Văn học trong nước

Đời Thừa

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Nam Cao

Download sách Đời Thừa ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : Văn học trong nước

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Đời Thừa

Từ ngẩng đầu lên nhìn Hộ ba lần. Ba lần, Từ muốn nói nhưng lại không dám nói. Hắn đang đọc chăm chú quá. Ðôi lông mày rậm của hắn châu đầu lại với nhau và hơi xếch lên một chút. Ðôi mắt sáng quắc có vẻ lồi ra. Cái trán rộng hơi nhăn. Ðôi lưỡng quyền (1) đứng sừng sững trên bờ hai cái hố sâu của má thì bóng nhẫy. Cả cái mũi cao và thẳng tắp cũng bóng lên như vậy. Cái mặt hốc hác ấy, nghiêng nghiêng bên trên quyển sách, trông khắc khổ đến thành dữ tợn. Từ thấy sợ…

Từ yêu chồng bằng một thứ tình yêu rất gần với tình của một con chó đối với người nuôi. Từ bản tính rất dịu dàng, rất tận tâm. Vả lại Hộ, đối với Từ, còn là một ân nhân nữa. Hộ đã cúi xuống nỗi đau khổ của Từ. Hộ đã cúi xuống và đã đưa một bàn tay cầm lấy cái bàn tay mềm yếu của Từ, giữa lúc Từ đau đớn không bờ bến: Từ bị tình nhân bỏ với một đứa con vừa mới đẻ. Gã tình nhân vô liêm sỉ (2) ấy, Từ đã yêu hắn bằng cả tấm lòng yêu lúc ban đầu. Từ đã tin như người ta tin một vị thần. Từ đã hiến mình một cách dè dặt tâm hồn và xác thịt. Và khi biết mình sắp có một đứa con, Từ không hề hối hận một mảy may: Từ rất bằng lòng. ấy thế mà hắn đã phụ từ, phụ một cách hèn nhát và khốn nạn, ngay chính vào lúc Từ cần đến hắn để bảo tồn sự sống và danh dự, lúc đứa con ra đời. Từ sửng sốt vô cùng. Từ không tin ở sự thật rành rành. Rồi khi sự sửng sốt qua thì Từ khóc. Từ khóc như mưa, khóc tưởng chẳng bao giờ còn lặng được. Từ khóc, và ôm con ngồi nhịn đói, bởi vì Từ chẳng còn biết trông cậy vào ai, trừ bà mẹ già mù và quanh năm nay ốm, mai đau, mà Từ vẫn phải nuôi. Bà mẹ già biết làm sao? Bà chỉ còn một cách là còn được ít nước mắt nào thì rỏ cả ra mà khóc với con, và cả mẹ lẫn con chỉ có một cách là khóc cho đến khi nào bao nhiêu xương thịt đều chảy ra thành nước mắt hết, để rồi cùng chết cả. Giữa lúc ấy thì Hộ mở rộng đôi cánh tay, đón lấy Từ. Hộ nuôi Từ, nuôi mẹ già, con dại cho Từ. Hộ nhận làm bố cho đứa con thơ. Vì muốn yên ủi Từ và cứu lấy danh dự của Từ, Hộ đã chính thức nhận Từ làm vợ. Rồi Hộ đứng ra làm ma cho bà mẹ Từ, khi bà cụ mất. Biết bao nhiêu là ân nghĩa! Từ có yêu Hộ đến đâu, có chịu khó đến đâu, có làm nô lệ cho Hộ suốt đời Từ nữa, thì cũng chưa đủ để đền ơn. Bởi thế, nên luôn mấy năm trời, Hộ thấy Từ là một người vợ rất ngoan, rất phục tùng, rất tận tâm. Và đáng lẽ thì Hộ phải sung sướng lắm.
Nhưng Hộ chỉ sung sướng được ít lâu thôi. Sau cái hành vi đẹp của hắn, và cái hành vi ấy được trả công bằng một tình yêu rất êm đềm, hắn chỉ còn nghĩ đến gia đình, chỉ cốt làm sao nuôi được gia đình. Hộ vốn nghèo. Hắn là một nhà văn, trước kia, với cách viết thận trọng của hắn, hắn chỉ kiếm được vừa đủ để một mình hắn sống một cách eo hẹp, có thể nói là cực khổ. Nhưng bấy giờ hắn chỉ có một mình. Ðói rét không có nghĩa lý gì đối với gã trẻ tuổi say mê lý tưởng. Lòng hắn đẹp. Ðầu hắn mang một hoài bão lớn (3). Hắn khinh những lo lắng tủn mủn về vật chất. Hắn chỉ lo vun trồng cho cái tài của hắn ngày một thêm nảy nở. Hắn đọc, ngẫm nghĩ, tìm tòi, nhận xét và suy tưởng không biết chán. Ðối với hắn lúc ấy, nghệ thuật là tất cả; ngoài nghệ thuật không còn gì đáng quan tâm nữa. Hắn băn khoăn nghĩ đến một tác phẩm nó sẽ làm mờ hết các tác phẩm khác cùng ra một thời… Thế rồi, khi đã ghép đời Từ vào cuộc đời của hắn, hắn có cả một gia đình phải chăm lo. Hắn hiểu thế nào là giá trị của đồng tiền; hắn hiểu những nỗi đau khổ của một kẻ đàn ông khi thấy vợ con mình đói rách. Những bận rộn tẹp nhẹp, vô nghĩa lý, nhưng không thể không nghĩ tới, ngốn một phần lớn thì giờ của hắn. Hắn phải cho in nhiều cuốn văn viết vội vàng. Hắn phải viết những bài báo để người ta đọc rồi quên ngay sau lúc đọc. Rồi mỗi lần đọc lại một cuốn sách hay một đoạn văn ký tên mình, hắn lại đỏ mặt lên, cau mày, nghiến răng vò nát sách và mắng mình như một thằng khốn nạn… Khốn nạn! Khốn nạn! Khốn nạn thay cho hắn! Bởi vì chính hắn là một thằng khốn nạn! Hắn chính là một kẻ bất lương! Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương rồi. Nhưng sự cẩu thả trong văn chương thì thật là đê tiện. Chao ôi! Hắn đã viết những gì? Toàn những cái vô vị, nhạt nhẽo, gợi những tình cảm rất nhẹ, rất nông, diễn một vài ý rất thông thường quấy loãng trong một thứ văn bằng phẳng và quá ư dễ dãi. Hắn chẳng đem một chút mới lạ gì đến văn chương. Thế nghĩa là hắn là một kẻ vô ích, một người thừa. Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những cái gì chưa có… Hắn nghĩ thế và buồn lắm, buồn lắm! Còn gì buồn hơn chính mình lại chán mình? Còn gì đau đớn hơn cho một kẻ vẫn khát khao làm một cái gì nâng cao giá trị đời sống của mình, mà kết cục chẳng làm được cái gì, chỉ những lo cơm áo mà đủ mệt? Hắn để mặc vợ con khổ sở ư? Hắn bỏ liều, hắn ruồng rẫy chúng, hắn hy sinh như người ta vẫn nói ư? Ðã một vài lần hắn thấy ý nghĩ trên đây thoáng qua đầu. Và hắn nghĩ đến câu nói hùng hồn của một nhà triết học kia: “Phải biết ác, biết tàn nhẫn để sống cho mạnh mẽ”. Nhưng hắn lại nghĩ thêm rằng: Từ rất đáng yêu, rất đáng thương, hắn có thể hy sinh tình yêu, thứ tình yêu vị kỷ đi; nhưng hắn không thể bỏ lòng thương; có lẽ hắn nhu nhược, hèn nhát, tầm thường, nhưng hắn vẫn còn được là người: hắn là người chứ không phải là một thứ quái vật bị sai khiến bởi lòng tự ái. Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai kẻ khác để thỏa mãn lòng ích kỷ. Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai mình. Và lại hèn biết bao là một thằng con trai không nuôi nổi vợ, con thì còn mong làm nên trò gì nữa?… Hắn tự bảo: “Ta đành phí đi một vài năm để kiếm tiền. Khi Từ đã có một số vốn con để làm ăn! Sự sinh hoạt lúc này chẳng dễ dàng đâu!”. Từ khi đứa con này chưa kịp lớn lên, đứa con khác đã vội ra, mà đứa con nào cũng nhiều đẹn, nhiều sài, quấy rức, khóc mếu suốt ngày đêm và quanh năm uống thuốc. Từ săn sóc chúng đã đủ ốm người rồi, chẳng còn có thể làm thêm một việc khác nữa. Hộ điên người lên vì phải xoay tiền. Hắn còn điên lên vì con khóc, nhà không lúc nào được yên tĩnh để cho hắn viết hay đọc sách. Hắn thấy mình khổ quá, bực bội quá. Hắn trở nên cau có và gắt gỏng. Hắn gắt gỏng với con, với vợ, với bất cứ ai, với chính mình. Và nhiều khi, không còn chịu nổi cái không khí bực tức ở trong nhà, hắn đang ngồi bỗng đứng phắt lên, mắt chan chứa nước, mặt hầm hầm, vùng vằng đi ra phố, vừa đi vừa nuốt nghẹn. Hắn đi lang thang, không chủ đích gì. Rồi khi gió mát ở bên ngoài đã làm cái trán nóng bừng nguội bớt đi và lòng trút nhẹ được ít nhiều uất giận, hắn tạt vào một tiệm giải khát nào mà uống một cốc bia hay cốc nước chanh. Hắn tìm một người bạn thân nào để nói chuyện văn chương, ngỏ ý kiến về một vài quyển sách mới ra, một vài tên ký mới trên các báo, phác họa một cái chương trình mà hắn biết ngay khi nói là chẳng bao giờ hắn có thể thực hành, rồi lặng lẽ nghĩ đến cái tác phẩm dự định từ mấy năm nay để mà chán ngán. Hắn thừ mặt ra như một kẻ phải đi đày, một buổi chiều âm thầm kia, ngồi trong một làn khói nặng u buồn mà nhớ quê hương. Hắn cũng nhớ nhung một cái gì rất xa xôi… những mộng đẹp ngày xưa… một con người rất đáng yêu đã chẳng là mình nữa. Hắn lắc đầu tự bảo: “Thôi thế là hết! Ta đã hỏng! Ta đã hỏng đứt rồi”. Và hắn nghĩ đến cái tên hắn đang mờ dần đằng sau những tên khác mới trồi ra, rực rỡ hơn… Rồi hắn ra về, thờ thẫn. Những sự bực tức đã chìm đi. Lòng hắn không còn sôi nổi nữa, nhưng rũ buồn…
o O o
Ít lâu nay, mỗi lần ra đi, Hộ không chỉ trở về buồn bã mà thôi. Hắn say mềm. Thường thường hắn đã ngủ một nửa ngay từ khi còn ở dọc đường; và vừa về đến nhà, chưa kịp thay quần áo, tháo giày, đã đổ như một khúc gỗ xuống bất cứ cái giường nào, ngủ say như chết. Từ phải chờ khi con ngủ mê, rón rén lừa con, dậy lại tháo giày, cởi quần tây cho hắn, luồn một cái gối xuống gáy hắn, và cố nhấc chân, nhấc tay hắn, đặt cho hắn nằm ngay ngắn lại… Nhưng cũng có đêm hắn chưa ngủ vội. Hắn lảo đảo bước vào nhà, mắt gườm gườm, đôi môi mím chặt. Hắn đi thẳng lại trước mặt Từ. Hắn cúi xuống, quắc mắt nhìn Từ, gõ gõ một ngón tay trỏ vào trán Từ và dọa như người ta dọa trẻ con:
– Ngày mai… mình có biết không?… Chỉ ngày mai thôi! Là tôi đuổi tất cả mấy mẹ con mình ra khỏi cái nhà này… Tôi đuổi tất, không chừa một đứa nào, kể cả con bé Thảo là con ngoan nhất… Mấy đứa kia đều đáng vật một nhát cho chết cả! Chúng nó chỉ biết ăn với hét! Cả con mẹ nữa, con mẹ là mình ấy… cũng đáng vật một nhát cho chết cả! Chúng nó chỉ biết ăn rồi ngồi ôm con như nhện ôm khư khư bọc trứng, không chịu làm thêm việc gì cho có tiền. Chỉ khổ thằng này thôi!
Hắn rít lên như vậy. Rồi hắn mím chặt môi, đôi mắt ngầu ngầu nhìn vào tận mắt Từ. Từ chẳng dám cãi nửa lời, chỉ lẳng lặng cúi mặt nhìn xuống, như một đứa trẻ con biết mình có lỗi khi nghe người ta quở phạt. Bởi vậy hắn trừng trộ một lúc rồi quay ra, loạng choạng cởi quần, cởi áo, hắn vất bừa bộn xuống giường. Rồi hắn tháo giày, quăng từng chiếc một vào một xó nhà. Có khi máy tay, hắn quăng cả những vật gì thấy trên bàn, rồi lải nhải mắng Từ về tội không biết thu dọn nhà cho gọn ghẽ. Hắn nói chán rồi đi ngủ. Bấy giờ Từ mới dám đứng lên, treo quần áo cho hắn lên mắc và thu dọn tất cả những thức hắn đã vứt lổng chổng ra đầy nhà.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button