Văn học nước ngoài

Việt Nam Ngày Nay – Chuyện Mưu Sinh

viet-nam-ngay-nay-chuyen-muu-sinh-gerard-sasges1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Gerard Sasges

Download sách Việt Nam Ngày Nay – Chuyện Mưu Sinh ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục :  VĂN HỌC NƯỚC NGOÀI

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download Ebook         

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời giới thiệu


LỜI NÓI ĐẦU

Mười bốn năm trước, tôi gặp một thanh niên tại một sự kiện xã hội dành cho các học giả khách mời đến từ Việt Nam ở UC Berkeley. Tôi không còn nhớ được các vị học giả, những vị khách khác, hay nhiều cuộc thảo luận rất sôi nổi, nhưng tôi lại nhớ rất rõ một chàng thanh niên nhiệt thành có tên là Gerard Sasges.

Chúng tôi có nói chuyện phiếm với nhau một lát. Anh ấy đang viết luận văn, nhưng anh ấy cũng đang tìm kiếm ý nghĩa và mục đích sống. Đời sống học thuật khép kín bắt đầu trở nên nhàm chán. Anh ấy nói chuyện với tôi vì tôi vừa thực hiện một chuyến du hành bằng xe đạp trong suốt một năm trời và đã viết những trải nghiệm ấy thành một cuốn sách, đồng thời sắp sửa lao vào một chuyến đi nữa.

Thúc giục một người đàn ông đi theo con đường mà trái tim anh ta hằng khao khát là điều rất dễ, thậm chí còn dễ hơn nữa khi người đó đã từng đi con đường tương tự và vô cùng thích thú. Tôi thường nghĩ đến điều này giống như khi đang đứng trên một đỉnh núi, bên cạnh một cua-rơ đăm đăm nhìn xuống đoạn dốc dài trên đường đua đơn lạ lẫm đầy những đá tảng, khúc quanh và ngã rẽ không nhìn rõ, rồi thúc giục anh ta lao tới bằng một cú huých nhẹ và những lời thế này “Được mà, được mà, lúc nào cậu cũng vẫn có thể quay lại và tiếp tục từ vị trí cậu tạm dừng.”

Lạy Chúa, đó là một lời dối trá nhẹ nhàng, không đáng kể lắm xét trong cả một “âm mưu” lớn hơn là “bước chân đi cấm kỳ trở lại”. Đó là vận số của những người mới vào nghề. Từ rất lâu rồi, tôi từng viết ra một vài dòng khi còn là một thanh niên trẻ trung đang suy tính chuyến đi đầu tiên của mình:

Tại sao chúng ta đi? Vì chúng ta sợ hãi. Vậy sao không ở lại?

Vì sự nhút nhát làm chúng ta nhỏ bé hơn. Chúng ta sợ điều gì?

Những người lạ ác tâm. Những điều bất tiện. Đoạn kết bí ẩn của những con đường chưa biết. Liệu việc lên đường có định hình chúng ta?

Giờ thì tôi đã biết câu trả lời: Đúng vậy, lúc nào cũng thế, không thể thay đổi.

Gần đây khi Gerard liên hệ với tôi, anh giải thích “Thực sự rất cảm ơn lời khuyên của anh rằng tôi cần học hết đại học, tới Việt Nam, hoàn thành chương trình Tiến sĩ và dành hơn 10 năm sống và dạy học tại Hà Nội.” Tôi thấy rất phấn khởi khi biết rằng có những người khác được lợi từ công việc và những gì tôi nói. Như hầu hết các tác giả đều biết, những bù đắp bằng tiền bạc, thậm chí những phần thưởng cũng chẳng là gì nhiều nếu so với những thứ thật sự lớn lao hơn. Người ta nói rằng bạn không thể mang theo nó cùng bạn và điều đó đúng. Nhưng tôi dám cược rằng nếu có điều gì bạn có thể nhận lấy ngoài cuộc sống này, đó chính là cái nghiệp mà bạn có được từ tác động tích cực mà bạn tạo ra với cuộc sống của những người khác.

Và đó chính là những gì tôi tin Gerard cùng các sinh viên của ông đã có được với cuốn sách của mình, cuốn Việt Nam ngày nay: Chuyện mưu sinh, một cuốn sách đầy tham vọng gồm nhiều cuộc phỏng vấn những người Việt Nam bình thường về cuộc sống và nghề nghiệp của họ. Tiêu đề của cuốn sách hấp dẫn ở sự giản dị, nhưng nội dung của nó lại hoành tráng về quy mô, tạo ra một lát cắt rất rõ ràng về các giai tầng kinh tế xã hội Việt Nam từ đáy tới đỉnh. Những bài phỏng vấn đa dạng và sự trung thực trong lời kể của các nhân vật được phỏng vấn khiến cuốn sách vô cùng ấn tượng và bổ ích. Phần dịch rất rõ ràng và trôi chảy. Khi đọc sách bằng tiếng Anh, tôi có thể nghe rất rõ những tiếng nói của họ bằng tiếng Việt. Đây chính là bằng chứng về một bản dịch hạng nhất.

Một hai năm sống ở một quốc gia không làm cho bất kỳ ai trở thành chuyên gia được. Nhưng một thập kỷ thì được. Mười năm “đắm đuối” ở một địa phương, với những vui buồn, khám phá, đau khổ, tình bạn, giận dữ, tuyệt vọng và hy vọng. Trong khoảng thời gian đó – chiếm trọn một phần tư cuộc đời lao động của một người trưởng thành – một con người sẽ sống, yêu thương và mất mát, không phải chỉ một lần và vài lần. Và nếu người ấy có đôi mắt luôn sẵn sàng quan sát, một trái tim luôn sẵn sàng cảm nhận, một tâm hồn luôn sẵn sàng thấu hiểu, khi đó và chỉ khi đó người ấy mới trở thành một chuyên gia. Đó là những gì Gerard đã bỏ ra ở Việt Nam và nó chứng minh tất cả. Rõ ràng, Việt Nam ngày nay: Chuyện mưu sinh là tác phẩm hiện thực tuyệt vời nhất về Việt Nam mà tôi từng đọc trong vòng một thập kỷ.

San Francisco, tháng 4 năm 2013

Andrew X. Pham

 

ĐỌC THỬ

PHI LỘ

Những bài phỏng vấn trong cuốn sách này được tiến hành như một phần của chương trình tôi giảng dạy trong thời gian hướng dẫn Chương trình Giáo dục nước ngoài của Đại học California tại Việt Nam. Tôi đến Việt Nam năm 2000 để bắt đầu nghiên cứu cho luận văn tiến sĩ sử học tại Đại học California ở Berkeley. Hai năm sau, tôi được bổ nhiệm làm Giám đốc quốc gia cho Chương trình của Đại học California, một vị trí tôi thích đến mức tôi không hề rời bỏ nó trong suốt 10 năm sau. Mặc dù ban đầu chương trình được thiết kế cho các sinh viên Mỹ, nhưng qua thời gian tôi dần dần tiếp nhận cả các sinh viên bản địa vào lớp mình để đến năm 2008, số sinh viên Việt Nam và Mỹ của tôi đã ngang bằng nhau khi chúng tôi cùng tìm hiểu về những quá trình thay đổi mà chúng ta gọi là “sự phát triển”. Đến năm 2010, tôi quyết định tổ chức các chương trình tìm hiểu của mình xung quanh chủ đề công việc, và Dự án Kiếm ăn ra đời. Đúng như chúng tôi đã giải thích trên website của dự án:

Trong tiếng Việt, từ “kiếm ăn” thường được sử dụng để mô tả quá trình các loài động vật làm mỗi ngày để tồn tại. Ngoài ra “kiếm ăn” còn được sử dụng trong đời thường với nghĩa như “làm việc,” để chỉ những việc con người làm để sống. Bởi vậy, trong dự án mang tên “Kiếm ăn” này, chúng tôi phỏng vấn nhiều người Việt Nam để biết thêm về công việc của họ. Đối tượng chúng tôi phỏng vấn không chỉ là CEO và quản lý nhà máy, họ có thể là người trông xe, nông dân, những cô gái PG, người nấu chè… Tất cả những việc đó nhằm giúp chúng ta một cái nhìn rõ hơn về thực tế việc làm tại Việt Nam ngày hôm nay, và qua đó, có một cái nhìn rõ hơn về thực tế của cuộc sống trong giai đoạn có nhiều thay đổi trong kinh tế, văn hóa, xã hội của quốc gia.

Trong thời gian hai năm, chúng tôi thực hiện hơn 150 cuộc phỏng vấn, và rất nhiều nội dung phỏng vấn trong đó có trên website của chúng tôi bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt. Cuốn sách này tập hợp lại những bài phỏng vấn đã được chọn lọc từ Dự án Kiếm ăn với ảnh minh họa của sinh viên, cũng là người bạn của tôi, Mai Huyền Chi.

Chúng tôi lấy cảm hứng cho dự án này từ nhiều nguồn. Vào những năm 1920 và 1930, Việt Nam trải qua một giai đoạn phát triển kinh tế và đô thị hóa mau lẹ, mà bằng nhiều cách, giúp báo trước những quá trình thay đổi mà chúng ta nhìn thấy ở Việt Nam ngày nay. Một kết quả là phong trào hiện thực xã hội trong văn học Việt Nam, với những tác giả như Vũ Đình Chí và Vũ Trọng Phụng sáng tạo ra những tác phẩm phóng sự tuyệt vời giới thiệu đến độc giả thế giới của phu kéo xe, gái bán hoa và kẻ hầu người hạ trong nhà, cùng với nhiều hạng người khác. Gần hơn về mặt thời gian, nhưng không gần về mặt khoảng cách, cuốn sách năm 2000: Gig : Người Mỹ nói về nghề nghiệp của mình (Gig: Americans talk about their job`s) gợi cho chúng tôi nhớ đến vô số nghề nghiệp kỳ lạ chìm khuất bên dưới bề mặt xã hội đương đại và phong cách độc thoại trong các bài phỏng vấn chính là một khuôn mẫu cho quá trình biên tập của chúng tôi. Như những tác phẩm khác, dự án của chúng tôi hình thành từ hai ý tưởng. Thứ nhất là quan niệm cho rằng công việc của mình là cửa sổ quan trọng để hiểu chính mình và thế giới của mình: Nó chính là những gì chúng tôi làm để tồn tại và hầu hết con người sẽ dành phần lớn cuộc đời mình để làm như vậy. Thứ hai là ý tưởng rằng mọi công việc và mọi cá nhân làm công việc đó, đều đáng để chúng ta tôn trọng, quan tâm và dành thời gian.

Chúng tôi đã biết về một số người mà chúng tôi phỏng vấn, một số do bạn bè hay gia đình giới thiệu và một số là do tình cờ gặp được. Các cuộc phỏng vấn thường, nhưng không phải luôn vậy, có liên quan đến ít nhất hai người phỏng vấn. Trước khi bắt đầu, chúng tôi chuẩn bị trước bằng cách tìm hiểu gì đó về công việc và thảo luận những chương trình phỏng vấn của mình. Như một phần của dự án, chúng tôi đã xây dựng các mẫu câu hỏi và chủ đề chung để tìm hiểu nhưng chúng tôi cũng rất có ý thức về sự cần thiết phải để cho mỗi cuộc trò chuyện tự phát triển theo xu hướng của nó. Chúng tôi đã rất cố gắng tham gia vào cuộc trò chuyện với mọi người: Chúng tôi giải thích rõ mình là ai, đến từ đâu, chúng tôi đang cố gắng thu lượm điều gì, và chúng tôi khích lệ họ đặt câu hỏi. Một số người cho phép chúng tôi ghi âm lại, nhưng thường thì họ không đồng ý, nhưng dù thế nào chúng tôi cũng đều có ghi chép trong lúc tiến hành phỏng vấn, hoặc chúng tôi tái hiện lại nội dung buổi trò chuyện ngay sau khi kết thúc.

Với những ai đã làm nghiên cứu ở Việt Nam, các bạn sẽ thấy rằng rất khó đạt được những chuẩn mực về sự ưng thuận rất cần có đối với nghiên cứu chuyên môn liên quan đến con người. Đề nghị người khác ký kết một mẫu biên bản đồng ý sẽ khiến rất nhiều cuộc trò chuyện không thể thực hiện được nữa và sẽ thay đổi bản chất của bất kỳ cuộc trò chuyện nào mà chúng tôi vẫn có thể thực hiện. Tuy nhiên, trong điều kiện những hạn chế này, chúng tôi đã cố gắng hết sức để tạo ra những điều kiện ưng thuận. Chúng tôi giải thích về dự án của mình cho tất cả mọi người mà chúng tôi bắt chuyện và cho họ biết rằng công trình của chúng tôi có thể được công bố và cho họ cơ hội từ chối tham gia, tham gia ẩn danh, hoặc xem lại nội dung cuộc phỏng vấn trước khi đăng tải.

Trước hết, các cuộc phỏng vấn được văn bản hóa từ các nội dung ghi âm và ghi chép, sau đó biên tập và dịch nếu cần. Bước đầu tiên của quá trình này là xác định các câu hỏi, sau đó thay đổi trật tự và lược bỏ bớt những phần chúng tôi cảm thấy trùng lặp. Mục tiêu của chúng tôi là nắm được thần thái và ý tưởng của nội dung trò chuyện nguyên gốc, nhưng trong một hình thức để độc giả bình thường cũng tiếp cận và lĩnh hội được. Sau đó, chúng tôi dịch nội dung sang tiếng Anh hoặc tiếng Việt. Hầu hết các bản dịch nguyên gốc được chính những người tiến hành phỏng vấn thực hiện; mặc dù cũng có một số nội dung do tôi tự dịch. Nhưng tôi là người chịu trách nhiệm cuối cùng đối với bất kỳ sai sót, lệch lạc, hoặc thiếu sót nào có thể có trong quá trình biên tập và dịch thuật cuốn sách.

Trong hầu hết các nội dung phỏng vấn, chúng tôi đã thay đổi tên tuổi và các chi tiết để không ai nhận ra được những người mà chúng tôi trò chuyện. Đặc biệt ở Việt Nam, rất khó dự liệu được tất cả các hoàn cảnh trong đó thông tin có thể bị xem là nhạy cảm, cho nên tốt nhất là thà sai sót do thận trọng còn hơn vô tình khiến những người cung cấp thông tin bị ảnh hưởng. Mặc dù rõ ràng là với một số nội dung phỏng vấn – chẳng hạn một giám đốc công ty hay một nghệ sĩ nổi tiếng – không thể tránh được việc nhận ngay ra nhân vật được phỏng vấn. Trong những trường hợp này, họ đã cho phép chúng tôi sử dụng tên thật của mình.

Một số độc giả có thể ngạc nhiên về cách tổ chức các cuộc phỏng vấn. Trong khi “cung đường” kể chuyện cơ bản, bắt đầu với một nông dân trồng lúa và kết thúc với một phu bốc mộ, có thể có lô-gíc nhất định nhưng hành trình giữa hai nhân vật đó vẫn có một số ngã rẽ và khúc quanh. Điều này là có chủ đích. Mục tiêu của tôi là sắp xếp một số nghề nghiệp nhất định mà bình thường chúng ta có thể không gắn chúng với nhau, ở gần nhau và giúp tiết lộ một số giả định ngầm của chúng tôi về các loại công việc khác nhau và giá trị của chúng. Sau hết, cả một nghệ sĩ lẫn một chuyên gia “chế” sản phẩm nghệ thuật đều tạo ra hàng hóa cho thị trường, và một bà nội trợ có thể cũng phải giải quyết những vấn đề phức tạp chẳng kém bất kỳ vấn đề gì mà vị giám đốc chiến lược của một công ty bánh kẹo trị giá hàng triệu đô la gặp phải. Một tù nhân cũng chính là thành phần của những hệ thống giúp một quốc gia được an toàn giống như những con người đang canh giữ biên cương. Điểm đối lập này nhấn mạnh cách thức tất cả chúng ta tham gia vào một công việc cơ bản giống nhau: mưu sinh.

Singapore 2013

Gerard Sasges

LỜI GIỚI THIỆU

Một trong những chuyến taxi tôi thích nhất ở Việt Nam diễn ra vào cuối năm 2008. Khi người lái xe và tôi đã tìm hiểu được những chi tiết thông thường về tuổi tác, tình hình gia đình và những chuyện tương tự, tôi lái cuộc trò chuyện theo hướng công việc: Anh ấy đã lái taxi bao lâu, thời lượng làm việc, thu nhập trung bình mỗi tháng, các chi tiết của một ngày bình thường. Người lái xe kể lại trước kia anh ấy làm việc trong một nhà máy thuộc sở hữu Nhà nước nhưng bị đóng cửa vào cuối thập niên 1990. Sau đó, anh thi lấy bằng và lái xe tải đường dài trước khi chuyển sang lái taxi năm năm trước. Lái taxi là công việc căng thẳng và thu nhập thấp, nhưng kết hợp với thu nhập của vợ, công việc này đem lại cho anh và gia đình một cuộc sống có thể xem là không dám mơ tới khi anh còn làm việc trong nhà máy. “Ông biết không,” anh ấy nói, “phát triển kinh tế mà Việt Nam chứng kiến kể từ năm 1986 là nhờ thị trường tự do, nhờ cạnh tranh, nhờ người tiêu dùng được tự do lựa chọn rất nhiều hàng hóa. Nếu Việt Nam cứ tiếp tục phát triển, đất nước này cần có một thị trường tự do về chính trị, chứ không chỉ về kinh tế.” Đôi mắt anh ấy nhìn qua khung gương chiếu hậu, tìm kiếm mắt tôi. “Ông có hiểu ý tôi không?”, anh ấy hỏi một cách chăm chú. “Có,” tôi đáp, “tôi hiểu ý anh.”

Có nhiều lý do khiến tôi thích cuộc trò chuyện này. Nó cho thấy ngay cả cuộc trò chuyện bình thường nhất cũng có thể phản ánh sự thay đổi gần đây của Việt Nam như thế nào: Đổi mới và quá trình tái cơ cấu nền kinh tế đầy nhọc nhằn, kéo theo những cơ hội mới, sự tăng trưởng và những cải thiện thật sự về điều kiện vật chất. Nó cho thấy bản chất của “Chủ nghĩa Lênin thị trường”, trong đó Đảng Cộng sản Việt Nam từ bỏ rất nhiều vai trò kiểm soát của mình đối với nền kinh tế trong khi vẫn duy trì sự độc quyền về quyền lực chính trị của mình. Và nó kín đáo cho thấy ngày càng có nhiều người Việt Nam bình thường sẵn sàng phản biện với Đảng về các chính sách của Đảng khi lạm phát và suy thoái kinh tế gia tăng sau năm 2008. Tất cả những vấn đề này ghi nhận được từ một vài câu hỏi về chuyện một người phải chuyển sang lái taxi để kiếm sống như thế nào.

Lần đầu tiên tôi đến Việt Nam vào mùa hè năm 2000. Khi tôi bắt đầu học tiếng Việt trong tháng tiếp theo, những người tôi cùng trò chuyện là những chị bán trà đá, những người bán hàng ở chợ và những người lái xe ôm tôi gặp hàng ngày. Và trong số những gì làm xuất phát điểm khả dĩ cho một cuộc trò chuyện, công việc tất yếu là khía cạnh dễ dàng nhất. Nói cho cùng, lẽ nào chúng ta lại không thể nói được gì đó về những gì chúng ta dành phần lớn thời gian để làm? Tuy nhiên, cùng với thời gian, tôi dần hiểu rằng những trao đổi này không đơn thuần là một phương tiện giết thời gian hay thực hành tiếng Việt. Chúng đem lại một khuôn cửa để nhìn nhận về cách mọi người đang sinh sống trong những quá trình thay đổi ghê gớm tại một thời điểm cụ thể trong lịch sử Việt Nam, nhưng đồng thời cũng hé lộ những trải nghiệm và giá trị vang vọng vượt thời gian và không gian để nói với tất cả chúng ta.

Với Việt Nam, Đại chiến thế giới thứ hai kết thúc làm bùng nổ một giai đoạn xung đột kéo dài và thảm khốc mà ở những thời điểm khác nhau và tại những địa điểm khác nhau, nó liên quan đến những yếu tố của đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, cách mạng xã hội và kinh tế, nội chiến, đấu tranh sắc tộc và cả địa chính trị thời Chiến tranh Lạnh. Con số ước tính có khác nhau, nhưng có khoảng hai đến ba triệu người Việt Nam đã thiệt mạng trong các cuộc chiến tranh Đông Dương diễn ra sau đó; ngày nay xung đột vẫn hiện diện trên cơ thể và trong ký ức những người sống sót, và trong một môi trường lở loét những vết thương do việc sử dụng hàng triệu tấn bom đạn cùng các loại hóa chất diệt cỏ độc hại. Với hầu hết những người chúng tôi phỏng vấn thì những cuộc đấu tranh này là điều gì đó họ biết được qua truyền thông hoặc sách giáo khoa lịch sử, nhưng với những người khác, chúng lại vô cùng sống động. Trong số những câu chuyện sau đây, có một cụ già viết thư pháp nhớ lại công việc thời chiến tranh của mình khi cụ làm phiên dịch cho các kỹ sư Liên Xô. Một thợ thủ công chuyên chế tác tượng Thiên Chúa giáo nhớ về cuộc sống trên nông trường tập thể và những chính sách được vạch ra nhằm loại bỏ “mê tín dị đoan”.

Một y tá về hưu đã rất giằng xé khi mô tả lại trải nghiệm lúc bà đến hiện trường một vụ oanh tạc bằng máy bay.

Ngày 30 tháng 4 năm 1975, chế độ Việt Nam Cộng hòa có Mỹ hậu thuẫn đầu hàng và một đất nước bị chia cắt hơn 20 năm được thống nhất chỉ mang lại hòa bình tạm thời và mong manh. Những người bị quy là ủng hộ chính thể cũ phải đối mặt với năm tháng đằng đẵng trong các trại cải tạo, kéo theo tình trạng bị gạt bỏ khỏi nền kinh tế kế hoạch tập trung. Cộng đồng người Hoa đông đảo ở miền Nam Việt Nam, từ lâu đã giữ vai trò chủ đạo trong thương mại và công nghiệp, mới đầu chấp nhận những chính sách cải tạo kinh tế tư bản chủ nghĩa, về sau phải chịu hậu quả của những căng thẳng ngày càng tăng giữa Việt Nam và đồng minh cũ – Trung Quốc. Tháng 12 năm 1978, Việt Nam đưa quân sang giúp Campuchia lật đổ Pol Pot và chế độ Khmer Đỏ tàn bạo; tháng 2 năm sau quân đội Trung Quốc tiến hành một cuộc xâm lược ngắn nhưng tàn hại suốt dọc biên giới phía Bắc của Việt Nam. Trong khi Trung Quốc nhanh chóng rút lui thì quân đội Việt Nam vẫn ở lại Campuchia suốt 11 năm tiếp theo để thực hiện một cuộc chiến tranh du kích chống lại tàn quân của Khmer Đỏ và các đồng minh của họ.

Với cuộc chiến tranh kéo dài tại Campuchia, một lệnh cấm vận do Hoa Kỳ đứng đầu bóp nghẹt kênh thương mại quốc tế và sản lượng từ hệ thống nông nghiệp tập thể sụt giảm. Trong những năm tháng hòa bình sau ngày thống nhất năm 1975 vẫn phải trải qua thất vọng, đói nghèo, sợ hãi và một cuộc đấu tranh quyết liệt để sinh tồn. Hàng trăm nghìn người Việt Nam – như nhân vật người điều hành dịch vụ vận chuyển của chúng tôi – chiến đấu tại Campuchia hay trong cuộc chiến với Trung Quốc; hơn một triệu người khác rời bỏ đất nước, bất chấp các cuộc tuần tra của chính quyền, cá mập, bão tố và cướp biển trong một trào lưu sau này được biết đến như là các cuộc vượt biển của “thuyền nhân”. Ngày nay, họ chiếm một phần rất lớn trong hơn 2,5 triệu người Việt Nam đang sống ở nước ngoài. Những câu chuyện của họ cũng là một phần trong câu chuyện lớn hơn của cả dân tộc và do đó những trang sách tiếp theo có một số cuộc phỏng vấn những người Việt Nam ở hải ngoại.

Vào đầu thập niên 1980, những bất cập của nền kinh tế kế hoạch tập trung không thể bỏ qua được nữa, và một loạt cải cách – được thúc đẩy bởi những thực tiễn ở địa phương cũng như chỉ đạo của trung ương – chứng kiến những yếu tố thị trường từ từ được đưa vào nền kinh tế mệnh lệnh. Quá trình này càng mạnh mẽ và tăng tốc sau Đại hội Đảng 1986, chính thức mở đầu giai đoạn Đổi mới của “thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” vẫn đang tiếp tục cho tới ngày hôm nay. Trong một thời gian ngắn, những quyền tự do kinh tế mới mẻ đi kèm với sự bùng nổ về tham gia và phản biện chính trị. Nhưng đến năm 1989, các sự kiện ở Đông Âu và Trung Quốc đã củng cố lập trường của những người nhìn nhận những quyền tự do chính trị này như một mối đe dọa tiềm tàng đối với vị thế lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Những thập niên vừa qua đã chứng kiến

Đảng nới lỏng rất nhiều vai trò kiểm soát chặt chẽ trước kia đối với xã hội, nhưng Việt Nam ngày nay vẫn là một nhà nước có thể chế một đảng.

Những cải cách kinh tế sau năm 1986 đã kết hợp với việc ngày càng gia nhập thị trường toàn cầu về hàng hóa và dịch vụ để biến cải kinh tế và xã hội Việt Nam. Không phải tất cả mọi quá trình biến cải đều dễ dàng. Thập niên 1990 chứng kiến hàng nghìn doanh nghiệp Nhà nước kém hiệu quả phải tái cơ cấu hoặc đóng cửa và hàng trăm nghìn công nhân, như nhân vật người bán hoa tươi của chúng tôi, buộc phải tìm kiếm những hình thức kiếm sống mới, bấp bênh hơn. Sự lệ thuộc vào sản xuất để xuất khẩu đã mở ra nhiều cơ hội mới nhưng đồng thời cũng khiến nông dân và công nhân phải hứng chịu những bấp bênh của một thị trường toàn cầu. Các nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài tạo ra nhiều việc làm mới, nhưng những hình thức tổ chức và quản lý lao động ít tính tham gia càng góp phần vào sự bất ổn thấy rõ qua hàng nghìn cuộc đình công – bất hợp pháp về mặt chính thức nhưng nhìn chung được bỏ qua – nổ ra từ năm 2000.

Tuy nhiên, tác động tổng thể của những biến đổi này là mang lại những lợi ích vật chất thật sự cho cuộc sống của người dân Việt Nam bình thường. Sự tan rã dần dần của hệ thống nông trường tập thể và việc áp dụng các quyền tư hữu về đất đai sau năm 1986 góp phần làm tăng nhanh sản xuất nông nghiệp; sau nhiều năm đói kém, Việt Nam nay lại trở thành một nước xuất khẩu gạo vào cuối những năm 1980. Việc Việt Nam rút quân khỏi Campuchia năm 1989 kéo theo quá trình bình thường hóa các quan hệ thương mại, trước hết với châu Âu và sau đó với Hoa Kỳ. Quá trình hội nhập này càng tăng mạnh nữa vào năm 2006 khi Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới. Trong suốt thập niên 1990 và đầu thập niên 2000, tăng trưởng GDP thật vọt lên khoảng 6% mỗi năm. Thậm chí còn ấn tượng hơn nữa, theo số liệu của chính phủ, cũng trong thời kỳ này, tỉ lệ người dân sống trong nghèo khổ giảm mạnh từ hơn 60% xuống còn chưa đầy 15%. Vào năm 2009, GDP bình quân đầu người đạt hơn 1.100 đô la và Ngân hàng Thế giới xếp Việt Nam vào nước “thu nhập trung bình thấp”, càng khẳng định địa vị của Việt Nam như một tấm gương sáng về phát triển kinh tế thành công.

Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu sau năm 2007 phơi bày một số hạn chế trong phát triển ở Việt Nam. Bất chấp nhiều năm tăng trưởng, nền kinh tế vẫn không thể thoát khỏi sự lệ thuộc vào lao động rẻ mạt và những sản phẩm giá trị gia tăng thấp. Tăng trưởng mau lẹ lấn át hạ tầng của quốc gia và tạo sức ép nặng nề lên môi trường. Nạn tham nhũng đã trở thành đại dịch đồng nghĩa với việc người Việt Nam thuộc đủ mọi tầng lớp xã hội đều phải đối mặt với tình trạng vòi vĩnh triền miên, lớn cũng như nhỏ; kết hợp với tình trạng quản lý kinh tế yếu kém, kết quả là hàng tỉ đô la bị lãng phí hoặc chuyển vào những việc không hiệu quả về kinh tế, nổi tiếng nhất là vụ sụp đổ của tập đoàn nhà nước Vinashin vào năm 2010. Cuối cùng, khi những chiếc Rolls Royce chen chúc cùng xe đạp trên những đường phố đông đúc ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, tình trạng phân phối bất bình đẳng về khối tài sản mới có được của cả nước chẳng khác gì một vật cản đối với phát triển và càng làm tăng sức ép lên kết cấu xã hội của Việt Nam.

Vào thời điểm thực hiện các cuộc phỏng vấn này năm 2010 và 2011, kết cấu xã hội ấy đã suy yếu do nhiều thập kỷ với những chính sách không còn coi trọng tính chính thống xã hội chủ nghĩa bằng sự đồng thuận tự do mới toàn cầu. Những dịch vụ thiết yếu như y tế và giáo dục được mở cho cạnh tranh tư nhân và khu vực nhà nước còn lại phải chịu các khoản lệ phí sử dụng gia tăng. Mục tiêu của các chính sách này, được mô tả một cách uyển ngữ là “xã hội hóa”, là chuyển chi phí từ nhà nước sang cá nhân. Với những người có điều kiện, các chính sách này mang lại những cải thiện rất ấn tượng về phạm vi và chất lượng các dịch vụ có sẵn. Nhưng những người không có điều kiện thì càng thêm khó khăn trước bệnh tật, tai nạn và chi phí ngày càng cao cho những hàng hóa và dịch vụ cơ bản. Do đó, khi tỉ lệ lạm phát hàng năm bắt đầu vọt lên hai con số vào cuối thập kỷ, nhiều người Việt Nam thấy mức sống của mình lần đầu tiên trong thời gian gần đây bị sụt giảm hẳn. Với một số người, trải nghiệm này khiến họ nghi ngờ những đặc điểm chính yếu của một khế ước kinh tế, xã hội, môi trường và chính trị vốn đã được duy trì một cách thuận lợi từ năm 1990.

Không thể nói khế ước hiện nay giữa Đảng và người dân sẽ thay đổi như thế nào trong tương lai. Tuy nhiên, cho đến bây giờ nó đã giúp biến đổi cuộc sống của người dân Việt Nam.

Một trong những bước phát triển ấn tượng nhất là sự biến đổi của cảnh quan. Với nhiều người ở nông thôn, sự kết hợp giữa giá cả leo thang và những kỳ vọng tăng lên đồng nghĩa rằng nghề nông – xương sống truyền thống của nền kinh tế – không còn khả năng đem lại nguồn sống nữa. Như nhân vật đồ tể của chúng tôi đặt câu hỏi “Nếu mọi thứ cứ trông vào vài sào ruộng thì làm sao chúng tôi đủ ăn cơ chứ?”. Một câu trả lời là tìm kiếm những nguồn thu nhập bổ sung, cho dù là ở lại làng quê hay thông qua việc di trú tạm thời. Những người khác thì xoay xở bằng cách thoát ly khỏi nông thôn lâu dài, chỉ trở về để cấy gặt hoặc ăn Tết. Một nhân tố khác thúc đẩy quá trình chuyển dịch nông thôn-thành thị là thay đổi việc sử dụng đất. Trên khắp Việt Nam, những mảnh đất nông nghiệp rất lớn đang bị biến thành các khu công nghiệp, phát triển nhà ở, đường cao tốc nhiều làn xe, và sân golf, với những quy trình sở hữu và phân bổ đất đai không rõ ràng thường làm bùng phát phản đối và các hình thức đấu tranh khác. Nhìn những cánh đồng từng rất xanh tốt của làng ở xung quanh mình, nhân vật người nông dân của chúng tôi thắc mắc người Việt Nam sẽ kiếm đâu ra gạo khi tất cả đất nông nghiệp biến mất.

Cho dù tương lai mà bà hình dung có trở thành hiện thực hay không thì cũng không thể phủ nhận được rằng với ngày càng nhiều người Việt Nam, cảnh quan đã trở thành cảnh quan thành phố nơi những nhịp điệu của thôn quê được thay thế bằng một tạp âm đô thị. Dân số đô thị của Việt Nam đang tăng lên xấp xỉ một triệu người mỗi năm, với số dân tại hai trung tâm lớn nhất, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi nơi hơn bảy triệu. Với nhiều người, thành phố đồng nghĩa với những cơ hội mới về việc làm, giáo dục, giải trí và tiêu dùng. Họ nhìn nhận thành phố như một nơi sáng sủa và hào nhoáng với những tiềm năng gần như vô hạn. Nhưng với những người khác như nhân vật cô cung cấp dịch vụ cân sức khỏe của chúng tôi, thành phố là một không gian chật hẹp trong một ngôi nhà trọ và những ngày dài cô độc đi lang thang trong cả mê cung đường phố xa lạ, lạnh lẽo. Như lời cô ấy nói: “Tôi lúc nào cũng cô độc, tôi lang thang trên phố một mình, tôi đợi khách hàng một mình. Khách hàng đến, trả tiền và bỏ đi mà chẳng hề nói gì với tôi. Đó là một công việc buồn chán nhưng ở đó thì còn biết làm gì khác?”.

Như các đoạn trước đã gợi ý, di trú – cho dù là tạm thời hay vĩnh viễn, từ vùng nông thôn lên thành phố, hoặc thậm chí từ Việt Nam ra nước ngoài – được thúc đẩy bởi một sự tương tác phức tạp giữa lực kéo và lực đẩy. Nhưng gần như tất yếu, các quyết định rời bỏ quê nhà (một khái niệm rất có tác động trong tiếng Việt, liên quan đến những khái niệm về địa điểm, tổ tiên, lịch sử và bản sắc) được thúc đẩy một phần rất lớn bởi nghĩa vụ với gia đình. Bố mẹ di chuyển để tìm những trường học tốt hơn cho con cái mình và kiếm tiền để đóng học phí học đại học. Con cái di trú để có công việc tốt hơn và những phương tiện để hỗ trợ cha mẹ mình lúc về già. Cái mạng lưới nghĩa vụ này rất vững chắc, được diễn đạt bằng ngôn ngữ qua những khái niệm như “ơn” và “hiếu”, còn diễn đạt về mặt tài chính bằng những khoản tiền luân chuyển vượt không gian và thế hệ cả trong phạm vi Việt Nam lẫn vượt biên giới quốc gia. Ở cấp độ cá nhân, nó có thể mang hình thức một khoản 50 đô la mà một người đánh giày ở thành phố gửi về nhà cho vợ mình mỗi tháng; tổng cộng lại thì nó có thể mang hình thức số tiền hơn 8 tỉ đô la kiều hối từ nước ngoài gửi về Việt Nam mỗi năm. Nhưng nền tảng của cả hai con số này là gia đình. Như nhân vật chủ tiệm giặt là của chúng tôi, người đã kiếm sống tại Mỹ trong 20 năm, nói: “Tôi rất hạnh phúc và tôi luôn làm việc bởi tôi muốn gia đình mình ổn thỏa. Chắc chắn chúng tôi sẽ luôn phải vật lộn, nhưng chúng tôi vượt đường xa tới Mỹ chính là để có cuộc sống chúng tôi đang sống hôm nay”. Những cảm xúc của bà lắng đọng trong hàng chục cuộc phỏng vấn sau đây.

Do đó, khái niệm gia đình và quê quán vẫn là trung tâm bản sắc Việt Nam. Tuy nhiên, rất cần thừa nhận những cách thức trong đó xã hội và nền văn hóa thay đổi do ảnh hưởng của việc ngày càng tiếp xúc nhiều với một thị trường toàn cầu về hàng hóa và ý tưởng. Các tiệm cơm bình dân đang bị thay thế bởi KFC và Pizza Hut. Các đài truyền hình địa phương phát những bộ phim sướt mướt mới nhất của Hàn Quốc. Thanh niên Việt Nam nghe nhạc hip-hop và tập các điệu nhảy breakdance. Thành phố Hồ Chí Minh có một đội bóng rổ chuyên nghiệp riêng, mang tên Sài Gòn Heat, được cổ động bởi những hotgirl Sài Gòn của riêng họ. Và trong khi với nhiều người mà chúng tôi phỏng vấn, Tết Nguyên đán vẫn là quãng thời gian cực kỳ quan trọng để kết nối với gia đình, bạn bè và quê nhà của họ, thì với những người khác đây lại là quãng thời gian nhàm chán và mất rất nhiều doanh thu.

Có lẽ không ở đâu những thay đổi này rõ rệt hơn trong lĩnh vực hôn nhân, tình dục và giới tính. Đặc biệt phụ nữ trẻ ở thành thị đang trì hoãn việc kết hôn và xem nhẹ thông lệ kết hôn ở tuổi ngoài 20. Với những người đã kết hôn, ly hôn cũng ngày càng phổ biến, với tỷ lệ ly hôn tăng 50% chỉ trong năm năm sau 2005. Tương tự, tình dục trước hôn nhân – điều cấm kỵ trước đây – ngày càng phổ biến. Như nhân vật lễ tân khách sạn của chúng tôi nói về các khách hàng vị thành niên của mình, “Tôi cũng hay thấy mấy cặp đôi học sinh cấp ba đến thuê phòng trong vài tiếng… Giờ đây, thái độ về tình yêu và tình dục đã thay đổi quá nhiều.” Và như hàm ẩn trong lời nhận xét của anh ấy, ý nghĩa của tình dục đang thay đổi. Nhân vật nhân viên cửa hàng bán đồ người lớn của chúng tôi có thể chưa bao giờ nhìn thấy một chiếc bao cao su trước khi bắt đầu đi làm, nhưng giờ đây cô ấy và các khách hàng của mình đã rất quen với những thứ đồ chơi, dụng cụ và cả những công cụ hỗ trợ mới nhất mà có lẽ chính bố mẹ họ chưa bao giờ nghĩ rằng chúng có tồn tại.

Sức lan tỏa ngày càng lớn của các mối quan hệ thị trường có ảnh hưởng mạnh mẽ đến giới và vai trò giới. Nhân vật nội trợ của chúng tôi cảm nhận được nhu cầu rõ rệt cần biện hộ quyết định bỏ việc của mình và các cuộc phỏng vấn từ một công nhân nhà máy đến giám đốc điều hành đều là bằng chứng về những vai trò tích cực mà hàng triệu phụ nữ Việt Nam đảm đương trong nền kinh tế mới này. Tuy nhiên, nền kinh tế này tạo ra những đòi hỏi nặng nề hơn đối với một số phụ nữ so với những phụ nữ khác. Những lát cắt rời rạc về ngành công nghiệp tình dục của Việt Nam, từ các cô gái “bán hoa” trên phố tới “cắt tóc ôm” hay các quán karaoke dành riêng, xuất hiện trong nhiều cuộc phỏng vấn của chúng tôi. Kết hợp lại, những lát cắt này đem tới một ví dụ đặc biệt rõ nét về cách thức phụ nữ có thể bị biến thành hàng hóa: Những cô gái trong một quán karaoke, nói cho cùng, không được biết đến bằng tên gọi mà bằng số hiệu.

Nhưng câu chuyện còn phức tạp hơn là việc bị biến thành hàng hóa. Giải thích tại sao công việc của mình đòi hỏi nhiều hơn là chỉ nhìn đẹp, nhân viên tiếp thị (PG – promotion girl) còn rất trẻ của chúng tôi không chút mỉa mai chỉ ngay ra nhu cầu rất thực tế là được làm việc theo ca kíp kéo dài trong môi trường có điều hòa nhiệt độ, đứng trên những đôi giày cao gót và mặc váy ngắn. Nhưng với cô ấy, việc chuyển thể thành một loại hàng hóa này hoàn toàn tự nguyện, tạm thời và có giới hạn. Cô ấy xem việc làm một PG như một phần trong quá trình giáo dục của mình, cùng với tấm bằng đại học để đem lại cho cô kỹ năng, sự tự tin và các mối quan hệ cô sẽ cần cho một sự nghiệp lâu dài trong nghề quản lý. Trong khi nền kinh tế định hướng thị trường linh hoạt có thể mang tới những hình thức hàng hóa mới và làm xói mòn các dạng bình đẳng giới chính thức vốn là đặc điểm của Việt Nam thời kỳ trước đổi mới thì với nhiều phụ nữ, những thập niên cuối cùng cũng đem lại khả năng cơ động, cơ hội và độc lập về kinh tế.

Những thập niên cuối cùng cũng đem lại thay đổi cho cộng đồng tình dục đồng giới của Việt Nam. Người quản lý một quán bar đã có từ lâu dành cho những người đồng giới ở Hà Nội mô tả khách hàng của mình đã thay đổi như thế nào trong những năm qua: Ban đầu gần như chỉ hoàn toàn là người nước ngoài, giờ đây khách khứa của bà chủ yếu là người Việt. Rất thẳng thắn, bà kể về nhiều bạn bè đồng tính của mình và mô tả khách hàng của mình “giống như gia đình”. Nhưng khi được hỏi bà sẽ cảm thấy thế nào nếu con bà ấy là người đồng tính, bà đã trầm ngâm trước khi trả lời “Không ai muốn con cái của mình như thế cả”. Tuy nhiên, với việc đạo luật công nhận hôn nhân đồng giới sẽ được đưa ra thảo luận tại Quốc hội trong năm 2014, rõ ràng các chuẩn mực giới tính, cũng như nhiều khía cạnh kinh tế xã hội và văn hóa khác ở Việt Nam ngày nay, đang thay đổi rất mau lẹ.

Sự tác động lẫn nhau của thay đổi và tiếp nối là một trong hai sợi chỉ quan trọng xâu chuỗi các câu chuyện sau đây. Sợi chỉ thứ hai xuất hiện từ các cuộc phỏng vấn của chúng tôi chính là kinh nghiệm và ý nghĩa của công việc. Với nhiều người, công việc chỉ là cách kiếm sống. Như người thợ sửa xe máy của chúng tôi giải thích, khi lần đầu đi làm trong vai trò thợ học việc, anh rất thích công việc của mình, thế nhưng giờ đây, anh thích tiền hơn. Có lẽ câu chuyện ấn tượng nhất trong tất cả là của một nhân viên ngân hàng còn trẻ. Mặc dù điều kiện làm việc rất tốt và có mức lương cao, cô vẫn than vãn về tính hệ thống và sự đơn điệu trong công việc của mình và lấy làm tiếc vì đánh mất tuổi thanh xuân vô tư lự, mặc dù cô mới 24 tuổi. Cô ấy hiểu được rằng, tiền bạc và địa vị không phải là thứ bảo đảm cho hạnh phúc. Tuy nhiên, cô ấy vẫn làm, vẫn bị níu giữ bởi mức lương cao và áp lực xã hội.

Nhưng với nhiều người khác, công việc có ý nghĩa sâu xa hơn. Đọc những câu chuyện của họ, không thể không ấn tượng với tâm trạng thỏa mãn mà người ta thu được từ việc biết rằng sức lao động của họ sẽ dành cho những người họ yêu quý. Cũng không thể không ấn tượng với cảm xúc nghề nghiệp, niềm tự hào và thậm chí hứng thú mà nhiều người tìm được trong công việc của mình. Quý vị có thể mong đợi những kiểu tình cảm như thế này qua lời một đạo diễn phim hay một nghệ sĩ nổi tiếng bộc bạch, nhưng thường thì nó vang vọng rõ ràng nhất qua lời của một người mài dao kéo, một nhân viên bán vé xe buýt, hay một thợ sửa đồ điện. Chẳng hạn, người thợ sửa đồ điện say mê với công việc của mình đến mức với ông ấy, thiên đường sẽ không hoàn chỉnh nếu không có những món đồ cần sửa chữa. Những lời nói của ông là một lời nhắc nhở mạnh mẽ rằng công việc có thể giá trị hơn rất nhiều, chứ không chỉ là một cách kiếm sống và rằng thiên đường là nơi chúng ta tìm thấy nó.

 


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button