại và của văn sĩ Nhật Bản nói chung (như ta được chứng kiến từ Kawabata Yasunari là một điển hình) tự phủ lên cho tác phẩm một vẻ hư vô phù phiếm, mà có lẽ nếu tôi nói ra ở đây nhiều hơn nữa sẽ làm mất đi cái tao nhã của cả độc giả lẫn người viết.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button