Review

Cách Nghĩ Để Thành Công

Thể loại Sách kinh doanh
Tác giả Napoleon Hill
NXB NXB Trẻ
Công ty phát hành First News – Trí Việt
Số trang 400
Ngày tái bản 05-2013
Giá bánXem giá bán

Giới thiệu sách

Nếu ai đã từng xem qua series truyền hình The man who built America (Người xây nước Mỹ) đều sẽ biết được quá trình phát triển đại thần tốc của nước Mỹ trong giai đoạn cận hiện đại. Những tuyến đường sắt nối từ Đông sang Tây, đèn dầu thắp sáng mọi ngõ ngách, thép tạo nên những tòa nhà cao chọc trời…, nước Mỹ vươn lên trở thành một cường quốc công nghiệp mạnh mẽ. Phía sau bức bình phong cường thịnh đó có sự hiện diện của một nhóm nhỏ những con người vĩ đại, họ có tầm nhìn không ai có và chính họ đã viết nên lịch sử, đưa Liên bang Mỹ trở thành quốc gia có tầm ảnh hưởng kinh tế trên toàn thế giới.

Và quyển sách Cách nghĩ để thành công có tên tiếng anh là Think and grow rich của Napoleon Hill cũng được khơi nguồn từ một người trong số đó – vua thép, Andrew Carnegie. Như Hill đã viết “Cách nghĩ để thành công là cuốn sách viết về bí quyết thành công của Andrew Carnegie, những bí quyết đã được kiểm chứng qua thời gian bởi hàng ngàn người trong khắp các ngành nghề khác nhau. Bí quyết kỳ diệu được viết trong cuốn sách đã giúp Carnegie có được một tài sản khổng lồ và ông muốn truyền bá những kinh nghiệm đó cho những người không có đủ thời gian để tìm hiểu bí ẩn thực sự phía sau mỗi thành công.” Bên cạnh Andrew Carnegie, quyển sách còn kể lại rất nhiều mẫu chuyện thành công của những nhân vật khác, họ từ những con người tay trắng, thất bại, đã từng bị cuộc đời dội vào mình những gáo nước lạnh nhưng vẫn không từ bỏ, vẫn tiếp tục vươn lên, vượt qua số phận và gặt hái được thành công. Những bí quyết được đưa ra trong quyển sách không giống như “Ba mươi sáu kế”, chúng không có tên gọi cụ thể nào cả bởi ý nghĩa đích thực nằm ở chính bên trong nó và chỉ những ai thật sự sẵn sàng và quyết tâm tìm kiếm thì mới lĩnh hội được hết ý nghĩa và giá trị của nó.

[taq_review]

Trích đoạn sách

NẾU KẾ HOẠCH ĐẦU TIÊN THẤT BẠI – HÃY THỬ MỘT KẾ HOẠCH KHÁC!

Nếu kế hoạch đầu tiên bạn chọn không mang lại hiệu quả, hãy thay nó bằng một kế hoạch mới; nếu kế hoạch mới này cũng thất bại, tiếp tục thay thế nó bằng một kế hoạch khác nữa và cứ thế cho đến khi bạn tìm ra một kế hoạch mang đến hiệu quả tốt nhất trong công việc. Đây chính là điểm mà phần đông những người thất bại không thực hiện bởi họ thiếu lòng kiên trì để tạo nên những kế hoạch mới thay cho những cái cũ đã thất bại.

Người thông minh nhất cũng không thể thành công trong việc tích lũy tiền bạc hay trong bất cứ công việc nào khác nếu không có những kế hoạch thiết thực và khả thi. Cần lưu ý điều này và hãy nhớ là khi kế hoạch của bạn thất bại, thì đó chỉ là thất bại tạm thời chứ không phải một thất bại hoàn toàn. Điều đó có nghĩa là những kế hoạch của bạn chưa đúng đắn. Hãy tạo dựng những kế hoạch khác và bắt đầu lại từ đầu.

Những thất bại tạm thời chỉ có nghĩa là có điều gì đó không đúng trong kế hoạch của bạn. Hàng triệu người đã sống trong cảnh cực khổ và nghèo khó bởi họ thiếu một kế hoạch đúng đắn để qua đó có thể tích lũy được tiền bạc.

Thành quả của bạn lớn đến đâu phụ thuộc vào mức độ đúng đắn trong kế hoạch của bạn.

Bạn không bao giờ bị loại khỏi cuộc chơi cả trừ phi bạn muốn bỏ cuộc, bỏ cuộc ngay trong suy nghĩ của bạn.

James J. Hill, người đã xây dựng những đường xe lửa vĩ đại nhất trong lịch sử, đã gặp phải thất bại đầu tiên khi nỗ lực tìm kiếm vốn đầu tư để xây dựng “Đường xe lửa phía Bắc Vĩ đại” từ Đông sang Tây nước Mỹ. Nhưng rồi ông đã chuyển bại thành thắng nhờ những kế hoạch mới của mình.

Henry Ford cũng đã gặp những thất bại tạm thời, không chỉ trong thời gian đầu khởi nghiệp chế tạo xe hơi mà ngay cả sau này khi Ford đang trên đường tới đỉnh cao sự nghiệp. Nhưng ông đã tạo ra những kế hoạch mới và đường hoàng đi tới thắng lợi cuối cùng.

Chúng ta thấy nhiều người đã tích lũy được một gia tài lớn nhưng ta thường chỉ thấy được những chiến thắng, những thành công của họ mà bỏ qua những thất bại tạm thời mà họ đã vượt qua trước khi “đến đích”.

Không ai thực hành theo triết lý này và tích lũy được một số tiền lớn mà không trải qua những “thất bại tạm thời”. Vì vậy, khi gặp thất bại, hãy chấp nhận nó như một dấu hiệu cho thấy rằng kế hoạch của bạn không đúng đắn và hãy tạo dựng những kế hoạch mới, rồi tiếp tục căng buồm tiến về mục tiêu phía trước. Nếu bạn từ bỏ trước khi đạt được mục tiêu, bạn trở thành “kẻ bỏ cuộc”. Một kẻ bỏ cuộc không bao giờ chiến thắng và người chiến thắng thì không bao giờ bỏ cuộc. Hãy trích câu này ra, viết nó vào một mảnh giấy bằng những chữ to và rõ rồi treo ở nơi bạn có thể nhìn thấy dễ dàng mỗi đêm trước khi đi ngủ cũng như mỗi buổi sáng trước khi bạn bắt đầu một ngày làm việc mới.

Khi bạn bắt đầu lựa chọn thành viên cho nhóm Trí tuệ ưu tú của mình, hãy cố gắng chọn ra những người không quá lo sợ thất bại.

Một số người lầm tưởng rằng chỉ có tiền mới làm ra tiền. Điều này không đúng! Khát vọng được biến thành những giá trị tiền bạc tương đương qua những nguyên tắc được trình bày trong cuốn sách này mới là cách làm ra tiền bạc và của cải. Bản thân đồng tiền chỉ là một thứ trì trệ. Nó không thể di chuyển, suy nghĩ hay nói được, nhưng nó có thể “nghe” thấy những người thật sự khát khao muốn có nó.

Một kế hoạch thông minh là điều cốt yếu bảo đảm cho sự thành công trong bất cứ thương vụ nào. Ở đây ta sẽ tìm thấy các hướng dẫn chi tiết cho những người bắt đầu việc tích lũy tiền bạc bằng cách bán sức lao động của cá nhân họ.

Bạn có thể sẽ cảm thấy phấn khởi khi biết rằng thực tế tất cả những gia tài lớn đều bắt đầu từ việc bán sức lao động cá nhân hay bán những ý tưởng. Còn gì ngoài sức lao động và ý tưởng mà một người với hai bàn tay trắng có thể sử dụng để đổi lấy tiền bạc hay sự giàu sang?

NHỮNG NGƯỜI LÃNH ĐẠO VÀ CẤP DƯỚI

Nói rộng ra, có hai loại người trên thế giới này. Một là những người lãnh đạo, còn lại là những người đi theo họ.

Hãy quyết định ngay từ đầu xem liệu bạn có thực sự muốn trở thành người dẫn đầu trong ngành nghề mà bạn chọn hay cứ tiếp tục làm người chỉ biết đi theo. Sự chênh lệch giữa những gì bạn nhận được là rất lớn. Người theo sau không thể mong đợi một phần thưởng vốn chỉ dành cho người dẫn đầu. Nhưng đáng buồn là nhiều cấp dưới đã sai lầm khi nghĩ rằng đáng ra họ cũng phải được như vậy.

Không có gì xấu hổ khi bạn là người theo sau người khác. Nhưng, cũng chẳng có gì đáng khen ngợi khi cứ mãi ở vị trí cấp dưới. Hầu hết những nhà lãnh đạo vĩ đại đều bắt đầu ở vị trí cấp dưới của ai đó. Họ đã trở thành những người lãnh đạo tuyệt vời vì họ là những cấp dưới thông minh. Nếu không kể vài trường hợp ngoại lệ thì những người không biết cách đi theo người lãnh đạo của họ một cách thông minh thì đều không thể trở thành nhà lãnh đạo hiệu quả được. Người có thể theo sau nhà lãnh đạo của mình một cách hiệu quả nhất thường là người sẽ nhanh chóng trở thành lãnh đạo. Một cấp dưới thông minh có nhiều lợi thế và cơ hội để có thể tích lũy được những kiến thức bổ ích từ người lãnh đạo của anh ta.

Những phẩm chất chủ yếu của người lãnh đạo

Dưới đây là những phẩm chất quan trọng của người lãnh đạo:

1. Lòng dũng cảm và tính kiên định tùy thuộc vào kiến thức và nghề nghiệp của mỗi người. Không cấp dưới nào muốn bị dẫn dắt trong tay một nhà lãnh đạo thiếu tự tin và lòng can đảm. Không có người cấp dưới thông minh nào chịu để cho một nhà lãnh đạo như vậy chi phối trong một thời gian dài.

2. Sự tự chủ. Người không thể tự điều khiển được bản thân anh ta thì không bao giờ có thể điều khiển được người khác. Sự tự chủ của người lãnh đạo là tấm gương cho cấp dưới noi theo, cấp dưới nào thông minh hơn sẽ thành công hơn.

3. Một ý thức mãnh liệt về sự công bằng. Nếu không có sự hợp tình hợp lý thì không người lãnh đạo nào có thể chỉ huy và nhận được sự kính trọng từ cấp dưới của họ.

4. Quyết định rõ ràng. Những người luôn dao động trong việc ra quyết định cho thấy bản thân họ không có gì chắc chắn cả và họ không thể dẫn dắt người khác đến thành công.

5. Những kế hoạch cụ thể. Một người lãnh đạo thành công phải lập kế hoạch cho công việc của anh ta và thực hiện kế hoạch đó. Người lãnh đạo làm việc chỉ dựa trên cảm tính mà không có những kế hoạch thực tế và cụ thể thì cũng giống như một chiếc thuyền không có bánh lái. Sớm muộn gì anh ta cũng lái con tàu đâm vào đá mà thôi.

6. Thói quen làm việc vượt quá thù lao. Một trong những “gánh nặng” của người lãnh đạo là họ phải luôn sẵn sàng làm nhiều hơn và tốt hơn những gì họ đòi hỏi ở cấp dưới.

7. Một tính cách dễ chịu. Người lãnh đạo cần phải được cấp dưới tôn trọng. Cấp dưới không thể tôn trọng một nhà lãnh đạo không có những yếu tố cần thiết tạo nên một tính cách dễ chịu.

8. Cảm thông và thấu hiểu. Một nhà lãnh đạo thành công phải biết thông cảm với cấp dưới của anh ta. Hơn nữa, anh ta phải hiểu được họ và những vấn đề của họ.

9. Nắm vững các chi tiết. Muốn lãnh đạo thành công, nhà lãnh đạo phải nắm vững các chi tiết và khía cạnh về vị trí mà anh ta đang nắm giữ.

10. Sẵn lòng nhận lấy hoàn toàn trách nhiệm về mình. Người lãnh đạo thành công phải sẵn sàng nhận trách nhiệm về sai lầm và thiếu sót của cấp dưới. Nếu anh ta đùn đẩy trách nhiệm này cho người khác, anh ta không còn là người lãnh đạo nữa. Nếu một trong số những người ủng hộ anh ta mắc lỗi và tỏ ra kém cỏi, người lãnh đạo phải thấy rằng chính anh ta mới là người thất bại và có lỗi.

11. Sự hợp tác. Một người lãnh đạo thành công phải hiểu và áp dụng được nguyên tắc cùng nỗ lực hợp tác và có thể thuyết phục cấp dưới cũng làm như vậy. Sự lãnh đạo đòi hỏi phải có sức mạnh và sức mạnh đòi hỏi phải có sự hợp tác.

Lãnh đạo có hai dạng. Thứ nhất và có hiệu quả nhất là lãnh đạo bằng sự đồng thuận và cảm thông của cấp dưới.

Dạng thứ hai là lãnh đạo bằng quyền lực mang tính cưỡng chế mà không cần có sự đồng cảm của cấp dưới.

Có nhiều bằng chứng trong lịch sử cho thấy lãnh đạo bằng cách cưỡng chế không thể tồn tại lâu dài. Sự suy vi và biến mất của những kẻ độc tài và vua chúa mang nhiều ý nghĩa. Hiện tượng đó cho thấy con người nói chung không thích phục tùng vô hạn định theo sự lãnh đạo mang tính cưỡng chế.

Napoleon, Mussolini, Hitler là những ví dụ của lãnh đạo bằng quyền lực cưỡng chế. Thời kỳ lãnh đạo theo kiểu chuyên chế như vậy gần như đã qua rồi. Những mô hình lãnh đạo tương tự còn sót lại cũng đang suy tàn dần theo thời gian. Lãnh đạo bằng sự đồng cảm với cấp dưới mới có thể tồn tại lâu dài.

Con người có thể phục tùng sự lãnh đạo mang tính cưỡng chế một cách tạm thời nhưng họ sẽ không sẵn lòng làm như vậy mãi mãi.

Người lãnh đạo thành công phải có cả mười một phẩm chất nói trên và một số phẩm chất phụ khác. Người nào lấy những phẩm chất trên làm nền tảng để lãnh đạo thì sẽ tìm thấy nhiều cơ hội thành công trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.

Bạn đọc cảm nhận

U Pe Nhjm

Một quyển sách kinh điển cần phải có cho các cá nhân muốn thay đổi cách nghĩ khác, làm khác đi theo lối mòn mà con người ta thường hướng tới, táo bạo và đầy sáng tạo, 1 sự vượt bậc trong suy nghĩ đưa con người ta lên môt tầm cao mới, thay đổi để thành công, để đầy năng lượng, để tích cực trong tư duy và thành công, tuy cách trình bày câu chữ vẫn còn tương đối khó hiểu với mình, nhưng tổng quan nó vẫn cực kì đáng nên mua, nên đọc và sở hữu để nghiềm ngẫm rút ra kinh nghiệm cho riêng mình.

Nguyễn Anh Thi

Điều mình ấn tượng nhất về quyển sách là câu chuyện về chính con trai của tác giả. Một đứa bé khi sinh ra đã không có đôi tai. Nhưng bố nó đã làm điều mà không phải ai cũng có thể làm được, đó là gieo vào nó những niềm tin mãnh liệt. Ông luôn bên cạnh thổi vào đầu cậu bé những câu chuyện đầy tích cực, mà đa phần là do ông tự- nghĩ- ra. Đến tuổi đến trường, ông không cho cậu bé vào trường khiếm thị mà kiên quyết đấu tranh với thầy hiệu trưởng để con mình được vào học môi trường bình thường như chúng bạn. Nhưng sự thật là nó không hề bình thường, nó chỉ có thể nghe lí rí những âm thanh mà người ta nói như hét vào mặt nó thì làm sao nó theo kịp lũ bạn? Nhưng nó vẫn trụ vững vì luôn có ông bố phía sau nói với nó rằng :” Vì con không có đôi tai nên cô giáo sẽ quan tâm đến con nhiều hơn. Bên cạnh mỗi nghịch cảnh là lợi ích tương đương.” Lớn hơn một chút, nó đã can đảm trốn nhà đi bán báo, mang theo lời nhắn của bố :” Vì nó không có tai nên người ta sẽ cảm thông và mua báo cho nó nhiều hơn bởi họ nghĩ nó kém may mắn nhưng nhỏ vậy mà biết tự lập và chịu khó.”… Mình đã bám riết hai bố con suốt chặng đường quyển sách. Nhiều triết lý hay ho còn ở phía sau nhưng câu chuyện mở màng là cái đọng lại lâu nhất với mình. Hãy đọc và tự cảm nhận!

Ha Phuong

Mình biết đến tác giả Napoleon Hill qua cuốn sách Chiến thắng con quỷ trong bạn của ông, từ đó thì mình mới đọc đến cuốn này và mình thấy cuốn này còn tuyệt hơn cả cuốn kia nữa 🙂

Cách nghĩ để thành công-là một cuốn sách giúp bạn có thể đạt được những thành công nhất định bằng nỗ lực của bạn. Cuốn sách là tập hợp những câu chuyện của những người nổi tiếng đã đạt được thảnh công được nhiều người biết đến, từ mỗi câu chuyện đó tác giả lại đúc kết ra những kinh nghiệm suy nghĩ riêng của bản tah6n để giúp người đọc nhận ra những vấn đề mà mình mắc phải.

Đây là một cuốn sách hay và bổ ích cho nhiều người.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button