Review

Nghiệt Súc

Thể loại Văn học nước ngoài
Tác giả Lauren Beukes
NXB NXB Trẻ
Công ty phát hành NXB Trẻ
Số trang 580
Ngày xuất bản 09-2016
Giá bánXem giá bán

Giới thiệu sách

Trong suốt cuộc đời làm cảnh sát của mình, Thanh tra Gabriella Versado đã từng chứng kiến nhiều hình thức giết người, nhưng chưa lần nào như lần này: xác chết của các nạn nhân một nửa là người, một nửa là thú, đôi khi các bộ phận được cắt ghép ngẫu nhiên không theo trình tự nào.

Clayton Bloom là một nghệ sĩ bất đắc chí đã tự tìm cho mình một “đam mê” mới, đó là ghép xác người và xác thú sao cho trông thật nhất có thể.

Detroit là cái xác đang phân hủy của Giấc mơ Mỹ.

[taq_review]

Trích dẫn

DƯỚI GẦM BÀN

TK thức dậy dưới gầm bàn trong một căn nhà xa lạ. Chân ông đang thòi ra khỏi đôi giày bốt đen mòn rách. Tối qua ông kéo một cái gối dựa trên xô pha xuống để gối đầu, dùng một tấm rèm cửa làm chăn. Đàn ông phải biết xoay sở. Năm mười một tuổi, tửu lượng của ông đã vượt xa hầu hết đám người lớn. Nhưng giờ thì hết rồi. Hai mươi ba năm giã từ kiếp đệ tử lưu linh, có cả huy chương của hội cai rượu làm chứng, dù cho mấy cái huy chương đó giờ đã nằm trong thùng các tông với mớ đồ đạc còn lại của ông tại chỗ cô em gái ở Flint.

Ánh sáng sớm chiếu xuyên qua tấm khăn trải bàn biến thành một màu xám đờ đẫn. Cứ như một tấm vải liệm.

Chả trách lúc nãy ông lại mơ thấy mình bị chôn sống. Nhìn chăm chăm lên những thớ gỗ tối màu có cảm giác như ông đang nằm trong quan tài – loại sang trọng đắt tiền có mặt ngoài láng bóng với những tay cầm sơn son thếp vàng và bên trong bọc lụa. Không phải loại dùng chôn cất mẹ ông.

Nhưng đó chỉ là mấy cái suy nghĩ u ám mà thôi, chứ ngày mới đang rạng lên và mở ra trước mắt ông, còn cả một ngôi nhà cần phải lục lọi.

Nếu là người khác thì hẳn họ đã ngủ trên giường ở tầng trên, nhưng cái gia đình này lúc đi đã mang cả nệm theo, và thật chả ra thể thống gì nếu ông ngủ trong phòng của mấy đứa con nít. Mà dầu gì ông cũng có một cái tài, đó là có thể bạ đâu ngủ đó, muốn ngủ lúc nào là ngủ. Cái tài năng đó phát lộ thời ông còn làm cho một dây chuyền sản xuất đinh vít, nơi mà nếu lanh lẹ, chịu làm và khôn ranh một chút, ông có thể đảm đương được công việc của cả hai người trong tầm khoảng một hai giờ, trong khi người kia chợp mắt một lát, rồi sau đó lại thay phiên nhau. Chủ không thích thế, nhưng miễn là công việc chạy đều đều thì họ quan tâm mà làm gì? Ông nhận ra rằng mình ngủ ngon hơn khi bên ngoài thật ồn ào. Ở đâu quen đó, người ta nói vậy đấy. Tiếng máy khoan, tiếng bù loong lẫn tiếng động cơ rền rĩ? Đó là bài hát ru ông trong khi tiếng chim non ríu rít đón chào bình minh làm sao có thể sánh bằng.

Có tiếng đổ vỡ trong bếp. Ông bật dậy và đầu va vào gầm bàn cái cộp. Chết tiệt. Lẽ ra không nên chủ quan thế, dù là đã khóa cửa và được gia chủ “cho phép”.

Ngày hôm qua ông đã cố tỏ ra thật tử tế. Ông đứng ở góc đường đối diện căn nhà trong khi gia đình bọn họ gói ghém đủ thứ đồ đạc chất lên một chiếc ô tô to và một cái xe rờ moọc hiệu U-Haul. Họ chằng tấm nệm trên nóc xe, trên cái nệm là một cái bàn chổng bốn chân lên trời trông như một con bọ chết. Lũ trẻ con cứ chạy ra chạy vào ngôi nhà, chuyền tay nhau những hộp đồ trong bóng chiều đổ xuống dần. Cô vợ thì cứ nhìn ông trừng trừng, cứ như thể tờ thông báo xiết nhà bọc nhựa dán lên cửa nhà họ là lỗi của ông vậy.

Lũ nhỏ cũng thế. Chúng lấm lét hết nhìn ông lại nhìn cha mẹ chúng, dĩ nhiên ngoại trừ đứa nhỏ nhất mới lẫm chẫm biết đi, nó đòi ngồi chơi trong mấy cái hộp. Thằng nhỏ dễ thương hết sức, nó bò lê dưới đất y như một món đồ chơi lên dây cót đang chạy tộc tộc.

TK cố gắng tỏ ra thờ ơ trước cảnh đó. Ông thong thả vê một điếu thuốc rồi mồi lửa. Ông đâu có định buộc họ vội vã rời đi như thế. Nhưng ông cũng không thể bỏ đi và mặc kệ tình hình được. Nhỡ đâu có kẻ khác xuất hiện chiếm phần thì sao. Mà hẳn rồi, có khó gì khi mà ở khu này, đây là căn nhà cuối cùng còn trụ lại giữa những lô đất cỏ mọc um tùm và những đống hoang tàn đổ nát cháy trụi, và việc ông tình cờ dính đến ngôi nhà này cũng chỉ bởi vì cái nghề ông nó thế: lang thang khắp thành phố tìm vận may. TK chẳng lạ gì những sự tình cờ tệ hại nữa. Cứ hỏi mẹ ông thử, và hỏi cả bà dì sinh đôi đã khiến mẹ ông bị giết ấy.

“Kệ ông ta đi,” anh chồng lẩm bẩm, giật giật mấy sợi dây xem đã cột chắc mọi thứ chưa. Nhưng cô vợ thì đã sôi máu suốt lúc ông đợi nãy giờ, dù ông đã cố tỏ ra vẻ là mình không vội gì.

“Không được,” cô ta nói, bế đứa nhỏ đưa cho chồng và phăm phăm tiến tới chỗ TK đứng bên kia bãi cỏ úa vàng, những nắm tay nhỏ tí của cô ta huơ huơ lên như thể một vận động viên bóng bầu dục chuyên nghiệp chứ không phải một người đàn bà mét rưỡi vô danh nữa. Anh chồng dợm bước theo vợ nhưng rồi nhận ra mình bất động khi phải bế đứa con mà cô vợ vừa trao cho.

TK thả điếu thuốc xuống đất và dụi tắt nó. Thật chả ra gì khi phả chất độc của mình vào mặt người khác. Mà cũng không hay ho gì khi xả rác, hay lãng phí thuốc lá, dù là loại rẻ tiền. Thế là ông liền nhặt mẩu thuốc lá lên và bỏ vào túi.

Khi ông đứng dậy, cô ta đã ở ngay trước mặt, tay chống nạnh, miệng rủa xả. Cũng không hẳn là chửi ông, nhưng đôi khi con người ta cần một nơi để trút giận. Ông thấy cảnh đó thường quá rồi, ở khu nhà tạm của người vô gia cư, tại những cuộc họp của người cai rượu. Làm kẻ để cô ta trút giận đâu có khó gì.

“Không chờ cho đến khi bọn này đi được à, đồ kền kền!” Giọng cô ta vỡ ra, nhưng câu thóa mạ đó đập vào ông rồi bật ngược ngay lại. Ông chẳng biết gì nhiều về loài kền kền ngoại trừ mấy thứ xem trên tivi, đám chim nhảy tưng tưng lần mò tới ăn xác chết. Nếu được lựa chọn thì ắt ông sẽ bảo cô ta rằng ông giống mấy con chó hoang trong thành phố này hơn. Bởi vì bọn chúng là những kẻ cơ hội, mặt dày mày dạn và cô cứ mặc sức chửi rủa thì bọn chúng cũng chẳng để bụng đâu. Dẫu gì chúng cũng chỉ là những con thú đơn độc. Chỉ khi chúng hợp thành đàn mới đáng lo. Chỉ cần một con chó xấu xa kêu gọi là cả đám bâu lại nhe nanh gầm gừ. Nhưng ông chỉ là một con chó lai tạp thân cô thế cô nên ông biết khi nào phải ve vẩy cái đuôi của mình chút chút.

“Tôi rất tiếc khi thấy gia đình ta phải dọn đi, cô ạ,” TK cất lời, điềm tĩnh nhìn thẳng vào mắt cô ta. “Hồi trước đây thì chỉ có mấy gia đình người da trắng tốt bụng là chuyển đi khỏi Detroit thôi.”

Chỉ một câu ông đã đánh bay được sự phẫn nộ của cô ta. Sự lịch lãm đã làm được điều đó: xoay chuyển tình thế.

Ta phải cư xử với người khác cho phải phép. Ngày xưa mẹ ông dạy thế, bà cũng chỉ cho ông cách dùng súng nữa, và chỉ ra cái nghề làm điếm rẻ mạt chừng nào.

“Ờ, phải,” cô vợ nói, giận dữ dụi dụi mắt. “Đi mà nói điều đó với nhà băng ấy.”

“Nhà mình không phải lo lắng gì về đồ đạc đâu cô à. Tôi đảm bảo mọi thứ sẽ được bán đúng nơi đúng chỗ đâu ra đó.”

“Thế tôi lại phải cám ơn ông cơ đấy.” Cô ta chua chát.

Rồi cô vợ la lên chỗ anh chồng đang định khóa cửa nhà: “Kệ nó đi! Khóa làm quái gì nữa. Đúng chứ hả?” Cô ta quay sang TK chờ ông xác nhận, một việc ông không biết mình có làm cho cô ta được không. Nhưng ông sẽ thử.

“Dĩ nhiên rồi cô ạ,” ông nói nghiêm nghị. “Chúc gia đình may mắn.”

“Hay nhỉ! Ông mới là người được ở lại cơ mà.”

“Xong chưa?” anh chồng gọi với ra.

Cánh cửa ô tô đóng sập lại, nhưng cánh cửa ngôi nhà lại mở ra cho ánh chiều tà len vào – cùng với bất kỳ kẻ cơ hội trơ trẽn nào muốn hôi của đang lởn vởn xung quanh.

TK đợi cho tới khi ánh đèn của chiếc U-Haul biến mất chỗ khúc cua rồi mới đi vào nhà và khóa cửa. Bật công tắc đèn lên nhưng điện đã bị cắt, thế là ông đánh liều ở lại chờ đến sáng xem coi trong nhà còn sót lại gì có giá trị không, một quyết định mà giờ, khi nghe những âm thanh đang vọng ra từ bếp kia, ông thấy hối tiếc.

Lúc này đây, ông nghe có tiếng đổ vỡ. Tiếng bát đĩa loảng xoảng. Vậy là TK biết không phải kẻ hôi của nào đó giống mình. Ông không thích xài từ đó. Nó mang nghĩa ăn cắp ăn trộm, còn ông chưa từng ăn trộm thứ gì trong đời, kể cả khi còn là một thằng chọi con vất vưởng. Cái việc ông đang làm đây phải gọi là tịch thu và phát mãi tài sản mới đúng.

Ngoài ra ông còn kiêm cả tư vấn nghề nghiệp, hỗ trợ công nghệ thông tin, tham vấn cho cá nhân, phục chế đồ đạc và khi túng quẫn lắm thì quét dọn ở cửa hàng bán phụ kiện tiệc tùng trên phố Franklin. Một kẻ đang cai rượu như ông mà lại làm việc ở chỗ tiệc tùng như thế thì khá lạ nhưng nó giúp ông sống lương thiện, chứ ông không bao giờ kiếm tiền bằng cách mua giúp bia Coors cho mấy đứa nhóc chưa đủ tuổi như mấy người vô gia cư thường làm. Một việc ông xem là: vượt lên chính mình.

Tiếng ồn ào trong bếp nghe rất vụng về. Có sự xô đẩy.

Một gã say chăng? Hay một thứ gì khác. Ông lồm cồm bò từ gầm bàn ra, lần tìm cái bình xịt hơi cay mang theo bên mình. Hết đát rồi, nhưng đâu phải lúc nào cũng tin đươc mấy cái nhãn mác chứ. Ông còn một con dao rựa giấu trong cây gậy chống, một thứ nham nhở tự chế, nhưng với ông bình xịt hơi cay trước giờ luôn là thứ hiệu quả hơn, nhất là để đối phó với bọn chó hoang, miễn là đứng thuận chiều gió và chưa bị dồn vào chân tường như ông từng chịu trận, một lần duy nhất đó thôi. Thomas Michael Keen biết rút kinh nghiệm nhanh lắm.

Ông lặng lẽ đi về phía bếp, gỡ chốt an toàn bình xịt, giơ nó lên cao hướng về phía kẻ đột nhập. Đến chỗ cửa bếp, ông ngó vào bên trong. Nhà bếp hỗn độn. Mấy cái tủ ly chén mở tung ra. Thức ăn rơi vãi khắp sàn. Không có lý nào cái người phụ nữ la mắng ông trên sân cỏ nhà cô ta lại để nhà cửa bừa bộn thế này được.

Bỗng một khuôn mặt thổ phỉ lông lá thò ra sau cánh cửa chỗ tủ ly chén, mép còn dính máu tươi. TK chửi thề. Thế rồi con gấu chồn ấy lại tiếp tục liếm láp chỗ thạch dâu đổ trên sàn lẫn trong những mảnh vỡ của cái hũ đựng.

“Đi đi! Xuỵt! Ra chỗ khác chơi!”

Con gấu chồn ngước lên nhìn ông. Ông nhảy bổ tới chỗ nó, vung tay và la hét: “Cắp cái mông đầy lông của mày cút ngay!”

Con vật xù lông lên, rồi nó đổi ý và nhảy bổ đến cái lỗ mèo chui ở cửa. Chỉ nghe tiếng không khí lạnh rít vào và tiếng cái nắp nhựa đập cái soạt là con vật đã lao ra lại vào buổi bình minh, chạy thục mạng. Cả ông và nó đều hoảng hồn.

Trong một thoáng, TK đã nghĩ đến việc sẽ chui dưới gầm bàn ngủ lại đến khi trời sáng bảnh nhưng trong máu ông giờ lại chứa đầy sự phấn khích sau vụ đụng độ con vật kia.

Rồi ông đi kiểm tra lại cái bếp, hy vọng nó là bếp ga chứ không phải bếp điện, thế mới pha được cà phê. Thật không may, nó là bếp điện, chắc là lắp sẵn khi xây nhà. Cái đó sẽ bán được năm mươi đô nếu ông có thể tháo rời ra và kiếm được cách bỏ nó lên xe hai bánh đưa tới tiệm đồng nát. Trong đầu ông đã phân loại và định giá hết cả.

Nhưng một thằng đàn ông thì phải uống cà phê đều đặn, thế là ông lấy thìa xúc cà phê hòa tan trộn với đường nâu bỏ đầy miệng rồi trợn trạo uống miếng nước cho trôi xuống. Cái vòi nước kêu khục khặc và xì xì những tiếng đáng ngại. Thành phố chắc cũng cắt nước rồi. Nhưng một gia đình có đến ba đứa con thế này sẽ phải có một đường ống nước lớn, đủ để ông rửa mặt cạo râu và biết đâu còn đủ để dội bồn cầu sau khi giải quyết xong. Có sống lang thang đầu đường xó chợ rồi mới biết quý trọng sự tiện nghi của cái bệ sứ trắng có giật nước ấy.

Có thời ông từng là chủ nhà trọ mặc dù lúc đó ông chỉ là thằng bé mười ba tuổi và là đứa tỉnh táo nhất trong đám lơ mơ. Nó dọn vào một khu nhà bỏ hoang, tháo những tấm ván niêm phong xuống, treo rèm lên, cắt cỏ, trả ít tiền cho một bà Trung Quốc tốt bụng để hằng tuần bà ta đến thu hộ tiền thuê nhà, bởi vì làm quái gì có người chịu nộp tiền cho một thằng nhóc chứ? Nó nhờ một ông thợ điện già dạy mình cách câu trộm điện từ tủ điện mà không bị giật chín như trứng chiên, và mỗi khi hàng xóm ra ngoài, nó sẽ lén lấy trộm nước từ vòi tưới nhà họ đổ đầy vào các xô. Việc làm ăn của nó xem chừng ổn thỏa chừng nào những kẻ thuê nhà còn cư xử phải phép, coi sóc nhà cửa, nhưng mà ta đừng hòng tin được là một đám thuê nhà lơ mơ lại không quậy phá gì. Cuối cùng thì việc làm ăn cũng đổ bể khi lũ trời đánh ấy tiệc tùng ngay tại bãi cỏ phía trước nhà và hàng xóm ngứa mắt gọi cớm tới, thế là nó lại phải bỏ hoang căn nhà ấy.

Sau đó thằng bé định tìm một nơi làm ăn mới thì mẹ nó bị sát hại, chảy máu đến chết trong tay nó, và nhà nước kéo nó ra khỏi đường phố mà tống vào tù. Mười năm liền, rồi sau đó thì ra ra vào vào như cơm bữa, như thói quen khó bỏ. Nó thường nhấn chìm ký ức bằng bất kỳ thứ thuốc giải sầu nào vớ được. Chính chuyện đó khiến nó vướng vào rắc rối hết lần này đến lần khác. Giờ thì TK đã học được cách chặn không cho các thứ ấy xâm nhập vào đầu giống kiểu bịt kín cửa sổ bằng gỗ dán.

TK lục lọi các tủ ly chén đến khi tìm được mấy cái bao rác đen, sau đó ông lên lầu, cẩn thận đi lần lượt từng phòng. Gia đình này vội vã bỏ đi, quần áo cái còn treo trên móc, cái quăng dưới sàn nhà. Ông gấp mọi thứ lại bỏ vào mấy cái túi. Một mớ dành cho ông, một mớ gửi cho Florrie, số còn lại để cho Ramón lọc lựa, sau đó còn sót gì thì sẽ mang đến nhà thờ.

Ông mặc thử một cái áo sơ mi vải flanen sọc ca rô nhưng tay áo quá ngắn. Cả cái áo vét cũng vậy. Làm một kẻ to cao cũng có cái khổ thế đấy. Nhưng đôi giày thể thao đỏ ông tìm được trong một cái hộp nhét tít phía sau tủ quần áo lại vừa in. Đôi giày còn mới nguyên, chỉ bị một vệt dầu đen ở mũi bên phải. Ông kẹp nách đôi giày, chất đống đám đồ chơi hỏng và khăn tay em bé, nửa tuýp kem chống hăm tã (khi làm cái nghề vơ vét tài sản này thì phải chịu cảnh cái gì cũng chỉ còn một nửa), rồi tống tất cả vào một túi.

Tất cả những gì ông cần là vận may. Chỉ cần tìm được một ngôi nhà còn vứt lại một va ly đầy tiền là xong. Thế thì ông có thể mua đứt lại ngôi nhà này từ ngân hàng với cái giá, bao nhiêu nhỉ, mười ngàn đô à? Ở khu này có khi còn rẻ hơn ấy chứ. Sửa sang lại, đón em gái về ở cùng, rủ bạn bè đến chơi, lần này thì hợp pháp hóa mọi thứ hết.

Người ta nói tài sản là thứ trói buộc người ta, nhưng có lẽ trói chưa đủ chặt nếu nhìn vào tình cảnh cái thị trấn này. Tất cả đồ đạc của ông có thể nhét vừa một cái hộp giày: những bức ảnh, một tấm bản đồ châu Phi, một cái kính đọc sách, những huy chương hội cai rượu và một cuộn băng cát xét dài sáu mươi phút thu giọng các thành viên gia đình trước khi em trai ông qua đời. Băng cát xét sẽ hỏng dần. Ông biết mình cần phải số hóa mới giữ được nó. Ông biết đôi chút về máy tính, cũng do mày mò tự học, nhưng đức cha Alan đã hứa sẽ gửi ông đi học một khóa đàng hoàng và đó sẽ là điều đầu tiên ông nhờ người ta chỉ cho mình. Những bức ảnh, những giọng nói – đó mới là cái ta cần ôm ấp khi bị mất kết nối với con người chứ không phải những đôi giày hoành tráng và ti vi màn hình bự.

Tiếng đập cửa đùng đùng đột ngột dưới nhà làm ông suýt bĩnh ra quần, và ông còn chưa có cơ hội sử dụng mấy cái tiện nghi vệ sinh trong nhà nữa. Có khi nào gia đình này đã thay đổi ý định mà đi báo cớm không. Cớm không tử tế gì với đám chó lạc, kể cả những con đơn độc giỏi sủa hơn cắn như ông đây.

Ông có thể chuồn ra phía sau. Đầu đang tính toán xem nên mang theo cái túi nào thì bỗng ông nghe giọng Ramón kèm với tiếng gõ cửa: “Dzô, cho thằng em vào với, lạnh cóng rồi đây!”

Ông ra mở cửa cho thằng bạn, hôm nay trông thằng này cứ như con sóc, còng lưng trên một chiếc xe đẩy hàng siêu thị méo mó, liên tục ngó lên ngó xuống con phố. Khuôn mặt hắn từ ngờ vực lo lắng giãn thành nụ cười toe toét khi trông thấy TK, rồi hắn ve vẩy cái điện thoại miễn phí mà Obama phát chẩn cho những người như họ để đi xin việc. Cũng tiện cho việc lên kế hoạch lục lọi một ngôi nhà nữa, cho dù Ramón khăng khăng bọn họ chỉ gửi những tin nhắn chung chung phòng trường hợp những gì người ta nói trên truyền hình là thật, rằng chính quyền đang theo dõi họ.

“Này, ông anh, nhận được tin ông rồi đây. Mãi tôi mới chôm được một cái xe đẩy. Mẹ kiếp cái siêu thị Whole Foods chết tiệt đã xích hết chúng lại với nhau.”

“Vấn đề của chỉnh trang đô thị là vậy đó chú em. Điện cắt rồi, nhưng tôi tìm được ít thịt và phô mai trong thùng lạnh nếu chú muốn ăn chút gì.”

Ramón nhìn săm soi bên trong ngôi nhà, rờ rẫm chuỗi tràng hạt hắn nhét trong túi, ném ánh nhìn xung quanh, cuối cùng dừng lại chỗ TK và đôi giày thể thao hiệu Chuck Taylors màu đỏ ông kẹp dưới nách. Khó mà không thấy nó.

“Giày bảnh đấy,” hắn khen.

“Tôi nghĩ tôi thích màu này. Chúng tôn mắt tôi lên.”

Ramón trông ngơ ngác.

“Mắt anh mày đỏ ngầu này,” TK giải thích.

“À, phải.” Hắn cười khìn khịt nhưng vẫn lộ ra vẻ ghen tị.

“Chú biết là anh có thể cho chú cái áo trên lưng, Ramón, nhưng mà đôi giày này thì…”

“Cũng chưa chắc đôi giày đã vừa chân em.” Hắn lê chân lên bậc thang, làm mạnh thêm tiếng lòng bàn chân hắn đang kêu chen chét mỗi khi nó được nhấc lên khỏi đôi giày đen buộc dây của hắn.

TK thở dài. Ông thật yếu lòng. “Anh cũng chả thích mấy đôi giày màu đỏ.” Không đúng, nhưng thôi kệ, vì khuôn mặt của Ramón đang sáng rỡ lên như có cái bóng đèn được bật sáng trong đầu hắn. “Giờ thì chú em cắp đít vào đây nhanh lên. Khí lạnh ùa cả vào nhà rồi,” ông vừa nói vừa giúp khênh cái xe đẩy lên những bậc thang ngoài hàng hiên.

Bạn đọc cảm nhận

Đỗ Bình

Nếu như bạn nào có ý định mua cuốn này vì đọc được mấy dòng quảng cáo ở bìa sách thì mình khuyên thật 1 câu: Nên xem xét lại. Mình mua cuốn này khi có đợt giảm giá 50%. Viết toàn những cái đâu đâu ấy, dù đã có gắng đọc đến 1 nửa cuốn sách mà mình chưa thấy mối liên quan giữa các nhân vật nó rõ ràng. Nói chung là cuốn này làm mình không thỏa mãn lắm và bỏ dở không thể nào mà đọc hết được.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button