Triết học

Nhân quả

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Nguyễn Chu Phác

Download sách Nhân quả  ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục :  SÁCH TRIẾT HỌC

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời tác giả

Những năm 1990 – 2000 thế kỷ XX, mỗi lần thầy Huyền Diệu ở Ấn Độ, Nepan về Việt Nam lại gặp tôi đàm đạo về chuyện huyền bí và chuyện nhân quả – quả báo nhỡn tiền – trong nhân gian còn gọi là báo oán. Thầy Huyền Diệu nghe tôi kể những chuyện mà tôi đã gặp và nghiên cứu. Thầy luôn khuyến khích tôi viết ra in thành sách. Thầy đã cho một đệ tử đến nhà riêng của tôi, yêu cầu tôi kể để viết giúp. Tôi đã cảm ơn và từ chối, để tôi tự viết. Thầy còn gửi cho tôi cuốn: “Nhân quả báo ứng – những điều mắt thấy tai nghe” gần 500 trang do cư sĩ Tịnh Tùng biên soạn, Mạt nhân Đạo Quang dịch – Nhà xuất bản phương Đông, TP Hồ Chí Minh ấn hành năm 2010.

Để viết cuốn sách này, tôi đã suy nghĩ về quá khứ, lục tìm trong ký ức để chọn lọc. Từ nhiều năm của thế kỷ trước, chúng tôi cùng những người có khả năng ngoại cảm đi tìm mộ liệt sỹ. Chúng tôi bắt đầu được nghe các vong nói chuyện về mình, về đồng đội và về gia đình, đơn vị. Trong đó có nhiều chuyện về nhân quả, quả báo, báo oán. Đến năm 1996, Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng Con người ra đời, chúng tôi được giám đốc Trung tâm và Hội đồng khoa học giao cho các đề tài khoa học nghiên cứu về gọi hồn, áp vong, các biểu hiện của vong và đặc biệt là các đề tài tìm mộ riêng lẻ và đề tài tìm mộ tập thể. Anh chị em gọi là đề tài “Người sống tìm người chết”. Đề tài xác định danh tính của liệt sỹ dưới mộ vô danh, anh chị em gọi là đề tài “Người chết tìm người sống” vì muốn xác định được phải theo hai tiêu chí: một là tìm được người thân và đúng quê hương mà liệt sỹ “nói”, hai là tìm được đơn vị có tên liệt sỹ chiến đấu và hy sinh tại đó. Chính vì đề tài này rất khó nên tiến hành chỉ đạt 6% – 14%. Đề tài “Tìm người thất lạc, người bỏ nhà đi hoặc tìm kẻ giết người cướp của” anh chị em gọi là đề tài “Người sống đi tìm người sống”. Đề tài này chủ yếu do hai nhà ngoại cảm Nguyễn Đức Phụng và Nguyễn Khắc Bảy tham gia. Đến nay, anh chị em ngoại cảm đã tìm được gần 200 nghìn ngôi mộ.

Đặc biệt, đề tài “Khảo sát các trạng thái biểu hiện của vong” và đề tài “Giả thiết, lý giải các biểu hiện của vong dưới góc độ khoa học” mã số TK10 và mã số TK12 TM/TL (2010) đã được Hội đồng khoa học đánh giá cao. Trong đó có đề tài nhánh “Bệnh âm và lý giải”. Như vậy, hai mươi năm nghiên cứu đối tượng khoa học, thực chất là tìm hiểu về vong, được biểu hiện qua các nhà ngoại cảm. Đến nay là thế hệ ngoại cảm thứ tư và thứ năm xuất hiện. Vì các anh chị em ở thế hệ trước, một số người đã hết khả năng hoặc khả năng đã giảm nhiều hoặc một số không còn trong sáng vô tư nữa. Cũng từ việc nghiên cứu trên, chúng tôi nhận thấy nếu không có sự giúp đỡ của vong linh thì không thể tìm được mộ và sự thành công của nhiều việc về văn hóa phương Đông khác.

Để nghiên cứu, chúng tôi tiếp cận theo phương pháp “Lý thuyết tiếp cận hệ thống” (System Approach), để tìm hiểu hiện tượng nổi (emergence) của toàn bộ hệ thống. Vì rất nhiều trạng thái biểu hiện của vong nên chọn hiện tượng nào? Qua nghiên cứu lý thuyết tiếp cận hệ thống và lý thuyết chỉnh thể của y học phương Đông, chúng tôi thấy không có gì là mâu thuẫn, cũng qua nghiên cứu, chúng tôi “chộp” được một biểu hiện của vong thấy rất thú vị và rất quan trọng đối với cuộc sống con người hiện nay: đó là luật nhân quả mà trong nhóm cán bộ nghiên cứu của đề tài gọi là báo oán hoặc quả báo và giải nghiệp. Để nghiên cứu về nhân quả và giải nghiệp, chúng tôi dựa theo lý thuyết và quan điểm trong cặp phạm trù “tất nhiên và ngẫu nhiên” và cặp phạm trù “nhân quả” thì phương pháp tiếp cận dựa vào cặp phạm trù “nhân quả” là phù hợp. Vì đạo Phật cũng nói tới nhân quả… trong điều kiện nào đó “nhân” sẽ thành “quả”. Đầu vào, đầu ra qua hộp đen của lý thuyết tiếp cận hệ thống, muốn tìm được “nhân” đối chiếu với “quả” thì phải soi chéo rồi khớp lại mới tiến hành giải nghiệp hay trả nghiệp – giải nghiệp chướng. Có giải được nghiệp chướng thì mới giải thoát khỏi báo oán. Ví dụ đem súng, gươm, đao, kiếm, bom, đạn đi giết chết hàng nghìn, hàng vạn người dân vô tội ở các nước với những lời giả dối, mĩ miều thì làm sao giải được nghiệp chướng hoặc cậy vào sức mạnh đồng tiền và thế lực đã phá đền chùa, am thờ, miếu mạo, mồ mả, phá hủy hài cốt của người khác.

Tưởng rằng có quyền lực ở dương thế thì muốn làm gì cũng được. Đây thực sự là ảo tưởng và huyễn tưởng, thậm chí vì ham đất đai, quyền lực, tiền của mà bất hiếu, bất trung với cha mẹ, gia tiên; anh chị em hại nhau, bạn hữu hại nhau, họ hàng giết nhau, cùng một dân tộc, một đất nước cũng giết hại lẫn nhau. Ôi! Thật là thê thảm! Chiến tranh! Hận thù cá nhân! Lòng tham vô đáy của con người… Hận thù chồng chất hận thù! Chiến tranh chồng chất chiến tranh!

Sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, để chuẩn bị cho Đại hội lần thứ IV của Đảng Cộng Sản Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ thị cho tôi sưu tầm những quan điểm của chủ nghĩa Mác nói về con người và gợi ý chuẩn bị thành lập Viện Nhân học. Thật may mắn, tôi còn lưu giữ được nhiều tư liệu quý về “báo oán” của thiên nhiên. Sau đây, tôi xin trích một số lời của C.Mác, nói về sự trả thù của thiên nhiên: “Con người sống dựa vào tự nhiên. Như thế nghĩa là tự nhiên là thân thể con người. Để khỏi chết, con người phải ở trong quá trình giao dịch thường xuyên với thân thể đó. Sinh hoạt vật chất và tinh thần của con người liên hệ khăng khít và tự nhiên. Vì con người là một bộ phận của tự nhiên. Đặc biệt, những đoạn viết sau đây của Anghen trong tác phẩm “Biện chứng của tự nhiên” (1875-1876), chúng tôi suy ngẫm liên hệ với tình hình nước ta và khu vực hiện nay thì rất đúng: “Loài vật sống phần nhiều dựa vào tự nhiên… con người nhận thức được quy luật của tự nhiên và có thể sử dụng được những quy luật đó phục vụ những mục đích của mình, nhằm thống trị tự nhiên”. Đồng thời, Anghen cũng nhắc nhở: “Nhưng con người cũng không nên quá tự hào thắng lợi về khoa học mà con người chinh phục được tự nhiên… Vì sau đó, tự nhiên sẽ trả thù, lần thứ hai mạnh hơn lần trước, lần thứ ba dữ dội hơn lần hai…”. Anghen đã đưa ra dẫn chứng về thảm họa ở một số nước, ông còn phân tích sự khác nhau của châu Âu và châu Á. C.Mác còn nói: “Một tự nhiên hào phóng thì nó dắt tay người ta đi như dắt tay trẻ con tập đi. Nó ngăn cản con người tàn phá tự nhiên phát triển, bằng cách không cho sự phát triển của con người trở thành một tất yếu”. (Nghĩa là bất chấp quy luật của tự nhiên, tàn phá tự nhiên).

ĐỌC THỬ

Jawaharlai Nerhu (1889-1964) Và Einstein (1879-1955)

Năm 1949, Nerhu nhân chuyến viếng thăm Mỹ có đến thăm Albert Einstein tại Princeton – Nerhu bày tỏ:

“Nền văn hoá toàn cầu ngày nay tạo ra nhiều của cải
vật chất, nhưng lại vô trách nhiệm đối với việc chăm sóc đạo đức con người”.

Einstein đáp:

“Vâng, nền văn hoá chăm lo đạo đức chính là nền văn hoá phương Đông cổ truyền của các ông”.

Nhà khoa học Carl Sagan hỏi Đức Đạt Lai Lạt Ma:

– “Ngài nghĩ sao nếu thuyết Nhân quả bị khoa học phương Tây chứng minh là sai?”

Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời:

“Nếu khoa học phương Tây chứng minh được rằng thuyết Nhân quả – tái sinh là không đúng; Phật giáo Tây Tạng sẽ huỷ bỏ ngay thuyết Nhân quả. Tuy nhiên sẽ là rất khó khăn để mà quý vị bác được thuyết Nhân quả”.

Tồn tâm bất thiện

Phong thuỷ vô ích

Bất hiếu phụ mẫu

Phụng thần vô ích

Huynh đệ bất hoà

Giao hữu vô ích

Thời vận bất thông

Cúng cầu vô ích

“Tu dưỡng quyết”
– khổng tử –

  1. “Kinh nhân quả” và “Kinh nhân quả ba đời”(Trích)

“…

Những người chửi mắng mẹ cha

Chết xuống âm phủ phải sa vạc dầu

Những người bầu bạn lừa nhau

Báo oán gặp phải cụt đầu, mất chân

Những người ăn của bần dân

Chết xuống âm phủ người âm vẫn đòi

Những người ăn chơi dạc dài

Kiếp này, kiếp nữa là loài súc sinh

Những người đanh đá điêu toa

Nước đồng đổ miệng, máu ra đầy mồm

Những người chửi rủa sa môn

Thánh thần phỉ báng – méo mồm gẫy răng

Phật truyền nhân quả chư kinh

Đọc để suy ngẫm sửa mình, tu thân…”

  1. Biết ơn anh Tào Mạt

Cây có gốc mới nở cành xanh lá

Nước có nguồn mới biển cả sông sâu

Người ta nguồn gốc từ đâu

Có tổ tiên trước rồi sau có mình.

Năm 1990, tôi và anh Tào Mạt cùng về ở phố Lý Nam Đế. Anh ở số lẻ, tôi ở số chẵn, đối diện nhau, chỉ cách một con đường. Vì thế, hàng ngày, chúng tôi thường qua lại hàn huyên. Tôi thấy anh không những hiểu sâu sắc về lịch sử nước nhà mà còn rất uyên thâm về Hán học.

Một hôm, tôi nhờ anh giúp đỡ. Tôi bảo: “Bố tôi có di chúc riêng với tôi là: Bố đã dịch xong gia phả của gia tiên để lại, riêng lời gia huấn văn chương súc tích lắm, con xem ai đó dịch thoát được thì con nhờ”. Tôi khẩn khoản nhờ anh Tào Mạt. Anh vui vẻ nhận lời ngay, yêu cầu đưa bản gốc chữ Hán (viết mực tàu trên giấy dó). Tôi đưa cho anh. Đọc qua, anh bảo: “Đọc gia phả nhà anh, tôi cũng học thêm được nhiều. Nhưng muốn dịch lời gia huấn của họ Nguyễn thì phải đọc kỹ toàn bộ gia phả, dịch mới thoát”. Sau đây là bản dịch của anh Tào Mạt. Cả họ tôi biết ơn anh!

Lời gia huấn của họ nguyễn chu
(Do nghệ sĩ nhân dân Tào Mạt dịch)

Tích đức như quả khô

Nghìn năm lại nở thiên thu vẹn toàn

Chữ nhẫn là chữ tráng vàng

Hễ ai nhẫn được thời càng bền lâu.

Vẫn nghe:

Một trung thành diệt muôn quỷ quyệt.

Một kính cẩn hơn vạn gian ngoa.

Lại nghe:

Hiếu là gốc cho mọi điều thiện, cho nên lập được chữ hiếu thì mọi đức tốt có theo, điều thiện phải luôn luôn giữ, giữ được điều thiện có thể làm Thầy.

Phàm trong nhà phải có lễ bái các Thổ địa, Thần kỳ, các vị Phật thánh linh thiêng, các Tôn thần trong nhà, cùng với Tổ tiên, cần phải hết lòng kính cẩn, luôn luôn giữ tâm tính và thân thể cho trong sạch, cầu lấy bình an phúc ấm. Cho nên có câu rằng: Thần hưởng lòng thành có lòng thành mới cảm được Thần. Thần cảm mình thì được, không lấy lễ lạt mà xin được. Thần không vì lễ hậu mà giáng phúc, không vì lễ bạc mà ra tai. Tất cả chỉ dựa vào phúc đức mà thôi.

Người xưa dạy rằng: Chay ba ngày, giới bảy ngày gọi là “chay tam giới thất”.

Thứ nhất: Lập thân

Ý thực, lòng ngay, làm nhân, tích đức.

Ở hiếu, giữ trung không hoang, không dâm, không tham, không lam, không lười, không chơi mà siêng năng công việc.

Đọc sách, cày ruộng là hai việc lập nghiệp. Thức khuya dậy sớm lấy đức chăm chỉ mà xây dựng cơ nghiệp.

Không để rỗi chân tay.

Không để lòng dục buông tuồng.

Giữ cần kiệm để mở rộng sự nghiệp.

Không kiêu, không ghen, không hèn, không nịnh để giữ phẩm giá của mình.

Trọng cái mà mình có, chính là quý bản thân.

Sách luận ngữ dạy: “Học giả, học để làm người”.

Liêm khiết có thể làm vẻ vang cho tổ tiên, để sung sướng cho con cháu.

Thứ hai: Xử thế

Thờ nước phải trung.

Thờ bố mẹ phải hiếu thảo.

Đối với bậc anh chị phải lễ phép săn sóc.

Đối với người dưới mình phải quý trọng nhân cách của họ.

Luôn luôn giữ lời giữ nết cẩn thận trong việc làm.

Nói năng khiêm nhường.

Không nịnh kẻ giàu sang.

Không khinh người nghèo khó.

  1. Báo oán

Tích xưa

Thưở xưa, vào đời nhà Đường, có một vị quốc sư hiệu là Ngô Đạt, tên là Tri Huyền. Lúc chưa hiển đạt, ngài thường gặp gỡ một nhà sư ở đất Kinh Sư trong một ngôi chùa nọ. Nhà sư ấy mắc bệnh hủi, ai cũng gớm, chỉ có ngài Tri Huyền là thường gần gũi hỏi han giúp đỡ, không hề khinh rẻ. Nhân lúc chia tay, nhà sư vì cảm kích trước tấm lòng của ngài Tri Huyền mới dặn rằng: Sau này ông có nạn chi, nên qua núi Cửu Lũng tìm tôi, và nhớ trên núi ấy có hai cây tùng làm dấu chỗ tôi trú ngụ.

Sau đó ngài Ngô Đạt quốc sư đến ở chùa An Quốc thì đạo đức của ngài càng vang khắp. Vua thân hành đến pháp tịch nghe ngài giảng đạo. Nhân đó vua mới ân từ cho ngài cái pháp tọa bằng gỗ trầm hương. Nhưng, cũng từ đó trên đầu gối của ngài bỗng nhiên mọc một mụn ghẻ tựa như mặt người, đau nhức khôn xiết. Ngài cho mời tất cả các bậc danh y, nhưng không ai chữa được. Nhân ngài nhớ lời dặn trước bèn đi vào núi mà tìm.

Trên đường đi, trời đã tối, trong khoảng âm u mây bay khói tỏa mịt mù, ngài nhìn xem bốn phía, bỗng thấy hai cây tùng, ngài mới tin rằng lời ước hẹn xưa không sai. Ngài liền đến ngay chỗ đó, quả nhiên thấy lầu vàng điện ngọc lộng lẫy nguy nga, ánh quang minh chói rọi khắp nơi. Trước cửa, nhà sư đang đứng chờ đón ngài một cách thân mật.

Nhân tiện ở lại đêm, ngài Ngô Đạt mới tỏ hết sự đau khổ của mình. Nhà sư ấy nói: Không hề gì đâu, dưới núi này có một cái suối, sáng mai rửa, mụn ghẻ ấy
khỏi ngay.

Mờ sáng hôm sau, một chú tiểu đồng dẫn ngài ra ngoài suối, ngài vừa bụm nước lên rửa thì mụn ghẻ kêu lên:

– Đừng rửa vội. Ông học nhiều biết rộng, đã khảo cứu các sách cổ kim, mà đã từng đọc đến truyện Viên Áng, Tiều Thố chép trong bộ Tây Hán chưa?

– Tôi có đọc.

– Ông đã đọc rồi lẽ nào lại không biết truyện Viên Áng giết Tiều Thố vậy. Thố bị chém ở chợ phía đông oan ức biết dường nào. Ông chính là Viên Áng đó. Đời đời tôi tìm cách báo thù ông, xong đã mười kiếp ông làm bậc cao tăng, giới luật tinh nghiêm, nên tôi chưa có cơ hội báo oán được.

Nay vì ông được nhà vua quá yêu chuộng nên khởi tâm danh lợi làm tổn giới đức, tôi mới báo thù được ông. Nay nhờ ngài Ca Nặc Ca tôn giả lấy nước pháp Tam muội rửa oán cho tôi rồi, từ đây trở đi tôi không còn báo oán ông nữa.

Ngài Ngô Đạt nghe qua hoảng sợ liền vội vàng múc nước gột rửa mụn ghẻ, làm nhức nhối tận xương tủy, chết giấc hồi lâu mới tỉnh. Khi tỉnh lại thì không thấy mụn ghẻ ấy nữa. Ngài muốn trở lên lạy tạ vị sư, nhưng ngoảnh lại thì ngôi bảo điện kia đã biến mất tự bao giờ. Vì thế, ngài bèn lập một cái thảo am ngay chỗ ấy và sau trở thành một ngôi chùa. Khi đó, ngài Ngô Đạt nghĩ đến nỗi oan trái đã bao đời nếu không gặp thánh nhân thì đâu có khỏi được. Vì cảm niệm cái ơn tế độ lạ lùng ấy, ngài mới thuật ra pháp sám này để sớm hôm lễ tụng, sau truyền bá khắp thiên hạ.

Nghĩa chính của bài văn này là lấy nước Tam muội rửa sạch nghiệp oan khiên nên mới đặt tên là Thủy Sám.

(Trích Kinh Thủy Sám)

Chuyện nay

Ở một làng quê ngoại thành Hà Nội, trong một gia đình nông dân nọ, có bảy người con trai. Gia đình họ làm ăn chất phác, chăm chỉ nên tạo dựng được một cơ ngơi, nhà cửa, vườn ao rộng rãi.

Nhưng có một chuyện lạ, là những người con trong gia đình này, cứ đến năm mười bảy tuổi là bị tai nạn chết, người thì bị chết đuối, người thì bị ngã do trèo cây, người thì bị xe đâm khiến gia đình rất sợ hãi, đã đi cúng lễ ở nhiều nơi, đã mời nhiều thầy về cúng lễ tại nhà. Nhưng cứ đến hạn định, người con nào đến mười bảy tuổi là bị đột tử mà chết thảm thương. Có sáu người con của họ bị chết như vậy.

Và chỉ còn một người con trai duy nhất năm đó đã bước vào tuổi mười bảy. Gia đình người nông dân đó như nằm trên đống lửa.

Năm đó, vào vụ gặt mùa, cụ Trưởng Cần sang làng thăm một số bà con bệnh nhân mà trước đó họ đã tha thiết mời cụ. Khi cụ vừa đến cánh đồng làng thì nhiều người đang làm đồng trông thấy, vội chạy ra chào đón tíu tít. Cụ dừng chân, hỏi chuyện bà con. Mọi người vui mừng kể rằng năm nay được mùa, lúa tốt, nhà nào thóc cũng đầy sân. Đang lúc vui chuyện, thì vợ chồng nhà nọ, không biết có ai mách bảo, chạy đến quỳ thụp ngay dưới chân cụ, kêu xin cụ cứu giúp. Họ vừa khóc, vừa kể lể sự tình và kêu xin:

– Bây giờ gia đình chúng con chỉ còn đứa con trai duy nhất, trăm lạy cụ cứu cho.

Cụ trầm ngâm đôi chút, rồi bảo:

– Thôi, hãy đứng dậy đã. Được, tôi sẽ giúp.

Mọi người có mặt lúc đó ai cũng mừng cho họ, vì thấy cụ đã nhận lời. Nhưng, người ta còn chờ xem số phận của người con trai họ. Một năm trôi qua, rồi hai năm… gia đình họ vẫn bình yên. Và đến khi chàng trai tròn hai mươi tuổi thì gia đình cưới vợ cho con, họ sang báo tin mừng và mời cụ. Cụ bảo:

– Tôi mừng cho ông bà, nhưng muốn giữ gìn được gia đình hạnh phúc thì phải luôn ăn ở có đạo đức, làm nhiều điều tốt đẹp.

Sau này, cụ cho biết: Kiếp trước nhà kia đã làm chết bảy người của một gia đình trong một hố vôi, họ đã bị chết rất thảm thương và đến đời này họ đòi lại món nợ.

Oán thù nếu không được giải, thì nó sẽ chất chồng mãi, đời này sang đời khác.

  1. Lạ lùng người con gái 30 năm canh giữ bên mộ cha

Trong đạo hiếu ngày xưa có quy định về việc con canh mộ cha. Khi người bố qua đời thì người con trai trưởng phải dựng lều bên mộ bố, túc trực canh giữ suốt ba năm. Ba năm đi chân đất, mặc áo vải sô, ăn uống đạm bạc, ba năm không uống rượu, ba năm không gần nữ sắc. Trong ba năm đó, kể cả có chiếu chỉ của nhà vua cũng không phải chấp hành. Như vậy, quy định này trong đạo hiếu đã trở thành quốc pháp. Nhưng đó là chuyện thời xa xưa và cũng chỉ là việc dành riêng cho đàn ông. Còn trong thời đại ngày nay mà có một người con gái 30 năm ròng canh bên mộ cha là chuyện lạ lùng nhất ở nước ta, từ cổ chí kim chưa thấy.

Người con gái này là bà Nguyễn Thị Sinh, sinh năm 1947, trú quán làng Thanh Mai, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Gọi làng Thanh Mai là trú quán của bà Sinh vì nguyên quán của bà không ở đây mà ở làng Đại Yên, phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội. Cuối năm 1946, giặc Pháp tấn công Hà Nội, Bác Hồ kêu gọi toàn quốc kháng chiến chống Pháp. Thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến, người Hà Nội sơ tán về các làng quê. Một ngày đầu tháng 4/1947, trong khi chạy giặc, bà Lê Thị Tuyết – vợ ông Nguyễn Đức Cần đẻ rơi đứa con gái thứ hai trên bãi ngô cánh đồng làng Thanh Mai, Thanh Oai, Hà Đông cũ. Bà Tuyết ôm đứa con gái còn đỏ hỏn vào ở nhờ dưới mái hiên ngôi đình thôn My Hạ. Do chạy giặc vất vả và ăn uống thiếu thốn nên bà Tuyết bị mất sữa. Không có sữa bú, bé gái sơ sinh khóc suốt đêm, khiến nhiều người thôn My Hạ khó ngủ. Người khó ngủ nhất là vợ ông Bùi Văn Hồ, nhà ở sát đình thôn. Bà Hồ cũng vừa sinh một đứa con gái nhưng chỉ bốn ngày sau thì cháu đã bỏ cha mẹ mà đi. Ôm hai bầu vú căng đầy sữa, bà Hồ vừa thương đứa con đã mất lại vừa thương đứa bé khát sữa đang khóc ngằn ngặt ngoài đình. Bà Hồ nhổm dậy, cầm ngọn đèn dầu đi ra đình thôn cho đứa bé khát sữa bú nhờ. Đứa bé bập vào bầu sữa của bà Hồ, mút lấy mút để rồi sau đó ngủ rất ngoan. Bà Hồ đã ba lần sinh nở và cả ba lần con đầu chết yểu. Có người nói rằng, bà nhà phải xin con nuôi rồi sau đó mới nuôi được con đẻ. Bà Hồ về nhà bàn với chồng ra đình thôn thưa chuyện với bà Tuyết xin nhận bé gái sơ sinh làm con nuôi. Đứa bé gái sơ sinh ấy chính là bà Nguyễn Thị Sinh ngày nay.

Ngôi mộ mà bà Sinh làm nhà trông coi suốt 30 năm qua là linh phần của cụ Nguyễn Đức Cần, còn gọi là cụ Trưởng Cần – thân phụ của bà Sinh. Cụ Trưởng Cần là một nhân vật rất đặc biệt, một con người có thật mà đời sống như huyền thoại. Cụ Nguyễn Đức Cần sinh vào đêm 30 Tết Kỷ Dậu, niên hiệu Duy Tân thứ ba (1909), là con trai của cụ Phó tổng Nguyễn Đức Nhuận và bà Hoàng Thị Khế.

Khi Nguyễn Đức Cần học năm cuối trường Anbe Xarô (mang tên toàn quyền Pháp), thì cụ Nhuận mắc một chứng bệnh rất lạ. Các quan đốc tờ người Pháp không biết đó là bệnh gì, chỉ thấy trong bụng ông Nhuận có một cái u nổi to như quả trứng gà và chạy lung tung trong khoang bụng, gây đau đớn khủng khiếp. Không bó tay ngồi chờ chồng chết, bà Hoàng Thị Khế chạy khắp nơi tìm thầy thuốc giỏi về cứu chồng. Một ngày nọ, bà Khế đã mời được một cụ già râu tóc trắng như mây, mặt mũi quắc thước, mắt sáng như sao về nhà để chữa bệnh cho chồng.

Bà Khế không hề thấy ông thầy này cho ông Nhuận uống loại thuốc gì cả, chỉ thấy thầy đặt bàn tay phải lên bụng ông Nhuận thế mà khối u của ông Nhuận teo dần rồi sau ba hôm thì mất hẳn. Bà Khế mang nhiều tiền bạc tạ ơn thầy nhưng người thầy thuốc này kiên quyết từ chối, nói rằng chỉ đi chữa bệnh cứu người làm phúc chứ không vụ lợi. Cảm phục tài đức của người thầy này, bà Hoàng Thị Khế xin cho cậu con trai là Nguyễn Đức Cần theo hầu thầy, học hỏi mong có ngày trưởng thành giúp ích cho đời. Sau khi ngắm kỹ cậu thiếu niên Nguyễn Đức Cần, người thầy tài ba này đã gật đầu, nhận cậu Cần làm học trò. Người thầy kỳ tài này đưa Nguyễn Đức Cần ra đi mà không để lại danh tính và địa chỉ.

Thầy đưa Nguyễn Đức Cần băng rừng lên đỉnh núi Tản Viên và nói rằng: “Con phải nhớ rằng, nơi đây là linh khí của nước Việt”. Ở đây, thầy dạy Nguyễn Đức Cần luyện phép thần nhãn. Mỗi sáng đứng lên đỉnh núi Tản vào lúc mặt trời mọc và lúc chính Ngọ thì luyện mắt bằng thứ ánh nắng chói chang nhất. Thầy cho Nguyễn Đức Cần luyện phép thần nhãn, trong nhiều ngày, cho tới khi mắt nhìn thấy thanh khí trong trời đất mới thôi. Từ Tản Viên, thầy đưa Nguyễn Đức Cần đến vùng Thác Bờ, Hoà Bình và ở đây Nguyễn Đức Cần được thầy truyền cho phép hấp thụ tuệ quang tức là nhận năng lượng từ các vì tinh tú trên trời cao. Rồi từ Thác Bờ, thầy đưa Nguyễn Đức Cần lên Sơn La, sau đó sang vùng thượng Lào. Ở đây có một ngôi đền thiêng thờ Đức Lê Sơn Thánh Mẫu và Nguyễn Đức Cần đã tu trong ngôi đền đó một thời gian dài cho tới khi thầy nói: “Đã đến lúc con phải về nhà. Mẹ con đang mong nhớ từng ngày. Nay con đã đủ sức tự lập, nhưng lúc nào khó khăn, ta vẫn ở bên con”.

Khả năng chữa bệnh bằng nhân điện của cụ Nguyễn Đức Cần được hình thành như vậy. Đây không phải là một thứ lộc trời ban cho mà là kết quả của một quá trình tu luyện gian khổ với sự giảng dạy và chân truyền của một người thầy cao siêu. Chữa bệnh bằng nhân điện là dùng năng lượng bản thân truyền cho người khác để chiến thắng bệnh tật. Nếu không hấp thụ được, nguồn năng lượng lớn của trời đất thì không thể chữa bệnh bằng nhân điện. Cách chữa bệnh của cụ Trưởng Cần là không dùng một loại thuốc nào. Có khi cụ đặt bàn tay vào chỗ đau của người bệnh, có khi cụ cho một tờ giấy, viết vài chữ, gọi là đạo để bệnh nhân bỏ trong người.

Ông Nguyễn Văn Nhân, ở xóm Hồng, xã Khương Đình, Hà Nội kể: “Năm 1951, nhà tôi sinh cháu gái đầu lòng bị chết, sau đó bị điên. Bà dì tôi tu ở chùa Hàng Cót nói rằng, ở làng Đại Yên có cụ Trưởng Cần chữa bệnh không dùng thuốc mà bệnh gì cũng khỏi. Rồi dì đưa vợ chồng chúng tôi đến nhà cụ, thấy người đến xin chữa bệnh đông lắm. Cụ cho nhà tôi một mảnh giấy để làm tin, và để trong người cho thần kinh ổn định. Khi tôi về đến nhà thì vợ tôi không nói năng lảm nhảm nữa nhưng vẫn ngớ ngẩn. Tôi lại đưa vợ lên xin cụ cứu giúp. Bốn tháng sau thì nhà tôi tự lên được Đại Yên để chữa bệnh và một năm sau thì khỏi hẳn”.

Sau đây lời kể của bác sĩ Hoàng Thị Phúc ở số nhà 25K phố Phan Đình Phùng, Hà Nội: “Cứ 3-4 hôm, tôi lại bị một cơn đau tim thắt ngực rất ghê sợ, điều trị mãi ở các bệnh viện mà không khỏi. Nghe mọi người mách, tôi gặp cụ Nguyễn Đức Cần để chữa bệnh. Lần đầu gặp, cụ dạy rằng tất cả do cái đầu, khi cái đầu ổn định thì mọi việc đều giải quyết được. Cụ còn nói: ‘Tôi chữa bệnh không lấy tiền. Nếu bà khỏi thì thôi, chưa khỏi thì tháng sau lên tôi giúp tiếp’, cụ nói thế rồi bảo tôi về. Tôi thấy lạ lùng vì thấy cụ không thăm khám gì cả, cũng không cho thuốc gì. Nhưng thật lạ, khi rời khỏi cửa nhà cụ, tôi thấy người khoẻ ra và từ từ đi bộ về nhà được. Trước đây đi vài trăm mét, tôi cũng phải gọi xích lô. Về nhà, tôi chờ đợi những cơn đau tim đến như mọi lần, nhưng sau ba ngày rồi hàng tuần trôi qua mà không có cơn đau nào cả, đến năm 1982, tôi hầu như khỏi hẳn bệnh đau tim. Ngoài bệnh tim, tôi còn được cụ chữa khỏi bệnh thần kinh toạ và chứng bại liệt. Tháng 7/1982, tôi bị liệt hẳn cánh tay phải không thể giơ lên được. Buổi sáng tôi lên gặp cụ thì cụ bảo: ‘Thôi về đi, ông cho khoẻ mà dọn nhà’. Chiều hôm đó trời mưa to, tôi đã xách mấy chục xô nước, cọ rửa sàn nhà bằng chính cánh tay bại liệt trước đây”.

  1. Cụ Nguyễn Đức Cần trong cuộc sống hôm nay

Chiều ngày 17/3/2013, chúng tôi về Thanh Mai, viếng cụ Trưởng Cần. Chỉ cánh nhà báo và khách thập phương mới dùng hai chữ “Viếng cụ”. Còn các bệnh nhân cũ của cụ Trưởng Cần và con cháu của họ thì nói: “Xuống cụ”, “đến cụ”, “về cụ”,… nghe mật thiết như con cháu về nhà thăm ông bà, cha mẹ mình vậy. Khi viết về việc cụ Trường Cần ra đi, ông Nguyễn Phúc Giác Hải dùng cụm từ: “Cụ về cõi trường sinh”. Viết như thế là khẳng định cụ Nguyễn Đức Cần không chết.

Có một nhà văn lớn đã viết rằng: “Nếu còn có một người nhắc tới tên bạn bằng tất cả lòng yêu mến thì nghĩa là bạn còn sống”. Dù đã qua đời 30 năm rồi, nhưng hàng nghìn, hàng vạn người Việt Nam mỗi ngày vẫn nhắc tới cụ Trưởng Cần với tất cả lòng yêu kính. Một lần tôi bắt gặp các cháu học sinh tiểu học đạp xe đến khu mộ Trưởng Cần rất đông và vui chơi ở đây rất lâu. Tôi hỏi một cháu nhỏ: “Các cháu cũng biết viếng cụ Trưởng Cần ư?”. Cháu nhỏ đáp: “Không ạ! Chúng cháu về nhà cụ”.

Một trong những người hay về nhà cụ nhất là bà Nguyễn Thị Chung ở số nhà 34, ngõ Hoà Bình, phố Khâm Thiên, Hà Nội. Các ngày chủ nhật, không phải đưa đón đứa cháu nội đi học, bà Chung thường về Thanh Mai, chăm sóc phần mộ của cụ. Bà tưới cây, quét dọn và cùng bà Nguyễn Thị Sinh tiếp khách. Năm 25 tuổi, bà Chung bị điên. Vì bị căn bệnh này nên bà không biết mình có thai. Khi đi khám ở Bệnh viện Bạch Mai, các bác sĩ mới cho biết là bà đã mang thai hơn ba tháng. Lời khuyên của bác sĩ là nên bỏ cái thai đi, vì nếu để thì sẽ sinh ra quái thai.

Nghe nói ở làng Đại Yên có cụ Trưởng Cần chữa được các bệnh hiểm nghèo, gia đình đã đưa bà Chung đến nhờ cụ cứu chữa. Cụ cho bà Chung một mảnh giấy có chữ ký của cụ và dặn dò. Chồng bà Chung mang tờ giấy về làm đúng như lời cụ dặn và thấy bệnh tình của vợ chuyển biến rất rõ rệt. Khi đến gặp cụ lần thứ hai, cụ nói với bà Chung: “Con không phải phá thai. Một tháng nữa sẽ khỏi bệnh”. Đúng một tháng sau, bà Chung đã khỏi hẳn bệnh điên. Bà mang thai trong trạng thái thấp thỏm, lo âu. Bà Chung kể với tôi: “Gần đến ngày sinh, tôi đi xem một ông thầy tử vi. Thầy phán rằng nếu sinh vào tháng 1/1978 thì hoặc là mẹ chết, hoặc là con sinh ra đã bị tàn tật. Tôi lo quá. Khi sinh con trong bệnh viện, vừa nghe tiếng con khóc là tôi bật ngồi dậy nhìn con xem có bị tàn tật không. Nhờ được cụ Trưởng Cần chăm sóc từ ngày cháu còn là cái thai hơn ba tháng tuổi nên con trai tôi sinh ra bình thường như mọi đứa trẻ khác. Khi cháu gần đầy sáu tháng tuổi thì nó bị sốt cao, co giật và đến 12 giờ đêm thì chết lâm sàng. Tôi chạy bổ đến cụ. Cụ cho một tờ giấy bảo về đốt đi và cạy miệng con ra đổ vào. Thế là con trai tôi hồi tỉnh. Nhưng hơn một tuổi mà cháu chưa biết đi. Tôi bế cháu lên Đại Yên. Cụ bảo: ‘Cứ về đi. Thằng bé sẽ biết đi ngay hôm nay’. Tôi bế cháu về nhà, nó chỉ tay xuống đất đòi đi. Từ đó, con trai tôi biết đi rất nhanh và sống khoẻ mạnh, thông minh cho đến tận bây giờ”.

Sau mất phút im lặng, bà Chung kể tiếp: “Bố mẹ tôi sinh ra phần thể xác của tôi. Còn cụ thì sinh ra phần hồn của tôi. Cụ không chỉ cứu sống tôi mà còn cứu sống của con trai tôi. Người ta nói ơn đền nghĩa trả, nhưng ơn cụ, tôi chưa đền được, nghĩa cụ tôi cũng chưa trả được. Cái ơn như trời bể này, tôi biết trả sao đây!” Bà Chung nói thế rồi lặng lẽ khóc. Đó không phải là giọt nước mắt tủi hờn mà là ân tình của một người còn chịu ơn tái sinh của một bậc chân nhân.

Khi chữa bệnh cứu người, cụ Trưởng Cần thường dùng một mảnh giấy hình vuông có cạnh dài 4cm, trong đó có chữ ký và những ký hiệu riêng của cụ. Sau này, các nhà nghiên cứu gọi đó là tờ đạo, có người còn gọi là bùa chú. Chính cách gọi như thế đã làm phức tạp thêm vấn đề và nhiều người cho rằng cụ Trưởng Cần truyền bá mê tính dị đoan. Thật ra, cụ Trưởng Cần không gọi đó là tờ đạo.

Khi Thiếu tướng – Nhà văn Hồ Phương mang con gái đến nhờ cụ chữa bệnh mà không thấy cụ thăm khám gì, lại cứ bảo về đi, thì ông Hồ Phương chần chừ không muốn đi. Thấy vậy, cụ bảo: “Muốn có thuốc hả? Thì đây”. Có nói thế và đưa cho ông Hồ Phương một mảnh giấy có chữ ký của cụ, bảo về đốt cho con uống và quả thật là cháu đã khỏi hẳn căn bệnh hiểm nghèo. Cụ Trưởng Cần không gọi mảnh giấy đó là bùa chú, vì bản thân cụ rất ghét mê tín. Nhà báo Minh Đăng Khánh – Báo Sài Gòn Giải Phóng, khi đến phỏng vấn cụ Trưởng Cần đã rất ngạc nhiên khi thấy trong sân nhà cụ có rất nhiều bát nhang. Nhà báo hỏi:

– Thưa cụ, tại sao cụ lại đưa các bát nhang ra ngoài sân và tại sao người ta lại bảo cụ là người mê tín dị đoan?

Cụ Trưởng Cần trả lời:

– Tôi xin nói thế này. Không phải bây giờ tôi mới bỏ bát nhang, mà từ ngày xưa tôi đã bỏ rồi. Nghĩa là ốm thì phải chữa bệnh.

– Thưa cụ, cái bát nhang này là của bệnh nhân?

– Đúng, của các điện thờ đấy.

– Chính những người thờ cúng ấy đã được cụ chữa bệnh?

– Vâng, bây giờ khỏi rồi thì người ta mang lên, người ta biết nghe lời tôi, ốm là phải đi chữa bệnh chứ không phải đi cúng thờ hàng năm, tốn phí biết bao nhiêu tiền.

– Có trường hợp gần đây nhất, bệnh nhân cúng bái rất nhiều nhưng được cụ chữa khỏi, đã bỏ bát hương?

– Kể thì có nhiều lắm. Chẳng hạn như bà này đây.

Cụ đưa cho tôi xem cuốn sổ ghi cảm tưởng của bệnh nhân bị ung thư lưỡi đã được cụ chữa khỏi. Tôi thấy trong ảnh có chụp điện thờ cùng bát nhang trong nhà và ngoài trời của bệnh nhân này. Sau khi được cụ chữa khỏi, bệnh nhân đã dỡ bỏ điện thờ”.

Nhiều bệnh nhân cũ của cụ Trưởng Cần đã nói về mảnh giấy “huyền bí” có khả năng chữa bệnh của cụ. Đại tá Anh hùng không quân Lưu Huy Chao, hiện sống ở phố Tô Vĩnh Diện, Hà Nội đã hai lần được cụ chữa khỏi bệnh hiểm nghèo bằng những mảnh giấy có chữ ký và mật mã của cụ. Năm nay, ông Lưu Huy Chao đã 80 tuổi, nhưng chiều nào cũng đi đánh bóng bàn. Theo ông Chao thì phương pháp chữa bệnh của cụ Trưởng Cần là rất thần diệu, nhưng khoa học chưa chứng minh được. Còn thầy Nguyễn Xuân Điều, Trưởng Bộ môn Trường sinh học Dưỡng Sinh – Trung tâm UNESCO Văn hoá Dòng họ và Gia đình Việt Nam giải thích rằng: “Những mảnh giấy của cụ Trưởng Cần không phải là bùa chú gì hết. Những người đặc biệt như cụ, khi dùng vật gì thì năng lượng được tích lại trong đó và nó có tác dụng chữa bệnh”.

Không phải ở nước ta mà ở nhiều nước khác cũng xuất hiện một số người dùng năng lượng của mình để chữa khỏi bệnh cho người khác. Các nhà khoa học Liên Xô gọi đó là chữa bệnh bằng trường sinh học. Người ta đã chụp trường sinh học của nhà ngoại cảm người Nga là Đgi-un-na cùng những người bệnh và thấy rằng bà có thể chữa được các bệnh viêm dây thần kinh, viêm cột sống, ở đó các triệu chứng đau đớn đều tan biến, còn các chức năng của tứ chi thì được phục hồi rất nhanh. Các nghiên cứu được tiến hành trong bệnh viện số 36 tại Mát-xcơ-va cho thấy những chẩn đoán của Đgi-un-na so với chẩn đoán của y học hiện đại trùng khớp nhau trên 97%. Vì thế bà đã được đặc cách cấp bằng tiến sĩ y khoa danh dự.

Trường sinh học của các nhà ngoại cảm rất mạnh. Khi bà Valga (nhà ngoại cảm nổi tiếng thế giới người Bunlgari) vào bệnh viện, các bác sĩ định chụp điện tim cho bà. Nhưng máy chụp vừa áp vào cơ thể bà thì bệnh viện đột ngột mất điện. Trường sinh học của cụ Trưởng Cần cũng vậy. Trong buổi chữa bệnh thực nghiệm để quay phim và chụp ảnh với sự chủ trì của ông Lê Khắc – Phó Chủ nhiệm UB Khoa học Kỹ thuật Nhà nước, mọi người vô cùng ngạc nhiên khi thấy cụ Trưởng Cần đứng cách bệnh nhân bị nhũn não và liệt hoàn toàn cánh tay phải 1m, chỉ dùng ngón tay trỏ, chỉ về phía bệnh nhân thì ngay lập tức cánh tay của bệnh nhân cử động được bình thường như mọi người và sau đó khỏi hẳn.

Chiều 17/3 vừa qua, khi chúng tôi về Thanh Mai thì thấy một số người đang ngồi thiền quanh mộ cụ Trưởng Cần để chữa bệnh. Bà Sinh cho biết, nhiều khi khách thập phương thuê xe đến ngồi chữa bệnh cả ngày bên mộ cụ. Chúng tôi sẽ đề cập đến vấn đề này trong bài báo sau.

  1. Làm thế nào để hấp thụ năng lượng chữa bệnh một cách tốt nhất?

Gần đây có nhiều người về khu mộ cụ Trưởng Cần để chữa bệnh khá nhiều, có người sau một thời gian dài thì mới khỏi bệnh. Tại sao lại như vậy?

Món quà tặng của cụ Trưởng Cần

Khu mộ cụ Trưởng Cần có khả năng chữa bệnh. Điều này đã được các nhà khoa học chứng minh. Tiến sĩ y khoa Đoàn Xuân Mượu viết: “Một sự thật mà ông cha ta nói là Âm phù, Dương trợ – cho nên cần phải kết hợp Âm – Dương trong việc phòng và chữa bệnh.” Cơ chế này là dựa theo lý thuyết vật lý Lượng tử là dựa trên cơ sở Sóng và Trường. Cụ Trưởng Cần lúc sinh thời đã đề cập đến sóng trong thuật chữa bệnh thay cho thuốc. Ở thời điểm những năm 1940 – 1980 tại một vùng hẻo lánh ở Việt Nam, một nhà ngoại cảm đã biết dùng đến vai trò của sóng để chữa bệnh thì thật đáng khâm phục.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button