Kinh doanh - đầu tư

Ác Mộng Đại Khủng Hoảng 1929

Ac mong dai khung hoang 1929 - John K. Galbraith1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : John Kenneth Galbraith

Download sách Ác Mộng Đại Khủng Hoảng 1929 ebook PDF/PRC/EPUB/MOBI. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : SÁCH KINH DOANH – ĐẦU TƯ

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

LỜI GIỚI THIỆU

Quan điểm của những năm 1990

Ác mộng đại khủng hoảng 1929 được xuất bản lần đầu năm 1955 và cho đến nay liên tục được tái bản. Điều làm nên sự thành công này chính là sự bền bỉ của cuốn sách. Mỗi lần cuốn sách chuẩn bị rời nhà in để đến các hiệu sách, thì một đợt đầu cơ, một bong bóng hay một rủi ro nào đó lại khơi dậy sự quan tâm của công chúng đến lịch sử của những hiện tượng này: câu chuyện bùng nổ và suy thoái của thời hiện đại, nguyên nhân dẫn đến những cuộc khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử.

Một trong những đợt khủng hoảng như thế đã xảy ra ngay khi cuốn sách vừa rời khỏi nhà in. Mùa xuân năm 1955, thị trường chứng khoán chứng kiến một đợt bùng nổ nhỏ. Và, tôi được mời đến Washington làm chứng về những cuộc khủng hoảng trước đây trong cuộc điều trần của Thượng nghị viện. Tuy nhiên, khi tôi đang làm nhiệm vụ của mình, thị trường chứng khoán đột ngột trượt giá. Rất nhiều người, đặc biệt là những nhân vật lão làng đã đổ lỗi cho tôi về sự sụp đổ này. Thư đe dọa tới tấp gửi về, thậm chí một kẻ cuồng tín còn nói sẽ cầu cho tôi ốm đau bệnh tật mà chết sớm. Vài ngày sau khi ra làm chứng, tôi đi trượt tuyết ở Vermont và bị gãy chân. Các báo đều nhắc tới sự kiện này. Vô số thư lại được gửi tới nói rằng lời cầu nguyện đã linh nghiệm. Ít nhất, tôi đã đóng góp một điều gì đó cho tôn giáo. Trong không khí của thời đại, thậm chí một thượng nghị sĩ của Indiana tên là Homer E. Capehart còn tuyên bố, vụ việc này có bàn tay của một đảng viên cộng sản bí mật.

Đó mới chỉ là sự bắt đầu. Sự điên rồ của các quỹ huy động vốn từ nước ngoài những năm 1970, cú sụt giảm lớn của thị trường vào năm 1987, những cuộc khủng hoảng ít bi kịch hơn, tất cả đều hướng sự chú ý của mọi người về năm 1929 khiến cuốn sách được tái bản liên tục. Và năm 1997 này là một lần nữa.

Khi tôi đang viết những dòng này, chúng ta đang trải qua một thời kỳ mà nạn đầu cơ dấy lên mạnh mẽ. Bất cứ ai không lạc quan đến mức ngây ngô đều dễ dàng nhận ra điều này. Hiện giờ, dòng tiền chảy vào thị trường chứng khoán đã vượt quá khả năng quản lý nó. Số lượng quỹ tương hỗ đã cao hơn rất nhiều so với số người có đủ kiến thức tài chính và lịch sử để kiểm soát chúng. Tôi không dự đoán bởi dự đoán luôn bị lãng quên, chỉ có sai lầm là được nhớ rõ. Nhưng ở đây có một quá trình cơ bản đang tái diễn. Nó xảy ra khi giá cả, dù là giá chứng khoán, giá địa ốc, giá một tác phẩm nghệ thuật hay bất kỳ một loại hàng hóa nào khác, tăng cao. Giá tăng thu hút sự chú ý của người mua, gây ra những tác động sâu hơn. Kỳ vọng vì thế được biện minh bởi hành động đẩy giá lên. Quá trình này tiếp diễn, sự lạc quan tin tưởng vào tác động của nó đối với thị trường trở thành các lệnh giao dịch trong ngày. Giá cả, vì thế, ngày một leo thang. Sau đó, vì những lý do mà người ta sẽ không ngừng tranh cãi, cái kết ập đến. Quá trình trượt dốc lúc nào cũng đột ngột hơn quá trình tăng giá, giống như một quả bóng bị châm kim, nó sẽ xẹp xuống rất nhanh.

Xin được nhắc lại, tôi không dự đoán, tôi chỉ quan sát thấy hiện tượng này đã lặp lại rất nhiều lần kể từ năm 1637, khi các nhà đầu cơ Hà Lan coi củ hoa tulíp là con đường thần tiên dẫn tới thịnh vượng(1); năm 1720, khi John Law(2) mang sự giàu sang giả hiệu và sau đó là nghèo đói đột ngột tới Paris bằng các cuộc tìm kiếm vàng (thứ vàng mà cho tới tận ngày nay người ta vẫn không thể phát hiện ra ở Louisiana). Trong những năm này, khủng hoảng Bong bóng biển Nam (South Sea Bubble)(3) cũng phá hủy nền tài chính Anh quốc.

Càng về sau, tần suất lặp lại các sự kiện này càng lớn! Trong suốt thế kỷ XIX, cứ 20 hoặc 30 năm, nước Mỹ lại chứng kiến một đợt đầu cơ. Điều này đã trở thành truyền thống, bởi các thuộc địa, cả Nam và Bắc, đều đã phải trả giá đắt cho những chính sách tài chính không mang lại sự hỗ trợ hữu hình nào. Họ đã làm rất tốt cho tới khi nhận ra chẳng có gì tốt đẹp xảy ra. Cuộc cách mạng phải trả giá bằng sự trượt giá của tiền Lục địa (Continental notes)(4), khiến câu nói “không đáng một đồng tiền Lục địa” trở thành bất hủ. Trong những năm sau cuộc chiến tranh 18121814, một đợt bùng nổ địa ốc lớn đã diễn ra. Năm 1830, nạn đầu cơ hoành hành trong các dự án đầu tư kênh rạch và xa lộ, hay còn được gọi là các dự án nâng cấp các công trình công cộng. Cùng với nó, tiền ngân hàng không được bất cứ thứ gì có giá trị bảo đảm và gần như bất kỳ ai cũng có khả năng phát hành. Đến năm 1837, tình trạng này mới kết thúc. Vào những năm 1850, một đợt bùng nổ và suy thoái nữa lại xảy đến, và trong những năm đó, một ngân hàng ở New England – vùng đất có tiếng là thận trọng bậc nhất nước Mỹ – đã phá sản. Lượng tiền giấy lưu hành của ngân hàng này trị giá 500.000 đôla nhưng tài sản để bảo đảm cho nó chỉ có giá trị vẻn vẹn 86,48 đôla.

Sau Nội chiến là đến thời kỳ ngành đường sắt ở Mỹ phát triển mạnh mẽ và cuộc khủng hoảng đặc biệt nghiêm trọng vào năm 1873. Một thời kỳ bùng nổ nữa cũng kết thúc đầy kịch tính như thế vào năm 1907, nhưng các ngân hàng lớn của New York lần này đã phần nào hạn chế được thiệt hại. Trước đó, một số lượng quỹ đáng kể của Anh đã thâm nhập vào thị trường Mỹ, tiếp sức cho nạn đầu cơ ở nước này, nhưng đáng chú ý là nó chỉ xảy ra trong ngành đường sắt. Các quỹ của Anh cũng đầu tư xuống cả vùng Nam Mỹ và Bong bóng South Sea lúc này đã hoàn toàn chìm vào quên lãng. Ngân hàng tiếng tăm Baring Brothers khi đó phải nhờ đến Ngân hàng Anh quốc mới thoát khỏi nguy cơ phá sản do các khoản vay của Argentina. Đây là một chi tiết đến nay vẫn còn thú vị, bởi vào những năm 1990, một chi nhánh nhỏ của Barings ở Singapore có dính líu tới một vụ lũng đoạn thị trường lớn. Lần này, không có sự giải thoát nào hết, vì lợi ích chung cho cộng đồng, Barings đã biến mất.

Nếu quả thật nền kinh tế hiện đang xuống dốc – hay ngày đền tội sắp đến, thì chúng ta có thể nhìn thấy trước một số điều. Theo ước tính, có khoảng 1/4 dân số Mỹ, trực tiếp hoặc gián tiếp, chơi chứng khoán. Nếu khủng hoảng kinh tế diễn ra, người dân sẽ phải hạn chế tiêu dùng, đặc biệt là đối với những hàng hóa lâu bền, do đó, gây sức ép đối với các khoản nợ lớn trên thẻ tín dụng của họ. Kết quả sẽ là những tác động tiêu cực lên nền kinh tế. Có thể nó sẽ không ghê gớm như hậu quả của cuộc Đại khủng hoảng năm 1929; khi đó, các ngân hàng rất yếu và không có bảo hiểm ký gửi; thị trường cho hàng hóa nông phẩm là thị trường quan trọng, nhưng lại đặc biệt dễ bị tổn thương; các hiệu ứng hỗ trợ từ quỹ hỗ trợ thất nghiệp, trợ cấp phúc lợi và an sinh xã hội không tồn tại. Ngày nay, mọi thứ đều đã tốt đẹp hơn. Nhưng suy thoái vẫn có thể xảy ra, đó là điều bình thường. Chắc chắn, sẽ có những lời trấn an thường thấy từ Washington. Bất cứ khi nào thị trường lâm nguy, những lời này sẽ được nhắc đi nhắc lại: “Tình hình kinh tế về cơ bản là ổn định” hoặc đơn giản là “Các yếu tố kinh tế cơ bản vẫn bền vững”. Nếu những lời này lại được nói ra, chúng ta nên hiểu là tai họa đang đến.

Một lần nữa, tôi nhắc lại, tôi không dự đoán mà chỉ dựng lại câu chuyện quá khứ. Tôi xin đưa ra lời cuối cùng cho cuốn sách này. Cuốn sách được xuất bản từ mùa xuân năm 1955 cho những độc giả ”kén sách”, biết thưởng thức. Nó được vinh danh trong danh sách những cuốn sách bán chạy nhất, và tôi thật sự hài lòng khi nhìn vào cửa kính các hiệu sách. Tuy nhiên, trong những chuyến bay thường xuyên tới New York, tôi rất buồn khi không thấy bóng dáng cuốn sách của mình trong hiệu sách nhỏ ở sân bay La Guardia. Một buổi tối, tôi quyết định dừng lại và ngó nghiêng các giá sách. Cuối cùng, cô nhân viên quầy sách cũng để ý tới tôi và hỏi tôi đang tìm cuốn sách gì. Hơi xấu hổ, tôi nói tên tác giả và cho biết thêm đó là cuốn sách có tên The Great Crash. “Đó không phải thứ sách có thể bán tại sân bay”, cô nhân viên trả lời chắc nịch(5).

Chú thích

(1)Khủng hoảng Hoa tulíp diễn ra trong những năm 1634-1637 ở Hà Lan. Đặc trưng mới lạ của loài hoa này làm rất nhiều người tìm kiếm để mua, do đó giá cũng đắt dần lên và hình thành hiện tượng đầu cơ (khi đến đỉnh điểm, một củ hoa tulíp có thể đổi được một căn nhà). Nhưng khi bong bóng đầu cơ vỡ, giá sụt thê thảm và rất nhiều người bị phá sản.

(2)John Law (1671-1729): bị coi là tội đồ tài năng của nước Pháp. Ông là một lý thuyết gia về tài chính tiền tệ, một trong những tác giả đầu tiên của đồng tiền giấy, và đồng thời là một nhà đầu cơ quy mô và liều lĩnh hiếm thấy. Ông không chỉ là người sáng lập ra ngân hàng tư nhân đầu tiên có quyền phát hành ra tiền giấy mà còn sáng lập ra Công ty Occident, một công ty thương mại có quyền quản lý và khai thác tài nguyên của vùng hạ lưu sông Mississipi (bang Louisiana ngày nay của Mỹ). Law đã thuyết phục người dân Pháp tin rằng ở vùng đất này có rất nhiều vàng và phát minh ra cái gọi là “cổ phiếu nhân dân” để huy động vốn cho việc khai thác vàng ở Louisiana – ND.

(3)Cuộc khủng hoảng bong bóng biển Nam mang tên Công ty biển Nam (South Sea Company) của Anh xảy ra năm 1720 khi giá cổ phiếu công ty này giảm từ đỉnh với giả giao dịch 1.000 Bảng Anh (một mức giá rất cao vào hồi đó) xuống mức vô giá trị do nạn đầu cơ. Đây là một trong những vụ tồi tệ nhất lịch sử kinh tế nước Anh ND.

(4) Tiền Lục địa (Continental notes hoặc Continental Currency) là loại tiền giấy được phát hành bởi Quốc hội Lục địa (Continental Congress), sau cuộc Cách mạng Mỹ (1775 – 1783). Loại tiền này được gọi theo tên của đồng đôla, có mệnh giá từ 1/6 đôla đến 80 đôla. Do không nhận được sự ủng hộ và dễ bị giả mạo nên tiền Lục địa nhanh chóng mất giá – ND.

(5)Trong tiếng Anh, từ “crash” không chỉ được dùng để chỉ các vụ khủng hoảng kinh tế mà còn chỉ các vụ tai nạn máy bay. Trong trường hợp này, cô nhân viên quầy sách đã lầm tưởng cuốn sách The Great Crash nói về một vụ tai nạn máy bay thảm khốc. Vì vậy cô mới nói, ở sân bay không bán loại sách đó -ND.

ĐỌC THỬ

CHƯƠNG I

“Viễn cảnh, hy vọng và sự lạc quan vô bờ bến”

Ngày 4 tháng 12 năm 1928, Tổng thống Mỹ Coolidge(7) triệu tập Quốc hội để đưa ra tuyên bố cuối cùng về tình hình đất nước. Ngay cả những thành viên quốc hội bi quan nhất hẳn cũng thấy vững tin trước những lời có cánh của ông. “Chưa từng có cuộc họp quốc hội nào bàn về tình hình đất nước lại diễn ra với viễn cảnh tươi sáng như thời điểm hiện nay. Trong nước, người dân sống yên ổn và hạnh phúc… Đây thật sự là đỉnh cao của những năm tháng thịnh vượng. Bên ngoài nước Mỹ, thế giới sống trong hòa bình và thiện chí nhờ hiểu biết lẫn nhau…” Coolidge khẳng định với các nhà lập pháp rằng họ và nước Mỹ có thể “bằng lòng với hiện tại và lạc quan hướng tới tương lai”. Và trái với thông lệ chính trị từ bao đời nay, ông không nhận công về chính phủ của mình: “Nguồn cội của những phước lành vô tiền khoáng hậu này chính là sự chính trực và tính cách của người Mỹ.”

Tất cả các thế hệ sử gia luôn chỉ trích sự lạc quan tới mức thiển cận của Coolidge bởi nó khiến ông không nhìn thấy được cơn bão lớn đang hình thành trong nước và xa hơn nữa là từ bên ngoài. Nhận định đó hết sức bất công. Để tiên đoán tai họa, người ta không cần đến sự dũng cảm hay tài tiên tri. Để tuyên bố mọi chuyện tốt đẹp mới cần đến sự can đảm. Các nhà sử học hoan hỉ buộc tội nhà tiên tri sai lầm của thiên niên kỷ, nhưng họ chẳng bao giờ đào sâu vào lỗi lầm của người tiên đoán sai ngày tận thế.

Coolidge quả thật đã vẽ ra một thế giới màu hồng. Đúng như giới cực đoan theo trường phái tự do khăng khăng cho rằng cái giàu đến với người giàu nhanh hơn cái nghèo rũ bỏ người nghèo. Người nông dân vẫn bất bình từ đợt suy thoái 1920-1921 bởi giá lương thực bị cắt giảm đột ngột nhưng chi phí sản xuất vẫn cao. Người da màu ở miền Nam và người da trắng ở phía Nam dãy núi Appalachian tiếp tục chìm trong cảnh đói nghèo cùng cực. Những ngôi nhà lộng lẫy kiểu Anh cổ với những cột nhà cao, tường bọc chì và khung tường gỗ đúng kiểu mọc lên khắp nơi trên địa phận của các câu lạc bộ thể thao ngoài trời, trong khi đó, đi sâu vào trung tâm, ngay bên ngoài tòa nhà Orient, đập vào mắt người ta lại là những khu nhà ổ chuột lụp xụp, rách nát.

Tuy thế, những năm 1920 tại Mỹ lại quả là thời hoàng kim. Tình hình sản xuất và tỷ lệ người lao động có việc làm đạt mức cao và không ngừng tăng. Lương tuy không tăng mạnh nhưng giá cả vẫn giữ ở mức ổn định. Tuy vẫn còn người nghèo nhưng cuộc sống của rất nhiều người đã đầy đủ, sung túc hơn trước. Không còn nghi ngờ gì nữa, chủ nghĩa tư bản Mỹ đang ở thời kỳ khởi sắc. Từ năm 1925 đến năm 1929, số lượng các nhà máy sản xuất đã tăng từ 183.900 lên 206.700, giá trị tổng sản phẩm chúng tạo ra tăng từ 60,8 tỷ đôla lên 68 tỷ đôla. Chỉ số sản xuất công nghiệp của Cục Dự trữ Liên bang – từng đạt mức trung bình là 67 vào năm 1921 – đã tăng lên tới 110 vào tháng 7 năm 1928 và đạt 126 vào tháng 6 năm 1929. Năm 1926 có 4.301.000 chiếc ô tô xuất xưởng. Ba năm sau, năm 1929, sản lượng ô tô đã tăng thêm hơn 1 triệu, lên tới 5.358.000 chiếc – một con số có thể sánh ngang với 5.700.000 đăng ký mới của năm 1953 thịnh vượng. Lợi nhuận tăng nhanh chóng và hứa hẹn thời điểm vàng để bước chân vào kinh doanh. Quả thực, ngay cả những sự kiện lớn nhất của thời đại lịch sử này cũng phải ngầm công nhận đây là thời kỳ hoàng kim, bởi tất cả gần như đều cùng lúc hùa vào, bắt Coolidge phải trả giá khi không nhận ra chân lý: thứ gì quá tốt đẹp sẽ không thể bền lâu.

Ý niệm về luật bù trừ, rằng 10 năm hoàng kim của những năm 1920 sẽ phải trả giá bằng 10 năm đen tối trong những năm 1930, là ý niệm đáng lưu ý và sẽ được tìm hiểu kỹ hơn.

II

Có một điều của những năm 1920 mà lẽ ra Coolidge nên nhận thấy. Nó liên quan đến tính cách của những người dân Mỹ mà ông đã dành tặng những lời tốt đẹp. Cùng với những chân giá trị mà ông ngợi khen, họ còn thể hiện một khao khát hơi quá quắt, đó là mong muốn làm giàu thật nhanh nhưng lại tốn ít công sức nhất. Tính cách này bộc lộ lần đầu tiên ở Florida. Tại đó, vào giữa những năm 1920, các hạt Miami, Miami Beach, Coral Gables, East Coast ở phía Bắc cũng như Palm Beach và các thành phố quanh vùng vịnh đã chứng kiến thời kỳ bùng nổ địa ốc mạnh mẽ. Sự bùng nổ của Florida mang đầy đủ tất cả các yếu tố của một bong bóng đầu cơ điển hình. Có một yếu tố cốt yếu không thể bỏ qua: Florida có điều kiện khí hậu thuận lợi hơn New York, Chicago hay Minneapolis. Thu nhập cao hơn và điều kiện giao thông vận tải tốt hơn khiến Florida trở thành cửa ngõ thuận tiện thoát khỏi miền Bắc băng tuyết. Thời kỳ hoàng kim thật sự đến khi các chuyến bay hàng năm tới miền Nam có mật độ dày đặc và thường xuyên đến độ khiến người ta liên tưởng đến những đợt di cư của loài ngỗng Canada.

Một yếu tố không thể thiếu khác đó là người ta đã xây dựng một thế giới của những niềm tin tự biện ‒ thế giới của những người cần được thuyết phục để tin tưởng, mà là thế giới của những người không cần một cái cớ để tin. Trong trường hợp của Florida, họ muốn tin rằng cả bán đảo sẽ nhanh chóng trở thành chốn dừng chân của những người yêu du lịch, mê tắm nắng của một thời đại mới và nhàn tản. Và cơn sốt này sẽ lớn đến độ các bãi biển, đầm lầy, và cả những vùng đất đầy bụi rậm đều trở nên có giá. Khí hậu Florida rõ ràng không đảm bảo điều này chắc chắn sẽ xảy ra nhưng nó tạo cho những người muốn tin vào viễn cảnh này cái cớ để tin tưởng.

Tuy nhiên, hoạt động đầu cơ không chỉ phụ thuộc hoàn toàn vào khả năng ru ngủ bản thân. Ở Florida, đất được chia thành các lô xây dựng và chỉ cần trả trước 10% tiền mặt là mua được. Một thực tế là hầu hết những lô đất được sang nhượng xấu đến mức gây phản cảm trong mắt người mua cũng như những người qua đường, song người mua không có ý định sống trên lô đất đó. Nhưng đây chỉ là những phân tích lý thuyết. Trên thực tế, những lô đất xấu xí này lại đang lên giá hàng ngày và có thể đem lại món hời lớn chỉ trong vòng nửa tháng. Đây cũng là một trong những đặc điểm của tâm lý đầu cơ mà theo thời gian, xu hướng mua đất vì các lý do phi lợi nhuận ngày càng yếu đi và bị thay thế bởi thực tế đơn giản là giá trị đất ngày càng tăng. Quả thật, người ta có lý do để bị cuốn vào cơn lốc này bởi khi càng nhiều người mua vào với hy vọng bán ra ở giá cao, giá càng được đẩy lên nhanh.

Trong suốt năm 1925, cơn sốt làm giàu thật nhanh đã thu hút ngày càng nhiều người đổ xô đến Florida. Mỗi tuần, lại có thêm nhiều đất đai bị chia nhỏ thành lô để bán. Những gì vốn được gọi là bờ biển giờ đã cách xa biển đến 5, 10, rồi 15 dặm. Các vùng ngoại ô bị đẩy ra xa hẳn khỏi trung tâm thành thị. Khi nạn đầu cơ tràn lên phía Bắc, một doanh nhân người Boston là Charles Ponzi đã khai hoang một vùng đất “gần Jacksonville”, cách thành phố này khoảng 65 dặm về phía Tây. Trong khi đó, lại có những trường hợp phân khu nằm quá gần trung tâm, chẳng hạn như khu Manhattan, cách thành phố Nettie trù phú và phát triển chóng mặt chưa đến 3/4 dặm, thì cả Manhattan và Nettie đều bị đô thị hóa nhanh chóng và phân lô. Mật độ giao thông dày đặc đến độ vào mùa thu năm 1925, các công ty đường sắt buộc phải tuyên bố cấm chuyên chở các hàng hóa ít quan trọng như nguyên vật liệu xây dựng để phát triển các phân khu. Giá đất tăng chóng mặt. Trong vòng bán kính 40 dặm tính từ Miami, các lô đất “nằm trong” được bán với giá từ 8.000 tới 20.000 đôla; các lô gần biển có giá từ 15.000 tới 25.000 đôla, và khu vực bờ biển dù gần hay xa đều có giá khoảng 20.000 đến 75.000 đôla.

Tuy nhiên, mùa xuân năm 1926, lượng người mua – yếu tố quan trọng đẩy giá tăng – bắt đầu giảm. Nhưng theo diễn biến trong năm 1928 và 1929, cái đà do sự bùng nổ đem lại không thể dừng trong chốc lát. Có một thời gian trong năm 1926, tài thuyết phục của các nhân viên môi giới địa ốc đã kéo lại lượng khách hàng triển vọng đang giảm dần. (Ngay cả giọng nói sấm sét từng làm rung chuyển cây Thánh giá vàng của William Jennings Bryan(8), cũng đã có thời được dùng vào công việc bán đất đầm lầy.) Nhưng cơn sốt bất động sản ở Florida không chỉ quỵ ngã do chính sức nặng của nó. Mùa thu năm 1926, hai cơn bão lớn ập đến, và theo cách nói của Frederick Lewis Allen, chúng đã cho thấy “những gì mà cơn gió nhiệt đới êm đềm có thể gây ra khi cuộn đến từ phía Đại Tây Dương”. Những trận bão gió khủng khiếp nhất vào ngày 18 tháng 9 năm 1926 đã cướp đi sinh mạng của 400 người, xé tung hàng ngàn mái nhà và cuốn hàng tấn nước cũng như một lượng lớn thuyền buồm lên đường phố Miami. Tuy nhiên, người ta đồng tình rằng cơn bão đã giúp người dân thức tỉnh, nhận ra đoạn kết của thời kỳ bùng nổ đang đến gần, mặc dù số đông vẫn dự đoán điều ngược lại. Trên tờ Wall Street Journal, số ra ngày 8 tháng 10 năm 1926, Peter O. Knight, một quan chức của công ty đường sắt Seaboard Air Line và là người tin tưởng vững chắc vào tương lai của Florida, thừa nhận, có 17 đến 18 ngàn người đang cần cứu trợ. Nhưng ông này cũng nói thêm: “Một Florida như thế vẫn còn đây với nguồn tài nguyên phong phú, khí hậu tuyệt vời và vị trí địa lý thuận lợi. Florida chính là Riviera(9) của nước Mỹ.” Knight thậm chí còn lo ngại rằng việc kêu gọi cứu trợ bão của Quỹ Chữ thập Đỏ sẽ “gây cho Florida những thiệt hại vĩnh viễn, còn lớn hơn cả lượng tiền mà quỹ này gây dựng được”.

Thái độ miễn cưỡng không muốn thừa nhận sự thật này rất phù hợp với môtíp cũ. Sự bùng nổ của Florida đã đi đến hồi kết. Năm 1925, các ngân hàng ở Miami nắm giữ 1.066.528.000 đôla; tới năm 1928, con số này tụt xuống còn 143.364.000 đôla. Những người nông dân từng bán đất với giá hời và sau đó ngậm ngùi tiếc nuối khi nó được bán lại với giá gấp đôi, gấp ba và gấp bốn giá trị ban đầu, giờ đôi khi lại mua được trúng những mảnh đất cũ khi một loạt các nhà đầu tư địa ốc tuyên bố vỡ nợ. Đôi lúc, các con đường mang cái tên mỹ miều được tạo ra trong những mảnh đất này cùng với vỉa hè, cột đèn, nên thuế và định giá giá của chúng bị đội lên vài lần so với giá trị thực.

Cơn sốt đất ở Florida là biểu hiện đầu tiên của tâm lý Mỹ những năm 1920 và niềm tin vững chắc rằng Chúa muốn tầng lớp trung lưu Mỹ được giàu có. Nhưng đáng chú ý là tâm lý này vẫn đứng vững trước hiện tượng bong bóng vỡ ở Florida. Ai cũng hiểu là mọi thứ ở Florida đã lụi tàn. Mặc dù số người đầu cơ khi đó ít hơn nhiều so với số người chơi chứng khoán sau này, nhưng gần như trong bất kỳ nhóm nào ở Florida cũng có ít nhất một người “thua lỗ khá nặng”.

Trong suốt một thế kỷ sau khi Bong bóng South Sea vỡ tan, người Anh vẫn nhìn những công ty chứng khoán có uy tín nhất với con mắt ngờ vực. Ấy vậy mà ngay cả khi cơn sốt tại Florida đã thoái trào, niềm tin của người Mỹ vào cách làm giàu nhanh chóng và dễ dàng nhờ thị trường chứng khoán lại trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết.

III

Khó có thể xác định rõ sự bùng nổ của thị trường chứng khoán thế kỷ XIX bắt đầu từ khi nào. Có nhiều lý do thỏa đáng giải thích tại sao trong những năm đó, giá cổ phiếu thường lại tăng cao đến vậy. Lợi nhuận của các công ty tăng mạnh. Triển vọng có vẻ tươi sáng. Đầu những năm 1920, giá cổ phiếu còn ở mức thấp, do đó lợi nhuận về sau thu được lớn đến không ngờ.

Trong sáu tháng cuối năm 1924, giá chứng khoán bắt đầu tăng, và tiếp tục tăng mạnh trong suốt năm 1925. Vì thế, đến cuối tháng 5 năm 1924, mức giá trung bình của 25 cổ phiếu công nghiệp New York Times(10) (hay còn gọi là chỉ số công nghiệp Times) là 106; tới cuối năm, chỉ số này đã lên tới 134. Cho tới ngày 31 tháng 12 năm 1925, nó tăng thêm gần 50 điểm và đạt mức 181. Sự nhảy vọt liên tục trong năm 1925 diễn ra khá ổn định. Chỉ có một vài tháng giá trị thị trường không hiện mức lãi ròng.

Đến năm 1926, thị trường xuất hiện vài dấu hiệu sụt giảm. Đầu năm, hoạt động kinh doanh khẽ đi xuống, nên nhiều người cho rằng doanh thu năm trước đã tăng rất vô lý. Tháng 2 chứng kiến một cú sụt lớn của thị trường và tháng 3 là sự sụp giảm đột ngột. Chỉ số công nghiệp Times giảm từ 181 hồi đầu năm xuống 172 vào tháng 2, sau đó giảm tiếp gần 30 điểm xuống còn 143 vào cuối tháng 3. Tuy vậy, vào tháng 4, thị trường lại vững vàng trở lại và tiếp tục đi lên. Một cú sụt giảm nữa xuất hiện vào tháng 10, ngay sau khi cơn bão thổi tung những dấu tích của thời kỳ bùng nổ Florida, nhưng một lần nữa thị trường lại nhanh chóng hồi phục. Đến cuối năm, giá trị đã đạt mức tương đương hồi đầu năm.

Năm 1927, giá cả leo thang chóng mặt. Ngày qua ngày, tháng tiếp tháng, giá cổ phiếu liên tục tăng. Lợi nhuận thu được không nhiều nhưng chúng mang lại cho người dân rất nhiều hy vọng. Trong suốt năm 1927, chỉ có duy nhất hai tháng là chỉ số giá trung bình không tăng. Ngay cả sự kiện Lindbergh(11) từ sân bay Roosevelt Field một mình vượt Đại Tây Dương tới Paris vào ngày 20 tháng 5 cũng không được nhiều người biết đến. Ngày hôm đó, thị trường với những bước tiến tuy nhỏ nhưng vững chắc đã thu hút được một nhóm mộ đạo trung thành, không quan tâm đến bất kỳ chuyện gì khác.

Mùa hè năm 1927, Henry Ford hạ màn cho mẫu ô tô bất tử Model T và đóng cửa nhà máy để chuẩn bị cho Model A. Sự kiện này dẫn đến chỉ số công nghiệp của Cục Dự trữ Liên bang bắt đầu giảm. Lúc này, người ta bắt đầu bàn nhiều hơn đến chủ đề suy thoái. Nhưng sự kiện này tác động không đáng kể đến thị trường. Tới cuối năm, khi sản lượng tăng trở lại, chỉ số công nghiệp Times lại đứng ở mức 245, tăng tổng cộng 69 điểm trong vòng một năm.

Năm 1927 còn là một năm lịch sử đối với thị trường chứng khoán. Theo một học thuyết đã được công nhận từ lâu, đây chính là năm mà mầm tai họa được ươm. Mầm mống ban đầu bắt nguồn từ hành động hào phóng nhưng nhẹ dạ của mối bang giao quốc tế. Một số người, trong đó có Tổng thống Hoover(12), coi hành động này gần như là sự phản phúc, mặc dù vào thời đó, người ta vẫn rất cẩn trọng khi đưa ra những lời buộc tội như thế.

Trong năm 1925, được sự chỉ đạo của Bộ trưởng Tài chính đương thời là Winston Churchill, nước Anh quay trở lại bản vị vàng theo mối quan hệ giữa vàng, đôla và đồng bảng trước Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất. Rõ ràng, Churchill ấn tượng với thời hoàng kim của quá khứ khi 1 bảng Anh đổi được 4,86 đôla, hơn là hệ lụy ngầm của nguy cơ tỉ giá quá cao, điều mà người ta ngờ rằng ông này không hiểu. Hậu quả của quyết định này đã xảy ra và thậm chí tác hại còn rất nặng nề. Khách hàng mua hàng hóa của Anh giờ đây phải trả bằng đồng bảng đắt đỏ như mức lạm phát hồi chiến tranh. Vì thế, Anh trở thành điểm mua không mấy hấp dẫn đối với khách hàng nước ngoài và cũng với lý do đó, trở thành nơi hàng hóa bán vào dễ dàng. Vào năm 1925, chuỗi khủng hoảng hối đoái dài bắt đầu diễn ra, và trở thành một hình ảnh đặc trưng của Anh hệt như những con sư tử ở Quảng trường Trafalgar hay các cô gái điếm ở Piccadilly (tên các địa điểm ở thủ đô London). Quyết định này đã gây ra những hậu quả hết sức nghiêm trọng đối với thị trường trong nước: thị trường than ảm đạm và những nỗ lực giảm chi phí, giá cả để theo kịp cạnh tranh toàn cầu đã dẫn đến cuộc tổng đình công năm 1926.

Khi đó, lượng vàng chảy máu tại Anh và châu Âu đều đổ về Mỹ. Hiện tượng này có thể được chặn đứng nếu tại Mỹ, giá hàng hóa cao và tỷ lệ lãi suất ở mức thấp. (Nước Mỹ nếu vậy sẽ là một nơi tồi để mua hàng và đầu tư.) Mùa xuân năm 1927, ba nhà hành hương đáng kính là Montagu Norman – Thống đốc ngân hàng Anh Quốc, Hjamar Schacht bền bỉ, khi đó là Thống đốc ngân hàng Reichsbank, và Charles Rist – Phó Thống đốc ngân hàng Pháp – đã đến Mỹ thuyết phục chính phủ nước này nới lỏng chính sách tiền tệ. (Trước đó, họ đã thành công với chính sách tương tự vào năm 1925.) và được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ chấp thuận. Tỷ lệ tái chiết khấu của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York giảm từ 4 xuống còn 3,5%. Chứng khoán chính phủ được mua vào với khối lượng khá lớn và để lại hậu quả là bên bán gồm các ngân hàng và cá nhân thừa tiền chẳng biết làm gì. Adolph C. Miller, một thành viên bất mãn của Cục Dự trữ Liên bang, sau này đã miêu tả sự kiện này như là “hành động cả gan nhất và liều lĩnh nhất mà Cục Dự trữ Liên bang từng thực thi và… [nó] đã gây ra một trong những sai lầm đắt giá nhất mà Cục này hay bất cứ hệ thống ngân hàng nào từng gây ra trong vòng 75 năm qua!” Các quỹ do Cục Dự trữ Liên bang mở ra nếu không được đầu tư vào cổ phiếu thì cũng được dùng để hỗ trợ tài chính cho các nhà đầu tư mua cổ phiếu thường. Được rót tiền, người dân nhất loạt đổ xô vào thị trường. Có lẽ lời lý giải nhận được sự đồng tình hơn cả về thời kỳ này là của giáo sư Lionel Robbins, trường Kinh tế London. Ông kết luận: “Mọi bằng chứng đều cho thấy, từ ngày hôm đó, tình hình đã nằm ngoài tầm kiểm soát.”

Quan điểm cho rằng hành động của các quan chức Cục Dự trữ Liên bang năm 1927 có liên quan tới nạn đầu cơ và sự sụp đổ sau đó rất vững chắc. Có nhiều lý do khiến quan điểm này trở nên hấp dẫn đến vậy. Nó đơn giản và xóa bỏ cho cả người Mỹ lẫn hệ thống kinh tế của họ khỏi bất kỳ trách nhiệm nào. Hiểm họa bị người nước ngoài dắt mũi chỉ đường khá rõ ràng, và Norman cũng như Schacht lại đặc biệt nổi tiếng vì những động cơ đen tối.

Dù thế, lời giải thích này lại giả định rằng người ta sẽ luôn đầu cơ khi được rót tiền làm việc đó. Trong trường hợp này, nhận định trên đã đi quá xa trong trường hợp này. Trước đây, từng có những khoảng thời gian dài lượng tín dụng rất dồi dào và rẻ mạt – rẻ hơn năm 1927-1929 rất nhiều – nhưng hoạt động đầu cơ khi đó lại không đáng kể. Hoặc như chúng ta sẽ thấy sau này, sau năm 1927, đầu cơ cũng không hẳn nằm ngoài tầm kiểm soát sau năm 1927, ngoại trừ việc nó nằm ngoài tầm kiểm soát của những người không hề muốn kiểm soát. Vì thế, trong các vấn đề kinh tế, lý giải trên chỉ đúng trong một trường hợp nhất định là biểu hiện của sự ưa chuộng có tính chu kỳ những lời nói hết sức vô nghĩa, nhưng còn trong các vấn đề sự kiện kinh tế, nó không còn có giá trị.

IV

Cho đến tận đầu năm 1928, ngay cả những người bảo thủ cũng tin rằng giá cổ phiếu thường đang bắt kịp với sự gia tăng của lợi nhuận tập đoàn, triển vọng tăng cao hơn nữa, sự yên ổn và thanh bình của thời đại và sự chắc chắn rằng chính quyền với quyền lực tối cao tại Washington sẽ không tăng thuế. Đầu năm 1928, bản chất của sự bùng nổ thay đổi. Cuộc chạy trốn vào thế giới tự biện, mà chủ yếu là tới cuộc truy hoan của nạn đầu cơ đã thật sự bắt đầu. Việc trấn an những người cần một sợi dây nối với thực tế, dù mỏng manh, vẫn cần thiết. Và như chúng ta sẽ thấy, quá trình trấn an lòng tin – hay việc “phát minh” ra một ngành công nghiệp với diện mạo tươi đẹp như khí hậu Florida – cuối cùng đã trở thành một nghề. Tuy nhiên, cũng như mọi giai đoạn của quá trình tự biện, thời điểm người ta cố tình trốn chạy thực tế, tìm lý do để chui vào thế giới ảo đã đến.

Rất nhiều dấu hiệu của năm 1928 chứng tỏ thời điểm này đã đến. Dấu hiệu rõ ràng nhất là biểu hiện của thị trường. Những tháng mùa đông năm 1928, thị trường vẫn còn yên ắng, nhưng càng về sau, thị trường càng dâng cao, không phải bằng những bước chậm và chắc, mà bằng những cú nhảy vọt. Thi thoảng, thị trường cũng tụt xuống với cùng tốc độ, nhưng chỉ để hồi phục và lên cao hơn nữa. Tháng 3 năm 1928, chỉ số công nghiệp trung bình tăng gần 25 điểm. Tin bài về sự sôi sục của thị trường được đăng tải thường xuyên trên các trang nhất. Ngay cả trong những lần phát hành riêng lẻ, giá cổ phiếu cũng có thể lên tới 10, 15 và 20 điểm chỉ trong một ngày giao dịch. Ngày 12 tháng 3, Radio (tên viết tắt của tập đoàn Radio Corporation of America) – trên nhiều phương diện là biểu tượng đầu cơ của thời điểm đó – tăng thêm 18 điểm. Vào ngày tiếp theo, mức giá mở cửa của nó cao hơn mức đóng cửa trước đó 22 điểm. Sau đó, nó mất 20 điểm khi xuất hiện thông báo Sàn Giao dịch đang điều tra các hoạt động giao dịch, rồi lại tăng 15 điểm, và sụt 9 điểm. Vài ngày sau, khi thị trường hoạt động mạnh trở lại, nó lại tăng 18 điểm.

Sự bùng nổ hồi tháng 3 cũng tôn vinh tài điều tiết thị trường của các nhà giao dịch chuyên nghiệp. Giao dịch chứng khoán được coi là yếu tố phi cá nhân nhất của thị trường cạnh tranh. Không một học thuyết nào được các nhà tiên tri và luật sư bào chữa của Sàn Giao dịch Chứng khoán bảo vệ nghiêm ngặt hơn. “Đây là nơi giá cả phản ánh quy luật cơ bản của cung và cầu”, Sàn Giao dịch Chứng khoán New York đã nói như đinh đóng cột về mình. Tuy thế, ngay cả những kẻ mộ đạo của Phố Wall đôi lúc cũng cho phép mình tin vào ảnh hưởng của một số cá nhân đối với số phận của họ. Ở đâu đó có những ông lớn kéo cổ phiếu lên và dìm chúng xuống.

Cùng với sự phát triển của thời kỳ bùng nổ, quyền lực của các ông lớn trong lòng công chúng cũng trở nên tuyệt đối hơn, ít nhất là theo quan điểm tự biện. Theo quan điểm này, vào tháng 3, các ông lớn đã quyết định tăng tốc thị trường. Một số học giả nghiêm túc thậm chí còn suy diễn rằng động thái này là một bước đi được tính toán trước. Nếu điều này là có cơ sở thì nhân vật quan trọng cần được nhắc tới là John J. Raskob. Raskob có những mối quan hệ cực kỳ mạnh. Ông là Giám đốc của General Motors, một đồng minh của Du Ponts và sắp trở thành Chủ tịch Ủy ban Quốc gia của đảng Dân chủ theo sự bổ nhiệm của Al Smith. Nghiên cứu sâu về thị trường, giáo sư Charles Amos Dice của Đại học bang Ohio cho rằng chức vụ mới này của Raskob là dấu hiệu cụ thể của một thế lực mới hình thành tại Phố Wall và được người dân Mỹ công nhận. Giáo sư Dice nhận xét: “Ngày nay, ứng cử viên khôn khéo và hiểu biết của một đảng lớn sẽ bày tỏ thiện chí với một nhân vật tầm cỡ của thị trường chứng khoán… bởi công chúng sẽ luôn nhớ tới ứng cử viên có thiện chí này khi họ đặt bút lên phiếu bầu.”

Ngày 23 tháng 3 năm 1928, trên chuyến tàu tới châu Âu, Raskob bày tỏ sự lạc quan về triển vọng của ngành kinh doanh ô tô trong năm đó cũng như thị phần mà General Motors sẽ nắm giữ. Nhiều người cho rằng ông cũng đã nói ngụ ý cổ phiếu của GM sẽ lên tới mức giá mang lại lợi nhuận cao gấp 12 lần(13). Điều này đồng nghĩa với việc tuyên bố cổ phiếu GM sẽ đạt mức giá 225 đôla trong khi mức giá hiện hành là khoảng 187 đôla. New York Times đánh giá đây là “ma thuật của cái tên Raskob” bởi “chút lạc quan” của ông đã châm ngòi cho sự sôi động của thị trường. Thứ bảy, ngày 24 tháng 3, cổ phiếu của GM tăng gần 5 điểm, và ngày thứ hai sau đó, cổ phiếu GM đạt mức 199 đôla. Sự nhảy vọt của GM khi đó đã trở thành chất xúc tác cho sự bùng nổ giao dịch của các cổ phiếu khác.

Trong số những người sử dụng ảnh hưởng của mình giật dây thị trường vào mùa xuân năm ấy còn có William Crapo Durant. Durant từng giữ vai trò người tổ chức nghiệp đoàn của GM nhưng đã bị Raskob và Du Ponts đẩy ra khỏi công ty năm 1920. Sau một lần thử sức khác trong ngành ô tô, ông này chuyển sang đầu cơ chứng khoán. Anh em nhà Fisher cũng là những nhân vật có ảnh hưởng trong giới này. Họ là những cựu binh của GM và đã đặt chân tới Phố Wall với khối tài sản kếch sù từ các nhà máy của mình. Ngoài ra, còn phải kể đến một gương mặt nữa là nhà đầu cơ gốc Canada, Authur W. Cutten. Gần thời điểm đó, Cutten đã chuyển 13 Thời đó, khi chơi cổ phiếu, người chơi sẽ thu được lợi nhuận lớn gấp 10 lần. Do đó, khi giá tăng 1,2 thì lợi nhuận sẽ tăng 12 lần và đây là lợi nhuận khi bán cổ phiếu, khác với cổ tức các hoạt động điều tiết thị trường của mình từ Ủy ban Thương mại Chicago sang Phố Wall. Khi trở thành nhà điều tiết thị trường, Cutten đã phải vượt qua rất nhiều trở ngại của bản thân. Ông bị nặng tai và vài năm sau đó, trước một ủy ban của quốc hội, luật sư của ông cũng phải thừa nhận rằng trí nhớ của ông không tốt. Khi quan sát nhóm nhân vật này, giáo sư Dice rất ấn tượng với “viễn cảnh, hy vọng và sự lạc quan vô bờ bến” của họ. Ông nhấn mạnh rằng “họ không bước vào thị trường với tấm áo giáp dày cộp của truyền thống”. Khi điểm lại ảnh hưởng của họ đối với thị trường, giáo sư Dice không tìm được đủ ngôn từ để lột tả hết những gì ông muốn nói: “Với sự dẫn dắt của những hiệp sĩ hùng mạnh trong ngành công nghiệp ô tô, thép và phát thanh, cũng như sự hợp sức (cuối cùng cũng xảy ra) của những nhà giao dịch chuyên nghiệp – những người nhìn thấy tia sáng sau đêm đen, thị trường dưới thời Coolidge hùng dũng tiến về phía trước như đội quân phalăng của Cyrus(14)

V

Tháng 6 năm 1928, vài đội quân rút lui khỏi thị trường. Những thua lỗ trong ba tuần đầu ngang ngửa với lợi nhuận cao ngất hồi tháng 3. Ngày 12 tháng 6 – ngày thua lỗ nặng nề – là một dấu mốc. Trong suốt hơn một năm, những người nhìn xa trông rộng luôn nói rằng sẽ có ngày khối lượng giao dịch trên Sàn Giao dịch New York đạt con số 5 triệu cổ phiếu. Người ta vẫn cho rằng đây chỉ là lời nói suông, nhưng thực tế dường như đã chứng minh cho điều này. Ngày 12 tháng 3, lượng giao dịch lên tới mức cao nhất trong lịch sử, với 3.875.910 cổ phiếu. Đến cuối tháng, con số này trở thành “chuyện cũ”. Tới ngày 27 tháng 3, đã có 4.790.270 cổ phiếu được mua bán trên thị trường giao dịch. Sau đó, vào ngày 12 tháng 6, số cổ phiếu được đổi chủ lên đến 5.052.790. Radio giảm 23 điểm, New York Times bắt đầu ghi lại những sự kiện này: “Hôm qua, thị trường bò tót Phố Wall đã sụp đổ với tiếng nổ vang khắp thế giới.”

Thông báo về cái chết của thị trường bò tót dường như hơi vội vàng. Vào tháng 7, thị trường khởi sắc đôi chút, và tới tháng 8 thì tăng tốc mạnh mẽ. Từ đó trở đi, ngay cả những sự kiện xung quanh cuộc bầu cử cũng không khiến người ta do dự quá lâu. Mọi người giữ thái độ bình thản khi Roger W. Babson(15) phát biểu trước đám đông tại Wellesley, Massachusett vào ngày 17 tháng 9: “Nếu Smith được bầu và Đảng Dân chủ chiếm đa số trong quốc hội, chắc chắn kinh tế sẽ suy thoái vào năm 1929.” Ông này cũng nói thêm: “Hoover và Quốc hội của Đảng Cộng hòa sẽ duy trì sự thịnh vượng cho năm 1929.” Lẽ ra, công chúng phải biết người đó chính là Hoover. Nhưng dù là ai, trong tháng đó, nhà cầm quyền cấp cao vẫn tiếp tục trấn an dân chúng. Bộ trưởng Tài chính Andrew W. Mellon khẳng định: “Không có lý do nào để lo lắng. Đợt sóng thịnh vượng sẽ tiếp tục dâng cao.”

Nhưng Mellon và cả những quan chức đưa ra những phát ngôn tương tự đều không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Những lời nói trên không phải là tiên đoán, người ta không thể cho rằng những người đưa ra phát ngôn như thế được phú cho khả năng nhìn xa trông rộng hơn người khác. Mellon chỉ đang tham gia một nghi thức được cho là có tác động lớn tới hoạt động của chu kỳ kinh tế. Người ta tin rằng, bằng cách long trọng tuyên bố sự phồn thịnh sẽ còn tiếp diễn, họ có thể đảm bảo điều đó sẽ thật sự xảy ra. Đặc biệt, trong giới doanh nhân, niềm tin vào sự linh nghiệm của những câu thần chú như thế là rất lớn.

VI

Hoover đã có một chiến thắng long trời lở đất. Nếu giới đầu cơ biết được Hoover nghĩ gì trong đầu, chắc hẳn thị trường đã sụt giảm mạnh. Trong hồi ký của mình, Hoover viết, ngay từ năm 1925 ông đã bắt đầu lo ngại về “làn sóng đầu cơ dâng cao”. Trong những năm tháng sau đó, lo ngại này dần biến thành báo động, và rồi thành một cái gì đó mấp mé điềm báo của tai họa. “Có những tội ác”, Hoover nói về đầu cơ, “còn xấu xa hơn cả tội giết người và những kẻ gây ra tội ác đó phải chịu trừng phạt thích đáng.” Tuy nhiên, khi đó với cương vị là Bộ trưởng Thương mại, ông cũng không làm được gì nhiều để đặt thị trường dưới tầm kiểm soát.

Thái độ của Hoover về thị trường luôn là một bí mật được giữ kín. Người ta không biết đến những nỗ lực biến suy nghĩ thành hành động của ông – những nỗ lực bị cả Coolidge lẫn Cục Dự trữ Liên bang cản đường. Tin tức về cuộc bầu cử, ngoài việc gây hoang mang, còn khơi mào cho cơn sốt mua vào lớn nhất từ trước tới nay. Ngày 7 tháng 11, ngay sau ngày bầu cử, “bùng nổ chiến thắng” đã đẩy thị trường lên 5 đến 15 điểm. Lượng cổ phiếu được giao dịch lên tới 4.894.670, gần bằng mức kỷ lục ngày 12 tháng 6. Ngày 16 tháng 11, một làn sóng mua vào khác lại dấy lên khắp thị trường. Con số gây sốc là 6.641.250 cổ phiếu được trao tay, bỏ xa mức kỷ lục trước. Chỉ số công nghiệp Times tăng ròng 4,5 điểm trong ngày giao dịch – bước tiến đáng kể vào thời điểm đó. Ánh hào quang từ đợt bầu cử chính là yếu tố đem lại sự hứng khởi này. Ngoài thông tin về thị trường, các dòng tít lớn trong ngày chỉ đưa tin về vụ tàu hơi nước Vestris(16) bị chìm và chiến tích “vẻ vang” của các sĩ quan và thủy thủ tàu khi xô đẩy phụ nữ và trẻ em để tự cứu chính mình. Ngày 20 tháng 11 cũng là một ngày trọng đại. Lượng giao dịch – 6.503.230 cổ phiếu – suýt soát ngày 16, nhưng nhìn chung thị trường sôi động hơn. Sáng hôm sau, New York Times ghi nhận “sự náo loạn như bão táp trên thị trường chứng khoán ngày hôm qua chưa từng xảy ra trong lịch sử Phố Wall”.

Tháng 12, tình hình không sáng sủa như vậy. Ngay từ đầu tháng đã có một phiên giao dịch xấu. Chỉ trong ngày mùng 8, Radio đã đột ngột giảm tới 72 điểm. Tuy nhiên, sau đó, thị trường nhanh chóng ổn định và hồi phục trở lại. Trong suốt năm 1928, chỉ số công nghiệp Times tăng 86 điểm, từ 245 tới 331. Cũng trong năm đó, Radio tăng từ 85 đến 420 (tập đoàn này vẫn chưa trả đợt cổ tức nào cho cổ đông); Du Pont tăng từ 310 đến 525; Montgomery Ward từ 117 tới 440; Wright Aeronautic từ 69 tới 289. Tổng khối lượng cổ phiếu được giao dịch trên Sàn Giao dịch Chứng khoán New York của cả năm là 920.550.032, vượt xa con số kỷ lục 576.990.875 cổ phiếu đổi chủ của năm 1927. Nhưng vẫn còn một chỉ số quan trọng hơn mô tả những gì đang xảy ra trên thị trường. Đó là sự gia tăng của các giao dịch ký quỹ(17).

VII

Như đã nói, tại một thời điểm nào đó của thời kỳ bùng nổ, người ta chỉ quan tâm duy nhất đến sự gia tăng ban đầu của giá cả mà không để ý đến các khía cạnh khác của quyền sở hữu tài sản. Thu nhập, lợi ích sử dụng, hay ngay cả giá trị lâu dài của tài sản khi đó chỉ còn là những khái niệm mang tính lý thuyết. Như trong câu chuyện của những lô đất xấu ở Florida, những quyền hoa lợi này có lẽ không tồn tại hoặc thậm chí ở mức âm. Điều quan trọng là ngày mai hoặc tuần sau giá sẽ tăng – như nó đã tăng hôm qua hay tuần trước – và người ta thu được lợi nhuận.

Phần thưởng duy nhất mà chủ sở hữu tài sản trong thời kỳ bùng nổ quan tâm là sự gia tăng giá trị. Nếu quyền hưởng giá trị gia tăng được tách ra khỏi những quyền sở hữu không quan trọng khác cũng như những bất lợi của việc sở hữu tài sản, giới đầu cơ sẽ thích thú hơn nhiều.

Đó chính là một trong những điểm mạnh của chủ nghĩa tư bản: nơi nào có nhu cầu thật sự, nơi đó sẽ không phải chờ lâu. Tất cả các công cụ đầu cơ đã hiện ra để giúp chuyên gia đầu cơ tập trung vào công việc. Trong thời kỳ bùng nổ tại Florida, ngay cả các giấy chứng nhận mua đất tạm thời cũng được đem ra giao dịch. Không chỉ bản thân lô đất mà ngay cả quyền mua lô đất tại một mức giá nhất định cũng được trao đổi, mua bán. Người ta hoàn toàn có thể bán lại quyền mua đất sau khi đã trả trước 10% tiền mặt. Vì thế, giá đất tăng cực kỳ có lợi cho giới đầu cơ. Khi giá lô đất tăng, nhà đầu cơ có thể bán lại giấy chứng nhận mua đất tạm thời bằng giá tiền anh này đã trả cộng với toàn bộ số chênh lệch.

Gánh nặng lớn nhất đối với người sở hữu, dù là đất hay tài sản, là nhu cầu tăng lượng tiền mặt được thể hiện qua giá mua. Việc sử dụng giấy chứng nhận mua đất tạm thời có thể giảm gánh nặng này tới 90% – hay nói cách khác, nó giúp nhà đầu cơ thu lợi gấp 10 lần khi giá tăng. Vì thế, người mua rất vui vẻ từ bỏ các lợi ích sở hữu khác. Các “lợi ích” này bao gồm thu nhập hiện tại – lúc nào cũng bằng 0, và triển vọng sử dụng vĩnh viễn lô đất mà người này không hề có nhu cầu.

Thị trường chứng khoán cũng có cách thức riêng để tập trung năng lực của giới đầu cơ, và đúng như mong đợi, nó cải thiện đáng kể sự sơ khai của thị trường địa ốc. Trên thị trường chứng khoán, người mua chứng khoán ký quỹ có toàn quyền sở hữu tài sản khi mua vô điều kiện. Nhưng người mua cũng có thể giải thoát cho mình khỏi gánh nặng khủng khiếp nhất của việc sở hữu – tức gánh nặng đẩy giá mua tăng cao – bằng cách thế chấp cho người môi giới chính chứng khoán của mình khi vay nợ mua các chứng khoán đó. Một lần nữa, người mua lại được hưởng toàn bộ lợi ích của các lần tăng giá – bởi giá chứng khoán có thể tăng, nhưng khoản nợ dùng để mua chúng thì không. Trên thị trường chứng khoán, người mua đầu cơ cũng kiếm lời từ các chứng khoán mua vào. Tuy nhiên, trong những ngày lịch sử này, khoản lời này hầu như luôn thấp hơn và thường là thấp hơn nhiều so với lãi suất phải trả cho khoản nợ. Lợi nhuận từ chứng khoán thường nằm trong khoảng từ 0 tới 1 hoặc 2%. Lãi suất của khoản vay thường là 8%, 10% hoặc cao hơn thế. Do đó, nhà đầu cơ sẵn lòng hi sinh tất cả những quyền liên quan đến việc sở hữu chứng khoán, ngoại trừ cơ hội lãi vốn.

Cơ cấu được Phố Wall dùng để tách cơ hội đầu cơ khỏi những hệ quả không mong muốn và gánh nặng của quyền sở hữu rất tài tình, chính xác, và khá hiệu quả. Ngân hàng cung cấp vốn cho nhà môi giới, nhà môi giới lại cấp vốn cho khách hàng, và khoản thế chấp quay trở lại ngân hàng trong dòng chảy êm ả và gần như tự động. Tiền ký quỹ – số tiền nhà đầu cơ phải trả ngoài chứng khoán thế chấp để bảo vệ khoản nợ và phải tăng thêm nếu chứng khoán thế chấp mất giá và khả năng bảo vệ suy yếu – được tính toán và theo dõi rất đơn giản. Tỷ lệ lãi suất được điều chỉnh nhanh chóng và dễ dàng sao cho nguồn cung vốn đáp ứng đủ cho nhu cầu. Tuy thế, Phố Wall chưa bao giờ có thể tự hào với những vai trò này. Họ chỉ giỏi hỗ trợ nhà đầu cơ và xúc tác cho nạn đầu cơ. Nhưng đây lại là vai trò Phố Wall không thể thừa nhận. Nếu họ thừa nhận, hàng ngàn người sẽ kết tội họ dung túng cái xấu và đòi cải cách Phố Wall. Vì thế, giao dịch ký quỹ được bảo hộ không chỉ vì nó trợ giúp khéo léo và hiệu quả cho nhà đầu cơ, mà còn vì nó có khả năng tăng khối lượng giao dịch để biến thị trường mỏng manh và thiếu sức sống trở thành một thị trường vững chắc và khỏe mạnh. Nhưng ngay cả trong trường hợp tốt nhất, đây vẫn là một phó phẩm ế ẩm và không minh bạch. Phố Wall cũng giống như một người phụ nữ xinh đẹp và “thành đạt”, phải đi tất cotton đen, đồ lót bằng lông dầy cộm và khoa trương kiến thức của mình như một người nội trợ tài ba, bởi vì, thật đáng buồn, tài năng tuyệt đỉnh của cô ta chỉ là làm gái điếm.

Tuy nhiên, ngay cả người thận trọng nhất của thị trường cũng phải thừa nhận, lưu lượng nợ của các nhà môi giới – các khoản nợ thế chấp bằng chứng khoán ký quỹ – là chỉ số rất chính xác về khối lượng đầu cơ. Theo chỉ số này, lượng đầu cơ tăng rất nhanh trong năm 1928. Đầu những năm 1920, lượng nợ của các nhà môi giới dao động từ khoảng 1 đến 1,5 tỷ đôla và chúng thường được gọi là khoản vay tính theo ngày hay khoản vay nóng do có khả năng thanh khoản rất nhanh. Cho tới đầu những năm 1926, lượng nợ đã tăng lên 2,5 tỷ đôla và giữ ở mức đó trong gần suốt năm. Trong năm 1927, lại có một đợt tăng khoảng 1 tỷ đôla nữa, và đến cuối năm đã đạt mức 3.480.780.000 đôla. Đây là con số rất lớn nhưng nó mới chỉ là sự khởi đầu. Trong hai tháng mùa đông buồn tẻ năm 1928, có một đợt sụt giảm nhỏ, nhưng rồi việc mở rộng lại đâu vào đấy. Ngày 1 tháng 6 năm 1928, các nhà môi giới ôm khoản nợ lên tới 4 tỷ đôla, ngày 1 tháng 11 là 5 tỷ đôla, và cho tới cuối năm là 6 tỷ đôla. Đây là hiện tượng chưa từng xảy ra.

Nói cách khác, người ta đổ xô mua cổ phiếu ký quỹ để tăng giá bán mà không phải chịu chi phí sở hữu. Chi phí này ban đầu được ngầm định bởi các ngân hàng New York, nhưng họ nhanh chóng trở thành mối lái cho người vay toàn quốc và cả trên thế giới. Chẳng có bí mật nào về việc tại sao ở New York lại có quá nhiều người muốn cho vay đến vậy. Một trong những nghịch lý của đầu cơ chứng khoán là khoản nợ bảo hiểm cho nó lại là khoản đầu tư an toàn nhất. Chúng được bảo vệ bởi các cổ phiếu mà trong trường hợp bình thường, có thể bán được ngay lập tức; và bởi tiền ký quỹ – số tiền có thể thu lại bất kỳ lúc nào nếu cần. Đầu năm 1928, các hãng cung cấp vốn không rủi ro đặc biệt an toàn và dễ thanh khoản này còn đưa ra mức lãi suất khoảng 5%. Dù 5% đã là con số tuyệt vời, nhưng tỷ lệ lãi suất vẫn tăng đều trong năm 1928, và trong tuần cuối cùng của năm đã lên tới 12%. Và tỷ lệ này vẫn hoàn toàn nằm trong giới hạn an toàn.

Tại Montreal, London, Thượng Hải và Hong Kong, ai ai cũng bàn luận về mức lãi suất trên. Khắp các nơi, người ta bảo nhau rằng 12% là 12%. Vàng bắt đầu đổ về Phố Wall, tất cả là để giúp người Mỹ giữ cổ phiếu thường ký quỹ. Các tập đoàn cũng bị hấp dẫn bởi con số béo bở này. Với tỷ lệ 12%, Phố Wall thậm chí còn là công cụ thu lợi nhanh và nhiều hơn bất kỳ nhà máy hay dây chuyền sản xuất nào. Một số công ty thậm chí còn ra quyết định: thay vì sản xuất hàng hóa và phải đối mặt với những vấn đề đau đầu nhức óc, họ sẽ chuyển sang đầu cơ tài chính. Ngày càng nhiều công ty cho Phố Wall vay vốn thặng dư. Tuy nhiên, vẫn còn có những cách kiếm bộn tiền hơn thế. Theo nguyên tắc, các ngân hàng New York có thể vay tiền từ Ngân hàng Dự trữ Liên bang với tỷ lệ 5% và cho vay lại trên thị trường vay nóng ở mức 12%. Quả thật, họ đã làm như vậy. Đây có lẽ là hoạt động đầu cơ thu lời nhất của mọi thời đại.

VIII

Chưa từng có thời điểm nào có nhiều cách làm giàu và làm giàu dễ dàng hơn năm 1928. Quả thật, đây là năm cuối cùng người Mỹ cảm thấy sôi nổi, phóng khoáng và tràn trề niềm vui. Không phải bởi vì năm 1928 quá hoàn hảo nên không thể duy trì được mà chỉ đơn giản là nó không thể kéo dài mãi mãi.

Trong số ra tháng 1 của tạp chí World’s Work, sau khi phản ánh những điều kỳ diệu của năm trước, Will Payne(18) tiếp tục giải thích sự khác biệt giữa một con bạc và một nhà đầu tư. Ông chỉ ra rằng một con bạc chỉ thắng bởi vì người khác thua. Còn với đầu tư, tất cả mọi người đều hưởng lợi. Ông đưa ra ví dụ, một nhà đầu tư mua cổ phiếu của General Motors với giá 100 đôla, bán cho người khác với giá 150 đôla, người này bán cho người thứ ba với giá 200 đôla. Như vậy, tất cả đều kiếm được tiền. Nhưng đúng như Walyer Bagehot(19) từng nhận xét: “Người ta nhẹ dạ nhất khi người ta vui nhất.”

 

CHƯƠNG II

Có nên làm điều gì đó?

Năm 1929 quả là một năm định mệnh đáng nhớ. Lý do không phải vì đó là năm Hoover – một người không có những ý định tốt với thị trường – chuẩn bị trở thành Tổng thống Mỹ. Lý do cũng không phải vì các nhà thông thái tiên đoán giai đoạn suy thoái đã qua. Không một ai, dù thông thái hay không, có thể biết khi nào các cuộc khủng hoảng đến hạn và quá hạn.

Đúng hơn, lý do chỉ đơn giản là vì sự bùng nổ vang dội của thị trường chứng khoán vẫn đang trên đà phát triển và cũng như tất cả các chu kỳ bùng nổ, nó phải kết thúc. Ngày 1 tháng 1 năm 1929, như một bài toán xác suất đơn giản, khả năng thời kỳ thịnh vượng sẽ đi đến hồi kết trước thời điểm cuối năm là rất lớn, và khả năng phục hồi vào những năm sau đó là rất mong manh. Khi giá cả ngừng tăng – hay nói cách khác, khi lượng người mua vì cái lợi tăng giá thưa dần – quyền sở hữu cổ phiếu ký quỹ không còn ý nghĩa nữa và ai cũng muốn bán ra. Thị trường mất cân bằng và nhanh chóng sụp đổ.

Và như thế, nó đặt những người có chút trách nhiệm với những gì đang diễn ra vào một tình thế phức tạp. Một trong những vấn đề nan giải từ bao đời của chính trị là ai sẽ quản lý các nhà quản lý. Nhưng vẫn còn một vấn đề gay go không kém song lại chưa từng được quan tâm thích đáng, đó là ai sẽ dạy khôn cho những người lẽ ra phải khôn ngoan.

Một số nhân vật quyền thế muốn thời kỳ thịnh vượng này kéo dài thêm. Họ đang kiếm được bộn tiền, và có lẽ họ đã chột dạ trước thảm họa có thể xảy đến cho chính mình nếu thời kỳ bùng nổ kết thúc. Nhưng cũng có một số khác, dù là mơ hồ, đã nhận thấy rằng nạn đầu cơ đang diễn ra mạnh mẽ và cần phải làm gì đó. Tuy vậy, đối với những người này, mỗi đề xuất hành động lại làm nảy sinh một vấn đề nan giải. Những hệ lụy khi hành động cũng tồi tệ chẳng kém gì những hệ lụy khi ngồi im, và chúng có thể gây thiệt hại nặng nề hơn cho những ai thực hiện hành động đó.

Chọc thủng bong bóng là việc quá dễ dàng. Nhưng chọc một chiếc kim và để bong bóng xẹp dần lại là một nhiệm vụ đòi hỏi người châm kim phải thật khéo léo. Những người cảm nhận được những gì đang diễn ra đầu năm 1929 vẫn hy vọng dù không mấy tin rằng sự bùng nổ có thể lắng dần xuống. Lựa chọn lúc đó là cố tình gây sụp đổ tức thời hay là chờ đợi một thảm họa ghê gớm hơn về sau. Chắc chắn phải có ai đó chịu trách nhiệm khi tai họa cuối cùng ập đến. Nhưng không ai cố công tìm hiểu xem ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm nếu bong bóng này được chọc cho xì hơi. (Trong gần một thập kỷ, các quan chức của Cục Dự trữ Liên bang vẫn luôn phủ nhận trách nhiệm của họ đối với thời kỳ giảm phát 1920- 1921). Thảm họa vào hồi cuối cũng có lợi thế vô giá là kéo dài thêm vài ngày, vài tuần hay vài tháng cuộc đời. Ai đó có thể không tin rằng đầu năm 1929, vấn đề này đã từng được đưa ra với những lựa chọn khắc nghiệt đến vậy. Nhưng dù có trốn tránh hay ngụy trang thì đó vẫn là những lựa chọn đã từng ám ảnh tất cả các cuộc hội thảo khi bàn về giải pháp cho thị trường.

II

Những thành phần có trách nhiệm đối với những lựa chọn không thể tránh khỏi này gồm Tổng thống Mỹ, Bộ trưởng Tài chính, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, và Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York. Là ngân hàng mạnh nhất và có thị trường dồi dào nhất trong số các ngân hàng của hệ thống dự trữ liên bang, Ngân hàng New York vừa đảm nhiệm vừa được giao phó những trọng trách mà 11 ngân hàng còn lại không có.

Tổng thống Coolidge không biết và cũng không quan tâm gì đến thời cuộc. Vài ngày trước khi rời ghế tổng thống năm 1929, ông còn hào hứng nhận xét rằng mọi thứ “hoàn toàn bình thường” và giá cổ phiếu “đang ở mức rẻ”. Trong những năm đầu, mỗi khi bị cảnh báo về việc nạn đầu cơ đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát, ông đều tự an ủi mình rằng đây là trách nhiệm của Cục Dự trữ Liên bang. Cục này là một đơn vị bán tự động chính vì lý do Quốc hội Mỹ muốn bảo vệ nó trước bất kỳ sự can thiệp chính trị nào của người đứng đầu đất nước.

Nhưng dù có do dự đến đâu, Tổng thống Coolidge vẫn có thể hành động kịp thời thông qua Bộ trưởng Tài chính của mình, người đồng thời giữ vai trò là thành viên chính thức của Cục Dự trữ Liên bang. Bộ trưởng cũng chính là người chịu trách nhiệm chính về kinh tế và đặc biệt là chính sách tài chính. Nhưng về mặt này cũng như các vấn đề khác của chính sách kinh tế, Andrew W. Mellon chỉ đóng vai trò là người ủng hộ nhiệt tình chủ nghĩa “giậm chân tại chỗ”. Trách nhiệm vì thế lại đổ lên vai Cục Dự trữ Liên bang và các Ngân hàng Dự trữ Liên bang.

Việc điều tiết hoạt động kinh tế là hoạt động công phức tạp và ít được tưởng thưởng nhất. Về nguyên tắc, gần như ai cũng phản đối nó. Các quy định được đặt ra trong các cuộc tranh cãi ầm ĩ ở Quốc hội, nơi mà lợi ích riêng của các nhóm luôn đẩy sức ép dâng cao đến độ suýt chuyển thành cực đoan. Việc công bố và thi hành các nguyên tắc và quy định được thể hiện qua nỗ lực đập tan bộ máy quan liêu, nhưng hành động này lại không ngừng bị chỉ trích. Trong những lần gần đây, các nhà quản lý bị bắt phải thừa nhận sự yếu kém của mình tại tất cả những dịp có thể, dù những nhiêu khê này là quá rõ ràng.

Trường hợp ngoại lệ duy nhất trong câu chuyện đáng buồn này là hoạt động điều tiết của ngân hàng trung ương – mà ở đây là Hệ thống Dự trữ Liên bang. Đây là loại hình điều tiết đúng đắn và thích hợp. Không ai phải đứng lên nhận lỗi; những người theo chủ nghĩa bảo thủ sẵn sàng lên tiếng tán thành nếu có cơ hội, mặc dù họ hầu như không bao giờ được mời phát biểu. Việc điều tiết không phải là công việc của hàng ngàn nhân viên văn phòng, thống kê, pháp lý, luật sư và những nhân viên “tép riu” chen chúc trong các văn phòng trên phố. Đúng hơn là nó trỗi dậy từ những cuộc thảo luận có chừng mực và trình tự của những nhân vật với dung mạo điềm tĩnh và có phẩm hạnh cao quý. Mỗi người trong số họ an tọa tại vị trí quen thuộc xung quanh một chiếc bàn đẹp trong một căn phòng với ván lát trang hoàng và rèm treo lộng lẫy. Những quý ông này không ra lệnh, cùng lắm họ chỉ đưa ra gợi ý. Quan trọng nhất là họ giật dây tỷ lệ lãi suất, mua bán cổ phiếu và bằng cách đó, huých cùi chỏ thị trường chỗ này một tí, và thắt chặt chỗ kia một chút. Vì phần lớn mọi người không hiểu được mục đích hành động của họ, nên họ càng có lý do để làm ra vẻ là những người thông thái vượt bậc. Họa hoằn lắm những hành động đó mới bị phê bình và chỉ bị phanh phui vì những động cơ ngầm.

Đó là điều thần bí trong nghiệp vụ của ngân hàng trung ương. Đó là vai trò gây kinh hoàng trong năm 1929 của Cục Dự trữ Liên bang ở Washington, bộ máy hoạch định chính sách với cương vị dẫn lối chỉ đường cho 12 ngân hàng thành viên. Tuy nhiên, có một khó khăn lớn cản đường. Đó là Cục Dự trữ Liên bang vào những ngày ấy là một bộ máy thiếu trình độ trầm trọng.

Trước thời điểm cuối năm 1927, vị giám đốc và đáng lẽ phải là thiên tài lãnh đạo của Cục là Daniel R. Crissinger(20). Crissinger được đào tạo cho cương vị này bằng việc giữ chức cố vấn chung cho Công ty Marion Steam Shovel tại Marion, Ohio. Không có dấu hiệu gì chứng tỏ ông này là một “học viên” tài cán. Ấy vậy mà thành tích này dường như lại đủ để gây ấn tượng với một người Marion khác là Warren G. Harding(21). Harding đã đưa Crissinger tới Washington, tại đây, Harding được biết đến với biệt danh “chính trị gia quèn đến từ Ohio”. Năm 1927, Roy A. Young, từng là Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Liên bang Minneapolis trong vòng 8 năm, lên thay Crissinger. Young là một nhân vật có tiếng tăm hơn và hẳn là biết rõ chuyện gì đang diễn ra. Tuy vậy, ông là người cẩn trọng, không muốn lao vào làm anh hùng rơm một cách vô nghĩa. Đồng nghiệp của ông là những người không có gì xuất chúng, do liên minh HardingCoolidge bổ nhiệm, chỉ có duy nhất cựu giảng viên đại học Adolph C. Miller là trường hợp ngoại lệ. Cơ quan này được Herbert Hoover miêu tả một cách bảo thủ là những “thường nhân”.

Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York được lãnh đạo bởi một bộ máy vững mạnh hơn. Trong vài năm, cho tới năm 1928, Thống đốc ngân hàng này là Benjamin Strong, người Mỹ đầu tiên, sau Nicholas Biddle, từng tạo tiếng tăm với cương vị ông chủ ngân hàng trung ương. Đối với Cục Dự trữ Liên bang, quan điểm của Strong chỉ kém kinh hoàng hơn so với vụ bản vị vàng một chút. Tuy nhiên, trong mắt của Herbert Hoover – và trong trường hợp này quan điểm của Hoover được nhiều người tán thành – Strong không chỉ dính líu mà còn là người phải “chịu trách nhiệm cao nhất” giải quyết nạn lạm phát. Chính ông ta là người tiên phong nới lỏng chính sách tiền tệ giúp người châu Âu đang trong cảnh nguy khốn năm 1927. Chính vì thế, Hoover đã gọi Strong là “phụ gia tinh thần cho cả châu Âu”.

Đây là lời nhận xét không công bằng. Hành động của Thống đốc Strong là hoàn toàn có cơ sở trong hoàn cảnh đó và như đã trình bày ở chương trước, khả năng vay mượn tiền dễ dàng từ ngân hàng chưa đủ để bắt đầu một đợt đầu cơ. Dưới sự lãnh đạo của Strong, Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York không bị xáo trộn nhiều bởi nạn đầu cơ. Ngay cả sau khi ông qua đời vào tháng 10 năm 1928 và vị trí của ông được George L. Harrison lên thay cũng vậy. Một lý do rõ ràng là ngân hàng này nhận được sự đảm bảo của các ông lớn đồng thời cũng là những kẻ đầu cơ mạnh nhất. Một trong số đó là Charles E. Mitchell, Giám đốc Ngân hàng National City, người trở thành Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York vào ngày 1 tháng 1 năm 1929. Hồi kết của thời kỳ bùng nổ có nghĩa là Mitchell cũng tàn đời. Và ông ta rõ ràng không phải là mẫu người muốn tự hại mình.

III

Trong lịch sử đã được thừa nhận rỗng rãi, các quan chức Cục Dự trữ Liên bang không phải là không hề hay biết thực tế đang diễn ra hay không sẵn lòng cứu nguy tình hình. Họ cũng muốn ngăn chặn sự bùng nổ quá mức, nhưng họ lại không có công cụ trong tay. Đợt bùng nổ khoác lên mọi việc một vẻ ngoài quá chỉn chu; và nó che giấu bản chất thật sự của thế tiến thoái lưỡng nan mà các nhà chức trách đang phải đối đầu.

Những công cụ kiểm soát thông thường đều vô dụng. Như hầu hết các sinh viên đại học đều biết rõ, để kiểm soát thị trường, người ta sử dụng hai công cụ: nghiệp vụ thị trường mở (điều tiết, dùng tiền của Cục Dự trữ Liên bang để mua bán trái phiếu) và kiểm soát tỷ lệ tái chiết khấu. Việc Cục Dữ trữ Liên bang bán trái phiếu chính phủ trên thị trường mở đem lại cho các Ngân hàng Dự trữ nguồn tiền mặt để trả cho cổ phiếu. Tại đây, tiền không sinh lời và vô hại. Nếu tiền vẫn nằm trong các ngân hàng thương mại, nó sẽ được tung ra cho dân vay với số lượng lớn và trong những ngày đó là cho cả những người đổ xô đi mua cổ phiếu thường.

Nếu chính sách này thành công, Hệ thống dự trữ liên bang chắc chắn phải có trái phiếu để bán. Một trong những điều rất may mắn mà những năm khủng hoảng, chiến tranh và thâm hụt ngân sách sau năm 1930 mang lại là lượng nợ tồn kho khổng lổ của chính phủ trong các Ngân hàng Dự trữ. Năm 1929, nguồn tiền của các Ngân hàng Dự trữ không thật sự dồi dào. Đầu năm 1928, số trái phiếu mà hệ thống Dữ trữ Liên bang nắm giữ có giá trị 617 triệu đôla. Trong sáu tháng đầu năm, có nhiều giao dịch lớn với nỗ lực nhằm vắt kiệt nguồn cung đang nuôi sống thị trường của quỹ vốn. Mặc dù việc bán ra bị gián đoạn trong sáu tháng cuối năm do niềm tin mù quáng rằng chính sách này đã thành công và thời kỳ bùng nổ đã nằm trong tầm kiểm soát, nhưng quả thật, chúng cũng không thể kéo dài lâu hơn nữa. Tới cuối năm 1928, lượng trái phiếu chính phủ tồn kho trong Hệ thống dự trữ liên bang chỉ còn 228 triệu đôla. Nếu tất cả lượng trái phiếu này được tung ra thị trường, rất có thể chúng sẽ gây ra tác động nào đó. Nhưng Cục Dự trữ Liên bang lại không có một biểu hiện nào quyết liệt như thế, và điều này đã vô tình cướp đi phần lớn tài sản của các Ngân hàng Dự trữ. Giao dịch mỗi lần lên tới vài triệu đôla, nhưng không có tác động đáng kể. Hơn thế, ngay cả khi thực hiện chính sách mong manh mà Cục Dự trữ Liên bang ít lo ngại nhất là chặn dòng tiền chảy vào thị trường chứng khoán, việc kinh doanh “hợp pháp” vẫn có thể bị đẩy vào tình thế khó khăn. Các Ngân hàng Dự trữ tiếp tục mua thương phiếu – loại chứng khoán được sử dụng trong tiến trình cung cấp vốn cho các giao dịch thông thường – và khi không còn phải giữ tờ giấy này nữa, các ngân hàng thương mại vui vẻ cho thị trường chứng khoán vay nhiều hơn.

Một công cụ khác trong chính sách của Cục Dự trữ Liên bang là điều chỉnh lại tỷ lệ lãi suất tái chiết khấu. Đây là tỉ suất mà các ngân hàng thương mại thành viên có thể vay từ các Ngân hàng Dự trữ địa phương nhằm mở rộng hơn nữa khối lượng cho vay, vượt cả mức tài sản của họ. Tháng 1 năm 1929, tỷ lệ lãi suất tái chiết khấu của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York là 5%. Tỷ lệ cho các khoản vay của nhà môi giới dao động từ 6 đến 12%. Chỉ một đợt gia tăng lãi suất đột biến mới cũng có thể khiến một ngân hàng không thể kiếm lời khi cho nhà đầu tư chứng khoán vay trực tiếp hay gián tiếp số tiền vay được từ Ngân hàng Dự trữ. Ngoài ác cảm chung đối với những hành động mang tính đột ngột, sự gia tăng như thế cũng sẽ làm tăng tỷ lệ lãi suất áp dụng cho các nhà đầu tư thông thường, người tiêu dùng và nông dân. Trên thực tế, tỷ lệ lãi suất cao hơn sẽ khiến tất cả mọi người lo lắng, trừ kẻ đầu cơ. Chẳng hạn, một người trả trung bình khoảng 10% để giữ cổ phần của Radio trong cả năm 1928 sẽ không nản lòng hay khó chịu khi tỷ lệ lãi suất cao gấp đôi bởi anh ta có thể thu về 500% giá trị đầu tư ban đầu nhờ vào giá trị đầu tư tăng.

Ngày 14 tháng 2 năm 1929, Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York đề xuất tăng tỷ lệ lãi suất tái chiết khấu từ 5 lên 6% để kiểm soát nạn đầu cơ. Cục Dự trữ Liên bang tại Washington cho rằng đây là động thái vô nghĩa bởi nó sẽ chỉ tác động đến các doanh nghiệp đi vay. Một cuộc tranh cãi đã nổ ra sau đó khi Tổng thống Hoover nghiêng về phía Cục và bác bỏ quyết định của Ngân hàng. Vì thế, tới cuối mùa hè năm đó, tỷ lệ lãi suất mới được điều chỉnh tăng.

Còn một yếu tố khác tạo cớ cho các quan chức Cục Dự trữ Liên bang im hơi lặng tiếng, đó là dòng vốn từ các tập đoàn và cá nhân vào thị trường. Trong năm 1929, tập đoàn Standard Oil ở New Jersey đóng góp trung bình mỗi ngày khoảng 69 triệu đôla cho thị trường vay nóng, Electric Bond and Share khoảng trên 100 triệu. Một số công ty khác, chẳng hạn như Cities Service, thậm chí còn bán cả cổ phiếu đi để cho vay tiền. Cho tới đầu năm 1929, các khoản cho vay từ nguồn ngoài ngân hàng đã gần bằng các khoản cho vay từ ngân hàng. Càng về sau, chúng càng áp đảo. Vì thế, các quan chức Cục Dự trữ Liên bang mặc nhiên coi như họ không có bất kỳ ảnh hưởng nào tới việc cung cấp tiền.

IV

Thực ra, sự bất lực của Cục Dự trữ Liên bang xuất phát một phần từ ý muốn của chính họ. Nếu thật sự quyết tâm, họ đã có thể đề xuất Quốc hội trao cho họ quyền quy định các tiêu chuẩn ký quỹ để kiểm soát giao dịch ký quỹ. Mức ký quỹ năm 1929 không thấp nhưng lo ngại đã khiến phần lớn nhà môi giới yêu cầu khách hàng trả trước 45 đến 50% giá trị cổ phiếu họ đang mua vào. Tuy nhiên, số tiền đó chẳng đáng là bao so với những gì khách hàng có. Nếu mức ký quỹ tăng lên 75% vào tháng 1 năm 1929, hoặc thậm chí nếu phía Cục Dữ trữ Liên bang có thể đưa ra một đề xuất nghiêm túc, thì chắc hẳn nhiều nhà đầu cơ nhỏ và một số nhà đầu cơ lớn sẽ phải bán ra. (Sau này, quyền quy định các tiêu chuẩn ký quỹ cũng được trao cho Cục Dự trữ Liên bang theo Ðạo luật Trao đổi Chứng khoán năm 1934, một năm mà nguy cơ nạn đầu cơ tái sinh ngang bằng nguy cơ áp dụng lại lệnh giới nghiêm.)

Dù vậy, ngay cả một đạo luật mới hay sự đe dọa sẽ có một đạo luật như thế cũng đều không cần thiết. Năm 1929, chỉ cần một quan chức cấp cao nào đó thẳng thắn lên tiếng phản đối các nhà đầu cơ cùng nạn đầu cơ và cảnh báo rằng thị trường đang dâng quá cao, giai đoạn bùng nổ sẽ lắng xuống. Nó có thể đưa một số người trở về từ thế giới của tự biện. Những người dự định bám trụ lại trên thị trường càng lâu càng tốt nhưng vẫn biết lúc nào nên nhảy ra khỏi thị trường sẽ rút ra hoặc nắm lấy vị thế giá xuống. Nỗi lo lắng của họ có thể sẵn sàng chuyển thành cơn sốt bán ra. Và một khi đã bắt đầu bán ra, sự bi quan sẽ dễ dàng cuốn phăng tất cả.

Chính tính hiệu quả của phương pháp này đã làm nảy sinh vấn đề. Trong tất cả các vũ khí của Cục Dự trữ Liên bang, ngôn từ là thứ có hậu quả khó lường nhất. Nó có thể gây tác động đột ngột và khủng khiếp. Hơn thế nữa, những hệ lụy do nó gây ra có thể giúp lần ra người phát ngôn một cách chính xác. Và sau đó sẽ là sự trừng phạt. Vì thế, đối với các quan chức cẩn trọng của Cục Dự trữ Liên bang trong những tháng đầu năm 1929, im lặng dường như là vàng.

Trong bối cảnh như vậy, sự bùng nổ vẫn tiếp tục diễn ra. Vào tháng 1, chỉ số công nghiệp Times tăng 30 điểm, hơn cả thời điểm sau khi cuộc bầu cử kết thúc vào tháng 11. Khi thị trường cất cánh với sự khởi đầu sôi sục ngay sau ngày 1 tháng 1, năm ngày sau đó, các khoản vay của nhà môi giới nhảy vọt lên tới 260 triệu đôla; trong ba ngày, lượng giao dịch trên Sàn Giao dịch Chứng khoán New York đã vượt ngưỡng 5 triệu đôla. Hành động quyết liệt sẽ là tai họa, nhưng Cục cũng không thể ngồi im mãi. Cuối cùng, Cục Dự trữ Liên bang quyết định soạn một bức thư và tiến hành họp báo. Đó là việc đơn giản nhất họ có thể làm được.

Ngày 2 tháng 2, họ đề cập tới các Ngân hàng Dự trữ thành viên như sau:

Ngân hàng thành viên [ngân hàng thương mại] không thể đòi bồi thường cho việc cung cấp tái chiết khấu tại Ngân hàng Dự trữ khi vay tiền vì mục đích cho vay đầu cơ hay duy trì các khoản vay đầu cơ. Cục Dự trữ Liên bang sẽ không can thiệp vào hoạt động cho vay của các ngân hàng thành viên, nếu các ngân hàng này không liên quan trực tiếp tới các Ngân hàng Dự trữ Liên bang. Tuy nhiên, Cục Dự trữ Liên bang sẽ chịu trách nhiệm khi có bằng chứng cho thấy các ngân hàng thành viên đang duy trì các khoản vay chứng khoán mang tính chất đầu cơ bằng tín dụng dự trữ liên bang.

Ngày 7 tháng 2, trong một ví dụ có lẽ là hoàn hảo hơn của thể loại văn bản tín dụng mà người am hiểu có thể đọc cả xuôi lẫn ngược, Cục Dự trữ Liên bang cảnh báo công chúng như sau:

Nếu Cục Dự trữ Liên bang tìm thấy các yếu tố phát sinh ngăn cản các Ngân hàng Dự trữ Liên bang thực thi nhiệm vụ điều tiết việc cung cấp tín dụng của Hệ thống Dự trữ Liên bang để phục vụ cho thương mại và kinh doanh, nhiệm vụ của Cục Dự trữ Liên bang là xem xét cẩn thận và tiến hành các biện pháp phù hợp và hiệu quả trong từng trường hợp để chấn chỉnh lại, và trong hoàn cảnh hiện tại, điều này đồng nghĩa với việc hạn chế sử dụng, dù là trực tiếp hay gián tiếp, các công cụ của Cục Dự trữ Liên bang để hỗ trợ cung cấp tín dụng cho các hoạt động đầu cơ.

Xuất hiện gần như cùng lúc với lời cảnh báo đó là tin tức về việc Ngân hàng Anh quốc tăng tỷ lệ lãi suất từ 4 lên 5% để ngăn dòng tiền trong ngân quỹ nước này chảy sang Phố Wall. Hành động này của Ngân hàng Anh quốc đã gây ra sự gián đoạn đột ngột trên thị trường. Ngày 7 tháng 2, một trong những ngày khối lượng giao dịch đạt mức 5 triệu cổ phiếu, chỉ số công nghiệp Times trượt 11 điểm, và trượt sâu hơn nữa vào ngày kế tiếp. Sau đó, dù thị trường có hồi phục lại, nhưng trong cả tháng 2, lợi nhuận ròng thu được chẳng đáng là bao. Các nhà kinh tế học từ lâu đã gọi hành động này là nỗ lực “gây áp lực để đạt được mục đích” của Cục Dự trữ Liên bang. Tuy nhiên, do thị trường chỉ được kiểm soát tạm thời, nên tất cả đều ngầm công nhận hành động xoa dịu tinh thần này là một sai lầm lớn.

Người ta hoàn toàn có thể và lẽ ra nên đưa ra kết luận ngược lại. Khó có thể tưởng tượng ra một thông cáo nào êm ả hơn, kém dứt khoát hơn và dễ gây kích động hơn là thông cáo do Cục ban ra. Tuyên bố rằng Cục Dự trữ Liên bang không có ý định can thiệp vào các khoản cho vay hỗ trợ nạn đầu cơ, miễn là tín dụng Dự trữ Liên bang không có liên đới là rất đáng chú ý. Rõ ràng, Cục Dự trữ Liên bang muốn trốn tránh trách nhiệm khi nạn đầu cơ đang hoành hành hơn là kiểm soát nó. Và bất kỳ ai có ý định tuyên bố nạn đầu cơ không dừng ở mức độ hiện tại mà còn đi xa hơn nữa đều sẽ được theo dõi bằng ánh mắt dè chừng. Quả thật, trong tình huống rối bời này, ngay cả một lời nói bâng quơ nhất cũng có thể gây sốc đột ngột.

V

Sự lo lắng của thị trường và tư cách thẩm quyền chắc chắn của những quan chức cũng đang lo lắng không kém tại Cục Dự trữ Liên bang ngày càng được thể hiện rõ hơn vào tháng 3. Khi chuẩn bị bước sang tháng mới, Tổng thống Coolidge đã đưa ra một nhận xét khá vô tư rằng giá cổ phiếu đang rẻ và đất nước đang ổn định. Thị trường đã tăng điểm mạnh trong cái mà các tờ báo gán cho cái tít “Thị trường nhân ngày nhậm chức”, và vào ngày 4 tháng 3, khi thái độ của Coolidge đối với các nhà đầu cơ vẫn còn chưa ngã ngũ thì Hoover đã chính thức tuyên thệ nhậm chức tổng thống. Trong vài tuần tiếp theo, thị trường vẫn hoạt động ổn định.

Đến cuối tháng, những tin xấu bắt đầu bay tới Phố Wall. Cục Dự trữ Liên bang tổ chức họp bàn hàng ngày tại Washington. Họ không đưa ra một tuyên bố nào. Các tờ báo ráo riết đặt câu hỏi cho các thành viên sau mỗi buổi họp nhưng đều vấp phải sự im lặng. Không một ai tiết lộ nội dung các cuộc họp, mặc dù tất cả đều biết chúng liên quan tới tình hình thị trường. Các buổi họp tiếp diễn ngày qua ngày, và thậm chí buổi họp vào chiều thứ Bảy hy hữu đã diễn ra.

Chẳng bao lâu sau, mọi chuyện đã đi tới giới hạn cuối cùng. Thứ Hai, ngày 25 tháng 3 – ngày giao dịch đầu tiên sau buổi họp không chính thức hôm thứ Bảy, sự căng thẳng trở nên quá sức chịu đựng. Mặc dù, hay đúng hơn là vì Washington vẫn im lặng, người ta bắt đầu bán tháo. Các cổ phiếu yêu thích của các nhà đầu cơ như Commercial Solvents, Wright Aero, American Railway Express giảm ít nhất 10 – 12 điểm; chỉ số công nghiệp trung bình Times trượt 9,5 điểm trong ngày hôm đó. Quan trọng hơn, một số ngân hàng quyết định rằng trong trường hợp Cục Dự trữ Liên bang kiểm soát thẳng tay, đạo đức còn quan trọng hơn doanh thu. Họ bắt đầu điều chỉnh các khoản nợ trên thị trường vay nóng, và lãi suất đối với những khoản nợ của các nhà môi giới tăng lên tới 14%.

Vào ngày tiếp theo, thứ Ba, ngày 26 tháng 3, tình hình còn diễn biến xấu hơn nhiều. Cục Dự trữ Liên bang vẫn giữ im lặng dù lúc này, sự im lặng đó là không đáng có. Một bầu không khí sợ hãi bao trùm toàn bộ thị trường. Ngày càng có nhiều người quyết định bán ra, và bán ra với số lượng lớn. Có ngày, số lượng cổ phiếu giao dịch trên Sàn Giao dịch Chứng khoán lên tới 8.246.740, vượt xa bất kỳ kỷ lục nào trước đó. Giá cả dường như trượt theo chiều thẳng đứng. Cổ phiếu mất 20 – 30 điểm là chuyện thường tình. Chỉ số công nghiệp Times có lúc thấp hơn mức đóng cửa ngày hôm trước tới 15 điểm. Hàng ngàn nhà đầu cơ vốn quen với việc chứng kiến thị trường đi lên, lần đầu tiên cảm nhận được mặt trái của cuộc sống mới. Mỗi bảng báo giá mới lại thấp hơn bảng báo giá trước đó. Băng điện báo cũng không thể kham nổi khối lượng bán ra lịch sử như thế nên không thể cập nhật kịp thời biến động trên thị trường. Mọi thứ không chỉ tồi tệ. Tình hình ngày càng trở nên xấu hơn, nhưng không ai có thể dựa vào điện báo để nói chính xác mọi thứ tồi tệ hơn trước bao nhiêu. Trước khi ngày giao dịch kết thúc, rất nhiều nhà đầu tư nhận được điện báo từ các nhà môi giới của họ – nó đối lập hoàn toàn với giọng điệu động viên, đầy tin tưởng như của ông bác giàu có (chính phủ Mỹ) trong các lần điện báo trước đó. Lần này, bức điện báo đưa ra thông báo nộp thêm tiền ký quỹ.

Trong khi đó, các ngân hàng vẫn tiếp tục hạ buồm để chuẩn bị chống bão. Rất có thể, một số nhà giao dịch chuyên nghiệp đã bán ra vì dự đoán được thời điểm sẽ không còn tiền để duy trì cổ phiếu bảo chứng ký quỹ. Và thời khắc đó có thể đã cận kề, khi sáng ngày 26 tháng 3, tỷ lệ lãi suất vay nóng chạm ngưỡng 20%, mức cao nhất trong thời kỳ bùng nổ năm 1929.

Lẽ ra, ngày 26 tháng 3 năm 1929 đã có thể sẽ là ngày cuối cùng. Cung tiền lẽ ra phải được tiếp tục thắt chặt. Các nhà chức trách lẽ ra vẫn tiếp tục kiên định với ý định đã chọn. Sự hoảng loạn lẽ ra phải tiếp tục diễn ra. Mỗi lần trượt giá đã có thể đẩy nhà đầu cơ vào cơn sốt bán ra, và vì thế dìm giá cả xuống thấp hơn nữa. Nhưng tất cả đã không xảy ra, và nếu cần phải vinh danh một cá nhân nào đó về hành động dũng cảm này, thì người đó chính là Charles E. Mitchell. Các quan chức Dự trữ Liên bang có thể có động cơ nhiều chiều, nhưng Mitchell thì không. Ông là người ủng hộ thời kỳ bùng nổ. Hơn thế với cương vị là người đứng đầu hai ngân hàng thương mại lớn và có ảnh hưởng nhất, cộng thêm uy tín của một chủ ngân hàng đầu tư thành công, tháo vát, và địa vị Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York, nên lời nói của Mitchell có trọng lượng chẳng kém bất cứ quan chức Washington nào. Trong ngày hôm đó, khi nguồn cung tiền đang cạn dần, tỷ lệ lãi suất tăng cao và thị trường trượt dốc, Mitchell đã quyết định ra tay. Ông tuyên bố trước giới báo chí: “Chúng tôi thấy mình có bổn phận còn quan trọng hơn bất kỳ lời cảnh báo nào của Cục Dự trữ Liên bang là xoay ngược tình trạng khủng hoảng trên thị trường tiền tệ.” Ông cho biết, National City có thể cho vay tiền trong trường hợp cần thiết để hạn chế bớt yêu cầu thanh khoản bằng tiền mặt. Họ có thể (và họ đã) vay tiền từ Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York để làm tất cả những việc Cục Dự trữ Liên bang cấm làm. Dưới vỏ bọc tài chính, Mitchell đã tung ra cú đòn từ Phố Wall theo kiểu tuyên ngôn nổi tiếng của Thị trưởng Hague “Tôi mới là luật pháp của thành phố Jersey.”

Những lời Mitchell nói như có ma thuật. Cho tới cuối ngày giao dịch, tỷ lệ lãi suất đã ổn định trở lại, và thị trường đã giãn ra. Cục Dự trữ Liên bang vẫn tiếp tục im lặng, nhưng bây giờ sự im lặng của họ lại khiến người ta yên tâm. Nó đồng nghĩa với việc họ công nhận hành động của Mitchell. Ngày hôm sau, National City điều chỉnh lại cam kết của mình đối với thời kỳ bùng nổ: họ thông báo sẽ bảo hộ mức lãi suất hợp lý bằng cách đưa 25 triệu đôla vào thị trường vay nóng – 5 triệu đôla khi tỷ lệ lãi suất là 16%, và 5 triệu đôla nữa cho mỗi phần trăm tăng lên. Trong bức thư hàng tháng gửi khách hàng, ngân hàng này tự biện minh cho vị trí của mình, và tình cờ đưa ra một phát biểu đáng chú ý về tình cảnh tiến thoái lưỡng nan mà Cục Dự trữ Liên bang đang phải đối mặt (rõ ràng National City chỉ chú trọng tới những thông tin họ quan tâm). Phát biểu đó có nội dung như sau: “Ngân hàng National City nhận thức đầy đủ những nguy cơ của nạn đầu cơ thái quá và ủng hộ chủ trương của Cục Dự trữ Liên bang là hạn chế mở rộng nguồn cung tín dụng vì mục đích đầu cơ. Cùng lúc đó, ngân hàng và các doanh nghiệp nói chung, cũng như các Ngân hàng Dự trữ Liên bang… đều muốn tránh nguy cơ sụp đổ của thị trường chứng khoán bởi đó sẽ là thảm họa đối với toàn bộ nền kinh tế.”

VI

Mitchell không thoát khỏi những lời chỉ trích và phê bình. Trong cuộc điều tra của Thượng nghị viện, Thượng nghị sĩ Carter Glass, người ủng hộ các quy định của Cục Dự trữ Liên bang đồng thời là người quan tâm tới cơ chế hoạt động của Cục, đã tuyên bố: “Ông Mitchell đã thừa nhận rằng bổn phận của ông ta đối với thị trường chứng khoán đang điên đảo còn quan trọng hơn những gì ông ta tuyên thệ trên cương vị Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York… Vì thế, ngân hàng nên yêu cầu ông này từ chức ngay lập tức.” Việc Cục Dự trữ Liên bang chưa từng nghĩ đến một hành động như thế phần nào đã cho thấy nỗ lực gây áp lực để đạt được mục đích của Cục nằm dưới tài quản trị của một bàn tay nhu nhược.

Cục Dự trữ Liên bang bị chỉ trích thậm chí còn nhiều hơn cả Mitchell. Arthur Brisbane(22) thận trọng tuyên bố: “Nếu mua bán chứng khoán là sai lầm thì Chính phủ nên đóng cửa Sàn Giao dịch Chứng khoán. Nếu không, Cục Dự trữ Liên bang đừng nên xía vào.” Một bài báo khác trên tờ Barron’s của tác giả có bút danh là Seth Axley còn đưa ra nhận xét cực đoan hơn: “Vì Cục Dự trữ Liên bang từ chối các nhà đầu tư, nên các cách thức nhận diện nền kinh tế mà giờ đã được chứng minh là đúng đắn, các kỹ năng mà giờ đã được sử dụng phổ biến, và các phát minh mà giờ đã trở thành chuyện thường ngày dường như đã minh chứng cho những nghi ngờ rằng nó đã truyền tải chính xác không khí của thời đại.” So với những phản ứng ban đầu của Cục Dự trữ Liên bang như tổ chức các cuộc họp và giữ im lặng, những lời chỉ trích này quả có phần hơi nặng nề. Nhưng nó vẫn chẳng thấm vào đâu so với lời lẽ của một học giả trẻ của trường Princeton, người nổi lên vào thời điểm đó với cương vị người bảo vệ mạnh mẽ nhất của Phố Wall.

Cuốn sách Wall Street and Washington (Phố Wall và Washington) của Joseph Stagg Lawrence khi mới ra mắt trong năm đó đã được một tạp chí tài chính đầu ngành đánh giá là “một luồng khí mới”. Trong cuốn sách đáng chú ý này, Lawrence cho rằng nguyên nhân gây ra mối lo ngại của Cục Dự trữ Liên bang đối với hoạt động của Phố Wall chính là thành kiến – thành kiến này “được gây dựng trên cái nền của sự xung đột lợi ích và mối ác cảm cả về tình và lý giữa một bên là giới giàu có, lịch lãm và bảo thủ đã an cư lạc nghiệp tại miền ven biển (trong đó có Phố Wall) và một bên là cộng đồng những người sống trong nghèo đói, mù chữ và có tư tưởng cực đoan tại khu vực đất liền.” Ông Lawrence lịch lãm và bảo thủ cũng đưa ra những lời chỉ trích nặng nề đối với phe bảo vệ Cục Dự trữ Liên bang trong Thượng nghị viện, mà kỳ lạ thay, thượng nghị sĩ “miền ven biển” của bang Virginia là Carter Glass cũng nằm trong số đó. “Không thể tin được! Vào năm 1929 Sau công nguyên này, một bộ máy gồm toàn những người được coi là sáng suốt lại cho phép những kẻ cuồng tín, ngu dốt và chậm tiến ngang nhiên hành động. Ấy vậy mà đây lại chính là những gì đang xảy ra… Khi vị Thượng nghị sĩ từ Old Dominion (tên gọi khác của Virginia) xuất hiện trong căn phòng đầy những kẻ ngu xuẩn được coi là một hội đồng biết tính toán ấy, thì những lời nhận xét của ông ta chẳng dựa trên lý lẽ gì cũng như chẳng chịu sự hạn chế nào. Niềm tin mù quáng vào những gì xuất hiện trước mắt và lối suy nghĩ tỉnh lẻ thất thường đã hợp sức phá hoại một cộng đồng vô tội.” Chắc hẳn, những thành viên máu lạnh của Phố Wall sẽ rất ngạc nhiên nếu biết cụm từ “cộng đồng vô tội” này chính là để ám chỉ họ.

VII

Sau khi bại trận dưới tay Mitchell vào tháng 3, Cục Dự trữ Liên bang rút lui khỏi chiến trường. Mối lo ngại về những gì họ có thể làm vẫn còn lẩn khuất. Tháng 4, William Crapo Durant dường như đã có chuyến thăm bí mật tới Nhà Trắng để cảnh báo Tổng thống Hoover rằng nếu không kịp thời tác động đến Cục, khủng hoảng lớn sẽ xảy ra. Tổng thống không mấy quan tâm đến lời cảnh báo này, và người ta đồn rằng Durant đã cắt giảm số cổ phần của mình trước khi lên đường sang châu Âu. Tháng 6, từ Đại học Princeton, Lawrence tiếp tục chỉ trích Cục vẫn đang “làm tất cả những gì có thể để phá bĩnh tiến trình phát triển của sự phồn thịnh”. Ông này cảnh báo Cục rằng họ đã “làm dấy lên lòng hận thù của một cộng đồng trung thực, sáng suốt và hết lòng vì nhân dân”. (Cộng đồng này cũng nhằm ám chỉ Phố Wall.) Nhưng thực ra, Cục đã quyết định phó mặc cái cộng đồng trung thực, sáng suốt và hết lòng vì nhân dân cho những công cụ của nó. Như Giám đốc Young phát biểu sau đó, Cục nhận ra rằng “tuy [Cục] có thể hạn chế phần nào sự rối loạn”, nhưng cộng đồng này phải tự lo cho mình, và các Ngân hàng Dự trữ sẽ chỉ ra tay trước “cú trượt dốc không tránh nổi”. Chính xác hơn, các quan chức của Cục đã quyết định từ chối trách nhiệm đối với sự đổ vỡ đang tiến gần.

Đến tháng 8, cuối cùng, Cục cũng thông qua quyết định tăng tỷ lệ tái chiết khấu lên 6%. Thị trường chỉ yếu đi một ngày rồi lại hồi phục. Mọi hậu quả có thể tính trước của hành động này đã bị vô hiệu hóa bởi việc song song nới lỏng mức giá mua thương phiếu.

Trên thực tế, ngay từ cuối tháng 3 trở đi, thị trường đã không còn gì để lo sợ trước nhà cầm quyền. Tổng thống Hoover đã cử Henry M. Robinson, Giám đốc Ngân hàng Los Angeles làm đặc phái viên tại New York trong cuộc họp bàn về thời kỳ bùng nổ với các giám đốc ngân hàng khác. Theo Tổng thống Hoover, trong cuộc họp đó, Robinson đã được các ngân hàng đảm bảo rằng mọi thứ đều ổn thỏa. Richard Whitney, Phó Chủ tịch Sàn Giao dịch, cũng được gọi vào Nhà trắng và được thông báo rằng cần làm một điều gì đó để giải quyết nạn đầu cơ. Nhưng, không có hành động nào diễn ra, và Tổng thống Hoover phải tự an ủi mình bằng suy nghĩ cho rằng trách nhiệm chính trong việc điều hành thị trường chứng khoán nằm trên vai Thống đốc New York Franklin D. Roosevelt.

Roosevelt cũng đang đi theo chính sách thị trường tự do, ít nhất là đối với các vấn đề liên quan đến thị trường chứng khoán. Một công ty tư vấn đầu tư tại Boston có tên gọi McNeel’a Financial Services, tự miêu tả mình là “Nhà quý tộc của những nhà đầu tư thành công”, và quảng bá một cuốn cẩm nang đầu tư mới ra mắt với cái tít: “Anh ấy kiếm được 70.000 đôla sau khi đọc cuốn Beating the Stock Market (Đánh bại thị trường chứng khoán.)” Rõ ràng có người đã làm được điều này. Nhưng người đó hòan tòan có thể kiếm được từng ấy tiền dù không hề đọc cuốn sách này hay thậm chí không biết đọc. Tại thời điểm đó, sau khi thoát khỏi nguy cơ gặp phải sự phản ứng của chính phủ hay bất cứ sự báo ứng nào, thị trường đã giương buồm lướt sóng đại dương. Đặc biệt sau ngày 1 tháng 6, mọi sự chần chừ đều tan biến. Chưa bao giờ, kể cả sau này, có nhiều người lại trở nên giàu có dễ dàng và nhanh chóng đến vậy. Có lẽ Hoover, Mellon và Cục Dự trữ Liên bang đã đúng khi ngừng can thiệp vào thị trường. Có lẽ việc chịu nghèo đói trong một thời gian dài cũng là xứng đáng để được “phất lên” dù chỉ trong giây lát.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button