Kỹ năng mềm

Ai Che Lưng Cho Bạn

Lời giới thiệu

Thành công không chỉ là thành quả của sự thông minh và cũng không chỉ xuất phát từ bản thân con người bạn, mà nó phụ thuộc rất nhiều vào những mối quan hệ khác quanh bạn. Làm sao để nhận biết và xây dựng mối quan hệ với những người có thể luôn sát cánh bên bạn những lúc bạn cần, vào những thời điểm bạn muốn?…

AI CHE LƯNG CHO BẠN của đồng tác giả ĐỪNG BAO GIỜ ĐI ĂN MỘT MÌNH, là cuốn sách đầu tiên nhất chuyển tải thông điệp “hãy để người khác giúp bạn” tập hợp những phương thức thay đổi hành vi thành công nhất trên thế giới giúp bạn xây dựng nhanh chóng các mối quan hệ cần thiết tạo nên sự khác biệt để đạt được thành công trong công việc kinh doanh cũng như trong cuộc sống.

Ebook

NguồnChọn định dạng
SachvuiEPUB
TVEEPUB, MOBI, PDF
Link dự phòngChưa cập nhật

Đọc sách

Phiên bản đọc thử giúp đọc giả tham khảo trước khi mua sách giấy.

Một cá nhân tồn tại theo cảm nhận của những cá nhân khác. – Tổng giám mục Desmond Tutu

Tôi đang ngồi trong căn phòng khách sạn tại Singapore sau một ngày họp hành tất bật và bữa tối với mọi người trong nhóm, cảm giác lâng lâng do chênh lệch múi giờ bắt đầu tấn công. Chúng tôi là một nhóm các nhà tư vấn quản trị của Deloitte & Touche chuyên đi chiến đấu khắp thế giới. Đêm trước tôi đã tranh thủ ngủ được một giấc trên chuyến bay từ London, nhưng ngay cả chiếc ghế có thể ngã ra tối đa trong khoang hạng nhất cũng không thể thay thế được một chiếc giường thực thụ, và thế là bây giờ tôi gần như tan vào trong chiếc nệm êm ái. Tôi chỉ mới thiu thiu ngủ thì nghe tiếng lạo xạo dưới cánh cửa phòng. Trời, một bản fax! Thôi kệ nó, đợi đến sáng cũng được mà, tôi nghĩ thế.

Nhưng với tư cách là tổng giám đốc tiếp thị của công ty – đồng thời là thành viên mới nhất trong ban lãnh đạo – tôi không được phép để yên cái gì cả. Vì thế tôi phải buộc mình trèo khỏi giường, mắt nhắm mắt mở đi ra cửa và mở cái phong bì mới gửi vào.

Bản fax không phải đến từ Deloitte. Đây là một lời đề nghị công việc mới. Từ bên kia thế giới, Starwood Hotels – một công ty tương đối mới với những tham vọng toàn cầu táo bạo – mời tôi về làm tổng giám đốc tiếp thị (CMO). Đây quả thực là một vị trí trong mơ đối với tôi. Mục tiêu của Starwood là làm sống lại ngành công nghiệp khách sạn đang héo úa dần và tạo ra những thương hiệu hoàn toàn mới sẽ được biết đến trên toàn thế giới, thông qua một bộ phận marketing trung tâm quản lý toàn cầu. Về phần mình, tôi có trách nhiệm biến đổi và dẫn dắt thế giới marketing khách sạn vốn đang ngủ đông tham gia đóng góp vào đội ngũ năng động mới tại Starwood.

Đáng lẽ tôi phải cảm thấy hào hứng lắm chứ – đây là một bước nhảy đáng kể tiến vào thế giới marketing cho người tiêu dùng, chức vụ cao hơn và thêm nhiều trách nhiệm – thế mà ngược lại, tôi cảm thấy rất lo lắng. Làm sao tôi có thể rời bỏ các đồng nghiệp tại Deloitte chứ, khi mà công việc của chúng tôi chỉ mới bắt đầu mang lại thành quả? Tôi là CMO đầu tiên của liên danh này và là người làm marketing toàn cầu đầu tiên đạt đến thành công – đa phần là nhờ tôi xuất thân từ lĩnh vực vận hành và hiểu rõ từ trong ra ngoài những gì chúng tôi đã làm; nhưng ngoài ra cũng một phần là nhờ tôi còn mới nên không bị suy nghĩ rập khuôn kiểu cũ. Thêm nữa, tôi có trong tay một nhóm làm việc thật sự mong muốn tôi thành công. Deloitte đang kết hợp những đối tác tư vấn rời rạc tại từng quốc gia lại thành một thương hiệu thống nhất, tương tự như ý định kết hợp các khách sạn của Starwood. Đây là một quy trình phức tạp nhưng sẽ mang lại thành công rực rỡ. Tôi biết họ không dễ gì nhanh chóng tìm được người thay thế tôi – tất cả các cộng sự đều đang làm việc quá sức – và vì thế tôi cảm thấy có chút tội lỗi.

Nhưng thật ra có một lý do tiềm ẩn sâu xa hơn khiến tôi không yên lòng mà lúc đó tôi không nhận ra, mãi đến nhiều năm sau này: trong khi tôi biết rằng Deloitte cần đến sự đóng góp của tôi, sự thật là tôi cũng cần họ. Nếu lúc đó tôi hiểu được như bây giờ, tôi chắc đã nhận ra cái cảm giác này thể hiện mạng lưới hỗ trợ đang sụt lún ngay dưới chân mình.

Mạng lưới – tôi cứ nghĩ mình hiểu về nó khá rõ. Nói cho cùng, bản fax của Starwood cũng không phải tự nhiên tìm đến cánh cửa khách sạn tôi đang ở. Nó là kết quả của quyết tâm xây dựng mạng lưới các mối quan hệ thật sự trong suốt một thời gian dài. Tôi tìm được công việc marketing tại Deloitte cũng là nhờ nuôi dưỡng những mối quan hệ sâu sắc với các giám đốc công ty (trong đó có cả CEO Pat Loconto) khi tôi còn là một sinh viên tại Trường Kinh doanh Harvard. Tầm quan trọng của việc giao thiệp và nối kết với mọi người là một kỹ năng tôi học được từ khi là một cậu bé thuộc giai cấp lao động lớn lên ở miền tây Pennsylvania, khi tôi còn làm người nhặt banh trên sân golf cho những người giàu có sống ở phía bên kia thị trấn. Tôi đã nhận thấy rằng họ không chỉ cùng tham gia chung trong một câu lạc bộ hay một cộng đồng trong xã hội, họ còn làm ăn chung với nhau. Khi tôi làm quen được nhiều người trong số này, tôi nhận thấy rằng ai cũng có thể gia nhập “câu lạc bộ” này, miễn là người đó phải biết quan tâm đến thành công của người khác chứ không chỉ biết đến bản thân mình. Đây là một kỹ năng mà rất nhiều trường kinh doanh và nhiều người bỏ qua.

Trong tâm trí của nhiều người, tôi là Mr. Relationship, là mối liên kết giữa các nhóm người khác nhau.

Với bao nhiêu kết nối trong tay như vậy, việc tôi rời bỏ Deloitte để đến với một đồng cỏ xanh hơn thì có gì đáng lo ngại? Tôi còn trẻ, chưa đến 30 tuổi, tôi có cả một tương lai nghề nghiệp rộng mở trước mắt. Vậy tại sao tôi không nhảy lên sung sướng?

Dĩ nhiên, cũng như bất cứ ai khi phải đổi việc, tôi biết mình sẽ nhớ đến những người bạn tại Deloitte. Nhưng thật ra cảm xúc của tôi sâu sắc hơn thế. Tôi là một anh chàng mới trong một nhóm những người kỳ cựu chịu trách nhiệm toàn cầu hóa công ty – một nhóm khăng khít do Pat lãnh đạo cùng với cánh tay mặt của ông là Bob Kirk, bên cạnh những người thâm niên khác như Greg Seal, người đã tuyển dụng tôi vào làm anh chàng thực tập trong mùa hè (và đã ra tay giúp tôi khỏi bị đuổi việc nhiều lần vì những hành động táo bạo của mình). Tất cả họ đều chào đón tôi và đỡ đầu cho tôi.

Đây không chỉ là một nhóm làm việc ăn ý với nhau, đây là một nhóm quan tâm và hỗ trợ lẫn nhau. Họ đã giúp tôi trưởng thành hơn trong khoảng thời gian định hình nghề nghiệp của mình. Và tôi cũng rất quan tâm đến họ, ngay cả bây giờ vẫn thế. Chúng tôi tin tưởng lẫn nhau; chúng tôi chia sẻ với nhau những giá trị cốt lõi (mặc dù kỹ năng chúng tôi rất khác nhau); không có chuyện gì chúng tôi không thể làm, hay không thể nói ra. Chúng tôi phát biểu ý kiến của mình, chia sẻ quan điểm, chia sẻ ý tưởng quanh bàn ăn, cùng trải nghiệm nhiều điều và thường xuyên tha thứ lỗi lầm cho nhau. Tôi không nhớ có lúc nào mình lại cảm thấy bất an cả. Chúng tôi là những cộng sự lôi nhau đi khắp thế giới, mặc dù thực tế tôi chẳng cảm thấy mình bị lôi kéo gì cả. Thay vào đó, chúng tôi hoàn toàn chìm đắm trong sự hào hứng, lạc quan, trong nhiệt huyết và sức sáng tạo, trong hy vọng. Đôi khi tôi chui ra khỏi giường vào lúc nửa đêm để đi đến văn phòng vì tôi cảm thấy trong người quá phấn khích. Đây không chỉ là những đồng nghiệp – họ là những người bạn của tôi.

Vấn đề không chỉ là nhiều người cùng nghĩ thì tốt hơn một người. Do chúng tôi không e ngại mình đang lấn sân hay làm tổn thương người khác, chúng tôi tự do phát biểu ý kiến rôm rốp như bắp rang đang nổ trong phòng. Chúng tôi cam kết trung thực đến khác người. Chúng tôi tranh luận nhiệt tình và chỉ ra những sai lầm của nhau. Chúng tôi khích lệ và tạo nguồn cảm hứng cho nhau, thay vì làm bẽ mặt hay chê cười nhau. Và chúng tôi yêu cầu mọi người phải có trách nhiệm, để đảm bảo chúng tôi giữ đúng định hướng mục tiêu. Chúng tôi học hỏi và chia sẻ cho nhau trong một môi trường an toàn, cho phép chúng tôi chấp nhận rủi ro để trưởng thành hơn.

Không có gì là không thể nói ra trong nhóm tôi. Vì thế dĩ nhiên tôi trông đợi họ sẽ cho tôi lời khuyên nên làm gì trong trường hợp này. Đúng vậy, tôi sẵn sàng đến hỏi CEO của công ty liệu tôi có nên ra đi và nhận công việc mới không. Nhóm chúng tôi là như vậy đấy.

Khi chúng tôi cùng ngồi lại với nhau trong sảnh khách sạn tối hôm sau – một cái sảnh mang phong cách thuộc địa của Anh với những chiếc ghế bành bằng da êm ái đẹp như mới lấy ra từ trong quyển catalog của Ralph Lauren – tôi kể cho họ nghe về bản fax tối hôm trước. Mặc dù tình cảm chúng tôi rất gắn bó và khung cảnh lúc đó rất ấm cúng, tôi nhận thấy cũng không dễ dàng gì trình bày vấn đề. Tôi cố gắng giữ lại thời khắc này cho đến tận hôm nay mỗi khi có một nhân viên nào trong công ty tư vấn Ferrazzi Greenlight của tôi đến nói với tôi rằng anh ấy hay cô ấy phải ra đi nắm bắt những cơ hội mới. Tôi cố gắng nghĩ rằng điều này thể hiện một sự tốt nghiệp, chứ không phải mất mát, giống như khi đồng nghiệp tài năng Gavin McKay ra đi để theo đuổi ước mơ thành lập một chuỗi phòng tập thể dục sáng tạo của riêng mình. Anh ấy là người “tốt nghiệp” đầu tiên của Ferrazzi Greenlight.

Điều tôi cần được nghe từ nhóm cộng sự Deloitte là tôi có thể an tâm tốt nghiệp.

Tôi biết chắc Pat sẽ rất thất vọng. Nhưng ông ấy hiểu tôi rất rõ. Ông nói: “Starwood là một nơi thích hợp để một người làm marketing trẻ tuổi có thể tạo danh tiếng”. Và những người khác cũng đồng ý. Vài ngày sau, khi máy bay đưa chúng tôi về lại New York, tôi cảm nhận có bàn tay ai đó đặt trên vai mình, đánh thức tôi dậy. Tôi cứ nghĩ là nhân viên phục vụ trên máy bay nhắc nhở mình phải đẩy lưng ghế thẳng lên. Nhưng khi mở mắt ra, tôi thấy Pat đang ngồi trên thành ghế của tôi.

“Keith,” ông nói, “có một điều tôi muốn anh nên nhớ: Đừng nhìn lại. Đây là một quyết định đúng đắn cho dù có chuyện gì xảy ra phía trước. Chỉ cần anh biết nhìn về phía trước”. Ngay lúc đó Pat không khác gì cha tôi, người vẫn luôn nhắc nhở tôi rằng “Đừng nhìn lại, con trai ạ. Điều tồi tệ nhất là cứ nhìn lại và tự hỏi, ‘Chuyện gì xảy ra nếu…?’”

Tôi không có cái ân huệ được gặp một người sếp như Pat thêm lần nữa, nhưng tôi biết có rất nhiều sếp như vậy trên thế gian này. Khi tôi gặp gỡ những nhà lãnh đạo vĩ đại như Jamie Dimon của JP Morgan Chase, Devin Wenig của Thomson Reuters Markets, Bob Iger của Disney, Todd Lachman của Mars, Mark Jordahl của nhóm quản trị tài sản tại U.S. Bancorp, hay John Pepper, cựu lãnh đạo tại Procter & Gamble, tôi nghĩ nhân viên của họ thật may mắn được làm việc với những người hiểu rõ thế nào là lãnh đạo vĩ đại. Nhưng như Pat đã nói, hãy cứ nhìn về phía trước…

Và thế là nhờ lời khuyên của những đồng nghiệp luôn ủng hộ tôi tại Deloitte, tôi đã rời bỏ họ và ra đi.

Khi viết những dòng này, tôi chợt nhận ra mình đã không mất công sức xây dựng thời điểm hạnh phúc này trong cuộc đời; mọi thứ đến với tôi rất tự nhiên. Dĩ nhiên tôi phải làm đúng thì cửa mới mở, nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ mình có thể lặp lại lần thứ hai trong đời. Theo thời gian, khi tôi thành chủ doanh nghiệp và điều hành công ty riêng của mình, những ngày làm việc tại Deloitte vẫn cứ lẩn quẩn trong đầu như một điều may mắn thoảng qua – hoàn toàn là cầu may mà thôi. Vào thời đó, tôi không thể nào diễn giải được tại sao nó lại đặc biệt đến như vậy, hay tại sao nó lại có hiệu quả; tôi chỉ biết mình cảm thấy rất phấn khích, chan chứa tình cảm và thông thái. Tôi là một cậu bé nghèo may mắn được học trong những trường danh tiếng – lúc nào cũng cảm thấy mình lạc lõng. Mặc dù tôi cảm thấy hào hứng với những công việc mới sau này, tôi vẫn ước ao được một lần nữa sống lại trong không khí hỗ trợ và chia sẻ. Một điều tôi rút ra được từ kinh nghiệm tại Deloitte là quyền năng tuyệt đối khi có một nhóm người hướng dẫn, khuyến khích, giúp tôi mở lòng và trung thực, buộc tôi phải có trách nhiệm, và cho phép tôi phát huy hết khả năng của mình. Và tôi nhận ra rằng mình muốn tìm cách tái tạo trải nghiệm này.

Giảm cân, Làm giàu, và Thay đổi thế giới

Nghe có vẻ như một nhan đề đáng ngờ của thêm một quyển sách dạng tự học, nhưng thật sự đây là cách chính xác nhất để miêu tả cuộc đời Jean Nidetch. Jean là một người nội trợ quá khổ phải nhờ bạn bè giúp đỡ để theo đuổi chế độ ăn kiêng. Kết quả cô đạt được thật đáng kinh ngạc. Nhưng làm thế nào cô đạt được kết quả này mới chính là điều làm chúng ta quan tâm tìm hiểu.

Jean bị béo phì. Cô đã bị béo phì từ bé, béo phì lúc học trung học, và mặc dù đã theo đuổi bao nhiêu chế độ ăn kiêng, vòng eo của cô vẫn cứ tiếp tục đầy lên từ những năm hai mươi rồi ba mươi tuổi. Cuối cùng với chiều cao 170 cm, cô cân nặng 97 kg, mặc áo cỡ 44, và thỏa mãn những định nghĩa khoa học về béo phì. Jean đã thử các chế độ ăn kiêng, uống các loại thuốc hứa hẹn làm giảm cân, nhưng sau đó cô lại béo lên như cũ.

Năm 1961, ở tuổi 38, cô bắt đầu theo đuổi một chế độ ăn kiêng được sự tài trợ của Sở Y Tế thành phố New York. Sau mười tuần cô giảm được 9 kg, nhưng lại mất dần động lực để tiếp tục. Cô nhận thấy rằng mình cần trò chuyện với mọi người để tìm sự hỗ trợ.

Bí quyết của cô: Nếu cô không thể lôi kéo bạn bè của mình đến văn phòng ở Manhattan để đăng ký chế độ ăn kiêng với Sở Y Tế thì cô sẽ mang “khoa học kỹ thuật” của chương trình này đến tận phòng khách của họ tại Queens. Jean và các bạn sẽ cùng nhau giảm cân. Chính từ những cuộc họp đầu tiên này đã cho ra đời tổ chức Weight Watchers, ngày nay đã được công nhận là một trong những chương trình giảm cân hiệu quả nhất thế giới. Ý tưởng của Nidetch rất đơn giản: Giảm cân đòi hỏi sự kết hợp giữa ăn kiêng và bạn bè ủng hộ. Cô tổ chức những cuộc họp hàng tuần để theo dõi cân nặng và đề ra mục tiêu nhằm thúc đẩy tinh thần trách nhiệm, đồng thời khuyến khích những người tham gia chia sẻ một cách trung thực và chân thành về những đấu tranh nội tâm, trở ngại, và chiến thắng trong cuộc chiến giảm cân.

Cuối cùng nhờ đó mà Nidetch giảm được hơn 32 kg. Cô quyết định thuê mặt bằng làm văn phòng khởi xướng các nhóm hỗ trợ trên khắp thành phố New York. Năm 1963 cô thành lập công ty, năm 1968 bán cổ phần ra công chúng và bán cho H.J. Heinz năm 1978. (Năm 1999, Weight Watchers lại một lần nữa được bán đi cho một công ty con của tập đoàn Artal Luxembourg). Vào thời điểm năm 2007, Weight Watchers International có doanh thu bán lẻ trên 4 tỉ đô la từ bản quyền và nhượng quyền, phí hội viên, chương trình thể dục, sách dạy nấu ăn, các sản phẩm thực phẩm định lượng sẵn, và một tạp chí. Nidetch về hưu năm 1984, để lại sau lưng một di sản đã cứu vớt cuộc đời của hàng triệu người trên thế giới. Dave Kirchhoff, CEO hiện tại của công ty ghi nhận: “Mặc dù khoa học kỹ thuật giúp giảm cân đã có tiến bộ theo thời gian, cốt lõi của chương trình do Jean đề xướng – sự ủng hộ và tinh thần trách nhiệm – vẫn là một đặc điểm không thay đổi”.

Trong câu chuyện này có điều gì khác thường? Jean chỉ muốn giảm cân, nhưng thông qua một vòng tròn các người bạn chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, sự trung thực và hỗ trợ, cô đã đạt được nhiều hơn những gì có thể tưởng tượng. Jean khám phá một điều mà những nhà lãnh đạo vĩ đại hay những bậc thầy thành công xuất chúng trong lịch sử đều biết: Thành công vượt bậc trong công việc hay cuộc sống là một quá trình hợp tác giữa những người đồng đẳng.

Đằng sau mọi nhà lãnh đạo vĩ đại, nền tảng của mọi câu chuyện thành công vượt bậc đều là một vòng tròn không thể thiếu bao gồm đội ngũ tư vấn đáng tin cậy, người đỡ đầu và đồng nghiệp.

Những nhóm hỗ trợ này thể hiện dưới nhiều hình thức, số lượng khác nhau, có mặt ở mọi cấp độ và trong gần như mọi khía cạnh công việc hay đời sống riêng tư, nhưng tất cả đều có chung một đặc điểm đó là mối liên kết riêng biệt giữa các thành viên mà tôi gọi là mối quan hệ cứu sinh.

Nói đơn giản, chính những mối quan hệ này tạo nên thành công khác nhau ở mỗi người. Trong quyển sách này, tôi muốn mang đến cho bạn hướng dẫn thực hành cách xây dựng mối quan hệ cứu sinh để bạn có thể thay đổi cuộc đời mình như Jean Nidetch đã làm được.

Kết nối và Đơn độc

Mười năm sau khi rời khỏi ban lãnh đạo tại Deloitte Consulting, với vị trí tại Starwood Hotels and Resort, tôi là một trong những tổng giám đốc tiếp thị trẻ nhất trong danh sách Fortune 500. Năm 2003, quyển sách đầu tay, Đừng bao giờ đi ăn một mình, đề cao quyền lực của những mối quan hệ chân thành và sự quảng đại trong cách đối xử trong công việc, được lọt vào danh sách bán chạy toàn quốc. Từ những phản hồi của độc giả và khách hàng, tôi được biết quyển sách đã giúp họ thay đổi cuộc sống theo hướng tốt đẹp hơn. Tôi cảm thấy mình dường như mới bắt đầu tìm ra mục đích sống thật sự của cuộc đời – đó là giúp đỡ mọi người hoàn thiện sự nghiệp và công ty của họ. Điều này mang nhiều ý nghĩa hơn là cố làm sao có thêm nhiều người “đặt mông lên giường”, như tôi hay nói đùa về vai trò tổng giám đốc tiếp thị tại Starwood. Không lâu sau đó tôi đã hoàn tất giấc mơ cả đời của mình bằng cách thành lập công ty tư vấn và đào tạo riêng của mình, Ferrazzi Greenlight, hay FG, như cách chúng tôi thường gọi. Người ngoài nhìn vào thấy tôi dường như đã có tất cả – thành công, tiền bạc, danh tiếng, những buổi nói chuyện với thù lao cao, hàng chồng cao ngất thư của người hâm mộ, mạng lưới công việc và xã hội phải bằng một quyển danh bạ điện thoại của một thành phố cỡ trung.

Nhìn bề mặt cuộc đời có vẻ thật tuyệt vời. Nhưng tận sâu bên dưới, mọi thứ không được như vẻ ngoài của nó. Sự thật là, xét về mục tiêu tôi đặt ra cho công ty thì công việc kinh doanh đã làm tôi thất vọng. Tôi cảm thấy quá tải và cô độc. Tôi có cảm giác như mình đang tham gia một bữa tiệc bên hồ bơi, xung quanh là bè bạn và người thân quen, nhưng thay vì tôi chuyện trò với họ, tiếp nước cho họ, thì tôi lại một mình cô độc dưới đáy hồ, đang vùng vẫy để nổi lên mặt nước, và đáng buồn nữa là không ai quan tâm đến tôi cả.

Tôi nhận ra mình đang cư xử như một giám đốc tầm thường. Quá nhiều khách hàng yêu cầu tôi phải đích thân thực hiện công việc. Mặc dù tôi đã tuyển dụng được nhiều giám đốc có năng lực để giúp tôi xây dựng FG, tôi đã không ưu tiên thời gian để huấn luyện họ làm những gì tôi đang làm, hay tự điều hành công ty mà không cần đến tôi nhúng tay trực tiếp quá nhiều. Khi các đồng nghiệp thử can thiệp và giúp tôi làm nhẹ bớt khối lượng công việc đang phủ kín người tôi, đa phần tôi cảm thấy thất vọng với kết quả họ mang lại. Giải pháp của tôi là cứ tiếp tục suy nghĩ và cố gắng giải quyết các vấn đề, thậm chí gồng gánh ngày càng nhiều hơn, và như thế lại càng khiến tôi bỏ qua việc quản lý công ty hàng ngày và dành ngày càng ít thời gian hơn để huấn luyện cho nhân viên. Tôi hầu như lúc nào cũng đi công tác, làm một CEO vắng mặt. Công ty đối với tôi không chỉ là công việc đơn thuần; nó là một sứ mệnh mà tôi tin tưởng tuyệt đối. Tôi quá tin tưởng nên không thể nới lỏng dù đáng lý ra phải thế. Vì vậy lúc nào tôi cũng chạy đua lòng vòng khắp cả nước như một thằng điên. Thế mà FG của tôi vẫn cứ mỗi ngày đi xuống vì tôi không thể làm hết tất cả mọi việc được.

Đây là một cách hành xử không hợp lý mà tự trong sâu thẳm tôi hiểu rằng rồi sẽ có lúc tôi bị trượt chân, thế nhưng tôi vẫn không tìm ra được một lối thoát nào khác. Tôi đang theo con đường xoắn ốc đi xuống.

Mọi người vẫn thường xuyên bảo rằng nguồn năng lượng của tôi có sức lan tỏa ghê gớm. Nhưng trên thực tế, động lực và tham vọng cũng chỉ có thể đưa bạn đến một mức độ nào đó mà thôi. Tôi quá bận rộn dành thời gian leo lên máy bay, gặp gỡ khách hàng mới hay khách hàng tiềm năng, diễn thuyết, vồ ngay lấy những ý tưởng mới mà tôi bắt gặp với hy vọng chúng sẽ che khuất hay giải quyết toàn bộ những vấn đề hiện tại của chúng tôi.

Không biết người ngoài nhìn vào thấy thế nào – những người đang trong bữa tiệc bên hồ bơi, nói cười và nhấm nháp thức uống trong khi tôi đang lặn ngụp trong bể nước sâu? Tôi không biết – tôi chưa bao giờ thèm hỏi đến họ. Tôi chưa bao giờ kể về những vấn đề của mình hay la lớn kêu gọi giúp đỡ. Những người tôi cần đều đã đứng sẵn chung quanh – nhưng tôi nào có nhìn thấy.

Hầu hết những người trong nhóm nhân viên của tôi đều cố gắng hết sức trong tình cảnh CEO luôn vắng mặt. Nhưng điều buồn cười lại không liên quan gì đến họ: Keith Ferrazzi, anh chàng được giới truyền thông mệnh danh là “Mr. Relationship” do thành công của quyển sách Đừng bao giờ đi ăn một mình cộng với số lượng các kết nối, lại gặp thất bại khi quản lý những mối quan hệ trong công ty riêng của anh ta.

Chúng ta rất thường xuyên có cảm giác cái gì đó không ổn trong cuộc sống của mình, nhưng chúng ta chọn cách bỏ qua trực giác và cứ tiếp tục làm theo lý trí. Tôi chỉ ước giá mà tôi có đủ can đảm để nói với những người chung quanh: “Các anh ạ, tôi cần được giúp đỡ. Tôi sắp chìm rồi”.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button