Văn học trong nước

Đảo Hoang

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Tô Hoài

Download sách Đảo Hoang ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục :  SÁCH VĂN HỌC TRONG NƯỚC

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.


Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời giới thiệu


Tôi còn nhớ mình đã đọc cuốn Đảo hoang này từ hồi bé tí, do bố mẹ mua cho. Hồi ấy tôi ấn tượng với một loạt những truyện của Tô Hoài: Chuyện nỏ thần, Đảo hoang, Dế mèn phiêu lưu kí…

Đọc Đảo hoang, tôi đã sống với Mon, với Gái, với Gấu, với An Tiêm và vợ. Có cảm giác như mình gặp lại Robinson Crusoe của Việt Nam. Câu chuyện sự tích về trái dưa hấu đột nhiên hiện lên rất thực, rất đời, và dường như nó không chỉ nói về sự tích trái dưa hấu.

Xin giới thiệu đến các bạn tác phẩm Đảo hoang của nhà văn Tô Hoài.

Ngược dòng thời gian, tác giả đưa ta về hoang đảo, nơi gia đình Mai Am Tiêm bị đày ải vì có ý coi thường ơn vua. Cuộc sống khó khăn nơi đây đã không khuất phục được những người con người khoáng đạt, tự do. Họ đã khai phá, tạo dựng nên những bãi bờ trù phú và đã tìm được một loại quả lạ, vỏ xanh, ruột đỏ, ngon ngọt mà ngày nay gọi là Dưa Hấu.

Ý chí của gia đình Mai An Tiêm là ý chí của những con người gan góc, dũng cảm trước thiên nhiên khốc liệt.

Bằng cảm xúc lãng mạn và bút pháp tài nghệ, nhà văn Tô Hoài đã thể hiện rất sinh động cuộc sống, tình cảm của con người trên Đảo Hoang.

Lời tác giả

Ông Trần Thế Pháp đời Trần viết Lĩnh Nam Chích quái – tập truyện ngắn đặc sắc của văn học cổ Việt Nam.

Truyện dưa hấu là một truyện trong Lĩnh Nam Chích quái. Truyện như sau: Đời Hùng Vương có người bầy tôi, khi bảy tuổi, vua mua được của thuyền buôn đem về làm đầy tớ, sau lớn lên, diện mạo đoan chính, nhớ thuộc các sự vật, vua đặt tên là Mai Yển hiệu An Tiêm, lại lấy vợ cho, sinh một trai một gái. Vua yêu, dùng làm quan, lễ lạt đầy nhà, không thiếu thức gì. An Tiêm sinh ra kiêu mạn, thường nói:

“Cái gì cũng là vật tiền thân của tôi cả”, không nghĩ đến ơn vua. Vua nghe thấy, giận lắm mà rằng:

“Mày là kẻ thần tử sinh kiêu mạn, không nhớ ơn vua, cái gì cũng bảo là của tiền thân, bây giờ bỏ mày ra nơi không có người ngoài bể xem mày có còn của tiền thân nữa không!”. Bèn đày ra ngoài cửa bể Nga Sơn, bốn bề toàn cát và nước, không vết chân người, chỉ để cho một số lương đủ ăn ít lâu, định cho ăn hết thì chết đói. Vợ An Tiêm than khóc. An Tiêm cười mà rằng:

“Trời sinh ta, tất trời nuôi ta, sống chết ở trời, ta có lo gì”. An Tiêm ở đảo được bốn tháng, bỗng thấy con chim trắng từ phía tây bay lại, đậu đầu núi, kêu lên ba bốn tiếng, sáu bảy hạt quả theo tiếng kêu mà rơi xuống bãi cát. ít lâu sau, những hạt ấy mọc lên cây xanh rì, rồi thành quả. An Tiêm mừng rỡ:

“Cái này không phải vật lạ, chính là cái trời cho để nuôi ta”. Bèn bổ ra mà ăn, thấy vị ngọt và mát, tinh thần sảng khoái. Về sau, mỗi năm trồng nhiều thêm ra, ăn không hết, gặp thuyền buôn đến, đem đổi lấy gạo. Nhân vì chim trắng ngậm hạt từ phía tây bay tới nên gọi là tây qua. Phường chài, phường buôn đều thích thứ dưa ấy: làng xóm xa gần thì đến lấy giống. Lâu rồi, vua nhớ tới An Tiêm, cho người ra chỗ đảo hoang xem còn sống hay chết. Sứ giả về tâu vua, vua than rằng:

“Thế ra cái gì cũng là vật tiền thân, không sai”. Bèn triệu An Tiêm về, phục chức cũ, lại cấp cho nô tỳ. Đặt tên nơi ấy là châu An Tiêm, chỗ xóm ở gọi là Mai thôn… trạng Vũ Quỳnh (1453- 1516) soạn lại tập Lĩnh Nam Chích quái Tưởng như chỉ một câu trong lời tựa của ông cũng đã viết nên niềm tự hào của dân tộc ta: Nước ta khởi đầu từ Hùng Vương, đã thật văn minh, qua Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần đến nay… Tôi hiểu nền văn minh ấy và câu chuyện dưa hấu là tinh thần sức mạnh lớn lao của dân tộc, là truyền thống chiến đấu chống thiên nhiên, chống ngoại xâm, giành quyền sống và phát triển qua tất cả các đời. Đất nước và con người Việt Nam

– Một bản hùng ca sôi nổi từ nghìn năm dựng nước tới nay trên bờ biển Đông. Năm 1925, Đồ Nam Tử Nguyễn Trọng Thuật viết Truyện dưa hấu thành phiêu lưu tiểu thuyết Quả dưa đỏ. Thủa bé, tôi đọc Quả dưa đỏ của Đồ Nam Tử, giấc mơ kỳ ảo còn phấp phới đến tận bây giờ. Từ lâu, tôi có cái thích, và tôi ước làm được bài thơ về cái đảo hoang ấy một lần nữa.

Hang Phai Vệ (Lạng Sơn) tháng năm 1969

ĐỌC THỬ

Chương 01

Bi… ly… bi… ly… Tiếng chiêng âm vào núi, dội lại; tiếng trống từ mặt nước vang lên. ông trăng ngoài rằm thảnh thơi tỏa ánh sáng nhạt xuống, như mỗi chiều ai chợt nhớ, lại thấy ông trăng trở lại chơi nhởn trong lùm cây và trên con đường cát mịn ngoài ngõ. Mon reo:

– Ô, tiếng chiêng tập vật nổi rồi đấy. Gái nghé nghiêng:

– Chiêng thổi cơm thì cũng thế. Hai anh em nhìn ra, buột miệng:

– Trăng lên rồi. Giữa lúc ấy, mẹ bước đến. Gái nói:

– Mẹ đi thổi cơm thi à? Nàng Hoa cười. Gái thưa với mẹ:

– Cho con đi với.

Rồi hai mẹ con cùng đi. Mon chạy tọt vào trong nhà, đi theo bố. An Tiêm và con ra sới vật.

Tiếng chiêng… bi… ly… bi… ly… cùng tiếng người hí, người reo xôn xao suốt đêm trên bờ sông. Hàng tháng nay, vùng Bãi Lở rộn rịch lên. Càng gần ngày về hội đầu năm ở kinh đô, lại càng náo nức. Năm nay, năm đầu tiên Bãi Lở được về hội kinh đô. Các xóm đua nhau tập luyện, cho đến những ngày sau cùng thì cả hai bên sông tấp nập sáng đêm. Hơn mười năm trước, An Tiêm được nhà vua cho ra mở đất ven sông Cái. Nhớ lại những khó khăn ngập đầu lúc ấy, chồng chất không biết bao nhiêu mà đếm xuể! Xưa nay, các đời vua đều cắt cử quan văn quan võ ra trấn bốn cõi, người đi mở đất khẩn hoang đến ở đông đúc, trùm lớp, rộng mãi ra thành phên giậu mới. Vì thế, trải hơn mười triều vua Hùng, đất nước đã rộng ra tới mười lăm bộ. Năm ấy, nước sông Cái đỏ ngầu, lên to. Con sông đương xói nghiêng về một phía, lở ầm ầm, cứ đến mùa nước lại khủng khiếp đổi dòng. Vốn là con sông dữ, nó như con trăn vùng lên, cuốn vào lòng những làng xóm, những đồi nương, những cánh rừng, cả trâu, cả người. Và dòng nước chướng cứ mỗi năm một hung hăng quẫy về hướng kinh đô. Nhà vua hỏi các quan thế là điềm gì. Mưu sĩ tâu:

– Bỗng dưng loài trâu nước bồn lên, húc lở bờ cõi là điềm gở. Phải yểm cho nó chết đi mới được!

– Ai hộ ta? Trăm quan chen nhau vào xin đi. Nhiều quan ở xa, nghe tin vua triệu người ra ngoài cõi đánh trâu nước phá đất, chen chân kéo vào kinh đô. Chẳng khác hội các cõi về trình việc nước. Trống đồng bắc dóng lên các ngã ba, thúc liên miên theo bước quân trẩy. Suốt đêm, đuốc đốt không đứt quãng. Nhà vua còn ngần ngừ, không biết chọn ai. Bấy giờ miền nào cũng đương mở mang, việc bận như mắc cửi. An Tiêm bước tới.

– Tôi xin đi.

Nhà vua trông ra. Mai An Tiêm. Nhớ lại chuyện An Tiêm ngày trước từng sống ở đất kẻ bể. Sông nước, bể khơi, coi như đồng bãi bằng phẳng. Mình lẳn mình trắm. Đôi mày dựng ngược. Con mắt sắc. Nước da đỏ lịm như đồng hun. Một trang quắc thước, hiên ngang lạ lùng. ừ, An Tiêm có thể gánh vác được việc quan trọng này đây. Nhà vua gật đầu. Các quan đòi đi đánh trâu thần còn dùng dằng, còn xin đi nữa, cho đến hôm An Tiêm lên đường mới chịu lui. Thế là An Tiêm ngược nước lên Bãi Lở. Con sông lớn vẫn đương vùng lên đổi dòng. Đất lở đất bồi lớp lớp đỏ rực như những vạt máu trên chiến trường. Nước thúc đất xuống ầm ầm vang động suốt mùa nắng, không lúc nào ngớt. Người ở xa hàng trăm dặm cũng nháo nhác chạy hết. An Tiêm cho người đi gọi dân lại, cùng nhau kéo ra bờ sông.

– Các người trông kìa… Những cụ già thở dài:

– Đã bao năm nay chúng tôi chỉ biết chạy đi cho đàn trâu điên lên húc hết nhà cửa, cánh đồng xuống sông mà thôi. An Tiêm nói:

– Thế thì sợ a? Các cụ lại nói:

– Con nước sắp quật chết cả mình đến nơi, ai mà chẳng sợ! Rõ ràng mắt chúng tôi đã trông thấy nửa đêm trăng vằng vặc sáng, đàn trâu thần dưới nước nhô lên, xô nhau phá vào bờ, cách mấy dặm còn nghe tiếng trâu thở, còn nghe sừng trâu ùm oàm đánh vào nhau… Cho đến gà gáy thì lặn hết, đến sáng ngày trông ra chỉ còn thấy tan hoang. Công của hàng đời lăn hết xuống nước. Bởi thế, chúng tôi mới phải bỏ đi. An Tiêm nói:

– Nay tôi đến đây để cùng các người quyết một còn một mất với đàn trâu nước kia. Mọi người ngơ ngác hỏi:

– Chủ tướng bảo làm thế nào bây giờ?

– Phải đánh những con đầu đàn!

An Tiêm quả quyết. Lòng quả quyết của An Tiêm dấn lên trên cái rụt rè của mọi người. Ngay sau đấy, An Tiêm cùng dân làng vào núi, đến chân núi Tản Viên bên kia và sang núi Tam Đảo bên này, vác đá ra. Cứ chỗ khúc sông nào lở nhiều nhất thì ném đá xuống. Dòng sông cuộn nước như nghìn vạn con thú nhe nanh vuốt lên dọa. Nhưng những người ném đá không sợ. Những hòn đá tảng rào rào lăn xuống quãng sông đương giận dữ sùi bọt mép. Lấy đá trong núi, lấy mãi rỗng cả núi, trước còn đi gần một ngày đường sau phải đi tới ba bốn ngày, vào tận trong vùng rừng sâu. Những tảng đá to tướng, đem đục lỗ, bện dây xỏ vào, hàng chục người xúm lại, kéo ra. Suốt năm ném đá chặn nước. Rồi mùa nước lại tới. Những con thủy quái trâu nước lại lồng lên, vượt qua những mô đá mà hàng nghìn người đã công phu đắp suốt năm, tràn ra các cánh đồng, đuổi mọi người khiếp sợ bạt lên tận lưng núi. Những cái nhà sàn lại ngập chơi vơi trong nước. Cả đến người không mau chân chạy cũng chết đuối. Suốt mùa nước, nước cứ rướn lên đánh nhau với người, đuổi người đi. Nhưng mùa nước qua, An Tiêm lại gọi dân làng từ trong núi xông ra vác đá lấp những đoạn sông lở. Lại lăn đá thật gấp để chặn tận cổ nước, ngăn những con lũ tới. Năm nào, người và nước cũng vật lộn quyết liệt chìm xuống nổi lên như thế. Ba năm qua, hầu như sức người đã chuyển cả một dãy núi quanh rìa các triền Tam Đảo và Tản Viên ra đứng cao chênh vênh bên bờ sông. Thế là dòng sông bị những bàn tay đá ngáng mạnh, đã phải đổi tính nết, đổi chiều. Bây giờ, khi mùa mưa tới, con sông Cái chỉ còn sức vùng vẫy vơ vẩn ở đâu bên kia núi đá một quãng rồi lại lừ đừ xuôi và đàn trâu nước cũng không ai thấy tăm hơi. Những con sóng dịu dàng đưa phù sa đắp vào chân đá, bồi thêm làn cát đỏ mịn, nổi thành bãi mới. Mỗi năm, bãi mới lấn ra cho người đến trồng mía và dâu tằm. Làng xóm mọc lên ven sông, xa trông chen như vảy cá, đông vui san sát. Người ta vẫn giữ cái tên lúc gian khổ, gọi đấy là vùng Bãi Lở. Sông dữ đã chịu khuất phục tay người, trở nên hiền hậu, đáng yêu, hồn nhiên đem về cho hai bên bờ một đời sống trù phú. Tiếng tốt theo dòng loang đi. Con sông Cái dài rộng mênh mang chảy ngang qua đất nước, đâu đâu cũng nức lời đồn quan lạc tướng An Tiêm tài giỏi trị được trâu nước, trâu thần, lập nên cõi Bãi Lở. Đất lành chim đậu, người các nơi kéo đến lập nghiệp mỗi ngày một đông và mỗi năm Bãi Lở một khang trang, tốt tươi hơn. Chẳng bao lâu, cả một vùng dài hàng trăm dặm ven sông Cái xưa hoang vu, trắng nước, con cày con cáo không biết rúc mũi đâu cho sống, cả đến con chuồn chuồn bay lạc qua đấy cũng đến phải mỏi rã cánh rơi xuống nước mà chết, bây giờ nhà cửa như bát úp. Làng xóm an cư, người ở yên tâm trồng cau, trồng mít, đắp nền nhà, tính chuyện lâu dài. Năm nào mùa màng cũng rờ rỡ, trên đồng đầy tiếng hát và tiếng sáo. Trong làng, khói bếp suốt ngày đến canh khuya.

Vào dịp cơm mới tháng mười hay ra giêng thong thả, người các cõi dập dìu đi chơi đông như trảy hội. Năm nay, Bãi Lở được nhà vua cho về kinh đô dự hội. Bãi Lở đã được ngang hàng với các cõi trong mười lăm bộ trên đất nước. Mọi việc sửa soạn đã đến mức tất bật hết sức. Hàng trăm đô các lò vật lên sới tập suốt đêm. Từng làng mở hội thổi cơm thi, làm cỗ cơm nén để kén người tài cơm thi, cỗ nén. Đô vật và người thổi cơm, người làm cỗ giỏi mỗi làng đua tài nhau, chen nhau cho tới khi cả Bãi Lở chỉ còn chọn lấy có một đội vật, một toán cơm thi, một toán cơm nén giỏi nhất về kinh đô. An Tiêm gọi tất cả các làng đến và nói:

– Ta vốn người tứ chiếng đến đây, chỉ vì cùng lòng mở đất lập nghiệp. Bấy lâu nghìn người như một ý chí, sống chết không rời nhau, thế mới nên cơ ngơi ngày nay. Bây giờ lại được ơn vua gọi về dự hội, thế là cả nước đã biết công khó nhọc người Bãi Lở. Chúng ta phải cố gắng làm cho tiếng thơm càng thơm xa.

Ai nấy vui sướng không kể xiết. Đã đến ngày trảy hội. Mỗi làng chỉ có vài người được chọn đi mà đám trảy hội của người Bãi Lở đông vui hàng dặm đường, đám đầu đã khuất mà quãng cuối còn tụ ở đầu cõi. Các lão trượng cũng trảy hội. Đây là các cụ một đời giỏi cày, tài vác đá chắn sóng, chịu khó đến con cháu cũng không bì kịp, được cả làng kính trọng. Các cụ ông, râu tóc bạc trắng, mặt đỏ bồ quân, tay cầm chiếc quạt mo tre, bước phăng phăng, nhanh hơn cả những cỗ xe trâu tải người và mọi thức ăn vật dụng. Đoàn người và xe cộ đi theo bờ sông Cái. Trong lòng con sông quê hương rực rỡ bóng người và sống áo màu nâu vỏ só, quan lục, hồng điều lỏa tỏa trong dải nắng nhẹ đầu xuân. Dòng sông hóa tấm the màu trải dài theo chân đám trảy hội. Gái và mẹ ngồi trên chiếc xe trâu đi giữa đám trai gái làng trong đội cơm thi cơm nén. Đầu tiên còn nom thấy nhau, rồi người người gồng gánh bề bộn tuốn theo, chen lấn lên, tất cả đi đã xa, bụi cuốn mù mịt. Mon trông theo không thấy mẹ và em đâu nữa. Bấy giờ mới đến lượt các đô vật. An Tiêm và Mon đi với đám tay đô. Mon ngồi gọn lỏn đằng sau xe, bên cạnh cái bồ cỏ, đương nghển cổ nhìn lại. Chiếc xe lắc lư qua các làng, người ra đưa đứng chen chân bên đường. Mon ta cũng lây cái sung sướng và hãnh diện như một tay đô được tuyển đi hội, suốt dọc sông nghe tiếng chiêng và tiếng trống, tiếng hò reo cổ vũ. Các cụ lão bà cũng trảy kinh xem hội. Và chỉ có các cụ lão bà ngồi kiệu vì đường xa. Thế nhưng, xưa nay cày cấy thì các lão bà chẳng chịu ai, một tay đã bảo ban con cháu mấy đời cấy hái. Có những lão bà thọ hàng trăm tuổi, không nhớ tuổi mình nữa. Các cụ mặc váy sồi, thắt lưng sồi mộc, đầu trọc, chít khăn vuông điều ngồi ngay ngắn trên cái ghế đòn bốn người khiêng. Đám Bãi Lở đi đã được một chợ. Dần dần, gặp ngang đường đám trảy hội người các bộ khác, ở Ninh Hải, ở Dương Tuyền, và cả đến các bộ xa từ Hoài Hoan, Lục Hải đã tới, càng ngày càng tấp nập. Biết là sắp đến vùng Phong Châu.

Chương 02

Bi… ly… bi… ly… Bùng… bi… Những cây muỗm lùn đội đầu một mâm hoa như đơm xôi đương vào giữa cuộc tiến hương tiến hoa. Hoa cau, hoa móng rồng tỏa thơm dìu dịu khắp. Kinh đô rung động náo nức trong tiếng chiêng, tiếng cồng, tiếng trống thúc giục. Những cuộc thổi cơm thi, những đám vật của các cõi về đua tài. Ngày nào cũng từ sớm đến chiều, có hôm mê mải đốt đình liệu sáng rực để thổi cơm và đánh vật thi tuyển cả đêm. Từ bến sông Cái lên, các phường liên tiếp dựng những cột trụ, những cây tre cao treo đèn phất giấy lệnh. ở mỗi góc đường, ở giữa chợ chất những đống củi cao như gò, những cây đình liệu cháy suốt đêm chưa hết. Tưởng như trời kinh đô lơ lửng hàng nghìn hàng vạn ông trăng tròn cho người chơi thâu đêm. Rồi mới sáng sớm bãi cỏ rộng dưới chân thành đã đông ghế người. Cả đất nước cơm nắm cơm đùm kéo nhau về hội xem các cõi tranh tài. Hôm nay, toán cơm thi cõi ất bộ Hoài Hoan đọ tài với toán cơm thi Bãi Lở. Toán cõi ất nổi tiếng mười lăm bộ, giữ giải cơm thi đã nhiều năm. Đến nỗi có những người hàng năm đánh cược ăn giải, ai kiên gan đoán cõi ất được, năm nào hết hội cũng được giắt về nhà mình hàng đàn trâu, đàn ngựa. Nhiều toán các cõi cố gắng ganh nhau, toán này đè được toán khác thật quyết liệt, nhưng chưa ai vượt toán cõi ất. Năm nay toán cõi ất vào thi trận sau cùng với Bãi Lở.

Không ai ngờ sự xuất hiện chói lọi của Bãi Lở. Chỉ vì Bãi Lở mới về hội lần đầu, thế mà Bãi Lở đã lần lần đánh ngã được hết các cõi rồi ra đọ tài với cõi ất. Lệ thường, đội thắng năm trước ăn một điều lợi là được ra bãi sửa soạn trước. Người trùm toán cơm thi cõi ất là cháu gái quan lạc tướng đất Hoài Hoan. ả có tiếng tai ác, người ta nói cô ả này nhiều mánh khóe xảo quyệt đã khiến toán cõi ất giữ được giải lâu, chứ cũng không phải vì cõi ất tài giỏi đặc biệt gì. Có điều là những mưu chước mờ ám và ma mãnh của toán cõi ất, ai cũng đồn dăng dăng, mà không biết thế nào đối phó hoặc kêu lên nhà vua được. Nhiều toán đã cất công rình

– có khi công phu rình trước hàng tháng, xem toán cõi ất chiếm bãi trước như thế nào. Nhưng cũng không thấy gì. Mà chỉ ấm ức, bởi vì khi vào cuộc, thường thường địch thủ của toán cõi ất, nếu không bị tai nạn thì cũng gặp lúng túng. Chết uất đi được mà đành than:

“Bao giờ toán cõi ất mất quyền ra bãi trước thì may mới đến lượt cõi ta giật giải”.

Làm sao biết được năm nay toán cơm thi cõi ất đem mánh khóe gì hại toán Bãi Lở. Cái bãi thổi cơm thi rộng, từ giếng nước đến chỗ đặt đá đánh bùi nhùi, đến chỗ đặt ba ông đầu rau, nơi nọ xa nơi kia, phải chạy nhanh hàng mấy trăm bước. Chỉ một cái lạt gàu tụt, chiếc gáo mo cau xộc xệch hay hòn đá chậm ra lửa, hay bùi nhùi chưa nỏ, bắt lửa kém, hay chỗ đám cỏ kê nồi còn ẩm chút sương mưa đêm qua, cũng đủ thua cuộc. Nhưng không ai biết đấy là cái sơ ý của toán thổi cơm thi hay họ đã bị kẻ đua tài ganh ghét ngầm hại. Thật ra, toán cõi ất đã có ý coi thường đứt đuôi dân Bãi Lở rồi. Bởi vậy, họ chỉ làm có một cái ác vặt. Nửa đêm trước, cho người bới lũm mấy quãng đất giữa lối đi lấy nước rồi lại trải cỏ lên như thường. Chẳng cần vấp ngã, chỉ hụt vài bước chân, đến sau người ta một nháy mắt, mọi việc chậm hơn người một thoáng, cũng đủ thua trông thấy. Tùng… bi… ly… Người xem đã xúm đen xúm đỏ quanh bãi đợi từ gà gáy. Thoạt đầu, bên nam vào thi có hai người. Bãi Lở là một chàng trẻ tuổi và bé Mon. Hôm nay thì bốn đợt liên tiếp. Anh trai cao lớn lực lưỡng. Bé Mon loắt choắt, nhưng cũng gọn gàng khố bao trong chiếc thắt lưng điều bỏ giọt, như người lớn… Trông thật lạ. Bởi vì trên bãi cơm thi này, chưa bao giờ có cậu bé mười tuổi ra chạy giúp người lớn như thế. Người đứng xem quanh bãi vừa cười vừa chép miệng:

“Hết người hay sao mà phải cho trẻ thò lò mũi ra thế kia! Cánh Bãi Lở phen này đến trôi ra sông Cái về Bãi Lở mất thôi”. Người Bãi Lở, các lão bà, các chị ngồi xúm đằng cuối bãi. Họ đốt từng đống trầm, từng bó hương đen, lại mổ gà xem bói tỏi gà, chân gà và kể vè những bài kể công An Tiêm với sự tích đánh trâu nước lập nên Bãi Lở. Bùng… bi… ly… Mon bước sát theo anh lớn. Trước tiên, nghe trống thúc nhịp một, hai bên hai người cùng ra hai giếng. Mỗi giếng cách nhau trăm bước. Không nhìn nhau, không ai bảo ai mà hai cái gàu mo cau thả đều, kéo đều từ mặt giếng lên. Tiếng reo như sóng quanh bãi. Rồi anh lớn, tay cầm niêu nước giếng, vai đeo túi gạo. Mon bưng lon nước để vo gạo, lại kẹp thêm dưới tay cái rá nhỏ. Anh trai bước nhanh. Mon chạy theo về phía những ống giang. Anh trai nhặt một ống. Mon cúi lấy hòn cuội. Tay cắp thêm mấy thứ mà không cần đặt niêu, anh với đỡ cái rá ở tay Mon. Mon bưng lon nước. Hai người vừa đi như chạy vừa vo gạo, kịp đến chỗ bắc bếp thì gạo cũng đã vo xong. Bên toán cõi ất cũng làm thế. Chỗ thổi cơm hai toán cũng cách nhau hàng trăm sải chân. Họ đến đều nhau như in bước. Vừa dứt ba tiếng cồng, anh trai Bãi Lở đã bắc xong bếp rồi quay ra, cầm mảnh đá sắc cạo lòng ống giang cho thành lùm lùm từng đống bùi nhùi rồi đem ủ kịp giữa hai hòn cuội, rắc mồi tro lên, đập một cái. Đá tóe lửa, bắt bùng vào đám bùi nhùi. Thế là cả ống giang chứa lửa làm nòm cùng chui tọt vào bếp. Lúc ấy, gạo vo đã ráo nước. Lệ thổi cơm thi thổi khéo không được đảo, không ghế, không vần, phải giữ đượm lửa để lúc nước sôi tra gạo thế nào thì cả niêu cơm đến lúc chín đều vẫn nguyên thế. Hôm ấy trời khô quang, nhưng làn gió bấc tai ác mùa lạnh còn sót lại, chốc chốc bỗng lướt qua mặt cỏ. Lệ thổi cơm thi không được che gió. Anh trai phải cúi nhanh xuống, tay nhấc thanh giang, vừa chặn chiếc que cơi giữ than khỏi vạc, vừa chuyển thanh giang chia đều lửa dưới trôn niêu khi có gió tạt. Dứt hai hồi cồng, cơm vừa chín. Mà chưa chín thì cũng phải dừng lại đấy. Hai bên cùng đặt niêu cơm vào cái rế nhỏ, bưng chạy lại chỗ dựng đài có các quan chấm giải ngồi. Anh trai Bãi Lở ung dung đi, không nhanh, không chậm. Mon nghiêm trang ngẩng mặt, khuỳnh tay, lon ton bước theo.

Tiếng trống thúc giục người đua tài vẫn giọt nhịp một xuống. Bọn cõi ất cũng bước đi, nhưng đã mấy lần giương trố mắt, hồi hộp. Hai đứa Bãi Lở mấy lần bước đúng chỗ hũm cỏ. Nhưng, ô hay, sao chúng nó dường như chẳng lần nào bị hẫng, mặt chúng nó vẫn tươi tỉnh như kia! Bi… ly… bi… ly… Chấm hồi chiêng, cả hai niêu cơm đã được bày lên hai chiếc mâm bồng phủ vuông lụa điều. Mỗi bên có một người đứng cạnh mâm bồng để canh cho niêu cơm khỏi lẫn. Bé Mon đứng lại. Trong khi hai bên lao vào đợt thổi cơm thi nữa thì các quan chấm giải đến nếm cơm, xướng danh cho cả bãi biết cơm ai thổi khéo, được cuộc. Lại một cuộc thi mới tiếp luôn. Mỗi bên một người chạy thoắt đến, nhảy xuống chiếc thuyền thúng cắm ở lạch nước cạnh bãi. Bấy giờ anh trai Bãi Lở ấy lại bước ra, đọ tài khéo lần nữa. Mọi thứ để thổi cơm đã để sẵn trong khoang thuyền bé: ba hòn đá kê niêu, ống giang, đá cuội đánh lửa, gạo, lon nước vo. Tất cả lủng củng dưới chân. Không khéo thì chỉ lúng túng giẫm lỉnh kỉnh cũng vỡ cả. Từ trong lạch, người trai Bãi Lở thò tay xuống nước làm bê chèo, bơi mải miết ra đầm nước. Người cõi ất cũng đương ngồi trong một cái thúng như thế, bơi sóng đôi ra. Giữa đầm nước có một gò cỏ. Hai bên đã đặt niêu thổi cơm trên bờ gò. Tới nơi chỉ việc bắc bếp, bởi vì mọi việc lo thổi nấu đã phải làm ngay trong khi bơi thuyền, cả vo gạo, cả đánh đá lửa. Vừa làm thế mà hai tay lại phải thò xuống nước thay bê chèo.

Cái thúng con con chỉ rình xoay ngang, quay tít. Mà thuyền của bên cõi ất lại đương chen ra ve vé lướt vượt qua bên trái, cố ý đánh sóng cho thuyền này ụp hay ít nhất thì cũng tròng trành, chẳng đánh lửa hay vo gạo được. Người trai Bãi Lở không thèm đòn trả miếng hiểm ấy mà cũng không chút luống cuống. Mấy tháng đã ròng rã luyện thổi cơm nhiều lần trên dòng sông Cái nước lên cuồn cuộn. Bây giờ chỉ như làm lại, đã quen, lại được nước đầm phẳng lặng, dễ hơn. Bước xuống thuyền, anh ném phăng cái áo và thắt lưng lên bờ. Anh cởi trần, khố điều đóng gọn, không vướng mảy may. Anh cắm cúi chèo. Chiếc thúng nhấc cong mũi, vượt bật lên trước thuyền cõi ất. Hai bàn tay lia lịa cắt nước. Bàn tay gạt nước gạt thật nhanh, thật gọn, bàn tay chỉ ướt một phía, còn lòng tay vẫn ráo khô, nhấc lên vẫn đánh đá vào bùi nhùi lửa ngay. Rồi một tay chèo, một tay vo gạo, vừa đến bờ gò. Cái thúng áp mạn, các thứ đánh mồi lửa, vo gạo đã xong. Theo lệ, người chỉ được ở dưới thuyền, thổi cơm với lên bờ. Anh ném ba hòn đá vào kê niêu. Niêu cơm vừa đặt, mớ bùi nhùi và thanh giang bỏ ra, lập tức trong bếp đã rừng rực lửa. Thế rồi, bếp thì trên bờ, người ngồi trong lòng chảo thuyền với lên thổi lửa. Cái thúng nhẹ như lá tre, chốc lại tròng trành quay ngang, lại phải chèo khít vào, rồi tay ướt ấy lại cầm mồi lửa. Có lúc thuyền tuột ra, nhưng sợ tay ướt, không dám thò tay bơi, cứ cố nhoài lưng bíu bờ, phải uốn lấy đà mới khỏi ngã sấp xuống nước.

Tiếng chiêng tiếng cồng nổi bốn phía, rối cả ruột. Các quan chấm giải đặt án thư ngồi coi thổi cơm thi ngay giữa gò. Còn bao nhiêu bùi nhùi, quấn vội lên đốt niêu như đốt rơm. Lửa vừa vạc, coi như cơm cũng vừa chín. Anh chàng Bãi Lở nhún chân nhảy nhẹ lên bờ, mời các quan ra chứng kiến. Lúc ấy, người thổi cơm toán cõi ất mới đương quềnh quàng quấn bùi nhùi đốt niêu cơm. Chợt cơn gió chúi đến, đẩy thuyền ra. Người thổi cơm cong lưng luýnh quýnh nghiêng vào. Chẳng may, với xa quá, cả người rơi tõm xuống nước, mất giải. Quanh đầm, quanh bãi ầm vang tiếng reo hò chen trong tiếng hô báo tin toán Bãi Lở đoạt giải nhất thổi cơm bên nam. Mọi người lại chạy dồn quanh bãi. Bắt đầu cuộc thi thổi cơm bên nữ. Không ai còn để mắt đến cái người cõi ất vừa ngã xuống nước bị thua cuộc, đương lóp ngóp đẩy chiếc thuyền bơ vơ ra giữa đầm. Toán nữ Bãi Lở ra quân. Nàng Hoa và bé Gái. Bé Gái, váy áo tròn xoe, hệt mẹ, như cái bóng mẹ, bước sau mẹ con cón, bé xinh tí tẹo. Nhưng từ lúc nãy, thấy Mon nhanh nhẹn, xốc vác giúp bên nam được, không ai dám coi thường trẻ con Bãi Lở nữa. Bên cõi ất thì ả cháu gái quan lạc tướng bộ Hoài Hoan ra đối địch. Khốn thay, từ lúc không may xảy cái anh ngã lộn cổ xuống nước thì thế thua hình như đã hằn rõ trên nét mặt ngơ ngác của những người toán cõi ất. Nhưng mà chưa biết thế nào. Trận đấu nữ này thật rắc rối. Mỗi người phải địu trên lưng một đứa trẻ lạ chưa đầy tuổi tôi mà không quen hơi. Bên cạnh để một chiếc rổ sảo, trong có hơn chục con ếch to. Đàn ếch nhốn nháo nhảy nhô nhốp tròng trành cái rổ. Chỉ nhỡ cái rổ trành quá, nghiêng đi, ếch sẽ chồm ra hết. Mà lệ cấm người phụ không được làm hộ. Ai thổi cơm thì người ấy phải vừa chăm bếp, vừa dỗ đứa trẻ trên lưng, vừa giữ cho cái rổ sảo đựng ếch không có mẹt đậy khỏi nghiêng. Tiếng cồng dài hai hồi báo hiệu cơm phải chín tới. Lại không đợi đưa cơm vào trình, các quan chấm giải nghe hiệu cồng thứ hai còn đương ngân ngư đã tiến vào xét cả hai bên. Quan chủ khảo đến bếp Nàng Hoa. Nhấc cái rổ, lũ ếch giở chứng, bỗng nhiên ngoan ngoãn kia vẫn ngồi chồm chỗm, trô trố nhô lên đủ mười bốn cái đầu đen trũi, bóng nhẫy. Bé con địu trên lưng thì đương giụi mắt muốn ngủ. Nàng Hoa hơi cúi, chân đứng chéo nhún gối tựa đưa võng ru em bé. Tưởng được võng đưa, em bé thiu thiu vào giấc ngủ. Cơm ai chín mà trẻ không khóc, ếch không nhảy ra mất con nào thì quan chủ khảo cho nổi trống lên. Tiếng trống chấm giải trước nhất tưng bừng vang đi từ bếp Bãi Lở. Lập tức, khắp bãi người xem lại rền tiếng reo hòa vào như sấm. Cháu gái quan lạc tướng bộ Hoài Hoan ở bếp đằng kia nghiêng tai nghe. Tiếng trống mới nổi đằng bếp ấy, ả đã quỵ xuống, ngất đi. Đổ cả niêu cơm. Đứa bé bị vập đầu, khóc ré trong địu trên lưng. Thế là đàn ếch nhảy tứ tung. Quanh bãi còn đương nhốn nháo, đám này còn hò reo, đám kia còn lao xao khen tài kỳ lạ của Nàng Hoa thì trận thổi cơm thi sau cùng đã lại mở ra giữa hai hồi cồng hiệu. Bây giờ hàng loạt trống đồng mới lên tiếng cùng một lúc trong cuộc thổi cơm thi quan trọng sau cùng. Cạnh án thư chủ khảo, hai dãy trống đồng bắc gióng song song. Những chiếc dùi trống gỗ mít dài bằng cái đòn ống, đầu đập giập mềm xơ như bông, đầu bọc da báo da hổ cứ nhấp nhô đều đặn, uy nghi đâm xuống mặt trống.

Những hồi trống đồng trang nghiêm nổi lên, bắt đầu cuộc đấu khó khăn nhất. Cái hơi trống đầm đầm, rền lạ lùng báo cho mọi người biết cuộc sau cùng của giải thổi cơm thi. Người xem nhộn nhạo hẳn. Chiêng và cồng theo nhau đổ hồi dồn dập, không thong thả nhịp một như lúc nãy. Thinh không lúc nào cũng ầm vang. Cõi ất và Bãi Lở, mỗi bên bước ra đủ một cỗ mười cô gái. Sắp hàng ngang, mười cô mày ngài mắt phượng long lanh, dáng dấp khoan thai, váy xắn quai cồng, tóc búi ngược. Mỗi cô, sau thắt lưng buộc một chiếc cần trúc dài vút lên đầu, có sợi dây đay thòng lọng xuống kéo miếng phên dài làm bàn bếp treo trước mặt. Cái niêu đặt trên tấm phên. Người thổi cơm cầm đũa cả, lại cầm thanh giang cháy hơ trôn niêu. Mười cô gái ấy vừa đi vừa vo gạo, đánh bùi nhùi, bắc đầu rau, nhóm bếp thổi cơm trên cái phên tre. Lúc bước hụt, cái phên đảo đi, giựt lên ngang mặt. Lúc ấy phải khéo uốn người sao cho khỏi đổ. Rồi lại rảo chân lên kịp đều hàng. Cả mười cô cùng đi về phía cuối bãi, xa tít. Người quanh bãi hồi hộp đến mê người, đợi xem lát nữa toán nào từ đằng kia đi trở lại mà giật giải. Không biết mười cô gái nào qua rừng, lên gò, xuống ngòi, rồi trở lại đến được trước án thư quan giám khảo vừa lúc dứt hồi cồng, lúc ấy niêu cơm trên mảnh phên cũng vừa chín tới. Toán nào giựt giải đây? Lòng mong ngóng của mọi người đã đổ sự tin cậy vào toán Bãi Lở, có thể vượt nốt lèo này nữa thì…

Tiếng cồng, tiếng chiêng dồn dập giữa tiếng trống đồng vẫn đương trầm hùng nổi lên. Người ở Bãi Lở tụ một góc bãi, vẫn đốt trầm và xem bói chân gà cùng hát kể sự tích đất nước. Trời xuân giêng hai bỗng thơm trong trẻo một mùi hoa cau vừa nứt bẹ. Mọi người hồi hộp nghển nhìn phía rừng thưa. Toán nào về trước? Kia kìa đoàn người đương nhô ra khỏi rừng, cả mười cô bước thẳng hàng ngang suốt như kẻ chiếc đòn ống. Váy áo nâu non tươi và khăn vuông điều – màu nâu màu điều chân chỉ quen thuộc trên các cánh đồng, các bến nước. Thoạt trông ai cũng nhận ra ngay đấy là mười cô gái Bãi Lở. Mười cô gái Bãi Lở hớn hở bước về tới đâu, người xem ở đấy cồn lên như sóng dồn theo. Không ai còn ngõi đến mười cô gái cõi ất lủi thủi đi sau. Người ta chen lấn lấp cả đi, dù mười cô cõi ất chỉ đi cách một quãng. Mười cô Bãi Lở về nhất. Như đoàn quân hùng dũng, nhanh như cánh cắt, ngay giữa nơi trận mạc xung sát mà vẫn đưa được cơm chín ngon lành ra chiến trường cho ba quân. Cả vùng Phong Châu sôi nổi mừng Bãi Lở. Lúc ấy, ả cháu gái quan lạc tướng bộ Hoài Hoan vừa hồi tỉnh, mặt hãy còn xanh lét, lại lăn ra, ngất đi lần nữa. Liền hôm sau, đến kỳ tranh giải vật. Bùng… bi… bi… bùng…


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button