Văn học nước ngoài

Si Mê Và Liều Lĩnh

Si me va lieu linh - Loretta Chase1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Loretta Chase

Download sách Si Mê Và Liều Lĩnh ebook PDF/PRC/EPUB/MOBI. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : VĂN HỌC NƯỚC NGOÀI

Đọc thử Xem giá bán

2.DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

London

Ngày 3 tháng Mười năm 1831

Peregrine Dalmay, Bá tước xứ Lisle, hết ngó sang cha lại nhìn sang mẹ. “Scotland ư? Con không đời nào tới đó đâu.”

Ông bà Hầu tước Atherton đưa mắt nhìn nhau. Lisle chẳng buồn dò đoán ẩn ý của cái nhìn đó. Cha mẹ chàng sống trong thế giới riêng của họ.

“Nhưng chúng ta đã trông đợi cả ở con,” mẹ chàng lên tiếng.

“Vì sao chứ?” chàng nói. “Trong lá thư gần đây nhất con đã nói rất rõ là con sẽ chỉ ở lại một thời gian ngắn rồi trở về Ai Cập ngay rồi còn gì.”

Cha mẹ chàng đã chờ đợi đến tận lúc này – ngay trước khi cả nhà phải lên đường tới Dinh thự Hargate – để nói với chàng về tình trạng khủng hoảng tại một trong những cơ ngơi ở Scotland của gia tộc Dalmay.

Tối nay ông bà Bá tước Hargate sẽ mở dạ yến khiêu vũ để mừng sinh nhật thứ chín mươi lăm của Eugenia, nữ Bá tước thừa kế(1) vùng Hargate, nữ chúa của gia tộc Carsington. Lisle đã từ Ai Cập trở về nhà để tham dự bữa tiệc đó, tất nhiên không phải chỉ vì có thể đây là cơ hội cuối cùng chàng được nhìn thấy quý bà già nua gian xảo ấy còn sống.

Mặc dù đã trưởng thành và cao tới gần mét tám, không còn ở trong vòng tay chăm bẵm của Rupert và Daphne Carsington nữa, nhưng Lisle vẫn coi ông bà Carsington là gia đình của mình. Họ là gia đình đúng nghĩa duy nhất mà chàng từng biết. Chàng không thể nào bỏ lỡ buổi lễ này.

Chàng rất mong được gặp cả gia đình họ, đặc biệt là Olivia. Chàng đã không gặp nàng năm năm trời rồi, kể từ lần cuối chàng về thăm nhà. Hai tuần trước, khi chàng về đến London thì nàng vẫn đang ở Derbyshire. Tận hôm qua nàng mới về nhà.

Do hôn ước không thành nên nàng đã về ngôi nhà của cha mẹ nàng ở vùng quê từ đầu tháng Chín, chỉ mấy ngày sau lễ đăng quang của nữ hoàng. Đây là hôn ước lần thứ ba hoặc thứ tư hoặc thứ mười – nàng đã kể tất cả những lần hôn ước ấy trong thư nhưng chàng chẳng tài nào nhớ được – và lần này được xem là đã đánh đổ mọi kỷ lục trước đây về độ chóng vánh. Chưa đến hai giờ đồng hồ từ khi nàng chấp nhận chiếc nhẫn của ngài Gradfield cho tới lúc nàng gửi trả lại anh ta, kèm với một lá thư chi chít chữ viết hoa và gạch chân. Quá cay đắng khi nhận được lời khước từ đó, ngài Gradfield quay ra gây sự với một người ngoài cuộc chẳng có tội tình gì dẫn tới một cuộc đấu kiếm, cả hai đều đâm trúng nhau nhưng không ai mất mạng.

Nói cách khác, đó là sự kích động quen thuộc khi dính dáng tới Olivia.

Đương nhiên Lisle về nhà không phải vì cha mẹ mình. Họ rất lạ đời. Họ có con có cái, nhưng đó chẳng phải một gia đình. Họ dính lấy nhau như sam và chỉ mải mê với những màn tuồng chèo không hồi kết của mình.

Đây là một cảnh điển hình: ba người lớn của gia đình tập trung trong phòng khách, nói về một chủ đề mà những người bình thường chắc chắn sẽ để dành cho một cuộc thảo luận có lý trí vào một thời điểm phù hợp – chứ không phải ngay trước khi đi dự dạ tiệc khiêu vũ.

Có vẻ như lâu đài Gorewood ngày càng xập xệ suốt ba hay bốn trăm năm qua và trong cả mấy thế kỷ đó thi thoảng lắm nó mới được tu sửa một lần. Chẳng biết vì lý do gì, cha mẹ chàng đột nhiên quyết định khôi phục lại vẻ huy hoàng trước kia của tòa lâu đài, và chàng phải tới đó trông nom công trình, bởi vì ở đó có vấn đề về… ma?

“Nhưng con phải đi,” mẹ chàng nói. “Phải có ai đó đi. Phải có ai đó làm gì đấy.”

“Phải có ai đó làm trợ lý điền thổ cho cha mẹ chứ,” Lisle lên tiếng. “Thật kỳ cục khi khắp xứ Midlothian mà Mains không kiếm được người làm. Con tưởng người Scotland đang khát việc lắm chứ nhỉ.”

Chàng bước lại bên lò sưởi để hơ tay.

Mới từ Ai Cập về được mấy tuần nên chàng vẫn chưa thích ứng được với khí hậu ở đây. Với chàng, mùa thu xứ Anh thật chẳng khác gì mùa đông băng giá. Scotland quả là khắc nghiệt không chịu nổi. Cho dù đang giữa mùa hè vậy mà thời tiết ở đó vẫn thật khủng khiếp: chẳng tuyết dày hay mưa đá thì cũng ảm đạm, gió chướng, mưa dầm.

Chàng chẳng nề hà thời tiết gay gắt khó chịu đó. Nói thật, điều kiện ở Ai Cập còn khắc nghiệt hơn nhiều. Nhưng Ai Cập bày ra trước mắt những thế giới đang chờ chàng phát hiện. Scotland thì chẳng có gì để khám phá, chẳng có bí ẩn cổ xưa nào để khai quật.

“Mains đã cố hết sức rồi, thậm chí cả hối lộ nữa,” cha chàng nói. “Chúng ta cần có một người đàn ông trong gia đình có mặt ở đó. Con biết tính cố kết gia tộc của người Scotland ra sao rồi đấy. Mọi người muốn ông chủ tòa lâu đài đó coi sóc mọi việc. Cha không thể đi được. Cha không thể để mặc mẹ con trong tình trạng sức khỏe yếu ớt thế này được.”

Nói cách khác, mẹ chàng lại đang mang bầu.

“Có vẻ như anh phải bỏ rơi em rồi, anh yêu,” mẹ chàng nói, đặt một bàn tay ẻo lả lên đầu. “Peregrine chẳng bao giờ quan tâm tới cái gì ngoài tiếng Hy Lạp, Latin, với cả Toxic của nó.”

“Coptic,” Lisle nói. “Ngôn ngữ cổ xưa của…”

“Lúc nào mà chẳng là Ai Cập,” mẹ chàng sụt sịt ngắt lời. “Lúc nào mà chả là mấy cái kim tự tháp và xác ướp với lại giấy da, có bao giờ là chúng ta đâu. Các em trai con thậm chí còn chẳng biết con là ai!”

“Bọn nó biết rõ ấy chứ,” Lisle cự lại. “Con là người gửi từ nước ngoài về cho bọn nó tất cả những thứ đồ thú vị nhất.”

Với bọn chúng, chàng là một ông anh bảnh bao và bí ẩn đang trải qua những cuộc phiêu lưu đáng say mê trên một vùng đất hoang dại và nguy hiểm. Và quả thực chàng đã gửi cho chúng toàn những thứ quà có thể làm bọn con trai sướng điên người: xác ướp mèo và chim, da rắn, răng cá sấu, bọ cạp được bảo quản tuyệt đẹp. Chàng còn viết thư cho bọn nhỏ rất đều đặn.

Thế nhưng chàng cũng không thể dập tắt tiếng nói trong đầu kết tội chàng đang bỏ rơi các em mình. Thật chẳng hay ho gì khi nghĩ rằng ở đây chàng không làm được gì cho bọn nhỏ, ngoại trừ chia sẻ nỗi khốn khổ của chúng.

Chỉ có ngài Rathbourne – nổi tiếng khắp giới thượng lưu với danh hiệu Đức Ngài Hoàn Hảo – là đối phó được với cha mẹ chàng. Ông đã cứu Lisle khỏi tay họ. Nhưng giờ thì Rathbourne đã có gia đình riêng rồi.

Lisle biết mình cần phải làm gì đó cho các em. Nhưng công việc tu sửa lâu đài này thật là vớ vẩn. Chàng sẽ phải trì hoãn việc trở lại Ai Cập trong bao lâu? Mà vì cái gì mới được chứ?

“Con không hiểu chuyện con sợ run cầm cập trong một tòa lâu đài cũ kỹ, ẩm ướt, sắp sập tới nơi thì có ích gì cho các em con cơ chứ?” chàng nói. “Con không thể tưởng tượng ra có công việc gì nực cười hơn việc đi bốn trăm dặm đường để tới cứu một cơ số dân lao động mê tín dị đoan khỏi tay ma quỷ. Nói vậy không có nghĩa là con biết dân làng đó sợ cái gì. Lâu đài nào ở Scotland mà chả bị ma ám. Mọi nơi đều bị ám. Chiến địa. Cây cối. Rặng đá. Người ta mê mẩn những con ma của mình.”

“Chuyện này còn hơn cả ma quỷ ấy chứ,” cha chàng lên tiếng. “Đã xảy ra nhiều tai nạn thật kinh hoàng, có rất nhiều tiếng kêu khiếp đảm trong đêm chết lặng.”

“Người ta nói rằng một lời nguyền ngủ yên từ rất lâu đã bừng tỉnh lại khi ông chú Frederick Dalmay vô tình bước lên mộ bà cụ tổ của Malcom MacFetridge,” mẹ chàng rùng mình nói. “Sau đó, sức khỏe của Frederick ngay lập tức bắt đầu suy giảm. Ba năm sau thì ông ta chết!”

Lisle nhìn quanh, thầm ước – đây chẳng phải lần đầu – có ai đó để chàng có thể quay sang mà bảo, “Tin nổi chuyện này không?”

Mặc dù muốn thấy cha mẹ có lý hơn mình còn khó hơn muốn gặp kỳ lân, nhưng sự chính trực trong Lisle buộc chàng phải chỉ ra sự thật.

“Ông Frederick Dalmay đã chín mươi tư tuổi rồi,” chàng bảo. “Ông mất khi đang ngủ. Trong một ngôi nhà ở Edinburgh, cách tòa lâu đài được cho là bị nguyền rủa kia tới mười dặm.”

“Thế thì sao chứ,” cha cậu nói. “Vấn đề là lâu đài Gorewood là tài sản của dòng họ Dalmay và nó đang bị phá hủy!”

Thế mà tới tận bây giờ hai người mới buồn quan tâm tới nó, Lisle nghĩ. Ông chú Frederick đã để mặc tòa lâu đài đó hàng mấy năm nay rồi, và cha mẹ chàng cũng chả thèm đoái hoài gì.

Tại sao bỗng nhiên nó lại trở nên quan trọng thế?

Thì còn làm sao được nữa? Chàng đang ở nhà nên không thể lờ cha mẹ đi theo cái cách chàng đã lờ những lá thư của họ. Đây là mánh khóe để giữ chàng ở nước Anh. Không phải bởi vì họ cần chàng hay muốn có chàng. Đơn giản họ nghĩ đây là nơi chàng nên ở.

“Nó thì quan tâm gì chứ?” mẹ chàng thổn thức. “Đã bao giờ Peregrine quan tâm đến chúng ta chưa?” Bà vùng vằng đứng dậy khỏi ghế và đi về phía cửa sổ, cứ như thể bà sẽ lao mình ra ngoài đó trong nỗi tuyệt vọng vậy.

Lisle chẳng bận tâm. Mẹ chàng không đời nào quẳng mình ra ngoài cửa sổ hay đập đầu vào bệ lò sưởi. Bà chỉ giả bộ như sẽ làm thế thôi.

Thay vì suy nghĩ chín chắn, cha mẹ chàng lại thường thích diễn kịch.

“Ôi Jasper, chúng ta đã phạm tội ác khủng khiếp nào tới nỗi phải chịu hình phạt có đứa con lạnh lùng vô tâm như thế này?” bà kêu gào than khóc.

“Ôi Lisle, ôi Lisle.” Hầu tước Atherton ôm đầu và biểu diễn tư-thế-vua-Lear yêu thích của ông. “Một người đàn ông biết dựa dẫm vào ai đây nếu không phải là cậu con trai cả đồng thời là người thừa kế của mình?”

Trước khi ông kịp tuôn ra bài diễn thuyết quen thuộc về bầy quỷ sứ bạc bẽo lạnh lùng và những đứa con vô ơn bội nghĩa, mẹ chàng đã lên tiếng. “Đây là cái giá chúng ta phải trả vì đã quá nuông chiều con,” bà nói, nước mắt lưng tròng. “Đây là phần thưởng cho chúng ta khi trao con cho Rupert Carsington, kẻ vô trách nhiệm nhất nước Anh.”

“Với con thì chỉ có nhà Carsington là đáng quan tâm,” cha chàng nói. “Suốt chừng ấy năm sống ở Ai Cập, con đã viết cho cha mẹ bao nhiêu lá thư nào? Cha có thể đếm trên đầu ngón tay.”

“Nhưng tại sao nó lại phải viết khi mà nó chẳng bao giờ nghĩ đến chúng ta cơ chứ?” mẹ chàng rền rĩ.

“Tôi chỉ đòi hỏi một việc nhỏ nhoi, thế mà nó đáp lại bằng sự nhạo báng!” Cha chàng lao về phía lò sưởi và đấm thùm thụp lên bệ lò. “Trời ơi, làm sao tôi chịu được chuyện này đây? Cứ phải lo âu sầu não vì con như vầy thì cha đến phải xuống mồ sớm thôi Lisle ạ, cha cam đoan là sẽ như thế đấy.”

“Ôi người thương yêu nhất của em, đừng nói thế chứ!” mẹ chàng rú lên. “Em làm sao sống nổi nếu không có anh. Em sẽ nối gót chân anh ngay thôi, và mấy thằng bé tội nghiệp sẽ thành cô nhi cả.” Bà quay ngoắt khỏi cửa sổ chạy tới gieo mình xuống ghế rồi bắt đầu khóc nấc lên thảm thiết.

Cha chàng vung tay chỉ về phía người vợ đang nức nở điên cuồng của mình. “Hãy nhìn xem con vừa làm gì với mẹ con đi!”

“Mẹ lúc nào mà chẳng như thế ạ,” Lisle lên tiếng.

Cha chàng buông thõng tay xuống và giận dữ rời khỏi chỗ chàng. Ông rút khăn mùi soa ra dúi vào tay vợ – rất kịp lúc, bởi vì bà cũng đang cần rút khăn của mình ra lắm đây. Nước mắt nước mũi bà đã giàn giụa cả.

“Vì bọn trẻ, chúng ta phải cầu nguyện sao cho ngày đó không bao giờ đến,” cha chàng vừa nói vừa vỗ nhẹ lên vai vợ. Mắt ông cũng nhòa lệ. “Dĩ nhiên là Lisle rồi sẽ rong chơi giữa đám người kém văn minh, bỏ rơi các em nó vào tay những kẻ xa lạ vô tâm vô tình.”

Giờ các em chàng cũng đã phải sống giữa những người xa lạ vô tâm rồi, Lisle thầm nghĩ. Nếu mồ côi, chúng sẽ tới ở với một trong các bà cô của chàng. Mặc dù cách đây mấy năm, ngài Atherton đã mất đi một người em gái – vợ đầu của ngài Rathbourne – nhưng sáu chị em gái khác của ông vẫn mạnh khỏe cả, và họ sẽ không bận lòng nếu phải nuôi thêm vài ba đứa nữa cùng với đàn con đông đúc của mình. Nói thế không có nghĩa là họ thực sự trực tiếp chăm sóc con cái mình. Người hầu, người giám hộ và gia sư sẽ nuôi dạy chúng. Cha mẹ thì chẳng làm gì mấy ngoài việc nhúng mũi vào khi chẳng ai cần, tìm cách quấy quả mọi người và nghĩ ra những kế hoạch cắc cớ nực cười làm người khác tốn thời gian.

Chàng sẽ không cho phép cha mẹ tùy ý nhào nặn chàng. Nếu để mình bị cuốn vào vòng xoáy tình cảm, chàng sẽ không bao giờ thoát ra được.

Cách để trụ vững trên mảnh đất hà khắc này là bám vào sự thật.

“Bọn nhỏ có cả hàng dài người thân chăm sóc chúng, và có thừa tiền để sống thoải mái,” chàng nói. “Chúng sẽ không bị ngược đãi và chết đói trong trại mồ côi. Thế nên con sẽ không tới Scotland vì một việc ngớ ngẩn đâu.”

“Sao con có thể tàn nhẫn tới mức ấy?” mẹ chàng nức nở. “Một gia sản của nhà ta đang có nguy cơ biến mất đấy!” Bà vật người ra ghế, để chiếc khăn tay của chồng rủ xuống từ những ngón tay run lẩy bẩy của mình, nhìn như bà sắp sửa ngất lịm đi.

Người quản gia bước vào. Như mọi khi, ông vờ như không nhìn thấy màn kịch ngẫu hứng về tình cảm gia đình đang diễn ra trước mắt.

Ông báo với họ xe ngựa đang chờ.

Xe ngựa đã chuyển bánh nhưng màn kịch không chấm dứt mà vẫn tiếp tục trong suốt hành trình tới dinh thự Hargate. Vì khởi hành muộn mà đường sá thì đông nên họ nằm trong số những người đến muộn nhất.

Trước và sau khi chào chủ nhà cùng đông đủ các cặp vợ chồng nhà Carsington, rồi trong khoảng thời gian trước lúc họ đi qua đám đông để tới khu vực dành cho khách danh dự, cha mẹ Lisle liên tục nhắc đi nhắc lại bài chỉ trích của họ.

Chủ nhân của bữa tiệc sinh nhật, nữ Bá tước thừa kế Hargate, trông chẳng có gì thay đổi. Qua thư của Olivia, chàng biết rằng Bà Cố vẫn tán gẫu, say rượu và chơi bài với bạn bè – nhà Carsington gọi bạn bè của Bà Cố là các Nữ Yêu – cũng như vẫn tìm được thời gian và năng lượng dư thừa để đe nẹt cả gia đình.

Lúc này Bà Cố đang vận trên mình bộ cánh mới nhất và đắt nhất, tay cầm một ly rượu, ngồi trên ngai, các Nữ Yêu xúm xít xung quanh bà giống như những quý bà đang phục dịch nữ hoàng. Cũng có thể là giống như đám kền kền vây quanh kền kền chúa, ai thích nghĩ thế nào cũng được.

“Trông cháu tiều tụy một cách đáng buồn, Penelope,” Bà Cố bảo mẹ chàng. “Một số người tươi như hoa nở khi họ mang bầu, số khác thì không. Tiếc rằng cháu không thuộc số bừng nở rực rỡ – trừ cái mũi của cháu. Nó đỏ lựng lên kìa, cả mắt của cháu nữa. Hồi bằng tuổi cháu, ta chẳng bao giờ khóc nhiều như thế, mà cũng không sinh ra những đứa con ngỗ ngược. Ngày trước nếu cháu hỏi thì ta đã khuyên cháu sinh nở một lèo luôn, chứ không ngừng lại giữa chừng rồi đợi cho đến tận khi nhan sắc mất hút và cơ thể nhão xệ rồi mới đẻ tiếp.”

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button