Văn học trong nước

Em Đồng Ý Ly Hôn

em-dong-y-ly-hon-ebook1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Chúy

Download sách Em Đồng Ý Ly Hôn ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : VĂN HỌC TRONG NƯỚC

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

   Cho những người sống quanh tôi…

Cuối cùng thì cuốn sách mà tôi nghĩ mình cần phải viết nhất cũng đã hoàn thành. Tôi hy vọng rằng, những con chữ bạn sắp đọc ở vài trăm trang tiếp theo sẽ là những thông tin có giá trị và được sử dụng cho mục đích làm cuộc sống tốt đẹp hơn.

Tôi đã gặp và nói chuyện với rất nhiều phụ nữ đã, đang và sắp ly hôn. Cuốn sách này là kết quả của hàng ngàn tin nhắn, hàng trăm những buổi chiều chúng tôi tìm kiếm, gặp gỡ và nói chuyện cùng nhau. Chúng ta đã đủ dũng cảm, bình yên để nhìn lại cuộc hôn nhân của mỗi người và tiếp tục hành trình phía trước trong hạnh phúc và niềm vui.

Hải Vy bé nhỏ, nụ cười hồn nhiên và sự lém lỉnh của con là tín hiệu an toàn nhất để mẹ biết rằng chúng ta đã đi đúng con đường cần đi và trở thành đúng con người chúng ta được tạo nên.

Và Bạn, những người lặng yên nhìn tôi nằm trên sàn nhà khóc lóc lấm lem và chỉ muốn tống cổ tôi ra chỗ khác để dọn dẹp sạch sẽ chỗ ở mới cho hai mẹ con tôi trước nửa đêm.

Còn mẹ tôi nữa, không biết mẹ đã hết buồn chưa?

Giới Thiệu

Cuốn sách đầu tiên của tôi,   Gom nắng cho em   được chị em phụ nữ rỉ tai nhau đọc. Tôi vui quá. Ngay cả trong một hội chợ sách, có chị mua sách của tôi rồi chạy lại xin chữ ký rất hớn hở: “Em ơi, ký vào đây cho chị một cái, ký vào rồi về chị cho chồng chị đọc, em viết là   Em chúc chị không bao giờ phải ở vào hoàn cảnh như em   , ấy thế mà tôi vẫn vui. Niềm vui của một người đang nỗ lực trở thành nhà văn và cười rất tươi khi có người vừa mua sách của mình.

Niềm vui “trong sáng” của tôi kéo dài được khoảng hai tháng sau ngày ra mắt sách. Sau đó thì cũng vẫn vui, nhưng kiểu khác. Hàng chục tin nhắn được gửi đến Facebook mỗi ngày, tôi vừa bất ngờ vừa lo lắng. Vài ngày đầu tiên, tôi đã rất nhiệt tình trả lời mỗi khi có tin nhắn gửi đến. 90% là những câu chuyện tình yêu và hôn nhân. T   ôi thấy mình phải có trách nhiệm đọc và trả lời, hoặc ít nhất là chia sẻ những tâm sự mà mọi người gửi đến cho mình. Ngày qua ngày, việc nói chuyện với các chị em qua Facebook trở thành “công việc” quen thuộc. Mỗi khi thấy có tiếng   ting ting   từ điện thoại, nhìn qua màn hình thấy chữ “Chị ơi/em ơi/bạn ơi…”, tôi hình dung ra ngay câu chuyện người ta chuẩn bị kể. Ít khi là chuyện vui.

Rồi sau đó thì tôi bị quá tải, vài chục người một ngày đều có nhu cầu nói chuyện. T   ôi   vốn tự đặt ra trách nhiệm của mình là phải có phản hồi vì cứ nghĩ họ đang buồn như vậy, đang khủng hoảng như vậy, họ cũng như mình của vài năm trước, muốn được sẻ chia và cần những lời khuyên của người có kinh nghiệm hơn. Tôi không thể và không nên im lặng. Rồi tôi “làm việc” một cách khoa học hơn, tôi đọc hết tin nhắn nhưng chia ra các cấp độ nghiêm trọng khác nhau để trì hoãn cuộc nói chuyện.

Bạn ơi mình phải làm sao? Mình vừa ôm con ra ngoài được hai ngày, thuê tạm nhà nghỉ để ở, chẳng mang theo đồ đạc gì, mình không biết   phải làm sao?

Em à, chị rối quá, vừa cãi nhau với lão xong, vẫn chuyện không ở chung được với bố mẹ chồng. Lão lên cơn lại đi uống rượu, cứ thế   này mệt mỏi quá, hay là bỏ quách cho xong?

Chị à, em bỏ nó rồi, em chả hơi đâu bực mình nữa. Em sẽ làm giống như chị, mạnh mẽ và chẳng phải phụ thuộc tình cảm vào ai cả.   Nó thích đi với con nào thì đi.   (Đây là tin nhắn tôi duyệt vào loại nghiêm trọng nhất)   .

Cậu à, chắc cậu không nhận ra tớ đâu, tớ học cùng trường cấp một với cậu, sang cấp hai thì cùng trường nhưng khác lớp, tớ đọc sách của cậu rồi…   (Tất nhiên, tôi không thể hy vọng một câu chuyện hàn huyên vui vẻ của những người bạn học cùng cấp một).

Mày à, tao nộp đơn rồi, mày đừng cản tao nữa nhé. Lần này tao không làm được thì tao bằng con mày   .

Chị à, anh ta vẫn đi chưa về, em gọi không nghe máy. Anh ta nói cứ làm đơn đi rồi anh ta ký, em phải làm sao đây?

Bạn à, bỏ chồng có khổ không?   (Câu này khó nhất và tôi thường phải nghĩ mệt hơn những câu khác).

Chị ơi, thế bỏ chồng rồi thì con mình phải làm sao? Con em không có bố, nó phải làm sao? Chị có bị dằn vặt nhiều không?

Chị ơi, thế bỏ chồng là lên phư   ờng hay lên quận? Có cần phải đi cùng chồng lên không, vì   anh ta không chịu đi cùng em.

Chị ơi, ly hôn thì mấy tháng giải quyết xong?

Chị ơi, em muốn bỏ chồng nhưng em không có tiền, có mất nhiều tiền không chị?

Chị ơi em nộp đơn rồi sao tòa án chưa gọi, đưa tiền cho thẩm phán thì đưa bao nhiêu hả chị?

Chị ơi, ly hôn rồi thì khi nào bình thường lại được?

Trí nhớ của tôi bắt đầu bị quá tải, tôi thường xuyên phải đọc lại tin nhắn trước đó để không nhầm lẫn câu chuyện của người này với người khác. Không nhầm chuyện tòa án với chuyện nhà chồng khó tính, chuyện lừa chồng để lấy cái sổ hộ khẩu đi công chứng hay chuyện đòi trợ cấp bao nhiêu một tháng và bốn tháng rồi “nó” không đưa đồng nào thì phải làm sao???

Ai cũng có một câu chuyện ly kỳ về cuộc hôn nhân của mình. Ai cũng bảo tôi: “Chị lấy (câu chuyện) để viết sách cũng được nhưng đừng nhắc rõ tên em”. Kể ra tôi mà chăm chỉ thì mỗi “vụ” ly hôn cũng thành một cuốn sách 40-50 nghìn chữ, tôi ra sách đều đặn hằng tháng được.

Tôi vui một chút vì rất nhiều phụ nữ đã tự chủ trong việc làm cho bản thân mình được hạnh phúc, vui vẻ. Nhưng tôi buồn và lo lắng nhiều hơn vì họ đang biến việc ly hôn trở thành một cuộc chiến, một quyết định trong cơn tức giận, một vết thương với nhiều di chứng, một việc mất thời gian hoặc một việc làm cho xong còn mặc kệ đến đâu thì đến.

Thế là tôi quyết định viết lại câu chuyện ly hôn mình từng trải qua và rất nhiều những câu chuyện tôi được bạn bè kể lại về cuộc ly hôn của họ. Chuyện thú vị và điểm chung duy nhất của việc ly hôn và kết hôn, đó là cùng một câu nói “Em đồng ý” rồi những người đàn ông và đàn bà trở thành Tất Cả hoặc Không Gì Cả trong cuộc sống của nhau.

Bạn đã đồng ý chưa?

Bạn có chắc mình mua quyển sách này vì bạn cần nó? Nếu bạn cần một động lực để đưa ra quyết định cho cuộc hôn nhân của mình, cuốn sách này có lẽ không d   ành cho bạn.   T   ôi cần nhấn mạnh rằng cuốn sách này sẽ không giúp ích được gì nếu bạn đang băn khoăn giữa việc gìn giữ hay buông tay. À, có thể bạn thích đọc trước để tìm hiểu và chuẩn bị tâm lý. Nhưng thật sự, nó không hạnh phúc như việc bạn tìm hiểu về các giai đoạn thai kỳ, cho con ăn dặm mà bất kể phụ nữ nào cũng muốn được tìm hiểu thậm chí trước khi họ lập gia đình. Nhưng tôi cũng không lấy làm ngạc nhiên khi bạn   muốn giữ một quyển trong nhà, như cái tủ thuốc treo trên tường mà bạn sẽ không bao giờ muốn bất kỳ thành viên nào trong gia đình mình phải dùng đến nó.

Tôi rất tiếc và đồng thời cảm ơn vì bạn đã mua nó.   Đơn vị làm sách sẽ rất vui khi họ bán được sách.Tôi cũng vui nữa.

Còn nếu bạn đã biết phải làm gì với cuộc hôn nhân của mình và muốn biết bắt đầu từ đâu, có lẽ tôi sẽ giúp bạn được ít nhiều. Bạn có nhớ cảm giác hạnh phúc của ngày đầu tiên khi quyết định gắn bó cuộc đời mình với ai đó? Cái cảm giác nhìn ngắm họ và nghĩ rằng cả thế giới của mình ở đó, rằng chúng ta đã may mắn thế   nào khi gặp được nhau, những ngày yêu đương và cố gắng   chỉ để có được một đám cưới trọn vẹn, những khoảnh khắc đếm ngược để về chung một nhà. Mọi hình dung về tương lai và cuộc sống lúc ấy… tôi chắc chắn đó là niềm vui và hạnh phúc. Tương lai duy nhất chúng ta tưởng tượng được ra lúc ấy là đôi vợ chồng già dắt tay nhau loanh quanh trên phố rồi lại loay hoay chống gậy tìm đường về nhà. Cánh tay người đàn ông mà chúng ta từng   níu chặt ở lễ đường   , 50 năm sau sẽ vẫn chìa ra cho ta bám vào mà đứng lên khi cái lưng còng chẳng còn đủ sức chống đỡ cả cơ thể.

Nếu quyển sách này xuất hiện trước mặt bạn vào thời điểm đó, chắc bạn sẽ chẳng mất công để đọc trọn vẹn cái tên sách vì hai chữ LY HÔN hoàn toàn không có trong từ điển hôn nhân của bạn. Bạn còn bận tâm chọn váy cưới và nghiên cứu những cuốn catalogue diễm lệ về hàng ngàn ý tưởng cho ngày cưới. Bạn bận đến nỗi thậm chí còn chẳng có thời gian bàn bạc để chốt xem những bài hát nào sẽ được biểu diễn vào ngày trọng đại ấy, danh sách khách mời cũng chưa xong, bạn chưa chọn được món tráng miệng sẽ là tiramisu hay trái cây tươi, khăn trải bàn màu hồng hay màu tím…

Và bây giờ quyển sách này đang ở trên tay bạn, hay tình cờ bạn nhìn thấy   và đọc lướt qua trang đầu tiên khi ông chủ hàng sách dễ tính vốn chẳng bận tâm người mua sách đến đây ở lại bao lâu…   V   ì bất cứ lý do gì, tôi nghĩ rằng bạn đã cảm nhận được ph   ần nào về hôn nhân, rằng chuyện gì sẽ đến KHI CUỘC SỐNG XẢY RA.

Thời gian gần đây, tôi được nghe rất nhiều những câu chuyện ly hôn của bạn bè, những người bạn tôi mới gặp lần đầu và cả những người bạn đã thân thiết với tôi từ thuở lên 10. Người vui, người buồn, người lắc đầu như thể vừa bước ra từ bàn cỗ cưới mà đồ ăn dở tệ, tặc lưỡi tiếc cái phong bì lúc nãy. Trước kia, khi nghe người ta nói đ   ến sự đổ vỡ trong hôn nhân, tôi đã nghĩ đó là thứ cảm giác chắc mình sẽ không phải trải qua, đó là một bước ngoặt mà có lẽ mình không phải đi vào, đó là nơi tồi tệ, đó là nỗi thất bại, đó là sự đau đớn không có kết thúc và một cuộc sống đã dừng lại.

Trong ký ức ngày nhỏ, tôi nhớ như in hình ảnh một người phụ nữ ở xóm trong, cách nhà tôi mấy nhà, cô ấy cũng sống một mình cùng cậu con trai. Mẹ tôi bảo cô ấy không có chồng. Vào những năm bao cấp, cuộc sống của một người phụ nữ không chồng luôn là đề tài bàn tán của cả xóm. Căn nhà cô ở cũng trở nên kỳ bí, câu chuyện của cô nói với con trai trong lúc ngồi ăn phở ở đầu ngõ người ta cũng lắng nghe, ai đến nhà cô người ta cũng nhấm nháy. Tất cả đều nhìn cô với ánh mắt tò mò, dò xét và e ngại, người ta thêu dệt nên đủ chuyện về cuộc đời cô: chồng chết, chồng bỏ, trốn đi biệt xứ, xin giống ở đâu hay cặp kè với thằng nào đẻ ra đứa con hoang…

Nhưng rồi khi cuộc hôn nhân của chính mình đổ vỡ và tôi tìm lại được sự cân bằng cũng như niềm vui để cuộc sống được tiếp tục, tôi mới nhận ra rằng, ly hôn cũng chỉ là một ngã rẽ, một lựa chọn trên con đường hạnh phúc.

Nhiều người nói rằng: Ôi tôi phải ly hôn vì không còn lựa chọn nào khác. Còn bản thân tôi thì nghĩ rằng, cuộc sống này tồi tệ ở chỗ có quá nhiều rủi ro, nhưng lại tử tế ở chỗ nó cho chúng ta lựa chọn một rủi ro với mức tổn thất ít nhất. Tức là, một cuộc hôn nhân trên bờ vực thẳm với bất kỳ lý do gì, vẫn có rất nhiều lựa chọn để giải quyết: Tiếp tục chung sống để làm cho ra ngô ra khoai, lập lại trật tự gia đình nếu bạn đủ sức, sống cùng nhà nhưng chỉ làm bạn, không can thiệp vào việc của nhau và đối xử với nhau một cách văn minh nếu bạn đủ nhiệt tình, hoặc ly hôn và sống cuộc sống khác nếu bạn đủ dũng cảm… và vài lựa chọn khác nữa tùy hoàn cảnh mỗi người. Bởi vậy, ly hôn là một lựa chọn của bạn chứ không phải bạn không có lựa chọn nào nên buộc phải làm vậy.

Rồi có người sẽ nói: Tôi muốn ly hôn, tôi không thể sống thế này mãi, nếu được chọn chắc chắn tôi sẽ chọn ly hôn. Nhưng còn con tôi thì sao, tôi sợ phải nuôi con một mình, con tôi lớn lên sẽ như thế nào đây?

Tôi biết, chắc chắn tôi biết. Đó là lựa   chọn khó khăn hơn nhiều so với việc bạn đứng ở quầy KFC, định gọi kem phủ sô cô la nhưng kem vani hôm nay lại được giảm giá đặc biệt trong khi bạn chỉ còn bụng để ăn thêm một chiếc. Không sao, cuộc sống là một chuỗi dài những việc bạn cần lựa chọn. Và điều quan trọng hơn là chúng ta phải làm gì sau đó với lựa chọn của mình.

Mẹ tôi đến giờ nhiều lúc vẫn trách móc, nhìn cháu nhà người ta có bố có mẹ thế kia, phải như thế thì trẻ con mới phát triển được. Tôi công nhận. Nhưng so sánh như các cụ thì gần giống với việc so sánh sức khỏe của người bị bệnh khớp với sức khỏe của vận động viên điền kinh vừa được huy chương vàng Olympic, đương nhiên thiệt thòi rồi. Nhưng có lẽ tôi đã khỏe mạnh và may mắn hơn bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối với cuộc sống chỉ tính bằng ngày. Không cần biết bạn và tôi đã lựa chọn thế nào, quan trọng nhất là phải làm cho bản thân mình được hạnh phúc, chúng ta không thể mang đến cho bọn trẻ những thứ mà ngay bản thân mình cũng không có được. Phải không?

Ly hôn.

Chắc lúc này nó vẫn chỉ là qu   yết định trong đầu và bạn còn hơi “ngại” khi phải thừa nhận, bạn vẫn chưa dám gọi tên chính xác việc mình sắp phải thực hiện, bạn vừa vội vàng mua được quyển sách này, nhét ngay vào túi, đi đến quán cà phê vắng khách rồi mở ra đọc, hoặc mang về nhà nhưng chỉ đọc khi còn lại một mình. Có thể bạn hoang mang, lo sợ và bắt đầu mặc cảm khi mình dần trở nên khác biệt một cách tiêu cực với mọi người xung quanh. Có thể nội tâm của bạn đã phải trải qua một cuộc chiến đấu khắc nghiệt nhất giữa đúng và sai, nên hay không nên, mặc kệ hay phải làm gì đó để thoát khỏi những hỗn độn của hiện tại. Đấy là chưa kể, để đi đến trận chiến cuối cùng này, bạn đã có một hành trình không bình yên trong khoảng thời gian hôn nhân trước đó.

Vậy nên, ly hôn chỉ là đoạn nghỉ vừa đủ để bạn thu xếp một hành trang mới rồi tiếp tục dịch chuyển trên con đường cuộc sống, nơi mà mỗi người sẽ gặp những chướng ngại vật không giống nhau, nhưng nhiệm vụ chung vẫn là phải vượt qua và bước tiếp. Nếu bạn đã quyết định dừng cuộc hôn nhân của mình lại và tiếp tục hành trình này, hãy can đảm lên, hít thật sâu như thể không khí này đang được nạp vào cơ thể bạn rồi chuyển hóa thành sức mạnh, mọi trở ngại phía trước, cả nỗi sợ đang len lỏi và làm run rẩy từng đốt xương nhỏ nhất của bạn sẽ được chuyển hóa thành năng lượng, nuôi dưỡng đôi cánh tự do.

Bạn đã sẵn sàng chưa? Chúng ta có rất nhiều việc phải làm!

Trước tiên, bạn cần tự trấn an bản th   â   n mình, không phải bạn cá biệt, không phải bạn đang mang đến trái đất này một loại vi rút siêu nguy hiểm và chuẩn bị tinh thần đón nhận sự phẫn nộ của đồng loại. Bạn chỉ đang đi trên một con đường mòn được phát quang bởi nhiều người đi trước. Ngạn ngữ Pháp có câu: “Một cuộc ly hôn tốt còn hơn một cuộc hôn nhân xấu.   ”   Gia đình là sự kết hợp của hôn nhân và huyết thống. Tôi có một suy diễn mang tính cá nhân rằng: hôn nhân là vợ chồng, huyết thống là con cái, hôn nhân tốt đẹp, huyết thống sẽ bình an, vợ chồng hòa thuận tình cảm, con cái sẽ có môi trường phát triển tốt. Vì vậy, một gia đình hạnh phúc, đầu tiên phải là một cuộc hôn nhân hạnh phúc, sự bất ổn trong hôn nhân tác động rất xấu đến việc nhìn nhận của con cái chúng ta sau này về hạnh phúc gia đình. Đến thời đại của chúng, định nghĩa về gia đình sẽ là: bố là để nhậu nhẹt đêm ngày, bố là để đánh đập mẹ, mẹ là để nấu cơm rửa bát, bố là để đi công tác triền miên và để lại tiền trên bàn học, mẹ là để thức ăn sẵn trong tủ lạnh và quát mắng hằng ngày, có bố có mẹ là để hằng ngày nghe họ cãi cọ, xúc phạm nhau… Chúng ta không cần phải dùng gia đình làm vỏ bọc cho những bất ổn về hôn nhân và lý do biện hộ cho việc giữ gìn tương lai con cái.

Một bài báo trên Dân trí, ngày 19/7/2005 với title “Ly hôn và 9 con số gây sốc”:

– Trong số những người đã có gia đình, 70% đàn ông và 60% phụ nữ đã từng ăn phở. Thật đáng… giật mình khi biết rằng: cứ 3 gia đình thì có tới 2 không chung thủy.

– Cứ 13 giây là có một cặp vợ chồng trên thế giới đòi ly hôn.

– 90% các vụ ly hôn bắt nguồn từ việc vợ hoặc chồng đã từng   “   ăn vụng   ”   một lần nào đó trong thời gian chung sống.

– 80% những vụ ly hôn với lý do   “   chán cơm, thèm phở   ”   hoặc hối hận vì quyết định của mình.

– 75% những người bỏ gia đình để chạy theo tình nhân cuối cùng cũng lại ly hôn người tình mới.

– Sau khi ly hôn, 50% phụ nữ và 33% đàn ông không hết căm ghét đối phương, dù đã chia tay được 10 năm.

– Người phụ nữ thường gặp khó khăn hơn đàn ông trong việc tìm kiếm một gia đình mới.

– Tuổi thọ của những mối tình vụng trộm không hề ngắn. Tính trung bình, một cuộc tình kiểu như vậy thường kéo dài từ 2 – 4 năm.

– Người ta cũng kết luận rằng những cuộc hôn nhân là   “   phở thay cơm   ”   thì nó vẫn đem lại những bất ổn tình cảm tương tự, nhưng khả năng đổ vỡ thì… lớn gấp đôi.

Những thông tin do các nhà nghiên cứu cung cấp và việc tôi ngồi viết cuốn sách   này chẳng khác nào cổ vũ cho   chị em phụ nữ bỏ chồng. Mà có khi, chẳng cần đến sự cổ vũ yếu ớt của tôi thì nhìn ra xung quanh cuộc sống bây giờ, chuyện ly hôn rồi trở thành cha mẹ đơn thân trở nên bình thường như việc ở Hồ Gươm vào mùa thu tháng Mười   có khoảng gần 20 đôi chụp ảnh cưới mỗi cuối tuần.   Nhưng bạn đã thực sự biết cách đối xử với cuộc hôn nhân của mình một cách văn minh ngay cả khi không còn đồng hành cùng nhau nữa? Nhiều người tặc lưỡi thôi đã đến mức bỏ nhau rồi thì còn gì mà nói nữa, nhưng trên thực tế để có một cuộc ly hôn êm đẹp và “hạnh phúc”, bạn phải chuẩn bị cầu kỳ chẳng khác gì cho một đám cưới. Bạn mất cả năm để lên kế hoạch cho đám cưới của mình, bạn đã mất thời gian thế   nào để chuẩn bị cho việc gắn bó cuộc đời mình với ai đó, thì đến lúc rời xa họ, chắc chắn bạn sẽ muốn nó thật đẹp đẽ và trọn vẹn phải không?   Chưa kể đến việc bạn gói ghém một cuộc hôn nhân cũ cũng chính là khoảng thời gian tiền đề quan trọng để bắt đầu cuộc sống mới. Cái kết thúc bạn muốn nhắm mắt làm cho qua, nhưng chia buồn với bạn, nó lại là trang đầu tiên trong hành trình mới.

Vì vậy, hãy làm nó thật cẩn thận và trọn vẹn.

Đừng hiểu nhầm, tôi không định bảo bạn phải tổ chức họp báo để tuyên bố bạn sắp bỏ chồng. Nhưng ít nhất bạn không   nên biến nó thành một vùng ký ức đáng sợ mà bạn không bao giờ muốn nhớ về. Một cuộc ly hôn đẹp đẽ nhẹ nhàng, dịu dàng là cái kết trọn vẹn cho cuộc hôn nhân thiếu một chút may mắn của bạn.

T   ôi luôn nhìn nhận hôn nhân như một cơ thể bình thường được nuôi sống bởi hai cơ thể khác là vợ và chồng. Mọi thứ   chúng ta làm với nhau đều tác động đến tình trạng sức khỏe của cơ thể ấy.

Và, để tôi kể thêm cho các bạn nghe câu chuyện này…

Một lần có một phụ nữ trên Facebook vào nói chuyện với tôi,   tôi không quen chị ấy, chỉ biế   t qua vài lần bình luận trên mạng. Chị ấy hỏi dồn dập nào là sao em lúc nào cũng lạc quan vui vẻ, sao em quên được cuộc hôn nhân đã đổ vỡ trước đây, sao chị thấy hai mẹ con em suốt ngày đi chơi ca hát, sao em còn trẻ mà quyết định được những chuyện như vậy, em đã làm thế   nào?

Tôi chưa gặp chị ấy lần nào, đó cũng là lần đầu tiên nói chuyện chính thức với nhau. Một người xa lạ.   Những câu hỏi của chị khiến tôi thấy lạ lùng, hình như chị có chuyện buồn gì đó mà những niềm vui giản dị của tôi lại trở thành quá xa xỉ với chị. Tôi   hỏi chị có chuyện gì vậy? Rồi chị kể, chị đang sống cùng một cậu con trai bốn tuổi, cuộc sống kinh tế không quá khó khăn, nói chung cũng bình thường và tạm ổn. Chồng chị đã bỏ đi từ hai năm nay rồi, đi cùng một người phụ nữ chị chưa từng gặp mặt. Một buổi tối mùa đông năm 2012, anh ta về lấy một ít giấy tờ và nói rằng đã yêu người khác, muốn có cuộc sống với người khác, mọi thủ tục ly hôn anh ta sẽ quay lại giải quyết sau. Đó là lần đầu tiên chị biết chồng ngoại tình, và một tiếng sau khi thông báo như thế hắn ta đi biệt tích cho đến tận bây giờ. Chị và con trai phải chuyển đến thuê một ngôi nhà nhỏ hơn cho đỡ tiền và bắt đầu cuộc sống mới. Căm thù, điên loạn, rồ dại và phát cuồng lên mỗi khi đứa bé hỏi sao bố đi công tác lâu thế, chị mang tất cả những nỗi đau ấy nuôi con và sống qua hai năm đằng đẵng. Chị hỏi tôi làm cách nào để quên đi chuyện cũ, làm sao để hết căm hận người đã từng chung sống với mình và làm thế nào để vui vẻ mà nuôi con vì hai năm rồi không đêm nào chị ngon giấc.

Nghe xong buồn lặng đi, tôi mới là người phải hỏi tại sao chị ấy lại vượt qua được, sao vẫn đủ sức để duy trì cuộc sống thật tốt cho hai mẹ con đến tận bây giờ sau buổi tối kinh hoàng ấy. Chị còn không có cơ hội để tức giận, để được khóc lóc đập phá, để nghe giải thích hoặc ký vào tờ đơn ly hôn. Tôi nghĩ việc phụ nữ phải chịu cảnh chồng hoặc người yêu bỏ đi là mức độ tổn thương khủng khiếp nhất, tồi tệ nhất, hơn cả việc chia tay.   Câu chuyện của chị, chưa phải là câu chuyện buồn nhất tôi từng được nghe đâu. Nhưng điều lạ nhất ở chị, là khi kể chuyện chị ấy đều bảo “từ ngày chia tay… lúc chia tay hắn bảo chị… sau khi chia tay…”

Tôi thiếu nước đập máy tính và chửi rống lên: Đấy đ*** phải là chia tay chị ạ, đấy là bỏ đi, là bỏ đi chị hiểu không. Chia tay á? Là phải cãi nhau một trận rồi đập hết bát đĩa ngày xưa đưa nhau đi mua ở cửa hàng gia dụng ấy, đập luôn ảnh cưới cũng được, chửi nhau cũng được, lôi hết thói hư tật xấu của nhau ra mà bêu riếu cũng được, thậm chí đánh nhau, nhổ nước bọt vào mặt nhau, cắt vụn quần áo của nhau…và một vài hình thức khác của bọn “văn minh” hơn (tôi chẳng biết).

Cảm giác bị bỏ rơi là cái đau khổ hoàn toàn bị động, đau đến tận xương tủy, đến nghẹt thở mà tôi nghĩ không làm cách nào an ủi được. Tôi không hình dung nổi người phụ nữ và đứa trẻ ấy sẽ ôm nhau sống ra sao, chị ấy chắc sẽ khóc hằng đêm, giấc ngủ chập chờn mỏi mệt, thở cũng đau, nói cũng đau, cười cũng đau, chị ấy sẽ chết dần đi mất… Làm cách nào, tôi cũng muốn biết làm cách nào mà chị vượt qua được, làm cách nào mà chị còn đủ sức đếm đến hơn 700 ngày, mở mắt chứng kiến hơn 700 buổi bình minh…

Ở cách mình 400 cây số, chị ấy đang ôm con, cũng như mình ôm con đi ngủ đêm qua.

Hai   năm trôi qua, không có bất kỳ một tin tức gì từ kẻ bỏ đi… thà là một tờ giấy báo tử, chị đã từng nghiến răng mà nghĩ thế. Hai năm trôi qua, tôi vẫn có những cuộc gọi nửa đêm từ người bạn đời cũ, “Tự nhiên anh có cảm giác bất an, hai mẹ con em vẫn ổn chứ?”

Cho nên, chia tay thì buồn thật, nhưng ít ra chúng ta cũng đã may mắn hơn rất nhiều người còn không có cơ hội tạm biệt quá khứ của mình.

Tôi muốn chia sẻ câu chuyện ly hôn của mình và của những người phụ nữ xung quanh mà tôi biết. Có lẽ không đủ tất cả các hoàn cảnh ly hôn, sẽ có người tìm được những vướng mắc chung và hướng giải quyết, sẽ có người đặt cuốn sách này xuống mà lòng vẫn bộn bề, chẳng biết phải làm sao với cuộc hôn nhân của mình. Nhưng dù với bất kỳ hoàn cảnh và tình huống nào, chúng ta cũng không nên ly hôn một cách cẩu thả, vội vàng.

Và tôi còn hy vọng nhiều hơn, sẽ ngày càng ít những người phụ nữ phải bắt đầu hành trình này!

ĐỌC THỬ

  Giải quyết các thủ tục pháp lý

Đây là thứ bạn không mấy bận tâm khi kết hôn, nhưng lại là 90% những thứ bắt buộc bạn phải quan tâm và đầu tư thời gian, thậm chí tiền bạc để tìm hiểu.

Khi có ý định viết cuốn sách này, tôi đã vác giấy bút đến nhờ vả một chị bạn của tôi là luật sư để nhờ chị tư vấn và cung cấp cho những thông tin và các thủ tục cần thiết cho những cặp đôi có mong muốn ly hôn. Chị hỏi tôi định viết quyển sách này thế nào. Tôi uống xong cốc trà mát lạnh chị đưa rồi hào sảng nói:

– Em định viết nó giống như một cuốn cẩm nang cho phụ nữ nếu chẳng may họ rơi vào trường hợp này ấy, hướng dẫn từng bước xem   muốn ly hôn thì phải làm gì, với trường hợp này thì phải làm sao, trường hợp kia thì làm thế nào, cần gì, hỏi ai, đi đâu… Rồi trong quá trình ly hôn sẽ có các trường hợp điển hình phát sinh thì lúc ấy họ phải làm gì. Nói chung em muốn đưa ra giải pháp ứng xử cho tối đa các trường hợp có khả năng xảy ra vì bây giờ nhiều chị em chắc chắn vẫn loay hoay không biết giải quyết thế   nào và chịu rất nhiều thiệt thòi vì không hiểu rõ luật pháp.

– Ừ thế em định viết quyển sách này trong bao lâu?

– Em định một năm đổ lại, vì em có đề cương chung rồi, bây giờ lắp thông tin vào thôi chị ạ.

– Sách em định bao nhiêu trang?

– Em chưa biết, nhưng chắc không nên dày quá vì đề tài này nặng nề rồi. Khoảng 100-150 trang thôi chị.

– Ừ, thế với mỗi trường hợp ly hôn em định kể tên ra thôi hay em nói luôn với họ nên làm như thế nào?

– Ơ em muốn nói rõ xem họ nên làm thế   nào chứ, đấy là vấn đề mọi người muốn biết mà chị.

– Thế thì 150 trang chứ đến 1.500 trang, mà chỉ là kể tên thôi em cũng chưa lường được hết các trường hợp xảy ra trong ly hôn, các hoàn cảnh ly hôn… n   ên nếu nói đến các vấn đề pháp lý em không thể ôm hy vọng có một cuốn cẩm nang cho tất cả mọi người được. Ngay cả em cần mẫn ghi chép và tự tin ra một quyển sách có tương đối đầy đủ các trường hợp điển hình, thì ngay sau thời điểm em ra sách   , cuộc sống vẫn tiếp diễn với hàng ngàn vụ ly hôn mới với vô số các tình huống mới, em cập nhật theo tháng cũng không kịp.

Tôi vỡ mộng. Tôi còn chưa viết được chữ nào vào quyển sổ mới mua. Trước khi đến đây tôi đã có sẵn trong đầu vài trường hợp ly hôn xung quanh tôi với một số tình huống phát sinh đặc biệt. Tôi nghĩ sẽ được bổ sung và giải đáp thêm rất nhiều khi gặp chị bạn luật sư của mình. Tôi không biết mình nên khóc lóc ăn vạ vì bao nhiêu hứng thú và hy vọng của mình bỗng nhiên bị dập tắt hay nên thở phào vì suýt nữa đã đi vào một đường hầm bất tận không lối ra.

Sở dĩ tôi vẫn muốn viết về các vấn đề pháp lý đầu tiên, vì những rắc rối này đã từng làm tôi nản chí đến mức chấp nhận ly hôn thất bại một lần. Đi lại nhiều lần, thiếu cái nọ, bổ sung cái kia, xác nhận cái này, chứng minh cái khác, lúc cần, lúc không, người gật, người lắc… Tôi đã lười và bực mình đến không cả muốn bỏ chồng nữa.

Lần đầu tiên, tôi lọ mọ đến tòa án từ sớm, mua đơn rồi hỏi han thủ tục cẩn thận. Một giọng nói vọng ra từ ô cửa bé t   í. Tôi   không nhìn thấy mặt chị vì không cúi xuống được, chỉ thấy cái dây chuyền mặt hồng ngọc của chị lọt thỏm ở khoảng trống dưới cổ:

– Thuận tình hay đơn phương?

– Là sao chị?

– Em mua đơn ly hôn thuận tình hay đơn phương?

– Thế hai cái đấy nó khác nhau à chị? –   Tôi mới chỉ tìm hiểu được trên Internet là muốn   ly   hôn thì lên tòa án quận mua đơn, chưa   hề biết đơn cũng có đủ loại thế này.

Chị ta thở dài một tiếng kiểu vừa bực vừa chán không thèm nói, chắc trường hợp này chị gặp nhiều rồi và cũng oải lắm rồi nên chẳng thiết giải thích thêm nữa.

– Thôi đây cứ lấy cả hai về mà viết rồi tìm hiểu sau. Thế lấy bao nhiêu tờ?

Tôi lấy năm tờ mỗi loại đề phòng có sai sót. Ở mỗi tờ đơn đều đã có các yêu cầu về giấy tờ kèm theo. Tôi chưa về luôn mà vào ngồi trong các dãy ghế chờ ngoài hành lang, đọc hết một lượt các yêu cầu xem có loại giấy tờ gì phức tạp mà phải nghỉ ở nhà chuẩn bị không. Không có, tất cả đ   ều là các loại giấy tùy thân cơ bản, đăng ký kết hôn, khai sinh của con… Đại loại là thủ tục giấy tờ đã rất sẵn sàng rồi. Tôi nhìn ra xung quanh thấy toàn các chị em ngồi đợi. 90% trên tay họ là đơn ly hôn, tôi tò mò nhìn xem đơn của họ là loại gì thì mỗi người một kiểu. Chắc nhìn thấy tôi cầm cả tập đơn trên tay mà chưa ghi gì, cô gái bên cạnh bắt chuyện:

– Sao chị chưa ghi đi mà nộp luôn?

– À chị đến mua đơn đã, chứ chưa chuẩn bị đủ giấy tờ. Mà của em là thuận tình hay đơn phương?

– Em là đơn phương ly hôn, nhưng nay em còn lên hỏi xem vì trường hợp của em không đủ giấy tờ có sao không?

Chị ngồi kế bên chắc nãy giờ nghe thấy câu chuyện nên hỏi quàng vào:

– Sao lại không đủ, không đủ thì người ta chẳng giải quyết cho đâu, lần trước tôi lên đủ hết giấy tờ rồi mà còn hành cho các kiểu.

Ôi giời ơi, ở   nơi thế   này đúng là dễ làm quen và nói chuyện. Lúc đầu tôi còn ngại ngại, từ lúc gửi xe ngoài hàng nước bên cạnh tôi đã gờn gợn khi luôn nghĩ rằng người ta đang nhìn mình với ánh mắt kỳ cục: À, chắc cô này đến đây bỏ chồng; Chắc lại lên giải quyết chuyện chồng con… Trong suy nghĩ của tôi lúc ấy, tòa án vẫn là một nơi hoàn toàn   chỉ dành cho chuyện kiện tụng, xử án, các tệ nạn xã hội… và chẳng có lý do gì mình nên có trải nghiệm ở đây cả.

Cái cảnh chị em xếp hàng ngồi đợi rồi chuyện trò thế này gần giống với cảnh ngoài hành lang bệnh viện trong lúc ngồi đợi kết quả xét nghiệm hoặc chờ lượt vào khám. Mọi thứ đều dễ dàng để làm quen và sẻ chia. Những câu chuyện không cần giải thích nhiều mà chỉ cần vài thuật ngữ chuyên ngành kiểu như “bồ bịch lăng nhăng”, “thằng vũ phu ăn hại”, “cãi nhau như chém chả suốt ngày”…

Cô gái trẻ bên cạnh tôi giải thích:

– Em không lấy được cái chứng minh của thằng chồng để đi photo. Nó giấu đi đâu chẳng biết, cái hộ khẩu thì lừa mãi mới mang đi công chứng được.

– Ôi giời, thế thì cứ giải quyết kiểu chồng mất tích hoặc bỏ đi biệt xứ là được. Bạn tôi cũng có đứa bỏ chồng như thế, thằng chồng nó còn đốt hết cả giấy tờ của cả vợ cả chồng đi ấy. Mấy trường hợp này thì phải có tiền cho thẩm phán là nhanh nhất, họ nói cho làm thế nào thế nào chứ mỗi lần lên “nó” lại hoạnh cho một kiểu thì hết đời chả bỏ được.

– Thế chị lên nộp hay là tòa gọi lên giải quyết rồi?

– Lên nộp lại, lần thứ ba r   ồi đấy. Hai lần trước “nó” cũng lên nhưng xin nọ xin kia bảo để vợ chồng hòa giải, chị thẩm phán cũng bảo thôi “nó” nhiệt tình hòa giải thế thì để xem sao nhưng sau thì đâu vẫn vào đấy. Lần này tôi làm cho ra ngô ra khoai với “nó”, không có hòa với giải gì hết. Bỏ đi cho rảnh nợ chứ thế này nhức đầu mà đeo đẳng mãi, làm ăn cái gì cũng sập.

Một chị ngồi hàng ghế đối diện đang sắp xếp lại hồ sơ của mình với đủ thứ giấy tờ, tôi đoán chắc phải đến gần 20 tờ. Đang còn nghĩ bụng tò mò thì chị ngồi gần đấy đã lên tiếng:

– Nhà này chắc có chia chác tài sản đúng không? Cái vụ này là đau đầu nhất đấy.

– Vâng, đủ thứ chị ạ. – Chị kia trả lời nhưng không ngẩng lên nhìn mà vẫn chăm chú xếp lại hồ sơ của mình.

Tôi bắt đầu phát hoảng. Sao mà lắm thứ rắc rối phức tạp thế. Tôi đọc đến tờ đơn trên tay mình, phải đến ba bốn tờ giấy hai mặt với đủ loại thông tin cần điền, cái gì mà tài sản chung, nợ chung, giải quyết việc nuôi con, trợ cấp hằng tháng cho con, lý do ly hôn trình bày rõ… Lúc ấy tôi còn không biết tài sản chung là thế   nào. Tôi bắt đầu hoang mang vì đủ thứ phải khai thế này, mà chẳng biết chồng mình có chịu hợp tác không. Sau tuyên bố chia tay   , tôi lẳng lặng đi làm mấy việc này, hoàn toàn chưa có bàn bạc gì thêm. Nhỡ chồng tôi gây khó dễ, nhỡ có giấy tờ đất cát rồi xảy ra tranh cãi thì sao. Nhưng nghĩ lại t   ôi làm gì có, may quá không phải lo. Tự nhẩm tính trong đầu thế và tôi bắt đầu cảm thấy lười biếng với quá nhiều thủ tục hành chính cho một lần ly hôn. Kết hôn thì lên phường đăng ký là xong, mỗi người ký   một cái rồi hớn hở ra về mà sao ly hôn cần nhiều thứ vậy.

Đó mới là màn khở   i đầu. Tôi về nhà khai đầy đủ, chuẩn bị đầy đủ giấy tờ rồi mang đến nộp vào sáng ngày hôm sau. Họ hẹn tôi một tuần sau lên để xếp hồ sơ và thông báo ai sẽ là người giải quyết.

Tuần sau tôi đến và   đợi cả tiếng đồng hồ. Nhưng lần này tôi đỡ ngại hơn và bắt đầu ngồi hóng hớt chuyện của mọi người xung quanh. Có em gái trẻ ly hôn mà mẹ đẻ phải đưa đi cùng rồi đứng bên cạnh chỉ cho phải ghi cái gì cái gì. Thi thoảng cô bé lại khóc khóc mếu mếu, bà mẹ thở dài rồi nước mắt cũng lưng   tr   òng. Hai người phụ nữ một già một trẻ có vẻ vội vàng sốt ruột. Phần lớn mọi người ngồi đợi ở đây đều là phụ nữ. Tôi để ý xem mấy anh đàn ông ngồi hàng trên đến đây nộp đơn ly hôn hay làm gì thì cả mấy người họ đều đến vì những việc khác nhau. Có người kiện tụng đất cát, có người làm lại di chúc cho bố   mẹ hay gì đó…

Đến lượt tôi vào gặp thẩ   m phán. Đầy đủ giấy tờ, hồ sơ sạch đẹp, nhưng kỳ lạ, cứ bước chân vào mấy chỗ này là đầu óc lại căng ra như nồi tráng bánh cuốn. Căn phòng thẩm phán cũ kĩ, giấy tờ chồng chất, cửa giả thì xập xệ. Tôi ngồi chưa đầy năm giây đợi thẩm phán nói chuyện điện thoại xong đã thấy ba   lượt người đi ra đi vào từ   ba   cánh cử   a khác nhau trong căn phòng ấy. Có cánh cửa dẫn vào một phòng khác, ánh điện sáng trưng và một dãy ghế ngồi đợi như bệnh viện. Rờn rợn. Có cánh cửa dẫn ra hành lang lờ mờ với bức tường cũ kĩ   và ẩm thấp. Tôi chẳng biết nó dẫn đến đâu. Hay đó   là phòng xử án giống như trên tivi, hoặc   là nơi giam giữ   tội phạm giết người. Hay đấy là căn phòng đặc biệt với đầy đủ trang thiết bị để “   đàm phán   ” với những người phạm tội mà cương quyết không khai nhận. À, chắc tôi nhầm với đồn công an rồi cũng nên.

Cái ẩm ướt u ám của tháng Ba bao trùm lên từng góc nhỏ trong căn phòng này. Bức t   ường loang lổ như nấm mốc, đống giấy tờ ngổn ngang như nặng thêm cả tấn vì độ ẩm không khí.   Ông thẩm phán vừa kết thúc cuộc điện thoại, ngẩng lên nhìn tôi. Ông này chưa già lắm, ngoại hình   cũng dễ nhìn, cầm tập hồ sơ của tôi lên rồi hỏi mà chẳng thèm ngước lên nhìn:

– Sao trẻ thế này mà đã bỏ chồng?

Tôi cười không được tươi lắm và vẫn im lặng.

– Đơn ghi thế này chưa được, lý do ly hôn cái gì mà “hết tình cảm” với lại “giảm gánh nặng tâm lý cho vợ chồng”. Có cái gì thì viết rõ ra đừng có chung chung lý thuyết thế này người ta không giải quyết cho đâu. Về ghi lại đi đã. Thứ Sáu tuần sau mang lên đây gặp tôi.

Không nói được gì, tôi lo lắng cầm lại hồ sơ của mình rồi ra về. Bộ dạng đáng thương và mệt mỏi “vì hôn nhân tan vỡ” của tôi cũng chẳng làm động lòng những người hằng ngày, hằng tháng phải gặp, phải nhìn và giải quyết hàng trăm, h   àng nghìn vụ ly hôn thế này.

Về nhà tôi cứ nghĩ mãi, thậm chí lên cả mạng tham khảo xem viết đơn ly hôn thế   nào. Đúng là trên Internet chẳng thiếu   thứ   gì cả.

Nhưng rồi trên mạng cũng mỗi người nói một phách. Tôi quyết định ghi theo tư vấn của một chị luật sư trên diễn đàn Lamchame:   Cuộc sống vợ chồng nảy sinh nhiều mâu thuẫn, quan điểm khác nhau. Chúng tôi cảm thấy không thể tiếp tục chung sống nên rất mong tòa án giải quyết cho chúng tôi được ly hôn.

Phải viết ở thể bị động hết đấy các chị em ạ. Xin cho tôi được bỏ chồng, cho tôi được ly hôn, cho tôi được tự do… Chẳng bù cho ở Lebanon (mình viết tiếng Anh lòe chị em chứ tên quen thuộc là Cộng hòa Li-băng), theo truyền thống nếu một người phụ nữ muốn ly hôn thì cô ta chỉ cần đi ra khỏi nhà chồng và không hẹn thời gian quay trở lại. Vài ngày sau cô ta vẫn chưa trở lại và nhà chồng không có tin tức gì về thành viên đã bỏ đi thì tức là đôi vợ chồng đó đã ly hôn xong.   Còn nếu người chồng muốn ly hôn, anh ta sẽ nói với vợ mình:   “   Đi   đi và đừng có quay về nữa”. Vậy là cả hai đều có đủ quyền tự do bắt đầu một hành trình mới. Tôi nghĩ đây là đạo luật ly hôn tiên tiến nhất thế giới. Chẳng có hình thức nào cắt đứt mối quan hệ vợ chồng rõ ràng hơn việc một người đã chẳng còn muốn quay về tổ ấm của mình.

Có lần tôi đọc được bài báo về những lý do ly hôn hoàn toàn được chấp nhận trên thế giới như: Ở Nhật Bản, một người đàn ông có thể ly hôn vì vợ anh ta có tư thế ngủ không đẹp. Ở Ý, nếu người vợ không chịu làm việc nhà thì người chồng có quyền đệ đơn ly hôn và tòa án sẽ nhanh chóng giải quyết cho anh ta. Toàn những lý do duy lý cực kỳ chính đáng và thiết thực.

Và tôi nghĩ, cái lý do trên kia của tôi ở Việt Nam chắc sẽ được chấp nhận thôi, cả một topic dài trăm trang mà rất nhiều người đã ghi như thế thì chắc là hiệu quả thấy rõ rồi.   Mâu thuẫn, quan điểm, mâu thuẫn, rồi là không thể tiếp tục chung sống. Rất vĩ mô và dứt khoát. Yên tâm rồi.

Thứ S   áu tuần sau tôi xuất hiện lại   . Ông thẩm phán vẫn nhớ mặt tôi, tôi biết thế khi ông ngẩng lên nhìn tôi rồi hỏi: “   Để xem lần này đúng chưa đã   ”.   Ông ta đọc lướt qua tờ đơn ly hôn thuận tình một lần, đọc lướt qua chỗ lý do ly hôn và sang trang tiếp theo.   Tạ ơn giời, chắc qua rồi. Tôi ngồi đợi mà tim cứ đập thình thịch. Tối qua bạn “chồng sắp cũ”   đã cằn nhằn về việc cứ phải   ký đi ký lại đơn ly hôn thế này bực mình quá. Ông ta đặt tờ đơn xuống bàn, ngó qua đống giấy tờ còn lại, rồi lại làm gì đó trên màn hình máy tính, rồi mang ra một tập hồ sơ khác trên bàn lật lật xem xem. Tôi vừa hồi hộp vừa sốt ruột chẳng hiểu ông ta làm cái gì. Rồi ông ta cầm lại đống giấy tờ của tôi.

– Đây nhé, phần này được rồi… cái này được rồi… nhưng chỗ thỏa thuận quyền nuôi con rồi trợ cấp thế   nào phải ghi rõ   số tiền vào đây. Chỗ nào tự thỏa thuận và không yêu cầu tòa án giải quyết cũng phải ghi đầy đủ vào   “Chúng tôi có thể tự thỏa thuận không yêu cầu tòa án giải quyết”. Về ghi lại đi, rồi ra phường làm thủ tục hòa giải trước.

– Ra phường là sao hả anh? Em thấy bảo nộp đơn lên tòa án là được rồi ạ? – Tôi ngơ ngác.

– Thế chị đã ly hôn bao giờ chưa? Về mua quyển luật Hôn nhân và gia đình đọc lại nhé. Chúng tôi phải giải quyết hòa giải từ cấp cơ sở. Rồi chị lấy giấy xác nhận của phường lên đây, tôi cho giấy ra nộp án phí xong thì chúng tôi mới giải quyết.

– Vâng, vậy cho em hỏi lên phường thì thủ tục giấy tờ như thế nào đượ   c không ạ?

– Cái đó chị về hỏi cơ quan hành chính của phường nơi cư trú thì rõ. Chị cứ cầm tập hồ sơ này về, sửa lại là được, rồi giải quyết ở phường xong lên gặp tôi.

Tôi bực mình đi ra. Thế chị ly hôn bao giờ chưa? Đâu ra cái kiểu thẩm phán hỏi như ngoài chợ. Giờ lại còn bắt lên phường hòa giải nữa. Tôi đến kêu giời với cái thủ tục hành chính kiểu này. Bỏ chồng tưởng mà dễ à, tưởng thích bỏ là bỏ được à? Đấy, giờ mới thấm cái câu ấy, nó hoàn toàn biện chứng chứ chẳng có gì là trừu tượng, ẩn dụ hết. Đang “thích bỏ chồng”   mà thẩm phán nói tờ đơn ghi sai cũng đừng hòng bỏ được. Giờ lên phường mà phường không cho bỏ thì không   còn là số giời nữa mà đến cả người đời cũng chẳng cho mình bỏ nhau đâu chồng ạ.

Tôi ngồi nấn ná thêm ngoài hàng ghế đợi để hỏi mấy chị em khác ly hôn thì thủ tục thế   nào. Chuyện hỏi han ở mấy nơi đòi hỏi nhiều thủ tục như tòa án, bệnh viện, phường xã là vô cùng hữu ích. Bạn sẽ có thêm nhiều thông tin bên lề, mỗi   người một ít cũng đủ cung cấp thêm cho bạn rất nhiều kinh nghiệm. Tôi ngồi xuống chiếc ghế trống cạnh một chị khoảng ngoài ba mươi. Chắc chị ấy cũng tranh thủ xin nghỉ nửa buổi làm công sở như mình để đi giải quyết chuyện gia đình, tôi đoán chắc như thế sau khi nhìn “trộm”   được tờ đơn bên trong túi đựng tài liệu màu trắng   trong. Ngồi yên vị được năm giây   là tôi quay sang bắt chuyện ngay:

– Chị ơi em hỏi chút, chị cũng lên nộp đơn ly hôn đúng không?

Chị ấy quay sang tôi, có vẻ hơi ngại:

– Ừ em, chán thế đấy, từ sáng đến giờ toàn thấy giải quyết ly hôn thôi.

– Chị đã nộp được chưa? Em đang không biết trường hợp của mọi người thế nào, chứ như em ông thẩm phán bắt về phường giải quyết trước, lằng nhằng quá.

– Ôi thế cơ à, chị có biết đâu, hôm nay họ hẹn lên giải quyết, còn chưa biết ai sẽ xử vụ này. Nhưng sao phải ra phường nhỉ, bạn chị nó bảo lên thẳng tòa là xong, mất độ hai, ba tháng.

– Thế đã nhanh chị ạ, như em lên lần này là lần thứ ba, thứ tư rồi còn chưa nộp được, lần thì ghi chưa đúng, lần thì về lấy xác nhận phường, sao lắm thủ tục lằng nhằng quá thể.

– Thế ông thẩm phán bắt cô về phường à? – Một chị ngồi hàng ghế sau nói chen lên.

– Vâng chị ạ, còn kêu khi nào có giấy xác nhận của phường thì mới giải quyết cho.

– Cái giọng đòi tiền chứ còn gì nữa. Chị cũng thuận tình ly hôn đây mà có cần lên phường hay gì đâu. Hôm nay lên hòa giải lần đầu tiên rồi nhưng ông chồng dở chứng chẳng biết có đến không.

– Thế tùy người họ mới bắt lên phường hả chị?

– Tùy cái gì, tùy phẩm phán thôi, thông cảm cho thì họ chẳng hành mình đi lại làm gì cho lắm. Ông này chắc hoạnh họe kiếm tiền thôi, em có thì đưa một, hai triệu cho nhanh chứ không thì họ hành còn chán.

Đến là ngã ngửa. Chắc mình chậm hiểu nên không bắt được sóng của ông thẩm phán   “thích lên phường”   này. Tôi   bực mình và khó chịu thật sự khi lần đầu tiên đối mặt với các thủ tục hành chính rắc rối lằng nhằng. Tôi chưa đi phong bì ở những hoàn cảnh này bao giờ, cũng không biết phải đưa như nào, đáng lẽ họ nên có giá niêm yết để trên bàn rõ ràng như menu ở nhà hàng thì tôi sẽ thấy dễ chịu hơn khi mở ví ra. Tôi về nhà ngẫm nghĩ cân nhắc đến mấy hồi. Cơn tức giận đã lắng xuống và cái thực tế lù lù là phải có xác nhận hòa giải gì đó không thành công ở phường thì ông thẩm phán mới giải quyết cho. Giờ nếu lên phường thì xác định mất cả ngày làm việc, mà một ngày chưa chắc đã xong. Lên mạng search thông tin thì có người phải lên phường, có người không, có người lại còn nộp đơn ly hôn ở phường chứ không lên tòa án. Mà phường thì ngay sát vách nhà mình, giờ vác cái mặt lên thì từ đầu ngõ đến cuối ngõ rồi ai cũng biết, rồi lại ầm ĩ và đến tai hết người nọ người kia trong gia đình. Tôi lại có người quen trên phường, chuyện giấu đi chẳng được giờ lại lên đó, rồi đủ các thủ tục hòa giải thì mặt mũi đâu nữa, d   ù sao cũng đâu   phải việc vui gì mà đi khoe.


 

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button