
Từ Hạt Cát Đến Ngọc Trai – 85 Triết Lí Sống Tích Cực Của Marcus Aurelius
Nội dung
Marcus Aurelius – tác giả của tác phẩm Triết học kinh điển Suy ngẫm (Meditations) – là một vị hoàng đế của La Mã cổ đại, đồng thời cũng là một nhà triết học nổi tiếng trong lịch sử.
Ngay từ nhỏ, Aurelius được hưởng nền giáo dục toàn diện, tinh thông tiếng La tinh và Hi Lạp, từng học qua triết học, pháp luật, hội họa và là một trong những nhân vật đại diện cho phái Khắc Kỉ (Stoicisme). Khi còn trẻ, ông đã tham gia vào chính trị và 3 lần giữ chức Tổng tài của đế quốc La Mã. Năm 161 TCN, ông lên ngôi hoàng đế La Mã ở tuổi 40. Nhờ sự kiên quyết của mình, ông đã cùng với anh trai là Lucius Verus lên ngôi, trở thành vị đồng hoàng đế đầu tiên trong lịch sử La Mã.
Trong những ngày tháng nắm quyền, Marcus Aurelius không hề tỏ ra cao ngạo hay sử dụng quyền lực bừa bãi, mà nghiêm cẩn chấp chính, một lòng vì nước vì dân. Khi tại vị, ông đã ban hành nhiều điều luật cải cách, xóa bỏ những quy định bất hợp lí, được dân chúng vô cùng yêu mến và ngưỡng mộ. Ngoài ra, để dân chúng nơi biên cương cũng được hưởng thái bình, ông nhiều lần thân chinh dẫn quân đi dẹp loạn, cuối cùng đổ bệnh rồi qua đời ngay chính trong doanh trại.
Marcus Aurelius chưa bao giờ vì bận rộn triều chính mà từ bỏ việc suy ngẫm và viết lách, hễ có thời gian là ông đọc sách, ghi lại những cảm nhận, suy nghĩ của bản thân, sau này những tư liệu quý giá ấy đã được ông tổng hợp lại và viết nên tác phẩm kinh điển Suy ngẫm.
Tác phẩm Suy ngẫm gồm những câu chuyện từ bạn bè đế người thân, chuyện đời thường đến vũ trụ bao la, tất cả phản ánh trí tuệ của Marcus Aurelius. Có người nói ông đã dùng chính linh hồn mình để viết nên kiệt tác này. Từng câu văn, dòng chữ đều toát lên phẩm cách cao thượng, dũng cảm, nhân hậu, khiêm tốn của một bậc vĩ nhân. Đọc Suy ngẫm cũng tựa như được tắm trong đại dương chân lí, mang tới cho bạn những ích lợi không ngờ.
Cuốn sách Từ Hạt Cát Đến ngọc trai – 85 Triết Lí Sống Tích Cực Của Marcus Aurelius chọn lựa những đoạn kinh điển nhất trong Suy ngẫm, qua đó đúc rút ra không ít bài học từ những triết lí sâu sắc. Với cách trình bày mới lạ, bắt mắt, tri thức của bậc vĩ nhân được thể hiện dễ hiểu, dễ tiếp cận, hi vọng mang đến cho độc giả những “giọt trí tuệ” làm phong phú thêm thế giới tâm hồn.
Thể loại | Triết học |
Tác giả | Marcus Aurelius |
NXB | Thanh Niên |
Số trang | 300 |
Năm | 2016 |
Review
Trích đoạn
LỜI NHẮC NHỞ CỦA CUỘC ĐỜI
Trong phần này, Marcus Aurelius không chỉ có những lí giải về vạn vật mà còn thổ lộ những nỗi niềm trong công việc và học tập. Những lời nhắc nhở với ngụ ý sâu sắc đó sẽ mở ra cho cuộc đời chúng ta cánh cửa rộng lớn của trí tuệ.
- Hiệu quả là trên hết
- Luôn tìm ra mặt tốt của mọi việc
- Tôi suy nghĩ, tức là tôi tồn tại
- Nhìn nhận quan điểm của người khác một cách đúng đắn
- Yêu công việc của mình
- Tin sách, chẳng thà không có sách
- Dành thời gian cho việc quan trọng nhất
- Học cách kiềm chế cảm xúc
HIỆU QUẢ LÀ TRÊN HẾT
Nguyên văn
Chúng ta không nên chỉ nghĩ về việc sinh mệnh của chúng ta đang hao phí từng ngày từng giờ, thời gian còn lại ngày càng ít ỏi, mà còn nên suy nghĩ đến một việc khác, đó là: Một người cho dù có sống được lâu hơn chút nữa thì cũng không dám chắc rằng khả năng lí giải của người ấy còn đủ để có thể tiếp tục lĩnh ngộ được về sự vật, còn đủ nỗ lực để có thể thu lượm được tri thức về thần và người cũng như khả năng tư duy. Bởi trước khi các chức năng như bài tiết, trao đổi chất, ăn uống, tưởng tượng hay các chức năng tương tự bước vào thời kì thoái hóa thì anh ta đã sớm bắt đầu có biểu hiện của chứng lú lẫn tuổi già; trong khi những năng lực như năng lực điều khiển bản thân, năng lực đáp ứng các tiêu chuẩn nghĩa vụ, năng lực phân tích rõ ràng các sự vật sự việc, năng lực xét đoán xem một người liệu có tạ thế ngay lúc đó hay không… lại cần có trí tuệ được rèn luyện, mà trí tuệ ấy thì từ lâu đã không còn minh mẫn nữa. Vì thế, chúng ta nhất định phải tranh thủ thời gian, không chỉ vì chúng ta đang ngày càng tiến gần hơn đến cái chết, mà quan trọng hơn còn là vì khả năng quan sát và lí giải sự vật của chúng ta sẽ sớm tiêu tan.
LỜI VÀNG Ý NGỌC
Dùng thời gian có hạn để làm những việc có ích
Marcus Aurelius không chỉ nhận thức được sự hữu hạn của sinh mệnh mà còn có những suy ngẫm về ý nghĩa của sinh mệnh: Đời người ngắn ngủi, đừng mơ mơ hồ hồ mà hãy biết tận dụng thời gian để cảm nhận về thế giới xung quanh. Thời gian công bằng với tất cả mọi người, có người dùng sinh mệnh của mình để tạo nên vô vàn kì tích khoa học, có người lại chỉ biết ngày ngày sống vô vị, nhàm chán. Ở đây chúng ta không thảo luận về ý nghĩa của cuộc đời mà chỉ đề cập quan điểm “tận dụng thời gian một cách hiệu quả”.
Có hai sinh viên nọ chơi với nhau, ngày ngày cùng đi học, cùng chơi bóng, thân thiết vô cùng. Sau khi tốt nghiệp, một trong hai người dễ dàng thi đậu cao học, người bạn kia cảm thấy vô cùng khó hiểu, bèn thắc mắc: “Mấy năm nay tớ thấy cậu có để tâm học hành bao giờ đâu, sao lại thi đậu được cao học? Chẳng lẽ cậu thông minh hơn tớ ư?” Người bạn bèn cười đáp: “Trước giờ tớ không hề nghĩ mình thông minh hơn cậu. Tuy ngày nào chúng ta cũng làm những việc giống nhau, nhưng tớ biết tận dụng thời gian. Ví dụ như khi chúng ta cùng lên lớp nghe giảng, cậu có thể thỉnh thoảng ngồi thả hồn theo gió, còn tớ thì vừa nghe giảng, lại vừa ghi nhớ và suy nghĩ. Đến lúc thi cử, tuy chúng ta không đến nỗi nước đến chân mới nhảy mà vẫn cùng lên thư viện ôn bài, nhưng cậu có thể cười đùa với các bạn khác, còn tớ lại tự định cho mình trong một tiếng phải đọc được bao nhiêu trang sách, tuyệt đối không bị ảnh hưởng bởi thế giới bên ngoài. Ngay cả trong tình yêu cũng vậy, tớ nói rõ với bạn gái rằng tớ làm chuyện gì cũng phải sắp xếp trước, không bao giờ lãng phí thời gian, thế nên kể cả khi hẹn hò, tớ cũng đề cao hiệu quả y như vậy…”
Chú trọng hiệu quả có thể nói là một vấn đề quan trọng trong cuộc sống. Nếu chúng ta không rèn luyện thói quen làm việc có hiệu quả cao thì cho dù là học tập hay làm việc đều không thể có được thành tích vượt trội. Một vị hoàng đế nắm quyền lực trong tay còn hiểu đạo lí này, vậy chúng ta có lí do gì để thời gian trôi đi vô nghĩa?
Bí quyết nâng cao hiệu quả làm việc
Tinh thần sảng khoái:
Tinh thần phải ở trong trạng thái tốt thì mới có thể nâng cao hiệu quả làm việc. Vì thế, chúng ta cần ngủ đủ giấc và nghỉ ngơi hợp lí, đừng cố làm việc trong khi tinh thần mệt mỏi.
Định sẵn kế hoạch:
Rèn thói quen lên kế hoạch đơn giản cho mỗi ngày. Trước tiên, hãy liệt kê những việc cần làm, sau đó phân rõ thứ tự trước sau. Làm vậy có thể tránh cho công việc bị rối loạn, giảm khả năng mắc lỗi.
Học cách quyết đoán:
Nếu bạn có thói quen làm việc chậm chạp, lề mề, hãy thử tự đặt cho mình một hạn định, ví dụ như việc A nhất định phải hoàn thành trong vòng nửa tiếng. Cứ như vậy, dần dần tác phong làm việc tự nhiên sẽ trở nên nhanh nhẹn, quyết đoán.
Việc hôm nay chớ để ngày mai:
Những việc có thể làm xong hôm nay thì đừng bao giờ để đến ngày mai, vì rất có thể ngày mai bạn sẽ gặp phải nhiều rắc rối hơn. Giảm bớt những rắc rối đang có chính là cách hiệu quả để tiết kiệm thời gian.
Bài học quan trọng
Giấc ngủ tốt có thể giúp cơ thể nạp đầy năng lượng, vì thế, chúng ta không thể hi sinh thời gian nghỉ ngơi để kéo dài thời gian làm việc hòng tăng năng suất được. Cách làm đúng đắn là một ngày cần ngủ đủ 7 – 8 tiếng, trưa nghỉ ngơi một chút. Nếu không có điều kiện nghỉ trưa thì bạn cũng có thể nghỉ một lát trên bàn làm việc, như vậy có thể giúp nâng cao hiệu quả làm việc buổi chiều. Ngoài ra, nhất định phải chú ý đến chất lượng giấc ngủ, đừng nghĩ ngợi chuyện công việc trong thời gian nghỉ ngơi, tâm không tạp niệm thì mới có được giấc ngủ tốt.
Related Posts: