Văn học nước ngoài

Trinh Tiết

Trinh tiet - Akutagawa Ryunosuke 1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Akutagawa Ryunosuke

Download sách Trinh Tiết ebook PDF/PRC/EPUB/MOBI. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : VĂN HỌC NƯỚC NGOÀI

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Định dạng PDF               Download

Định dạng EPUB            Download

Định dạng MOBI            Download

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Giới thiệu

Bạn đọc đang cầm trong tay một trong những cuốn sách tuyệt diệu nhất mà văn chương có thể cung hiến cho con người.

Tôi có cơ duyên được biết đến Akutagawa từ rất sớm, năm lên tám hay chín tuổi. Trong tủ sách của mẹ tôi có một cuốn sách mỏng, tập truyện ngắn của Akutagawa Ryunosuke, bản dịch của Thụ Nhân, Nxb Nhị Nùng, Sài Gòn, 1966 (nếu tôi nhớ không lầm). Tôi đọc Trong rừng trúc, Kesa và Morito, Cái chết của một con chiên (hay Tuẫn đạo, theo bản của Thụ Nhân)… và bị choáng ngợp bởi vẻ đẹp của chúng, một vẻ đẹp bí ẩn, thanh cao, ám ảnh và khắc khổ. Điều cũng quan trọng như việc khám phá thế giới quanh mình đối với một đứa trẻ, ấy là tôi đã khám phá ra Nhật Bản, một đất nước, một nền văn hóa, một thế giới. Và, một khám phá còn lớn lao hơn thế, ấy là: tác giả, một con người, với tất cả những hành trang hữu hạn của đời người đã có được quyền năng để tạo nên và mang tới cho một đứa trẻ hậu sinh ở xứ sở xa xôi là tôi một phiên bản tính ròng của thế giới ấy bằng phương tiện duy nhất là ngôn ngữ. Khám phá của tôi – thông qua Akutagawa – thật giản dị: bằng những âm, những chữ, những câu, người ta có thể mang đến cho nhau cơ hội sống những cuộc đời khác, cảm nhận những chiều kích khác của hiện hữu, một cách sâu sắc, máu thịt, tận đáy.

Có đôi điều đáng nói hơn về tập sách này. Theo tôi biết từ trước đến nay, hầu hết tác phẩm của Akutagawa – cũng như các văn hào Nhật khác như Kawabata Yasunari, Mishima Yukio, v.v… – đều được dịch ra tiếng Việt thông qua một ngôn ngữ châu Âu (Anh, Nga, Pháp…). Còn ở đây, lần đầu tiên, một tuyển tập tác phẩm của Akutagawa được dịch trực tiếp từ tiếng Nhật – trong đó có những truyện được dịch ra tiếng Việt lần đầu tiên. Các dịch giả là những người miền Nam sang Nhật Bản du học vào thập niên 1960, theo những ngành không liên quan gì đến văn chương như nông nghiệp, cơ khí, thủy sản, kinh doanh… Đến nay, mỗi người một nơi, ở Nhật, Úc, Pháp…, cuộc sống ổn định, vẫn với những nghề nghiệp “xa lạ với văn chương” ấy – như anh Lê Ngọc Thảo hiện là kỹ sư thiết kế cho hãng Sony. Nhưng, họ đã chọn văn chương – cụ thể là dịch Akutagawa – như một cách để giữ tình thân hữu, giữ gìn tiếng mẹ đẻ, và để bắc một nhịp cầu văn hóa giữa đất nước Nhật Bản mà họ nặng lòng tri ân với Tổ quốc Việt Nam.

Thế mạnh khó ai sánh được của họ là đã sống nhiều năm tại Nhật, am hiểu sâu sắc ngôn ngữ và văn hóa Nhật. Các anh chị đã làm việc hết sức cẩn trọng, góp ý, trao đổi với nhau từng chữ, ngõ hầu mang lại cho bạn đọc những bản dịch tốt nhất có thể. Tuy nhiên, do trình độ các dịch giả không đồng đều, và mỗi người một văn phong, nên không phải bản dịch nào cũng mang lại sự thỏa mãn như ta mong muốn. Mặt khác, do các dịch giả đã sống phần lớn cuộc đời ở nước ngoài, nên ngôn ngữ Việt của các anh chị không khỏi có một khoảng cách với tiếng Việt hiện nay. Đây là một điều cần thể tất, bởi chắc chắn các anh chị chưa hài lòng với những gì mình đã làm được và sẽ không dừng lại ở đây.

Các dịch giả đã làm một nghĩa cử đẹp là rút ngắn hơn khoảng cách giữa văn hóa và tinh thần của Nhật Bản và Việt Nam, hai nước đồng chủng đồng văn, nhưng trong sự gần gũi lại có những khác biệt có tính quyết định đối với diện mạo tinh thần và vận mệnh lịch sử của hai đất nước này. Tôi kính trọng nỗ lực và tấm lòng của họ.

Tôi rất vui rằng bạn đã mở cuốn sách này, cũng như tôi đã mở trang đầu cuốn sách mỏng ngày xưa và, cũng như tôi, bạn sẽ bước vào thế giới của Akutagawa, nơi mà con người, với tất cả những cung bậc tư tưởng, tình cảm được đẩy tới tận cùng, cùng với thiên nhiên và vạn vật, tất cả đều xiết bao có thực và sống động trước chúng ta. Nơi đó, đất nước và con người Nhật Bản mở ra với chúng ta vừa lạ lẫm vừa thân quen, để cuối cùng ta nhận ra rằng đó là “cảnh tượng của nhân gian”, là một phần của chính chúng ta, và đó là nhân loại.

 

Trích đoạn

Tôi sinh ra ở một xóm kề Okawabata, Vùng Bãi Sông. Ra khỏi nhà, chỉ cần len lỏi xuyên mấy con hẻm khu Yokoami (Lưới Ngang) san sát phên giậu đen đúa nấp dưới những tàng lá dẻ xanh non là đã ra đến ven bờ Hyappongui (Trăm Cọc) để được nhìn mặt nước mênh mông. Từ hồi thơ dại cho đến khi học hết Cấp hai, hầu như mỗi ngày tôi đều có dịp đứng ngắm con sông. Nào nước, nào thuyền, nào cầu, nào cồn cát, nào cuộc đời tất tả ngược xuôi của những người sinh ra và sống trên mặt nước. Cho đến bây giờ, dù bao năm đã trôi qua, tôi vẫn còn nhớ da diết cái mùi nồng chưa ngửi mà đã cảm thấy của nước sông vào những trưa giữa hè nắng gắt, khi chân tôi giẫm lên cát bỏng trong những lần đến lớp học bơi.

Cớ sao tôi yêu con sông Cái này đến thế! Phải chăng vì cảm thấy trong cái hâm hẩm của làn nước ngầu bùn có gì dễ thương vô hạn. Thật tình đến tôi cũng không thể nào giải thích lý do. Chỉ biết, tự ngày xưa, cứ mỗi lần nhìn dòng nước là trong lòng tôi không khỏi dậy lên một nỗi trống vắng và một nguồn an ủi đến ứa nước mắt. Tôi thấy mình như hoàn toàn tách ra khỏi thế giới đang sống, tâm hồn bay vút vào một cõi đất trời đầy nhớ nhung, luyến tiếc. Nhờ có dòng sông mà mang được cái tâm tình ấy, thưởng thức được nguồn an ủi và thú cô đơn ấy, nên tôi đâm ra yêu nó hơn mọi thứ trên đời.

Làn sương xám bạc, dòng nước như vệt dầu xanh, âm hưởng còi tầu mơ hồ tựa tiếng thở dài, cánh buồm nâu hình tam giác của con thuyền chở than đá… mỗi chi tiết của phong cảnh trên sông đều khơi dậy trong tôi nỗi buồn khó nén, khiến cho chút lòng thơ dại của tôi cũng không khỏi lao xao như ngàn liễu bên bờ.

Ba năm sau này, tôi dành thời giờ chăm chú đọc sách trong phòng văn cất giữa một vùng lùm bụi thanh u ngoại ô khu Yamanote sang trọng, nhưng vẫn không quên tìm ngắm dòng sông lớn ấy mỗi tháng hai ba lần. Màu sắc của nước sông di động lại tựa hồ đứng yên, trôi mà như lười chảy, làm tan biến những căng thẳng trong tâm trí tôi, vốn đang chịu áp lực và kích thích của bầu không khí quá tịch mịch của phòng văn và nhịp làm việc dồn dập không đương nổi. Nước dòng sông Cái mang đến cho tôi niềm tiếc nuối buồn thương và giải thoát của kẻ đi hành hương lâu ngày mới về đến quê nhà, giúp cho cái tâm hồn xao động trong tôi tìm ra thanh thản. Cũng nhờ nó mà lần đầu tiên tôi mới sống được những tình cảm không thoáng gợn và thực sự của mình.

Biết bao lần tôi đã được nhìn những cánh hoa keo trắng toát nghiêng mình xuống dòng nước xanh, bay lả tả trước cơn gió nhẹ một ngày đầu hè. Biết bao lần tôi đã được nghe tiếng chim di se sắt lạnh tầng không ngang tầm mặt nước tối của những đêm tháng mười một trời thường làm sương giá. Những điều ấy đã làm tình yêu trong tôi đối với dòng sông mỗi ngày một mới. Cũng run rẩy như cánh chuồn đen sinh ra từ nước sông mùa hạ, tấm lòng niên thiếu của tôi lúc đó mở thật to để thu biết bao đổi thay mới mẻ cho đầy đôi ngươi kinh ngạc. Nhớ nhất là lúc tựa mạn thuyền thả lưới đêm, trôi theo dòng, ngắm mặt nước đen không gây mảy may tiếng động, để khi nghe tiếng thở phập phồng của Thần Chết đang lềnh bềnh giữa khoảng đêm khuya và mặt nước, mới cảm thấy một nỗi buồn bơ vơ xâm chiếm tâm hồn.

Mỗi lần nhìn dòng sông Cái, tôi không thể nào quên được cái kinh thành của sóng nước mãi bên trời Ý vẫn đón buổi chiều về với tiếng hát thiên nga và hồi chuông tu viện, nơi mà giữa hàng lan can rợp bóng hồng bóng huệ được tô vẽ bằng những tia sáng xanh từ vầng trăng đang chìm dưới nước hắt lên, có những chiếc thuyền Gondola đen tựa quan tài lướt đi như trong một giấc chiêm bao từ vòm cầu này sang vòm cầu nọ theo nhịp chèo lơi – tất cả làm tôi bây giờ càng chạnh lòng nhớ tới tâm tình nồng nàn tha thiết mà D’Annunzio[1] đã để tuôn trào vì cảnh sắc của Venezia.

ĐỌC THỬ

Nước dòng sông Cái

(Okawa no Mizu)

Lời người dịch:

Người dịch dùng nguyên tác tiếng Nhật của Nhà xuất bản Kadokaum, bản bỏ túi in lại năm 1989.

Akutagawa hoàn tất Nước dòng sông Cái vào tháng giêng năm 1912 lúc ông hãy còn là cậu sinh viên hai mươi tuổi. Bài được đăng trên Tạp chí thi văn Kokoro no hana (Hoa Tim). Các nhà nghiên cứu thường xem Ronen (Tuổi Già, 1914) mới là tác phẩm đầu tay cùa ông nên ít người để ý đoản văn này (vốn thuộc thể loại tùy bút hoặc trường ca nhiều hơn là truyện ngắn). Tuy nhiên, những ai sành Akutagawa đều nhận thấy trong mấy trang sau đây đã ngưng đọng tất cả cái tinh anh và tươi tắn nhất của tâm hồn ông, ở thời điểm mà yếu tố trữ tình và mỹ cảm của tuổi hoa niên chưa bị những hoài nghi và mệt mỏi trong cuộc sống làm cho phai nhạt.

Nước dòng sông Cái có nhiều chi tiết khiến người ta nghĩ nó là thiên tự truyện nhưng thật ra cái duyên dáng của đoản văn hàm chứa trong sự mơ hồ bàng bạc của những chi tiết ấy. Cái mơ hồ bàng bạc ở đây ta từng tìm được trong Tôi đi học của Thanh Tịnh, Phấn thông vàng của Xuân Diệu hay Chơi giữa mùa trăng của Hàn Mặc Tử, đọc thuở thiếu thời.

Ngoài hai thi nhân ngoại quốc Gabriele d’Annunzio (Italia) và Hugo von Hofmansthal (Áo) mà Akutagawa nhắc đến, dịch giả Edwige de Chavanes trong lời chú dẫn cho bản dịch tiếng Pháp (L’eau du Fleuve, trong La vie d’un idiot et autres nouvelles, Unesco, Gallimard, Paris, 1987) đã nhận ra ảnh hưởng của Kitahara Hakushu (1885 I 1942) qua một số chữ dùng, mượn từ tác phẩm Chuỗi ngày thơ ấu (Waga Oitachi) của nhà thơ tới Nước dòng sông Cái.

Sông Cái ngầm chỉ khúc hạ lưu của Sumidagawa, con sông xiết bao gần gũi đối với người dân Tokyo, đã đưa cậu bé Niihara (về sau sẽ thành Akutagawa của chúng ta) vào một dòng sông lớn hơn, dòng văn học.

Như tiên tri về số phận mình, trong đoản văn đầu tay này, Akutagawa đã nói đến cảm tưởng mơ hồ trực diện Thần Chết đang nổi lềnh bềnh trên mặt nước, khi dòng sông của đời ông đang rong ruổi về miền Vĩnh Cửu “vô thủy vô chung”. Khi chuyển ngữ, người dịch không khỏi xúc động liên tưởng đến những dòng sông thân yêu trong đời mỗi một chúng ta, tự thời Lý Bạch (Dao liên cố viên thủy, Vạn lý tống hành chu) tác giả hai câu thơ mà một người thầy học cũ, nhà mô phạm Trần Trọng San, đã dịch:

Thương sao dòng nước quê nhà,

Tiễn đưa muôn dặm thuyền ra xứ người.

Tôi sinh ra ở một xóm kề Okawabata, Vùng Bãi Sông. Ra khỏi nhà, chỉ cần len lỏi xuyên mấy con hẻm khu Yokoami (Lưới Ngang) san sát phên giậu đen đúa nấp dưới những tàng lá dẻ xanh non là đã ra đến ven bờ Hyappongui (Trăm Cọc) để được nhìn mặt nước mênh mông. Từ hồi thơ dại cho đến khi học hết Cấp hai, hầu như mỗi ngày tôi đều có dịp đứng ngắm con sông. Nào nước, nào thuyền, nào cầu, nào cồn cát, nào cuộc đời tất tả ngược xuôi của những người sinh ra và sống trên mặt nước. Cho đến bây giờ, dù bao năm đã trôi qua, tôi vẫn còn nhớ da diết cái mùi nồng chưa ngửi mà đã cảm thấy của nước sông vào những trưa giữa hè nắng gắt, khi chân tôi giẫm lên cát bỏng trong những lần đến lớp học bơi.

Cớ sao tôi yêu con sông Cái này đến thế! Phải chăng vì cảm thấy trong cái hâm hẩm của làn nước ngầu bùn có gì dễ thương vô hạn. Thật tình đến tôi cũng không thể nào giải thích lý do. Chỉ biết, tự ngày xưa, cứ mỗi lần nhìn dòng nước là trong lòng tôi không khỏi dậy lên một nỗi trống vắng và một nguồn an ủi đến ứa nước mắt. Tôi thấy mình như hoàn toàn tách ra khỏi thế giới đang sống, tâm hồn bay vút vào một cõi đất trời đầy nhớ nhung, luyến tiếc. Nhờ có dòng sông mà mang được cái tâm tình ấy, thưởng thức được nguồn an ủi và thú cô đơn ấy, nên tôi đâm ra yêu nó hơn mọi thứ trên đời.

Làn sương xám bạc, dòng nước như vệt dầu xanh, âm hưởng còi tầu mơ hồ tựa tiếng thở dài, cánh buồm nâu hình tam giác của con thuyền chở than đá… mỗi chi tiết của phong cảnh trên sông đều khơi dậy trong tôi nỗi buồn khó nén, khiến cho chút lòng thơ dại của tôi cũng không khỏi lao xao như ngàn liễu bên bờ.

Ba năm sau này, tôi dành thời giờ chăm chú đọc sách trong phòng văn cất giữa một vùng lùm bụi thanh u ngoại ô khu Yamanote sang trọng, nhưng vẫn không quên tìm ngắm dòng sông lớn ấy mỗi tháng hai ba lần. Màu sắc của nước sông di động lại tựa hồ đứng yên, trôi mà như lười chảy, làm tan biến những căng thẳng trong tâm trí tôi, vốn đang chịu áp lực và kích thích của bầu không khí quá tịch mịch của phòng văn và nhịp làm việc dồn dập không đương nổi. Nước dòng sông Cái mang đến cho tôi niềm tiếc nuối buồn thương và giải thoát của kẻ đi hành hương lâu ngày mới về đến quê nhà, giúp cho cái tâm hồn xao động trong tôi tìm ra thanh thản. Cũng nhờ nó mà lần đầu tiên tôi mới sống được những tình cảm không thoáng gợn và thực sự của mình.

Biết bao lần tôi đã được nhìn những cánh hoa keo trắng toát nghiêng mình xuống dòng nước xanh, bay lả tả trước cơn gió nhẹ một ngày đầu hè. Biết bao lần tôi đã được nghe tiếng chim di se sắt lạnh tầng không ngang tầm mặt nước tối của những đêm tháng mười một trời thường làm sương giá. Những điều ấy đã làm tình yêu trong tôi đối với dòng sông mỗi ngày một mới. Cũng run rẩy như cánh chuồn đen sinh ra từ nước sông mùa hạ, tấm lòng niên thiếu của tôi lúc đó mở thật to để thu biết bao đổi thay mới mẻ cho đầy đôi ngươi kinh ngạc. Nhớ nhất là lúc tựa mạn thuyền thả lưới đêm, trôi theo dòng, ngắm mặt nước đen không gây mảy may tiếng động, để khi nghe tiếng thở phập phồng của Thần Chết đang lềnh bềnh giữa khoảng đêm khuya và mặt nước, mới cảm thấy một nỗi buồn bơ vơ xâm chiếm tâm hồn.

Mỗi lần nhìn dòng sông Cái, tôi không thể nào quên được cái kinh thành của sóng nước mãi bên trời Ý vẫn đón buổi chiều về với tiếng hát thiên nga và hồi chuông tu viện, nơi mà giữa hàng lan can rợp bóng hồng bóng huệ được tô vẽ bằng những tia sáng xanh từ vầng trăng đang chìm dưới nước hắt lên, có những chiếc thuyền Gondola đen tựa quan tài lướt đi như trong một giấc chiêm bao từ vòm cầu này sang vòm cầu nọ theo nhịp chèo lơi – tất cả làm tôi bây giờ càng chạnh lòng nhớ tới tâm tình nồng nàn tha thiết mà D’Annunzio[1] đã để tuôn trào vì cảnh sắc của Venezia.

Những xóm ven bờ được nước dòng sông Cái yêu dấu vỗ về đối với tôi đều khó quên và rất đỗi thân thương. Từ phía cầu Azuma xuôi về hạ lưu, nào là Komakata, Namiki, Kuramae, Daichi, cầu Yanagi hay Yakushimae ở Tada, Umebori, Yokoami, chốn nào cũng thế. Khách bộ hành qua lại các thôn xóm này đều được nghe, từ giữa những bức tường trắng bằng đất nện của các kho hàng nằm hong nắng, từ giữa những ngôi nhà tối nhờ nhờ có khung cửa chấn song, hay từ giữa những lối đi rợp hàng liễu hàng keo mà lá chỉ mới nhú mầm nâu bạc, vọng vào tai âm hưởng quen thuộc của dòng nước xanh loang loáng mà con sông Cái, sáng như tấm kính mới mài, đã mang đến cho họ cùng lúc với mùi nước triều lành lạnh trong chuyến xuôi Nam, cuộc hành trình mà dòng sông đã quen làm từ một thuở xa xưa.

Ôi, cái tiếng nước sông thân thuộc kia, như thì thào, như van lơn, như chậc lưỡi, dòng nước màu xanh vắt ra từ ngọn cỏ, hết ngày đến đêm, gột rửa những kè đá hai bên bờ. Còn nhớ bi kịch của nàng Hanjo[2] hay chàng Narihira[3] chứ nhỉ? Tôi không ngược lên đến tận thời (khi Tokyo còn là giải bình nguyên Musashi), nhưng kể đã từ lâu, đã có những thầy tuồng kịch múa rối Joruri ở Edo, gần đây là Kawatake Mokuami[4], bậc đại sư Kabuki, thường đưa tiếng chuông thiền viện Senso[5] cũng như âm hưởng trầm buồn của nước dòng sông Cái vào các pho tuồng nói về nhân tình thế thái của họ để làm nổi bật cái die Stimmung[6], không khí căng thẳng trong một lớp lang xảy ra án mạng. Lúc Izayoi và Seishin[7] gieo mình xuống nước, khi cu cậu Gen.nojo[8] mải mê nhìn người đẹp Okoyo trong bộ áo người săn chim[9] hay ngay cả khi anh chàng bán đồ đồng nát Matsugoro[10] gánh đôi quang thúng đi qua cầu Ryogoku khi chiều hè sụp tối và bầy dơi liệng đầy, thì dòng sông Cái, như đến tận giờ, vẫn chây lười thì thầm vỗ sóng vào cầu tàu của hàng quán cho thuê thuyền, bên ngàn lau xanh, dưới lườn những con thuyền mũi nhọn đỗ hai bên bờ.

Muốn nghe cho được âm thanh ngùi nhớ của nước sông, phải leo đò làm một chuyến sang ngang. Nếu tôi không lầm, từ phía cầu Azuma đổ xuống cầu mới Ohashi, có tất cả năm cái bến. Trong số đó thì bên Komakata, bến Fujimi và bến Ataka, cả ba đã lần hồi biến mất, bây giờ chỉ có bến ở cầu Ichi để qua xóm Hamacho và cái nữa từ cầu Mikura sang xóm Sugacho là hãy còn thôi. So với hồi tôi còn bé tẹo, con sông cũng đã đổi dòng, những cồn cát điểm xuyết lùm lau bãi sậy như bị lấp vùi không còn hình tích. Thế nhưng hai bên cũ còn nguyên bóng dáng con đò đáy nông, vẫn ông lái đò già mỗi ngày chèo chống bao nhiêu bận đưa khách qua dòng nước xanh rờn một màu cùng rặng liễu ven sông.

Lắm lúc chẳng có việc gì, tôi cũng ra bến theo đò qua sông, sung sướng để mặc sóng nước bồng bềnh đu đưa thân thể mình như trong một chiếc nôi. Đi mấy chuyến đò càng trễ bao nhiêu thì mới thưởng thức những niềm vui và nỗi buồn thấm thía bấy nhiêu. Kề bên ngoài mạn thuyền thấp chỉ có làn nước xanh lục trải dài. Ném một cái nhìn đã thấy trọn mặt sông mượt mà, đang ánh lên chút màu đồng nhạt nếu tầm mắt không vướng mỗi cái cầu mới Ohashi mãi đằng xa. Nhà cửa hai bên bờ sông giờ ấy đã tuyền một màu tro, đèn đóm cư dân hắt vàng vọt lên những khung cửa phết giấy, thấp thoáng đôi nơi trong sương. Theo ngọn triều lên, thỉnh thoảng lại có một hai chiếc bè lớn chở hàng, buồm xám buông nửa vời, bơi ngược dòng nhưng chiếc nào chiếc nấy yên ắng lạ lùng, chả biết có người cầm lái hay không nữa. Không hiểu sao cảnh mấy lá buồm trôi trong lặng lẽ và cái mùi của ngọn triều xanh rộng đã gợi trong tôi một nỗi buồn không nói được nên lời, tương tự khi đang đọc những vần Erlebnis của Hofmannsthal[11] và cùng lúc, trong lòng tôi, một tình cảm dịu ngọt như thể đang khẽ muốn cất lên lời hát để hòa nhịp cho bằng được với âm hưởng của dòng sông Cái đang chìm giữa đáy trời sương.

Không chỉ riêng cái âm hưởng của dòng nước mới lôi cuốn tôi đâu. Màu sắc của nó nữa, vừa mềm mại vừa ấm áp, cái màu mà tôi nghĩ khó tìm được ở nơi nào khác.

Nước ngoài biển giống như ngọc bích, vì sâu nên đọng thành khối nặng, trong khi nước trên thượng nguồn không bị ảnh hưởng triều lên triều xuống, giữ một màu xanh cánh trà nhàn nhạt, lại quá nhẹ, quá mỏng và quá sáng. Duy có nước của khúc sông Cái, chảy giữa bình nguyên, nơi nước ngọt và nước mặn giao hòa, mới dung hợp được màu xanh lạnh lẽo và màu vàng đục ấm áp, để có vẻ thế nhân hơn, sống động[12] hơn, khơi dậy trong ta một tình cảm thân mật đời thường. Nhất là khi con sông đã rong ruổi hết vùng bình nguyên Kanto nhiều đất sét nâu đỏ, bình lặng chảy về Tokyo đô hội, cái màu nước vốn đục ngầu và nhăn nhó như một lão Do Thái già khó tính, thích cằn nhằn lầu bầu, giờ đây đã có cái gì thong thả, nuột nà, dễ thương. Và tuy cùng chảy ngang một thành phố, nhưng có lẽ nhờ trao đổi thường xuyên với đại dương thần bí, nước con sông Cái không hề đen ngòm như các kênh lạch nối những dòng sông lại với nhau. Sông Cái không hề ngủ. Tôi có cảm tưởng nó luôn luôn di động nhưng chỉ để chấm dứt cuộc hành trình ở đích đến nhất định: một miền Vĩnh Cửu “vô thủy vô chung”. Dĩ nhiên vui là khi thấy dòng nước xanh như vệt dầu thơm trôi dưới những cây cầu Azuma, Umaya, Ryogoku, ôm ấp mấy chân cầu lớn xây bằng gạch hay đá hoa cương. Có khi nó nép vào bờ, in bóng những ngọn đèn giấy màu trắng của các cửa hiệu cho mướn thuyền cũng như những chòm lá liễu nghiêng ngả khoe mặt trái bạc phấn. Có khi tắc nghẽn vì cái đập chắn nước, nó lặng lờ lấp lánh bên dưới những chái bếp không bóng người, than thở hộ cánh phù dung đỏ một trưa quá ngọ có tiếng đàn samisen[13] rời rạc uể oải, để rồi giật mình bối rối vì tiếng đập cánh bất chợt của một chú vịt trời. Cái màu phải gọi là nằng nặng của dòng nước như thế cũng chan chứa ấm áp, hồn hậu. Cho dù khi dòng sông về đến gần cầu Ryogoku, cầu mới Ohashi, cầu Eitai và vùng cửa sông lúc nước của nó được hòa với cái màu xanh đậm của ngọn triều ấm hay phản chiếu ánh nắng lấp lóa của mặt trời trắng bạch tựa như tấm kim loại trải rộng dưới một tầng không ồn ào đầy bụi khói, nó vẫn tiếp tục lười biếng đong đưa đoàn thuyền khẳm lừ than đá và những con tàu kiểu cũ chạy bằng hơi nước mà lớp sơn trắng đã bong đi. Thiên nhiên với con người như chung nhịp thở, cái màu ấm áp mà dòng sông không biết thâu nhận được lúc nào khi chảy qua thành phố đâu dễ gì mất đi cho được.

Đặc biệt lúc chiều xuống, con sông bỗng đổi sắc theo lớp mù do hơi nước vựng lên và màu nắng càng ngày càng phai nhạt trên nền trời, để thành một thứ màu huyền hoặc khó tả. Mình tôi, gối hai tay lên thành đò, lơ đãng lướt nhìn mặt sông chiều nắng xế mù dâng, và khi thấy từ bên kia bờ dòng nước lục đậm, trên không trung chỗ mấy nóc nhà sẫm tối, một vầng trăng to và đỏ ló ra, thì tôi không tài gì cầm được nước mắt, điều mà có lẽ suốt đời, tôi chẳng thể nào quên.

Theo Meljukovski[14], “Mỗi thành phố đều có cái mùi cố hữu của nó. Mùi của Florence là hương huệ trắng, mùi bụi bặm, sương mù và mùi quang dầu[15] của những khung tranh cố quyện vào nhau”. Nếu ai hỏi tôi về cái mùi của Tokyo, tôi sẽ xin phép trả lời ngay đó là cái mùi của dòng sông Cái. Không riêng gì cái mùi! Màu sắc của dòng sông, âm hưởng của dòng sông chính là mầu sắc và tiếng động của Tokyo mà tôi yêu dấu. Nhờ có dòng sông, tôi mới biết yêu Tokyo, và nhờ có Tokyo, tôi mới biết yêu đời.

Tái bút: Dạo sau này, tôi nghe nói bến đò ngang cầu Ichi đã mãi đi rồi, bến đò cầu Mikura cũng sắp sửa bị dẹp.

(1912)

Nguyễn Nam Trân dịch

Cổng Rashomon

(Rashomon)

Lời người dịch:

Cổng Rashomon[1] là một trong những tác phẩm đầu tay của Akutagawa Ryunosuke, viết năm 1915, chỉ ra đời sau truyện Nước dòng sông Cái, và một vài truyện khác. Hơn nữa khi Akutagawa Ryunosuke gửi đăng truyện này trên nội san Đế quốc văn học (Teikoku Bungaku) của khoa Văn trường Đại học Tokyo, bè bạn đã không chú ý lắm, thậm chí có người còn khuyên ông gác bút! Thế nhưng sau này, giới văn học Nhật Bản đã đánh giá đây là một tuyệt tác của Akutagawa Ryunosuke, tác phẩm đầu tiên hình thành lối viết của ông sau đó, xây dựng truyện dựa trên các chất liệu có sẵn trong các tác phẩm cổ điển. Akutagawa đã giải thích rằng, khi muốn diễn tả thật nghệ thuật một đề tài nào đó thì có thể phải tạo ra một sự việc thật khác thường, nhưng những điều khác thường lại khó xảy ra trong cuộc sống thực, sẽ có vẻ như bịa đặt, không được tự nhiên, do đó mà ông đã lấy các chi tiết từ các truyện có sẵn.

Cổng Rashomon được viết dựa trên các chi tiết trong hai đoạn của truyện Konjaku Mongatari (Truyện bây giờ đã xưa). Đó là đoạn thứ mười tám về người ăn trộm đã trông thấy xác chết trên gác cổng Rashomon, và đoạn thứ hai mươi mốt về bà già bán cá trong trận Tatewaki. Tuy nhiên, Akutagawa Ryunosuke đã đổi nhân vật người ăn trộm trong truyện cổ thành gã nô bộc – chưa hề ăn trộm – để rồi qua tay tác giả, câu chuyện xảy ra trên gác Cổng Rashomon là diễn tiến giằng co giữa Thiện và Ác trong lòng nhân vật gã nô bộc này; cuối cùng cái Ác đã biện hộ và xô đẩy nhân vật vào một cái Ác tiếp theo.

Bị cuốn theo ngòi bút của tác giả, dường như người đọc lại không thấy công phẫn hay có điều gì khiên cưỡng, mà hầu như chỉ còn biết chấp nhận cái kết cuộc ấy như một điều đương nhiên.

Chuyện vào một ngày nọ, lúc trời đã về chiều. Có một gã nô bộc đang trú mưa dưới cổng Rashomon. Dưới chiếc cổng lớn, ngoài gã đàn ông này ra chẳng có ai khác. Trên chiếc cột lớn sơn son đỏ mà nước sơn đã bị bong loang lổ đó đây, chỉ có độc một con dế mèn đang đậu ở đó. Cổng Rashomon ở ngay trên đại lộ Suzaku cho nên ngoài gã đàn ông này, bình thường lẽ ra cũng có thể có thêm vài ba người khác, đàn bà thì đội nón lá ichimegasa hay đàn ông đội mũ momieboshi đứng tránh mưa. Thế nhưng ngoài gã ra không có ai khác.

Số là vì mấy năm gần đây kinh thành Kyoto cứ bị hết họa này lại đến nạn kia, hết động đất, giông bão, hỏa hoạn, lại đến nạn đói kém. Vì thế mà chốn kinh sư tiêu điều xơ xác thật khác thường. Cổ thư còn ghi chép lại những chuyện như tượng Phật và đồ thờ tự bị chẻ ra, gỗ sơn son hay thếp bạc cũng bị chất đống bên đường để bán làm củi đốt. Chốn kinh thành mà còn như thế, huống hồ cổng Rashomon này, chẳng ai ngó ngàng đến chuyện trùng tu sửa sang. Cổng bị bỏ mặc tiêu điều hoang phế, chỉ tổ cho chồn cáo cùng quân trộm cắp thừa cơ đến dùng làm nơi trú ẩn. Thậm chí cả những xác chết đường chết chợ không người tới nhận cũng được đem vứt ở đây, như đã thành một cái lệ. Vì thế hễ trời chạng vạng tối là mọi người đều ghê sợ, chẳng một ai dám bén mảng đến gần.

Thay vào đó, vô số quạ không biết từ đâu kéo cả về đây. Ban ngày nhìn về phía cổng thấy không biết bao nhiêu là quạ bay thành vòng tròn, vừa kêu vừa lượn lờ quanh miếng ngói phù điêu trên cùng. Nhất là hễ đến lúc ráng chiều nhuộm đỏ khoảng trời phía trên cổng, thì nom cứ như là nền trời có rắc vừng đen. Dĩ nhiên lũ quạ đến rỉa xác người chết vứt nơi cổng.

Thế nhưng hôm nay, có lẽ kể về giờ giấc thì cũng đã muộn, chẳng thấy bóng dáng một con quạ nào cả. Chỉ thấy đó đây lốm đốm màu bạc phếch của phân quạ dính vào những bậc đá chỉ chực lở và cỏ mọc um tùm từ những kẽ nứt. Gã nô bộc ngồi ở bậc trên cùng của bậc đá có bảy bậc, đặt mông trên vạt sau của chiếc áo xanh lam đã giặt đến bạc màu, vừa mân mê mụn trứng cá to tướng mọc trên má bên phải vừa lơ đãng nhìn mưa rơi.

Tác giả vừa viết ở trên rằng “gã nô bộc đang trú mưa”. Nhưng dù trời có tạnh mưa đi nữa, gã cũng chẳng có việc gì để làm. Thông thường dĩ nhiên là gã sẽ đi về nhà chủ. Nhưng gã lại mới bị chủ cho thôi việc từ bốn năm hôm nay. Như đã viết ở trên, lúc bây giờ Kyoto đã suy tàn lắm rồi. Gã nô bộc này bị người chủ mà gã hầu hạ lâu năm cho thôi việc, thật ra cũng là ít nhiều do sự suy tàn ấy mà ra chứ chẳng phải gì khác. Vì thế thay vì viết “gã nô bộc đang chờ tạnh mưa”, phải viết là “gã nô bộc không đi đâu được vì trời mưa, và gã đã đến bước đường cùng chẳng biết về đâu nữa” mới đúng. Hơn nữa, bầu trời u ám hôm nay chẳng nhiều thì ít cũng đã khiến gã nô bộc thời Bình An (Heian)[2] này chạnh lòng. Cơn mưa đổ xuống từ giờ Thân đến giờ vẫn chẳng có vẻ gì là muốn ngớt. Vì thế trước mắt gã nô bộc chưa biết ngày mai sẽ phải làm gì để sống qua ngày, từ nãy đến giờ gã vẫn vừa miên man nghĩ ngợi tìm cách xoay sở làm sao ra khỏi bước đường cùng, vừa lơ đãng nghe tiếng mưa rơi trên đại lộ Suzaku.

Mưa rào rào từ xa tới bao trùm lên cổng Rashomon. Bóng chiều như kéo màn trời sa xuống thấp, ngẩng nhìn lên thấy hàng ngói chênh chếch đầu hồi trên mái cổng như đang đỡ cả một màn mây nặng trĩu u ám.

Một khi đã không còn cách nào khác, không làm sao hơn được, thì đâu còn có thể kén chọn nữa. Nếu còn kén chọn, thì chỉ có mà chết đói, không chết trong nhà thì cũng chết đường chết chợ, rồi sẽ bị đem ra vứt trên cổng này như người ta vứt xác của một con chó mà thôi.

Nếu đừng kén chọn nữa – gã nô bộc cứ nghĩ tới nghĩ lui quanh quẩn mãi không biết bao lần để rồi cuối cùng ngừng lại ở chỗ đó. Tuy vậy, ngay cả khi đã nghĩ tới “nếu đừng kén chọn” rồi, nhưng quanh đi quẩn lại vẫn còn dừng lại ở chỗ “nếu đừng kén chọn” này, thì rút cuộc vẫn mãi mãi chỉ là một chữ “nếu”. Dù gã nô bộc đã nhủ lòng sẽ không kén chọn – không từ bất cứ điều gì thế nhưng gã vẫn không có can đảm tiến thêm đến chỗ khẳng định cái điều đương nhiên phải đến tiếp theo sau câu “nếu đừng kén chọn” – để ngã ngũ cho xong chuyện – tức là “thì chẳng còn cách nào khác là đành làm quân trộm cắp vậy.”

Gã nô bộc hắt hơi thật mạnh, rồi uể oải đứng dậy. Hơi lạnh buổi chiều ở Kyoto đã đến độ muốn có lò than để sưởi ấm. Gió luồn giữa những hàng cột cùng với bóng chiều đang dần xuống, lồng lộng thổi. Con dế mèn đậu trên chiếc cột loang lổ nước sơn đã bò đi đâu mất.

Gã nô bộc vừa kéo cao cổ áo màu lam khoác trên chiếc áo cánh màu vàng, rụt cổ lại, vừa đưa mắt nhìn quanh cổng. Gã nghĩ bụng nếu có chỗ nào không sợ bị mưa gió, không ngại có người trông thấy, để đánh một giấc ngon lành, thì gã sẽ ngủ ở đó cho qua đêm nay. Tức thì, may sao chiếc cầu thang cũng sơn son đỏ, bề ngang khá rộng, bắc lên tầng gác của chiếc cổng đã lọt vào mắt gã. Ở trên ấy dù cho có người chăng nữa, chắc cũng chỉ toàn là người chết. Gã nô bộc bèn vừa cẩn thận giữ cho thanh đao đeo bên hông khỏi tuột ra khỏi vỏ, vừa đặt bàn chân mang đôi dép rơm lên bậc dưới cùng của cầu thang.

Thế rồi, một vài phút sau đó, trên bậc giữa của cầu thang bắc lên gác cổng Rashomon, một gã đàn ông đang co người lại như con mèo, nín thở nghe ngóng động tĩnh trên gác. Một ánh lửa leo lét chập chờn trên gác lờ mờ soi xuống gò má bên phải của gã, gò má có một cái mụn trứng cá mưng mủ sưng đỏ lên ở giữa đám râu ria lởm chởm. Thoạt đầu gã nô bộc cứ đinh ninh rằng ở trên ấy chỉ toàn là người chết. Nhưng chỉ mới bước lên được hai ba bậc thang và nhìn xem thử gã thấy ở trên đó có ai đang thắp lửa, mà ánh lửa ấy hình như đang chuyển động về phía này. Đó là một ánh lửa đục tối và vàng vọt, chập chờn chiếu lên trần nhà có giăng đầy mạng nhện đến khắp mọi xó xỉnh, thoạt nhìn đã nhận ra ngay. Một kẻ dám đốt đèn trên gác cổng Rashomon trong đêm mưa như thế này ắt chẳng phải là người bình thường.

Gã nô bộc rón rén lần bước như một con thạch sùng, mãi mới lên đến bậc trên cùng của chiếc cầu thang dốc dác. Thế rồi gã cố nằm bẹp xuống bám mình vào sàn gác, cần cổ thì cố vươn về phía trước, rụt rè dòm vào trong gác.

Gã nhìn thử thì thấy trong lòng gác, quả đúng như lời đồn đại, có một vài xác chết bị vứt nằm ngổn ngang. Chỗ có ánh lửa soi tới hóa ra không rộng lắm nên cũng không rõ là trên ấy có bao nhiêu xác chết. Chỉ có điều là lờ mờ trông thấy trong đó có xác thì trần truồng, có xác thì mặc quần áo. Dĩ nhiên hình như trong đó cũng có cả xác đàn ông lẫn với xác đàn bà. Và tất cả những xác chết ấy đều như những hình nhân nặn bằng đất sét, miệng há hốc, tay thò ra, nằm lăn lóc trên sàn, thật không ngờ trước đó đã từng là những con người có sự sống. Hơn nữa những phần thân thể nhô cao như vai và ngực phản chiếu ánh lửa mơ hồ đổ bóng xuống làm cho những phần thân thể thấp hơn càng thêm u tối, lặng thinh câm nín ngàn đời.

Gã nô bộc vội bịt mũi vì mùi hôi thối của những xác chết đã rữa nát ấy. Nhưng chỉ trong một phút sau đó, bàn tay ấy đã quên cả bịt mũi lại. Đó là vì một cảm xúc vô cùng mãnh liệt đã cướp trọn khứu giác của gã đàn ông này.

Lúc ấy lần đầu tiên mắt gã nô bộc mới nhìn thấy có bóng người lom khom giữa đống xác chết. Một bà lão mặc chiếc áo kimono màu nâu vỏ dà, thấp bé, gầy gò, đầu tóc bạc phơ như một con khỉ. Bà lão ấy tay phải cầm một mẩu gỗ thông để đốt lửa, đang nhìn như soi vào mặt một trong những cái xác chết. Mái tóc dài cho thấy có lẽ đây là xác của một người đàn bà.

Hết sáu phần là hoảng sợ, bốn phần còn lại là tò mò, nên lúc ấy gã nô bộc đã quên cả thở. Nếu mượn lời cổ thư thì đó là gã nô bộc cảm thấy như tóc trên đầu mình đang dựng đứng cả lên. Bấy giờ bà lão đặt mẫu gỗ thông xuống sàn gác, rồi đưa hai tay lên đầu của xác chết mà nãy giờ bà vẫn nhìn chằm chặp, làm như thế khi mẹ đang bắt chấy cho khỉ con, bà bắt đầu nhổ từng sợi của mái tóc dài ấy. Những sợi tóc dường như cứ thế rụng ra theo bàn tay của bà lão.

Nhìn từng sợi tóc rụng dần, nỗi kinh hoàng cũng biến dần trong lòng gã nô bộc và đồng thời, dần dần mỗi lúc gã cảm thấy căm giận bà lão này hơn. Ồ không, nói rằng đó là lòng căm giận đối với bà lào này thì có lẽ là không đúng. Mà đúng ra đó là mối ác cảm đối với tất cả những điều ác trên đời, cứ mỗi lúc một bùng lên mãnh liệt trong lòng gã. Lúc này nếu có ai lại đem chuyện nên chịu chết đói hay nên thành kẻ trộm mà gã đàn ông này đã nghĩ đến khi còn ở dưới cổng lúc nãy ra hỏi lại gã, thì có lẽ gã đã trả lời ngay không một chút nuối tiếc rằng gã sẽ chịu chết đói. Lòng căm ghét cái ác của gã đang bùng lên mãnh liệt như thế đó, giống như mẩu gỗ thông đang cháy mà bà lão để trên sàn kia.

Dĩ nhiên gã nô bộc không biết vì sao bà lào lại nhổ tóc của xác chết. Vì thế không biết có thể quy kết rằng đây là một việc thiện hay ác, một cách rạch ròi phân minh hay không. Thế nhưng đối với gã nô bộc này thì, chỉ nội chuyện nhổ tóc của xác chết trên gác cổng Rashomon trong đêm mưa hôm nay cũng đã đủ thành một điều ác không thể nào tha thứ được. Dĩ nhiên, gã nô bộc cũng đã quên bẵng rằng mãi cho đến lúc này thì chính gã cũng đã có ý định trở thành quân trộm cắp đấy thôi.

Thế là gã nô bộc bỗng bước thật mạnh trên chiếc cầu thang và leo lên gác. Rồi vừa đặt tay lên thanh đao, gã vừa bước sải mấy bước đến trước mặt bà lão. Đương nhiên là bà lão hết sức ngạc nhiên.

Bà lão nhìn thấy gã nô bộc thì giật bắn cả người, như thể tên vừa bị bật khỏi nỏ.

– Mụ kia, mụ định chạy đi đâu?

Gã nô bộc chặn đường bà lão đang bị vấp phải xác chết khi bà hớt hải tìm đường chạy trốn, và quát mắng như thế. Bà lão vẫn cố gạt gã ra để chạy đi. Gã nô bộc lại đẩy bà lão lui lại, cố không cho bà chạy thoát. Hai người chẳng nói chẳng rằng cứ giằng co xô đẩy nhau như vậy giữa đống xác chết. Nhưng thắng bại thì đã rõ ngay từ đầu. Cuối cùng gã nô bộc nắm lấy cánh tay bà lão bẻ vặn sang một bên, cánh tay chỉ còn đúng có da bọc xương như một cái chân gà.

– Mụ làm gì ở đây nãy giờ? Nói nói ngay không thì mụ biết tay ta!

Gã nô bộc bỗng thình lình gạt bà lão ra, tay rút đao ra khỏi vỏ, khua thanh đao bằng thép sáng loáng trước mắt bà lão. Thế nhưng bà lão vẫn làm thinh. Hai tay bà run lẩy bẩy, vai co lại thở dốc, hai mắt mở trừng trừng tưởng chừng con ngươi sắp văng ra ngoài, và bà vẫn một mực nín thinh như thể một người câm. Thấy thế, gã nô bộc chợt hiểu rõ rằng mạng sống của bà lão này giờ đây hoàn toàn ở trong tay mình. Nghĩ đến đây sự căm ghét đang bừng cháy trong lòng gã nãy giờ chẳng mấy chốc đã dịu xuống. Và rồi sau đó chỉ còn lại sự đắc ý dễ chịu, hài lòng vì làm được một việc, và đã hoàn thành công việc ấy thật mỹ mãn. Gã nô bộc cúi nhìn bà lão, hạ giọng nói:

– Ta chẳng phải là sai nha coi việc xét xử gì cả, mà chỉ là khách qua đường đi ngang qua dưới cổng này chiều nay. Vì vậy ta không trói mụ hay làm gì mụ đâu. Thế nhưng, mụ làm gì trên gác này nãy giờ, mụ chỉ cần kể cho ta nghe là đủ rồi.

Bây giờ đôi mắt đã mở to của bà lão lại càng trợn lên nhìn chòng chọc vào mặt gã nô bộc. Vành mắt đỏ lòm, bà lão nhìn gã bằng đôi mắt sắc như của loài cú vọ chuyên ăn thịt. Thế rồi đôi môi nhăn nheo và hầu như đã dính liền với mũi khẽ động đậy như đang nhai cái gì. Cục yết hầu xương xẩu nhọn hoắt chạy lên chạy xuống trên cổ trông thấy rõ. Đúng lúc đó, từ trong cái cổ họng ấy phát ra một thứ âm thanh nghe như tiếng quạ kêu, hổn hển lọt vào tai gã nô bộc.

– Ta định nhổ những sợi tóc này, nhổ những tóc này để kết tóc giả.

Gã nô bộc thất vọng vì câu trả lời của bà lão không ngờ lại tầm thường quá. Trong lúc thất vọng như thế thì đồng thời, lòng căm giận lúc nãy cùng với sự lạnh nhạt khinh bỉ lại ùa vào lòng gã. Bà lão có vẻ cũng nhận ra được điều đó. Một tay vẫn còn cầm mớ tóc dài mới nhổ vừa đoạt từ xác chết, bà lão lẩm bẩm, nghe như một con cóc gớm ghiếc đang ộp oạp trong miệng như sau:

– Ừ, thì cho là nhổ tóc của xác chết như thế này có lẽ ác lắm cũng không chừng đấy. Nhưng lũ người chết đang nằm đây cũng toàn là một bọn đã làm những chuyện đáng để bị như thế. Như con đàn bà mà ta đang nhổ tóc của nó đây, nó đã bắt rắn chặt ra thành từng khúc đem phơi khô mà bảo đó là cá khô, đem bán cho bọn lính gác ở Đông Cung. Nếu nó không bị bệnh dịch mà chết thì bây giờ có lẽ nó cũng đang đi bán đấy. Ấy thế mà cá khô của nó bán lại có tiếng là ngon, không lần nào mà bọn lính tráng không mua về ăn. Ta không nghĩ rằng việc con đàn bà này làm là điều ác. Vì không làm thế thì chết đói, chẳng qua là bất đắc dĩ thôi. Đã vậy, thì bây giờ cũng thế ta cũng không cho rằng điều ta đang làm là điều ác. Vì nếu không làm như vậy sẽ phải chết đói, đó chẳng qua chỉ là một điều bất đắc dĩ mới phải làm đấy sao. Vì thế con đàn bà này cũng đã biết rõ rằng có những điều bất đắc dĩ mới phải làm, cho nên có lẽ nó cũng bỏ qua cho việc mà ta đang làm.

Bà lão nói đại khái như thế.

Gã nô bộc tra đao vào vỏ, vừa chặn tay trái lên chuôi đao, vừa nghe câu chuyện của bà lão với vẻ lãnh đạm. Tai nghe mà bàn tay phải vân mân mê mụn trứng cá lớn đang mưng mủ đỏ lòm trên má. Thế nhưng, trong lúc nghe bà lão nói như thế lòng gã dần dần trở nên can đảm hơn. Đó là sự can đảm mà lúc nãy khi còn ở dưới cổng gã còn thiếu. Và đó là sự can đảm hoàn toàn trái ngược với lòng dũng cảm khi gã leo lên gác của chiếc cổng này và đã tóm lấy bà lão. Gã nô bộc không chỉ không còn phân vân không biết nên đành chịu chết đói hay trở thành kẻ trộm cắp nữa mà trong bụng của gã lúc này, nói thẳng ra là, cái ý nghĩ đành chịu chết đói gì đó hầu như đã bị xua đi mất tiêu, khiến gã như không còn bận tâm gì về điều ấy nữa.

– Ra thế! Chắc phải thế!

Bà lão vừa kể xong, gã nô bộc cười khẩy nói như tự nhủ. Và rồi, gã bước tới một bước, tay phải bỗng rời cái mụn trứng cá trên má, gã nắm lấy cổ áo bà lão gằn giọng nói:

– Vậy ta có lột áo của mụ thì mụ cũng đừng cứ oán trách gì nhé. Vì ta mà không làm thế này thì cái thân ta cũng chết đói thôi.

Gã nô bộc lột phắt cái áo của bà lão. Đoạn gã tàn nhẫn đá bà lão, còn đang cố ghì lấy chân gã, khiến bà ngã lăn ra trên những xác chết. Chỉ độ dăm bước là đến miệng cầu thang. Gã nô bộc cắp chiếc áo kimono màu nâu vỏ dà vừa tước đoạt của bà lão vào nách, chỉ trong chớp mắt gã đã theo chiếc cầu thang dốc tuột xuống đất, rồi mất hút vào bóng đêm.

Một lát sau, bà lão bị ngã tưởng suýt chết ngóc được dậy, trần truồng giữa những xác chết. Bà cất giọng vừa như lẩm bẩm vừa như rên rỉ, lần theo ánh lữa vẫn còn leo lét bò ra đến miệng cầu thang. Và rồi, từ miệng cầu thang ấy, một cái đầu tóc trắng ngắn ngủn thò ra dòm xuống cánh cổng. Bên ngoài chỉ có bóng đêm tối đen như mực.

Chẳng ai biết gã nô bộc ấy đã đi đâu.

(1915)

Dương Thị Tuyết Minh dịch


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button