Văn học trong nước

Độc Hành

doc-hanh-ebook1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Nguyễn Hoàng Bảo

Download sách Độc Hành ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : VĂN HỌC TRONG NƯỚC

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Thương tặng cho những người bạn đồng hành qua từng chuyến đi của tôi. Những người bạn trong nước cũng như nước ngoài. Chính họ đã cổ vũ cho tôi hoàn thành quyển sách du ký đầu tay về chặng đường rong ruổi đơn độc của mình. Giống như suy nghĩ của bất kỳ một lữ khách nào phá khám những vùng đất mới, dù có gian nan vất vả nhưng phía trước mỗi hành trình sẽ là những con đường thẳng tắp, thênh thang, ngập tràn hoa thơm cỏ lạ…

Lời tựa

Bạn đã từng thấy đâu đó hình ảnh đoàn người cùng lạc đà thồ những kiện hàng nhẫn nại vượt biển cát mênh mông được thể hiện qua thơ, tranh ảnh, những câu chuyện thần thoại, những vở diễn trên sân khấu hay kịch bản điện ảnh chưa? Đó chính là sự biểu trưng hoàn hảo cho con đường huyền thoại xa xưa. Sau hai tháng dọc theo Con đường tơ lụa, tôi đã có những trải nghiệm đáng nhớ trong đời. Từ Kuwait, Iran của “vùng đất lửa” Trung Đông đến những đất nước gần như biệt lập ở Trung Á như Turkmenistan, Uzbekistan, Kyrgyzstan, Tajikistan, và hàng loạt các điểm đến xa xôi mà đoàn thương nhân năm xưa đã phải trải qua với biết bao nhiêu câu chuyện huyền bí, ly kỳ. Và tôi, cũng trên Con đường tơ lụa năm nào, đã lang thang qua bao nhiêu làng mạc, thị trấn heo hút không bóng người, tận mắt chứng kiến những công trình kiến trúc cổ có tuổi đời hàng trăm thậm chí hàng ngàn năm, may mắn tham dự những lễ hội truyền thống của địa phương, được đắm mình với cuộc sống cư dân bản địa ở Trung Đông hay khắp các nẻo đường Trung Á. Quyển sách ra đời sau chuyến đi mười tháng, trong đó có bốn tháng tôi phải miệt mài vẫy bút để lưu lại những kỷ niệm tuyệt vời trong hành trình ấy.

Quyển sách không viết theo kiểu tư liệu nghiên cứu lịch sử mà là quyển sách về du ký. Hành trình của chuyến đi sẽ được đúc kết thành những câu chuyện thông qua cảm xúc, nhận định về các vùng đất nằm trên vành đai Con đường tơ lụa. Tuy nhiên lịch sử lại là yếu tố quan trọng tạo nên sự biến đổi về văn hóa, tôn giáo, phong tục tập quán, kiến trúc và kể cả con người từng chịu ảnh hưởng bởi con đường giao thương cổ này và tôi đã sử dụng một số tư liệu lịch sử để người đọc dễ dàng hình dung hơn. Thông tin lịch sử được tôi ghi chép lại trong quá trình trò chuyện cùng các nhân vật, những tài liệu thu thập trên internet và những so sánh, nhận định và nhận xét mang tính chủ quan.

Nếu các bạn chưa có dịp đặt chân trên Con đường tơ lụa, hãy tìm một điểm tựa và cùng tôi phiêu lưu qua những trang sách này. Ở đó, có những câu chuyện trải nghiệm về cuộc sống con người, về vùng đất qua nhiều đổi thay từ những thăng trầm của lịch sử và trên hết là những thử thách của bản thân trong suốt hành trình khám phá đơn độc. Những câu chuyện du ký của một lữ khách Việt đi tìm dấu vết lạc đà trên Con đường tơ lụa lẫy lừng trong quá khứ.

ĐỌC THỬ

Chương 1 Đi tìm dấu vết lạc đà

Những người học kinh tế như tôi thì cụm từ Con đường tơ lụa không hề xa lạ. Đó chính là hệ thống chằng chịt những con đường mòn cổ như một tấm mạng nhện khổng lồ từ phương Đông sang phương Tây, nối kết những thành phố sầm uất trong khu vực. Trước đây, thương nhân người Hoa sử dụng con đường này để vận chuyển các loại hàng hóa ra nước ngoài, những nơi có nhu cầu về sản phẩm tơ lụa xuất xứ từ Trung Quốc rất lớn. Hệ thống con đường này có lúc trải dài đến tận châu Âu hay ngược về phương Đông đến Nhật Bản và Triều Tiên. Hiện nay cũng chưa có ai biết chính xác con đường có tổng chiều dài là bao nhiêu, chỉ biết ước lượng vào khoảng 7.000 km. Hệ thống con đường nghìn năm tuổi băng qua những sa mạc rộng lớn, những dãy núi cao hiểm trở, những làng mạc heo hút để đến những vùng đất xa xôi mà vào thời đó một số vùng trên thế giới còn chưa được biết đến.

Lịch sử con đường cũng có nhiều gút mắc cùng với sự biến đổi của thế giới qua nhiều giai đoạn khác nhau. Những dấu tích còn lại trên đó đã minh chứng cho sự vĩ đại có một không hai của hệ thống con đường thương mại này. Đã trải qua hàng trăm năm, kể từ khi con đường dần bị lãng quên từ những năm thuộc thế kỷ XIV sau Công nguyên, nó giờ đây vẫn chỉ là những hồi ức mong manh, mơ hồ đối với những lữ khách muốn tận mắt thấy những dấu vết ít ỏi, rải rác trên một khu vực rộng lớn ở châu Á, châu Âu và cả châu Phi hẻo lánh. Tôi đã có rất nhiều suy nghĩ khi lên kế hoạch cho hành trình khám phá hệ thống Con đường tơ lụa này. Bao nhiêu thời gian là đủ cho cuộc phiêu lưu? Tôi sẽ phải qua bao nhiêu thành phố, bao nhiêu quốc gia để có thể khái quát một phần về nó trong hành trình khám phá của mình? Hiện có bốn mươi quốc gia liên quan đến Con đường tơ lụa trên bộ ở khắp lục địa Á Âu và một phần Phi châu rộng lớn cùng các thành phố hình thành và phát triển dọc trên con đường. Chính những thành phố ấy là chứng tích quan trọng, nơi đoàn thương nhân dừng chân trao đổi hàng hóa, vật phẩm, gia súc trong hành trình đến tận trời Tây. Từ Tây An ở Trung Quốc đến Samarkand ở Uzbekistan, từ Jeddah ở Ả Rập đến Venice ở Ý, các thành phố này đã trở thành những trung tâm giao thương quan trọng không chỉ hàng ngàn năm trước mà cho đến tận ngày hôm nay. Con đường tơ lụa đã tạo ra một bước ngoặt lớn lao cho sự tồn tại và phát triển của những thành phố giờ là một phần không thể chối cãi của lịch sử thế giới. Đã trải qua hàng ngàn năm, những minh chứng cổ xưa vẫn tồn tại và được bảo tồn qua các công trình kiến trúc về tôn giáo, văn hóa ở khắp mọi nơi. Chính các công trình này đã thu hút rất nhiều các nhà nghiên cứu, học giả, nhà thần học, triết học và tôi, một người theo chủ nghĩa xê dịch tìm đến để hiểu hơn sự vận động biến đổi trên Con đường tơ lụa nức danh này. Đó chính là phần hồn còn lại của con đường sau khoảng thời gian dài bị lãng quên bởi sự phát triển của xã hội loài người.

Tôi thật sự bối rối vì những thông tin ban đầu của Con đường tơ lụa làm mình không biết khởi hành từ đâu. Có quá nhiều thứ hay ho để khám phá, tìm hiểu. Nếu tôi đi hết tất cả các nước trên hệ thống con đường này thì có lẽ đến cả đời cũng chưa mong hiểu hết. Tôi e rằng nếu mình chủ quan lựa chọn một số nước nhất định trên cung đường thì có thể sẽ bỏ qua những nơi khác quan trọng hơn hay có ảnh hưởng đến lịch sử của con đường làm cho cách nhìn của tôi về nó trở nên phiến diện. Đắn đo, suy nghĩ và rồi quyết định. Trung Á và Trung Đông là nơi tôi nghĩ đến đầu tiên bởi nét văn hóa Hồi giáo lâu đời ở khu vực này luôn cuốn hút với sự độc đáo, huyền bí và cuộc xâm chiếm Trung Á, Ba Tư của đế chế Mông Cổ vào thế kỷ XIII như dấu mốc lịch sử ảnh hưởng đến sự tồn vong của Con đường tơ lụa vĩ đại trong quá khứ.

Vậy là hành trình của tôi xuất phát từ vùng đất Lưỡng Hà ở Trung Đông, lang thang qua Trung Á có vẻ là sự lựa chọn ngược với con đường của các bậc tiền nhân năm xưa. Nhưng sự chọn lựa không giống ai này liệu có thể mang lại cho hành trình tìm dấu vết lạc đà của tôi nhiều điều thú vị, nhiều sự bất ngờ hơn chăng?

Chương 2 Con đường tơ lụa từ quá khứ

Trên thực tế, Con đường tơ lụa là một thuật ngữ được sử dụng gần đây vì bản thân hệ thống con đường này trong quá khứ không có tên cụ thể. Vào giữa thế kỷ XIX, nhà địa chất học người Đức, Baron Ferdinand Von Richthofen (1833-1905), cùng với đoàn thám hiểm Eulenburg khám phá những vùng đất ở Srilanka, Thái Lan, Myanmar, Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Philippines và cả đảo Java từ những năm 1860 đến 1868. Trong chuyến đi này ông đã từng tiếp cận hệ thống Con đường tơ lụa trước đây. Nhiều năm sau đó, khi ông xuất bản những quyển sách, tài liệu về địa lý, bản đồ, kinh tế học, dân tộc học thì ông đã dùng thuật ngữ “Seidenstraße” hay “Seidenstraßen” tức có nghĩa là “Con đường tơ lụa.” Gọi là con đường tơ lụa cũng bởi tơ lụa là sản phẩm đặc trưng, phổ biến trên con đường từ Trung Quốc.

Ngược dòng lịch sử, Con đường tơ lụa dần định hình từ thế kỷ thứ III trước Công nguyên. Kế tục triều đại nhà Tần, nhà Hán được xem là một trong những triều đại cai trị thành công trong lịch sử Trung Quốc từ năm 202 trước Công nguyên đến năm 220 sau Công nguyên. Những năm đầu lập nước, nhà Hán gặp phải sự khó khăn khi bị các bộ tộc du mục người Hung Nô ở khu vực Trung Á quấy nhiễu. Vua Hán Vũ Đế thời đó ra chiếu chỉ lệnh cho Trương Khiên đi về phương Tây tìm kiếm sự hỗ trợ của các nước lân bang để chống lại đội quân Hung Nô hùng mạnh. Trải qua nhiều gian khổ, Trương Khiên đã không hoàn thành sứ mệnh trong việc tìm kiếm đồng minh với nhà Hán. Tuy nhiên khi trở về thành Trường An cùng đoàn tùy tùng, ông đã mang theo nhiều sản vật mà triều đình rất quan tâm. Trong những tài liệu kể về hành trình của mình, ông đã ghi chép thông tin cẩn thận về những vùng miền nơi ông đi qua từ con người, văn hóa, tôn giáo, phong tục tập quán đến các sản vật địa phương. Nhờ đó những tuyến đường nhỏ trước đây đã được kết nối lại với nhau, nhiều tuyến mới được khai phá và an toàn hơn do được sự bảo vệ của triều đình thời ấy.

Trong lần đến Trung Quốc cách đây sáu năm, tôi có dịp đến thăm vùng đất Tô Châu trứ danh về lụa tơ tằm. Lúc ấy, tôi tham quan nhà máy sản xuất lụa nổi tiếng của vùng đất tương truyền lắm mỹ nữ thời phong kiến và được nghe giới thiệu nghề gia truyền độc đáo tận từ thời cổ đại. Người Trung Quốc rất đỗi tự hào vì tơ lụa được xem là bí quyết của họ có từ hàng ngàn năm. Họ kể rằng, vào năm 2640 trước Công nguyên, hoàng hậu Xi Ling Shi vợ của vua Huang Ti khi đó mới 14 tuổi là người đầu tiên đã tình cờ phát hiện ra tơ tằm. Câu chuyện được truyền tụng trong dân gian Trung Quốc rằng: “Một hôm hoàng hậu ngồi uống trà dưới gốc cây dâu, tình cờ một con kén rơi vào tách trà và bắt đầu tan ra trong tách trà nóng. Bà bị cuốn hút ngay bởi một đầu sợi bé tí thấp thoáng hiện ra. Từ điểm bắt đầu ấy có thể kéo ra một thứ sợi mảnh, đẹp, óng ánh mà sau đó được gọi là tơ. Sau khi tấu trình với nhà vua, bà bắt đầu hướng dẫn người dân những vùng lân cận trồng dâu, nuôi tằm, chế tạo ra dụng cụ ươm tơ và dệt lụa. Từ đó bà trở thành Bà Tổ tơ lụa trong truyền thuyết dân gian của người Trung Quốc.” Không rõ giai thoại đó có thật hay không, nhưng chắc chắn rằng từ trước Công nguyên Trung Quốc là quốc gia sản xuất một lượng lớn lụa tơ tằm cung cấp cho thế giới. Vì thế người ta thường gọi Trung Quốc là “vùng đất của tơ tằm.”

Người Trung Quốc xưa kia đã nhận ra giá trị của thứ vật liệu tuyệt đẹp do mình làm ra nên họ đã giữ bí mật với thế giới được gần 30 thế kỷ. Những lữ khách bị kiểm soát gắt gao tại các khu vực biên giới. Bất cứ ai cố gắng lấy trộm trứng, kén hoặc tằm mang ra khỏi Trung Quốc đều bị xử tử ngay lập tức. Dưới hình phạt bằng cái chết, bí mật nghề trồng dâu nuôi tằm đã được giữ nguyên vẹn gần ba ngàn năm. Nhưng bí mật này không giữ được khi triều đình Trung Quốc gả công chúa cho hoàng tử Khotan xứ Tây Tạng vào thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên. Công chúa chỉ thuận lời về nhà chồng khi cho nàng mang theo những tấm tơ lụa mượt mà yêu thích. Lệnh cấm nghiêm ngặt cuối cùng bị phá vỡ tạo cơ hội cho thế giới biết đến một trong những sản phẩm làm đẹp cho con người đến tận ngày hôm nay.

Lúc đầu, tơ lụa chỉ phục vụ cho tầng lớp vua chúa, quý tộc trong xã hội Trung Quốc. Theo thời gian, loại hàng hóa này dần dần mở rộng ra toàn bộ nền văn hóa Trung Quốc cả về mặt địa lý và xã hội. Khi Trương Khiên trở về nước, cùng với việc ông tìm kiếm ra những khu đô thị mới sầm uất ở phương Tây trên hệ thống Con đường tơ lụa, các thương nhân người Trung Quốc bắt đầu nghĩ đến việc vận chuyển tơ lụa sang những nước khác trên chính con đường ông đã trải qua. Cùng với việc những bí mật về nghề tơ lụa không còn được giữ kín, những mặt hàng này bắt đầu len lỏi khắp châu Á. Do đặc tính mịn màng, vẻ đẹp lộng lẫy, tơ lụa nhanh chóng trở thành một thứ hàng xa xỉ ở những vùng mà thương gia Trung Quốc có thể tới được. Nhu cầu về thứ lụa đẹp lạ kỳ này, rốt cuộc đã tạo ra con đường thương mại huyền thoại mà tên của nó gắn liền với thứ hàng hóa có giá trị thượng hạng thời bấy giờ. Tơ lụa quý giá được chuyên chở bằng lạc đà đến phương Tây, và các thương nhân sẽ mang vàng, bạc, len dạ… về phương Đông. Thời điểm này, tơ lụa được xem là thứ hàng hóa quý hơn cả vàng, và cũng chính con đường vận chuyển này đã tạo thêm giá trị cho loại hàng hóa đặc biệt chỉ được biết đến ở Trung Quốc ra thế giới.

Sản phẩm tơ lụa của Trung Quốc bắt đầu từ những nơi có điều kiện thổ nhưỡng trồng dâu nuôi tằm thuận lợi ở phía Nam sông Trường Giang, tức là khu vực Phúc Châu, Hàng Châu, Tô Châu ngày nay, và được vận chuyển lên Bắc Kinh theo con kênh đào cổKinh Hàn Đại Vận Hà được xây dựng từ thế kỷ thứ V trước Công nguyên. Từ đó, tơ lụa tiếp tục được các thương nhân vận chuyển lên kinh đô Trường An, chạy dọc qua hành lang Hà Tây và lòng chảo Tarim của Tân Cương Trung Quốc, vượt qua nóc nhà thế giới Pamir hùng vĩ để đến các quốc gia Trung Á Tajikistan, Kyrgyzstan, Kazakhstan, Uzbekistan, Turkmenistan rồi tiếp tục xuống khu vực các nước Trung Đông là thị trường thương mại trọng điểm lúc bấy giờ thuộc Afghanistan, Syria, Iran, Iraq ngày nay. Từ đây hàng hóa được chuyên chở bằng đường bộ lên Thổ Nhĩ Kỳ hoặc dọc theo địa Trung Hải để đến phía bán đảo Sinai của Ai Cập và rồi đến Ý. Hàng hóa được vận chuyển ngoài mặt hàng chính là tơ lụa ra, thương nhân Trung Quốc còn mua bán những mặt hàng truyền thống khác như gốm sứ, hàng thủ công mỹ nghệ và những loại trà trứ danh. Ở La Mã và Syria có pha lê; còn len dạ, đá quý, san hô, hổ phách thì của Tây Á… cũng được trao đổi mua bán trên hệ thống con đường này. Đóng vai trò quan trọng trong việc làm trung gian trao đổi là các thương nhân Ba Tư và sau này là Ả Rập. Thông qua họ, hàng hóa từ Trung Quốc được đưa đi khắp nơi và ngược lại nhiều mặt hàng mới lạ cũng được nhập trở lại Trung Quốc. Bởi thế, trong quá trình tìm hiểu về Trung Đông, tôi đã từng mơ ước lạc bước trong văn hóa Ba Tư để được hiện diện qua những khu chợ sầm uất mà người dân nơi đây gọi là bazzar có niên đại hàng ngàn năm tuổi. Một trong những khu chợ ấy vẫn còn tồn tại để minh chứng nơi đây là đầu mối quan trọng của đoàn thương nhân đến từ phương Đông dừng chân mua bán trao đổi trước khi hàng hóa tiếp tục được vận chuyển đến phương Tây.

Con đường tơ lụa trên bộ thịnh đạt nhất dưới triều nhà Đường (618-907). Kinh đô Trường An rộn rịp cảnh mua bán sầm uất, cảnh đi lại của thương gia và sứ thần các nước. Hình ảnh các đoàn “thương nhân lạc đà” khua chuông rồng rắn đi trên sa mạc được khắc họa trong các công trình kiến trúc, trên các bức bích họa cổ, được ghi nhận trong thơ ca đương thời như một mốc son lịch sử của nhân loại.

Tuy nhiên, đến khoảng thế kỷ XIII thì nó dần dần bị Con đường tơ lụa trên biển thay thế. Có rất nhiều nguyên nhân lý giải cho vấn đề này, một được cho là xuất phát từ nội tại của lịch sử Trung Quốc và hai là do những yếu tố khách quan bên ngoài. Khi nhà Minh nắm quyền (1368-1644), triều đình đã đề ra một số luật lệ mới. Đánh thuế cao đối với những hàng hóa giao thương bằng đường bộ gây khó khăn việc tìm kiếm lợi nhuận của các thương nhân. Thời kỳ này, kỹ thuật đóng tàu của Trung Quốc cũng đạt đến một trình độ tương đối thịnh đạt cho phép vận chuyển những tuyến đường dài hơn với thời gian ngắn hơn đường bộ. Vì thế việc vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ được các thương nhân Trung Quốc chuyển dần sang đường thủy. Nếu như trước kia kinh đô Trường An tấp nập các thương nhân thì lúc bấy giờ việc giao thương lại tập trung ở các thành phố phía Nam Trung Quốc như Quảng Châu, Dương Châu cho những cuộc hành trình trên biển qua Nhật Bản, Triều Tiên, xuôi xuống Đông Nam Á, đến Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương. Thương cảng Hội An cũng là điểm dừng quan trọng trên tuyến hải trình vượt biển này. Mặt khác, vào thời kỳ này đế quốc hùng mạnh Byzantine đã chiếm cứ một vùng rộng lớn ở Thổ Nhĩ Kỳ, ngăn cản sự giao thương mua bán từ Tây sang Đông của các thương nhân cùng với dịch bệnh lan truyền, cướp bóc liều lĩnh ở những khu vực hẻo lánh làm cho Con đường tơ lụa dần suy yếu vào thế kỷ XIV.

Tồn tại trong lịch sử khoảng 17 đến 18 thế kỷ, những gì mà Con đường tơ lụa đã đem lại cho văn minh nhân loại là không thể kể hết được. Đó là việc đưa văn hóa dân tộc của các quốc gia tiếp xúc với nhau, tạo điều kiện trao đổi và giao lưu giữa chúng. Trên thực tế, để đàm phán thành công, các thương gia đã phải học ngôn ngữ và phong tục của những nước họ đi qua. Tương tác văn hóa là một phần quan trọng trong trao đổi vật chất. Hơn nữa, nhiều lữ khách mạo hiểm lên đường để tham gia vào quá trình trao đổi tri thức và văn hóa diễn ra tại các thành phố dọc theo tuyến đường này. Những kiến thức về khoa học, công nghệ hay ngay cả bí quyết sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống của từng vùng đã được chia sẻ, và bằng cách này, ngôn ngữ, nghệ thuật, văn hóa và tôn giáo cũng dần phát triển và ảnh hưởng lẫn nhau. Theo Con đường tơ lụa, các kỹ thuật sản xuất tiên tiến của nước ngoài như kỹ thuật làm giấy, in ấn, sản xuất len dạ, chế biến rượu, kỹ thuật canh tác cùng nhiều lĩnh vực học thuật khác như thiên văn học, lịch học, chiêm tinh học từ Ấn Độ, chữ số Ả Rập và phép tính thập phân cũng vào Trung Quốc rồi từ đấy lại tỏa đi các quốc gia khác… Ví như trong nghệ thuật âm nhạc, vũ khúc mang âm hưởng Tây Vực cũng được người dân rất ưa chuộng, có những thời kỳ âm nhạc Tây Vực trở nên hết sức thịnh hành trong các buổi tiệc tùng của quan lại và vua chúa phong kiến ở Trung Quốc. Ngày nay đó vẫn là một trong những di sản văn hóa quý báu của nền văn minh Hoa Hạ.

Nói về vấn đề tôn giáo trên Con đường tơ lụa. Theo đó, các tuyến đường cũng là cầu nối trong việc phổ biến tôn giáo trên khắp lục địa Á Âu. Tôi cho rằng Phật giáo là một ví dụ điển hình. Các tác phẩm nghệ thuật khắc họa đậm nét Phật giáo và những ngôi chùa, đền thờ được tìm thấy ở những nơi cách nhau rất xa như Bamiyan ở Afghanistan, núi Wutai ở Trung Quốc, và Borobudur ở Indonesia. Thiên Chúa giáo, Hồi giáo, Ấn Độ giáo, Hỏa giáo cũng đã lan truyền theo dòng chảy lịch sử của con đường. Về sau này, Ấn Độ giáo và Hồi giáo còn được du nhập vào Indonesia và Malaysia do các thương gia đến từ Ấn Độ và Ả Rập trên Con đường tơ lụa trên biển.

Có một điều đặc biệt, Phật giáo sau khi từ cái nôi của văn minh Ấn Độ, qua Con đường tơ lụa truyền vào Trung Hoa, ngay lập tức đã trở thành một sản phẩm tinh thần mang đậm màu sắc của nền văn hóa Hán. Người Trung Quốc với tư duy tôn giáo rộng mở đã nhanh chóng đón nhận học thuyết về cái Khổ của Đức Thích Ca Mâu Ni từ đó sáng tạo phát triển thành rất nhiều tông phái và giáo phái khác nhau. Tinh thần Trung Hoa đã thổi vào tôn giáo này một luồng sinh khí mới làm cho Phật giáo trở nên đầy sức hấp dẫn và có một sức sống lạ kỳ, trải qua nhiều biến thiên của lịch sử, vẫn là tôn giáo có số lượng tín đồ đông đảo nhất ở khu vực châu Á. Mặc dù sản sinh từ Ấn Độ, nhưng chính Trung Quốc mới là mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng Phật giáo và cùng với đó là cả một sự huy hoàng trong nghệ thuật kiến trúc đền chùa, hang động, điêu khắc, tạc tượng… mà các di tích đồ sộ ấy vẫn còn rải rác ở khu vực Tân Cương ngày nay.

Tôi khá băn khoăn về hành trình khám phá Con đường tơ lụa của mình vì lượng thông tin quá ít ỏi. Không khéo tôi có thể lạc bước đâu đó nơi thâm sơn cùng cốc trên dãy Pamir chót vót vì không tìm được phương tiện di chuyển phù hợp. Thông tin đường đi nước bước chủ yếu ở Trung Á, có chăng chỉ có một vài quyển sách tư vấn du lịch cho cung đường này nhưng cũng quá hiếm hoi. Lonely Planet1 thì gộp thông tin du lịch cho bảy quốc gia Trung Á lại trong một cuốn duy nhất. Điều này cũng nói lên nhu cầu của các lữ khách đến vùng này cực kỳ thưa thớt. Ngày đi đã gần kề, nhưng thông tin về Con đường tơ lụa vẫn ít ỏi như lá mùa thu, có lẽ những gì còn lại bây giờ chỉ là những dấu vết mờ ảo mà tôi phải tự mày mò. Thôi đành vậy. Phía trước mỗi hành trình dài luôn là những con đường thênh thang, rộng lớn và nhiều cơ hội ở các ngã rẽ kia mà!

1 Một trong những nhà xuất bản sách hướng dẫn du lịch lớn nhất thế giới.

Chương 3 Kuwait vàng son

Khắc Anh, cô học trò cũ đang làm việc ở sân bay Dubai cho lời khuyên khi biết tôi có ý định đặt chân đến Kuwait. “Thầy đừng đi, đất nước Kuwait nhỏ xíu à thầy, không có gì tham quan hết nếu so với Dubai hay Doha. Chi phí sinh hoạt ở đó thì đắt đỏ như mấy nước Bắc Âu. Thầy đi vào lúc tháng lễ Ramadan2 nên phải nhịn ăn vào ban ngày vất vả lắm. Em đã từng qua đó vào tháng trước nhưng nỗi thất vọng lớn nhất là người dân ở đây không thân thiện. Ngay cả khi em tiếp xúc và làm việc với những người Kuwait ở đây thì thường họ tỏ ra rất trịch thượng, cái gì cũng muốn được phục vụ ưu tiên!” – cô nàng nhắn tin cho tôi qua facebook như thế. Khi đó, tôi cũng nghi ngờ ít nhiều về những điều phàn nàn từ Khắc Anh. Tôi chỉ nghĩ đơn giản: Kuwait là quốc gia một thời có chiến tranh với Iraq, họ được các nước trên thế giới ủng hộ như một nước yếu dưới sự đe dọa của một nước lớn thì hà cớ gì họ lại hành xử như vậy. Họ đã quên thế giới coi họ là nạn nhân và chịu nhiều thiệt hại nếu không có sự can thiệp của Mỹ ở vùng Vịnh hay sao? Hay những luật lệ Hồi giáo khắt khe khiến người Kuwait tỏ ra khó gần chăng?

2 Đây là tên gọi tháng thứ 9 của âm lịch Ả Rập. Tháng Ramadan theo dương lịch thay đổi từng năm, không có ngày thống nhất. Trong suốt một tháng lễ này, tất cả các tín đồ đạo Hồi đều thực hiện nghiêm túc quy định: không ăn, không uống, không hút thuốc… nghĩa là không được đưa bất kể thứ gì vào miệng (kể cả không sinh hoạt tình dục), nhưng chỉ áp dụng vào ban ngày – cụ thể là từ lúc mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn mà thôi.

ĐẤT NƯỚC CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG NHẬP CƯ

Chiếc máy bay Cebu Pacific có đến hai phần ba là người Philippines qua Kuwait để làm việc. Không những ở sân bay Kuwait tràn ngập lao động từ Philippines mà tôi chứng kiến họ còn áp đảo ở các sân bay Trung Đông khác như Doha, Dubai hay từng tốp đông lên đến hàng trăm người chờ làm thủ tục ở sân bay Kuala Lumpur. Họ đi từng nhóm, khá trật tự theo các công ty xuất khẩu lao động được phân biệt qua màu áo đồng phục khác nhau. Rõ ràng Philippines đang chuyên nghiệp hóa trong thị trường lao động nhập cư. Trên đấu trường cạnh tranh này, công nhân Philippines có lợi thế là họ nói tiếng Anh tốt, được đào tạo bài bản hơn công nhân từ các nước như Bangladesh, Srilanka, Indonesia, Trung Quốc và kể cả Việt Nam. Người Philippines còn có tiếng là hiền lành, ít xảy ra các cuộc đánh đấm, nhậu nhẹt hay quấy rối ở nước ngoài. Có cả một bộ máy hành chính xung quanh họ. Bộ phận quản lý việc làm ở nước ngoài của Philippines giúp tìm kiếm việc làm ở các nước khác, khuyến khích họ đi xuất khẩu lao động.

Rodrigo, anh bạn trẻ ngồi kề bên tôi trong chuyến bay nói rằng: “Ở Philippines có rất nhiều công ty xuất khẩu lao động uy tín, có giấy phép hẳn hoi. Họ tiến hành tập huấn, đào tạo nghề cho công nhân trước khi lên đường làm việc. Họ trích phần trăm tiền lương trong những tháng đầu của chúng tôi để huấn luyện cho thành thục. Cụ thể sáu tháng cho vũ công, bốn tháng cho thuyền viên, hai đến ba tuần cho người giúp việc hay chính tôi đã học kỹ thuật điện trong ba tháng trước khi lên đường.”

Còn nhớ có lần tôi tham dự một buổi hội thảo với nội dung đề cập đến những thách thức của thị trường xuất khẩu lao động Việt Nam so với một số quốc gia Đông Nam Á thì ngoài việc đào tạo những kỹ năng cho người lao động đã nói ở trên còn có nguyên nhân ở tầm vĩ mô khác. Trong hội nghị, một số ý kiến tham luận từ các doanh nghiệp xuất khẩu lao động cho rằng chính phủ Philippines đã hỗ trợ và định hướng cho người lao động khi có nhu cầu làm việc ở nước ngoài. Các trung tâm phát triển kỹ năng và giáo dục kỹ thuật thường mở các lớp đào tạo miễn phí về gò hàn, lái xe tải hạng nặng, giúp việc gia đình, ngoại ngữ và các kỹ năng khác. Ngoài ra, họ còn đẩy mạnh việc quảng bá cho người lao động bằng cách đặt quan hệ ngoại giao khắp thế giới để giới thiệu và chăm lo cho các công nhân ở nước ngoài. Những người đem hoặc gửi tiền về nước chẳng những không phải trả thuế thu nhập mà còn được cung cấp những thiết bị và dụng cụ giá rẻ giúp họ sản xuất hay kinh doanh quy mô nhỏ. Với mức độ khuyến khích đó, ngành công nghiệp đã phát triển để kết nối công nhân với việc làm và cạnh tranh với thị trường lao động các nước trong khu vực trong đó có Việt Nam.

Quả thật sân bay ở Kuwait không hoành tráng, lộng lẫy như Doha hay Dubai, nhưng mức sống của người dân lại rất cao. Là nước xuất khẩu dầu mỏ lớn trên thế giới, nền kinh tế Kuwait phụ thuộc chủ yếu vào ngành công nghiệp này. Tài nguyên dầu mỏ đã biến Kuwait thành một trong những nước giàu có nhất trên bán đảo Ả Rập và là nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất vùng Vịnh từ những năm 50 của thế kỷ trước. Sự lớn mạnh về kinh tế dẫn đến việc thu hút ngày càng nhiều lao động nhập cư và người nước ngoài, chủ yếu thuộc các nước đang phát triển ở châu Á. Nhu cầu thuê lao động nước ngoài đặc biệt là lao động chân tay, nặng nhọc ngoài trời, giúp việc nhà hay công nhân điện như anh chàng Rodrigo là rất lớn. Hiện nay, trung bình cứ một người dân Kuwait bản xứ cần đến ba lao động làm thuê nước ngoài. Kể cả giới văn phòng trong các công ty hàng không cũng được thuê bằng người nước ngoài để chi phí trả lương sẽ giảm hơn phần nửa khi sử dụng nhân lực cùng trình độ trong nước. Người dân Kuwait hầu như không trực tiếp tham gia vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh mà chủ yếu làm công chức nhà nước hoặc làm việc trong các tổ chức xã hội hay tôn giáo. Họ tham gia gián tiếp vào hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua Luật Bảo trợ của Kuwait. Tỷ dụ, người nước ngoài muốn sản xuất, kinh doanh trên đất Kuwait đều phải thông qua một hợp đồng với một người có quốc tịch Kuwait có đăng ký sản xuất, kinh doanh. Pháp nhân Kuwait này đứng tên trước pháp luật Kuwait để thương nhân nước ngoài hoạt động sản xuất kinh doanh theo một tỷ lệ hoa hồng thỏa thuận giữa đôi bên. Người chủ pháp nhân Kuwait có thể không cần quan tâm đến việc sản xuất, kinh doanh, thuê mướn lao động nước ngoài… Họ sẽ đứng ngoài cuộc nếu như doanh nghiệp nước ngoài do họ bảo trợ trả lệ phí hoa hồng đầy đủ, đúng hạn. Và trường hợp doanh nghiệp tuyển dụng Rodrigo tôi nghĩ cũng thế.

Ba ngọn tháp biểu tượng của một Kuwait vàng son.

Babu lái xe theo hướng đại lộ chính tiến ra khu vực trung tâm thành phố. Các công trình kiến trúc cao tầng dần xuất hiện trong lớp bụi mờ ảo từ sa mạc. Phố xá thênh thang rộng rãi. Hai bên đường là những lối đi dành cho người đi bộ được trồng hàng cây chà là thẳng tắp. Loài cây biểu tượng của các nước Ả Rập này không có nhiều tán lá để làm dịu bớt thời tiết oi bức ở Trung Đông, nhưng lại là loại cây thích hợp cho thổ nhưỡng sa mạc khô cằn. Sau bốn đến năm năm thì cây cho quả, thứ quả ngọt gắt, dẻo dẻo, bùi bùi như mứt được xem là thứ thực phẩm khoái khẩu không thể thiếu được ở các chợ gia vị xứ Ả Rập. Babu chỉ cho tôi ba ngọn tháp cao được xem là biểu tượng của Kuwait. Thì ra đây là công trình tòa tháp Kuwait nổi tiếng được giới thiệu trên quyển tạp chí của hãng Cebu Pacific mà tôi vừa xem qua vào ngày hôm trước. Tòa tháp lớn nhất cao tới 187 mét gồm hai quả cầu nằm xếp chồng lên nhau. Quả cầu phía trên, nhỏ hơn, là một nhà hàng tự phục vụ. Từ nơi này, cứ mỗi nửa giờ, khách tham quan có thể nhìn thấy toàn cảnh thành phố Kuwait và vịnh Ba Tư. Quả cầu thứ hai phía dưới lớn hơn gồm bán cầu trên là ba nhà hàng và bán cầu dưới là bồn chứa 3.785.411,78 lít nước. Tòa tháp thứ hai là một quả cầu cũng chứa lượng dung tích nước tương tự như quả cầu của tòa tháp một được dùng để phục vụ cho thủ đô. Tòa tháp thứ ba là tòa tháp điện lực, giúp rọi sáng hai tòa tháp kia và lắp đặt thêm hệ thống đèn pha bao quanh chân tháp. Babu bảo tôi nên trở lại khám phá tháp Kuwait vào ban đêm vì ba ngọn tháp sẽ được trang trí lung linh bằng hiệu ứng ánh sáng hiện đại nhiều màu sắc và xem người dân Kuwait vui chơi giải trí như thế nào vào những buổi tối. Babu lý giải rằng xã hội Kuwait ngày càng hiện đại, các trò chơi dân gian biến mất thay thế bằng các phương tiện giải trí hiện đại hơn. Khi hoàng hôn xuống, bên cạnh tháp Kuwait là những nhà hàng sang trọng sáng rực những biển hiệu nhiều màu của các loại đèn neon và khu vực công cộng được chính phủ đầu tư cho người dân vui chơi miễn phí, trong đó phần lớn là những lao động nhập cư như Babu.

– Anh ở Kuwait bao lâu? – Babu hỏi tôi.

– Mai tôi sẽ bay qua Iran – Tôi đáp.

– Sao anh đi gấp vậy? Kuwait không tốt à? – Babu hỏi dồn.

Tôi hơi lúng túng vì câu hỏi của anh chàng người Ấn. Thật sự, Kuwait cũng không có quá nhiều điều cho tôi lưu luyến vì tuy có khác Việt Nam nhưng đường phố, kiến trúc và cả văn hóa Hồi thì tôi không còn xa lạ có chăng là cuộc sống của những người di cư buồn bã như Babu hay Rodrigo. Nhưng tôi cũng cố trả lời anh ta theo kiểu xã giao.

– Không, vì kế hoạch của tôi chủ yếu là tham quan Iran.

Babu nhăn trán có vẻ như thất vọng vì chuyến cưỡi ngựa xem hoa của tôi ở Kuwait. Có thể anh chàng nghĩ rằng nhiều khách du lịch đến đây và ở lâu hơn sẽ giúp anh ta có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống nơi đất khách quê người. Thấy Babu im lặng nên tôi chủ động bắt chuyện:

– Thế Kuwait có gì hay không Babu hay chỉ phố xá thế này?

– Kuwait rất đắt đỏ nếu vui chơi ăn uống trong các nhà hàng đặc sản. Nếu anh muốn tham dự lễ hội thì hai ngày nữa là đến lễ Al-Qarqiaan. Lễ hội sẽ diễn ra ba ngày, đó là vào những đêm thứ mười ba, mười bốn và mười lăm của tháng Ramadan. Anh sẽ thấy rất nhiều trẻ em đi lang thang quanh các khu phố. Chúng sẽ hát vang và cầu nguyện Đấng tối cao Allah hãy bảo vệ trẻ em trong những khu nhà mà chúng ghé thăm. Các bà mẹ sẽ cho chúng kẹo và các loại hạt để thay lời cảm ơn trước sự chúc phúc của chúng. Nếu như các con tôi ở đây, chắc chắn chúng sẽ thích lễ hội này! – Babu chùng giọng ở câu cuối làm tôi cũng chạnh lòng. Một mảnh đời mưu sinh khốn khó giữa phố xá vàng son ở Kuwait.

Xa xa, ẩn hiện một công trình kiến trúc với chiều cao nổi bật trong rừng các tòa nhà chọc trời ở thủ đô Kuwait. Tòa tháp ốp kính vàng màu đồng như quyển sách được uốn cong hé lộ những mảng tường trắng được thiết kế hoa văn rất độc đáo. Kiến trúc làm tôi gợi nhớ đến quyển kinh Koran của người Hồi giáo. Khi mới hoàn thành, đây là tòa tháp cao nhất Kuwait và được xem là công trình cao thứ 15 trên thế giới. Không còn bàn cãi khi tài nguyên dầu hỏa dồi dào đã làm cho các nước ở Trung Đông mạnh dạn trong việc chinh phục độ cao bằng các tòa nhà hiện đại. Còn nhớ tòa nhà Taipei 101 ở Đài Loan cao 509 mét khi khánh thành là tòa nhà cao nhất thế giới chưa được bao lâu thì đã nhường lại vị trí này cho tòa tháp Buji Khalifa ở Dubai cao 828 mét. Cuộc chiến độ cao chắc chắn sẽ không dừng lại khi những dự án tòa nhà chọc trời trên thế giới vẫn đang tiếp tục triển khai, chủ yếu là sự cạnh tranh tầm cao của Trung Quốc và các quốc gia dầu mỏ ở Trung Đông.

Kuwait giờ đây là những con phố khang trang, những tòa tháp cao tầng hiện đại, những chiếc xe ô tô thể thao mui trần bóng lộn xuất hiện trên phố ngày càng nhiều. Nhưng tôi lại thương cảm đến số phận của những người nhập cư, đồng cảm với những tập tục tôn giáo truyền thống dường như chỉ là lớp son phấn bề ngoài. Đằng sau sự hào nhoáng của phố xá, sự khắt khe của luật lệ còn cho thấy một đất nước Trung Đông đang dần thay đổi về mọi mặt, giống như một nước Nhật đã chấp nhận hy sinh một phần bản sắc truyền thống để đổi lấy sự phát triển về kinh tế sau Thế chiến II. Nhưng người Nhật lại đi lên từ sự hoang tàn, không có tài nguyên, thiên tai luôn rình rập chỉ có tinh thần bền bỉ, sự chịu khó và đồng lòng là thứ vũ khí siêu hạng cho nước Nhật vươn lên về kinh tế. Còn Kuwait thì dường như được Thượng Đế ưu đãi hơn nhiều khi vùng đất từng là nền văn minh Lưỡng Hà lại sở hữu kho báu vàng đen khổng lồ mặc sức mà khai thác và hưởng thụ.

Từng cơn gió biển càng lúc càng nhặt hơn như thử sức chịu đựng của lữ khách. Tôi chủ động nhờ Babu thả tôi xuống một trung tâm thương mại nào đó để trốn cái nóng ngày càng rát bỏng. Tôi tìm một góc khuất để lấy chai nước lọc 500ml rồi uống trong tích tắc, uống như chưa bao giờ được uống. Bỗng thấy mình như vừa thoát khỏi sa mạc mênh mông cát và tìm được một ốc đảo xanh rờn. Tôi lại nhớ đến hành trình năm xưa của những đoàn người nhẫn nại. Họ di chuyển hàng tháng trời băng qua các sa mạc khô cằn để đến những vùng đất mới cho quá trình sinh nhai của mình. Con đường tơ lụa có lẽ là cuộc mưu sinh vất vả nhất của người xưa trong quá trình làm giàu và vươn lên trong cuộc sống.

BỠ NGỠ KUWAIT

Kuwait là một quốc gia Trung Đông có diện tích thuộc hàng nhỏ nhất trên thế giới. Tên nước trong tiếng Ả Rập có nghĩa là “Pháo đài được xây dựng gần nước.” Đất nước nằm bên bờ vịnh Ba Tư thuộc phạm vi của nền văn minh Lưỡng Hà vang dội trong quá khứ. Chính vì thế, Kuwait được biết đến là một đất nước giàu có không chỉ nhờ vào trữ lượng vàng đen mà còn vì chứa đựng những yếu tố văn hóa truyền thống cổ xưa. Kuwait luôn gìn giữ mối liên kết chặt chẽ với quá khứ và chính phủ nước này rất tự hào vì đã bảo tồn được các di tích lịch sử song song với việc gìn giữ các tác phẩm nghệ thuật và văn hóa hiện đại. Đằng sau những kiến trúc hào nhoáng ở Kuwait là cả một bề dày văn hóa được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Nền văn hóa Kuwait bao gồm nhiều hình thức nghệ thuật và diễn đạt khác nhau. Một nét nổi bật tượng trưng cho các xu hướng sáng tạo của Kuwait chính là hệ thống kiến trúc đa dạng, có thể thấy ở khắp nơi tại Kuwait, từ trung tâm thành phố với các tòa lâu đài hướng biển và các tòa nhà văn phòng của chính phủ cho đến những khu vực ngoại ô. Nét đặc trưng của kiến trúc nơi này thể hiện hầu hết mọi mặt trong đời sống văn hóa của Kuwait: đó là sự pha trộn giữa cũ và mới, giữa truyền thống và hiện đại, giữa khiêm nhường và khoa trương.

  1. Visa

Việt Nam cùng công dân của 33 quốc gia/vùng lãnh thổ như: Ai-len, Andorra, Áo, Ba Lan, Bỉ, Brunei, Bồ Đào Nha, Canada, Đan Mạch, Đức, Hà Lan, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Hồng Kông, Hy Lạp, Iceland, Luxembourg, Malaysia, Monaco, Na Uy, New Zealand, Nhật Bản, Pháp, Phần Lan, San Marino, Singapore, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Úc, Vương Quốc Anh, Vatican và Ý đủ điều kiện được cấp visa tại các cửa khẩu bằng đường hàng không và đường bộ. Với lệ phí ba Kuwaiti dinar bạn sẽ được cấp visa du lịch trong ba tháng cho một lần nhập cảnh. Nếu lưu trú quá thời hạn, khi làm thủ tục xuất cảnh bạn sẽ bị phạt haiKuwaiti dinar mỗi ngày.

  1. Phương tiện di chuyển

Từ Việt Nam, hiện tại chưa có đường bay trực tiếp đến Kuwait. Bạn có thể tìm vé máy bay nối tuyến sang các nước Đông Nam Á khác trước khi đến Kuwait. Một số hãng hàng không ở Đông Nam Á có đường bay đến Kuwait như: Cebu Pacific, Malaysia Airlines, Singapore Airlines, Thai Airways hoặc bạn có thể sử dụng một số hãng hàng không Trung Đông và châu Á khác như: Jet Airways, Etihad Airways, Qatar Airways, Emirates Airlines, Turkish Airlines hay hãng hàng không quốc gia Kuwait Airways cũng có một số đường bay tới châu Âu, châu Á, châu Phi, Trung Đông và các quốc gia Đông Nam Á.

Nếu bạn cần một visa lúc đến sân bay, bạn không đi đến sảnh nhập cảnh ngay, mà phải tìm kiếm khu vực “cấp visa tại chỗ” đối diện với sảnh Dasman.

  1. Khách sạn

Vì mức sống khá cao nên ở Kuwait rất ít dịch vụ dành cho khách du lịch bụi. Khách sạn tiêu chuẩn ở đây đa phần từ ba sao trở lên. Bạn có thể giữ phòng qua một số trang web đặt phòng trực tuyến như Agoda.com hay Booking.com. Phòng ở khách sạn ba sao có giá thấp nhất là 50 đô-la Mỹ cho một đêm. Muốn đặt được giá này bạn phải giữ chỗ sớm. Đa phần các khách sạn tiêu chuẩn ba sao đều gần khu trung tâm, gần hệ thống xe điện ngầm đều cáo giá trung bình từ 70 đến 100 đô-la. Phòng ở được trang bị khá tiện nghi và sạch sẽ. Chăn, gối, ga gường đều được bọc ni-lông tươm tất và thơm phức. Một số khách sạn trang bị máy giặt, bàn là, bếp nấu ăn giành cho khách. Nếu bạn đi vào tháng chay Ramadan thì khách sạn sẽ không cung cấp bữa ăn sáng cho khách.

  1. Ẩm thực

Nằm trong khu vực Trung Đông, văn hóa ẩm thực Kuwait bị ảnh hưởng bởi Ả Rập, Ba Tư, Ấn Độ và các món ăn vùng Địa Trung Hải. Món ăn truyền thống nổi tiếng của Kuwait là món cơm trộn machboos, một đặc sản được chế biến với thành phần chính là gạo masmati được nấu chín, ướp với các gia vị Trung Đông cùng thịt gà, thịt cừu, cá, trứng hay các loại rau.

Vì là quốc gia Hồi giáo nên Kuwait cấm giết mổ, ăn uống, nhập khẩu, lưu thông, mua bán thịt heo; cấm các sản phẩm có nguồn gốc hoặc được chế biến từ thịt heo dù là lượng rất nhỏ; cấm đồ uống có cồn. Trong các buổi tiệc, nước hoa quả, nước ngọt được thay thế cho rượu bia. Tuy nhiên với lợi thế nằm trên vịnh Ba Tư, ẩm thực Kuwait rất xem trọng nguồn thực phẩm từ biển. Vì thế, hải sản, đặc biệt là cá, đóng vai trò rất quan trọng trong chế độ ăn uống của Kuwait. Khách du lịch nên thưởng thức loại cá đặc trưng của địa phương như hamour, safi hay sobaity thường được các nhà hàng chế biến bằng cách nướng, rán và ăn kèm với cơmbiryani.

Bánh mì tròn truyền thống của Kuwait được gọi là khubz. Đó là loại bánh mì dẹt được nướng trong những lò nướng đặc biệt. Người Kuwait rất thích dùng khubz chấm với nước mắm mahyawa trong các bữa ăn ở gia đình.

Ngoài ra, ở Kuwait có rất nhiều món ăn châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản, Trung Hoa do các đầu bếp quốc tế chế biến.

  1. Một số lưu ý khác về tôn giáo, văn hóa
  • Kuwait tuân theo quy định của luật Hồi giáo Shariya và quy định Halal của Liên minh Hồi giáo thế giới. Những hành vi báng bổ, phỉ báng Thánh Allah, Tiên tri Muhammad, Kinh Koran của người Hồi giáo, hay phá hoại nhà thờ, nơi linh thiêng đều bị kết tội rất nặng.
  • Cấm nhập khẩu các sản phẩm văn hóa trái với quy định của đạo Hồi như: văn hóa phẩm đồi trụy, văn hóa phẩm thuộc các tôn giáo khác, có nội dung chống lại thuần phong mỹ tục truyền thống đạo Hồi, các loại tượng Chúa, tượng Phật…
  • Thời gian làm việc thông thường ở Kuwait bắt đầu từ 8 giờ sáng (trong tháng chay Ramadan có thể từ 9 giờ) kết thúc khoảng hai giờ chiều và bắt đầu ăn trưa (đây là bữa ăn chính). Thứ Sáu là ngày linh thiêng của đất nước này, cơ quan nhà nước và các công ty nghỉ làm việc. Thứ Bảy là ngày cuối tuần của Kuwait và mọi hoạt động của tuần mới sẽ bắt đầu vào Chủ Nhật.
  • Trong tháng Ramadan, người Kuwait cũng thực hiện việc kiêng khem như tất cả người Hồi giáo trên thế giới. Trong thời gian này các cửa hàng ăn đều đóng cửa vào ban ngày, bất kỳ hoạt động sát sinh nào cũng bị cho là tội lỗi và không được phép thực hiện. Vào lúc hoàng hôn, các gia đình người Kuwait và bạn bè tụ tập nhau để mừng lễ Iftar cho việc kết thúc thời điểm ăn chay trong ngày. Các lễ hội thường kéo dài suốt đêm. Nhìn chung, trong thời gian lễ Ramadan, mọi hoạt động diễn ra chậm hơn bình thường.
  • Người Kuwait không phải là không hiếu khách (sau khi tôi có dịp tiếp xúc nhiều người dân Kuwait hơn) tuy nhiên điều quan trọng là phải cư xử theo chuẩn mực văn hóa của họ. Trong xã hội Kuwait, phụ nữ đóng vai trò quan trọng hơn so với phụ nữ các quốc gia Hồi giáo khác, có nhiều người làm việc tại các cơ quan nhà nước hay các công ty.
  • Đàn ông Kuwait giữ kín thông tin nữ giới trong gia đình, dòng tộc. Người ngoài không nên đặt câu hỏi về vợ và những người phụ nữ trong gia đình họ.
  1. Các điểm tham quan

Bạn có thể tham quan một số địa điểm nổi bật khi đến Kuwait như: tháp Kuwait, nhà thờ Hồi giáo (Grand Mosque), tháp Giải Phóng (Liberation Tower), tòa Tháp Al Hamra, cung điện Seif, bảo tàng quốc gia Kuwait, cung điện Bayan, chợ Mubarakeya, trung tâm trưng bày của Công ty dầu hỏa Kuwait (KOC)… để có thể chiêm ngưỡng một Kuwait vàng son.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button