Văn học nước ngoài

Sống Từng Ngày

song-tung-ngay-benjamin-prufer1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Benjamin Prufer

Download sách Sống Từng Ngày ebook PDF/PRC/EPUB/MOBI. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : SÁCH VĂN HỌC NƯỚC NGOÀI

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Heart of Darkness

Tôi gặp cô hôm 8 tháng Chín năm 2003, bên rìa sàn nhảy của Heart of Darkness, một câu lạc bộ ở Phnom Penh được cẩm nang du lịch miêu tả là “tưng bừng từ nửa đêm trở đi, và có thể có nhạc hay.” Tối hôm ấy một gã người Khmer bán cho tôi thứ bột mà gã cam đoan là cocain, giá năm đô la. Cơn phê thuốc thoắt tiêu tan, đem theo cả hứng thú bia rượu và phiêu lưu. Sau đó tôi chỉ uống nước. Cũng đã ba năm trôi qua rồi, chả trách mà tôi quên bẵng hôm ấy nghĩ gì. Có lẽ tôi chỉ ngồi đực ra đó và ngạc nhiên tự hỏi – không phải lần đầu và cũng không phải lần cuối trong chuyến du lịch này – thế lực quỷ quái nào đã đưa mình đến châu Á này.

Thùng loa ném ra một hỗn hợp ngớ ngẩn pha trộn nhạc rock thập niên 80 với hip hop khiến tôi nhớ đến buổi liên hoan tốt nghiệp trung học. Trong ánh sáng nhập nhoạng tôi thấy các cô gái Campuchia và Việt Nam quấn lấy mấy du khách Tây ba lô trẻ. Gái Việt Nam nhanh nhẹn và mảnh mai, gái Campuchia rám nắng và bí ẩn. Quanh tường là đám con trai nhà giàu xổi của Phnom Penh đứng khoanh tay nhìn ngạo mạn. Một người tách khỏi đám đông. Đó là Ed, sinh viên Y khoa ở Munich; trước đây mấy hôm tôi làm quen với cậu ta trên thùng xe Toyota bán tải. Chúng tôi ngồi trên đó cùng một núi ngô và hai gia đình Campuchia phóng xòng xọc trên đường rừng của Mondulkiri(2). Đồng tử của Ed nở to như hai hòn bi ve. “Không tưởng tượng nổi. Mình đang ở trong hộp đêm của Campuchia và hít thứ bột trắng này. Ôi, Campuchia là thế đấy!” Vừa dứt lời, cậu lại biến vào biển người.

Đột nhiên cô gái hiện ra từ trong bóng tối và hỏi tôi bằng thứ tiếng Anh bồi, xin phép được ngồi cạnh. “Vâng,” tôi nói. Chúng tôi im lặng ngồi bên nhau một hồi. Sau đó cô ta thử bắt chuyện. Cô xòe tay cho tôi xem: “Trông này, em mới làm móng tay hôm nay. Anh thấy chưa? Hai đô la đấy.”

Tôi nhìn móng tay cô. Đó là móng tay của một cô gái thành phố: dài, đỏ, mỗi móng vẽ một vệt quệt ngang màu bạc lấp lánh hình tia chớp. Tương phản một cách kỳ lạ với da tay thô ráp, nhăn nheo, nhiều sẹo của những vết xước. Đó là đôi tay của người làm ruộng. Trước mắt tôi thoáng hiện hình cô đang cấy lúa, đầu quấn tấm khăn vải ố vàng che nắng nhiệt đới, chân trần ngập đến đầu gối trong bùn nóng.

“Làm móng tay mà những hai đô la thì hơi nhiều đấy,” tôi nói.

Tôi không rõ cô ta muốn gì ở mình. Cô không son phấn như những cô gái khác ở hộp đêm. Và cũng không gây ấn tượng mơi tôi làm một cú phiêu lưu với cô. Cũng chẳng ăn mặc khêu gợi. Có lẽ không phải gái mại dâm.

“Tên em là gì?” tôi hỏi.

“Rose.”

Không phải tên Campuchia.

“Đó không phải tên thật của em,” tôi nói.

“Sreykeo,” cô nói.

Tôi không phát âm được, và rồi cũng quên luôn. Chúng tôi lại im lặng.

Rồi cô ngả đầu lên vai tôi. Một cử chỉ tinh tế và thân mật khiến tôi luống cuống. Tôi ngồi cứng đờ và tự hỏi liệu cô đã ngủ thiếp đi chưa. Một lát sau chúng tôi ra sàn nhảy. Tôi định hôn cô vì cho rằng cô cũng muốn thế. Nhưng cô ngượng ngập. Một lúc sau cô kêu mệt.

Tôi làm quen Sreykeo như thế đó.

Sống như trong mộng

Khoảng ba năm sau có người hỏi tôi, liệu tôi có thể hình dung ra việc viết sách về mình và Sreykeo. Trước khi trả lời, tôi hỏi ý cô.

“Vâng, tất nhiên!” cô nói.

“Nhưng anh sẽ phải viết hết mọi chuyện. Kể cả những chuyện tồi tệ.”

“Em tin anh,” cô đáp xanh rờn.

Đối với cô, đem chuyện chúng tôi ra kể chẳng có vấn đề gì. Tôi thì suy nghĩ ngược lại. Quên được là tốt. Chuyện cũ thì cho qua, đừng khai quật lên làm gì. Viết là ngược với quên, vì nó giữ chặt quá khứ. Kể cả những chuyện xấu xa. Nhưng mặt khác thì chuyện của chúng tôi đầy sống động. Nếu có một cuốn sách về chúng tôi thì tôi không bao giờ còn phải trả lời đã làm quen nhau ra sao. Vậy thì tôi sẽ kể hết.

Mọi chuyện bắt đầu không ở Phnom Penh, mà ở Hamburg. Sau khi tôi làm quen Sebastian. Hồi đó tôi 22 tuổi, vừa có việc làm đầu tiên ở một tòa báo. Tôi không quen nhiều người ở Hamburg. Ngày ấy tôi thấy mình khá quan trọng khi rời tòa soạn qua cửa sau hoặc khi gọi món pizza đưa đến tận bàn làm việc vào ngày cuối tuần. Nhưng rồi tôi thấy các biên tập viên khác chưa đến tuổi bốn mươi, vừa ly dị, và cũng rời khỏi tòa soạn qua cửa sau. Và tôi tự hỏi công việc này sẽ dẫn đến đâu.

Một hôm, Sebastian xuất hiện trong văn phòng của tôi xin một chân cộng tác viên tự do. Hình như chúng tôi trò chuyện về nghề báo, tôi không còn nhớ chi tiết cụ thể. Chỉ nhớ là khi cậu ta ra khỏi thì có gì đó vương lại. Một làn khói thuốc và hơi rượu. Không phải mùi từ một người vừa bập vội vài hơi thuốc ngoài hành lang. Đó nhất định là một người uống vodka với nước bò húc đến tận lúc bảnh mắt ở khu đèn đỏ(3) và về ngủ hai tiếng trước khi đi xin việc. Mùi này không hợp với không khí văn phòng, với dãy phòng trải thảm xám lịch thiệp mà sáng nào cũng có một bà phục vụ người châu Phi hút bụi sạch sẽ. Và chính mùi này là thứ vẫn thiếu trong đời tôi.

Chúng tôi thành bạn. Tôi khâm phục cậu ta vô cùng. Dường như cậu quen mọi người trong thành phố, hay ít nhất thì ai cũng có vẻ như quen cậu ta. Có lẽ tên cậu ta có trong mọi danh sách khách mời. Tôi ấn tượng nhất vì phong thái cao sang của Sebastian, bên cạnh cậu tôi thấy mình rất nhà quê. Đó cũng là lý do Sebastian rủ tôi du lịch. Đối với cậu, du lịch không phải nghỉ ngơi. Mà là quan điểm sống. Nói du lịch không có nghĩa là đến một khách sạn Thụy Điển hay sang Câu lạc bộ Robinson(4) ở Hy Lạp. Đôi khi cậu chỉ giết thời gian bằng cách ngồi trước máy tính khảo giá máy bay. Trên giá sách của cậu toàn sách cẩm nang du lịch của Lonely Planet, cả sách về những nước mà cậu chưa đặt chân đến.

Ai đi du lịch về và không có gì để kể ngoài “những con người tuyệt vời và món ăn đặc sắc” ở đó, người ấy chắc chắn sẽ nhận được ánh mắt thương hại của Sebastian. Theo ý cậu, người ta phải đem theo về những câu chuyện rợn tóc gáy và nhận thức mới mẻ từ chuyến đi. Bị trấn lột. Lạc đường vào khu ổ chuột. Ít nhất là bị tiêu chảy suýt chết. Sebastian không nói đến nghỉ ngơi, mà dùng từ “lữ hành”, cậu không tự gọi là du khách, mà là “lữ khách”.

Cậu không việc gì phải ra khỏi nhà để du lịch. Hai nữ sinh người Moskva theo chương trình trao đổi đã sống ở nhà cậu. Rồi một sinh viên Ấn Độ trẻ mà cậu từng làm quen dọc đường. Có bữa tôi gặp cậu đi cùng một cô gái ngày xưa làm ăn mày ở Bombay(5). Cậu gửi tiền cho cô đi học. Bất ngờ cô được sang Đức với người nhà ở Herne và lập tức gọi điện cho cậu.

Sebastian tin rằng du lịch biến ta thành người tốt hơn, hạnh phúc hơn. Sau này nhìn lại, tôi phải công nhận cậu có lý. Không phải là người ta tự khắc thông minh hơn khi có thị thực nhập cảnh nước ngoài trong hộ chiếu. Nhưng đó là bước khởi đầu. Mỗi lần Sebastian từ nước ngoài về, cả lũ bạn bè chúng tôi tụ họp trong bếp nhà cậu. Cậu nhâm nhi vang chát, còn chúng tôi lắng nghe cậu kể chuyện. Tuy nhiên không bao giờ tôi nghĩ đến chuyện mua vé máy bay cho mình. Tôi đang có công việc, và chỉ có vài tuần nghỉ phép.

Rồi đến một buổi tối trước lễ Giáng sinh năm 2002. Hai chúng tôi hẹn gặp nhau ở hội chợ Giáng sinh, uống vang chát hâm nóng đến khi hứng chí ba hoa. Sau đó hai chúng tôi ngồi trong bếp nhà Sebastian. Tôi phàn nàn về công việc của mình, mọi chuyện tắc tị, không biết nên làm gì. Sebastian nhận ra tôi đang tìm tòi mà không biết tìm gì. Và cậu biết, tôi sẽ không tìm thấy ở Hamburg.

Cậu lái chuyện sang hướng du lịch. “Nghe nói Lào rất tuyệt vời,” cậu nói. Lào à? Trong đầu tôi hiện ra lũ trẻ con da đen đứng trước những túp lều đắp bùn trên sa mạc. “Tớ cũng lâu lắm chưa quay lại châu Á,” cậu ta bồi thêm. Thôi chết! Tôi sửa ngay hình ảnh trong đầu, chuyển sang phụ nữ đội nón trên ruộng lúa. Tình cờ trên giá sách có cuốn Lonely Planet về Việt Nam. Rồi Sebastian kể về đặt vé qua mạng, chẳng mấy chốc máy tính được bật lên, và trên màn hình có ô “Đăng ký”.

“Cậu có định làm thật không?” Sebastian hỏi. Không nói không rằng, tôi kích chuột vào, vì tôi muốn gây ấn tượng với cậu ta và làm ra vẻ bột phát, nhưng chủ yếu vì đã quá chén. Một tuần sau, bưu điện chuyển vé đến, và tôi phát hoảng – báo cáo với sếp thế nào đây?

Sebastian tin rằng cuộc đi này là phần của cậu góp vào việc hoàn thiện nhân cách cho tôi. Cậu cố hết sức cản không cho tôi chùn bước. Quả là một việc không đơn giản. Hai tháng trước ngày khởi hành, tôi làm quen một cô gái với những lọn tóc đen bất kham, tính tình vui vẻ đầy lôi cuốn và đẹp ngỡ ngàng. Trong cả mùa hè, cô là đáp án cho mọi câu hỏi của cuộc đời. Còn một tuần nữa thì bay, tôi kể với Sebastian là sẽ cắt vé “vì hiện tại rất bất lợi cho công việc”.

Dĩ nhiên lý do là cô bạn gái. Sebastian trả lời: “Đừng làm thế, vì cậu sẽ hối hận cả đời.” Tôi hiểu, Sebastian sẽ không bao giờ coi trọng tôi nữa, nếu tôi hủy chuyến bay.

Tôi tìm ra một lối thoát khác: mua thêm một vé nữa bằng 500 euro vay của anh tôi. Sebastian nói: “Một món quà xông xênh đấy.” Nhưng trong mắt cậu tôi đọc ra được: “Sai lầm lớn.” Tất nhiên cậu ta đúng. Cô ta dự định bay sau tôi hai tuần đến Thái Lan. Tôi ngồi trong quán cà phê internet ở Chiang Mai và mở email của cô ta với dòng đầu tiên: “Em không biết phải nói với anh thế nào.” Tôi đọc như lời từ chối lịch sự cho đơn xin việc. Về vụ này, Sebastian viết cho tôi như sau:

“Tớ không biết viết gì. Cậu biết là tớ tiếc cho cậu. Cậu cũng biết là tâm trạng cậu rồi sẽ sớm khá lên. Còn tớ thì suốt ngày hy vọng là cậu rốt cuộc đã bắt đầu chuyến đi của mình. Bạn già ơi, hãy nhìn về phía trước. Hãy hình dung những gì còn trước mắt mình, đừng ngó quanh ngó quẩn. Bây giờ cậu sẽ làm quen các cô gái, sẽ tiệc tùng, sẽ du lịch v.v. như chưa bao giờ trong đời. Xét về khía cạnh nào đó, sợi dây rốn nối cậu với ở nhà đã được cắt. Ý tớ là nói về cảm xúc. Và đó cũng là một thuận lợi… Hãy làm gì đó mà cậu vừa chợt nghĩ ra. Mua một cái xích lô và đi về Bangkok, giúp thu hoạch lúa ở một nơi thật xa nền văn minh (một việc cực hay, giúp cậu có những ý nghĩ mới – thật đấy, tớ đã từng trải qua) và một nghìn việc khác.”

Tôi mệt mỏi quá. Chỉ ước gì được lên chuyến bay gần nhất để về nhà. Tôi đi tuyến xe buýt đường dài từ Thái Lan qua Lào, từ Lào đi Campuchia, nhìn ra trời mưa nhẹ hạt của tiết gió mùa mà không biết rõ mình sẽ đi đâu. Buổi tối tôi vào nhà khách, nằm lăn ra giường ngắm cánh quạt trần quay, hút hết điếu này đến điếu khác. Để rồi sáng hôm sau lên chuyến xe buýt khác đi tiếp vào cõi u minh.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button