Lịch sử - địa lý

Góc Nhìn Sử Việt: Bóng Nước Hồ Gươm 2

bong-nuoc-ho-guom-2-ebook1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Chu Thiên

Download sách Bóng Nước Hồ Gươm 2 – Góc Nhìn Sử Việt ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : LỊCH SỬ

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Hà Nội trước ngày Tây sang, với làn nước Hồ Gươm còn soi bóng các làn xóm, đình chùa cũ ngay bên bờ; với các ô và phố phường tuy còn nhiều tre lá hơn gạch ngói nhưng đã tập hợp được những khối óc với bàn tay sáng tạo khéo léo nhất của cả nước; với những vần thơ, câu đối, mẩu chuyện truyền miệng đây tinh thần phản kháng, đả kích tất cả những gì là phản phúc, cơ hội, phi nghĩa, không sợ bất cứ quyền thế nào; với những con người hào hiệp khảng khái hễ động có việc nghĩa cử nào, có chuyện bất bình gì là đã thấy có mặt ở hàng đầu; với những cô gái lanh lợi,hoạt bát, có một vẻ thanh lịch riêng chỉ người Hà Nội mới có – bấy nhiêu cảnh trí,lối sống và con người của Hà Nội trước đây ngót một thế kỷ đã được cố gắng tái hiện bằng những bức vẽ giau sức tạo hình, giúp người đọc hình dung được phần nào những cái đã làm nên truyền thống của Hà Nội mà sau này thực dân Pháp làm thay đổi hẳn bộ mặt nhưng không sao có thể thay đổi được linh hồn bên trong.

ĐỌC THỬ

Chương I

Buổi sáng đầu xuân quang đẹp. Mặt trời lên cao tỏa ánh nắng vàng tươi ấm dịu làm tưng bừng hẳn bầu không khí sớm mai. Gió hiu hiu nhẹ nhàng từ bên phía Bát Tràng thổi lướt qua sông Cái vào ven đê rung rinh phe phẩy những bụi cây, cành lá bên đường. Những con chim nhỏ bay liệng tắm nắng và lách chách, ríu rít nhảy chuyền qua từng cành, từng bụi cây. Và mải mê với nắng và mồi, chúng rất dạn người, thường đưa mắt ranh mãnh nhìn khách qua đường. Nhưng khách đi đường phần nhiều ở dưới thuyền mới lên bộ, đều vội vã đi ngay, không ai để ý gì đến cảnh vật chung quanh, nên cũng chẳng ai vạ gì hoài hơi đi khua quấy đàn chim nhỏ đang nô giỡn hát vui với ánh mặt trời. Chỉ có người, áng chừng một văn nhân mơ mộng cũng đi từ dưới bãi lên đê, nhưng hễ thấy con chim nào bất kể là chim sẻ hay chim vành khuyên, chào mào hay sáo, con nào cũng tỏ ra bạo dạn, cứ giương mắt ra nhìn có vẻ chế giễu, là ông ta xô đến đuổi ngay làm cho những con chim ấy cuống cuồng bay đi, vừa bay vừa hót như có ý nguyền rủa.

− Chết! Chết tiệt!

Nghe hay hay, người khách bật cười tự nhủ:

− Mày rủa ông chết à? Đầu năm xuân mới mà mày độc địa thế à? Rồi mải đuổi theo ý nghĩ đang nung nấu trong lòng: “Chúng mày sống vui vẻ nhởn nhơ, dễ ông không được sống vui vẻ nhởn nhơ à? Vô lý! Ai cũng có quyền tìm được cách sống sung sướng, chúng mày không được nguyền rủa ông chết! Chúng mày sẽ phải chết trước! Nghe không?”.

Khoái chí vì những ý nghĩ ngộ nghĩnh ấy, ông vừa đi vừa nhặt những hòn đất rắn, gạch vụn ở đường, vừa ném đuổi những con chim nhảy nhót trên cành hay ở vệ đường làm cho những người qua lại cũng phải phì cười về cái tính lẩn thẩn ấy. Nhưng không phải ông lẩn thẩn đâu. Ông nghĩ thế thật, và ông cứ nhẩn nha như thế đi lên phía Đồn Thủy, định nhân buổi trời xuân trong đẹp này, (vả lại là buổi rỗi rãi không ai biết đến mình) để xem quang cảnh nơi nhượng địa kia thế nào? Mười lần tai nghe không bằng một lần mắt thấy, ta thử đi qua một lượt mục kích xem sao! Dòng suy nghĩ đi xa, ông không ném chim nữa, và cũng đã đến nơi rồi: kìa dưới sông, trên làn nước đỏ sẫm gạch cua chảy xiết, hơn chục cái thuyền ván, cột buồm sừng sững, trên ngọn mỗi cột một lá cờ ba sắc trắng, đỏ, xanh thẫm phần phật bay theo chiều gió, như cố nhoai cho thành một hàng dài. Bên ngoài dãy thuyền là ba cái tàu lớn hai tầng sơn trắng, ống khói tròn như cái cót lúa ở giữa nóc tàu đang từ từ bốc lên một làn khói mỏng. Ở phía mũi tàu quay ra giữa sông một lá cờ ba sắc lớn hơn một cái chiếu đang phất phơ trước gió, trông có vẻ như cờ lệnh của viên tướng chỉ huy, chỉ huy cả đoàn thuyền. Các thuyền đều im lặng tắm trong nắng sớm. Riêng trên những tàu là náo nhiệt những binh lính đi lại, lên xuống, xì xồ và hát nghêu ngao như bò rống. Tiếng hát vọng lên đến trên bờ, thì ở trên này cũng có tiếng xì xồ hát đáp lại cũng như bò rống, hổ gầm, ông khách bật lên tiếng cười chế nhạo, tự nghĩ:

− Thế mà cũng hát với hỏng.

Nhưng ông ngừng ngay vì chợt trông thấy ở trên bãi, bên trong hàng rào tre, rào cánh sẻ có tiếng hô nhịp “ắc đê,… ắc đê”1 và nhìn thấy từng hàng đội binh lính bước đi đều đặn. Nhìn theo đoàn người nhịp nhàng tiến bước, ông đưa mắt nhìn bao quát cả cái khu nhượng địa mới xây dựng này. Ồ! Cái nơi đất bãi bồi ngoài bến Tây Luông mà mấy năm trước mình đã qua đây chỉ thấy cát và bùn, thì bây giờ đã thành một khu dinh cơ bát ngát và nguy nga: một nhà gạch hai tầng ở giữa cao vượt lên trên hàng cây, từng ô cửa chữ nhật sơn xanh đóng khung lên những bức tường vàng, chung quanh là những dãy nhà ngang dọc, cũng mái ngói tường gạch, cửa xanh trên nền tường vàng… Và bên ngoài nữa, gần sát với đê La Thành, bức tường thấp bên trên cắm rào sắt và rào gỗ cũng sơn xanh, trông thẳng tắp. Tất cả cái khung cảnh xinh xắn, diêm dúa, mới mẻ ấy nối tiếp ngay với đoàn tàu thuyền kia nổi bật lên thành một khu cảnh trí riêng biệt, như một thế giới khác ở bên sông Hồng, sát nách cái thành trì cổ lỗ. Thì ra người Tây họ văn minh hơn mình thật, họ gọn gàng, ngăn nắp, và nhất là cũng đất ấy lại là khu đất ngoài bờ sông dễ lở, cũng những vật liệu ấy, mà họ khéo xây đắp lên một nơi như tiểu thần tiên vậy, không đồ sộ lộng lẫy, nhưng mà đẹp, đẹp hơn cả dinh quan Tổng đốc trong thành. Họ giỏi hơn mình thật, đi đến đâu là họ lập thành cơ ngũ vững vàng hẳn hoi! Ô kìa! Mà sao đến buôn bán mà lại chả thấy hàng hóa gì mấy, mà lại toàn là binh lính và súng ống tập tành thế này? Ông khách gật gù tự đáp, tự cho như là một sự khám phá mới lạ:

− Binh dĩ vệ thương, thương dĩ dưỡng binh2.

Đúng rồi! Phải có sức mạnh mới buôn bán được! Làm gì cũng vậy, cũng cần phải có sức mạnh, có quyền, có thế! Mà đây họ lập cơ ngơi cố thổ thế này, lại tập tành rèn luyện thế kia là họ định tạo đủ sức mạnh ở mãi đây đây!

Tự nhiên ông nghĩ đến nước mình, đến dân mình rồi đến bản thân mình, ông nghĩ đến tấm thân nam nhi ngoài ba mươi tuổi mà vẫn chưa thành dân phận gì, nào có phải kém cỏi gì cho cam, cũng có học có tài như ai, rốt cục cũng chỉ vì chưa có thế, chưa có sức mạnh mà thôi. Ông vừa nghĩ về bản thân mình vừa đi sát vào hàng rào xem bọn lính Tây tập. Ông mải mê đi, cứ lững thững đến gần cổng chính mà không biết. Bên trong cổng, một anh lính Tây đã chú ý đến ông từ trước nhất là chú ý đến cái khăn gói đỏ khoác trên vai và cái nón lông đen chóp bạc sáng nhoáng phản ánh tia nắng mặt trời ở trên đầu ông. Hắn để cho ông lại gần, liền chạy xô ra, đứng ngăn trước mặt ông và hỏi bập bẹ bằng giọng Sài Gòn:

− Cái chi?… Cái chi?…

Ông khách hoảng sợ toan ù té chạy, nhưng không kịp nữa, tên lính đã chộp lấy vai ông, rồi một tay nắm chặt tay ông, một tay gỡ cái nón chóp đội lên đầu mình và tháo khăn gói khoác lên vai. Đoạn hắn buông ông ra cười hề hề đi ngoắt trở vào trong cổng. Ông cố chạy theo vào định níu áo hắn lại và đòi:

− Trả nón gói tôi đây! Trả tôi đây!

Tên kia vẫn cười hề hề rảo bước, tên lính đứng canh ở vọng canh bên trong cổng vác súng và lưỡi lê cản ông ra. Thất kinh vì những đồ binh khí sáng loáng ấy ông đứng ra bên ngoài cổng chắp tay vái lấy vái để, xin lại hành lý. Tên lính canh không hiểu tiếng nói, cứ xua tay lắc đầu từ chối. Vẫn điệu bộ ấy đối đáp với nhau mãi. Một người đàn bà gánh rau lên phố bán đi qua trông thấy vậy liền bảo:

− Bác hỏi cái gì vào chỗ nhà “đoan” kia kìa, nhờ người ta nói hộ, ở trong ấy có thông ngôn đấy.

Ông khách vội chạy theo bà hàng rau, và theo tay bà ta chỉ, đi vào cái nhà gỗ lợp tranh liền ngay đấy. Ở đây có đông người ra vào. Ông chạy thẳng đến gần người đang ngồi biên chép ngay cửa vào và nói nhờ giúp hộ. Người ấy ngẩng lên nhìn và hỏi:

− Anh buôn gì?

Ông nói lại rõ sự việc xảy ra và nhờ người ra nói giúp xin hộ nón và khăn gói. Người kia thản nhiên nói:

− Anh lại ô Hàng Cau nhờ ông Cử em.

Ông cứ nằn nì nhờ xin hộ, và cố phân trần rằng chỉ cần biết được tiếng họ là lấy lại được nón, gói thôi. Người kia lạnh lùng nói:

− Đây chỉ có việc tính thuế và khai hàng xuất nhập thôi, anh xê ra cho người ta làm việc.

Ông càng thêm chán ngán đứng tần ngần nhìn lên cái biển gỗ sơn then có hàng chữ vàng “Đại Phú quốc thương chính tòa” viết rất chân phương đĩnh đạc, ông càng thêm bực tức, nghĩ bụng “Thì ra nơi nha môn nào cũng vậy mà thôi, ở đâu cũng thế cả”. Ông lẩm bẩm nói lên thành tiếng như có ý nguyền rủa:

− Tệ thật, hễ là thương chính thì chỉ làm việc buôn bán thôi ư! Không giúp đỡ ai được việc gì nữa à?

Một người đàn ông chít khăn đầu rìu mặc áo cộc nâu năm thân cài dải đang đứng đợi ở đấy nghe thấy vậy nói ngay:

− Ông muốn hỏi gì cứ ra cửa hiệu Lạc Phố mà nhờ ông Cử.

Người ấy ghé vào tai ông, nói thấp giọng:

− … Mọi việc ở đây, họ xua ra đấy cả. Họ ăn cánh với nhau mà. Đứng đây cũng vô ích!

Thôi đành cũng phải ra đấy vậy. Vốn đã nghe danh đồn đại nhiều về lão Cử này, nay lại phải tự phơi mặt ra với lão, nhờ vả lão, thì xấu hổ chết! Mà lại nhục nữa! Chẳng gì thì cũng là một vị quan của triều đình! Nhưng được cái lão ta chưa biết mặt mình, thì cứ giấu nhận là anh đồ Nghệ nào đó mà chả được, miễn là xong việc thì thôi. Nghĩ vậy, ông khách quả quyết đi thẳng lên phía cửa ô trên, tìm vào cửa hiệu của ông Cử em. Đây đúng là một cửa hiệu buôn. Trước kia, còn ở trên ô Hàng Mắm, hiệu Giai Huynh của ông Cử chỉ là một gian nhà dùng làm nơi để ngồi viết giúp giấy tờ giao dịch với sở Thương chính của ta và sở Thương chính của nước Phú Lãng Sa, mà người ta quen gọi là “nhà đoan”. Nhưng từ năm ngoái, dọn xuống nhà mới ở cửa ô dưới này cho gần với nhà đoan, mở mang rộng thêm, lại bày bán thêm một số hàng ngoại quý giá của Tây và Khách, trông choáng lóe cả mắt. Và tên hiệu cũng được đổi là Lạc Phố cho hợp nghĩa hơn. Ông khách xứ Nghệ đến đúng vào lúc cửa hiệu đang đông khách. Trong năm gian nhà rộng rãi, chỗ nào cũng lố nhố có người. Thường thường nhiều nhất là những người vào xem hàng, cũng có những người vào mua hàng, vào nhờ viết giúp giấy tờ, công việc, có những bạn quen thân đến chơi, bàn chuyện thời thế gần xa. Ông khách mới đến tiến lại gần một người bán hàng, chào hỏi và nói muốn gặp ông chủ. Người bán hàng chỉ vào một ông quần áo chỉnh tề chít khăn lượt chữ nhân ngồi ở đằng sau cái án thư bên trong quầy hàng ở góc nhà đằng kia. Khách còn lóng ngóng chưa biết đi lối nào, thì ông chủ ở bên trong án thư đã trông thấy vội đứng lên chạy ra, chắp tay vái chào và mời tíu tít:

− Bẩm quan lớn ạ! Xin rước quan lớn vào chơi. Mời quan lớn đi lối này ạ.

Khách sững sờ đứng dừng lại ông kia đã chạy ra hẳn tận nơi, chắp tay vái chào lượt nữa rất lễ phép, rồi niềm nở mời khách và đi trước dẫn khách vào, mời ngồi lên cái trường kỷ gỗ gụ đen bóng nhoáng có chấn song con tiện, kê ở gian giữa. Khách chợt nghĩ ra: “Thôi chết! Tú tài Nam Phố! Mình không nhớ ra. Thôi lộ rồi!”. Ông vội tìm cách ứng biến để che đậy ý định thầm kín của mình, liền hỏi:

– Thầy Tú cũng ở đây à? Thầy Tú ạ tôi muốn vào… vào chơi hầu quan phủ Đào… không biết thầy ở đây…

Ông kia đỡ lời ngay:

− Vâng, vâng ạ. Bẩm xin rước quan lớn ngồi chơi. Ông Cử chúng tôi ở nhà trong, chúng tôi xin đi vào mời ra hầu quan lớn ngay ạ.

Khách đã tự trấn tĩnh lại được, ung dung ngồi vào trường kỷ, hỏi:

− Còn nhà trong nữa cơ à? Hiệu của các quan to nhỉ.

− Dạ, bẩm dọn xuống đây có đất mở to. Vả lại nhà ngoài này bày hàng họ, có đông khách ra vào, cũng phải có cái nhà trong cho nó tĩnh, có chỗ nghỉ ngơi.

Ông Tú còn đương đứng nói, thì cánh cửa bên từ nhà trong ra kẹt mở, một người đã đứng tuổi mặc áo nhiễu kép đỏ, quần lụa trắng, chít khăn nhiễu tím, rồi ở trong bước ra, ông Tú vội nói với khách:

− Bẩm quan lớn, ông Cử tôi đã ra đấy ạ.

Rồi quay lại ông Tú giới thiệu với Đào Trọng Kỳ:

− Thưa bác, có quan Giáo thụ phủ nhà đến chơi!

Đào Trọng Kỳ vội chắp tay vái chào và đi nhanh đến trường kỷ, ấn mời khách ngồi xuống, trong khi ông này đứng dậy vái chào. Kỳ vồn vã nói:

− Hân hạnh cho hạ dân quá. Nghe danh quan lớn đã lâu, vẫn khao khát muốn đến bái yết tôn nhan, nhưng bận những việc tầm thường chưa có dịp nào thỏa lòng mong ước. Xin rước quan lớn ngồi.

Khách ngồi xuống ghế, lễ phép nói:

− Bẩm quan lớn, từ khi tôi về nhận giáo chức phủ Hoài Đức này đã hơn một năm, vẫn nghe tiếng quan lớn ở đây quảng giao hiếu khách, nhưng chưa có dịp may nào để đến hầu tiếp, định tết này về quê ra, thể nào cũng sẽ vào hầu quan lớn.

Đào Trọng Kỳ vội ngắt:

− Bẩm quan lớn, xin quan lớn tha thứ cho, xá cho lỗi gọi nhau như thế, vì hạ dân đây là kẻ có tội, bây giờ làm cái mạt nghệ này.

Khách cũng cướp lời:

− Quan lớn nghĩ thế là sai. Đành rằng có tội, nhưng quan lớn có tội với triều đình. Chứ còn quan lớn đã đỗ Cử nhân trước bản chức, làm quan đến Tri phủ, trong khi giao du với nhau, vẫn phải xưng hô như thế mới phải.

Ông Tú đứng bên nói xen vào:

− Hai quan nói đều phải cả, nhưng đệ thiết nghĩ trong làng danh giáo, con cháu đạo thánh cả, ta nên gọi thông thường cho nó thân mật hơn.

Ông Giáo thụ phủ Hoài vội nói ngay:

− Thầy Tú dạy đúng. Nói kiểu cách quá lại hóa ra khách sáo.

Rồi ông nói tiếp, thấp giọng hơn và với vẻ chân thành:

– Đệ định bụng ở quê ra, sẽ vào chơi mừng tuổi quan anh, mà không may, trong bụng lấy làm xấu hổ, lại hóa ra là phải thân đến đây nhờ quan anh giúp việc. Thật là đường đột.

Đào Trọng Kỳ đang bày ngay ngắn lại những khẩu giầu ở trên đĩa cổ cho giầu cau ngay ngắn, cũng lấy làm lạ, hỏi:

− Thưa quan lớn có việc gì kia ạ?

Khách kể lại việc đi qua khu nhượng địa, bị mất nón chóp và khăn gói. Ông Tú chưa nghe hết đầu đuôi, nói ngay:

− Tây nó đùa đấy! Sao quan lớn không chạy theo vào mà đòi, là nó phải trả. Nó thấy người mình hiền nó hay trêu!

Ông Giáo thụ đáp:

− Tôi có chạy theo vào xin, nhưng tên lính canh cổng đẩy tôi ra. Tôi chạy đến tòa Thương chính nhờ hỏi hộ, người ta chỉ cho tôi ra đây… nhờ…

Đào Trọng Kỳ nghiêm trang hỏi:

− Hay là quan lớn có làm gì chúng nó?… Hoặc giả làm cho chúng nó ngờ…?

− Bẩm không ạ, đệ chỉ thấy cái mũ trắng úp sùm sụp như cái lon giã cua ở trên đầu và đôi chân quấn vải chặt như cây gỗ, nên đệ đứng ngây ra mà nhìn…

Phủ Kỳ bỗng phá lên cười oang oang, vỗ tay vào đùi, nói:

− Thôi phải rồi! Phải rồi! Nó lạ cái nón lòng chóp bạc của quan lớn, và cả cái khăn gói nữa, khăn gói vải đỏ chứ gì,… Đúng, nó cũng lạ như quan lớn lạ cái mũ của nó ấy mà, nên nó muốn giữ lấy nó xem. Nó đùa đấy quan lớn ạ.

Người nhà bưng khay chén và nước sôi ra, ông Tú pha chè rót nước đặt lên bàn. Ông Phủ Kỳ đặt một chén nước trước mặt khách và nói:

− Rước quan lớn xơi nước. Mời quan lớn cứ ngồi đây chơi, để tôi nhờ người hỏi hộ. Nó đùa thì nó trả, không ngại.

Ông khách phủ Hoài nói khẩn khoản:

− Vì ngôn ngữ bất đồng, nên đệ phải vào đây nhờ quan anh hỏi hộ, để đệ còn xin phép quan anh phải vào trình quan Đốc học cho kịp lễ khai giảng đầu xuân ngày kia.

− Vâng, rước quan lớn cứ ngồi chơi nói chuyện, chúng tôi sẽ cho người đi hỏi ngay…

Vừa lúc đó ở bên ngoài có tiếng người hỏi vọng vào:

− Ông Cử có nhà không?

Đào Trọng Kỳ trông ra vội đứng lên chạy ra reo:

− A ha! May quá là may, vừa đúng dịp. Xin mời hai ngài vào!

Ông Giáo thụ Hoài Đức, ông tú Nam Phố cùng đứng dậy đi ra giữa nhà đón chào. Hai người khách mới đến vừa lên tiếng hỏi ở ngoài cửa đã bước vào trong nhà. Hai người ăn mặc giống nhau, cũng áo kép dài vải thâm tay chẽn, quần lụa trắng rộng phủ lên đôi giầy da đen kiểu Tây bọc lấy chân, đi gót kêu cộp cộp. Cũng cái mũ vải cứng vành to trên đầu, cũng một cái cổ trắng cao cứng bên trong cổ áo kép; tuy hai người mặc áo dài ngắn khác nhau và có giọng nói khác nhau, nhưng riêng lối quần áo, giầy mũ như thế cũng đủ tỏ cho mọi người biết họ là hạng người thế nào, từ đâu đến. Cho nên ông Giáo thụ, tuy là khách mới đến, cũng rất vui mừng như ông Cử vậy. Hai người vào đến giữa nhà, người thấp bé nói giọng Nam kỳ, đứng sững lại hỏi:

− Nhà có khách lạ à?… Có bận? Chúng tôi xin ra.

Đào Trọng Kỳ vội giới thiệu:

− Bẩm không ạ. Xin mời hai ngài vào chơi. Trình hai ngài đây là quan Giáo thụ phủ Hoài Đức chúng tôi, cũng là bạn thanh khí nhà nho cả…

Ông quay liếc nhìn ông giáo và nói tiếp:

− … Và cũng đang có tí việc muốn nhờ các ngài, thật may quá, vừa dịp…

Rồi ông quay hẳn lại nói với ông giáo, xòe bàn tay ra, cúi đầu chỉ vào người thấp bé nói giọng Nam kỳ:

− … Trình quan lớn, đây là quan thông ngôn Lộc người Gia Định Sài Gòn, hàm Tri huyện hạng nhất, thông ngôn đầu tòa ngoại hạng trong dinh quan Công sứ Kê-la-đích ở khu trường Tây Đồn Thủy này…

Và cúi đầu xòe tay chỉ sang người cao hơn, ông giới thiệu tiếp:

− … Còn đây là quan Giáo sư Lê, người Bắc, giỏi chữ La-tinh, chữ Ăng-lê, dạy ở trường cố bên Ma Cao, về đây là khách của cụ Kê…

Ông thông ngôn người Nam kỳ cúi đầu chào và nói:

− Đã là quan Giáo dạy học, thì là bạn nhau cả, là cùng nghề, là đồng nghiệp, tôi cũng đã dạy học, còn quan Giáo sư Lê là giáo chức cao đẳng, dạy những người ra đi dạy các ông giáo. Ngài biết giỏi nhiều thứ chữ, cũng như quan Đốc học Trương Vĩnh Ký vậy… Chắc ngài cũng nghe nói đến quan Đốc Trương?

− Dạ bẩm thưa hai ngài, có ạ!

Ông Giáo thụ mới trả lời được thế, ông thông ngôn đã nói tiếp ngay:

− Bồng! Tốt. Chúng tôi rất lấy làm sung sướng được gặp một bạn đồng nghiệp… À mà bạn, à quên, quan lớn, xin quan lớn thứ lỗi, chúng tôi quen nói theo lối người Phú Lãng Sa, thưa quan lớn có việc gì muốn sai bảo chúng tôi?

Ông giáo luống cuống chỉ biết chắp tay cúi đầu, nói nhỏ nhẻ không rõ tiếng, ông Cử vội nói đỡ:

− Dạ, xin mời hai ngài ngồi chơi đã, mời quan Giáo ngồi chơi ta sẽ nói chuyện.

Khi mọi người đã ngồi cả vào trường kỷ, hai bên đối diện nhau, Đào Trọng Kỳ mới thuật lại việc ông giáo bị mất nón và khăn gói cho tên thông ngôn nghe. Tên này đứng phắt ngay lên, chìa tay ra nắm lấy tay ông Giáo thụ lôi đứng dậy và nói:

− Tây nó thấy quan lớn ngài hiền, nó đùa đấy. Nhưng cũng là đùa nhả, bọn này phải phạt “cỏ-vê”3 mới được. Đi, ngài đi với tôi để bắt chúng nó phải xin lỗi ngài…

Quay sang nói với Giáo sư Lê, hắn nói:

− Bác ngồi đợi tôi đây nhé. Tôi ra ngay.

Ra khỏi trường kỷ đến giữa nhà, hắn chỉ cái bàn cờ để trên quầy hàng dặn với lại:

− Ông Cử và ông Tú đem bàn cờ này vào đấu với Giáo sư Lê mấy ván đợi chúng tôi về.

Đào Trọng Kỳ cũng xun xoe chạy ra cửa nói thêm:

− Trăm sự trông nhờ ở ngài cả.

Tên thông ngôn Lộc vội nói:

− Dạ, đó là phận sự của tôi phải làm chứ!

Và hắn vội dừng lại:

− À này quý quán cao danh của quan Giáo thế nào nhỉ? Tôi phải biết để nhờ Tây nó hỏi…

Ông Giáo thụ phải nói ngay:

− Tôi quê ở Hà Tĩnh, tên là Hoàng Văn Khải, hiện làm Giáo thụ ở phủ Hoài Đức này.

− Được rồi, thế ta đi. Tôi nhớ rồi, quan lớn tên là Hoàng Văn Khải. Xin quan lớn bỏ quá cho, cái nghề của tôi nó phải thế.

Hai người liền thoăn thoắt bước xuôi phía Đồn Thủy vừa đi vừa nói chuyện, trông đã có vẻ như đôi bạn thân.

Một hồi lâu sau, hai người trở về nét mặt đều tươi tỉnh phấn khởi. Ở đằng hiệu này, Đào Trọng Kỳ với Giáo sư Lê đang mải mê suy nghĩ, cân nhắc những nước đi, ông Tú ngồi chầu rìa bên Giáo sư Lê, thỉnh thoảng cũng góp ý mách nước. Ba người đang chụm đầu vào bàn cờ, thông ngôn Lộc sồng sộc ở ngoài vào bô bô hỏi:

− Mấy ván rồi? Có lâu không?

Đào Trọng Kỳ ngẩng lên trước nói:

− Chưa được một ván… Thế nào? Xong rồi à? Nhanh thế, có sao không?

Thông ngôn Lộc hỏi lại:

− Chưa được một ván cơ à? Sao lâu thế? Thôi hòa nhá. Cánh này đi tốt lắm. Lấy được cả nón gói về đây, mà Tây nó phải xin lỗi.

Ông Tú nói:

− Thế thì hay! Ta phải ăn mừng.

Giáo sư Lê nói:

− Hòa cũng được. Nhưng chưa hạ được ông Cử, chưa hả.

− Thôi để lúc khác hẵng hay!

Thông Lộc vừa nói vừa lấy tay xoa quân cờ đi, và nói mấy câu tiếng Tây với Giáo sư Lê, rồi hắn quay ra mời ông Giáo, ông Tú cũng cùng ngồi vào trường kỷ, và kể lại chuyện hai người đi vào khu nhượng địa như thế nào. Sau khi biết rõ cái việc đáng tiếc này, quan ba cập-ten4 coi đội quân ở đấy đã mời quan Giáo thụ vào trong phòng khách, mời quan Giáo uống rượu vang, ăn bánh ngọt, trò chuyện hỏi thăm thân mật rồi bắt tên lính kia phải đem nón và khăn gói vào nộp trả quan Giáo và xin lỗi ngài. Quan ba cũng chân thành xin lỗi ngài về việc đáng tiếc ấy đã xảy ra.

Thông Lộc cầm cái nón chóp bạc giơ lên và nói tiếp:

− … Và đây là cái nón của quan lớn, lông chim lợn đã đẹp, nhưng đẹp nhất là cái chóp bạc chạm trổ tinh vi này, nó đã làm cho tên lính say mê đùa nghịch mà bị lỗi, làm mất thể diện của người Phú, đáng lẽ bị phạt nặng lắm. Chúng tôi phải xin mãi, quan cập-ten mới tha phạt “công-sinh”5 chỉ phạt “cỏ-vê” qua loa thôi…

Đào Trọng Kỳ mỉm cười, nhìn hỏi sang ông Giáo phủ Hoài:

− Thế nào quan Giáo? Xong xuôi êm ấm rồi chứ?

Giáo thụ Hoài Đức đáp:

− Bẩm xong cả rồi ạ. Nón, gói, quần áo, sách vở còn nguyên, không suy suyển. Kể ra người Tây cũng lịch thiệp thật. Chỉ vì ngôn ngữ bất đồng mà sinh không hiểu nhau, chứ hai bên cùng hiểu biết nhau thì làm gì có chuyện xung đột. Ấy nhờ có quan lớn đây thông ngôn cho, Tây họ hiểu ra, họ cứ nắm lấy tay xin lỗi mãi, lúc ra về ông quan ba, ông ấy còn tiễn chân ra mãi đến cổng, và miệng cứ nói tốt tốt…

Rồi ông đứng lên nói với vẻ thành khẩn:

− Thật là may mắn cho đệ, trước hết là được nhờ ơn hai ngài biết tiếng nói giúp, sau là vì cây dây cuốn, nhờ có quan Phủ và ông Tú vun vào cho, đệ được lấy lại đủ nón gói để kịp giờ vào hầu quan Đốc, đệ xin ghi lòng cảm tạ. Giờ xin phép các vị cho đệ được lui về lo liệu.

Phủ Kỳ đứng lên và ba người kia cũng đứng lên theo. Kỳ nói:

− Không được, quan lớn ạ! Nhất kiến như cựu6, huống chi lại là mộ danh nhau đã lâu; hai nữa lại mấy khi được gặp hai quan bên tòa Lãnh sự nước Phú Lãng Sa như thế này. Xin quan cứ lưu ở lại chơi với chúng tôi, đến chiều hãy vào dinh học chính cũng chẳng sao.

Ông tú Nam Phố cũng nói:

− Xin mời các vị cứ ngồi xuống cả đã. Tiểu đệ xin thưa thế này ạ: Quan Giáo đến chơi với chúng tôi là một sự vui, quan Giáo lấy lại được nón khăn gói là hai sự vui, lại có cả quan bên tòa Lãnh sự hạnh ngộ thế này là ba sự vui. Chúng tôi xin làm một bữa rượu nhạt cùng họp mặt với các vị để mừng ba sự vui ấy, và cũng là để mừng cái ý nghĩa nó biểu hiện đúng với cái tên “Lạc Phố” của chúng tôi: Lạc Phố chả là bến vui mà!

Đào Trọng Kỳ cũng vui vẻ tiếp lời:

− Quan Giáo ạ, cái lệ ở đây như thế đấy. Chúng tôi làm cái nghề ngọt này chỉ cốt mong được giao du cho rộng mà thôi. Trước kia ở cửa ô Ưu Nghĩa cũng vậy. Bốn bể đều là anh em cả. Chuyển xuống đây cái ý đấy lại càng rõ ràng hơn. Huống chi hôm nay, hân hạnh có quan thông ngôn người trong lục tỉnh, quan Giáo người trong Nghệ Tĩnh, quan Giáo sư gốc gác đâu miền Thanh Hóa, Ninh Bình, ông Tú đây chính quê phố phường Hà Nội, còn ngu đệ thì chính quán ở tỉnh Đông, như thế rõ là bốn bề Bắc Trung Nam xum họp một nhà, chả là điều đáng vui lắm, cho anh em chúng tôi ư! Hẹn chả tầy gặp, mời các quan cứ ở chơi đây đã, bất cứ việc gì cũng xin để lại đến chiều. Chiều quan Giáo sẽ vào hầu quan Đốc. Thế mới là duyên may của cửa hiệu Lạc Phố chúng tôi.

Rồi ông đứng lên quay lại bảo ông Tú:

− Chú Tú đi bảo chúng nó làm cơm rượu thết khách, để tôi ở ngoài giầu nước hầu các quan.

Và quay sang hỏi quan Giáo thụ:

− Quan lớn có thích đánh cờ, mời quan đến với quan Giáo sư Lê, ngài đang cay hạ ngu đệ mà chưa được.

Thông ngôn Lộc đế vào:

− Hay đấy, hai quan Giáo, Giáo sư và Giáo thụ, đồng nghiệp đấu nhau cùng tri thức tâm tư “học nhi bất yếm, hối nhi bất quyện”7, thì chọi nhau mới cân tài, cân sức, hay đấy, tôi và ông Cử, chúng tôi xin làm chầu rìa, hầu điếu đóm, có phải không ông Cử?

Đào Trọng Kỳ quay hỏi vị Giáo sư Lê:

− Bẩm quan Giáo sư Lê nghĩ thế nào?

Ông này cười đáp:

− Tôi rất làm sung sướng được thừa tiếp các vị, hầu chuyện các vị là chính, còn việc đánh cờ chỉ là thứ. Tôi nói chân thật như vậy, quan Giáo mà có muốn chơi cờ với tôi, thì tôi cũng xin tuân lệnh chủ nhân ở đây.

Quan Giáo thụ lễ phép nói:

− Quan Giáo sư có rộng phép thì hạ chức may ra cũng xin đi hầu được mấy nước… Nhưng… (quay sang nhìn ông Cử, ông hỏi tiếp) trước khi vào dự cuộc vui, hạ chức muốn chủ nhân cho hiểu rõ thêm về cái tên Lạc Phố, có phải là “bến vui” như ông Tú nói không?

Đào Trọng Kỳ cười đáp:

− Dạ, bẩm có phần đúng như thế, mà cũng có phần khác. Nó là bến vui, vui vì ở đây là bờ sông, ngay ngoài bến, cửa ô mà luôn luôn có người vào ra đông vui thế này, lại có thêm những khách tâm giao tri kỷ, nên hiển hiện ra bên ngoài cũng đúng là bến vui. Nhưng về nguồn gốc chữ thì nó còn có một nghĩa khác nữa, kín đáo hơn. Đó là: Lạc tức là lạc địa, trong câu “danh giáo tự hữu lạc địa” về danh, tự khắc có đất vui riêng, ta tự có riêng đất vui của ta; Phố là làng Nam Phố, bến Hàng Bè cũ đây, chỗ này là đất của ông Tú và của cậu cả con quan tuần Lương Chính là dân làng Nam Phố. Vậy có nghĩa là đất vui của ta trên làng Nam Phố này chứ chả phải ở đâu ra cả.

Thông ngôn Lộc nói:

− Thế là quan lớn ẩn giữa thành thị trên bến dưới thuyền chứ cứ gì mà phải ở lâm tuyền mới là ẩn.

Đào Trọng Kỳ nói ngay:

− Ấy cũng vì thế, nên hễ gặp được bạn là vui ngay, chứ nếu ở lâm tuyền, thì gặp nhau được gặp là khó. Cho nên Lạc Phố ở đây, vẫn cứ là vui. Nào giờ thì đệ xin bầy quân cờ để hai quan Giáo xuất trận chơi vui.

Lão bưng bàn cờ đặt lên bàn nước, giữa hai ghế trường kỷ rồi lại ngồi xuống bày quân cờ ra bàn. Thông ngôn Lộc ngồi vào trường kỷ bên kia, cũng bày quân cờ phía bên ấy, xong rồi nói:

− Nào mời hai ngài ra tay! Cần sai bảo gì thì đàn em xin phụng mạng ạ!

Cả bốn người đều cười vui vẻ. Giáo thụ Hoàng Văn Khải nhường Giáo sư Lê đi trước, nhường nhau mãi, Giáo sư Lê mới chịu đi nước đầu tiên. Rồi kế tiếp nhau mỗi bên đi đã được mấy nước, bên phía Hoàng Văn Khải, xe, pháo, mã đã xuất trận cả, mã đã nhảy sang sông, xe đã nghiến tốt đầu cản bước. Hai người chầu rìa cũng đang chăm chú suy nghĩ theo dõi nước cờ. Giáo sư Lê mải mê chống đỡ những nước cờ tấn công nhanh như gió táp, giờ mới nhận rõ lối đánh của đối phương, gật gù khen:

− Ngài Giáo thụ quả là có tài cầm quân dẹp loạn, đáng lương đống chi tài8. Nhưng mà khả dĩ công vị tất khả dĩ thủ, vì ngài đánh như thế có thể phải thí xe, thí pháo, thí mã, mà lúc ấy đối thủ họ còn giữ được toàn quân thì họ có thể quật lại cũng hăng đấy. Tôi thì khác, tôi chỉ cố thủ thôi, cho nên tôi đánh hơi lâu… Và tôi…

Tự nhiên hắn cao hứng ngâm to lên:

Đời chiến quốc có anh tài

Hoàng giang một dải chia đôi sơn hà

Tướng thần sỹ tốt vào ra

Bốn phương hợp lại một nhà mới thôi!

… Đấy là bài thơ vịnh đánh cờ của tôi, và đó cũng là lòng mong mỏi của tôi, sao cho bốn phương hợp lại một nhà mới thôi! Vì thế lối của tôi chỉ là dàn quân bảo vệ:

Đào Trọng Kỳ cười nói:

− Đánh thì có hơi chậm mà vị tất đã ăn chắc. Nhưng thơ thì hay và ý nghĩ cao đấy chứ, có khẩu khí.

Thông ngôn Lộc tiếp:

− Chính tôi cũng sốt ruột nước cờ ăn chắc của Giáo sư Lê. Nhưng tôi cũng thích thơ của ngài như ông Cử vậy. Ngài làm thơ nôm bằng tiếng nói thông thường của ta cả, nhưng tính tình cao thượng và ý nghĩ sâu xa. Ngài làm được cả thơ chữ nho, thơ chữ La-tinh, thơ Phú Lãng Sa khá đấy, vì ngài là nhà bác học.

Giáo sư Lê vội ngắt:

− Sao tự nhiên anh lại đâm ra nói nhiều thế. Để yên cho người ta nghĩ, không rối bét, thua bây giờ đây này.

Thông Lộc cũng chẳng vừa, nói chèn:

− Cậu mà thua là phúc cho người khác, khỏi phải ngồi mà xem, mà ngửi cậu “đủn ìa” ra quần. Lặng thà chịu thua đi, rồi mà ngâm thơ cho nhau nghe còn hơn.

Nhìn qua bao quát cả hai bên, Giáo sư Lê đủng đỉnh vừa đấm tốt biên, vừa nói đầy vẻ tự tin:

− Đối với moa, thì cờ và thơ đều là phụ cả, vừa đánh cờ vừa ngâm thơ cũng được chứ sao. Nhưng mà moa không muốn làm trò cười cho thiên hạ!

Đào Trọng Kỳ vội nói lấy lòng:

− Tuy là phụ nhưng đều cao tay cả. Thưa hai quan lớn, thật là “kỳ phùng địch thủ”9 thơ gặp tri âm, xin các quan vui lòng vừa cờ, vừa thơ cho thêm phần hào hứng. Rồi sẽ có đàn để thưởng rượu mừng quan.

Thông Lộc nói xen vào:

− Chúng tôi đã được biết ngón đàn của ông Tú. Còn về phần quan Giáo thụ…?

Hoàng Văn Khải ngồi im từ nãy, thấy nói đến mình, vội đỡ:

− Thưa các quan tiểu đệ bất tài cũng xin hầu tiếp các quan, nhưng phận đàn em xin được hưởng thụ là chính.

Mọi người đều cười vui vẻ. Ông Tú đã ở nhà trong ra mời cả bốn người vào phòng khách của ông Cử bên trong. Ông đon đả nói:

− Thưa các quan, xin các quan chuyển cả bàn cờ vào trong thư phòng ở trong ấy sửa soạn xong cả rồi, ta vào trong ấy cho ấm cúng, kín đáo.

Cuộc họp mặt được đưa vào nhà trong, diễn ra trong bầu không khí thân mật hơn. Sau mấy ván cờ đọ sức, thi tài, năm người cũng ngồi vào mâm, uống rượu thù tạc nhau rất là tương đắc. Giáo sư Lê có ngâm thêm hai bài thơ ngụ ý mình. Bài thơ thứ nhất là bài vịnh Con cóc, ngâm khi đang đánh cờ có bốn câu:

Ung dung chễm chệ ngồi chơi,

Gan vàng tiếng kể trong đời khiếp thay!

Muôn dân khổ hạn lâu ngày.

Mong cho thấy tiếng để rày cậy trông.

Bài thứ hai vịnh Cái nón, lão ngâm trong tiệc rượu:

Có người quân tử dựng nên,

Hình dung chĩn chện ngự trên đầu người,

Dân con cảm đức tày trời,

Cứu cơn nắng gắt mưa rơi giữa đồng.

Mọi người khen lời thơ chải chuốt, có khẩu khí cao thượng và giàu lòng thương dân.

Cuộc vui kéo dài đến quá trưa. Chủ khách từ biệt nhau, chứa chan tình thân mật lưu luyến.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button