Kinh doanh - đầu tư

Tư Duy Nhanh Và Chậm

tu duy nhanh va cham1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả :  Daniel Kehlmann

Download sách Tư Duy Nhanh Và Chậm ebook PDF/PRC/EPUB/MOBI. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : KINH DOANH – ĐẦU TƯ

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                     

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.


Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời giới thiệu

Nguyễn Văn Tuấn
– Giáo sư y khoa, Viện nghiên cứu y khoa
và Đại học New South Wales, Sydney, Australia.

Bạn đọc đang cầm trên tay một cuốn sách hay. Hay từ nội dung, hàm lượng thông tin học thuật, đến văn phong. Nếu có một tác phẩm nào giúp cho chúng ta – bạn và tôi – hiểu hơn về chính mình, thì đây là một tác phẩm như thế. Bằng một văn phong đơn giản, trong sáng và có khi dí dỏm, Giáo sư Daniel Kahneman dẫn dắt bạn qua hàng loạt thí nghiệm tâm lý xã hội mà ông và đồng nghiệp đã thực hiện trong suốt bốn thập niên qua. Kết quả của những thí nghiệm được đúc kết trong quyển sách này. Những kết quả thí nghiệm đó sẽ thách thức suy nghĩ của bạn, đồng thời cung cấp những kiến thức uyên bác để bạn có thể hiểu về hành vi của mình và của những người xung quanh. Cái hay của quyển sách không chỉ là hàm lượng tri thức học thuật mà còn mang tính giải trí. Đọc đến chương cuối cùng và gấp quyển sách lại, bạn đọc sẽ cảm thấy tiếc nuối rằng tại sao mình không biết những thông tin này sớm hơn!

Nói đến sách mà không đề cập đến tác giả là một thiếu sót lớn. Tác giả Daniel Kahneman là giáo sư tâm lý học thuộc Đại học Princeton. Ông được xem là một nhà tâm lý học vĩ đại nhất trên thế giới còn sống. Ông là người gốc Do Thái, tốt nghiệp tâm lý học từ Đại học Jerusalem (1954), và phục vụ trong quân đội Do Thái như một chuyên gia tâm lý. Năm 1958 ông sang Mỹ học và tốt nghiệp tiến sĩ tâm lý học ở Đại học California, Berkeley (1958). Cùng với người đồng nghiệp thân thiết là Giáo sư Amos Tversky (Đại học Stanford), ông đã thực hiện hàng loạt thí nghiệm tâm lý và có nhiều phát hiện rất quan trọng về hành vi con người. Nhờ những công trình đột phá đó, năm 2002, ông được trao giải thưởng Nobel về kinh tế vì những phát kiến về lý thuyết viễn cảnh (Prospect Theory). Giáo sư Tversky không may mắn qua đời vào năm 1996, nên không có “duyên” với giải Nobel mà đáng lẽ ra ông đã cùng Kahneman chia sẻ. Có thể nói không ngoa rằng cuốn sách bạn đang cầm trên tay là một đúc kết những nghiên cứu đẳng cấp Nobel.

Người viết bài này “làm quen” với những công trình nghiên cứu của Kahneman và Tversky từ đầu thập niên 2000. Lúc đó, tôi mới bắt đầu một dự án nghiên cứu về nguy cơ gãy xương theo nguyên lý cá nhân hoá điều trị (personalized medicine). Vấn đề được đặt ra là truyền đạt thông tin về nguy cơ đến bệnh nhân như thế nào để có hiệu quả nhất, và tại sao dù có nhiều thuốc điều trị loãng xương rất có hiệu quả và an toàn, nhưng bệnh nhân không chịu dùng thuốc. Những thí nghiệm cực kỳ sáng tạo và lý thú của Kahneman và Tversky đã soi sáng và cung cấp cho tôi rất nhiều câu trả lời. Đọc những gì Kahneman viết, tôi thấy hình như ông biết rất nhiều về tôi! Do đó, khi cuốn sách được ấn hành, tôi đã viết bài điểm sách trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn vào tháng 11 năm 2012, và nay tôi rất hân hạnh giới thiệu cuốn sách này đến bạn đọc.

Cuốn sách có tựa đề là Tư duy nhanh và chậm (Thinking, fast and slow). Tuy là sách dành cho đại chúng, nhưng trong đó tác giả thuật lại những nghiên cứu tâm lý và xã hội học được thiết kế một cách thông minh và kết quả làm cho bạn phải suy nghĩ lại chính mình. Chẳng hạn như chúng ta vẫn tưởng rằng con người vốn đầy lý trí, quyết định có suy tính cẩn thận, nhưng Daniel Kahneman và Amos Tversky đã chứng minh trong cuộc sống hàng ngày và cả đời sống kinh tế, chúng ta thường quyết định một cách thiếu nhất quán, cảm tính, và chủ quan. Kahneman chứng minh rằng chúng ta tệ hơn những gì chúng ta tưởng: đó là chúng ta không biết những gì chúng ta không biết!

Trong tác phẩm Tư duy nhanh và chậm, Kahneman mô tả hai cách thức (hay nói đúng hơn là hai hệ thống) mà não chúng ta vận hành. Ông gọi đó là Hệ thống 1 và Hệ thống 2. Hệ thống 1, còn gọi là cơ chế nghĩ nhanh, tự động, thường xuyên được sử dụng, cảm tính, rập khuôn, và tiềm thức. Hệ thống 2, còn gọi là cơ chế nghĩ chậm, đòi hỏi nỗ lực, ít được sử dụng, dùng logic, có tính toán, và ý thức. Trong một loạt thí nghiệm tâm lý, Kahneman và Tversky chứng minh rằng con người chúng ta thường đi đến quyết định theo cơ chế nghĩ nhanh hơn là nghĩ chậm. Phần lớn nội dung của cuốn sách là để chỉ ra những sai lầm trong hệ thống 1.

Suy nghĩ nhanh, theo cách nói ví von của người Việt chúng ta, là trông mặt mà bắt hình dong. Tức là một cơ chế suy nghĩ dựa vào những tín hiệu sơ khởi, thay vì tính toán cẩn thận và suy đoán dựa vào logic. Có thể liên tưởng về cơ chế nghĩ nhanh qua vài ví dụ cụ thể. Khi lái xe gắn máy đến một ngã tư, chúng ta có khi chỉ cần nhìn vào ánh mắt người lái xe đối diện để quyết định có băng qua đường hay không. Hoặc trước thông tin rằng tỷ lệ mắc bệnh ung thư ở vùng nông thôn cao hơn vùng thành thị, chúng ta có thể nghĩ ngay rằng vì dịch vụ y tế ở vùng nông thôn kém hơn vùng thành thị. Nhưng nếu có thông tin cho rằng tỷ lệ mắc bệnh ung thư vùng nông thôn thấp hơn vùng thành thị, có lẽ chúng ta nghĩ rằng cư dân nông thôn không sống trong môi trường ô nhiễm như cư dân thành thị, nên cư dân nông thôn có nguy cơ ung thư thấp hơn thành thị. Việc người dân di tản khỏi khu vực Sông Tranh II có lẽ là một quyết định theo cơ chế nghĩ nhanh. Chính cơ chế suy nghĩ nhanh này giúp cho con người tồn tại qua hàng triệu năm, dù trong thực tế cũng sai lầm rất nhiều.

Những sai lầm trong cơ chế 1 được “chứng minh” qua hàng loạt thí nghiệm rất nổi tiếng. Có lẽ thí nghiệm nổi tiếng nhất là Vấn đề Linda. Trong thí nghiệm này, các đối tượng tham gia nghiên cứu được cung cấp thông tin về một phụ nữ (hư cấu) tên là Linda, 31 tuổi, độc thân, tính tình thẳng thắn, rất thông minh, và thời còn là sinh viên triết ở đại học cô thường hay quan tâm đến những vấn đề kỳ thị chủng tộc và bất bình đẳng xã hội. Những người tham gia nghiên cứu được hỏi rằng Linda là:

(a) một nhân viên phục vụ khách hàng ở ngân hàng (bank teller);

hay

(b) là một bank teller và đấu tranh cho nữ quyền (feminist).

Phần lớn (85%) người tham gia nghiên cứu chọn câu trả lời (b) là khả năng cao nhất. Nhưng câu trả lời đó vi phạm quy luật xác suất! Kahneman và Tversky gọi sai lầm này là nghịch lý liên hợp (Conjunction fallacy).

Trong một thí nghiệm khác, Kahneman và Tversky tiến hành với một nhóm bác sĩ có kinh nghiệm trên 15 năm về một vấn đề rất đơn giản như sau. Trong một cộng đồng có 1% nữ bị bệnh ung thư. Các nhà khoa học có một phương pháp xét nghiệm rất chính xác để phát hiện ung thư. Với phương pháp này đối với những người mắc bệnh, xét nghiệm sẽ cho ra kết quả dương tính 95%; đối với những người không mắc bệnh, xét nghiệm sẽ cho ra kết quả âm tính 80%. Nếu một phụ nữ trong cộng đồng đó đi xét nghiệm và có kết quả dương tính, khả năng mà người phụ nữ đó mắc bệnh ung thư là bao nhiêu? Đại đa số các bác sĩ cho rằng khả năng mắc bệnh là 90%. Nhưng câu trả lời đó sai. Sai là vì bác sĩ (hay chúng ta nói chung) lẫn lộn giữa xác suất mắc bệnh nếu kết quả dương tính với xác suất có kết quả dương tính nếu cá nhân mắc bệnh. Kahneman gọi đây là nghịch lý tỷ suất nền, và hệ quả là nhiều bệnh nhân bị chẩn đoán sai, vì bác sĩ dùng cơ chế suy nghĩ nhanh.

Trong một thí nghiệm nổi tiếng, Kahneman và Tversky cho các đối tượng chọn một trong hai bao thư. Bao thư thứ nhất có chắc chắn 200 đô-la; và bao thư thứ hai đòi hỏi đối tượng phải tung một đồng xu, nếu mặt sấp xuất hiện thì được 400 đô-la, mặt ngửa thì không có đồng nào. Kết quả cho thấy phần lớn đối tượng tham gia nghiên cứu lựa chọn bao thư thứ nhất (dù hai lựa chọn này thật ra có giá trị kỳ vọng y chang nhau)! Kết quả này cho thấy chúng ta thích sự chắc chắn. Xu hướng này dẫn Kahneman và Tversky phát triển lý thuyết viễn cảnh, và là một công trình được trao giải Nobel Kinh tế năm 2002.

Một thí nghiệm cực kỳ độc đáo cho thấy chúng ta rất dễ bị chi phối bởi con số lớn. Đối tượng nghiên cứu được đưa cho 2 lựa chọn: (a) với phẫu thuật A, 90% sống sót; (b) với phẫu thuật B, 10% tử vong. Phần lớn đối tượng chọn phẫu thuật A. Một thí nghiệm tương tự, mà theo đó một nhóm đối tượng được cho biết rằng xác suất mà họ mắc bệnh là 1 trên 10, một nhóm khác được cho biết xác suất mắc bệnh là 100 trên 1000. Kết quả cho thấy nhóm thứ hai có xu hướng chấp nhận điều trị hơn nhóm thứ nhất, dù nguy cơ mắc bệnh của hai nhóm y chang nhau! Kahneman và Tversky gọi đó là hiệu ứng khung (framing effect).

Chúng ta thường đánh giá vấn đề qua việc tham khảo kinh nghiệm nổi bật vào thời điểm gần nhất, chứ không phải xem xét đến toàn bộ quá trình theo thời gian. Viết đến đây tôi chợt nhớ đến một nhận xét của Nhạc sĩ Đức Huy rằng người ca sĩ có thể bắt đầu bài hát không đạt, nhưng khi đoạn cuối bài hát được diễn tả thành công thì khán giả sẽ xem đó là một trình diễn thành công. Kahneman xem đây là điểm mà chúng ta rất giống… chuột.

Nếu một nhà khoa học rất giỏi về một lĩnh vực nào đó (như được trao giải Nobel y học), người ta thường giả định rằng nhà khoa học đó cũng am hiểu tất cả những vấn đề khác, dù bản thân nhà khoa học không nghĩ vậy. Điều này giải thích tại sao khi cần tranh thủ vận động một vấn đề xã hội nào đó, người ta thường tìm đến những ngôi sao điện ảnh, khoa học, thể thao,… Kahneman gọi đó là hiệu ứng hào quang (halo effect) cũng là một cơ chế suy nghĩ theo hệ thống 1.

Cuốn sách hay công trình nghiên cứu của Kahneman có nhiều ý nghĩa cho các nhà hoạch định chính sách. Bài học là khi ra chính sách hay những quy định có ảnh hưởng đến nhiều người trong cộng đồng, cần phải vận dụng chứng cứ một cách cẩn thận, chứ không nên cảm tính và bồng bột (theo hệ thống suy nghĩ nhanh) vì dễ dẫn đến sai lầm. Chúng ta còn nhớ vụ cấm buôn bán mắm tôm chỉ vì niềm tin rằng nhiều bệnh nhân tả từng ăn mắm tôm trước đó, và kết luận rằng mắm tôm là nguyên nhân gây dịch tả. Có thể xem đó là một suy nghĩ theo hệ thống 1.

Không chỉ có ý nghĩa cho các nhà hoạch định chính sách, cuốn sách còn có ích cho những người hành pháp. Ý nghĩa từ những hiệu ứng Linda, hiệu ứng khung, nghịch lý tỉ suất nền,… là không thể và không nên trông mặt mà bắt hình dong, hay chỉ dựa vào tín hiệu bề ngoài mà đi đến kết án hay kì thị một cá nhân. Có trường hợp người ta lí giải rằng 60% những ca tội phạm thiếu niên xuất phát từ những gia đình ly dị hay đổ vỡ, và đi đến kết luận rằng ly dị là một nguyên nhân hay nguồn gốc của tội phạm thiếu niên. Nhưng kết luận đó không logic và rất có thể sai. Đó cũng là một nguỵ biện rất phổ biến (prosecutor fallacy). Ngụy biện xảy ra là vì người ta lười suy nghĩ, và vì lười biếng suy nghĩ nên người ta chỉ sử dụng hệ thống 1 (mà không sử dụng hệ thống 2).

Ngày nay, ra nhà sách, chúng ta dễ dàng thấy khá nhiều sách về hành vi con người. Nhiều sách hay với những ví dụ rất sống động kèm theo những thí nghiệm được xem là tiên phong, rồi lý giải đòi thay đổi chính sách, luật pháp, và cách kinh doanh. Nhưng cuốn Tư duy nhanh và chậm thì khác, vì đây là cuốn sách chỉ tập trung vào khoa học, với những trải nghiệm cá nhân của tác giả. Mục tiêu của cuốn sách, như Kahneman viết, là “làm giàu ngữ vựng cho mọi người” khi đi đến một quyết định trong cuộc sống. Tác giả còn viết rằng ông kỳ vọng cuốn sách sẽ giúp ích cho độc giả trong những câu chuyện phiếm và trao đổi – hay nói theo Nguyễn Du là mua vui cũng được một vài trống canh. Tôi nghĩ tác giả đã vượt ra mục tiêu khiêm tốn đó. Đây là cuốn sách mà bất kỳ ai đọc cũng sẽ thấy hào hứng ngay từ chương đầu, và kết thúc với sự sảng khoái, làm cho chúng ta hiểu về chính mình nhiều hơn. Một cuốn sách như thế nên được có mặt trên giá sách của những ai quan tâm đến hành vi và kinh tế.

Xin trân trọng giới thiệu!

ĐỌC THỬ

Chương 1 Những nét tính cách

Để có thể khám phá trí óc của bạn khi nó vận hành ở chế độ tự động ra sao, xin mời liếc mắt nhìn xuống bức hình dưới đây.

Kinh nghiệm của bạn khi nhìn vào khuôn mặt của người phụ nữ này dựa trên sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa quan sát và tư duy trực giác. Rất nhanh và rất rõ ràng, vừa thoạt nhìn bạn đã nhận ra người phụ nữ này có mái tóc tối màu và cô ta đang rất giận dữ. Hơn thế nữa, những gì quan sát còn được bạn liên tưởng đến tương lai. Bạn cảm nhận rằng người phụ nữ này sắp sửa “phun ra” những lời độc địa với rất nhiều khả năng là bằng một chất giọng lảnh lót đến xuyên thấu màng nhĩ người nghe. Linh cảm về hành động tiếp theo của người phụ nữ này xuất hiện trong trí óc của bạn một cách tự động mà chẳng cần tiêu tốn một chút nỗ lực nào để cảm nhận được nó. Bạn tuyệt nhiên không có chủ ý thấu hiểu tâm trạng của cô ta, cũng như không hề cố gắng dự đoán những gì mà cô ta sẽ làm; phản ứng của bạn đối với hình ảnh này hoàn toàn không mang lại cảm giác như bạn vừa thực hiện một hành động nào đó. Chỉ đơn giản là nó đã diễn ra một cách vô thức như thế trong trí óc của bạn. Đó chính là một ví dụ điển hình để có thể hiểu được về cơ chế tư duy nhanh.

Giờ thì bạn hãy xem xét vấn đề tiếp theo:

17 x 24

Ngay lập tức, bạn biết đây là một phép tính nhân của toán học, có thể bạn có bút chì và giấy, hoặc không có gì đi chăng nữa thì bạn cũng thừa khả năng để giải được phép tính này. Trong trí óc của bạn cũng xuất hiện một vài phán đoán lờ mờ của trực giác về một dải những đáp án gần đúng cho phép tính nhân này. Có thể rất nhanh bạn nhận thấy cả hai đáp án 12.609 hay 123 đều không đúng. Tuy vậy, nếu không dành thời gian ngồi tính toán, có thể bạn cũng không dám chắc 568 cũng không phải là một đáp án đúng. Một đáp án đúng đã không xuất hiện trong đầu óc bạn và bạn cảm thấy tốt hơn hết là mình nên lựa chọn chiếc máy tính để làm phép tính nhân này. Nếu bạn vẫn không muốn nhờ đến chiếc máy tính ấy, thì giờ bạn thử cố ngồi tính phép tính nhân này xem nào.

Bạn đã trải nghiệm tiến trình tư duy chậm khi các công đoạn như trên tuần tự diễn ra trong đầu. Đầu tiên, bạn cố gắng khôi phục trí nhớ của mình và lập trình lại chương trình nhận thức liên quan đến phép nhân mà bạn đã được học khi ngồi trên ghế nhà trường, sau đó bạn thử áp dụng nó vào phép nhân này. Hành động lôi máy tính ra là một khuynh hướng của quá trình khôi phục trí nhớ. Bạn cảm thấy khó khăn khi phải huy động quá nhiều dữ liệu trong bộ nhớ, trong khi đó bạn vẫn cần giữ cân bằng để nhận thức xem mình đang ở đâu và sẽ đi đâu, trong khi vẫn phải chú tâm tới việc tìm ngay ra đáp án. Đây chính là tiến trình hoạt động của trí não, đó là: Cân nhắc, nỗ lực, tuần tự và là một bản mẫu của tư duy chậm. Cái máy tính không phải là sự kiện duy nhất nhảy ra trong đầu óc của bạn, thậm chí ngay cả cơ thể bạn cũng tham gia vào tiến trình tư duy này. Các cơ của bạn gồng lên; huyết áp tăng cao và nhịp tim đập nhanh hơn. Nếu có ai đó nhìn sâu vào mắt bạn trong khi bạn đang xử lý vấn đề này, họ sẽ thấy đồng tử của bạn giãn ra. Đôi đồng tử đó sẽ trở lại trạng thái bình thường ngay sau khi bạn tìm ra đáp án (nhân tiện, cho bạn biết đáp án đúng là 408) hoặc ngay khi bạn từ bỏ phép toán này.

HAI HỆ THỐNG

Vài thập kỷ trở lại đây, các nhà tâm lý học đã dành rất nhiều công sức để nghiên cứu về hai hình thức thức tư duy của con người, thông qua ví dụ về bức hình một người phụ nữ giận dữ và ví dụ về một phép tính nhân mà họ đã gán cho chúng rất nhiều dấu hiệu. Tôi tiếp thu những thuật ngữ vốn được hai nhà tâm lý học Keith Stanovich và Richard West đề xuất và sẽ đưa chúng vào hai hệ thống tư duy là Hệ thống 1 và Hệ thống 2.

  • Hệ thống 1 hoạt động theo cơ chế tự động và mau lẹ, với rất ít hoặc hầu như không cần cố gắng và không tự động kiểm soát.
  • Hệ thống 2 huy động sự chú ý đến những hoạt động tư duy đòi hỏi sự nỗ lực, bao gồm những phép tính phức tạp. Cơ chế hoạt động của Hệ thống 2 thường gắn với những kinh nghiệm chủ quan, sự lựa chọn và tập trung của chủ thể.

Thuật ngữ Hệ thống 1 và Hệ thống 2 đã được sử dụng rộng rãi trong ngành Tâm lý học nhưng trong cuốn sách này, tôi sẽ tiếp tục đào sâu vấn đề này, bạn đọc có thể đọc sách như xem một vở kịch tâm lý với hai nhân vật chính là hai hệ thống này.

Khi nghĩ về bản thân, chúng ta thường nhận ra mình gần với Hệ thống 2, là một con người ý thức và duy lý, có đức tin, luôn suy nghĩ chín chắn trong từng hành động khi phải đưa ra những quyết định và lựa chọn. Hệ thống 2 luôn nghĩ rằng nó chính là nguồn gốc của hành động, tuy nhiên, Hệ thống tự động 1 mới là “người hùng” của vở kịch tâm lý này. Tôi mô tả Hệ thống 1 như là những ấn tượng và cảm xúc thụ động ban đầu là nguồn gốc chính hình thành những niềm tin và lựa chọn cẩn trọng của Hệ thống 2. Cơ chế tự động của Hệ thống 1 hình thành lên những ý tưởng với những khía cạnh phức tạp đáng kinh ngạc nhưng Hệ thống 2 chậm chạp mới có khả năng cấu trúc lại những suy nghĩ đó tuần tự theo từng bước. Tôi cũng mô tả những tình huống mà Hệ thống 2 giành quyền kiểm soát, thắng thế và tự do thúc đẩy, liên kết với Hệ thống 1. Bạn đọc cũng sẽ thử suy nghĩ về hai hệ thống như những nhân vật với những khả năng, hạn chế và những chức năng riêng biệt.

Chính bởi sự phức tạp đó, xin giới thiệu một số ví dụ về những hoạt động tự động làm nên Hệ thống 1:

  • Phát hiện ra một đồ vật nằm xa hơn so với các đồ vật khác.
  • Định hướng nơi phát ra một âm thanh lạ.
  • Hoàn thành câu “bánh mì và…”
  • Nhăn mặt khi xem một bức ảnh gớm ghiếc.
  • Nhận ra sự thù nghịch trong một giọng nói.
  • Trả lời câu hỏi 2 + 2 = ?
  • Đọc chữ trên những tấm biển hiệu lớn.
  • Lái xe trên một con đường vắng.
  • Đi một nước cờ đỉnh cao (nếu bạn là một kỳ thủ lão luyện).
  • Hiểu nghĩa những câu đơn giản.
  • Nhận ra cụm từ “một người nhu mì và gọn ghẽ,” ám chỉ người thuộc loại nghề nghiệp nào.

Tất cả những hiện tượng trí não này đi kèm với hình ảnh người phụ nữ giận dữ, đều diễn ra một cách tự động và không đòi hỏi phải nỗ lực. Khả năng Hệ thống 1 còn bao gồm cả những kỹ năng bẩm sinh của loài người cũng như của các loài động vật khác. Chúng ta sinh ra đều được chuẩn bị để nhận thức về thế giới xung quanh, nhận biết các đồ vật, định hướng sự chú ý, lảng tránh sự mất mát và khiếp sợ những con nhện chân đầy lông. Những hoạt động trí não khác trở nên nhanh và tự động nhờ việc chúng thường xuyên được luyện tập. Hệ thống 1 còn học cách liên kết các ý tưởng (ví dụ: “Thủ đô của nước Pháp là gì?”), nó cũng học được những kỹ năng như đọc và hiểu những sắc thái khác nhau trong những tình huống xã hội khác nhau. Một vài kỹ năng như tìm ra những nước cờ “độc” chỉ có thể có ở những kỳ thủ cao cường. Những kỹ năng chơi cờ cơ bản còn lại thì ai cũng có thể có cả. Khả năng phát hiện một sự tương đồng với một khuôn mẫu nghề nghiệp đòi hỏi sự hiểu biết rộng rãi về ngôn ngữ, văn hóa và may mắn là hầu hết chúng ta cũng đều có những khả năng này. Tri thức được lưu trữ trong bộ nhớ và chúng ta truy cập vào nó mà không cần huy động sự cố gắng cũng như phải có sự tập trung cao độ.

Một vài hoạt động trí não trong danh sách trên diễn ra một cách hoàn toàn tự động không cần bất cứ sự tập trung nào. Bạn không thể ngăn việc mình có thể hiểu những câu nói đơn giản bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình hay nhận ra âm thanh lạ bất chợt xuất hiện phát ra từ nơi nào, cũng như bạn không thể ngăn cản bản thân biết được phép cộng 2 + 2 = 4 hay nghĩ đến Paris khi có ai đó nhắc đến thủ đô của nước Pháp. Những hoạt động khác, ví dụ như nhai kẹo cao su dễ bị quy là hành động có chủ ý của chúng ta nhưng thông thường đây lại là hành động theo hướng tự động. Việc kiểm soát sự tập trung, chủ động bị chi phối bởi hai hệ thống. Định hướng nơi phát ra âm thanh thông thường là thao tác không chủ ý của Hệ thống 1, nhưng ngay sau đó lập tức dịch chuyển thành sự tập trung có chủ đích của Hệ thống 2. Có thể bạn sẽ chủ ý ngăn cản mình hướng sự tập trung về phía âm thanh ầm ĩ phát ra hoặc một lời nhận xét ác ý trong một bữa tiệc đông người, nhưng dù cho bạn không quay đầu lại, thì sự chú ý của bạn ngay từ đầu đã bị hướng về phía đó, ít nhất là trong chốc lát. Tuy nhiên, bạn có thể chuyển hướng sự chú ý khỏi một mục tiêu không mong muốn, trước hết là bằng việc bạn sẽ hướng sự tập trung của mình sang một mục tiêu khác.

Các hoạt động của Hệ thống 2 rất đa dạng nhưng chúng có một điểm chung: Chúng đều đòi hỏi sự chú ý và sẽ kết thúc khi bạn không còn tập trung nữa. Dưới đây là vài hoạt động thuộc cơ chế hoạt động của Hệ thống 2:

  • Dỏng tai lên đợi tiếng súng ra hiệu bắt đầu một cuộc đua.
  • Tập trung chú ý vào những chú hề trên sân khấu xiếc.
  • Tập trung để lắng nghe tiếng nói của một người nhất định trong một căn phòng đông đúc và ồn ào.
  • Tìm kiếm một phụ nữ tóc bạc.
  • Lục trong trí nhớ tên của một ca khúc được truyền tải bởi một giọng hát hay rất cuốn hút.
  • Duy trì tốc độ đi bộ nhanh hơn tốc độ đi bộ bình thường của bạn.
  • Điều chỉnh hành vi ứng xử sao cho phù hợp với tình huống xã hội cụ thể.
  • Đếm số lần xuất hiện của chữ cái a trong một trang dày đặc chữ.
  • Cho ai đó biết số điện thoại của bạn.
  • Đậu xe trong một ô hẹp (dành cho hầu hết mọi người trừ nhân viên gara).
  • So sánh hai chiếc máy giặt dựa trên giá trị sử dụng của chúng.
  • Điền bảng kê khai thuế.
  • Kiểm tra tính hợp lý của một lập luận logic phức tạp.

Trong tất cả những tình huống trên, bạn buộc phải tập trung chú ý và hiệu quả thường kém, thậm chí là tệ hại nếu bạn không sẵn sàng hoặc sự chú ý của bạn bị chuyển hướng sang các chủ đề không thích hợp. Hệ thống 2 có khả năng thay đổi cách thức hoạt động của Hệ thống 1, bằng cách lập trình tự động những chức năng chú ý và ghi nhớ thông thường. Ví dụ, trong khi đang chờ đợi một người họ hàng ở một nhà ga đông đúc, bạn có xu hướng chỉ nhìn vào những người phụ nữ tóc bạc hoặc những người đàn ông rậm râu, đó là cách nâng cao khả năng phát hiện được người bạn đang chờ đón từ khoảng cách xa. Bạn cũng có thể hướng bộ nhớ của mình tìm kiếm tên của những thủ đô bắt đầu bằng chữ cái N hoặc tên của những cuốn tiểu thuyết hiện thực của Pháp. Và khi bạn thuê một chiếc xe hơi của sân bay Heathrow ở London, người lái xe có thể nhắc bạn nhớ rằng: “Ở̉ đây chúng tôi lái xe bên phía trái đường.” Trong tất cả những tình huống ấy, bạn được yêu cầu làm một điều gì đó khác so với cách thông thường mà bạn vẫn hay làm và bạn sẽ nhận thấy rằng sự cố gắng duy trì hàng loạt những yêu cầu như vậy đòi hỏi bạn phải nỗ lực hơn bình thường.

Cụm từ hay được sử dụng “tập trung chú ý” là để chỉ một năng lượng: Bạn phải sử dụng sự chú ý tạm thời của bản thân, đổi lại bạn có thể phán đoán được các hoạt động và nếu bạn cố gắng sử dụng vượt quá khả năng chú ý của mình, bạn sẽ thất bại. Đó chính là dấu hiệu của những hoạt động đòi hỏi sự chú ý mà chúng có sự tương tác qua lại lẫn nhau, đó là lý do vì sao bạn rất khó hoặc không thể xử lý vài vấn đề phức tạp diễn ra cùng một lúc. Bạn không thể vừa tính nhẩm phép nhân 17 x 24 trong lúc cố rẽ trái khi đang lái xe trên một con đường đông người qua lại, thực tế là bạn cũng không nên thử. Bạn có thể làm vài việc cùng một lúc nhưng chỉ là những việc đơn giản và không bị thúc ép. Có thể sẽ vẫn an toàn khi bạn góp chuyện vài câu với hành khách khi đang lái xe trên một đoạn cao tốc vắng và rất nhiều bậc phụ huynh thú nhận với đôi chút hối lỗi rằng họ có thể vừa đọc truyện cho con nghe vừa nghĩ đến một vấn đề khác.

Tất cả mọi người đều được cảnh báo về khả năng tập trung sự chú ý tạm thời, xét về hành vi xã hội, khả năng của chúng ta tương thích với những giới hạn này. Ví dụ, khi một người tài xế đang lái xe vượt một chiếc xe tải trên một đoạn đường hẹp, những hành khách nhạy cảm nhận ra và lập tức ngừng trò chuyện. Họ hiểu rằng làm phân tán sự chú ý của tài xế vào lúc này không phải là việc làm đúng đắn và đồng thời mong rằng bác tài xế tạm thời không nghe thấy những gì họ nói.

Tập trung cao độ vào một nhiệm vụ có thể khiến người ta tạm thời thực sự đui mù, ngay cả với những tác nhân mà bình thường vẫn thu hút được sự chú ý của họ. Bằng chứng gây kinh ngạc nhất đã được Christopher và Daniel Simons chỉ ra trong cuốn sách The Invisible Gorilla (Tạm dịch: Chú khỉ đột vô hình) của mình. Họ tiến hành sản xuất một đoạn phim ngắn về trận đấu của hai đội bóng chày, một đội mặc áo trắng và một đội mặc áo đen. Sau đó, yêu cầu người xem đếm số vận động viên mặc áo trắng mà không cần để ý đến những vận động viên mặc áo đen đang đi lại trên sân thi đấu. Nhiệm vụ này rất khó khăn và cực kỳ cuốn hút. Đến giữa đoạn phim, một người phụ nữ mang trên mình bộ đồ của một con khỉ đột xuất hiện, chạy ngang qua sân vận động, vừa đi vừa đấm thùm thụp vào ngực. Người phụ nữ mặc bộ đồ khỉ đột xuất hiện trong vòng 9 giây. Hàng ngàn người xem đoạn phim và khoảng một nửa trong số đó không hề phát hiện ra điều gì bất thường. Nhiệm vụ đếm và đặc biệt là yêu cầu đếm các cầu thủ của một đội và phớt lờ các cầu thủ đội còn lại đã tạo ra sự mù quáng tạm thời. Không một ai không bị gắn vào nhiệm vụ kia khi xem đoạn phim mà không phát hiện ra người phụ nữ mặc bộ đồ con khỉ đột. Nhìn và định hướng là những chức năng tự động của Hệ thống 1 nhưng chúng bị phụ thuộc vào sự định vị của một số sự chú ý đối với các kích thích có liên quan. Các tác giả nhấn mạnh rằng quan sát có giá trị nhất trong nghiên cứu của mình đó là ai cũng nhận thấy kết quả này thực sự đáng kinh ngạc. Thực tế thì tất cả những người không nhìn thấy người phụ nữ mặc bộ đồ khỉ đột lúc đầu đều chắc chắn là không hề có người phụ nữ mặc bộ đồ khỉ đột nào hết, họ không thể tưởng tượng nổi rằng, mình đã bỏ qua một sự kiện độc đáo đến vậy. Nghiên cứu “Chú khỉ đột vô hình” đã minh họa cho hai thực tế quan trọng về đầu óc của chúng ta: Chúng ta có thể mù trước sự thật hiển nhiên và chúng ta cũng mù trước sự mù quáng của chính bản thân mình.

TÓM TẮT DÀN Ý:

Sự tương tác của hai hệ thống là chủ đề lặp đi lặp lại trong cuốn sách này và thực hiện một bản tóm tắt về nó là một yêu cầu cần thiết. Trong câu chuyện mà tôi sẽ kể tới đây, Hệ thống 1 và Hệ thống 2 đều được kích hoạt mỗi khi chúng ta thức dậy. Hệ thống 1 hoạt động tự động và Hệ thống 2 thì thường hoạt động ở chế độ thoải mái không đòi hỏi nhiều nỗ lực. Hệ thống 1 liên tục phát đi những tín hiệu gợi ý cho Hệ thống 2 như là: Ấn tượng, trực giác, sự chú ý và cảm xúc. Nếu chúng được Hệ thống 2 xác nhận, ấn tượng và trực giác sẽ chuyển thành niềm tin và thúc đẩy chúng trở thành những hành động tự động. Khi mọi thứ hoạt động nhuần nhuyễn, vốn thường ăn ý trong hầu hết thời gian, Hệ thống 2 sẽ tiếp nhận sự gợi ý của Hệ thống 1 mà rất ít thay đổi hoặc không thay đổi gì. Thông thường bạn tin tưởng vào những ấn tượng của mình và hành động theo ý thích, điều đó thường là tốt. Khi Hệ thống 1 gặp một tình huống khó khăn, nó sẽ gọi Hệ thống 2 ra hỗ trợ thực hiện những tiến trình chi tiết và đặc thù hơn để có thể xử lý các vấn đề tại thời điểm đó. Hệ thống 2 sẽ được huy động khi nảy sinh một vấn đề mà Hệ thống 1 không thể đưa ra được lời giải đáp, đó có thể là tình huống khó khăn khi bạn phải trả lời 17 x 24 bằng bao nhiêu ngay lập tức. Hoặc khi ngạc nhiên trước điều gì đó, bạn cũng sẽ nhận ra sự xuất hiện một cảm giác của chú ý tiềm thức. Hệ thống 2 được kích hoạt khi một sự kiện bị phát hiện và đe dọa đến hình mẫu thế giới mà Hệ thống 1 đã duy trì. Trong thế giới mà Hệ thống 1 đã quy ước đó, đèn bàn không nhảy nhót và chó không sủa, cũng như khỉ đột không chạy qua chạy lại ở sân bóng chày. Thí nghiệm “Chú khỉ đột vô hình” chứng minh rằng một vài sự chú ý là điều cần thiết để phát hiện ra những tương tác gây kinh ngạc. Sau đó, sự kinh ngạc kích hoạt và định hướng đến sự chú ý của bạn; bạn sẽ tập trung, rồi bạn sẽ lục tìm trong ký ức một câu chuyện sao cho thích hợp để lý giải cho sự kiện gây kinh ngạc ấy. Hệ thống 2 cũng đồng thời ghi nhận sự định hướng tiếp diễn trong hành vi của chính bạn, như là sự kiểm soát giúp bạn giữ lịch sự khi đang giận dữ và cảnh báo khi bạn đang lái xe trong đêm tối.

Hệ thống 2 được huy động để tăng cường sự cố gắng khi nó phát hiện ra một lỗi sai có thể xảy ra. Hãy nhớ lúc bạn bất ngờ buột miệng thốt ra một lời nhận xét ác ý và nhớ xem bạn đã phải cố gắng nhường nào để khôi phục lại sự kiểm soát của bản thân. Tóm lại là, hầu hết những gì bạn (tức Hệ thống 2 của bạn), nghĩ và làm đều có nguồn gốc từ Hệ thống 1 nhưng Hệ thống 2 nhận trách nhiệm xử lý khi mọi việc trở nên khó khăn và nó thường chịu trách nhiệm ra quyết định cuối cùng.

Sự phân công lao động giữa Hệ thống 1 và Hệ thống 2 cực kỳ hiệu quả: Nó giảm thiểu tối đa sự nỗ lực của chúng ta và điều chỉnh kết quả theo cách mà chúng ta muốn. Sự sắp xếp hoạt động hiệu quả trong hầu hết thời gian bởi vì Hệ thống 1 thực hiện tốt vai trò của mình: Các mô hình về các tình huống quen thuộc của nó rất chính xác, những dự báo ngắn hạn và những phản ứng ban đầu rất mau lẹ của nó trước các thách thức cũng thường chuẩn xác và thường thích đáng. Tuy vậy, Hệ thống 1 có sự sai lệch với những lỗi sai hệ thống có thiên hướng nảy sinh trong những tình huống đặc thù. Chúng ta có thể thấy, đôi khi có những câu trả lời lại dễ hiểu hơn là câu hỏi và bởi vì câu hỏi thể hiện sự không logic và thống kê. Một hạn chế nữa của Hệ thống 1 là nó không thể bị gián đoạn. Nếu trước mắt bạn xuất hiện một bảng hiệu được viết thứ tiếng mà bạn biết, bạn sẽ dễ dàng đọc nó, trừ khi sự chú ý của bạn khi ấy hoàn toàn tập trung vào chỗ khác.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button