Văn học nước ngoài

Vùng Cách Ly

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Thích Nữ Giác Liên

Download sách Vùng Cách Ly ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : Văn học nước ngoài

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                    

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.


Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH]

1

GẶP GỠ

Một người đàn ông như tôi, kiệm lời và kín đáo, vậy mà lại tin tưởng một người xa lạ để tâm sự những bí mật đời mình!

Nghĩ cho kỹ thì thật là… Tự kể về mình… điều đấy không chỉ chưa từng xảy ra … Tôi đã luôn kiểm soát để chuyện đó không bao giờ xảy ra. Nhưng cũng chính vì lẽ đó… Chị đã nhận ra điều đấy, ngay lập tức. Chuyện xảy ra thế này có vẻ không tưởng. Nhưng với tôi, ở trong khung cảnh đó, thì tất cả lại có vẻ thật tự nhiên.

Cũng như nó rõ ràng là tự nhiên với chị. Tôi không hiểu điều gì khiến chị làm thế, nhưng điều chị đề nghị, hay đúng ra là lời mời của chị, tự nhiên và thẳng thắn đến thế lại không hề làm tôi ngạc nhiên. Một lời mời đơn giản nhưng sâu sắc, đánh trúng vào nhu cầu tôi vẫn giấu kín sau tấm mặt nạ của mình.

Tôi cần lôi lên cái thứ tù túng cô độc bên dưới, để lấy lại một quá khứ không còn dấu vết, như một người lính sau hàng năm trời đằng đẵng chiến đấu trong rừng sâu chỉ còn quen với thế giới cô độc ấy cho dù chiến tranh đã kết thúc.

Chỉ vài lời của chị. Mà sao thuyết phục đến thế! Vài giọt sương so với dòng thác ngôn từ tôi sẽ trút ra.

Tôi sẽ không cân nhắc lời mình nói. Không chỉ thế, có những lời sẽ thực sự nặng nề.

Tôi muốn chị biết trước như thế. Khi chị viết câu đó trên tấm bảng, ý chị là chúng ta sẽ bỏ qua những rào đón, cân nhắc. Và tôi chấp nhận.

2

TÌNH CỜ

Chúng ta gặp nhau tình cờ, như nhiều cuộc gặp tình cờ, như nhiều điều quan trọng tình cờ xảy ra trong cuộc đời mỗi người.

Một chương đã viết trong số phận của tôi, hay của chị, ai mà biết được?

Mà cũng đâu cần phải biết. Số phận… sự tình cờ… Sự việc trong đời gắn với nhau bằng một sợi chỉ vô hình xuyên qua chuỗi ngày trôi đi, như một lộ trình mà chúng ta chỉ nhìn thấy vài cung đường trước mặt nhưng không bao giờ biết khi nào sẽ đến ga cuối.

Tôi đã từng nghĩ mình sẽ tự quyết định được số phận của mình. Tôi là thuyền trưởng trên con tàu đời tôi. Các tuyến đường chính xác, được nghiên cứu kỹ, được điều chỉnh theo sóng gió phải đương đầu, hay khi bị những người khác đi cắt ngang qua.

Luôn luôn đạt đến đích. Đích này nối tiếp đích khác, những đích đến ngày càng tham vọng hơn, đưa tôi lên những đỉnh cao tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ đạt được.

Và sau các đỉnh cao là vực thẳm. Trước khi leo lên đấy, tôi đã từng tự nhủ sẽ không dễ gì để lên cao.

Sau đó tôi bắt đầu nhận ra điều khó nhất lại chính là tránh để không trượt xuống.

Tụt xuống vực thẳm dưới đó, nơi mà ý thức của con người không vươn đến được.

Thế mà không hiểu sao tôi đã bị rơi xuống đó. Lần gặp gỡ này có thể chỉ là một chớp lóe kỳ diệu của cuộc đời. Vượt khỏi sự tình cờ, vượt qua biên giới lý trí.

Chị không biết trước đây những điều này xa lạ với tôi đến thế nào đâu.

Những thứ vớ vẩn, tín ngưỡng, mê tín dị đoan không bao giờ có chỗ trong tâm trí tôi.

Nhưng rồi một ngày, ở chính đất nước của chị, sự kỳ diệu có trong đời đã ứng vào tôi một cách bất ngờ, khi tôi không hề chờ đợi. Tôi thấy ánh chớp lóe sáng trong đôi mắt của một người lần đầu gặp. Ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Ôi vâng, những ánh chớp… Lặp lại trong cả những cái nhìn sau đấy nữa. Những cái nhìn không giấu được cảm xúc, không giấu được những dao động của tâm hồn. Không phải niềm vui hay nỗi buồn, không vì ngạc nhiên hay phấn khích. Nhưng sao mà mãnh liệt, tưởng như trong ánh chớp ấy chất chứa tất cả những gì con người ta có thể giãi bày.

Những ánh phản chiếu lung linh, cứ thế nhân lên muôn màu rực rỡ. Ánh chớp chói lòa trong những cái nhìn đầu tiên của một người mới gặp lần đầu. Một người con gái. Có lẽ chị đã đoán ra là tôi muốn kể về một người con gái. Nhưng không chỉ có vậy đâu. Không chỉ có vậy. Dù sao thì… tôi cũng không quay về đây để tìm lại những ánh chớp ấy.

Mà vì một tiếng gọi.

Một tiếng gọi không rõ âm điệu. Thực ra tôi còn không biết nó có đúng là một tiếng gọi không nữa. Có lẽ là một dấu hiệu thì đúng hơn.

Tiếng vọng của thứ gì đó thoát ra từ vết nứt. Nhưng dù là gì thì cái cảm giác nó chuyển đến cũng là một sự dở dang không thể chịu nổi.

Nó bắt tôi phải lắng nghe. Và tôi đã nghe theo.

ĐỌC THỬ

3

TIỀN ĐỒN

Tôi rất ấn tượng với nơi này. Tôi không biết vì sao chị lại biết nơi này cũng không biết chị nghĩ gì về nó, nhưng với tôi nơi này thật đặc biệt. Tựa như nó sinh ra là để dành cho người ta đến để nghiền ngẫm, chiêm nghiệm ngày này qua ngày khác, trên đỉnh đồi nhìn ra mặt biển khó định màu kia.

Tôi vừa kể với chị… phải rồi… là tôi đã muốn quay lại Việt Nam từ lâu nay, nhưng chưa thực hiện được vì nhiều lý do mà lát nữa nghe xong chị sẽ hiểu.

Trong một bữa tiệc tối với nhóm người tôi vẫn qua lại, chúng tôi chuyện phiếm về các chủ đề yêu thích, toàn là khủng hoảng tài chính toàn cầu, rồi làm sao để bảo vệ được các khoản đầu tư, hay thậm chí cả những điều phức tạp hơn nữa. Bỗng nhiên tôi nghe được câu chuyện của hai thực khách khác đang nói về các chuyến du lịch. Khách hôm đấy không quá đông nhưng cũng không ít để mà cùng chia sẻ một chủ đề, thế nên mỗi người nói về một chuyện, lúc thì với người bên trái lúc với người bên phải. Cuộc trò chuyện mà tôi tình cờ nghe được lại ở tít tận phía bàn bên kia, thế nên không dễ mà nghe được chi tiết. Có vẻ như hai người đấy đang hăng hái kể về một cách du lịch đặc biệt mà họ vừa khám phá ra là cả hai có cùng sở thích. Kiểu du lịch đến những khách sạn hay một chỗ nghỉ chân gợi lên cảm giác về nơi tận cùng, nơi mà ở đó thế giới dường như kết thúc. Tôi không theo được hết các địa điểm, khung cảnh mà hai người bọn họ nhắc đến vì họ ngồi khá xa trong khi một cô gái ngồi bên cạnh tôi thì luôn miệng bắt chuyện với tôi. Tôi chưa gặp cô ta bao giờ, nhưng cô cứ nói như xoáy vào tai tôi bằng cái giọng giật cục, the thé khó chịu những ý kiến về sức mạnh áp đảo của tài chính quốc tế và biện pháp đối phó mà chính phủ nên áp dụng, một chủ đề mà với người lạ tôi chỉ giả vờ lắng nghe vì ý kiến của tôi sợ rằng sẽ quá tàn nhẫn, thậm chí có thể là quá độc ác với một vài người.

Tôi cố gắng hướng tai còn lại để nghe đoạn đối thoại của hai người khách kia. Hai bên có vẻ đang ở đoạn sôi nổi chia sẻ các kinh nghiệm và đang liệt kê những chỗ đã đến. Tôi nghe được lời khen về một khách sạn dựng trên ngọn hải đăng ở Scotland, rồi đến một resort nằm trên mép nước ở Cape Town. Một tu viện tôi không nghe rõ là ở đâu, nằm trên một khe núi sâu không thấy đáy…

Lúc tôi đã sắp nản và để cả hai tai cho cô hàng xóm bên phải thì tiếng ồn ào bỗng lắng xuống vì đồ tráng miệng được dọn ra, giúp tôi nghe được nốt đoạn miêu tả về chính cái khách sạn mà tôi và chị đang ở bây giờ, một tiền đồn dựng lên trước màu xám trần tục, bất động của cõi vô tận. Một chỗ không thể bỏ qua, nơi trước đây từng là dinh thự của một vị hoàng đế.

Lúc đó tôi chưa ấn tượng gì nhiều với lời miêu tả đó. Nói thật là tôi còn cảm thấy nó hơi khiên cưỡng và đoán chắc mấy người kia đã phóng đại lên.

Nhưng nghĩ lại, tôi tự nhủ có lẽ nơi ấy lại thích hợp. Để trở về. Không phải để ngắm sự bất động vô cùng tận mà để ngẫm cái cảm giác dang dở đang cắn rứt tôi trong cái vẻ tưởng như bất động của nó.

Khi tôi nhìn thấy cái bảng đen của chị, tôi hiểu là mình đã đến đúng chỗ.

Ở đây, tôi có thể gỡ ra mớ bòng bong này.

4

LẦN ĐẦU TIÊN

Lần đầu tiên tôi đến Việt Nam cách đây cũng nhiều năm rồi. Mục đích khi ấy của tôi là dựng lại một câu chuyện, theo đuổi một sợi chỉ, tìm kiếm một dấu vết.

Lần đầu tiên bị cuốn vào một lớp sương mù… … Như thể cuộc đời tôi lúc đấy bị đẩy vào sau một tấm kính mờ khiến những thứ bình thường vốn luôn rõ ràng, dễ dàng đọc được và giải mã được bỗng nhòe đi.

Những thứ trước kia thậm chí là quá rõ. Tôi sẽ bắt đầu kể về lúc máy bay hạ cánh nhé. Khi ấy tôi đang nhìn đăm đăm vào những đám mây ngoài cửa sổ máy bay với cảm giác nhẹ nhõm lan tỏa như thể lần đầu tiên tôi đã thắng được trọng lực tâm tưởng mình, thoát khỏi những suy nghĩ luôn trĩu nặng trong lòng.

Rồi đột nhiên tôi cảm nhận được cú chạm với đường băng trong khi bên ngoài các đám mây vẫn đang tiếp tục trôi ngang qua.

Một tấm màn trắng đục vẫn đang phủ lên mọi vật, chỉ có thể thoáng nhận ra vài đường nét và phải vận dụng trí tưởng tượng để hình dung ra khung cảnh bên ngoài.

“Trời với đất sao mà gần nhau thế”, tôi thầm nghĩ. Tôi đã hạ cánh cùng với những đám mây, ngày Giáng sinh ấy. Hai lăm tháng Chạp năm 2002.

Tôi luôn thích đi xa vào cái ngày thiêng liêng của phương Tây ấy. Nó là cái cớ lý tưởng để từ chối lời mời của những người có ý tưởng kỳ quặc là muốn tôi được cảm thấy mình như là một thành viên trong gia đình họ trong dịp đấy. Mà với một người không gia đình như tôi thì chuyện đấy vẫn hay xảy ra.

Những chuyến đi chơi thường giống như âm bản của những chuyến làm ăn: đến nơi nhưng không có công việc phải làm, đến khách sạn nhưng không phải vào phòng hội thảo, không phải chuẩn bị cho những cuộc gặp bí mật, không họp hành, không tính toán phức tạp để thuyết phục ông bộ trưởng này hay vị quan khách kia về ưu điểm dự án. Những chuyến đi mà tôi tự do di chuyển, hòa mình vào giữa những người xa lạ từ lúc đi đến tận lúc về.

Nhưng lần này thì không phải thế. Tôi sẽ không chỉ ở đây ít ngày, và khi đến nơi dù không có một lịch trình làm việc phải theo nhưng tôi biết cái mình sẽ phải đối mặt và giải quyết lại là những tình huống phức tạp, khó lường trước.

Đấy là tất cả những gì tôi biết trước. Phần còn lại tôi sẽ phải đi tìm. Tôi sẽ làm tất cả những gì có thể và chắc chắn sớm muộn rồi tôi cũng sẽ tìm ra.

5

NHỮNG NỤ CƯỜI

Sau những đám mây là những hàm răng trắng lóa mà nhìn hướng nào tôi cũng thấy.

Nụ cười rạng lên ngay mỗi khi ánh nhìn của tôi chạm vào bất cứ một gương mặt nào trong đám đông đang cầm biển đón. Xa xa phía sau là một rừng đủ các loại xe bus, xe khách, xe chở hàng.

Một đám đông di chuyển theo đủ các hướng giữa lằn người đang đứng chờ đón khách và con đường bao bên ngoài. Mọi người đi từ phía này sang phía kia, di chuyển các gói hàng, túi, bao ni-lông và vali các cỡ, những hành lý trông có vẻ còn to hơn cả họ. Đâu cũng thấy trẻ con. Có vẻ như bất kể người lớn nào cũng đều có một vài đứa cõng hay dắt hay cho ngồi lên vai hoặc đang bế. Mới nhìn thì chỗ này dường như không có người già. Rồi tôi nhìn thấy một bà lão, ngự trên cái xe đẩy chất đầy đồ được một thanh niên gầy gò đang mắm môi mắm lợi đẩy đi. Bà cụ ngồi thẳng lưng đàng hoàng trên đống đồ, gậy gác lên một trong các gói. Khi cái xe đi qua trước mặt, tôi thấy gương mặt bà cụ đầy những nếp nhăn, người cụ chắc chẳng nặng đáng kể gì so với chỗ đồ mà cậu thanh niên đang phải cố đẩy. Bà cụ có lẽ phải hơn 80 tuổi rồi, nhưng có vẻ cụ chẳng màng gì tới gánh nặng tuổi tác cũng như cái thế ngồi chênh vênh của mình lúc đấy.

Tôi ngẩn người nhìn theo đường đi zic zắc của hàng và người trên cái xe ấy một lúc, cho đến khi quay lại giật mình thấy trước mặt tôi là một nụ cười có vẻ như nặn ra được một lúc lâu rồi chờ tôi để ý đến. Chủ nhân nụ cười vươn tay ra để tôi đọc được cái tên ghi trên cái bảng đang cầm, anh ta có vẻ đã chắc chắn đấy chính là tôi.

Cả nghìn ý nghĩ bùng lên trong tôi trong mấy giây ngắn ngủi đó, rồi tôi bảo, “Là tôi đây”.

Lượng – người đàn ông đến đón, dẹp đường giữa đám đông để đưa tôi về phía một chiếc Lada cũ rích nhìn là thấy rõ nó đã chạy đến bao nhiêu dặm đường. Tôi băn khoăn không hiểu nó có lê về được đến thành phố không nữa.

Lượng lái chậm. Anh ta cứ luôn quay sang hỏi tôi đủ thứ chuyện mà tôi phải cố trả lời để không tỏ ra bất lịch sự. Những chuyện riêng tư mà sau này tôi mới biết được là ở đất nước của chị mọi người vẫn vô tư hỏi, kể cả với những người hoàn toàn xa lạ. Không chỉ chuyện bạn người nước nào, mà cả chuyện bạn bao nhiêu tuổi, có gia đình chưa, có con chưa, mấy đứa con trai, bạn làm nghề gì, đến đây làm gì, có định ở đây lâu không?

Tôi chưa bao giờ nghĩ người đầu tiên mình tiếp xúc sau khi xuống máy bay sẽ truy vấn mình như thế. Tôi chỉ trả lời cho qua chuyện, tâm trí bị cuốn đi bởi những hình ảnh mới lạ bên ngoài cửa xe.

Ánh mắt tôi bị choáng ngợp bởi màu xanh của những cánh đồng lúa. Tôi đã từng nhìn thấy qua ảnh những hình ảnh đấy nhưng không thể tin rằng chúng có thật trên đời. Vậy mà giờ đây cái vẻ đẹp hoàn hảo ấy lại đang ở ngay trước mắt tôi, trải dài ra bất tận.

Những cánh đồng bát ngát, những thửa ruộng gọn gàng, thấp thoáng đằng xa là những người đang làm việc, đàn ông, đàn bà, có cả mấy người già với những động tác đã lặp lại từ cả ngàn năm.

Mây đã dâng lên cao một chút, nhưng bầu trời vẫn còn u ám. Thế nên màu xanh của cánh đồng lộ ra trong bức tranh thiên nhiên ấy dường như chói lòa vì sự tương phản của nó. Một màu xanh nõn nà không thể mềm mại và tinh tế hơn. Tao nhã.

Rồi những ngôi nhà đầu tiên bắt đầu hiện ra sau khi chúng tôi vượt hết cây cầu bắc qua sông Hồng, tôi quay sang nghe Lượng chuyện phiếm về bất cứ thứ gì lọt vào tầm mắt. Quan sát anh ta qua gương hậu, tôi thấy xuất hiện trong mình cảm giác hồ nghi thường có trước cung cách quá xởi lởi của dân châu Á, lúc nào cũng tươi cười và luôn tay luôn chân. Tôi không có ý bất lịch sự đâu, nhưng chị phải biết cái cảm giác đấy rất phổ biến ở phương Tây. Có thể chúng tôi ngại ngần vì không hiểu được suy nghĩ thật đằng sau những xởi lởi thân thiện bất tận được thể hiện ra.

Tính đến lúc đấy tôi cũng đã quen khá nhiều người châu Á. Ấn tượng về họ khá nhạt nhòa và lẫn lộn với nhau, kiểu như những ký ức không cần được lưu trữ cẩn thận. Nhưng chị biết đấy, chuyện gì cũng có ngoại lệ…

6

CON SỐ 9

Dù những ấn tượng đầu tiên có vẻ hứa hẹn nhưng môi trường ở đây thật ra không dễ dàng chút nào. Lượng được người ta giới thiệu là một nhân vật biết xoay xở đủ thứ và rất năng động.

Nhưng công việc của Lượng là gì thì tay đồng nghiệp giới thiệu anh ta cho tôi cũng chịu không hiểu được. Chỉ biết là anh ta có mấy căn hộ cho thuê và luôn ưu tiên khách Tây vì khách Tây sẽ trả tiền bằng đồng ngoại tệ của những nước đó.

Vào đến thành phố nhịp xe chậm lại rõ ràng. Con đường dải nhựa bị vây kín bởi các hàng quán, gánh hàng rong, xe máy, xe đạp đang đi hoặc đỗ ngang khắp nơi.

Chỗ nào cũng thấy người, không ai ngồi yên mà đều bận rộn với hàng ngàn cử chỉ vừa như cẩn trọng vừa như bất cẩn… tôi cũng không biết phải tả thế nào, nhưng sự đối ngược ấy gây ấn tượng mạnh với tôi.

Lượng vừa nói vừa chỉ cho tôi thấy một căn nhà thấp thoáng gần đấy. Trong lúc đấy diễu qua mắt tôi là đàn ông, đàn bà, trẻ con có, người lớn có, người già có, vài người ngồi xổm, mỗi người chiếm một khoảng tối thiểu trong những con phố mà thay vì vận tốc thì chính khoảng cách là thứ bị giới hạn. Khoảng cách để sống, khoảng cách cần thiết để làm một việc gì đấy, để di chuyển, để bước được, hay thậm chí là để thở được.

Điều đầu tiên Lượng bảo tôi chú ý sau khi xuống xe là số nhà. Số 9, theo anh ta đấy là con số mang lại may mắn. Chí ít là trong thời gian tôi lưu lại căn nhà này. Rồi anh ta nháy mắt thêm vào “Tất nhiên là ở nhà này càng lâu thì càng gặp may.” Nhưng nhìn bên ngoài thì con số 9 thần kỳ ấy thậm chí còn không dẫn đến chỗ ở nào. Số 9 chỉ dẫn thẳng vào một cửa hàng. Bên trong đầy đồ: một tủ kính đầy ặp bao thuốc lá mà ai vào cũng có nguy cơ vấp phải, rồi đến một giá với các lọ thủy tinh chứa đủ các thứ khác nhau được xếp cẩn thận; rồi một ban công bên phải đầy các loại bột mì đủ màu còn bên trái là một tủ kính khác bày báo và tạp chí, bên cạnh là một kim tự tháp tạo nên bởi các lon sắt xếp chồng lên nhau.

Lượng chỉ về phía tôi và nói chuyện với một phụ nữ ở phía sau ban công. Trong cái chỗ chật chội ấy chị ta vẫn sắp được một cái bếp và đang nấu hai nồi to bốc khói, trộn thêm mùi thức ăn vào vô số những mùi kích thích vị giác vốn đã tràn ngập trong mấy mét vuông. Tôi ngắm những không gian được tận dụng triệt để ở mọi chiều: ghế và hai cái xe đạp được treo lên bằng một cái ròng rọc đơn giản nối lên trần. Nếu bắt tôi làm một danh sách đầy đủ tất cả những thứ bán trong cái cửa hàng đó, tôi chắc mình sẽ phải ở trong đấy một khoảng thời gian rất lâu. Ấy vậy mà đến tối, như sau này tôi được chứng kiến, cửa hàng lại được dọn sạch đi và biến trở lại một cách thần kỳ thành một lối vào. Rồi đến khi đêm đổi sang ngày, các hàng hóa lại hiện ra bày biện ngăn nắp, lại sẵn sàng để mua bán.

Tôi thấy chị gật đầu. Những chuyện đấy chắc chắn là quen thuộc với chị, có lẽ chị đã nghe nhiều người nước ngoài đến Việt Nam chia sẻ. Phản chiếu trong điều người khác kể về mình, về các thói quen, hay hoặc dở mà người khác nhận xét. Thế giới suy cho cùng là một nơi đầy chặt những tấm gương…

Có một cầu thang nhỏ đằng sau giá hàng, lôi được vali qua đó thì đến hai bậc cấp khá dốc dẫn lên tầng có cửa phòng căn hộ tôi thuê.

Chị hình dung ra rồi phải không, một căn nhà ở phố cổ… Có hai tầng, tầng trên để ở với một phòng ngủ là phòng chính, một ban công nhỏ nhìn ra sau nhà nơi tôi có thể nhìn rõ mồn một những gì xảy ra ở căn phòng đối diện của nhà bên cạnh.

Như thể đọc được điều tôi nghĩ, Lượng nhanh nhảu thông báo hôm sau em họ anh ta sống ở ngay gần đấy sẽ chuyển rèm cửa đến, và rằng căn phòng của tôi là một trong những căn tốt nhất khu này vì kín đáo và yên tĩnh.

Liên, em họ anh ta sẽ lo dọn nhà, còn với anh ta thì cần bất cứ chuyện gì tôi chỉ việc gọi.

Rồi lắp ba lắp bắp mấy từ, anh ta ra ý cho tôi trả tiền trước một tháng, ngay lập tức và bằng tiền mặt là tốt nhất. Tới khi cuộn tròn mấy tờ bạc nhét vào túi trong áo khoác thì anh ta vui vẻ nói “Giờ thì nhà này là của bác”.

Vừa đi ra anh ta vừa nhai lại cái câu “Ở nhà này càng lâu…”


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button