Hồi ký - danh nhân

Hồi Ký Trần Văn Khê Tập 1

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Trần Văn Khê

Download sách Hồi Ký Trần Văn Khê Tập 1 ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : HỒI KÝ

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời tựa

TỪ HƠN NỬA THẾ KỶ TRƯỚC ĐÂY   , sống nơi đất khách quê người, tôi đã tự đặt cho mình một nhiệm vụ là ra sức sưu tầm, nghiên cứu những gì có liên quan đến âm nhạc truyền thống Việt Nam qua chiều dài thời gian và chiều rộng không gian.

Để thực hiện hoài bão của mình, tôi đã tìm tòi học hỏi nền âm nhạc các nước cùng chung một vùng văn hóa, bắt đầu từ các nước láng giềng đến hầu hết các nước châu Á và xa hơn nữa để so sánh, đối chiếu, rồi từ đó nhận thức những điểm tương đồng hay khác biệt.

Được tiếp xúc với nhiều nền âm nhạc sâu sắc khắp hoàn cầu, nhưng tôi vẫn một lòng hướng về nền âm nhạc truyền thống Việt Nam, không bị quyến rũ bởi cái hào nhoáng bên ngoài mà quên cái tế nhị kín đáo bên trong.

Tôi tìm hiểu âm nhạc truyền thống Việt Nam trong thư viện qua lịch sử, trong bảo tàng viện qua dĩa hát băng từ, ghi âm ghi hình trên thực địa, học hỏi lý luận âm nhạc với thầy, với bạn bè, đồng nghiệp, để nắm vững phương pháp phân tích và cách làm việc trong phòng thí nghiệm.

Khi đã có được vốn liếng hiểu biết về âm nhạc dân tộc, tôi bắt đầu công việc giới thiệu những nét đặc thù của nhạc Việt Nam tại khắp nơi trên thế giới, để ngang qua âm nhạc mọi người hiểu thêm về con người và tâm hồn Việt Nam.

Những chuyến đi của tôi không phải để ngao du thưởng ngoạn mà để làm tròn nhiệm vụ của một nhà nghiên cứu, bảo vệ những di sản văn hóa – âm nhạc đã trải qua bao nhiêu thử thách của thời gian; không phải chỉ ghi chép trong băng từ mà còn kêu gọi gìn giữ cả trong lòng người và trong nếp sống của xã hội; không phải chỉ bảo tồn các giá trị văn hóa của Việt Nam mà còn cả các nước Á, Phi. Đồng thời nỗ lực chống lại tâm lý vọng ngoại, tôn sùng phương Tây, gột bỏ tự ti mặc cảm để giữ gìn bản sắc dân tộc.

Kể từ năm 1976, tôi vui sướng được trở về Việt Nam, lặn lội khắp các miền đất nước, tìm hiểu cặn kẽ một nền âm nhạc đa dạng và sâu rộng, cố gắng ghi lại cũng như phục hồi những gì sắp bị chìm vào quên lãng, gìn giữ cái hay cái đẹp cho thế hệ mai sau.

Ngoài ra, tôi còn tham gia viết bài về âm nhạc Việt Nam trong các quyển bách khoa từ điển, trên sách báo và các tạp chí chuyên môn. Không chỉ viết cho người ta đọc, tôi còn giảng dạy cho sinh viên học sinh nhiều nơi trên thế giới. Tôi đờn, ca, ngâm, hát, kể cả tán tụng cho người ta nghe, không chỉ trong phạm vi một nước mà tại hơn 40 nước, không phải chỉ trong giảng đường mà cả trên đài phát thanh, đài truyền hình trong và ngoài nước.

Cho đến nay, những công việc trên đây tôi đã liên tục, bền tâm, cần mẫn và tận tụy thực hành.

Qua những trang sách này, mời bạn đọc cùng tôi đi viếng nhiều nước, gặp nhiều người, nghe nhiều chuyện; chia buồn chung vui với một người nhạc sĩ suốt đời say mê việc nghiên cứu, sưu tầm, phát huy và phổ biến âm nhạc truyền thống Việt Nam.

Mong sao thiên hồi ký này không chỉ là sự cảm thông giữa người viết và người đọc, mà còn là cầu nối của những tâm hồn khát khao với các giá trị văn hóa truyền thống.

ĐỌC THỬ

Thời thơ ấu

SANH TRƯỞNG TRONG MỘT GIA ĐÌNH  BỐN ĐỜI NHẠC SĨ
Gia đình bên nội

TÔI MAY MẮN ĐƯỢC SANH RA trong một gia đình hai bên nội ngoại đều trong giới nhạc truyền thống.

Cố nội của tôi là ông Trần Quang Thọ, trước kia ở trong ban nhạc cung đình Huế, vào Nam lập gia đình sanh ra bảy người con mà nối nghiệp cầm ca chỉ duy nhất có ông nội tôi tên Trần Quang Diệm. Theo truyền thống trong Nam, người con đầu lòng được gọi thứ hai, vì vậy ông nội tôi tuy là con thứ tư nhưng trong làng gọi là ông Năm Diệm.

Ông nội tôi có sáu người con: hai nam, bốn nữ. Trong số các con gái có cô thứ ba của tôi tên Trần Ngọc Viện, thường gọi là cô Ba Viện, ngoài tài may vá thêu thùa rất khéo, cô còn đờn tranh, đờn tỳ rất hay. Cô Ba nuôi cả gia đình bằng nghề may.

Cô tôi lấy chồng được hơn một năm, sanh người con đầu lòng nhưng chỉ nuôi được ba tháng thì mất. Sau đó không lâu dượng Ba tôi cũng từ giã cõi đời. Cô tôi còn trẻ, đẹp, có tài mà đã sớm trở thành quả phụ, gia đình bên chồng cho cô trở về quê, nhưng cô tôi lên Sài Gòn để dạy nữ công gia chánh trong trường Áo tím Nữ học đường. Sau lần đi dự đám tang cụ Phan Châu Trinh, cô bị sa thải nên trở về làng sanh sống.

Cha tôi tên Trần Văn Chiều, thường gọi là Bảy Triều, biết đờn cò, đờn độc huyền (đàn bầu), đặc biệt rất thiện nghệ về đờn kìm và đã chế ra cách lên dây  Tố Lan  mà cả giới nhạc sĩ tài tử trong Nam đều biết.

Mỗi khi ba tôi đờn  Tứ đại oán  cho cô Sáu Ngọc ở Rạch Gầm ca thì bà con trong làng tụ tập rất đông phía trước sân và bên vách nhà tôi để nghe. Có lần, người nghe chen chúc nhau làm sập cả vách tre. Tôi tuy mới lên năm sáu tuổi mà đã thích nghe hòa nhạc, nhưng phải núp phía trong buồng ngủ, dựa tai vào vách để nghe vì theo kỷ luật trong gia đình con nít phải đi ngủ sớm.

Ba tôi từ nhỏ đã rất thông minh, học giỏi và thích tập thôi miên. Thời đó ở Sài Gòn có trường lớn nhất là Trung học Chasseloup Laubat chỉ dành cho người Pháp và con của công chức chánh quyền thuộc địa. Nhờ sự gởi gắm của vài người quen có uy tín mà ba tôi được vào học ở trường này.

Ba tôi ưa đờn ca nên nhiều lần dùng thuật thôi miên làm cho giám thị ngủ mê để đờn chơi với các bạn cùng ở nội trú trong trường. Ba tôi lại thường thôi miên chữa bệnh cho bạn bè bị nhức đầu, nóng lạnh hoặc mất ngủ. Vì cho nhân điện ra nhiều mà không kịp phục hồi đầy đủ nên mất quân bình, có khi cả tuần lễ ba tôi không ngủ được. Lúc đi thi bằng Brevet (bằng Thành Chung thời Pháp thuộc), thay vì viết bài luận theo đề thi, ba tôi lại chọn một đề khác thích hợp với mình để viết. Thông thường khi thí sinh làm bài lạc đề phải bị đánh rớt, nhưng giám khảo thấy cách hành văn của ba tôi chững chạc, câu văn trôi chảy nên đề nghị cho đậu. Vậy mà ba tôi từ chối, nói rằng đã không làm bài theo thể lệ trường thi thì không nhận bằng. Từ đó ba tôi về nhà, không thích đi làm thư ký như mọi người đồng lứa, mà ngày ngày chỉ đờn và đọc sách báo.

Ba tôi tuy học giỏi, đờn hay nhưng không lo kiếm sống nên khó lập gia đình. Điều này làm ông nội tôi rất lo. May sao làng Bình Hòa Đông bên cạnh – còn gọi là làng Đông Hòa – có gia đình ông Nguyễn Tri Túc, cũng thuộc về hàng hào hoa phong nhã, trong nhà có người con trai biết đờn, thường hòa với ông nội và ba tôi, lại có người con gái nết na đằm thắm, nên ông nội tôi có ý định cầu hôn cho ba tôi.

Gia đình bên ngoại

Thuở nhỏ, tôi không bao giờ nghe nói cố ngoại tôi là ai, mà hình như các cậu, các dì tôi cũng không rõ. Mãi đến sau này, vào năm 1990 tôi mới biết cố ngoại tôi là cụ Nguyễn Tri Phương. Hậu duệ của cụ khi xem lại gia phả, thấy cụ có một người con trai thứ sanh trong Nam tên là Nguyễn Tri Túc, tức ông ngoại của tôi.

Ông ngoại tôi là một điền chủ trong làng Đông Hòa, một người hào hoa phong nhã, thích âm nhạc đến nổi nuôi nhạc sĩ trong nhà để dạy cho các cậu tôi học đờn.

Ông ngoại tôi thích ba trò chơi: ra câu thai, bắn giàn và đánh hồ.

Ông ra một câu thai – một loại câu đố – bằng một hay nhiều câu thơ lục bát đem treo ngay trước nhà, bên cạnh đặt cái trống nhỏ. Chẳng hạn như câu thai:

Số tôi xa mẹ xa cha,

Quanh năm suốt tháng ở nhà người dưng.

Xuất quả.

Chữ xuất quả ngụ ý là đố về trái cây. Người nào đi ngang qua đoán được câu trả lời thì đánh ba hồi trống rồi gọi to: “Bớ ông thầy thai”. Ông ngoại tôi trả lời: “Có tôi đây”. Nếu người đó đoán sai, ông gõ ba hồi trên tang trống: “cắc, cắc, cắc”. Nếu họ trả lời đúng:  “Đó là trái dâu”  (Cô dâu rời nhà cha mẹ đi sống với gia đình chồng là người dưng chứ không phải họ hàng ruột thịt), ông ngoại tôi bèn đánh ba hồi trống rồi mời vô nhà đãi ăn và tặng một món quà hay một quan tiền.

Bắn giàn cũng là thú tiêu khiển rất đặc biệt. Hồng tâm được vẽ trên vách ván, lỗ hồng tâm tròn bằng viên đạn. Sau lưng hồng tâm có một tấm vách đất, ngay bên dưới đặt một cái trống nhỏ. Người bắn giương cung lắp đạn – làm bằng vỏ ốc hay xương voi – nhắm hồng tâm buông cung nghe tiếng “vù”, đạn bay ra kêu “xạch”, lọt qua hồng tâm đụng vách đất rơi trên mặt trống nghe “tùng, tùng, tùng”. Chỉ cần nghe liên tục ba tiếng “  vù, xạch, tùng tùng tùng  ” thì biết ngay có người đã bắn trúng hồng tâm. Nếu chỉ nghe “  vù, xạch, xạch  ” là biết bắn trật, đạn đụng vào vách ván rồi rơi xuống đất. Ai bắn trúng hồng tâm được thưởng một ly rượu trong khi nhạc trỗi bản Kim Tiền.

Đánh hồ cũng vô cùng thú vị. Đó là một trò chơi xưa, nay đã thất truyền. Thân hồ làm bằng gỗ, miệng hồ tròn chỉ bằng cái chén nhỏ, bụng hồ hơi to mà đáy không bịt lại, được đặt trên một cái giá bằng gỗ, bên dưới có để một cái trống nhỏ. Người đánh đứng cách hồ độ hai ba thước, tay cầm “thẻ” để đánh hồ làm bằng gỗ trắc, dài độ 8 tấc, chuốt dẹp như một cây roi, đầu thẻ hình hoa sen búp có đường kính độ một phân. Giữa người đánh hồ và miệng hồ là một cái mõ dẹp bằng gỗ trắc. Người đánh vung tay điều khiển cho thẻ gõ vào mõ nghe tiếng “cốc”, đầu thẻ dội tung lên cao, quay tít một vòng rồi rơi đúng vào miệng hồ, xuyên thẳng qua cổ hồ lọt xuống dưới dội vào mặt trống, tung lên hạ xuống mấy lần phát thành tiếng “tùng, tùng, tùng”. Giống như chơi bắn giàn, nếu đánh hồ đúng cách sẽ nghe tiếng “  cốc, tùng, tùng, tùng  ”. Còn nếu đánh không đúng vào miệng hồ, chỉ nghe “  cốc, xẹt  ” thì biết thẻ lọt ra ngoài, chạm vào thân hồ, vậy là thua. Mỗi người đánh 10 thẻ, nếu vào miệng hồ được 5 thẻ là giỏi lắm rồi. Người đánh trúng cũng được ông ngoại tôi thưởng rượu và nghe trỗi nhạc. Không trúng thì chỉ được mời uống nước trà. Trong cuộc chơi, ông ngoại tôi thường đánh trúng cả mười thẻ.

Nhờ có nhiều ruộng đất, hàng ngày giải trí theo cách hào hoa phong nhã ấy mà ông ngoại tôi được cử làm Hội đồng địa hạt và người trong làng thường gọi là ông Hội đồng.

Hai cậu tôi không chơi trò ra thai như ông ngoại mà chỉ chơi bắn giàn và đánh hồ. Cậu Năm tôi tuy là em nhưng về võ nghệ và trong các cuộc chơi đều tỏ ra xuất sắc hơn cậu Tư. Còn về cúng tế, lễ bái thì cậu Tư nghiêm trang, chững chạc hơn. Cả hai đều giỏi về âm nhạc.

Cậu Tư tôi, cụ Nguyễn Tri Lạc chuyên đờn cò, đờn tranh và đánh trống nhạc lễ. Sau này thích đờn violon theo phong cách riêng.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button