Review

Kiên Ngạnh Như Thủy

Thể loại Văn học nước ngoài
Tác giả Diêm Liên Khoa
NXB NXB Hội Nhà Văn
Công ty phát hành Đông Tây
Số trang 439
Ngày xuất bản 09-2014
Giá bánXem giá bán

Giới thiệu sách

Kiên ngạnh như thủy 坚硬如水 là một trong hơn chục cuốn tiểu thuyết của nhà văn Trung Quốc nổi tiếng Diêm Liên Khoa 阎连科, xuất bản lần đầu năm 2000, nhiều lần tái bản, và năm 2014 được Minh Thương dịch sang tiếng Việt, Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây liên kết với Nhà Xuất bản Hội Nhà văn phát hành tại Việt Nam.

Bối cảnh của cuốn tiểu thuyết là cuộc Đại Cách mạng Văn hóa Trung Quốc (1966-1976). Dịch giả Minh Thương viết trong Lời giới thiệu cho bản dịch: “Trong giai đoạn lịch sử cách mạng đầy biến thái và hết sức hoang đường đó, một đôi nam nữ đắm chìm trong dục vọng, vừa bất chấp tất cả phá đổ “bốn cũ” (tư tưởng cũ, văn hóa cũ, phong tục cũ, tập quán cũ) mà Đại Cách mạng Văn hóa đề xướng, vừa trong những hoàn cảnh địa điểm khác nhau điên cuồng làm tình. Cách mạng là chất xúc tác của tình dục? Hay tình dục là dây dẫn lửa của cách mạng? Trong cái bóng đè màu đỏ mà toàn dân tộc Trung Hoa đều có khi đó, bản nguyên dục vọng của con người trong phút chốc trở nên quay cuồng. Khoảnh khắc trước còn được nhảy múa điên cuồng trong quyền dục và tính dục, khoảnh khắc sau đã trở thành vật tế máu cho xã hội quyền lực rồi. Chất u mua đen kiểu Diêm Liên Khoa, biến ảo lạ kỳ. Giống như bông hoa mẫu đơn màu đỏ rực rỡ tươi đẹp trong đêm, kéo ra một góc đầy cuồng loạn mà đẫm máu của bức màn lịch sử đen tối”.

Tác giả Diêm Liên Khoa trong Lời tựa cho lần in năm 2003 cũng xác nhận: “Kiên ngạnh như thủy là một trong những bộ tiểu thuyết gây tranh cãi nhiều nhất của tôi, trọng tâm của tranh luận tập trung ở hai phương diện ngôn ngữ và tính dục của tiểu thuyết, nói một cách hình tượng là: “phạm cả vào vấn đề chính trị lẫn sắc giới”. Ông cũng cho biết: “Trước năm 2001, Kiên ngạnh như thủy là tiểu thuyết có vận mệnh tồi tệ nhất trong sự nghiệp sáng tác của tôi, vì khi nó vừa ra đời, đã giống như một đứa trẻ lạc đường lang thang trong mỏ hoang nơi hẻm núi, mang theo sự chát chúa và lỗ mãng mà người khác không thể hiểu nổi trong sáng tác tiểu thuyết để chống chọi lại với mặt trời chói chang, với mưa gió buốt giá và khốc liệt, và cả tia chớp do mưa và tuyết tạo nên”. Nhưng may mà xã hội (cả ở Trung Hoa, Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới) dường như đã trở nên khoan dung hơn nhiều (Diêm Liên Khoa nói: “Khoan dung là thảo nguyên tự do cần thiết nhất cho người sáng tác. Chỉ có khoan dung mới có thể dung nạp văn học”), nên đông đảo bạn đọc mới (đã và sẽ) được dễ dàng tiếp cận những tác phẩm như Kiên ngạnh như thủy…

[taq_review]

Bạn đọc cảm nhận

Lê Hòa Long

“Kiên ngạnh như thủy” có bối cảnh là thời đoạn Cách mạng văn hóa Trung Quốc. Hai nhân vật chính, Cao Ái Quân và Hạ Hồng Mai ở miền quê xa xôi có tên trấn Trình Cương, đắm chìm trong dục vọng, liều lĩnh bất chấp tất cả, phá đổ mọi tư tưởng cũ, văn hóa cũ, tập quán cũ và phong tục cũ. Điên cuồng làm tình ở mọi hoàn cảnh/ địa điểm khác nhau.

Đỉnh điểm là Cao Ái Quân bí mật đào “đường hầm tình yêu Cách mạng” dài 550m qua hai khu phố, nối thông hai nhà để “không ra khỏi nhà cũng có thể gặp nhau làm chuyện đó như vợ chồng”. Họ đã tạo ra/ vượt qua hoàn cảnh để làm tình với nhau trên cái nền là tư tưởng, đường lối, phương pháp cách mạng.

Bối cảnh Cách mạng văn hóa Trung Quốc là nguồn nguyên liệu dồi dào đưa văn học Trung Quốc nói chung và tiểu thuyết Trung Quốc nói riêng vào thời kỳ nở rộ, phát triển mới lạ về cả nội dung và hình thức với dòng Văn học vết thương và Văn học phản tư. Nhiều tác giả – tác phẩm lớn ra đời từ đây.

Nhưng đến “Kiên ngạnh như thủy” của Diêm Liên Khoa thì yếu tố tính dục được khai thác, đặc tả đậm đặc, vượt ra ngoài sức tưởng tượng và khuôn phép thông thường. Cách mạng như là chất xúc tác, là mồi lửa, là xăng làm bùng lên tình dục. Đồng thời, tình dục như là dây dẫn cháy nổ của cách mạng. Tình dục và cách mạng xoắn quện, tương hỗ bền chặt, thúc đẩy nhau. Ở đấy, bản nguyên dục vọng của con người trở nên quay cuồng, cuốn trôi tất cả.

“Kiên ngạnh như thủy” là cuốn sách thứ 3 của Diêm Liên Khoa được chuyển ngữ qua tiếng Việt, sau “Phong nhã tụng” và “Người tình phu nhân sư trưởng”. Đây là nhà văn quan trọng của nền văn học đương đại Trung Quốc, có tác phẩm được xuất bản trên 20 quốc gia, cùng gần 30 giải thưởng văn học uy tín trong và ngoài nước khác nhau, như 2 lần giải thưởng Văn học Lỗ Tấn, giải thưởng Văn học Lão Xá, giải thưởng Văn học Kafka, đề cử giải thưởng văn học Pháp Femina (2012), đề cử giải thưởng văn học Man Booker (2013)…

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button