Review

Tự Truyện Của Một Yogi

Thể loại Tự truyện
Tác giả Pritchard G
NXB NXB Lao Động
Công ty phát hành Nhã Nam
Số trang 572
Ngày tái bản 07-2014
Giá bánXem giá bán

Giới thiệu sách

Xuất bản lần đầu năm 1946, gần bảy mươi năm qua, Tự truyện của một yogi đã cuốn hút hàng triệu độc giả khắp nơi trên thế giới. Được đánh giá là một trong 100 cuốn sách tâm linh hay nhất thế kỷ 20, câu chuyện về cuộc đời đặc biệt của Paramahansan Yogananda đưa độc giả vào một hành trình khám phá khó quên thế giới của các thánh và yogi, khoa học và phép màu, cái chết và sự phục sinh.

Với một trí tuệ uyên thâm và sự hóm hỉnh đáng mến, thầy đã soi tỏ những bí ẩn thâm sâu của đời người và của vũ trụ – mở rộng con tim và khối óc cho niềm vui, cái đẹp và những khả năng tinh thần vô hạn vốn tồn tại trong mỗi con người. Qua cuốn sách và chính cuộc đời hành đạo của mình, Paramahansan Yogananda, cũng như Gandhi, đã đưa tâm linh vào xu thế chủ đạo của xã hội.

Nhận định

“Dù tôn giáo, tín ngưỡng của bạn là gì thì bạn cũng sẽ thấy Tự truyện của một yogi là một sự khẳng định đáng mừng về sức mạnh của tâm hồn người.” – West Coast Review of Books

“Cuốn sách của Yogananda là tự truyện của linh hồn hơn là thể xác… Cuốn sách là một nghiên cứu hấp dẫn và được chú giải rõ ràng về một lối sống đạo hạnh, được mô tả trung thực theo phong cách gây xúc động của Á Đông.”- Newsweek

“Yogananda đã trình bày tường tận cái gọi là các giáo lý bí truyền Đông phương với sự chân thật vô cùng và khiếu hài hước xuất sắc. Cuốn sách của ngài thật đáng đọc vì là câu chuyện về một cuộc đời ngập trong hành trình tâmlinh.”- United Press

[taq_review]

Trích đoạn sách

Vụ trộm Súp lơ

“Thưa thầy, có một món quà cho thầy đây! Sáu bông súp lơ to này do con tự tay trồng; con đã theo dõi chúng lớn lên bằng sự chăm sóc dịu dàng của một người mẹ nâng niu con mình.” Tôi vung tay trịnh trọng trình giỏ rau ra.

“Cám ơn con!” Sri Yukteswar cười niềm nở cảm kích. “Hãy cất nó trong phòng con; mai ta sẽ cần đến nó để làm một bữa tối đặc biệt.”

Tôi vừa mới đến Puri(1) để ở lại nghỉ hè cùng sư phụ trong tịnh thất bên bờ biển của thầy. Được thầy và các đệ tử xây, tịnh thất hai tầng nhỏ vui mắt nhìn ra vịnh Bengal.

Sáng hôm sau tôi dậy sớm, sảng khoái nhờ những làn gió biển mặn và sức quyến rũ tĩnh lặng của ashram. Giọng sư phụ trầm bổng đang gọi; tôi nhìn mấy bông súp lơ yêu dấu rồi xếp chúng gọn gàng dưới giường.

“Lại đây, ta ra bãi biển nào.” Thầy đi trước; vài đệ tử trẻ và tôi thành nhóm tản mát theo sau. Sư phụ quan sát chúng tôi với chút chỉ trích nhẹ nhàng.

“Khi những anh em phương Tây của ta đi dạo, họ thường lấy làm tự hào mà đi thành nhóm. Nào, xin đi thành hai hàng; sánh bước nhịp nhàng với nhau.” Sri Yukteswar nhìn chúng tôi vâng lời; thầy cất tiếng hát: “Những chàng trai đi tới đi lui, thành hàng nhỏ hay hay.” Tôi không thể không ngưỡng mộ cái khoan thai khi thầy sánh kịp bước thoăn thoắt của các môn sinh trẻ.

“Dừng!” Mắt sư phụ nhìn vào mắt tôi. “Con có nhớ khóa cửa sau tịnh thất không đó?”

“Con chắc là có, thưa thầy.”

Sri Yukteswar im lặng ít phút, nụ cười cố nén trên môi.

“Không, con quên rồi,” cuối cùng thầy nói. “Trầm tư cõi trời không được là cái cớ cho sự bất cẩn nơi cõi trần. Con đã sao nhãng nhiệm vụ trông coi ashram; con phải bị phạt.”

Tôi tưởng thầy đang đùa thâm thúy thì thầy nói thêm: “Sáu bông súp lơ của con sẽ sớm chỉ còn lại năm thôi.”

Chúng tôi quay lại theo lệnh thầy và bước đều trở lui cho đến khi đã đến gần tịnh thất.

“Nghỉ một lát. Mukunda, nhìn qua khu nhà bên trái con; hãy quan sát con đường bên kia. Một người đàn ông nọ sẽ tới ngay; anh ta sẽ là phương tiện phạt con.”

Tôi giấu sự phật ý vì những câu nói khó hiểu này. Chẳng mấy chốc một nông dân xuất hiện trên đường; ông ta nhún nhảy kệch cỡm và khoa tay múa chân những cử chỉ vô nghĩa. Gần như sững người vì tò mò, tôi dán mắt vào cảnh tượng buồn cười. Khi người này đến được một điểm trên đường mà biến mất khỏi tầm nhìn của chúng tôi, Sri Yukteswar nói, “Giờ, anh ta sẽ quay lại.”

Người nông dân tức thì đổi hướng mà đi về phía sau ashram.

Băng qua một bãi cát, ông ta đi vào tòa nhà bằng cửa sau. Tôi đã chưa khóa cửa ashram, đúng như sư phụ nói. Người này chẳng mấy chốc ló ra, cầm một bông súp lơ quý giá của tôi. Giờ ông ta sải bước đường hoàng, đã được ban cho cái chân giá trị của vật sở hữu.

Cái tình huống trớ trêu đang diễn ra, mà tôi tuồng như trong vai một nạn nhân ngơ ngác, tôi không lúng túng đến độ không bực tức mà rượt theo kẻ trộm. Tôi chạy được nửa đường thì thầy gọi tôi lại. Thầy đang cười rung cả người.

“Người điên tội nghiệp đó đã ước ao có một bông súp lơ,” thầy vừa giải thích vừa cười ồ. “Ta đã nghĩ sẽ là một ý hay nếu y lấy được một trong mấy bông của con, được canh giữ kém như vậy!”

Tôi chạy nhanh về phòng, nơi tôi thấy rằng tên trộm, rõ ràng là một người chỉ chăm chắm vào rau thôi, đã bỏ lại không đụng đến nhẫn vàng, đồng hồ, và tiền bạc của tôi, nằm khơi khơi cả trên chăn. Thay vào đó y đã bò xuống dưới gậm giường, nơi có giỏ súp lơ, hoàn toàn khuất trước cái nhìn vô tình, nơi phơi bày đối tượng của nỗi khát khao một lòng một dạ của y.

Chiều hôm ấy tôi thỉnh Sri Yukteswar cắt nghĩa sự việc (cái mà tôi nghĩ có một số chi tiết khó hiểu).

Sư phụ tôi thong thả lắc đầu. “Một ngày nào đó con sẽ hiểu.

Khoa học sẽ sớm phát hiện ra một số quy luật còn ẩn giấu này.”

Vài năm sau, khi những kỳ công về rađiô bùng nổ trước sự kinh ngạc của cả thế giới thì tôi nhớ lại lời tiên tri của thầy. Những khái niệm bao đời về thời gian và không gian đã bị hủy bỏ; không nhà ai chật đến nỗi London hay Calcutta không thể vào được! Trí óc kém cỏi nhất cũng được mở mang trước cái bằng chứng không thể bác bỏ được cho thấy một khía cạnh về khả năng có mặt khắp nơi của con người.

Có thể hiểu rõ nhất “cốt truyện” trong hài kịch bông súp lơ bằng phép so sánh với vô tuyến (rađiô)(2). Sư phụ tôi là một cái rađiô người toàn hảo. Tư tưởng chỉ là những rung động vô cùng vi tế chuyển động trong ête. Cũng như một cái rađiô điều chỉnh đúng thì sẽ bắt được cả bản nhạc mong muốn từ hàng ngàn chương trình khác từ mọi hướng, thì Sri Yukteswar cũng đã đón bắt một cách tinh nhạy một ý nghĩ thích đáng nào đó (ý nghĩ của người đàn ông dở người đã ước ao có một bông súp lơ), từ vô vàn ý nghĩ mà tâm trí nhân loại trên thế giới phát đi. Khi đang đi bộ ra bãi biển, thầy vừa biết được cái mong ước giản dị của ông nông dân ấy thì thầy đã sẵn lòng đáp ứng. Thần nhãn của Sri Yukteswar đã phát hiện thấy người đàn ông, nhún nhảy giữa đường, trước khi các đệ tử thấy rõ ông ta. Việc tôi quên khóa cửa ashram đã cho thầy một cái cớ thuận tiện để tước mất của tôi một trong mấy bông súp lơ quý giá.

Sau khi hoạt động như một thiết bị thu như vậy rồi, Sri Yukteswar bèn hoạt động, bằng tâm lực, như một phát thanh viên hay thiết bị phát(3). Trong vai trò đó thầy đã điều khiển được ông nông dân quay bước mà đến một căn phòng nọ lấy một bông súp lơ.

Trực giác là sự hướng dẫn của linh hồn, xuất hiện một cách tự nhiên ở người này vào những khoảnh khắc mà tâm y tĩnh lặng.

Gần như ai cũng đã trải qua cái “linh cảm” đúng không thể giải thích được hay đã truyền ý nghĩ của mình một cách chính xác đến một người khác.

Tâm trí người, không còn những quấy đảo hay “nhiễu” của tình trạng tán loạn bất an, có thể thực hiện mọi chức năng của những loại máy móc thu thanh tinh vi – phát cũng như thu những ý nghĩ và bỏ qua những ý nghĩ không mong muốn. Cũng như công suất của đài phát thanh được điều chỉnh bởi một lượng dòng điện, khả năng của máy thu thanh ở người cũng phụ thuộc vào mức độ tâm lực của từng người.

Mọi ý nghĩ đều rung động mãi mãi trong vũ trụ. Bằng sự định tâm sâu lắng, một bậc thầy có thể dò ra ý nghĩ của bất cứ ai, còn sống hay đã chết. Ý nghĩ bén rễ trong bình diện vũ trụ mà không phải trong cá nhân; một chân lý không thể được tạo ra mà chỉ được lĩnh hội. Bất kỳ ý nghĩ lan man nào của con người cũng là kết quả của một khiếm khuyết, ít hay nhiều, trong sự mẫn tuệ của y. Mục đích của pháp môn yoga là tĩnh tâm, để khi không có sự nhiễu loạn thì nó có thể nghe thấy lời khuyên không thể sai lệch từ Tiếng nói Nội tâm.

Truyền thanh và truyền hình đã mang âm thanh và hình ảnh tức thì của con người từ khắp mọi miền xa xôi đến với cuộc sống gia đình hàng triệu người: những gợi ý khoa học mờ nhạt đầu tiên cho thấy con người là linh hồn thâm nhập khắp nơi. Dù bản ngã bằng những cách man rợ nhất có rắp tâm biến con người thành nô lệ thì con người cũng không phải là một xác thân bị cầm tù ở một điểm trong không gian mà kỳ thực là linh hồn có mặt ở khắp nơi.

“Những hiện tượng, rất lạ lùng, rất tuyệt vời, dường như rất không thực, vậy mà vẫn có thể xuất hiện. Những điều mà một khi đã được chứng minh, sẽ không làm chúng ta ngạc nhiên hơn lúc này, là lúc chúng ta đang ngạc nhiên vì tất cả những gì khoa học đã dạy chúng ta trong thế kỷ qua,” Charles Robert Richet(4), người nhận giải Nobel sinh lý học, đã tuyên bố. “Người ta cho rằng các hiện tượng hiện nay chúng ta đang công nhận mà chẳng hề ngạc nhiên không khiến chúng ta lấy làm lạ vì ta đã hiểu được. Nhưng không phải vậy. Nếu những hiện tượng ấy không làm chúng ta ngạc nhiên thì đó không phải là vì ta đã hiểu được, mà vì ta đã quen; bởi lẽ nếu cái ta chưa hiểu được phải làm chúng ta ngạc nhiên, thì chúng ta sẽ ngạc nhiên về mọi sự – đường rơi của hòn đá ném trên không, quả sồi lớn thành cây sồi, thủy ngân giãn nở khi bị đun nóng, sắt bị hút vào nam châm.

Bạn đọc cảm nhận

Nguyễn Lê Huỳnh Như

Với tâm thế chủ đạo bao trùm cả cuốn sách là mạch tự truyện nhưng song song đó người đọc còn có thể cảm nhận tình yêu thương của tác giả, và những tri thức khoa học – tâm linh bổ ích. Tự Truyện Của Một Yogi đưa ta vào thế giới Ấn giáo huyền bí, đầy mê hoặc khiến ta say sưa và khó cưỡng lại sức hấp dẫn mạnh mẽ từ mạch truyện. Câu chuyện của cậu bé Mukunda đến với tôn giáo của mình như một định mệnh, với những tri kiến khó tin đã được kiểm chứng, với những cuộc gặp gỡ phi thường cùng các thánh nhân, với sự linh ứng hoàn hảo giữa Nội Thể và Thượng Đế. Tình yêu của Mukunda dành cho sư phụ mình sẽ khiến người đọc ngưỡng mộ và cảm động, sự vĩ đại ẩn sâu trong từng ngôn từ, câu chữ để người đọc tự khám phá ra cách hiểu riêng của mình.Hành trình của tác giả đã mở ra cho nhiều người ở nhiều nơi trên khắp thế giới một cánh cửa đến với tâm linh thanh tịnh, thay cho những ham muốn tầm thường là một sự giác ngộ hoàn toàn với Đấng Toàn Năng. Đây là một tác phẩm xuất sắc cả về nội dung và hình thức, xứng đáng với đánh giá là tác phẩm tâm linh quan trọng bậc nhất thế kỷ XX. Đến với tác phẩm này, biết đâu bạn đọc sẽ tìm được cho mình một niềm tin mới? =)

Luv Musik

Nếu bạn từng yêu mến các tác phẩm về minh triết Phương Đông như ‘Hành trình về Phương Đông’ thì tôi tin chắc bạn sẽ thích quyển sách này.

Sách viết về chính cuộc đời của thầy Yogananda từ khi còn là đức trẻ cho đến khi thầy nhập định. Một cậu bé ngay từ khi sinh ra đã có duyên phận đi theo con đường tâm linh (từ khi thơ ấu đã thấy được tiền kiếp của mình, khi 8 tuổi đã thấy được linh ảnh của tôn sư bước ra từ một tấm ảnh, có thể linh cảm được những việc xảy ra trong tương lai…)- một câu chuyện giản dị nhưng đầy màu sắc huyền bí của một tinh thần đầy thanh thản, luôn muốn hướng đến hoà hợp với tâm linh của Thượng đế, về những nỗ lực để đi theo con đường đã chọn dù bị gia đình ngăn cản.

Nó vừa là một thiên tiểu thuyết về cuộc đời của một con người vừa chất chứa nhiều câu chuyện tâm linh kỳ lạ vừa đan xen những lý thuyết khoa học hiện đại được diễn giải dưới góc nhìn tâm linh (thuyết thương đối của Enstein trang 317, máy đo tăng trưởng thực vật cho thấy thực vật cũng có đời sống cảm xúc ở chương 8).

Thành Nln

Mình là một fan công nghệ nên rất muốn tìm hiểu về Steve Jobs. Ông đọc cuốn sách này mỗi năm làm mình rất muốn tìm hiểu về nó. Nói chung khi một ai đang muốn tìm hiểu về thiền thì đây là một cuốn sách rất đáng mua. Đọc cuốn sách mình cảm nhận được một sự hòa hợp của con người và thiên nhiên, tuy nhiên sách có một số nhược điểm là nội dung sách có một số đoạn không suyên suốt làm ta thấy hơi bất hợp lý, chắc tác giả muốn người đọc phải bỏ thêm công sức để suy nghĩ về thông điệp của mình.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button