Văn học trong nước

Xuất Khẩu Cười

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Lê Hoàng

Download sách Xuất Khẩu Cười ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : VĂN HỌC TRONG NƯỚC

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

CÔ BÉ QUÀNG KHĂN ĐỎ

Ngày xửa ngày xưa, có một cô bé quàng khăn đỏ tới thăm nhà bà ngoại trong thành phố.

Từ sáng sớm, cô bé đã thức dậy, đeo găng tay, đội mũ bảo hiểm, đeo khẩu trang rồi khoác cái làn nhựa, tung tăng đi trên đường. Mặc dù lúc ấy ngã tư còn vắng vẻ nhưng cô bé không hề run sợ. Cô biết rằng toàn bộ chó sói đã bị bắt nhốt trong các quán ăn, chẳng con nào làm hại cô được. Cô cũng không phải mất công bắt bướm hay châu chấu vì chúng đã bị chiên giòn hay ngâm rượu, cũng trong các quán trên.

Đường phố ngày càng náo nhiệt với xe cộ ầm ầm, hàng hóa tứ tung. Cô bé lăn nhanh như cắt qua gầm ô tô, rồi lại nhảy vụt lên qua mũi xe ba bánh. Thật là sôi nổi và đầy ấn tượng.

Rồi cô bé đến cổng nhà bà ngoại. Đó là một căn hộ trên tầng cao của một chung cư. Vừa thò cổ lên nhìn, cô bé bị một chậu nước rửa chén đổ ập xuống, may mà thoát được. Chung cư có thang máy nhưng lúc ấy đang cúp điện, nên cô bé phải từng bước leo lên thang bộ ở tầng mười bốn cho tới đứt hơi.

Phòng bà ngoại đây rồi. Cô bé quàng khăn đỏ đẩy cửa vào, thấy bà đang ngồi, tay thì nhắn tin điện thoại, mắt thì xem ti vi phim Hàn Quốc. Thấy bà, cô bé trách:

– Sao bà để cháu gõ cửa lâu thế?

Bà ngoại hồi hộp trả lời:

– Ta cứ tưởng là ông ghi tiền điện.

Không để mất thì giờ, vì đã được học ở nhà thời gian là tiền bạc, cô bé hỏi ngay:

– Bà ơi, sao tay bà to thế?

Bà ngoại reo lên:

– Tay bà to vì bà dùng keo xoa bóp gấu Mimosa. Mỗi ngày xoa ba lần buổi trưa, buổi tối và trước khi đi ngủ sẽ làm cho tay chân mềm mại, tránh được mọi nhức mỏi. Bôi kem rồi, bà dùng nước rửa tay Vĩnh Viễn, khiến tay bà giữ được độ ẩm và độ sát trùng cả tuần. Tiếp đến bà lau tay bằng giấy lau hiệu Cát Vàng, nó có tác dụng làm nổi bật các màu sắc của móng và làm giảm các nếp nhăn ở ngón cái lẫn ngó trỏ. Những ngón còn lại, bà dùng mỡ trang điểm hiệu Ngọc Bích tẩm vào, giúp cho chúng đều như búp măng tây đóng hộp của hãng Đồ Nguội.

Cô bé lùng bùng lỗ tai khi nghe bà nói dài dằng dặc. Nhưng vì là một cô bé ngoan, hiểu rằng cần phải hỏi thăm liên tiếp nên cô không thể dừng lại:

– Bà ơi, sao răng bà to thế?

Bà ngoại hồ hởi đáp:

– Răng bà to vì bà luôn dùng tăm xỉa răng hiệu Gậy Vàng. Những cây tăm này có tác dụng làm cho răng chắc khỏe và làm cho vi khuẩn khiếp vía không dám bám vào. Xỉa xong, bà đánh kỹ sáu lần bằng kem đánh răng Lông Gà, kem này có chất phụ gia làm bóng, được hiệp hội xi mạ khuyên dùng. Tiếp đến, bà súc miệng bằng nước súc miệng Xót Xa, nước này ngấm vào từng kẽ răng, tiêu diệt ngay tức khắc những con vi khuẩn tai hại, khiến chúng khống chết thì cũng ốm vì bệnh, chả còn gây được hại gì.

Cô bé thấy hỏi một câu mà bà trả lời dài quá thì biết ngay bà đã nhiễm phải căn bệnh nói dai trên ti vi. Nhưng cô bé hiểu rằng đấy vẫn là những điều có thể chịu đựng được, nên vẫn hỏi câu cuối cùng:

– Bà ơi sao chân bà to thế?

Bà ngoại hét vang:

– Chân bà to để bà đi giày A-la-đa được tốt hơn. Loại giày này đang có khuyến mãi, có giảm xóc, có chất chống cháy và chống giặt giũ, rất thuật lợi cho mọi lứa tuổi. Đặc biệt, khi mua từ ba đôi trở lên, khách sẽ được tham gia rút thăm có thưởng với giải nhất là một chuyến du lịch Thái Lan.

Cô bé mệt mỏi quá. Nó bèn thu hết sức, hỏi lần cuối cùng:

– Bà ơi, sao tim bà đập nhanh thế?

Bà ngoại thở dài:

– Ta không biết. Ta không được ai thuê quảng cáo cho tim!

ĐỌC THỬ

THỎ VÀ RÙA

Thỏ và Rùa thách nhau chạy thi. Mới thoạt nghe, ai cũng nghĩ là Rùa “toi” vì tốc độ của hai bên như thế nào thì bà con đều biết cả.

Thỏ lại càng biết vì Thỏ vốn thông minh. Nó hiểu thừa rằng chỉ cần mình nhảy một bước cũng bằng Rùa chạy một giờ.

Cho nên, khi cuộc thi diễn ra, rất ít khán giả đến coi. Họ chả có hào hứng gì theo dõi một cuộc đua mà ai chiến thắng đều đã rõ. Họ thà ngồi nhà coi những cuộc thi kết quả dựa vào tin nhắn còn hơn, bởi vì nó bất ngờ. Do đó, Thỏ và Rùa cũng không xin được tài trợ.

Hai đưa chán nản bước ra vạch xuất phát. Súng lệnh nổ. Rùa mới vừa nhấc chân lên thì Thỏ phóng vọt đi, nhanh như một chàng lái mô tô chạy mua nón bảo hiểm kịp cuối năm.

Rùa vác cái mai vừa to vừa mốc, bước từng bước nặng nhọc như một ông chồng không có lương bước về phía vợ.

Trong khi ấy, Thỏ tạt vào một nhà văn hóa huyện bên vệ đường. Nó đọc lèo một cái hết ba cuốn tạp chí xuất bản từ hai năm trước, rồi vô hội trường xem tấu hài. Cuối cùng, Thỏ đến căn-tin ăn hết một tô bánh canh cua rồi đủng đỉnh bước ra đường, mới thấy Rùa run rẩy đi qua.

Thỏ lại phóng vèo một cái, vượt qua mặt Rùa. Tới một sân khấu kịch, nó xem liền ba vở có nội dung giống nhau, cùng là anh yêu em, em yêu anh, chỉ khác là nếu vở này anh bị ung thư thì vở sau em bị. Nhìn ra sân vẫn chưa thấy bóng Rùa, Thỏ vô xem tiếp một vở kịch ma, để rồi cuối cùng phát hiện ra ma chính là mình chứ không ai khác.

Đến lúc ấy mới nghe tiếng thở và tiếng bước chân Rùa. Thỏ uể oải bước ra đường, vù một cái vượt qua mặt Rùa tới một quán ăn. Thỏ xơi liền hai chiếc bánh Trung thu hạ giá, có nhân lông gà quay, sau đó ăn tiếp một gói cơm cháy, thứ thường phơi ở vệ đường, bóng Rùa mới chậm rãi hiện ra nơi chân trời. Thỏ bèn quay vô xơi thêm một cái chả lụa đầy hàn the và một tô bún măng đầy bột ngọt. Kết quả là Thỏ bị ngộ độc thực phẩm, phải đi cấp cứu khẩn cấp.

Trong khi Thỏ nằm thoi thóp trong bệnh viện thì Rùa vẫn chạy. Nhưng đi và chạy với Rùa chẳng khác bao nhiêu.

Thỏ hồi tỉnh, đi tập dưỡng sinh, đi vật lý trị liệu, lúc ấy nhìn lên ti vi, coi truyền hình trực tiếp, Thỏ mới nhận ra Rùa sắp đến nơi.

Ngay tức khắc Thỏ phóng ra đường, chạy vùn vụt như sao băng. Thỏ lướt qua các căn nhà, các góc phố, các hàng cây như một ngọn gió và chỉ chớp mắt đã ở sau lưng Rùa.

Bà con reo hò ầm ĩ. Rùa lấy hết sức, ngẩng cao đầu, cố chạy bằng hai chân sau, còn hai chân trước bơi như bơi cái mái chèo.

Thỏ đã đuổi gần kịp Rùa. Đích kia rồi, chỉ cần một giây nữa là Thỏ vượt qua. Không còn nghi ngờ gì nữa, Thỏ lại chiến thắng. Tốc độ và sự không minh vẫn chiến thắng vẻ cần cù, nhẫn nại. Đấy mới là phẩm chất hiện đại.

Còn hai bước nữa là tới đích. Thỏ co chân nhảy phóc. “Rầm”! Thỏ ngã ngay xuống một cái hố mới đào ven đường. Cái hố này là công trình của ông cấp nước và ông điện thoại cùng liên doanh để đào mà chưa lấp đã sáu tháng nay.

Thỏ nằm ngay đơ, bất tỉnh dưới hố, còn Rùa nhẹ nhàng lách qua. Rùa chiến thắng.

***

Sau khi thua Rùa trong cuộc thi chạy đầu tiên, Thỏ đau đớn quá. Nó mất ăn mất ngủ, thao thức nhiều đêm liền vì buồn bã, nhục nhã và… quê.

Thỏ bèn rủ Rùa tái đấu.

Tin Thỏ sẽ chạy đua lại với Rùa lập tức gây một cơn sốt trong dư luận theo nhiều xu hướng khác nhau.

Một tờ báo viết: “Thỏ và Rùa – cuộc so tài thế kỷ”. Trong tờ báo đó, tác giả đưa ra sự so sánh giữa hai trường phái do Rùa và Thỏ làm đại diện. Rùa đương nhiên thuộc phái bảo thủ, chậm, nhưng chắc chắn, nhiều suy nghĩ, nhiều cân nhắc và kinh nghiệm. Còn Thỏ thuộc lớp trẻ, năng động, sáng tạo nhưng hấp tấp và xa rời truyền thống. Sự va chạm của hai trường phái như thế, theo tác giả, là điều không thể tránh của lịch sử. Nó chứng tỏ mâu thuẫn đã tới cao trào, và sự đối đầu có tính tất yếu…

Để kết luận, tác giả tin rằng Thỏ sẽ thắng, vì Thỏ tượng trưng cho xu thế đi lên.

Nhưng một tờ báo khác không đồng ý. Trên tờ báo đó, cuộc chạy đua giữa Thỏ và Rùa hoàn toàn mang tính thể thao, không hơn không kém. Trong cuộc đua này, kẻ chiến thắng không phải là kẻ có đôi chân, mà là cái đầu. Mặc dù đầu Rùa luôn luôn rụt lại, nhưng chính vì thế mà toàn bộ não được bảo toàn. Đó là chưa kể, tác giả phân tích, Rùa mang nặng trên lưng mình một cái mai, có khả năng chống chọi với những ngoại lực như gió, mưa, cành cây gãy, vốn là phẩm chất rất đáng quý khi lưu thông trên đường hiện giờ. Từ đó suy ra, Rùa phải thắng.

Một tờ báo khác lại phân tích cuộc đua trên phương diện kinh tế. Theo tác giả, cuộc đua giữa Thỏ và Rùa thực chất là cuộc đua của các công ty tài trợ. Bên Thỏ là giày thể thao, nước tăng lực, kem chống nắng còn bên Rùa là thuốc giảm đau, dầu xoa bóp và dầu gội đầu. Trong khi công ty dầu gội quảng cáo ai cứ năm phút lại gội một lần sẽ có tốc độ vô biên thì kem chống nắng phía Thỏ quả quyết rằng dù thua hay thắng thì cuối cùng Thỏ cũng có làn da đẹp. Tác giả còn cam đoan Thỏ sẽ thắng vì nhà tài trợ của Thỏ mạnh hơn, lại được các phương tiện truyền thông ủng hộ.

Nhưng trên hết, một tờ báo khác nêu rõ, cuộc thi của Thỏ và Rùa ai thắng cũng được, bởi đó là cuộc thi lấy quỹ ủng hộ nạn nhân mắc bệnh AIDS. Cuộc thi ấy gợi cho mọi người hình ảnh hãy tháo chạy khỏi các nguồn lây bệnh bằng mọi phương tiện, mọi đôi chân, mọi tốc độ. Trong cuộc tháo chạy hỗn loạn và vĩ đại này, mọi sự tham gia đều cần cổ vũ.

Rốt cuộc ngày thi cũng đến. Ngay từ sáng sớm, khán giả đã tụ tập đông nghẹt. Trước khi thi có ca nhạc, tấu hài và biểu diễn thời trang vừa áo tắm vừa dạ hội. Vô tuyến truyền hình túc trực đông đủ, nhà báo lăm lăm bút và máy chụp hình đứng kín khắp nơi.

Phe ủng hộ Rùa đeo mai trên lưng, mặc áo màu nâu mốc, vừa dậm chân vừa hát những chữ “Rùa – Rùa – Rùa”. Phe ủng hộ Thỏ đội mũ tai dài, gặm củ cải trắng hay bánh mì, cũng đồng thanh hô lên những chữ “Thỏ – Thỏ – Thỏ”.

Súng lệnh nổ, cả Thỏ và Rùa cùng lao đi.

Tất cả phóng viên và khán giả ùa nhau chạy về đích, ai cũng muốn mình là người đầu tiên nhìn thấy kẻ chiến thắng.

Các cô gái cầm hoa chờ đợi, và các anh tài trợ chuẩn bị phát biểu chào mừng.

Nhưng một tiếng, hai tiếng, ba tiếng trôi qua mà cả Thỏ và Rùa đều biệt tăm, mặc dù quãng đường chạy thì chỉ lùi hai trăm mét. Mọi người sốt ruột, mọi người ngủ gật rồi mọi người túa đi tìm hiểu.

Thì ra do kẹt xe, cả Thỏ và Rùa đều chả chạy được bước nào.

Cuộc thi huề!


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button