Kinh doanh - đầu tư

Lương Văn Can – Xây Dựng Đạo Kinh Doanh Cho Người Việt

Xay dung dao kinh doanh cho nguoi Viet1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK 

Tác giả : Nguyễn Hồng Dung

Download sách Lương Văn Can – Xây Dựng Đạo Kinh Doanh Cho Người Việt ebook PDF/PRC/EPUB/MOBI. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : SÁCH KINH DOANH – ĐẦU TƯ

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời nói đầu

Những năm 1920, khi đặt bút viết những dòng đầu tiên của Thương học phương châm, cuốn sách giáo khoa đầu tiên của thương giới Việt, cụ Lương Văn Can đã chia sẻ: “Bây giờ phong khí mở rộng, hoàn cầu đi lại như một nhà, đường bộ thì có hỏa xa, đường thủy thì có hỏa thuyền, không trung thì có tàu bay, lại thêm điện báo để thông thư tín, điện thoại để thông âm ngữ, tin tức đã mau, vận tải rất tiện, người mà thông buôn bán thì làm giàu rất tiện…”. Cách chúng ta ngót thế kỷ, nhưng cụ cử Can đã nhìn thấy một không khí hội nhập hừng hực của Việt Nam với thế giới.

Trong buổi đầu khai sinh, người Việt chập chững trên con đường kinh thương, có biết bao nhiêu khó khăn: lớp doanh nhân mới hình thành chưa từng trải qua một trường lớp kinh tế nào, vừa kinh doanh vừa phải chống đỡ với tư bản nước ngoài. Thế nhưng, chúng ta đã từng có một thế hệ các doanh nhân đầu tiên rất thành công trên thương trường, lại có tinh thần dân tộc kiên cường – dùng buôn bán như một công cụ để thể hiện lòng yêu nước. Đó là một Bạch Thái Bưởi “không đội trời chung” với tư bản Pháp, một Nguyễn Sơn Hà từ người làm thuê đã tự đứng ra gây dựng một hãng sơn riêng trở thành đối thủ đáng gờm của tư bản Pháp… Điều đó có được là nhờ họ vừa kinh doanh vừa tự học hỏi để đổi mới mình, lại vừa có trong lòng một niềm tự tôn dân tộc – kinh doanh để góp phần phụng sự tổ quốc.

Để góp phần vào việc hình thành nên một thế hệ nhà buôn đầu tiên của Việt Nam, chúng ta không thể không nhắc tới một cuộc đổi mới sâu rộng trong xã hội vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Rất nhiều nhà nho đã vứt bút lông đổi sang bút sắt, cùng hiệp lực gióng lên hồi trống Duy tân, đem những văn minh từ nước ngoài vào với mong muốn thay đổi tận gốc rễ xã hội. Nghề buôn vốn bị triều đình phong kiến xem thường thì nay các nhà nho đã cổ súy, hô hào mọi người tham gia vào việc buôn bán. Bản thân họ cũng không ít người từ bỏ quan trường để làm những nhà buôn, như một tấm gương sáng cho thương giới.

***

Một trong những tên tuổi đã góp công sức không nhỏ vào sự hình thành và phát triển của nghề kinh doanh trong buổi đầu trứng nước đó là Lương Văn Can. Hậu thế nhắc tới cụ như nhắc tới một chí sĩ yêu nước, một nhà giáo dục lớn cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, với những đóng góp rất qu‎ý báu cho phong trào Duy tân qua việc mở trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Ngoài ra, cụ còn là một nhà nho tham gia vào việc kinh doanh buôn bán và dùng số tiền kiếm được để đóng góp cho phong trào giải phóng dân tộc. Xuất thân là một nho học, từng đỗ đạt dưới triều Nguyễn, song cụ đã tự học hỏi, tự đổi mới mình để thoát khỏi thế hệ nhà nho đương thời – môt thế hệ nhà nho phi thực tế – trở thành những người có tư tưởng tiến bộ và sau đó đã đem những kiến thức mới đó phổ cập cho công chúng.

Trong giai đoạn đầu hình thành và phát triển thương giới Việt, Lương Văn Can được coi như một người thầy khi cụ đã dồn tâm sức nghiên cứu và viết sách dạy buôn bán. Bên cạnh đó, với những kiến thức và kinh nghiệm có được từ thương trường, cụ đã đúc kết những chân l‎í – môt cái Đạo cho giới kinh doanh. Cả cuộc đời cụ là sự minh chứng cho Đạo kinh doanh mà cụ đã gây dựng cho thương giới: kinh doanh là phụng sự tổ quốc, hay nói xa hơn, kinh doanh là phụng sự xã hội.

Ngày nay, khi bước vào một thế giới toàn cầu hóa sâu rộng, nhìn lại thế hệ doanh nhân đi trước, hậu sinh có thể tự hào rằng doanh nhân Việt đã từng có một thời đầy oanh liệt. Họ không chỉ là những tấm gương, mà còn là cái Gốc.

Các doanh nhân trong thời đại mới khi nhìn lại con đường đi của danh sĩ họ Lương vẫn nhìn thấy được trong đó những bài học lớn: bài học về ‎việc không ngừng học tập để lĩnh hội kiến thức, bài học về sự nhanh nhạy trong kinh thương và một điều không kém phần quan trọng là hãy cùng ngẫm nghĩ về cái Đạo kinh doanh mà cụ Lương đã để lại cho thương giới cách đây gần một thế kỷ.

ĐỌC THỬ

 I. Sụp đổ hình ảnh đấng quân vương hay sự vỡ mộng của chủ nghĩa yêu nước cũ

Phát súng đại bác đầu tiên của Pháp nổ ra ở đảo Sơn Trà – Đà Nẵng vào ngày 1.9.1858 đã mở màn cho một cuộc chiến chống ngoại xâm mới. Một cuộc chiến không cân sức: một bên là đất nước Việt Nam dưới triều Nguyễn lạc hậu, trì trệ, một bên là Pháp, kẻ thù từ phương Tây đến, với tàu chiến và súng ống, mạnh hơn cả trăm lần. Sức mạnh của khí giới đã làm cho chính quyền nhà Nguyễn núng thế.

Đất nước dần dần rơi vào tay giặc trong sự chống cự quyết liệt của phái chủ chiến và sự bất lực cúi đầu của phe chủ hòa trong triều đình nhà Nguyễn. Quân Pháp với hạm đội hùng mạnh, vũ khí tối tân dù chỉ vấp phải một vài lần chạm trán với quân của triều đình, song họ lại phải hao tổn nhiều khi đối mặt với sự kháng cự của những người dân yêu nước. Kẻ thù xâm lược Pháp đã từng kinh ngạc trước sức mạnh mà chúng không hề ngờ tới của nhân dân Việt Nam, đó là sức mạnh của lòng yêu nước. Trong một báo cáo gửi về bản quốc, có đoạn đã viết rằng: “Việt Nam là một quốc gia kiên cường gắn bó với lịch sử riêng, thể chế riêng của mình;… trong các thế kỷ trước, Việt Nam không bao giờ chịu khuất phục trước quân xâm lược, họ biết đợi thời cơ… Tình trạng của chúng ta (Pháp) rất đỗi khủng khiếp vì chúng ta phải đương đầu với một dân tộc thống nhất và tình cảm dân tộc của họ không phải đã bị suy yếu”.

Quân Pháp sẽ không thể dễ dàng đặt chân xuống mảnh đất Việt Nam như vậy, nếu thời đó nước Việt may mắn có một chính quyền mạnh hơn về kinh tế, quân sự và không quá bạc nhược về tư tưởng. Chỉ sau vài lần quân lính triều đình chính thức chạm trán với quân Pháp, thì vua quan nhà Nguyễn đa số đã quyết định nghiêng về lý kiến chủ hòa. Sử sách hậu thế đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực để lên án sự bạc nhược của triều đình Huế, một chính quyền vốn từ lâu đã rất lạc hậu, trì trệ. Thậm chí, trong hiệp ước Hòa bình và Hữu nghị mà Tự Đức ký với Pháp ngày 5.6.1862, ngoài việc nhường 3 tỉnh Nam Kỳ và bồi thường chiến phí cho Pháp trong 10 năm, mỗi năm 288 nghìn lượng bạc thì nhà Nguyễn phải truy lùng, bắt giữ vào giao nộp cho quân Pháp tất cả những “phiến quân” chống lại lực lượng của Pháp trên đất Việt. Thực hiện hòa ước này, triều Nguyễn đã cấm việc chiêu mộ binh sĩ, triệu hồi các tướng lĩnh đang nắm binh quyền trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Điều đó đã gây một cú sốc cho toàn dân chúng, như giội một gáo nước lạnh vào ngọn lửa căm hờn hừng hực cháy trong tim mỗi người dân Việt.

Và, một lần nữa, người Pháp thấy được sức mạnh tinh thần yêu nước của dân tộc Việt Nam: dù triều đình ráo riết đàn áp những cuộc khởi nghĩa thì khắp nơi nhân dân nổi dậy, đi theo các nghĩa đảng chống Pháp. Nhiều tướng lĩnh đã bất phục tùng chiếu chỉ, quyết bám sơn địa, cùng sống chết với nhân dân. Họ chiến đấu tới hơi thở cuối cùng chứ không chịu quy hàng.

Trong khi đó, tình hình đất nước ngập chìm trong những bi kịch đến từ giặc ngoại xâm và cả những chính sách bóc lột của chính quyền cũ. Vừa đàn áp các phong trào yêu nước và vừa để có tiền trả nợ cho kẻ thù, triều Nguyễn chỉ còn cách xiết chặt gọng kìm bóc lột đối với nhân dân. Những chính sách thuế khóa mới ban ra vô cùng bất công, hà khắc, cốt để “tận thu” tiền của trong dân.

– Đầu tiên là tăng thuế ruộng đất: liên tục điều chỉnh tăng thuế ruộng để tận thu, có thời điểm thuế ruộng đất tăng gấp 3 lần.

– Cho phép người dân bỏ tiền ra mua phẩm hàm và để giảm tội.

– Thu gom vàng bạc trong thiên hạ. Những đồ dùng bằng bạc, bằng vàng bị đem trưng thu để lấy tiền bồi thường cho Pháp. Thời gian đó, dân chúng ở nhiều nơi đau xót và hoang mang khi chứng kiến cảnh không ít pho tượng phật qúy giá đã bị quân lính triều đình tịch thu từ trong các ngôi chùa đem nấu chảy để lấy vàng trả nợ chiến phí.

– Bãi bỏ lệnh cấm hút thuốc phiện để chuyển sang đánh thuế thuốc phiện vào 2.1865. Sử sách ghi lại một con số như vết nhơ đầy cay đắng của bộ máy chính quyền nhà Nguyễn: nhờ “khuyến khích” dân chúng hút thuốc phiện mà triều đình Huế đã thu được 382.200 quan tiền thuế thuốc phiện trong vòng 10 tháng. Đó là chưa kể thực dân Pháp cũng vơ vét được từ sắc lệnh này 450.000 quan nhờ tiền thuế. Những con số đó phần nào cho chúng ta hình dung cảnh một đất nước tan hoang dưới những tác động tiêu cực của tệ nạn nghiện hút.

– Bán đất công tràn lan. Triều đình Nguyễn bán ruộng đất công để thu tiền chi phí cho quân nhu, hàng vạn mẫu đất công đã bị bán đi, làm cho tình trạng tư hữu ruộng đất có sự chênh lệch quá lớn giữa địa chủ và các dân thường.

Các chính sách “giật gấu vá vai” của triều đình Nguyễn càng làm cho tình cảnh đất nước ngày một khốn đốn. Lĩnh vực phát triển kinh tế không được quan tâm, thiên tai liên tục giáng xuống đầu dân chúng và cảnh vỡ đê, lụt lội, mất mùa, cảnh người chết vì thiên tai diễn ra khắp nơi. Sự bất công trong xã hội là một trong những nguyên nhân đẩy cho khoảng cách giàu nghèo càng ngày càng lớn. Có một số những vị quan có cái nhìn sáng suốt, đã đề xuất nhiều ý tưởng cải cách với mong muốn vực đất nước đi lên từ đống đổ nát. Song những ý tưởng đó đã bị bỏ sang một bên bởi chính những đầu óc lạc hậu, trì trệ của triều đình Huế.

Trong khi cuộc kháng chiến chống Pháp được nhân dân hưởng ứng tại nhiều nơi trên cả nước – tuy rất manh mún và lẻ tẻ vì không có một đấng minh quân đủ tiếng nói đứng lên tập hợp dân chúng dưới một ngọn cờ chung – thì triều đình Huế từng bước một ký các hiệp ước trao dần đất đai cho Pháp. Ngày 6.6.1884, một bản hiệp ước giữa Pháp và nhà Nguyễn, đã công nhận sự “bảo hộ” hoàn toàn của Pháp đối với nước An Nam. Người Pháp xoa tay thở phào vì đã “bình định” xong mảnh đất hình chữ S – một cuộc chinh phục thuộc địa đầy chông gai mà đã có lúc họ tưởng như đã lâm vào tình thế không lối thoát. Một cảnh tượng đã làm sụp đổ hoàn toàn hình ảnh về đấng vương quân trong trái tim của hàng triệu người yêu nước mà từ trước tới nay họ vẫn bấu víu niềm tin vào chế độ vương quyền: “Sau khi ký xong hiệu ước 6.6.1884, cũng trong ngày đó, triều đình Huế đã phải đem cái ấn bạc của vua Thanh cho vua nhà Nguyễn trước kia đến sứ quán Pháp ở Huế để phá đúc thành khối bạc, trước măt đại diện của Pháp.”[1] [1]Chính quyền thuộc địa ở Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám 1945 – NXB Khoa Học Xã Hội

Hình ảnh trên đây đã làm tiêu vong nốt niềm tin ít ỏi còn sót lại của những chí sĩ yêu nước vào đấng quân vương của họ. Vua quan nhà Nguyễn đã trở thành một thứ công cụ trong tay người Pháp. Từ nay, sẽ không còn có thể dựa vào một hình tượng minh quân để phất lên lá cờ đấu tranh giành độc lập như các vị lãnh tụ nghĩa quân vẫn từng làm trong lịch sử.

Quả thực, sau sự kiện đó, triều đình nhà Nguyễn chỉ còn là một cái bóng lay lắt bên cạnh “nhà bảo hộ” Pháp. Với chiêu bài “bảo hộ, khai hóa”, người Pháp thản nhiên áp đặt những chính sách về chính trị, kinh tế lên toàn cõi Đông Dương, cốt sao vơ vét được tối đa của cải, tài nguyên từ các xứ thuộc địa này chất lên tàu mang về “chính quốc”. Tất cả những sự đầu tư của Pháp vào Việt Nam cũng đều không ngoài mục đích ấy. Vài con số sau có thể thấy điều đó: Người Pháp chỉ ở Việt Nam 1% dân số mà nắm giữ trong tay 20% diện tích ruộng đất. Nước Việt thời kỳ đó mỗi năm xuất khẩu hơn 1 triệu tấn gạo song chính người nông dân làm ra thóc gạo xuất khẩu lại bị đói. Thuế má ngày càng nặng nề, các chính sách thuế luôn luôn thay đổi, sức nặng của nó đã đẩy một bộ phận dân chúng vào tình cảnh bần cùng hóa. Và để dễ trị, thì cần phải làm cho xứ thuộc địa kiệt quệ về văn hóa. Đó là lý do vì sao bên cạnh việc mở mang giao thông, phát triển khai mỏ… thì Pháp vẫn phớt lờ chuyện đầu tư cho giáo dục, chỉ mở một số trường kiểu Pháp để đào tạo nhân lực dùng vào việc phục vụ cho bộ máy cai trị. Do đó, đại đa số dân chúng rơi vào tình trạng thất học…

Các chí sĩ yêu nước vẫn đặt niềm tin vào sức mạnh và sự thiêng liêng của ngai vàng, thì nay họ nhận ra kẻ được gọi là vua kia đã từ lâu không còn giá trị. Trong giai đoạn Pháp chiếm đóng dần từng bước cho tới khi “bình định” được hoàn toàn Việt Nam, những đề xướng phát triển kinh tế văn hóa theo xu hướng cải cách của một số nhà cải cách đầy tâm huyết với đất nước được đặt lên bàn của vua Tự Đức, song hầu như những sáng kiến đó không có cơ hội để thực thi. Những trí thức yêu nước đã tỉnh ra rằng: họ không còn có thể tiếp tục đấu tranh dưới một ngọn cờ cũ để mong giành lại độc lập cho dân tộc. Phải có một con đường mới. Một lối đi mới cho toàn dân tộc.

Vậy con đường ấy là gì? Ai sẽ đưa dân tộc Việt thoát khỏi cảnh lầm than? Không ai khác đó là tầng lớp sĩ phu, những người có học thức nhất và được nể trọng nhất trong xã hội đã giơ vai ra gánh vác lấy trọng trách ấy.

Những phong trào đấu tranh giành độc lập từ 1903-1908 chuyển sang một bước ngoặt mới. Trong thời kỳ này đã khắc ghi tên tuổi của nhà yêu nước như Phan Châu Trinh và Phan Bội Châu. Xuất thân là những nhà nho nhưng trước những biến động dữ dội của tình hình trong nước và trên thế giới, đã nhanh chóng đón nhận những tư tưởng mới từ phương Tây, tự thay đổi nhãn quan và nỗ lực tìm một con đường đi mới cho cả dân tộc. Tầng lớp trí thức mới này đã nhìn thấy nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự mất nước: chúng ta đã thua phương Tây cả một thời đại, không chỉ về kinh tế, khoa học kỹ thuật mà còn cả trong lĩnh vực văn hóa. Nếu như những cuộc đối đầu với ngoại xâm trước kia, dẫu có khó khăn và chênh lệch lực lượng đến đâu thì chúng ta cũng chiến thắng, bởi kẻ thù lớn thường trực của Việt Nam trước kia là Trung Quốc, thì vẫn là cuộc chiến giữa hai nước hệ tư tưởng phong kiến phương đông. Nay, để đánh được kẻ thù quá mạnh, vượt qua dân tộc ta cả hàng thế kỷ về sự phát triển, chúng ta không thể chiến đấu bằng cách cũ. Trước hết, tự bản thân cả dân tộc phải thay đổi, bắt kịp sự phát triển chung của nhân loại. Sự thay đổi trong tư duy, trong nhận thức sẽ cho chúng ta sự thay đổi trong hành động.

Để một xã hội thay đổi, tiến kịp nền văn minh chung của thế giới, công cụ số một là giáo dục quốc dân – đó là điều mà các nhà tiền bối đã kịp nhận ra trong một bối cảnh đất nước đầy chông gai.

Công cuộc khai trí canh tân do Phan Châu Trinh phát động đã tạo một làn sóng mới tại quê hương ông – một con đường đấu tranh công khai, hợp pháp với những khẩu hiệu “Ỷ Pháp cầu tiến bộ”, “Duy tân tự cường”, với khát vọng nhanh chóng đưa dân tộc vươn lên ngang tầm thời đại. Từ đây, phong trào duy tân đã lan khắp đất nước, hòa với phong trào Đông du của Phan Bội Châu – với chủ trương chống Pháp bằng vũ lực, có dựa vào sức mạnh của nước láng giềng là Nhật Bản. Những phong trào hồi đó đã lan rộng khắp cả nước, để lại một dấu son trong lịch sử, giúp nhân dân thức tỉnh, ý thức được thân phận nô lệ lầm than, nung nấu tinh thần chống giặc ngoại xâm – một tiền đề quan trọng cho cuộc khởi nghĩa vĩ đại tháng 8.1945.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button