Văn học nước ngoài

Tôi Là Thầy Tướng Số Tập 1

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Dịch Chi

Download sách Tôi Là Thầy Tướng Số Tập 1 ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : VĂN HỌC NƯỚC NGOÀI

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

LỜI MỞ ĐẦU

Bạn từng đi xem bói bao giờ chưa? Bạn có bao giờ cảm thấy mình bị lừa không?

Thầy tướng số ‒ đấy là một đám người ít khi được người ta biết đến, nhưng lại có thể xuất hiện bên cạnh bạn bất cứ lúc nào. Bọn họ có thể không phải là người xem tướng số vận mệnh thật sự, càng không phải người nghiên cứu về Chu Dịch, nhưng lại tự phong cho mình là “thầy tướng số”. Họ giỏi khua môi múa mép, đặt bẫy lừa đảo, thường hành động một mình hoặc dăm ba người lập thành một nhóm. Họ bày đồ nghề ven đường, lê la quán xá, thậm chí đến tận cửa nhà bạn tự “tiến cử”… Thưa các bạn, những “thầy tướng số” ấy có mối liên hệ chằng chéo với đám người của phái Giang Tướng mà chúng tôi sắp sửa giới thiệu dưới đây.

Phái Giang Tướng là một tổ chức đặc biệt chuyên giở chiêu bài xem tướng số để lừa lấy tiền bạc của cải người khác. Họ tồn tại đến gần 300 năm trong lịch sử Trung Quốc: ra đời và phát triển vào những năm Khang Hy, Ung Chính nhà Thanh, hưng thịnh vào thời mạt Thanh và Dân quốc, bị giải tán sau cuộc kháng chiến và đi đến chỗ diệt vong trong thời kỳ kiến quốc. Sau khi đất nước đổi mới, phái Giang Tướng đã tan rã triệt để và đi đến diệt vong trong phong trào dẹp bỏ các hội đạo môn. Phái Giang Tướng từng phát triển đến mức cực thịnh, dù sau này nó bị tiêu diệt nhưng hàng nghìn, hàng vạn tín đồ rải khắp cả nước vẫn truyền bá sâu rộng thuật lừa đảo này. Ngày nay, tại một vài xó xỉnh nào đó trong xã hội, một vài thầy xem tướng vẫn tiếp tục “kế thừa” phong cách phái Giang Tướng, tiếp tục đi lừa đảo. Bọn họ ít nhiều từng chịu ảnh hưởng và có thể gọi là tàn dư của phái Giang Tướng.

Một vài nhà sử học từng thử tìm hiểu về phái Giang Tướng, bởi thiếu nguồn tư liệu nên họ cũng không thu được kết quả gì. Sách quý của phái Giang Tướng chỉ được truyền khẩu, hành tung của phái vô cùng kín đáo, bí mật. Bọn họ khoác lên mình tấm áo lộng lẫy của một bậc “thầy xem tướng số”, rồi mặc sức triển khai thuật lừa đảo. Ngay cả những người cao sang, quan lại đến dân chúng bình thường mãi tận những vùng thôn quê… cũng đều không thoát khỏi thiên la địa võng của chúng. Nhưng chí ít cũng vẫn có người biết rõ chúng.

Người ta truyền tai nhau rằng phái Giang Tướng giở thần giở quỷ, vơ vét của cải, lừa tình, táng tận lương tâm, không có tội ác nào là không dám làm. Vậy rốt cuộc cuộc sống thực sự của họ như thế nào? Bọn họ đã ra tay lừa đảo ra sao? Chúng thực sự đều không có tính người thật sao?

Một cụ già sinh năm 1928 ‒ truyền nhân của phái Giang Tướng, gia nhập môn phái năm 1948. Ông cụ giờ đã 82 tuổi, là cậu của tác giả cuốn sách này ‒ và cũng chính là tôi.

Những câu chuyện truyền kỳ về những bóng ma cô độc, những cuộc đấu đá một mất một còn, những âm mưu vì thứ lợi ích làm mê muội tâm can đều để lại cho tôi ấn tượng vô cùng mạnh mẽ. Dần dà, tôi phát hiện phái Giang Tướng đã trở thành một hệ thống, tuy tội ác chồng chất, nhưng nó cũng có nguyên tắc của riêng mình, chẳng hạn:

  1. Chỉ lừa người ác, không lừa người tốt. Tuân theo nguyên tắc: Lấy ác trị ác.
  2. Tận hưởng niềm vui trước mắt, tiền kiếm được phải tiêu hết ngay. Quan niệm: Tiền của lấy từ trong giang hồ, phải tán đi trong giang hồ, không tán ắt có tai họa.
  3. Cấm kỵ lừa gạt tình cảm, cướp đoạt vợ người khác. Quan niệm: Tôn trọng luân thường đạo lý.
  4. Không gây chia rẽ, bất hòa tình cảm ruột thịt. Thấm nhuần luân lý đạo đức phong kiến: Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại (Trong ba tội bất hiếu, không có con nối dõi, lo việc hương hỏa là đại bất hiếu), nên họ chưa từng buôn bán hay làm hại đến con cái người ta.

Tôi đã hỏi và xin phép ông để công bố câu chuyện này cho mọi người được biết. Đối với bản thân ông ‒ đó là sự kết thúc, đối với người đời ‒ nó là lời cảnh báo. Dựa trên những câu chuyện của ông, tôi đã chỉnh lý lại những trang sử thần bí của phái Giang Tướng. Tôi coi những tư liệu đầu tay bắt nguồn trực tiếp từ truyền nhân chính tông là cơ sở nền tảng, đem phác họa, tái hiện lại dòng lịch sử của phái Giang Tướng, viết lên bộ tiểu thuyết đồ sộ có tính chất tường thuật này.

Nhân vật “tôi” ở ngôi thứ nhất trong bộ truyện này đại diện cho ông cậu tôi. Trọng điểm của bộ truyện là kể về giai đoạn lịch sử từ năm Dân Quốc đầu tiên cho đến những năm 1950 của thế kỷ 20 sau khi đất nước Trung Quốc mới được thành lập. Độc giả sẽ hiểu và biết được thuật lừa đảo vô cùng “tài tình, vẻ vang”; kỹ xảo và thủ pháp Trát phi vô địch trong giới quỷ thần; ma thuật Lỗ Ban Môn gian trá, khó hiểu… mà phái Giang Tướng đã dày công tôi luyện. Điều quan trọng nhất của câu chuyện chính là sau khi độc giả “lĩnh hội” được những thủ đoạn lừa đảo tinh vi này, sẽ không còn bị lừa gạt nữa!

ĐỌC THỬ

Chương 1. TƯỚNG SỐ – MỘT NGHỀ CỔ XƯA

Khẩu quyết tướng số bí truyền

Tham giả tất bần, quân tử dĩ vi đại giới, Phật môn diệc vi ngũ giới chi thủ, cố tố “A Bảo”, cữu bất tại “tướng”, nhi tại “nhất”.(1)

— A Bảo Thiên —

Câu nói này trích từ thiên A Bảo trong cuốn Mật quyết giang hồ, nghĩa là bản chất con người vốn tham lam, tham lam ắt phạm vào đại Ngũ giới(2), do đó kẻ tham lam tất sẽ bần tiện, nên làm A Bảo là để đi lừa những kẻ tham lam đó, điều này không hề sai. Nói cách khác chính là đáng đời bọn chúng!

A Bảo là một từ tiếng lóng, nghĩa đầy đủ là kẻ dựa vào tướng số để đi lừa bịp. Tướng chỉ kẻ đi lừa bịp. Nhất chỉ người bị lừa.

Năm 1948, tôi tròn 20 tuổi, vì kế sinh nhai mà phải đi theo Tổ Gia. Tổ Gia là ông trùm lừa đảo, một kẻ lão luyện giang hồ, thủ đoạn tàn độc, người nào muốn bước vào địa bàn của ông ta, đều phải bái ông ta làm thầy, nếu không sẽ bị “cắt cổ” (giết). Giống như băng nhóm xã hội đen thời nay vậy.

Đi theo Tổ Gia sẽ được ô dù bảo vệ, nhưng tiền kiếm được phải giao nộp tất cả, không được bớt xén dù chỉ một đồng, sau đó trích phần trăm lại bao nhiêu, hoàn toàn do Tổ Gia quyết định. Đối với kẻ nào ỉm đi, Tổ Gia tất có cách trừng phạt riêng, nếu không ông không phải là Tổ Gia nữa. Tâm lý chiến của ông vô cùng lợi hại, hơn nữa còn phái người “kết thòng lọng” (giám sát), chỉ cần phát hiện kẻ nào đó ỉm tiền đi, lập tức chặt một ngón tay, tái diễn lần thứ hai sẽ “cắt cổ”.

Một khi đã bước vào nghề này rồi sẽ không bao giờ rút chân ra được, vì anh biết quá nhiều, nên anh chỉ có hai con đường hoặc là tiếp tục, hoặc là bị “cắt cổ”.

Thông thường không kẻ nào bước chân vào rồi lại muốn rút ra cả, vì thu nhập của nghề này rất cao, không bao giờ gặp mùa thất bát.

Đi theo Tổ Gia, trước tiên phải học âm dương Ngũ hành. Đây gọi là xây nền móng, tức muốn lừa đảo được, tất phải có một chút nền tảng, bằng không nếu sa chân, uy tín của Tổ Gia cũng sẽ bị ảnh hưởng. Kiến thức cơ bản được đào tạo trong vòng một tháng, trước tiên học Anh Diệu, tức tâm lý học trong thuật lừa đảo. Khẩu quyết trọng tâm của Anh Diệu đến nay tôi vẫn nhớ rõ mồn một:

Nhập môn quan lai ý, xuất ngôn mạc trù trừ;

Thiên lai vấn truy dục truy quý, truy lai vấn thiên vi thiên ưu;

Bát vấn thất, hỷ giả dục bằng thất quý, oán giả thực vi thất sầu;

Thất vấn bát, phi bát hữu sự, tất nhiên tử tức gian nan;

Sĩ tử vấn tiền đồ, sinh tôn vi cận cổ;

Điệp điệp vấn thử sự, định nhiên thử sự khuyết;

Tần tần vấn nguyên nhân, kỳ trung định hữu nhân;

Tăng đạo tòng thanh cao, bất vong lợi dục;

Miếu lang đạt sĩ, chí tại sơn lâm;

Nhất ca yêu ngận đao, nhị ca yêu phao đao, tam táo yêu khiêu tảo.

Đây đều là tiếng lóng, tôi sẽ giải nghĩa từng từ, từng câu một.

Câu thứ nhất: Nhập môn quan lai ý, xuất ngôn mạc trù trừ.

Ý là khi có người đến xem tướng số cho chính mình, hoặc giả xem cho người khác, ta không nên nói gì, phải nghe họ trình bày trước đã, họ nói càng nhiều, sẽ càng để lộ ra nhiều thông tin quý báu. Khi đó ta phải nắm đúng thời cơ, đột nhiên phán một câu lạnh lùng, đánh đúng chỗ hiểm. Nhất thiết không được chần chừ ngập ngừng, chớ úp mở không rõ ràng, nếu không đối phương sẽ cho rằng trình độ của ta còn non kém. Vậy làm thế nào để bắt được chỗ hiểm, hãy nghiền ngẫm kỹ những câu tiếp theo dưới đây.

Câu thứ hai: Thiên lai vấn truy dục truy quý, truy lai vấn thiên vi thiên ưu.

Thiên chỉ người cha, truy chỉ người con. Câu này nghĩa là: chỉ cần cha đến xem tướng số cho con, về cơ bản đều muốn biết tiền đồ của con cái mình thế nào, sau này có thể phát phú phát quý không. Phàm là bậc làm cha mẹ trong thiên hạ, ai mà chẳng hy vọng con cái thành tài, trai thành rồng, gái thành phượng, cho dù bản thân mình chỉ là con gà trụi lông. Dạng người này đến xem tướng số, một khi đã hỏi đến những vấn đề đó, hầu hết con trai hoặc con gái họ đều không có chí tiến thủ, hoặc không hề có một chút biểu hiện gì của phú quý, hoặc ngỗ ngược càn quấy. Cứ bám theo mạch này để phán đoán, đảm bảo không bao giờ sai. Nửa câu sau chính là nói hễ con cái xem tướng số cho cha mẹ, chắc chắn cha hoặc mẹ của họ sức khỏe không tốt, hoặc đang bệnh nặng, hoặc sắp quy tiên. Ngoài những điều đó ra, con cái chẳng còn vấn đề gì để hỏi liên quan đến cha mẹ mình cả. Do đó ta cứ trực tiếp phán đoán cha hoặc mẹ của họ sức khỏe có vấn đề, khẳng định không đúng không lấy tiền.

Câu thứ ba: Bát vấn thất, hỷ giả dục bằng thất quý, oán giả thực vi thất sầu.

Bát là chỉ người vợ, thất là chỉ người chồng, tức chỉ cần là vợ đến xem tiền đồ và vận thế cho chồng. Nếu người phụ nữ đến với niềm hân hoan vui mừng hiện rõ trên từng cử chỉ nét mặt, điều này chứng tỏ người chồng thời gian gần đây có thể sắp có vận quan chức hoặc vận tài lộc. Tóm lại là việc tốt. Chỉ có điều, việc tốt vẫn chưa đến, hoặc mới chỉ manh nha nảy mầm, người này thường mang tâm lý đón đầu, muốn đến xem một quẻ bói trước. Vậy ta có thể trực tiếp phán đoán rằng chồng của bà (cô) ta có phúc có lộc, sắp hành đại vận đến nơi rồi. Khỏi cần quan tâm kết quả ra sao, khi đó các bà các cô chắc chắn sẽ chớp chớp đôi mắt, mỉm cười như một chú nai ngơ ngác, vung tay thưởng hậu hĩnh cho thầy tướng số. Ngược lại, nếu người phụ nữ này đến với gương mặt lo âu, phiền muộn, chắc chắn chồng của họ gần đây hành vận kém, gặp nhiều điều xui xẻo, hoặc sắp bị mất chức, hoặc sắp phá sản, hoặc tình cảm vợ chồng bất hòa, thậm chí sắp bỏ rơi họ thì ta có thể lập tức phán đoán theo hướng hung họa, chắc chắn sẽ trúng đến tám chín phần. Sau đó đánh mạnh vào tâm lý của họ, phán rằng nếu không giải hạn, sớm muộn gì hung họa sẽ ngày càng nặng, thậm chí còn liên quan đến tính mạng. Lúc này họ sẽ ngoan ngoãn móc tiền ra. Ta lừa họ, mà họ còn vái lạy tạ ơn ta rối rít.

Câu thứ tư: Thất vấn bát, phi bát hữu sự, tất nhiên tử tức gian nan.

Câu này nghĩa là chỉ cần chồng đến xem tướng số cho vợ thì có hai khả năng xảy ra, hoặc đang nghi ngờ vợ không chung thủy, cắm sừng lên đầu mình, hoặc vợ chưa sinh được con. Ngoài những vấn đề này, chồng tuyệt đối không bao giờ đi xem tướng số cho vợ.

Câu thứ năm: Sĩ tử vấn tiền đồ, sinh tôn vi cận cổ.

Trong câu này có hai từ tiếng lóng, một là sinh tôn tức chỉ nhà buôn, người có tiền; cận chỉ còn sống, cổ chỉ đã chết. Sĩ tử là người đọc sách, sĩ tử đến chắc chắn hỏi về tiền đồ, có thể đỗ đạt cao, làm quan hay không, có thể làm rạng danh tổ tiên hay không. Kẻ lắm tiền nhiều của đến xem bói, chắc chắn để hỏi bản thân mình thọ đến năm bao nhiêu tuổi, hoặc hỏi về đường đời có tai họa, gập ghềnh gì không, vì họ là người không thiếu tiền, điều lo sợ duy nhất đó là không trường thọ. Nắm bắt được tâm lý này, tất cả đều trở nên vô cùng dễ dàng.

Câu thứ sáu: Điệp điệp vấn thử sự, định nhiên thử sự khuyết; tần tần vấn nguyên nhân, kỳ trung định hữu nhân.

Lẽ thông thường khi ai đó hỏi đi hỏi lại một sự việc, nhất định việc đó không hề tốt đẹp, không được như ý và là căn nguyên của sự việc mà họ đang lo lắng. Ở đây không có nghĩa là ta bói quá chuẩn, mà là do họ đã tự tiết lộ quá nhiều.

Câu thứ bảy: Tăng đạo tòng thanh cao, bất vong lợi dục.

Người xuất gia chân chính không bao giờ đi xem tướng số. Nếu một vị xuất gia đạo mạo trang nghiêm đến xem bói, chứng tỏ chưa dứt tâm phàm. Người này không hỏi về lợi lộc, tất sẽ hỏi về dục vọng ham muốn. Vậy thì ta cứ tâng bốc về danh lợi, về tham tâm, họ sẽ vô cùng vui sướng.

Câu thứ tám: Miếu lang đạt sĩ, trí tại sơn lâm.

Miếu lang đạt sĩ chỉ người làm quan, kẻ càng quyền cao chức trọng thì dã tâm càng lớn, càng hám lợi. Vậy thì ta cứ tán dương về công danh lợi lộc, họ càng vui mừng bao nhiêu, càng vung tay mạnh bấy nhiêu.

Câu thứ chín: Nhất ca yêu ngận đao, nhị ca yêu phao đao, tam táo yêu khiêu tảo.

Đây lại là tiếng lóng. Nhất ca chỉ kẻ khờ khạo dễ bị dắt mũi, tin tưởng tuyệt đối khi ta tuôn châu nhả ngọc, lúc này cứ rút đao mà chặt chém, chặt chém đến mức độ như Tổ Gia nói: “Đừng để họ khuynh gia bại sản là được.” Nhị ca chỉ kẻ nghi ngờ lời phán của ta, hoặc cho rằng ta bói không chính xác. Lúc này ta chớ nên hiếu chiến, tuyệt đối không được tham lam, không lấy tiền dù chỉ một đồng! Tam táo chính là chỉ người cố ý bới lông tìm vết, vạch lá tìm sâu, vừa đặt mông xuống đã soi mói bới móc. Gặp tình huống này, ba sáu chước chuồn là thượng sách. Những việc còn lại Tổ Gia sẽ ra tay giải quyết.

Nói đến đây, chắc hẳn bạn sẽ nghĩ Tổ Gia là nhân vật vô cùng ghê gớm. Đúng vậy! Ông là người đặc biệt hào hoa, kinh luân một bụng, tướng mạo đường đường, nét mặt hiền hòa. Nếu không hiểu ông, bạn sẽ không bao giờ nghĩ rằng ông là một trùm lừa đảo, một kẻ chuyên đưa hối lộ, một tên giết người không gớm tay.

Tổ Gia không phải là người dễ nổi giận, chỉ có bọn “đệ tử” chân tay vụng về lóng ngóng, bản lĩnh kém cỏi mới khiến ông tức giận. Nhưng không có kiểu đánh đập, chửi mắng như bạn nghĩ, ông chỉ cần sầm nét mặt cũng đã đủ khiến cho kẻ không may nào đó sợ chết khiếp.

Tôi chứng kiến lần tức giận đáng sợ nhất của Tổ Gia là vào năm thứ hai, sau khi bước chân vào nghề tướng số, có mấy tên Bá đầu muốn bò lên đòi hưởng hương. Bá đầu là quản lý cấp hai dưới trướng Tổ Gia, “hưởng hương” tức là tạo phản. Khi đó Tổ Gia đã nổi trận lôi đình, tự tay cắt cổ chúng.

LẦN ĐẦU LÀM THẦY TƯỚNG SỐ

Lần đầu tiên tôi lơ ngơ ra đường là khoảng hai tháng sau khi bước vào nghề. Vì là lính mới, không được hành nghề trong thành nên Tổ Gia sắp xếp cho tôi ở một thôn trang ngoài thành có tên An Gia trang. Ông nói vóc dáng tôi béo mập, hai mắt lại bé, có thể giả làm người mù, như vậy đối phương sẽ có tâm lý không quá cảnh giác. Sau này tôi mới ngộ ra, căn bản lần đó chưa thể coi là vào nghề thực thụ, mà chỉ là một sự “thử tay nghề”, kém xa so với việc chỉ cần đi một vòng mà kiếm mấy trăm đồng bạc của Tổ Gia.

Tôi chống gậy trúc, lắc la lắc lư đi vào trong thôn, mấy hộ đầu tiên đều xua đuổi tôi đi chỗ khác. Mãi sau cũng có một người nói chuyện với tôi. Đó là một bà lão đang ở nhà một mình. Bà lão khoảng hơn 60 tuổi, gương mặt nhăn nheo khắc khổ. Vừa dắt tôi vào trong nhà bà vừa nói: “Đi từ từ thôi, cẩn thận, để tôi lấy cho cậu một cái ghế ngồi”.

Lúc đó trong lòng tôi xen lẫn một chút cảm giác tội lỗi vì đôi mắt của bà lão đã mờ, không còn tinh tường như tôi. Hơn nữa, bà lão còn lật đật đi rót nước cho tôi uống. Tôi thấy đôi tay của bà lão nhăn nheo, nứt nẻ, thô ráp và xù xì giống như vỏ cây vậy. Từ trong sâu thẳm, tôi bỗng nhớ đến người mẹ đã qua đời của mình. Bà chết vì bệnh phổi hồi đầu năm, đôi tay bà cũng giống y đôi tay bà lão này vậy.

Tôi bỗng thấy mủi lòng, nhưng ngay lập tức cặp mắt Tổ Gia hiện lên, liền nghĩ đến nhiệm vụ mà Bá đầu giao phó.

Bà lão bắt chuyện với giọng quan tâm: “Còn trẻ như vậy mà đi làm nghề này sao?”

Tôi trợn đôi mắt giả mù đầy lòng trắng, trả lời: “Thưa cụ, con bị mù từ nhỏ, theo sư phụ học tướng số, tuy mắt con mù, nhưng lòng con rất sáng.”

Bà lão nói: “Đúng vậy! Đúng vậy! Con của ta giỏi lắm.”

Tôi nói: “Dạ, con chẳng có bản lĩnh gì ngoài biết xem bói. Thưa cụ, cụ xem tướng cho ai? Xem cho cụ ư?”

Bà lão nói: “Không, ta đến tuổi gần đất xa trời rồi, xem bói phỏng có ích gì. Nhờ cậu xem giúp cho con trai ta một quẻ, xem xem hai năm này vận hạn nó thế nào? Có trắc trở, gặp tai họa gì không?”

Lời nói của bà lão để lộ ra cho tôi biết rằng gần đây con trai bà chắc chắn vận hạn không tốt. Hơn nữa khi nói chuyện, giọng bà lão rõ ràng đang run rẩy.

Tôi nói: “Thưa cụ! Vậy lệnh lang nhà ta sinh vào giờ, ngày, tháng, năm nào?”

Thực ra đây cũng chỉ là diễn kịch mà thôi, còn nói thế nào, phán ra sao tất cả đều đã chuẩn bị trước cả.

Sau khi bà lão cho tôi biết Bát tự(3) của cậu con trai, tôi bắt đầu bấm đốt ngón tay tính toán, liếc đôi mắt giả mù đang trợn lên trắng dã. Tôi thấy bà lão đang lo lắng chờ đợi.

“Thưa cụ, lệnh lang mệnh Thủy, hai năm nay phạm vào Thái tuế, mọi việc không được thông thuận cho lắm.” Nói xong, tôi chờ xem phản ứng của bà lão như thế nào. Theo quy luật, về căn bản câu trả lời là câu khẳng định, nếu là câu phủ định cũng chẳng sao, tôi nói là “hai năm nay”, cũng có thể bao gồm năm nay, mà giờ mới là đầu năm, nếu bà lão phủ định, tôi sẽ nói đợi đến cuối năm mới ứng vận.

Kết quả không nằm ngoài dự liệu, bà lão thảng thốt nói: “Đúng vậy.”

Tôi lập tức tiếp lời: “Thưa cụ! Lệnh lang nhà ta là một người rất hiếu thuận.”

Câu nói này chắc chắn đánh trúng tâm lý bậc làm cha mẹ trong thiên hạ. Vì cha mẹ thương yêu con cái mười phần, dù con cái báo đáp lại chỉ một phần thì trong mắt người làm cha mẹ, người con đó rất hiếu thuận, trong lòng vô cùng mãn nguyện. Hơn nữa trên thế gian, những đứa con nghịch tử chỉ chiếm số ít, nếu con trai bà lão là kẻ bất trung bất hiếu thì bà lão sẽ không lo lắng như vậy, càng không bao giờ có ý định xem tướng số cho anh ta.

Bà lão rưng rưng đôi mắt đã mờ đục nói: “Đúng vậy, nó hiếu thuận lắm, dáng người dong dỏng cao và rất khỏe mạnh.”

Tôi nhìn đôi mắt mờ đục ngấn lệ của bà lão rồi nói tiếp: “Trong hai năm này, con trai cụ phạm vào sao Tẩu Mã.”

Bà lão lập tức hỏi dồn: “Là sao gì vậy?”

Tôi hắng giọng trả lời: “Là sao Tẩu Mã, tức chủ về bôn tẩu khắp nơi, vừa vất vả vừa khổ cực.” Vào thời đó, vì mưu sinh, ai mà không phải bôn tẩu ngược xuôi chứ.

Bà lão nước mắt lã chã rơi nói: “Đúng vậy, năm ngoái nó bị sung quân, đến nay vẫn không có tin tức gì, chẳng biết sống chết ra sao.”

Nhìn bà lão đau khổ khóc than, tôi bỗng dưng khóc nấc theo. Tôi không biết mình khóc vì điều gì, vì thương cảm bà lão hay thương cảm chính bản thân mình nữa!

Bà lão nhìn thấy tôi khóc liền vội vàng lấy chiếc khăn tay cáu bẩn vừa lau nước mắt cho tôi, vừa nói: “Con trai à, đừng khóc! Nín đi con!”

Tôi nói: “Thưa cụ, con khóc thương thay cho số phận, cảnh ngộ của cụ.”

Bà lão vỗ về tôi: “Con trai ngoan, con trai ngoan của ta.”

Tôi nói: “Hiện con trai cụ đang ở vào thời điểm khó khăn và vô cùng nguy hiểm.”

Bà lão hốt hoảng hỏi: “Sao cơ, nó vẫn còn sống chứ?”

Tôi nói: “Sống thì vẫn sống, nhưng gặp rất nhiều nguy hiểm. Cụ cũng biết đấy, chiến tranh mà, mũi tên hòn đạn lại không có mắt, chúng có kiêng nể một ai đâu. Vận hạn này của lệnh lang nhất định phải giải, không giải e rằng không thể trở về được nữa!”

Bà lão vô cùng hoảng sợ, mặt mày biến sắc: “Mau phá giải đi, mà phá giải bằng cách nào?”

Tôi nói: “Cụ lấy một miếng vải đỏ, bên trên viết tên tuổi của lệnh lang. Đúng 12 giờ đêm, cụ buộc miếng vải này lên một cây hòe cổ thụ, rồi khấn: ‘Cây hòe ơi, con trai ta nhận ngươi là mẹ nuôi, hãy bảo vệ nó khỏi hiểm nguy, đừng để nó bị thương gì.’ Sau đó khấu đầu ba cái, rồi về nhà đem miếng vải đỏ phủ lên trên một cái ổ gà là được. Cụ phải nhớ kỹ nhé.” Khi nói đến lễ giải hạn, thầy tướng số càng nói sinh động bao nhiêu, càng mang lại cảm giác chân thật bấy nhiêu. Mánh khóe nhận cây hòe làm mẹ nuôi, nhận gàu tát nước là cha nuôi, thường được các nhà tướng số sử dụng.

Bà lão nói: “Làm thế sẽ bảo vệ con trai ta tai qua nạn khỏi chứ?”

Tôi nói: “Cụ à! Cách làm này chỉ mang tính chất tạm thời mà thôi. Vì trên chiến trường, lệnh lang giết quá nhiều người, hồn ma của những người này thường hiện về đòi mạng.”

Nỗi lo sợ lại hiện rõ trên gương mặt bà lão: “Vậy phải làm thế nào?”

Tôi nói: “Làm việc thiện, thật nhiều việc thiện, giúp lệnh lang, ở hiền gặp lành.”

Bà lão gật đầu nói: “Đúng! Đúng! Con nói rất đúng! Vậy ta phải giúp con trai ta như thế nào?”

Tôi trả lời: “Cụ giúp lệnh lang quyên một chút tiền nhang đèn, con sẽ giúp cụ cung tiến vào chùa. Hơn nữa con đã tiết lộ thiên cơ, nên con cũng phải quyên góp chút đỉnh. Quyên góp xong mọi việc sẽ tai qua nạn khỏi, muộn nhất là mùa xuân sang năm lệnh lang nhà ta sẽ trở về!”

Bà lão nhoẻn miệng cười tươi, vui vẻ quày quả đi vào nhà, một lúc lâu sau cầm hai tờ Pháp tệ(4) quay ra. Nhưng hiện nay tình trạng lạm phát đã ở mức báo động, đồng tiền ngày càng mất giá, hai tờ Pháp tệ của bà lão chẳng đáng giá một xu.

Tôi nói: “Cụ à, loại tiền này của cụ hiện không còn tiêu được nữa rồi. Rất nhiều nơi từ lâu đã không còn dùng đến nữa, con chẳng thể nào giúp cụ cung tiến tiền nhang đèn. Hơn nữa, chúng ta không thể lừa Phật Tổ.”

Bà lão ngại ngùng nói: “Ở đây ta vẫn còn mấy xu tiền đồng.”

Tuân theo lời dạy của Tổ Gia, đồng bạc trắng và tiền đồng đều có thể lấy được, Quốc dân Đảng có cải cách thế nào đi chăng nữa đều không ảnh hưởng đến giá trị tiền kim loại.

Tôi nhận mấy đồng từ tay bà lão, vẻn vẹn chỉ có ba xu, tôi nói: “Cụ à, nếu quả thực chỉ có ngần này thôi cũng tạm gọi là có, quan trọng là lòng thành. Con vất vả giúp cụ đi một phen vậy.”

Bà lão vội vàng nói: “Không được, không được, đợi ta một chút con trai, ta vẫn còn mấy thước vải để dành.” Bà lão lật đật chạy vào trong nhà lật tung một hồi, lôi ra được một mảnh vải thô nhuộm màu xanh nhạt tận đáy một chiếc hòm mà ở nông thôn thường dùng để may vỏ chăn.

Tôi nói: “Ai da, như này là quá tốt rồi. Vậy con xin phép mang đi quyên giúp cụ.”

Bà lão vô cùng vui vẻ, luôn miệng nói: “Vất vả cho con quá, vất vả cho con quá!”

Nói xong bà lão còn đưa tôi ra tận cổng, nói với theo: “Con trai, đi đường cẩn thận nhé, đầu thôn có một cái giếng đó.”

Tôi trả lời: “Con biết rồi, thưa cụ.”

Tôi dò dẫm chống gậy trúc, giả mù tìm đường ra khỏi thôn, vừa đi vừa khóc.

Lần đầu tiên hành nghề thu hoạch không nhiều. Ngoại trừ hai tờ Pháp tệ chẳng đáng giá một cắc, còn lại là mấy thước vải thô và ba xu tiền đồng.

Nhưng so với hai tay mới khác cũng vẫn còn hơn chán. Một tên chẳng kiếm chác được gì, còn bị người ta đánh mắng cho một trận tơi tả. Còn tên kia, sợ Tổ Gia và Bá đầu trách phạt, liền ăn trộm cái búa sắt đóng cọc trong vườn hạnh nhân của một nhà ở đầu thôn, về giao nộp.

Tổ Gia nói: “Chúng ta là ‘tướng’, không phải là kẻ trộm cắp. Không kiếm được gì thì quay về tay không, tuyệt đối không được làm những việc trộm gà trộm chó.”

Lời Tổ Gia khiến kẻ trộm cắp kia sợ hãi quỳ mọp xuống, luôn mồm nhận lỗi.

Tổ Gia nói: “Không phải lỗi của ngươi.”

“Nhị Bá đầu!” Tổ Gia gọi. Nhị Bá đầu lập tức khúm núm chạy lại quỳ xuống thưa: “Tổ Gia!”

Tổ Gia quát to: “Tay chân của ngươi, ngươi phải có trách nhiệm dẫn dắt dạy bảo cho tốt chứ!” Nhị Bá đầu sợ hãi mồ hôi vã ra như tắm.

Mỗi khi hành nghề trở về, các Bá đầu đều phải báo cáo tường tận. Một là kiểm tra người của mình, hai là tránh va chạm địa bàn. Mỗi Bá đầu đều phải ghi chép rõ ràng, nhưng không được sai lệch với con số của Tổ Gia.

Tổ Gia là người có con mắt quan sát vô cùng tỉ mỉ, sau khi đường hội giải tán, ông kêu một mình tôi ở lại.

Tổ Gia nói: “Ngươi quá mềm yếu.”

Tôi nghĩ: “Sao mà ông ta biết được?”

Tổ Gia tiếp tục: “Ngươi đã khóc.”

Tôi vội vàng trả lời: “Thưa vâng! Vì hoàn cảnh bà lão thật đáng thương.”

Tổ Gia nghiêm giọng: “Đáng thương? Ngươi thấy ta có đáng thương không?”

Tôi ngây người ra nhìn Tổ Gia, không hiểu ông nói như vậy là có ý gì.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button