Review

Tiểu Sử Steve Jobs

Thể loại Sách kinh doanh
Tác giả Walter Isaacson
NXB NXB Thế Giới
Công ty phát hành Alphabooks
Số trang 771
Ngày tái bản 10-2014
Giá bánXem giá bán

Giới thiệu sách

Cuốn tiểu sử với tiêu đề ngắn gọn “Steve Jobs” do cựu thư ký tòa soạn của tạp chí “Time”, Walter Isaacson biên soạn, dựa trên 40 cuộc phỏng vấn với Steve Jobs trong 2 năm qua cùng các cuộc phỏng vấn với hơn 100 người thân, bạn bè, đồng nghiệp và đối thủ của ông, vừa phát hành trên Amazon vào ngày 24/10 đang liên tục đứng vị trí số 1 danh sách sách bán chạy nhất của cả Amazon lẫn Barnes&Nobles. Đây cũng là cuốn tiểu sử đầu tiên và duy nhất nhận được sự đồng ý của Steve Jobs. Walter Isaacson cũng là người viết tiểu sử nổi tiếng, với 2 tác phẩm viết về Benjamin Franklin và Albert Einstein.

Tiểu Sử Steve Jobs tiết lộ nhiều thông tin chưa từng được kể về Steve Jobs như tính cách cay nghiệt, kỳ dị, chuyện ông chiến đấu với bệnh ung thư, những mối quan hệ lãng mạn của ông và cuộc hôn nhân với bà Laurene Powell hay gặp cha đẻ Abdulfattah “John” Jandali… Và trên hết đó là quá trình ông đã gây dựng và chèo lái Apple đi đến thành công như ngày hôm nay với không ít sai lầm cũng như những ám ảnh không thôi về sự hoàn hảo. Tác phẩm vì thế đã cung cấp cho người đọc một cái nhìn sâu sắc về nhân cách và cả những thành tựu của cuộc đời Steve Jobs.

Đó là một cuốn sách chứa đựng những điều Steve Jobs muốn nói với thế giới.

[taq_review]

Trích đoạn sách

Tìm thấy Joane và Mona

Khi Jobs ba mươi mốt tuổi, một năm sau khi bị Apple sa thải, bà Clara, mẹ của ông, một người nghiện thuốc lá, đã mắc bệnh ung thư phổi. Ông dành thời gian bên giường bệnh, trò chuyện với bà theo những cách mà trước đây hiếm khi ông làm, Jobs cũng hỏi mẹ mình một số câu hỏi mà từ trước đến nay ông đã kiềm chế không nói ra. “Khi mẹ và cha kết hôn, mẹ là một trinh nữ phải không?” ông hỏi. Bà gặp khó khăn khi nói chuyện nhưng cũng phải mỉm cười. Đó là lúc bà nói với Jobs rằng trước đó bà từng kết hôn với một người, và ông ấy đã mãi mãi không bao giờ trở lại từ cuộc chiến tranh. Bà còn kể chi tiết cho Jobs nghe về việc bà và Paul Jobs đã nhận nuôi ông như thế nào.

Ngay sau đó, Jobs đã thành công trong việc lần ra dấu vết của người phụ nữ đã cho ông đi làm con nuôi. Jobs từng bí mật tìm hiểu về mẹ đẻ của mình từ đầu những năm 1980, lúc đó ông thuê một thám tử tìm hiểu nhưng đã không biết được thông tin gì. Sau đó, ông chú ý đến tên của vị bác sĩ ở San Francisco trên giấy khai sinh của mình. “Ông ấy có tên trong danh bạ điện thoại, vì vậy tôi đã gọi cho ông,” Jobs nhớ lại. Vị bác sĩ nọ cũng không giúp được gì. Ông này khẳng định rằng hồ sơ đã bị cháy hết trong một vụ hỏa hoạn. Điều đó là không đúng. Thực tế, ngay sau khi Jobs gọi đến, vị bác sĩ đã viết một lá thư, cho vào một chiếc phong bì và niêm phong lại, trên đó ông viết “Gửi Steve Jobs khi tôi qua đời”. Khi ông qua đời một thời gian ngắn sau đó, vợ của vị bác sĩ đó đã gửi cho Jobs bức thư đó. Trong đó, vị bác sĩ giải thích rằng mẹ của ông là một sinh viên đã tốt nghiệp chưa lập gia đình đến từ Wisconsin tên là Joanne Schieble.

Jobs đã phải mất thêm một vài tuần và thuê một thám tử khác để điều tra thêm về bà. Sau khi sinh ông, bà đã cưới cha đẻ của ông là Abdulfattah “John” Jandali, và họ đã có một đứa con khác, Mona. Jandali đã bỏ rơi họ năm năm sau đó, và Joanne kết hôn với một hướng dẫn viên trượt tuyết có tính cách rất màu mè, George Simpson. Cuộc hôn nhân thứ hai này đã không kéo dài lâu, và năm 1970, bà bắt đầu một cuộc hành trình dài cùng với Mona (cả hai người đều sử dụng tên Simpson) đến Los Angeles.

Jobs miễn cưỡng để Paul và Clara, những người ông coi là cha mẹ đẻ của mình biết về việc ông đang tìm hiểu về mẹ đẻ của mình. Với sự nhạy cảm khác thường và những tình cảm sâu nặng mà ông dành cho “cha mẹ Jobs” của mình, ông đã lo rằng họ có thể bị tổn thương. Vì vậy, ông không bao giờ liên lạc với Joanne Simpson cho đến sau khi mẹ Clara qua đời vào đầu năm 1986. “Tôi không bao giờ muốn họ cảm thấy như thể tôi đã không coi họ là cha mẹ mình, bởi vì họ thực sự là cha mẹ tôi,” ông nhớ lại. “Tôi yêu thương họ nhiều đến nỗi mà tôi không bao giờ muốn họ biết về việc tìm kiếm của tôi, và tôi thậm chí đã cố “bịt miệng” các phóng viên khi bất kỳ người nào trong số họ “đánh hơi” được điều gì đó.” Khi Clara qua đời, ông quyết định kể cho Paul Jobs nghe, người cha đã hoàn toàn thoải mái và nói ông không để bụng nếu Jobs liên lạc với mẹ đẻ của mình.

Vì vậy, một ngày Jobs đã gọi cho Joanne Simpson, nói cho bà biết ông là ai, và sắp xếp một chuyến đi đến Los Angeles để gặp bà. Sau đó, ông đã khẳng định rằng ông làm vậy vì chỉ muốn thoát khỏi sự tò mò. “Tôi tin vào môi trường nuôi dưỡng nhiều hơn là sự di truyền quyết định nhân cách một con người, thế nhưng chúng ta vẫn phải tự hỏi một chút về nguồn gốc của mình” Jobs phân trần. Ông cũng muốn trấn an Joanne rằng những gì bà đã làm là đúng. “Tôi muốn gặp mẹ đẻ của mình chủ yếu là để thấy bà ấy vẫn ổn và cảm ơn bà ấy, tôi đã rất vui vì cuộc đời mình đã không bị đặt dấu chấm hết bằng việc phá thai. Bà ấy mới có 23 tuổi và đã phải trải qua nhiều khó khăn để sinh ra tôi.”

Joane đã rất xúc động khi Jobs đến nhà của bà tại Los Angeles. Bà biết rằng Jobs nổi tiếng và giàu có nhưng vẫn băn khoăn về lý do ông đạt được những điều đó. Bà bắt đầu không kìm nén được cảm xúc mình. Bà nói rằng bà thấy vô cùng căng thẳng khi đặt bút ký vào những giấy tờ để cho ông đi làm con nuôi, và bà chỉ đồng ý làm vậy sau khi biết rằng ông sẽ được hạnh phúc trong ngôi nhà của cha mẹ mới. Bà đã luôn nhớ ông và rất đau khổ về những gì đã làm. Bà liên tục xin lỗi, ngay cả khi Jobs cam đoan với bà rằng ông hiểu, và việc cho ông đi làm con nuôi hóa ra lại là một hành động đúng đắn.

Khi bình tĩnh lại, bà nói với Jobs rằng ông có một người em gái ruột là Mona Simpson, người sau này là một tiểu thuyết gia đầy tham vọng ở Manhattan. Bà chưa bao giờ nói với Mona rằng cô có một người anh trai, và trong ngày hôm đó, cô đã được biết sơ qua về tin này qua điện thoại. “Con có một người anh trai, anh ấy tuyệt vời, nổi tiếng, và mẹ sẽ đi cùng anh con đến New York, vì vậy con có thể gặp anh,” bà nói. Mona đang dần hoàn thành một cuốn tiểu thuyết về mẹ và chuyến đi của họ từ Wisconsin tới Los Angeles mang tên “Anywhere but here”. Những người đã đọc nó sẽ không ngạc nhiên rằng Joanne có phần khó hiểu trong cách nói cho Mona biết về anh trai mình. Cô từ chối tiết lộ anh mình là ai – chỉ nói là ông đã từng nghèo khó nhưng giờ thì đã giàu có, đẹp trai và nổi tiếng, mái tóc đen dài, và hiện đang sống tại California. Mona sau đó đã làm việc tại Paris Review, một tạp chí văn học của George Plimpton nằm ở tầng trệt của tòa nhà gần sông Đông ở khu vực Manhattan. Cô và các đồng nghiệp đã bắt đầu một trò chơi đoán về người có khả năng là anh trai cô. John Travolta? Đó là một trong những dự đoán được yêu thích. Các diễn viên khác cũng là những ứng viên tiềm năng. Có lúc đã có người đoán được rằng “Có thể đó là một trong những người tạo ra máy tính Apple” nhưng không ai có thể nhớ được tên của người đó.

Buổi gặp gỡ diễn ra trong tiền sảnh của khách sạn St. Regis. “Anh ấy rất bộc trực và đáng mến, một người giản dị và ngọt ngào”, Mona nhớ lại. Ba người họ ngồi xuống và nói chuyện trong vài phút, sau đó ông đã tiễn em gái mình một đoạn dài, chỉ có hai anh em. Jobs đã vui mừng khi thấy ông có một cô em gái quá giống mình. Họ đều cương quyết trong lĩnh vực của mình, quan sát môi trường xung quanh, nhạy cảm nhưng lại có ý chí mạnh mẽ. Khi đi ăn tối cùng nhau, họ đã nhận thấy những điểm tương đồng và cuộc nói chuyện của họ trở nên hào hứng sau đó. “Em gái tôi là một nhà văn!” Ông phấn khởi khoe với các đồng nghiệp của mình tại Apple khi ông phát hiện ra điều đó.

Khi Plimpton tổ chức một buổi tiệc ra mắt cuốn “Anywhere but here” vào cuối năm 1986, Jobs đã bay tới New York để đi cùng với Mona. Họ ngày càng gần gũi, mặc dù bắt đầu xuất hiện những điều phức tạp xoay quanh mối quan hệ của họ, kèm theo những câu hỏi họ là ai và tại sao họ lại đi cùng nhau. Sau này ông cho biết “Ban đầu Mona không hoàn toàn vui mừng khi có sự xuất hiện của tôi trong cuộc sống của con bé và cách mẹ dành tình cảm trìu mến cho tôi”. “Khi đã hiểu nhau, chúng tôi đã thực sự trở thành hai người bạn, con bé là gia đình của tôi. Không có nó, có lẽ tôi chẳng biết làm gì cả. Tôi không thể tưởng tượng một người em gái nào tốt hơn. Tôi chưa bao giờ thân thiết với em nuôi Patty của tôi cả.” Mona cũng đã dành cho ông một tình cảm sâu sắc, có lúc hơi bảo thủ, thế nhưng sau này cô đã viết về ông bằng một ngòi bút sắc sảo, A Regular Guy, cuốn tiểu thuyết mô tả những thói quen của ông chính xác đến khó chịu.

Một trong vài điều người ta tranh cãi là phục trang của cô. Cô ăn mặc như một tiểu thuyết gia “đói rách”, và ông thì trách sao cô không mặc những bộ đồ “quyến rũ”. Đã có lúc những lời bình luận của ông làm cô khó chịu đến mức cô đã viết cho ông một lá thư “Em là một nhà văn trẻ, đây là cuộc sống của em, và em không hề cố gắng biến mình thành một người mẫu”. Ông đã không trả lời. Nhưng ngay sau đó, có một chiếc hộp được gửi từ cửa hàng của Issey Miyake, nhà thiết kế thời trang Nhật Bản có phong cách thiết kế cứng nhắc và chịu ảnh hưởng nặng bởi công nghệ, một phong cách ưa thích của Jobs. “Anh ấy đã mua đồ cho tôi”, sau này Mona cho hay, “anh Jobs đã chọn những thứ tuyệt vời, chính xác số đo của tôi, màu sắc cũng rất bắt mắt nữa.” Ở đó còn có một bộ vest ông rất thích, đã đề nghị họ chuyển cả ba bộ, giống hệt nhau. Ông nói “Tôi vẫn còn nhớ những bộ đồ đầu tiên tôi gửi cho Mona, một chiếc quần vải lanh với chiếc áo màu xanh xám nhạt trông rất hợp với mái tóc màu hung đỏ của con bé”.

Bạn đọc cảm nhận

Trần Thị Mỹ Hằng

Chúng ta đã biết về những sản phẩm công nghệ của Apple. Họ đã làm gì để tạo ra những san phẩm ngày hôm nay, tạo ra một kỷ nguyên khác biệt mới cho thời đại. Vậy Jobs đã làm gì? Cuốn sách viết về những ngày sơ khai ban đầu, những nỗ lực không ngừng nghĩ, biến những cái không thể thành có thể, biến cái phức tạp thành cái đơn giản,… Như Jobs đã nói “những gì chúng ta làm hôm nay sẽ kết nối với ngày mai”.

Phan Linh

Bắt đầu đọc đã lâu nhưng lúc đầu dừng ở nửa cuốn vì chưa chấp nhận được một vài tính cách của Steve. Dạo gần đây tình cờ nghe lại commencement speech của Steve mới lục sách ra đọc phần còn lại – sau khi phát hiện bị ung thư, và theo mình là cũng là hay nhất của cả cuốn sách, đặc biệt là lại qua cách viết của Isaacson. Những lời cuối Steve bộc bạch ông rất hiểu cảm giác của những người bị quát mắng hoặc đuổi việc nhưng “If I did not do it, nobody was going to do it.”, và rồi sau đó dồn ép nhân viên đến khi tạo ra những sản phẩm tuyệt vời thì thôi. Cả thế giới chia thành hai nửa, nửa Microsoft và Apple. nếu không có Steve, người sống chết để tạo ra sản phẩm tốt, chứ không phải để kiếm tiền, thì chắc thế giới chỉ có Microsoft và Microsoft 2 . Steve sống không phải để hài lòng mọi người, mà để hài lòng chính ông, bị ghét cũng nhiều nhưng không quan tâm, cứ làm điều mình tin là đúng và làm cho xấp lính của mình cũng phải tin như mình để làm cho bằng được. Đoc và xem về Steve cũng nhiều nhưng chỉ có cuốn này mới khai thác được một khía cạnh rất “người” của Steve. Nói chung là rất nên đọc!

Trương Văn Đức

Nhắc tới Steve Jobs không thể không nhắc tới công ty máy tính hùng mạnh Apple và các sản phẩm để đời của ông tiêu biểu như Iphone, Ipod. Để có một sự nghiệp vinh quang trong kinh doanh máy tính của mình, ít ai nghĩ Steve đã có một tuổi thơ không mấy hạnh phúc khi ông chỉ được sống cùng với bố mẹ nuôi mà không phải là song thân đã sinh ra mình. Cá tính và sự quyết đoán của ông được thể hiện ngay khi ông quyết định bỏ học và dấn thân theo đuổi đam mê của mình. Ông cũng rất khác những người dân Mỹ về tín ngưỡng. Trong khi người Mỹ theo đạo thiên chúa thì ông, Steve lại là một phật tử sau khi ông trở về từ Ấn Độ. Cách ăn chay của ông cũng khác thường khi ăn chay mà không kiêng cá. Tất cả những thăng trầm trong sự nghiệp của Steve đã được kể lại hoàn chỉnh trong quyển sách Tiểu sử Steve Jobs.Ở đây tôi xin phép chỉ chú trọng vào nội dung của quyển sách chứ không đề cập tới những vấn đề khác.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button