Kỹ năng mềm

Sống Như Ngày Mai Sẽ Chết

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Phi Tuyết

Download sách Sống Như Ngày Mai Sẽ Chết ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : KỸ NĂNG SỐNG

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download Ebook         

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời giới thiệu


Đã bao giờ bạn rơi vào trạng thái vô định khi nghĩ về tương lai của mình? Đã bao giờ bạn cảm thấy cuộc sống của mình nhàm chán, vô vị? Đã bao giờ bạn muốn thay đổi bản thân nhưng lại không biết bắt đầu từ đâu?

Bạn biết không, cuộc sống thực chất là một cuộc trải nghiệm lớn mà trong đó bạn phải đi tìm những mảnh ghép là những trải nghiệm nhỏ để từ đó ghép nên cuộc đời mình. Những gì bạn hành động ngày hôm nay đều sẽ cho kết quả tương xứng trong tương lai.

Tuổi trẻ mà không có trải nghiệm là tuổi trẻ vứt đi. Giống như một cuốn sách không có nội dung, một bài hát không có giai điệu, một khu rừng không có chim thú cỏ cây… một đời người mà không có tuổi trẻ cũng vô nghĩa tương tự. Tuổi trẻ là kho báu quý giá mà mỗi người chỉ có cơ hội sở hữu một lần trong đời. Phải làm gì để tuổi trẻ không bị lãng phí vô nghĩa?

Sống như ngày mai sẽ chết sẽ nói cho bạn biết:

– Những phân số cuộc đời

– Hai món bảo bối giúp bạn làm chủ số phận

– Những hành động nhỏ giúp nâng cao giá trị bản thân

– Việc làm đơn giản để mỗi ngày không trôi qua vô nghĩa

ĐỌC THỬ

KNOCK! KNOCK! CỨ GÕ, CỬA SẼ MỞ!

Hãy tưởng tượng đây là một cuốn sách hướng dẫn làm vườn, bạn chính là người nông dân, bạn đang thiết kế và gieo hạt cho khu vườn của bạn, khu vườn cuộc đời của bạn. Bạn là người phải bỏ sức lao động và cũng chính bạn là người hưởng mọi thành quả từ khu vườn ấy, không ai khác cả.

Vậy bạn muốn thu gì từ cuộc đời mình? Bạn muốn cuộc đời bạn là vườn hoa rực rỡ ngát thơm hay bạn muốn bỏ mặc cuộc đời mình thành mảnh đất hoang phế đầy cỏ dại?

Bất kể bạn muốn thu gặt gì từ cuộc đời mình, bạn phải gieo hạt trước đã, và trước khi gieo hạt bạn sẽ cần làm nhiều việc khác: chuẩn bị đất, xới đất, thiết kế khu vườn, làm cỏ, chọn hạt giống, gieo hạt, tưới nước, bón phân…

Khi hạt giống được gieo, đời bạn sẽ thành hình từ đó. Tương lai của bạn chính là những hạt giống bạn gieo ngày hôm nay. Vậy tại sao không gieo những gì giá trị nhất, ý nghĩa nhất?

Hãy bắt đầu hành trình tạo nên khu vườn của chính bạn – cuộc đời của bạn. Cuốn sách này không gì hơn là một cẩm nang, một người hướng dẫn, một cửa hàng dịch vụ, nó có thể trao cho bạn phân bón, thuốc diệt cỏ dại, nó có thể trao cho bạn cái liềm, cái cuốc để bạn xới đất, nó có thể cho bạn giấy và bút để bạn thiết kế khu vườn, nó có thể giới thiệu cho bạn một vài loại hạt giống, một vài ý tưởng… nhưng chính bạn phải hành động, phải làm tất cả những phần việc còn lại. Vì lý do đơn giản rằng khu vườn ấy chính là cuộc đời của bạn mà, đúng không? Đừng bắt ai phải chịu trách nhiệm với cuộc đời bạn, ngoại trừ chính bạn.

Việc trước tiên phải làm là hãy tạo ra một miếng đất tốt – miếng đất này chính là tâm trí, là những suy nghĩ nền móng – thứ ảnh hưởng tới cả cuộc đời bạn theo cách gián tiếp và tinh vi mà bạn không hề biết trước.

LÀM ĐẤT

Cuộc đời là một bộ phim – đừng để nó trôi qua nhàm chán

Bi kịch cuộc đời là chỉ sống cho người khác xem hoặc chỉ xem người khác sống.

Mỗi người trên thế giới này đều có một cuộc đời riêng và duy nhất, với những ngoại hình và hoàn cảnh khác nhau không bao giờ trùng lặp. Hãy gọi mỗi cuộc đời như vậy là một bộ phim – những bộ phim cuộc đời con người. Ai cũng có bộ phim cuộc đời của riêng mình, bất kể đó là kẻ hành khất hay một vị vua.

Trong bộ phim cuộc đời ấy, chúng ta vừa là người viết kịch bản vừa là đạo diễn kiêm diễn viên và thậm chí là khán giả nữa. Nhưng có một sự thật đáng tiếc, thay vì làm đạo diễn điều khiển cuộc đời mình dường như chúng ta lại thích thú hơn với việc làm khán giả cho bộ phim của người khác, từ người thân quen, người trong các mối quan hệ xã giao hay thậm chí là người hoàn toàn xa lạ.

Việc tình nguyện làm khán giả cho người khác là một thói quen nguy hiểm. Nó không chỉ làm bạn hao phí nhiều thời gian, sinh lực mà còn khiến bạn quen với thế bị động, bị động theo dõi người khác và rồi bị động luôn cả với chính cuộc đời mình. Mỗi ngày nhờ internet bạn biết được bao nhiêu chuyện “hay hay” trên thế giới, từ cô nàng minh tinh màn bạc Hollywood lộ hàng khi dạo phố cho đến anh nhà quê tung clip âm nhạc mới, từ hotgirl khoe đường cong cho tới anh chàng trẻ tuổi công khai làm lành với vợ… Thừa nhận đi, một ngày bạn đọc bao nhiêu tin tức kiểu này, theo dõi bao nhiêu người xa lạ kiểu này? Tình nguyện làm khán giả vô hình cho những thứ vô bổ, những người xa lạ ở tận đâu đâu như vậy, bạn sẽ mãi đóng vai quần chúng trong cuộc đời người khác. Cứ như vậy, cuộc đời bạn ai sẽ đóng thay đây hay nói đúng hơn, cuộc đời bạn ai sẽ sống thay?

CUỘC ĐỜI LÀ BỘ PHIM TRUYỀN HÌNH NHIỀU TẬP

Nếu nói mỗi cuộc đời là một bộ phim thì mỗi giai đoạn chúng ta đang sống sẽ là một tập phim riêng lẻ. Tập phim thời thơ ấu, tập phim thời trung học, tập phim thời sinh viên, tập phim gây dựng sự nghiệp, tập phim tình yêu, gia đình và tuổi già… Bạn đang ở tập nào của bộ phim cuộc đời mình? Những tập trước có gì thú vị và đáng xem không? Hay tất cả đều trôi qua nhàn nhạt vô vị?

May mắn làm sao, nếu như những tập trước trong bộ phim của bạn nhàm chán và dở ẹc thì bạn vẫn có cơ hội làm cho nó hay ho, thú vị hơn với tập mà bạn đang sống và cả những tập sau này. Còn nếu như bạn muốn cả cuộc đời mình trôi qua nhàm chán không có gì thú vị thì… tốt thôi, không sao cả. Vì như đã nói, bạn có toàn quyền điều khiển cuộc đời mình. Chẳng có mấy bộ phim mà tập nào cũng thú vị. Chúng ta cũng không nhất thiết phải làm cho cả cuộc đời giai đoạn nào cũng cam go gay cấn nhưng ít nhất hãy có trách nhiệm ở tập phim bạn đang sống. Đừng tẻ nhạt mãi, có khó quá không?

BẠN ĐÓNG VAI CHÍNH TRONG BỘ PHIM CUỘC ĐỜI CÒN TẤT CẢ LÀ VAI PHỤ

Vì bạn là diễn viên chính và kiêm luôn đạo diễn nữa nên hãy luôn nhớ rằng, chỉ bạn mới có quyền cho ai đó xuất hiện trong phim của mình. Cách khôn ngoan nhất, hãy để mình đóng vai chính và những người khác chỉ là vai phụ. Có thế bạn mới hoàn toàn chịu trách nhiệm với cuộc đời mình thay vì đổ lỗi cho ai khác: cha mẹ, người yêu, con cái… Họ chỉ nên là những vai phụ bất kể bạn yêu quý họ đến đâu.

Bạn thường quên trách nhiệm lẫn khả năng đạo diễn của mình nên mới có chuyện bị bận tâm phiền não bởi việc làm của những người khác. Ai đó nói xấu bạn một câu, ai đó tức giận với bạn, ai đó châm chọc bạn… và bạn nổi điên lên. Nếu thế thì bạn đang để người khác làm đạo diễn bộ phim mất rồi.

Tất cả những ai bước qua đời bạn đều là diễn viên phụ và bạn có quyền quyết định cho họ đóng tiếp hay dừng lại, hay cho ai đó bước tiếp bên đời mình cũng như quyết định ai đó phải tránh sang một bên. Quyền quyết định nằm ở bạn.

Hãy nhớ, tuyệt đối đừng để ai điều khiển cuộc đời của mình kể cả khi bạn bị cô lập, bị tổn thương, bị xúc phạm, bị phản bội… những cảm xúc tiêu cực đó không dễ chịu chút nào nhưng bạn được quyền quyết định mình sẽ làm gì với nó, vượt qua hay bị quật ngã.

Còn nếu như ai đó gạt bạn ra khỏi cuộc đời của họ, hãy chấp nhận trong vui vẻ vì bạn có quyền quyết định cuộc đời mình thì người khác cũng có quyền quyết định cuộc đời họ. Họ không muốn bạn làm vai chính trong cuộc đời họ thì đừng cố chấp làm gì. Hãy tìm một người khác, một người muốn cùng bạn tạo nên một bộ phim tuyệt vời. Đừng bắt ép ai đó phải cho bạn làm vai chính trong bộ phim của họ vì bạn không có quyền đâu. Thế giới còn cả ngàn bộ phim khác để bạn cùng tham gia cơ mà. Hãy vui vẻ chấp nhận!

NẾU CUỘC ĐỜI LÀ MỘT BỘ PHIM, HÃY LÀM CHO NÓ ĐÁNG XEM!

Sau này bạn già cả và về hưu, bạn không còn đủ sức khỏe để làm việc, không còn đủ nhanh nhạy để quan tâm từng hành động của con cháu. Lúc đó, bạn sẽ phải dành phần lớn thời gian để ngồi suy ngẫm về cuộc đời, hồi tưởng lại từng thước phim bạn đã quay trong suốt những năm tháng tuổi trẻ. Tưởng tượng đến lúc đó, bạn sẽ nghĩ gì: hài lòng về cuộc đời hay là chuỗi dài những tiếc nuối “Sao mình không sống khác đi”, “Sao mình không làm thế này”, “Ước gì mình đã làm thế kia”… Cuộc đời mà toàn ước gì với giá như là một cuộc đời lãng phí. Hãy hạn chế nói những câu đó và thay bằng câu “Cuộc đời tôi là một bộ phim, tôi sẽ làm cho nó đáng xem”. Vậy bạn đã làm cho cuộc đời bạn đáng xem chưa? Hoặc bạn có kế hoạch gì cho nó đáng xem hơn chưa?

Hãy bắt đầu bằng việc tự viết kịch bản cho cuộc đời của mình. Và sau này nhìn lại bạn sẽ đánh giá được cuộc đời mình có như mình mong đợi không. Mình đã làm tốt những phần nào? Nếu như được chọn lựa, bạn muốn cuộc đời mình là một bộ phim thế nào? Đầy ắp những điều thú vị, hài hước, bất ngờ, ngập tràn cảm xúc hay nhàm tẻ với những tình tiết lặp đi lặp lại?

Hãy lựa chọn đi rồi bắt tay hành động.

Bạn sinh ra không chỉ để xem cuộc sống của người khác hay sống cho người khác xem. Bạn được sinh ra để tự viết câu chuyện của mình, tự mình hoàn thành các vai trò trong câu chuyện đó và sau cùng là thưởng thức chúng với tất cả tấm lòng.

Những phân số cuộc đời

Bạn chỉ đang nhìn thấy 1/2 tính cách của mình và những gì bạn đang nhìn thấy, nghĩ về người khác cũng chỉ bằng 1/2.

Cuộc đời mỗi người dù muốn hay không, đều bị chi phối bởi rất nhiều những con số: số tuổi, số tiền, chỉ số thông minh, số người yêu, con cái…Nguyên lý 80/20 của Richard Koch là một cuốn sách hay nói về những con số cuộc đời mà tôi đã từng đọc. Theo đó trong cuộc sống chỉ có 20% những gì chúng ta đang sở hữu, đang quan tâm, đang làm… là đáng giá và có giá trị; 80% còn lại, từ tài nguyên cho tới công sức, là thứ chúng ta đang lãng phí và không nên lãng phí thêm nữa. Chắc bạn từng nghe: ta thường chỉ mặc 20% số quần áo ta có trong 80% thời gian trong đời, 20% người uống 80% tổng lượng bia trên thế giới, 20% khách hàng thân thiết mang lại 80% doanh thu cho một cửa hàng, 20% nỗ lực đúng chỗ sẽ mang lại kết quả tốt cho 80% quá trình… Những con số này thật sự thú vị và hợp lý. Nhưng vấn đề ở chỗ, chúng ta ứng dụng nó như thế nào? Liệu khi biết và tin những con số đó các cô gái có giảm tiền mua quần áo xuống? Các nhân viên có quyết tâm chăm sóc khách hàng cũ tốt hơn hay chỉ tập trung đi kiếm khách hàng mới? Các chàng trai có ngừng uống bia hay sẽ uống nhiều hơn? Và nhất là, làm sao để biết đâu là 20% nỗ lực đúng chỗ mang lại 80% kết quả mong muốn để phấn đấu?

Tôi cho rằng, nguyên lý 20/80 này tuy rất hay nhưng chưa đủ thực tế. Nên tôi sẽ đưa ra cho bạn những con số khác, không tròn trịa, mà chỉ là những phân số kỳ cục nhưng ảnh hưởng trực tiếp và sâu sắc đến cuộc đời của bạn, của tôi, của tất cả chúng ta. Hãy thấu hiểu và nắm giữ những phân số cuộc đời đang cố nói với bạn. Bạn có thể chiêm nghiệm ra nhiều điều và từ đó ứng dụng vào cuộc sống của mình thật hiệu quả.

1/10 – TA CHỈ ĐANG SỬ DỤNG 1/10 TIỀM NĂNG NÃO BỘ CỦA MÌNH

“Thời hoang sơ, khi loài người còn ăn lông ở lỗ, người nguyên thủy chỉ sử dụng được khoảng 5% tiềm năng của não bộ. Sau vài ngàn năm, chúng ta đã nâng con số sử dụng tiềm năng não bộ lên thành 10%. Hãy nhìn xem chỉ 5% tiềm năng não bộ được khai thác, chúng ta đã khác thế nào so với cuộc sống của người nguyên thủy? Chúng ta gần như đã làm chủ được cuộc sống của mình và cả những loài khác, vươn lên vị trí dẫn đầu muôn loài. Chúng ta từ vạch xuất phát như bao loài, đang hướng dần đến hình tượng cuộc sống hão huyền thần tiên nhất mà không ai thời đó có thể tưởng tượng ra. Sự thật là so với muôn loài, chúng ta chỉ thua cá heo, một trong những loài động vật thông minh nhất. Chúng hơn cả con người khi có thể sử dụng được 12% tiềm năng bộ não. Điều này khiến chúng có những khả năng định vị, phát sóng bậc cao mà loài người hay dùng mỹ từ “thần giao cách cảm” để mô tả và mơ ước…”

Đây là những thông tin vô cùng ấn tượng mà tôi còn nhớ khi xem một bộ phim Mỹ về chủ đề khai thác tiềm năng não bộ. Tôi không dám chắc về sự chính xác của những con số vừa nêu nhưng có điều tôi chắc chắn, đó là loài người chỉ đang sử dụng được rất ít khả năng bộ não của chính mình. Điều này có nghĩa là dù cho tôi và bạn là bất cứ ai, đang ở vạch xuất phát nào hãy tin rằng chúng ta hoàn toàn không ngu dốt, chúng ta có thể làm được mọi điều, đạt được mọi ước mơ điên rồ và tuyệt diệu nhất mà ta nghĩ ra. Thứ gọi là “giới hạn” chỉ là chúng ta tự đặt ra để biện hộ cho sự lười biếng của chính mình.

Đáng tiếc là hiện nay chúng ta dường như đang dừng lại và cảm thấy hài lòng với con số 1/10. Ngoại trừ một số nhà khoa học, một số chương trình nghiên cứu thì phần lớn loài người chúng ta không mấy quan tâm đến tiềm năng vĩ đại của bộ não mình. Những người được tôn vinh là thiên tài thật ra cũng là người bình thường với bộ não được khai thác hoặc thiên phú nhỉnh hơn người khác một vài phần trăm. Bạn hãy thôi than thở mình là người bất tài, tối dạ hoặc ngu dốt. Hãy hoàn toàn tin tưởng rằng bạn chính là người đặc biệt, có thể làm mọi thứ mình muốn. Bạn có thể thay đổi cuộc sống của mình thậm chí thay đổi cả thế giới. Mở rộng nhận thức, chính là bước đầu tiên đơn giản để mở rộng tiềm năng của não bộ cho nên đừng lười biếng.

Ứng dụng của phân số 1/10 là gì? Là nếu như bạn đang nghi ngờ khả năng của bản thân mình hãy dừng lại suy nghĩ và tìm ra cách để đạt được thông qua việc tận dụng bộ não tốt hơn. Dù năm nay bạn đang có một kết quả học hành thật tệ nhưng năm sau bạn có thể trở thành một trong những người đứng đầu toàn trường. Điều này đã nhiều người làm được, nếu bạn không tin hãy tìm đọc cuốn Tôi tài giỏi, bạn cũng thế của Adam Khoo. Hiện nay bạn không thích đọc sách, tốc độ đọc một cuốn/năm nhưng mai này bạn có thể trở thành người đọc nhiều sách nhất, tốc độ bảy cuốn/tuần. Hiện nay bạn chẳng nghe nổi một câu tiếng Anh hoàn chỉnh nhưng chỉ cần tìm đúng phương pháp và kiên trì, sau một vài năm, không chỉ tiếng Anh mà bạn còn có thể thông thạo thêm vài ngôn ngữ khác. Hãy thôi nghĩ rằng bạn đang nghèo thì sẽ mãi sống nghèo hèn, biết đâu, một vài năm sau bạn sẽ ở vị thế những tỷ phú thế giới… Hãy thôi nghi ngờ mà bắt đầu tin tưởng vào bản thân rằng bạn có đủ khả năng để làm bất cứ điều gì. Những người tài giỏi cũng đang cùng một vạch xuất phát sử dụng não bộ như bạn. Những gì họ làm được, bạn hoàn toàn có thể làm được.

Để hiểu thêm về sức mạnh và tiềm năng của não bộ, bạn cũng có thể đọc thêm những cuốn sách như Làm chủ tư duy, thay đổi vận mệnh (Adam Khoo) hoặc Sự kỳ diệu của tư duy lớn(David Joseph Schwartz). Tư duy chính là một phần quan trọng trong các hoạt động khai thác tiềm năng bộ não của loài người nói chung và của bạn nói riêng. Đương nhiên, cả của tôi nữa.

1/4 – CÂU CHUYỆN NHỮNG GÓC PHẦN TƯ TÍNH CÁCH

Có một lý thuyết cho rằng: mỗi một người đều có bốn phần đặc điểm và tính cách riêng biệt. Cụ thể:

  • 1/4 là những đặc điểm tính cách cả ta và những người xung quanh đều biết.
  • 1/4 là những đặc điểm tính cách chỉ ta biết về bản thân.
  • 1/4 là những đặc điểm tính cách chính ta không thể tự nhìn ra mà chỉ người xung quanh mới nhận biết.
  • 1/4 cuối cùng là góc mù, nơi những đặc điểm tính cách của ta ẩn mình rất kỹ ngay cả ta vàngười xung quanh đều không phát hiện ra, những tính cách này ít bộc lộ và thường chỉ bộc lộ trong trường hợp khẩn cấp.

Góc phần tư thứ nhất, là tính cách mà ta tự thấy về bản thân và được những người xung quanh thừa nhận. Đó là tính cách bề nổi thường hay bộc lộ mỗi ngày: nói nhiều, hay khóc, vui vẻ lạc quan, thân thiện, tiết kiệm, chân thật, nhiệt tình, sạch sẽ… Chúng nói lên khá nhiều điều về ta, góp phần quan trọng trong việc người khác đánh giá và đối xử với ta.

Góc phần tư thứ hai, là tính cách mà chỉ ta biết ít khi bộc lộ ra bên ngoài. Đó có thể là một người xinh đẹp nhưng cực kỳ lười biếng chuyện vệ sinh cá nhân. Một người hay tươi cười nhưng bản chất vô cùng đố kỵ. Một người luôn tỏ ra mạnh mẽ nhưng sâu thẳm tâm hồn lại cực kỳ yếu đuối và dễ bị tổn thương. Một người cha suốt ngày quát mắng nhưng thực chất là tình yêu con vô bờ. Một ông sếp khó tính nhưng luôn đau đầu tìm cách bảo vệ quyền lợi cho nhân viên… Những hành động, tính cách ở góc phần tư này, đa phần là do chúng ta cố tình giấu đi trước người khác. Nó có thể là tính xấu người ta cố công che đậy, cũng có thể là những đức tính tốt mà người ta không muốn bộc lộ ra. Đây là phần tính cách chúng ta mong muốn được nhìn thấy và tìm hiểu nhất vì nó giúp ta hiểu rõ một con người.

Ở góc phần tư thứ ba, tính cách người ngoài nhìn thấy về ta mà chính ta cũng không nhận diện được. Ví dụ như một cô nàng kiêu kỳ hay chê bai mọi thứ, một anh chàng yếu mềm hay than thở, một người luộm thuộm vô duyên…, dĩ nhiên không phải người mang tính cách này là hoàn toàn xấu. Hoặc đó có thể là một người hay giúp đỡ người khác, một người thẳng thắn hoặc khiêm nhường, một người có khả năng lắng nghe, thấu hiểu hay hoặc một thiên tài hài hước có khả năng khiến mọi người vui vẻ… Góc tính cách này tất nhiên, cũng vô cùng quan trọng. Nếu bạn nhận ra được góc tính cách này để từ đó phát huy tính tích cực, hạn chế tính tiêu cực thì bạn sẽ được nhiều người yêu mến hơn và chắc chắn bạn sẽ thành công hơn.

Góc phần tư tính cách cuối cùng, là những phẩm chất bạn chỉ bộc lộ khi rơi vào trường hợp đặc biệt và hiếm gặp. Phần lớn do vô thức điều khiển đến chính bạn cũng không thể tin mình có thể làm được. Ví dụ khả năng bình tĩnh trước một vấn đề khủng khiếp, một phản ứng thái quá khi bị tổn thương, một bà mẹ sẵn sàng liều mình vì đứa con của mình, một người dũng cảm hy sinh để cứu người lạ… Đó là những phẩm chất, tính cách ít bộc lộ trong cuộc sống thường ngày. Một người rất hiền lành bỗng trở nên hung dữ. Một người cực kỳ khỏe mạnh trong phút chốc không còn chút sinh khí. Một cô nàng yếu đuối đứng dậy mạnh mẽ sau khi bị phản bội. Một chàng trai sẵn sàng giết chết người mình yêu thương nhất chỉ vì sự ghen tuông hoặc lòng ham muốn… Những nét tính cách này không nói nhiều về con người bạn vì chúng ít được bộc lộ, nhưng chúng đóng góp một phần quan trọng trong cuộc đời mỗi người, đặc biệt trong những giờ phút sinh tử.

1/2 – TẤT CẢ NHỮNG GÌ CHÚNG TA BIẾT VỀ MÌNH VÀ MỌI NGƯỜI CHỈ BẰNG 1/2

Bạn thấy đấy, bản thân bạn cũng chỉ đang nhìn thấy 2/4 nghĩa là 1/2 tính cách của mình và những gì bạn đang nhìn thấy, nghĩ về người khác cũng chỉ là 2/4 nghĩa là 1/2. Vậy nên, đừng vội đánh giá về bất kì ai, kể cả khi bạn nghĩ rằng mình rất hiểu họ. Thật sự bạn chẳng hiểu về họ nhiều hơn họ hiểu chính mình. Dù bạn tự tin đánh giá về ai đi chăng nữa cũng chỉ là phiến diện. Nếu như ai đó đánh giá sai về bạn, đừng trách họ, nếu quan trọng thì hãy giải thích, không quan trọng thì bỏ đi, đừng oán trách hay tức giận. Vì đó là những gì họ thấy, và những gì họ thấy, không phải khi nào cũng là điều bạn thấy. Bạn cũng chỉ đang hiểu 1/2 về chính mình thì việc ai đó hiểu sai về bạn cũng là điều dễ hiểu.

Khi nắm giữ được điều này, liệu bạn có thôi khẳng định hoặc đưa ra đánh giá chủ quan về người khác? Liệu bạn có còn thấy việc cố công tìm hiểu về ai đó là quan trọng? Thay vì vậy, hãy mở rộng tâm hồn để chào đón mọi người. Nếu bạn thật lòng quan tâm, hãy nói cho họ biết những điều xấu để họ thay đổi, hoặc đơn giản tránh xa họ ra. Đừng đánh giá hay than trách người khác, đừng bức xúc hay sợ hãi lòng người. Bởi lòng người, cũng như tính cách, là thứ khó đoán định. Dù đoán định thế nào, bạn cũng không có được sự chính xác tuyệt đối. Và khi biết mình không thể phán đoán chính xác, đừng cố đánh giá nữa. Hãy hoan nghênh và chuẩn bị tinh thần cho mọi điều bạn gặp phải sau này. Để hiểu một người là cả một hành trình, có khi cả đời ta vẫn chưa hiểu hết về nhau. Đừng vội vàng!

2/3 – BÍ KÍP DUY TRÌ CÁC MỐI QUAN HỆ

Trong cuốn Dạy con làm giàu của Robert Kiyosaki, khi người cha giàu dạy dỗ cậu bé Robert có đoạn thế này:

“Robert, con hãy nhớ rằng, trên đời này, trong tất cả quan hệ của con, những người mà con quen biết, sẽ luôn có:

  • 1/3 trong số họ luôn luôn yêu quý con và có cái nhìn thiện cảm về con bất kể con làm gì, dù tốt hay xấu, dù điên khùng hay ngốc nghếch.
  • 1/3 trong số họ sẽ luôn luôn ghét con bất kể con có đối xử tốt với họ đến đâu.
  • Và 1/3 còn lại chẳng quan tâm con là ai, con làm gì, tại sao con tồn tại trên đời này.

Việc của con là hãy quan tâm và yêu quý những người yêu quý mình, tìm cách thu hút sự chú ý và tình cảm tốt đẹp của nhóm 1/3 những người chưa quan tâm con, và quan trọng nhất là, mặc xác những kẻ không yêu quý con đi.”

Như vậy ta chỉ cần tập trung vào 2/3 các mối quan hệ của mình. Đó quả thực là một lời dạy chí lý khi chúng ta nhìn vào cuộc sống của mình. Cũng giống như việc chúng ta đang tiêu những đồng tiền mình không làm ra, để mua những thứ ta không cần, nhằm gây ấn tượng với những người ta chẳng hề quen biết. Thật ngớ ngẩn đúng không? Tuy ngớ ngẩn nhưng đó lại chính xác là những gì chúng ta đang làm. Hãy thử nghĩ lại, bạn có bao nhiêu thời gian và nguồn lực để có thể làm vui lòng tất cả mọi người? Đặc biệt là những người chẳng ưa gì chúng ta?

Bạn biết đó, nhóm 1/3 người yêu quý chúng ta hẳn là những người thân trong gia đình, bạn bè thân thiết và một vài người xung quanh như hàng xóm, đồng nghiệp, bạn học… Chúng ta dễ dàng nhận ra họ. Họ luôn có mặt khi ta cần, luôn lắng nghe và cùng ta vượt qua những trở ngại trong cuộc sống. Họ thật đáng quý, đáng trân trọng. Nhưng bạn đã làm gì để đáp lại tấm chân tình đó hay là bạn đã làm lơ họ? Ta coi việc họ đối xử tốt và yêu thương chúng ta là trách nhiệm, là lẽ dĩ nhiên nên chẳng có gì phải cảm ơn, phải ghi nhận hay đáp lại. Đã bao lâu bạn không bày tỏ tình cảm đến người yêu thương bạn? Có người không ngại bỏ tiền ra thết đãi người bạn lâu ngày mới gặp mà chưa mua nổi cho cha mẹ một món ngon. Đó là cách chúng ta vốn vẫn làm, và đang làm.

Với nhóm 1/3 người luôn ghét ta dù ta không làm ảnh hưởng gì đến họ, đây là nhóm khó khăn nhất trong việc xác định họ là ai, ta ít khi biết được nếu như họ không biểu lộ. Chẳng mấy ai biểu lộ mình ghét người khác. Tôi nhớ đến một bộ phim Âu Mỹ từng xem, trong đó mọi người thoải mái bày tỏ quan điểm của mình: hai người bạn nói chuyện với nhau, đứa con tức giận cha mẹ, người vợ nói với chồng, khách hàng với cô nhân viên… ai cũng dễ dàng nói ra câu “I hate you”. Sẽ thật tốt nếu như ai ghét ta cũng nói ra điều đó, lúc đó ta sẽ dễ giải quyết, chỉ cần hóa giải hiểu lầm hoặc mặc kệ họ. Nhưng cuộc sống thực vốn không đơn giản như thế. Nhiều người không ưa chúng ta nhưng họ im lặng hoặc tệ hơn, họ cố tình tỏ ra tốt, yêu thương ta. Tôi cảm thấy sợ những người này, chắc hẳn họ có ý đồ gì đó vì không ai lại cố công đối tốt với người mình ghét làm gì, đúng không?

Có nhiều nguyên nhân khiến ai đó ghét bạn như sự ghen tỵ, thù hằn, hiểu lầm, sợ hãi… thậm chí có người ghét bạn chẳng vì lý do gì cả. Điều này thấy rõ nhất qua lượng anti-fan của người nổi tiếng. Một cô nàng nổi tiếng nào đó chẳng làm hại hay ảnh hưởng gì đến cuộc sống của một anti-fan nhưng vẫn cứ bị ghét. Nếu cô làm việc thiện sẽ bị coi là giả tạo; nếu cô gặp chuyện buồn phiền và than thở sẽ bị coi là nhu nhược, yếu hèn; nếu cô mạnh mẽ sẽ bị coi là ngứa mắt, đóng kịch… Dù làm gì cũng không thể khiến cho một anti-fan thay đổi tình cảm đối với người nổi tiếng. Chúng ta tuy không phải người nổi tiếng nhưng chúng ta cũng luôn có những anti-fan ở ngoài kia. Nếu như phát hiện ra ai đó không ưa mình, hãy tìm cách hóa giải nó nếu như đó là người quan trọng và do hiểu lầm. Còn giả như, với bạn, họ là người không quan trọng, hãy đứng dậy và ném cho họ một ánh nhìn kiêu kỳ rồi quay lưng bước đi, mặc cho họ sống với sự ghen tuông và đố kỵ. Họ mới là người phải mệt mỏi chứ không phải bạn.

Nhóm 1/3 cuối cùng, người không quan tâm đến ta. Nhóm này khá dễ nhận diện vì họ thờ ơ, chẳng hào hứng với những việc ta làm cũng không ghét bỏ. Tóm lại là họ bàng quan với cuộc sống của ta. Người cha giàu dạy ta nên quan tâm đến nhóm người này nhiều hơn. Tạo điều kiện hai bên tìm hiểu nhau và khiến họ thuộc về nhóm người luôn yêu quý ta. Về cách thức để khiến người khác trở nên yêu mến ta, Dale Carnegie đã viết trong cuốn Đắc nhân tâm: “Chỉ trong vòng ba tháng thực lòng quan tâm tới mọi người, tôi có nhiều bạn hơn gấp nhiều lần so với ba năm làm mọi thứ để khiến mọi người quan tâm đến tôi.”

Khó khăn lớn nhất đối với mỗi người là làm sao để xác định ai là người ghét bỏ, ai là người yêu quý mình. Không có cách nào giúp bạn làm rõ và nhận định họ ngoài việc dùng đến trực giác của bản thân.

Xác định được những nhóm người này, bạn sẽ không còn áp lực phải khiến tất cả mọi người yêu quý mình bởi vì đó là điều không thể. Hãy tin rằng chuyện mình có người không ưa là rất bình thường. Người ta ghét chủ yếu vì người ta ghen tỵ. Nếu ta khiến người khác ghen tỵ, chứng tỏ ta có điểm gì đó hơn họ. Điều này đáng vui hơn là đáng buồn đúng không? Quan trọng nhất là, xin bạn hãy dành nguồn lực của mình, bao gồm cả công sức, tài chính và tình cảm cho những người xứng đáng, người luôn yêu thương bạn vô điều kiện. Hãy dành cho họ nhiều tình cảm và sự quan tâm hơn. Nếu có thể, hãy bớt vài phút giây quan tâm người xa lạ trên Facebook để chuyện trò, thăm hỏi người xung quanh như bác hàng xóm, cô bạn học ít nói hay cho mượn tài liệu, anh chàng đồng nghiệp hay giúp bạn những việc vặt vãnh…

Cách tốt nhất trong việc duy trì các mối quan hệ, bất kể ở nhóm 1/3 nào là luôn đối xử tử tế và chân thành với mọi người. Nó có thể khiến người không ưa bạn bớt ác cảm và nhất là sẽ lôi kéo những người bàng quan trở nên yêu quý bạn. Bất kể người nào trên đời, nếu có thể quy tụ nhiều người yêu quý luôn ở bên mình là người giàu có về tình cảm.

Khi bạn hiểu được ý nghĩa của phân số 2/3 bạn sẽ hiểu được giá trị của những người bạn gặp trong đời mình.

1/3 – BÍ KÍP CHO MỘT CUỘC ĐỜI VUI VẺ

“Trên đời này chỉ có 3 loại việc: việc của bản thân, việc của người khác và việc của ông Trời. Chúng ta thường buồn phiền là do:

  • Không chịu làm việc của bản thân
  • Thích xen vào việc của người khác
  • Quá lo lắng về việc của ông trời
  • Muốn sống vui vẻ thật ra rất đơn giản, chỉ cần:
  • Luôn làm tốt việc của bản thân
  • Không xen vào việc của người khác
  • Ngừng lo lắng về việc của ông Trời.”

Tôi không rõ những câu này của ai nhưng đối với tôi, đây là chân lý, là lẽ sống ở đời đáng được đọc, học và thực hành mỗi ngày.

Thật đơn giản và dễ hiểu, đúng không?

Việc của bản thân, có lẽ không cần nói nhiều, là danh sách việc làm của bạn mỗi ngày, ý định, mục tiêu, kế hoạch và công việc bạn làm để nuôi sống bản thân. Là những việc ảnh hưởng trực tiếp tới bạn và những người bạn yêu thương. Đó mới là điều bạn cần quan tâm, dốc toàn lực để hoàn thành và không ngừng phấn đấu.

Việc của người khác, là news feed Facebook tràn ngập thông tin hình ảnh từ ăn chơi vui vẻ tới đau buồn thê lương của người khác, là những bài báo lá cải… Những việc này đa phần không cần phải bận tâm nhiều vì chúng không ảnh hưởng đến cuộc đời bạn hay thế giới.

Nếu như bạn lý giải rằng biết cho vui thì xin nhớ bạn đã ngốn không ít thời gian quý báu của mình.

Tôi phải thật tình xin lỗi nếu như nếu như bạn là “fan cuồng” của một người nổi tiếng, nhưng theo tôi, việc trở thành “fan cuồng”, thần tượng một người khi bạn không học hỏi được gì ngoài việc tôn sùng một ngoại hình đẹp đẽ, nhất là qua những bức hình đã được chỉnh tới lui là việc làm vô nghĩa và lãng phí năng lượng của bản thân nhất trên đời. Nghệ sĩ là người làm nghề giải trí, hãy để họ trở thành nguồn giải trí đơn thuần, đừng biến họ thành thần thánh để tôn sùng. Chính điều đó khiến họ ảo tưởng về sự hấp dẫn của bản thân và “nghiện” những chiêu trò lố bịch hòng nhận được sự chú ý, thay vì trau dồi kỹ năng nghề nghiệp. Bạn có quyền chọn người để thần tượng, nhưng hãy chọn người mang lại ảnh hưởng tích cực, giúp cuộc sống của bạn tốt đẹp hơn.

Nói cho cùng, cũng nhờ có những người hâm mộ như các bạn, người nghệ sĩ mới không bị chết đói và có một cuộc sống thần tiên sung túc như hiện tại. Thiết nghĩ nếu ai cũng bàng quan với người nổi tiếng như tôi, thế giới này sẽ ra sao? Mà khoan lo đến chuyện của thế giới, chỉ biết rằng, khi tôi không quan tâm tới người nổi tiếng, tôi có nhiều thời gian để chăm lo cho cuộc sống của mình hơn, nhiều thời gian để thu nạp thông tin, kiến thức hữu ích và nhất là thời gian để quan tâm tới những người xung quanh mình.

Cuộc sống này, không đâu trút lên người bạn nhiều phiền não cho bằng những trang tin tức: giết người, tham ô, hối lộ, tai nạn, hiếp dâm, đâm chém, lừa gạt… Phần lớn cảm xúc tiêu cực của bạn đều từ những câu chuyện của những người khác, hãy học cách làm lơ nó. Lơ báo chí, lơ news feed đi và tập trung cho việc của chính mình.

Việc của ông Trời là những việc như thời tiết, những căn bệnh hiểm nghèo…, đó vốn dĩ không phải việc bạn có thể can thiệp hay tác động. Hãy đứng qua một bên và luôn trong tâm thế sẵn sàng đón nhận những điều có thể xảy đến.

Phân số 1/3 nói rằng bạn hãy thay đổi cách sống hiện tại của mình, dùng nguồn năng lượng của mình để làm tốt việc bản thân thay vì đi lo lắng chuyện tận đẩu tận đâu.

Sức mạnh của sự thay đổi

Đừng bao giờ e ngại sự thay đổi, bạn có thể mất đi một vài điều tốt đẹp nhưng bạn có thể nhận lại những thứ còn tuyệt vời hơn.

THAY ĐỔI LÀ BẢN CHẤT CỦA CUỘC SỐNG, LÀ QUY LUẬT CỦA VŨ TRỤ

Cách đơn giản nhất để biết “sự thay đổi” có phải quy luật vũ trụ hay không đó là bạn hãy tìm ra một thứ gì đó trên đời này mà có thể tồn tại vĩnh hằng. Nếu như bạn không thể tìm ra thứ gì như thế; nếu như bạn xác nhận tất cả mọi thứ tồn tại trên đời đều đã, đang và luôn không ngừng thay đổi; nếu như bạn đồng ý rằng không gì và không ai có thể đứng ngoài tầm tác động của “quy luật vạn vật thay đổi” – một quy luật quan trọng của vũ trụ thì câu hỏi đặt ra là “Tại sao chúng ta không tìm ra cách để chung sống hòa thuận với những quy luật ấy?”.

Những người tuân theo quy luật tự nhiên của vũ trụ để hành động thì hành động ấy hẳn sẽ phải được cả vũ trụ chúc lành và ủng hộ.

CON NGƯỜI SỢ THAY ĐỔI VÌ SỢ MẤT CẢM GIÁC AN TOÀN

Ai cũng thích sự an toàn, thích sự chắc chắn nhưng lại quên rằng thay đổi mới chính là an toàn. Ở trong môi trường tất cả mọi thứ đều thay đổi, bạn cũng thay đổi, ấy mới là thuận tự nhiên. Thuận theo tự nhiên thì an toàn hơn chống đối tự nhiên rất nhiều. Bởi vì sợ thay đổi nên mọi người sống một cuộc sống nhàm chán giống nhau hết ngày này qua tháng khác mà không biết rằng khả năng thay đổi chính là khả năng tuyệt vời nhất mà con người có được. Các loài vật phải thay đổi bản thân nó cho phù hợp với hoàn cảnh sống nhưng chỉ có con người mới có khả năng thay đổi hoàn cảnh sống để phù hợp với mình. Sẽ thật ngu ngốc khi chúng ta quên đi khả năng đặc biệt của loài người: khả năng thay đổi. Hãy tận dụng và trân trọng khả năng ấy. Bạn có đang chán cuộc sống hiện tại của mình không? Tính cách của bạn? Những mối quan hệ quanh bạn? Công việc bạn đang làm? Nơi bạn đang ở?… Hãy tự hỏi câu đó mỗi sáng thức dậy và mỗi tối trước khi đi ngủ, sau khi tự hỏi hãy tự trả lời. Nếu câu trả lời là “Có”, đừng chần chừ nữa, bạn cần thay đổi ngay. Nếu câu trả lời là “Có” liên tục trong nhiều ngày thì sự thay đổi không còn là một lựa chọn nữa, nó trở thành trách nhiệm, thành điều bạn nhất định phải làm.

Hãy bắt đầu thay đổi từ những cái nhỏ rồi sang cái lớn, từ cái dễ rồi sang cái khó hơn. Dần dà bạn sẽ phát hiện ra mình đang tự tạo nên một phiên bản nâng cấp – đó là bước đầu tiên. Rồi từ một “chính mình” mới đó mà bạn có khả năng để tạo ra thay đổi cho cả môi trường xung quanh hay thậm chí tạo ra thay đổi cả cho xã hội bạn đang sống. Không gì là không thể.

Mọi thứ trên đời đều không ngừng thay đổi để tiến hóa. Chính bạn cũng đang tiến hóa mỗi ngày mà bạn không nhận ra. Chỉ cần có một tư duy khác đi, một suy nghĩ khác hơn về cuộc đời, về thế giới, về bản thân là bạn đã tiến hóa hơn ngày hôm qua rồi.

Lịch sử đã chứng minh loài nào tiến hóa nhanh nhất sẽ làm chủ muôn loài, dân tộc nào tiến hóa nhanh nhất sẽ dẫn đầu các dân tộc khác và người nào tiến hóa nhanh hơn trong tư duy và óc sáng tạo cũng đều là người tạo nên sự thay đổi cho thế giới.

Vậy mà bạn vẫn còn sợ hãi và tránh né khi nhắc đến thay đổi? Thật lạ lùng! Thay đổi chính là cách để chúng ta học hỏi những điều mới, chính là bước đầu tiên trong quá trình trải nghiệm cuộc đời, là khởi đầu để tạo nên một thế giới tốt đẹp hơn.

CÁI GIÁ CỦA SỰ THAY ĐỔI LÀ CẢM GIÁC SỢ HÃI

Bước ra khỏi vùng an toàn, ai mà không sợ? Nhưng phải ra khỏi vùng an toàn, bạn mới thật sự khám phá được cuộc sống này, bạn mới thật sự sống chứ không chỉ là tồn tại.

Hãy luôn tâm niệm, cuộc đời thật ra là một cuộc trải nghiệm lớn, không có sự lựa chọn đúng hoàn toàn hay sai hoàn toàn. Chúng ta không giỏi hơn nhau trong việc lựa chọn những hướng đi trong đời. Nhưng nhiều người giỏi hơn người khác ở chỗ họ có đủ dũng cảm để thay đổi hiện thực mà họ không mong muốn, trong khi đa phần người khác thì không.

CÀNG TRỐN TRONG SỰ AN TOÀN CÀNG MẤT ĐI SỰ AN TOÀN

Vượt qua sự sợ hãi bạn sẽ được nhận phần thưởng dành cho người can đảm. Tin vui cho bạn là cảm giác sợ hãi sẽ nhanh chóng qua đi mau thôi và bạn sẽ nhận lại được nhiều thứ hơn, là phần thưởng mà chỉ người can đảm mới xứng đáng được nhận.

Người ta thường chỉ thay đổi khi họ buộc phải thay đổi và khi đó họ trở nên bị động, họ trở thành nạn nhân của cuộc đời. Tại sao không chủ động tạo ra những thay đổi tích cực cho chính bản thân mình? Khi đó, bạn là người điều khiển và làm chủ cuộc chơi. Có ai lại không muốn làm chủ trò chơi cuộc đời?

Người bình thường sợ hãi sự thay đổi hoặc chấp nhận là nạn nhân của sự thay đổi. Người vĩ đại là người tạo nên sự thay đổi. Bạn không cần vĩ đại cho ai hay với ai, hãy vĩ đại với chính bản thân mình bằng cách chủ động tạo ra sự thay đổi: làm mới bản thân, tạo ra cơ hội phát triển bản thân, tiếp nhận một kiểu tư duy mới, hình thành một thói quen mới, dấn thân vào con đường trải nghiệm những điều mới mẻ của cuộc sống… đó là những việc dễ dàng thực hiện.

Hãy cứ thay đổi đi, từng chút một, đủ lượng sẽ tạo nên chất mới. Nếu thay đổi là sai, tự bạn sẽ nhận ra và tìm hướng điều chỉnh. Bạn không thể biết được đường đi nào là đúng hay sai nếu một bước chân bạn cũng không dám bước.

Hãy nhớ bài học này: Đừng bao giờ e ngại sự thay đổi, bạn có thể mất đi một vài thứ tốt đẹp nhưng nhất định bạn sẽ nhận lại được những thứ còn tốt đẹp hơn.

XÁC ĐỊNH ĐÚNG TRỌNG TÂM CUỘC ĐỜI ĐỂ KHÔNG CẢM THẤY CHÔNG CHÊNH

Cuộc sống này vốn không chỉ có hương thơm của hoa hồng và vẻ thơ mộng của dòng sông, nó còn có cả những phút giây bị gai hoa hồng đâm đến ứa máu hoặc vẫy vùng giữa dòng nước chảy xiết. Bên cạnh những niềm vui là những khó khăn và cạm bẫy luôn chực chờ chỉ cần bạn lơ là mất cảnh giác chúng sẽ xô tới. Chính những khó khăn thử thách ấy sẽ góp phần nhào nặn bạn trở thành một phiên bản tốt hơn.

Sẽ có những lúc bạn hoang mang, chông chênh, mệt mỏi và hoàn toàn mất phương hướng. Đó có thể là khi bạn thi trượt cuộc thi mà bạn nghĩ là quan trọng nhất đời mình. Đó là khi người bạn thân nhất quay lưng đi sau khi đâm vào lưng bạn một vết dao. Đó có thể là khi người yêu của bạn nói rằng không còn yêu thương bạn nữa. Đó cũng có thể là khi bạn làm cha mẹ thất vọng vì bạn không nghe theo họ. Đó là khi con đường sự nghiệp của bạn bị khựng lại sau nhiều năm phấn đấu… Sẽ có nhiều khoảnh khắc bạn hoang mang, lo sợ và run rẩy vì không biết bám víu vào đâu vì những gì bạn tin tưởng đều tan biến. Đó thật sự là một cảm giác đáng ghét, tồi tệ. Làm cách nào để có thể đứng vững giữa muôn vàn cạm bẫy, khó khăn, thử thách? Làm cách nào để có thể luôn hiên ngang vững vàng trên đôi chân của mình và mở rộng vòng tay chào đón những điều mà cuộc đời mang đến? Điều gì giúp chúng ta vượt qua khó khăn trở ngại? Điều gì dẫn đường chỉ lối cho ta đi xuyên qua màn đêm sóng gió để đạt được điều mong muốn?

Để vượt qua được những khoảnh khắc đó, bạn phải tìm kiếm cho mình một điểm tựa vững chắc luôn cho bạn lời khuyên và không bao giờ rời xa. Đến cái bóng cũng rời xa bạn khi bạn đi vào bóng tối, nhưng điểm tựa thì không, mỗi người hãy tìm kiếm cho mình một điểm tựa. Có một loại điểm tựa như thế, thường được gọi là “trọng tâm cuộc đời”. Đó là thứ bạn cần có và nên phải có dù cho bạn đang ở lứa tuổi thiếu niên, thanh niên hay đã trưởng thành. Luôn xác định trọng tâm cho cuộc sống và làm mọi điều hướng về nó, có vậy bạn sẽ không lạc lối và thất vọng.

Cũng như cách tạo nên một đường tròn: đường tròn được tạo thành bởi tập hợp rất nhiều điểm, giữ một khoảng cách bằng nhau xung quanh một tâm điểm duy nhất. Cuộc sống giống như một hình tròn lớn và bạn chính là một hình tròn nhỏ ở bên trong, cả hai đều có chung tâm điểm. Tâm điểm của hai hình tròn này chính là “trọng tâm cuộc sống”, là thứ giúp bạn đi đúng hướng trên con đường đời.

ĐẶT TRỌNG TÂM CUỘC SỐNG VÀO NHỮNG NGUYÊN TẮC ĐÚNG ĐẮN

Gia đình, bạn bè, sự nghiệp, tình yêu… đều là những thứ quan trọng, đáng để ta phấn đấu và trân trọng. Nhưng đó chỉ là các nhân tố phụ và bạn không thể để một trong số chúng chi phối cả cuộc đời mình. Trong một vài trường hợp thì được nhưng cả cuộc đời thì không.

Bạn nên lựa chọn nguyên tắc sống đúng đắn để làm trọng tâm cuộc sống của mình. Vì không ai làm những điều đúng đắn mà lại phải hối hận hay dằn vặt cả. Những nguyên tắc sống đúng đắn giống như ngọn hải đăng soi chiếu con đường bạn đi dù là trong công việc, cách đối nhân xử thế hay ứng xử tình cảm, gia đình. Chúng dẫn bạn đi đúng hướng, không lầm đường lạc lối và đi tới đích đến mong muốn.

Hãy đặt nguyên tắc sống cho cuộc đời bạn: sự nghiệp, tình yêu, gia đình, con cái, bạn bè… và tuân theo chúng. Dùng nó như kim chỉ nam soi lối mọi hành động và quyết định của bạn. Bạn cũng có thể thay đổi các nguyên tắc phù hợp với từng tình huống, không nhất thiết một nguyên tắc buộc phải được duy trì mãi mãi. Ví dụ hôm nay nguyên tắc của bạn là không tin tưởng bất cứ ai ngoài bản thân thì ngày mai bạn có thể sẽ đổi thành không tin những lời người khác nói nhưng đặt niềm tin vào việc họ làm…

Có nhiều cảm xúc tiêu cực xảy đến trong cuộc đời của chúng ta, đó là cảm giác bị lừa dối, ruồng bỏ, thất bại, sợ hãi… Riêng với tôi, có một cảm giác còn tồi tệ hơn rất nhiều, đó là cảm giác chông chênh. Chông chênh là khi bạn đứng giữa lưng chừng tất cả, nghi ngờ mọi thứ, sợ hãi tương lai và không biết phải làm gì. Không có gì để bấu víu, để tin tưởng, tất cả đều nhờ nhợ, không có gì rõ ràng. Cảm giác đó thật sự đáng sợ vì nó đeo đẳng, khó tìm ra cách giải quyết để chấm dứt nó một cách nhanh chóng, dễ dàng. Đó mới thật sự là cảm giác tồi tệ hơn cả tồi tệ. Những lúc đó bạn cần tìm ra cái la bàn của mình. Và trọng tâm cuộc đời chính là một trong những chiếc la bàn đó.

Sean Covey, tác giả cuốn 7 thói quen của bạn trẻ thành đạt, khuyên chúng ta khi đặt trọng tâm cuộc đời vào những nguyên tắc sống, cũng giống như bạn chọn cách để chính bản thân mình điều khiển cuộc đời mình. Đó là điều đúng đắn nên làm vì chính bạn và chỉ bạn mới biết được điều gì là tốt nhất cho bản thân. Trong mọi trường hợp, hãy lắng nghe “lương tâm” của mình.

Còn tôi, tôi cho bạn một la bàn khác, một trọng tâm khác nữa để bạn xem xét và suy nghĩ. Việc đặt trọng tâm vào các nguyên tắc sống không có gì sai nhưng với tôi thì chưa đủ. Nguyên tắc sống có thể thay đổi và nó thường là thứ bạn tự đúc kết được khi đã đạt đến một độ chín muồi, một sự trưởng thành nhất định. Khi bạn đã trải nghiệm đủ nhiều bạn mới có thể rút ra nguyên tắc sống đúng đắn cho bản thân. Như thế thì quá lâu! Chúng ta không thể phí hoài đời mình để đợi đến khi trưởng thành mới đúc rút ra các nguyên tắc sống.

Tôi sẽ chỉ bạn một con đường khác, vững vàng hơn, phong phú hơn và dễ thực hiện hơn: Hãy đặt trọng tâm cuộc sống vào chính con người bạn. Không cần đặt vào bất cứ ai, bất cứ thứ gì ngoài kia.

Bất cứ việc gì mang đến cho bạn cảm xúc tốt đẹp: vui vẻ, bình an, hạnh phúc, tự do… Hãy làm đi và đừng bận tâm đến chuyện người khác nói gì. Vì chỉ bạn mới hiểu được cảm xúc của mình và cũng chỉ bạn tự chịu trách nhiệm cuộc đời mình chứ không phải ai khác cả. Nếu việc gì khiến bạn cảm thấy đau đớn, xấu hổ, hối tiếc thì đừng làm dù cho đó là lời khuyên của bất cứ ai.

Hãy tưởng tượng bạn là một cái cây có bộ rễ dưới lòng đất và cành lá um tùm phía trên. Nếu bạn đặt trọng tâm cuộc đời mình vào người khác mà lãng quên bản thân nghĩa là bạn làm cho cái cây đó rất sum sê phần cành và ngọn nhưng lại bỏ quên phần rễ. Một cái cây không được phát triển bộ rễ không sớm thì muộn cũng sẽ bị quật ngã trước bão tố hay thậm chí là một cơn gió mạnh.

Nhưng ngược lại, nếu đặt trọng tâm vào chính bạn trước tiên – tức là phát triển bộ rễ trước, làm cho nó đủ lớn, đủ khỏe, đủ mạnh thì cái cây sẽ luôn đứng vững và cành lá cũng thêm sum sê um tùm.

Trong bất kể tình huống nào xảy ra, hãy nghĩ đến con người mà bạn muốn trở thành và quyết định hành động để tạo ra con người đó.

Đặt trọng tâm vào chính mình tức là làm mọi thứ để cho mình trưởng thành hơn mỗi ngày. Vậy thế nào là trưởng thành?

Dấu hiệu của người-trưởng-thành:

Trưởng thành là một trạng thái của tâm thức, nó hoàn toàn không liên quan tới tuổi tác hay vật chất bên ngoài.

Trưởng thành là nghĩa vụ và trách nhiệm của tất cả mọi người thay vì chỉ là mục tiêu. Có nhiều dấu hiệu cho thấy một người đã trưởng thành:

  • Nói ít hơn, biết lắng nghe và suy nghĩ nhiều hơn.
  • Không đổ lỗi, bớt than vãn, biết nhận lỗi và gánh trách nhiệm nhiều hơn.
  • Không dùng lời nói chứng minh cho hành động mà dùng hành động để chứng minh cho lời nói.
  • Có chính kiến và nhân sinh quan nhưng không áp đặt mà ghi nhận tất cả ý kiến của người khác dù chưa đồng tình.
  • Ngày càng độc lập về nhiều mặt, không chỉ cuộc sống vật chất mà còn ở tư duy nhận thức.
  • Có tinh thần trách nhiệm: trách nhiệm với gia đình, công việc, xã hội…
  • Quan tâm nhiều hơn tới sức khỏe và thời gian.
  • Không muốn và không để ai phải lo lắng cho mình.
  • Tự hào về những thứ mình kiếm được hơn là những thứ có sẵn. Nhưng, là người càng trưởng thành thì càng ít tự hào hơn.
  • Biết nhận ra những thứ phù phiếm để từ chối và dành thời gian cho những thứ khác quan trọng hơn.
  • Nhận ra sự thay đổi, sự khác biệt của bản thân. Đa phần bằng cách này hay cách khác ai cũng có thể nhận ra được mình đang trưởng thành hơn.
  • Không chỉ biết trân trọng hiện tại, hướng về tương lai mà còn yêu mến cả quá khứ, quá khứ của mình lẫn quá khứ của mọi người.
  • Trân trọng những lỗi lầm, thất bại thay vì chỉ ca tụng thành công.
  • Thích cho đi hơn là nhận lại.
  • Yêu đời, trân trọng cuộc sống ngay cả khi nó chưa được như ý.
  • Biết mình muốn gì và biết phải làm gì để đạt được điều mình muốn.
  • Quan tâm đến việc của mình hơn là để ý người khác nói gì.
  • Chú trọng cả nội dung lẫn hình thức thay vì chỉ một trong hai và ưu tiên hơn cho những thứ sâu sắc, ý nghĩa.

Sự trưởng thành là nhiệm vụ cá nhân và tạo ra môi trường cho mọi người trở nên trưởng thành là nhiệm vụ của gia đình, trường học, xã hội. Trưởng thành là một quá trình thay đổi về tư duy lẫn nhận thức, nó không liên quan tới tuổi tác hay môi trường sống cũng không liên quan tới ngoại hình hay vật chất bên ngoài. Có người trưởng thành rất sớm nhưng có người chỉ lớn xác mà không bao giờ chịu trưởng thành.

Mục tiêu đầu tiên của đàn ông nên là trở thành người trưởng thành thay vì thành đạt hay quyền lực. Các cô gái cũng vậy, muốn lấy được tấm chồng tốt cũng nên đặt tiêu chí tìm người trưởng thành làm gốc. Cha mẹ nên mong và tạo điều kiện cho con cái trưởng thành thay vì để chúng là những đứa con lớn xác biết nghe lời. Bởi vì vâng lời hay ngoan hiền không có nghĩa là trưởng thành.

Dù trọng tâm cuộc sống của bạn đã và đang đặt ở đâu: vật chất, danh vọng, quyền lực, gia đình, người yêu… hãy tạm gác lại và ưu tiên vào bản thân mình trước. Hãy biến mình trở thành người trưởng thành, một cây cao có tán lá sum sê và bộ rễ vững chãi, có vậy mới không có cơn bão nào quật ngã, chim muông sẽ đến dưới tán lá trú ngụ và bạn sẽ không còn cảm thấy chông chênh…


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button