Văn học trong nước

Cùng Nắm Tay Cha Nào Ta Khôn Lớn

cung-nam-tay-cha-nao-ta-khon-lon-ebook1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Hoàng Long

Download sách Cùng Nắm Tay Cha Nào Ta Khôn Lớn ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : VĂN HỌC TRONG NƯỚC

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Tìm thấy câu trả lời và lời cảm ơn!

Khép lại cuốn sách của anh Hoàng Long, những lời nhắn gửi, những mẩu chuyện tâm sự của “ông bố” vẫn ẩn hiện trong tôi với nhiều cảm xúc thật đẹp. Và tôi thầm muốn nói “Cảm ơn anh”!

Làm “mẹ” được một thời gian nên tôi thấu hiểu những nỗi lo, quan tâm của người mẹ dành cho con. Suy tư của người bố, cách thể hiện yêu thương của người bố… với tôi, đôi khi hãy còn xa lạ. Nếu chị em phụ nữ, trong khoảnh khắc đắn đo nào đó, tự hỏi rằng “họ, những ông bố – những người đàn ông của xã hội bận rộn kia, họ không ‘mang nặng, đẻ đau’, liệu họ có đủ tâm lý/hiểu/chăm lo/yêu thương đứa con?” Câu trả lời tôi đã tìm thấy trong cuốn sách của anh.

Làm bạn với anh đã mười mấy năm nay, vẫn luôn thấy anh là người đàn ông nhiệt huyết, luôn lạc quan, yêu đời, luôn cầu tiến và dĩ nhiên cầu toàn. Nhưng qua những dòng chữ, những câu chuyện của một “tuổi thơ dữ dội” được anh minh họa rất sống động và dí dỏm trong cuốn sách này, không những tôi hiểu hơn nguồn gốc của những phẩm chất ấy, mà những trang sách còn cho tôi thấy, anh – “ông bố” cũng có lúc yếu đuối, “bé nhỏ” nhường nào trước những “quà tặng của cuộc sống” – các con!

Vẫn luôn biết anh có thiên   phú thơ văn. Nhớ thời sinh viên, mỗi khi nghe anh đọc thơ, trích văn, viết lời nhạc chỉ trong tích tắc mà bài thơ, câu văn trọn vẹn nghĩa từ, vần điệu, chúng tôi hay đùa “anh này có cái máy đánh chữ sản xuất chất lượng cao trong bụng’’. Nhưng hôm nay, những câu chuyện về cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, về giai thoại gia đình dưới cái nhìn của “ông bố” trong cuốn sách đã mở ra cho tôi thấy nơi anh, một khía cạnh tâm lý sâu sắc; không phải kiểu tâm lý lý thuyết mà là của sự quan sát, suy nghĩ, tôn trọng, hướng thiện và yêu thương!

Thật vậy, nếu cũng như tôi, bạn may mắn được bước vào không gian của   Cùng nắm   tay cha, nào ta khôn lớn   , bạn sẽ dễ dàng đồng cảm với tâm sự của tác giả. Cuốn sách không mang dáng vẻ dạy đời hay truyền đạt. Vì mỗi bậc làm cha mẹ, với nền tảng, vốn sống có được và đầy ắp tình yêu thương, sẽ luôn mong muốn mang đến cho con những điều tốt đẹp nhất. “Lý thuyết” là vậy, “thực hành” không phải chuyện giản đơn, nhất là trong xã hội phát triển ngày nay. Trồng cây vốn đã khó, chăm tưới nước, tỉa cành, bắt sâu thì cây mới đẹp, mới khỏe; “trồng người” lại là thử thách và trách nhiệm trăm năm. Người đời khen con là gián tiếp khen cha mẹ. Con có thành đạt, cuộc sống con có được bao bọc bởi tình bạn, tình người nhân ái thì gián tiếp cha mẹ cũng được “thơm” lây, phải không?

Cha mẹ là nền tảng cho nhân cách của con! Như cái móng nhà vậy, có tốt có chắc thì con sẽ đủ khả năng xây cao, cao ra sao sẽ là bản thân con tự quyết. Về câu hỏi “Bố mẹ mong đợi gì từ các con?” (Chương 2) tôi muốn trả lời thế này: “Con hãy tỏa sáng cho con, cho tương lai của con, cho xã hội và cho cuộc đời”!

Vậy nên, cảm ơn anh vì đã trải lòng tâm sự, chia sẻ quá khứ và hiện tại, để chúng ta cùng đón tương lai với nhiều yêu thương!

Hãy về, cầm tay con mình, nhìn sâu vào mắt chúng…

Sinh con rồi mới sinh cha

Sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông

Tự nhiên, hai câu ca dao cũ ấy bật lên trong tôi, ngay lần đầu tiên tôi bập vào cuốn sách của Hoàng Long. Tôi không gọi tên riêng   Cùng nắm tay cha…   mà muốn gọi nó bằng một danh từ chung: Cuốn sách, vì tôi biết, dù ở cương vị nào, người đọc cũng sẽ “bập” vào cuốn sách này như tôi, ngấu nghiến nó, nghiền nó như nghiền thuốc lá, và sẽ tự gọi nó bằng một cái tên riêng mà họ thích. Đơn giản, nó là tâm sự riêng của một người cha, nhưng nó đánh đúng vào điểm đồng cảm chung của những bậc làm cha làm mẹ, để họ cảm nhận rằng, đó cũng chính là câu chuyện riêng của họ.

Từng trang trong “cuốn sách” của Hoàng Long kéo tôi theo một dòng chảy cả thuận lẫn nghịch lưu theo chiều thời gian, vì tôi thấy một tôi, được sinh ra như một người cha, khi con tôi chào đời, và một tôi khác, được lớn lên như một người con, dưới bàn tay của cha-mẹ, cùng những nỗi băn khoăn giản dị mà Hoàng Long đã gợi nhắc lại cho mỗi chúng ta, vào đúng lúc chúng ta chợt quên đi chỉ vì những gì được gọi là đời sống và   mưu sinh.

Học cùng Hoàng Long suốt thời đại học, ra trường mỗi người một con đường, một miền đất, chúng tôi sẽ không bao giờ hình dung ra viễn cảnh một ngày, một trong hai đứa được hân hoan viết những dòng cảm nhận về tác phẩm của bạn mình. Và càng hân hoan hơn nữa, đó lại là tác phẩm dành cho những đứa con, lũ nhỏ mà chúng tôi vẫn theo dõi, chia sẻ với nhau mỗi khi chúng đạt được một điều gì đó trong những bước chập chững vào đời.

Để rồi từ nỗi hân hoan ấy, những ngạc nhiên vỡ òa ra, dù tôi ý thức rất mạnh mẽ rằng bạn mình viết hấp dẫn như thế nào, sau cuốn   Tôi và Paris, câu chuyện một dòng sông   . Ở   cuốn sách này, Hoàng Long bước ra với một diện mạo khác, không phải một Hoàng Long tôi biết, ưa hoài niệm, với những nỗi buồn man mác mà Long đã viết ở những ca khúc, những đoản văn, những bài thơ mà Long chia sẻ cho tôi kể từ những ngày hai đứa gặp lại nhau ở Paris. Lần này là một Hoàng Long duyên dáng, dí dỏm, gần gũi nhưng tinh tế, kể lại những câu chuyện không chỉ cho những người làm cha mà còn cho cả những người làm con. Cái nhìn của Long trong cuốn sách đã khéo léo lồng ghép được cả đôi mắt già dặn, từng trải của người cha với đôi mắt trong trẻo, hồn nhiên, ngạc nhiên của đứa trẻ. Những chi tiết, câu chuyện nhỏ trong sách của Long, như câu chuyện về bài hát   Con chuột xanh   , khiến tôi thấy hai điều: Thứ nhất, Long viết rất thật với chính mình, không cần khiên cưỡng chứng tỏ gì cả. Khi người ta cố gắng giải đáp mọi thứ theo logic của người lớn, để chứng minh mình hiểu trẻ con, ấy là đã không còn thật nữa rồi. Và thứ hai, nó mở ra một vùng hấp dẫn mà mỗi chúng ta đều dễ bị cuốn vào đó, vùng tưởng tượng phong phú vô bờ của trẻ thơ. Nó y như cái cách mà Saint-Exupery mở đầu cuốn   Hoàng tử bé   với bức vẽ mà người lớn nghĩ là chiếc mũ còn trẻ con lại cho rằng đó là con trăn đang ngủ sau khi nó nuốt trọn một con voi. Hay như cách mà Nguyễn Nhật Ánh đã viết trong   Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ   của mình. “Lũ trẻ” là cả một thế giới huyền bí, có rất nhiều điều chúng ta tìm cả đời cũng không hiểu hết. Tuổi thơ hấp dẫn chúng ta ở chính những bí nhiệm như thế, những bí nhiệm mà ta đừng bao giờ hỏi trẻ thơ căn nguyên, những bí nhiệm mà chúng ta chỉ nên gợi mở “nắm tay cha” rồi cùng chúng trải qua hết bí nhiệm này tới bí nhiệm khác một cách thích thú.

Có lẽ đó cũng là cái tạo ra sức hấp dẫn của cuốn sách này, giúp nó vượt qua giới hạn của “một cẩm nang chơi với con, dạy con” để đặt chân vào lãnh địa của một cuốn sách phiêu lưu, để người lớn thực sự bước vào thế giới của con trẻ, một thế giới đầy fantasy nhưng không hề ảo giác, một thế giới giúp cho chúng ta giữ được một trong những điều vô cùng trân quý đối với tâm hồn con người: khả năng hồn nhiên và khả năng ngạc nhiên.

Chúng ta sẽ đánh mất phần tâm hồn của mình nếu chúng ta không c   òn hồn nhiên nữa, không còn ngạc nhiên trước bất kỳ điều gì nữa. Lúc ấy, chúng ta đã để lý tính chi phối mình, với một biện giải “khôn ngoan nhưng kém thông minh” rằng “ấy là minh chứng cho sự trưởng thành”. Con người ta, dù trưởng thành thế nào đi nữa, cũng vẫn phải giữ cho mình được một tâm hồn trẻ – với những hiếu kỳ, tò mò, thứ mà trẻ thơ luôn làm tốt hơn chúng ta rất nhiều.

Nietzsche từng nói ba giai đoạn của tinh thần một người đàn ông chính là “Con lạc đà, rồi thành con sư tử, sau đó là đứa trẻ”. Tuổi của chúng ta, khi làm cha, có lẽ đã bắt đầu dần   qua giai đoạn của con sư tử rồi. Phải trở thành đứa trẻ thôi, vì chúng ta không chỉ nuôi dưỡng con mình, mà còn phải chơi với chúng, cầm lấy tay chúng như một người bạn. Hãy để chúng dạy ta cách trở lại hồn nhiên và ngạc nhiên, dạy ta cách dạy dỗ chúng tốt nhất. Và tấm vé cho khóa học ấy chính là cuốn sách này. Còn người thầy ư? Hãy về, cầm lấy tay con mình, nhìn sâu vào mắt chúng…

ĐỌC THỬ

Chương 1. Ai là ai? Ai cũng có những nỗi niềm

Chuyện “Ông Bố”

Nỗi lo của tôi

Thế là vợ tôi sinh ra một em bé. Tôi cảm ơn vợ lắm.   Bao nhiêu là hạnh phúc. Nhưng mà tôi cũng lo, bao nhiêu là phiền toái.

Tôi đã nhìn thấy những cặp vợ chồng trước và sau ngày sinh đứa con đầu lòng. Họ cũng giống chúng tôi, lo lắng đủ thứ. Nào bỉm sữa, nào giường tủ, nào quần áo, nào chậu tắm, nào cặp nhiệt độ, nào cân đo, v.v… Người đã có nhà rộng thì lo trang trí, tu sửa phòng riêng, phải khô ráo, sáng sủa, phải có cửa sổ. Người không có nhà rộng thì bắt đầu nghĩ xem làm thế nào để mua, để thuê được căn nhà to hơn…

Sinh em bé hóa ra là sinh ra cả một núi lo lắng như thế, sinh thêm cả những mơ ước, mục tiêu, kế hoạch mới, cũng có thể cả những lo âu, thất vọng, cãi cọ. Dường như ai cũng thế.

Nhưng tôi lại có một nỗi niềm riêng, nỗi lo lớn nhất không có lời giải đáp.

Thường thì những lo lắng trên hầu hết đều có lời giải đáp, và có giải pháp, sớm hay muộn. Ta có thể hỏi kinh nghiệm của những người đi trước, quần áo và vật dụng nếu không có tiền mua thì có thể xin, mượn được, phòng riêng không có thì kê thêm cái giường, nếu không đủ chỗ để kê thêm giường thì ta sẽ trang trí lại giường của hai vợ chồng để em bé ngủ ở đó. Đến cho ăn, tắm rửa thế nào cũng có sách vở, có ông bà nội ngoại, có bạn bè anh chị để học hỏi.

Còn nỗi lo của tôi vẫn không ai giải đáp được, không có giải pháp triệt để, mà trả lời thì cũng còn lâu mới xong.

Lúc vợ tôi bắt đầu mặc váy của nhà hộ sinh, bắt đầu cùng tôi đi dạo vòng vòng quanh hành lang bệnh viện để việc sinh nở dễ dàng hơn thì cơn lo lắng của tôi cũng bắt đầu có dấu hiệu của những cơn co thắt nhẹ. Thỉnh thoảng nó thắt mạnh hơn, đau đớn. Tôi phải dừng lại, níu tay vợ đi chậm lại hoặc ngồi xuống. Thật ra lúc đấy là vợ tôi đau, níu tay tôi, thế mà tôi lại tưởng là vợ đang đưa mình đi đẻ.

Rồi khi vợ vào phòng hộ sinh, khoác trên người bộ quần áo đặc biệt để vào cùng, tôi có cảm giác vừa như người đi đẻ, lại vừa như bà hộ lý vào đỡ đẻ. Cơn co thắt dưới bụng nhẹ hơn một chút, nhưng lại bắt đầu co bóp mạnh ở tim.

Sau đấy thì khỏi kể nữa, liên tục là những lo lắng, co thắt tưởng như sống đi chết lại… Tôi lo lắng, hồi hộp mãi cho đến khi cô hộ lý, hay bà đỡ trao cho tôi em bé, còn đỏ hỏn.

Con bé nhà tôi không khóc, vừa ra đời nó đã cười, chắc là nó sẽ vui tính, như tôi. Nhưng sao tôi thấy nặng quá, tôi sợ bế không nổi. Tất nhiên không phải vì con bé nhà tôi nặng đến thế, dù tôi nghe các bác sĩ ồ lên vì cân nặng của con. Mà vì lúc cô hộ lý trao cho tôi con bé, không phải tôi chỉ bế con bé thôi đâu. Tôi bế thêm một   “   ông’’, nặng 76kg, trần trụi, ngơ ngác y như con bé, chỉ khác là cái mặt già câng. Các cô hộ lý đẩy đến một cái giường có bánh xe, bảo tôi đưa con bé cho mẹ nó một lát, rồi lát nữa cho nó vào đây, để mẹ nó nghỉ. Tôi nhìn cái giường thấy có đề tên con gái tôi. Bất giác tôi đảo mắt nhìn xem còn cái giường nào khác nữa không. Tôi tìm cái giường có đề tên Ông Bố, để tôi đặt ông ấy xuống, tôi nghỉ một lát, chứ thế này thì nặng quá. Nhưng không có.

Đó chính là nỗi lo của tôi.

Vợ tôi không chỉ sinh ra một em bé, cô ấy sinh ra luôn cả một con người mới: Ông Bố. Thật ra thì cô ấy sinh ba, vì có cả Bà Mẹ cũng chính thức ra đời luôn lúc ấy.

Nhưng vợ tôi cũng như bao người phụ nữ khác, có sự chuẩn bị tốt hơn để trở thành Bà Mẹ.

Từ lúc sinh linh bé bỏng kia bắt đầu được hình thành bên trong cơ thể họ, rồi lớn dần lên, họ đã cảm nhận được, một cách rất tự nhiên cái vai trò ấy. Họ đã nâng niu, chăm sóc, trò chuyện, bảo vệ cho đứa bé từng ngày, từng giờ, trong suốt nhiều tháng. Bà Mẹ và đứa con đã có một sợi dây tình cảm và một sợi dây vật chất ràng buộc nhau, gắn bó với nhau.

Còn tôi thì chưa có những thứ ấy, dù tôi đã cố gắng chia sẻ nhiều. Vậy mà tự nhiên người ta trao cho tôi một em bé, và đưa luôn một Ông Bố, bảo đây chính là ông đấy, từ giờ con bé này là con ông, còn ông là cái ông mới ra đời này. Tôi nhìn con bé, đáng yêu quá, nhưng trông cũng chỉ hơi quen quen, có cảm giác như đã gặp ở đâu rồi, mà không phải, chưa gặp. Hình như trước đây có nhìn qua ảnh, mà ảnh âm bản, hay ảnh đen trắng, hơi mờ.

Đấy là con bé giống tôi như đúc, mọi người bảo thế, tôi cũng thấy thế. Chứ nếu con bé mà giống ông ngoại hay giống bà bác thì chắc còn   “   choáng váng’’ nữa. Để nói rằng con bé với tôi còn thấy xa lạ, nữa là Ông Bố, tôi chẳng biết ông ấy là ai.

Từ lúc đó tôi phải là Ông Bố, Ông Bố phải là tôi, chúng tôi phải là một. Nhưng tôi còn biết rõ mình là ai, chứ Ông Bố thì lờ mờ, chưa có nhận thức gì rõ ràng. Tội nghiệp, ông ta mới ra đời, mới trong giai đoạn thực tập hay thử việc, mà việc này thì không được phép hỏng?! Và Ông Bố này cũng có nhiều khác biệt quá.

Sáng thứ Bảy nào tôi cũng phải đi đá bóng, một thói quen đã từ rất nhiều năm. Thế mà Ông Bố thì cứ lề mề, ngáp lên ngáp xuống, bảo đêm qua đi làm thêm về muộn, lại dậy pha sữa mấy lần, oải quá. Tôi một tay xếp giày vào túi, còn Ông Bố một tay cầm bình sữa đi rửa, lại còn phải tiệt trùng nữa, hỏi thế có bực không? Tôi bảo nhanh lên còn đi rồi về sớm, Ông Bố lại bảo con mới sinh được có một tuần, bỏ con đi đá bóng thì có   “   tệ’’ quá không, nó cần mình. Tôi bảo Ông Bố rằng cũng cần phải thể dục, thể thao để có sức khỏe mà phục vụ vợ con chứ, rằng   “   ông phải biết rằng, ở nhà này, người duy nhất không có quyền được tăng cân là ông, đi tập một tí rồi về, làm bù.’’

Càng ngày càng nhiều cuộc tranh luận như thế, lần đấy thì tôi thắng cuộc chứ nhiều lần thì Ông Bố thắng.

Buổi tối, ăn cơm, có bạn đến chơi, tôi bảo Ông Bố ngồi làm vài ly. Ông Bố bảo không được, trong thời gian này phải kiêng. Tôi cười phá lên:   “   Làm sao mà phải kiêng rượu, ông có nhầm không. Xin lỗi, ông có cho con bú đâu.’’ ‘‘Nhưng mà uống say, ngủ li bì, đêm nhỡ con khóc, vợ gọi không được thì vợ con mất nhờ.’’

Nói chung là Ông Bố giành phần thắng nhiều lần hơn, bực mình lắm. Quan hệ vì thế mà nhiều khi căng thẳng. Hai người khác biệt nhau nhiều quá.

Tôi thì nhiều hoạt động, tôi nhanh nhẹn, làm gì cũng nhanh. Ông Bố thì uể oải, đã chậm lại còn hay mất thì giờ vào những việc không đâu. Ông ngồi hàng giờ ngắm con bé, cứ như thể ngồi xem nó lớn, xem trong lúc mình ngồi đấy nó có dài ra tí nào, hay có cái răng nào mọc ra hay không. Ngày xưa, hồi bé, tôi trồng giá đỗ làm thí nghiệm, để dưới gầm giường, cũng có lúc lôi ra ngắm xem nó có lớn lên trong mắt mình không. Đến giá đỗ cho thuốc kích mọc nhanh của Trung Quốc cũng chả lớn nhanh được như thế.

Đứa trẻ con, lại vừa mới sinh, thì biết gì. Chỉ biết ăn, ngủ, ị, cứ thế mà xoay vòng. Ông Bố bảo:   “   Nó biết chứ, biết hết, nó biết ai yêu nó. Mình nhìn nó là mình truyền năng lượng, truyền tình yêu, truyền sự nhận biết cho nó lớn hơn.’’   “   Xin lỗi ông, ông cứ làm như là máy tính, mà máy tính muốn truyền còn phải có cái cổng USB, có dây cáp, chứ con bé, ngày xưa nó có cái cổng, với cáp như thế, nhưng lúc sinh ra thì người ca cắt đi rồi, hết cả truyền.’’

Tình yêu tôi dành cho vợ cũng bình thường như bao người chồng khác, Ông Bố lại bảo tôi phải biết ơn vợ, vì vợ sinh ra cho ta những đứa con, là vợ phải hy sinh cả tuổi xuân, cả sắc đẹp. Nghe lãng nhách. Tôi bảo chả riêng gì vợ tôi, tôi cũng hy sinh tuổi xuân, sắc đẹp thì có thể ít hơn, nhưng riêng cái khoản ngồi cãi nhau với ông thì cũng đủ để mặt mày nhăn nhó, xấu chết.

Nói chung là Ông Bố cứ tỏ ra hiểu biết, triết lý, cụ non như thế, nhưng thật ra thì Ông Bố bối rối, Ông Bố lo lắng, Ông Bố chẳng biết gì.

Và nỗi lo ‘‘Ông Bố’’

Vì khách quan mà nói: người đời, dù có được   “   chỉ dẫn’’ hay khôn   g, ai cũng biết chính xác phải làm những gì để có thể làm ra một em bé, chứ không ai biết phải làm thế nào để làm ra, hay trở thành một ông bố cả. Trên đời này chẳng có ông bố nào dám nhận rằng mình là ông bố thực sự, ông bố tốt, còn những đứa con thì có vẻ như chẳng bao giờ vừa lòng với bố mẹ, vậy làm sao mà có   “   công thức’’ chuẩn.

Ông Bố của tôi còn xa lắm mới là ông bố tốt, ông bố thực sự. Ông cứ loay hoay, dằn vặt xem mình làm thế này có tốt không, thế kia có đúng không. Mà khổ nỗi, Ông Bố muốn t   ự hoàn thiện bản thân, trong mối xung đột với Anh Chồng tốt, Gã Đàn Ông tốt, Người Con Trai tốt, Người Bạn tốt… mà tất thảy những   “   người’’ kia cũng không biết phải làm thế nào cho đúng… Ai dạy cho chúng tôi? Người ta bán đầy sách nuôi dạy con khỏe, con ngoan, mà chẳng mấy ai bán sách ‘‘Làm thế nào để trở thành ông bố tốt’’ cả. Thôi thì tôi cứ cố gắng   “   làm’’ những gì mà tôi vẫn biết   “   làm’’ như mọi khi đã, dù chưa biết như thế có phải là tốt hay chưa: làm người con trai quan tâm đến bố mẹ, làm người đàn ông đàng hoàng, sống thật với mọi người, giúp đỡ bạn bè và đóng góp cho xã hội, làm anh chồng chia sẻ với vợ từ vui buồn đến công việc nhà, yêu thương, khuyến khích nhau sống tốt hơn. Còn Ông Bố nhiều mâu thuẫn của tôi muốn ra sao thì sao, ông muốn ngắm con thì ông ngắm, muốn thay bỉm thì thay, tôi chiều ông, tay ông bận thay bỉm thì tay tôi bịt mũi giùm ông… Lúc nào tôi xong việc nhà, muốn ngồi xem đá bóng một tí cho thư giãn thì thôi, ông cũng chiều tôi.

Cứ loay hoay, gượng ép như thế, rồi đến một ngày, tôi bế con về gặp ông nội nó. Rõ ràng là nó chưa gặp ông lần nào, mà ông cũng chưa gặp nó. Mọi khi thấy người lạ, nhất là đàn ông, nó không khóc thì cũng nhăn nhó. Thế mà vừa thấy ông, nó nhoẻn cười thật tươi. Ông cũng nhìn nó, ông cười. Bốn con mắt cười, soi vào nhau lấp lánh. Tôi cũng ào đến, thêm hai nữa là sáu. Chỉ có sáu con mắt mà những ba thế hệ, một đứa cháu, hai đứa con và hai ông bố, lại còn thêm cả ông nội nữa. Tất cả cùng nhìn nhau, cùng cười, cùng hạnh phúc. Trẻ con đơn giản thế thôi, có cần ‘‘tiêu chuẩn’’ gì đâu, nó cảm nhận được sự yêu thương bằng trái tim của nó, bằng cái cổng USB vô hình của nó, cũng như tôi không bao giờ phải cần có điều kiện gì để yêu bố mình. Tôi bỗng thấy ‘‘Ông Bố’’ của mình thân thương đến thế.

Giờ thì tôi đã hiểu ra. Chỉ cần dành tình cảm cho nhau, chỉ cần yêu thương, nghĩ đến nhau thì tự nhiên ta sẽ là người con, người chồng, người bố tốt. Không cần ai dạy ta, ta cũng sẽ tự quan sát, học hỏi được. Trái tim yêu thương cho ta biết cần phải làm gì.

Mà, hãy chờ đấy, rồi chính con ta, với trái tim của nó, sẽ dạy ta phải làm thế nào để trở thành một ông bố, bà mẹ tốt. Không có ông bố bà mẹ nào hoàn hảo, nhưng với tình yêu thương, với quyết tâm học hỏi để biết cách chăm sóc nuôi dạy con, ít nhất họ luôn tuyệt vời trong mắt con.

Thôi đừng loay hoay trở thành ai cả, hãy cứ là ta, đầy ắp những thương yêu.

Chuyện về “Bà Mẹ”

Từ những quan niệm về ‘‘nỗi khổ’’ của phụ nữ…

Xưa nay tôi vẫn nghe phụ nữ than vãn về sự bất công, bất ‘‘bình đẳng’’ giữa đàn ông và nữ giới, tôi chẳng công nhận. Phái nào cũng có những lợi thế riêng, những bất lợi riêng. Lợi thế nào thì mang theo những bất lợi của nó và ngược lại. Như đàn ông khỏe hơn, nhanh nhẹn hơn thì thường phải làm việc nặng nhọc, nguy hiểm hơn và bởi thế mà chưa già thì ông nào ông nấy đã đau lưng, mỏi gối hết cả, ấy là chưa kể số đàn ông chưa kịp đợi đến lúc đau lưng mỏi gối thì đã ‘‘tèo’’ vì chiến tranh và vô số những thứ nguy hiểm khác mà cánh đàn ông luôn dấn thân vào.

Phụ nữ kêu ca tại sao mọi người cứ chú trọng vào hình thức, trang điểm của phụ nữ, tại sao phụ nữ phải là biểu tượng của ‘‘cái đẹp’’ trong khi đàn ông đơn giản muốn làm sao thì làm, muốn mặc gì thì mặc, chẳng ai nhận xét gì. Ngược lại, khi vào cửa hàng thời trang, tôi chả bao giờ thấy phụ nữ kêu ca sao đồ cho nữ giới luôn nhiều và rẻ, tha hồ chọn lựa, trong khi đàn ông qua mấy chục năm tôi biết quần áo cũng chỉ quanh đi quẩn lại vài thứ, giày dép cái gì cũng đắt, đến nỗi mà ngày càng có nhiều đàn ông chuyển sang mặc cả đồ phụ nữ, chắc cũng là vì muốn có sự thay đổi.

Phụ nữ than thở mỗi ngày mất bao nhiêu thời gian làm đẹp, chỉ là cho đà   n ông ngắm. Tôi đảm bảo họ tự ngắm mình, ngắm các cô khác còn nhiều gấp mấy đàn ông. Và trang điểm cũng là lợi thế biến họ thành con tắc kè hoa, có thể thay đổi theo ý thích, có thể tự làm mới mỗi ngày. Đàn ông chúng tôi nếu may mắn có cái mặt trông tạm ổn thì còn đỡ, lỡ xấu xí thì như mang án chung thân, chả biết làm sao. Nếu một phụ nữ soi gương mà than mình xấu, tôi sẽ bảo họ trang điểm và soi gương lại mà xem ‘‘Không có đàn bà xấu…’’, chứ nếu ông nào thấy mình trong gương xấu xí thì đơn giản hơn nhiều, chỉ có một cách, tôi sẽ bảo ông ấy đừng bao giờ soi gương nữa.

Ngay cả chuyện phụ nữ than khổ chuyện mỗi tháng lại ‘‘đến kỳ’’, tôi đọc nhiều nghiên cứu khoa học nói rằng cơ thể phụ nữ hoàn hảo hơn của đàn ông, và ngay cả chuyện ‘‘đến kỳ’’ mỗi tháng cũng là dịp để cơ thể họ đào thải lượ   ng máu xấu, và sự ‘‘thay máu’’ đều đặn giúp cơ thể khỏe mạnh hơn, sức đề kháng cũng tốt hơn, vì thế mà tuổi thọ trung bình của phụ nữ cao hơn của đàn ông… Nếu ngồi kể ra thì tôi có thể kể rất nhiều thứ nữa, bất cứ thứ gì đều có tính hai mặt của nó, nhưng thôi, đi sâu vào vấn đề này chắc chắn là sự khơi mào cho cuộc tranh luận không bao giờ dứt.

… đến sự cảm thông của nỗi ‘‘mang nặng, đẻ đau’’

Thật ra, tất cả những lập luận vừa rồi chỉ để tôi nói đến vấn đề chính: Riêng có một điều ‘‘thiệt thòi’‘ cho phụ nữ, so với đàn ông mà tôi phải công nhận: Đó chính là việc mang bầu, sinh con.

Các cô vợ, từ lúc có bầu đã có sự thay đổi không nhỏ. Nếu từ lúc biết tin vợ có bầu, tôi đã bắt đầu thai nghén hình hài của một ông bố và lo lắng cho sự ra đời của ông ấy, thì vợ tôi lo lắng gấp đôi: cho em bé, và cho ‘‘Bà Mẹ’’. Vợ tôi hiếm khi tâm sự về những nỗi lo lắng của cô ấy, dù nhiều khi tôi cố gợi hỏi. Có thể vì nó vu vơ quá, nếu nói ra cô ấy sợ rằng tôi sẽ bảo là ngớ ngẩn, hoặc ngược lại, nó trúc trắc đến nỗi cô ấy không tin là tôi có thể hiểu được. Tôi nghĩ đó cũng là lỗi thường gặp của các chị em. Cái gì được chia sẻ ra cũng thấy nhẹ nhàng hơn, dù có thể nó khởi nguồn cho những tranh luận, thậm chí là cãi vã giận hờn. Nhưng mất lòng trước rồi được lòng sau, nếu không nói ra thì lo lắng bí bách, mà rồi căng thẳng, dồn nén cũng dẫn đến bất đồng, lúc ấy thường là ‘‘to chuyện’’. Nếu nói ra mà còn lo cánh đàn ông không hiểu thì huống chi là không nói.

Tôi nghĩ mình ít nhiều hiểu được tâm tư của vợ. Đơn giản thôi, tôi đặt mình vào địa vị cô ấy. Ngoài sự thay đổi từng ngày về thể chất, áp lực ‘‘Từ nay phải sống, phải làm mọi thứ cho hai người’’ là một gánh nặng không hề nhỏ: ăn thế nào, ngủ ra sao, đi lại cũng phải cẩn thận, không được suy nghĩ, căng thẳng quá, cũng không được vui c   hơi quá đà. Nỗi lo về ông bố của tôi có lúc còn quên đi được, chứ cô ấy thì không, vì nó không chỉ mơ hồ, tưởng tượng như của tôi mà nó gắn liền với cơ thể cô ấy. Nỗi lo mỗi ngày mỗi lớn, mỗi nặng, như cái bụng.

Ấy là vợ tôi khá khỏe mạnh, sung sức và không gặp bất cứ vấn đề gì khi mang bầu. Những người ốm nghén đủ thứ, không ăn được lại càng khổ sở hơn, mà nhiều người tăng cân vòn vọt cũng lo hết vía.

Khi hai vợ chồng cùng muốn có con thì sự lo lắng hay ‘‘cố gắng’’ là như nhau, nhưng kể từ lúc em bé chính thức được thai nghén thì đàn ông có vẻ như ‘‘hoàn thành phận sự’’. Nỗi lo và áp lực dồn lên người phụ nữ. Trách nhiệm phải nuôi dưỡng, bảo vệ ‘‘báu vật’’ của hai người bỗng nhiên dồn hết cả cho người vợ.

Đó là còn chưa kể những nỗi lo về mặt thể chất, đặc biệt khi họ là ‘‘đại diện cho cái đẹp’’. Chín tháng có bầu của phụ nữ là một cuộc ‘‘chiến tranh’’ tổng thể: nội chiến, ngoại chiến đủ cả, họ tự đấu tranh với mình, đấu tranh với những áp lực và lo lắng, hiểm họa từ bên ngoài, cả những tưởng tượng, tự tạo dựng khác. Tranh đấu cho đến ngày cuối cùng, đến trận ‘‘tổng kết’’ cuối, họ dồn hết sinh lực và tâm trí cho sự ra đời của đứa con.

Đọc đến đây hẳn chị em phụ nữ cảm thấy mình được an ủi một chút, ít   ra cũng có người hiểu được nỗi khổ, nỗi lo lắng của mình, cánh đàn ông thì hơi chưng hửng vì vai trò của mình bị xem nhẹ. Công bằng ra mà nói, ai cũng có nỗi khổ riêng. Phụ nữ có ‘‘cuộc chiến đấu’’ với chín tháng mang bầu và sinh con, thì đàn ông có ‘‘cuộc chiến’’ khác: chín tháng chịu đựng một cô vợ có bầu, rồi cô ấy sinh con.

Từ lúc có bầu thì cô vợ đã ít nhiều thành một cô khác, hoặc thành cùng một lúc hai cô: cô vợ và bà mẹ, đôi khi lại có cả thể loại ‘‘em bé’’ ở trong ấy nữa, một dạng khuyến mãi ‘‘ba trong một’’ đa dạng và phức tạp. Chỉ vừa mới biết tin có bầu thì cô nào cô nấy đã loay hoay ôm ôm, xoa xo   a cái bụng của mình, dù lúc ấy đứa bé chắc mới bé bằng cái hạt đỗ thì các cô đã mỗi ngày lượn qua lượn lại trước gương xem bụng có to lên tí nào chưa. Mọi thứ trở nên quan trọng hơn: quần áo phải mặc đồ gì thoải mái dễ chịu, ăn uống phải đủ chất, đầu óc phải vui vẻ… Mọi thứ cũng ‘‘biến đổi’’ nhanh hơn: thoắt cái vừa mới vui, lại bâng khuâng lo lắng, rồi có khi cáu giận ngay được. Vừa mới ‘‘Em lạnh quá’’ đã lại ‘‘Sao nóng thế’’… Lúc thì chu đáo, cẩn thận lo nghĩ như bà già, lúc lại sốc nổi, làm nũng như em bé.

Tôi lại từng biết một số nghiên cứu chỉ ra rằng việc mang bầu, ít nhất là trong những tháng đầu tiên khiến người phụ nữ trở nên khỏe mạnh, sung sức, khả năng hấp thụ oxy, khả năng hoạt động của hồng cầu, tiểu cầu trong máu tăng lên đáng kể hay đại loại thế… Bởi vậy mà có vụ ‘‘xì căng đan’’ các huấn luyện viên bơi lội ở Đức, cái thời mà doping còn chưa phát triển, ép buộc các cô vận động viên phải dính bầu trước các kỳ Thế vận hội, như một dạng doping tự nhiên, để đạt thành tích cao nhất. Nhưng đấy là nghiên cứu khoa học thôi, còn ‘‘nghiên cứu đời thường’’ cho thấy cô nào có bầu xong thì cũng mệt mỏi, xanh xao lắm, yếu lắm, khổ lắm, thương lắm. ‘‘Người cứ nao nao thế nào ấy, khó chịu quá’’. Cái ‘‘nao nao khó tả’’ ấy theo tôi, thật ra là nhu cầu cần được quan tâm, chia sẻ, mà cứ cần thế, chả biết bao nhiêu mới đủ. Mà quan tâm chăm sóc nhiều quá các cô lại bảo ‘‘Biết rồi, có phải trẻ con đâu!’’

Cũng phải nói thêm rằng, các cô, ít hay nhiều, khi mang bầu, đều ý thức được rằng, đó là ‘‘nỗi khổ’’ của thân phận phụ nữ nhưng đồng thời cũng là thứ ‘‘bảo bối’’ bất khả xâm phạm, là ‘‘uy quyền tối cao’’ và ‘‘ân huệ đặc biệt’’ dành cho đàn ông (Thì đó, trong cái ‘‘khổ’’ lại có cái ‘‘sướng’’). Bởi nói thế nào đi nữa, chuyện mang bầu sinh con là thứ gần như duy nhất mà đàn ông dù có muốn, cũng không thể nào làm được. Các chàng trai trẻ nếu có khổ sở một chút vì vợ làm nũng lúc mang bầu, hay ‘‘kể công’’ khi mới sinh con thì hãy cứ yên tâm một điều: mọi thứ mới chỉ bắt đầu, mấy chục năm sau, tất cả mọi chuyện vẫn đều có thể bị đưa về điểm xuất phát: ‘‘Anh phải biết rằng em già đi, xấu đi vì phải sinh con cho anh đấy’’, ‘‘Khó khăn của anh thì ăn thua gì, em mang bầu chín tháng còn chịu được’’, ‘‘Ờ, anh nói hay lắm, sao anh không tự mà sinh con đi’’, ‘‘Em yếu hẳn đi, trí nhớ giảm sút từ hồi có em bé đấy’’, ‘‘Này anh đừng có kể công, ai sinh con cho anh?’’… và… Các cô ấy sẽ luôn luôn ‘‘kêu khổ’’ như thế, ngay cả trong giai đoạn đang ‘‘năn nỉ’’ chồng: ‘‘Anh ơi, em muốn có thêm đứa nữa’’.

Nói thế không phải để vẽ ra tương lai đen tối đâu, để biết trước mà ‘‘phòng tránh’’, và cách ‘‘phòng tránh’’ tốt nhất là: yêu thương và chia sẻ. Anh chồng, ông bố mà càng chia sẻ với cô vợ, bà mẹ lúc có bầu, sinh con và nuôi con, thì áp lực đối với ‘‘người ta’’ càng giảm bớt, cảm giác phải sinh con, nuôi con một mình cũng nhẹ nhàng đi rất nhiều. Gánh nặng được san sẻ cho cả hai, ‘‘công trạng’’ và ‘‘ân huệ’’ cũng được phân chia đều hơn. Tất nhiên, nói thì dễ, muốn chia sẻ thì phải quan tâm và quan sát, quan sát rồi phải phân tích, phải tìm ra giải pháp, có giải pháp rồi còn phải tìm cách thể hiện nữa… rồi tôi sẽ nói đến những thứ này sau.

Sau khi sinh, mọi thứ rối bời…

Từ khi đứa bé được sinh ra, mọi thứ bỗng trở nên rối loạn.

Có lẽ cặp vợ chồng nào có con đầu lòng cũng đều như vậy, mọi thứ thay đổi, cứ loạn hết cả lên. Đấy là chưa kể các cặp vợ chồng sống chung với bố mẹ. Đành rằng đứa trẻ sơ sinh còn non nớt, cần nhiều quan tâm, chăm sóc, nhưng có lẽ cũng không cần phải ‘‘căng thẳng’’ đến thế.

Vợ tôi vốn khá đơn giản và nhanh nhẹn trong mọi việc. Vậy mà từ khi em bé ra đời, mọi thứ như rối tung lên. Chưa kể đột nhiên cô ấy trở nên hay lo lắng, hay xúc động một cách quá thể, hơi tí là khóc. Điều đó dễ hiểu, khi mà cơ thể họ vừa trải qua một cơn ‘‘chấn động’’ thực sự và về tinh thần cũng có thêm bao lo âu, căng thẳng. Mà đúng là cũng có nhiều việc phải lo thật.

Con bé nhà tôi sinh ra, nó to quá, không thể sinh thường được, phải mổ. Lúc người ta trao nó cho tôi, tôi cũng ngỡ ngàng, trông nó không giống một em bé sơ sinh như tôi đã từng thấy và như tôi vẫn hình dung, nó nặng bằng em bé thông thường (theo mức trung bình) đã được hai tháng rồi, nó tròn xoe và chả khóc tí nào mà cười luôn, chắc là vì nó thấy cái mặt hóm hỉnh của tôi (tôi tự cho là như thế, chứ có thể lúc đó mặt tôi hơi méo). Nhưng cũng vì nó to quá mà nghe các bác sĩ nói, các ven mạch máu của vợ tôi bị giãn, không tự cầm máu được, phải chuyển lên phòng hậu phẫu để điều trị đặc biệt ngay lập tức.

Thế là chỉ còn lại hai bố con tôi với nhau. Người ta hỏi tôi muốn nuôi con sữa mẹ hay sữa ngoài, điều này chúng tôi đã thống nhất với nhau từ trước, nếu mẹ có sữa thì tất nhiên là phải ưu tiên sữa mẹ chứ, mà tôi làm sao biết được mẹ có sữa không (nếu được lên phòng hậu phẫu thì chắc tôi đã lên kiểm tra, thăm dò như kiểu người ta đi tham quan địa chất hay tìm mỏ dầu). Tôi cứ trả lời có, trời sinh voi, chắc sẽ sinh cỏ, mọi thứ thuận theo tự nhiên.

Khổ nỗi, khi đã tuyên bố nuôi con sữa mẹ rồi, thì người ta sẽ không cho nó uống sữa ngoài trong lúc đợi mẹ, lúc nào đói quá thì người ta cho uống chút nước đường, sợ rằng uống sữa ngoài rồi sau này không chịu uống sữa mẹ nữa. Vì thế mà con bé bị đói, kêu khóc suốt. Nó lại to ngoại cỡ nên quần áo chuẩn bị cho nó, dù đã mua loại cho trẻ con hai tháng tuổi, vẫn bị chật, nó giãy đạp một hồi thì cái quần liền áo đã bục cả chỉ, thò cả ngón chân cái ra ngoài. Thật khổ thân con tôi quá!

Tôi cùng con ngồi đợi vợ, lòng cứ nhộn nhạo còn hơn cả lúc vợ chưa sinh. Tôi cố tìm một việc gì đó khỏa lấp tâm trạng này, và bắt đầu gửi tin nhắn thông báo về đứa bé cho mọi người. Nội dung thì đã có ‘‘mẫu’’ sẵn rồi, cứ thế mà viết, nào là giới thiệu tên con, giờ sinh, thêm cả chiều cao và cân nặng nữa. Đúng ra chỉ cần thông báo mẹ tròn con vuông là được.

Nhưng lúc ấy tôi cũng cứ máy móc làm theo ‘‘mẫu’’ đó như bao ông bố khác. Tin nhắn gửi lại chúc mừng rất nhiều, có cả những thắc mắc. Có người tưởng tôi mừng quá mà nhầm cân nặng của con mình, tôi phải   bảo ‘‘Không nhầm đâu’’ và gửi ảnh, cho xem cả ngón chân cái thò ra ngoài của con bé.

Tôi đợi rất lâu, chưa có tin gì của vợ, cũng không dám đi đâu. Mãi đến gần 11 giờ đêm người ta mới đưa vợ tôi xuống. Từ sáng đến giờ chúng tôi đều chưa ăn gì. Con bé cũng đói quá, ngấu nghiến ti mẹ, nhưng sữa chưa về. Vậy là con khóc, mẹ cũng khóc. Cảnh tượng ấy khiến tôi bối rối và lo lắng. Nhưng tôi biết rằng, cái lo lắng của tôi, của vợ còn chưa là gì cả, chúng tôi thế là may mắn rồi, rất nhiều người sẽ bảo ‘‘Được thế còn mong gì nữa?’’ Có nhiều người phải lo lắng cho sức khỏe và thậm   chí là sự sống của đứa bé từ khi em bé chưa ra đời, đến lúc bé sinh ra còn phải nằm lồng kính, còn điều trị và theo dõi hàng tháng, hàng năm, thậm chí là cả đời. Tôi nghĩ đến nỗi đau của những ông bố bà mẹ còn không được thấy mặt con. Để thấy rằng ai cũng có những nỗi niềm riêng. Những nỗi niềm ấy khó mà chia sẻ, nếu ta nghĩ như thế và tất nhiên là nó càng ‘‘trầm trọng’’ hơn nếu ta nâng tầm quan trọng của nó lên.

Rồi những ngày tháng lo lắng thái quá của vợ tôi cho đứa trẻ bắt đầu.

Suốt một thời gian dài, cô ấy ghi sổ, lập ‘‘hồ sơ’’ trên Excel theo dõi mức ăn, chiều cao, cân nặng, vẽ biểu đồ, đồ thị tăng trưởng của con theo từng ngày. Chắc dân môi giới chứng khoán, theo dõi sự lên xuống của đồng ngoại tệ hay tăng trưởng của cổ phiếu cũng không sát sao đến thế. Ngày nào thấy con tăng được mấy chục gram thì mừng rỡ ra mặt, ngày nào sụt mất một tí thì thần mặt ra băn khoăn ‘‘Tại sao?’’ ‘‘Sinh hoạt có khác gì không?’’ ‘‘Ăn uống bình thường không?’’ T   ôi giải thích, can ngăn mãi cô ấy cũng không chịu hiểu.

Rồi đến một hôm, sắp đến giờ ‘‘lên bàn cân   ’’   của con bé, tôi ngồi cạnh nó thì thầm: ‘‘Con ơi, con cố gắng cầm cự thêm một tí nhé, đừng có ‘tè’ sớm quá trước lúc mẹ con cân, nhất là đừng có ị, con mà ị bây giờ là lát nữa mất hết cả vui.’’ Mẹ nó nghe thấy thì phì cười, lại kêu anh đừng có pha trò trêu trọc. Trêu trọc gì đâu, rõ thế còn gì! Nếu hôm qua lúc cô ấy cân mà nó chưa ‘‘tè’’, còn hôm nay lại trót dại ‘‘tè’’ sớm, thì chả mất đi mấy chục gram của mẹ nó rồi còn gì. Còn trộm vía, lỡ mà nó ị một cái thì có khi cân xong bị đưa đi phòng khám tư vấn dinh dưỡng không chừng.

Điều đó, nếu lúc bình thường, tôi nghĩ vợ tôi hoàn toàn có thể nhận thấy, và tôi rút ra một điều: cần dành nhiều tình cảm cho con, nhưng chớ để tình cảm lấn át cả lý trí, đến nỗi tự làm khổ mình. Từ hôm đó vợ tôi không còn theo dõi cân nặng mỗi ngày nữa, chỉ theo dõi theo tháng. Vậy là mỗi ngày bớt đi một thủ tục, một áp lực, lo lắng, cả nhà vui vẻ hơn. Thế đấy, có con là thêm bao nhiêu gánh nặng rồi, đừng tự mình tạo thêm lo lắng cho mình bằng những thứ không đâu.

Còn chuyện ăn uống mới đúng là ly kỳ.

Con bé nhà tôi, trộm vía, ăn rất tốt. Một thời gian sữa mẹ không đủ, phải cho ăn thêm sữa ngoài. Một bình sữa to, những hôm đói, nó đánh hết veo. Nhưng nhiều hôm còn sót một chút, chắc chỉ chưa đến chục mililit thì mẹ nó nhất định không chịu bỏ đi, nhất là nếu đó là sữa mẹ. Và thế là lại ngồi ép, ‘‘nhồi’’ cho bằng hết. Con bé ăn no xong và ngủ rồi, mà mẹ nó, lúc này đây đã bơ phờ vì mỏi mệt, vẫn lay lay nó tỉnh lại, trên tay gõ gõ bình sữa để cố cho con ăn đến giọt cuối cùng.

Vợ tôi như thế có lẽ phần vì lo con ăn không đủ bữa, phần vì tiếc chỗ sữa mà cô ấy phải hì hụi dùng máy vắt ra từng chút một. Nhưng tôi cũng cố gắng giải thích cho vợ tôi hiểu rằng trẻ biết ăn đến chừng nào đủ thì thôi. Có lúc trẻ bỏ dở cả nửa bình sữa thì còn cố cho uống, đằng này chỉ là chút dính đáy bình thì cố làm gì. Nhưng cô ấy vẫn nhất quyết làm theo ý mình. Rồi mẹ vợ tôi sang với cháu, cũng tuân thủ y xì nguyên tắc   ‘‘đ   ến giọt cuối cùng’’.

Chỉ được hai tháng, quả nhiên con bé sợ. Nó nhất định không ăn nữa, nhất là khi còn tỉnh. Vợ tôi lý giải là có thể nó đang mọc răng (mới ba tháng mà con bé đã mọc được bảy, tám cái răng). Tr   ong nhiều ngày, chỉ duy nhất tôi có thể cho con bé uống sữa. Và nó chỉ uống khi bắt đầu mơ màng ngủ. Nếu thức thì nó không uống, nếu ngủ say quá tất nhiên cũng không uống được. Thành ra cứ cách mấy tiếng, tôi lại phải ru nó ngủ, nhưng không được để nó ngủ sâu. Nhiều khi nó đang chơi vui vẻ cũng phải tìm mọi cách làm cho nó ngủ để nó còn uống sữa, phải bế, phải đung đưa, phải vào phòng tối, phải hát ru đủ cả. Mà nếu chỉ cần mẹ nó bế, hay đến gần, đủ để nó ngửi thấy mùi, là dù thức hay ngủ nó cũng mím chặt môi, không chịu uống. Vợ tôi hoang mang, không hiểu tại sao. Tôi bảo: ‘‘Anh nghĩ là không sao cả, mình ép nó quá làm nó sợ, có lẽ bây giờ cần để một thời gian cho nó ăn đúng theo nhu cầu, không ép buộc, nhồi nhét gì nữa.’’

Hiềm một nỗi là, khi trẻ ngủ nhiều, năng lượng tiêu tốn không là bao, nên mức ăn của trẻ giảm sút đáng kể. Tôi đề nghị cả nhà thử trong mấy ngày: cứ để con thức ngủ như bình thường, nếu nó thức mà không chịu ăn thì kệ, chơi xong đói tự khắc vòi sữa. Quả nhiên, mấy ngày sau, mọi thứ trở lại bình thường, vậy là nguyên tắc ‘   ‘   giọt cuối cùng’’ phải bị bãi bỏ.

Đâu là giải pháp?

Với mỗi ông bố bà mẹ thì ‘   ‘   Con mình thật đặc biệt, khác con nhà người ta’’. Nếu con người khác chịu ăn uống dễ dàng thì đấy là   ‘‘   nhà người ta có phúc, chứ con em mà không ép là nhất định không chịu ăn, bỏ đói hai ngày cũng không ăn’’. Thật ra một đứa bé, nếu không có bệnh tật gì thì luôn ăn uống, ngủ, chơi và đi vệ sinh đầy đủ theo nhu cầu của nó, không cần ép buộc gì cả.

Mà ăn là ăn, ngủ là ngủ theo cách đơn giản nhất. Cũng không có chuyện   ‘‘   Con em phải bế, phải rung nó mới ngủ, không thì để cả ngày nó cũng không ngủ’’. Hiển nhiên nếu đã quen sung sướng rồi thì làm sao chịu được khổ. Đã quen được bế và rung rồi thì tự ngủ trong giường là việc khó khăn, sẽ khóc lóc hờn dỗi rất mệt mỏi. Hãy cứ để nó chơi đến lúc nào nó muốn, hoặc khóc đến lúc nào nó còn có thể, rồi xem nó có ngủ không, tôi đảm bảo lúc nó buồn ngủ, có đặt nó trên thềm bê tông nó cũng ngủ, chứ không cần chăn ấm đệm êm. Ham muốn luôn được ấp ủ, ôm vào lòng đứa con bé bỏng của mình là rất mãnh liệt và khó cưỡng lại. Nhưng phải có điểm dừng, bế ẵm vừa phải.

Những chuyện khác cũng thế, ai cũng muốn chăm chút con từng tí một, nhưng nên hợp lý. Bởi vì rồi bọn trẻ cũng đến lúc nào đó không thể ở trong vòng tay bố mẹ suốt 24 giờ. Ở nhà cái gì cho em bé cũng phải sạch, phải tiệt trùng 100%. Việc đó lúc con mới sinh thì rất tốt. Nhưng khi đến tuổi đi nhà trẻ, đi học cũng ráo riết đòi sạch, đòi tiệt trùng thì không có tác dụng. Ở nhà cái thìa rửa đi rửa lại, nếu chưa cho vào máy tiệt trùng hay cho vào nước sôi thì nhất định không được cho vào miệng con, nhưng khi đi nhà trẻ nó vớ được cái gì dưới đất mà chẳng có thể cho vào miệng mút. Cứ sạch quá, tự nhiên khả năng đề kháng của trẻ bị giảm sút, đến trường hay ra đường là ốm liên miên. Chuyện quần áo cũng thế, trong nhà ấm rồi mà mặc nhiều quá, lúc ra đường mặc thêm được bao nhiêu? Ở nhà cứ kè kè canh không cho con cởi ra, đến trường chơi đùa nóng, nó cởi ra hết, trong khi cơ thể con trẻ không quen lại ốm ngay. Vân vân và vân vân.

Lý thuyết của tôi là như thế, tôi giữ gìn vừa phải, đúng mức thôi, và khi đứa trẻ bắt đầu có nhận thức thì tôi chú trọng dạy trẻ biết cách tự bảo vệ và chăm sóc bản thân: thấy nóng thì tự cởi áo ra, lạnh thì mặc lại, cái gì bẩn thì không chơi, nếu nhất định muốn chơi thì tự rửa, hoặc chưa biết rửa thì đưa cho người lớn. Con người là tạo vật tuyệt vời nhất của tạo hóa, có thể thích nghi với tất cả, luôn biết tự bảo vệ mình và làm thế nào để mình thoải mái nhất, ngay cả một đứa trẻ.

Đó là lý thuyết của riêng tôi, mà tôi muốn chia sẻ. Tôi không kêu ca, phản đối gì các ‘‘ông bố’’, ‘‘bà mẹ’’ có những ‘‘lý thuyết’’ khác, bởi mỗi người có suy nghĩ, cách làm và lý lẽ của riêng mình. Và suy cho cùng, những gì tôi và họ làm cũng là để cho bản thân được thoải mái nhất, theo đúng ý mình nhất (chứ có thể không hẳn là cho lợi ích thực sự của đứa trẻ), và vì họ luôn tự biết bảo vệ mình nên kêu ca, chỉ trích hay khuyên bảo không ích lợi gì nhiều. Trong mọi chuyện, cái khó làm người ta thay đổi nhất là quan điểm nuôi con, dạy con. Chỉ chia sẻ thôi, nếu ai đó thấy đồng cảm, thấy đúng, người ta sẽ tự điều chỉnh hay áp dụng.

Và điều đáng nói là: Nếu mỗi người đều nuôi dạy con theo cách của mình, và tin vào điều đó, là bởi vì đó chính là cách thể hiện tình yêu của họ. Tình yêu của bố mẹ dành cho con thì thật nhiều và dường như chẳng bao giờ sai, cũng không dễ gì thay đổi. Chừng nào cách nuôi dạy và chăm sóc con của mỗi người còn khiến họ hạnh phúc, thỏa mãn, vui vẻ và con cái họ cũng vậy thì không có gì để bàn. Chỉ nếu họ thấy khổ sở, lo lắng, căng thẳng hay nhiều khi phải ngại ngùng, đôi khi gặp những phiền toái thì chắc là có chút vấn đề cần xem lại, cần điều chỉnh.

Nói gì thì nói, trong việc chăm con thì bà mẹ thường vẫn là người có ‘‘quyền lực tối cao’’. Sẽ thật tốt nếu người bố đóng vai trò ‘‘dung hòa’’ đại dương tình cảm, sự lo lắng của người mẹ bằng chút lý trí, óc hài hước và thật nhiều quan tâm.

Vẫn chỉ thế thôi, chính là yêu thương và chia sẻ.

Không có gì mầu nhiệm hơn.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button