Lịch sử - địa lý

Góc Nhìn Sử Việt: Gia Định Tổng Trấn Tả Quân Lê Văn Duyệt

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Ngô Tất Tố

Download sách Góc Nhìn Sử Việt: Gia Định Tổng Trấn Tả Quân Lê Văn Duyệt ebook PDF/PRC/EPUB/MOBI. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : LỊCH SỬ

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời giới thiệu

Bạn đọc thân mến!

Lịch sử văn hóa của một dân tộc không phải của riêng cá nhân nào, chính vì vậy, việc bảo tồn, gìn giữ và phát triển lịch sử văn hóa cũng không phải riêng một người nào có thể gánh vác được, nó thuộc về nhận thức chung của toàn xã hội và vai trò của từng nhân tố trong mỗi chặng đường lịch sử. Lịch sử là một khoa học. Lịch sử không phải là việc thống kê sự kiện một cách khô khan rời rạc. Bởi mỗi sự kiện trong tiến trình đó đều có mối liên kết chặt chẽ với nhau bằng sợi dây vô hình xuyên suốt không gian và thời gian tạo nên lịch sử của một dân tộc.

Dân tộc Việt Nam trải hơn một nghìn năm Bắc thuộc, gần trăm năm dưới ách cai trị của thực dân, đế quốc, nhưng con cháu bà Trưng, bà Triệu, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung… vẫn kiên trì bền chí, tin tưởng ở quá khứ hào hùng, không ngừng tranh đấu hướng tới tương lai rộng mở vì độc lập tự do của đất nước.

Một dân tộc, một quốc gia muốn trường tồn và phát triển, ngoài việc đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng, khoa học kỹ thuật, điều quan trọng hơn nữa là phải có một nền tảng giáo dục vững chắc. Trong đó, giáo dục về lịch sử và lòng tự hào dân tộc là cần thiết để ghi khắc trong tâm trí các thế hệ, đặc biệt là tầng lớp thanh niên ý thức về nguồn gốc dân tộc, truyền thống văn hóa và nội lực quốc gia, đồng thời giúp định hình góc nhìn thấu đáo về vai trò của từng giai đoạn, triều đại và nhân vật – dù gây tranh cãi – tạo nên lịch sử đó.

Chính vì những giá trị to lớn đó, vấn đề học tập, tìm hiểu lịch sử nước nhà hiện đang là mối quan tâm hàng đầu của Nhà nước và toàn xã hội. Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Quỹ Phát triển Sử học Việt Nam, Tạp chí Xưa và Nay… và rất nhiều những tổ chức khác đã và đang kiên trì con đường thúc đẩy sự phát triển của nền khoa học lịch sử quốc gia, phổ biến tri thức lịch sử, góp phần giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc tới toàn xã hội.

Đồng hành với mối quan tâm của toàn xã hội, Công ty Cổ phần Sách Alpha – một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất bản, với tôn chỉ “Tri thức là sức mạnh” – đặc biệt quan tâm tới việc góp phần nâng cao hiểu biết của người dân về truyền thống văn hóa lịch sử đất nước.

Theo nhiều kết quả khảo sát, đánh giá nhu cầu của bạn đọc cho thấy, “lỗ hổng lịch sử” ở không ít người trẻ hiện nay hoàn toàn có thể bù lấp một phần dựa trên nhiều nguồn tư liệu, công trình nghiên cứu, sách cổ sách quý hiện đang được các Viện nghiên cứu, các tổ chức, cá nhân lưu giữ. Để chung tay tái hiện một cách rõ nét những mảnh ghép lịch sử dân tộc, Công ty Cổ phần Sách Alpha đã triển khai dự án xuất bản mang tên Góc nhìn sử Việt với mục đích xuất bản lại và xuất bản mới một cách có hệ thống các công trình, tư liệu, sách nghiên cứu, sách văn học có giá trị… về lịch sử, bước đầu hình thành nên Tủ sách Alpha Di sản.

Cuốn sách bạn đang cầm trên tay được hoàn thành vào năm 1937, trước khi nước nhà thống nhất nên có thể có một số thông tin không còn chính xác so với thời điểm hiện tại và những phát hiện mới của giới nghiên cứu trong và ngoài nước. Tuy nhiên trân trọng công sức của tác giả, chúng tôi tái bản cuốn sách này như một tài liệu tham khảo hữu ích cho bạn đọc.

ĐỌC THỬ

I – Trận máu lửa ở biển Thi Nại

Tin cáo cấp của Võ Tánh ở Quy Nhơn vào đến Gia Định.

Chúa Nguyễn(1) tự mình đem các đại tướng và các đạo thủy binh, bộ binh, tượng binh kéo ra cứu viện.

Từ tháng Tư đến tháng Chạp năm Canh Thân (1800) hai bên đã giao chiến nhiều trận dữ dội, quân Nguyễn thắng trận luôn luôn mà vẫn không thể vào được nơi gần vòng vây. Vì quân Tây(2) vừa mạnh, vừa nhiều, cách cục sắp đặt lại rất chu đáo.

Mặt bộ, năm vạn bộ quân có voi, có ngựa, có đại bác, theo quyền điều khiển của Thiếu phó Trần Quang Diệu, ròng rã trong một năm, vừa vây thành, đánh thành, vừa phòng giữ các nơi hiểm yếu.

Tại miền Chí Lộ(3), họ đắp dãy lũy dài hơn ngàn trượng chặn ngang phía Nam Quy Nhơn.

Những nơi Chú Sơn, Vân Sơn, Hoa Yên, Thị Dã, La Hai vân vân, họ lập hơn chín chục đồn, đồn nào cũng cực kỳ kiên cố.

Mặt thủy, Tư đồ Võ Văn Dũng thống lĩnh hai vạn thủy quân đóng giữa cửa biển Thi Nại (Quy Nhơn).

Đồn thủy, trại thủy la liệt khắp trên mặt nước.

Giáp trong cửa biển, ba chiếc thuyền lớn hiệu chữ “Định Quốc”, mỗi chiếc dài bằng mấy chục căn nhà, sắp hàng chữ “nhất 一” chắn ngang mặt biển, giống như một dãy phố dài.

Kèm với những chiếc thuyền ấy, lại có mấy trăm chiến thuyền đóng liền với nhau, làm cho mặt biển phẳng như mặt đất.

Rồi đến những đoàn thuyền nhỏ lanh lẹ đi tuần ngoài khơi, bóng thuyền treo trên mặt khơi, phấp phới như lá tre ngày bão.

Hai bên tả hữu cửa biển, trên Cồn Nhạn cũng như trên núi Ba Tòa, đều có đồn quân đóng giữ, dinh trại ngổn ngang.

Những khẩu đại bác chòm chõm ngồi trước các đồn, hằng ngày nhòm xuống dưới biển, chỉ chực hơi có động dụng, tức thì chĩa cả ra biển mà bắn.

Quân Nguyễn lảng vảng ngoài biển năm, sáu tháng trời, đạo thủy vẫn chưa liên kết được với đạo bộ, ở giữa còn mắc nhiều đồn quân Tây.

Chúa Nguyễn đóng tại vịnh biển Cù Mông. Ngài rất sốt ruột trong mỗi khi nghe tin quân mình ra trận… và những lúc nghe bọn mật sai (thám tử) trình báo tình hình bên địch.

Chính mình chúa Nguyễn đã dẫn một đoàn chiến thuyền có nhiều đại tướng ủng hộ, đương đêm tự vũng Cù Mông vượt ra, chực lẻn vào đánh Thi Nại. Chẳng ngờ tới hòn Thổ Dữ lại bị gió Bắc thổi ngược, phải lùi trở về.(4)

Trông thấy quân địch đội ngũ nghiêm chỉnh, đồn ụ vững vàng, chúa Nguyễn đã phải thở dài và than:

“Trời chưa muốn diệt giặc Tây hay sao? Cớ sao cứ bắt lương tướng(5) của ta phải khổ mãi ở trong đó?”

Ngày rằm tháng Giêng năm Tân Dậu (1801), chiều trời bỗng thấy đổi khác.

Gió đông ào ào tự nẻo giữa khơi thổi vào trong rừng.

Mặt biển sóng nổi cuồn cuộn.

Trên trời mây kéo âm ầm.

Tối đến, gió càng mạnh, sóng càng dữ, mây càng phủ dày, mặt trăng chỉ còn ánh sáng lờ mờ chiếu xuống mặt biển.

Theo lệnh chúa Nguyễn, một đạo hơn vạn thủy quân do Nguyễn Văn Trương và Tống Phước Lương làm tiên phong, kèm có hơn trăm thuyền chiến và hơn hai chục thuyền nhỏ chất đầy cỏ khô tẩm nhựa trám, tự vũng Cù Mông kéo ra.

Hồi cuối canh ba, đội quân ấy vừa vượt đến miền Thổ Dữ.

Trong trại quân Tây, đèn đuốc sáng như sao sa.

Trên Cồn Nhạn và trên núi Ba Tòa, những cây đình liệu(6) lửa cháy đùng đùng, ánh sáng rọi khắp vùng cửa biển.

Tiếng trống cái, tiếng mõ cá cầm canh xen với tiếng hô của bọn quân sĩ đi tuần, rộn rịp điểm trong các trại.

Khoảng cuối canh tư, mặt trăng lui xuống phía sau đồi cây, mấy cây đình liệu lù mù sắp tắt, cửa biển đã tối sầm lại.

Đột nhiên trước núi Ba Tòa thấy có lửa bốc.

Chỉ trong giây lát, ngọn lửa lan khắp mấy chiếc mui bồng, ánh sáng bốc lên rừng rực.

Tiếng kêu cháy, tiếng kêu cứu, tiếng kêu giặc đồng thời nổi lên ầm ầm.

Chiến thuyền ở các trại quân Tây lũ lượt đổ đến.

Dưới bóng lửa sáng, mấy chiếc thuyền của quân Nguyễn nhẹ như tên, nhanh như thoi dệt cửi, thi nhau xông pha trong đoàn thuyền của quân Tây.

Nguyễn Văn Trương và Tống Phước Lương mỗi người cưỡi một chiếc thuyền vừa múa đao chém giết quân Tây, vừa hò hét quân mình phóng hỏa.

Thì ra trong khi ra đến Thổ Dữ, hai tướng bắt được chiếc thuyền quân Tây đi tuần, dò được khẩu hiệu của họ đêm ấy, nên mới lẻn vào tới đó mà quân Tây không hay. Đến khi lửa cháy, Đô đốc Trà lật đật cưỡi thuyền chống cự, liền bị Văn Trương chém chết.

Gió càng mạnh, lửa bốc càng to, quân Tây nhao nhao nhảy cả xuống biển.

Mấy phút sau, quân cứu kéo đến đông nghịt, một mặt đánh đắm những thuyền bị cháy cho ngọn lửa khỏi lan, một mặt ra sức đuổi giết quân Nguyễn.

Tiếng còi rúc, tiếng người reo, tiếng trống ngũ liên thúc rền, hòa với tiếng nước triều tự trong cửa sông đổ ra, mặt biển ồn ào như tiếng rên của một trận động đất.

Chừng nửa giờ Dần, ngọn lửa gần tắt, ánh sáng mặt trời tự góc biển đông chiếu lại.

Các thuyền quân Nguyễn đều bị hãm trong rừng thuyền quân Tây, Văn Trương và Phước Lương vẫn liều mạng đốc quân đánh chém.

Giáo mác đụng nhau chí chát.

Xác người theo những mảnh thuyền vỡ nổi trên mặt nước lềnh phềnh.

Sau đám quân Tây bỗng có tiếng reo rầm rĩ.

Một đội chiến thuyền bên Nguyễn sầm sập từ nẻo Thổ Dữ bơi vào.

Tới gần cửa biển, đoàn thuyền ấy tức thì chia làm hai toán.

Một tướng trẻ tuổi tầm người thấp nhỏ, phất lá cờ đỏ, đốc một toán thuyền xông thẳng vào trước Cồn Nhạn.

Một toán thuyền nữa theo hiệu cờ trắng của một tướng cao lớn, bơi tuốt tới trước núi Ba Tòa.

Quân Tây lập tức chia làm ba bọn.

Một bọn cứ vây đoàn thuyền của Văn Trương, Phước Lương, còn hai bọn quay ra chống nhau với hai toán thuyền mới đến.

Trống thúc inh ỏi.

Tù và thổi như ếch kêu.

Cuộc giao chiến bắt đầu dữ dội.

Sang đầu giờ Mão, sương đã tan, trời đã sáng, đứng ở nẻo trong đã có thể nhận rõ mặt người nẻo ngoài.

Sau một tiếng thét dữ dội của Tư đồ Dũng, tiếp đến tiếng loa ậm ọe của viên tướng Tây, mấy chục thần công đại bác, mấy trăm súng con ở trong Cồn Nhạn và trên núi Ba Tòa nhất tề phát lửa.

Hàng nghìn tiếng nổ đồng thời phát ra.

Mặt biển vang như trời long đất lở.

Khoảng nửa giờ Thìn, súng bắn càng dữ. Khắp vùng cửa biển, khói tỏa mịt mù, hơi thuốc bay ra khét lẹt. Trên biển đạn đi rào rào như trời đổ mưa.

Quân Nguyễn cứ liều chết xông vào.

Quân Tây vẫn ra sức đánh dấn.

Thế trận mỗi phút mỗi thêm kịch liệt.

Gần hết giờ Tỵ, mặt trời gần đến đỉnh đầu, gió dần dần yên, sóng dần dần êm.

Trống vẫn thúc, người vẫn reo, súng vẫn nổ, mặt biển vẫn ầm ầm như đổ cây nước.

Trong trận quân Nguyễn, lá cờ đỏ và lá cờ trắng vẫn bay rối rít, viên tướng thấp nhỏ và viên tướng cao lớn vẫn gầm hét đốc quân trèo thuyền tiến lên.

Thuyền đắm ùm ùm.

Người chết như rạ.

Sang giờ Ngọ, quân Tây chống cự càng rát, quân Nguyễn chết hại rất nhiều.

Thế trận bên Nguyễn đã thấy hơi núng.

Bỗng một tiếng quát to như tiếng sấm tự mạn Cồn Nhạn đưa ra, viên tướng thấp nhỏ nhảy lên phía trước. Nhanh như chong chóng, tướng ấy một tay phất cờ, một tay múa gươm vừa băm chém quân Tây, vừa thúc giục quân mình vào đánh.

Lại một tiếng gầm dữ dội. Viên tướng cao lớn ở mặt Ba Tòa cũng tay kiếm tay cờ, xông lên đầu thuyền, đứng doãi hai chân đốc chiến.

Quân Tây không hề lui nhụt.

Gươm giáo trong các chiến thuyền đâm ra tua tủa.

Súng ở các ụ bắn xuống đùng đùng.

Những khẩu đại bác trong Cồn Nhạn và trên núi Ba Tòa vẫn nổ đoành đoành như tiếng sét.

Cuộc đâm chém kịch liệt trong nửa giờ. Đầu người rơi như thụy rụng. Xác người bổ ngửa bổ nhào xuống biển lao nhao như một đám bổ củi.

Chợt ở trước núi Ba Tòa, quân Tây cười reo ầm ầm.

Hòn đạn đại bác trên đồn Ba Tòa đã bắn nhắm đầu viên tướng cao lớn bên Nguyễn. Sọ đầu tan tành, tướng ấy nhào xuống sạp (ván) thuyền, lá cờ và thanh kiếm trong tay rớt cả xuống biển.

Quân Nguyễn ở đó hoảng khiếp, luống cuống tranh nhau bỏ thuyền nọ chạy qua thuyền kia, đoàn thuyền trước trận tròng trành chực đắm, mặt biển dập dềnh như bị nghiêng lật.

– Quan Trung thủy bị đạn mất rồi!

Tiếng kêu hốt hoảng tự đám hữu quân truyền sang.

Viên tướng thấp nhỏ vội quay đầu lại, thì người bạn can đảm của mình đã nằm sóng sượt trên thuyền hai chân còn giẫy đành đạch.

Sắc mặt đỏ bừng như bị lửa châm, tướng ấy vừa hạ lệnh chém luôn mấy chục tên quân chạy lùi, vừa cắm đầu phất cờ, đốc thúc các thuyền xông vào trong rừng gươm đạn.

Hàng ngũ lại chỉnh, các đội quân Nguyễn lại nhất tề liều chết đánh lên.

Chừng nửa giờ Mùi, mặt trời đã xế, mặt trận vẫn kịch liệt như trước.

Trong hai đội quân Nguyễn, chợt nhô ra một tên tiểu sai:

– Trình quan Thống chế, có lệnh đức chúa ban ra.

Viên tướng thấp nhỏ đưa mắt nhìn lại.

Tên tiểu sai chìa ra một cái bài rồng và tiếp:

– Đức chúa được tin tướng sĩ bị hại nhiều quá. Ngài truyền quan lớn hãy lui quân về tạm lánh sự hung tợn của quân giặc!

– Ngươi về bẩm(7) với đức chúa, chết thì chết, ta quyết không lui!

Dứt lời, viên tướng thấp nhỏ xây mặt ra trước trận, cờ vẫn phất, gươm vẫn múa, miệng vẫn hò hét luôn luôn.

Quân Nguyễn lúc này hăng hái bội phần, quân Tây bị giết nhiều lắm. Tư đồ Dũng nóng ruột, bổ ra mặt trận quát tháo rầm rĩ.

Một sạp súng nổ liên thanh bất chỉ. Quân Nguyễn lại chết la liệt, xác người vẫn cả gậm thuyền, một vùng nước biển vì nhiều máu người hòa lộn, màu xanh đã biến ra sắc đen sì.

– Trình quan Thống chế, đức chúa truyền quan lớn nên xót tướng sĩ, không nên đánh liều.

Tên tiểu sai vừa rồi lại cầm bài rồng đến nói với tướng thấp nhỏ.

– Nhất là tướng sĩ chết hết, ta chưa chết thì ta còn đánh. Ngươi về bẩm với đức chúa làm vầy.

Miệng tuy nói, lá cờ trong tay tướng ấy vẫn không dừng.

Mặt trời tà tà, trên biển nhuộm màu đỏ ối.

Khoảng đầu giờ Thân, gió đông lại bắt đầu nổi, sóng biển lại bắt đầu dồn dập.

Quân sĩ hai bên đều chết già nửa, mặt trận vẫn giáp lá cà.

Tên tiểu sai lúc nãy lại đến bên cạnh viên tướng thấp nhỏ với chiếc bài rồng cầm tay:

– Trình quan Thống chế, đức chúa truyền quan lớn rút quân lập tức.

Viên tướng thấp nhỏ chỉ thẳng ngọn cờ ra phía Ba Tòa:

– Việc đã đến vầy, ta phải liều chết đánh nhau, cứu lấy đội quân tiên phong ở trong đó(8). Ngươi về bẩm với đức chúa, xin ngài vững dạ chớ lo.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button