Review

Hạnh Phúc Tùy Cách Nhìn

Thể loại  Sách hay về cuộc sống
Tác giả  Thích Viên Ngộ
NXB  NXB Thời Đại
Công ty phát hành  Thái Hà
Số trang  280
Ngày tái bản  03-2014
Giá bánXem giá bán

Nội dung

Hạnh Phúc Tùy Cách Nhìn là tập sách được kết tập từ những bài viết đã đăng tải trong chuyên mục Phật học của tuần báo Giác Ngộ. Các bài viết này, phần nhiều đều có trích dẫn một số đoạn kinh trong kinh tạng Nikàya và A-hàm.

Nội dung tập sách này, người viết trình bày dựa trên giáo lí căn bản cùng với sự tu niệm của tự thân, ngõ hầu giúp cho những người bước đầu học đạo dễ dàng tiếp nhận hành trì, nhằm chuyển hóa phần nào những bế tắc khổ đau vốn dĩ xảy ra trong đời sống thường nhật. Tuy cái nhìn về Chánh pháp chưa được sâu rộng, nhưng với tâm nguyện “hoằng dương Phật pháp, lợi lạc quần sinh”, người viết vận dụng hết khả năng tu tập quán chiếu của chính mình, nhằm đóng góp phần nào vào sự nghiệp hoằng pháp mà chư Tổ và các bậc thầy đã và đang thực hiện.

Thiết nghĩ, sống trong cuộc đời này dù bất cứ hạng người nào cũng đều có thể gặp phải những khó khăn trắc trở xảy ra, dù ít hay nhiều. Tuy nhiên, hạnh phúc hay khổ đau cũng còn tùy thuộc vào cách nhìn của mỗi con người. Nếu trong mỗi giây phút hiện tại chúng ta sống có chánh niệm tỉnh thức, thì khi tiếp xúc với mọi hoàn cảnh dù ngang trái đến mấy chăng nữa, ta vẫn giữ được thái độ an bình và tự tại.

Dù đã lưu tâm, suy nghiệm để tác phẩm này ra đời đem lại lợi ích an vui cho người đọc, nhưng với khả năng hạn chế của tự thân, người viết chỉ chia sẻ một số khía cạnh trong đời sống thường nhật, chưa trình bày hết những ý nghĩa thâm sâu trong các đoạn kinh đã được trích dẫn. Ngưỡng mong chư tôn đức và quý bạn đọc hoan hỷ bổ khuyết thêm.

Hòa thượng Viên Minh, tổ đình Bửu Long, TP Hồ Chí Minh nhận xét: “Mấy lần gặp thầy Viên Ngộ tôi hoan hỷ thấy thầy quan tâm tham vấn pháp học, pháp hành một cách cặn kẻ, và hoan hỷ hơn nữa khi đọc cuốn “Hạnh Phúc Tùy Cách Nhìn” do thầy biên soạn để chia sẻ sự thấy biết đạo lý nhà Phật của mình với những người đồng đạo.

Những điều thầy viết xuất phát từ tư duy và trải nghiệm của chính mình trong đời sống thực tiễn hơn là chỉ “y kinh diễn nghĩa” như những vị Tăng có học thức khác. Chân lý không dành riêng cho chư Tăng Ni trong các tu viện hay thiền viện, cũng không phải độc quyền của một số vị đạo sư nổi tiếng nào. Chân lý luôn thiết thực hiện tại (sanditthiko) cho những ai ít bụi trong mắt có thể thấy ra bất cứ ở đâu và lúc nào. Chân lý cũng không bị đóng khung trong những quan niệm, công thức, phương pháp, hay tông môn nào, cho nên đức Phật chỉ làm một việc duy nhất để cống hiến cho nhân loại là khai thị sự thật (Svàkhàto Bhagavatà Dhammo), còn giác ngộ hay không thì mỗi người phải tự mình trải nghiệm, chiêm nghiệm, thể nghiệm để khám phá và chứng nghiệm sự thật ngay nơi thực tại đời sống của chính mình. Chân lý là sự thật tuyệt đối hoàn hảo trong chính nó, còn sự vận dụng thành phương pháp chỉ là phương tiện tương đối và bất toàn, cho nên cái khó là người vận dụng chân lý phải tự mình chứng nghiệm và suốt thông chân lý để có thể tùy cơ ứng biến mà không rơi vào công thức, khuôn định hay mẫu mực lỗi thời. Chân lý thì muôn đời vẫn thế, nhưng sự vận dụng thì luôn biến hóa vô cùng, nên không bao giờ dừng lại ở kết luận hay khẳng định nào mới có thể tùy duyên thuận pháp giữa cuộc đời đầy vô thường biến đổi.

Mỗi người xử lý tình huống một cách khác nhau tùy theo trình độ căn cơ, hoàn cảnh và nghiệp mệnh của họ, người giác ngộ chỉ chia sẻ bằng cách gợi ý giúp họ thấy ra hướng đúng để họ tự học bài học điều chỉnh nhận thức và hành vi qua tình huống đặc thù của họ chứ không đưa ra một giải pháp nào nhất định để họ phải theo. Giống như em học sinh lớp nào thì giải bài toán của mình theo trình độ lớp đó chứ thầy giáo không giải giúp em bài toán theo kinh nghiệm và học lực của riêng thầy. Tất nhiên khi học lên cao hơn em sẽ có cách giải bài toán ấy tốt hơn, cũng như trên đường tu học mỗi hành giả sẽ điều chỉnh nhận thức và hành vi của mình ngày càng đúng tốt hơn chứ không cần phải áp dụng một mẫu lý tưởng nào cho cái đúng, bởi vì cái đúng lý tưởng đôi khi vẫn là cái sai so với cái đúng thực tế trong vị trí và thời gian nhất định của nó.

Tôi mong rằng những gợi ý chân thành của thầy Viên Ngộ sẽ là những thí dụ điển hình có thể giúp cho nhiều Phật tử nhận ra cách xử lý tình huống riêng của mình trong cuộc sống chân không diệu hữu này.”

[taq_review]

Review

Le Thi

Theo tôi điều đáng buồn nhất của một con người không phải là người đó gặp nhiều bất hạnh hay khổ đau mà là người đó chỉ mãi nghĩ về hướng tiêu cực, không nhận ra những điều tốt đẹp, những hạnh phúc giản đơn ngay chính mọi vật, mọi loài và mọi người quanh mình. tôi tâm đắc nhất bài viết “đôi bàn tay khéo léo”. đôi bàn tay khi cần có thể làm mọi việc và cầm nắm nhiều thứ, nhưng khi xong việc thì nó buông bỏ tức thì không giữ lại gì nữa. và vì thế nó mới có khả năng cầm nắm và làm nhiều việc, chứ nếu cứ khăng khăng giữ lấy cái này cái kia thì làm sao làm được gì nữa. có khi chúng ta là người ra lệnh cho đôi tay làm theo ý mình mà cũng có khi nên học tập ở khả năng buông bỏ của đôi tay.

Phan Quỳnh Như

Quyển sách cho người đọc thấy rằng hạnh phúc tưởng chừng như ở nơi đâu xa xôi, là cái gì đó rât xa xỉ nhưng thực chất lại xuất phát từ những điều rất giản đơn. Hạnh phúc hay không là do ở cách suy nghĩ, cách sống mà chúng ta chọn và chúng ta để hạnh phúc của mình phụ thuộc vào quá nhiều thứ: quá khứ, hiện tại, tương lai và mọi người, mọi việc xung quanh. Mình đánh giá quyển sách này khá hay, đưa ra cho người đọc những cách tiếp cận vấn đề khác nhau để có thể hiểu rõ hơn, sống tốt hơn và trân trọng cuộc sống này hơn.

Trích đoạn

Hoa và rác

Hoa là biểu tượng cho sự đẹp đẽ, thơm tho và tươi mát, nên tất cả mọi người đều mong muốn ngắm nhìn, yêu thích và trân quý. Còn rác là thứ dơ bẩn, hôi hám nên ít ai quan tâm để ý tới và chỉ muốn dẹp bỏ hoặc loại trừ càng xa, càng tốt. Tuy rác bị đối xử thiệt thòi như thế, nhưng nó vẫn âm thầm nhận chịu để đóng góp cho đời những gì tốt đẹp nhất.

Công việc của rác là làm phân, giúp người làm vườn vun bón những luống hoa, vườn rau, giàn bầu và nhiều loại cây ăn trái khác được xanh tươi, đơm hoa và kết trái. Mặt khác, nhờ người nông dân biết sử dụng các loại phân hữu cơ và hạn chế dùng phân hóa học để chăm bón, trồng trọt, nên rau quả được tăng thêm phần bổ dưỡng và đảm bảo sức khỏe tốt cho con người.

Do vậy, rác không hẳn là thứ nhơ nhớp, xấu xa cần phải loại bỏ mà rác có khả năng âm thầm đóng góp tích cực đem lại lợi lạc cho đời sống con người.

Trong tâm thức của chúng ta cũng có hai đặc tính căn bản của hoa và rác. Ta có những đức tính tốt như thiện lành, siêng năng, hiền hòa, dễ thương, tha thứ, biết cảm thông và giúp đỡ cho những ai gặp phải hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn. Điểm tích cực ấy tượng trưng cho bông hoa tươi mát, đẹp đẽ vốn có ở nơi mỗi con người. Và khi tâm ta được nhẹ nhàng, an ổn và hạnh phúc thực sự, đó chính là đóa hoa tâm hồn trong ta nở rộ và thơm ngát.

Còn ngược lại, khi tâm ý tham lam, buồn giận, sợ hãi, ghen tị, trách móc, ích kỷ thì mảnh vườn tâm kia đang sinh trưởng nhiều loại cỏ dại và rác rến. Vì thế, người tu phải biết cách chăm sóc vườn tâm của mình để mỗi ngày những hoa trái thương yêu, hiểu biết, giúp đời… được sum suê, nở rộ và tỏa ngát hương thơm.

Chúng ta thừa biết rằng, một bông hoa có mặt phải nhờ vào nhiều yếu tố khác kết hợp lại mới hình thành như đất, nước, phân xanh, không khí, ánh sáng mặt trời, người chăm sóc… Bông hoa không thể hiện hữu đơn độc lẻ loi mà nó cần phải nương tựa vào nhau để sinh khởi và tồn tại. Nếu một ai đó chỉ thích ngắm nhìn phía trên của bông hoa, nhưng lại cắt bỏ bộ phận gốc rễ nhơ nhớp ở phía dưới thì đóa hoa tươi thắm đó chỉ được tồn tại vài ngày rồi sẽ nhanh chóng khô héo và úa tàn. Do vậy, phân rác rất cần thiết và quan trọng không thể thiếu đối với hoa, và đời sống con người.

Trong tâm thức của chúng ta cũng tương tự như thế, có khá nhiều rác rưởi phiền não như tham lam, giận hờn, trách móc, lo sợ, đố kị, phân biệt, buồn chán… Những hạt giống tiêu cực này ẩn tàng trong chiều sâu tâm thức của ta, khi đủ điều kiện thì chúng sẽ hiện hành và chi phối lên đời sống con người, tạo ra nhiều thống khổ, bất an.

Tuy nhiên, nếu ta biết cách tu tập và chuyển hóa thì rác phiền não kia cũng sẽ trở thành bông hoa thanh khiết, thơm tho và lan tỏa hương thơm để hiến tặng cho cuộc đời. Ngược lại, nếu ta không biết vun bón, tưới tẩm cho hoa mỗi ngày thì nó rất mau chóng héo hon và tàn lụi. Đối với con người cũng vậy, có nhiều khi ta đang hạnh phúc bên cạnh người thân yêu của mình và được người thương nuông chiều, quý trọng. Nhưng, nếu ta vẫn cứ mãi hờ hững và không biết quan tâm chăm sóc, trân quý với những gì mình đang có thì một ngày nào đó hạnh phúc tự động cất cánh bay xa để lại sự trống vắng, lẻ loi và buồn tủi. Sự thật này đã và đang xảy ra, nếu không nhanh chóng tỉnh thức để chuyển hóa thì khó tránh khỏi bất an, đổ vỡ.

Thực ra, phiền não khổ đau chỉ biểu hiện khi tâm ta bị màn vô minh che lấp, bị chi phối bởi sự điều động của bản ngã tham sân si. Khi đối duyên xúc cảnh xảy ra thì bản ngã lập tức phản kháng và loại trừ đối tượng (giận), hoặc muốn chiếm hữu những gì mà nó ưa thích (tham). Lối mòn phản ứng này bóp méo hiện thực theo nhận thức chủ quan, nên cái nhìn trung thực không thể hiển bày. Từ đó, ta không thấy rác là điều kiện tất yếu để làm nên hoa, cũng như đối diện với khổ đau sẽ giúp con người thấu hiểu được bản chất đích thực của cuộc sống.

Vì không nhận ra được bài học quý giá và thiết thực từ khổ đau, nên ta thiếu khả năng chuyển hóa đau khổ của tự thân cũng như thông cảm và chia sẻ tình thương yêu đến cho những ai gặp phải hoàn cảnh éo le, trắc trở. Ví như trong một cái thùng chứa đựng rác dơ bẩn, trong đó có những hạt ngọc vô cùng quý giá, nếu ta cho rằng, thùng rác quá bẩn mà không chịu đưa tay vào để lấy ngọc ra thì thật dại khờ và uổng phí biết bao? Có thể nói rằng, thói quen loại trừ và phản kháng lại hiện thực là một trong những nguyên nhân căn bản tạo ra đau khổ.

Sống trên cuộc đời này, không có người nào mong muốn khó khăn xảy đến với mình cả, nhưng khổ nỗi nó không ngoại lệ cho bất cứ một ai. Từ người giàu sang quyền quý cho đến kẻ bần cùng thiếu thốn đều có những nỗi khổ niềm đau dù ít hay nhiều, đó là sự thật. Tuy nhiên, nếu bạn biết nuôi dưỡng và giữ gìn tâm hồn định tĩnh và trong sáng thì chẳng bị vướng kẹt vào bất cứ điều kiện gì xảy ra đối với bạn.

Khi cái thấy thanh tịnh phát hiện ra các tri giác sai lầm, tính toán của bản ngã tham sân si, lúc bấy giờ bạn tự do ngắm nhìn vẻ đẹp của dòng sông, đồi núi, cỏ cây và hoa lá mà không còn bị lệ thuộc vào các ý niệm tham đắm, chiếm hữu hoặc ghét bỏ.

Tất cả các hiện tượng, sự vật trong vũ trụ này luôn luôn thay đổi và mới mẻ. Bạn không thể nắm bắt hoặc ước hẹn bất cứ cái gì cho tự thân cả. Công việc của bạn là tiếp xúc với cái thực tại bây giờ và ở đây. Không lấy những quan niệm, định kiến trong quá khứ để áp đặt lên hiện thực. Sự việc đang diễn biến ra như thế nào thì tùy vào đó để hành xử cho phù hợp, không cần phải rập khuôn theo những đường lối, tư duy của người khác.

Nếu bạn sống trọn vẹn với nội dung này, bạn sẽ có mối quan hệ tốt đẹp với mọi người chung quanh mà không gây tổn thương cho bất cứ một ai, dù nó bé nhỏ như con sâu hay con kiến. Khi tâm tư bạn thông suốt và trải lòng ra như thế, bạn sẽ có cái nhìn mới mẻ và trung thực ở bất cứ mọi lĩnh vực nào của đời sống.

Để thấy rác chính là hoa – hoa và rác vốn không hai cũng như khổ đau làm nên hạnh phúc – phiền não chính là bồ-đề, bạn cần phải trở về với chính mình để chăm sóc cho đóa hoa tâm hồn được nở rộ và thêm phần hương sắc. Nghĩa là, khi tâm ý của bạn đang rong ruổi, phiêu lưu ở một phương trời nào đó, hãy trở về với tự thân và có mặt trọn vẹn với những gì đang biểu hiện trong đương tại.

Mỗi khi thân tâm và hoàn cảnh hiện tại được thắp sáng, bạn sẽ thấy rõ mối tương giao tất yếu giữa bản thân mình đối với đời sống, giữa rác và hoa. Từ đó, bạn không còn ghét bỏ, tránh né hoặc loại trừ bất cứ điều gì cả, vì bạn đã biết cách chuyển hóa rác trở thành hoa – biến khổ đau và những gì không vừa ý trở nên an vui và hạnh phúc.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button