Văn học nước ngoài

Những Gã Trai Sợ Cưới

Nhung ga trai so cuoi - Steven Carter & Julia Sokol1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Steven Carter & Julia Sokol

Download sách Những Gã Trai Sợ Cưới ebook PDF/PRC/EPUB/MOBI. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : SÁCH VĂN HỌC NƯỚC NGOÀI

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download Ebook         

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Rất nhiều phụ nữ yêu người đàn ông không thể đáp lại tình cảm của họ – những gã sợ sự gắn kết đến nỗi đối xử tồi tệ với người yêu mình, chạy trốn, hoặc cả hai. Tuy vậy, đa số phụ nữ lại không hiểu được vấn đề hay không biết phải làm gì với nó. Nhưng tồi tệ hơn là, nhiều phụ nữ vẫn nghĩ điều đó chỉ xảy ra với riêng họ.

 

Tôi viết cuốn sách này nhằm giải thích cho phụ nữ hiểu rằng, từng trải nghiệm của họ không phải là độc nhất. Nói một cách đơn giản, gã ta không chỉ đối xử với riêng bạn như vậy, mà với tất cả những người phụ nữ gã từng quen biết. Cuốn sách này cũng giúp chị em phụ nữ làm sáng tỏ lý do tại sao điều này lại xảy ra, hiểu được một mối quan hệ trói buộc đe dọa đàn ông là thế nào, và nỗi sợ hãi đó dẫn tới những kiểu cư xử kỳ dị, khó hiểu và trái ngược ra sao. Nhưng quan trọng nhất, cuốn sách sẽ giúp phụ nữ chủ động trong chuyện này.

 

Phụ nữ thường rất dễ tự trách mình vì đã quyến rũ người đàn ông như thế và nhận toàn bộ trách nhiệm về mình. Thật là một sai lầm nghiêm trọng. Sở dĩ nhiều phụ nữ gặp phải loại đàn ông này không phải vì họ có ý tự chèn ép mình từ trong tiềm thức, cũng không phải vì họ có vài điểm yếu về tính cách. Đó là bởi họ gặp quá nhiều đàn ông có vấn đề kiểu này. Trong khi nhiều người đàn ông cố vượt qua nỗi sợ hãi của mình đến cùng, thì một số người không bao giờ muốn trói buộc mình với ai.

 

Việc phụ nữ hiểu, chấp nhận, học cách nhận biết và tránh những tình huống tồi tệ là điều cần thiết.

 

Tôi nghĩ rằng phần lớn sự nhầm lẫn và hiểu lầm ở phụ nữ là hệ quả của việc tiếp cận vấn đề gắn kết theo hướng phiến diện. Ý tôi là, nỗi sợ gắn kết của đàn ông được tiếp cận và diễn giải hầu như chỉ qua cái nhìn của nữ giới, và đưa ra lời khuyên cũng từ cái nhìn đó. Nhưng đây là vấn đề bắt nguồn từ nhận thức của đàn ông chứ không phải của phụ nữ, và do vậy chỉ có thể được giải quyết bằng cách tìm hiểu và làm sáng tỏ nhận thức của đàn ông.

Nhưng đừng hiểu sai ý tôi. Nếu có vẻ như tôi dành phần lớn cuốn sách này nói về đàn ông và vấn đề của họ, thì không phải bởi tôi muốn bạn mất đi khả năng nhận biết nhu cầu của mình; mà điều này lại xảy ra quá thường xuyên, và thật là một sai lầm nghiêm trọng. Cũng không phải bởi tôi muốn bạn cảm thấy có lỗi, tiếc nuối, hay lo lắng cho anh ta. Tôi cũng không muốn bạn thay đổi gã ta hay trở thành bác sĩ trị liệu cho gã, vì chỉ có các chuyên gia mới có thể giúp anh ta được.

 

Tôi đưa ra những thông tin này để giúp chính bạn thấu hiểu bản thân mình. Bạn thấy đấy, để làm được điều gì đó cho vấn đề gắn kết, bạn phải hiểu chính xác những gì đang diễn ra trong đầu đối phương. Nếu không hiểu điều đó, bạn có thể vĩnh viễn bị anh ta kiểm soát. Nhưng khi hiểu ra, bạn sẽ có những công cụ cần thiết để biết chuyện gì đang xảy ra và làm chủ cuộc sống cũng như mối quan hệ của mình. Và chỉ khi đó, bạn mới có thể đạt được kiểu tình yêu bạn cần và xứng đáng.

Trích đoạn

Vấn đề là đây: Nhiều người đàn ông có nỗi sợ hãi tột cùng với sự gắn kết. Ngày nay, rất có thể bạn sẽ hẹn hò với ít nhất một gã đàn ông trốn tránh tình yêu. Đó có thể là người không gọi điện lại cho bạn sau buổi hẹn hò đầu tiên, một “cái đuôi” dai dẳng quyến rũ bỏ đi sau khi đã lên giường với bạn, người bạn trai đáng tin cậy cắt đứt mối quan hệ khi “đánh hơi” thấy khả năng phải tiến tới hôn nhân, hay một người đàn ông đợi sau khi đời bạn đã an bài bằng cuộc hôn nhân mới quay ra đáp trả sự độc ác của mình bằng cách chối từ nhu cầu tình cảm của bạn và trở thành kẻ phản bội hay lừa dối bạn. Tuy vậy, bất cứ khi nào điều đó xảy ra, bạn phải biết cách đối phó với gã đàn ông có quan điểm gắn kết khác thường đó. Với họ, tất cả những gì có liên quan tới bạn dưới tên gọi vợ, mẹ, chung sống với nhau vĩnh viễn, đều khiến anh ta sợ khiếp vía. Đó là lý do anh ta bỏ bạn. Bạn không hiểu điều đó. Bạn không nhận ra mình chính là mối đe dọa. Trên thực tế, thậm chí bạn còn không đòi hỏi quá nhiều ở người đàn ông này. Có thể coi là một sự an ủi, khi có lẽ anh ta cũng không hiểu nổi những phản ứng của bản thân giống như bạn. Tất cả những gì anh ta biết đó là mối quan hệ này “quá thân mật trên mức thoải mái”. Có gì đó không ổn trong chuyện này, và do vậy, bạn trở thành nguyên nhân khiến anh ta lo lắng.

 

Nếu nỗi sợ đủ lớn, người đàn ông này sẽ phá hoại đến cùng, hay chạy trốn khỏi bất kỳ mối quan hệ tốt đẹp, lâu dài nào. Anh ta mong chờ tình yêu, nhưng lại hoảng sợ và thực sự bị ám ảnh về sự gắn kết. Anh ta sẽ chạy trốn bất kỳ người phụ nữ nào đại diện cho “hạnh phúc mãi mãi”. Nói cách khác, một khi nỗi sợ quá lớn, người mắc chứng sợ gắn kết sẽ không thể yêu ai, cho dù anh ta có mong muốn bao nhiêu chăng nữa.

 

Nhưng đó không phải là những biểu hiện ban đầu của chứng bệnh này. Vào giai đoạn đầu của mối quan hệ, khi quan sát anh ta, bạn sẽ thấy đó là người đàn ông có vẻ cần và mong muốn tình yêu. Sự theo đuổi hiển nhiên và những bày tỏ cảm động của anh ta thuyết phục bạn rằng việc bạn tử tế đáp lại tình cảm của anh ta là “an toàn”. Nhưng ngay khi bạn làm điều đó, ngay khi bạn sẵn sàng mở lòng với tình yêu, ngay khi mối quan hệ đã đến lúc tiến triển, có điều gì đó thay đổi. Anh ta đột ngột trốn chạy, theo nghĩa bóng bằng cách không chịu chia sẻ và cố tình gây tranh cãi; hay theo nghĩa đen bằng cách biến mất và không hề có cuộc điện thoại nào nữa. Trong cả hai trường hợp, bạn đều bị bỏ rơi cùng những giấc mơ dang dở và lòng tự trọng bị tổn thương. Vậy điều gì đã xảy ra, sai lầm bắt đầu ở đâu, và tại sao nhiều phụ nữ lại rơi vào tình huống này như vậy?

ĐỌC THỬ

1. Sợ gắn kết

Vấn đề là đây: Nhiều người đàn ông có nỗi sợ hãi tột cùng với sự gắn kết. Ngày nay, rất có thể bạn sẽ hẹn hò với ít nhất một gã đàn ông trốn tránh tình yêu. Đó có thể là người không gọi điện lại cho bạn sau buổi hẹn hò đầu tiên, một “cái đuôi” dai dẳng quyến rũ bỏ đi sau khi đã lên giường với bạn, người bạn trai đáng tin cậy cắt đứt mối quan hệ khi “đánh hơi” thấy khả năng phải tiến tới hôn nhân, hay một người đàn ông đợi sau khi đời bạn đã an bài bằng cuộc hôn nhân mới quay ra đáp trả sự độc ác của mình bằng cách chối từ nhu cầu tình cảm của bạn và trở thành kẻ phản bội hay lừa dối bạn. Tuy vậy, bất cứ khi nào điều đó xảy ra, bạn phải biết cách đối phó với gã đàn ông có quan điểm gắn kết khác thường đó. Với họ, tất cả những gì có liên quan tới bạn dưới tên gọi vợ, mẹ, chung sống với nhau vĩnh viễn, đều khiến anh ta sợ khiếp vía. Đó là lý do anh ta bỏ bạn. Bạn không hiểu điều đó. Bạn không nhận ra mình chính là mối đe dọa. Trên thực tế, thậm chí bạn còn không đòi hỏi quá nhiều ở người đàn ông này. Có thể coi là một sự an ủi, khi có lẽ anh ta cũng không hiểu nổi những phản ứng của bản thân giống như bạn. Tất cả những gì anh ta biết đó là mối quan hệ này “quá thân mật trên mức thoải mái”. Có gì đó không ổn trong chuyện này, và do vậy, bạn trở thành nguyên nhân khiến anh ta lo lắng.

Nếu nỗi sợ đủ lớn, người đàn ông này sẽ phá hoại đến cùng, hay chạy trốn khỏi bất kỳ mối quan hệ tốt đẹp, lâu dài nào. Anh ta mong chờ tình yêu, nhưng lại hoảng sợ và thực sự bị ám ảnh về sự gắn kết. Anh ta sẽ chạy trốn bất kỳ người phụ nữ nào đại diện cho “hạnh phúc mãi mãi”. Nói cách khác, một khi nỗi sợ quá lớn, người mắc chứng sợ gắn kết sẽ không thể yêu ai, cho dù anh ta có mong muốn bao nhiêu chăng nữa.

Nhưng đó không phải là những biểu hiện ban đầu của chứng bệnh này. Vào giai đoạn đầu của mối quan hệ, khi quan sát anh ta, bạn sẽ thấy đó là người đàn ông có vẻ cần và mong muốn tình yêu. Sự theo đuổi hiển nhiên và những bày tỏ cảm động của anh ta thuyết phục bạn rằng việc bạn tử tế đáp lại tình cảm của anh ta là “an toàn”. Nhưng ngay khi bạn làm điều đó, ngay khi bạn sẵn sàng mở lòng với tình yêu, ngay khi mối quan hệ đã đến lúc tiến triển, có điều gì đó thay đổi. Anh ta đột ngột trốn chạy, theo nghĩa bóng bằng cách không chịu chia sẻ và cố tình gây tranh cãi; hay theo nghĩa đen bằng cách biến mất và không hề có cuộc điện thoại nào nữa. Trong cả hai trường hợp, bạn đều bị bỏ rơi cùng những giấc mơ dang dở và lòng tự trọng bị tổn thương. Vậy điều gì đã xảy ra, sai lầm bắt đầu ở đâu, và tại sao nhiều phụ nữ lại rơi vào tình huống này như vậy?

“Một ngày nọ anh ta nói rằng chúng tôi là một cặp hoàn hảo. Nhưng ngay ngày hôm sau, chúng tôi không còn ở bên nhau nữa. Có chuyện gì đã xảy ra vậy?”

Jamie vẫn còn nhớ rõ cảm xúc của mình ngày cô gặp Michael.

“Tôi vừa bước sang tuổi hai tám, và mặc dù chưa từng yêu ai, tôi vẫn cảm thấy khá hài lòng về mọi chuyện. Tôi vừa hoàn thành tuần làm việc đầu tiên của mình, một công việc hoàn toàn mới – trợ lý hành chính cho một công ty ba-lê lớn. Tôi yêu công việc này bởi tôi thích khiêu vũ. Tôi thuê được một căn hộ đơn độc lập với cửa sổ nhô ra ngoài, và đủ tiền dư trong ví để mua vé tham dự buổi hòa nhạc Mostly Mozart. Sau buổi hòa nhạc, bạn cùng phòng cũ mời tôi đến dự một bữa tiệc. Suýt nữa thì tôi không đi. Chính nơi này, tôi đã gặp Michael. Hôm đó tôi mặc một cái váy dài màu trắng hồng cùng áo sơ mi dài. Anh ta tiến tới gần tôi và nói: ‘Trông em giống như một cây kem ốc quế vậy.’”

Jamie nói rằng có điều gì đó trong cách tiếp cận thẳng thắn của Michael khiến cô phải lẩn tránh anh suốt buổi tối hôm đó, nhưng khi về nhà, cô nhận được tin nhắn của anh ta từ máy trả lời tự động mời cô đi ăn vào hôm sau. Cô quyết định từ chối lời đề nghị. Không phải vì Michael không hấp dẫn. Anh ta rất quyến rũ. Nhưng đó không phải tuýp đàn ông của cô. Anh ta hơi “chảnh”, quá nuông chiều bản thân, nói thực là, quá kiêu ngạo.

Ngày hôm sau anh ta gọi điện trong lúc cô đang giặt quần áo, và để lại một tin nhắn khác. Trước khi cô có thời gian nghĩ về điều đó, điện thoại lại reo. Là anh ta gọi. “Được rồi,” anh ta nói, “thế còn bữa tối nay thì sao?” Khi cô nói mình có việc bận, anh ta gợi ý đi ăn vào ngày Chủ nhật. Cô nói cô không đi được. Và rồi, sợ rằng mình cư xử bất lịch sự, cô bắt đầu trò chuyện. Họ kết thúc cuộc điện thoại sau mười lăm phút. Cô không nhớ cả hai đã nói những chuyện gì, chỉ nhớ đó là cuộc chuyện trò vui vẻ, và cô biết anh là người viết quảng cáo với mức lương cao chót vót.

“Suốt một tuần liền, tôi cứ nghĩ mãi về chuyện này và băn khoăn liệu mình có sai lầm không khi từ chối đi chơi với anh ta. Tôi cũng chẳng phải người hay được những người đàn ông điển trai năn nỉ đi ăn tối cùng (thậm chí tôi còn không có cuộc hẹn hò nào trong sáu tháng qua). Như thường lệ, tôi kết luận rằng mình quá kén chọn, quá kiêu kỳ. Thứ Sáu đó, tôi đi xem phim với một người bạn, cô ta than thở cả buổi về việc mình và bạn trai sẽ đi đâu vào kỳ nghỉ của hai người. Thứ Bảy, tôi ở nhà xem bộ phim ‘Những cô gái vàng’ và thấy tội nghiệp chính mình.”

Tôi nhận ra rằng nhiều phụ nữ lo lắng họ có thể sẽ đánh mất cơ hội yêu cuối cùng của mình. Jamie không phải là ngoại lệ. Khi Michael gọi điện lại vào thứ Tư tuần sau, cô không từ chối nữa. Họ gặp nhau và đi ăn tối. Anh ta khiến cô ngạc nhiên vì tỏ ra rất cởi mở về cuộc sống của mình cũng như việc chăm chú lắng nghe cô kể chuyện. Sự nhạy cảm của anh ta thật quá cảm động. Michael nói anh ta đã tìm được người phụ nữ tập trung vào công việc và có tính hợp tác hơn là cứ kè kè bên cạnh anh ta. Khi mọi chuyện đã êm giầm, anh ta nói rất muốn có một người phụ nữ như Jamie, người biết xếp các ưu tiên theo thứ tự. Cô hài lòng vì anh ta ngưỡng mộ các ưu tiên của mình, nhưng cô tự hỏi làm thế nào anh ta biết được điều đó. Anh ta nói mình nhận ra đã đến lúc nghĩ về việc nuôi một con chó, mua một chiếc xe tải nhỏ, và cưới vợ, nhưng “không nhất thiết phải theo thứ tự đó”. Anh ta bảo rằng anh ta biết điều đó sẽ giúp mình dành nhiều thời gian cho viết lách và ít thời gian vào việc quảng cáo hơn. Anh ta nói với Jamie rằng việc cô đã từng viết nhạc là một điều thật tuyệt vời. “Có lẽ nếu mọi chuyện giữa hai ta ổn thỏa, chúng ta sẽ chuyển đến sống tại một căn nhà lớn kiểu Victoria ở ngoại ô. Anh có thể viết cuốn Đại Tiểu thuyết Mỹ trong thư viện, còn em chơi piano trong phòng khách.” Jamie không ngại nói với anh ta rằng cô thích hard rock, nhưng cô đã bị mê hoặc bởi viễn tưởng đó.

“Khi Michael chúc tôi ngủ ngon, anh hỏi tôi có thích biển không. Tôi yêu biển, và rồi chúng tôi hẹn hò vào Chủ nhật. Hôm đó anh đã rất quan tâm chăm sóc tôi. Anh bôi kem chống nắng lên vai tôi, dẫn tôi đi lướt sóng và trông chừng để tôi trụ vững trước những con sóng… Tôi đến từ miền Trung Tây nên không quen với đại dương. Sau đó chúng tôi tới một nhà hàng nhỏ kỳ lạ của dân địa phương. Anh nói nước chấm ngao của nhà hàng này rất ngon, đúng thật là như vậy. Họ xếp bàn cạnh biển, tôi thật sự thích điều này. Việc Michael quá quan tâm chăm chút khiến tôi e dè. Anh còn phết bơ lên bánh mì cho tôi nữa. Anh đùa giỡn mái tóc tôi, hôn cổ tôi khi không ai để ý, và làm cho tôi cảm thấy hoàn toàn không thể cưỡng lại được.”

Không nói cũng biết, khi họ về đến căn hộ của cô, anh ta muốn ở lại đó qua đêm. Nhưng Jamie không đồng ý. Ngay cả khi Michael giải thích rằng họ đã ở bên nhau một ngày, nói với nhau nhiều điều như thể đã hẹn hò được hơn một tháng rồi, Jamie vẫn không tin anh ta thích cô như những gì anh ta đã nói với cô. Cô không nghĩ mình là tuýp người anh thích.

Tuần đó anh ta có việc phải ra khỏi thị trấn vài ngày, nhưng mỗi đêm vẫn không ngừng nói chuyện điện thoại hàng giờ liền với cô trong phòng khách sạn. Cô nghĩ đó là lúc mình bắt đầu tin tưởng sự theo đuổi của anh ta. Anh ta sắp xếp một buổi hẹn hò vào tối thứ Sáu. Khi bữa tối xong xuôi, chắc chắn anh ta sẽ về nhà cùng cô, và họ ở lại đấy cho đến sáng Chủ nhật.

“Trong thâm tâm tôi không nghi ngờ gì cả. Tôi bắt đầu chú ý đến Michael vì anh cũng có vẻ thực sự thích tôi. Tôi bị choáng ngợp trước tình cảm mà anh ta dành cho và mong đợi ở tôi. Tôi thích điều đó, nó làm tôi thấy an toàn và được che chở. Tôi nghĩ đó là điều tôi nhớ nhất khi mọi chuyện kết thúc. Tôi thực sự không cuồng nhiệt trong chuyện “yêu” như Michael. Anh ta luôn nồng nàn hơn tôi, nhưng tất nhiên tôi không để anh ta biết điều đó. Sao tôi có thể làm vậy chứ? Anh ta không ngừng nói, ‘Em thật hoàn mỹ. Anh không biết chúng ta lại hợp nhau đến thế.’ Thêm vào đó, tôi yêu, và tôi nghĩ rằng một khi cơ thể và cảm xúc của mình kết nối với nhau, mọi chuyện sẽ ổn cả. Anh ta đã nói với tôi mọi thứ về cuộc sống của mình, từ những mối quan hệ với đám bạn thân cho đến những vấn đề với cha mình và sự bất mãn ở công ty. Lúc ấy tôi không nhận ra điều này, nhưng tôi bắt đầu trở thành chuyên gia về cuộc sống của Michael. Sau khi mối quan hệ chấm dứt, tôi nghĩ tôi biết và nhớ nhiều về cuộc đời anh ta hơn bản thân anh ta. Khi anh ta rời khỏi nhà tôi vào tối Chủ nhật, tôi tưởng đó là sự khởi đầu cho điều gì đó đặc biệt.”

“Anh ta không gọi cho tôi hàng đêm như vài tuần trước nữa mà gọi cho tôi hàng ngày, tại chỗ làm. Chỉ là một thay đổi nhỏ, không phải thứ cần bận tâm nhiều lắm. Một lần nữa, anh ta nói sẽ không thể gặp tôi suốt cả tuần. Anh ta có công việc, những kế hoạch đã ấn định, và nghìn lẻ một việc phải làm. Nhưng một lần nữa anh lại đến vào thứ Sáu, và chúng tôi lại bò lăn trên giường, ăn đồ ăn Trung Quốc trong hộp, và anh ta tự nói xấu mình. Vào tối thứ Bảy, chúng tôi xem một bộ phim chiếu trên TV, thi thoảng tôi lại đứng dậy lấy Coke cho anh ta. Khi tôi đưa đồ uống cho anh ta, anh nhìn rất ngụ ý và nói, ‘Anh yêu em’. Khi chúng tôi đi ngủ, anh ta bạo dạn về mọi thứ. Anh ta nói, ‘Anh yêu em’. Anh ta có vẻ yêu tôi rất nhiều đến mức khiến cho những nghi hoặc còn sót lại trong tôi tan biến. Tôi nhớ mình đã nghĩ rằng có lẽ cuối cùng tôi đã đủ trưởng thành để biết trân trọng một người đàn ông thực sự yêu mình. Vào giây phút đó, tôi cảm thấy mình may mắn khi được yêu, và tôi sẵn sàng yêu anh ta, làm bất cứ điều gì có thể để khiến anh vui và tiếp tục công việc làm ăn. Tôi băn khoăn liệu anh ta có hòa đồng với bạn bè không, và liệu tôi có hợp với bố mẹ anh ta không. Tôi nghĩ mình quá ngây thơ, nhưng đối với tôi, tình yêu gắn liền với hôn nhân. Tôi không nhận ra rằng hai thứ đó chẳng hề liên quan đến nhau. Tôi chỉ nghĩ về tương lai mà không hề hay biết mối quan hệ đang dần trở nên tồi tệ.

“Và rồi, vào sáng Chủ nhật, anh ta thức dậy, nói mình phải đi vì mấy người bạn cùng phòng được ai đó rủ đi ăn và anh ta phải có mặt ở đó. Tôi tự hỏi tại sao anh ta không đưa tôi đi cùng, nhưng tôi không muốn gây căng thẳng. Tôi cũng không muốn đòi hỏi hay nài nỉ ‒ tôi muốn một mối quan hệ dựa trên sự tin cậy và tôn trọng lẫn nhau. Dù vậy, điều đó vẫn khiến tôi thấy buồn. Ngạc nhiên là chúng tôi vẫn hẹn hò với nhau trong năm tháng tiếp theo, và tôi chưa bao giờ được gặp bạn cùng phòng của anh ta.”

Vào cuối tuần này, Michael lên một lịch trình kéo dài đến vài tháng sau. Anh ta gọi cho Jamie hàng ngày tại chỗ làm và sắp xếp hẹn hò với cô vào cuối tuần. Anh ta đến nhà cô vào tối thứ Sáu. Họ đi chơi và làm tình gần như trong suốt những ngày cuối tuần. Thỉnh thoảng, họ đi xem phim hay đi ăn tiệm. Nhưng theo Jamie nhớ, phần lớn thời gian họ ở trong căn hộ của cô.

“Michael tiếp tục than thở với tôi rằng anh ta quá mệt mỏi với công việc, rằng tôi là chỗ dựa của anh ta, người duy nhất anh ta muốn ở bên. Một lần nữa bạn phải hiểu rằng, tình dục giờ đây thật tuyệt vời. Tôi đã tin tưởng vào tình dục, sự gắn bó, và cả tình bạn nữa. Anh ta kể cho tôi nghe mọi điều về mình. Anh ta nói tôi khiến anh thấy hạnh phúc. Tôi hoàn hảo. Chúng tôi là một đôi hoàn hảo, ấm áp, gắn bó và hoàn hảo.”

Trong khoảng thời gian đó, Jamie chỉ gặp một người bạn của Michael, trong một lần lúc đi uống nước, cô nghĩ chắc là tình cờ thôi. Vào thứ Sáu, mẹ anh ta, sống tại Connecticut, tới New York vài hôm. Michael đi ăn tối với bà và Jamie tưởng cô sẽ được mời, nhưng Michael bảo rằng bố mẹ anh ta thực sự khó chấp nhận những cô gái mới, và anh muốn có sự chuẩn bị. Và rồi đột nhiên, vào dịp Lễ Tạ Ơn, ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ, Michael không ngừng bảo cô rằng họ là một đôi, nhưng Jamie thừa biết những gì xảy ra trong kỳ nghỉ là chứng cứ rõ ràng cho thấy họ là một đôi gắn bó ra sao.

“Anh ta gặp bố mẹ mình mà không mời tôi. Tôi đã rất buồn. Chắc anh ta thấy xấu hổ, nên tối thứ Tư vừa rồi, anh ta đến đem theo một chai rượu và vài bông hoa. Anh ta nói thấy tồi tệ vì đã để tôi một mình. ‘Nếu thế anh đừng bỏ đi,’ tôi bảo. ‘Nếu anh thực sự nghĩ bố mẹ anh không chấp nhận em, tại sao anh không thể ở lại cùng em? Anh là người trưởng thành rồi, hãy ở đây với em. Hãy để em là ưu tiên trước nhất của anh.’ Nhưng anh ta nói mình không thể làm vậy.”

“Một chuyện còn tồi tệ hơn khi anh ta phải làm lại sơ yếu lý lịch, và tôi phải nhận đánh máy nó bằng phần mềm soạn thảo văn bản ở công ty. Tôi đã phải làm việc đó vào thứ Sáu sau Lễ Tạ Ơn. Anh ta quay lại vào thứ Hai, tôi mong anh ta gọi cho tôi ngay lập tức. Nhưng anh ta đã không làm thế. Anh ta không gọi điện cho tới tận thứ Tư, khi anh ta hỏi tôi có muốn đi uống cà phê với mình không. Tôi để tâm tới điều này vì anh ta chưa bao giờ gặp tôi vào giữa tuần nếu hôm sau anh ta phải đi làm. Tôi tưởng điều đó đồng nghĩa với việc anh ta đã nghĩ về mối quan hệ giữa chúng tôi và sẵn sàng dành nhiều thời gian hơn cho nó. Anh ta tới căn hộ của tôi, nhận hồ sơ, và sau đó chúng tôi lên giường. Anh ta nói mình phải về nhà ngủ vì không đem theo quần áo. Đứng ở cửa, anh ta nói, ‘Anh yêu em.’ Và không nhắc gì đến cuối tuần này cả. Cả tôi cũng vậy. Tôi nghĩ đó là chuyện bình thường. Nhưng tôi bắt đầu chú ý. Tôi định sẽ hỏi thẳng anh ta, nhưng đợi đến khi chúng tôi có thời gian nói chuyện này đã. Thứ Sáu trôi qua, anh ta không gọi điện để hẹn hò nữa. Tôi bắt đầu gọi cho mấy cô bạn hỏi xem mình nên làm gì. Lời khuyên chung đó là bình tĩnh và không nên quá tức giận. Thêm vào đó, rất có thể anh ta chỉ đang bận họp hay vướng việc gì đó thôi. Nhưng anh ta đã không gọi điện.

“Tôi không bao giờ quên cảm giác của mình vào thứ Sáu đó sau giờ làm. Tôi đoán mối quan hệ này đã chấm dứt, nhưng không chấp nhận nổi thực tế ấy. Tại sao chúng tôi lại lên giường vào thứ Tư nếu đây là sự thực? Và tôi cũng lo – phải, tôi biết điều này nghe thật ngớ ngẩn, nhưng đó là những gì tôi nghĩ – rằng có gì không ổn xảy ra với anh ta. Đến mười giờ, không thể chịu đựng thêm nữa, tôi gọi tới căn hộ của anh ta. Dĩ nhiên, máy trả lời tự động nhận cuộc gọi. Tôi dập máy, cảm thấy xấu hổ khi nghĩ rằng anh ta sẽ biết đó là tôi. Tôi quay số lần nữa và để lại tin nhắn. Khi gọi cho tôi vào thứ Bảy, anh ta nói anh ta biết đáng ra nên gọi điện cho tôi, nhưng anh ta quá bận. Giờ anh ta phải quay về Connecticut vì cha mẹ bắt anh ta phải tham dự một bữa tiệc gia đình. Tôi đã cố gắng hết sức để không nài nỉ anh ta cho tôi đi cùng. Anh ta nói sẽ gọi cho tôi khi quay về, và anh ta đã gọi, vào Chủ nhật. Trên thực tế, anh ta đã đến chỗ tôi. Như thường lệ, đó lại là một ngày ấm áp và tuyệt vời với chúng tôi. Anh ta ngủ gật trước ti-vi, còn tôi treo áo khoác của anh ta lên. Khi cầm áo, tự nhiên tôi thấy một tờ hóa đơn rơi ra khỏi túi. Đó là của một nhà hát tại New York, và vào đêm trước đó. Đó là cách tôi biết anh ta không đến Connecticut. Anh ta đã nói dối tôi.”

Từ đó trở đi, Michael thay đổi cách cư xử. Có một số ngày anh ta gọi điện. Những ngày khác thì không. Anh ta tiếp tục đòi gặp Jamie, nhưng không phải theo lịch trình cũ.

“Anh ta bảo mình có quá nhiều việc ở công ty, và nhấn mạnh vào áp lực phải chịu. Tuần đầu sau Lễ Tạ Ơn, anh ta gặp tôi vào thứ Sáu và về nhà vào thứ Bảy. Tuần sau đó, anh ta gặp tôi vào thứ Bảy và về nhà ngay sau bữa tối mà không đưa ra bất kỳ lý do chính đáng nào. Những lúc đó anh ta không ngừng nói yêu tôi, và xin tôi kiên nhẫn thêm một thời gian nữa. Mỗi khi anh ta đến, tôi thấy mình mất khá nhiều thời gian chuẩn bị những món ăn ngon và cố gắng trông thật ổn. Tôi không biết phải làm gì để lại khoảng thời gian tươi đẹp trước kia. Tình trạng này có lẽ sẽ kéo dài lâu hơn nếu như Giáng sinh không tới quá nhanh. Tôi không có đủ thời gian và tiền nong để về nhà. Mà tôi lại không muốn ở một mình, cho nên tôi đoán mình đã đưa ra những đề nghị anh ta không chấp nhận nổi. Tôi muốn chúng tôi ở bên nhau vào kỳ nghỉ này, nhưng anh ta không thể hứa được. Anh ta nói anh ta nhận ra rằng mình đang cư xử không công bằng, và cảm thấy rất bối rối. Anh ta đổ lỗi cho công việc ở công ty. Anh ta nói cần thêm thời gian suy nghĩ thêm về “một số thứ.” Tôi hỏi có phải anh ta có người khác không. Anh ta chối bay, nhưng tôi không tin.

“Cuối cùng, vào tuần trước Giáng Sinh, chúng tôi gặp nhau sau sự nài nỉ của tôi. Tôi hỏi đã có chuyện gì xảy ra giữa chúng tôi. Anh ta nói rằng ‘những kiểu nghệ sĩ hơi quá kì quặc’ đối với mình, và anh ta buộc phải tránh xa sự căng thẳng của tôi. Hãy tin tôi đi, tôi chưa bao giờ làm điều gì kỳ quặc dù chỉ là đôi chút. Tôi cố gắng gợi cho anh ta nói về điều này nhưng anh ta không hé miệng mà chỉ luôn nói tôi quá căng thẳng.

“Anh ta gọi cho tôi một lần nữa để chúc mừng Giáng sinh, rồi dập máy. Tôi tức giận đến nỗi gọi lại và gào lên với anh ta. Anh ta bảo không thể nói chuyện khi tôi đang mất kiểm soát quá như vậy. Lẽ ra tôi phải bắt anh ta gặp tôi để trực tiếp nói cho anh ta biết mình đã thất vọng thế nào, nhưng lại sợ anh ta từ chối. Sau khi dập máy, tôi cảm thấy tội lỗi vì sự hò hét vừa rồi và muốn xin lỗi anh ta. Ngay cả khi biết rõ hơn, tôi vẫn lo mình đã không hiểu hết mọi chuyện để đến giờ trở nên kỳ quặc và căng thẳng, và anh ta có nguyên do chính đáng để chia tay tôi. Tôi muốn gọi lại, nhưng lại sợ anh ta sẽ dập máy. Thế đấy, mọi chuyện đã chấm dứt.”

Sau khi mọi chuyện chấm dứt

Như Jamie vừa nói với tôi, mối quan hệ này gây cho cô nhiều đau đớn. Và càng tồi tệ hơn khi mọi chuyện đổ vỡ trong kỳ nghỉ Giáng sinh. Cô nói rằng tâm trí cô không ngừng bị ám ảnh. Cô không thể chấp nhận thực tế “Michael của cô”, người đã nói với cô rằng anh ta yêu cô, lại có thể đối xử với cô như vậy. Cô đổ lỗi cho những người khác. Cô đổ lỗi cho bạn bè, tuổi thơ, và mối quan hệ giữa anh ta với cha mẹ. Nhưng hầu như cô chỉ đổ lỗi cho bản thân mình. Cô biết rằng Michael rất khó tin tưởng ai đó. Đáng ra cô đã phải làm việc chăm chỉ hơn để gây dựng lòng tin nơi anh ta trước khi cãi vã. Nhưng một lần nữa, có lẽ cô đã đối mặt với anh ta quá muộn. Nếu cô nói ngay vào ngày Chủ Nhật đầu tiên khi anh ta ra ngoài ăn mà không đi cùng cô, có lẽ mối quan hệ này đã khác.

Có thể anh ta chưa bao giờ thực sự yêu cô. Có lẽ cô không phải là mẫu người của anh ta. Hoặc cô đơn giản chỉ là mẫu người thỏa mãn ham muốn của anh ta. Có thể tất cả những gì anh ta muốn chỉ là ngủ với cô. Nhưng điều đó cũng thật vô lý. Và trên thực tế, chẳng có gì là hợp lý với Jamie ngoại trừ việc cô cảm thấy vô cùng đau khổ. Cô nhớ lại tất cả những gì anh ta nói với cô lúc ban đầu, và khẳng định rằng phải có điều gì ở cô khiến anh ta bỏ cô. Có thể nếu thay đổi điều đó, cô sẽ khiến anh ta quay lại. Nhưng chẳng phải anh ta là loại đàn ông tồi hay sao. Tại sao cô muốn anh ta quay lại chứ?

“Tôi thực sự cảm thấy bị phản bội. Anh ta nói yêu tôi, và tôi tin anh ta, tôi tưởng tình yêu này là thực. Nhưng thực tế nó khiến tôi đau khổ đến mức bản thân tôi không biết phải làm gì nữa. Tôi ra ngoài và mua hết số sách viết về chuyện tình yêu mà tôi tìm thấy được. Tôi có người bạn đã từng gặp phải tình huống tương tự. Chúng tôi nói chuyện điện thoại hàng giờ liền, chỉ xoay quanh chuyện đối thoại với những người đàn ông của mình. Cuối cùng, tôi phải đi gặp bác sĩ tâm lý, mà tôi còn chẳng đủ khả năng để trả tiền cho họ nữa. Chẳng có gì thực sự có nghĩa cả. Nhân tiện, tôi phải nói rằng tôi đã thôi nói chuyện với vài người bạn. Thường khi tôi cố gắng chia sẻ những gì đã xảy ra, họ nhìn tôi như thể tôi đang làm quá lên cả sự theo đuổi và chối từ của anh ta. Điều đó khiến tôi thấy xấu hổ và đáng thương. Nhưng tôi không thể hiểu anh ta có thể nói yêu tôi thế mà lại cư xử với tôi như thế được.”

Jamie nói cô cứ nghĩ rằng phải có uẩn khúc gì đó, và phải có manh mối giúp cô tìm ra lời giải thích hợp lý. Nhưng nó là gì? Tại sao Michael lại thay đổi? Tại sao anh ta lại đối xử tệ bạc với cô như thế? Làm thế nào một người đàn ông nhạy cảm lại xử sự quá nhẫn tâm thế? Làm sao người đàn ông có vẻ như yêu cô rất nhiều lại có thể quay lưng lại với cô như vậy? Chuyện gì đã xảy ra? Sai ở đâu? Tại sao mối quan hệ của họ lại kết thúc? Tại sao anh ta lại chạy trốn tình yêu?

Câu chuyện của tôi

Trước khi trả lời những câu hỏi trên, tôi phải xét lại mối quan hệ của chính mình với phụ nữ, và có vẻ như tôi là người đàn ông đầu tiên trong quyển sách này thừa nhận những cảm giác của chứng sợ gắn kết. Khi mối quan hệ gần đây nhất chấm dứt, tôi không thể không để ý rằng có điều gì đó sai lầm nghiêm trọng trong cách cư xử của tôi với phụ nữ. Những lý do của tôi cho việc không thể gắn bó lâu dài với một ai đó bỗng nhiên trở thành vô nghĩa. Chúng có lý khi tôi hai mươi, hai lăm tuổi; nhưng khi qua tuổi ba mươi, chúng trở nên vô dụng. Những gì tôi thấy trong quá khứ như những sự cố riêng biệt hoặc những sự kiện nhỏ ngớ ngẩn đã bắt đầu kết tủa lại thành một lối sống. Tôi biết đã đến lúc cần phải làm điều gì đó.

Cuộc thử nghiệm muộn có lẽ được tăng tốc nhờ những trùng hợp ngẫu nhiên trong công việc và cuộc sống riêng của tôi. Trớ trêu thay, khi mối quan hệ gần đây nhất bắt đầu có dấu hiệu tan vỡ, tôi đang trên đường đi tour ký tặng sách với vai trò là một “đạo sĩ” về các mối quan hệ tương tác giữa con người. Thật nực cười, tôi bắt đầu đặt ra nhiều câu hỏi bằng với số câu trả lời.

Những khán giả của tôi phần lớn là phụ nữ. Điều này khá điển hình vì, như ai cũng biết, phụ nữ thường thích nói chuyện về các mối quan hệ hơn đàn ông. Họ hay đặt nhiều câu hỏi hơn, cởi mở và ít bị lòng tự tôn đe dọa. Rất nhiều người trong số đó thực sự chán nản, và nhiều người kể rằng họ đang cố cứu vãn mối quan hệ với người đàn ông chạy trốn khỏi một mối quan hệ bền vững. Họ trải qua quá nhiều cảm xúc đến mức tôi tưởng như chính mình đang phải đối mặt với một trận tuyết lở.

Tôi thích trò chuyện với những phụ nữ này. Được coi như Anh Chàng Nhạy Cảm, Anh Chàng Thấu Hiểu, Anh Chàng Ga-lăng thật là tuyệt vời, nhưng đó thực sự là một sự mỉa mai. Khi ngừng nghĩ về những mối quan hệ của mình, tôi không thể không nhận thấy nhiều lần tôi cũng chẳng khác gì những kẻ “khốn nạn” đó. Tôi chưa bao giờ đưa bất kỳ mối quan hệ nào của mình lên mức cao nhất. Tôi không hề nghĩ đến điều đó. Cách cư xử của tôi rõ ràng cho thấy tôi sợ sự gắn kết. Tôi chưa bao giờ thực sự cố gắng trong chuyện này. Chắc chắn tôi chỉ nói suông, nhưng khi nghĩ về điều đó, tôi đã nhận ra tại sao nhiều lần tôi thấy không thể chấp nhận được một phụ nữ tương đối hoàn hảo – một cái cớ tầm thường để kết thúc mối quan hệ với họ.

Cái cớ tầm thường cho việc không thể gắn bó – một vấn đề phổ biến

Tôi nhớ lại tất cả những lần nói chuyện với đàn ông về tình dục, tình yêu, mối quan hệ, và tất cả những lý do biện hộ cho việc họ không thể chấp nhận người phụ nữ hay việc mối quan hệ phải chấm dứt chung quy lại đều ở việc người phụ nữ đó “quá đòi hỏi,” “quá thấp bé,” “cao lêu đêu,” “quá mập,” “chuyện gì xảy ra nếu cô ấy mắc chứng biếng ăn?” “mẹ cô ấy quá khó tính”, “cô ấy nuôi một con mèo điên,” “cô ấy chọn sai nghề,” “cô ấy làm cùng nghề với tôi,” cô ấy có, cô ấy là,…” Nghe có vẻ khó tin, nhưng có lẽ những người đàn ông “không hạnh phúc” này – những kẻ tìm ra quá nhiều lý do giải thích tại sao một mối quan hệ kết thúc, tại sao họ không thể tìm được người phụ nữ trong mơ, tại sao họ chưa bao giờ gắn bó lâu dài với một ai – chính là những kẻ mà những phụ nữ tôi gặp đang kết tội? Liệu có phải tất cả những lời phàn nàn tôi nghe được từ đàn ông chỉ đơn thuần là công cụ che đậy nỗi sợ gắn kết hay không? Có phải tất cả những người đàn ông này, theo tôi cảm nhận, chỉ là những kẻ “cáo đội lốt cừu” hay không?

Sự mâu thuẫn giữa những gì đàn ông nói và làm

Có một câu phàn nàn phổ biến của chị em phụ nữ: Anh ta nói một đằng làm một nẻo. Rất nhiều phụ nữ nói đến sự đối nghịch này, do vậy tôi quyết định tìm hiểu kỹ hơn. Chắc chắn điều này đúng với nhiều người đàn ông độc thân mà tôi quen. Chúng ta nói mình không muốn gì hơn ngoài một cuộc hôn nhân hạnh phúc, nhưng đó không phải điều chúng ta đang làm. Tại sao vậy? Tôi không nghĩ mình là người duy nhất nhận ra mình đã “trữ sẵn” những lý do phức tạp cho việc không duy trì một mối quan hệ cụ thể, nhưng tôi quyết định phải kiểm tra lại cho chắc. Tôi yêu cầu đàn ông nói sự thật. Tôi mong đợi những câu trả lời thẳng thắn, và tôi nghĩ mình biết cách để có được chúng. Nhưng trước khi nói chuyện với họ, tôi thấy cần phải lắng nghe phụ nữ để biết đích xác họ đang phàn nàn về điều gì. Khi phỏng vấn đàn ông, tôi muốn có những bằng chứng cụ thể. Phụ nữ cảm thấy họ bị đối xử bất công ra sao, và họ nghĩ điều gì đang diễn ra? Tôi cần nói chuyện với phụ nữ trước đã.

Nói chuyện với phụ nữ

Tôi bắt đầu bằng việc phỏng vấn khoảng năm mươi phụ nữ độc thân. Tất cả họ đều quyến rũ, cầu tiến, hiện đại, có rất nhiều thứ mà đàn ông mong muốn. Tôi cố gắng phỏng vấn số lượng phụ nữ độc thân, ly hôn, và kết hôn bằng nhau nhằm tránh cái nhìn phiến diện. Tôi cũng chọn phụ nữ đến từ nhiều vùng miền trong nước và có điều kiện kinh tế khác nhau. Tôi trực tiếp thu thập các câu chuyện về những mối quan hệ của họ và những tình huống họ gặp phải. Một số câu chuyện quá kinh khủng. Tôi lắng nghe, cố gắng không cho họ biết mình bị sốc ra sao khi họ nói về kiểu đàn ông họ tin tưởng biến mất trong màn đêm, mất hút nhanh như một làn khói tan. Tôi lắng nghe hai câu chuyện khác nhau về việc người tình của họ chấm dứt mối quan hệ bằng cách bỏ đi trong khi họ đang tắm, và không bao giờ quay số gọi lại. Một người phụ nữ nói rằng vị hôn phu của cô đi dạo ngoài phòng khách sạn ở Rome để mua một bao thuốc lá và không bao giờ quay trở lại. Trong các trường hợp trên, giữa họ không hề có tranh cãi hay nói lời khó nghe. Nhiều phụ nữ nói với tôi về người đàn ông rút khỏi kế hoạch cưới xin đến mức tôi không nhớ hết. Một người khác kể rằng người đàn ông cô sắp lấy làm chồng đã gia nhập Tổ chức Hòa bình Mỹ ngay khi lễ cưới đến gần, và bay đến Bangkok hai ngày trước lễ cưới. Tôi xin nhấn mạnh là anh này tự bỏ đi. Những người khác nói với tôi về những mối quan hệ mà trong đó những kẻ theo đuổi nồng nhiệt trở thành kẻ thù câm lặng, đầy giận dữ ngay sau khi phụ nữ đồng ý một trong những việc sau: dọn nhà đến ở cùng, cưới, có con.

Về căn bản, tất cả những người phụ nữ này đều nói về cùng một vấn đề: họ bị bỏ rơi và phản bội trong một mối quan hệ mà gã đàn ông đã làm đủ mọi cách để có được tình cảm của họ.

Nói chuyện với đàn ông

Có trong tay những câu chuyện trên cùng sự tự tin, tôi bắt đầu phỏng vấn đàn ông. Người đầu tiên tôi tiếp xúc khá thông minh và bình thường. Tôi sử dụng cùng một tiêu chí như với phụ nữ. Nhiều người trong số họ được giáo dục tử tế. Phần lớn chỉ nói suông về phong trào của phụ nữ. Họ tự nhận là người nhạy cảm trước vấn đề của phụ nữ. Câu hỏi đặt ra là: những người đàn ông thông minh, bình thường, được nuôi dưỡng đầy đủ có đối xử tệ bạc với phụ nữ hay không? Họ đã làm gì, họ làm điều đó thế nào, và quan trọng nhất, tại sao họ lại làm thế?

Tôi không biết mình mong đợi điều gì, nhưng tôi bị choáng ngợp trước những gì cánh đàn ông nói. Không quan hệ với loại đàn ông mắc chứng sợ gắn bó. Nhưng thế nào đó, tôi cho rằng đó là những loại đàn ông khác nhau, thiểu số, chứ không phải kiểu người mình biết. Tôi đã lầm. Tôi nhận ra rằng một số người đàn ông tôi tưởng đã hiểu rõ lại không nói hết sự thật về diễn biến tình cảm và lý do họ chấm dứt mối quan hệ của mình. Tôi kết thúc vòng phỏng vấn nhóm đầu tiên và rút ra ba điều:

• Khi một mối quan hệ trở nên quá gần gũi, loại đàn ông sợ sự gắn bó thường cư xử theo cách thức phi lý.

• Những người đàn ông đó đổ lỗi cho phụ nữ để cảm thấy ổn hơn trước hành động của mình.

• Đa số những người đàn ông này biết quá rõ rằng việc nhấn mạnh vào những điểm tiêu cực chỉ là một cách hợp lý hóa giúp họ tránh khỏi việc khơi sâu lỗi lầm của mình – sự bất lực trong việc gắn bó.

“Giờ tôi không có tâm trạng để nói về chuyện này” – Cách đàn ông che giấu bí mật

Đã có khá nhiều cuốn sách đưa ra lời khuyên cho những phụ nữ độc thân hay mắc kẹt trong những mối quan hệ không hoàn hảo. Tôi đã đọc gần hết số sách đó, và hình như có quá nhiều thông tin thừa thãi. Đa số chúng chỉ dựa trên những buổi phỏng vấn phụ nữ hay những buổi phỏng vấn cực kỳ chung chung với cánh đàn ông.

Tôi viết cuốn sách này cho phụ nữ vì tôi muốn giúp họ hiểu cách đàn ông nghĩ, và cả vấn đề gắn kết. Với mục đích ấy, tôi thấy cần phải tìm ra sự thật từ càng nhiều đàn ông càng tốt. Khi bắt tay vào việc này, tôi bắt đầu nhận ra sự khó khăn. Những người đàn ông này rất khó tính, gần như không thể khai thác thông tin từ họ, họ không muốn nói về chuyện đó. Câu trả lời thường sẽ là: “Giờ tôi không có tâm trạng để nói về chuyện này.” Tất nhiên họ sẽ trả lời vài câu hỏi khảo sát đơn giản hay đưa ra những thông tin chung chung, nhưng đúng là họ không có tâm trạng để nói chuyện thật. Nhiều người đàn ông tôi đề cập đến đều thực sự thấy tội lỗi. Họ không muốn nói về những gì mình đã làm hay thứ kích thích họ làm vậy.

Nếu không quyết tâm, chắc tôi sẽ không thể thực hiện được nhiều cuộc phỏng vấn kỹ càng. Tôi làm những điều nhiều phụ nữ không thể: bám lấy họ, kéo họ ra khỏi nơi ẩn náu của mình, soi tỏ tất cả những góc khuất tâm hồn họ, và buộc họ kể về những gì đã xảy ra. Một vài người trong số đó dập máy điện thoại ngay khi tôi gọi đến, có những người tôi phải gọi mười hay mười lăm lần chỉ để phỏng vấn có năm phút. Tôi nói chuyện với những người “không thể nói chuyện ngay bây giờ” trong xe họ hoặc trên đường đến sở làm. Với máy ghi âm trong tay, tôi chạy theo người đàn ông quanh căn hộ khi anh ta đang đóng gói đồ đạc, đi theo họ tới những buổi hẹn hò, mua chuộc họ bằng việc đồng ý phụ đạo tennis cho họ, thậm chí còn rửa xe ô tô cho họ nữa.

Tôi hoàn toàn cương quyết không kết thúc mà trong tay chỉ có những cuộc phỏng vấn hời hợt. Nhưng khiến những người đàn ông này vượt qua rào cản và nói chuyện quả là điều không dễ dàng chút nào. Kinh nghiệm giúp tôi có cái nhìn khá rõ về việc phụ nữ khó khăn đến mức nào để nhận được câu trả lời thẳng thắn từ người đàn ông ghét sự gắn kết.

“Tôi là người có lỗi trong chuyện này” – Cách phụ nữ giúp đàn ông cân bằng bí mật

Tất cả phụ nữ không chỉ mong mỏi vượt qua rào cản, mà còn sẵn sàng chạy trách nhiệm cho toàn bộ vấn đề. Thái độ của phần lớn họ hoàn toàn khác với phái mạnh. Khi nói về người đàn ông của đời mình, hầu như tất cả họ đều cố gắng nhấn mạnh vào những phẩm chất tốt nhất của anh ta. Có vẻ như họ luôn tìm những lý do hợp lý, ngay cả khi điều đó có nghĩa là phải chấp nhận đổ lỗi cho thói hành xử không thể chấp nhận được của nam giới. Họ luôn cố gắng khiến điều đó có nghĩa, ngay cả khi nó là vô nghĩa.

Tôi thực sự không cho rằng thái độ khác biệt này giữa đàn ông và phụ nữ hoàn toàn là kết quả của sự ngẫu nhiên hay cấu tạo sinh học. Hãy nghĩ về điều này: Những phụ nữ tốt bụng, thông minh, ưa nhìn bị tổn thương bởi họ “yêu quá nhiều.” Tôi chưa từng thấy có trường hợp tương tự nào thế này xảy ra với đàn ông, bởi họ “yêu quá ít.” Trên thực tế, những phụ nữ thông minh không lựa chọn sai lầm. Họ không chọn lựa. Người ta chọn họ. Và đó không phải bởi họ biểu hiện những tín hiệu khác thường, rối loạn thần kinh. Đó là bởi họ là những phụ nữ quyến rũ, thông minh khiến cánh đàn ông bị hút hồn. Vấn đề là có quá nhiều đàn ông bị họ quyến rũ mắc phải cùng một vấn đề – vấn đề về sự gắn kết.

Người đàn ông không thể yêu: Khi anh ta chạy trốn, còn phụ nữ không biết tại sao lại như vậy

Nếu đã từng nghe nhiều câu chuyện như tôi đã nói trên đây, bạn không thể không để ý là tất cả những mối quan hệ có liên quan đến chứng sợ gắn kết đều có chung một động cơ, và chúng kết thúc bằng những cách tương tự nhau một cách kỳ lạ. Điển hình là người đàn ông có kiểu hành vi dễ nhận biết. Tôi gọi đó là “hội chứng theo đuổi ‒ hoảng sợ.” Điều đó có nghĩa là theo đuổi đến cùng cho tới khi anh ta cảm thấy tình yêu và sự đáp lại của cô gái ấy khiến anh ta không bao giờ có thể thoát khỏi mối quan hệ được. Đến một thời điểm, anh ta bắt đầu thấy mối quan hệ đó như một cái bẫy. Nó kích thích nỗi tức giận, nếu không muốn nói là thực sự hoảng loạn trong thâm tâm anh ta. Trước khi người phụ nữ biết được chuyện gì đang diễn ra, anh ta chạy trốn mối quan hệ ấy, cô gái ấy, và tình yêu.

Trong những mối quan hệ này, thường có nhiều bước rất khác nhau và mỗi bước lại có riêng một khuôn mẫu. Nét khác biệt chủ yếu là mỗi bước kéo dài bao lâu. Một số người đàn ông có thể trải qua tất cả các bước của hội chứng theo đuổi ‒ hoảng sợ trong vòng một đêm. Trong khi đó, một số khác kéo dài hàng năm trời.

Có những người đàn ông có buổi hẹn hò đầu tiên không suôn sẻ và họ không gọi lại cho người kia bởi ngay lập tức họ nghĩ tới chuyện phải kết hôn với cô gái trong tương lai. Có những người khác, tình dục đồng nghĩa với sự gắn kết và họ sợ hãi điều đó. Tất cả nói lên rằng anh ta đang bế tắc.

Không cần phải nói, một người phụ nữ có thể bị người đàn ông như vậy hủy hoại. Mức độ đau buồn phụ thuộc một phần vào khoảng thời gian yêu nhau trước khi anh ta rơi vào hoảng loạn. Đàn ông hiếm khi lộ ra những dấu hiệu rõ rệt, và cô cũng hiếm khi muốn anh ta rời bỏ mình. Cô thường cảm giác có điều gì đã xảy ra trong đầu anh ta, nhưng lại không biết điều gì khởi sự cho nhu cầu thoát khỏi cuộc tình của anh ta như vậy.

Khi trốn chạy, người đàn ông dựa vào cái mà anh ta coi là điểm gắn kết không có đường lui. Thời điểm này phụ thuộc vào vài yếu tố, bao gồm kiểu tính cách của anh ta, cách xử sự của phụ nữ, và mức độ gắn bó giữa hai người. Lúc nào xảy ra cũng là một thời điểm bước ngoặt − khi người đàn ông nhìn người phụ nữ và cảm thấy nếu không chạy đi ngay lập tức, anh ta sẽ vĩnh viễn bị giam cầm.

Trong mối quan hệ thế này, nếu rơi vào cơn hoảng sợ, anh ta thường làm một trong những bốn điều sau, tương ứng với từng giai đoạn.

Điều thứ nhất: Một cuộc hẹn hò không hơn không kém

Ở trường hợp này, người phụ nữ đều ít nhiều gặp phải vài người đàn ông. Chuyện này xảy ra khi người mắc chứng sợ gắn kết có buổi hẹn hò đầu tiên tuyệt vời ngoài dự kiến và anh ta quyết định không gọi lại.

Renee T. gợi lại:

“Đó là một buổi hẹn hò hoàn hảo. Chúng tôi cột thuyền gần một bãi biển vắng và đi bơi. Chúng tôi như những con tôm hùm trên bến tàu. Bạn có thể tưởng tượng được hôm đó chúng tôi thân mật thế nào. Anh nói anh chưa bao giờ cảm thấy yên bình như khi ở bên tôi. Chúng tôi không ở bên nhau buổi tối vì tôi phải về nhà trông con gái, tôi đi ngủ và mong anh gọi lại để bàn bạc địa điểm sẽ tới vào sáng mai. Nhưng anh ấy không bao giờ gọi lại nữa. Trong suốt khoảng thời gian dài, tôi tưởng là do những gì mình đã nói. Nghe có vẻ điên rồ, nhưng bạn biết tôi bối rối thế nào rồi đấy… Sau khoảng thời gian vui vẻ bên nhau, tôi nhìn anh ấy – cao một mét sáu mươi ba – và nói, ‘Gee, anh thật cao.’ Ý tôi đó là một lời khen. Nhưng giờ đây tôi lại tin rằng chính câu nói đó đã khiến anh ấy tự ái và bắt đầu ghét tôi. Tôi không thể tin được anh ấy lại cư xử với tôi như thế.”

Điều thứ hai: Cuộc thi cải trang thành Don Juan

Khi người đàn ông lên giường với phụ nữ một lần duy nhất và rồi chạy trốn, rõ ràng anh ta đang hoảng sợ theo kiểu thứ hai. Anh ta có thể gọi lại cho cô gái sau buổi hẹn đầu tiên, nhưng ngay lập tức chuyện tình dục làm cho mọi chuyện xấu đi. (Anh ta rất có thể là một Don Juan điển hình nhưng đừng để sự giống nhau bên ngoài làm bạn rối trí.)

Anne B. kể:

“Phần hay ho nhất trong câu chuyện là anh ấy là một vị linh mục Anh giáo, tin hay không tùy bạn. Anh sống tại Philadelphia, còn tôi thì ở New York. Chúng tôi có vài người bạn chung và sở thích âm nhạc giống nhau. Dù thế nào đi nữa, chúng tôi vẫn có cùng một tôn giáo. Cả hai chúng tôi đều tham dự một liên hoan âm nhạc và trong vài tuần, chúng tôi liên lạc với nhau thường xuyên. Vào cuối tuần đầu tiên, anh nói cho tôi biết tôi quan trọng với anh đến nhường nào. Anh nói lời yêu với tôi. Tôi phải nói thêm rằng, anh cũng nói nhiều về tầm quan trọng của những giá trị, sự gắn kết, và những gì tương tự như thế. Cuối cùng chúng tôi quay trở lại New York, và thay vì đi thẳng đến Philadelphia, anh về nhà cùng tôi, tôi đồng ý “yêu” anh. Tôi cảm thấy rất đắm đuối. Sáng hôm sau anh đi. Anh nói sẽ gọi cho tôi vào ngày hôm sau, nhưng phải đến hai tuần sau tôi vẫn không nhận được cuộc gọi nào. Khi đó, tôi biết mối quan hệ của mình không ổn. Tôi cố gắng gọi cho anh vài lần, gửi cho anh vài tấm bưu thiếp, và phải xấu hổ mà thừa nhận, một món quà sinh nhật nhỏ, nhưng anh không bao giờ gọi lại cho tôi nữa. Tôi đã suy sụp. Trong vòng ít nhất một năm tôi chắc rằng tôi ắt đã làm điều gì không ổn suốt quãng thời gian chúng tôi biết nhau. Thỉnh thoảng tôi vẫn nghĩ về anh.”

Điều thứ ba: Gần như là nhà

Đây là điểm mà đàn ông sợ nhất. Trước thời điểm này, đàn ông tỏ ra cố gắng gây dựng một mối quan hệ thực sự. Nhưng khi đến điểm mốc này, khi tất cả các trù bị đã hoàn tất, đã đến lúc phát triển mối quan hệ, thì người đàn ông lại tự giải thoát mình trước nỗi sợ bị trói buộc.

Lori S. nhớ lại:

“Chúng tôi sống ở hai thành phố khác nhau. Anh ở Boston, còn tôi ở New York. Trong vòng hai năm, chúng tôi chỉ gặp nhau vào cuối tuần và dịp nghỉ lễ. Tiền điện thoại của chúng tôi cao ngất ngưởng. Anh đề nghị tôi đến ở cùng anh. Cuối cùng tôi đã đồng ý. Tôi kiếm được công việc mới và một căn hộ ở Boston. Tôi bảo anh chuyển đến sống tạm với tôi trong một hay hai tuần. Tôi đã sống ở căn hộ này được khoảng hai tuần – sách vở vẫn để trong thùng các-tông. Đầu tiên anh bắt đầu hoãn việc chuyển nhà, sau đó không đến như thường lệ – anh luôn đến trễ. Một tối, tôi đang chuẩn bị bữa tối đặc biệt mừng sinh nhật anh thì anh gọi tới. Anh nói mình thấy không khỏe và không thể tới đây được. Tôi hỏi liệu anh có muốn tôi gói bữa tối đem đến căn hộ cho anh không. Anh nói không. Tôi có thể nghe thấy giọng anh vọng lại. Tôi quỵ ngã khi tới nhà anh. Anh không có nhà. Suốt tối đó, cứ nửa tiếng tôi gọi anh một lần. Anh không về nhà. Khi gặp anh ở chỗ làm vào hôm sau, anh thừa nhận mình đã đi với một người khác. Tôi đã rất giận anh, nhưng rồi lại làm lành với nhau. Chúng tôi lặp lại tình trạng này vài tháng, nhưng càng ngày việc anh không thực hiện những kế hoạch của cả hai càng rõ ràng hơn. Rõ ràng anh đang theo đuổi người phụ nữ khác, và tình hình trở nên thực sự tồi tệ. Tôi tìm hiểu để cố gắng bỏ qua cho anh, thậm chí còn để anh được tự do về mặt tình cảm.”

Điểu thứ tư: Sáng hôm sau

Cho đến điểm mốc này, giữa hai người đã có sự gắn kết chính thức, và mối quan hệ trở nên gắn bó bền lâu. Lúc này, khi một người đàn ông hoảng sợ, thường đó là lúc khủng khiếp nhất.

Carole R. nhớ lại:

“Khi kết hôn với Bob, tôi tưởng cuối cùng mình đã may mắn. Đây là cuộc hôn nhân thứ hai của tôi – bọn trẻ đều lớn cả. Bob thật tuyệt vời; anh nói anh ngưỡng mộ tôi. Anh còn nói không thể chờ đến lễ cưới nữa, anh hứa sẽ bù đắp cho những thiệt thòi trong quá khứ của tôi. Nhưng vài ngày trước lễ cưới, anh bắt đầu tỏ ra khác đi. Ví dụ, anh phàn nàn khi cô con gái lớn của tôi không cười với anh khi nó vào nhà – đấy chỉ là chuyện nhỏ. Trước đó, chưa bao giờ anh phàn nàn gì về bọn trẻ, bạn bè, công việc của tôi. Nhưng trong những ngày trước lễ cưới, anh bắt đầu bắt lỗi tôi. Cuối năm đầu tiên, chẳng có thứ gì về tôi là đúng đắn cả. Tôi cố gắng thay đổi, nhưng điều đó cũng không khiến anh ta dừng lại. Anh ta bới móc những chuyện khác, từ cách đi, cách nói, đến cách nấu ăn của tôi. Khi tôi bước vào phòng, anh ta tỏ ra không vui. Anh ta bắt đầu bị ốm, phải đến bốn tháng ròng mới khỏe lại. Tôi đã từng trải qua điều này trước đó, nhưng tôi nhận ra rằng anh ta không thể chịu nổi cuộc hôn nhân. Tuy vậy, tôi nghĩ, chắc đó là do anh ta đã phải nài nỉ quá nhiều trước khi muốn tôi là người phá vỡ mối quan hệ. Tôi yêu cầu ly thân. Tôi nghĩ nếu tôi trẻ hơn đôi chút, hay ít cảnh giác hơn, chắc tôi đã bị gục ngã rồi.”

Đó không phải lỗi của bạn

Bất kỳ người phụ nữ nào gặp phải một trong những người đàn ông kiểu này cũng có một nguyên mẫu. Khi mối quan hệ bắt đầu, rất có thể cô ấy không hào hứng như người đàn ông kia và dần bị chinh phục trước sự thể hiện mãnh liệt của anh ta. Sau cùng, cô ấy hoàn toàn rối trí.

Tất cả những người phụ nữ đã nói chuyện với tôi thường lo lắng họ đã nói hay làm điều gì đó khiến đàn ông không thể chịu nổi. Ngay cả khi họ biết thừa họ không phải thấy tội lỗi vì đã phá hoại mối quan hệ ấy, mỗi người phụ nữ đều không thể tìm được một lời giải thích hợp lý, họ băn khoăn liệu có phải họ đã làm điều gì đó khiến anh ta bỏ đi hay không.

Nhưng trong hầu hết các trường hợp, chẳng có gì không ổn cả. Trên thực tế, một phần vấn đề là bởi anh ta bỏ đi trong lúc mọi thứ đều quá ổn. Bạn thấy đấy, điều duy nhất bất ổn là việc người đàn ông không thể chấp nhận gắn bó với bạn. Vì vậy, khi nhận thức được sự tiếp cận “C” ngày (nhận thức có thể liên quan đến thực tế hoặc không), đột nhiên anh ta quay ngoắt 180 độ, dừng việc theo đuổi, bắt đầu trốn chạy, và trong một số trường hợp biến mất khỏi tầm mắt bạn theo đúng nghĩa đen.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button