Kỹ năng mềm

Lối Mòn Của Tư Duy Cảm Tính

Loi mon cua tu duy cam tinh - Ori Brafman & Rom Brafman1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Ori Brafman & Rom Brafman

Download sách Lối Mòn Của Tư Duy Cảm Tính ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục :  Sách kỹ năng mềm

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời giới thiệu

Trong giai đoạn anh em tôi đang dần trưởng thành, mẹ thường nói về hai hình mẫu mà bà mong muốn chúng tôi sẽ cố gắng noi gương. Hình mẫu thứ nhất là Laura Ingalls, tác giả của tác phẩm Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên. Trong suy nghĩ của mẹ, Laura là kiểu mẫu của một người hoàn hảo. Những khi chúng tôi cãi lời mẹ, bà lại nghiêm nghị bảo: “Laura Ingalls có bao giờ ăn nói như các con không?”. Những lúc chúng tôi quên làm bài tập về nhà, để chén bát dơ bừa bãi trong bồn rửa hoặc nói chung là gây chuyện rắc rối, thì lập tức Laura Ingalls từ vùng thảo nguyên của nước Mỹ vào thế kỷ mười chín sẽ xuất hiện tại Tel Aviv đang trong thập niên 1980 để nhắc nhở chúng tôi.

Hình mẫu thứ hai của mẹ là Reli – một người bà con của gia đình chúng tôi. Reli là một Luật sư nổi tiếng, là cựu sinh viên Trường luật Harvard từng đại diện cho sinh viên đọc diễn văn trong lễ tốt nghiệp. Trong mắt bọn trẻ chúng tôi khi ấy thì Reli là người thực sự có khả năng làm nên những điều phi thường.

Mặc dù Ori từng có ý định theo học trường luật hồi năm lớp mười một, nhưng cuối cùng không ai trong chúng tôi theo đuổi ngành luật như hình mẫu mẹ đã gợi ý cả. Tuy vậy, bây giờ nếu tính luôn vai trò của Reli thì chúng tôi đã tạo thành một bộ ba lý tưởng trong mắt người mẹ Do Thái của mình: Reli – luật sư, Rom – nhà tâm lý học (chúng tôi sẽ gọi anh ấy là tiến sĩ), và Ori – doanh nhân.

Lối mòn của tư duy cảm tính ra đời từ những hướng đi riêng mà chúng tôi đã chọn lựa cho mình trong cuộc sống. Trong lúc Rom thực hiện luận án tiến sĩ tâm lý học thì Ori đang mải mê theo đuổi chương trình MBA của mình. Một ngày kia khi Ori đang học ở trường thương mại, với tham vọng chính mình có thể chinh phục được đại dương tri thức, đào sâu nghiên cứu ở lĩnh vực tài chính, kinh tế học và kế toán, Ori đã nhận ra rằng không có mặt biển nào là không dậy sóng. Đó cũng là buổi học đầu tiên của anh với Giáo sư Roberto Fernandez. Giáo sư Fernandez có giọng nói rất lớn và vang, tưởng như ở tận mặt trăng vẫn còn nghe rõ. Phong thái ông đĩnh đạc và oai nghiêm đến nỗi bạn chỉ biết ngồi lặng yên nghe giảng. Ngay trong buổi học đầu tiên, giáo sư Fernandez nói với các học viên MBA của mình: “Tôi có một thông tin dành cho các anh chị. Rằng con người ta không phải lúc nào cũng duy lý!”. Cùng với lời tuyên bố đó, Fernandez giới thiệu một đoạn phim cũ ra đời từ thập niên 1950 ghi lại diễn biến của một ca phẫu thuật tim hở. “Mọi người có trông thấy chất dịch trắng mà các bác sĩ truyền vào tim bệnh nhân không?” Fernandez giải thích: “Đó chính là amiăng, một hóa chất độc hại có tác động xấu đến sức khỏe con người”. Cả lớp đã há hốc mồm ngạc nhiên và không biết phải phản ứng như thế nào.

Giáo sư đanh giọng: “Tôi nói nghiêm túc đấy. Đương nhiên là những bệnh nhân hấp thụ amiăng vào cơ thể sẽ dần đi đến tử vong”. Vậy mà các bác sĩ vẫn cứ tiếp tục quy trình điều trị này. Giáo sư Fernandez hỏi cả lớp: “Tôi hỏi các anh chị, trong cuộc sống, chúng ta đã bỏ qua những thông tin mang tính khách quan như thế này bao nhiêu lần rồi?”.

Rồi giáo sư lại giới thiệu cho cả lớp xem một bảng dữ liệu kỹ thuật của vòng đệm cao su nhân tạo O-ring. Ông nói: “Hãy nhìn biểu đồ này. Nó cho ta thấy một vật bị biến dạng thế nào khi nhiệt độ thay đổi”. Dữ liệu này cho biết rằng ở vào khoảng 32 độ F, vòng đệm O-ring sẽ mất đi tính đàn hồi và bị trục trặc. Không ai trong số các sinh viên lúc ấy biết được điều gì sẽ xảy ra trong trường hợp đó.

Vòng đệm O-ring mà giáo sư đang nói đến đã xuất hiện trong thiết kế của phi thuyền con thoi Challenger. Đêm trước ngày phóng phi thuyền, các kỹ sư ở công ty chế tạo các vòng đệm O-ring đã cảnh báo rằng nên hoãn sự kiện này lại vì họ chưa chứng minh được liệu các vòng đệm có khả năng duy trì tốt tính năng của chúng trong thời tiết lạnh sẽ xảy ra vào ngày hôm sau theo dự báo hay không. Tuy nhiên, bất chấp những mối lo ngại này, ban điều hành vẫn quyết định tiếp tục thực hiện việc phóng phi thuyền. Cuối cùng, thảm họa đã xảy ra khi phi thuyền nổ tung sau 73 giây phóng khỏi mặt đất.

Trong lúc cả lớp của Ori mải mê lắng nghe bài giảng hấp dẫn, giáo sư Fernandez tiếp tục đưa ra những ví dụ liên quan đến hành vi cảm tính của con người: chẳng hạn như việc các nhà làm phim ra sức tìm kiếm những diễn viên cho vai diễn mà họ biết rõ là không hợp, hay một nhà sản xuất vẫn tiếp tục tung ra các sản phẩm mà họ biết chắc là nó có khả năng gây cháy nổ v.v.

Quan điểm Giáo sư Fernandez đưa ra chính là mặc dù đa phần chúng ta đều cho rằng mình duy lý, nhưng thực ra chúng ta lại có xu hướng sa vào lối tư duy cảm tính rất nhiều. Đây chính là quan điểm đã khiến Ori còn băn khoăn mãi sau khi đã hoàn thành chương trình học, và nó cũng giúp chúng tôi nhận ra rằng nghề nghiệp tương lai của chúng tôi có nhiều điểm tương đồng hơn chúng tôi từng nghĩ. Chúng tôi nhắc đến Giáo sư Fernandez nhiều hơn, tên ông trở thành một tính từ trong ngôn ngữ của chúng tôi. Mỗi khi muốn ám chỉ rằng ai đó đang suy nghĩ cảm tính, chúng tôi lại nói: “Đây rõ ràng là một tình huống rất Fernandez!”. Và chúng tôi đã nhận ra những tình huống tương tự ở khắp mọi nơi, trong cuộc sống của chính chúng tôi, trong những câu chuyện chúng tôi đọc được về những bước đi sai lầm của các tập đoàn kinh tế hàng đầu nước Mỹ (Fortune 500), và ngay cả trong hành động của các chính trị gia.

Mặc dù chúng tôi không chủ ý sống theo chuẩn mực của Laura Ingalls, nhưng rõ ràng cuộc đời đã đưa đẩy và thật kỳ lạ là cuối cùng cả hai chúng tôi đều đã trở thành những người cầm bút. Và cuốn sách mà bạn đang cầm trên tay đã ra đời từ cuộc trò chuyện sau bữa ăn tối của Ori với một bác sĩ sản khoa có thâm niên ba mươi năm trong nghề. Bác sĩ Jenkins là người sở hữu những tố chất cần thiết ở một bác sĩ sản khoa – kiên nhẫn, biết lắng nghe, nhanh nhạy, và đặc biệt ông có nhiều kinh nghiệm. Bạn hoàn toàn có thể tin rằng ông sẽ luôn có những quyết định đúng đắn.

Cuộc trò chuyện lúc ấy chuyển hướng sang đề tài tâm lý đám đông và vai trò của cảm xúc trong việc đưa ra quyết định. Không chút suy nghĩ, Ori nói:

– Tôi chắc rằng đối với những nhà khoa học chuyên môn như ngài thì mọi thứ sẽ khác hẳn!

Gương mặt của bác sĩ lộ vẻ nghiêm nghị khi ông giải thích rằng các bác sĩ cũng có khi không tránh được lối mòn của tư duy cảm tính. Nhưng bởi vì cuộc sống vẫn tiếp diễn, nên những tác động tiêu cực ấy có thể bị bẻ gãy.

Chúng tôi đề cập đến trường hợp của bác sĩ cấp cứu Brian Hastings. Đó là sự cố đã xảy ra vì tác động tiêu cực của tư duy cảm tính, điều vẫn có thể xảy ra với cả những bác sĩ dày dạn kinh nghiệm nhất.

Vài tuần trước, một phụ nữ đến phòng cấp cứu của bệnh viện trong tâm trạng rất hốt hoảng và lo lắng. Đứa con gái hai tuổi Amy của cô đang phải chịu đựng những cơn đau dạ dày dữ dội. Thông thường các cơn đau vùng bụng là dấu hiệu cho thấy những bất ổn của hệ tiêu hóa, nhưng người phụ nữ này còn lo lắng rằng đấy có thể là triệu chứng báo trước của một bệnh lý nào đó nghiêm trọng hơn. Trong trường hợp như vậy, các bác sĩ sẽ phải tiến hành thực hiện một số kiểm tra và hội chẩn về triệu chứng của Amy.

Bác sĩ Hastings đã nhanh chóng liệt kê một loạt những việc mà các bác sĩ cấp cứu cần phải thực hiện. Tuy nhiên, thay vì tập trung khám bệnh cho Amy, các bác sĩ lại chú ý đến người mẹ nhiều hơn bởi cô ấy đang ở trong tâm trạng hoảng hốt, hoang mang và bộc lộ quá nhiều lo lắng. Ai cũng hiểu cô ấy thuộc kiểu phụ huynh phản ứng quá mạnh khi phải đối mặt với vấn đề của con cái, thế nên vô tình các bác sĩ cho rằng tình trạng của Amy không có gì nguy cấp và cho cô bé về nhà.

Ngày hôm sau, Amy cùng mẹ quay lại phòng cấp cứu. Các bác sĩ luôn biết rằng khi chữa trị cho trẻ em thì điều cần thiết và quan trọng là phải lắng nghe bố mẹ chúng – những người vốn luôn ở bên cạnh và đặc biệt nhạy cảm với những bất thường xảy ra với con cái họ. Nhưng cũng trong thời khắc quan trọng ấy, các bác sĩ lại có đầy đủ bằng chứng và kinh nghiệm để nhận định rằng mẹ của Amy đang phản ứng thái quá: cô ấy quay lại bệnh viện lần thứ hai và có các dấu hiệu của một người mắc chứng nghi bệnh, luôn lo lắng không cần thiết. Thế là một lần nữa, các bác sĩ lại cho Amy về nhà mà không hề tiến hành bất cứ xét nghiệm, chẩn đoán nào.

Ngày thứ ba, điều tương tự lại diễn ra. Amy lại được mẹ đưa đến bệnh viện, và chính phản ứng của mẹ Amy càng khiến các bác sĩ tin chắc rằng người mẹ đang phản ứng thái quá về bệnh tình của con. Cho đến khi bé Amy bị ngất đi thì các bác sĩ mới nhận ra sai lầm nghiêm trọng của họ. Nhưng tất cả đã quá muộn. Bác sĩ Hastings lắc đầu hối tiếc: “Chúng ta đã để mất cô bé!”.

Rõ ràng là nếu nhận định về tình huống của Amy cẩn trọng hơn, nhóm bác sĩ cấp cứu có thể đã nhận thấy rằng Amy rất cần được theo dõi và chăm sóc. Thế mà họ đã bỏ qua những triệu chứng bệnh lý và liên tục từ chối cho Amy nhập viện. Chính ngay lúc các bác sĩ gán cho mẹ Amy chứng nghi bệnh, họ đã hoàn toàn sa vào lối mòn của tư duy cảm tính mà chúng tôi gọi là hiện tượng sai lệch chẩn đoán. Nói cách khác, đó là tình huống khi chúng ta phán xét một con người, một sự việc nào đó mà không thèm quan tâm hay chú ý gì đến những yếu tố khác biệt với nhận định vốn có của mình.

Khi ấy, trong chúng tôi xuất hiện mối băn khoăn rằng vì sao các bác sĩ tài năng và nhiều kinh nghiệm này lại đưa ra một quyết định nhất thời hoàn toàn phủ nhận quá trình rèn luyện trước đó của họ, đến mức phải trả giá bằng sinh mạng của một đứa trẻ? Và phải chăng chúng ta cần phải hiểu được điều gì đã diễn ra trong tình huống này và rất nhiều tình huống khác tương tự, khi mà con người bị chính lối suy nghĩ cảm tính của mình chi phối?

Những tác động tâm lý nào dẫn đến hành vi cảm tính của chúng ta? Những tác động này đã chi phối chúng ta bằng cách nào? Khi nào chúng ta dễ bị tác động nhất? Và chúng tác động vào công việc của mỗi người ra sao? Chúng ảnh hưởng đến việc định hình chiến lược kinh doanh và các mối quan hệ cá nhân của chúng ta như thế nào? Khi nào thì tác động tiêu cực của chúng dẫn đến những rủi ro trong các vấn đề tài chính, và thậm chí là cuộc sống của chúng ta? Và vì sao chúng ta không thể tự mình nhận ra khi sa vào lối mòn của tư duy cảm tính?

Trong cuốn sách này, chúng ta sẽ cùng nhau khám phá rất nhiều cung bậc tâm lý dẫn đến suy nghĩ và hành vi cảm tính. Ở bất kỳ nơi đâu – không phân biệt chủng tộc, quốc gia và nền văn hóa – chúng ta đều nhận thấy có những người khác nhau bị chi phối bởi lối nghĩ cảm tính theo những cách tương tự nhau. Thực tế, tất cả chúng ta đều có xu hướng bị tư duy cảm tính chi phối. Nhưng bằng cách thông hiểu những tác động tâm lý dẫn đến tư duy cảm tính, chúng ta sẽ tránh được nguy cơ tự biến mình thành nạn nhân của chính mình trong tương lai.

ĐỌC THỬ

NGUYÊN NHÂN của một TAI NẠN

Hành khách trên chuyến bay KLM 4805 không biết rằng họ đang bay cùng với một trong những phi công dày dạn kinh nghiệm và được huấn luyện bài bản nhất thế giới. Cơ trưởng Jacob Van Zanten không chỉ lái máy bay điêu luyện mà còn là người cẩn trọng, có khả năng bao quát mọi việc, nghiêm túc trong công việc, và nhờ bảng thành tích đáng nể của mình mà ông đã trở thành ứng viên thích hợp nhất cho vai trò người phụ trách chương trình huấn luyện an toàn bay của KLM (Hãng hàng không Hoàng gia Hà Lan). Chính vì vậy KLM luôn trân trọng và hào hứng khi nhắc đến Van Zanten. Bức ảnh quảng cáo khắc họa nụ cười của Van Zanten trên một tạp chí đã nói lên thông điệp của hãng: “KLM – không bao giờ chậm trễ”. Ngay cả những phi công dày dạn, những người thuộc dạng vững vàng tâm lý nhất, cũng kính trọng Van Zanten và xem ông như hình mẫu của một phi công tài giỏi.

Ngồi trong khoang lái chiếc máy bay 747 khởi hành từ Amsterdam đến sân bay Las Palmas thuộc đảo Canary, hẳn là Van Zanten đang cảm thấy rất tự hào. Chuyến bay hôm nay vận hành theo đúng lịch trình đã được vạch sẵn, mọi việc đang diễn ra hoàn hảo như phong cách vốn có của cơ trưởng Van Zanten. Theo lịch trình, chuyến bay sẽ quá cảnh ở Las Palmas để tiếp nhiên liệu và đón một đoàn khách mới quay về Hà Lan.

Nhưng bất ngờ, Van Zanten nhận được thông báo khẩn từ đài kiểm soát không lưu. Một quả bom khủng bố đã phát nổ tại tiệm hoa ở sân bay Las Palmas và gây ra tình trạng hỗn loạn nghiêm trọng. Chính vì vậy, sân bay này đang tạm thời bị phong tỏa cho đến khi có thông báo mới.

Cơ trưởng biết rằng đối với những tình huống như thế này thì điều quan trọng là phải giữ được bình tĩnh và cẩn trọng trong từng hành động. Ông đã trải qua nhiều đợt tập huấn để chuẩn bị cho những tình huống tương tự thế này. Thực tế, chính Van Zanten vừa điều hành một khóa huấn luyện an toàn bay kéo dài sáu tháng nhằm giải quyết những tình huống khẩn cấp như trường hợp đang xảy ra.

Cơ trưởng chấp hành đúng quy định và cho máy bay hạ cánh xuống đảo Tenerife, nằm cách điểm đến dự kiến năm mươi hải lý. Khi ấy là một giờ mười phút chiều. Lúc này còn có một số máy bay khác cũng phải thay đổi lịch trình giống như máy bay của Van Zanten.

Chẳng cần phải là một phi công dày dạn kinh nghiệm thì bạn cũng có thể nhận ra Tenerife không như sân bay quốc tế John F. Kennedy (JFK). Tenerife chỉ là một sân bay nhỏ với một đường băng đơn và được xây dựng không nhằm phục vụ các máy bay phản lực lớn.

Sau khi đã hạ cánh an toàn xuống đường băng, cơ trưởng kiểm tra đồng hồ và bất chợt lo lắng vì nghĩ đến những quy định bắt buộc đối với thời gian nghỉ đáp bởi chính phủ Hà Lan vừa ban hành một đạo luật vừa phức tạp vừa nghiêm ngặt đối với mọi phi công liên quan đến vấn đề này. Sau khi liên lạc về trung tâm và bằng một vài phép tính toán nhanh chóng, Van Zanten xác định muộn nhất thì ông cũng phải cho máy bay cất cánh trở lại lúc sáu giờ rưỡi tối, bởi điều khiển máy bay ngay sau khi thời gian nghỉ đáp bắt buộc bắt đầu không chỉ trái luật mà còn có thể bị truy tố và phải chịu án tù. Tuy nhiên, nếu chấp nhận thời gian nghỉ đáp bắt buộc thì cũng có thể làm nảy sinh nhiều điều rắc rối khác. Sân bay Tenerife không hề có phi hành đoàn để phục vụ thay thế. Rồi hàng trăm hành khách có thể sẽ phải mắc kẹt qua đêm ở đây. Nếu vậy thì có nghĩa là hãng hàng không phải tìm nơi cho các hành khách nghỉ ngơi, mà e rằng một đảo nhỏ như Tenerife sẽ không có đủ phòng cho tất cả hành khách. Mặt khác, việc hoãn chuyến bay ở đây có thể dẫn đến việc ngưng trệ hàng loạt chuyến bay khác của KLM. Một chút xáo trộn tưởng chừng rất nhỏ lại có thể dễ dàng trở thành điềm báo cho một cơn ác mộng.

Sự lo lắng và căng thẳng của Van Zanten cũng như lý do vì sao ông muốn tiết kiệm thời gian là điều vô cùng dễ hiểu. Tình huống này cũng tương tự như khi bạn phải chịu chôn chân ở một ngã tư đèn đỏ trong lúc đang trễ giờ một cuộc họp quan trọng. Bạn cố gắng giữ bình tĩnh, bạn biết rằng danh tiếng của mình đang có nguy cơ bị sứt mẻ. Vậy nên có thể bạn sẽ trở nên mất phương hướng, nhưng xét cho cùng thì bạn không thể làm gì được trong những tình huống như vậy. Nhưng có một điều Van Zanten có thể làm được: ông quyết định giữ hành khách lại trên máy bay để khi lệnh phong tỏa Las Palmas được bãi bỏ thì ông sẽ lập tức cho máy bay cất cánh.

Tuy nhiên, nhân viên đài kiểm soát không lưu tại Tenerife lại không bận tâm đến những điều đó. Đây chỉ là một sân bay nhỏ trên một hòn đảo nhiệt đới và đang bị quá tải vì có rất nhiều máy bay dân dụng từ nhiều nơi trên thế giới tạm hạ cánh do vụ hỗn loạn xảy ra ở Las Palmas. Đài kiểm soát không chỉ đang trong tình trạng thiếu nhân lực mà các nhân viên cũng lề mề trong việc điều phối và sắp xếp các máy bay bởi thực tế họ đang bận theo dõi một trận đá banh qua hệ thống radio. Hai mươi phút sau khi hạ cánh, Van Zanten nhận được thông báo từ đài kiểm soát rằng ông nên cho các hành khách tạm nghỉ ngơi: điều này cũng có nghĩa là họ có thể phải ở lại đây trong một khoảng thời gian.

Từ thời điểm đó trở đi, mọi việc ở Tenerife cứ diễn ra một cách chậm chạp. Hai mươi phút, rồi một giờ trôi qua. Cơ trưởng cố gắng tranh thủ từng phút để suy nghĩ phương cách rút ngắn thời gian chuyến bay bị trì hoãn. Van Zanten cùng phi hành đoàn của mình lên kế hoạch. Ông liên lạc với trung tâm của KLM để tính toán chính xác khoảng thời gian ông có được trước khi bị tính giờ nghỉ đáp bắt buộc tại Tenerife. Một giờ, rồi hai giờ trôi qua và cơ trưởng nảy ra một ý tưởng khác. Ông quyết định cho tiếp nhiên liệu ngay tại Tenerife để có thể tiết kiệm nửa giờ khi hạ cánh ở Las Palmas.

Nhưng ý tưởng nhằm tiết kiệm thời gian này lại không mang lại kết quả như mong đợi. Ngay khi Van Zanten bắt đầu quy trình tiếp nhiên liệu cho máy bay thì ông nhận được thông tin từ Las Palmas rằng mọi hoạt động tại sân bay đã được khôi phục. Nhưng lúc ấy đã quá trễ; không thể cho dừng quy trình tiếp nhiên liệu kéo dài đến ba mươi lăm phút.

Ngay khi máy bay đã sẵn sàng cất cánh trở lại thì một màn sương mù dày đặc đột ngột xuất hiện và che phủ dần đường băng.

Quyết định cho tiếp nhiên liệu sai lầm vừa rồi lại càng thôi thúc cơ trưởng phải nhanh chóng đưa máy bay rời khỏi đường băng. Sương mù mỗi lúc một dày lên nhanh chóng, tầm nhìn chỉ còn trong giới hạn 300 mét, hạn chế đến mức mà từ buồng lái nhìn ra, cơ trưởng không thể nào quan sát được điểm cuối của đường băng.

Van Zanten biết rằng cứ mỗi phút giây lớp sương dày thêm thì trạm kiểm soát Tenerife sẽ càng có khả năng phong tỏa đường băng. Ông nhận thấy cơ hội rời khỏi Tenerife để không phải hoãn chuyến bay ở đây qua đêm đang tắt dần. Bây giờ hoặc không bao giờ – đã đến lúc phải quyết định.

Nhưng những điều cơ trưởng thực hiện ngay sau đấy lại hoàn toàn không phải là điều mà một phi công dày dạn kinh nghiệm nên làm. Van Zanten khởi động động cơ và chiếc máy bay xuất phát, lảo đảo trên đường băng.

– Đợi đã! – Phi công phụ lái của Van Zanten nói với vẻ bối rối. – Chúng ta chưa nhận được lệnh từ đài kiểm soát không lưu.

– Tôi biết! Anh gọi cho họ đi! – Cơ trưởng trả lời.

Viên phi công trợ lái liên lạc qua radio và nhận được lệnh tiếp nhận đường băng, kế hoạch cất cánh của họ đã được chấp thuận. Thế nhưng, đài kiểm soát không lưu chưa phát lệnh cất cánh. Tuy vậy, Van Zanten vẫn quyết tâm cho máy bay cất cánh. Ông đẩy tốc độ lên hết mức và máy bay rít lên trên đường băng mù sương.

Chiếc máy bay phản lực đang đạt đến đà để cất cánh thì thình lình, Van Zanten nhận ra một cảnh tượng hãi hùng ngay trước mắt mình: một chiếc 747 của hãng hàng không Pan Am của Mỹ đang nằm chắn ngang đường băng, còn Van Zanten thì đang lao hết tốc lực về phía trước.

Vì chiếc máy bay của KLM đã tăng hết tốc lực chuẩn bị rời khỏi đường băng nên nó không còn khả năng dừng lại. Mọi chuyện đã quá muộn. Nó lao thẳng vào khu vực ngay sau buồng lái của chiếc Pan Am. Một tiếng nổ đinh tai phát ra và kèm sau đó là xuất hiện một quả cầu lửa.

Van Zanten cùng phi hành đoàn và toàn thể hành khách trên chuyến bay xấu số ấy đều tử nạn. Theo thống kê, 584 người đã thiệt mạng trong vụ tai nạn thảm khốc ngày hôm đó trên cả hai máy bay.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button