Quà tặng cuộc sống

Sáu Ông Chồng Của Vợ Tôi

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Steven Craig

Download sách Sáu Ông Chồng Của Vợ Tôi ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : Sách hay về cuộc sống

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.


Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Chúng ta không phải là cùng một người từ năm này sang năm khác và những người chúng ta yêu cũng vậy. Đó sẽ là một cơ hội tốt nếu chúng ta − đang thay đổi − tiếp tục yêu một người đã thay đổi.

Khuyết danh

Xin được dành tặng cuốn sách này cho Ronna − người vợ và cũng là người bạn tốt nhất của tôi. Qua cô ấy, tôi đã học được rằng mỗi người chúng tôi càng cam kết trưởng thành và thay đổi cùng nhau với tư cách là một cặp vợ chồng thì tình yêu của chúng tôi sẽ càng trở nên sâu sắc hơn. Vì cô ấy, tôi sẵn sàng thay đổi bất cứ điều gì về bản thân theo mọi cách tôi có thể. Tôi coi đó là một niềm vinh dự và tôi yêu cô ấy nhiều hơn tất cả những gì có thể nói thành lời.

DẪN NHẬP

Là nhà tâm lý học chuyên nghiên cứu và tư vấn hôn nhân đồng thời là tác giả của một cuốn sách viết về các mối quan hệ, tôi nhận thấy rằng mọi người thường hy vọng tôi là − hoặc nên là − một người chồng mẫu mực. Vâng, hãy để tôi nói thật rằng tôi hoàn toàn không phải là đức ông chồng hoàn hảo mà mọi người kỳ vọng. Tôi đã và đang là một gã chồng đầy thiếu sót, ích kỷ và xấu tính như bất cứ người đàn ông bình thường nào. Chắc chắn là kiến thức của tôi về động lực của các mối quan hệ cùng kinh nghiệm trong việc đào tạo và tư vấn về các động lực đó đã cung cấp cho tôi những kỹ năng chuyên dụng nhất định, nhưng thật không may là những kỹ năng và trải nghiệm đó không thể biến tôi thành con người vĩ đại hay vượt trội hơn những người bình thường.

Tôi nói điều này bởi hai lý do. Đầu tiên là tôi cảm thấy lo lắng khi mọi người nâng tôi hoặc bất cứ ai lên “tầm cao” đó. Việc đánh giá cao người khác tách chúng ta ra khỏi nhau và ám chỉ rằng họ có những khả năng và kỹ năng mà chúng ta không có. Điều đó không đúng. Tôi đã làm việc với rất nhiều cặp vợ chồng, nhiều đến mức tôi không thể đếm nổi. Và tôi đã chứng kiến rất nhiều người từ mọi tầng lớp trong xã hội, với những công việc khác nhau, đạt được những thành tựu đáng kinh ngạc. Tôi không muốn bất cứ người nào đọc cuốn sách này mặc định rằng những tư tưởng hay hành động được phác thảo ở đây chỉ có thể được ứng dụng bởi những người đã sở hữu một số kỹ năng, sự hiểu biết hay trải nghiệm độc nhất vô nhị. Giả định như vậy đồng nghĩa với tự đánh giá thấp bản thân và tôi không muốn bạn làm điều đó. Chỉ cần để tâm, bất cứ ai cũng có thể đạt được mọi điều tôi mô tả trong cuốn sách này. Mọi điều.

Lý do thứ hai khiến tôi nói điều này là bởi tôi muốn mọi người hiểu một điều rằng đã là con người thì ai cũng có khuyết điểm, cho dù trong số đó có những người đã và đang dạy dỗ người khác. Không ai là siêu nhân cả. Chẳng hạn như trong khi cuộc hôn nhân là mối quan hệ có ý nghĩa và quan trọng nhất với tôi, nó lại thường là mối quan hệ bị tôi bạc đãi nhất. Và thậm chí là dù tôi có một người vợ tuyệt vời và một cuộc hôn nhân cũng tuyệt vời không kém, cả hai chúng tôi vẫn phải khốn khổ đấu tranh với những quan niệm cũ rích, kỹ năng ứng phó kém cỏi và đôi lúc là sự ích kỷ của bản thân. Chúng tôi đấu tranh không phải vì không yêu thương nhau mà bởi cho dù đã cố gắng rất nhiều, đôi khi chúng tôi vẫn không thể không bộc lộ những kém cỏi của mình trong mối quan hệ chung.

Nhưng điều đó là tất yếu và không chỉ có chúng tôi rơi vào hoàn cảnh này. Chẳng ai có thể gần gũi và yêu thương một người nào đó mà chưa từng có cảm giác bị tổn thương bởi đối phương và không ít lần làm tổn thương chính người mà mình yêu thương ấy.

Có một sự thật đơn giản là không có cuộc hôn nhân nào có thể tồn tại trong một thời gian dài mà không phải đối mặt với một (mà thường thì là tất cả) trong số những điều mà tôi gọi là Ba Vết thương lớn của hôn nhân:

  1. Những tổn thương gây ra bởi khoảng cách về cảm xúc trong một vài giai đoạn nhất định (đôi khi thoáng qua, đôi khi rất nghiêm trọng)
  2. Cảm giác không hài lòng, tức giận, hối tiếc, giận dữ và/hay tổn thương (đôi khi thoáng qua, đôi khi rất nghiêm trọng)
  3. Những mối đe dọa về cảm xúc hay sự không chung thủy về thể xác/tâm hồn (đôi khi thoáng qua, đôi khi rất nghiêm trọng)

Cho dù sắp kết hôn hay đã kết hôn được nhiều năm, bạn cần hiểu rõ một điều rằng mọi cuộc hôn nhân đều ít nhất một lần phải đối mặt với một vài hoặc tất cả những vấn đề này. Nhưng có một tin tốt là bản thân các vấn đề không khiến cuộc hôn nhân tan vỡ. Khi được giải quyết tốt, chúng thường giúp mối quan hệ của bạn trở nên bền chặt hơn. Trong những cuộc hôn nhân lành mạnh, chính việc giải quyết mọi vấn đề của cuộc sống chứ không phải là việc không có vấn đề gì để giải quyết, sẽ mang các cặp vợ chồng đến gần nhau và khiến họ gắn bó với nhau hơn.

Vợ chồng tôi cũng từng phải đối mặt với những vấn đề này theo nhiều cách khác nhau, từ năm này qua năm khác. Và dù không muốn thừa nhận điều này, nhưng sự thật là không ít lần tôi chính là nguyên nhân của vấn đề. Và tất nhiên, nàng cũng thế. Đáng buồn là dù rất yêu thương nhau nhưng vẫn có những lúc chúng tôi đòi hỏi quá nhiều ở bạn đời, cư xử ích kỷ và xúc phạm nhau bằng những ngôn từ hết sức nặng nề. Cả hai chúng tôi đều đã từng − ở một mức độ nào đó − gây ra hoặc phải chịu đựng những sai lầm có ảnh hưởng đến sự gắn bó mật thiết và do vậy có khả năng (và trực tiếp) ảnh hưởng tới cuộc hôn nhân của mình.

Nhưng chúng tôi đã cùng nhau học cách để không buộc tội, không quát tháo, không thù dai cho dù có chuyện gì xảy ra đi nữa. Thay vào đó, chúng tôi đã cùng chấp nhận một sự thật rằng không có cuộc hôn nhân nào là hoàn hảo và vấn đề chỉ thực sự là vấn đề khi chúng tôi không có đủ khả năng để hóa giải chúng. Kết quả là cuộc hôn nhân của chúng tôi vẫn phát triển bền vững và tốt đẹp nhờ khả năng chấp nhận những tổn thương về thể chất và tinh thần mà chúng tôi đã gây ra cho nhau và tìm cách chữa lành chúng để chúng không tiếp tục gây ra các vấn đề khác.

Nói cách khác, cuộc hôn nhân của vợ chồng tôi thành công không phải bởi nó không có vấn đề gì. Chính những vấn đề tồi tệ và cả không ít điều tuyệt vời mà chúng tôi mang đến cho nhau đã tạo nên thành công đó. Điều này giúp chúng tôi nhận ra rằng sau mỗi khoảnh khắc khó khăn đều có rất nhiều điều tốt đẹp đang chờ đợi mình. Chúng tôi luôn có nhiều trải nghiệm tích cực hơn so với những hành vi không lành mạnh và chính điều này đã giúp Ronna và tôi tiến lên phía trước ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn nhất. Chúng tôi đã học được rằng nếu tập trung xử lý mọi việc một cách cẩn thận, kỹ càng đồng thời sẵn sàng phát triển và thay đổi bất cứ khi nào có thể, chúng tôi sẽ luôn luôn được tưởng thưởng với một mối quan hệ sâu sắc và ý nghĩa hơn.

Bởi vậy mà dù cả tôi lẫn cuộc hôn nhân của tôi còn nhiều thiếu sót, tôi vẫn cảm thấy hài lòng. Việc học cách hoàn thiện mình và sửa chữa những thiếu sót đó sẽ giúp tôi trưởng thành, từ đó có thể trở thành một người chồng, người cha tốt hơn. Cuốn sách này nói về cách thức những thay đổi giúp chúng ta trở nên tốt đẹp hơn. Tôi biết điều này, bởi tôi đã trải nghiệm nó; tôi đã thay đổi theo tất cả các cách được mô tả trong cuốn sách này và sẽ tiếp tục thay đổi nữa theo thời gian.

Tôi xin cam đoan rằng nếu bạn tập trung vào phát triển thay vì đình trệ, trưởng thành thay vì tự kìm chế và thay đổi thay vì bới lông tìm vết, bạn sẽ khám phá ra những cách thức mới để yêu thương, để có được những cảm xúc sâu sắc hơn và một cuộc sống, một cuộc hôn nhân mà bạn chưa từng tưởng tượng ra.

Hãy tin vào bản thân mình. Như tôi.

Steve

ĐỌC THỬ

Phần I THAY ĐỔI LÀ THỨ DUY NHẤT BẤT BIẾN

LỜI GIỚI THIỆU

Sáu ông chồng của vợ tôi

Xét trên một khía cạnh nào đó thì tôi là người chồng thứ ba của vợ tôi. Và nếu chúng tôi tiếp tục thực hiện đúng tiến trình, tôi sẽ sớm trở thành người chồng thứ tư của nàng. Sau đó, nếu vẫn tiếp tục duy trì đúng tiến trình đó, tôi sẽ có cơ hội để trở thành hai người chồng tiếp theo trong những năm sắp tới. Thực ra thì nếu tôi thực sự cố gắng, khi vợ tôi ở tuổi 60, nàng sẽ có ít nhất là sáu người chồng – và tôi sẽ lần lượt là sáu người chồng đó.

Đây có vẻ là một cách thức kỳ quặc (nếu không muốn nói là dễ gây bối rối) để bắt đầu một cuốn sách về hôn nhân. Nhưng khi nghĩ về điều này, bạn sẽ thấy nó thực ra khá đơn giản. Khi con người trưởng thành, họ sẽ luôn thay đổi. Và khi họ thay đổi, những điều họ cần trong cuộc sống cũng như trong những mối quan hệ của họ cũng sẽ thay đổi theo. Điều này đồng nghĩa với việc người bạn đời mà một người cần khi họ 20 tuổi sẽ rất khác so với người bạn đời mà họ cần khi 30, 40, 50 tuổi và hơn thế nữa.

Đó là lý do tại sao vợ tôi sẽ sớm cần một người chồng mới.

16 năm trước, khi chúng tôi cưới nhau, vợ tôi cần một người chồng hài hước, vô tư, đầy ước mơ, hoài bão và tôi có đầy đủ những phẩm chất này. Tôi khiến nàng mỉm cười và giúp nàng có những suy nghĩ tốt đẹp về bản thân cũng như tương lai của nàng. Nàng cũng làm vậy với tôi. Chúng tôi yêu nhau và yêu cảm giác khi ở bên nhau. Đó là lý do chúng tôi cưới nhau.

Rồi cuộc sống đổi thay.

Thời gian trôi đi và chúng tôi trưởng thành hơn, để rồi những gì quan trọng trong những ngày đầu tiên ấy đã được thay đổi bởi một thứ tự ưu tiên hoàn toàn khác. Ở tuổi 30, vợ tôi không còn muốn tôi hài hước, vô tư và sống cuộc sống tiệc tùng nữa. Nàng cần một người đàn ông có thể cùng nàng ổn định cuộc sống. Nàng muốn tôi tập trung vào việc tạo lập một sự nghiệp ổn định và bắt đầu chuẩn bị cho một gia đình. Nói tóm lại là nàng cần tôi trưởng thành hơn.

Thế rồi, khi chúng tôi có con, tôi buộc phải thay đổi một lần nữa. Người đàn ông mà nàng cần lúc này hoàn toàn khác so với người chồng đầu tiên mà nàng cưới. Người chồng này vô cùng nhún nhường và kiên nhẫn, trong khi anh chàng mà nàng từng cưới lại tự phụ và luôn vội vàng. Người chồng này luôn tự nguyện thay bỉm cho con, xem phim hoạt hình và hào hứng tham gia những cuộc hội thoại dài bất tận về ưu điểm của máy hút sữa. Người chồng mà nàng cưới không thể chịu đunwgj được những thứ đó. Người chồng mới luôn cố gắng để được ở nhà nhiều hết sức có thể. Anh chàng mà nàng cưới lại dành phần lớn thời gian rảnh rỗi của mình ở quán bia hay sân bóng.

Khi con trai của chúng tôi lớn lên, tôi thậm chí còn thay đổi nhiều hơn nữa. Cuối cùng, tôi trở thành một ông chồng thuộc kiểu người thích thú với việc ở nhà vào các tối thứ Bảy, vật lộn với lũ trẻ cùng những dự án nghệ thuật vô nghĩa và lộn xộn khủng khiếp ở trường mẫu giáo của chúng. Tôi cũng bắt đầu dành thời gian của buổi chiều Chủ nhật (thời gian mà trước đây được mặc định là để xem các trận bóng đá trên ti vi) để cùng lũ trẻ đi tập thể dục hay học bơi. Trong giai đoạn này, vợ tôi cần tôi chú ý đến lũ trẻ nhiều hơn đến nàng bởi nàng muốn có một người chồng yêu chúng nhiều như nàng và luôn nghĩ đến lũ trẻ đầu tiên – cũng giống như nàng vậy. Trong giai đoạn này, nàng cần tôi là một “ông bố” hơn là một “người tình” và người chồng của nàng tin rằng gia đình là quan trọng nhất, cho dù có thế nào đi chăng nữa. Người chồng mà nàng đã cưới luôn nghĩ anh ta mới chính là người quan trọng nhất.

Có vô số việc phải làm, nhưng tôi đã vượt qua được tất cả mọi thử thách. Và tất nhiên, khi tôi đã trở thành người chồng hoàn hảo của giai đoạn này, cuộc sống của chúng tôi một lần nữa lại thay đổi và nàng cần tôi trở thành một người khác. Khi thời gian trôi đi, mối quan hệ của chúng tôi tiếp tục trưởng thành và bọn trẻ ngày càng lớn hơn, tôi cũng cần theo kịp tốc độ đó. Khi bọn trẻ còn nhỏ, tôi cần là một ông bố tận tụy, luôn để mắt tới chúng trong mọi hoàn cảnh. Cuối cùng, khi chúng lớn lên, tôi cần trở thành một người bố luôn tin tưởng chúng để có thể ra những quyết định đúng đắn và hỗ trợ chúng khi chúng có những bước tiến xa hơn đến thế giới của trường học, bạn bè và cuộc sống tự lập.

Khi cuộc hôn nhân và gia đình tôi trưởng thành hơn, mối quan hệ giữa tôi và vợ cũng trưởng thành theo. Theo năm tháng, nàng trở thành một người phụ nữ tự tin và quyết đoán, dần dần trở nên độc lập hơn và không quá cần một người đàn ông mạnh mẽ và lặng lẽ mà nàng có thể dựa vào nữa. Thay vào đó, nàng cần một người đàn ông nhạy cảm và sẵn sàng bộc lộ cảm xúc của mình, người có thể dựa vào nàng khi cần và đối xử bình đẳng với nàng.

Khi nàng trưởng thành hơn, tôi đã làm như vậy.

Tôi cũng bắt đầu nhận ra trong sự bất mãn rằng rất nhiều đặc điểm mà mới đầu nàng thích ở tôi – những đặc điểm tôi từng rất tự hào khi sở hữu chúng – đã dần dần trở thành những điều khiến nàng không còn hứng thú nữa. Nói cách khác, khi chúng tôi trưởng thành và thay đổi, những lý do khiến nàng yêu tôi cũng thay đổi theo. Khi chúng tôi gặp nhau lần đầu, nàng thường nhìn tôi với ánh mắt ấm áp và đầy yêu thương bất cứ khi nào tôi nói hay làm điều gì đó hài hước hoặc thông minh. Trong những ngày ấy, tôi biết mình có thể chinh phục được nàng bất cứ khi nào chỉ với một nụ cười, một câu chuyện đùa hoặc một cử chỉ ân cần. Nhưng vài năm kể từ sau ngày cưới, mọi thứ lại tiếp tục thay đổi. Bất cứ khi nào tôi có thể kết thân với cha mẹ và ông bà nàng, hoặc khi tôi chứng minh được ý thức trách nhiệm và sự đáng tin của tôi đối với những cảm xúc của nàng và cuộc hôn nhân của chúng tôi, tôi có thể cảm nhận được cái nhìn trìu mến nàng dành cho tôi. Sau đó, khi chúng tôi có con, cái nhìn trìu mến và đầy yêu thương đó sẽ tìm đến tôi khi tôi chơi cùng bọn trẻ hoặc thay bỉm cho chúng. Cuối cùng, tôi nhận ra rằng đó chính là những gì khiến nàng hài lòng trong những ngày này, chứ không phải một người chồng điềm tĩnh, hài hước hay thông minh.

Đó cũng chính là lý do tôi nghĩ mình giống như một mã cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Khi vợ tôi nói: “Em đồng ý cưới anh”, nàng đã không thực sự cưới tôi, nàng cưới tiềm năng của tôi. Nàng mua tôi với giá thấp và mong chờ tôi sẽ trưởng thành theo thời gian. Nàng đầu tư vào những gì tôi sẽ đạt được trong tương lai, chứ không phải vào bản thân tôi tại thời điểm cụ thể đó. Và ai sẽ là người sẵn sàng nắm giữ một cổ phiếu khi nó không hề tăng trưởng, phát triển hay trưởng thành hơn theo thời gian cơ chứ?

Tất nhiên, tôi không phải là một mã cổ phiếu mà ở đây cũng chẳng có gì liên quan đến việc hoàn vốn về tài chính cả. Vấn đề là sự hoàn vốn giữa các cá nhân. Hôn nhân chính là việc tạo lập một mối quan hệ lâu dài và mối quan hệ đó sẽ tiếp tục nuôi nấng những nhu cầu về mặt cảm xúc của bạn khi chúng thay đổi. Phần khó nhất của mối quan hệ này không phải là những trận cãi vã liên miên về mấy đôi tất bẩn hay sự mất cân đối về tài chính mà đó là bạn có đủ dũng cảm và trưởng thành để thay đổi bản thân theo yêu cầu của cuộc hôn nhân hay không.

Rồi vợ tôi cũng sẽ sớm cần tôi trở thành một ông chồng khác hoàn toàn so với tôi của ngày hôm nay và tôi đang háo hức chờ đợi điều đó. Cho đến khi chúng tôi 60 tuổi, nếu đủ may mắn, tôi đã, đang và sẽ trở thành tất cả những ông chồng mà nàng mong muốn vào đúng thời điểm nàng cần.

Là một người chồng, tôi thường xuyên phải thay đổi bản thân, trưởng thành hơn mà không hề cảm thấy nuối tiếc hay oán giận gì cả. Điều đó giúp chúng tôi có một cuộc hôn nhân tốt đẹp hơn, một cuộc sống hoàn hảo hơn và bản thân tôi cũng trở nên tốt hơn, cho dù với tư cách là một người bình thường hay một ông chồng. Nếu tôi không đối mặt và sẵn sàng thay đổi, vợ tôi sẽ không còn cần tôi nữa. Không phải vì tôi không phải là một người đàn ông tốt, mà bởi tôi không hề trưởng thành hơn theo thời gian.

EM YÊU ANH, ANH THẬT HOÀN HẢO, NHƯNG GIỜ THÌ ANH HÃY THAY ĐỔI ĐI

Khi kết hôn, phần lớn mọi người đều nói những điều kiểu như: “Anh yêu chính con người em, đừng bao giờ thay đổi nhé!” – và khi ấy họ thực sự nghĩ thế. Ý nghĩ rằng vợ hoặc chồng mình có thể thay đổi là một ý tưởng đáng sợ và phi lý đối với hầu hết các cặp vợ chồng mới cưới. Hơn thế nữa, có một quan niệm rất phổ biến ủng hộ cho ý tưởng này, quan niệm đó khẳng định rằng các cuộc hôn nhân đổ vỡ là do những người trong cuộc thay đổi. Nhưng tất nhiên là con người sẽ thay đổi! Tất cả những con người khỏe mạnh đều phát triển và thay đổi khi họ trưởng thành hơn. Chính những người không thay đổi gì sẽ nhận thấy mình bị mắc kẹt trong một cuộc hôn nhân không lành mạnh. Sự thật là phần lớn các cuộc hôn nhân thất bại vì những người trong cuộc không chịu thay đổi, chứ không phải vì họ thay đổi.

Các cặp vợ chồng cần thay đổi và phát triển để tiếp thêm sinh lực và trẻ hóa hôn nhân của mình. Bỏ qua tất cả những gì chúng ta đã được nghe về sức mạnh của tình yêu, rằng tình yêu có thể giúp bạn vượt qua tất cả, những cuộc hôn nhân thành công không phải bởi hai người yêu nhau mà bởi hai người luôn giữ được tình yêu của mình từ giai đoạn này sang giai đoạn khác. Nó chỉ có thể xảy ra khi hai người cùng nhau thay đổi theo yêu cầu của cuộc sống và cuộc hôn nhân của mình.

Nếu bạn chấp nhận tiền đề cơ bản này, rất nhiều những áp lực tưởng chừng như đối lập nhau trong đời sống hôn nhân hiện đại sẽ trở nên rõ ràng hơn rất nhiều. Với tư cách là một chuyên gia tâm lý học, đồng thời là nhà tư vấn hôn nhân với hơn 15 năm kinh nghiệm, tôi thường gặp rất nhiều người luôn có cảm giác rằng mình không thể thành công. Có vẻ như họ đang sống một cuộc sống với quá nhiều áp lực liên tiếp đổ lên đầu: áp lực của việc phải ở nhà với bọn trẻ; áp lực của việc phải đi làm và kiếm nhiều tiền hơn; áp lực của việc phải từ bỏ một vài người bạn cũ, một vài thói quen cũ và áp lực phải phát triển những mối quan hệ mới, những thói quen mới. Họ cũng cảm thấy bị áp lực với việc vừa phải cứng rắn và sẵn sàng chịu trách nhiệm, vừa phải nhạy cảm và sẵn sàng bộc lộ cảm xúc của mình. Họ nghĩ rằng chỉ cần loại bỏ được những áp lực trên, cuộc sống và cuộc hôn nhân của họ sẽ tốt đẹp trở lại.

Phụ nữ thường nói những câu kiểu như: “Anh ta đã biết rõ về con người tôi trước khi cưới và bây giờ anh ta muốn tôi phải khác đi. Anh ta biết là tôi có rất nhiều thú vui cũng như những mối quan tâm và tôi không thấy hứng thú gì với việc dành cả mấy ngày cuối tuần cho việc trở thành một bà nội trợ nhếch nhác.”

“Nghe có vẻ như anh ta cần một người vợ mới”, tôi thường nói thế với họ.

“Rõ ràng là thế!” là câu trả lời rất phổ biến.

Đàn ông thường nói những điều kiểu như: “Cô ta biết rõ về con người tôi trước khi cưới và bây giờ cô ta muốn tôi phải khác đi. Cô ta biết rằng tôi thích nhậu nhẹt và tụ tập với bạn bè và rằng tôi không dễ dàng bộc lộ cảm xúc của mình.”

“Nghe có vẻ như cô ấy muốn có một người chồng khác”, tôi thường nói với họ.

“Rõ ràng là thế!” là một câu trả lời rất phổ biến.

“Vậy tôi phải làm gì bây giờ?”, tất cả bọn họ đều muốn biết điều đó.

Lời khuyên của tôi thường giống nhau: “Nghe có vẻ như đã đến lúc phải thay đổi”, tôi nói. “Đã đến lúc bạn phải trở thành một người vợ/ chồng mới mà chàng/ nàng đang tìm kiếm – một người xứng đáng!

SẮP XẾP MỌI THỨ LẠI VỚI NHAU

Cuốn sách này được viết dựa trên một thực tế đơn giản nhưng vô cùng quan trọng của cuộc sống: Bởi nhu cầu của những con người lành mạnh luôn phát triển và đổi thay, những điều mà các cặp vợ chồng cần ở nhau cũng luôn luôn phát triển và thay đổi. Hãy ghi nhớ điều đó và trong phần tiếp theo của cuốn sách, bạn sẽ học được một điều có vẻ như vừa cơ bản vừa hấp dẫn với mọi người: Theo thời gian, phần lớn các cặp vợ chồng thực sự cần vợ hoặc chồng mình trở thành sáu con người khác hẳn nhau để mối quan hệ của họ có thể tồn tại và phát triển bền vững.

Đầu tiên, bạn cần được chuẩn bị để có thể tạo ra bất cứ sự thay đổi nào mà bạn quyết định là mình cần phải tạo ra. Do vậy, trong phần I, chúng tôi sẽ xem xét các lý do tại sao rất nhiều người hoặc ra sức kháng cự lại việc phải thay đổi, hoặc thất bại trong việc cùng nhau thay đổi, hay tin rằng thay đổi sẽ có một tác động tiêu cực tới mối quan hệ. Giải thích cho những quan niệm sai lầm này – và đưa ra biện pháp để vượt qua chúng – sẽ giúp bạn chuẩn bị phát triển một phương pháp suy nghĩ hiệu quả về cách thức để cải thiện cuộc hôn nhân của mình.

Trong phần II, chúng tôi sẽ miêu tả sáu giai đoạn chính của phần lớn các cuộc hôn nhân và đặc điểm, tính cách, hành động của những người vợ, người chồng đã thành công trong việc thay đổi để phù hợp với từng giai đoạn. Tôi cũng sẽ đưa ra những hướng dẫn cụ thể để các cặp vợ chồng có thể thay đổi cách giao tiếp, đặc điểm, hành động và tạo ra một phương pháp mới để có được sự gắn bó mật thiết theo thời gian. Ở cuối mỗi tiểu mục này, cả người chồng và người vợ sẽ hiểu ra được họ cần những gì để trở thành một người vợ/ người chồng tốt và tận hưởng một cuộc hôn nhân lành mạnh và dài lâu.

Trong phần III, bạn sẽ học được những bí quyết cụ thể để ứng phó với những người bạn đời không sẵn lòng thay đổi và bạn sẽ học được cách tùy chỉnh các thông tin đã được đưa ra trong sáu giai đoạn để phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của mình. Tôi sẽ cung cấp một bài trắc nghiệm ngắn để xác định mức độ sẵn sàng thay đổi bản thân của bạn. Sau đó bạn sẽ được học từng bước từng bước một cách thức tạo ra bầu không khí trong gia đình và mối quan hệ của mình thuận lợi cho những thay đổi lành mạnh bằng cách học chính xác những việc phải làm. Trong phần phụ lục, bạn sẽ tìm thấy Bài tập Thay đổi giúp bạn và người bạn đời ngồi lại cùng nhau để xác định (những) thay đổi cụ thể mà bạn muốn và thiết lập quy trình trơn tru hết sức có thể.

Cuối cùng, đây là lời hứa của tôi dành cho bạn: Tôi hứa là sẽ không cung cấp cho bạn những lời khuyên quá chung chung kiểu như: “Hãy giao tiếp tốt hơn” hoặc “Hãy cư xử với nhau tốt hơn” và cũng sẽ không có những công cụ cứng nhắc kiểu như: “Mười điều lãng mạn nhất bạn nên nói với người bạn đời của mình” hay “Năm cách để có được những gì bạn muốn trong cuộc hôn nhân của mình”.

Tất cả chúng ta đều biết những công cụ đó chỉ hiệu quả khi được sử dụng. Đó là lý do tại sao dù tôi đã mua các loại màu và bút vẽ đắt tiền nhất nhưng những bức tranh tôi vẽ ra trông vẫn chẳng khác gì những bức tranh của một cậu nhóc bảy tuổi. Công cụ không giải quyết được vấn đề, con người mới có thể làm điều đó và những người thành công nhất là những người biết rõ cách sử dụng các công cụ mà mình có. Tôi muốn bạn trở thành người giỏi nhất khi phải sử dụng các công cụ để gìn giữ và cải thiện mối quan hệ của mình.

Tôi nhận ra rằng khi các cặp vợ chồng học được phương thức giao tiếp tốt hơn cũng là lúc họ có một công cụ mới: Đầu tiên, họ sẽ cảm thấy mình được trang bị tốt hơn và có một nguồn năng lượng mới để cải thiện mối quan hệ của mình. Nhưng nếu họ không có bất cứ ý tưởng nào để giải quyết các vấn đề trong mối quan hệ của mình, cuối cùng họ sẽ sử dụng những kỹ năng giao tiếp mới để thể hiện thái độ không thích đối phương theo cách tác động đến tâm lý nhiều hơn trước đó và cuối cùng là hoàn toàn từ bỏ công cụ mới.

Tôi không muốn điều đó xảy ra với bạn. Tôi sẽ chỉ cho bạn cách những cặp vợ chồng trưởng thành tiếp cận cuộc hôn nhân của họ và với một số phương pháp thử và đúng, cách họ (và bạn) có thể giữ cho tình yêu luôn thú vị, chủ động và sống động, thậm chí là sau rất nhiều năm kết hôn.

Để đạt được những mục tiêu này, bạn chỉ cần làm một việc thôi, nhưng đó là một việc rất quan trọng. Bạn phải chuẩn bị để thay đổi bản thân, dù đôi lúc bạn thậm chí không hề muốn làm việc đó.

Vậy nên hãy mở rộng tâm trí mình để có được cái nhìn thấu đáo hơn. Khi làm được điều đó, mọi công cụ bạn sử dụng đều sẽ mang lại những kết quả kỳ diệu.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button