Văn học nước ngoài

Tôi Bị Bố Bắt Cóc

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Mitsuyo Kakuta

Download sách Tôi Bị Bố Bắt Cóc ebook PDF/PRC/EPUB/MOBI. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : VĂN HỌC NƯỚC NGOÀI

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Giới thiệu tác giả

Nữ nhà văn Mitsuyo Kakuta sinh năm 1967 tại tỉnh Kanagawa, Nhật Bản. Cô tốt nghiệp ngành Văn học, trường Đại học Waseda nổi tiếng nhất nhì nước Nhật. Tuy là nhà văn tr ẻ nhưng Mitsuyo Kakuta đã có trong tay hàng loạt giải thưởng văn học danh giá.

Năm 1990, với tác phẩm “Kofuku nayugi” (Tạm dịch: Trò chơi hạnh phúc), Kakuta đoạt giải thưởng Văn học Kaiei Shinjin Bungakusho lần thứ 9. Năm 1996, tiếp tục đoạt giải thưởng Noma Bungei Shinjinsho lần thứ 18 với tác phẩm “Madoromu yoru no UFO” (Tạm dịch: Vật thể bay không xác định những đêm chập chờn). Năm 2003, với tiểu thuyết “Kuchu Teien” (Tạm dịch: Khu vườn trên không), Kakuta đoạt giải thưởng Văn nghệ của tạp chí Fujin Koron dành cho các tác phẩm lấy đề tài về nữ giới. Đến năm 2005, Kakuta Mitsuyo đoạt giải thưởng Văn học Naokisho danh giá với tiểu thuyết “Taigan no kanojo”(Tạm dịch: Người con gái bờ bên kia), tác phẩm cũng đã được chuyển thể thành phim. Hai năm liên tiếp sau đó, Kakuta tiếp tục gặt hái thành công với các giải thưởng Kawabata Yasunari Bungakusho – tác phẩm “Rokku Haha” (Tạm dịch: Người mẹ Rock) và giải Chuo Koron Bungeisho – truyện “Yokame no Semi” (Tạm dịch: Ve sầu ngày thứ tám(10)).

Ngoài những tác phẩm đoạt giải thưởng nói trên, Mitsuyo Kakuta đã và đang chắp bút rất nhiều tản văn, tiểu thuyết được đánh giá cao. Ngoài ra, cô còn tham gia mảng truyện tranh minh họa nước ngoài ở Nhật với tư cách dịch giả.

“Kidnap tour – Tôi “bị” bố bắt cóc” là tác phẩm đoạt giải Văn học Robo noishi năm 2000. Đây là giải thưởng văn học được thiết lập bởi tổ chức văn hóa Ishikawa Bunka, lấy tên tiểu thuyết “Robo noishi” – tác phẩm tiêu biểu của tác giả Yamamoto Yuzo (1887-1974) làm tên giải thưởng (“Totto-chan: cô bé bên cửa sổ” đoạt giải năm 1983).

“Kidnap tour – Tôi “bị” bố bắt cóc” mở đầu thật bất ngờ với lời dẫn chuyện của nhân vật chính – Haru “ Tôi bị BẮT CÓC, ngay ngày đầu tiên của kỳ nghỉ hè” mà thủ phạm lại chính là bố của Haru. Thế nhưng, chuyến đi của hai người – thủ phạm và nạn nhân, hay chính xác là bố và con không hề mất đi tính gay cấn, hồi hộp của một chuyến “bắt cóc” và cũng không thiếu những thú vị, trong trẻo, yêu thương của một chuyến “du lịch gia đình”. Chuyến đi của hai bố con Haru khiến người dịch liên tưởng đến câu chuyện cổ tích đã từng đọc lúc nhỏ “Đi đến nơi vô định, để tìm vật vô hình”. Thế nhưng chuyến đi “vô định” lên rừng xuống biển của Haru và bố đã giúp Haru và có lẽ, cả độc giả chúng ta tìm ra được “vật vô hình” đó rồi, tôi tin như vậy. Bạn có thể định nghĩa “vật vô hình” đó theo suy nghĩ , cảm nhận của mình. Còn tôi, khép sách lại, tự nhủ với bản thân, mùa hè này sẽ rủ cả gia đình phiêu lưu cùng Haru, bởi “Kidnap tour – Tôi “bị” bố bắt cóc” không chỉ dành riêng cho trẻ em, nó thật sự đáng được các bậc phụ huynh thưởng thức, tham khảo như những đầu sách hướng dẫn nuôi dạy con khác.

Thêm một gợi ý nho nhỏ của người dịch, các độc giả nhỏ tuổi thử viết hoặc vẽ lại cảm tưởng của mình sau khi đọc truyện nhé, đây là hình thức là m bài tập mùa hè rất phổ biến ở các trườ ng tiểu học, phổ thông Nhật Bản. Đương nhiên, không cần quy định bao nhiêu trang giấy, không cần phải vẽ thật đẹp như những nhân vật trong manga Nhật Bản, hãy viết/vẽ theo ý thích, theo tưởng tượng của mình. Và hãy tin rằng chỉ cần để ý lỗi chính tả (nếu viết cảm tưởng) thì sẽ không ai tả/vẽ Haru và bố trên bãi biển đêm, cùng lũ đom đóm ở nghĩa trang, hay bầu trời đầy sao qua lỗ thủng chiếc lều, hoặc thậm chí “con ngựa sắt” tồi tàn mà bố và Haru tận dụng… “chất” hơn bạn. Còn nữa, bạn nhỏ hãy thử làm một quyển thực đơn của riêng gia đình mình xem sao. Chắc chắn sẽ gây được ấn tượng mạnh cho mọi người đấy.

Và cuối cùng tôi cũng tin rằng, các bậc phụ huynh sẽ mỉm cười hài lòng khi các thiên thần nhỏ đang tuổi lớn của mình có được những trải nghiệm mới, những suy nghĩ mới về cuộc sống, về tình thân gia đình sau khi đọc cuốn sách tuyệt vời này.

ĐỌC THỬ

Chương 1

Tôi bị BẮT CÓC, ngay ngày đầu tiên của kỳ nghỉ hè.

Ở nhà một mình, lại chẳng định làm gì, tôi chỉ nằm ườn xem ti vi. Mãi đến đoạn quảng cáo một loại kem mới, thèm quá tôi mới miễn cưỡng rời nhà đi mua. Vừa rẽ qua góc phòng nha khoa Okada, trông thấy tiệm Seven Eleven(1) bên kia đường thì một chiếc xe hơi từ đằng sau trờ tới bên cạnh, giảm dần tốc độ rồi đỗ xịch trước mặt tôi.

– Tiểu thư, lên xe chứ?

Tôi nhìn ông ta chằm chằm rồi lững thững bước đến, mở cửa xe bên kia. Vào trong xe cứ gọi là mát lạnh. Những cây kem chả còn mấy hấp dẫn nữa.

– Haru, cao lên nhiều nhỉ!

Người đàn ông nói. Thủ phạm bắt cóc biết tên tôi.

– Vậy ạ?

Tôi cũng biết người đàn ông này. Bởi, người đàn ông đeo cặp kính mát to đùng nực cười này là bố tôi.

– Cái xe, ở đâu ra thế?

Tôi hỏi trống không. Chiếc xe của bố chạy qua tiệm Seven Eleven, băng băng trên con đường giữa các khu nhà chung cư rợp bóng cây.

– À, xe này hả, của người ta cho.

– Con khoái đi xe hơi. Mà mẹ thì chẳng có bằng lái! Mấy hôm trước, bố của Sayuri có cho con quá giang. Sayuri là bạn cùng lớp, xinh lắm. Được lên xe của nhà nó, thích ghê. Mà… con muốn đi ăn nhà hàng.

Tôi nói liên mồm. Lúc nào cũng vậy. Cứ mỗi lần căng thẳng, từ ngữ lại tràn lên cổ họng tôi, chẳng thể nào ngừng. Tôi căng thẳng là do lâu lắm rồi mới lại gặp bố.

– Đi nhà hàng thì có thể ăn đủ các món, đúng không? Ở gần nhà mới khai trương một cái, ngay khu đường cái ấy. Cũng có lần mọi người đi ăn rồi. Mọi người là mẹ và mấy dì đó. Bố biết mà nhỉ, dì Asako với dì Yuko. Nhưng mấy chỗ như vậy mà đi bộ thì thấy quê không, đi cả đám chứ ít gì, người ta thì đi xe hơi…

– Nghe đây!

Bố dừng xe khi gặp đèn đỏ và nhìn tôi.

– Bố đang bắt cóc mày đấy. Không chừng sẽ không được về đâu. Chuẩn bị tinh thần đi.

– Ưm, được thôi.

Tôi nhìn quanh xe và trả lời giọng bất cần. Gương chiếu hậu treo tòng teng mấy cái bùa màu mè, chẳng lấy gì làm đẹp, bảng đồng hồ thì dán hình mấy con gấu thè lưỡi. Chẳng biết ai cho bố cái xe này nữa.

– Đằng nào hôm nay cũng nghỉ hè rồi. Lại chẳng có dự định gì.

– Vậy thì ngoan ngoãn bị bắt cóc đi nhé!

Bố nói.

– Ưm, để bị bắt cóc thử một lần cho biết luôn.

Tôi trả lời, bố ngoác miệng cười.

Bố lúc nào cũng nhắng nhít vậy. Ngay cả những lúc cần nghiêm túc, bố cũng toàn nói linh tinh. Như lần mẹ bị dị ứng sò biển, mặt mũi xanh lè, lao ra lao vào nhà vệ sinh không biết bao nhiêu lần thì bố lại cứ tí tởn “Chà, chà, có tin vui rồi. Haru sắp có em rồi. Nhưng sao anh không nhớ là khi nào nhỉ. Vậy là con của ai ta?” khiến mẹ khóc tức tưởi. Có lần bố vứt tàn thuốc chưa tắt hẳn vào thùng rác khiến cả nhà khói um cả lên, nhưng bố tỉnh bơ mà bảo là “xông khói”. Có khi lại lấy khăn choàng của mẹ quấn quanh người rồi bắt chước mấy chương trình biểu diễn thời trang, đến nỗi bị mẹ chiến tranh lạnh suốt hai ngày liền.

Biết làm vậy là sẽ bị giận nhưng bố không chừa. Mỗi lần bố bị giận thì cũng đáng thương lắm nên tôi quyết định thôi kệ, cứ đi với bố cho có bạn. Chứ không nghĩ sẽ thú vị hay không. Tôi chỉ nghĩ đơn giản là ti vi, điều hòa đã tắt cả rồi, mẹ cũng sắp về, rằng tôi có về trễ một tí cũng chẳng sao.

Đi hết con đường đầy cây xanh thì tới vòng xuyến trước nhà ga. Vòng xuyến huyên náo bởi những học sinh trung học. Xe của bố chạy tiếp qua nhà ga, ra đường quốc lộ. Những quang cảnh quen thuộc dần dần lùi lại sau lưng chúng tôi.

– Haru, ăn trưa chưa?

– Chưa, bởi vậy mới nói dẫn người ta đi nhà hàng đi.

– Rồi, hiểu rồi. Kể từ hôm nay, cứ việc thoải mái ăn bằng thích những gì mình muốn ăn nhé!

Bố dõng dạc đáp lời. Tôi ngả người trên ghế, liếc nhìn bố. Tôi đâu có cao lên. Nếu chỉ cần hai tháng mà cao lên được thì tôi đâu phải lúc nào cũng đứng đầu hàng, hai tay chống nạnh làm gì. Thay vào đó, tôi sẽ xếp phía sau, rồi so hàng như các bạn rồi. Bố nói vậy có lẽ do không biết nên nói chuyện gì cho hay ho mà thôi. Cũng như tôi, đói bụng mấy đâu nhưng cứ đòi đi ăn nhà hàng, vậy đấy.

Lâu lắm rồi tôi mới được gặp bố. Lần cuối chúng tôi gặp nhau là lúc chưa vào mùa mưa. Nhưng thực ra, thậm chí cho đến lúc đó, bố có nhà hay không, mà cho dù có nhà thì lúc bố về tôi đã đi ngủ, lúc tôi mở mắt dậy thì bố đã đi đâu đó hoặc còn đang ngủ khò. Tôi bắt đầu nghĩ có khi bố không về nhà từ năm ngoái. Tối tối, khi ngồi đối diện với mẹ ở bàn ăn, tôi nói “bố về trễ quá nhỉ” thì mẹ chỉ nói “bố bận”, hoặc sáng sáng, khi không thấy bố, tôi có hỏi “bố đâu?” thì mẹ trả lời “bố đi làm rồi”.

Đại loại là những câu trả lời như vậy. Tôi từng nghĩ, bố có phải ông già Nô – en đâu mà cứ canh lúc tôi ngủ say rồi mới đến, lại tranh thủ bỏ đi trước khi tôi thức dậy, thật lạ lùng.

Cho nên thỉnh thoảng, sáng chủ nhật, khi tôi xuống dưới nhà mà chạm mặt bố đang còn mặc pyjama thì tôi toàn giật nảy mình, chỉ thiếu điều nhảy dựng lên mà thôi. Đó là chưa kể, nếu có lúc nào cả nhà cùng nhau ăn sáng thì tôi thậm chí không biết nói chuyện gì, nhìn đi đâu. Tôi nhận ra người ta chỉ có thể nói “yêu” hay “ghét” ai đó khi được gặp họ hàng ngày. Còn tôi, tôi không biết mình yêu hay ghét bố nữa!

Khoảng hai tháng trước, bố thật sự không về nữa. Sáng cũng như tối, thậm chí cả chủ nhật, bố chẳng xuất hiện ở đâu trong nhà. Mẹ bảo tôi là bố bận việc nên mượn luôn chỗ làm để ở. Nếu có chuyện gì muốn nói với bố thì gọi số này, mẹ viết số điện thoại ra tờ giấy rồi đưa tôi. Tôi chẳng gọi điện cho bố. Một phần vì thấy chuyện đó thật phiền phức, phần vì sợ sợ, và phần vì thật ra cũng chẳng có chuyện gì đặc biệt để nói. Tôi cất miếng giấy nhỏ có viết tám chữ số đó vào ngăn bàn.

Cho dù bố không về nữa thì trong nhà cũng chẳng thay đổi gì mấy. Nói thế thì cũng hơi tội nghiệp bố nhưng sự thật đúng là vậy. Chứ sao, lâu nay đã chẳng thế còn gì, lâu nay bố có ở nhà đâu, và lâu nay tôi cũng đã chẳng còn biết yêu hay ghét bố nữa cơ.

Nếu nói có gì thay đổi thì chỉ có công việc của mẹ bận bịu hơn và trong nhà thì rộn ràng hơn trước gấp nhiều lần. Đó là do, sau khi bố không ở nhà nữa thì em của mẹ – dì Asako (ba mươi mốt tuổi, độc thân, cô giáo dạy vẽ) thường lui tới hơn, mẹ của mẹ – tức bà ngoại cũng hay đến chơi. Một người em gái nữa của mẹ là dì Yuko (hai mươi chín tuổi, độc thân, làm việc bán thời gian) cũng đôi khi góp mặt. Khi mẹ bận việc về trễ thì chắc chắn sẽ có ai đó đến, và có khi tất cả mọi người đều tập trung đông đủ.

Dì Yuko rất thích bày trò nên chỉ cần có chút gì hay ho là dì tổ chức thành sự kiện luôn. Ví dụ như chiếu video. Cả nhà bày bánh kẹo, nước uống ưa thích ra sàn và cùng xem video trong căn phòng tối thui. Chính dì là người quy định trong lúc xem phim không được nói chuyện vậy mà mười lần như chục, dì toàn là người phạm luật, nào “tên này, thủ phạm là cái chắc”, nào “anh này mặt mày đẹp trai mà coi tướng tá không phong độ gì hết”. Có khi dì còn tổ chức trình diễn thời trang. Biểu diễn hài kịch nhại mấy người nổi tiếng. Trò này thì dì Asako cực siêu. Dì bắt chước được rất nhiều người, đến nỗi tôi nghĩ có khi dì nghỉ dạy vẽ đi diễn hài lại nổi tiếng không chừng.

Vì vậy mà nhiều lúc tôi quên béng đi mất. Quên rằng đã từng có bố ở nhà. Quên rằng tôi đã từng có một ông bố. Quên mất bố đã pha trò thế nào khiến mẹ bực tức ra sao. Quên mất những lúc tôi đã phải cố nhe răng ra cười dù những trò hề của bố chẳng hay ho, thú vị chút nào.

Chương 2

Bố cho xe vào tầng hầm, rồi bỏ kính mát ra. Bước xuống xe trước, tôi liền nhảy chân sáo trên bậc tam cấp dẫn lên nhà hàng. Tôi đưa hai ngón tay ra hiệu “có hai người” cho chị phục vụ mặc tạp dề trắng đang cầm quyển thực đơn. Chị ấy nói “chị hiểu rồi, mời em đi lối này” và đi trước dẫn tôi đến bàn ăn, chân váy nhún bèo cứ đong đưa qua lại. Tôi ngồi yên vị ở bàn rồi bố mới bước đến cửa.

Nhà hàng không đông lắm. Bàn phía trước có hai chú mặc vét ngồi đối diện nhau, còn ở xa xa nơi chiếc bàn lớn, mấy người tóc nhuộm đủ màu đang bàn chuyện gì đó ra chiều nghiêm trọng lắm. Bố ngồi trước mặt tôi, lấy khăn ướt lau mặt, cổ, các ngón tay thật kỹ. Tôi thấy bố già già thế nào ấy nhưng không tiện nói ra. Lâu ngày mới gặp nên tự nhiên thấy ngại đủ thứ!

Chúng tôi mở quyển thực đơn để chọn món. Lúc nãy tôi chưa thấy đói lắm vậy mà nhìn hình ảnh thức ăn trong thực đơn, tự nhiên tôi muốn ăn đủ cả.

Tôi rất thích quyển thực đơn có bao nhiêu là hình các món ăn của nhà hàng. Nói sao nhỉ, nó khiến tôi có cảm giác mọi chuyện sẽ suôn sẻ. Cảm giác những gì đáng sợ hay những gì tôi đang lo nghĩ sẽ bị hút vào bóng của những món ăn đó và biến mất. Tôi chăm chú ngắm từng món, từng món trong thực đơn.

– Phục vụ có đến thì gọi cho bố phần hamburger kiểu Nhật, với ly bia. Còn Haru, muốn ăn gì tùy thích.

Nói rồi bố đứng dậy.

– Đi đâu vậy?

– Gọi điện, cho mẹ.

– Sao vậy?

– Thì báo là bắt cóc mày rồi. Với lại, còn phải ra điều kiện nữa.

– Điều kiện?

– Thì đại loại như mẹ muốn bố trả mày về thì phải làm gì. Chuyện đương nhiên mà hả.

Bố vênh mặt nói. Xem chừng trò bắt cóc vẫn sẽ tiếp tục.

– Mẹ không có nhà đâu. Hôm nay không phải ngày đi làm nên mẹ đi mua hàng giảm giá với dì Asako rồi.

Nghe vậy bố liền hầm hầm ngồi xuống ghế. Tôi lại dán mắt vào quyển thực đơn lần nữa.

– Với lại, bố biết là mẹ đâu có ưng mấy trò đó. Chỉ tổ chọc giận mẹ thôi. Mà cho là bố giỡn chơi thì cũng phải biết là nhà mình đâu có tiền.

– Có ai nói đòi tiền chuộc đâu.

Chị phục vụ bàn lúc nãy lại đến. Sau một hồi đắn đo đã đời, tôi quyết định gọi phần tôm chiên xù và kem bavarian dâu tráng miệng. Chị ấy đem theo quyển thực đơn đi mất. Để lại đó cho người ta cũng có mất mát gì đâu. Tôi vừa được ngắm nghía mấy món ăn lại từ đầu, vừa có chỗ để đánh trống lảng nếu trong bữa ăn, câu chuyện với bố bị đứt quãng một cách mất tự nhiên.

Chị phục vụ mặc tạp dề trắng đi rồi, bàn của bố con tôi cũng yên tĩnh hẳn. Tôi kẹp hai tay xuống đùi, đong đưa hai chân, suy nghĩ xem nên nói chuyện gì đây. Nhưng nát óc mà chẳng ra đề tài nào hay ho cả. Bố cũng im lặng, nắn nắn túi tìm thuốc lá.

Rốt cuộc thì tôi cũng nghĩ ra chuyện, vừa nói “hồi sáng dì Yuko đến…” vừa nhìn ngón tay của bố đang lấy thuốc từ trong túi ra. Ngón tay bố xương, dài, hơi đen đúa.

– Dì có rủ con đi nhưng mà mấy người bọn họ, lâu lắc à, bố biết đấy. Giỏi lắm xem quần áo cho con được một chút, sau đó nói “chờ tí” rồi biến mất tiêu luôn. Đi vòng vòng trong đó cho đã rồi lại quay lại cửa hàng đầu tiên. Nhiều lúc thấy oải như chạy marathon mùa thu vậy.

– Mấy cái vụ đi theo mua sắm đó, bố cũng không ưa.

Bố nói qua làn khói thuốc. Chị phục vụ đem bia đến. Bố cầm lấy, uống ngon lành.

– À, mà hai người họ có nói sẽ mua cho con cái gì con thích nên con đã dặn trước rồi.

– Cái gì thế?

– Váy. Loại hở vai, chân váy chữ A, có in hình hoa hướng dương thật to, vàng rực nữa.

– Gì mà người lớn vậy?

– Nhưng chẳng biết có không nữa. Chỉ là con nghĩ nếu ‘được giống vậy thì hay’ thôi. Có khi bói cũng không ra ấy chứ!

À á, hết chuyện để nói mất rồi. Trong lúc tôi đang cố suy nghĩ xem tiếp theo sẽ nói gì thì bố lên tiếng:

– Cũng dài ngày đấy, có thấy thì bố mua cho. Với lại, mày có đem theo gì đâu đúng không, quần áo để thay, bít tất và đồ bơi nữa. Cần gì cứ nói.

Rồi bố dụi đầu thuốc lá, nói thêm bằng một giọng nhỏ hơn “không mua được đồ đắt tiền quá thôi chứ còn…”

Hamburger của bố được đem ra trước. Bàn chúng tôi lại chìm vào im lặng khi bố ăn. Còn tôi chống cằm nhìn ra ngoài cửa sổ.

Bên kia lớp cửa kính, ánh nắng chiếu rọi khắp nơi. Mấy chiếc xe hơi nối đuôi nhau chạy ngang qua, cửa xe phản chiếu ánh mặt trời trắng lóa, còn có mấy đứa cỡ tuổi tôi vừa đi bộ trên vỉa hè vừa vung vẩy túi đồ bơi. Kỳ nghỉ hè bắt đầu thì tôi lại thấy thành phố khang khác sao đó so với thường ngày, dù từ hôm qua tới giờ nó có gì thay đổi đâu. Như thể ánh nắng chói chang hơn hôm qua, hàng cây cũng như đậm màu hơn hôm qua, cả thành phố lao xao như trước ngày đi dã ngoại. Tôi nhìn bố đang húp canh xì xụp, nói:

– Vậy giờ mình đi đâu?

– Đâu cũng được.

Bố bỏ bát canh sang một bên, nhìn tôi.

– Có nghĩa là sắp tới đây phải lẩn trốn khá lâu nên đi đâu cũng được. Ưng biển thì đi biển, lên núi cũng hay, hoặc cứ đi, đi hoài đi mãi như kiểu “đi đến nơi vô định” mà không cần lên kế hoạch trước cũng được. Có điều cứ loanh quanh ở đây thì không hay lắm, ai dám nói là sẽ không gặp mẹ chứ, đúng không?

Đồ ăn của tôi cũng đã được mang ra. Bố bặm môi dõi theo hai bàn tay của chị phục vụ đang xếp dĩa. Chờ cho chị đi khuất, tôi hỏi:

– Sao phải trốn?

– Lúc nãy đã nói rồi, là bố đang bắt cóc mày. Mà bắt cóc thì phải chạy trốn khắp nơi để khỏi bị phát hiện. Không chịu nghe người khác nói chuyện gì hết, chắc ở trường cũng bị thầy cô mắng tội lơ là, không tập trung đúng không?

Tôi cáu sườn khi bị nói như vậy.

– Bố mới là dai. Con chán trò bắt cóc này rồi.

Tôi cố tình nói giọng thật lạnh lùng. Tôi còn định nói bệnh đùa dai đó là của mấy ông già nhưng thật ra không thân thiết gì đến mức có thể nói như vậy nên thôi.

– Đâu có đùa!

Bố nhìn vào mắt tôi, nói vậy. Vẻ mặt bố nghiêm túc đến mức tôi phải ngồi lui lại phía sau mấy xăng-ti-mét liền. Tôi nghĩ bụng “hết cách rồi, kệ, cứ đi với bố”. Đương nhiên, lúc đó tôi vẫn nghĩ là đang chơi trò giả bộ, mai hay mốt gì rồi cũng được về nhà. Cho nên tôi chẳng có ý định bảo bố mua cho cái váy hoa hướng dương dù có bắt gặp ở đâu đó. Vì chắc chắn đã có cái váy y như tôi hình dung hoặc có hơi khác một chút xíu nhưng rất dễ thương mà dì Asako lựa cho tôi, đang chờ ở nhà rồi.

Không biết từ lúc nào mà nhà hàng đông khách hẳn lên. Thành ra tôi và bố dù không nói gì thì vẫn có tiếng cười nói đâu đó vang lên, rơi rớt khẽ khàng xuống bàn chúng tôi. Thỉnh thoảng tôi ngẩng lên nhìn bố qua ly bia còn phân nửa. Bố khom lưng, mặt cúi sát đĩa và ăn. Tư thế ăn uống đó luôn khiến mẹ bực mình. Vậy mà bố vẫn không sửa được. Bên kia lớp chất lỏng vàng óng là khuôn mặt bố đang nhai hamburger, chăm chú như một cậu bé ngồi làm bài tập về nhà vậy.

Mấy cái đĩa không đã được dọn đi, thay vào đó là phần kem bavarian dâu.

– Chắc về rồi đấy.

Bố lẩm bẩm rồi đứng dậy. Một tay cầm thìa, tôi nhìn theo dáng bố bước đi. Cái áo trắng len qua dãy bàn đầy người tới chỗ điện thoại công cộng trước quầy thu ngân. Bố cho thẻ vào máy, tay cầm ống nghe, quay lưng về phía tôi. Đột nhiên trống ngực tôi đập thình thịch khi thấy cái áo trắng không chút cử động kia, cứ như tấm lưng của một người đàn ông xa lạ. Cảm giác lo sợ, biết đâu không được về nhà thật thì sao?

– Về chưa? Mẹ ấy?

Tôi hỏi khi bố quay lại.

– Y như bố đoán, không chấp nhận điều kiện. Đành chịu, xem như mày phải theo bố thôi.

Bố nói mà không hề cười.

– Điều kiện là gì vậy?

– Cái đó không nói được.

Lúc này mới thấy bố cười, lần đầu tiên đấy. Tôi thở phào, chồm người tới:

– Mẹ có nói đã mua váy cho con rồi không?

– Váy gì, có hay không cũng thế. Đằng nào mày có được về đâu.

Bố nói vậy rồi lại rút một điếu thuốc từ cái túi nhăn nhúm.

Lúc chúng tôi lên xe, mặt trời đã đổ bóng. Nhưng bầu trời vẫn cao và trong, ánh nắng vẫn còn chói chang. Khi xe chạy khỏi bãi, tôi hỏi bố:

– Đi đâu đây?

– Đi đâu thì hay nhỉ?

Bố chỉ nói vậy rồi thôi.

Trong xe mát lạnh và im ắng. Tôi nhìn hình con gấu dán trên bảng đồng hồ xe và nghĩ ngợi lung tung. Nếu hỏi lâu nay bố đi đâu thì kỳ kỳ sao ấy. Mà hỏi bố không về nhà nữa à thì cũng cảm giác khó chịu làm sao. Những suy nghĩ hiện lên trong đầu tôi cứ như bị vướng vào một sợi chỉ mỏng nên rốt cuộc chẳng nói được gì. Bố cho băng nhạc vào máy nghe. Một bài hát vang lên, tôi không biết giai điệu đó. Nghe ồn ào, hình như nhạc tiếng Anh.

– Haru muốn đi đâu? Núi, biển, suối nước nóng hay nông trại?

Bố lớn tiếng hỏi giữa tiếng nhạc ầm ĩ.

– Bắt buộc phải là một trong mấy chỗ đó sao?

Tôi cũng hét toáng hỏi lại. Bố đưa điếu thuốc lên miệng.

– Ừ thì chỗ khác cũng được.

– Vậy con muốn đi Masupe!

– Hả?

– Masupe, là Mark & Spencer ấy.

Mark & Spencer là trung tâm mua sắm khổng lồ mới tinh, cách ga gần nhà tôi mười phút xe điện. Mọi người gọi tắt là Masupe.

Thật tình không phải tôi muốn đến đó cho lắm nhưng nghĩ đi Masupe thì có thể về nhà nội trong ngày hôm nay.

– Là gì thế?

Bố hỏi. Tôi liền giải thích Masupe là gì cho bố nghe. Sao bố không biết đến cái Masupe nổi tiếng đó nhỉ.

Cái trung tâm bách hóa to đùng, không ai là không biết, vậy mà… Thì cũng tại trước khi nó khai trương bố đã không còn ở nhà rồi. Tôi từng đến đó với mẹ và dì Asako dịp khai trương giảm giá.

– Ờ, cũng phải mua đồ mà, vậy đi thôi Haru. Nghĩ sẵn những thứ cần thiết cho mình đi!

Bố nói rồi nhả khói thuốc lá. Trong xe mờ một làn khói trắng lãng đãng với một mùi gợi nhớ xa xăm.

Lúc mặt trời bắt đầu chậm rãi chuyển sang màu cam thì xe đến bãi đậu của Masupe. Chúng tôi xuống xe và vào trong bằng thang máy chuyên dụng. Bố rảo bước nhanh đến nỗi tôi phải đi như đuổi theo phía sau. Cứ thế băng qua mấy quầy hàng mỹ phẩm, đồ trang sức rồi lên thang cuốn.

So với thời điểm khai trương thì trung tâm mua sắm bây giờ vắng hơn. Sàn nhà, tường, trần… mọi thứ đều trắng toát. Lên tầng hai rồi tầng ba, tôi cứ như đang thám hiểm một tòa nhà xa lạ trong mơ vậy.

Bố bước khỏi thang cuốn khi đến tầng đồ dùng trẻ em.

– Cần gì nào?

Bố quay lại hỏi, ngữ điệu như thể giáo viên.

– Để xem!

Tôi vừa nói vừa đi lên trước bố, trên cái sàn trắng tinh. Một thằng nhóc bé xíu đang đứng khóc trước quầy hàng em bé. Trong góc, chắc là mẹ của nó, đang bế một em bé sơ sinh như bế một cục bông gòn trắng. Ở quầy hàng váy đầm khá vắng vẻ, có một cô bé tóc dài đang cùng mẹ ngắm váy áo. Chiếc váy ren trắng có đính hạt màu hồng nhạt. Hẳn là để biểu diễn piano đấy mà. Nếu tôi chịu học tiếp piano thì cũng được mặc kiểu váy đầm như vậy rồi. Chúng tôi đi ngang qua quầy hàng xếp đầy những đôi giày nhỏ xíu, nhỏ hơn cả tai tôi nữa. Rồi khi phát hiện thấy đĩa game điện tử bày trong góc một cửa hàng, tôi liền nhanh chân bước tới. Mấy hộp đĩa game xếp san sát trong tủ, tôi gí mũi vào lớp kính để cố tìm cái đĩa trò chơi mơ ước. Là loại game mới được phát hành hồi tháng Tư. Bây giờ hỏi tôi cần gì thì thật sự, tôi chỉ nghĩ đến nó thôi. Tôi đã năn nỉ mẹ hai tuần liền mà mẹ chẳng mảy may động lòng.

– Kia rồi, đó đó, cái đó đó!

Tôi ngước lên nhìn bố và nói. Bố nhíu mày, nghiêm mặt:

– Không phải đến để lựa quà Giáng sinh đâu nhóc con. Cần gì mấy thứ đó, với lại có máy đâu mà chơi!

– Nhưng ngoài nó ra con đâu cần gì. Với lại máy game thì ở nhà có sẵn rồi!

Bố cố tình thở dài rõ to rồi kéo tay tôi đi. Tôi ngoan ngoãn để bố kéo đến quầy hàng quần áo. Mấy cô bán hàng đồng phục tạp dề đồng thanh “kính chào quý khách”. Biết vậy, lúc nãy tôi đã bắt bố mua cái áo đầm “quý-sờ-tộc” kia rồi, vừa đẹp lại khác với thường ngày. Chứ ở đây, một cửa hàng rõ chán, nhìn xem, không có lấy một cái váy đầm xòe, toàn quần jeans với áo thun.

Bố đẩy nhẹ lưng tôi như thể muốn tống tôi vào bên trong.

– Tạm thời lựa hai, ba cái mình thích đi.

Bố hạ giọng nói nhỏ. Tôi quay lại định hỏi thì bố nghiêm mặt, nói bằng một giọng còn nhỏ hơn thế:

– Mà này, đừng có vớ mấy cái đắt tiền quá đấy!

Không còn cách nào khác, tôi đành bước vào trong, thử nhìn ngó mấy kệ hàng xung quanh. Liếc lại thì thấy bố đang khoanh tay dòm chừng tôi ở cửa ra vào. Tôi lựa đồ với tâm trạng bất cần, chẳng cần biết bố đang định giở trò gì, hay trò bắt cóc này sẽ kéo dài bao lâu, tới đâu cho tới luôn. Nào áo ca-rô kiểu. Nào áo thun in chữ tiếng Anh. Nào quần jeans. Nào đầm trơn. Nào quần lửng vải mềm.

Hồi xưa, tôi đã từng đến trung tâm mua sắm với bố thế này. Lúc đó tôi bốn tuổi. Bố dẫn tôi đến quầy đồ chơi và nói tôi lựa món nào ưng ý nhất, món nào cũng được. Bố đứng một góc chờ tôi hết lượn chỗ này rồi sà vào chỗ khác, đắn đo, phân vân gần cả một giờ đồng hồ. Sau đó tôi lựa được một con gấu thật lớn, cao hơn cả tôi và ôm nó đi gọi bố. Bố lật ngửa con gấu xem bảng giá rồi nói gần như khóc: “Ôi, chết tôi. Đắt quá bố không mua nổi đâu. Xin lỗi con, Haru. Bố nghèo lắm!” Bố nhìn chăm chăm đứa là tôi lúc đó đang thất vọng ghê gớm, rồi tiếp tục nói như thể đang phanh phui một bí mật nào đó: “Nhưng không chừng ông già Nô-en lại có thể mua được đấy.” Sáng hôm sau, đúng vậy, là sáng ngày Giáng sinh, bên gối tôi nằm đã có sẵn con gấu tôi lựa. Từ đó tôi biết rằng chẳng có ông già Nô-en nào cả!

Trong lúc chọn lựa, ngắm nghía từng món đồ được treo trên giá hay nằm ngay ngắn trên kệ, tự dưng tôi thấy bực bội sao sao. Không phải vì bố không chịu ngưng cái trò bắt cóc chẳng chút hay ho này, cũng chẳng phải vì không được bố mua cho đĩa game, tóm lại là tôi chẳng biết lý do tại sao, chỉ thấy cứ bực tức, hậm hực trong lòng. Tôi kiểm tra giá từng món đồ thật kỹ. Định bụng sẽ mua mấy thứ đắt nhất trong tiệm dù không ưng kiểu dáng, màu sắc đi nữa, cho bố biết tay.

Và tôi lựa được bốn thứ. Toàn là những món đồ có kiểu dáng chẳng ăn nhập gì với cái giá ngất ngưởng của nó. Một cái áo thun rộng thùng thình, màu sắc lòe loẹt tới hoa cả mắt. Một cái quần lửng dài đến đầu gối, túi đắp khắp nơi và cũng rộng thùng thình. Cái quần jeans lại được chắp vá bằng nhiều loại vải. Và một cái áo sơ mi như một tác phẩm patchwork(2) thất bại của mẹ. Tôi chưa từng mặc kiểu thời trang này, có nghĩa chúng là những món đồ chắc chắn mẹ sẽ chẳng bao giờ mua cho tôi. Đại khái, mẹ luôn bắt tôi mặc mấy kiểu đồ con gái. Và hầu hết đều may từ loại vải trơn, màu trầm. May lắm thì có kẻ ca-rô. Mẹ nói mấy thứ màu sắc lòe loẹt, nổi bật là “rẻ tiền” nên chẳng bao giờ mua. Mẹ tin rằng mấy thứ an toàn mới “đẳng cấp”. Bất chấp cá tính của riêng từng người.

Tôi đưa đống quần áo cho bố, bố đem ra quầy tính tiền. Tưởng tượng mình trong mấy bộ quần áo “rẻ tiền” đó, bực dọc trong lòng cũng nguôi nguôi.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button