Quà tặng cuộc sống

Giữa Đôi Bờ Thương Nhớ

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Đỗ Xuân Thảo

Download sách Giữa Đôi Bờ Thương Nhớ ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : Quà tặng cuộc sống

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.


Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời giới thiệu

Sớm nay, ngắm đóa cúc vàng rung rinh theo nhịp xe của một em gái áo hồng lướt qua đầu ngõ, mình chợt nhận ra mùa thu đã về.

Và trong cái không khí bảng lảng ướp hương hoa cúc ấy, mình ngồi đọc những trang văn của “người cùng phòng” mà mình thường âu yếm gọi là: Bố Nam!

Thực ra, những trang tản văn này mình đã đọc nhiều lần rồi. Nhưng giờ đây, khi chúng được tập hợp lại, nằm âu yếm bên nhau trong tập sách Giữa đôi bờ thương nhớ mình bỗng có cảm giác say mê, háo hức… như mùa yêu đầu.

Những bài viết của bố Nam, với mình, thật nhẹ, thấm và ấm… như cách mà bố Nam nhìn cuộc đời. Bởi vậy nếu bạn đọc nhẩn nha, bạn có thể tìm thấy chút bình yên, êm ả tự trong lòng.

Bằng sự quan sát tinh tế, những thẩm thấu và lắng lòng chân thật, mỗi con người, mỗi sự vật hiện lên qua những trang viết của bố Nam đều chạm khẽ, dịu dàng và tỏa hương.

Với bố Nam, kỉ niệm đời người như lớp lớp phù sa bồi đắp kí ức. Những hoài niệm về ấu thơ, về mối tình đầu vụng dại, về những người hàng xóm ở quê, những người bạn bè…cứ như muôn lớp trầm tích chan chứa yêu thương, ấm nóng, dạt dào.

Chênh chao Giữa đôi bờ thương nhớ là một “Dòng sông đầy nắng”. Bạn thử tưởng tượng bạn đang đứng bên một dòng sông, nắng từ trên cao rọi xuống mặt sông hiền hòa lấp lánh. Bạn nhìn xuống mặt sông và bạn sẽ thấy gương mặt mình đang mỉm cười. Mình cũng có cảm giác như vậy khi đọc những mẩu chuyện kể về “Ngày của mẹ dấu yêu”, “Em gái” hay “Vì con luôn ở bên”… Mỗi mẩu chuyện khi thì rưng rưng thương mến, lúc lại hóm hỉnh nụ cười duyên. Cũng có lúc cảm thấy “bực mình” khi đọc “Được lời như cởi tấm lòng”, “Van an toàn”… vì mình chính là nhân vật “ bị” đem ra để tếu táo. Nhưng mình thấu hiểu, ẩn sâu sau những dòng tếu táo ấy là tràn ngập những thương yêu…

Và như chừng sợ mình mải chùng chình bên “Dòng sông đầy nắng” nên đã có “Bắc nhịp cầu thương yêu”. Mình thực sự, thực sự thích những câu chuyện ở mục này. Rất nhiều lần vừa đọc, mình vừa dừng lại lau nước mắt. Lòng cồn cào nhớ và nôn nao niềm thương mến. Bố Nam viết về người anh trai “Hiền như lúa và lành như đất”, về anh Phúc “Tròn đầy những giêng hai”, về anh Tuấn Anh “Cõi cô đơn”, về anh Đức Bảo “Tri kỷ”, về chị Nga “Đồng điệu”… bằng cảm xúc chân thành từ trái tim yêu thương tha thiết. Cảm xúc ấy được chuyển tải thông qua ngôn từ giản dị mà rất đẹp, có không ít những câu văn theo mình, đẹp một cách mê mị. Vẻ đẹp ngôn từ trong “Bắc nhịp cầu thương yêu” không chỉ khu trú trong phạm vi ngữ nghĩa của từ ngữ mà còn lấp lánh vẻ đẹp của một tâm hồn. Nên thú thực, đọc những câu văn đó, mình càng thấy đồng cảm, sẻ chia và trân quý bố Nam nhiều hơn.

Bố Nam viết văn như “lên đồng”. Đêm đêm lụi hụi lẩn mẩn, cần mẫn viết viết xóa xóa. Có lẽ vì thế nên mới có “Viết giữa những cơn mơ”. Trong “Viết giữa những cơn mơ”, thực thực ảo ảo đan quyện vào nhau. Không thấy một người nào cụ thể nhưng lại thấp thoáng hình bóng của những người ở quanh ta. Nên thương lắm một mớ tóc dài, nên ấp iu lắm một bờ vai, nên xót xa lắm những giọt nước mắt mẹ cha… Bố Nam là người “đa đoan”, luôn có cái nhìn thấu cảm với những phận người cần lao thương khó. Có lẽ vì thế, thăm thẳm giữa những cơn mơ là nỗi buồn nặng trĩu ân tình.

Mình đọc văn bố Nam với tâm thế của một học trò đọc văn thầy – vừa ngưỡng mộ lại vừa muốn lùi ra xa một chút để chiêm nghiệm. Mình cũng đọc những trang văn ấy với tâm thế của một người mẹ – yêu thương một ông bố đắm đuối vì con. Và cùng với đó là tâm thế của một người bạn – muốn đồng hành cùng tác giả trong suốt những hành trình dài thương mến.

Chính tâm thế đa chiều đó khiến cuốn sách mang đến cho mình lớp lớp xúc cảm của niềm hạnh thiện. Đọc để thấy tim mình ấm nóng, thấy thương, thấy mến, thấy trân trọng muôn phần.

Đôi lần, cũng “ghen tị” với lối kể chuyện duyên dáng của bố Nam, cái lối kể rủ rỉ rù rì khiến nhiều bạn đọc nữ cứ nhắn tin chíu chít. Nhưng rồi lại mỉm cười. Lại thấy lấp lóa đóa hoa vàng của mùa thu tràn nắng…

Nào, đưa tay đây em nắm. Đường còn xa tít chân trời. Một dòng sông thơ đầy nắng. Chờ người sao lắm thương yêu…

Cứ viết tiếp đi nhé, cho yêu thương là mênh mang miên man nhé, bố Nam à…

PHAN THỊ HỒ ĐIỆP

Phần I

Bắc nhịp cầu thương yêu

Hiền như lúa và lành như đất

Từ khi mình u oa biết cầm cái thìa tự xúc miếng cơm, bố đã dạy phải biết nâng niu hạt gạo bằng việc xúc ăn cho gọn gàng. Bởi vậy hễ cứ có hạt cơm nào vương ra ngoài là mình biết lấy tay nhặt rồi chậm rãi đưa lên miệng nhấm nháp. Đến khi biết cầm đũa thì ăn xong cái bát phải sạch queo. Lớn lên một tí, đến tuổi vào bếp nấu cơm thì phải biết đong gạo mỗi bữa theo định mức, phải biết vần nồi cơm sao cho không bị cháy.

Thế đó, cùng với sự lớn lên của mỗi đứa trẻ quê là biết bao nhiêu bài học về hạt gạo và miếng cơm.Hồi ấy, trẻ con ở quê đứa nào cũng biết ra đồng làm đất, ủ giống, bón phân, nhổ mạ, cấy lúa, gặt hái, xay lúa, giã gạo… Biết về cuộc đời cây lúa từ lúc là nhánh mạ đến khi làm đòng, ra hạt, thành rạ, thành rơm. Biết lúa nghẹn khi ngập úng. Biết lúa cười khi mưa hiền hòa. Biết lúa hát khi trăng thanh. Và biết lúa đau khi mùa hạn đồng khô cỏ cháy. Chén cơm vì vậy mà đằm hơn, nặng hơn.

Không gì thân thiết và thiêng liêng hơn cây lúa.

… Và thật kì lạ là mỗi khi nghĩ về cây lúa, mình lại cồn cào nhớ đến anh Ba.

Chắc bởi cả cuộc đời ngắn ngủi của anh đều gắn với đồng với ruộng, thân thiết như là máu thịt, đẹp và trong trẻo hơn một bài thơ.

Gọi là anh Ba vì anh đứng… thứ ba trong nhà. Anh đẹp trai nhất trong số bốn anh em trai. Dáng người cao to, trắng trẻo, khuôn mặt hiền thật là hiền. Anh hiền như lúa và lành như đất. Cả tuổi thơ của mình, lúc nào cũng thấy anh Ba cặm cụi khi thì vác đất, khi thì làm cỏ lúa, lúc rảnh lại may vá thêu thùa. Con trai gì mà hiền ơi là hiền, chăm ơi là chăm và khéo ơi là khéo… Người làng thường thốt lên như thế mỗi khi nói về anh.

Hàng ngày, cứ tang tảng sáng là anh đã trở dậy, cặm cụi vào bếp đun nồi nước pha cho bố ấm chè xanh, rồi luộc khoai, vùi sắn… Mình khi ấy vẫn nằm co ro như một con mèo gầy nhách, cuộn mình trong ổ rơm. Thi thoảng hé mắt nhìn, thấy anh chập chờn bên bếp lửa, chẳng khác gì bóng bố. Thoắt thấy làn sương bay lên mỏng mảnh, một cảm giác chỉ có thể gọi là yên ả, thanh bình.

Mỗi buổi chiều, khi trời đã nhập nhoạng, anh mới từ ngoài đồng hay trên núi về. Thẩn tha, chậm rãi, hiền hòa. Mình cứ nhớ mãi cái màu khói tím thẫm hoàng hôn lẫn vào màu áo anh, hòa lẫn cả vào màu trời bàng bạc, lành như đám mây thơ thẩn cuối đường chiều. Hồi đó mình còn bé xíu nhưng những cảm nhận về anh luôn là sự ấm áp, gửi trao tin cậy. Mình gắn bó với anh hệt như người nông dân gắn với những vạt lúa của một thời thương khó mà rất đỗi an yên.

ĐỌC THỬ

Nhưng hình như chính vì thế, ở cạnh anh, mình càng thêm nghịch ngợm, thêm bướng bỉnh, đành hanh. Có cái gì đó cứ ấm a ấm ức. Sao anh hiền thế. Sao anh chăm thế. Sao anh hay được bu chiều chuộng thế. Mình thì ngược lại, toàn bị mắng vì mải chơi, ham nghịch. Rõ là “con yêu, con ghét” chả hiểu ra làm sao… Vậy nên, mình luôn nghĩ ra nhiều trò để chọc phá anh. Anh đi làm thủy lợi được mấy hào để trong túi quần chẳng khi nào dùng đến. Mình ngủ cùng anh, “ủ mưu” đợi lúc anh ngủ say rồi móc hết. Lấy xong thì nằm thao thức, mấy đồng tiền nóng rẫy trong lòng tay. Rồi lo lắng toát mồ hôi nghĩ đến cảnh sáng mai thức dậy, phát hiện ra tiền bị mất anh sẽ nói với bu. Bu sẽ biết ngay là mình lấy. Và thế là sẽ ăn đòn. Nhưng sáng hôm sau, anh tỉnh dậy, sờ sờ nắn nắn vào cái túi rỗng không, ngẫm nghĩ một lát rồi lại vác cuốc đi làm. Khuôn mặt vẫn hiền khô, nhẹ nhõm. Như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Mình cứ ngơ ngác.Thật chẳng hiểu ra sao.

Nhưng trẻ con thì nhanh quên. Và còn thêm vài lần như thế nữa. Anh vẫn “tảng lờ” và mình thì cứ hí hửng vui râm ran vì anh đã “không thèm chấp”.

… Mình vẫn cứ cãi anh, cứ trêu chọc anh. Cố tình làm thế để xem anh còn hiền được đến bao giờ.

Đỉnh điểm của lần cãi bướng với anh là năm mình học lớp bốn. Năm ấy mình được cử đi thi học sinh giỏi huyện. Anh biết tin thì mừng lắm. Mắt anh nhìn mình lấp lánh niềm tin yêu. Chiều lên huyện thi nhưng buổi sáng mình còn mải mê tát cá. Trưa trật mới về đến nhà, vất vội giỏ cá, xấp ngửa đi thi. Anh đứng đợi đầu ngõ, nhìn thấy mình thì quát lớn: Đã bảo ở nhà nghỉ để chiều đi thi, ai khiến giờ này còn lấm lem như thế…

Mình vênh mặt lên, nói như thách thức: Bu bảo em! Em cứ đi đấy…

Anh không nói gì, lẳng lặng cầm cái giỏ lốc nhốc cua cá mình vừa bắt được về, lẳng ra đầu ngõ.

Cua cá từ trong giỏ bò lổm ngổm. Trời trưa nóng nhã nhượi. Mình vừa tức vừa tiếc, khóc lu loa, lăn ra ngõ ăn vạ. Ngay lúc ấy, mình vớ một hòn gạch gần đó, ném về phía anh. Hòn gạch bay vèo trúng ngang thắt lưng anh. Chỉ thấy anh kêu hự một tiếng và ôm lưng, mặt nhăn nhó…

Mình sợ quá, ù té chạy.

Chiều ấy, đi thi về, mình không dám vào nhà, chỉ lảng vảng quanh quẩn nơi mấy cây rơm đầu ngõ nghe ngóng tình hình. Cú ném mạnh thế, anh mà mách bu thì mình ăn no đòn nên đành phải chờ cái đã.

Vậy mà tịnh không thấy ai trong nhà nói gì cả. Anh xem chừng vừa đi vác đất đắp đê về, vẫn rì rầm nói chuyện với bu bên cầu ao. Khoan thai, nhẹ nhõm.

Lúc sau, anh ra đầu ngõ, nói to cốt để mình nghe thấy: Còn thập thò ở đấy làm gì, vào mà ăn cơm đi kẻo đói.

Mình nghe như mở cờ trong bụng, lách cha lách chách ào vào nhà.

Chỉ có vậy thôi mà thành kỉ niệm nhưng nhức suốt từ thơ ấu đến tận bây giờ. Nó ám ảnh nhức nhối trong từng giấc ngủ. Nó trở đi trở lại hằn lên trong lồng ngực những nhói buốt. Nhiều khi chỉ vừa nghĩ đến đã thấy mắt ầng ậng nước. Cơn đau thông thốc từ óc chạy xộc thẳng vào tim, quặn thắt, nghẹn ngào…

Bởi chỉ mấy năm sau đó, Anh vào chiến trường biên giới Tây Nam và hy sinh khi chưa tròn 19 tuổi…

Anh hy sinh mà chưa một lần cầm tay con gái. Lời hẹn hò cùng chị Tuyến năm nào mãi còn ngập ngừng dang dở trên cõi đời bụi bặm, phù du…

Phải chăng, hiểu lòng anh, thương anh côi cút nên chị đã lặng lẽ “theo” anh về nơi chín suối. Để chị cùng anh nối hẹn thề xưa, để viết tiếp bài ca tình yêu trong sáng và thánh thiện đến vô ngần…

Mấy năm sau ngày anh hy sinh, bữa ăn nào bố mẹ cũng vẫn để thừa ra cái bát đôi đũa, chờ anh trở về dù cơm canh ngày nối ngày nguội ngắt…

Mâm bát cứ chống chếnh, nghiêng phía nào cũng lệch. Day dứt trong lòng mẹ cha luôn là câu hỏi: Sao nó đẹp đẽ vậy, hiền lành, chăm chỉ là vậy mà lại vắn số thiệt phận?…

Mãi mãi chẳng có câu trả lời…

Anh đã tan vào trong cát, trong gió, trong nắng, như một cuộc thiên di vời vợi thẳm xa… Vì sau trận đánh, đơn vị anh tan tác, hồ sơ về anh thất lạc… nên gần năm năm sau ngày anh hy sinh, sau bao nhiêu lạy lục của người thân khắp nẻo công đường, anh mới được công nhận liệt sĩ. Cũng như gần bốn chục năm rồi, cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam mà anh và biết bao đồng đội hy sinh thầm lặng đã chìm vào quá vãng…

Mình đã nhiều lần lặn lội đi tìm phần mộ của anh nhưng vô vọng. Những buổi chiều Tây Ninh bời bời nắng, mình ôm bó nhang đứng trước bạt ngàn những nấm mộ vô danh, mong khói hương dẫn dụ anh về với gia đình, với mẹ cha, với quê hương muôn thương ngàn nhớ… Và mình tin, anh luôn hiện diện đâu đó giữa bạt ngàn đồi chè xanh quê mẹ, với hương lúa thơm cơm gạo mới, với tiếng chim cuốc kêu đêm thao thiết gọi sang hè.

Anh mãi mãi không già đi, không yếu đi, lúc nào cũng là khuôn mặt sáng trong, nụ cười hiền hòa, nhẹ nhõm ấy. Anh mãi mãi tuổi 19…

Riêng chỉ có điều này mình luôn đau đáu cầu mong… là được đền anh những lỗi lầm ngày nhỏ.

Đền cho anh cái bánh rán ở chợ quê đầu làng mà vì đói quá, thèm quá em đã trót ăn vụng bằng những đồng tiền lấy trộm của anh…

Đền cho anh cái đau quặn nơi lưng do viên gạch em ném trưa nào…

Nghĩ đến đấy, lại thấy nước mắt ứa mi mằn mặn…

Anh ơi! Chắc anh không thể nào biết được, chính vì những lỗi lầm thơ dại thuở ấu thơ như thế mà sau này em không dám “hư” khi còn trẻ, không dám buông xuôi khi lập thân và không đánh mất danh dự trong suốt những tháng năm dằng dặc muôn nỗi trần ai, khốn khó. Em đã cố gắng hết mình với khao khát được dâng lên anh hoa thơm, trái ngọt cùng với niềm ân hận và nỗi xót thương không gì bù đắp nổi…

Anh à! Mỗi lần về quê, em thường đứng một mình giữa mênh mang đồng bãi, nơi ngày xưa anh thường dầm chân trong giá rét chiều đông hay rát bỏng những trưa hè. Lúa biếc xanh là thế mà sao ngơ ngác tội tình. Em cũng ngác ngơ như con cò giữa nắng và gió. Phía chếch bên kia là sườn núi làng toàn năn lác và cỏ cháy. Em thấy anh hiện về dang rộng đôi tay như ấp ôm chở che cho em rồi anh nhỏ nhẻ: Thảo ơi! Em gắng học hành tu dưỡng. Học cho thật giỏi vào để thay phần chị và các anh lo cho bố mẹ, cho mọi người thương yêu, em nhé… Vâng anh! Em gắng rồi mà. Em thay chị và các anh được mà. Lòng em đủ ấm và vòng tay em đủ rộng, anh à…

… Rồi đêm từng đêm trong trập trùng những giấc mơ hoang hoải, em lại được trở về như đứa em bé dại của anh ngày nảo ngày nào… lón cón theo chân anh mỗi buổi học về và nao nức kể chuyện anh nghe…

Nghĩ tới đó, em rạp mình xuống lúa…

Và em thấy lúa ôm em trong ngạt ngào gió và ngan ngát hương đồng…

Cõi cô đơn

Trong cuộc sống, có những người bạn lặng lẽ đi qua đời ta và để lại trong lòng ta những kí ức hồng hào long lanh như muôn ngàn giọt nắng.

Mình có một đứa bạn đặc biệt như vậy.

Mình quen nó từ những ngày đầu vào đại học. Hai thằng cùng được chọn vào lớp Văn 5 (sau năm năm học, sinh viên sẽ hoàn thành cả chương trình đại học và cao học, kiểu như lớp chất lượng cao bây giờ). Cũng chính từ đây, tình bạn giữa mình và nó bắt đầu.

Mình thì lúc nào cũng thế, cứ đến môi trường xa lạ là cảm giác tự ti xâm lấn. Mình thường so se trong bộ quần áo vá chằng vá đụp rộng thùng thình do anh trai để lại. Mình hay ngượng ngùng khi để lộ đôi bàn tay chằng chịt vết cua cắp, vết đỉa cắn, vết gai cào xước. Những ngón tay hầu như không bao giờ lành vết thương. Cứ vết này vừa ăn da non, vết mới đã đè lên, máu tươi ròng. Nên ngày nhập học, đứng giữa đám bạn bè xa lạ mình cứ ước giá có phép thần thông, mình sẽ thu nhỏ thân hình lại bé như một cánh hoa, bay lang thang giữa không trung.

Nó hồn nhiên kết bạn với mình, chẳng bao giờ để ý đến việc mình từ đâu đến và gia cảnh thế nào (dù bản thân nó xuất thân từ tầng lớp “danh gia vọng tộc” so với xuất phát điểm “ba đời ăn củ chuối” của mình). Hai thằng ngủ chung giường, mình tầng trên, nó tầng dưới. Ngày nhận phòng, trong khi mình lếch thếch lôi “gia tài” là cái hòm đựng đồ sứt sẹo mọt tứ bề thì nó nằm khểnh đợi người nhà mang đồ đạc đến. Vậy mà khi mình vừa đặt mấy quyển sách cũ kĩ lên giường là nó chạy ào đến, mắt sáng rực. Nó vỗ vai mình như đã thân thiết tự lâu lắm. Và hai đứa bắt đầu huyên thuyên luận bình về những cuốn sách ấy cho đến khi bóng chiều nhập nhoạng hắt qua khung cửa.

Đó là khởi đầu cho những luận bàn về văn chương giữa hai đứa.

Và đó cũng là khởi đầu cho những “phiền toái” mà mình phải “chịu đựng” từ nó.

Nó học quá giỏi. Mà dùng từ “học” e không chính xác với nó. Là sinh viên nhưng nó đã nghiên cứu những vấn đề rất chuyên sâu. Trong đó không ít những phát hiện đi ngược lại quan điểm truyền thống của những “cây đa cây đề” đi trước. Nếu chỉ dừng lại ở khía cạnh khoa học thì chắc cũng không có điều gì đáng nói, đằng này cách thể hiện của nó, trong mắt mọi người lại có cái gì đó ngông nghênh, vị kỉ. Và vì thế, nó càng ngày càng bị đặt trong sự e dè, xét nét của thầy cô, của bạn bè, đồng nghiệp.

Nó cô đơn trong biển tri thức của mình. Sự cô đơn của trí tuệ. Nhiều lúc mình cảm giác nó như con ngựa bị ghìm bởi dây cương, càng vùng vẫy, cái dây càng thít chặt hơn. Cảm giác thương và bất lực…

Mình thì không biết làm thế nào để có thể khuyên nhủ nó bớt “gàn”, bớt ngông nghênh đi. Phần vì khi đó mình chưa từng trải, phần vì, là người gần gụi thân cận, mình hiểu trong thẳm sâu tâm hồn, nó cần được giải tỏa năng lượng tư duy thiên phú, cái mà người ta thường hay gặp ở những tài năng.

Và mình nể phục sức học của nó.

Nó tự học tiếng Nga (chủ yếu thắp đèn dầu lầm lũi học) mà rồi vốn tiếng Nga của nó đủ để đọc sách rồi dịch văn, thơ. Nó phê phán các bản dịch của nhiều học giả và tự tìm cho mình cách dịch mới mẻ hơn.

Nó nhìn nhận các tác phẩm “kinh điển” dưới những góc nhìn mới hoàn toàn khác so với lối suy nghĩ “một chiều” trước đó.

Nó công khai “đấu tranh” với cách dạy của một số giáo sư mà theo nó là giáo điều, khuôn sáo…

Cứ thế, nó càng lúc càng bị… cô lập.

… Và mình là một trong những “địa chỉ” tin cậy để nó trút nỗi cô đơn.

Rất nhiều lần, giữa đêm khuya mình bị dựng dậy để ngồi nghe nó đọc bài bình về một tác phẩm nào đó. Những lúc ấy, mình chẳng hề giận nó. Mình ngồi nghe thành thực chăm chú. Trong ánh sáng mờ mờ của ngọn đèn thời bao cấp vàng ệch, khuôn mặt nó sáng rỡ. Mình như đọc được trong tâm hồn nó, những giai điệu không lời của một bài ca thiết tha yêu dấu về tình người, về vẻ đẹp thực sự của văn chương… Và lần nào cũng thế, sau khi nghe xong, chờ nó hết “cơn” lên đồng, mình khẽ ôm vai nó. Hai đứa ngồi lặng thêm một lúc nữa giữa đêm khuya tịch mịch tưởng như có thể nghe thấy tiếng tim mình đập khẽ khàng trong lồng ngực. Sự trao gửi tin cậy không nói được bằng lời.

Nhưng mình thì rất khác với nó.

Trong khi nó cứ đắm chìm với việc tìm hiểu – phản biện – sáng tạo thì mình, ngoài giờ trên giảng đường là lặn lội làm thêm để kiếm tiền lo trang trải những nỗi lo năm bè bảy mối.

Mình buôn bán đủ thứ, từ que kem mút đến quả trứng vịt lộn, rồi đinh vít, mì chính, nước ngọt, chè xanh… cứ thấy cái gì có thể kiếm tiền là lao vào. Mình long tong tảo tần giữa sách vở và miếng cơm manh áo. Mình lật bật giữa kiếm sống và sách đèn.

Vì thế mà chẳng có nhiều thời gian ở bên nó. Nhưng, mình vẫn dành cho nó một góc thân thương ấm áp nhất tự trong lòng. Nên mỗi khi nhớ lại chuyện nó một mình đạp xe trong đêm về Thanh Hóa rồi lại quay đầu đạp xe ra Hà Nội chỉ vì “có những nỗi niềm không biết tỏ cùng ai”, mình chỉ lặng lẽ ứa nước mắt, vừa giận vừa thương.

Có rất nhiều lần mình nghĩ, giá như nó bớt… “giỏi” đi, cúi gần xuống với cuộc đời hơn để thấy hết những ồn ào, bề bộn, náo nhiệt của cuộc sống xung quanh, để thấy các thầy cô, ngoài học thuật còn là mưu sinh, ngoài giảng đường còn là bụi đường lấm láp, lầm lụi… Chắc nó sẽ biết cách trình bày những vấn đề của mình một cách điềm đạm và chừng mực hơn. Bởi vậy cứ có thời gian rảnh là mình lôi nó đi khắp nơi. Khi ngược Thái Nguyên buôn chè, lúc xuôi về quê cùng nhau ra đồng mò cua, tát cá, cuốc ruộng, cắt lúa… Nhưng những gắng gỏi của mình chỉ như muối bỏ bể chứ chẳng thể nào “ghìm cương” được nó. Như một cơn gió ào ạt, nó cuồn cuộn những mong muốn bứt phá, lội ngược dòng, vượt qua các rào cản, các nếp nghĩ khuôn phép để khai phá những con đường đi riêng. Và cơn gió ấy cứ “lồng lộng thổi cả vào góc tâm hồn cô đơn đến tội nghiệp” của nó… Bởi vậy, nhiều năm liền sau khi được giữ lại trường, nó vẫn cứ chông chênh như chưa từng “hạ cánh” xuống mặt đất để được làm cái công việc giảng dạy bình thường như bao giảng viên khác.

Mình cặm cụi đi theo, “nhặt nhạnh” giúp nó vợi bớt những cô đơn tầng tầng lớp lớp.

Rồi nó lấy vợ. Ngày cưới của mỗi người bao giờ cũng là ngày vui, ngày hạnh phúc trong cuộc đời. Nhưng với nó, mỗi lần nghĩ lại mình chỉ thấy ầng ậng nỗi buồn.

Buổi chiều trước ngày cưới, mình “ủn” nó mặc bộ cánh tươm tất để về quê vợ chuẩn bị đón dâu. Rồi mình cùng lũ bạn gái rửa bát đĩa ấm chén, kê lại cái giường gỗ ọp ẹp, chăng ri đô, dán hoa… che bớt đi cái sơ sài tạm bợ, cho ra dáng một căn phòng cưới. Bạn bè ai cũng thương nó. Những lúc ấy mới hiểu nó cô đơn và cần bạn bè đến mức nào.

Tưởng nó lấy vợ sẽ “tu tỉnh” để bớt “ngông” trong học thuật… Nhưng không, nó vẫn thế. Và rồi cái gì đến đã đến… Nó đi Nga làm nghiên cứu sinh.

Nghe tin ấy, mình thở phào, mừng cho nó. Có thể nó sẽ như con cá được thả về với biển. Sang bên ấy, nó sẽ được hoàn toàn đắm chìm trong những Lev Tolstoy, Puskin, những Tchekhov, Aitmatov. Nó sẽ bớt cô đơn, hoang hoải và cỗi cằn. Chắc sẽ không ai để ý đến việc nó đến chúc mừng ngày 20 tháng 11 các thầy cô mà đứng giữa hội trường đọc một bài viết mới dài cả tiếng đồng hồ như cái lần mình “muối mặt” đi cùng nó. Chắc sẽ không ai dè bỉu cái việc nó kéo áo người ta dừng lại giữa đường nghe nó bình văn… Chắc sẽ… Mình cứ khấp khởi trong cái hy vọng mong manh ấy.

Rồi cơm áo cứ cuốn mình đi. Những năm ấy là khoảng thời gian khó khăn một cách khủng khiếp của mình. Anh chị lần lượt lâm bệnh trọng, luận án dang dở, nhà cửa túng quẫn… Bao khốn khó cứ dồn dập đổ ập lên số phận khiến phần nhiều thời gian mình chẳng còn nhớ đến cái thằng bạn “gàn” ấy nữa.

Thế rồi, mình sang Nhật làm việc. Trong một lần về nước nghỉ hè, mình nghe tin… nó mất ở Nga.

Mình nhớ cảm giác khi ấy, giống như có một luồng điện chạy dọc sống lưng, chân tay mình nổi gai, mồ hôi đầm đìa. Mình thở dốc, đứng tựa vào tường, mắt cay xè òng ọng.

Mình thốt gọi tên nó nhưng trong đầu lại chỉ thấy âm âm u u những tiếng đọc thơ, bình văn của nó tự năm nảo năm nào.

Mình muốn chạy đi hỏi thêm một người nào khác để biết chính xác thêm thông tin về nó nhưng lại chỉ đứng chôn chân. Lũ lượt trong tâm trí mình là hình ảnh nó đạp xe giữa đêm, thân gầy, khuôn mặt sáng mà lui cui buồn như dấu hỏi.

Mình muốn khóc òa lên mà chỉ thấy những cơn sóng cuộn trong óc váng vất, nghẹt thở.

Thế là đã thật sự khép lại một số phận trí thức với ngổn ngang nỗi ưu tư. Còn đó ngồn ngộn những ý tưởng, những công trình nghiên cứu dở dang. Còn đó ngập tràn những suy tư, những mong muốn đổi mới sáng tạo. Và còn đó mênh mang da diết những nỗi buồn…

Từ đó đến nay, cứ đến ngày giỗ nó, mình lại cùng anh Phúc đến nhà thắp cho nó nén nhang.Khói hương cuộn vòng lững lờ bay lên không trung, lặng trôi về phía khắc khoải xa mờ. Mình cứ tin ở một nơi nào đó rất xa cõi người, nó đang chăm chú toàn ý toàn tâm nghiên cứu những tác phẩm văn chương, tìm ra những cách dịch mới và nở nụ cười an nhiên, thanh thản.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button