Chuyên ngành

Tâm Lý Học Đám Đông

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Gustave Le Bon

Download sách Tâm Lý Học Đám Đông ebook PDF/PRC/EPUB/MOBI. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : SÁCH CHUYÊN NGÀNH

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Gustave Le Bon (1841 – 1931) là nhà tâm lí học xã hội nổi tiếng người Pháp với lí thuyết về đám đông. Ông viết về nhiều lĩnh vực và có ảnh hưởng rất lớn trong xã hội Pháp đương thời. Những tác phẩm nền tảng nhất của Le Bon là Quy luật tâm lí vì sự phát triển của các dân tộc (Les Lois psychologiques de l’évolution des peuples, 1894), Cách mạng Pháp và tâm tí học về các cuộc cách mạng (La Révolution francaise et la psychologie des révolutions, 1912) và Tâm lí học đám đông (La Psychologie des foules, 1895). Các tác phẩm khác của Le Bon bao gồm: Tâm lí học về chủ nghĩa xã hội (Psychologie du socialisme, 1898), Bài học tâm lí từ cuộc chiến tranh châu Âu (Enseignements psychologies de la guerre Européenne, 1915), Tâm lí học thời đại mới (La psychologie des temps nouveaux, 1920) và Một thế giới mất cân bằng (Le déséquilibre du monde, 1924)…

Le Bon tập trung nghiên cứu về tính cách và tinh thần của các dân tộc, nhưng ưu thế và quá trình phát triển của các chủng tộc. Ông đặt lên hàng đầu khái niệm vô thức tập thể mà chính Freud đã thừa nhận vai trò của nó đối với các nghiên cứu về phân tâm học của mình. Le Bon cho rằng con người được xác định bởi những nhân tố sinh học và tâm lí học. Trong những quy luật lớn thường xuyên chỉ đạo sự tiến triển chung của mỗi nền văn minh, “những cái phổ biến nhất, khó quy giản nhất sinh ra từ cấu tạo tinh thần của những chủng tộc” (Quy luật tâm lí về sự phát triển của các dân tộc). Thực ra, mỗi dân tộc “đều có một cấu tạo tinh thần cố định như tính chất giải phẫu học của nó” (sách đã dẫn), được biểu hiện trong “tâm hồn” nó. Tất cả các thể chế, niềm tin, mọi nghệ thuật của một dân tộc chỉ là “mạng lưới hữu hình trong tâm hồn vô hình của nó”. Chủng tộc cũng núp bóng trong mỗi cá nhân cấu thành một dân tộc; nó chi phối mọi hành động, mọi ham muốn, mọi xung năng của anh ta, nó tạo nên vô thức tập thể của anh ta.

Trong khi đó, thời đại của Le Bon đã chứng kiến bản chất di truyền của chủng tộc bị lung lay với sự lớn mạnh của đám đông và những bất ổn về chính trị, xã hội. Ông đã trải nghiệm qua Công xã Paris năm 1871 và nghiên cứu rất kỹ về cuộc Cách mạng Pháp năm 1789 và 1848. Những trải nghiệm ấy mang lại kinh nghiệm thực tiễn cho việc hình thành tư tưởng về đám đông của ông. Tư tưởng ấy được thể hiện rõ rệt nhất trong tác phẩm Tâm lí học đám đông.

Theo Le Bon, những đám đông luôn bị vô thức tác động, họ xử sự như người nguyên thuỷ, người dã man, không có khả năng suy nghĩ, suy luận, mà chỉ cảm nhận bằng hình ảnh, bằng sự liên kết các ý tưởng; họ không kiên định, thất thường, và đi từ trạng thái nhiệt tình cuồng loạn nhất đến ngây dại ngớ ngẩn nhất. Vả lại, do thể tạng của mình, những đám đông ấy cần có một thủ lĩnh, một người cầm đầu, kẻ có thể dẫn dắt họ và cho bản năng của họ một ý nghĩa. “Những người cầm đầu hiện nay càng có khuynh hướng thay thế quyền lực công thì quyền lực công càng bị chất vấn và suy yếu đi. Sự bạo ngược của những ông chủ mới này làm đám đông ngoan ngoãn vâng lời họ hơn cả khi họ đã từng vâng lời chính quyền” (Tâm lí học đám đông, tr.179). Vậy nên, thời hiện đại được định tính bằng sự lên ngôi của những đám đông được người cầm đầu dẫn dắt. Và trong thời đại hỗn loạn và lo âu ấy, bằng việc đánh mất lí tưởng của mình, chủng tộc đã đánh mất tâm hồn mình và lại trở thành đám đông. “Nền văn minh chẳng có sự cố định nào, bị phó mặc cho mọi ngẫu nhiên. Bọn tiện nhân thành bà hoàng và những kẻ dã man tiến lên” (Tâm lí học đám đông, tr.303).

Ngày nay, lí thuyết của Le Bon vẫn chịu một số chỉ trích. Ông được coi là người đặt nền móng cho chủ nghĩa quốc gia hiện đại. Nhưng dù thế nào đi nữa thì Le Bon cũng chỉ là “con đẻ” của thời đại ông. Nỗi lo sợ về nạn bạo lực, sự hoành hành, chứng khủng bố của những đám đông thể hiện rất rõ trong lí thuyết của ông. Ông dường như đã quá phóng đại về nguy cơ bạo lực và sự vô lí của đám đông. Tuy vậy, cuốn sách này thực sự là tác phẩm quan trọng và có ảnh hưởng lớn tới tư tưởng thời đại của Le Bon nói chung cũng như tâm lí học hiện đại nói riêng. Dù tán thành hay phản đối, dù đôi chỗ Le Bon có phần cực đoan, và những quan điểm, luận thuyết của ông còn phải tranh luận, nhưng NXB Tri Thức cũng xin mạnh dạn giới thiệu tác phẩm của Le Bon với độc giả Việt Nam như một cái nhìn tham khảo. Hơn nữa, việc xem xét, tìm hiểu nhiều học thuyết trên thế giới, thậm chí trái ngược, mâu thuẫn với nhau thiết nghĩ là điều rất hữu ích cho các sinh hoạt tri thức của Việt Nam, làm đa dạng hoá và phong phú thêm tri thức của người Việt Nam. Trên tinh thần đó, chúng tôi sẽ tiếp tục cho ra mắt bản dịch cuốn Trí tuệ đám đông (The Wisdom of Crowds), một trong những cuốn sách bán chạy nhất năm 2005, mang một cái nhìn khác với cái nhìn của Le Bon về đám đông, để độc giả có thêm thông tin khách quan về chủ đề này.

Trong khi đọc cuốn sách này, xin độc giả lưu ý rằng cụm từ chủ nghĩa xã hội (socialisme) mà Le Bon nhắc đến ở đây có hàm ý là chủ nghĩa xã hội không tưởng đã tồn tại từ thế kỉ XVI đến thế kỉ XIX ở Tây Âu, chứ không đồng nghĩa với khái niệm chủ nghĩa xã hội khoa học của Marx và Engels mà Lenin đã vận dụng để xây dựng nên Liên bang Xô viết và trở thành nền tảng tư tưởng của phe xã hội chủ nghĩa được hình thành sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

Tháng 6/2006

NXB TRI THỨC

ĐỌC THỬ

Chương I. Đặc điểm tổng quát của đám đông: Quy luật tâm lý về sự thống nhất tinh thần của đám đông

Cái gì cấu thành một đám đông xét về quan điểm tâm lí học. – Một sự quần tụ nhiều cá nhân không đủ để họp thành một đám đông. – Những đặc tính riêng biệt của đám đông tâm lí. – Khuynh hướng cố định về tư tưởng và tình cảm ở những cá nhân hợp thành đám đông và sự biến mất tính cách cá nhân. – Đám đông bao giờ cũng bị cái vô thức thống trị. – Sự biến mất của hoạt động não bộ và sự ưu trội của hoạt động tuỷ sống. – Sự giảm sút trí tuệ và biến đổi hoàn toàn những tình cảm. – Tình cảm được biến đổi có thể tốt hơn hay xấu hơn tình cảm của những cá nhân đã họp thành đám đông. – Đám đông cũng dễ dàng là anh hùng hay tội phạm.

Theo nghĩa thông thường, từ đám đông biểu thị một sự hợp nhất những cá nhân bất kì, bất kể thuộc dân tộc, nghề nghiệp hay giới tính nào, và cũng bất kể sự ngẫu nhiên nào đã tập hợp họ lại.

Từ quan điểm tâm lí học, thuật ngữ đám đông có một ý nghĩa hoàn toàn khác. Trong một vài hoàn cảnh đã cho, và chỉ trong những hoàn cảnh này thôi, một quần tụ những con người sẽ có những tính cách mới rất khác những tính cách của những cá nhân họp thành quần tụ ấy. Cá tính có ý thức biến mất, những tình cảm và tư tưởng của tất cả các đơn vị đều hướng về cùng một hướng. Nó hình thành một tâm hồn tập thể, tuy chỉ nhất thời, nhưng có những tính cách rất rõ. Vì thiếu một từ ngữ hay hơn, nên tôi gọi cái tập thể ấy là một đám đông được tổ chức, hoặc, nếu muốn, còn gọi là một đám đông tâm lí. Đám đông này hình thành nên một thực thể duy nhất, phục tùng quy luật thống nhất tinh thần của những đám đông.

Rõ ràng là không phải chỉ vì có nhiều cá nhân ngẫu nhiên ở bên cạnh nhau mà họ có được những tính cách của một đám đông có tổ chức. Một ngàn cá nhân ngẫu nhiên tụ họp trên một quảng trường công cộng không có một mục đích xác định, thì không hề là một đám đông từ quan điểm tâm lí học. Để có được những tính cách đặc biệt, cần phải có ảnh hưởng của một vài tác nhân kích thích mà chúng ta sẽ xác định bản tính của chúng.

Sự biến mất cá tính có ý thức và việc định hướng những tình cảm và tư tưởng theo một chiều nhất định, là những nét đầu tiên của đám đông đang tự tổ chức, không phải bao giờ cũng bao hàm sự hiện diện đồng thời nhiều cá nhân trên cùng một điểm. Hàng ngàn cá nhân tách riêng, ở một thời điểm nào đó, có thể chịu ảnh hưởng của một vài xúc cảm mãnh liệt, ví dụ một biến cố quốc gia to lớn, cũng có tính cách một đám đông tâm lí. Lúc ấy chỉ cần một ngẫu nhiên nào đó tập hợp họ lại thì những hành động của họ lập tức mang tính cách đặc biệt của hành vi đám đông. Ở một vài thời điểm, chỉ một nửa tá người cũng có thể cấu thành một đám đông tâm lí, trong khi hàng ngàn người tập hợp ngẫu nhiên lại không thể cấu thành đám đông tâm lí. Mặt khác, toàn thể một dân tộc, dẫu không có sự quần tụ rõ ràng, cũng có thể trở thành một đám đông dưới tác động của một số ảnh hưởng.

Khi một đám đông tâm lí được hình thành, nó liền có những tính cách chung tạm thời, nhưng có thể xác định được. Những tính cách chung này lại được cộng thêm tính cách riêng, khả biến, tuỳ theo những thành tố mà đám đông bao gồm và có thể làm biến thái cấu tạo tinh thần của đám đông.

Như thế, những đám đông tâm lí đều có thể phân loại và khi tới mục phân loại này, chúng ta sẽ thấy rằng một đám đông không thuần nhất, nghĩa là gồm những phần tử không giống nhau, cũng sẽ có những tính cách chung với những đám đông thuần nhất, nghĩa là gồm những phần tử ít nhiều giống nhau (giáo phái, đẳng cấp, giai cấp), và bên cạnh những tính cách chung đó, còn có những đặc tính riêng cho phép ta phân biệt được hai loại đám đông ấy.

Nhưng trước khi xem xét các loại đám đông khác nhau, đầu tiên ta cần phải nghiên cứu những tính cách chung của tất cả các loại. Chúng ta tiến hành như nhà tự nhiên học, bắt đầu bằng việc mô tả những tính cách chung của mọi cá thể thuộc về một họ trước khi xét tới những tính cách riêng cho phép phân biệt những loài và những giống mà họ đó bao gồm.

Thật chẳng dễ gì mô tả chính xác tâm hồn đám đông, bởi vì tổ chức của nó biến đổi chẳng những tuỳ theo chủng tộc và thành phần của các tập thể, mà còn tuỳ theo bản tính và mức độ của các tác nhân kích thích lên những tập thể ấy. Nhưng khó khăn này cũng có trong việc nghiên cứu tâm lí một cá nhân bất kì. Chỉ trong tiểu thuyết ta mới thấy những cá nhân trải qua cuộc đời với một tính cách không thay đổi. Chỉ có sự đồng đều của môi trường mới tạo ra sự đồng đều bên ngoài của những tính cách. Vả lại, tôi đã chứng minh ở một tác phẩm khác rằng mọi cấu trúc tinh thần đều hàm chứa những khả năng về tính cách có thể biểu hiện ngay khi môi trường đột ngột thay đổi. Chính vì vậy, những đại biểu dữ tợn nhất của Hội nghị Quốc ước(1) lại là các nhà tư sản hiền lành, trong hoàn cảnh bình thường, họ vốn là những công chứng viên hoà nhã hay quan chức hành chính đức hạnh. Giông bão đi qua, họ lại quay trở lại với tính cách bình thường của tầng lớp trung lưu ôn hoà. Napoléon đã tìm được trong tầng lớp này những nô bộc ngoan ngoãn nhất của mình.

Ta không thể nghiên cứu ở đây tất cả những mức độ hình thành đám đông, mà chỉ nghiên cứu trước hết những đám đông trong thời kì chúng đã trở thành tổ chức hoàn bị. Nghĩa là, chúng ta sẽ xem xét chúng có thể trở thành cái gì chứ không phải chúng luôn luôn đã là cái gì. Chỉ trong giai đoạn đã phát triển này của tổ chức thì một số đặc điểm mới mẻ và đặc biệt mới chồng lên trên tính cách bất biến và chủ đạo ấy của chủng tộc, và sẽ xảy ra chuyện tình cảm và tư tưởng của tập thể quay về cùng một hướng. Chỉ vào lúc đó mới biểu lộ cái mà ở trên tôi gọi là Quy luật tâm lí về sự thống nhất tinh thần của đám đông.

Trong những tính cách tâm lí của đám đông, có những tính cách mà đám đông có thể có chung với những cá nhân riêng lẻ, trái lại chúng còn bao hàm những tính cách rất riêng biệt, chỉ có ở tập thể. Chính những tính cách riêng biệt này là những gì ta cần phải nghiên cứu trước tiên để vạch rõ tầm quan trọng của chúng.

Sự kiện nổi bật nhất của đám đông tâm lí là điều sau đây: dù những cá nhân họp thành nó như thế nào, dù đời sống, nghề nghiệp, tính cách hay trí tuệ của những cá nhân ấy giống nhau hay khác nhau ra sao, thì chỉ riêng việc họ chuyển biến thành đám đông, họ đã có một thứ tâm hồn tập thể làm cho họ cảm nhận, suy nghĩ, và hành động theo một cách hoàn toàn khác với cách mà một cá nhân riêng lẻ vẫn cảm nhận, suy nghĩ và hành động. Có những tư tưởng, tình cảm chỉ nảy sinh hay chỉ biến thành hành động ở những cá nhân khi cá nhân ấy nằm trong đám đông. Đám đông tâm lí là một tồn tại tạm thời, hợp thành bởi những yếu tố dị loại chỉ gắn kết với nhau trong một thời đoạn, chúng giống hệt những tế bào cấu thành một cơ thể sống nhờ nối kết với nhau thành một sinh vật mới, biểu lộ những tính cách rất khác biệt với tính cách mà riêng từng tế bào đã có.

Trái ngược với một ý kiến làm ta ngạc nhiên vì đã được viết ra dưới ngòi bút của một nhà triết học sâu sắc như Herbert Spencer[2], thật ra, trong một quần tụ họp thành một đám đông, không hề có tổng số và trung bình cộng của các thành tố [như H. Spencer quan niệm] mà chỉ có sự tổ hợp và sự tạo ra những tính cách mới. Giống như trong hoá học, một số yếu tố đối lập nhau, ví dụ bazơ hay axit, kết hợp với nhau để tạo thành một hợp chất mới có những đặc tính hoàn toàn khác các chất được dùng để làm ra nó.

Ta dễ dàng nhận thấy cá nhân nằm trong đám đông khác với cá nhân riêng lẻ đến mức nào nhưng thật chẳng dễ dàng để tìm ra những nguyên nhân của sự khác biệt ấy.

Chí ít, để đi tới chỗ hé nhìn thấy những nguyên nhân này, trước tiên ta phải nhớ lại điều nhận xét ấy trong tâm lí học hiện đại, để biết rằng không phải chỉ trong đời sống hữu cơ mà còn cả trong sự vận hành của trí tuệ, những hiện tượng vô thức đóng một vai trò hoàn toàn ưu trội. Đời sống ý thức của tâm trí chỉ biểu thị một phần rất kém bên cạnh đời sống vô thức. Nhà phân tích tinh tế nhất, nhà quan sát sâu sắc nhất hầu như chỉ phát hiện ra một số rất ít những động cơ vô thức đã dẫn dắt nó. Những hành vi có ý thức của chúng ta là kết quả của một tầng nền vô thức chủ yếu được tạo ra do những ảnh hưởng di truyền. Tầng nền này bao chứa vô vàn những chất cặn của tổ tiên tạo nên tâm hồn của chủng tộc. Đằng sau những nguyên nhân được thừa nhận trong hành vi của chúng ta, chắc chắn có những nguyên nhân thầm kín mà ta không thú nhận, nhưng đằng sau những nguyên nhân thầm kín này còn có những nguyên nhân thầm kín hơn nữa, bởi vì chính chúng ta cũng không biết đến chúng. Phần lớn hành động hằng ngày của chúng ta chỉ là hậu quả của những động cơ ẩn giấu mà ta không nắm được.

Chính những yếu tố vô thức hình thành nên tâm hồn của một chủng tộc, là những yếu tố hàng đầu làm cho mọi cá nhân trong chủng tộc ấy giống nhau, còn chính những yếu tố ý thức – kết quả của giáo dục mà nhất là của sự di truyền đặc thù – là những yếu tố chính yếu làm cho các cá nhân ấy khác nhau. Những con người khác nhau nhất về trí thông minh, lại đều có những bản năng, những đam mê, những tình cảm rất giống nhau. Trong tất cả các lĩnh vực thuộc tình cảm tôn giáo, chính trị, tinh thần, thiện cảm, ác cảm v.v…, những con người kiệt xuất nhất cũng hiếm khi vượt qua được trình độ của những cá nhân bình thường nhất. Giữa một nhà toán học vĩ đại với người thợ giày của ông ta, về mặt trí tuệ có thể tồn tại một vực thẳm, nhưng về mặt tính cách thì sự khác biệt thường không có hoặc rất nhỏ.

Thực vậy, chính những phẩm chất chung của tính cách bị cái vô thức khống chế mà đa số những cá nhân bình thường của một chủng tộc đều có ở mức độ ngang nhau – lại trở thành cái chung trong đám đông. Trong tâm hồn tập thể, những khả năng trí tuệ của cá nhân, và theo đó là tính cách cá thể, bị mờ nhạt đi. Cái dị loại chìm trong cái đồng nhất, và những tính chất vô thức chiếm ưu thế.

Đúng là việc đặt những tính chất bình thường thành “cái chung” đã giải thích tại sao đám đông không bao giờ có thể thực hiện được những hành động đòi hỏi trí tuệ cao. Những quyết định về lợi ích chung được đưa ra do một tập hợp những con người ưu tú, nhưng ở nhiều chuyên ngành khác nhau, rõ ràng không cao siêu hơn quyết định của một tập hợp những con người ngu đần. Thực vậy, họ chỉ cùng đưa ra được những tính chất tầm thường mà ai ai cũng có. Trong đám đông, chính sự ngu đần chứ không phải trí tuệ, đã được tích tụ. Như ta thường nói, không phải tất cả mọi người có trí tuệ nhiều hơn Voltaire[3], chắc chắn Voltaire có trí tuệ nhiều hơn tất cả mọi người, nếu như ta hiểu “tất cả mọi người” nghĩa là đám đông.

Nhưng nếu các cá nhân trong đám đông chỉ đặt chung nhau những tính chất bình thường mà mỗi người đều có phần của mình, thì đơn giản sẽ chỉ có cái trung bình cộng, chứ không phải như ta nói, sẽ tạo ra tính cách mới.

Vậy những tính cách mới được thiết lập thế nào? Đó là điều bây giờ chúng ta sẽ phải nghiên cứu.

Có nhiều nguyên nhân khác nhau quyết định sự xuất hiện những tính cách đặc thù của đám đông mà các cá nhân tách riêng không có. Nguyên nhân thứ nhất là cá nhân trong đám đông đã có được, chỉ nhờ số lượng đông, một ý thức về sức mạnh vô địch cho phép nó nương theo những bản năng, mà nếu chỉ một mình, cá nhân sẽ tất nhiên kìm nén. Cá nhân càng ít có xu hướng kìm nén chúng, nếu đám đông là vô danh, do đó là vô trách nhiệm; ý thức về trách nhiệm, điều luôn ngăn giữ những cá nhân, đã biến mất hoàn toàn.

Nguyên nhân thứ hai, sự lây nhiễm, cũng can thiệp để xác định sự biểu hiện những tính cách đặc thù của đám đông, đồng thời xác định cả định hướng của chúng. Sự lây nhiễm là hiện tượng dễ nhận thấy, nhưng không được giải thích, và cần phải gắn nó với những hiện tượng thuộc lĩnh vực thôi miên mà lát nữa ta sẽ nghiên cứu. Trong một đám đông, mọi tình cảm, mọi hành động đều có tính lây nhiễm, và lây nhiễm đến mức cá nhân rất dễ dàng hy sinh quyền lợi riêng cho quyền lợi tập thể. Đó là một khả năng rất trái ngược với bản tính cá nhân, mà con người hầu như chỉ có thể làm được khi nó là bộ phận của một đám đông.

Nguyên nhân thứ ba, và là nguyên nhân quan trọng nhất, xác định những tính cách đặc biệt khi cá nhân ở trong đám đông; chúng đôi khi hoàn toàn trái ngược với tính cách của cá nhân lúc tách lẻ. Tôi muốn nói tới tính dễ bị gợi ý (suggestibilité) mà tính lây nhiễm nói trên thực ra chỉ là hệ quả của nó.

Muốn hiểu hiện tượng này, ta phải nhớ đến một số phát hiện mới đây của sinh lí học. Ngày nay, chúng ta biết rằng, bằng những cách khác nhau, một cá nhân có thể được đặt trong một trạng thái nào đó, và bị mất hoàn toàn nhân cách có ý thức, tuân theo mọi gợi ý của người làm thí nghiệm, người đã khiến cá nhân mất ý thức, và làm những hành động vô cùng trái ngược với những tính cách và thói quen của mình. Thực vậy, những quan sát kĩ lưỡng nhất chứng minh rằng cá nhân bị chìm đắm một thời gian trong lòng một đám đông đang hành động, sẽ nhanh chóng rơi vào một tình trạng đặc biệt – do thứ điện từ đó phóng ra, hay từ nguyên nhân hoàn toàn khác mà ta không biết – rất giống trạng thái mê hồn khi người bị thôi miên ở trong tay nhà thôi miên. Đời sống não bộ bị tê liệt ở người bị thôi miên, người này trở thành nô lệ cho mọi hoạt động vô thức của tuỷ sống và nhà thôi miên điều khiển anh ta theo ý muốn. Nhân cách có ý thức của anh ta hoàn toàn biến mất, ý chí và óc phân biệt biến mất. Mọi tình cảm và tư tưởng đều bị nhà thôi miên hướng theo một chiều nhất định.

Điều đó rất gần với trạng thái của cá nhân khi thuộc về một đám đông tâm lí. Anh ta không còn ý thức về những hành động của mình nữa. Ở anh ta, cũng như ở người bị thôi miên, một số khả năng bị phá huỷ, đồng thời những khả năng khác có thể bị dẫn tới một mức độ hứng khởi cực đoan. Dưới ảnh hưởng của một gợi ý, cá nhân này sẽ lao vào thực hiện một vài hành vi nào đó với sự mãnh liệt không thể cưỡng nổi. Sự cuồng nhiệt ấy trong đám đông còn lôi cuốn mạnh hơn so với một chủ thể bị thôi miên, bởi vì sự gợi ý như nhau đối với mọi cá nhân sẽ được phóng đại lên khi trở thành tương hỗ. Trong đám đông, những cá nhân có cá tính khá mạnh để cưỡng lại sự gợi ý, thường có số lượng quá ít để đấu tranh chống lại trào lưu. Nhiều nhất thì những cá nhân này cũng chỉ làm được việc đánh lạc mục tiêu bằng cách đưa ra một gợi ý khác. Chẳng hạn, chính nhờ vậy, mà một từ ngữ may mắn, một hình ảnh được gợi đúng lúc đôi khi đã làm đám đông chệch hướng, tránh được những hành động đẫm máu nhất.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button