Văn học nước ngoài

Trăng Lạnh

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Jeffery Deaver

Download sách Trăng Lạnh ebook PDF/PRC/EPUB/MOBI. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : SÁCH VĂN HỌC NƯỚC NGOÀI

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

 

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

 

Lời giới thiệu


Vào một đêm tháng Mười hai lạnh lẽo, một cách thức giết người bí hiểm xuất hiện ở hai hiện trường án mạng tàn bạo không kém gì nhau, một người đàn ông bị giết ở cầu tàu trên sông Hudson đã trôi mất xác, và Theodore Adams, trạc ba mươi lăm tuổi, nằm ngửa, bị bịt miệng và trói hai chân hai tay vào với nhau bằng băng dính nhựa, sát thủ đã tròng một sợi dây thừng vào một cầu thang thoát hiểm cách đất ba mét, và buộc một đầu sợi dây vào một thanh kim loại nặng dài gần hai mét có hai lỗ ở hai đầu trông giống lỗ kim, thanh kim loại này được treo lơ lửng bên trên họng nạn nhân tại con hẻm phố Cedar, gần Broadway. Ở hai hiện trường đó đều có tấm danh thiếp của kẻ sát nhân là chiếc đồng có mặt hình trăng dường như đã tích tắc điểm những khoảnh khắc cuối cùng nạn nhân còn tồn tại trên cõi đời này.

Ngồi trên xe lăn, nhà hình sự học Lincoln Rhyme cùng các cộng sự lần theo dấu vết Thợ Đồng Hồ, một kẻ mang đầu óc thiên tài và bị thời gian ám ảnh. Mỗi giây trôi qua, với sự chính xác tựa lưỡi dao cạo sắc lẹm, Thợ Đồng Hồ lại thực hiện bước kế tiếp của tội ác đã được sắp đặt hoàn hảo. Hắn cùng tay trợ thủ Vincent Reynolds lúc nào cũng “đói khát” lên kế hoạch cho những cái chết tiếp theo. Lần này, Rhyme nhận được sự giúp đỡ của những cộng sự mới: Ron Pulaski – một cảnh sát trẻ yêu nghề và rất thông minh cùng Kathryn Dance – một nhân viên mật vụ của Cơ quan Điều tra California, một trong những chuyên gia xuất sắc nhất nước về thẩm vấn và giám định ngôn ngữ hình thể – môn khoa học quan sát và phân tích ngôn ngữ cử chỉ cũng như lời lẽ của các nhân chứng, các đối tượng (nhân vật này xuất hiện đầu tiên ở Trăng lạnh và đây là tiểu thuyết mở đầu cho một seri tiểu thuyết trinh thám mới của J.Deaver). Còn người cộng sự đáng tin cậy của Rhyme – người đã sát cánh cùng anh trong suốt các vụ án vừa qua, Amelia Sachs, bị phân tán tư tưởng bởi vụ án mạng đáng nản lòng mà cô đang chịu trách nhiệm giải quyết, cái chết của Ben Creeley lôi Sachs vào cuộc điều tra dường như làm hé lộ những điều mờ ám liên quan đến các cảnh sát trong lực lượng, trong đó có người cha đã quá cố của cô – người cô hết lòng yêu mến và kính phục.

Trăng lạnh gây ấn tượng với bạn đọc bởi cả cuốn truyện các nhân vật của chúng ta như đang tham gia vào cuộc đua căng thẳng đến lạnh người với kẻ thù ghê gớm nhất của họ: chính là thời gian…, cốt truyện với nhiều tình tiết bất ngờ và những móc nối tài tình xâu chuỗi các diễn biến tạo nên sức hấp dẫn cho từng trang sách.

ĐỌC THỬ

Chương 1

“Mất bao lâu bọn chúng mới chết nhỉ?”

Gã đàn ông được hỏi câu đó có vẻ như không nghe thấy câu hoi. Gã lại nhìn gương chiếu hậu và tập trung lái xe. Vừa qua nửa đêm, các con phố khu Hạ Manhattan đã đóng băng. Một frông[1] khí lạnh lẽo quét quang đãng bầu trời, thổi cho những bông tuyết rơi lúc trước kết thành một lớp bóng láng trên mặt đường nhựa. Hai gã đàn ông đang ngồi trong chiếc Band-Aid-di động[2] chạy rất tít – đó là cách Vincent Láu gọi chiếc SUV màu nâu vàng. Nó chạy đã mấy năm, đã đến lúc cần kiểm tra phanh và thay lốp. Nhưng mang một chiếc xe ăn cắp đi bảo dưỡng đâu phải ý tưởng không ngoan, nhất là khi hai hành khách mới đây của nó lại là hai nạn nhân của một vụ án mạng.

Tay tài xế – vóc dáng rắn chắc ở tuổi năm mươi, với mái tóc cắt gọn gàng – cẩn thận rẽ vào một con phố phụ và tiếp xúc cuộc hành trình, không tăng tốc, thực hiện những lần cua xe chính xác, giữ cho xe chạy chính giữa làn đường của mình. Gã sẽ lái xe y như thế, dù cho các con phố có khô khao hay trơn trượt, dù cho chiếc xe có vừa dính dáng đến án mạng hay chẳng hề gì.

Cẩn thận, tỉ mỉ.

Mất bao lâu?

Vincent Bự – Vincent với những ngón tay dài, mập mạp, lúc nào cũng ướt át, và chiếc thắt lưng màu nâu kéo ra đến nấc cuối cùng vẫn chật căng quanh bụng – run lập cập. Gã đã phải đứng đợi nơi góc phố sau ca làm ban đêm của mình – một nhân viên xử lý văn bản. Trời lạnh thấu xương, nhưng Vincent không thích dãy hành lang nơi gã làm việc. Ánh đèn thì xanh nhợt nhạt và các bức tường gắn những tấm gương lớn khiến gã có thể tự soi lấy tấm thân hình chum từ mọi góc độ. Vì thế mà gã đã bước ra bầu không khí tháng Mười hai giá lạnh, thoáng đãng, đi tới đi lui, chén một thanh kẹo. Chà, chén luôn hai thanh.

Khi Vincent đang liếc nhìn lên mặt trăng tròn vành vạnh – chiếc đĩa trắng toát hiện ra chốc lát giữa hai tòa nhà – Thợ Đồng Hồ nói to ý nghĩ của mình: “Mất bao lâu bọn chúng mới chết nhỉ? Thật thú vị”.

Vincent chỉ vừa quen Thợ Đồng Hồ – tên thật là Gerald Duncan – nhưng gã đã biết rằng người nào đặt ra cho Duncan một câu hỏi là người ấy phải gánh lấy mọi bất trắc. Thậm chí một câu hỏi đơn giản cũng có thể mở cánh cửa vào một mạch độc thoại dài dằng dặc. Và gã trả lời lúc nào cũng đâu ra đấy, hệt như một vị giáo sư đại học. Vincent biết rằng mấy phút im lặng nãy giờ là do Duncan đang cân nhắc câu trả lời.

Vincent bật nắp một lon Pepsi. Gã thấy lạnh nhưng muốn thứ gì đó ngòn ngọt. Gã uống ừng ực rồi đút cái vỏ lon vào túi áo khoác. Gã chén một gói bích quy bơ lạc. Duncan nhìn sang để chắc chắn rằng Vincent đang đeo găng tay. Bọn gã luôn luôn đeo găng tay trong chiếc Band-Aid-di động.

Thận trọng, tỉ mỉ…

“Theo tao thì câu hỏi ấy có vài câu trả lời”, Duncan nói với giọng thờ ơ, nhẹ nhàng. “Giả dụ, kẻ thứ nhất tao giết hai mươi tư tuổi, vậy mày có thể bảo là y mất hai mươi tư năm trên đời này mới chết.”

Giả dụ, ôi dào… Vincent Láu nghĩ với sự mỉa mai của một gã thiếu niên, mặc dù gã phải thừa nhận câu trả lời hiển nhiên này đã chẳng xuất hiện trong đầu óc mình.

“Kẻ kia ba mươi hai, tao cho là thế.”

Một chiếc xe cảnh sát phóng qua, theo hướng ngược lại. Mạch máu ở thái dương Vincent đập thình thịch nhưng Duncan không phản ứng gì. Toán cảnh sát không tỏ ra chú ý đến chiếc Explorer ăn cắp.

Duncan tiếp tục. “Một cách khác để trả lời câu hỏi ấy là xem xét khoảng thời gian kể từ lúc tao bắt đầu hành động tới lúc tim bọn chúng ngừng đập. Có lẽ mày nghĩ về điều này. Thấy không, người ta cứ muốn đặt thời gian vào cái khung quy chiếu dễ hiểu. Nó hợp lý chừng nào nó ích lợi. Ích lợi khi biết rằng người vận động viên chạy mỗi dặm mất ba phút năm mươi tám giây, và thế là anh ta chiến thắng. Cụ thể thì đêm nay mất bao lâu bọn chúng mới chết… ờ, việc ấy không quan trọng, miễn nó đừng diễn ra nhanh chóng”. Một cái liếc nhìn sang Vincent. “Tao không định phê phán câu hỏi của mày.”

“Có sao đâu”, Vincent đáp, chẳng bận tâm mình bị phê phán hay không. Vincent Reynolds ít bạn và chịu đựng được Gerald Duncan. “Tôi chỉ tò mò thôi.”

“Tao hiểu. Có điều tao đã quên bấm giờ. Nhưng kẻ tiếp theo, tao sẽ nhớ.”

“Cô gái ấy à? Ngày mai à?” Trái tim Vincent đập gấp gáp hơn một chút.

Duncan gật đầu. “Mày muốn nói là hôm nay đấy.”

Đã qua nửa đêm. Đối với Gerald Duncan, người ta phải thật chính xác, đặc biệt khi đề cập tới thời gian.

“Ừ.”

Vincent Đói Khát bấy giờ đã đánh hơi thấy Vincent Láu đang nghĩ về Joanne, cô gái sẽ là người kế tiếp kết thúc mạng sống.

Hôm nay…

Sát thủ lái xe đi theo một tuyến phức tạp để trở về chỗ ở tạm thời của hai gã tại quận Chelsea, khu Manhattan, phía nam Midtown[3], gần sông. Ngoài đường vắng tanh. Trời lạnh chừng mười mấy độ[4] và dọc các con phố hẹp gió thổi miệt mài.

Duncan đỗ xe vào lề đường, tắt máy, cài phanh. Hai gã bước ra khỏi xe, đi bộ chừng nửa khối phố trong gió lạnh băng. Duncan liếc nhìn bóng mình đổ xuống vỉa hè, dưới ánh trăng. “Tao vừa có một câu trả lời khác. Về chuyện mất bao lâu bọn chúng mới chết.”

Vincent lại rùng mình – chủ yếu vì lạnh, nhưng không hẳn vì thế.

“Nếu mày xem xét vấn đề theo quan điểm của bọn chúng”, tên sát thủ nói, “mày có thể bảo là cực kỳ lâu”.

Chương 2

Đó là cái gì?

Từ chiếc ghế dựa kêu cọt kẹt trong văn phòng ấm áp, người đàn ông to lớn nhấm nháp cà phê và nheo mắt dưới ánh nắng chói buổi sáng nhìn về đầu đằng kia của cầu tàu. Ông ta là nhân viên giám sát buổi sáng công ty sửa chữa tàu kéo trên sông Hudson, phía bắc khu Greenwich Village. Bốn mươi phút nữa sẽ có một chiếc Moran chạy loại động cơ diesel hạng bét cập bến, còn lúc này cầu tàu không bóng thuyền bè và ông ta đang tận hưởng sự ấm áp trong căn phòng, nơi ông ta ngồi gác chân lên bàn, ấp tách cà phê trước ngực. Ông ta lau chút hơi nước đọng ở cửa sổ và lại nhìn ra.

Đó là cái gì?

Một chiếc hộp nhỏ màu đen nằm bên mép cầu tàu, mép đối diện với Jersey. Nó không ở đó khi cầu tàu đóng lúc sáu giờ hôm qua, và sau khi cầu tàu đóng thì không ai cập bến được. Phải từ phía bờ. Một hàng rào mắt cáo ngăn người đi bộ và khách qua đường, nhưng, từ trường hợp những dụng cụ và thùng rác thất lạc, người đàn ông biết rằng, nếu ai đó muốn, họ có thể đột nhập được.

Nhưng tại sao bỏ lại cái gì thế?

Người đàn ông nhìn chằm chặp một lúc, nghĩ ngợi. Bên ngoài trời lạnh, gió thổi ù ù, tách cà phê là thứ hoàn toàn thích hợp. Rồi ông ta quyết định. Rõ khỉ, đi kiểm tra thì hơn. Ông ta khoác chiếc vét tông dày màu xám, mang găng tay và mũ, tợp ngụm cà phê cuối cùng, bước ra bầu không khí lạnh ngợp thở.

Người nhân viên giám sát đi xuyên qua những cơn gió dọc theo cầu tàu, cặp mắt chảy nước tập trung vào chiếc hộp màu đen.

Nó là cái thứ chết tiệt gì? Chiếc hộp hình chữ nhật, cao chưa tới ba mươi centimét, và ánh mặt trời yếu ớt phản chiếu rõ rệt một cái gì đó ở phía trước. Ông ta nheo mắt tránh ánh chói. Làn nước bạc của sông Hudson vỗ ì oạp dưới chân cầu.

Cách chiếc hộp khoảng ba mét, ông ta dừng lại, nhận ra nó là cái gì.

Một cái đồng hồ treo tường. Một cái đồng hồ kiểu cổ, với những con số ngộ nghĩnh – những con số La Mã – và một hình trăng ở phía trước. Trông đắt tiền. Ông ta liếc nhìn đồng hồ đeo tay, thấy cái đồng hồ đang chạy,, giờ giấc chính xác. Ai mà để một vật đẹp đẽ thế này ở đây? Thôi được, coi như ta vớ được một món quà.

Ông ta tiến bước định cầm cái đồng hồ lên thì trượt chân và một thoáng chốc trong ông ta chỉ còn nỗi hoảng sợ rằng ông ta sẽ ngã nhào xuống sông. Nhưng ông ta ngã xuống một mảng băng lúc trước ông ta không trông thấy và không bị trượt thêm nữa.

Nhăn mặt vì đau, thở hổn hà hổn hển, ông ta gượng đứng dậy. Ông ta liếc nhìn xuống, nhận ra mảng băng này khác thường. Nó có màu nâu đỏ.

“Ôi, lạy Chúa”, ông ta thì thầm khi nhìn chằm chằm vũng máu lớn đọng gần cái đồng hồ và đã đóng băng bóng loáng. Ông ta cúi về phía trước và càng kinh hoàng hơn bởi những vết máu ở đó – tựa như những vết móng tay vấy máu cào trên sàn gỗ của cầu tàu, tựa như ai đó với những ngón tay hay cổ tay bị cứa đứt đã bám vào để khỏi rơi xuống dòng sông chảy rất xiết.

Ông ta rón rén đi ra mép cầu tàu, nhìn xuống. Không có ai nổi giữa những lớp sóng bập bềnh. Ông ta không ngạc nhiên, nếu điều ông ta hình dung là sự thực, vũng máu đã đóng băng có nghĩa kẻ tội nghiệp ấy đã ở đây lâu rồi, nếu không được cứu, cái xác lúc này đã nửa đường đến đảo Tự Do[5].

Vừa sờ soạng tìm điện thoại di động, ông ta vừa quay bước và dùng răng tháo găng. Liếc nhìn cái đồng hồ lần cuối cùng, ông ta vội vã trở về văn phòng, bấm phím gọi cảnh sát bằng ngón tay múp míp run rẩy.

Trước và Sau.

Thành phố giờ đã khác, sau buổi sáng tháng Chín ấy, sau vụ nổ, cái đuôi khói khổng lồ, và những tòa nhà biến mất.

Bạn không thể phủ nhận điều đó. Bạn có thể nói tới tính kiên cường, dũng khí, thái độ trở-lại-với-công-việc của người New York và đó là sự thực. Nhưng người ta vẫn thoáng ngừng lại khi những chiếc máy bay lượn vòng lần cuối cùng để đáp xuống sân bay LaGuardia[6] và chúng dường như bay thấp hơn bình thường một chút. Bạn băng ngang con phố, tránh xa cái túi mua hàng bị bỏ rơi trên đường. Bạn chẳng ngạc nhiên nhìn thấy binh lính hay cảnh sát mặc đồng phục sẫm màu mang súng máy đen sì kiểu quân sự.

Đám rước lễ Tạ ơn đến rồi lại đi không sự kiện và giờ kỳ Giáng sinh đang vào lúc sôi nổi nhất, người ta tụ tập khắp nơi. Nhưng lơ lửng bên trên cảnh hội hè, tựa như bóng phản chiếu nơi cửa kính hiệu bách hóa, là hình ảnh dai dẳng của tòa tháp đôi không còn ở đó nữa, những con người không còn bên cạnh chúng ta nữa. Và, lẽ dĩ nhiên, câu hỏi lớn là: Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Lincoln Rhyme có cái Trước và Sau của riêng mình và anh rất hiểu khái niệm này. Đã có khoảng thời gian anh có thể đi bộ và vận động, rồi thì đến khoảng thời gian anh không thể nữa. Vừa đó, anh còn mạnh khỏe như bao người, khám nghiệm một hiện trường vụ án, chỉ một phút sau một thanh rầm làm cổ anh gẫy rắc và để lại cho anh chứng liệt tứ chi mức độ C4, từ vai trở xuống gần như liệt hoàn toàn.

Trước và Sau…

Có những khoảnh khắc biến đổi bạn vĩnh viễn.

Tuy nhiên, Lincoln Rhyme tin rằng, nếu bạn coi những khoảnh khắc ấy như những bức tranh thánh quá linh thiêng, chúng sẽ càng có tác dụng mạnh mẽ hon. Và những kẻ xấu xa sẽ chiến thắng.

Lúc này đây, trong buổi sáng sớm của một ngày thứ Ba lạnh lẽo, những ý nghĩ đó xuất hiện trong đầu Rhyme khi anh lắng nghe cô phát thanh viên đài Truyền thanh Quốc gia[7], bằng cái giọng đanh thép trên sóng FM, thông báo về một buổi diễu hành sẽ diễn ra vào ngày kia, tiếp theo là những lễ lạt và họp hành của các quan chức chính phủ, tất cả nếu hợp lẽ thì phải được tổ chức ở thủ đô. Nhưng thái độ sát-cánh-với-New York đã trở nên thịnh hành và các khán giả, cũng như những người phản đối, sẽ đổ đến, gây tắc nghẽn phố xá, khiến cuộc sống phố Wall càng khó khăn hơn nhiều. Tương tự chính trị là thể thao. Những trận đấu quyết định đáng lẽ được tổ chức ở New Jersey nay được lên lịch cho Madison – như một sự phô bày, vì lý do nào đấy, lòng ái quốc. Rhyme hoài nghi tự hỏi liệu sang năm giải đua marathon Boston có được tổ chức ở New York hay không.

Trước và Sau…

Rhyme đã đi tới chỗ tin tưởng rằng bản thân anh chẳng đổi khác lắm ở giai đoạn Sau này. Thể chất của anh hay như bạn có thể nói, hình dáng của anh, đã thay đổi. Nhưng bản chất anh vẫn là con người ở giai đoạn Trước: một cảnh sát và một nhà khoa học nôn nóng, tính khí thất thường (vâng, đôi khi đáng ghét), nghiêm khắc và không dung thứ cho sự bất tài cùng thói lười biếng. Anh không ỷ mình què quặt, không rên rỉ, không quan trọng hóa tình trạng của mình (mặc dù giờ hồn cho chủ những tòa nhà nào không thực hiện đúng các quy định căn cứ theo Luật Người Khuyết tật về chiều rộng cửa ra vào và đoạn dốc dẫn lên bậc thềm, nếu anh có mặt tại hiện trường vụ án xảy ra trong những tòa nhà đó).

Khi Rhyme lắng nghe bản thông báo, cái thực tế là một số người dân thành phố dường như đang không vượt qua được sự tự thương hại mình làm anh phát cáu. “Tôi sẽ viết một bức thư”, anh bảo Thom.

Anh chàng phụ tá trẻ tuổi mảnh khảnh, mặc chiếc quần sẫm màu, áo sơ mi trắng và áo len dày (ngôi nhà ở đường Tây Công viên Trung Tâm của Rhyme phải chịu đựng hệ thống sưởi tồi tệ và vật liệu cách nhiệt cũ kỹ) đang trang trí cho lễ Giáng sinh ngẩng nhìn lên. Rhyme thích thú với nét châm biếm anh đã tạo ra khi đặt một cây thường xanh bé tí trên bàn, bên dưới  nó đã có một món quà, tuy không được bọc lại, đợi sẵn: một chiếc hộp đựng bỉm loại dùng một lần dành cho người lớn.

“Thư ạ?”

Rhyme trình bày cái lý thuyết của anh rằng nếu cứ đề cập đến chuyện buôn bán thương mại như mọi khi thì tinh thần ái quốc lại cao hơn. “Tôi sẽ xạc cho bọn họ một trận. Tôi nghĩ là tờ Thời báo.”

“Tại sao không?”, anh chàng phụ tá hỏi. Công việc của anh ta được gọi là “điều dưỡng viên” (tuy vậy theo anh ta thì, làm cho Lincoln Rhyme, anh ta phải được mô tả thực sự là “ông thánh”).

“Tôi sẽ làm”, Rhyme đáp cứng rắn.

“Tốt đấy… thế nhưng, một vấn đề.”

Rhyme nhướn một bên mày. Nhà hình sự học có thể – và đã – diễn đạt được rất nhiều, nhờ những phần cơ thể còn hoạt động: vai, mặt và đầu.

“Hầu hết những người nói sẽ viết thư rốt cuộc đều không viết. Những người viết thật thì chỉ đơn giản là bắt tay vào việc và viết thôi. Họ chẳng cần thông báo. Anh có bao giờ nhận ra điều ấy không?”

“Cảm ơn cậu vì sự hiểu biết sâu sắc về tâm lý học, Thom ạ. Cậu biết rằng lúc này không gì ngăn cản nổi tôi đâu.”

“Tốt”, anh chàng phụ tá nhắc lại.

Sử dụng cái điều khiển bằng cảm ứng, nhà hình sự học lái chiếc xe lăn Storm Arrow[8] đến gần hơn một trong sáu màn hình phẳng lớn đặt trong căn phòng.

“Lệnh”, anh nói vào hệ thống nhận giọng, qua chiếc mic gắn ở xe. “Soạn thảo văn bản.”

Tuân theo câu lệnh, cửa sổ WordPerfect mở ra trên màn hình.

“Lệnh, gõ. Thưa các vị. Lệnh, phẩy. Lệnh, xuống dòng. Lệnh, gõ. Tôi đã để ý thấy là…”

Chuông cửa reo và Thom đi ra xem ai tới.

Rhyme nhắm mắt lại và đang soạn thảo lời mắng mỏ thế giới thì một giọng nói đột ngột vang lên. “Này, Linc. Chúc Giáng sinh vui vẻ!”

“Ừm, cũng chúc anh như thế”, Rhyme lầu bầu với Lon Sellitto bụng phệ đang bước vào. Viên thám tử to béo phải thận trọng di chuyển. Căn phòng vốn dĩ là một phòng khách cổ lỗ kiểu thời Victoria nhưng nay đầy ắp các dụng cụ khám nghiệm: các kính hiển vi quang học, một kính hiển vi điện tử, một máy tách hợp chất, các giá và cốc thủy tinh phòng thí nghiệm, ống hút, đĩa nuôi cấy tế bào, máy ly tâm, hóa chất, sách, tạp chí, máy tính – rồi dây điện dày chạy khắp nơi trong căn phòng. (Khi Rhyme bắt đầu tiến hành công việc tư vấn khám nghiệm hiện trường tại ngôi nhà này, đám thiết bị ngốn điện ấy thường xuyên gây nổ cái ngắt điện. Lượng điện tiêu thụ ở đây có lẽ bằng tổng lượng điện tiêu thụ của tất cả những người khác trong cùng tòa nhà.)

“Lệnh, âm lượng, mức ba.” Thiết bị điều khiển môi trường lập tức hạ âm lượng đài Truyền thanh Quốc gia.

“Bây giờ chúng ta không có tâm trạng hội hè, nhỉ?”, viên thám tử hỏi.

Rhyme chẳng trả lời. Anh lại nhìn màn hình.

“Này, Jackson.” Sellitto cúi xuống nựng chú chó nhỏ lông dài nằm cuộn tròn trong chiếc hộp đựng chứng cứ của Sở Cảnh sát New York. Chú ta đang tạm thời ở đây. Người chủ trước của chú, bà bác già của Thom, mới mất ở Westport, Connecticut, sau một thời gian dài đau ốm. Trong số các món anh thanh niên được thừa kế có Jackson, chú chó giống Havanese. Giống chó này, là bà con với giống Bichon Frise, gốc gác từ Cuba. Jackson ở đây tới chừng nào Thom tìm được cho chú ta một chỗ ở tử tế.

“Chúng ta có một vụ nghiêm trọng, Linc ạ”, Sellitto nói và đứng dậy. Ông ta định cởi áo khoác rồi lại thôi. “Lạy chúa, trời lạnh quá. Đây là đợt lạnh nhất à?”

“Không biết nữa. Không xem kênh thời tiết mấy.” Rhyme suy nghĩ về một đoạn mở đầu hay ho cho bức thư anh gửi ban biên tập.

“Nghiêm trọng”, Sellitto nhắc lại.

Rhyme nhướn mày liếc nhìn Sellitto.

“Hai người chết, cùng một kiểu gây án. Ít nhiều là thế.”

“Khối vụ nghiêm trọng ở ngoài kia, Lon. Sao những vụ này lại có gì nghiêm trọng hơn cơ chứ?” Như vẫn thường xảy ra vào những ngày tẻ nhạt giữa các vụ án, tâm trạng của Rhyme rất tồi tệ. Trong tất cả các đối tượng anh từng gặp, đối tượng tồi tệ nhất là cảnh buồn chán.

Nhưng Sellitto đã làm việc với Rhyme bao nhiêu năm nay và đã miễn dịch trước thái độ của nhà hình sự học. “Một cú điện thoại từ Tòa nhà Lớn[9]. Các cốp muốn anh và Amelia đảm nhận vụ này. Họ báo rằng họ yêu cầu đấy.”

“Ồ, yêu cầu ấy à?”

“Tôi cam đoan tôi sẽ không nhắc lại với anh là họ bảo vậy. Anh không thích bị yêu cầu.”

“Chúng ta đi đến phần nghiêm trọng được chăng, Lon? Hay như thế là đòi hỏi nhiều quá?”

“Amelia đâu?”

“Ở Westchester[10], đang làm một vụ. Cô ấy chắc sắp về.”

Viên thám tử giơ ngón tay lên ra hiệu chờ vì điện thoại di động của ông ta đổ chuông. Ông ta trao đổi, gật đầu và ghi chép. Rồi ông ta kết thúc cuộc gọi, liếc nhìn Rhyme. “Được lắm, chúng ta có thông tin đây. Vào đêm hôm qua đối tượng của chúng ta, hắn đã chộp lấy…”

“Hắn?”, Rhyme nhấn mạnh.

“Vâng. Chúng ta chưa chắc chắn giống đực hay giống cái.”

“Giới tính.”

“Cái gì?”

Rhyme nói: “Giống là một khái niệm ngôn ngữ. Nó đề cập những từ chỉ nam và nữ trong từng ngôn ngữ nhất định. Giới tính là một khái niệm sinh học, phân biệt các bộ phận cơ thể của nam và nữ.”

“Cảm ơn bài học ngữ pháp”, viên thám tử lẩm bẩm. “Nó sẽ hữu ích chăng nếu tôi lên chương trình Jeopardy[11]! Dù sao, hắn cũng đã chộp lấy kẻ tội nghiệp nào đấy và đưa đến cái cầu tàu trên sông Hudson. Chúng ta không chắc chắn làm về cách hắn hành động, nhưng hắn đã buộc người đàn ông, hoặc phụ nữ, đó treo mình lơ lửng bên trên sông, rồi cứa đứt cổ tay người này. Nạn nhân đã cố gắng bám một lúc lâu, xem chừng đủ lâu để mất cả vũng máu, tuy nhiên cuối cùng đành buông tay ra.”

“Xác?”

“Chưa thấy. Lực lượng Tuần tra Bờ biển và Đơn vị Phản ứng nhanh đang tìm kiếm.”

“Lúc nãy tôi nghe là số nhiều.”

“Phải. Vài phút sau chúng tôi nhận được cú điện thoại nữa. Tới kiểm tra một con hẻm ở khu trung tâm, gần đường Broadway. Đối tượng có thêm nạn nhân. Một đội dân phòng phát hiện ra người thanh niên bị trói bằng băng dính nhựa trong tu thế nằm ngửa. Đối tượng treo một thanh kim loại, nặng cỡ ba mươi lăm ki-lô, bên trên cổ anh ta. Nạn nhân đã phải giữ cho nó không nén xuống để khỏi bị vỡ họng.”

“Ba mươi lăm ki-lô? Được, xét về sức lực, tôi công nhận giới tính của đối tượng hẳn là nam.”

Thom bước vào phòng với cà phê và bánh nướng. Sellitto, mà trọng lượng cơ thể luôn luôn là một vấn đề, nhặt chiếc bánh hạnh nhân mặt phết kem và rắc lạc trước hết, chế độ ăn kiêng của ông ta được bỏ qua trong các dịp lễ. Ông ta chén xong nửa chiếc bánh, vừa lau miệng vừa tiếp tục. “Vậy, nạn nhân đã đỡ thanh kim loại lên. Có lẽ anh ta đã đỡ một lúc lâu, nhưng cuối cùng đành chịu.”

“Nạn nhân là ai?”

“Tên là Theodore Adams. Sống gần công viên Battery. Đêm hôm qua một phụ nữ gọi cho 911 nói rằng anh trai chị ta đáng lẽ đã đến ăn tối với em mình nhưng lại không thấy đâu. Đó là cái tên do chị ta cung cấp. Sáng nay cảnh sát khu vực sẽ gọi cho chị ta.”

Lincoln Rhyme thường không thấy những mô tả nhẹ nhàng là hữu ích. Tuy nhiên, anh thừa nhận từ nghiêm trọng phù hợp với tình hình này.

Cả từ hấp dẫn nữa. Rhyme hỏi: “Tại sao anh bảo cùng một kiểu gây án?”.

“Đối tượng để lại một danh thiếp ở cả hai hiện trường. Những chiếc đồng hồ treo tường.”

“Đang chạy?”

“Phải. Chiếc thứ nhất gần vũng máu trên cầu tàu. Chiếc còn lại bên cạnh đầu nạn nhân. Có vẻ như kẻ thực hiện muốn nạn nhân nhìn thấy đồng hồ. Và, tôi cho là, nghe thấy tiếng nó chạy.”

“Mô tả chúng xem nào. Những chiếc đồng hồ ấy.”

“Trông cổ lỗ. Tôi chỉ biết đến thế.”

“Không phải bom chứ?” Giờ đây – trong thời buổi của cái giai đoạn Hậu 11 tháng Chín này – mọi vật chứng kêu tích tắc thông thường đều được kiểm tra xem có phải là thiết bị phát nổ không.

“Không. Chúng sẽ không nổ đánh đùng đâu. Nhưng chúng sẽ được chuyển tới Rodman’s Neck[12] để kiểm tra các tác nhân sinh học hay hóa học. Có vẻ như cùng một kiểu đồng hồ. Lạ lùng và đáng sợ, một trong số các nhân viên Đơn vị Phản ứng nhanh nhận xét vậy. Một hình trăng trên mặt đồng hồ. Ồ, và phòng trường hợp chúng ta chậm hiểu, đối tượng để lại một lời ghi chú dưới mỗi chiếc đồng hồ. In ra từ máy vi tính. Không phải viết tay.”

“Lời ghi chú là…?”

Sellitto liếc nhìn xuống cuốn sổ, không dựa dẫm vào trí nhớ. Rhyme đánh giá cao điều này ở viên thám tử. Ông chẳng phải thuộc loại xuất sắc nhưng ông ta là loài chó bull[13], tiến hành mọi việc một cách từ từ và hoàn hảo. Ông ta đọc: “Vầng Trăng Lạnh tròn vành vạnh trên bầu trời, chiếu ánh sáng lên thi thể này dưới mặt đất, cho biết thời điểm cái chết đến và kết thúc cuộc hành trình bắt đầu từ khi chào đời”. Ông ta ngẩng nhìn Rhyme. “Nó được ký tên Thợ Đồng Hồ.”

“Chúng ta đã có hai nạn nhân và một chủ đề nguyệt cầu.” Thông thường, sự ám chỉ về thiên văn có nghĩa là sát thủ lập kế hoạch hành động nhiều lần. “Hắn sẽ còn có thêm nạn nhân.”

“Linc này, anh nghĩ tại sao tôi lại ở đây chứ?”

Rhyme liếc nhìn đoạn mở đầu bức thư gửi tờ Thời báo. Anh đóng chương trình soạn thảo văn bản lại. Bài luận về hai giai đoạn Trước và Sau sẽ phải đợi.

Chương 3

Một âm thanh khẽ khàng bên ngoài cửa sổ. Một tiếng lạo xạo của tuyết.

Amelia Sachs dừng cử động. Cô liếc nhìn ra khoảng sân sau yên tĩnh, trắng xóa. Cô không nhìn thấy ai cả.

Sachs đang ở cách thành phố nửa tiếng đồng hồ xe chạy về phía bắc, một mình trong ngôi nhà vùng ngoại ô theo kiểu kiến trúc Tudor cổ xưa im lìm tựa một nấm mồ. Một sự liên tưởng phù hợp, cô nghĩ, vì chủ ngôi nhà này chẳng còn tồn tại nơi thế giới những người sống nữa.

Lại âm thanh đó. Sachs là một cô gái thành phố, quen với những tiếng động hỗn tạp của thị thành – vừa đầy đe dọa vừa dễ chịu. Sự xâm phạm vào cái yên tĩnh quá mức ở vùng ngoại ô này khiến cô bối rối.

Có phải do một bước chân không?

Nữ thám tử có vóc người cao, mái tóc đỏ, mặc chiếc quần bò màu đen, chiếc áo khoác da ngắn máu đen và áo len màu xanh lính thủy. Cô thận trọng lắng nghe một lát, lơ đễnh gãi đầu. Cô nghe được một tiếng lạo xạo nữa. Kéo khóa chiếc áo khoác xuống để có thể dễ dàng rút khẩu Glock. Thu mình. Cô nhìn nhanh ra bên ngoài. Không nhìn thấy gì cả.

Và quay lại với nhiệm vụ. Sachs ngồi xuống chiếc ghế dựa kiểu văn phòng bằng da sang trọng, bắt đầu lục soát chiếc bàn làm việc khổng lồ. Đây là một nhiệm vụ đáng nản, vì vấn đề là cô không biết chính xác cô đang tìm kiếm cái gì. Thực tế, khó có thể gọi nơi này là hiện trường vụ án. Không có khả năng thủ phạm từng tới đây, không thi thể nào được phát hiện ra ở đây, không chút tài sản ăn cướp nào được cất giấu. Nó đơn giản là ngôi nhà hầu như bỏ không của người đàn ông mang tên Benjamin Creeley, người đã chết cách đó hàng dặm và cả một tuần lễ trước khi chết đã không có mặt tại ngôi nhà này.

Nhưng cô vẫn phải lục soát, và lục soát rất kỹ lưỡng – bởi Amelia Sachs không tới đây trong vai trò cô hay đảm nhận: cảnh sát khám nghiệm hiện trường. Cô đang là thám tử chính điều tra vụ án mạng đầu tiên của mình.

Thêm một tiếng động nữa bên ngoài. Băng tuyết, cành cây, nai, sóc… Sachs lờ đi và tiếp tục cuộc lục soát đã bắt đầu từ vài tuần trước, tất cả là vì một nút thắt trên một đoạn dây vải bông.

Đoạn dây phơi dài chừng ấy đã kết thúc cuộc đời Ben Creeley, năm mươi sáu tuổi. Ông ta được phát hiện ra trong tình trạng treo lủng lẳng từ lan can ban công ngôi nhà của ông ta ở khu Upper East Side[14]. Một bức thư tuyệt mệnh nằm trên bàn, không có dấu hiệu là hiện trường giả.

Tuy vậy, ngay sau cái chết của người đàn ông này, Suzanne Creeley, bà quả phụ, đã đến Sở Cảnh sát New York. Đơn giản là bà ta không tin chồng mình tự tử. Đúng, viên kế toán kiêm doanh nhân giàu có gần đây tính khí thất thường. Nhưng bà ta cho rằng chỉ vì ông ta làm việc quá nhiều với mấy dự án đặc biệt khó khăn mà thôi. Tâm trạng ủ rũ thi thoảng xuất hiện của ông ta rất khác chứng trầm cảm dẫn tới ý muốn tự tử. Ông ta không có tiền sử về sức khỏa tâm thần hoặc các vấn đề tình cảm, và không sử dụng thuốc chống suy nhược thần kinh. Tình hình tài chính của Creeley vững chắc. Không có những thay đổi mới về di chúc hay hợp đồng bảo hiểm của ông ta. Đối tác của ông ta, Jordon Kessler, đang đi làm việc với một khách hàng ở Pennsylvania. Tuy nhiên, Kessler và Sachs đã có trao đổi ngắn gọn và ông ta khẳng định trong giai đoạn gần đây, mặc dù Creeley dường như chán nản thì, ông ta tin chắc, người bạn làm ăn của ông ta cũng không hề đả động tới ý muốn tự tử.

Sachs thường xuyên được chỉ định giúp đỡ Lincoln Rhyme trong công việc điều tra hiện trường, nhưng cô không muốn chỉ thực hiện cái công việc khám nghiệm đơn thuần ấy. Cô đã vận động bộ phận Các vụ trọng án để giành một cơ hội trở thành thám tử chính điều tra một vụ án mạng hoặc một vụ khủng bố. Ai đó tại Tòa nhà Lớn đã quyết định rằng cái chết của Creeley chắc chắn cần điều tra thêm và giao cho cô. Tuy vậy, bên cạnh sự nhất trí ý kiến là Creeley không tự tử, đầu tiên Sachs chẳng thể tìm thấy chứng cứ nào của hiện trường giả. Nhưng rồi cô đã có một phát hiện. Nhân viên khám nghiệm y tế báo cáo là Creeley khi chết bị gãy một ngón tay cái, toàn bộ bàn tay phải bị bó bột.

Điều này khiến Creeley không thắt được nút thòng lọng treo cổ, cũng không buộc được sợi dây vào lan can ban công.

Sachs biết thế vì cô đã thử hàng chục lần. Không sử dụng ngón tay cái thì không thực hiện được. Có thể Creeley chuẩn bị nó trước tai nạn xe đạp, một tuần trước khi chết, nhưng lẽ nào người ta lại thắt sẵn một nút thòng lọng treo cổ, để đấy và chờ đợi một ngày nào đó tự kết liễu cuộc đời mình.

Sachs quyết định tuyên bố là cái chết đáng ngờ và mở một hồ sơ vụ án mạng.

Tuy nhiên vụ án tiến triển theo chiều hướng khó khăn. Quy luật đối với vụ án mạng là hoặc chúng được giải quyết trong hai mươi tư tiếng đầu tiên hoặc sẽ mất hàng tháng mới có thể đóng hồ sơ lại. Chứng cứ quá ít ỏi (chai rượu ông ta uống trước khi chết, bức thư tuyệt mệnh và sợi dây) không mang lại điều gì. Không nhân chứng. Báo cáo của Sở Cảnh sát New York chỉ vỏn vẹn nửa trang giấy. Viên thám tử lúc trước đảm nhận vụ này hầu như không dành chút thời gian nào để điều tra, phong cách điển hình cho các trường hợp tự tử, và không cung cấp thêm cho Sachs thông tin gì.

Chẳng còn dấu vết để lần theo bất cứ đối tượng nào ở thành phố, nơi Creeley từng làm việc và nơi gia đình ông ta sống phần lớn thời gian. Tất cả những việc còn làm được ở Manhattan là thẩm vấn sâu hơn Kessler, đối tác của người đã chết. Lúc này, Sachs đang khám xét một trong số quá ít ỏi các nguồn manh mối còn lại: ngôi nhà vùng ngoại ô của gia đình Creeley, nơi gia đình họ thảng hoặc mới đến sống.

Nhưng Sachs không tìm thấy gì. Cô ngồi ngả người trên ghế, đăm đăm nhìn tấm ảnh mới chụp Creeley bắt tay một người trông có vẻ là doanh nhân. Họ đứng trên đường băng sân bay, phía trước là chiếc máy bay riêng của một công ty nào đấy. Mờ mờ đằng sau là những giàn khoan và ống dẫn dầu. Ông ta đang mỉm cười. Ông ta trông không có vẻ gì là chán nản – nhưng liệu có ai trông chán nản khi chụp ảnh nhỉ?

Đúng lúc ấy có một tiếng lạo xạo nữa, rất gần, bên ngoài ô cửa sổ đằng sau Sachs. Rồi một tiếng lạo xạo nữa, thậm chí gần hơn.

Đó không phải là sóc.

Khẩu Glock được rút ra, một viên đạn tròn chín ly sáng bóng nằm trong ổ và bên dưới nó còn mười ba viên. Sachs lặng lẽ bước ra ngoài qua cửa chính, đi vòng sang hông ngôi nhà. Cô cầm súng bằng cả hai tay, nhưng áp sát mạng sườn (không bao giờ giơ súng ra phía trước khi đi vòng qua một góc tường vì súng có thể bị đánh bay từ phía bên cạnh, các vị đạo diễn phim ảnh luôn luôn thể hiện sai cảnh này). Một cái nhìn nhanh. Hông nhà không có bóng dáng ai. Thế là cô di chuyển về đằng sau nhà, thận trọng đặt từng bước chân trong đôi giày cao cổ màu đen lên lối đi bộ phủ băng dày.

Dùng một chút, lắng nghe.

Phải, dứt khoát đó là những bước chân. Người nào đó đang di chuyển một cách ngập ngừng, có lẽ về phía cửa hậu.

Sẵn sàng, Sachs tự nhủ.

Cô thận trọng lần về góc tường phía sau của ngôi nhà.

Đúng lúc ấy chân cô trượt khỏi một mảng băng. Cô buột một hơi thở dốc yếu ớt, bất tụ giác. Cô nghĩ khó mà nghe thấy được.

Nhưng nó đủ to đối với kẻ đột nhập.

Sachs nghe thấy tiếng chân bỏ chạy nện trên sân sau, sục vào tuyết kêu lạo xạo.

Chết tiệt…

Thu mình lại – phòng trường hợp đó là động tác giả kéo mình lại gần mục tiêu, cô quan sát xung quanh góc tường và nâng nhanh khẩu Glock lên. Cô nhìn thấy một người đàn ông cao lêu khêu mặc quần bò và áo khoác dày sụ đang guồng chân hết tốc lực trong tuyết.

Rõ khỉ… Thật đáng ghét khi có kẻ bỏ chạy. Sachs vốn phải chịu thua chiều cao và các khớp xương tồi tệ của mình – tức chứng viêm khớp – và sự kết hợp này khiến việc chạy là cả một nỗi khốn khổ.

“Cảnh sát đây. Dừng lại!” Sachs cũng bắt đầu guồng chân đuổi theo người đàn ông.

Sachs phải đuổi theo một mình. Cô không hề thông báo với Cơ quan Cảnh sát hạt Westchester rằng cô đang ở đây. Nếu cần hỗ trợ cô sẽ gọi 911 nhưng cô đã chẳng kịp gọi.

“Tôi yêu cầu lần cuối cùng. Dừng lại!”

Không một lời đáp.

Họ đuổi nhau qua khoảng sân rộng rồi vào khu rừng đằng sau ngôi nhà. Thở mạnh, cơn đau phía dưới các xương sườn phụ họa với cảm giác buốt nhói nơi đầu gối, Sachs cố gắng chạy nhanh hết mức có thể nhưng người đàn ông vẫn đang vượt lên bỏ xa cô.

Như cứt, mình sẽ tuột mất hắn.

Nhưng thiên nhiên đã can thiệp.  Một cành cây trồi lên khỏi tuyết vướng vào giày của anh ta và làm anh ta ngã dúi dụi, thốt lên một tiếng kêu to đến nỗi Sachs nghe thấy từ cách đó hơn mười mét. Cô chạy tới, hít một hơi dài, gí khẩu Glock vào cổ anh ta. Anh ta thôi không quằn quại nữa.

“Đừng làm tôi đau! Xin cô!”

“Suỵt.”

Còng tay được rút ra.

“Đưa tay ra đằng sau.”

Anh ta hé nhìn. “Nhưng tôi chẳng làm gì cả!”

“Tay.”

Anh ta đành đưa tay ra theo yêu cầu, tuy nhiên bằng một động tác vụng về khiến Sachs thấy là anh ta chưa bao giờ bị cảnh sát tóm. Anh ta trẻ hơn lúc trước cô tưởng – một thiếu niên, mặt lấm tấm trứng cá.

“Đừng làm tôi đau, xin cô!”

Sachs lấy lại hơi thở và khám xét cậu ta. Không chứng minh thư, không vũ khí, không ma túy. Tiền và một bộ chìa khóa.

“Tên cậu là gì?”

“Greg.”

“Họ?”

Một chút chần chừ.

“Witherspoon.”

“Cậu sống gần đây à?”

Cậu ta lấy hơi, gật đầu xác nhận.

“Ngôi nhà đằng kia, ngay bên cạnh ngôi nhà của gia đình Creeley.”

“Cậu bao nhiêu tuổi?”

“Mười sáu.”

“Tại sao cậu bỏ chạy?”

“Tôi không biết. Tôi sợ.”

“Cậu không nghe thấy tôi bảo tôi là cảnh sát à?”

“Có, nhưng cô trông không giống một cảnh sát… một nữ cảnh sát. Cô thực sự là cảnh sát à?”

Sachs cho cậu ta xem thẻ. “Cậu đang làm gì tại ngôi nhà đó?”

“Tôi sống ngay bên cạnh.”

“Cậu đã nói điều này rồi. Cậu đang làm gì lúc ấy?” Sachs lôi cậu ta ngồi dậy. Trông cậu ta có vẻ rất khiếp sợ.

“Tôi nhìn thấy ai đó ở trong nhà. Tôi tưởng là bà Creeley hoặc có thể một người nào đấy trong gia đình hoặc đại loại vậy. Tôi chỉ muốn nói với họ chuyện này. Rồi thì tôi nhìn vào và thấy cô mang súng. Tôi hoảng sợ. Tôi nghĩ cô đi cùng bọn họ.”

“Ai là bọn họ?”

“Những người đàn ông đã đột nhập vào nhà. Đó là chuyện tôi định nói với bà Creeley.”

“Đột nhập?”

“Tôi nhìn thấy hai người đàn ông đột nhập vào nhà. Vài tuần trước. Khoảng dịp lễ Tạ ơn.”

“Cậu có gọi cảnh sát không?”

“Không. Tôi nghĩ đáng lẽ tôi đã phải gọi. Nhưng tôi lại chẳng muốn dính líu tới. Bọn họ trông hung bạo.”

“Hãy cho tôi biết đã xảy ra chuyện gì.”

“Tôi đang đứng bên ngoài, trên sân sau của nhà tôi, và tôi nhìn thấy bọn họ đi đến chỗ cửa hậu, ngó nghiêng xung quanh rồi nói chung, cô biết đấy, bẻ khóa và vào bên trong.”

“Da đen hay da trắng?”

“Tôi nghĩ là da trắng. Nhưng tôi không ở gần. Tôi không thể nhìn thấy mặt bọn họ. Bọn họ, cô biết đấy, chắc chắn là đàn ông. Quần bò và áo khoác ngắn. Một người to lớn hơn người kia.”

“Màu tóc của bọn họ?”

“Tôi không biết.”

“Bọn họ ở bên trong bao lâu?”

“Tôi nghĩ là một tiếng.”

“Cậu nhìn thấy xe của bọn họ chứ?”

“Không.”

“Bọn họ có lấy cái gì không?”

“Có. Một máy stereo, một ti vi, đĩa CD. Một vài trò chơi, tôi nghĩ thế. Tôi đứng dậy được chứ?”

Sachs kéo cậu ta dậy và dẫn cậu ta đi về phía ngôi nhà. Cô để ý thấy cửa hậu đã bị nạy. Cũng là một việc khá dễ dàng.

Sachs nhìn xung quanh. Chiếc ti vi màn hình lớn vẫn còn trong phòng khách. Rất nhiều đồ sứ đẹp đẽ trong tủ đựng cốc chén bát đĩa. Các thứ đồ bạc cũng ở đó. Và là bạc thật. Vụ trộm không có nghĩa gì. Phải chăng chúng lấy đi dăm ba món đồ để che giấu một cái khác?

Sachs xem xét tầng trệt. Ngôi nhà sạch bong, trừ lò sưởi. Nó là kiểu lò sưởi ga, nhưng bên trong rất nhiều tàn tro. Với bộ phận châm lửa bằng ga, không cần thiết phải sử dụng giấy hay đóm. Phải chăng bọn trộm đã đốt cái gì?

Không động vào bất cứ thứ gì, Sachs chiếu đèn pin lên các đồ vật.

“Cậu có để ý thấy những kẻ đó đốt lửa khi ở đây không?”

“Tôi không biết. Có thể.”

Cũng có những vệt bùn phía trước lò sưởi. Sachs mang theo các thiết bị khám nghiệm hiện trường căn bản trong cốp xe. Cô sẽ lấy dấu vết xung quanh lò sưởi và bàn làm việc, thu chỗ tàn tro, bùn và bất cứ vật chứng nào có thể hữu ích.

Đúng lúc ấy điện thoại di động của cô rung lên. Cô liếc nhìn màn hình. Một tin nhắn khẩn từ Lincoln Rhyme. Cô được yêu cầu trở về càng sớm càng tốt. Cô nhắn tin thông báo đã nhận tin.

Cái gì đã bị đốt? Sachs tự nhủ, nhìn chằm chằm vào lò sưởi.

“Vậy…”, Greg nói. “Bây giờ tôi đi được chưa?”

Sachs nhìn cậu ta vẻ dò xét.

“Tôi không biết cậu có ý thức được việc này không. Nhưng sau bất cứ cái chết nào, cảnh sát cũng tiến hành kiểm kê toàn bộ các đồ vật trong ngôi nhà vào ngày mà chủ nhà qua đời.”

“Thì sao ạ?” Greg nhìn xuống.

“Một tiếng nữa tôi sẽ gọi cho Cơ quan Cảnh sát hạt Westchester và đề nghị họ đối chiếu danh sách kiểm kê với các đồ vật hiện có ở đây. Nếu thiếu bất cứ thứ gì họ sẽ gọi cho tôi, tôi sẽ đưa cho họ tên cậu và gọi cho cha mẹ cậu.”

“Nhưng…”

“Những kẻ đó đã không lấy gì cả, phải không? Sau khi bọn họ đi khỏi, cậu vào bên trong qua cửa hậu và tự tiện lấy… những gì?”

“Tôi chỉ mượn tạm vài thứ. Từ phòng Todd.”

“Con trai ông Creeley à?”

“Vâng. Và một trong những cái đĩa Nintendo là của tôi. Nó đã không trả lại.”

“Còn hai kẻ kia? Bọn họ có lấy gì không?”

Một chút ngập ngừng. “Có vẻ là không.”

Sachs tháo còng tay. Cô nói: “Từ nay tới lúc ấy, cậu mang tất cả trả lại đây. Bỏ vào ga ra nhé. Tôi sẽ để cửa mở.”

“Ồ, vâng. Tôi xin hứa”, Greg đáp không kịp thở. “Dứt khoát thế… Có điều…” Cậu ta bắt đầu khóc. “Có điều tôi đã ăn mất ít bánh ngọt. Bánh cất trong tủ lạnh. Tôi không… Tôi sẽ mua đền.”

Sachs nói: “Họ không kiểm kê thực phẩm.”

“Không à?”

“Chỉ cần mang tất cả các thứ khác trả lại đây.”

“Tôi xin hứa. Thật đấy.” Greg dùng ống tay áo lau mặt.

Cậu ta bắt đầu bước đi. Sachs hỏi: “Còn điều này. Khi cậu nghe nói ông Creeley tự tử, cậu có ngạc nhiên không?”.

“Ôi, có.”

“Tại sao?”

Cậu bé bật cười.

“Ông ta có một chiếc 740. Tôi muốn nói chiếc xe dài ấy. Ai lại tự tử khi có một chiếc BMW, phải không?”


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button