Văn học nước ngoài

Vũ Điệu Của Thần Chết

Vu dieu cua than chet - Jeffery Deaver1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Jeffery Deaver

Download sách Vũ Điệu Của Thần Chết ebook PDF/PRC/EPUB/MOBI. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : SÁCH VĂN HỌC NƯỚC NGOÀI

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Định dạng ebook                  

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

 

Lời giới thiệu


Vũ điệu của Thần Chết là sự trở lại đầy ấn tượng của nhà hình sự học lừng danh Lincoln Rhyme cùng nữ cảnh sát xinh đẹp Amelia Sachs và đồng nghiệp. Lần này họ phải lần theo dấu vết của tên giết người chuyên nghiệp mà Rhyme đã hiểu quá rõ, kẻ mang hình xăm kỳ quái trên bắp tay: hình Thần Chết đang nhảy múa với một phụ nữ ngay phía trước chiếc quan tài, vũ khí đáng sợ nhất của hắn không phải là dao hoặc súng mà là sự hiểu biết đến kỳ lạ về bản chất con người…

Đọc Vũ điệu của Thần Chết một lần nữa bạn đọc sẽ được hòa mình vào những cuộc đấu trí nảy lửa, những cuộc rượt đuổi ngoạn mục trong suốt hành trình tìm kiếm Vũ công Quan tài, kẻ nắm giữ sức mạnh ghê gớm của Tử Thần.

“Đừng nghĩ đến chuyện có thể nuôi chim ưng làm cảnh. Ở đây không có chỗ cho sự ủy mị. Xét ở góc độ nhất định, đó là nghệ thuật của một bác sĩ tâm thần. Là một cuộc đấu trí giữa hai bên với động cơ và lợi ích chết người!

(Chim ưng, T.H.White)

ĐỌC THỬ

Chương 1

Khi Edward Carney chào tạm biệt vợ là Percey, anh không hề nghĩ rằng đó sẽ là lần cuối cùng anh được nhìn thấy cô.

Anh trèo vào chiếc xe đang đậu trên một khoảng trống hiếm hoi ở phố Tám mươi mốt Đông trong khu Mahattan của mình và hoà vào dòng xe trên đường. Vốn là người có óc quan sát bẩm sinh, Carney chợt để ý thấy một chiếc xe thùng màu đen đang đậu gần nhà anh. Một chiếc xe thùng với những cửa kính gương phản quang lấm tấm vết bùn. Anh liếc nhìn chiếc xe cà tàng và nhận thấy nó mang biển số bang West Virginia, anh chợt nhớ ra là đã mấy lần nhìn thấy chiếc xe ngoài phố trong vài ngày vừa qua. Nhưng rồi dòng xe trước mặt anh bỗng nhiên tăng tốc. Anh kịp chạy vọt lên khi đèn giao thông vừa chuyển sang màu vàng và hoàn toàn quên bẵng chiếc xe thùng. Trong giây lát anh đã rẽ ra đường cao tốc FDR(1), hướng thẳng về phía bắc.

Hai mươi phút sau, anh nhấc điện thoại gắn trong xe và gọi cho vợ. Anh hơi bồn chồn khi không thấy cô nghe máy. Theo kế hoạch thì lẽ ra Percey sẽ bay cùng anh hôm nay – đêm qua họ đã tung đồng xu để tranh nhau chiếc ghế bên trái(2) trong buồng lái và cô là người chiến thắng, thậm chí cô còn tặng anh một nụ cười đắc chí không lẫn vào đâu được. Nhưng rồi lúc ba giờ sáng nay, cô thức dậy với một cơn đau nửa đầu nhức buốt đến hoa mắt suốt cả ngày không dứt. Sau vài cuộc điện thoại họ đã tìm được một phi công phụ thay thế, Percey uống một viên Fiorinal và quay lại giường nằm nghỉ.

Cơn đau nửa đầu là chứng bệnh duy nhất có thể bắt cô ở lại mặt đất.

Edward Carney – năm nay bốn mươi lăm tuổi, với thân hình xương xương và cao lòng khòng, mái tóc vẫn để húi cua kiểu quân đội – hơi nghiêng đầu, căng tai lắng nghe tiếng chuông điện thoại đang đổ dồn cách đó vài dặm(3). Chiếc máy trả lời tự động ở nhà bật lên, anh đặt điện thoại xuống giá để ống nghe, bắt đầu thấy lo lắng.

Anh giữ cho xe chạy ở tốc độ chính xác 60 dặm một giờ, căn chính giữa làn đường bên phải; giống như các phi công khác, anh là người bảo thủ khi ngồi sau vô lăng. Anh tin tuởng những phi công khác nhưng lại cho rằng hầu hết dân lái xe trên đường đều là lũ điên rồ.

Trong văn phòng công ty bay dịch vụ Hudson Air Charters nằm trong sân bay khu vực Mamaroneck ở Westchester, một chiếc bánh ngọt đã chờ sẵn. Bà Sally Anne nghiêm nghị và chỉn chu – người thơm nức chẳng khác gì gian bán nước hoa tại một cửa hàng Macy – đã tự tay nướng chiếc bánh để chào mừng hợp đồng mới của công ty. Cài trên đầu chiếc trâm xấu mù hình chiếc máy bay hai tầng cánh bằng kim cương giả do lũ cháu nội tặng từ hồi Giáng sinh năm ngoái, bà nhìn một lượt khắp phòng để bảo đảm là mỗi người trong số hơn chục nhân viên công ty đều đã có phần bánh to bự của mình. Ed Carney ăn qua loa vài miếng bánh và trao đổi về chuyến bay đêm nay với Ron Talbot, cái bụng khổng lồ của người đàn ông này khiến người ta có cảm giác ông ta thích bánh trái, mặc dù thực tế ông ta sống chủ yếu bằng thuốc lá và cà phê. Talbot đảm nhiệm cả hai cương vị giám đốc điều hành bay và giám đốc kinh doanh, ông ta không giấu nổi nỗi lo lắng liệu chuyến hàng có đưa tới nơi kịp thời gian không, liệu khoản tiêu hao nhiên liệu cho chuyến bay được tính toán chính xác chưa, và liệu họ đề nghị mức giá như vậy đã thỏa đáng chưa. Carney đưa nốt cho ông ta chỗ bánh còn lại của mình và bảo ông ta cứ yên tâm.

Chợt anh lại nghĩ đến Percey và bước vào phòng làm việc của mình, nhấc điện thoại lên.

Vẫn không thấy có ai ở nhà nhấc máy.

Giờ thì cảm giác bồn chồn đã trở thành lo lắng thực sự. Những người có con cái và những người có công ty riêng bao giờ cũng phải ngay lập tức nhấc điện thoại đang đổ chuông. Anh dập mạnh ống nghe xuống, thoáng nghĩ đến việc gọi điện nhờ một người hàng hàng xóm qua kiểm tra xem Percey thế nào. Nhưng rồi chiếc xe màu trắng đồ sộ đã dừng lại phía trước cái hangar(4) bên cạnh văn phòng và cũng là lúc bắt tay vào công việc.

Talbot đưa cho Carney cả một chồng tài liệu cần ký, đúng lúc đó anh chàng Tim Randolph trẻ tuổi xuất hiện trong bộ đồ sẫm màu, áo sơ mi trắng tinh và một chiếc cà vạt mảnh màu đen. Tim tự giới thiệu mình là “phi công phụ” và Carney thấy thích như thế. Những “cơ trưởng hàng đầu” bao giờ cũng là người của công ty, những sản phẩm tiêu biểu của ngành hàng không, và mặc dù Carney tôn trọng bất kỳ ai có năng lực thực sự trên chiếc ghế bên phải trong buồng lái, thói tự phụ đã ngăn anh thể hiện điều đó ra ngoài.

Cô nàng Lauren ngăm đen dong dỏng, trợ lý của Talbot, đã mặc chiếc váy may mắn cho buổi tối nay, chiếc váy màu xanh da trời này kết hợp rất hài hoà với gam màu trên logo của công ty Hudson Air – mang hình in nghiêng của một con chim ưng đang bay trên quả địa cầu. Cô ta ghé sát vào Carney và thì thầm, “Giờ thì mọi chuyện sẽ tốt đẹp, đúng không?”.

“Tất cả sẽ ổn thôi”, anh trấn an cô ta. Hai người choàng tay ôm nhau trong giây lát. Sally Anne cũng ôm Carney và đưa cho anh một ít bánh để mang theo trong chuyến bay. Anh thoáng ngần ngại. Ed Carney chỉ muốn lên đường ngay. Tránh xa cái trò ủy mị này, tránh xa những màn nghi lễ, ăn mừng này. Tránh xa mặt đât.

Và anh sớm được toại nguyện. Lơ lửng cách mặt đất hơn ba dặm, điều khiển một chiếc Lear 35A, loại máy bay phản lực tư nhân tuyệt vời nhất từng được chế tạo, hoàn toàn không có những chi tiết rườm rà như tên công ty hay biểu tượng này nọ, ngoài số hiệu đăng kiểm hàng không tiêu chuẩn, toàn thân máy bay óng lên một màu bạc tuyệt đẹp, lấp lánh như một mũi thương thon thả.

Họ bay về phía hoàng hôn đẹp đến ngỡ ngàng – một chiếc đĩa khổng lồ màu da cam hoàn hảo đang chìm dần vào giữa những đám mây mênh mông và bướng bỉnh, hồng và tím biếc, toả những tia nắng rực rỡ lên nền trời.

Chỉ có vẻ đẹp của bình minh mới sánh được. Và cũng chỉ có cảnh sấm chớp mới kỳ vĩ hơn.

Từ nơi cất cánh đế O’Hare là 723 dặm, và họ hoàn thành chặng đường đó trong vòng chưa đầy hai giờ. Trung tâm Kiểm soát Không lưu Chicago lịch sự yêu cầu họ hạ xuống độ cao 14000 feet(5), rồi bàn giao họ cho Trung tâm Kiểm soát Tiếp cận Chicago.

Tim thực hiện cuộc gọi. “Trung tâm Kiểm soát Tiếp cận Chicago. Lear 94 Charlie Juliet gọi từ độ cao 14000 feet.”

“Xin chào, 94 Charlie Juliet”, giọng nói điềm tĩnh một nhân viên Kiểm soát Không lưu sân bay cất lên. “Hạ xuống và duy trì độ cao 8000 feet. Cao kế(6) Chicago mức 37,1. Theo hướng đường băng 27 trái.”

“Đã nghe rõ, Chicago. 94 Charlie Juliet đang chuyển từ độ cao 14000 xuống độ cao 8000.”

O’Hare là sân bay bận rộn nhất thế giới và Trung tâm Kiểm soát Không lưu yêu cầu thực hiện chế độ bay lòng vòng trên khu ngoại ô phía tây thành phố, chờ đến lượt mình hạ cánh.

Mười phút sau, vẫn giọng nói dễ nghe, rành rọt đó cất lên. “94 Charlie Juliet, duy trì hướng 090, xuôi theo chiều gió, hướng đường băng 27 trái.”

“090. 94 Charlie Juliet nghe rõ”, Tim nhắc lại.

Carney ngẩng lên nhìn những chòm sao lấp lánh rực rỡ trên bầu trời đêm màu thép lạnh đẹp lộng lẫy và thầm nghĩ: Nhìn kìa, Percey, tất cả những vì sao đêm…

Và cùng với ý nghĩ đó, trong anh chợt trào lên một cảm xúc thôi thúc rất thiếu chuyên nghiệp, có lẽ lần duy nhất trong toàn bộ sự nghiệp bay của anh. Nỗi lo lắng về Percey bừng bừng trong anh như một cơn sốt. Anh bỗng cảm thấy muốn được nói chuyện với cô một cách tuyệt vọng.

“Cầm lái này”, anh nói với Tim.

“Rõ”, chàng thanh niên trả lời, hai bàn tay nắm lấy cần lái không chút do dự.

Giọng nói từ Trung tâm Kiểm soát Không lưu vang lên, “94 Charlie Juliet, hạ xuống độ cao 4000 feet. Duy trì hướng bay”.

“Rõ, Chicago”, Tim nói. “94 Charlie Juliet đang chuyển từ độ cao 8000 xuống độ cao 4000.”

Carney chuyển tần số trên máy radio để thực hiện một cuộc gọi riêng(7). Tim liếc nhìn anh với ánh mắt dò hỏi. “Gọi về Công ty”, Carney giải thích. Khi Talbot trả lời, anh yêu cầu ông ta nối máy về nhà cho mình.

Trong lúc chờ đợi, Carney và Tim thực hiện nốt khâu kiểm tra bắt buộc trước khi hạ cánh.

“Nâng cánh tà hai bên… 20 độ”

“20, 20, đèn xanh:, Carney trả lời.

“Kiểm tra tốc độ”.

“180 knot(8)”.

Trong khi Tim đang nói vào mic của mình – “Chicago, 94 Charlie Juliet, đang giảm dần độ cao, từ 5000 xuống 4000” – Carney căng tai nghe tiếng điện thoại bắt đầu đổ chuông từ ngôi nhà trong khu Mahattan của họ, cách đó hơn 700 dặm đường.

Nhanh lên nào, Percey. Nghe máy đi! Em đang ở đâu vậy?

Xin em…

Trung tâm Kiểm soát Không lưu lên tiếng, “94 Charlie Juliet, giảm tốc độ xuống 180. Liên lạc với Đài Kiểm soát Không lưu sân bay. Chúc vui vẻ.”

“Nghe rõ, Chicago. Tốc độ 180 knot. Xin chào.”

Ba hồi chuông.

Cô âý đang ở chỗ quái nào nhỉ? Chẳng lẽ có chuyện gì không hay?

Cảm giác bồn chồn trong bụng anh mỗi lúc một cồn cào.

Tiếng cánh quạt trong động cơ turbo gầm lên, một âm thanh chói tai. Tiếng động cơ thủy lực rít lên ken két. Tiếng tích điện lách tách trong tai nghe của Carney.

Giọng Tim vang lên rành rọt, “Nâng cánh tà lên 30 độ. Hạ bánh xe xuống”.

“Nâng cánh tà, 30, 30, đèn xanh. Hạ bánh xe. Ba đèn xanh.”

Và rồi, cuối cùng – trong tai nghe của anh – một tiếng cạch khô khan khẽ vang lên.

Giọng nói của vợ anh, “Alô”.

Anh bật cười thành tiếng, thở phào nhẹ nhõm.

Carney đang định trả lời nhưng, trước khi anh cất tiếng, chiếc máy bay bỗng giật mạnh một cái thật khủng khiếp – dữ dội đến nỗi chỉ trong một phần nghìn giây sức ép của vụ nổ đã giật tung bộ tai nghe nặng trịch ra khỏi tai anh và cả hai người đàn ông bị ném thẳng vào bảng điều khiển phía trước. Tia lửa và những mảnh vụn văng tung toé xung quanh họ.

Choáng váng, theo bản năng Carney chụp lấy chiếc cần lái bất động bằng bàn tay trái của mình; bàn tay phải của anh đã bay đâu mất. Anh quay sang phía Tim đúng lúc cơ thể nát bấy và máu me của chàng thanh niên đang dần biến mất qua lỗ hổng há hoác bên sườn thân máy bay.

“Ôi, lạy Chúa. Không, không…”

Rồi toàn bộ buồng lái tách rời khỏi thân máy bay đang vỡ tan và bắn thẳng lên không trung, bỏ lại phần thân, hai cánh và những động cơ của chiếc Lear phía sau, tất cả đều bị trùm trong một quả cầu lửa cháy rừng rực.

“Ôi, Percey”, anh thì thầm, “Percey…”. Mặc dù lúc này đã không còn chiếc mic nào cho anh nói nữa.

Chương 2

To như những tiểu hành tinh, màu vàng xương.

Nhũng hạt cát lấp lánh trên màn hình máy tính. Người đàn ông ngồi cúi hẳn về phía trước, đôi mắt nheo lại chăm chú – vì tập trung cao độ, chứ không phải bị tật về thị giác.

Tiếng sấm ầm ì từ xa vẳng lại. Bầu trời buổi sáng sớm vàng vọt pha lẫn sắc xanh với cơn bão có thể ập tới bất cứ lúc nào. Đây được coi là mùa xuân ẩm ướt nhất trong lịch sử khí tượng thành phố.

Những hạt cát…

“Phóng to”, anh ra lệnh, và ngay lập tức hình ảnh trên máy tính được phóng to gấp hai lần.

Lạ thật, anh nghĩ bụng.

“Kéo con trỏ xuống… Dừng lại.”

Lại cúi sát người về phía trước, căng mắt, chăm chú nhìn vào màn hình.

Cát, Lincoln thầm nghĩ, là nguồn vui đối với một nhà hình sự học; nhũng mẩu đá vụn, nhiều khi nằm lẫn với các vật liệu khác, có kích cỡ từ 0,05 đến hai milimet (to hơn thế thì được gọi là sỏi, nhỏ hơn thì được gọi là hạt bùn). Cát bám vào quần áo của thủ phạm giống như chất sơn dính và chờ lúc thuận tiện sẽ rơi ra hiện trường một vụ án hoặc nơi trú ẩn nào đó tạo nên mối liên hệ giữa nạn nhân và kẻ thủ ác. Nó cũng có thể nói lên rất nhiều điều về việc kẻ tình nghi đã từng ở những đâu. Cát mờ đục có nghĩa là hắn đã ở trên sa mạc. Cát trong suốt cũng đồng nghĩa với những bãi biển. Cát dạng khoáng chất hocblende nghĩa là Canada. Cát obsidian, Hawaii. Cát thạch anh và cát đá mờ từ núi lửa, New England. Cát quặng sắt có từ tính màu xám mịn, miền tây vùng Great Lakes(9).

Nhưng những hạt cát trong trường hợp này có nguồn gốc ở đâu, Rhyme hoàn toàn không có manh mối gì. Hầu hết cát trong khu vực New York là cát thạch anh và cát khoáng feldspar. Cát đá ở mạn eo biển Long Island, cát bụi ở bờ Đại Tây Dương và cát bùn dọc trên sông Hudson. Nhưng đây lại là loại cát trắng tinh, lấp lánh, có viền sắc lởm chởm, pha lẫn với những ánh đỏ nhỏ li ti. Và lại còn những cái vòng ngấn kia nữa chứ? Những vòng đá trắng trông chẳng khác gì lát cắt ngang thân của một con mực bút. Tóm lại là anh chưa bao giờ nhìn thấy thứ gì như thế này.

Câu hỏi hóc búa đó đã khiến Rhyme thức đến tận bốn giờ sáng. Anh vừa mới gửi một mẫu cát tới phòng thí nghiệm kỹ thuật hình sự của một đồng nghiệp FBI(10) ở Washington. Anh đã phải miễn cưỡng lắm mới quyết định gửi nó đi – Lincoln Rhyme ghét phải nhờ người khác trả lời thay cho những câu hỏi của chính anh.

Có sự chuyển động bên ngoài cửa sổ cạnh giường anh. Anh nhìn ra phía đó. Hàng xóm của anh – hai con chim ưng hoang dã – đã thức dậy và chuẩn bị cho một ngày săn mồi. Lũ bồ câu hãy dè chừng, Rhyme thầm nghĩ. Rồi anh hơi nghiêng đầu, miệng lầm rầm, “Chết tiệt”, mặc dù câu rủa của anh không hề liên quan đến nỗi bực bội vì chưa giải mã được bằng chứng cứng đầu này mà là vì sự phiền nhiễu sắp đến với anh.

Những tiếng bước chân gấp gáp đang vang lên ngoài cầu thang. Thom đã để khách vào nhà còn trong lúc này Rhyme chẳng muốn khách khứa gì hết. Anh giận dữ lườm về sảnh trước. “Ôi, không phải lúc này đấy chứ, vì Chúa.”

Nhưng họ không nghe thấy, tất nhiên rồi, mà cho dù có nghe thấy đi chăng nữa họ cũng không bao giờ dừng lại.

Có hai người…

Một người nặng nề. Người kia thì không.

Một tiếng gõ rất nhanh vang lên trên cánh cửa để mở và họ bước vào.

“Lincoln.”

Rhyme càu nhàu.

Lon Sellito là một thám tử hạng nhất của NYPD(11), và chính là người có bước chân ầm ầm, nặng nề. Nhẹ nhàng bước bên cạnh viên thám tử là người cộng sự trẻ tuổi và thon thả của anh ta, Jerry Banks, bảnh chọe trong bộ vét màu xám may bằng vải len đắt tiền. Chàng trai đã cố vuốt mớ tóc bò liếm xuống sát đầu bằng keo xịt – Rhyme có thể ngửi thấy mùi propane, isobutan và cả vinyl acetate – nhưng chỏm tóc ngộ nghĩnh vẫn cứ vểnh lên như chàng Dagwood(12).

Viên thám tử béo ục ịch nhìn quanh căn phòng ngủ trên tầng hai, với kích thước mỗi chiều khoảng hơn sáu mét. Bốn bức tường trống trơn, không một bức tranh. “Có khác gì đâu chứ, Linc? Ý tôi là cái chỗ này ấy?”

“Chẳng có gì.”

“Ồ, chậc, tôi biết rồi – phải nói là nó sạch sẽ thật”, Banks nói, rồi bỗng im bặt khi nhận ra mình vừa lỡ lời.

“Sạch sẽ, chắc chắn rồi”, Thom nói, trông anh chàng chỉn chu không thể chê vào đâu được với chiếc quần màu nâu vàng là thẳng ly, áo sơ mi trắng và chiếc cà vạt hoa mà theo Rhyme lòa loẹt một cách vô ích mặc dù chính anh đã đặt mua nó, bằng dịch vụ bán hàng qua bưu điện, cho chàng thanh niên. Đến lúc này người trợ lý trẻ tuổi đã ở với Rhyme được vài năm – và mặc dù anh ta từng bị Rhyme đuổi việc hai lần cộng với một lần tự thôi việc thì cũng đã ngần ấy lần nhà hình sự học tàn phế phải thuê lại cậu y tá kiêm trợ lý mát tính của mình. Thom có đủ hiểu biết về bệnh tê liệt tứ chi để trở thành một bác sĩ, và cũng đã học được nhiều điều về khoa học hình sự, đủ để trở thành một thám tử, Nhưng anh chàng bằng lòng với chức danh mà công ty bảo hiểm gọi là “người chăm sóc”, mặc dù cả Rhyme và Thom đều không đồng ý với thuật ngữ này. Tùy từng lúc mà Rhyme có thể gọi anh ta là “gà mái mẹ” hoặc “nữ thần báo oán”, cả hai cách gọi đều khiến anh chàng trợ lý vô cùng thích thú. Lúc này anh ta đang lăng xăng quanh những vị khách. “Anh ấy không thích thế nhưng tôi cứ thuê dịch vụ Molly Maids về kỳ cọ và dọn dẹp thật sạch chỗ này. Nói cho đúng là phải xông hơi tẩy uế. Sau vụ đó anh ấy nhất định không thèm nói chuyện với tôi đúng một ngày.”

“Đâu cần phải dọn sạch chứ. Tôi không thể tìm được thứ gì cả.”

“Nhưng mà anh ấy làm sao phải tìm thứ gì nhỉ?” Thom phản pháo. “Đó không phải là trách nhiệm của tôi sao?”

Không có tâm trạng đùa cợt. “Sao đây?” Rhyme hất khuôn mặt đẹp trai của mình về phía Sellitto. “Có chuyện gì?”

“Đang có một vụ án. Chợt nghĩ là có thể anh muốn giúp một tay.”

“Tôi đang bận.”

“Những cái gì thế này?”, Banhks vừa hỏi vừa bước lại gần chiếc máy tính mới đặt ngay cạnh giường của Rhyme.

“Ồ”, Thom thốt lên với vẻ hớn hở làm Lincoln lộn ruột, “giờ thì anh ấy sành điệu về công nghệ lắm rồi. Cho họ xem đi, Lincoln. Cho họ xem đi”.

“Tôi không muốn cho họ xem đấy.”

Thêm một loạt sấm ùng oàng nhưng vẫn không một giọt mưa. Giống mọi khi, hôm nay thiên nhiên lại đang trêu ngươi.

Thom vẫn khăng khăng. “Cho họ xem nó làm việc như thế nào đi.”

“Đã bảo không muốn mà.”

“Anh ta xấu hổ đấy.”

“Thom”, Rhyme lầm bầm.

Nhưng anh chàng trợ lý trẻ tuổi hoàn toàn không thèm đếm xỉa đến những lời dọa nạt hay đay nghiến. Anh ta chỉnh thẳng lại chiếc cà vạt lụa gớm ghiếc, hay cũng có thể gọi là sành điệu, của mình. “Tôi không biết tại sao hôm nay anh ấy lại dở chứng thế. Mọi hôm anh ấy tỏ ra tự hào về hệ thống máy móc này lắm cơ mà.”

“Không có đâu.”

Thom tiếp tục. “Chiếc hộp kia” – anh chàng chỉ tay về phiá một thiết bị kì cục màu be – “dẫn thẳng tới máy tính.”

“Oao, những 200 megahertz cơ à?”, Banks hỏi và gật gù trước cái máy tính. Để thoát khỏi cái lườm cáu kỉnh của Rhyme, anh ta vội chộp lấy câu hỏi đó như một con cú mèo vừa vồ được con nhái.

“Vâng”, Thom nói.

Nhưng Lincoln Rhyme không thèm quan tâm đến máy tính. Ngay lúc này đây Lincoln Rhyme chỉ quan tâm đến những vòng tròn nhỏ li ti như thân mực cắt ngang và những hạt cát.

Thom vẫn thao thao nói. “Chiếc mic nối thẳng với máy tính. Tất cả những gì anh ấy nói đều được máy tính nhận dạng ngay. Phải mất một thời gian máy tính mới quen với giọng của anh ấy. Chẳng là anh ấy nói năng lập bập quá cơ.”

Kỳ thực Rhyme rất lấy làm hài lòng với hệ thống này – chiếc máy tính cực nhanh, một hộp ECU(13) và một phần mềm nhận dạng giọng nói. Chỉ bằng giọng nói của mình, anh có thể chỉ huy con trỏ thực hiện tất cả những gì một người bình thường có thể làm với bàn phím và con chuột. Và anh còn có thể ra những mệnh lệnh cụ thể, Giờ đây, bằng giọng nói, anh có thể tăng giảm nhiệt độ trong phòng, bật đèn lên hoặc tắt đi, bật dàn âm thanh stereo hoặc tắt mở ti vi, soạn thảo trên phần mềm xử lý văn bản riêng của mình, thực hiện các cuộc điện thoại, gửi và nhận fax.

“Thậm chí anh ấy còn viết nhạc được nữa cơ”, Thom say sưa khoe với các vị khách. “Anh ấy chỉ cần ra lệnh cho máy tính đánh dấu lại những nốt nào trên khuông nhạc.”

“Giờ thì điều đó mới hữu ích làm sao chứ”, Rhyme thốt lên chua chát. “Âm nhạc.”

Đối với một người tứ chi bất toại kiểu C4 – chấn thương của Rhyme xảy ra ở đốt sống cổ thứ tư – thì việc gật đầu vẫn khá dễ dàng. Thậm chí anh còn có thể nhún vai, mặc dù không được kiêu bạc như anh muốn. Một trò khác của anh là nhúc nhắc ngón tay đeo nhẫn bên tay trái khoảng vài milimét theo bất kỳ hướng nào anh muốn. Đó là tất cả vốn liếng biểu diễn liên quan đến thể chất của anh trong suốt mấy năm vừa rồi; sáng tác một bản sonata cho đàn violin có lẽ là một chuyện thật viễn vông.

“Anh ấy còn chơi được game nữa cơ đấy.”

“Tôi ghét game. Tôi không bao giờ chơi game.”

Sellitto, người làm Rhyme liên tưởng đến một chiếc giường lớn bề bộn, hờ hững nhìn chiếc máy tính và không lấy gì làm ấn tượng với nó cho lắm. “Lincoln này”, anh ta bắt đầu với vẻ nghiêm trọng. “Có một vụ đặc biệt đây. Liên quan đến cả các cơ quan điều tra của liên bang. Đêm qua chúng tôi húc phải một vấn đề gay go.”

“Húc phải một bức yường gạch thì đúng hơn”, Banks đánh liều chen ngang.

“Chúng tôi nghĩ… hừm, tôi nghĩ biết đâu anh lại muốn giúp chúng tôi thoát khỏi chuyện này.”

Muốn giúp họ thoát khỏi là sao?

“Hiện tại tôi đang bận việc khác rồi”, Rhyme giải thích. “Thực ra là làm cho Perkins.” Thomas Perkins, đặc vụ phụ trách văn phòng địa bàn Manhattan của FBI. “Một trong những chàng trai của Fred Dellray đang mất tích.”

Đặc vụ Fred Dlllray, một nhân viên kỳ cựu của Cục, là người chỉ đạo hầu hết các đặc vụ ngầm của văn phòng địa bàn Manhattan. Bản thân Dellray cũng từng là một trong những đặc vụ ngầm hàng đầu của Cục. Thậm chí anh còn nhận được lời tuyên dương đặc biệt của đích thân giám đốc FBI vì thành tích đã thâm nhập vào đủ một loạt mục tiêu, từ hang ổ của những băng đảng ma túy trong khu Harlem(14) cho tới các tổ chức vũ trang của dân da đen. Một trong những đặc vụ của Dellray là Tony Panelli đã biến mất từ vài ngày trước đó.

“Perkins cũng có kể cho chúng tôi biết”, Banks nói. “Quái đản thật.”

Rhyme hơi nhướng mắt trước cụm từ hơi sỗ sàng đó. Mặc dù anh cũng không thể phản bác được. Tay đặc vụ kia đã biến mất khỏi xe của mình ngay trước cửa Toà nhà Liên bang ở khu Hạ Manhattan(15) vào khoảng chín giờ tối. Đường phố khi đó không còn đông đúc nhưng cũng không vắng vẻ gì. Động cơ của chiếc Crown Victoria do Cục trang bị vẫn đang nổ, cánh cửa xe mở toang. Không có vết máu, không có dư chất của thuốc súng, không có những vết trầy xước thường thấy khi xảy ra vật lộn. Không một nhân chứng nào – ít nhất thì cũng không có nhân chứng nào dám ra mặt khai báo bất cứ thông tin gì.

Quả thật quái đản.

Dưới quyền Perkins có cả một đơn vị khám nghiệm hiện trường vụ án, bao gồm cả PERT(16) của Cục. Nhưng chính Rhyme mới là người thành lập và tổ chức ra PERT, và cũng chính Rhyme là người được Dellray yêu cầu nghiên cứu hiện trường vụ mất tích. Người sĩ quan phụ trách khám nghiệm hiện trường làm việc với tư cách cộng sự của Rhyme đã mất mấy giờ đồng hồ liền săm soi bên trong chiếc xe của Panelli và quay về mà không tìm được dấu vân tay lạ nào, ngoài muời túi bằng chứng vô nghĩa, và – có lẽ là đấu mối duy nhất – mấy chục hạt của loại cát rất kỳ quái.

Những hạt cát đó lúc này đang sáng lấp lánh trên màn hình máy tính của anh, mịn màng và đồ sộ như những thiên thể lửng lơ trong vũ trụ.

Sellitto nói tiếp. “Perkins sẽ cho người khác điều tra tiếp về vụ Panelli, Lincoln, nếu anh đồng ý giúp chúng tôi. Vả lại, tôi nghĩ là anh sẽ muốn vụ này.”

Lại là động từ đó – muốn. Tất cả chuyện này là thế quái nào nhỉ?

Rhyme và Sellitto đã làm việc cùng nhau trong những cuộc điều tra trọng án cách đây vài năm. Những vụ án hắc búa – và cả những vụ gây om sòm dư luận. Anh hiểu rõ Sellitto cũng giống như anh hiểu bất kỳ cảnh sát nào. Thường thì Rhyme vẫn hoài nghi khả năng của mìmh trong việc đọc suy nghĩ của người khác (vợ cũ của anh, Blaine, vẫn nói – khá thường xuyên, và gay gắt – rằng Rhyme có thể nhìn thấy một chiếc vỏ đạn cách xa cả dặm nhưng lại không đếm xỉa gì đến một con nguời bằng xương bằng thịt đang đứng ngay trước mặt anh), nhưng lúc này anh có thể cảm thấy rằng Sellitto đang giấu giếm điều gì đó.

“Được rồi, Lon. Có chuyện gì vậy? Kể cho tôi nghe đi.”

Sellitto gật đầu với Banks.

“Phillip Hansen”, chàng thám tử trẻ hơi nhướng mày và nói với vẻ nghiêm trọng.

Rhyme chỉ biết cái tên này qua một vài bài báo. Hansen – một doanh nhân cỡ bự xuất thân gian khó từ vùng Tampa, Florida – sở hữu một công ty bán buôn tại Armonk, New York. Công ty này làm ăn cực kỳ phát đạt và nhờ nó mà ông ta đã trở thành triệu phú. Hansen có tất cả những gì một doanh nhân bình thường phải thèm muốn. Ông ta không bao giờ phải nhọc công tìm kiếm khách hàng, không bao giờ quảng cáo, không bao giờ gặp những vấn đề liên quan đến hoá đơn thanh toán. Trên thực tế, nếu phải kể ra một khía cạnh tiêu cực liên quan đến PH Distributors, Inc., thì đó là việc chính quyền liên bang và chính quyền bang New York đang dồn rất nhiều tâm trí cho mục tiêu đóng cửa công ty này và tống vị chủ tịch hội đồng quản trị của nó vào tù. Bởi vì sản phẩm mà công ty của ông ta bán ra không phải là các loại xe quân sự cũ đã thanh lý, như ông ta khẳng định, mà là vũ khí, phần lớn đều được ăn trộm từ các căn cứ quân sự hoặc do nhập khẩu trái phép từ nước ngoài. Hồi đầu năm đã có hai binh sĩ lục quân bị giết trong vụ cướp một xe tải chở đầy các loại vũ khí hạng nhẹ xảy ra gần cầu George Washington khi chiếc xe đang trên đường tới New Jersey. Hansen đứng sau vụ này – đó là một thực tế mà Bộ Tư pháp Hoa Kỳ và Chưởng lý New York đều biết mà không có cách nào chứng minh được.

“Perkins và chúng tôi đang phối hợp điều ra vụ này”, Sellitto nói. “Làm việc cả với Cục Điều tra Hình sự Quân đội nữa. Nhưng phải công nhận là vụ này xương thật.”

“Và không một ai dám ra mặt tố cáo hắn”, Banks nói. “Từ trước đến giờ.”

Rhyme cũng thừa hiểu rằng, không, không một ai dám đứng ra vạch mặt một kẻ như Hansen. Chàng thám tử trẻ tuổi tiếp tục, “Nhưng cuối cùng thì, tuần trước, chúng tôi cũng gặp may. Anh biết đấy, Hansen vốn là một phi công. Công ty của hắn có mấy gian nhà kho và hangar ở sân bay Mamaroneck – cái sân bay gần White Plains ấy! Tòa án đã ký lệnh kiểm tra những chỗ đó. Như mọi khi, chúng tôi vẫn không phát hiện được gì cả. Nhưng rồi tuần trước, lúc nữa đêm nhỉ? Khi đó sân bay đã đóng cửa nhưng vẫn còn một số người ở lại, làm việc rất khuya. Họ nhìn thấy một người trùng hợp với đặc điểm nhận dạng của Hansen lái xe tới chỗ chiếc máy bay tư nhân đó, chất mấy cái túi vải bạt to đùng lên máy bay, rồi cất cánh. Trái phép. Không có lịch trình chuyến bay. Cứ cất cánh thế thôi. Khoảng bốn mươi phút sau đó thì quay lại, hạ cánh, leo lên xe của mình và rú ga lao khỏi sân bay đến khét lẹt cả lốp xe. Không còn thấy bóng dáng những chiếc túi bạt đâu nữa. Các nhân chứng đã báo lại số đăng ký của chiếc máy bay cho FAA(17). Hoá ra đó là chiếc máy bay riêng của Hansen, chứ không phải máy bay của công ty hắn”.

Rhyme nói. “Vậy là hắn biết các anh đang theo dõi sát sao và hắn muốn phi tang thứ gì đó có thể là bằng chứng về việc hắn có liên quan đến vụ giết người kia”. Anh bắt đầu hiểu tại sao họ lại muốn anh tham gia vụ này. Có vài hạt giống quan tâm đang nảy mầm đây. “Trung tâm Kiểm soát Không lưu có theo được dấu hắn không?”

“LaGuardia đã bám sát hắn được một lúc. Hắn bay thẳng qua eo biển Long Island. Rồi đột ngột hạ thấp khỏi tầm theo dõi của radar khoảng mười phút gì đó.”

“Và các anh đã khoanh vùng xem hắn có thể bay qua khỏi eo biển được bao xa. Đã cho triển khai đội thợ lặn rồi chứ?”

“Đúng vậy. Còn trước mắt, chúng tôi xác định ngay là nếu Hansen biết chúng tôi có ba nhân chứng kiểu gì hắn cũng giở trò đối phó. Vì thế chúng tôi đã xoay xở được cách vô hiệu hoá hắn đến thứ Hai. Tống vào Trung tâm Tạm giam Liên bang.”

Rhyme phá lên cười. “Các anh tìm được cớ để thuyết phục tòa án thông qua lệnh tạm giam rồi cơ à?”

“Đúng vậy, vì tội cất cánh trái phép”, Sellitto nói. “Cùng với mấy cớ lằng nhằng vì vi phạm quy định của FAA và những nguy hiểm có thể xảy ra. Không có lịch trình chuyến bay, bay dưới độ cao tối thiểu theo quy định của FAA.”

“Thế ngài Hansen có phản ứng gì không?”

“Hắn quá ranh ma trong trò này còn gì nữa. Không hé một lời với những người bắt giữ, không một lời với các công tố viên. Luật sư của hắn cãi bay tất cả và đang chuẩn bị đơn kiện tội bắt nhầm người, vân vân và vân vân.. Có nghĩa là nếu chúng tôi tìm thấy những cái túi chó chết kia, chúng tôi có thể đàng hoàng tới phiên triệu tập của bồi thẩm đoàn hôm thứ Hai, và pằng, hắn coi như tiêu đời.”

“Với điều kiện”, Rhyme nhấn mạnh, “là trong những cái túi đó phải có bằng chứng vạch tội hắn”.

“Ồ, kiểu gì chẳng có bằng chứng vạch tội.”

“Làm sao anh biết chắc thế?”

“Bởi vì Hansen đang sợ hãi. Hắn đã thuê người thủ tiêu các nhân chứng. Hắn xoá sổ được một người rồi. Cho nổ tung máy bay của anh ta lúc nửa đêm hôm qua bên ngoài Chicago.”

Và, Rhyme thầm nghĩ, họ muốn mình tìm ra mấy cái túi vải bạt kia… Những câu hỏi thú vị đang lướt nhanh trong đầu anh. Liệu có thể xác định vị trí cụ thể của chiếc máy bay trên mặt biển căn cứ vào kiểu kết tủa hoặc dư chất muối hoặc xác côn trùng dính lại trên cánh máy bay không nhỉ? Liệu có ai tính toán được thời gian chết của một con côn trùng không? Lại còn thông số về nồng độ muối và các chất gây ô nhiễm khác trong nước nữa chứ? Khi bay sát mặt nước như vậy, liệu động cơ hoặc cánh máy bay có bị dính tảo với những dấu vết còn lưu lại trên thân và phần đuôi không nhỉ?

“Tôi sẽ cần đến một số bản đồ khu vực eo biển”, Rhyme bắt đầu nói. “Bản vẽ động cơ và thiết kế loại máy bay của hắn…”

“À, ừm, Lincoln, đó không phải lý do chúng tôi có mặt ở đây”, Sellitto nói.

“Không phải là để tìm mấy cái túi”, Banks bổ sung.

“Không ư? Thế thì là cái gì?” Rhyme khó chịu lắc một lọn tóc đen nhánh đang lòa xòa trước trán và gườm gườm nhìn chàng thanh niên.

Ánh mắt Sellitto lơ đãng quét qua chiếc hộp ECU màu be. Từ chiếc hộp đâm ra những sợi dây điện màu đỏ quạch, vàng và đen rải loằng ngoằng trên sàn nhà, trông như những con rắn đang nằm sưởi nắng.

“Chúng tôi muốn anh giúp chúng tôi tìm tên sát thủ. Kẻ được Hansen thuê. Ngăn chặn hắn trước khi hắn kịp thủ tiêu hai nhân chứng còn lại”.

“Và?” Vì Rhyme nhận thấy Sellitto chưa đề cập gì đến điều mà anh ta vẫn giấu kín từ đầu tới giờ.

Vừa hờ hững liếc ra ngoài cửa sổ viên thám tử vừa khẽ khàng nói, “Hình như đó là tên Vũ công, Lincoln ạ”.

“Vũ công Quan tài ư?”

Sellitto quay mặt lại và gật đầu.

“Anh chắc chứ?”

“Chúng tôi nghe nói hắn mới làm một vụ ở thủ đô Washington D.C. cách đây vài tuần. Giết hại một trợ lý nghị sĩ Quốc hội liên quan đến những hợp đồng buôn bán vũ khí. Chúng tôi có mẫu đăng ký viết tay và phát hiện được cả những cuộc gọi từ một bốt điện thoại trả tiền bên ngoài ngôi nhà Hansen tới khách sạn, nơi tên Vũ công đang ở. Chắc chắn là hắn rồi, Lincoln.”

Trên màn hình máy tính, những hạt cát lấp lánh, to như những tiểu hành tinh, mịn màng như bờ vai phụ nữ, bỗng nhiên vụt biến mất khỏi tâm trí của Rhyme.

“Hừm”, anh trầm ngâm buột miệng, “đó lại là một vấn đề, phải không?”.

Chương 3

Cô nhớ lại.

Đêm qua, những hồi chuông điện thoại lanh lảnh làm gián đoạn tiếng mưa rơi rả rích bên ngoài cửa sổ phòng họ.

Cô đã khinh khỉnh nhìn nó như thể NYNEX(18) phải chịu trách nhiệm cho cảm giác buồn nôn và cơn đau đến nghẹt thở trong đầu cô khi ấy, ánh đèn trên điện thoại nhấp nháy mờ ảo sau mí mắt.

Cuối cùng cô cũng gượng đứng dậy và nặng nề cầm ống nghe lên sau hồi chuông thứ tư.

“A lô?”

Trả lời cô là tiếng vọng xa xăm của những tín hiệu thường thấy ở một cuộc gọi nối máy từ sóng radio tần số riêng sang điện thoại.

Và rồi một giọng nói cất lên. Có lẽ thế.

Một tiếng cười. Có lẽ thế.

Một tiếng nổ đinh tai. Một tiếng cạch khô khan. Im lặng.

Không còn tín hiệu đường dây. Chỉ là sự im lặng, bao phủ bởi những dải sóng dao động vọng lại trong tai cô.

A lô? A lô?…

Cô đã gác máy và quay về chiếc sofa, lặng lẽ nhìn làn mưa trong đêm, nhìn cây sơn thù du ngoài cửa oằn mình xuống rồi lại bật thẳng lên dưới những trận gió của cơn bão mùa xuân. Rồi cô lại thiếp đi. Cho đến khi điện thoại lại đổ chuông sau đó khoảng nửa tiếng với cái tin chiếc Lear 94 Charlie Juliet nổ tung khi đang chuẩn bị hạ cánh khiến cả chồng cô và người phi công phụ trẻ tuổi Tim Randolph thiệt mạng.

Giờ đây, trong buổi sáng u ám này, Percey Rachel Clay mới biết rằng cuộc điện thoại bí hiểm đêm qua là của chồng mình. Ron Talbot – người có đủ can đảm để gọi điện thông báo cho cô cái tin khủng khiếp về vụ nổ – vừa giải thích rằng chính ông ta đã nối máy về nhà cho cô vào khoảng thời gian chiếc Lear nổ tung.

Tiếng cười nhẹ nhõm của Ed…

A lô? A lô…?

Percey vặn mở nắp nút chiếc chai bẹt, tu một hớp. Cô nghĩ về cái ngày lộng gió cách đây nhiều năm khi cô và Ed lái chiếc Cessna 180 có trang bị thêm phao nổi dưới càng tới Red Lake, ở tỉnh Ontario, và đáp xuống với chỉ khoảng sáu ounce(19) nhiên liệu còn lại trong thùng. Họ đã ăn mừng lần chạm đích đó bằng một chai whiskey Canada vô danh, khiến cả hai bị một trận say bê bết đáng nhớ nhất trong đời. Ý nghĩ về kỷ niệm đó giờ đây lại khiến mắt cô ầng ậc nước, cũng giống như cơn đau hồi đó.

“Thôi nào, Percey, như thế là đủ lắm rồi, được chứ?” Người đàn ông ngồi đối diện cô trên sofa trong phòng khách lên tiếng. “Xin cô.” Anh chỉ tay vào chiếc chai.

“Ồ, được chứ”, giọng nói sầu thảm của cô bật lại với vẻ giễu cợt đầy kiềm chế. “Chắc chắn rồi.” Và cô lại tu thêm một hơi nữa. Cảm thấy thèm một điếu thuốc lá, nhưng cô kìm được. “Thế quái nào mà anh ấy lại gọi cho tôi giữa lúc chuẩn bị hạ cánh nhỉ?”, cô hỏi.

“Có lẽ anh ấy lo cho cô”, Brit Hale gợi ý. “Vì cơn đau nửa đầu của cô.”

Giống như Percey, cả đêm qua Hale cũng thức trắng. Talbot đã gọi điện cả cho anh với thông tin về vụ nổ, sau đó anh lái xe từ căn hộ của mình ở khu Bronxville xuống đây với Percey. Anh đã ở bên cô suốt đêm, giúp cô thực hiện những cuộc điện thoại cần phải gọi. Chính Hale, chứ không phải Percey, mới là người thông báo tin này cho bố mẹ cô ở Richmond.

“Anh ấy chẳng việc gì phải làm như thế cả, Brit. Ai lại gọi ngay lúc hạ cánh.”

“Chuyện đó cũng đâu liên quan tới những gì đã xảy ra”, Hale nhẹ nhàng nói.

“Tôi biết”, cô nói.

Họ đã biết nhau nhiều năm nay. Hale là một trong những phi công đầu tiên của Hudson Air và đã làm việc không lương suốt bốn tháng đầu cho đến khi khoản tiền tiết kiệm của anh cạn sạch và anh buộc phải miễn cưỡng tới gặp Percey với đề nghị về một khoản lương nho nhỏ. Anh không bao giờ biết rằng cô đã phải trả lương cho anh bằng tiền túi của mình, vì công ty không hề có lợi nhuận trong suốt một năm sau khi đi vào kinh doanh. Nhìn Hale chẳng khác gì một giáo viên gầy gò, khắc khổ. Thực tế anh lại rất dễ gần – trái ngược hoàn toàn với Percey – và là người chuyên đùa cợt pha trò rất kỳ quặc, anh nổi tiếng vì sẵn sàng cho máy bay của mình bay lật ngửa nếu như hành khách trên máy bay tỏ ra thô lỗ hay ương ngạnh và anh cứ giữ nguyên như vậy cho đến khi đầu của họ nguội trở lại. Hale vẫn giữ chiếc ghế bên phải trong buồng lái của Percey và là phi công phụ được cô yêu mến trong giới đồng nghiệp. “Đặc quyền được bay cùng quý cô”, anh vẫn nói như vậy bằng cai giọng bắt chước Elvis Presley dở ẹc. “Xin cảm ơn rất nhiều.”

Đến lúc này, cơn đau phía sau hai mắt của cô gần như biến mất hoàn toàn. Percey đã mất bạn bè – chủ yếu là vì những vụ rơi máy bay – và cô biết rằng những mất mát tinh thần là loại thuốc gây tê đối với cơn đau thể xác.

Whiskey cũng như vậy.

Lại tu thêm một hơi từ chiếc chai bẹt. “Chết tiệt, Brit.” Cô đổ phịch người xuống chiếc sofa bên cạnh anh. “Ôi, chết tiệt thậ.”

Hale choàng cánh tay cứng cáp của mình quanh người cô. Percey gục mái đầu phủ kín những lọn tóc xoăn đen thẫm của mình lên vai anh. “Cố giữ gìn nhé, cưng”, anh thủ thỉ. “Hứa đi nào. Tôi có thể làm gì đây?”

Cô lắc đầu. Đó là một câu hỏi không có câu trả lời.

Lại một hớp rượu whiskey đầy miệng, rồi cô nhìn đồng hồ. Chín giờ sáng. Mẹ của Ed có thể tới đây bất kỳ lúc nào. Rồi còn bạn bè, họ hàng… Còn cả một buổi lễ tưởng niệm cần chuẩn bị…

Rất nhiều việc phải làm.

“Tôi phải gọi cho Ron”, cô nói. “Chúng ta phải làm gì đó. Công ty…”

Trong ngành hàng không và các hãng bay dịch vụ, cái từ “công ty” không hoàn toàn mang ý nghĩa giống như trong các lĩnh vực kinh doanh khác. Từ “Công ty”, với chữ “C” viết hoa, là một thực thể, một vật đang sống. Người ta nhắc đến nó với niềm trân trọng, tự hào hoặc bi phẫn. Thỉnh thoảng là với nỗi đau đớn. Cái chết của Ed đã để lại một vết thương trong rất nhiều cuộc sống, kể cả cuộc sống của chính Công ty, và đó là một vết thương có thể làm chết người.

Rất nhiều việc phải làm…

Vậy mà giờ đây Percey Clay – người phụ nữ chưa bao giờ biết sợ hãi, người phụ nữ đã từng bình tĩnh điều khiển những lắc thân máy bay kiểu Hà Lan(20) chết người, vốn là một tử huyệt thường gặp ở loại máy bay Lear 23, người đã từng bình tĩnh như không sau những cú lộn xoáy trôn ốc có thể khiến nhiều phi công dày dặn khác phải bổ nhào – đang ngồi chết lặng đến tê tái trên ghế. Quái đản thật, cô thầm nghĩ, như thể đang ở một chốn xa xăm nào đó nhìn về, mình không sao nhúc nhắc được. Thậm chí cô còn cúi xuống nhìn hai bàn tay và đôi chân mình như thể chúng chỉ còn là xương trắng hếu không một chút máu.

Ôi, Ed…

Tất nhiên còn cả Tim Randolph nữa chứ. Một phi công đồng hành có năng lực mà người ta có thể tìm được, những phi công hạng nhất như thế thường rất hiếm. Cô hình dung ra khuôn mặt tròn trịa và trẻ măng của chàng thanh niên, giống hệt như Ed thời trai trẻ. Lúc nào cũng cười toe toét mà không sao cắt nghĩa được. Luôn tập trung và biết nghe lời nhưng cũng rất kiên định – đưa ra những mệnh lệnh rất dứt khoát, ngay cả với Percey, một khi anh chàng là người chỉ huy chiếc máy bay.

“Cô cần một chút cà phê”, Hale tuyên bố rồi đi về phía bếp. “Tôi sẽ pha cho cô một ly mochaccino đặc quánh với váng sữa bốc khói cho mà xem.”

Một trong những câu chuyện đùa thân mật mà họ thường nói với nhau là về các loại cà phê nhạt thếch. Cả hai đều có chung quan điểm rằng, những phi công thực thụ sẽ chỉ uống Maxwell House hoặc Folgers.

Mặc dù vậy, hôm nay Hale, cầu Chúa phù hộ cho anh, không thực sự muốn nói đến cà phê. Ý anh là: Đừng có nốc rượu nữa. Percey hiểu lời nhắc nhở bóng gió đó. Cô xoáy nút chiếc chai bẹt lại và vứt nó lên bàn nghe đánh keng một cái. “Được rồi, được rồi.” Cô đứng dậy và bắt đầu đi đi lại lại trong phòng khách. Cô chợt bắt gặp hình ảnh của mình trong gương. Khuôn mặt ngắn bè bè. Mái tóc đen xoăn tít thành từng lọn bướng bỉnh. Hồi còn ở tuổi dậy thì đau khổ, trong một giây phút tuyệt vọng vì vẻ ngoài của mình, cô đã từng tự cắt cho mình kiểu đầu cua. Cho chúng nó biết tay. Mặc dù tất cả những gì mà hành động ngỗ ngáo đó làm được chỉ là giúp cho bọn con gái quyến rũ ở trường Trung học Lee tại Richmond có thêm vũ khí để chống lại cô. Percey có một thân hình nhỏ nhắn và đôi mắt đen long lanh mà mẹ cô vẫn nói đi nói lại rằng đó là nét đẹp nhất của cô. Cũng đồng nghĩa với nét đẹp duy nhất mà cô có. Và đó lại là một nét đẹp mà bọn con trai, tất nhiên, chẳng bao giờ thèm mảy may quan tâm.

Hôm nay dưới đôi mắt đó là những viền thâm quầng và làn da mai mái tuyệt vọng – da của một người nghiện thuốc lá, cô nhớ lại quãng thời gian cô từng đốt hết hai bao Marlboro mỗi ngày. Những lỗ đeo khuyên trên dái tai của Percey cũng đã bị lấp kín từ lâu lắm rồi.

Một cái nhìn hướng ra ngoài cửa sổ, qua rặng cây, về đoạn phố chạy qua phía trước ngôi nhà. Cô nhìn thấy cảnh người xe đi lại và có gì đó chợt gợn lên trong tâm trí cô. Điều gì đó thật bất an.

Cái gì? Cái gì mới được chứ?

Cám giác đó vụt biến mất, bị đẩy sang một bên cùng với tiếng chuông cửa vừa vang lên.

Percey mở cửa và nhìn thấy hai sĩ quan cảnh sát to như hộ pháp đứng ở ngưỡng cửa.

“Bà Clay phải không ạ?”

“Vâng.”

“NYPD.” Xuất trình phù hiệu. “Chúng tôi có mặt tại đây để trông chừng cho bà đến khi chúng tôi điều tra xong những gì vừa xảy ra với chồng bà.”

“Vào đi”, cô nói. “Brit Hale đang ở đây.”

“Ông Hale ư?” Một trong hai viên cảnh sát vừa nói vừa gật đầu. “Ông ấy cũng ở đây à? Tốt lắm. Chúng tôi cũng vừa cử hai cảnh sát vũ trang của hạt Westchester tới nhà ông ấy.”

Đúng lúc đó cô ngước nhìn qua lưng một viên cảnh sát ra ngoài đường phố và ý nghĩ mơ hồ kia lại chợt hiện ra trong đầu cô.

Cô bước vòng qua hai viên cảnh sát ra hẳn bậc thềm trước nhà.

“Chúng tôi mong là bà sẽ ở bên trong thì hơn, thưa bà Clay…”

Cô trân trối nhìn ra đường phố. Là cái gì nhỉ?

Và rồi cô chợt hiểu.

“Có điều này các ông nên biết”, cô nói với hai viên cảnh sát, “Một chiếc xe thùng màu đen.”

“Một…?”

“Một chiếc xe thùng màu đen. Lúc trước còn có một chiếc xe thùng màu đen.”

Một viên cảnh sát rút quyển sổ ghi chép ra. “Tốt nhất là bà nên kể rõ lại chuyện này cho tôi.”

“Chờ chút”, Rhyme nói.

Lon Sellitto tạm ngừng lời kể của mình.

Lúc này Rhyme nghe thấy một loạt tiếng bước chân khác đang bước đến, không nặng nhưng cũng không nhẹ. Anh biết đó là tiếng bước chân của ai. Đây không phải là suy đoán. Anh đã nghe tiếng bước chân đặc biệt này rất nhiều lần rồi.

Khuôn mặt xinh đẹp của Amelia Sachs, với mái tóc dài đỏ rực bao quanh, hiện ra trên cầu thang và Rhyme thấy cô hơi lưỡng lự trong giây lát, rồi tiếp tục tiến thẳng vào phòng. Cô mặc nguyên cả bộ sắc phục tuần tra màu xanh hải quân, chỉ thiếu mũ và cà vạt. Tay cô xách một túi mua hàng của Jefferson Market.

Jerry Banks vụt nở một nụ cười về phía cô. Việc anh chàng tha thiết bày tỏ niềm si mê của mình đối với cô đã quá rõ ràng, chỉ có điều là không đúng thời điểm cho lắm – không có nhiều sĩ quan cảnh sát tuần tra từng có thời gian theo đuổi sự nghiệp người mẫu ở Đại lộ Madison(21) giống như cô nàng Amelia Sachs cao ráo. Mặc dù vậy ánh nhìn đắm đuối cùng vẻ cuồng si của anh chàng không hề được đáp lại và chàng thám tử trẻ tuổi, bản thân anh ta cũng là một thanh niên đẹp trai dù khuôn mặt có bị cạo nham nhở cùng một vệt tóc bò liếm trên trán, dường như đành chấp nhận tiếp tục công cuộc trồng cây si của mình thêm một thời gian nữa.

“Chào Jerry”, cô nói. Với Sellitto cô trao thêm một cái gật đầu nữa, cùng câu xưng hô “thưa ngài” đầy lễ độ. (Chẳng gì anh ta cũng là Đại úy Thám tử và là một huyền thoại trong lĩnh vực điều tra án mạng. Sachs mang gen cảnh sát di truyền trong người và cô đã được dạy dỗ chu đáo tại bàn ăn cũng như trong trường cảnh sát là phải biết kính trọng các bậc tiền bối.)

“Trông cô có vẻ mệt mỏi”, Sellitto nhận xét.

“Tôi có ngủ được đâu”, cô nói. “Phải đi tìm cát.” Cô rút ra một tá những túi nhỏ từ trong chiếc túi mua hàng. “Tôi vừa ra ngoài thu thập mẫu về.”

“Tốt lắm”, Rhyme nói. “Nhưng đó là tin cũ rồi. Chúng ta vừa nhận nhiệm vụ mới.”

“Nhiệm vụ mới?”

“Có kẻ mới xuất hiện trong thành phố. Và chúng ta phải tóm hắn.”

“Kẻ nào?”

“Một tên sát thủ”, Sellitto nói.

“Chuyên nghiệp?” Sachs hỏi. “Tội phạm có tổ chức?”

“Chuyên nghiệp, đúng vậy”, Rhyme nói. “Hiện chúng ta chưa phát hiện được mối liên hệ nào với tội phạm có tổ chức cả.” Tội phạm có tổ chức là đầu mối cung cấp những sát thủ giết thuê lớn nhất nước Mỹ.

“Hắn là sát thủ tự do”, Rhyme giải thích. “Chúng tôi gọi hắn là Vũ công Quan tài.”

Bất giác cô bồn chồn đưa móng tay lên gãi gãi một bên lông mày. “Tại sao?”

“Duy nhất chỉ có một nạn nhân từng tiếp cận với hắn mà còn sống thêm được đủ lâu để cung cấp cho chúng ta một số chi tiết. Hắn có – hoặc ít nhất cũng đã từng có – một hình xăm trên bắp tay: Thần Chết nhảy múa với một phụ nữ phía trước một chiếc quan tài.”

“Hừm, đó đáng là một chi tiết phải cho vào phóng sự vụ án trong chương trình Dấu hiệu Nhận biết mới đúng”, cô nói với vẻ chế giễu. “Chúng ta còn biết những gì về hắn nữa?”

“Nam giới, người da trắng, có lẽ khoảng ngoài ba mươi tuổi. Tất cả chỉ có vậy.”

“Chúng ta đã cho người lần theo hình xăm đó chưa?” Sachs hỏi.

“Tất nhiên”, Rhyme trả lời một cách khô khan. “Đến tận cùng trời cuối đất.” Điều anh nói là sự thật theo đúng nghĩa đen. Không một sở cảnh sát tại bất kỳ thành phố chính nào trên thế giới có thể cung cấp thông tin về một hình xăm như thế.

“Xin thứ lỗi, thưa các quý ông và cô đây”, Thom nói. “Có việc phải làm.” Cuộc trò chuyện tạm thời gián đoạn trong lúc chàng thanh niên bắt tay vào thực hiện các động tác xoay người cho ông chủ của mình. Mục đích của việc này là giúp Rhyme làm sạch phổi. Đối với những người liệt tứ chi thì một số bộ phận nhất định trên cơ thể trở nên có tính cách như con người; người bệnh phát triển những mối quan hệ đặc biệt với các bộ phận này. Sau khi cột sống của anh bị dập nát trong lúc khám nghiệm một hiện trường vụ án cách đây vài năm, hai tay và hai chân của Rhyme đã trở thành những kẻ thù tàn độc nhất đối với chính anh và Rhyme đã từng phải tuyệt vọng dồn hết sức lực của mình cố gắng bắt chúng làm những gì anh muốn. Nhưng rồi chúng đã thắng, không phải tranh cãi gì thêm nữa, và suốt từ đó đến giờ lúc nào chúng cũng trơ ra như gỗ. Rồi anh lại còn phải đối mặt với những cơn co giật hành hạ cơ thể mình một cách không thương tiếc. Anh đã cố gắng bắt chúng phải chấm dứt. Cuối cùng thì chúng cũng dừng lại – duờng như là vì tự chúng muốn thế thì đúng hơn. Rhyme cũng không hoàn toàn tuyên bố chiến thắng mặc dù anh có chấp nhận sự đầu hàng của chúng. Sau đó anh lại quay sang với những thách thức ít gay cấn hơn và bắt đầu tuyên chiến với hai lá phổi của mình. Cuối cùng, sau một năm điều trị phục hồi chức năng, anh có thể tự giải phóng cho mình khỏi cái máy thở. Ngay khi chiếc ống khí quản nhân tạo được rút ra, anh có thể tự thở bình thường. Đó là chiến thắng duy nhất mà Rhyme giành được trong cuộc chiến với cơ thể mình và anh vẫn nuôi dưỡng một sự mê tín đen tối rằng hai lá phổi kia đang kiên trì mai phục chờ ngày trả thù. Anh tự hình dung ra cảnh mình sẽ chết vì viêm phổi hoặc chứng phù thủng chỉ sau một, hai năm nữa.

Cũng không hẳn là Lincoln Rhyme bị giày vò với ý nghĩ về cái chết. Chỉ có điều là có quá nhiều cách để chết; anh quyết tâm sẽ không chọn cho mình một cách quá khổ sở.

Sachs đang hỏi tiếp, “Có manh mối gì không? Phi vụ gần đây nhất?”

“Gần đây nhất hắn gây án ở khu vực Washington D.C”, Sellitto nói bằng cái giọng Brooklyn lè nhè của mình. “Thế thôi. Không có thêm gì sất. À, mà chúng tôi cũng có nghe một số thông tin về hắn. Thực ra là Dellray nghe được chứ không hẳn là chúng tôi, anh ta có những tay chỉ điểm và cơ sở mật mà, cô biết đấy. Tên Vũ công, cứ như thể hắn là mười con người khác nhau vậy. Thay thùy tai, cấy ghép mặt, độn silicon. Thêm sẹo, bớt sẹo. Tăng cân, gỉảm cân. Có lần hắn còn lột da xác chết – lấy cả phần bàn tay của nạn nhân rồi đeo vào tay mình cứ như người ta xỏ găng tay vậy, để đánh lừa cảnh sát về dấu vân tay.”

“Nhưng không phải tôi”, Rhyme nhắc. “Hắn đâu có qua mặt được tôi.”

Mặc dù chính mình cũng không tóm được hắn, anh cay đắng thầm nghĩ.

“Hắn lên kế hoạch cho mọi chi tiết”, viên thám tử nói tiếp. “Sắp đặt các biện pháp đánh lạc hướng rồi xâm nhập. Và ra tay. Sau đó thằng chó chết này dọn dẹp hiện trường gây án cực kỳ sạch sẽ.” Sellitto ngừng lời, trông anh có vẻ bức xúc lạ lùng, điểm ít thấy ở một người chuyên sống bằng nghề săn lùng những tên sát thủ.

Ngoảnh mặt ra ngoài cửa sổ, Rhyme không tỏ một chút xúc động trước sự uất ức của người cộng sự cũ. Anh chỉ lạnh lùng nói tiếp. “Vụ án đó – vụ hắn đã lột da bàn tay nạn nhân – là tội ác gần đây nhất của tên Vũ công ở New York. Năm, sáu năm trước. Hắn được một tay chủ ngân hàng đầu tư ở phố Wall thuê giết đối tác làm ăn của mình. Hắn ra tay rất gọn gàng và nhanh chóng. CS(22) của tôi tới nơi hắn gây án và bắt đầu rà soát. Một thành viên trong đội đã nhấc một tập giấy ra khỏi thùng rác. Làm kích nổ một khối thuốc PETN(23). Nặng khoảng tám ounce gì đó, được tăng cường bằng khí gas trong phòng. Cả hai nhân viên đều thiệt mạng và hầu hết mọi manh mối đều bị phá hủy.”

“Tôi rất tiếc”, Sachs nói. Giữa hai người có một sự im lặng thật khó xử. Cô vừa là học trò vừa là cộng sự của anh từ hơn một năm nay – và cũng đã trở thành bạn tâm giao của anh nữa. Thậm chí thỉnh thoảng còn nghỉ lại qua đêm tại đây, ngủ trên sôfa, hoặc hơn thế nữa, trong sáng như một người em gái, nằm ngay trên chiếc giường Clinitron nặng cả nửa tấn cuả Rhyme. Nhưng họ hầu như chỉ nói chuyện về khoa học hình sự, trong đó Rhyme ru cô vào giấc ngủ bằng câu chuyện về những tên giết người hàng loạt bệnh hoạn hoặc những tên trộm ranh ma chuyên đột vòm một cách thần tình. Họ hầu như không mấy khi đề cập tới những vấn đề riêng tư. Lúc này cô không thể nói gì thêm ngoài câu “Chuyện đó chắc vô cùng khó khăn”.

Rhyme xua đi sự cảm thông gượng gạo đó bằng một cái lắc đầu. Anh trân trân nhìn vào bức tường trống trơn. Một dạo đã từng có những tấm poster nghệ thuật được dán xung quanh căn phòng. Chúng đã được tháo bỏ từ lâu nhưng mắt anh vẫn cố hình dung ra khung cảnh cũ từ những mẩu băng dính còn sót lại. Hình dáng mà chúng tạo nên là một ngôi sao lệch, trong khi ấy, ở đâu đó trong sâu thẳm trong tâm hồn anh, Rhyme cảm thấy một nỗi tuyệt vọng trống rỗng khi hình dung lại hiện trường vụ án khủng khiếp sau khi quả bom phát nổ, chứng kiến những thi thể dập nát và cháy sém của hai đồng nghiệp.

Sachs hỏi, “Người đã thuê hắn ấy, ông ta có đồng ý tố cáo tên Vũ công không?”.

“Có đồng ý chứ, chắc chắn rồi. Nhưng ông ta cũng chẳng biết gì mà khai cả. Ông ta chuyển tiền mặt vào một thùng thư cùng những chỉ thị được viết cụ thể. Không có điện chuyển khoản, không có số tài khoản nào hết. Họ chưa bao giờ gặp nhau trực tiếp.” Rhyme hít một hơi thật sâu. “Nhưng điều tệ nhất trong chuyện này là tay chủ ngân hàng trả tiền cho vụ giết người cuối cùng lại đổi ý. Ông ta đã hoảng sợ. Nhưng ông ta không có cách nào để liên lạc với tên Vũ công. Chuyện đó cũng chẳng ảnh hưởng gì. Tên Vũ công đã nói thẳng với ông ta ngay từ đầu: Không bao giờ có chuyện hủy đơn đặt hàng.”

Sellitto kể tóm tắt lại cho Sachs biết về vụ án hiện tại liên quan đến Phillip Hansen, những nhân chứng đã nhìn thấy máy bay của hắn thực hiện cú cất cánh vào lúc nửa đêm và vụ đánh bom đêm qua.

“Nhân chứng còn lại gồm những ai?”, cô hỏi.

“Percey Clay, vợ của cái tay phi công Carney bị giết trên máy bay đêm qua. Cô ta là chủ tịch công ty dịch vụ bay của họ, Hudson Air Charters. Chồng cô ta là phó chủ tịch. Nhân chứng còn lại là Britton Hale. Anh ta cũng là một phi công làm việc trong công ty. Tôi đã cử người tới canh chừng cho cả hai người này.”

Rhyme nói, “Tôi vừa gọi cho Mel Cooper tới. Anh ta sẽ đảm trách phòng thí nghiệm dưới nhà. Vụ Hansen này huy động lực lượng tổng hợp cho nên chúng ta sẽ cần đến Fred Dellray để đại diện cho cơ quan an ninh liên bang. Anh ấy sẽ huy động các đặc vụ cho chúng ta trong trường hợp cần thiết đồng thời chuẩn bị một trong những ngôi nhà an toàn chuyên bảo vệ nhân chứng của Cảnh sát Tư pháp Hoa Kỳ dành riêng cho cô Clay kia và Hale”.

Những ký ức bộn bề của Lyncoln Rhyme lại thoáng tràn về xâm chiếm khiến anh bất giác không còn nhận ra Sellitto đang nói gì nữa. Trong tâm trí anh lúc này là hình ảnh về một văn phòng làm việc, nơi tên Vũ công đã gài quả bom cách đây năm năm.

Hồi tưởng: Chiếc thùng rác, nổ toác miệng như một bông hồng đen ngòm. Mùi thuốc nổ – mùi hoá chất nồng nặc, hoàn toàn không giống chút nào so với mùi khói do gỗ cháy thông thường. Những vết nứt rạn óng ánh trên mặt gỗ cháy thành than. Thi thể bầm nát của hai nhân viên do anh cử đi, nát bấy và cong queo trong ngọn lửa.

Tiếng tít tít phát ra chiếc máy fax kéo anh khỏi dòng suy tưởng đau đớn. Jerry Banks giật lấy tờ giấy đầu tiên. “Báo cáo khám nghiệm hiện trường vụ nổ”, anh ta thông báo.

Đầu Rhyme giật mạnh về phía chiếc máy fax đầy háo hức. “Đến lúc bắt tay vào việc rồi, các chàng trai, cô gái!”

“Rửa thật sạch. Rửa sạch chúng đi.”

“Quân nhân, những bàn tay đó sạch chưa?”

“Thưa ngài, sắp sạch rồi ạ, thưa ngài.”

Người đàn ông vạm vỡ, khoảng ngoài ba mươi tuổi, đứng trong nhà vệ sinh của một quán cà phê trên Đại lộ Lexinhton, hoàn toàn chú tâm vào công việc của mình.

“Cọ mạnh, cọ mạnh, cọ mạnh vào…”

Hắn dừng lại và ngoái nhìn ra cửa nhà vệ sinh dành cho nam giới. Dường như không có ai mảy may quan tâm đến việc hắn đã ở trong này được gần mười phút.

Quay lại với việc kỳ cọ.

Stephen Kall chăm chú nhìn lớp biểu bì và những đốt ngón tay tấy đỏ của mình.

Trông có vẻ sạch, trông có vẻ sạch. Không có giòi. Không một con.

Trước đó hắn đã cảm thấy thật dễ chịu sau khi lái chiếc xe thùng màu đen ra khỏi đường phố và giấu nó sâu tít bên dưới một ga ra ngầm. Stephen đã lấy những thứ mà hắn cần từ thùng sau chiếc xe và bước ngược dốc đi lên, len vào giữa con phố tấp nập người đi lại. Trước đây hắn cũng đã thực hiện một số vụ ở New York nhưng hắn chưa bao giờ có thể quen với cảnh biển người hỗn loạn, chỉ riêng đoạn phố này cũng đã có cả nghìn người rồi.

“Làm mình thấy ghê sợ.”

“Làm mình thấy nhớp nhúa.”

Và thế là hắn ghé vào nhà vệ sinh dành cho nam giới trong quán cà phê này để kỳ cọ qua một chút.

“Quân nhân, anh vẫn chưa xong việc đó cơ à? Anh còn hai mục tiêu phải tiêu diệt đấy.”

“Thưa ngài, sắp xong rồi, thưa ngài. Phải loại bỏ bất kỳ nguy cơ để lại dấu vết nào trước khi bắt tay vào thực hiện chiến dịch tiếp theo, thưa ngài.”

Ôi, lạy Chúa lòng lành…

Dòng nước nóng chảy tràn trên hai bàn tay của hắn. Kỳ cọ bằng một cái bàn chải hắn luôn mang theo bên mình trong một chiếc túi nylon. Xịt thêm chất xà phòng lỏng màu hồng từ trong bình lên tay. Và lại tiếp tục kỳ cọ thêm lúc nữa.

Cuối cùng hắn săm soi hai bàn tay đỏ bầm và hong khô chúng dưới luồng khí nóng của máy sấy. Không dùng khăn, không để lại những sợi vải có thể làm lộ chân tướng.

Và không có giòi.

Hôm nay Stephen vẫn mặc đồ cải trang, nhưng không phải đồ rằn ri quân sự màu xanh ô liu hoặc màu be kiểu trong chiến dịch Bão táp Sa mạc. Hắn mặc quần jean, áo sơ mi công nhân, chiếc áo khoác gió màu xám lấm tấm những giọt sơn, đi giày thể thao Reebok. Trên thắt lưng hắn là một chiếc điện thoại di động và cái thước dây lớn. Trông hắn chẳng khác bất kỳ nhà thầu xây dựng nào trong khu Manhattan, và sở dĩ hôm nay hắn diện bộ đồ này là vì không một ai để tâm đến một người công nhân xây dựng mang găng tay vải trong một ngày mùa xuân ấm áp cả.

Bước ra ngoài.

Vẫn còn rất nhiều người. Nhưng hai bàn tay hắn đã sạch sẽ và hắn không còn cảm thấy ghê sợ nữa.

Hắn dừng lại ở góc phố và nhìn về phía tòa nhà đã từng là ngôi nhà của Người chồng và Người vợ nhưng lúc này Người vợ chỉ còn một mình vì Người chồng đã bị nổ tung thành hàng triệu mảnh trên Vùng đất của Lincoln(24).

Vậy là hai nhân chứng vẫn còn sống và cả hai sẽ phải chết trước khi bồi thẩm đoàn được triệu tập vào thứ Hai. Hắn liếc nhìn chiếc đồng hồ to đùng bằng thép không gỉ của mình. Bây giờ mới là chín rưỡi sáng thứ Bảy.

“Quân nhân, liệu còn đủ thời gian để tiêu diệt cả hai không?”

“Thưa ngài, lúc này có thể tôi không giết được cả hai cùng một lúc, nhưng tôi vẫn còn gần bốn mươi tám tiếng đồng hồ nữa, thưa ngài. Ngần đó thời gian là quá đủ để xác định và vô hiệu hóa cả hai mục tiêu, thưa ngài.”

“Nhưng, quân nhân, anh có e ngại thách thức không?”

“Thưa ngài, tôi sống vì những thách thức, thưa ngài.”

Có đúng một chiếc xe tuần tra của cảnh sát bên ngoài ngôi nhà. Đó là điều hắn đã dự kiến từ trước.

“Được rồi, chúng ta có một khu vực tiêu diệt quen thuộc ở phía trước ngôi nhà, một khu vực tiêu diệt xa lạ bên trong…”

Hắn nhìn quanh hai bên đường phố, rồi bắt đầu bước dọc theo vỉa hè, hai bàn tay vừa được kỳ cọ sạch, ngứa ran. Chiếc ba lô sau lưng nặng gần 60 pound(25) nhưng hắn hầu như không hề cảm thấy gì. Stephen đầu cua là một tên vạm vỡ.

Vừa bước đi hắn vừa tự hình dung bản thân như một người dân địa phương. Vô danh. Hắn không hề nghĩ mình là Stephen, ông Kall hay Todd Johnson hoặc Stan Bledsoe, hay bất kỳ ai trong số hàng chục cái tên giả khác mà hắn từng sử dụng trong suốt mười năm qua. Tên thật của hắn giống như một cái thang sét gỉ cho trẻ con leo trèo gắn ở sân sau, một thứ mà người ta lờ mờ biết là có nhưng cũng không mấy khi nhìn thấy.

Bất thình lình hắn rẽ và bước vào trong sảnh trước của tòa nhà đối diện với ngôi nhà của Người vợ. Stephen đẩy cánh cửa trước và cảnh giác quan sát những ô cửa sổ kính rộng bên kia phố, vốn bị cành lá lòa xòa của một cây sơn thù du đang ra hoa che phủ một phần. Hắn đeo một cặp kính tráng lớp bảo vệ màu vàng dành cho xạ thủ tập bắn và ánh chói lòa trên cửa sổ kính biến mất. Hắn nhận ra bóng những người chuyển động bên trong. Một tên cớm… không, hai tên cớm. Một người đàn ông quay lưng lại phía cửa sổ. Có thể là Người bạn, một nhân chứng khác mà hắn đã được thuê thủ tiêu. Và… đúng rồi! Có cả Người vợ nữa. Thấp bé. Thô kệch. Trông như trẻ con. Cô ta mặc một chiếc áo màu trắng. Một mục tiêu thật ngon ăn.

Cô ta bước khỏi tầm nhìn của hắn.

Stephen cúi xuống và kéo mở khóa ba lô.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button