Review

Quyền Lực Thứ Tư

Thể loại Văn học nước ngoài
Tác giả Jeffrey Archer
NXB NXB Văn Học
Công ty phát hành Huy Hoang Bookstore
Số trang 748
Ngày xuất bản 08-2011
Giá bánXem giá bán

Giới thiệu sách

Cuốn tiểu thuyết ấn tượng nhất của Jeffrey Archer kể câu chuyện về hai người đàn ông đặc biệt nhất trong thời đại chúng ta.

Thoáng qua thì thấy Richard Arstrong và Keith Townsend dường như không có điểm chung. Một người sinh ra trong gia đình nông dân nghèo khổ và thất học ở một nơi hẻo lánh của châu Âu bị tàn phá bởi cuộc chiến tranh thế giới thứ hai khốc liệt. Còn người kia lớn lên trong lâu đài ở nơi xa bên kia thế giới khi mà cuộc chiến tranh đó chỉ là một phần nhỏ của bản tin.

Một người đày nghị lực, một tên cướp, sẵn sàng gian trá với tất cả, thậm chí với cả nhận dạng bản thân nếu chuyện đó có thể mang lại cho anh ta những lợi ích trước mắt. Còn người kia xuất thân từ gia đình quý tộc danh giá, được chuẩn bị bước ra công chúng từ những năm trẻ thơ; một người nổi loạn không thèm quan tâm xem người khác có tán thành những việc anh ta làm hay không.

Một người thèm khát sự giàu có, sự nổi danh, địa vị xã hội. Còn người kia lại sớm nhận ra quyền lực thực sự xuất phát từ sự nặc danh. Nhưng họ đều có một điểm chung: cả hai đều là những con bạc. Cả hai đều được chuẩn bị để đánh liều tất cả trong cuộc chiến của họ nhằm kiểm soát đế quốc báo chí lớn nhất thế giới.

[taq_review]

Trích dẫn

HẦU TƯỚC GRAHAM TOWNSEND QUA ĐỜI

Đoàn xe tang dừng lại bên ngoài nhà thờ. Keith bước từ chiếc xe đi đầu xuống, đỡ tay mẹ, dìu bà leo lên bậc tam cấp, theo sau là các chị em gái của anh. Khi họ vào trong nhà thờ, những người dự lễ đứng cả dậy. Một người bõ già dẫn họ qua cánh gà tới hàng ghế đầu để trống. Keith cảm thấy nhiều đôi mắt như đang khoan vào da thịt anh với cùng một câu hỏi: “Cậu đã sẵn sàng chưa?”. Lát sau, quan tài được khiêng vào và đặt trên giá trước bàn thờ Chúa.
Tổng giám mục Melbourne chủ trì buổi lễ, còn Cha xứ Charles Davidson đọc lời nguyện. Những bài thánh ca mà Hầu tước phu nhân Townsend chọn như “Hãy làm người hành hương”, “Viên đá của các thời đại” rồi “Hãy dũng cảm chiến đấu” hẳn sẽ làm người chết ngậm cười nơi chín suối. David Jakeman, cựu Tổng biên tập tờ Courier đọc lời điếu. Ông nhắc đến nghị lực của Hầu tước Graham, lòng hăng say trong cuộc sống, không bao giờ tránh né thách thức, lòng thương yêu ông dành cho gia đình và mọi người sẽ thương nhớ ông khôn xiết. Ông kết thúc những lời buồn bã bằng việc nhắc mọi người rằng Hầu tước Graham để lại một con trai là người thừa kế của mình.
Sau lễ ban phước, Hầu tước phu nhân Townsend một lần nữa vịn tay con trai, theo sau là những người khiêng linh cữu ra khỏi nhà thờ, tiến về huyệt mộ.

“Tro lại trở về với tro. Cát bụi về với cát bụi”, vị Tổng giám mục đọc lời giã biệt trong khi quan tài hạ xuống huyệt và những người phu mộ bắt đầu ném đất lên trên. Keith ngẩng đầu nhìn những người đang đứng vòng quanh huyệt mộ. Bạn bè, họ hàng, đồng nghiệp, các chính khách, các đối thủ, những tay chuyên cá cược, thậm chí cả một con diều hâu đơn độc mà Keith nghi là mò đến chỉ để rỉa xương… tất thảy đều đang nhìn xuống đó.

Sau khi vị Tổng giám mục làm dấu thánh giá, Keith từ từ dìu mẹ trở lại xe. Trước khi đến chỗ xe đỗ, bà quay người nhìn những người đang im lặng đi theo sau. Suốt một giờ tiếp đó, bà đứng bắt tay những người đến viếng, cho tới người cuối cùng.

Trên đường trở lại Toorak, hai mẹ con không ai nói lời nào. Vừa bước vào nhà, Hầu tước phu nhân Townsend leo ngay cầu thang đá rộng thênh thang lên phòng nghỉ. Keith xuống bếp, nơi Florrie đang chuẩn bị một bữa ăn nhẹ. Anh đặt các thứ vào chiếc khay, mang lên phòng mẹ. Tới cửa, anh gõ nhẹ trước khi bước vào. Bà đang ngồi trên chiếc ghế mà bà ưa thích, cạnh cửa sổ. Bà không động đậy khi anh đặt khay xuống bàn trước mặt bà. Anh hôn lên trán bà, xoay người bước ra ngoài. Sau đó anh đi bộ trong khu nhà, theo những con đường mà anh vẫn thường cùng cha dạo bước. Bây giờ, khi tang lễ đã xong, anh biết mình sắp phải đối mặt với một vấn đề mà mẹ anh còn tránh chưa nói đến.

Hầu tước phu nhân Townsend xuống nhà trước tám giờ tối, và hai mẹ con đi qua phòng ăn rộng. Bà lại chỉ nhắc đến cha anh, đúng những câu đầy tình cảm mà bà đã nói đêm trước. Bà chẳng động đến đồ ăn, và khi món chính được dọn đi, bà đột nhiên đứng dậy lui về phòng khách.

Khi thấy mẹ đã yên vị trong chỗ thường ngồi bên lò sưởi, Keith đứng một lúc trước khi ngồi vào cái ghế cha anh vẫn ngồi. Lúc người hầu mang cà phê tới, mẹ anh nhoài người hơ tay trên lửa và hỏi anh cái câu mà anh đã kiên nhẫn chờ đợi.

“Bây giờ trở lại Úc con định làm gì?”.

“Ngày mai, việc đầu tiên con làm là tới gặp tổng biên tập tờ Courier. Cần phải có một số thay đổi ngay lập tức nếu chúng ta muốn thách thức tờ Age”. Anh chờ phản ứng của bà.

“Keith này”, cuối cùng bà nói. “Mẹ lấy làm tiếc phải nói với con chúng ta không còn sở hữu tờ Courier nữa”.
Keith sững sờ trước tin này, không biết trả lời ra sao.

Mẹ anh vẫn tiếp tục hơ tay. “Con biết đấy, cha con để lại toàn bộ cho mẹ trong di chúc, mà mẹ thì rất sợ phải nợ nần ai, dưới bất kỳ hình thức nào. Giá như cha con di chúc lại tờ báo cho con thì…”

“Nhưng mẹ ạ, con…”, Keith bắt đầu.

“Đừng quên rằng con đã xa nhà năm năm, Keith ạ. Lần cuối mẹ thấy con, con hãy còn là cậu học sinh trung học, miễn cưỡng lên chuyến bay của hãng hàng không SS Stranthedan. Mẹ không có cách nào biết được…”

“Nhưng cha con hẳn cũng không muốn mẹ bán tờ Courier. Nó là tờ báo đầu tiên mà cha con tham gia”.

“Và số nào nó cũng lỗ. Khi hãng Kenwright tạo cơ hội cho mẹ rút, không bị ràng buộc trách nhiệm gì, thì Hội đồng quản trị khuyến nghị mẹ chấp nhận lời đề nghị đó.”

“Nhưng mẹ thậm chí chả buồn cho con cơ hội xem có thể xoay chuyển được tình thế hay không nữa. Con biết quá rõ, cả hai tờ báo từ nhiều năm nay chỉ số phát hành cứ ít dần. Chính vì thế, con đã nghiên cứu kế hoạch để khắc phục việc đó, kế hoạch này xem ra cũng sẽ được cha con chấp thuận”.

“Mẹ nghĩ không còn có thể làm gì được nữa”, bà bảo. “Hầu tước Collin Grant, chủ tịch tờ Adelaide Messenger vừa trả mẹ 150.000 bảng để mua tờ Gazette, và Hội đồng sẽ xem xét đề nghị đó trong kỳ họp tới”.

“Nhưng tại sao phải bán cả tờ Gazette?”, Keith hỏi với vẻ ngỡ ngàng.

“Vì từ nhiều năm nay, chúng ta tiến hành một cuộc chiến chỉ có phần bại với tờ Messenger, và trong hoàn cảnh đó, đề nghị của họ thật hết sức rộng rãi”.

“Mẹ này”, Keith nói, đứng dậy nhìn thẳng vào mắt bà. “Con không trở về nhà để bán tờ Gazette, mà để làm điều ngược lại. Mục tiêu lâu dài của con là mua luôn cả tờ Messenger”.

“Trong tình hình tài chính của ta hiện nay, đó là điều không thực tế, Keith ạ. Dù thế nào, Hội đồng cũng không bao giờ chấp nhận điều đó”.

“Vào lúc này thì có lẽ là không, nhưng họ sẽ chấp nhận khi ta tăng được lượng phát hành”.

“Con giống hệt cha con, Keith ạ”, bà thở dài.

“Hãy cho con cơ hội tự chứng minh mình. Mẹ sẽ thấy rằng con đã học được nhiều điều trong thời gian làm việc ở phố Fleet. Con trở về để áp dụng những điều đã học vào tờ báo của chúng ta.”

Hầu tước phu nhân Townsend nhìn vào ngọn lửa một lúc trước khi trả lời: “Hầu tước Collin cho mẹ chín mươi ngày để xem xét đề nghị của ông”. Bà ngừng một lát “Mẹ cho con đúng khoảng thời gian đó để chứng minh cho mẹ thấy là hãy nên từ chối”.

Sáng hôm sau, khi Townsend bước xuống máy bay ở Adelaide, điều đầu tiên anh nhận thấy khi vào phòng khách sân bay là trên giá báo, tờ Messenger đã được đặt trên tờ Gazette. Anh bỏ túi xuống, sắp xếp lại để tờ Gazette lên trên, rồi mua cả hai tờ.

Trong khi đứng xếp hàng chờ tắc xi, anh nhận thấy trong số bảy mươi ba người ra khỏi sân bay, mười hai người cầm tờ Courier, trong khi chỉ có bảy người mua tờ Gazette. Trên tắc xi vào thành phố, anh viết lại nhận xét này trên cuống vé máy bay, với ý định nói cho Frank Bailey, Tổng biên tập của tờ Gazette biết, ngay khi anh tới văn phòng. Suốt đoạn đường, anh đọc cả hai tờ báo và phải thừa nhận tờ Courier thú vị hơn. Tuy nhiên, anh không cảm thấy đó là ý kiến anh có thể nói trong ngày đầu tiên đến thành phố này.

Bạn đọc cảm nhận

Sun Lucky

Tác giả đã sử dụng rất thành công nghệ thuật xây dựng nhân vật đối lập và tương phản với nhau . Đoạn mở đầu khá kì lạ và bí ẩn hai đối thủ truyền kì đang chiến đấu với nhau giành giật giữa hai ranh giới sống và chết . Bánh xe thời gian bắt đầu quay ngược trở lại khi hai người chỉ mới là hai đứa trẻ không hiểu sự đời . Thứ duy nhất mà con người ta không thể chọn lựa đó chính là xuất thân của mình . Nào ai lại muốn sinh ra trong một gia đình tan vỡ và nghèo đói cơ chứ . Hai nhân vật chính như đại diện cho hai tầng lớp của xã hội . Bị trị và thống trị . Cách dẫn dắt của tác giả rất hay khiến cho người đọc có cảm giác đồng tình với nhân vật , Một cuốn sách hấp dẫn

Nguyễn Xuân Bắc

Mình đã tìm đọc hết tất cả những bản truyện ebook do ông viết. Thật sự là rất cuốn hút theo mạch truyện. Truyện quyền lực thứ tư phản ánh đúng sức mạnh của báo chí, ai nắm được báo chí thì có một quyền lực gần như tuyệt đối. 2 nhân vật chính có xuất phát điểm trái ngược nhau, cùng hướng đến 1 điều đó là vinh quang quyền lực. Có điều mình thấy hơi buồn chút là nhân vật Armstrong sống trong một môi trường khắc nghiệt từ bé, giành vinh quang bằng mọi cách để rồi cái gía phải trả là qúa đắt…

Đinh Hồng Hảo

Dù nó khá dài, tôi đã dành trọn hai ngày cuối tuần cùng buổi tối thứ hai, bỏ qua tất cả mọi thứ khác và chỉ tập trung đọc, ngấu nghiến, trong khi tay thì cứ chực lật cho nhanh vì quá hồi hộp muốn biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo. Đã có những lúc rất khó để đặt cuốn sách xuống. Khi đọc xong, tôi đã phải mất 10 phút để trở lại với thế giới thực… và không thể bắt đầu một cuốn sách khác trong vài ngày sau đó. Vì khó có thể tìm được cuốn nào khác có thể cho tôi những cảm giác tôi đã trải qua với Quyền lực thứ tư.

Cuốn sách được viết theo phong cách Jeffrey Archer một cách rõ ràng mà bạn có thể nhận ra ngay từ những dòng đầu tiên, không lẫn vào đâu được. Nó bắt đầu với đoạn kết, khi hai đối thủ đang ở bờ vực của sự phá sản, và sau đó kể lại từ đầu khi mà các đối thủ còn là những đứa trẻ. Archer viết cuốn sách từ hai quan điểm, xen kẽ giữa hai đối thủ. Bạn sẽ thấy mình ủng hộ cho người này, sau đó lại thấy đồng cảm với người nọ, cứ như thế bạn có cảm tình với cả hai.

Văn phong của nó giống những tác phẩm khác của Archer, chẳng hạn như “Kane và Abel” (“Hai số phận”). Thực tế là khi tôi đọc lướt cuốn sách này, tôi gần như cảm thấy mình đang đọc Kane và Abel, chỉ với các nhân vật khác nhau. Họ có nguồn gốc tương tự, và những kinh nghiệm tương tự như khi còn trẻ, cũng thay đổi nhanh chóng như các nhân vật nọ khi trưởng thành. Một trong hai người cũng phải chết khi câu chuyện kết thúc. Nhưng dĩ nhiên đây là hai cuốn sách hoàn toàn khác nhau. Tôi thậm chí còn thích “Quyền lực thứ tư” hơn cả “Hai số phận”.

Nếu bạn thích những câu chuyện hậu trường trong ngành báo chí, xuất bản hoặc giới ngân hàng, còn chần chừ gì mà không book ngay một cuốn 🙂

P/S: Nếu bạn mua sách dịch, nên chú ý Dịch giả là ai. Tôi thì thích bản dịch của Nguyễn Thành Châu – Nguyễn Vũ Cẩm Tú.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button