Văn học trong nước

Oẳn Tù Tì Trò Chơi Tình Ái

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Hoàng Nguyện

Download sách Oẳn Tù Tì Trò Chơi Tình Ái ebook PDF/PRC/EPUB/MOBI. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : VĂN HỌC TRONG NƯỚC

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời tựa

Oẳn tù tì – nghi thức để bước vào tương lai

Thực lòng mà nói tôi không hề ham hố trò oẳn tù tì, chỉ khi nào phải đối mặt với những vấn đề lớn khó lựa chọn, nhưng lại không biết phải đưa ra quyết định ra sao, tôi mới chọn cái phương thức giải quyết vô cùng đơn giản và tức thì này.

Vấn đề không nằm ở chỗ thắng thua, mà điều quan trọng là bằng cách nào để có thể nhận định được đâu là việc khó quyết định, và sau khi đã quyết liệu có thể tuân theo sự lựa chọn của mình mà không một chút hối hận nào không.

Thông thường, tôi cũng có thể được coi là người khá quyết đoán, thường thì nếu trong đầu xuất hiện một ý định cụ thể, tôi sẽ có đủ tự tin để hoàn thành việc đó. Tôi phát ngán đối với những cuộc họp dài dòng văn tự, ý kiến thì nhiều nhưng rốt cuộc chẳng đi đến bất cứ kết luận nào, tôi cũng ghét cái việc phải đắn đo cả ngày trời trước khi làm việc gì đó, hết lo cái này, lại sợ cái khác, cả ngày luẩn quẩn trong sự bế tắc.

Tôi tin rằng nếu không phải là sải bước về phía trước, thì nghĩa là đã nằm xuống không làm gì cả, không có những trường hợp “để xem tình hình hẵng hay”, càng không được phép lùi bước. Chính vì vậy những việc khiến tôi phân vân do dự thực ra không nhiều. Không nhiều, có nghĩa là vẫn có; điều khiến tôi hoang mang do dự thường không phải công việc, mà chính là con người có tâm hồn bằng xương bằng thịt.

Tôi yêu con người, giống sinh vật tổng hòa của những xúc cảm giận dỗi, tham lam, đố kị, mỏng manh, nhạy cảm và lương thiện. Bạn không nhìn ra, không nhận rõ, song không thể không sống chung cùng họ. Khi họ lộ ra bộ mặt xấu xa của mình, bạn sẽ căm hận đến độ có thể ăn tươi nuốt sống họ; nhưng khi họ tỏ ra dịu dàng đáng yêu, bạn lại không thể kiềm chế bản thân mà dành cho họ tình cảm yêu thương trìu mến.

Chỉ có con người mới có thể làm vướng bận đến ý chí quyết đoán mãnh liệt của tôi, tôi lấy ví dụ, những cuộc tranh luận với người thân, bạn bè thường đẩy tôi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Tôi vô cùng trân trọng những người tôi yêu quý, nhưng trân trọng cũng không tránh khỏi có những lúc ý kiến bất đồng. Tôi không muốn kéo dài những trận cãi vã đôi co với người thân, làm tổn thương đến hòa khí giữa đôi bên, vậy là tôi sẽ đề nghị chơi oẳn tù tì.

“Oẳn tù tì ra cái gì ra cái này”, sau đó người thua cuộc phải nghe lời người thắng cuộc, dám làm thì phải dám chịu, chúng ta có thể vui vẻ cùng nhau đến già.

Vì những người tôi yêu thương, tôi có thể vứt bỏ sự kiên trì, và sẵn sàng chịu thiệt thòi cốt để cầu toàn. Nhưng lẽ đương nhiên tôi không nhân nhượng một cách vô điều kiện, thường thì cần phải có một tiền đề lớn, tức là việc này không được liên quan gì đến phải trái đúng sai, cho dù là một vấn đề khó khăn không có cách giải quyết.

Cũng chẳng cần phải quá cố chấp để quyết định bữa tối ăn cơm hay ăn mì. Vấn đề ai quét nhà, giặt quần áo cũng có thể thỏa thuận được. Mất thì giờ ngồi tranh luận với nhau xem bản tính con người là thiện hay ác, trứng có trước hay gà có trước, người ngoài hành tinh có thật hay không, thì quả là nực cười và rỗi hơi.

Lúc ấy thôi thì oẳn tù tì vậy! Chỉ vẻn vẹn vài giây đồng hồ đã có thể kết thúc một cuộc tranh luận vô nghĩa, để quay lại với không khí hòa bình vui vẻ trước đó.

Song đâu phải chuyện nào cũng có thể giải quyết qua loa bằng trò chơi con trẻ? Có người hỏi tôi như vậy.

Cũng đúng, trên đời này có quá nhiều việc không phải trò trẻ con, như sự nghiệp, tình yêu hay hôn nhân gia đình. Thế nhưng cũng chính vì không thể giải quyết tùy tiện, cho nên đến khi nảy sinh những vấn đề rối rắm, khó tháo gỡ, lẽ nào bạn vẫn muốn tiếp tục sa xuống vũng lầy, để cho đôi bên cùng bị tổn thương hay sao?

Xin thứ lỗi cho tôi khi đã dùng những lời lẽ quấy quá lỗ mãng phủ nhận quan điểm này, nhưng nếu buộc tôi đứng nguyên một chỗ để chịu đựng mọi sự giày vò, thì tôi thà mạo hiểm tiến về phía trước, dù rằng kết quả có thể sẽ càng tệ hại hơn, nhưng ít nhất tôi đã không giẫm chân tại chỗ.

Vì vậy tôi đã oẳn tù tì.

“Oẳn tù tì ra cái gì ra cái này”, nếu thắng thì hạ quyết tâm, nói trước là không được hối hận, không được quay đầu trở lại.

Giống như cuốn sách mới này của tôi, các nhân vật chính trong đó khi phải đối mặt với những quyết định mất còn, cũng đã lựa chọn cách thức giống như tôi để giải quyết những rối ren trong quan hệ của họ, họ biết rõ rằng đó không phải là giải pháp tốt nhất, nhưng để tránh được những ràng buộc rắc rối họ chấp nhận cắt đứt tất cả.

Về tốp nhân vật trong truyện, có người sinh ra đã giống như một tảng đá lởm chởm kiêu ngạo, chẳng sợ đao sắc, thế nhưng lại dễ dàng tan chảy trong sự bao bọc ấm áp. Có kẻ sắc sảo nhạy bén như một lưỡi kéo, chỉ trong nháy mắt có thể cắt đứt giấy vải, song lại không thể làm lung lạc một ý chí kiên định. Có người thì giống hệt như một miếng vải mềm mại có thể ôm trùm mọi vật, có thể gói vào đó biết bao gánh nặng, nhưng cũng lại mềm yếu một cách bất ngờ, đến nỗi không chống đỡ nổi một lưỡi dao lướt qua, để rồi phải chịu những vết thương rách da rỏ máu.

Họ theo đuổi một kết cục, một lời giải đáp, nhưng không phải để làm tổn thương nhau, mà là để xác định rõ những việc sau này.

Đúng thế, giống như tôi đã nói lúc đầu, điều quan trọng không nằm ở thắng thua, mà là việc phải làm sau khi ranh giới thắng thua đã được phân định, người thắng và người thua đều có một nhiệm vụ phải hoàn thành, đó là khiến bản thân mình sống tốt hơn trước, chí ít cũng không được đứng yên tại chỗ.

Mọi người đều phải tuân thủ luật chơi, không cố ý ra chậm, không chơi lập lòe, không chơi xấu, chấp nhận kết quả, và cùng chúc mừng nhau, vì suy cho cùng đây không còn là một trò chơi đơn thuần, nó là một nghi thức trọng đại để sải bước tiến vào tương lai.

Rút thăm cũng được, đánh cờ ca rô cũng xong, chơi năm mười mười lăm cũng chẳng vấn đề gì, chỉ cần điều đó giúp ta đưa ra được quyết định, thì bất kể đó là trò chơi gì chúng ta cũng đều nên vui vẻ chấp nhận.

Các câu chuyện dưới ngòi bút của tôi đa phần đều có bối cảnh thật ngoài cuộc sống. “Hạnh phúc đã đến” là lời thỉnh cầu từ một anh chàng say rượu ở Đại học Đài Loan, “Chuyện về chúng tôi” là mối tình của một người bạn, còn câu chuyện lần này được bắt nguồn từ cảm hứng nào nhỉ? Đó là thời còn học đại học, một lần tôi đến Học viện Thương Mại dự thính tiết kinh tế học vi mô, ngồi cạnh tôi là một anh bạn điển trai, thân hình cao to vạm vỡ. Khi cả lớp đang ngồi chờ thầy giáo đến, điện thoại của tôi bỗng đổ chuông. Đó là cuộc gọi quốc tế của một cậu ấm nhà giàu, bạn cùng lớp tôi, cậu ta thao thao bất tuyệt khoe những thu hoạch trong chuỗi ngày đến thăm viện bảo tàng Louvre, hòng khiến tôi phải ghen tị, lại còn miêu tả cho tôi nghe cụ thể từng chi tiết bài trí trong đó mà chẳng hề lo tốn tiền điện thoại.

Tôi vốn là một sinh viên nghèo mê tranh sơn dầu, cộng thêm cái cổ họng to khỏe, tất cả những câu trả lời của tôi đều chất chứa một sự ngưỡng mộ và mong mỏi, đương nhiên mọi chuyện đúng y như ý nguyện của cậu bạn tôi, tôi ghen tị đến độ chỉ muốn thọc tay vào ống nghe, vượt qua muôn trùng núi cao biển rộng để đến nước Pháp, rồi bóp thẳng vào cái cổ họng của cậu ta cho đến khi nào cậu ta không thốt ra được lời nào mới thôi.

“Đừng tin hắn, hắn nói khoác đấy, trong đó hoàn toàn không giống thế đâu.”

Anh bạn điển trai nghe được cuộc nói chuyện giữa tôi và người bạn, liền ra tay vạch trần những lời bịa đặt của cậu ta, tôi dựa theo những câu hỏi về mỹ thuật mà anh bạn này viết ra trên giấy hỏi ngược lại người bạn trong điện thoại, quả nhiên cậu ta không trả lời được, giọng nói trở nên ấp úng rồi vội vàng cúp máy.

“Hồi trước cậu cũng học vẽ sơn dầu à?”

Sau khi tan học tôi bám theo người bạn mới quen dò hỏi, bởi suy cho cùng một người bình thường không thể có được một kiến thức mỹ thuật phong phú đến vậy.

“Không, tôi rất ghét vẽ.” Anh bạn trả lời gọn lỏn một câu rồi lập tức bỏ đi.

Sau đó thì sao? Đương nhiên là tôi không hề tin câu nói đó, bởi ngay khi tôi ngửi thấy mùi màu vẽ còn vương trên ống tay áo của anh, tôi có thể khẳng định được rằng anh là một người mê vẽ. Tôi kiên trì tìm người dò la thông tin về người bạn mới, ngoài những tiết học chính, gần như ngày nào tôi cũng đi học tiết của anh, bất kể anh có muốn hay không, cuối cùng tôi cũng khám phá ra câu chuyện ẩn giấu đằng sau con người này, và một bức tranh sơn dầu tuyệt đẹp đã vượt ra xa khỏi cái giá trị nó có, đó cũng chính là tác phẩm Đêm đầu tiên được nhắc đến trong câu chuyện dưới đây. Cũng vì lẽ đó cuốn sách được hoàn thành, đương nhiên các tình tiết trong truyện đã được cải biên, sửa đổi, mục đích không nằm ngoài lý do để bảo vệ cho người trong cuộc.

Để chứng tỏ chút năng khiếu kể chuyện của tôi, xin hãy xem tiếp, tôi tin rằng các bạn sẽ khám phá ra những sự uyển chuyển sâu sắc bên trong đó, tôi cũng cố tình lý tưởng hóa cốt truyện, bởi lẽ kết thúc thực sự của câu chuyện… Ôi, có lẽ các bạn sẽ không bao giờ biết được, bởi tôi không nỡ nói ra.

ĐỌC THỬ

Trăm nghìn Đêm đầu tiên

Bên trong ô cửa kính lớn của một phòng trưng bày tranh tại trung tâm thành phố, nổi bật lên trên nền lụa xanh lam phủ dưới mặt đất, là một bức tranh lớn được đặt trên một giá vẽ làm bằng gỗ bách. Bức tranh vẽ một thiếu nữ mặc chiếc váy kiểu vũ nữ Flamenco màu đỏ, gương mặt thiếu nữ xanh xao, hai má hao gầy, cô dùng tấm thân mảnh khảnh của mình cố gắng đung đưa phần eo mảnh mai như cành liễu, tay phải kéo cao phần chân váy được may theo kiểu xếp nếp, khiến đuôi váy không ngừng bay múa trong không trung, tất cả làm toát lên một sức mạnh và lòng nhiệt tình tiềm ẩn bên trong con người cô. Nhưng nếu quan sát một cách tỉ mỉ cũng không khó để nhận ra sự cứng nhắc trong bước nhảy của cô, một trạng thái tâm lý căng thẳng vì sợ bước sai.

Đôi môi khô ráp của thiếu nữ ngậm một bông hồng tươi tắn. Hoa hồng nhiều gai, một vệt đỏ tươi hơn cả sắc hoa thấm ra ngay tại nơi tiếp xúc giữa môi với cành hoa, máu rỉ ra lan khắp bờ môi khô ráp của em, tựa như một khe suối ấm nóng đổ vào dòng sông khô hạn, khiến người ta xúc động đến mức muốn đưa tay ra hứng lấy, rồi để lên môi hút vào thưởng thức.

Cô bé mỉm cười một cách miễn cưỡng, một vài nét đau khổ treo trên khóe môi, đây rõ ràng là một bức tĩnh họa phẳng, song động tác lại sống động nhất quán như một bức tranh ba chiều. Chăm chú lắng nghe, thậm chí có thể nghe thấy giai điệu sôi nổi của bản nhạc, tiếng bộ gõ giòn giã lanh lảnh vẳng ra từ bên trong bức tranh.

Nói chính xác thì bức tranh ấy không giống tranh, mà giống như một vở ca vũ kịch được công chiếu ngoài rạp, nữ diễn viên múa thần sắc rạng ngời, mỗi bước nhảy đều khiến người ta rung động, thu hút cả ánh mắt lẫn tâm hồn người xem. Dưới ánh đèn sân khấu chuyên nghiệp, cô gái càng trở nên lung linh rạng rỡ khiến người xem phải trơ mắt ngây nhìn.

Bức họa được đặt tên Đêm đầu tiên, kèm theo đó là dòng chú thích: “Điệu nhảy đầu tiên của vũ công 15 tuổi, trong khách sạn, lúc màn đêm buông xuống.”

Phía trước chân giá vẽ có đặt một tấm biển báo giá, tám chữ số 10 000 000 màu trắng nổi bật trên nền đen, một mức giá không tầm thường, và cũng có nghĩa nó sẽ thu hút rất nhiều ánh mắt của mọi người, bởi lẽ đấy là một bức tranh đẹp, và đắt tiền.

Số người bị thu hút bởi bức tranh thật không ít, già trẻ nam nữ, giàu nghèo đủ cả, trong số đó có một người đã bị bức tranh làm cho mê mẩn, đó là một cô gái làm việc trong khu trung tâm thương mại đối diện với phòng trưng bày tranh.

Cô gái tên là Diệp Đóa Lệ, 29 tuổi.

Cô được sinh ra trong bệnh viện Đa khoa, sống ở một căn hộ tập thể trên tầng bốn, rộng ba mươi mét vuông, bố cô là một viên chức bình thường, mẹ cô mở một tiệm mì, cô có một người anh tuổi không mấy chênh lệch, và một cô em gái nhỏ hơn cô khá nhiều. Đấy là một gia đình bình dân năm nhân khẩu, bình thường đến mức không thể bình thường hơn trong xã hội. Nếu như phải lấy một đồ vật trên thế gian này để so sánh với những con người đó, thì họ giống như một cái bánh mì gối, được cắt thành mười mấy miếng mong mỏng giống nhau, kích cỡ mùi vị hoàn toàn không có gì khác biệt, không hiếm và cũng chẳng có gì đáng để khoe khoang.

“Bình thường là một điều hạnh phúc.” Lý lẽ này Đóa Lệ hiểu rõ, và cô cũng rất trân trọng điều đó, chỉ có điều thi thoảng cô lại cảm thấy hơi hối tiếc. Bố cô hy vọng con gái sẽ xinh đẹp như một đóa hoa, đáng tiếc chữ Diệp trong tên họ của cô đã ươm mầm số phận, nên đời cô chỉ có thể đứng cạnh để tô điểm cho những bông hoa tươi đẹp mà thôi.

Vai trò của những chiếc lá xanh là phải sum suê và tươi tốt, màu xanh tràn trề song lại khiến người ta có cảm giác nó không hề tồn tại, cũng giống như Đóa Lệ, không cao không béo, thân hình cũng có đường cong nhưng không rõ rệt, tóc vừa vừa không dài không ngắn, nước da vàng đặc trưng không đen cũng chẳng trắng, không thể nhận xét cô xấu nhưng cũng không tìm ra trên khuôn mặt cô một đường nét nào để ca ngợi.

“Thực ra nhan sắc của em không kém, nội tâm cũng không tồi.” Những tính từ kiểu này thi thoảng lại vo ve bên tai Đóa Lệ như những con muỗi huyên náo. Bất kể người nói chân thành đến mức nào, Đóa Lệ cũng bướng bỉnh xếp chúng vào nhóm những lời nói đãi bôi, thương hại.

Nhan sắc không kém. Không quá kém, nhưng vẫn là kém đấy thôi?

Nội tâm không tồi. Đã không có gì tồi, sao không trực tiếp khen một câu là tốt?

Đối với những câu nhận xét chung chung như vậy, Đóa Lệ luôn có cảm giác hoài nghi sâu sắc.

Đôi khi trong lúc rửa mặt cô lại đến trước gương, buông xõa mái tóc ướt, để lộ đường nét từ vai đến cổ rồi lặng mình xót xa nhìn đôi xương đòn hõm sâu, bờ ngực phập phồng rồi tự nhủ: “Trông mình thật tuyệt!” Thế nhưng sự tự tin ấy thường chỉ tồn tại không quá một đêm, sớm mai thức giấc, nhìn bộ quần áo mặc trên người, nhìn kiểu tóc cố định không buộc cao thì cũng buông xõa, rồi thì son môi, phấn nền, tất giấy, giày cao gót, vé tàu điện ngầm, mỗi ngày làm việc trên tám tiếng, cứ như một cỗ máy bất biến, một cảm giác tủi hờn vô cớ lập tức lại ập tới.

“Đóa Lệ, hôm nọ ở trung tâm thương mại, tớ nhìn thấy một người rất giống cậu. Tớ chạy lên chào, mới biết là nhận nhầm, ngượng chín người.”

“Có gì đâu, khuôn mặt tớ là khuôn mặt đại chúng mà.”

“Ê Tiểu Du, sao cậu lại ở đây? Tôi là Bào này, học cùng lớp hồi cấp ba đó, bọn mình phải ba bốn năm không gặp rồi nhỉ? Trông cậu chẳng thay đổi gì cả.”

“Xin lỗi, anh nhận nhầm người rồi.” Gặp lúc tâm trạng vui vẻ, cô sẽ trả lời một cách thân thiện như vậy.

“Nhầm người rồi, tưởng ai cũng là người quen của anh chắc.” Gặp lúc phiền não, đương nhiên cô sẽ nổi khùng lên và to tiếng quát mắng đối phương.

Nhan sắc trung bình là một trong những vấn đề nhức nhối của Đóa Lệ, song lại không phải là nguyên nhân chủ yếu.

Điều cốt lõi khiến cô mâu thuẫn và nghi hoặc lại nằm ở nội tâm, cô ghét sự tầm thường và nhút nhát của bản thân.

Cuộc sống của Đóa Lệ tương đối phẳng lặng, bố mẹ hiền từ, anh em hòa thuận, từ tiểu học đến lúc tốt nghiệp đại học, thành tích luôn ở mức trung bình khá, trong công việc cũng chưa bao giờ phạm phải sai lầm nghiêm trọng, các mối quan hệ bạn bè đều ổn. Về tính tình, vui buồn hờn giận cô đều có đủ, có lúc tinh ranh, cũng có khi lẩn thẩn, ngay đến lời nhận xét của giáo viên về cô quanh đi quẩn lại vẫn là bốn chữ: sống có nguyên tắc.

Nói một cách dễ nghe, thì là khiêm tốn hiền hòa, bề ngoài nom thanh tú, đầu óc cũng thông minh. Nói khó nghe một chút, thì chẳng có chí hướng gì hết, con người đến vô vị.

“Cô ấy là người không biết đùa!” Đóa Lệ gây cho mọi người một ấn tượng rằng cô rất nghiêm túc và đứng đắn. “Kỹ tính, bà già.” Những kẻ tính khí thất thường, chuyên gây sốc, hoặc những người mồm mép tép nhảy, miệng lưỡi trơn trẹo thường đánh giá về Đóa Lệ như vậy, vì sợ chuốc phiền toái vào thân nên họ lũ lượt tự động rời xa Đóa Lệ.

Những người bạn thời đại học xếp Đóa Lệ vào tốp những cô gái hiền thục, ngoan ngoãn, mang tính truyền thống của thời đại cũ. Còn nhớ hồi năm thứ hai đại học, khi cô chủ động chấm dứt mối tình kéo dài hai năm với người bạn trai cũ, bao người đã mắt tròn mắt dẹt.

“Cậu là mẫu người phụ nữ chung thủy cơ mà? Thôi đừng cố tỏ ra mạnh mẽ nữa, chắc chắn là cậu bị đá nên ngại nói ra đúng không!” Chẳng rõ nguyên cớ nào mà cô luôn bị coi là cô gái si tình theo kiểu dù cho bể cạn đá mòn, tình yêu chung thủy vẫn còn chưa phai. Trong mắt mọi người, cô là mẫu phụ nữ ngốc nghếch đến độ ngay cả khi có bị lừa vào chốn tường hoa ngõ liễu cũng không hề hối hận, vì tình yêu có thể đi đến góc bể chân trời.

Nhưng Đóa Lệ không phải người như vậy, từ trước tới giờ cô yêu ghét rõ ràng, khổ nỗi cho dù có giải thích thế nào đi nữa cũng không có mấy tác dụng, những ấn tượng cứng ngắc đó cứ thế đeo bám cô suốt bốn năm đại học, báo hại cô ngay cả khi có bạn trai cũng không dám cho mọi người biết, để tránh nhìn thấy những ánh mắt thương hại cứ dõi theo mình, như thể cô sinh ra là để cho kẻ khác đùa cợt, những người đàn ông đến với cô đều là những kẻ lừa tình.

Đóa Lệ đã chịu đựng đủ và cũng cảm thấy nhàm chán việc phải sống trong khuôn mẫu mà người khác đặt ra. Trong con người cô tiềm ẩn gen của loài cá heo có thể thỏa sức bơi những quãng đường dài trong đại dương mênh mông, nhưng bản thân lại sống nhàn nhã qua ngày trong một hồ nước khép kín chật hẹp.

Hồi còn trẻ cô đã từng nghĩ đến việc phản kháng, cô muốn làm việc gì đó thật hoang đường, thật gây sốc, nhưng rồi lại sợ bố mẹ lo lắng, bản tính vốn lại nhát gan, hay do dự, nên cuối cùng cũng đành thôi. Đến khi ra ngoài xã hội, không có sức khỏe, mà cũng chẳng có thời gian, ngày nào cũng làm việc đến nhừ tử, ngay cả chút hơi sức để mơ mộng cũng bị tước đoạt, nói chi đến việc muốn tung hoành nổi loạn.

Cô từng tâm sự với người bạn thân Dục Khanh: “Nếu mình mà không phải là mình, thì tốt biết mấy nhỉ. Có thể nổi trội một chút thì đương nhiên là tốt, nhưng nếu bình dân hơn một chút thì cũng có sao, chỉ cần không phải là mình lúc này đây.”

“Cậu ấy à, sướng cũng không biết đường mà sướng, bọn mình thì chỉ mong sao không có sóng gió, trong khi cậu lại cố sống cố chết muốn đâm đầu vào vùng nước xoáy.” Dục Khanh có hai con, một trai một gái, từng trải qua sóng gió trong hôn nhân, cô chỉ mong ngày nào cũng sóng yên biển lặng để sống một cuộc sống yên bình, còn thứ cảm xúc lãng mạn tiểu thư của Đóa Lệ, đối với cô nó giống như một cơn lũ, một con mãnh thú đáng sợ, thậm chí là sự ngây thơ đến ngu ngốc.

“Phim ảnh, tiểu thuyết tình cảm đều là để đánh lừa cậu thôi, đồ ngốc ạ! Mau tỉnh lại đi! Phải biết cách bằng lòng với hiện thực thì mới hạnh phúc được, nhớ đấy!” Cô liên tiếp khuyên nhủ, chẳng qua là không muốn bạn mình lại đi vào vết xe đổ của mình, bởi chính cô là một ví dụ xương máu. Lấy một “đại gia trẻ tuổi” trong ngành tài chính tiền tệ, ai ai cũng ngưỡng mộ, để rồi anh này đã lợi dụng cô vay vốn khắp nơi, cũng may mà phát hiện sớm, nếu không chắc chắn cô đã phải vào trại giam ăn cơm tù miễn phí rồi.

“Tớ không cam tâm sống cả đời như thế này.” Đương nhiên Đóa Lệ biết rõ, cuộc sống của cô ổn định và thanh bình nhất trong bọn.

“Cậu dám?” Dục Khanh cười lớn rồi ngoảnh mặt đi chẳng thèm quan tâm tới Đóa Lệ, cô có lý do để coi thường Đóa Lệ, loại người khiếp sợ khi nhìn thấy máu của chính mình, song lại muốn trải nghiệm cuộc sống mạo hiểm dễ khiến người ta mang đầy mình thương tích, thì chẳng qua chỉ là kẻ ngốc nói mơ mà thôi.

“Một việc nào đó bất ngờ hoặc mạo hiểm hãy xảy ra đi!” Đóa Lệ vẫn thường ngước lên trời thét ra những bất mãn ngập ngụa trong lòng. Trên thực tế cô từng có cơ hội để thay đổi một cách triệt để. Ba năm về trước, người bạn trai cô đã yêu nhiều năm ngỏ ý muốn đưa cô ra nước ngoài để cùng phiêu du đây đó.

“Hâm à, em còn có ba mẹ, còn họ hàng.” Cô thẳng thừng từ chối lời đề nghị của bạn trai.

Cô tưởng rằng anh sẽ ở lại vì cô, vì tình cảm bấy nhiêu năm của hai người, nhưng cuối cùng anh lại quyết định từ bỏ tất cả để phiêu du nơi đất khách, cô buộc lòng chọn sự chia tay. Người bạn trai nhiều lần khẳng định tình yêu của anh sẽ không bao giờ phai nhạt theo thời gian, chỉ tiếc rằng con người ta thường thì chịu đựng được sự thử thách về thời gian, nhưng lại không chịu nổi sự ngăn cách về không gian. Suy cho cùng trong cái không gian rộng lớn này không phải chỉ có mình cô là đàn bà, đâu đâu cũng có những người phụ nữ còn xinh đẹp hơn cô, vả lại đa phần bọn họ đều sẵn sàng đón nhận sự lãng mạn của anh. Nửa năm sau, vì sự xuất hiện của người thứ ba, tình yêu của họ đã tan vỡ, tình cảm của Đóa Lệ bị tổn thương nghiêm trọng, chính vì thế đến tận bây giờ cô vẫn đơn thân lẻ bóng.

“Trách ai đây, chỉ có thể trách mình thôi.” Đóa Lệ cũng uống rượu, uống đến say khướt rồi nức nở òa khóc.

Nhân lúc văn phòng không có một ai, cô uống liền một lúc sáu lon bia, sau đó thì khóc một trận đã đời.

“Mẹ kiếp, quân khốn nạn, tốt nhất là chết quách ở nước ngoài đi, chết trên người con Tây nào đi, không thông cảm cho tôi một chút được sao? Tôi mà không vướng bận gì thì tôi cũng muốn ra nước ngoài du học hoặc lang thang đây đó lắm chứ, nhưng tôi bằng này tuổi rồi, tôi đâu thể bất chấp tất cả như vậy được!” Càng nói càng tức, Đóa Lệ vơ đại mấy lon bia rỗng ném loạn ra ngoài cửa sổ.

Một lon, hai lon, ba lon, chỉ đến khi tiếng cán nát phát ra từ vỏ bia, tiếng phanh xe vội vã “kít…” đanh đến nhức óc và tiếng xe cộ ầm ầm liên tiếp va đụng vào nhau vọng lên từ dưới đường, cô mới dừng tay.

“Thằng khốn nào vứt lon bia xuống giữa đường thế này?” Do đang tiện tay, lại trong một lúc bất cẩn cô ném nguyên cả lon bia chưa uống xuống đường, lon bia rơi trúng cửa kính của một chiếc xe ô tô đang đi tới, người lái xe bất đắc dĩ phải phanh gấp, khiến cả ba chiếc xe liên tiếp đâm vào đuôi nhau. Sự cố phát sinh khiến Đóa Lệ choàng tỉnh lại, cô quỳ lom khom phía dưới cửa sổ, đầu rụt lại ngang với mép cửa, nín thở nghe ngóng diễn biến của vụ va chạm, lo sợ tội ác của mình bị phát giác sẽ không tránh khỏi sự báo thù của các tài xế.

“Có khi nào họ xông lên làm nhục xong rồi giết mình không nhỉ?” Trong giây phút hoảng loạn, vô số những suy nghĩ hoang đường, quái gở cứ thế ùa về. Cô túm chặt lấy cổ áo, vẫn cúi gập người, lom khom bò về phía cửa ra vào của văn phòng, nhanh như chớp, khóa chặt cửa lại, đẩy cả một máy photocopy cỡ lớn chặn ngang cửa, đảm bảo an toàn cho sự trong trắng của bản thân.

Chẳng bao lâu sau, cảnh sát, xe cứu hộ lũ lượt kéo đến. Sau một tiếng đồng hồ, dòng xe cộ trên con phố trở lại bình thường. Và kể từ thời khắc cột đèn giao thông đang theo quy tắc xanh, vàng, đỏ chuyển thành ánh đèn vàng nhấp nháy đều đặn, thì màn đêm mới thực sự khuya khoắt.

Đóa Lệ vẫn chưa yên tâm, chốc chốc lại thò đầu ra quan sát, để chắc chắn rằng không có ai đang mai phục dưới đường.

“Ha ha ha…” Sau khi đóng cửa sổ lại, trong văn phòng kín mít như bưng, cô mới dám ôm bụng cười lớn. Rõ ràng vừa làm một chuyện tồi tệ đáng xấu hổ, song lại cảm thấy một nỗi cô đơn đang xuyên thẳng vào lồng ngực, tạo ra một lỗ hổng lớn, bất chợt trống rỗng, những giọt nước mắt vừa ngưng lại tức tưởi tuôn ra gấp bội. Bởi vì có một mình, bởi vì đến tận lúc này đây, cô vẫn cô đơn một mình, bất kể là sướng vui hay đau khổ.

Đóa Lệ xịt nước hoa khắp phòng cho át đi mùi bia nồng nặc, tỉ mẩn lau sạch sàn nhà, sắp xếp lại hồ sơ cho ổn thỏa, đợi đến khi văn phòng trở lại nguyên trạng, cô mới rời khỏi tòa nhà, trước đó còn bình tĩnh trò chuyện với quản lý Lưu về sự cố giao thông lúc nãy, luôn miệng trách cứ kẻ vô tâm vô tứ đã ném vỏ bia lung tung (mà rõ ràng đó chính là cô). Sau khi chào tạm biệt viên quản lý, Đóa Lệ giẫm trên vạch trắng của làn đường dành cho người đi bộ, cô ngoái nhìn đoạn đường nơi có vệt loang do bia đổ ướt, bất giác lè lưỡi, cảm thấy mình may mắn, cô vội vã rảo bước qua đường.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button