Chuyên ngành

Nhật Bản Duy Tân 30 Năm

nhat ban duy tan sau 30 nam sach ebook1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Đào Trinh Nhất

Download sách Nhật Bản Duy Tân 30 Năm ebook PDF/PRC/EPUB/MOBI. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : SÁCH CHUYÊN NGÀNH

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Định dạng PDF               Download

Định dạng PRC               Download

Định dạng EPUB            Download

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Mình đang đọc cuốn sách này và thấy rất khâm phục tác giả Đào Nhất Trinh. Cuốn sách này được viết từ thập niên 30 của thế kỉ 20 lúc mà Đế Quốc Nhật Bản đang mở rộng ảnh hưởng của mình ra toàn bộ châu Á.

Bối cảnh cuốn sách lấy từ cảm hứng từ kết quả mà cuộc cải cách Minh Trị đã đạt được ở Nhật Bản trong vòng 30 năm. Với góc nhìn của một nhà nghiên cứu, tác giả đã nêu lên rất rõ lý do tại sao Nhật Bản có thể bắt kịp các nước phương tây chỉ trong vòng 30 năm (trong khi Phương Tây phải mất 300-400 năm để đạt được trình độ như vậy). Với tư cách là một người Việt Nam, tác giả cũng đã so sánh những đặc điểm mà Việt Nam ta (cùng các nước Châu Á khác) đã không có để có thể chuyển mình ngoạn mục như Nhật Bản.

Cuộc cải cách Minh Trị đã đạt được một kì tích mà chưa có dân tộc nào trên thế giới có thể lập lại được. Chính phủ Nhật Bản không chỉ đơn thuần là mở cửa đất nước, giao thương với người nước ngoài mà họ còn thực sự học hỏi tinh hoa văn hóa của Phương Tây bằng tinh thần “phát phẫn tự cường” rất đáng khâm phục.

Theo mình thì nên đọc cuốn sách này kèm với cuốn “khuyến học” của Fukuzawa Yukichi và cuốn “Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa” (1847-1885) để hiểu rõ hơn nội tình của nước ta thời bấy giờ.

Vài chương trong sách : 

Giúp độc giả khi đọc cuốn Nhật Bản Duy Tân 30 năm của ông Đào Trinh Nhất

PHAN KHÔI

Ông Đào Trinh Nhất, bạn tôi, mới rồi, trong một lúc xuất bản hai cuốn sách có giá trị ngang nhau. Cuốn Phan Đình Phùng đã được đem phê bình ở báo này số trước. Đến cuốn Nhật Bản duy tân 30 năm, tôi nghĩ viết một bài phê bình như thế nữa không có ích, chi bằng đứng về một phương diện khác hầu có thể giúp độc giả trong khi đọc cuốn sách ấy.

Nghĩ như thế rồi tôi viết bài này, coi cũng như bài tựa hay bài bạt cho cuốn sách về thế sự của Đào quân, chỉ khác là không được hân hạnh in vào trong sách của người.

Cuốn Nhật Bản duy tân 30 năm dày gần 300 trang giấy khổ lớn, lấy tài liệu ở hai chục pho sách hoặc chữ Hán, hoặc chữ Nhật, hoặc chữ Tây, để thuật lại công việc của một nước trong 30 năm cải cách mà thành hiệu. Trong chúng ta người nào có lòng sốt sắng, bỏ cả mọi việc mà đọc nó, cũng phải mất vài ba ngày mới hết. Khi đọc xong, ai nấy đem lòng hâm mộ sự thành công của người Nhật, là lẽ cố nhiên; nhưng nếu ai nấy thường tự hỏi: nước Nhật tại làm sao mà có được sự thành công ấy, thì chưa chắc lý hội lấy mà trả lời ngay cho mình được.

Một cuốn sách dài như thế, khi xem đến khúc sau có lẽ đã quên khúc trước, huống chi trong đó sự tình bề bộn lắm, thì lý hội cho được cũng là khó.

Vả còn điều này nữa, mình là người Việt Nam, khi đọc cuốn sử duy tân của Nhật Bản, phải thấy có sự cảm khái riêng trong lòng. Vì sao nước mình thuở xưa cũng ở trong một hoàn cảnh như họ mà mình lại không làm như họ được? Tôi tưởng người đọc sách ấy chẳng những muốn trả lời câu hỏi trên mà thôi, cũng muốn đáp luôn câu hỏi dưới.

Tôi đã đọc qua cả cuốn sách của Đào quân một bận. Về những điều ấy tôi đã lý hội kỹ. Tôi xin viết ra đây để trả lời hai câu hỏi kia. Ấy là một việc mà khi làm, tôi tưởng là có ích cho những người đọc sách của ông Đào.

* * *

Nhiều người An Nam hay nói: Nhật Bản là nước đồng văn với nước ta, họ cũng theo đạo Khổng Mạnh, họ cũng là một nước phụ dung văn hóa của nước Tàu như nước mình, thế mà họ duy tân, tự cường được đến như thế, còn nước mình ra thế này, đáng lấy làm tức.

Người nào nói như thế là chưa biết rõ nước Nhật Bản. Phải, họ thuở xưa cũng theo đạo Khổng Mạnh, cũng làm một nước phụ dung văn hóa của nước Tàu như nước ta thật, nhưng mà có khác nhau nhiều lắm trong sự giống nhau ấy.

Đọc sách của ông Đào, chúng ta thấy người Nhật có những cái tinh thần riêng của họ để làm nền móng cho sự lập quốc, như Đại Hòa hồn, Võ sĩ đạo, những cái ấy đã đành là không có ở nước ta rồi. Kể đến sự theo văn hóa Trung Hoa, nước họ cũng khác với nước mình nữa.

Người Nhật theo đạo Khổng Mạnh nhưng không theo cái học khoa cử, không bắt chước làm những kinh nghĩa, thi, phú, là thứ văn chương vô dụng. Sĩ phu họ không bị những cái bả vinh hoa của cử nhân tiến sĩ làm mê muội đi. Đầu óc của họ thuở nào đến giờ vẫn trong sạch, cho nên khi thấy có Tây học thì họ nhận biết là đáng theo mà theo ngay.

Lại thêm, người Nhật theo văn hóa Tàu mà những cái dở, những sự mê tín của người Tàu họ không chịu theo. Tức như người Nhật không tin địa lý, cũng không tin quỷ thần, đốt vàng mã. Nhờ đó, trong tư tưởng họ không vướng víu những cái tối tăm dơ bẩn cần phải mất thời giờ để gột sạch đi rồi mới hấp thụ cái hay cái tốt được.

Người Việt Nam ta từ triều Trần triều Lê về sau chỉ biết tôn chuộng cái học khoa cử, là cái học phù hoa vô dụng, làm cho sĩ phu trở nên đui điếc. Đã vậy lại còn mắc nhiều sự mê tín của người Tàu đưa qua cho, như là tin phong thủy, bói, số cùng vô số thứ dị đoan. Hồi triều Tự Đức, người Nhật đã hăm hở theo Âu hóa rồi, nhưng người mình thì trong óc còn chất chứa không biết bao nhiêu sự tối tăm dơ bẩn, vậy nên cứ thủ cựu hoài mà không làm như họ được.

Cái trình độ văn minh của một nước thế nào, là coi ở học thuật tư tưởng của người nước ấy. Một nước mà muốn cải cách, cũng bắt đầu từ học thuật tư tưởng mà cải cách đi.

Học thuật tư tưởng của người Nhật lúc chưa tiếp thọ Âu hóa cũng đã không đến hủ bại như nước ta, nhờ đó mà họ tiếp thọ Âu hóa một cách dễ dàng. Đến khi biết Âu hóa là đáng theo, và quyết kế theo rồi, thì họ lại còn biết phá hoại học thuật tư tưởng của họ mà không hề dùng dằng đoái tiếc.

Trong nước ta hiện có một hạng người thủ cựu cứ phao ngôn rằng người Nhật Bản lúc duy tân, theo Tây là chỉ theo về phương diện khoa học cơ khí mà thôi, còn về phương diện tinh thần thì họ vẫn giữ các điều họ sẵn có.

Đọc qua cuốn sách của ông Đào Trinh Nhất, sẽ thấy lời nói đó là không thật. Vả, trong thiên hạ chẳng có lẽ nào lấy cái tinh thần cũ ra mà làm được sự nghiệp mới bao giờ. Cải cách thì phải cải cách từ tinh thần, tức là học thuật tư tưởng.

Du nhập cái tư tưởng công lợi của người Anh và người Mỹ. Việc này do ông Phúc Trạch Dụ Cát đề xướng ra. Ông cả gan kêu gào phá hoại văn hóa cũ mà ông cho là cái dư độc của chế độ phong kiến. Họ Phúc Trạch sáng lập ra Khánh Ứng nghĩa thục, chuyên ban bố cái tinh thần giáo dục của phương Tây. Cái tinh thần ấy cốt ở những sự: hoài nghi, phá hoại và cải tạo, làm cho sĩ phu hướng chiều về đường thực học và bồi dưỡng cái óc tự do độc lập của quốc dân.

Du nhập cái tư tưởng tự do của người nước Pháp. Việc này do ông Bản Viên Thoái Trợ đề xướng. Sách Dân ước luận của J. J. Rousseau dịch ra trong buổi ấy. Từ đây có dấy lên nhiều cuộc vận động mới về chính trị.

Du nhập cái tinh thần của đạo Cơ Đốc. Cơ Đốc giáo vào nước Nhật đã lâu, nhưng cái tinh thần của đạo ấy được thấm khắp giữa người Nhật là từ hồi đầu triều Minh Trị. Bấy giờ có người tên là Tân Đảo Tương, một tín đồ của Chúa Cứu thế, lập ra cơ quan gọi là Đồng Chí xã, hết sức tuyên truyền giáo nghĩa của Chúa Gia Tô. Ông làm việc ấy bởi một đức tin chắc chắn, như có nói rằng: “Nếu không dùng đạo Cơ Đốc để cảm hóa quốc dân thì không bởi đâu truyền bá cái chân tinh thần của văn minh Âu châu được”.

Du nhập cái tư tưởng quốc gia của người nước Đức. Việc này do ông Gia Đằng Hoằng Chi đề xướng. Ông có làm ra sách Nhân quyền tân thuyết, phản đối các thuyết bình đẳng tự do mà cổ xúy cái Chủ nghĩa Quốc gia theo thuyết tiến hóa của Đạt Nhĩ Văn.

Theo một cuốn sách văn học sử Nhật Bản, người ta đã công nhận bốn điều ấy là trụ cột trong cuộc duy tân thành công của người Nhật, đáng đem để trên hết những sự chấn chỉnh ở bề ngoài, như là mở quốc hội, ban hiến pháp cùng là tập rèn cơ khí, khuếch trương công nghệ…

Sự nhớ cũ bao giờ cũng choán một phần trong tâm lý loài người. Do cái tâm lý ấy, lại thêm cái lòng tự trọng nữa, người Nhật đến ngày nay đã cường thịnh rồi, bèn cất cao giọng lên mà xướng cái thuyết bảo tồn quốc túy. Chứ kể theo sự thực trên lịch sử, nếu đương hồi Minh Trị mà người Nhật cứ khư khư giữ lấy cái cũ của mình, không phá hoại và cải tạo, thì làm sao có ngày nay được? Cái lẽ ấy dễ hiểu lắm: tức như nước ta vào thời Tự Đức đã bo bo giữ lấy học thuật tư tưởng cũ, chuộng khoa cử và không chừa bỏ được mọi sự tin tưởng nhảm nhí, đi đón rước lấy văn hóa Âu châu thì ta đã phải mất nước rồi.

ĐỌC THỬ

Chương I BA NGUYÊN DO LỚN

Thử mở hết lịch sử nhân loại ra mà coi, đông tây kim cổ, có quốc gia nào chỉ sửa sang thay đổi trong 30 năm mà được mới hẳn mặt mày, trở nên tốt đẹp, như là Nhật Bản vậy không?

Khắp các dân tộc ở trong thiên hạ thế giới xưa nay, không hề ai thấy dân tộc nào có cái lịch sử tấn hóa tự cường một cách vẻ vang, một cách lạ lùng, một cách mau chóng cho bằng dân tộc Nhật Bản.

Mạnh bạo vẻ vang?

Phải.

Bao nhiêu quốc gia dân tộc lớn nhỏ ở Đông phương mình, đến giữa thế kỷ XIX, là lúc bàn cờ thiên hạ đã xoay ra cái thế “mạnh được yếu thua, khôn sống mống chết” rõ ràng lắm rồi, thế mà vẫn còn mơ màng không tỉnh, một mực giữ riết những thứ hủ bại hèn yếu như xưa, thành ra lần lượt trước sau bị các cường quốc hái Tây qua chinh phục lợi dụng hết thảy. Nhật Bản ở Đông phương cũng đang là một nước trong các nước hủ bại hèn yếu đó, bỗng chốc nổ vang như tiếng sét đánh, họ nổi lên duy tân hùng cường một cách thật là oanh liệt. Trải 30 năm ra sức sửa mình, mau chân lẹ bước, Nhật đuổi theo kịp Âu châu trên đường văn minh, rồi cùng một nước rất mạnh của Âu châu thử sức đánh nhau mà Nhật đại thắng, làm cho tai mắt tâm hồn cả thế giới đều phải rúng động kinh hoàng. Cho đến hiện nay, về binh lực, về cơ khí, về học thuật, về công nghệ… mặt nào Nhật cũng dư sức cùng các cường quốc Âu Mỹ thích cánh chen chân mà đứng vào hàng thứ nhì trong thiên hạ.

Nói cho phải, thực sự nhờ có Nhật Bản tự cường và tranh giành với Âu Mỹ được như thế, thành ra giống da trắng cũng bớt lên mặt coi rẻ giống da vàng; trái lại, còn lo sợ nay mai có cái họa da vàng (péril jaune) nữa là khác.

Mau chóng lạ lùng?

Phải.

Y như câu chuyện nghề võ đánh trả thầy. Con đường văn minh khoa học của người hái Tây hao tốn biết bao tâm lực công phu, trải ba bốn thế kỷ xây đắp mới nên, và đi lần hồi từng bước, trải ba bốn thế kỷ bặt thiệp mới tới. Ai không nghĩ rằng những kẻ khác có giỏi học mót theo sau, cũng chẳng khi nào mau chóng tới mức kịp thầy cho được. Thế mà Nhật Bản phăng phăng sấn bước, chỉ trong vòng 30 năm là họ đủ theo kịp Âu Mỹ và dựng lên được cái lâu đài văn minh khoa học cũng đẹp lộng lẫy như của Âu Mỹ vậy. Rồi thì “quơ lấy gậy ông, đập lưng ông, lấy ngay giáo giặc để đâm giặc”, bây giờ họ đem ngay những cái đã học của Âu Mỹ ra đua chọi tranh giành với Âu Mỹ. Thử coi lâu nay Nhật Bản có binh lực khiến cho Âu Mỹ phải kính nể, kiêng dè; còn các đồ công nghệ chế tạo họ đem qua bày đầy ở giữa thị trường Âu Mỹ mà bán cạnh tranh giá rẻ, làm cho Âu Mỹ phải rên!

Một dân tộc, một quốc gia đang ở trong vòng yếu hèn cũ kỹ mà thay đổi thành ra một nước giàu mạnh mới khôn, người ta gọi đó là cuộc tấn hóa. Lẽ thường, cuộc tấn hóa phải đi lần hồi từng chặng, từng bước. Nhưng cuộc tấn hóa của Nhật Bản đã thực hành và thành công một cách mau lẹ quá thế, ta phải bảo là họ chạy, họ nhảy, họ bay; cũng có thể nói là họ xẹt một cái như chớp nhoáng mà tới cõi văn minh phú cường, chứ có phải họ đi từng chặng từng bước gì đâu!

Thật vậy, thử mở hết lịch sử nhân loại ra mà coi, đông tây kim cổ, có dân tộc nào chỉ rong ruổi trong 30 năm mà theo kịp người ta trên con đường văn minh người ta đã đi ba bốn thế kỷ không? Có quốc gia nào chỉ sửa sang thay đổi trong 30 năm mà được mới hẳn mặt mày, trở nên tốt đẹp, như là Nhật Bản vậy không?

Ai cũng phải nói rằng không. Ai cũng phải chịu rằng xưa nay chỉ thấy có một mình Nhật Bản được vậy mà thôi.

VIỆC GÌ CŨNG CÓ NHÂN QUẢ

Bởi vậy, tất ai cũng phải lấy làm lạ lùng nóng nảy, không biết Nhật Bản có những lực lượng gì và căn nguyên vì đâu mà cuộc duy tân hùng cường mau lẹ quá chừng như thế?

Cố nhiên là họ nhờ có vua quan tài giỏi khôn ngoan, có dân tâm sốt sắng hăng hái, mới hiểu biết những chỗ bắt buộc cần dùng của phong trào, của thời thế mà mạnh bạo tự tân tự cường cho mau. Đó là một lẽ căn bản. Song ở trên cái căn bản hiện tại này còn có những cái căn bản dĩ vãng xa xôi khác. Ấy là tinh thần dân tộc, là lịch sử quốc gia, Nhật Bản vẫn khác lạ hơn người ta; như là họ có sẵn mầm giống tốt đẹp chất chứa từ lâu rồi, đến nay gặp được công phu vun trồng, thời tiết thúc giục, làm cho mầm giống đó dễ đâm chồi nảy nhánh ra và rồi mau trổ bông tươi kết trái tốt vậy.

Trên đời, có vật gì không thai mà nên hình, có việc nào không nhân mà có quả cho được. Bởi thế, ngày nay nếu ta muốn biết vì sao Nhật Bản duy tân được mau lẹ vẻ vang thế kia, thế nào cũng nên xét qua về lịch sử quốc gia và tinh thần dân tộc của họ trước hết. Họ có cái kết quả rực rỡ như hôm nay vốn là nhờ có nhiều cái nguyên nhân đã ươm từ đời trước.

Theo ông Bá tước Đại Ôi Trọng Tín 大隈重 信 [Oukuma Shigenobu] thì nguyên nhân ấy có ba.

Tôi xin giới thiệu liền để độc giả biết rằng Đại Ôi Trọng Tín là một người có dự phần công lao rất lớn trong cuộc Minh Trị Duy Tân và đã chứng kiến tất cả thời đại vẻ vang ấy từ đầu tới cuối. Ban đầu, ông kêu gào duy tân cải cách rất là hăng hái; sau bước vào trong chính giới hoạt động, trở nên một bậc yếu nhân, khi làm ham nghị triều đình, khi làm Nội các Tổng lý. Lúc ở đàn chính trị bước xuống thì ông lo việc giáo dục, tự mở ra một trường đại học có chủ nghĩa cao, quy mô lớn(1) cốt để rèn tập nhân tài cho nhà nước dùng. Chính ông soạn ra bộ sách Khai quốc ngũ thập niên sử 開國 五十年史, 1500 chương, biên chép công việc duytân từ trước đến sau, đầy đủ, rõ ràng. Nay tôi viết ra cuốn sách tầm thường để hiến độc giả đang coi đây, ngoài ra những tài liệu góp nhặt ở nhiều nơi khác một phần lớn là nhờ nơi tài liệu trong sách của họ Đại Ôi vậy.

Đại Ôi nói rằng Nhật Bản được biến hóa cường thịnh như ngày nay tuy có nhiều nguyên nhân, song bao nhiêu nguyên nhân gì cũng đều quy tụ cả vào ba điều cốt yếu sau đây:

Nối dõi Thần quốc, bền vững nguyên lành.

Dân tộc nhờ địa lý thiên nhiên mà sinh ra có nhiều tính chất đặc biệt.

Chế độ phong kiến gây nên những cuộc chia đất tranh hùng, chống chọi ganh đua nhau luôn luôn, thành ra rùi mài un đúc được chí bền sức mạnh và nảy ra lắm tài khéo tính khôn.

Đó là ba cái điều kiện thiết yếu, theo họ Đại Ôi, làm nền móng sâu xa cho cuộc duy tân Nhật Bản ngày nay. Trong bài tổng luận cuốn Khai quốc ngũ thập niên sử tác giả đem những tài liệu chứng cứ ra giải bày ba việc trên đây thấu suốt và lý thú lắm. Tôi dựa theo đó và phụ thêm nhiều kiến văn góp nhặt ở ngoài, lược thuật ra mấy đoạn sau này, để cho độc giả trước hết nên biết cuộc phát triển tự cường của Nhật Bản vốn có nguồn gốc sẵn sàng từ xưa ra thế nào?

1

Nối dõi thần quốc

Sự tin tưởng của người ta, tuy cùng một tên, nhưng mà khác thể: có sự tin tưởng chỉ là mê hoặc, sinh ra có hại; có sự tin tưởng chính là dấu hiệu của lý tính, của tinh thần, của cái gốc sinh tồn hoạt động ở đời; sự tin tưởng ấy thành ra cần dùng và có lợi.

Phàm người có ôm giữ trong óc một điều tin tưởng gì đúng đắn vững vàng, ta thường thấy họ đi trên đường đời ít khi vương nhằm những nỗi trắc trở sai lầm, mà công việc họ làm cũng dễ thành công kết quả. Một dân tộc cũng thế. Ta xem dân tộc Nhật Bản tin tưởng họ là Thần quốc mà có những ảnh hưởng lợi ích cho quốc gia dân tộc họ ra sao thì biết.

GỐC TÍCH THẦN QUỐC

Thật vậy, người Nhật tin rằng nước họ là Thần quốc 神國, nghĩa là một nước do thần dựng lên.

Tuy là một chuyện viển vông mù mịt, nào có gì làm bằng, nhưng vậy mà trong tâm não người Nhật xưa nay lớn bé trẻ già, ai cũng đều tin tưởng như thế; tin tưởng một cách chắc chắn, vững vàng, lại còn có vẻ tự cao nữa là khác.

Theo quốc sử Nhật Bản, nguyên là 3000 năm về trước, trên trời có ba vị thần hiển linh:

  • Thiên ngự trung chủ tôn 天御中主尊

Amenominakanushi no mikoto

  • Cao hoàng sản linh tôn 高皇産霊尊

Takamimusuhi no mikoto

  • Thần hoàng sản linh tôn 神皇産霊尊

Kamumimusuhi no mikoto

Ba vị thần xuống phàm kinh doanh thống trị ở trên tám cù lao Nhật Bản. Thần “Thiên ngự trung chủ” làm chúa tể, ở ngôi chính thống, là đức nguyên tổ của các Thiên hoàng (Mikado 天皇), nước Nhật về sau. Còn hai vị thần “Cao hoàng sản linh” và “Thần hoàng sản linh” thì là ngoại tổ của Thiên hoàng. Thuở đó ba vị thần kết hôn với nhau, sinh nở ra thần con thần cháu, dòng dõi phồn thịnh. Duy có dòng dõi thần “Thiên ngự trung chủ” là dòng dõi chính thống chân truyền đời đời nắm quyền thống trị nước Nhật; còn dòng dõi hai thần kia thì làm các chức lớn, phò trợ nhà vua, như là tể tướng, chư hầu, tướng quân… hành ra vua Nhật là con cháu chính tông của thần đã đành, mà đến các quý tộc danh gia trong nước cũng là con cháu của thần nữa.

Cách sau mười mấy đời truyền nối dòng dõi của ba vị thần nói trên đây, tới “Thiên Chiếu đại thần 天照 大神 Déesse Amaterasu Omikami, tục gọi là Nữ thần Mặt trời, hay là thần Quốc tổ 國祖, vì chính thần tạo lập ra ngôi vua nước Nhật xưa nay.

“Thiên Chiếu đại thần” sai vị thần cháu ngài hóa sinh hình người, lên ngôi vua thống trị nước Nhật; khi đó ngài ban cho hoàng tôn ba món thần khí, là một cái gương, một thanh kiếm, một hòn ngọc, và có lời dạy rằng: “Ngôi báu này, con cháu của thần chính tông đời đời truyền nối nhau, cùng trời đất trường sinh vô tận”.

Từ đó Nhật Bản dựng thành quốc gia và có vua cầm quyền trị dân một cách chính thức. Ba món thần khí là cái dấu tỏ thiêng liêng quý báu của nhà vua, từ xưa đến nay, mỗi đời Thiên hoàng lên nối ngôi trị vì, trước hết có cuộc tế lễ rất tôn nghiêm, để bái lĩnh ba món thần khí này, tức là vật truyền quốc chi bảo vậy. Mỗi món thần khí chỉ tỏ ra một đức tính:

Ngọc Bát bản quỳnh khúc 八 阪 瓊 曲 玉 tỏ ra đức nhân ái từ bi;

Gương Bát chỉ 八 咫 鏡 tỏ ra đức trong sạch sáng suốt;

Kiếm cỏ trĩ 薙 草 劍 tỏ ra sức mạnh bạo cả quyết.

Vị hoàng tôn vâng mệnh “Thiên Chiếu đại thần”vlên ngôi trị vì, khai sáng nền quân chủ Nhật Bản là Thần Võ Thiên hoàng 神武天皇 [Jimmu Tennou]. So sánh với Tây lịch, thì ngài tức vị vào khoảng trước hiên Chúa giáng sinh 660 năm; so sánh với Hoa lịch, thì ngang vào năm thứ 17 của Châu Huệ vương; còn so sánh với nước Nam ta, thì phỏng chừng vào lúc cuối đời Hùng Vương 16 hay là Hùng Vương 17, lối đó.

Vậy là Thần Võ Thiên hoàng chính là thủy tổ của Chiêu Hòa Thiên hoàng, đức vua đang tại vị của Nhật Bản ngày nay. Tính cộng triều vua từ Thần Võ tới Chiêu Hòa, 124 đời, tính năm thì tới nay (1936) được 2.596 năm. Thế là từ khi Nhật Bản dựng nước có vua đến giờ, chỉ có một dòng họ truyền nối làm vua, chứ không có sự thay triều đổi họ như các nước khác.

Trên kia đã nói Nhật là nước của Thần tạo lập ra, và vua Nhật là dòng dõi chính truyền của thần, cho nên phàm là người Nhật, ai cũng tin tưởng, kính thờ, tôn trọng, không được xâm phạm hay là nghi hoặc bao giờ. Sự tin đó chôn chặt vào trong tim óc người Nhật cứng như đinh đóng vậy.

Ai có ý bất kính hay là hoài nghi, kẻ ấy phạm tội rất lớn. Còn nhớ cách nay 30 năm, một nhà bác học đại danh là ông Koumei, giáo sư ở trường Đế Quốc đại học tại Đông Kinh ngỏ ý nghi hoặc về gốc tích Thần Võ khi xưa không phải là Thần, tức thời ông bị cách chức. Lại năm 1926, cũng vì câu chuyện đó, mà ông bác sĩ Tetsu Onjiro bị cách chức nghị viên trong viện Quý tộc. Một vài chứng cớ như thế đủ chỉ tỏ cho ta thấy người Nhật tin tưởng về cội rễ quốc gia quân chủ của họ một cách thành kính vững vàng ra sao vậy.

Giờ ta thử xét sơ coi sự tin tưởng đó có những ảnh hưởng hay cho lịch sử quốc gia Nhật thế nào?


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button