Hồi ký - danh nhân

Trần Văn Khê – Tâm Và Nghiệp

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Nhiều Tác Giả

Download sách Trần Văn Khê – Tâm Và Nghiệp ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : Hồi ký – Danh Nhân

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.


Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

LỜI GIỚI THIỆU

Hơn nửa thế kỷ lập thân nơi đất khách quê người, giáo sư Trần Văn Khê tự đặt cho mình một nhiệm vụ là ra sức sưu tầm, nghiên cứu những gì liên quan đến âm nhạc truyền thống Việt Nam qua bề dày của lịch sử và chiều sâu của nghệ thuật.

Là thành viên Ban chấp hành Hội đồng Quốc tế Âm nhạc thuộc UNESCO, ông có điều kiện tiếp xúc với nhiều nền âm nhạc lớn trên toàn cầu. Gần 200 bài nghiên cứu của ông đăng trên sách báo, bách khoa từ điển, tạp chí chuyên môn của các nước được đánh giá cao về học thuật và được dịch ra hơn 15 thứ tiếng.

Khi tích lũy đủ “vốn liếng”, giáo sư TrầnVăn Khê bắt đầu bôn ba như con thoi đến nhiều nơi trên thế giới, đem tiếng nhạc lời ca của dân tộc giới thiệu với bè bạn năm châu “sự đa dạng, phong phú và đặc sắc của âm nhạc truyền thống Việt Nam” như ông vẫn luôn khẳng định.

Hành trang ông mang theo trong các chuyến đi không chỉ là những kiến thức uyên thâm chia sẻ trên các giảng đường đại học, mà còn là những bài thuyết trình sâu sắc trong các hội nghị quốc tế với cương vị một nhà văn hóa châu Á, đặc biệt ông không bỏ qua một cơ hội nào để nhạc truyền thống Việt Nam được góp mặt trên mọi diễn đàn.

Thế nhưng, như đã từng trải lòng trong những trang hồi ký, dù ở tận chân trời góc biển, lòng ông vẫn luôn hướng về đất nước, với tâm nguyện lớn nhất là sống những năm tháng cuối đời tại quê hương để “được nói chuyện về âm nhạc Việt Nam trên đất nước Việt Nam, với người Việt Nam và bằng tiếng Việt Nam”.

Một trong những trăn trở của ông là làm sao mang theo về nước toàn bộ “gia sản tinh thần” là những tư liệu liên quan đến âm nhạc truyền thống Việt Nam và các nước mà ông đã một đời chắt chiu góp nhặt. Muốn vậy thì phải có một nơi chốn phù hợp để bảo quản, một đội ngũ chuyên nghiệp để phân loại, sắp xếp, chỉnh lý, phục chế… làm tài liệu nghiên cứu âm nhạc dân tộc cho các thế hệ mai sau. Tất cả những công việc nói trên, chỉ một mình ông thì không đủ sức.

Vào năm 2002, Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin lúc đó là ông Phạm Quang Nghị khi biết được ước mong của ông đã gợi ý tạo mọi thuận lợi để có thể mang về Hà Nội toàn bộ tư liệu ấy. Rất xúc động về sự ưu ái này nhưng vị giáo sư đã thành thật nói rằng Sài Gòn mà ông thiết tha gắn bó mới là sự chọn lựa.

Thật vui mừng, tâm nguyện của giáo sư Trần Văn Khê đã được viên mãn khi cuối năm 2004, chiếc tàu viễn dương của Pháp trong đó có một container đầy ắp hiện vật, sách vở và tài liệu cập bến Cảng Sài Gòn. Thế là hoài bão của ông đã được thực hiện nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của Sở Văn hóa – Thông tin Thành phố Hồ Chí Minh lúc bấy giờ.

Phần lớn tư liệu mang về đã được phân loại, vi tính hoá, gắn mã số, sắp xếp theo đúng qui chuẩn của một thư viện để tiện việc tra cứu sau này. Giáo sư Trần Văn Khê thường tâm sự với thân hữu: “Trong tuổi hoàng hôn của cuộc đời, tôi vui mừng thấy công sức tha lâu đầy tổ của mình nay đã có chỗ hữu dụng, an tâm khi biết rằng những tư liệu bao nhiêu năm cặm cụi thu thập sẽ được sử dụng vào việc gì và để lại cho ai”.

Mười năm cuối đời là quãng thời gian hạnh phúc nhất của ông khi được đắm mình trong tình cảm chan hòa của mọi người. Giáo sư Trần Văn Khê tiếp tục hăng say gieo chất men âm nhạc dân tộc vào lòng tất cả những ai có dịp tiếp xúc với mình. Trong các buổi sinh hoạt âm nhạc định kỳ, từ người bình dân đến giới trí thức, đầu bạc lẫn tóc xanh, đã cùng ông du ngoạn trong khu rừng âm nhạc truyền thống đầy hoa thơm cỏ lạ. Đến đây để nghe Thầy Khê nói chuyện, để cảm nhận sâu sắc dòng âm nhạc gắn liền với đời sống người Việt, từ khi cất tiếng khóc chào đời qua những câu Hát ru đến lúc trở về với cát bụi bằng điệu Hò đưa linh.

Rất nhanh chóng, căn nhà ông ở trở thành một địa chỉ văn hoá quen thuộc, bởi ngoài những buổi giao lưu nghệ thuật còn thường xuyên tiếp đón nhiều đoàn khách trong và ngoài nước lui tới tìm hiểu âm nhạc truyền thống Việt Nam. Lãnh sự Pháp tại Thành phố Hồ Chí Minh khi có dịp đến thăm đã bày tỏ sự ngưỡng mộ về công việc mà nhà nhạc học của chúng ta tận tụy theo đuổi: “Xin cám ơn giáo sư đã biến nơi đây thành một thánh đường để truyền đạo nhạc”.

Nhân ngày giỗ đầu của giáo sư Trần Văn Khê, Công ty Cổ phần Sách Thái Hà liên kết với Nhà xuất bản Lao động, xuất bản ấn phẩm Trần Văn Khê: Tâm và Nghiệp là một việc làm đáng quý. Mỗi bài viết trong tập sách là một nén nhang lòng để tưởng nhớ và tri ân cây đại thụ làng âm nhạc Việt Nam đã làm tròn nhiệm vụ phụng sự âm nhạc dân tộc cho đến hơi thở cuối cùng.

Nhà báo Trần Trọng Thức

LỜI MỞ ĐẦU

Thời gian như đưa thoi, nhanh hơn cả một mũi tên. Mới đó mà đã một năm ngày giáo sư, tiến sỹ Trần Văn Khê – một con người đặc biệt, một bậc thầy lớn, một học giả và hành giả chân chính – rời bỏ cõi đời này.

Sáng nay, như thường lệ, tôi ngồi thiền. Rồi ra bàn làm việc. Tự nhiên giơ tay với lên giá sách, tôi nhặt được mấy vần thơ của chị Bùi Kim Anh:

“Tìm lặng yên giữa chốn thiền

Lòng thơ nhẹ bớt ưu phiền được chăng

Tìm nơi đây sự vĩnh hằng

Tối nghe đủng đỉnh mảnh trăng thượng tuần

Lâng lâng trong tiếng chuông ngân

Lời kinh nhẹ tiếng bước chân thoảng về

Có mây gió lạc khoảng trời

Nghe không tiếng gọi chơi vơi ơ kìa”.

Tiếng thơ như tiếng lòng tôi. Bài thơ tôi tình cờ đọc được như viết riêng cho tôi trong nỗi nhớ về giáo sư Trần Văn Khê. Tôi đứng dậy vào phòng Phật tụng một thời kinh, gửi tâm, trải lòng với Phật và như tâm sự với vị giáo sư đáng kính và lỗi lạc của tất cả chúng ta. Hình như bước chân của giáo sư vẫn đâu đây quanh tôi. Hình như bàn tay của giáo sư vẫn như đang nắm chặt tay tôi như thuở nào.

Tôi may mắn biết đến giáo sư Trần Văn Khê từ lâu và đã học được rất nhiều từ ông, từ phong cách sống đến tinh thần phụng sự, từ cách nghiên cứu đến khả năng ngoại giao, từ nụ cười thân thiện đến sự nhiệt tình, từ sự học sự đọc đến cách giảng bài hay, cách nói chuyện hóm hỉnh…

Giáo sư Trần Văn Khê không dạy trực tiếp tôi, chẳng là thầy giáo trên giảng đường của bạn và của nhiều người, nhưng tôi và biết bao quý vị vẫn gọi giáo sư là Thầy. Thầy ở đây là bởi vốn kiến thức và trí tuệ mà chúng ta học qua những trang viết, qua những bài nói chuyện của ông. Chữ “Thầy” ở đây là cái Tâm của giáo sư, là cả một sự nghiệp vinh quang và cao cả.

Giáo sư Trần Văn Khê nổi tiếng ở Pháp và phương Tây hơn là ở Việt Nam. Cho đến khi giáo sư chuyển về sống ở Sài Gòn, dân ta mới biết về Thầy nhiều hơn. Từ đó, chúng ta có cơ hội tiếp xúc và học được nhiều điều. Dân ta được hưởng lợi nhiều lắm. Tôi là một trong số đó.

Tôi may mắn có hai người bạn lớn, một sống ở Huế, một ở Sài Gòn. Hai người bạn thân thiết này không ai khác chính là anh Nguyễn Đắc Xuân và chị Thế Thanh. Chúng tôi không gặp nhau nhiều nhưng rất yêu quý nhau, thường xuyên hợp tác và trao đổi với nhau.

Thế rồi tình cờ chúng tôi lại nằm trong ban tổ chức lễ tưởng niệm một năm ngày mất của giáo sư Trần Văn Khê. Nhiều hoạt động được diễn ra trên cả nước, trong đó quan trọng nhất là cuốn sách mà bạn đọc đang cầm trên tay.

Chúng tôi đã cố gắng hết sức có thể để xuất bản sách trong một thời gian ngắn. Đây là công sức của cả một tập thể mà công lớn nhất thuộc về anh Nguyễn Đắc Xuân, chị Thế Thanh và các tác giả khác. Tôi đã đọc rất kỹ các bài viết và nhận thấy giá trị to lớn của những câu, những chữ, những tấm lòng. Hình như mỗi tác giả mở tâm ra, trải lòng ra để hòa vào “Tâm và Nghiệp” của giáo sư Trần Văn Khê.

Cuốn sách được ra đời là niềm hạnh phúc lớn lao của tất cả chúng ta. Xin dâng những cuốn sách đầu tiên lên bàn thờ giáo sư Trần Văn Khê như một sự biết ơn chân thành, như tình cảm của 93 triệu người con đất Việt dành cho Thầy. Mà không, như tấm lòng của bạn bè anh em và học trò từ rất nhiều quốc gia, trên khắp thế giới chứ. Tôi cũng mong đến ngày gặp được giáo sư Trần Quang Hải, cũng như những người con, người cháu khác của giáo sư để tặng sách.

Chúng tôi kính mong bạn đọc cảm thông cho sự vụng dại và những sai sót không đáng có trong cuốn sách này.

Tiến sỹ Nguyễn Mạnh Hùng
Chủ tịch Hội đồng Quản trị
kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sách Thái Hà

ĐỌC THỬ

CUỘC ĐỜI CHA QUA HỒI ỨC CỦA CON TRAI

Cái khó nhất của tôi là viết về cha tôi, một người rất nổi tiếng trong giới nghiên cứu nhạc Việt Nam và Á châu. Nếu viết khen nhiều hơn chê thì thiên hạ sẽ cho là thiên vị, là người trong nhà khen lẫn nhau.

Dù ai có muốn nói gì, nghĩ gì, đối với tôi không quan trọng. Tôi viết về cha tôi cũng như tôi đã viết về nhiều nhạc sỹ, ca sỹ khác. Tôi chỉ ghi những gì tôi biết về cha tôi với một cái nhìn khách quan tối đa. Nhân dịp Ngày của Cha (Father’s Day), tôi ghi lại vài hình ảnh của một người Cha, một người Thầy và một Nhà nghiên cứu âm nhạc đã góp phần quan trọng mang lại cho nền âm nhạc Việt Nam những hào quang rực rỡ.

THỜI THƠ ẤU

Đêm rằm tháng 6 âm lịch năm Tân Dậu (1921), chú bé Trần Văn Khê chào đời trong một gia đình bốn đời nhạc sỹ.

Cụ cố Trần Quang Thọ trước kia là nhạc công triều đình Huế. Ông nội là Trần Quang Diệm, tục danh là ông Năm Diệm, biết đàn kìm, đàn tranh nhưng chuyên đàn tỳ bà theo phong cách “Thần kinh”. Cha là Trần Quang Triều, mà giới tài tử trong Nam thường gọi là ông Bảy Triều, biết đàn nhiều cây, mà đặc biệt nhất là đàn độc huyền (đàn bầu) và đàn kìm (đàn nguyệt). Với đàn độc huyền, ông Bảy Triều đã bắt chước tiếng đào thán, tiếng ca nỉ non, nũng nịu của một người con gái và đã chế ra cách lên dây đàn kìm mà ông gọi là dây Tố Lan, thuộc hò nhì, lấy chữ xự làm hò mà dây Tồn cao bằng giọng hò trầm, thường dùng để đàn Văn Thiên Tường và Tứ đại oán, giới tài tử trong Nam đều biết và còn sử dụng. Người cô thứ ba là bà Trần Ngọc Viện, tục gọi là Cô Ba Viện, trước dạy nữ công tại trường Áo Tím, năm 1926 vì để tang cụ Phan Châu Trinh nên bị sa thải. Bà về Vĩnh Kim lập gánh hát Đồng Nữ Ban, toàn diễn viên nữ, con nông dân vùng Vĩnh Kim, Đông Hòa, Long Hưng. Bà chơi đàn tranh rất hay và đã truyền ngón cho Trần Văn Khê trong những bài Nam Xuân, Nam Ai.

Cụ cố ngoại là Nguyễn Tri Phương, đã làm đến chức Khâm sai Kinh lược Nam kỳ, tuyệt thực tử tiết khi Pháp chiếm thành Hà Nội lúc cụ đang giữ chức Tuyên sát đồng sức Đại thần miền Bắc. Ngoại tổ là Nguyễn Tri Túc, lúc sinh thời đã nuôi rất nhiều nhạc sỹ danh tiếng vùng Cần Đước, Vĩnh Kim để cho hai người con là Nguyễn Tri Lạc và Nguyễn Tri Khương học các thứ đàn. Ông Nguyễn Tri Khương, cậu thứ năm của Trần Văn Khê cũng là thầy dạy Trần Văn Khê đánh trống nhạc lễ và trống hát bội, đã sáng tác nhiều bản nhạc theo truyền thống như Yến tước tranh ngôn, Phong xuy trịch liễu mà Trần Văn Khê đã ghi âm vào đĩa hát CD OCORA số C 56005.

Mẹ là Nguyễn Thị Dành, bà không được cha cho học nhạc, nhưng thường thích nghe hòa nhạc trong gia đình.

Trần Văn Khê chẳng những được may mắn sinh trong một gia đình mà hai bên nội ngoại đều là nhạc sỹ, mà còn được “thai giáo” một cách rất đặc biệt. Nhà phía bên nội ở gần lò mổ lợn, nên người cậu thứ năm là ông Nguyễn Tri Khương đã xin phép nội tổ được đem mẹ Trần Văn Khê về dưỡng thai trong miếng vườn riêng có trồng nhiều thứ hoa đẹp lại xa lò mổ, không nghe tiếng lợn bị chọc tiết. Ngày ngày ông thổi sáo và đàn tranh cho em gái, thân mẫu Trần Văn Khê, nghe mỗi sáng, trưa, chiều. Bà không xem hát bội, không xem đá gà, chỉ thường đọc những sách như Nhị thập tứ hiếu, Gia huấn ca. Sau khi chào đời, mỗi ngày Trần Văn Khê tiếp tục được nghe đàn sáo của cậu Năm Nguyễn Tri Khương và cậu Mười Nguyễn Tri Ân cũng là người thổi ống tiêu rất hay.

Sau khi cúng thôi nôi, Trần Văn Khê được ông nội rước về ở gần. Hàng ngày nghe ông đàn tỳ bà, cha đàn độc huyền, cô chơi đàn tranh, chú bé đã sống trong một không khí đầy nhạc. Khách tới, ông nội đàn bài Lưu thủy để chú bé Trần Văn Khê nhảy cà tưng trong tay người cô hay người khách, chú bé biết theo nhịp, hễ ông đàn mau thì nhảy mau, ông đàn chậm thì nhảy chậm.

Sáu tuổi, chú bé Trần Văn Khê đã biết chơi đàn kìm (đàn nguyệt) mấy bản dễ như Lưu thủy, Bình bán vắn, Kim Tiền, Long hổ hội. Bảy tuổi, chú đã tập cho các chị diễn viên gánh Đồng Nữ Ban của cô Ba Viện hát bài La Madelon để chưng màn đầu cải lương. Tám tuổi, ông biết đàn cò, mười hai tuổi biết đàn tranh và đánh trống nhạc, biết cùng với người anh họ, anh Ba Thuận, con của cậu Năm Khương, chơi trò làm chai, xô giàng, khai xá, đề phang.

Nhưng Trần Văn Khê lại mồ côi rất sớm. Ba tuổi ông ngoại qua đời. Năm tuổi đến phiên ông nội. Mẹ mất năm 9 tuổi, năm sau 10 tuổi cha từ trần.

Cô Ba Viện nuôi ba anh em Trần Văn Khê, Trần Văn Trạch và Trần Ngọc Sương đến ngày khôn lớn. Tuy cháu mới lên 10 tuổi, cô Ba đã lo việc đào tạo con người cho cháu. Trước hết, cháu phải biết đi xe đạp, phải đạp đi lần từ nhà ra ngã ba Chim Chim, rồi đi đến Xoài Hột, rồi tới Mỹ Tho cách nhà 14 cây số. Hàng ngày cô nhờ mấy anh em bà con tập cho bơi lần đến lúc bỏ bập dừa bơi sang sông, cô mới cho tắm sông. Rồi cô cho học võ Thiếu Lâm với anh Ba Thuận, với mấy thầy dạy võ trong vùng để tự vệ, để khỏi sợ ma mà không cho đi đấu. Cô lại mua cho một cây đàn kìm nhỏ vừa tay như bên châu Âu trẻ em phải chơi đàn vi-ô-lông 2/4 để không bị hư ngón. Lúc nào chơi đàn, cô cũng nghe và sai là sửa ngay.

THỜI KỲ HỌC TẬP

Sơ học

Mười tuổi, Trần Văn Khê đỗ tiểu học và sang huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long nhờ người cô thứ năm nuôi. Đến Tam Bình, Trần Văn Khê được học chữ Hán trong ba năm với nhà thơ, nhà nho Thượng Tân Thị. Trong kỳ Sơ học năm 1934 tại Vĩnh Long, ông đỗ Sơ học có phần Hán văn. Cả tỉnh chỉ có Trần Văn Khê và Nguyễn Trọng Danh được đỗ bằng chữ Hán.

Trung học

Trần Văn Khê vào trường trung học Trương Vĩnh Ký năm 1934 và được cấp học bổng. Năm nào ông cũng đứng đầu lớp. Năm thứ tư (1938), ông học Pháp văn với ông Champion và được chấm đỗ kỳ thi tuyển chọn một học sinh xuất sắc nhất trong năm đệ tứ để được du lịch trên chiếc xe lửa xuyên Việt từ Sài Gòn đến Hà Nội, qua Phan Thiết, Tourane (Đà Nẵng), Nha Trang, Huế. Thêm một cái may trong đời học sinh, ông được học Việt văn và Hán văn với giáo sư Phạm Thiều.

Ông đỗ tú tài phần nhất năm 1940, thủ khoa phần nhì năm 1941 và nhờ vậy được Giải thưởng đặc biệt của Đô đốc Decoux, để đi viếng cả nước Cao Miên (Campuchia) xem Chùa Vàng, Chùa Bạc tại Nam Vang, viếng Đế Thiên Đế Thích và trên đường về Việt Nam ghé Hà Tiên. Nhờ thầy Phạm Thiều giới thiệu, ông được nhà thơ Đông Hồ tiếp đãi trong một tuần, dẫn đi thăm thú. Mỗi nơi, ông được nghe một bài thơ hay do thi sỹ Đông Hồ đọc để vịnh cảnh đẹp.

Trong lúc học tại trường trung học Trương Vĩnh Ký, Trần Văn Khê đã cùng Lưu Hữu Phước, Võ Văn Quan lập dàn nhạc của trường và dàn nhạc của học sinh trong câu lạc bộ học sinh mang tên là Scola Club của Hội SAMIPIC (Đức Trí Thể Dục Nam kỳ). Trần Văn Khê chỉ huy hai dàn nhạc đó, vừa phối khí dàn nhạc dân tộc có xen đàn phương Tây như măng-đô-lin, ghi-ta, vừa diễn trong khuôn khổ dàn nhạc Scola Club những bài hát phương Tây như Les Gars de la Marine, Sunset in Vienna… Ông làm trưởng ban tổ chức lễ Ông Táo trước ngày lễ nghỉ vào dịp Tết ta, Tổng thư ký hội Thể thao, và giữ tủ sách của trường trong ba năm tú tài.

Được học bổng của chính phủ thuộc địa, lại được bổng đặc biệt của hội SAMIPIC, Trần Văn Khê ra Hà Nội học y khoa.

Đại học

Tại Đại học Hà Nội, Trần Văn Khê cùng với các bạn Huỳnh Văn Tiểng, Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ, Phan Huỳnh Tấng (nay đổi thành Phạm Hữu Tùng), Nguyễn Thành Nguyên, hoạt động trong khuôn khổ của Tổng Hội Sinh Viên mà Chủ tịch là Dương Đức Hiền và sau này là Phạm Biểu Tâm.

Trần Văn Khê đứng trong ban tổ chức đêm hát trường đại học hàng năm. Dù không học nhạc Tây phương bao giờ, chỉ được học dương cầm (piano) vài giờ với Bình Minh, con gái của đốc công Đức, sau là tự học, ông dám phê bình các nhạc sỹ trong dàn nhạc trường đại học và phê bình đúng, nên được các nhạc sỹ cử làm chỉ huy dàn nhạc trường đại học. Trần Văn Khê thừa dịp đó để có thể, ngoài những bản thông thường của nhạc Tây phương như La Veuve Joyeuse, Marche Turque, Monument Musical… giới thiệu những bài hát thanh niên và lịch sử của Lưu Hữu Phước.

Trần Văn Khê và Lưu Hữu Phước tập cho học sinh trường Thành Nhân hát bài hát Thiếu sinh, các cô trường Đồng Khánh hát bài Thiếu nữ Việt Nam, sinh viên Đại Học Hà Nội hát bài La Marche des Etudiants. Đầu năm 1943, ông dựng ca nhạc kịch Tục lụy (thơ của Thế Lữ, nhạc phổ Lưu Hữu Phước) với nữ sinh trường Đồng Khánh Hà Nội; hè 1943, ông dựng ca kịch Tục lụy với nữ sinh trường Áo Tím Nữ học đường (sau đổi thành trường Gia Long, cho tới năm 1975 đổi thành trường Nguyễn Thị Minh Khai).

Trần Văn Khê tham gia phong trào truyền bá quốc ngữ của Hoàng Xuân Hãn, truyền bá vệ sinh của các sinh viên trường Thuốc, cùng các bạn Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ, Huỳnh Văn Tiểng tổ chức những chuyến đi hội Đền Hùng và viếng sông Bạch Đằng, Ải Chi Lăng, đền Hai Bà.

LẬP GIA ĐÌNH VÀ HOẠT ĐỘNG XÃ HỘI

Trong gia đình họ Trần, thân phụ Trần Văn Khê đã qua đời sớm, để lại hai con trai là Trần Văn Khê và Trần Văn Trạch (từ trần năm 1994 tại Paris, Pháp). Nếu không may hai cậu trai ấy qua đời mà chưa có con trai nối dòng thì dòng họ Trần sẽ tuyệt tự. Lúc đó, khi còn đang học trường thuốc, Trần Văn Khê đã nghe lời người cô Trần Ngọc Viện, người đã lo cho ông ăn học từ nhỏ tới lớn, để lập gia đình, với hy vọng có con trai nối dòng họ Trần. Trần Văn Khê yêu cô Nguyễn Thị Sương, con gái đầu lòng của ông Nguyễn Văn Hanh, giáo viên tại Sài Gòn và sau đó làm đốc học tại Thủ Đức. Bà Sương là một trong bốn nữ sinh học ban tú tài của trường nam Pétrus Ký vì lúc đó trường Áo Tím không có lớp trình độ trung học nhị cấp như bây giờ, là người học giỏi nhất trong các nữ sinh, bà Nguyễn Thị Sương rất giỏi về triết lý, bài viết đã từng được phát trên đài phát thanh.

Vào mùa hè năm 1943, sau mấy năm đeo đuổi hình bóng người con gái miền Nam kiều diễm, hiền hòa, Trần Văn Khê đã cùng Nguyễn Thị Sương sánh duyên, mang lại cho dòng họ Trần bốn người con: hai trai (Trần Quang Hải hiện là nhà nghiên cứu nhạc dân tộc tại Paris và Trần Quang Minh hiện là kiến trúc sư ở Thành phố Hồ Chí Minh) và hai gái (Trần Thị Thủy Tiên hiện sống tại Paris và Trần Thị Thủy Ngọc, nữ nhạc sỹ đàn tranh và làm việc cho một ban nghiên cứu Đông Nam Á của Trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học ở Paris). Sự hy sinh cao cả của người vợ hiền đã giúp Trần Văn Khê làm tròn sứ mạng của một thanh niên yêu nước. Từ 1949, khi Trần Văn Khê lên đường sang Pháp để lại quê nhà một vợ, ba con thơ dại và một đứa con còn nằm trong bụng mẹ, bà Sương đã trở thành cô giáo dạy Pháp văn và Anh văn để nuôi và dạy dỗ bốn con cho tới ngày trưởng thành. Sự hy sinh đó của bà đã được đền bù xứng đáng: các con của ông bà ngày nay đều thành danh, trong đó nổi bật là những thành tựu trong lĩnh vực nghiên cứu âm nhạc của con trai đầu lòng giáo sư, tiến sỹ Trần Quang Hải.

Mùa thu năm 1943, sau khi đỗ đầu từ năm thứ nhất đến năm thứ nhì trường Thuốc và bắt đầu chuẩn bị thi ngoại trú (Externe des Hôpitaux) thì nhiều sự kiện làm Trần Văn Khê phải xin thôi học để trở về Nam. Thứ nhất là vấn đề sức khỏe: ông bị sốt rét rất nặng. Trần Văn Khê không có vi khuẩn lao trong cơ thể, thử theo cách tiêm dưới da (intra dermo) cũng không thấy có vi khuẩn, nhưng khi học đến những bệnh truyền nhiễm thì ông không đủ sức để tiếp tục. Thứ hai là phong trào Xếp bút nghiên xảy ra. Lưu Hữu Phước đặt nhạc và Huỳnh Văn Tiểng viết lời bản nhạc Xếp bút nghiên đã được các sinh viên thời đó hát hăng say.

Lúc quê hương cần người

Dứt là tơ vương

Giã trường lên yên…

Nhiều bạn trong đó có Lưu Hữu Phước và Huỳnh Văn Tiểng đã rời nhà trường, không phải lên yên ngựa mà lên xe đạp đi về Nam. Trần Văn Khê lúc đó đau sốt rét mới hết, còn yếu, nên về Nam bằng xe lửa.

Lý do thứ ba là lúc ấy bắt đầu có nạn đói tại miền Bắc. Trần Văn Khê và Lưu Hữu Phước định về Nam để lập một gánh hát sinh viên đi các tỉnh vừa giới thiệu bài hát thanh niên, lịch sử của Lưu Hữu Phước, vừa góp tiền mua gạo gửi ra cứu đói ngoài Bắc. Gánh hát không chuyên nghiệp và lưu động đó đã đi trong mấy tháng tại các tỉnh miền Đông và miền Tây để hát.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button