Review

Vô Thường

Nội dung

Cuốn sách này là tổng hợp từng mẩu chuyện nhỏ được tác giả (là bác sĩ) góp nhặt từ nghề nghiệp của mình, rồi thổi thêm tâm tư của mình vào đấy. Đa phần những câu chuyện này rất buồn, đọc xong thấy lòng mình chùng lại. Sau những giây phút lắng đọng ấy là sự thức tỉnh, khi nhận ra đời người vô thường, sự sống thật quá mong manh, tình người lắm lúc quá hững hờ, và tất cả đều là duyên là phận. Nổi bật ở quyển sách này là cái cách tác giả lồng những lời nhạc Trịnh Công Sơn vào bài viết của mình, cũng như cách anh đưa triết lý Phật giáo vào trong câu chữ. Tất cả các mẩu chuyện trong sách đều hay và đáng đọc.

Cuốn sách như một tấm gương, để khi soi vào đó người ta bất giác phải giật mình vì suốt thời gian qua mình đã “sống nông” như thế nào, vô tâm vô tình ra làm sao với người thân, bạn bè và ngay cả với chính bản thân mình. Sách mỏng và chuyện cũng ngắn, nhưng sự rung động mạnh mẽ cuốn sách mang lại cho người đọc chắc chắn sẽ không dễ dàng tan biến đi khi trang sách cuối cùng khép lại…

“Hy sinh vì người khác luôn cho hương thơm bay ngược chiều gió. Gánh nặng vì tình yêu luôn song hành cùng sức mạnh vô song. Bất cứ gỗ đá nào chạm phải tình yêu đều trở nên bao dung mềm mại.

Tôi thấy lòng mình bỗng chật. Những gì trước đây tôi cho là đúng, bây giờ tôi đâm nghi ngờ. Những gì trước đây tôi luôn theo đuổi, giành giật để có, bây giờ thấy chẳng còn quan trọng nữa.

Những tay thét ra lửa, những tay sừng sỏ mà tôi từng kính nể, bỗng dưng tôi thấy họ bình thường. Họ cố gắng dùng đôi bàntay chứng tỏ mình, khuếch trương mình, những cái họ có được chỉ là thứ trơ trẽn. Họ không bình yên trên vật chất họ có được. Họ khoác những chiếc áo sang trọng, tay đeo đầy những kim cương, xịt toàn nước hoa hảo hạng, nhưng không bao giờ có mùi hương thanh tao, dịu ngọt, toả lan khắp bầu trời.

Tôi bị ám ảnh, vì trong tôi hoài thai một lối sống. Tôi muốn thoát khỏi bàn tay của chính mình. Tôi là người tìm kiếm bàn tay đẹp.Bàn tay biết dang ra, biết sẻ chia là bàn tay đẹp. Bàn tay biết nắm lấy tay người bất hạnh hơn mình để cùng bước là bàn tay đẹp. Bàn tay biết nâng niu, gìn giữ cái đẹp, cái chân, cái thiện, là bàn tay đẹp. Và hàng ngàn định nghĩa về bàn tay đẹp khác.Có bàn tay cầm nắm rất nhiều, có thể điều khiển người khác. Có bàn tay xoè ra ăn xin từng đồng lẻ bố thí. Có bàn tay khéo léo làm nên những tuyệt tác nghệ thuật.

Có bàn tay vụng về chỉ làm đổ vỡ mọi thứ khi chạm vào. Có bàn tay cho đi. Có bàn tay giữ lại. Nhưng khi về với đất, bàn tay nào cũng rỗng. Rỗng tuyệt đối.Vậy sao không ướp hương cho đôi tay mình, tôi tự hỏi lòng như thế. Có hàng ngàn cách ướp hương, ướp hương thánh thiện, âm thầm, khiêm cung, bé nhỏ, mà hương thơm lại bay vượt mọi không gian.

Khi sinh ra, tay tôi nắm chặt. Khi chết đi tay tôi buông thõng. Từ nắm chặt đến buông thõng, một hành trình dài đầy nụ cười hạnh phúc và nước mắt đau thương.”

Thể loạiSách tản văn
Tác giảNguyễn Bảo Trung
NXBLao Động
Số trang216
Năm2016

Review

Oanh Nguyen

Quả là vô thường thật. Mọi thứ trong cuộc sống này quả vô thường. Những người làm công việc bác sĩ, y tá,.. lại càng thấm nhuần về sự vô thường này. Mới mùa hè đó, ông còn cười với mình, chạy thể dục về còn khoe cơ bắp, vậy mà tết về, ông đã… Mà nói chi mấy tháng xa xôi như thế. Một người anh khóa trên mới chỉ gặp hôm qua đó thôi, vậy mà hôm nay nhận ra đó là lần gặp gỡ cuối cùng. Cuộc sống vô thường, không biết ai đi đâu về đâu, không biết đâu là khởi đầu, đâu là kết thúc, đâu là định mệnh, đâu là cơ duyên. Cứ sống thôi, sống hết mình, làm nhiều việc tốt, cống hiến thôi, để một ngày, mình ở đâu đó nhìn người ta nghĩ về mình và sự vô thường….

Nhất Diệp

Cuốn sách được viết bởi một bác sĩ, người mà có lẽ hiểu rõ nhất về giá trị của sự sống, về cái giới hạn mong manh giữa sống – chết và lẽ vô thường của cuộc đời “đời người có rồi không, mọi thứ chỉ là thoáng chốc”. Cuộc sống này mong manh lắm. Sống đó chết đó ai mà lường được. Nhưng những áp lực của cuộc sống, công việc,… thường đẩy ta ra xa những người thân yêu, những điều trân quý nhất, ta vô tình thành kẻ hững hờ, để yêu thương và quan tâm trôi tuột qua trong ánh mắt hững hờ. Để rồi một ngày, vòng xoay vô thường chạm ngõ, ta bàng hoàng, ta nức nở, nhưng tất cả đã quá muộn. Nhân sinh như giấc mộng, mộng đẹp mấy rồi cũng có lúc tan, chúng ta đến với nhau trong cuộc đời này liệu được bao lâu? Hãy luôn yêu thương, hãy biết tha thứ, hãy sống thật sâu để khi giáp mặt với vô thường không còn gì phải hối tiếc.

“Chẳng có gì bất biến
Bận lòng chi đục trong
Ta về làm chiếc lá
Buông mình rơi thong dong”.

Gabrielle Pham

Không biết nói gì nhiều cho một cuốn sách giản dị mà thấm thía nhường này.

Cuốn sách như một tấm gương, để khi soi vào đó người ta bất giác phải giật mình vì suốt thời gian qua mình đã “sống nông” như thế nào, vô tâm vô tình ra làm sao với người thân, bạn bè và ngay cả với chính bản thân mình. Sách mỏng và chuyện cũng ngắn, nhưng sự rung động mạnh mẽ cuốn sách mang lại cho người đọc chắc chắn sẽ không dễ dàng tan biến đi khi trang sách cuối cùng khép lại.

Lâu lắm mới lại gặp một cuốn sách khiến mình rơi nước mắt nhiều đến như vậy trong khi đọc. Vừa đau lòng, vừa sợ hãi hoang mang, lại vừa thấy nhẹ nhõm vì biết mình vẫn còn thời gian để sửa chữa những sai lầm, tuy rằng chẳng biết sẽ còn lại được bao nhiêu.

Trích đoạn

Sống sâu

Sáng nay một bệnh nhân nam 50 tuổi, làm ruộng, quê ở Tiền Giang đến khám bệnh xin thử mỗi đường huyết. Mình mới hỏi:

– Sao chú muốn thử đường huyết?

– Vì tôi sụt cân nhanh, người ta nói do bệnh tiểu đường.

– Đã bỏ công từ quê lên đây, sao chú không khám tổng quát luôn? Giả sử thử máu có kết quả bị đái tháo đường thì cũng phải xem chức năng gan, thận và đánh giá biến chứng mới điều trị được chứ.

Mình vừa giải thích vừa nhìn bệnh nhân, và mình hiểu vẻ ngập ngừng đắn đo ấy, có lẽ bệnh nhân nghèo.

– Dạ, thử hết mấy thứ đó bao nhiêu bác sĩ?

– Bệnh viện công giá rẻ lắm. Chú đi thử đi.

Khi cầm kết quả phim phổi trên tay, tự nhiên mình nghẹn lời, dù rằng mỗi ngày mình tiếp xúc với rất nhiều bệnh nhân với đủ loại bệnh tật khác nhau.

– Chú hút thuốc nhiều không?

– Cỡ một gói một ngày. Bữa nào buồn hút nhiều hơn.

– Chú uống rượu nhiều không?

– Mỗi ngày, nhưng chủ yếu vui chơi với anh em, người vài xị.

– Chú có vợ con gì không?

– Dạ, một vợ, ba con. Nhưng nhà có vài công ruộng, nên tụi nó bỏ lên Bình Dương làm công nhân hết rồi.

– Cháu nghĩ chú nên qua bệnh viện Phạm Ngọc Thạch khám.

– Tôi bị lao hả bác sĩ.

– Cháu cũng hy vọng là lao. Nhưng…

– Bác sĩ cứ nói đại đi. Tôi ở quê lên khám bệnh cực lắm.

– Cháu nghĩ đây là khối u. Nhưng chú biết đó, có u lành u ác. Mà u ác bây giờ có thể trị được.

– Ý bác sĩ là ung thư phổi hả?

– Chưa chắc đâu. Phải làm thêm xét nghiệm, sinh thiết … mới có thể kết luận.

Một khoảng im lặng kéo dài. Mình nhìn khuôn mặt bệnh nhân từ trắng bệch chuyển sang tím tái và khoảng mười lăm phút sau mới trở lại bình thường.

– Ung thư phổi thì sống được bao lâu bác sĩ?

– Chưa chắc đây là ung thư. Nhưng nếu ung thư thì có thể vài tháng, vài năm… Tùy vào cơ địa mỗi người, tuỳ vào phương pháp điều trị.

– Tại sao lại là tôi chứ?

– Tại sao không là chú?

– Tại…

Lại một khoảng im lặng kéo dài. Mình không nỡ mời bệnh nhân kế tiếp dù sáng thứ Hai rất đông.

– Tôi về bỏ thuốc lá và rượu có thể cứu vãn được không?

– Cháu nghĩ, bỏ được thì tốt. Nhưng bây giờ việc này không còn ý nghĩa nữa rồi.

Mình vẫn hay tự hỏi: Rượu bia và thuốc lá có điều gì hấp dẫn đến vậy, nhưng không có câu trả lời.

Lúc trước mình còn ngạc nhiên khi thấy Việt Nam là nước tiêu thụ rượu bia và thuốc lá lớn nhất thế giới, bây giờ thì mình không còn ngạc nhiên nữa. Vì đã hiểu một phần. “Vui cũng nhậu, buồn cũng nhậu, không vui không buồn cũng nhậu”, hình như rất đúng khi mô tả con người Việt Nam. Mỗi chiều tối đi làm về thấy quán nhậu nào cũng đông nghẹt khách. Hết chén chú đến chén anh.

Rồi một ngày nào đó bệnh tật kéo đến. Có những bệnh có thể chữa lành, có những bệnh tiền mất rất nhiều nhưng không thể cứu vãn. Dù vẫn biết ung thư là “trời kêu ai nấy dạ”, nhưng mình không tin là mỗi ngày mình sống không tác động gì đến nó. Bạn thử nhìn xem, một người béo phì, ăn nhiều lười tập thể dục… làm sao mà không đủ thứ bệnh về chuyển hoá, một người suốt ngày hút thuốc uống rượu làm sao tránh khỏi ung thư phổi, xơ gan? May mắn lắm cơ địa người đó đặc biệt.

– Bây giờ tôi phải làm sao?

– Bây giờ cháu kê thuốc tiểu đường cho chú, còn bệnh phổi chú phải qua bên Phạm Ngọc Thạch, bên đó chuyên hơn.

– Bác sĩ nói cho tôi biết, tôi có thể sống bao lâu nữa để tôi thu xếp nhà cửa.

– Cháu nói thật, không dám chắc chắn về điều gì. Có những thứ hôm nay đúng, ngày mai lại sai. Có những thứ ngỡ là phước nhưng lại là họa. Điều quan trọng bây giờ không phải là chú sống bao lâu, mà sống có thật sự sâu hay chưa?

– Sống thật sâu?

– Đúng rồi. Chú còn rất nhiều thời gian để suy nghĩ về điều đó. Ví dụ như có bao giờ chú đến quỳ bên gối mẹ chú và thì thầm lời cám ơn? Ví dụ như có bao giờ chú chở ba chú qua con đường làng nơi ngày xưa ba chú dẫn chú đi học? Ví dụ như có bao giờ chú cám ơn người vợ rất mực dịu hiền và chung thủy đã đi với chú ngần ấy năm mà không một tiếng than vãn dù chú nát rượu và nghiện khói thuốc?

– Bác sĩ… tôi… tôi chưa từng nghĩ đến điều đó.

– Chú có bao giờ quan tâm đến những đứa con mình? Chú có nghĩ rằng một lời hỏi han của chú thôi đủ làm họ hạnh phúc?

– Ơ…

– Vậy đó, sống sâu là sống với những điều nhỏ bé đơn giản như thế. Cuộc sống vô thường và con người ai mà không có bệnh có tử. Sau giai đoạn choáng rồi, chú sẽ chấp nhận được thôi. Từ chấp nhận đến quay lại nhìn về chính mình gần trong gang tấc.

– Cám ơn bác sĩ.

***

– Chú ấy là gì của anh?

– Cha ruột.

– Anh có hay đưa chú đi khám bệnh không?

– Bận lắm bác sĩ ơi, với lại ở xa nhau.

– Anh có biết ba anh bị ung thư phổi?

– Dạ…

– Ông ấy hút thuốc nhiều lắm không?

– Chẳng những hút thuốc còn uống rượu. Mỗi khi say xỉn về là đập phá nhà cửa chửi bới vợ con… Tôi nói thiệt từ nhỏ đến giờ ổng chưa dạy tôi bất cứ điều gì. Anh em tôi chẳng được đi học…

– Anh có hận chú không?

– Không.

– Không?

– Dạ, tốt xấu ổng cũng là cha mình mà bác sĩ. Đúng hay sai đâu có lỗi do ổng, tại ông bà hay môi trường sống nó thế.

Mình bất ngờ trước cách trả lời của người con, khi mình mời bệnh nhân ra ngoài để gặp riêng.

Anh ta làm công nhân, chắc chắn là ít học. Nhưng học chữ cho nhiều vào làm gì, bằng cấp tiến sĩ giáo sư làm chi mà không biết quan tâm yêu thương cha mẹ già, không biết sống sao cho có tình có nghĩa.

– Bệnh này điều trị tốn kém lắm, về mua bảo hiểm gấp đi. Được đồng nào hay đồng đó.

– Dạ.

Nhìn hai cha con bước ra khỏi phòng khám mà lòng mình chùng xuống. Mình mong có phép lạ xảy ra, bởi cuộc sống không bao giờ lại làm ngơ với một người con chí hiếu.

– Tốt xấu ổng cũng là cha mình. Câu nói ấy theo đuổi mình tới tận bây giờ!

Không biết trước

Bệnh nhân nam mới 27 tuổi, nhập viện vì khó thở. Toàn thân bệnh nhân tái mét đổ mồ hôi, khuôn mặt hốt hoảng lo âu, cứ hếch lên đớp không khí. Sự sống mỏng manh như mành treo chuông. Phù phổi cấp trên bệnh nền tăng huyết áp suy thận mạn giai đoạn cuối.

Mình liền ra y lệnh cho y tá: Thở oxy, gối cao đầu, mau furosemide, nitrat glyceryl…

– Nó bị hội chứng thận hư đã ba năm nay rồi, bác sĩ. Vợ bỏ đi theo trai. Năm ngoái suy thận phải chạy thận nhân tạo. Đời gì mà nghiệt ngã.

Nghe mẹ bệnh nhân kể, mình xót xa trong lòng. 27 tuổi có thể nói là tuổi đẹp nhất của người đàn ông, tràn trề sức sống, đủ chín trong sự nghiệp, trong hôn nhân, vậy mà bệnh nhân phải vật lộn với căn bệnh thận quái ác, mỗi tuần ba lần vào viện chạy thận, quá trình điều trị mỏi mệt biết bao.

Và chợt nhìn lại, thấy mình cứ mãi than vãn về những khó khăn, những chuyện bực bội vụn vặt hằng ngày, mà quên… mình đã có rất nhiều thứ, có sức khỏe, có gia đình để yêu thương để đi về…

***

Tiếng còi xe cấp cứu hụ nát cả khu phố, như tiếng hét cuối cùng của một người đang giãy chết. Bà cụ 90 tuổi, suy hô hấp cấp do viêm phổi nặng. Từng phút trôi qua căng thẳng tột cùng. Bà cụ đã nằm một chỗ từ rất lâu sau đợt tai biến mạch máu não nặng cách đây mười lăm năm, được nuôi ăn qua sonde dạ dày. Mình phân vân đứng đó, kéo hay buông? Biết đâu sự ra đi là giải thoát bà cụ khỏi nỗi đọa đày. Nhưng khi nhìn mặt những người con, thì mình biết mình phải kéo. Ai cũng muốn mẹ cha sống mãi bên mình.

Con của bà cụ nức nở: Bác sĩ ơi, cố hết sức nhé! Không cần dùng bảo hiểm đâu, cứ dùng thuốc tốt, gia đình có tiền.

– Bà cụ đã 90 rồi…

– 90 là tuổi của trời rồi đúng không bác sĩ? Nhưng bác sĩ ơi, không nỗi đau nào hơn khi mình biết mình mất mẹ vĩnh viễn. Bác sĩ… cứu giùm.

Tự nhiên nước mắt mình trào ra. Tình cảm chân thành của người con ấy đã chạm vào trái tim ngỡ đã chai đá rồi với những cảnh chia ly mất mát nơi phòng cấp cứu.

Mình bất lực quá. Trong khi cuộc sống quá đỗi vô thường.

Ừ thì, tiền có thể mua được rất nhiều thứ trong cuộc sống, nhưng tiền không bao giờ mua được sinh mạng của con người.

Bởi vậy, được sống, được khỏe mạnh, được bình yên dưới mái nhà, đó là niềm hạnh phúc.

Và mình đã tự hỏi: Có bao giờ mình cám ơn cuộc sống không, khi cho mình quá nhiều thứ? Chẳng phải còn được đứng đây khỏe mạnh có hiểu biết mà ra y lệnh chiến đấu cùng thần chết mong giành lại được những phận người mỏng manh.

Và đó cũng là câu trả lời, tại sao mình chọn nghề Y, dù nghề Y “bạc” lắm. Bao nhiêu nhọc nhằn, bao nhiêu được mất phút chốc tan biến, chỉ còn khoảnh khắc giữa bác sĩ và bệnh nhân cùng nhau vượt qua bước chông chênh bấp bênh của cuộc đời.

Bạn ơi, có bao giờ bạn cũng như mình, cũng quay cuồng trong những lo toan, nhiều khi mệt nhoài mà quên… mình đang sống. Tới một ngày, một ngày không – biết – trước, chúng ta sẽ cố giơ tay chới với trong khoảng không cầu mong được cứu. Chúng ta sẽ cố hếch lên để thở, từng hơi thở khó nhọc, và ánh mắt sẽ hoảng hốt khi thấy tử thần đang đứng nơi đầu giường. Ngày đó không – biết – trước…

List

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button