Văn học nước ngoài

Những Điền Chủ Nếp Xưa

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Nikolai Vasilievich Gogol

Download sách Những Điền Chủ Nếp Xưa ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : VĂN HỌC NƯỚC NGOÀI

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Định dạng EPUB                      Download

Định dạng MOBI                      Download

Định dạng PDF                         Download

Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Tôi rất yêu cuộc sống giản dị của những chủ nhân các làng quê xa xôi mà ở Tiểu Nga người ta thường gọi là điền chủ nếp xưa, những người hệt như những ngôi nhà hữu tình già nua cũ kỹ, đáng yêu bởi vẻ tạp sắc loang lổ, hoàn toàn đối lập với kiểu nhà tân thời phẳng phiu nhẵn nhụi, khi mà tường nhà còn chưa bị nước mưa xói tẩy, mái chưa hề phủ rêu xanh và thềm nhà còn chưa bị tróc vữa để phô ra những viên gạch đỏ. Thi thoảng tôi vẫn thích được lạc vào nơi ấy, dù chỉ phút giây thôi, vào cái môi trường cuộc sống biệt lập lạ thường ấy, nơi không một ước muốn nào có thể vượt qua dãy bờ giậu quanh khoảng sân nhỏ, ra khỏi hàng rào của ngôi vườn đầy những cây táo cây mận, vượt khỏi những ngôi nhà gỗ quê mùa lung lay xiêu vẹo xung quanh khu vườn, được những cây liễu, cây cơm cháy và cây lê nghiêng bóng che chở. Cuộc sống của các vị chủ nhân khiêm nhường ấy bình lặng quá, êm ả quá, đến nỗi trong phút chốc dường như bạn bỗng quên lãng đi và bạn nghĩ rằng hoàn toàn không hề tồn tại những niềm say mê, những ước vọng và những sản phẩm bất an của hung thần vốn thường làm nhiễu loạn trần thế, chẳng qua là bạn chỉ thấy tất cả những thứ đó trong những cơn mơ sáng chói và lấp lánh mà thôi. Từ nơi đây tôi thấy ngôi nhà nho nhỏ thâm u có hàng hiên với những cột gỗ nhỏ đen xỉn bao quanh toàn bộ nhà, để mỗi khi sấm sét và mưa đá thì có thể ra đóng cửa chớp mà không bị ướt. Đằng sau nhà có cây dã anh thơm ngát, những hàng cây ăn quả thấp lè tè, lúc lỉu quả anh đào đỏ thắm với cả một biển những trái mận màu hồng ngọc mờ phấn xám, cây phong lòa xòa, dưới gốc có trải tấm thảm để ngồi hóng mát; trước nhà là chiếc sân rộng thênh thang với lớp cỏ tươi xén ngắn, một lối mòn dẫn từ vựa lúa mì đến bếp và từ bếp đến phòng ngủ của các vị chủ nhân; con ngỗng cổ dài đang uống nước với bầy ngỗng con lông mịn như tơ; hàng dậu treo đầy những xâu táo xâu lê phơi khô và những tấm thảm đang hong gió; chiếc xe ngựa chở đầy dưa bở bên cạnh vựa lúa mì, con bò thiến được cởi dây buộc đang lười biếng nằm bên cạnh – đối với tôi, tất cả những cái đó có một vẻ gì đó tuyệt mỹ không sao cắt nghĩa được, có thể do tôi chẳng thể nào gặp lại chúng nữa, hoặc cũng có thể đối với chúng ta tất cả những gì đã xa cách thì đều đáng mến đáng yêu. Trong mọi trường hợp, ngay cả thưở ấy, khi chiếc xe ngựa của tôi gần đến bậc thềm của ngôi nhà nhỏ đó, tâm hồn tôi bỗng dâng trào một trạng thái dễ chịu và yên tĩnh lạ thường; những con ngựa vui vẻ chạy tới trước thềm nhà, người xà ích rất bình thản nhảy từ trên ghế xuống và rất bình thản nhồi thuốc vào tẩu, như thể bác ta vừa về đến nhà mình, ngay cả tiếng sủa mà mấy con chó barbos, brovka và zhuchka1 lãnh đạm cất lên cũng khiến tôi thấy vui tai.

Nhưng hơn tất thảy những cái đó, tôi thích nhất các vị chủ nhân của góc nhỏ giản dị ấy, những ông lão, bà lão ân cần, vồn vã bước ra chào đón khách. Cho đến tận bây giờ, đôi khi tôi vẫn hình dung ra họ trong tiếng ồn ào giữa đám đông những người mặc áo đuôi tôm theo mốt, và những lúc đó tôi lại như thấy mình dường như đang trong giấc mơ dở dang về một thời quá khứ đã qua. Trên gương mặt những ông bà già đó lúc nào cũng thể hiện lòng nhân từ, sự vồn vã chân thành đến nỗi dù chỉ trong một khoảng thời gian ngắn ngủi, bạn vô tình từ bỏ những mơ ước táo bạo của mình và dần dần toàn tâm toàn ý chuyển sang một cuộc sống yên bình phẳng lặng. Đến tận thời điểm này tôi vẫn không thể nào quên được đôi vợ chồng già thế kỉ trước, những người mà than ôi, nay đã không còn nữa, nhưng cho đến bây giờ tâm hồn tôi vẫn tràn đầy thương cảm, và tôi thấy lòng mình thắt lại một cách lạ thường mỗi khi hình dung rằng đến một lúc nào đó mình lại đến khu tư thất xưa của họ mà nay đã thành hoang vắng, và sẽ thấy hàng loạt nhà cửa đổ nát, mảnh ao đã bồi lấp, đoạn hào bị cây cỏ trùm khuất tại cái nơi xưa kia từng có một ngôi nhà xinh mái thấp của họ – và ngoài ra chẳng còn gì khác nữa. Chao ôi là buồn! Chưa chi tôi đã thấy trước là buồn quá mất rồi! Nhưng thôi chúng ta hẵng quay lại câu chuyện.

Afanasi Ivanovich Tovstogub và bà vợ của ông tên là Pulkheria Ivanovna Tovstogubikha, theo cách gọi của cánh mugic trong vùng, chính là những người già mà tôi đã bắt đầu nói đến ở trên. Giá như tôi là một họa sĩ và muốn mô tả Filemon và Bavkida2 trên tranh, hẳn là tôi chẳng bao giờ chọn được nguyên mẫu nào khác ngoài họ. Afanasi Ivanovich khoảng sáu mươi, còn Pulkheria Ivanovna thì chừng năm mươi lăm tuổi. Afanasi Ivanovich có dáng người lỏng khỏng, lúc nào cũng mặc chiếc áo khoác bằng lông cừu có lượt bọc ngoài bằng vải len dày, thường ngồi gù lưng và hầu như lúc nào cũng mỉm cười, cho dù ông đang kể chuyện hoặc đơn giản là chỉ ngồi nghe. Còn Pulkheria Ivanovna thì hơi nghiêm, hầu như không bao giờ cười, nhưng trên mặt bà ghi dấu biết bao từ tâm, bao lòng sẵn sàng thết đãi bạn tất cả những gì ngon nhất có trong nhà, đến nỗi bạn sẽ thấy rằng nụ cười là quá thừa trên gương mặt hiền hậu của bà. Những nếp nhăn trên mặt họ được phân bố một cách dễ chịu đến nỗi chắc là họa sĩ nào cũng muốn lấy trộm những đường nét ấy. Dường như qua những nếp nhăn đó người ta có thể đọc được tất cả về cuộc đời trong sáng, bình thản của họ, những người thuộc dòng họ quý tộc cổ xưa, vừa chất phác mà đồng thời lại giàu sang, thường xuyên trái ngược với những kẻ Tiểu Nga thấp hèn, nảy nòi ra từ những gã nấu hắc ín, những gã con buôn, nhung nhúc trong những văn phòng hoặc công sở, thường lột tận đồng xu cuối cùng của đồng tộc, khiến cho Saint-Peterburg tràn ngập loại hớt lẻo, tâu báo, rốt cuộc tạo được vốn liếng để rồi đắc thắng thêm vào cái họ kết thúc bằng chữ “o” của mình một vĩ tố “v”3. Không đâu, y như tất cả những dòng họ Tiểu Nga có cội rễ lâu đời, hai ông bà lão này hoàn toàn không giống những kẻ đáng khinh thường và đáng thương hại đó.

Khó có thể cầm lòng nổi khi chứng kiến cảnh hai ông bà lão quyến luyến nhau mà không nảy sinh thiện cảm. Họ không bao giờ mình mình tôi tôi, mà bao giờ cũng gọi nhau trang trọng đầy đủ tên và phụ danh là “ông Afanasi Ivanovich”, “bà Pulkheria Ivanovna”. “Ông Afanasi Ivanovich ơi, có phải ông vừa đánh đổ chiếc ghế không đấy?” – “Không sao đâu, bà Pulkheria Ivanovna ạ, đừng giận tôi nhé, đúng là tôi đấy.” Bởi chưa bao giờ có con cái nên họ dồn tất cả mọi tình trìu mến cho nhau. Một thời, Afanasi Ivanovich từng phục vụ trong kỵ binh tình nguyện, sau đó được giữ chức vụ chuẩn tá, nhưng đó là chuyện xưa lắm rồi, đã trôi qua lâu đến nỗi chính bản thân Afanasi Ivanovich hầu như cũng không còn nhớ nữa.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button